Hồi 78
Trông Ðồ Hình Hào Kiệt Luyện Võ

Thạch Phá Thiên nghe hai người tranh biện về hai chữ "chủ khách" hàng giờ, không ai chịu ai, mỗi lúc một to tiếng mà chàng chẳng hiểu gì ráo. Chàng đưa mắt nhìn qua mé Tây thấy một đôi nam nữ đang tỷ kiếm. Họ tỷ qua lại một chiêu. Có lúc người đàn ông ngoẹo đầu suy nghĩ. Có lúc người đàn bà sử đi sử lại một chiêu kiếm đến tám chín lần. Xem chừng hai người này nếu không phải là vợ chồng thì cũng là anh em hay bạn đồng môn, vì họ có vẻ thân tình với nhau lắm. Họ đồng tâm hiệp lực để nghiên cứu võ học tuyệt không tranh chấp nhau nửa câu.
Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ:
-Học kiếm pháp theo hai người này chắc có thể đi đến chỗ vi diệu được.
Chàng liền từ từ tiến lại gần.
Bỗng thấy người đàn ông phóng kiếm chênh chếch đi, nhưng mới phóng ra nửa vời lại thu về, lắc đầu mấy cái, tỏ vẻ chán nản rồi thở dài nói:
-Rút cục vẫn không đúng.
Người đàn bà liền an ủi gã, nói:
-Viên ca! So với năm tháng trước đây, chiêu này viễn ca đã tiến bộ rất nhiều. Chúng ta thử nghĩ lại lời chú thích này: "Ngô câu là thanh bảo đao của Ngô Vương Hạp Lư". Tại sao thanh bảo đao của Ngô Vương Hạp Lư lại có chỗ dị đồng với bảo đao của người khác.
Gã đàn ông thu trường kiếm về, đọc bài chú giải trên vách:
-Sách Ngô Việt Xuân Thu chép rằng: "Hạp Lư đã bán thanh kiếm Mạc Tà còn ra lệnh cho người trong nước đánh câu (gươm) vàng. Ai làm câu tốt được thưởng trăm lạng vàng. Người Ngô làm câu rất nhiều. Có kẻ tham được nhà vua trọng thưởng giết hai con lấy máu pha vô vàng, y làm được đôi câu dâng Hạp Lư". Thiên muội! Câu chuyện cũ này thật là tàn nhẫn! Ai đời vì tham trăm lạng vàng thưởng mà giết hai con của mình bao giờ?.
Người đàn bà đáp:
-Hai chữ "tàn nhẫn" dường như là yếu quyết của chiêu này, tức là phải hạ thủ một cách quyết liệt, dù chính con mình sinh ra cũng phải giết chết. Nếu không thế thì bài chú thích trên vách dẫn tích này vào làm chi?
Thạch Phá Thiên thấy người đàn bà này cỡ ngoài bốn chục tuổi, dung mạo rất xinh tươi, mà nói đến chuyện người giết con, mụ vẫn mặt trơ như đá, không tỏ vẻ cảm động chút nào, nên chàng chán ghét không muốn nghe nữa.
Chàng ngẩn lên nhìn vách đá thấy khắc đầy văn tự mà chàng lại không biết chữ, nên chẳng để ý làm chi. Nhưng giữa đám văn tự chi chít này có khắc cả hai, ba chục thanh kiếm.
Chỗ thanh kiếm này đủ hiểu: dài có, ngắn có. Thanh thì mũi chỏng ngược lên, thanh thì mũi chúc xuống. Có thanh thì nằm nghiêng như muốn bay lên, có thanh xiên ngang như sắp rớt xuống.
Thạch Phá Thiên bắt đầu ngắm nghía từng thanh một. Khi chàng coi đến thanh kiếm thứ mười hai thì đột nhiên huyệt" Cự Cốt " ở vai bên phải nóng ran. Một luồng nhiệt khí rần rần như muốn phát động.
Chàng coi sang thanh kiếm thứ mười ba, luồng nhiệt khí thuận đường kính mạnh chuyển tới huyệt "Ngũ Lý". Chàng coi đến thanh thứ mười bốn, luồng nhiệt khí chuyển vào huyệt "Khúc Trì".
