CHƯƠNG 12.

Lật bật mà đến ngày cái bụng con Quê không dấu vào đâu được nữa, càng ngày nó càng chình ình ra rất khó coi. Chỉ có thằng Bò thấy đẹp. Nó thường khoe:
“Tao sắp có con rồi nghen. Đừng khi thường thằng này.”
Mỗi lần nghe vậy, chị Bảy cà tong cười ngất:
“Người ta trái xoài còn mày hột nhãn, người ta cà tím còn mày dái mít cằn, bày đặt nói dóc chi vậy?”
Còn bọn thằng Lai, con Quynh, con Đuông thì vỗ tay rầm rầm:
“Mày đúc được kí gì nơi đứa nhỏ trong bụng con Quê vậy? Đúc được mấy cọng tóc không?”
“Cũng không. Cá gì tao cũng cá, con Quê đẻ ra đứa nhỏ cái đầu trọc lóc vì bị bệnh giang mai...”
Miệng lưỡi bọn này độc hơn nọc rắn. Thằng Bò giận tím người nhưng làm gì được. Nó đâu có muốn ăn đòn nữa. Thằng Lai Phá đã thay đổi cách chơi, cách phá. Bọn đệ tử của nó cũng vậy, còn những trò trêu chọc “bậy bạ” thỏa mãn sự tò mò mới lớn của chúng hơn là hành hạ thằng Bò mà nó không hề có một phản ứng lại đã chán phèo. Nhưng tụi nó có hứng trở lại khi nhìn thấy cái bụng con Quê ló ra. Buổi trưa, trước quán bia hơi thuộc khách sạn Cửu Long, bọn thằng Lai gặp thằng Bò đang lãng vãng ở đó. Thằng Lai vẫy tay:
“Tới biểu, mày”.
Thằng Bò giương đôi mắt tí hí, đục, lờ đờ thoáng nghi ngại. Nó chống tay, ưỡng lưng lên như một con chó thủ thế.
“Biểu tới đây. Không tới phải không? Muốn chống đối hả?”
Thằng Lai bắt chước giọng cán bộ:
“Muốn chống đối nhà nước phải không? Phản động phải không? Ông đá cho một cái giờ.”
Nói là làm. Thằng Lai bước tới, đá thằng Bò một cái, nhưng mất trớn đá hụt.
“ĐM. Tao không chọc bọn mầy nghe.”
“Mày dám chọc? Ngon ta!”
Con Đuông cong cái môi lên, còn nhoi nhoi cái đít. Đó là cử chỉ rất mất dạy thường khi của nó.
Thằng Bò im lặng bò đi. Chị Bông bán thuốc lá nạt:
“Sao tụi bây ác vậy? Có cút đi hết không?”
Thằng Lai, lúc nào cũng tỏ ra là đại ca, phải che chở cho em út. Nó trợn đôi mắt xanh lè lên, những đốm tàn nhang ở mặt nó như di động được.
“Mắc mớ gì bà, bà chằng lửa kia?”
Rồi nó sai đàn em:
“Không cho nó đi. Bắt nó lại cho tao.”
Thằng Bò bị Phong cùi và con Quynh lấy chân chặn lại. Thằng Đắc tốc đè một chân lên lưng nó, nạt:
“Đại ca chưa cho mày đi, mày dám đi”
Mít ghẻ ngoai cái miệng và hất cái mặt cô hồn lên:
“Ê bà Bông, bộ nó thường “đía” với bà sao bà bênh nó chằm chặp vậy hả?”
“Đồ mất dạy.Ông cố nội bây.”
Chị Bông chửi, quay mặt đi không muốn nhìn lũ cô hồn cát đảng con nít này nữa. Minh chó con nhảy lại kéo chiếc quần xà lỏn của thằng Bò ra. Chiếc quần quá cũ, rách toạc.
“Coi nó ra làm sao mà bà Bông mê như điếu đổ này...”
“Trời đất ơi, coi con giun nó ngọ ngậy...ha ha, con giun đất bé tí teo thôi bà ơi, làm ăn gì được...mà ham!”
Chị Bông nổi cơn tam bành lục tặc. Chị nhảy xổ tới giằng thằng Bò ra. Chiếc quần xà lỏn nằm trên tay thằng Minh chó con.
“Có trả lại cho nó không? Đồ chó đẻ.”
“Bà mới là đồ chó đẻ.”
“Hổng phải, ngựa đẻ bả ra.”
“Tao nè, tao đẻ bả ra.”
Con Quynh ngoai cái miệng. Nhìn cái mặt nó thì biết có ăn thua đủ cũng không được gì. Con này uýnh lộn đã dám cỡi quần ra vắt vai chục lần rồi. Biết là gây với chúng nó chỉ chuốc lấy phiền giận vào thân, nhưng chị Bông vẫn không dằn được. Đắc tốc đá mạnh làm thằng Bò nằm ngữa ra.
“ĐM. Lần sau còn khoe nữa tao cắt con giun của mày luôn. Nói cho mà biết, cái bầu của con Quê là tao đây chứ ai.”
“Tao nữa, tao cũng đúc một phần”.
“Còn tao nữa chi. Lần nào nó cũng lạy van ra mà không tha là không tha.”
Thằng Phong cùi nhổ bãi nước bọt vào mặt thằng Bò:
“Mấy ông đây “bề” nó nên nó mới phồng bụng lên biết chưa...”
Đúng lúc đó con Quê xuất hiện, tay nó cầm một cái nĩa sắt rỉ sét. Nó quắc mắt:
“Tụi bây bắt nạt nó phải không? Giỏi nhào vô.”
“Coi tụi bây, con Đắc Kỷ kìa...”
“Hổng phải, Đổng Trác. Tụi bây hông thấy cái bụng của nó vác đằng trước đó sao. Đổng Trác...hi hi...”
“Trả quần lại cho nó mau.”
Minh chó con dơ cái quần xà lỏn lên, nó xé toạc làm đôi, ném cho con Quê một nửa nhưng thằng Phong cùi hớt mất. Con Quê điên tiết nhào vô đánh đấm. Thấy con Quê nổi điên lên bọn thằng Lai cũng gờm. Bọn thằng Lai chỉ thích chòng ghẹo, phá phách, tuy nhiên chúng cũng nể con Quê có bầu nên chỉ tránh đỡ mà không đánh lại.
“Coi Phàn Lê Huê nổi giận kìa. Dữ hôn”.
“Ê, tao đây nè, Quê”.
“Tao đây nè...”
Chị Bông la lên:
“Quê. Tao bảo thôi. Mày không sợ cái bụng bầu của mày...”
Cũng may bảo vệ nhà hàng thấy ồn ào quá đã xuất hiện giải tán bọn nhóc. Con Quê nước mắt nước mũi ràn rụa, “giũa” thằng Bò:
“Cũng tại mày hết. Ai biểu cái miệng của mày.”
Thằng Bò gục mặt xuống đất.
“Còn ở đó nữa. Đi về.”
Nó bò theo. Cũng chả ai để ý một thằng tàn tật bò trên đường Tự Do mà không có quần mặc, ngoại trừ mấy người ngoại quốc. Thấy con Quê vác cái bụng chành ành vừa đi vừa khóc, còn thằng Bò thì thiểu não bò theo sát chân, chổng cái mông teo tóp không che đậy. Một vài cái nhíu mày. Một vài người ngập ngừng muốn cho tiền nhưng thấy công an đi sát chúng, ngần ngại, thôi. Tên công an khu vực phường tám, vừa theo vừa tra hỏi con Quê:
“Bọn bây mới làm mất trật tự ở đâu vậy hả? Tao sẽ cho xúc tụi mày đi kinh tế mới.”
Con Quê không vừa:
“Ở đây hổng phải thuộc phường của ông à nhe. Đây là phường 10.”
“Mày ở công viên thuộc phường tám. Tao có quyền cho hốt mày, biết chưa?”
