PHẦN MỘT
Chương 8
Nửa Đêm Vượt Qua Tuyến Lửa

Cuối cùng cái đêm ấy đã đến.
 Ba mẹ và ông nội lưu luyến tạm biệt nhau. Bọn trẻ chúng tôi hôn ông nội. Ngoài cửa, màn  đêm dày đặc, bầu trời chỉ điểm mấy vì sao và treo lơ lửng mảnh trăng lưỡi liềm lạnh lẽo. Làng  xóm đã chìm trong giấc ngủ, không một tiếng gà kêu chó sủa, yên tĩnh đến rợn người.
 Ngoài sân, hai người gánh thuê đang đợi, mỗi người gánh hai cái thúng lớn, một thúng  đựng toàn áo quần của cả nhà (đồ của bà con nông dân cho để cải trang), còn ba thúng kia  chuẩn bị để gánh tôi và hai đứa em trai, từ Hồ Nam đến tận Tứ Xuyên. Chuyến hành trình bất  tận này không biết phải đi mất bao lâu. Tuổi thơ ấu chúng tôi nào biết nỗi khổ của chuyến đi  này. Gánh trẻ con đi theo là thói quen dân dã.
 Từ nhỏ, tôi đã ngồi đủ các loại phương tiện giao thông: nào là kiệu, xe thuyền, nào là xe  đẩy taỵ... Còn ngồi trong thúng có người gánh thì mới là lần đầu. Sự lạ lùng này làm tôi vơi đi  nỗi buồn từ giã ông nội, nhưng khi nhìn thấy ba mẹ và ông nội tôi mắt ngấn lệ, tay cầm tay  nghẹn ngào, tôi mới thấy nao lòng dạ, và đó là lần đầu tiên hiểu ra ý nghĩa của những chữ sinh  ly tử biệt.
 Chúng tôi xuất phát. Xếp bằng tròn ngồi vào thúng, tôi một đầu, Kỳ Lân một đầu, do một  người gánh, còn gánh kia, bé Tam một đầu, một đầu là đồ đoàn hành lý. Chúng tôi đi suốt  đêm, phải xuyên qua tuyến lửa quân Nhật, nếu không may bị chúng phát hiện, từ người gánh  thuê đến trẻ con đều khó bề trốn thoát. Chị em tôi đã được ba mẹ căn dặn không biết bao  nhiêu lần, nào tuyệt đối không được nói chuyện, không được ho, không được có bất cứ tiếng  động nào trên đường đi.... Thực ra chị em tôi đã phát khiếp lên qua mấy bận gặp phải quân  Nhật và biết rõ quân Nhật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Lưỡi lê không còn là đồ chơi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, dù ba mẹ không căn dặn, chúng tôi cũng không dám  hó hé. Mọi người lần mò trong đêm tối, không đuốc, không đèn lồng, cũng không có loại đèn  bão mà bà con nông dân hay dùng. Ba mẹ, người gánh thuê và cả chúng tôi đều mặc toàn một  màu đen.
 Không dám đi đường lớn, chúng tôi toàn xuyên đường tắt, và hai người gánh thuê tỏ ra rất  thạo đường, biết rõ cả những nơi quân Nhật đồn trú, có lẽ không phải lần đầu họ đưa người  lánh nạn qua đây. Ba mẹ tôi thuê họ gánh chúng tôi đi thẳng tới Quảng Tây. Nghe nói, tới  Quảng Tây sẽ có xe lửa chở người lánh nạn thẳng tới Quế Lâm. Lộ trình của chúng tôi là đạp  xe lửa vượt qua Quảng Tây, xuyên Quế Châu để tới Tứ Xuyên (một sự tính toán hoàn toàn tự nguyện, song chúng tôi nào hay biết, con đường ấy phải đi đăng đẳng một năm trời. Cuối  cùng rồi cũng đến được Trùng Khánh đúng vào lúc nhà nhà pháo nổ, người hân hoan, phố xá  ngập trong biển cờ, mừng kháng chiến thắng lợi! )
 Trong màn đêm bao phủ, đoàn người chúng tôi lặng lẽ dò từng bước đi. Đã lâu lắm, chúng  tôi không được đi đường lộ, chỉ đi xuyên ruộng, lúa cao tới đầu, tiếng lúa chạm loạt xoạt,  thỉnh thoảng dẫm lên những đống gỗ vụn nghe lạo xạo làm ai nấy giật thót cả người. Kể từ khi rời Hành Dương, tựa hồ chúng tôi đều gặp may, còn cửa ải vượt tuyến lửa đêm nay liệu có  thoát vòng nguy hiểm được chăng? Tôi nghĩ, cả ba mẹ tôi cũng chẳng nắm chắc được gì đâu,  nhưng có điều là ba mẹ tôi có sẵn quyết tâm và dũng khí.
 Những chuyến đi đêm như vậy cũng chỉ có mấy hôm, ban ngày chúng tôi ở trong nhà  những bác nông dân tốt bụng, ban đêm lại tiếp tục lên đường. Ngồi trong thúng, chật chội,  chân tay chúng tôi như tê cứng lại, nhiều lúc bọn trẻ chúng tôi đòi leo ra đi bộ một chút cho  đã. Mừng nhất là đoạn đường này không gặp lính Nhật, nhưng nơi nào chúng tôi đến đều thấy  ở đó bị lính Nhật đốt phá sạch bách. Khó quên nhất đối với tôi là hình ảnh bé Quyên.