Luồng nhiệt khí mỗi lúc một lên cao độ, từ huyệt "Ðan Ðiền" bốc lên không ngớt.
Thạch Phá Thiên rất lấy làm kỳ, bụng bảo dạ:
-Trước kia, mình luyện theo kinh mạch tượng gỗ "Thập Bát La hán Thần Công" nội lực tăng tiến rất mau, nhưng không cảm thấy cấp bách như lần này. Chẳng hiểu đây là họa hay là phúc. Ruột nóng như nước sôi thế này, không chừng chất độc trong cháo Lạp Bát dã bắt đầu phát tác cũng nên.
Chàng nghĩ tới món cháo kịch độc đó thì không khỏi bỏ vía, nhưng cứ tiếp tục xem những hình kiếm vẽ, nội lực cũng theo đó mà chyển vận. Luồng nhiệt khí trong bụng từ từ chuyển vận đến các huyệt đạo trong người chàng.
Thạch Phá Thiên coi lại từ thanh kiếm thứ nhất rồi tuần tự coi tiếp xuống dưới. Luồng nội lực ào ạt như nước sông thuận đường mà chuyển vận.
Chàng coi từ đầu cho đến thanh kiếm thứ hai mươi bốn thì luồng nội lực đi từ huyệt "Nghinh Hương" vận hành cho đến huyệt " Thương Dương".
Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ:
-Té ra những hình kiếm này có liên quan cả đến việc tụ tập nội lực. Có điều đáng tiếc là mình không hiểu văn tự trên vách. Nếu biết thì cứ theo đúng phép mà luyện tập lo gì chẳng học được một môn kiếm pháp ra trò. Âu là ta trở về phòng đầu, kiếm Bạch gia gia để xin người cắt nghĩa cao minh nghe.
Chàng liền chạy về phòng đã thấy Bạch Tự Tại và Ôn Nhân Hậu mỗi người cầm một thanh kiếm gỗ để bãi bỏ chiêu thức rồi lại trao, luận một hỏi. Có lúc hai ông trỏ lên vần tự trên vách đó hai chữ. Ông nào cũng bảo thủ ý kiến của mình là đúng mà chỉ chích chỗ lầm lẫn của đối phương.
Thạch Phá Thiên kéo tay áo Bạch Tự Tại hỏi:
-Gia gia chữ này nói gì đây?
Bạch Tự Tại giải nghĩa cho chàng nghe mấy câu.
Ôn Nhân Hậu liền nói xen vào:
-Trật rồi! Trật rồi! Bạch huynh! Võ công Bạch huynh tuy cao thâm thật, nhưng tiểu đệ ở đây đã mười mấy năm. Chẳng lẽ công trình thời gian lâu dài đó trống cả hay sao? Nói tóm lại có chỗ Bạch huynh chưa lĩnh hội được.
Bạch Tự Tại nói:
-Học võ công như tu đạo. Mười năm khổ công tu luyện chưa chắc đã bằng một đêm giác ngộ. Tiểu đệ cho là câu này hiểu như thế mới đúng...
Ôn Nhân Hậu lắc đầu quầy quậy nói:
-Bạch huynh lầm to rồi, không phải thế đâu.
Thạch Phá Thiên nghe Bạch Tự Tại cùng Ôn Nhân Hậu tranh cãi coi bộ không biết đến bao giờ mới xong, thì bụng bảo dạ:
-Những văn tự chú thích trên vách đá khó khăn thế này chắc không ai giải quyết được. Vừa rồi Long đảo chúa đã nói họ mời không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm, trong số đó, rất nhiều người học vấn uyên thâm đã bàn cãi mười máy năm trời mà chưa ra được lẽ giải. Mình là anh chàng dốt đặc thì đi nghe họ làm chi cho điên đầu vô ích?
Trong nhà Thạch Thất, bao nhiêu người đi đi lại lại không ngớt. Ðầu này một tốp, đầu kia một đám, chỗ nào cũng nghị luận gay go sôi nổi. Ai nấy đều phô bày ý nghĩ của mình và cho mình là phải. Chàng muốn kiếm một người nói mấy câu chuyện chơi cho đỡ buồn cũng không thể được. Chàng cảm thấy bơ vơ lạc lõng, liền bỏ đi xem những đồ hình.