“Xời ơi, khỏi sợ đi. Đừng có dọa. Tui trên răng dưới có...làm gì được. Khi nào hốt hết dân bụi mới tới lượt tui. Cùi không sợ lỡ đâu.”
“Để đó. Cho nói điêu”.
Tên công an tấp vào quán cà phê tên Mão. Con Quê trút giận lên đầu thằng Bò:
“Nhanh lên có được không?”
Nó quệt nước mắt:
“Đúng là tao mắc nợ mày, sao trả hoài không hết.”
Về tới công viên con Quê đưa cho thằng Bò cái quần đen của nó để thằng Bò mặc đỡ rồi chúng nó cãi nhau, giận hờn. Cả ngày hai đứa không ăn uống. Đến chiều tối chúng nó mới làm hòa với nhau. Con Quê ngồi, thằng Bò gối đầu lên đùi con nhỏ, tay xoa xoa cái bụng.
“Thương quá, thằng cha mày thương mày quá.”
“Bởi mới sinh chuyện. Hổng ai mượn mày thương.”
“Tao cứ thương, làm gì tao.”
Con Quê trầm ngâm:
“Tao hổng biết khi đẻ ra nó giống cái gì đây...”
“Nó giống tao.”
“Còn khuya. Để tao nhớ lại coi. Thời gian đó...có thể Liên Xô, hay thằng Đông Đức. Mèn ơi, xui lắm là thằng Cuba đen thùi lụi. Chết rồi, nếu thằng đen... là sao đây?”
“Tao đã nói giống tao. Chắc chắn mà.”
“Nếu đen tao đem cho liền. Mày biết không, bữa góc vườn hoa cũng có một đứa tóc hoe hoe, chắc Liên Xô, bị bỏ đó, kiến bu đầy mày nhớ không?”
“Nhớ. Khi thấy được nó chết ngắt rồi mày há?”
“Còn mình...”
“Không, không được. Liên Xô, Cu Ba, Đông Đức, Việt Nam, Kam pu chia gì cũng nuôi. Tụi mình phải nuôi cho nó lớn, cho nó đi học, không đi ăn xin như mình mới được.”
“Nói ngon. Tiền đâu?”
“Tao sẽ có tiền. Tao đã nói để tao lo mà.”
“Mày có lo cứt. Dóc tổ”.
Nói vậy chớ bàn tay nó cũng xoa xoa trên mớ tóc loe hoe khô cháy của thằng Bò. Tội quá. Không biết nó có thương hay chỉ thấy tội nghiệp cái thằng tàn tật. Mà hình như ngoài thằng Bò ra đâu ai thương nó thiệt tình. Ngay cả cái tên Hóa, lợi dụng nó không biết bao nhiêu lần, đến khi nó mang bầu, dù nó đóng tiền cũng không chịu cho nó gửi quần áo nữa. Cho nên chị Bảy cà tong đành quản lý mớ tài sản này...Đây cũng là một dịch vụ mới của chị Bảy để kiếm thêm...tiền xài. Bởi từ ngày Long Tân Định bị bắt, chị là người mang “gính” nặng thăm nuôi. Mấy đứa con mỗi ngày đều nhiếc mắng chị vì mang gánh nợ này. Tự nhiên con Quê nhớ chuyện chị Bảy cà tong và lấy làm an ủi.
“Tao đói bụng rồi, mày có muốn đi ăn không?”
Thằng Bò hôn vào bụng con Quê một cái.
“Phải. Phải. Con tao cũng đang kêu đói. Mẹ cha con mẹ ác nhơn, con đói mà cũng hổng biết nữa.”
Chúng nó chửi nhau đó, làm lành, giỡn hớt đó. Vậy là kéo nhau lên miệt Hồ con Rùa ăn bò bía, uống nước dừa tươi, ăn mía ghim. Chúng nó chơi trò té nước nhau cho ướt mèm hết. Thằng Bò mặc cái quần của con Quê, dài che cả hai ống chân nên thỉnh thoảng vướng mắc, té chỏng ngữa. Chỉ có con Quê cười sặc sụa, cười đến chảy nước mắt. Còn mọi người quanh đó, chẳng ai thiết nhìn chúng nó nữa.
Về sau, riết rồi cũng nhàm, bọn Lai Phá không chòng ghẹo con Quê và thằng Bò nữa. Thằng Hôi có lần lên lớp đằn mặt:
“Tao nói thôi đi là thôi đi. Tụi nó cũng khổ như tụi mình, giỏi đi bắt nạt bọn thằng Cỏn bù lon coi. Nó đang làm mưa làm gió con đường này, thấy khôn?”
Thằng Lai bặm môi:
“Biết. Nhưng ai ngoài nó trị được thằng Bảnh. Mày thấy không, con vợ thằng Bảnh ăn quen bắt thèm rồi. Đính cứng như keo.”
“Dù vậy cũng đừng hành tụi con Quê nữa. Cái bụng nó chành ành kìa. Mai mốt tụi mình có một em bé cũng thích chớ. Tao nói cho tụi bây nghe, trong tụi mình hổng có đứa nào có phước bằng thằng Bò nghe.”
Thằng Lai bỉu môi:
“Ngu thì có. Nó có đúc được đâu mà có con.”
Con Đuông chỏ mõ:
“Ha. Có tật rục rịch chi đây. Hôi, mày có phần đúc ở trỏng không đó. Sao thấy mày tội nghiệp nó hoài vậy.”
Thằng Hôi nhìn con Đuông. Khỉ quá, nó ăn nói ba gai vậy mà nụ cười, liếc mắt của nó có duyên hết biết. Làn da rám nắng của nó, hai gò má cao, mắt sâu mà sáng quắc. Người nó khô khốc, gầy nhom, mà cặp vú nó nhô lên, nhỏ thôi, nhưng tròn và chắc. Nó không bao giờ mặc nịt vú, tướng lại hay nhảy nhảy. Khi nhảy, hai cái vú cũng cà tưng theo trông ngộ quá. Mắc cái giống gì, tự nhiên thích con nhỏ. Mấy con “bụi đời” mới tới, đứa nào cũng muốn cho không thằng Hôi đó thôi, lúc nào chẳng được mà nó không ham mới là kỳ. Ngay cả con Nết, nó bảo đảm nếu muốn, nó cũng được mời ngay. Mấy con “ngựa bà” làm ăn khu này đều ngán tụi nó. Chỉ trêu chọc, phá bỉnh thôi cũng mất công mà phiền phức rồi. Chưa kể còn vụ “kết hợp” với công an, báo cáo này nọ. Nên nhiều khi mấy cổ cũng cho không biếu không, nhằm nhò gì mà tiếc. Thằng Lai còn khoe nó đã được cô Tuyết chà cho thử. Chuyện này thì phải coi lại, nó dám “bốc” lên tới trời xanh mà.
Cả bọn không hiểu sao một thằng trời đánh thánh đâm như thằng Hôi mà tự nhiên ăn nói đạo nghĩa như bị bà nhập vậy. Quậy và phá nhất từ trước đến nay, không biết thằng Lai hay thằng Hôi đứng đầu sổ đây. Thiệt là hết biết.
Ngay cả thằng Hôi, nó cũng không thể giải thích được sự đổi tính nết của nó. Tối hôm đó, nó đi lang thang lên hồ con Rùa, nó thấy thằng Bò với con Quê đang ở bên bờ hồ. Con Quê ngồi và thằng Bò gối đầu lên đùi con Quê coi mùi tận mạng. Tự nhiên nó thèm được như thằng Bò. Nó nghĩ tới con Đuông và lòng nó buồn hiu, có lẫn một chút ghen tức. Thì ra cái thằng mang hình tướng dị dạng người không ra người, chó không ra chó mà vẫn hơn nó. Nó đi tới gần. Thằng Bò mở mắt trừng trừng, bộ dạng dè chừng như con diều hâu sẳn sàng bảo vệ giữ tổ ấm. Không biết thằng Hôi có còn để tâm thù cái việc đêm hôm nọ ở hẽm hủ tiếu không? Ai mà biết được lòng dạ thằng Hôi chứ! Thằng Hôi cười cười:
“Mày làm gì vậy?”