 Nhặt được bé Quyên thế nào tôi không nhớ rõ. Hình như chúng tôi lần theo tiếng khóc  trong ruộng lúa để tìm thì phải. Tuổi Quyên và tuổi tôi sàn sàn nhau hoặc Quyên lớn hơn tôi  chút ít. Khi ba mẹ tôi ẵm bé dậy trong ruộng lúa, quần áo nó rách nát, mình đầy thương tích.  Qua mấy câu hỏi ngắn gọn, chúng tôi biết ba mẹ bé đều bị lính Nhật man rợ sát hại cùng với
đám tay quỉ dữ. Mình mẩy bê bết bùn đất, bé vừa khóc vừa kể lại chuyện đã qua khiến tôi vô  cùng xúc động. Tôi xin mẹ:
 - Mẹ ơi, chúng ta đưa bạn ấy cùng đi mẹ nhé!
 Bé Quyên nhìn mẹ tôi với đôi mắt khẩn cầu, mãi đến bây giờ, tôi không sao quên được  đôi mắt đen nhánh, và chứa chan hy vọng ấy. Mẹ tôi thở dài, không nói một câu, chỉ ôm bé  vào lòng, lau sạch mặt mày cho bé rồi kiếm đồ cho bạn ấy ăn. Tôi mừng quýnh sốt sắng  nhường chiếc thúng cho bạn ngồi rồi đi bên cạnh, thủ thỉ nhỏ to để an ủi bạn ấy. Tôi coi bạn là  một thành viên trong gia đình và nghĩ rằng bạn mãi mãi ở bên cạnh chúng tôi. Bạn ấy đâu còn  gia đình, trong chiến tranh, những đứa trẻ được nhặt về như vậy là chuyện thường tình.
 Chỉ qua một đêm, tôi và bé Quyên đã trở thành đôi bạn tốt, thành chị em thân thiện.  Chúng tôi vào nhà một bác nông dân. Mẹ tôi tắm rửa và bôi thuốc vào các vết thương trên  người bé. Tôi và bạn ấy cùng ngủ chung một giường, tôi ôm lấy Quyên, tựa đầu, tựa vai  truyền hơi ấm cho nhau, lịm đi trong giấc ngủ ngon lành.
Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ, tôi mơ màng nghe thấy ba mẹ tôi bàn chuyện suốt đêm,  dường như cố tìm đường đi nước bước xuyên qua tuyến lửa của quân Nhật để thoát vòng  nguy hiểm. Rồi hai người chuyển sang nói chuyện bé Quyên. Bàn bạc thật lâu, nào là nhân  tính, hiện thực, kinh tế, tự mình đã khó bảo toàn... Tôi nghe không hiểu, sau đó ngủ thiếp đi.
Đang lúc ngái ngủ, mẹ tôi lay dậy và suyt nhỏ như ra hiệu cho tôi đừng đánh thức bé  Quyên. Tôi mắt nhắm mắt mở mặc áo quần, rồi ra khỏi nhà bác nông dân. Trời không trăng  sao, tối đen như mực. Cho đến lúc ngồi vào thúng, tôi mới tỉnh người. Tôi vụt đứng dậy, la  hoảng:
 - Mẹ ơi, ba mẹ quên bé Quyên rồi!
 Mẹ tôi ấn tôi ngồi xuống, nói nhỏ nhẹ:
 - Phượng Hoàng con, chúng ta không có cách nào đưa Quyên theo được, đường còn dài  lắm. Chủ nhà biết cậu của Quyên, mẹ đã gởi lại ít tiền nhờ họ đưa Quyên về nhà người thân,  đó là việc duy nhất ba mẹ có thể làm được đó con ạ.
 - Nhưng mà, mẹ... bé Quyên tưởng mình sẽ đưa bạn ấy đi cùng! Mẹ cũng đồng ý rồi cơ mà! Tôi cuống cuồng nói lớn.
 - Con ơi! Mẹ tôi thở dài, nét mặt đầy đau khổ. Con phải hiểu một chút mới được!
 Tôi không dám nói gì hơn, ngồi yên trong thúng, tiếp tục đi về phía trước. Thúng lúc lắc,  bốn bề lặng tanh. Chúng tôi lội qua con sông nhỏ, băng qua ruộng lúạ... Gió đêm lạnh buốt.  Tôi nằm khoanh trong thúng, khóc thút thít. Tình cảm trẻ con đến là lạ, khi xa ông nội tôi có  khóc đâu, vậy mà xa bé Quyên tôi lại khóc. Tôi khóc lâu lắm, vì tôi nghĩ rằng, khi bé Quyên  thức dậy, không thấy chúng tôi, bạn ấy sẽ đau đớn và tuyệt vọng biết dường nào. (Việc có vậy  mà mãi nhiều năm sau tôi mới nghiệm ra cái điều bất đắc dĩ vì sao ba mẹ tôi để bé Quyên ở lại. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết, đoàn tụ và chia ly vốn có mấy ai tự định đoạt  được).
 Hừng sáng, chúng tôi vượt qua tuyến lửa.
Đúng trưa, chúng tôi nhìn thấy quân Quốc dân đảng, nhìn thấy Quốc Kỳ, ba mẹ tôi sung  sướng quá, tôi tưởng đâu trước mặt đã là con đường rộng thênh thang. Nào ngờ, phía trước  còn lắm chông gai, sóng gió.
 Dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng đã kết thúc được một chuyến đi đêm, trở lại sinh hoạt  bình thường, ngày đi tối nghỉ. Cuộc hành trình dài ngày vẫn tiếp tục. Suốt dọc đường đi, cũng  như mãi đến bây giờ, tôi không làm sao quên được Quyên, người bạn gái bé bỏng ấy.