Chàng vào phòng thứ hai coi hai mươi bốn thứ đồ hình các thanh kiếm chàng phát giác ra phương vị, hình trạng các thanh trương kiếm ám hợp với những vị trí và những đường lối vận chuyển các kinh mạch trong thân thể chàng.
Bức đồ hình thứ nhất về một chàng thanh niên thư sinh ngoài ra không có gì nữa.
Chàng coi một lúc phát giác ra người đồ hình đang phô diễn tư thế phất tay áo bên phải coi rất ung dung đẹp mắt. Bất giác chàng coi lại mấy lần.
Ðột nhiên chàng phát giác ra huyệt "Uyên Mạch" ở cạnh sườn bên phải mình chuyển động.
Một luồng nhiệt khí đi theo túc thiếu dương đởm kình vào hai huyệt "Nhật Nguyệt" và "Kinh Môn"
Thạch Phá Thiên trong bụng mừng thầm. Chàng xem kỹ lại thì những đường dây cấu tạo nên y phục, nét mặt và cây quạt của người trong đồ hình, nét nào cũng liên lạc với nhau.
Chàng liền thuận chiều xem mãi xuống, thì quả nội lực trong người cũng chuyển vận theo những đường dây đó. Chàng liền bụng bảo dạ:
-Bút pháp trong họa đồ phù hợp với những kinh mạch trong thân thể người chẳng qua là những lý lẽ rất thô sơ, ai ai cũng có thể hiểu được. Có điều những võ học cao thâm mình không lĩnh hội được. Ngày trước nhằm những lúc rảnh việc, mình đã đem những pho tượng gỗ ra luyện công theo nét vẽ trên tường, thì bây giờ ở đây, mình cũng theo đồ hình luyện lấy chút công phu thô thiển, mà chơi để chờ gia gia lĩnh hội được võ công thượng thừa rồi sẽ cùng nhau rời đảo trở về.
Nghĩ vậy, chàng liền tìm đến chỗ bắt đầu nét bút rồi cứ luyện theo thứ tự.
Nguyên bút pháp đồ hình này rất kỳ quái. Có lúc đi từ dưới lên trên, lại cò lúc đi từ trái sang khác hẳn với nét bút thông thường hoặc viết hoặc vẽ trong các sách vở cùng họa đồ.
May ở chỗ Thạch Phá Thiên trước nay chưa học viết chữ bao giờ.
Ta nên biết rằng bát luận viết chữ hay họa đồ thì bao giờ, nét bút cũng đua từ trên xuống dưới, từ tả sang hữu. Vì thế mà gặp những chỗ bút pháp trái ngược, chàng chẳng lấy thế làm quái lạ, cứ theo đúng đồ hình mà luyện. Giả tỷ vào đại vị một người dù là tre nít đã học đã viết qua mấy bữa thì quyết không thể theo đường lối nét bút quái dị nầy.
Những nét bút họa trên bản đồ kể cả thuận lẫn ngược cả thảy là chín lần chín tám mươi mốt nét.
Thạch Phá Thiên luyện được hơn ba mươi nét thì cảm thấy bụng đã đói meo. Chàng ngó trên ghế bốn góc nhà thấy bày đủ thứ bánh trái, nào trà nước. Chàng liền lại lấy ăn uống một hồi, rồi ra ngoài đi đại, tiểu tiện. Xong chàng lại quay vào phòng y theo những đường lối trên nét bút mà luyện tập.
Trong thạch thất đèn lửa sáng trưng, chàng mệt thì ngồi tựa vào vách mà ngủ, đói lại lấy bánh mà ăn.
Ngày giờ trôi qua chàng cũng không hay.
Thạch Phá Thiên không hiểu mình đã luyện được bao nhiêu ngày giờ. Trên bản đồ thứ nhất gồm có tám mươi mốt nét bút chàng đã thuộc lòng, liền đi kiếm Bạch Tự Tại thì không thấy lão đâu nữa.