“ĐM. Mày muốn phá gì đây?”
“Tụi bây yên tâm. Tao hổng chọc phá gì đâu. Tao nhìn tụi mày vậy thôi.”
“Nhìn làm gì vậy?”
Con Quê hỏi. Thằng Hôi:
“Tụi mày thương nhau lắm há. Được.”
“Thương? Thương ai. Tao mà thương nó? Tụi tao giỡn chơi thôi.”
“Tao không giỡn à nghen. Tao thiệt. Hôi, con tao nè.”
Thằng Bò vuốt cái bụng con Quê, nó nhe răng cười. Thằng Hôi cảm thấy cái mặt thằng Bò y chang một cái mặt con ngựa đang nhe hàm răng ra. Nó cũng đùa:
“Mày sẽ đẻ ra một cái mặt ngựa con nghe Quê.”
Con Quê thấy thằng Hôi tự nhiên hết dữ tợn cũng bớt dè chừng.
“Như vậy còn may. Hổng biết đẻ ra cái giống gì đây.”
Nói vậy và trong thâm tâm nó vái trời cho đừng dính giống thằng cha Hóa và đồng bọn của nó. Không hiểu sao thằng Hôi cũng đồng ý nghĩ với nó:
“Thằng Hóa bảo vệ nói nó làm cho mày chình ình bụng.”
“Trời đất ơi. Tao đẻ ra mèo, chuột, dơi, cục đá cục “kít” gì cũng được chớ đừng bao giờ là giống đó”.
Thằng Hôi đưa một tay lên:
“Phải. Phải. Thôi tụi bay ở đó. Tao đi tìm dì Điên đây. Nghe đâu bả về lại rồi.”
“Ờ hén. Lâu nay bả đâu vậy?”
“Quậy quá nên bị công an tóm. Chắc nuôi không nổi lại thả ra. Tao đi dây.”
Thằng Hôi đảo một vòng mấy công viên, mấy góc hẽm tối tăm, ngược lên nhà thờ Đức Bà cũng không gặp người đàn bà điên ở đâu. Nó đi ra bờ sông thả rông cho hết thì giờ và hóng chút gió mát. Thình lình nó thấy một cô gái ngồi trên ghế đá, hướng mặt ra bờ sông. Nó thấy quen quá. Tới gần, té ra con Liên. Nó đi tới.
“Liên”.
“Ai vậy?”
Con Liên giật mình quay lại. Làm gì mà tóc tai không chải, ngồi co ro, run bần bật vậy.
“Tao đây. Mày nhận ra tao không?”
Con Liên nhận ra liền. Buổi tối hôm đó nơi con hẻm bán hủ tíu bỏ không giấc khuya nó đã dụ được thằng này lúc say rượu và trấn lột nó. Nhưng nó biết thằng Hôi đã tha cho nó rồi, còn cho nó cả số tiền nó moi được lúc nó nằm bệnh viện. Nó không phải là người xấu đâu. Con Liên an lòng khi thằng Hôi ngồi xuống bên cạnh.
“Mày sao vậy? Sao đang ở nhà thương...”
Giọng con Liên khản đặc, nói không ra hơi...
“Tao không muốn...”
“Mày nói gì. Trời ơi, sao mày run dữ vậy. Nè, đưa tay đây.”
Tay chân con bé lạnh ngắt. Nó chà hai tay nó vào tay con Liên:
“Mày điên rồi. Sao mày không ở nhà thương mà ngồi đây?”
Con Liên té ngã vào người nó.
“Khổ không. Sao mày không về nhà?”
“Tao không có...có nhà.”
Không thể để con Liên ngồi trước mũi gió được. Nó dìu con Liên ngồi khuất sau một bụi cây rồi cởi áo ngoài đắp cho con Liên còn nó chỉ mặc độc chiếc mai-dô. Tìm một hồi không thấy đứa nào, nó quày quả trở lại chỗ cũ. Con Liên nằm co quắp, run bần bật.
“Mày sao rồi, Liên.”
Chỉ thấy con Liên rên khe khẽ và ho khục khặc trong cổ như ai bóp họng nó vậy. Thằng Hôi nghĩ là nó đói. Nó đi muợn được một chiếc chiếu rách trải ra cho con Liên nằm, rồi chạy ra nhà hàng lạy lục, năn nỉ mãi mới kiếm được một ly sữa đem về cho con Liên uống. Như được tiếp thêm sức, con Liên hồi tỉnh dần. Nó đã ngồi lên được.
“May quá. Chắc tại mày đói quá phải hôn? Tao đi kiếm gì cho mày ăn nữa nghe.”
Con Liên khoát tay:
“Không, tao không muốn ăn gì nữa hết. Mày ngồi đây với tao.”
Thằng Hôi dỗ:
“Hay tao kêu xích lô chở mày về nhà. Mày có má mà.”
“Đừng”.
“Sao vậy? Mày giận má mày?”
“Bả từ tao rồi. Từ lâu rồi. Tao hổng muốn thấy mặt bả nữa.”
“Mày đừng vậy. Không ai thương mình bằng má mình đâu. Tao không có má tao biết cái khổ, còn mày, có má mà sao không biết...”
Con Liên bật khóc:
“Mày đừng dạy đời tao nữa. Lúc này má tao bịnh dữ lắm. Cứ mỗi lần thấy mặt tao là bả đau thêm. Tao hổng muốn vì tao mà bả chết sớm.”
Thằng Hôi thở dài. Tội nghiệp không. Nếu nó có được một bà mẹ. Chuyện con Liên làm nó không hiểu gì hết.
“Hôi, mày ôm tao một chút được không? Tao thấy lạnh lắm.”
“Được. Được mà.”
Thằng Hôi làm theo. Nó ôm chặt con Liên. Hai đứa ngồi nhìn ra bóng đêm mênh mông che mất giòng sông. Một vài đốm lửa bên kia Thủ Thiêm như con mắt tử thần chờ chực. Chợt thằng Hôi nghe con Liên thở dài liên tiếp mấy cái.
“Mày mệt lắm không?”
“Không. Tao thấy đỡ lắm. Tao gần như khỏe lại. Hôi, mày tốt quá.”
Thằng Hôi mủi lòng muốn khóc. Trong đời nó chưa ai khen nó tốt hết.
“Mày có bao giờ nhớ tới gia đình, như má mày, ba mày không?”
“Ừ, có.”
“Tao đang nhớ má tao quá. Ước gì lúc này tao được bả ngồi bên. Rồi tao chết, bả vuốt mắt cho tao.”
“Tao đưa mày về...”
“Không. Tao không về. Mày biết không.Má tao thật là tốt. Tốt lắm. Hồi tao té bị cành cây xóc vô ngực, má tao thức suốt đêm lo cho tao. Bả sợ tao chết, bả khóc quá. Tao còn cái sẹo nơi ngực. Hôi, bữa mày...mày có thấy không?”
Thấy gì đâu. Bữa đó, tối đen như mực, mà thằng Hôi say quay trời đất, nó đã làm gì, ra sao, đâu biết. Nhưng nó cũng nói:
“Tao có thấy.”
“Ừa. Mày thấy rồi đó. Má tao thiệt tội, hễ lấy tên đàn ông nào là bị tên đàn ông đó lợi dụng. Mày biết tao đã có lần cầm dao đâm ông dượng không? Má tao mất ổng, nhưng không đánh tao một roi nào mà buồn thôi, nói số phận. Hồi nhỏ, tao ăn cháo tới thấy cháo là ói luôn. Tao chỉ có hai cái quần xà lỏn thay lui thay tới mà bọn con trai trong xóm chòng ghẹo quá. Hồi tao mới lớn lên, thấy con Lan ngầu pín, mày biết con Lan Ngầu pín không?”