Thạch Phá Thiên đã hơi hoang mang, chàng la gọi:
-Gia gia! Gia gia!
Chàng hộc tốc chạy sang gian phòng thứ hai, đưa mắt nhìn vào thấy Bạch Tự Tại tay cầm thanh kiếm gỗ đang đấu cùng một vị lão đạo mặt mũi hồng hào như trẻ nít, mà mái tóc đã bạc phơ,
Kiếm pháp hai người trông tựa hồ rất non nớt và vụng về, nhưng hai thanh kiếm đều rút lên veo véo. Ðúng là hai người đã trút nội lực thượng thừa vào kiếm chiêu.
Bỗng nghe "cách" một tiếng vang lên?
Cây kiếm gỗ trong tay Bạch Tự Tại rớt xuống đất.
Lão đạo cười hỏi.
-Thế nào?
Bạch Tự Tại chưa chịu phục đáp:
-Ngu Trà Ðạo trưởng! Kiếm pháp của đạo trưởng so với tại hạ còn cao minh hơn nhiều thiệt. Tại hạ rất khâm phục về điểm này. Nhưng đây là võ học truyền đời của phái Võ Ðương chứ không phải là bảo kiếm pháp chú thích trên vách đá này.
Ngu Trà đạo trưởng cười hỏi lại:
-Theo lời Bạch tiên sinh thì sao?
Bạch Tự Tại đáp:
-Trong câu "Ngô câu sương tuyết minh" này thì chữ "minh" ý nghĩa rất sâu xa...
Thạch Phá Thiên kiếm thấy gia gia rồi, chàng đã vững dạ, lên tiếng hỏi xen vào:
-Gia gia! Chúng ta đi về thôi chứ?
Bạch Tự Tại lấy làm kỳ hỏi lại:
-Ngươi bảo sao?
Thạch Phá Thiên đáp:
-Long đảo chúa ở đây đã nói chúng ta muốn về lúc nào thì có thể tuỳ tiện rời khỏi đảo, Ngoài bãi biển có rất nhiều thuyền bè, vậy chúng ta về được rồi.
Bạch Tự Tại tức giận xẳng giọng:
-Ngươi nói năng gì thế? Sao phải hấp tấp như vậy?
Thạch Phá Thiên thấy lão nổi giận, chàng kinh hãi đáp:
-Bà bà trở gia gia ở ngoài đó. Người nói chỉ đợi đến mười tám tháng giêng mà không thấy gia gia về thì người nhảy xuống biển tự tử.
Bạch Tự Tại ngẩn người ra nói:
-Mười tám tháng giêng ư? Chúng ta tới đây vào ngày mồng tám tháng chạp, mới đây có vài bữa, còn lâu, sợ gì? Thủng thẳng rồi hãy về cũng vừa.
Thạch Phá Thiên mong nhớ A Tú vô cùng! Chàng hồi tưởng hôm ấy nàng đứng trên bãi biển, vẻ mặt u sầu không bút nào tả xiết, cặp mắt đăm chiêu ngó chàng rời bến, chứa đựng biết bao nhiêu mối tình nghĩa thâm trọng, chàng hận mình không thể chắp cánh bay về cho đến nơi ngay tức khắc. Khốn nỗi Bạch Tự Tại bao nhiêu tâm trí toàn bộ để chìm đắm vào những môn võ học khắc trên vách đá, khác nào người đến bảo sơn, chẳng khi nào lão chịu về không.
Thạch Phá Thiên không dám nói gì nữa, chàng thả bước đi tới gian thạch thất thứ ba.
Vừa bước chân vào phòng, đã nghe tiếng gió ào ào rất cấp bách.
Ba lão già võ phục đang thí triển khinh công chạy nhanh với một tốc độ phi thường.
Ba lão này chạy nhanh đến độ cả gian nhà này nổi gió ào ào. Ba người vừa đuổi nhau vừa nói luôn miệng không ngớt. Có điều chân bước cực kỳ cấp bách mà lời nói vẫn ung dung, bình tĩnh đủ nội công họ cao thâm không vì nói chuyện mà chân bước chậm lại hay hơi thở cấp bách hơn.