“Biết.”
“Đó. Lúc đó nó đã biết làm gái rồi. Nó mặc áo đẹp hông à. Có lần tao ăn cắp cái quần lót của nó, mặc một tuần không cổi ra vì nó đẹp quá...Sau đó tao năn nỉ nó chỉ nghề cho tao, tao nhớ năm đó tao mười ba tuổi. Lần đầu tao đem tiền về má tao mừng lắm. Mấy lần sau bả cũng mừng lắm. Nhưng sau đó tao đánh bạc. Có nhiêu là tao đánh nhiêu...bả mới buồn, từ tao luôn. Lúc sau này tao biết ra thì tao bệnh, làm hổng đủ tiền thuốc lấy đâu đưa cho bả. Tao xui lắm.”
“Mày xui sao?”
“Tao có thằng kép Đông Đức. Nó còn trẻ. Nó thương tao thiệt tình. Nó dăm lần bảy lượt làm giấy xin cho tao về Đức chữa bệnh mà nhà nước không cho. Nó hứa lần này về nó nhờ bển can thiệp để mang tao đi. Nhưng không kịp đâu, tao không chờ được nữa. Tao có cái này này, mai mốt nó trở lại mày đưa cho nó giùm.”
“Cái gì đây?”
“Chỉ là một món đồ kỷ niệm nó mua cho tao. Cái nhẫn đồi mồi này, giá chẳng đáng bao nhiêu nên nó còn. Những thứ khác tao bán trơn trọi.”
Chiếc nhẫn đồi mồi hay nhựa không biết, lỏng lẻo trên ngón tay của nó.
“Tao biết thằng nào mà đưa?”
“Mày nói với con Lan Ngầu Pín. Nó biết. Nó sẽ tìm con Lan Ngầu...”
Con Liên dừng lại để ho. Nó cố khạc ra nhưng hình như nhớt dãi, máu ở trong người nó cũng đã cạn. Thằng Hôi vuốt ngực cho nó. Tay nó tê đi, nó không tưởng được nó đã từng ôm cái thân xác khô đét này, xoa bóp bộ ngực xương xẩu này. Nó cảm thấy thương con Liên, thương con Liên như thương thân nó.
“Mày đừng nói nhiều nữa. Mày ngủ đi một lát. Hổng sao đâu. Mai tao đem mày vô nhà thương. Tao còn ít tiền.”
Con Liên ôm ghì lấy thằng Hôi. Nó cầm chặt tay thằng Hôi:
“Mày thiệt tốt. Nếu tao biết sớm và không bịnh thì tao bỏ nghề làm gái, lấy mày. Sống nghèo cũng được, khổ cũng được. Nhưng muộn rồi. Mày đừng đem tao vô nhà thương. Tao sợ nhà thương lắm.”
“Sao mày sợ?”
“Mấy con mụ y tá trong đó ác nhơn lắm. Mà thôi. Mình nói chuyện khác. Tao chết, mày nói với má tao dùm là con Liên nó chết rồi, nó nói là má nó từ nó mà nó vẫn thương má nó lắm. Tao biết khi nghe câu này bả sẽ khóc dữ lắm. Bả giận tao nhưng còn thương tao.”
“Mày mệt lắm rồi, nghỉ đi, mai nói tiếp.”
Nhưng con Liên còn muốn nói:
” Ở nhà thương sợ bác sĩ, sợ mấy con y tá như sợ quỷ, còn ở ngoài tao sợ công an. Chúng ác như nhau, y hệt.”
“Tao biết.”
“Hôi à. Nếu tao còn sức, tao cho mày nữa. Nhưng tao...”
Con Liên cố cười, cố vui, nhưng gương mặt nó bắt đầu méo mó, dị dạng. Thằng Hôi tính cười nhưng bỗng nhiên nó nhận ra đang có gì khác lạ ở con Liên. Nó nhìn xuống, trong bóng tối lờ mờ nó vẫn nhận ra nét mặt con Liên vô vàn đau khổ. Và rồi con Liên không nói gì nữa.
Nó lay một hồi, chỉ thấy con Liên ư ử thật nhỏ trong cổ họng, như tiếng ho bị mắc. Nó ghé tai nghe ngóng thấy tim vẫn còn đập nhè nhẹ, không dứt hẳn. Yên tâm, nó đặt con Liên nằm xuống. Kéo tấm chăn đắp cho con Liên, nó thương cảm như đang ăn sóc cho một người vợ sắp bỏ nó mà đi. Ý nghĩ đó làm nó mủi lòng, ứa nước mắt.
“Ngủ đi. Mày ngủ đi.”
Nó vỗ về. Con Liên chưa chết. Nó rơi vào một giấc mơ, không biết hiền hay dữ mà đầu nó nóng vã mồ hôi mà người thì run lên, co giật từng hồi. Thằng Hôi không dám nằm. Nó mở mắt thao láo nhìn vào bóng đêm. Sinh hoạt ở bến sông đã ngưng. Tiếng người đã tắt. Trừ tiếng động cơ xe hơi, xe máy ở đường phố thỉnh thoảng rộ lên. Tim thằng Hôi bỗng đánh rộn rịp. Nửa muốn ra ngoài kiếm xích lô đưa con Liên vô bệnh viện lại, nửa sợ con Liên phiền giận. Nó khổ sở đứng lên ngồi xuống không yên.
Khuya lắm, không biết mấy giờ nữa, con Liên tỉnh lại. Thằng Hôi nghe cả tiếng răng con Liên đập lập cập vào nhau. Nó ôm sốc con Liên dậy.
“Mày thấy sao rồi. Liên, mày sao rồi.”
Gắng gượng một lúc con Liên nói được.
“Tao mệt...chỉ mệt. Đau ở đây.”
Nó đưa được bàn tay thằng Hôi lên ngực. Nó ho khúc khắc thành tiếng nhưng người co rút lại, gầy gò và nhỏ bé như đứa con nít.
“Mày hứa với tao...đừng đưa tao vô nhà thương nữa.”
Thằng Hôi gật đầu.
“Mày nghe tao nói không?”
“Có”.
“Mày hứa với tao đi”.
“Tao hứa.”
Thằng Hôi bật ra tiếng khóc. Nó cố nuốt xuống nhưng tiếng híc híc vẫn buột ra.
“Mày khóc hả?”
“Không.”
“Mày thương tao?”
Thằng Hôi nổi sùng, muốn chửi tục. Nhưng giọng con Liên dịu dàng làm sao:
“Tao biết mày tốt. Vậy là tao mãn nguyện rồi. Tao chỉ mong chết có một người bên cạnh, vuốt mắt cho tao. Chết ở nhà thương ghê gớm lắm. Tao rất sợ ma, mày biết không? Nằm trong nhà thương đêm nào tao cũng thấy ma, sợ quá”.
“Ừa. Mày sẽ khỏe lại mà. Mai tao đi mua thuốc cho mày.”
“Mày hứa nghe. Vậy là tao không chết.”
“Mày không chết được. Có tao.”
Con Liên gật đầu, ngoan ngoãn nhắm mắt lại. Cơn sốt không biết đang tăng lên hay đang hạ xuống mà con Liên cảm thấy người nó lâng lâng. Hai chân nó không còn nặng nề, đau nhức, mà như đã rời ra khỏi thân nó. Khi không trán con Liên lạnh ngắt mà rịn mồ hôi. Con Liên không run rẩy co quắp nữa, người nó duỗi ra, trông như đang được nằm trong tư thế vô cùng thoải mái. Thằng Hôi nghĩ rằng ngủ được một giấc, chắc ngày mai con Liên sẽ khỏe lại như thường.
Yên tâm, nó đặt con Liên xuống. Ngồi một lúc, nó nằm xuống cạnh con Liên. Nó đụng nhằm chân của con Liên. Sao mà lạnh ngắt thế này. Nó đưa tay sờ ngực. Còn ấm. Còn thở. Nó ôm chặt con Liên, như muốn chuyền hết hơi ấm trong người nó qua. Không bao lâu, nó cũng ngủ say như chết.