Lão thứ nhất nói:
-Khúc ca Hiệp Khách Hành này là của đại thì gia Lý Bạch làm ra. Nhưng Lý Bạch là một vị thi tiên chứ không phải kiếm tiêu, thì sao lại vỏn vẹn có hai mươi bốn câu thơ mà bao hàm được võ học chí lý bao giờ?
Lão già thứ hai đáp:
-Người sáng chế ra môn võ học mới đúng là một nhân tài chấn động cổ kim, đến một địa tôn sư võ học cũng không thể bì kịp. Lão nhân gia chẳng qua muốn mượn bài thơ của Lý Bạch này để phô diễn võ công thần kỳ của mình mà thôi. Vì thế mà tại hạ vẫn nói là phải để ý đến bản chất võ công, không nên câu nệ đến ý thơ rườm rà trong khúc ca Hiệp Khách Hành.
Lão già thứ ba liền lên tiếng:
-Lời nghị luận của Kỷ huynh tuy rất hợp lý, nhưng tiểu đệ nghĩ rằng nếu câu "Ngân yên chiếu bạch mã" mà đưa ra khỏi địa hạt ý thơ thì không thể giải thích được.
Lão già thứ nhất lại nói:
-Phải rồi! Chẳng những thế, tiểu đệ còn cho là cả câu: "Tạp đạp như lưu tinh" ở bên gian phòng thứ tư phải cho đính thêm vào câu này mới giải nghĩa cho thông được. Chúng ta nghiên cứu võ học, không thể trích từng chương, từng câu để mà bắt nghĩa được.
Thạch Phá Thiên ngấm ngầm lấy làm kỳ ở chỗ ba người nghị loạn võ công sao không ngồi xuống đàng hoàng nói chuyện, mà cứ rượt nhau hoài?
Nhưng chỉ trong khoảng khắc chàng hiểu rõ ngay.
Bỗng nghe lão già thứ hai nói:
-Các vị tự phụ hiểu hai câu thơ này hiểu hơn ta nhiều. Nhưng tại sao lúc dùng đến khinh công lại chẳng hơn gì, thuỷ chung vẫn đuổi không kịp ta?
Lão thứ nhất hỏi lại:
-Vậy lão có đuổi kịp ta không?
Ba người mỗi lúc một chạy nhanh hơn, vạt áo bay vù vù. Ba người chạy vòng tròn, khoảng cách thuỷ chung vẫn không thay đổi. Hiển nhiên công lực ba người ngang nhau, chẳng ai hơn ai chút nào.
Thạch Phá Thiên coi một lúc rồi quay đầu nhìn vào đồ hình khắc trên vách đá thấy vẽ một con tuấn mã đang nghển cổ phóng nước đại.
Dưới chân nó rang mây dàn dụa chẳng khác gì đang phi hành trên không gian.
Chàng liền theo biện pháp trước để ý nghĩ vào con tuấn mã thì cảm thấy khí nóng trong người tựa hồ bị ngừng trệ, không chuyển vận. Chàng nghĩ bụng:
-Công phu trên bức đồ này không giống như trong hai gian nhà kia.
Chàng lại nhìn kỹ làn mây toả dưới chân ngựa thì thấy luồng mây mù này không ngớt xô đẩy về phía trước tựa hồ muốn phá tường vách bay ra ngoài.
Thạch Phá Thiên coi một lúc nữa thấy nội lực rạt rào nhốn nháo. Chàng không tự chủ được nữa phải co cẳng mà chạy.
Chàng chạy quanh một vòng rồi liếc nhìn lại làn mây toả trên vách, liền cảm thấy nội lực trong người xô rần rần. Chàng liền chạy quanh một vòng nữa thì chân bước loạng choạng, người xiêu vẹo như kể say rượu mà chạy chậm hơn ba lão già kia xa.
Ba lão chạy được bảy tám vòng thì chàng mới hết một bên tai chàng văng vẳng nghe tiếng ba lão lên giọng mỉa mai:
-Gã thiếu niên này ở đâu đến? Gã cũng học chúng ta mà chạy. Ha ha thế này là nghĩa gì?
Một lão nói:
-Khinh công gã như vậy cũng học đòi nghiên cứu võ công trên vách đá, bá chẳng còn xa xôi lắm ư?
Lão khác nói:
-Người ta say sưa bước chân của bát tiên tuy tửu là phải có võ công cao minh lắm rồi, chú bé này lại mê bộ pháp của "Cửu Tiên" quá chín, mới thật buồn cười.
Thạch Phá Thiên thẹn quá, mặt đỏ ra đến mang tai, chàng dừng bước lại. Nhưng chàng đưa mắt nhìn lên vách đá, liền không nhịn được, lại co giò chạy liền. Chàng chạy được tám chín vòng nữa, thì bao nhiêu tâm thần để hết vào làn mây trên vách đá đặng nhớ lấy hình trạng.
Ba lão già kia vẫn đem chàng ra làm trò cười, buông lời chế diếu, nhưng chẳng một câu nào lọt được vào tai chàng nữa.
Không hiểu Thạch Phá Thiên chạy được bao nhiêu vòng rồi mà hình trạng đám mây trên vách chàng đã ghi nhớ hết trong lòng.
Ba lão già bỏ đi lúc nào chàng cũng không hay.
Bây giờ bên chàng lại xuất hiện bốn người khác tay cầm binh khí đang trong tư thế "Thiên mã hành không" để kích thích lẫn nhau.
Thạch Phá Thiên đứng ngoài coi bốn người sử kiếm đâm chém.
Miệng họ vẫn đọc lời giải về khẩu quyết trên vách đá.
Một người nói:
-Ánh ngân quang rực rỡ, yên ngựa vững vàng.
Một người khác nói:
-Sắc trắng thì trong sạch mà sâu xa.
Thạch Phá Thiên nghĩ bụng:
-Những khẩu quyết kia cực kỳ huyền diệu sâu xa. Mình hiểu thế nào được? Bọn này ở đây luyện kiếm ít ra là đã mười năm, nhiều là ba chục năm. Mình làm gì có thì giờ ở dây lâu như họ? Âu là mình coi lượt qua các nơi đi cho rồi.
Chàng liền qua gian phòng thứ tư. Trong gian nhà này có đồ hình câu "Tạp đạp như lưu tinh". Chàng coi đồ hình để luyện tập, bất tất phải nói kỹ.
Bài Hiệp Khách Hành gồm hai mươi bốn câu thì nói đây cũng có hai mươi bốn gian thạch thất cùng đồ giải.
Thạch Phá Thiên đi tới các phòng. Chàng không biết chữ, đành coi họa đồ để luyện tập nội công cùng võ thuật.
Trong gian phòng số năm là câu" Thập bộ sát nhất nhân", phòng số mười là câu" Thoát kiếm tất tiền hoành", số mười bảy câu" Cứu triệu huy kim truỵ". Mỗi câu là một loại kiếm pháp. Phòng số sáu là câu " Thiên lý bất lưu hành". Số tám câu "Thâm tăng thân dữ danh". Số mười bốn câu" Ngũ nhạc đảo vi khinh". Mỗi câu trong những phòng này là một lối khinh công. Phòng số bảy câu" Sự liễu phất y khứ". số chín " Nhàn quá Tin Lăng ẩm". Số hai mươi mốt " Túng tử hiệp cốt hương" thì mỗi câu là một thứ chưởng pháp.
Phòng số mười ba câu" Tam bôi thổ nhiên nặc", số mười sáu câu " ý khí tố nghê sinh", số hai mươi câu" Huyền hách Ðại lương thành" dạy nội công về phép hô hấp.
Thạch Phá Thiên có lúc học rất mau, trong một ngày được hai ba môn, nhưng có khi đến bẩy tám ngày chưa xong một môn.