Cơn mơ đưa nó trở lại thời thơ ấu. Nó nhớ được tên mấy đứa nhóc đang chơi cùng nó. Trò chơi “chập chộ” khởi đầu với con chim bị rơi từ tổ trên cây xuống, nằm thiêm thiếp rồi tắt hơi. Bọn trẻ con sờ tới làn da chim vẫn mềm mại, còn nóng dưới lớp lông. Chúng đặt con chim trên mặt đất, úp một cái rá lên trên. Chừng đó đứa đặt tay lên cái rá, lên mặt đất xung quanh, chúng nó đập mạnh lên rá, lên đất và hát:
Chập chộ
một lỗ ba con,
con sống, mẹ chết...”
Dăm mười lần như vậy, bỏ cái rá ra, con chim hồi phục lại, mở mắt và lết được trên mặt đất. Bọn trẻ la ó, nhảy nhót quanh con chim. Nhưng con mèo đen ở đâu nhảy vụt ra, vồ con chim chạy mất. Nó đuổi theo. Cả một bọn mà sao chỉ còn lại một mình nó trơ trọi. Không biết nó chạy bao lâu. Mặt trời trước mặt nó, rồi sau lưng nó. Rồi đứt giây, rơi lông lốc như trái cầu đen thui. Rõ ràng trời đang ban ngày mà lúc mặt trời rơi là đêm tối om. Nó không thấy con mèo đâu mà nghe tiếng cười của một đứa con gái nhỏ. Quen quá mà nó không tài nào nhớ tên nổi. Bao năm rồi mà con bạn thời thơ ấu vẫn không lớn, bé loắt choắt, còn ở truồng. Nó chụp được tay con nhỏ. Bàn tay lạnh ngắt. Thì ra con bé đã chết mà miệng cứ cười. Bàn tay như nước đá vẫn cử động được và nhéo vào da nó, muốn bóc thịt ra. Sợ quá, nó kêu hoảng lên.
Cơn mơ thôi. Nhưng nó phải vất vả lắm mới ra khỏi giấc mơ. Dần tỉnh lại, nó nhận ra là nó đang nằm và ôm con Liên. Cả người con Liên lạnh ngắt. Nó đang ú ớ và tay nó cào cào vào người thằng Hôi, yếu xìu. Nó tỉnh hẳn.
“Liên. Liên. Mày sao rồi. Mày sao rồi...”
Nó nhìn ra con Liên. Bóng tối đã mờ nhạt cho buổi hừng sáng sắp tới. Có phải con Liên đây không? Sao mặt mũi nó đã biến dạng kỳ dị. Miệng nó méo đi, không biết đang khóc hay đang cười. Nó muốn nói, có cố gắng, nhưng tiếng nói không phát ra được vì không còn hơi. Đôi mắt nó nhìn thằng Hôi, thê thiết làm sao.
“Tao kêu xe chở mày đi...”
Chiếc đầu của con Liên to một cách dị dạng, lắc lắc. Rồi hai tay của nó níu thằng Hôi ý muốn giữ lại. Nhìn một phía mặt thằng Hôi. Đôi mắt mở lớn. Đứng tròng.
Không tin được. Thằng Hôi ôm khuôn mặt con Liên lắc lắc.
“Liên. Liên. Mày đừng chết.”
“Nó chết ngắc rồi.”
Thằng Hôi quay lại. Ông lão lượm rác, bao ni lông, sáng nào cũng dậy rất sớm, đang đứng sau lưng nó. Giọng ông khản đặc đờm.
“Vuốt mắt cho nó đi.”
Nói xong ông lão bỏ đi.
Thằng Hôi vuốt mắt cho con Liên. Khuôn mặt dị dạng mới lúc nãy đã biến mất. Nó cũng không thấy cái đầu của con Liên to nữa. Lúc nó đặt con Liên nằm xuống, con Liên trông yên lành làm sao, mắt nó nhắm như đang ngủ say và đôi môi đã trở lại bình thường, hơi hé ra. Không phải cái mếu đâu, mà một đôi môi hé cười, mãn nguyện.
“Liên à. Mày chết thiệt sao? Liên. Liên.”
Khó mà tin được, mới buổi tối đây thôi, trong con hẽm “hủ tiếu” nó đã cùng con Liên trong mùi “đời” bạt mạng. Cái thân xác mềm mại đó, giờ đã nằm ngay đơ lạnh ngắt.
Nó biết nó cũng không thể ở bên con Liên lâu hơn nữa. Đến sáng, công an tới sẽ rắc rối lôi thôi. Nó lấy lại cái áo của nó đang đắp cho con Liên, rồi kéo tấm chăn rách đắp kín xác chết. Nó khấn thầm:
“Mày sống khôn thác thiêng, đừng giận tao nghe Liên. Tao sẽ mua nhang thắp cho mày.”
Nó bỏ ra ngoài mé sông ngồi. Nó muốn khóc lắm. Khóc cho hả, nhưng không tài nào khóc được nữa.
Tới sáng, có người phát hiện xác con Liên. Công an đến. Biên bản dản dị. Gái điếm, bịnh lao, chết đường. Xác mang đi không biết ở đâu.
Tối hôm đó thằng Hôi mua nhang đèn đem tới sau bụi cây, chỗ con Liên chết thắp cúng. Thằng Bò và con Quê cũng đến. Chúng nó lạy xì xụp một bụi cây. Dù sao, những bờ bụi, hang hốc cũng là nơi dung thân, khi còn sống và cả khi lìa đời của chúng, cũng như thay một mái nhà.
“Vui quá. Vui quá. Cho tao chơi với.”
Người đàn bà điên như từ trên trời rớt xuống. Chị nhảy cỡn lên khi thấy bọn con nít xì xụp lạy trước bụi cây. Chị vòng quanh nén hương, tíu tít.
“Vui quá. Tao nữa.”
Chị cúi xuống lạy, rồi nằm bò ra cười nắc nẻ:
“Má chết rồi hả má. Chết rồi. Chết rồi. Chơi đám ma đi. Vui quá.”
Không thấy ai hưởng ứng. Chị không cười nữa, mở mắt ngạc nhiên. Rồi tự nhiên, chị cởi chiếc quần đen ra, xếp gọn đặt trước nén nhang.
“Tao cúng.”
“ĐM con mẹ điên”.
Con Quê chửi. Thằng Bò nhìn theo người đàn bà điên ở truồng đi xuống mé sông. Thằng Hôi quẹt diêm mồi một cây nhang tắt ngúm.
...
Cái chết của con Liên, ngoài thằng Hôi ủ dột âu sầu, biếng ăn biếng nói, còn có con Đuông. Tính nết con Đuông, láu táu, xí xọn, cái đầu như trái ổi đầy hột, ngoài chuyện vui chơi, giỡn hớt, chọc phá bà con thiên hạ ra, chẳng nghĩ nghĩ ra chuyện gì khác hơn. Vậy mà mấy đêm nó không ngủ được. Buổi sáng, theo đám bụi đời xuống vườn hoa bến sông, nó chứng kiến cái xác con Liên cứng đơ. Khuôn mặt méo mó, mắt có được vuốt mà không chịu nhắm kín, cứ hé ra như mong chờ ai...Nó giật mình. Nó khóc, không phải vì thương xót gì con Liên đâu, nhưng thương chính nó nhiều hơn. Thằng Lai nạt nộ:
“Đù má. Nó là má mày sao mày thương. Vô duyên!”
Ngắm nghía cái mặt con Liên da thịt bắt đầu thiu, nó giỡn:
“Thôi bà ơi, nhe răng cười một cái cho vui vẻ rồi đi, hé mắt dọa ai? Con Đuông nó sợ bà chết khiếp kìa.”
Thêm chuyện bà điên thình lình xuất hiện, tuột quần xếp gọn cúng con Liên rồi tồng ngồng ra sông ngồi vọc nước rửa ráy cũng làm bọn thằng Lai cười liểng xiểng hết biết buồn.
Người ta bó kín con Liên trong chiếc chiếu rách, khiêng đi. Buổi trưa hôm đó, con Đuông ăn tô hủ tíu thừa xin được của khách, tự nhiên nôn ọe tùm lum. Có gì đâu, nó nhớ tới mấy con ruồi bay vo ve đậu trên mặt con Liên, bò ở cái lỗ tai mỏng dính mà vểnh lên, không biết có phải mấy con ruồi đó lại đang bò quanh cái lon đựng hủ tíu nó đang ăn không. Con Quynh bà chòi hất mặt:
“Sao mậy? Có chửa rồi há mầy?”
Nó hù thêm:
“Biết mày thương, con Liên nhập vô đầu thai, nó ở trong bụng mày, ghê ơi!”
Mặc kệ con Quynh nói. Con Đuông biết nó sao mà. Đang “cho cổ ăn trầu” đây, thai với nghén kí gì? Có điều sao tự nhiên buồn quá là buồn. Đâu coi tuồng tích cải lương chi?
Lâu nay, quen mắt không ai nhìn thấy chớ con Đuông trổ mã nhanh thì thôi. Tuy gầy nhom, ăn toàn thức thừa cặn người ta vứt đi mà nó cao lên nhiều, chỗ nào đáng phình thì phình ra hết cỡ, chỗ nào eo thắt không cột bó cũng gọn bưng, chắc nịch. Mới đen điu, môi vểu, mặt còm xương, bỗng nhiên nước da hồng quân láng mịn, đôi môi vểu bỗng trề trề nũng nịu dễ thương quá. Còn cái dáng nó đi, cô Mai Bắc nổi tiếng “xàng xê” cũng thua xa rồi. Thằng Lai khi nhận ra là chuyện không đùa nữa, nó “nể nang” con nhỏ quá xá. Con Quynh, năm ngoái cao hơn nó nửa cái đầu, nay nó đã vượt hơn. Thằng Lai quýnh lắm, chỉ sợ mất con Quynh. Coi cặp giò nó dài ngoẳng, mấy cha ăn chơi đã ngấp nghé:
“Mày chịu bán con vợ nhỏ của mày đi, bán mắc cũng mua không tiếc tiền. Khoái chỗ “trường túc bất chi lao”.
Mấy cha ăn chơi kinh nghiệm vàng trời thiệt. Con Quynh đe:
“Tao nói rồi,tụi tao là chị em, mày phải đối xử đàng hoàng không tao bỏ mày.”
Thằng Lai ôm con Quynh:
“Còn phải dặn, tao cưng nó mày có ghen không?”
Không bao giờ con Quynh “tành hanh” với con Đuông. Con bạn bụi mà nó coi như em ruột thịt rồi, con này đẹp nó cũng hãnh diện chớ bộ. Bởi vậy khi thấy con Đuông biếng cười biếng nói, đêm, đợi thằng Lai ngủ say như chết, nó khều con Đuông dậy:
“Tao biết mày chưa ngủ.”
“Ừa, tao không ngủ được.”
“Sao dzậy?”
Con Đuông trầm ngâm một lúc, nói:
“Quynh, mày có nghĩ là mình sống đầu đường xó chợ tới già không?”
Con Quynh cười hắc hắc:
“Sống tới già? Không đâu mày ơi. Làm gì sống được tới già. Coi con Liên, tụi mình rồi cũng như con Liên.”
“Quynh à, mày đừng làm gái nữa, tụi mình sống khác đi.”
“Mày xúi tao bỏ thằng Lai?”
“Không đâu. Bỏ nó thì tao không bỏ nhưng tao không muốn kéo dài ngày này qua ngày khác rồi chết như con Liên. Tao sợ lắm.”
“Muốn gì thì phải có tiền. Tụi mình cóc có tiền.”
“Không có phải làm cho có. Tao nhứt định rồi”.
Hôm sau ngủ dậy, con Quynh và thằng Lai không thấy con Đuông đâu. Hai đứa đổ xô đi tìm dọc mấy con đường thường ngày chúng lui tới. Gặp thằng Hôi hỏi, thằng Hôi cũng không biết con Đuông đi đâu. Thằng Lai rầu quá, tối hôm đó uống rượu say mèm nhớ con Đuông. Con Quynh bỏ mặc thằng Lai ngủ say như chết, đi tìm một “khứa” để ngày mai sống.
Gần một tuần mất hút con Đuông, sau đó nhờ thằng Bò mách, biết con Đuông tối về ngủ ở công trường Quách thị Trang, phía tuốt chợ Bến Thành, hai đứa xuống tìm bạn.
Chúng nó xuống công trường Quách thị Trang từ chín giờ, lúc đó giới giang hồ bụi đời còn tản mạn làm ăn khắp thành phố. Bùng binh lác đác người, nhưng khi thằng Lai và con Quynh ngồi nghỉ chân ở một chiếc ghế đá thì một chị đàn bà mon men lại gần:
“Này, cô cậu cần ngồi bao lâu?”
Thằng Lai nhăn mặt. Ngồi bao lâu thì tùy hứng của ông đây chứ mắc mớ gì mà hỏi. Thấy vẻ mặt cô hồn của thằng Lai, chị ta biết cũng là dân có thứ hạng ở quanh đây, nên giọng dấu dịu:
“Cô cậu cho xin tiền chỗ...”
“Tiền chỗ?”
“Ừa, tính theo giờ, nhẹ thôi”.
“Ngồi xuống đất có tính tiền đất không đây?”
Chị đàn bà cười hề hề:
“Nhận ra rồi, cậu Lai Phá trên Tự Do phải không? Cậu thì phải biết luật lệ từng khu rồi, mình sống nhờ mấy nơi này mà...”
“Chị muốn nhiêu?”
“Nói vậy thôi, ai chớ cậu Lai Phá thì ngồi tự nhiên. Tự nhiên. Tự nhiên nghe. Mà cậu xuống dưới này chi vậy?”
“Tìm một đứa bạn. Chị...gì đây?”
“Tui hả. Tui là Tư Ruồi...Hì hì, chỉ vì mấy cái mụt ruồi mọc chình ình trên mặt mà bọn nó gọi tui là Tư Ruồi. Tôi tên Tư thiệt nhưng mụt ruồi cậu đếm coi, phải trên một chục cái.”
“À há. Chị Tư Ruồi nè...Tui muốn nhờ chị một chiện. Tui có con bạn tên Quynh, nghe nói nó về nhập khu khách sạn “chiếu” này, chị biết không?”
Chị Tư Ruồi tươi rói:
“Ha. Tui là chủ khách sạn “chiếu” đây chớ ai! Cậu nhìn coi...”
Thằng Lai và con Quynh nhìn theo tay chỉ. Ngay sau ghế đá là một đống chiếu cuộn tròn, kèm thêm đống báo và mấy tấm ni lông...
“Tui nắm hết trong nắm tay nè. Coi, cô Đuông...nhớ, biết. Cô này cừ lắm nghe. Dân mới đây thôi. Bữa cổ xuống, hổng có đồng bạc cắc, thuê chiếu cũng không, thuê miếng trãi ni lông cũng không, giấy báo rẻ nhứt cũng không có tiền. Tui cho chịu mấy bữa thuê giấy báo...Cổ hay quá chừng, thuê được chiếu chăn rồi. Ráng đợi đi, chỉ còn bữa nay thôi, cổ sắp dọn tới “khách sạn ghế bố”, có mùng mền ở phía dưới nhà ga xe buýt Sài Gòn, khu Lê Lai, Diên Hồng. Ở dưới tiện nghi hơn nhiều, khu khách sạn hạng sang đó cậu.”