Thấm thoát chàng đã luyện đồ hình trên vách đá hai mươi ba phòng. Cứ cách vài ngày chàng lại đến thôi thúc Bạch Tự Tại ra về. Nhưng lão đã luyện được khá nhiều võ học trên vách đá, rồi càng ngày càng đi vào chỗ say mê. Hễ lão thấy Thạch Phá Thiên đến thúc giục là ngoác miệng ra mà thoá mạ. Lão bảo chàng đều quấy nhiễu làm cho rối loạn tâm thần để lầm lỡ việc nghiên cứu võ công của lão. Về sau thấy chàng đến, lão liền vung quyền đánh luôn, không cho chàng vào gần để nói lải nhải nữa.
Thạch Phá Thiên không sao được, đi tìm bọn Phạm Nhất Phi, Cao Tam nương tử định bàn tính với họ, chẳng ngờ bọn này cũng đang say mê điên đảo, bao nhiêu tâm thần chìm đắm cả vào võ học trên vách đá. Họ níu kéo chàng bao yếu quyết câu này ở chỗ nào. Câu kia phải giải thích làm sao?
Thạch Phá Thiên kinh hãi nghĩ thầm:
-Té ra hai vị Long, Mộc đảo chúa mời cao nhân võ lâm đến đao nghiên cứu võ học vẫn để cho ai nấy được tự do ra về, nhưng từ ba mươi năm nay chẳng một người nào chịu rời khỏi đảo. Xem thế đủ biết võ học trên vách đá làm cho người ta say mê quá đỗi. May mà võ công mình kém cỏi, lại không biết chữ nghĩa nên không đến nỗi lưu luyến như họ.
Bọn Phạm Nhất Phi vì hảo tâm muốn giải thích văn tự trên vách đá cho chàng hiểu, nhưng chàng chỉ nghe qua quít mấy câu rồi tìm cớ bỏ đi, không dám quay đầu lại nữa. Những câu chàng đã nghe vào tai rồi lại quên hết, chàng cũng không dám nghĩ tới nữa.
Thạch Phá Thiên bấm đốt tay tính ra đã ở đảo Long Mộc hơn hai chục ngày. Chỉ còn mấy bữa nữa, không ra về không được chàng bụng bảo dạ:
-Trong hai mươi bốn căn thạch thất, ta đã qua được hai mươi ba rồi. Còn phòng chót mình thử vào coi một hai ngày nữa. Nếu gia gia nhất định không đi thì ta cũng phải về trước đem tình hình trên đảo nói cho sử bà bà cùng mọi người biết để họ vững tâm.
Nghĩ vậy, chàng liền tìm đến căn phòng số hai mươi bốn. Vừa bước chân vào đã thấy Long, Mộc đảo chúa đang ngồi xếp bằng trên đệm gấm quay mặt vào đá, ngưng thần suy nghĩ ra chiều cực nhọc.
Thạch Phá Thiên rất tôn kính hai lão này. Chàng đừng tận xa không dám tới gần. Dương mắt lên nhìn vách đá, chàng càng thất vọng.
Nguyên hai mươi ba căn thạch thất kia đều có đồ hình trên vách đá. Chỉ riêng phòng sau chót này toàn khắc văn tự chứ không có họa đồ.
Thạch Phá Thiên nghĩ bụng:
-Trong này đã không có đồ hình thì còn coi cái gì? Âu là ta đi nói với gia gia, bữa nay ra ra về quách.
Chàng nghĩ tới sau mấy ngày sống chung cùng bọn A Tú, Thạch Thanh, Mẫn Nhu, mà lòng chàng mừng khôn tả.
Chàng liền khom lưng hướng về Long, Mộc đảo chúa lạy mấy lạy rồi nói:
-Ðược hai vị đảo chúa khoan đãi, lại cho coi võ công trên vách đá đặng mở rộng kiến thức, tiểu nhân cảm tạ vô cùng. Bữa nay tiểu nhân xin cáo từ.
Long, Mộc hai vị đảo chúa ngơ ngác ngưng thần nhìn lên vách đá, dường như chẳng nghe thấy chàng nói gì?
Thạch Phá Thiên liền hướng mục quang nhìn lên vách đá.
Ðột nhiên chàng thấy văn tự trên vách dường như đang nhảy múa quay cuồng, bất giác chàng cảm thấy óc mê loạn.