Chị đàn bà nói dài dòng làm thằng Lai sốt ruột. Chị vẫn không ngưng:
“Ở đây coi vậy mà tiện nghi lắm nghe. Có thể tắm giặt ở các nhà tắm, vệ sinh công cộng khu nhà ga xe buýt Sài Gòn, khu Lê Lai, Diên Hồng với giá phải chăng, có phục vụ cho thuê quần áo, giặt ủi...”
“Ủa, giặt ủi cho ai?” Con Quynh hỏi.
“Thì cho mấy cổ. Há? Mấy cổ làm gái đó...mèn ơi, ở khu vực này mấy cổ đắt khách hết biết, tiền hông à. Nên mới có dịch vụ cho thuê quần áo nữa...như tôm tươi....”
Đang nói chị Tư Ruồi ngưng ngang. Một người đàn bà khác đưa tay vẫy vẫy chị. Tươi cười chị đứng dậy, lạch bạch chạy tới dắt tay bà ta. Không hiểu sao thời buổi ăn độn bo bo mà có người đàn bà mập mạp tròn trịa vậy.
“Mèn ơi, bữa nay tới sớm quá vậy. Mấy cổ chưa ai về hết trơn. Ngồi xuống đây”.
Hai chị đàn bà ngồi bó gối. Chị Tư Ruồi giới thiệu:
“Biết ai đây không? Dung mập. Bả là giám đốc ngân hàng cỡ bự ở đây, phải không chị Dung?”
Người đàn bà mang tên Dung mập cười, không thấy tròng mắt đâu hết.
“Thôi bà ơi, đừng bốc quá mạng chớ. Giám đốc giám xúi gì đây?”
Chờ lâu quá sốt ruột, thằng Lai phá dẫn con Quynh đi một vòng cho dãn chân và nghía “khu vực mới”.
Phố đang vắng lặng bỗng nhiên ào ào người đâu tràn ra như kiến. Từ phía mũi tàu đầu đường Trần Hưng Đạo và Lê Lai bỗng la liệt dịch vụ hàng quán bán trà chén, thuốc lào, giác hơi, cà phê nối tới đường Phạm Hồng Thái và cuối đường Lê Lợi. Khách đã tới lai rai. Ở hàng thuốc lào, đã có một người đàn ông xì tiền để kéo một hơi, phía sau hai ông cụ xếp hàng nôn nóng chờ tới phiên mình. Một ông tách ra, sang qua một quán cóc mới bày, chỉ là một chiếc bàn nhỏ và vài cái ghế, một cái thúng có ấm trà nóng và một điếu cày. Người đàn ông chủ “quán” cành cựa với một người đàn bà nhỏ thó, gầy còm đang trãi chiếc chiếu xuống bên cạnh:
“Chị kia, lui vô trỏng một tí không che hết mặt tiền người ta còn chi.”
Anh ta vừa nói vừa ho húng hắng. Chị đàn bà ngoai cái miệng:
“Người ta đã lui tuốt bên trong rồi còn ngứa miệng nữa. Đúng là vô duyên.”
Mặt mày hầm hầm nhưng khi đặt rỗ đò nghề lên chiếu thì lại rất thận trọng. Bên trong cái thúng xếp gọn đồ nghề giác hơi. Giọng chị oang oang:
“Con Bầu đâu. Biểu coi.”
Một con bé loắt choắt mặc cái áo đứt hết khuy, cột túm đằng trước, không biết đang ở đâu, nghe gọi le te chạy về. Chị bđàn bà quắc mắt:
“Con quỷ, hở cái là mày biến. Bây nhiêu tuổi đã rượng đực phải hôn?”
Bị mẹ chửi, con bé không hề buồn. Nó nhe răng ra cười. Hàm răng bám đầy bợm nhơ như từ khi lọt lòng tới giờ chưa biết đánh răng là gì.
“Nè, má.”
Nó đưa bàn tay nãy giờ dấu sau lưng ra. Trong tay nó có một trái bắp nướng. Người mẹ phì cười:
“Ông cố nội mày. Chỉ giỏi đi chôm chỉa.”
“Má ăn không? Tui đi kiếm cái khác.”
“Đưa đây. Con bà mày.”
Con Quynh nãy giờ đứng nhìn, bất bình nhổ một bãi nước bọt.
“Mẹ gì mà ác nhơn.”
Nó kéo tay thằng Lai. Nhưng thằng Lai đang bận để ý tới sinh hoạt xô bồ ở đây. Đang vắng ngắt mà ở đâu không biết, như cô hồn đêm xuất hiện sống dậy một bãi tha ma vậy. Nhiều quán xá quá, một số “quán” còn phục vụ cà phê, nước đá, nước ngọt. Có cả xe nước mía, cà phê quán, cà phê “chạy”. Rất đông dân “giang hồ tứ xứ” tụ họp tại đây. Gái mại dâm, dân anh chị, dân bụi đời “quí tộc”, dân làm ăn đêm...Đầu đường Trần Hưng Đạo và Lê Lai là sòng casino, đang vừa mới bắt đầu sát phạt...
Trên chiếc chiếu, chị đàn bà đã có khách giác hơi. Coi khách giác hơi cũng là một tay anh chị có hạng nên chị đàn bà “phục vụ” một cách tận tình lắm. Một dãy giác hơi đeo tên lưng, nhưng bàn tay chị đàn bà thoa bóp, tẩm quất phần dưới và hai bắp đùi, miệng giả lã:
“Làm cho anh Hai “phẻ” để anh Hai còn thức suốt đêm “mua hàng” chớ. Tui giác hơi “mát tay” lắm, phải không anh Hai.”
Thằng chả chỉ ừ hử, cái lưng như tấm thớt vuông đeo mấy miếng thịt trâu thiu tím nhách.
Thấy chẳng có gì để coi tiếp, chúng nó ngược lại bùng binh Quách thị Trang, giới chị em đang “hành nghề” rôm rã nhưng chúng nó không thấy con Đuông đâu. Gặp lại chị Tư Ruồi, hỏi, chị nói:
“Hông thấy. Cậu tìm coi cổ có thuê phòng không?”
Con Quynh ngơ ngác:
“Phòng ở đâu mà thuê?”
“Kẹt thì thuê phòng ở nhà vệ sinh. Ở đó có nhân viên vệ sinh thu tiền và canh gác hẳn hoi, an toàn lắm.”
Thằng Lai dẫn con Quynh đi vào khu vệ sinh chợ Bến Thành. Chúng nó muốn dội lại vì mùi hôi thối làm muốn mửa.
“Có đây không?”
Con Quynh kéo thằng Lai vô một dãy phòng vệ sinh nữ, chỉ thấy hai cái đầu nhấp nhô sau cánh cửa thấp.
“ĐM. Thối thấy mẹ mà “làm ăn” được.”
Nó kéo con Quynh trở ra. Dù có con Đuông ở trong các phòng này, chúng nó cũng không thể lôi từng cặp, day mặt mà nhìn. Đèn đuốc lại tối thui. Trong lúc quay ra, chúng nó bị một bàn tay nắm lại:
“Ê, đã đóng tiền phòng chưa mà vào?”
Chắc là người trông coi khu vệ sinh. Ông ta đứng lù lù trong tranh tối tranh sáng.
“Tui chỉ đi kiếm người quen thôi mà.”
“ĐM, hễ bỏ con mắt ra là tụi bay “chui” phòng. Cút không ông đập thấy con mẹ tụi bây...Đồ ranh con.”
“Đi thì đi. Làm gì dữ vậy? Bị chưa biết thằng Lai phá này là ai phải không?” “Ê, giang sơn nào anh hùng nấy nghe mày. Cút. Tao bảo cút.”
Theo thói quen, thằng Lai còn lừ mắt nhìn một cái mới bỏ đi. Ra tới ngoài, con Quynh càm ràm:
“Khu này “độc” quá. Tao hổng ham. Thôi “dzề” trển mày ơi.”
“Tao phải tìm cho được con Đuông.”
Thằng Lai quả quyết. Nó kéo con Quynh tấp vô một “quán” cà phê “ghế”. Chỉ ngồi trên hai chiếc ghế nhỏ xíu cạnh lề đường, không biết cà phê để ở đâu, khi gọi có người mang ra mà cũng nóng hổi.
...
Thây kệ thằng Lai.
Con Đuông đang ngồi ăn trong nhà hàng “hai cây dừa” ở đường Lê Lai. Nó đang cặp bồ với Tám Địa mà dân giang hồ gọi là “Tám Địa Ngục”.
Hắn đen như củ súng, nhiều phần lai Miên, là dân anh chị trong giới giang hồ thâm niên, hắn đặc biệt được nể nang và khiếp sợ vì khuôn mặt lạnh, tâm địa chẳng ai đo được. Đang vui vẻ cười cợt, rút dao xỉa một cái lấy một mạng người tùy hứng. Giang sơn của hắn là đoạn đường Phạm Hồng Thái từ Lê Lợi xuống ngã sáu Phù Đổng. Đàn anh của dân tiêu thụ xe ăn cắp, xe gian, văn phòng “lề đường” làm việc suốt đêm. Nếu có “mồi” đưa tới, hay chạy ngang, bất kể đầu hôm hay về sáng, cũng có người “chuyên trách” tiêu thụ. Hắn còn có đàn em bao dàn khu “khách sạn ghế bố” phía Cách mạng tháng tám còn gọi là khu Trống Đồng. Ở đây, đàn em hắn bày la liệt ghế bố, vừa bán nước, vừa cho thuê cho thuê chỗ ngủ qua đêm. Đàn em của Tám Địa Ngục còn bao thầu dịch vụ vệ sinh răng, hàm, mặt khắp các loại khách sạn.
Bên cạnh những khách sạn chiếu, khách sạn ghế bố, gần sáng là thời điểm của dịch vụ, có đặt những sô nước lớn, bên cạnh là cả tá bàn chải đánh răng. Khách có thể mua một ca nước,bàn chải quệt chút kem theo thời giá. Đàn em của Tám cũng đã phải giành giựt, tranh đấu có cả dao phay mã tấu mới giựt được dịch vụ này, trước đây thuộc về nhân viên của nhà vệ sinh công cộng.
Con Đuông không phải tự nhiên mà được nhập vào khu “đắc địa” này. Nhớ buổi tối nọ không ngủ được, nó đã tâm sự với con Quynh về ý nghĩ muốn thay đổi cuộc sống sau khi nhìn thấy cái chết của con Liên.
Sáng hôm đó nó dậy sớm một mình, thả bộ xuống khu vực Lê Thánh Tôn, rồi luôn chân đi xuống ngã sáu. Thèm một ly cà phê, nó tấp vô một quán cóc và gặp Liễu, biệt danh Liễn héo, một bông hoa đêm của khu bùng binh Quách thị Trang.
Nói chuyện một lúc hạp, con Đuông theo con Liễu. Có biệt danh “héo” vì Liễu tuy dễ coi nhưng có nét mặt buồn, lúc nào cũng như sắp khóc.
Con Đuông chưa tính tới chuyện làm gái như Liễu, muốn đổi nghề nhưng nhắm hoài, chưa có hướng nào. Tuy vậy nó nhứt định ở lại khu này dù những mối lái làm ăn đã lọt vào tay có “thế lực”. Cũng không sao, có tiền thì thuê chiếu, ít hơn thì thuê tấm ni lông hay miếng nhựt trình. Còn không nữa thì khi đã được Liễu héo bảo lãnh “hộ khẩu”, chỉ cần lấy chân dẹp dất cát, rác rến sang một bên là có thể ngã lưng đánh một giấc đến sáng hôm sau. Rủng rỉnh tiền bạc hơn tí, thuê “gói”, gồm có chiếu, mùng mền. Tắm giặt ở nhà tắm vệ sinh công cọng khu nhà ga, xe buýt Sài Gòn, dỹ nhiên là phải đóng lệ phí. Còn nhiều thứ tiện nghi khác mà trên khu Tự Do không có, vì có một số chị phục vụ cho các “gái bán hoa”
thuê quần áo, giặt ủi, có cả đồ xịn bằng vải xoa còn mới đến các loại quần áo tầm tầm giá phải chăng.
Hè phố cờ bạc sát phạt suốt đêm. Dân tiêu thụ xe ăn cắp, xe gian ngủ ngay tên ghế bố lề đường để “bắt mối”. Dân gian hồ thuê chiếu trãi la liệt bên những xe đạp, xe gắn máy. Người ngủ, người “quậy”, sinh hoạt gia đình, chiếu phim “yêu” lộ thiên ì xèo, con nít khóc la, hàng xóm “chiếu” cãi nhau, chửi nhau, cứ vậy mà ì xèo cho tới sáng ngày. Con Đuông khó khăn lắm mới quen dần với cuộc sống ồn ào chật vật ở đây. Hết tiền, nó vay mượn Liễu héo qua ngày cho tới một hôm gặp Tám Địa Ngục.
Cũng trong quán cà phê cóc, Tám Địa Ngục đang hì hục “đẩy” tô hủ tíu thì con Đuông bước vô. Nhìn cái dáng đi “xà nẹo” của con Đuông là Tám chịu đèn liền, huống chi nó vừa đá con đào ruột một phát cho đi chơi chỗ khác chơi vì tội..đã cũ, hết duyên mà xài tiền bừa bãi. Con Đuông nhìn thấy cái “tướng” của Tám cũng giật mình, coi bộ “đại ca” gì đây chớ không thường. Lúc đó nó chỉ còn tiền để kêu một ly “xây chừng” nhỏ.
Tám bưng tô hủ tíu ăn dở qua ngồi chung bàn.
“Ngồi được không?”
Hắn bỏ bao thuốc lá và cái hộp quẹt díp-pô màu vàng chói lên bàn, ngó thẳng vào mặt con Đuông. Ai chớ con Đuông còn khya mới khớp. Nó cũng chong mắt nhìn lại mà không thèm cười làm quen.
“Mới tới?”
Con Đuông ầm ừ, đưa tay cầm bao thuốc lá rút một điếu, kiểu như dân trong nam thường nói “tự nhiên như người Hà Nội”, châm lửa phì phèo. Tám Địa Ngục nhìn con “ghệ” mới cười tủm tỉm. Ngộ quá đi. Con bé này ở đâu như trên trời rớt xuống, quần áo như con lọ lem, mà bên trong mớ quần áo cũ, những đường nét xuất sắc hết xẩy. Người biết nhìn là khám phá ra liền.
“Tao hỏi mày, trả lời đi.”
Con Đuông nghinh cái mặt:
“Gì?”
“Mày biết tao là ai ở đất này không?”
“Biết làm đách gì. Ăn nhằm gì tới tao!”
Đó là buổi đầu gặp gỡ. Dỹ nhiên con Đuông đâu có bỏ qua cơ hội khi biết Tám Địa Ngục là ai. Chỉ ngày hôm sau, Tám Địa Ngục đã đưa con Đuông ra chỗ “tiếp thị” ngay đầu hẻm Lê Lai, là dịch vụ hóa trang cho các nàng kiều nữ. Cho thuê đồ nghề, làm mặt, xịt nước hoa, nhưng con Đuông chê. Nó nói với Tám Địa Ngục là nó không muốn được liệt vào hạng làm gái. Con Đuông biết cách làm cho Tám Địa Ngục không coi thường nó như những cô gái từng qua tay hắn.
Con Đuông đã thay đổi hẳn. Nó như con Lọ Lem lột xác khi được mặc quần áo đúng thời trang. Thoa chút phấn hồng, kẻ một đường chì lên mắt, đánh môi son, ôi thôi, con Đuông đen đỉu hôi hám, lôi thôi lếch thếch đã chết, chôn cất kỷ.
Bữa ăn thật linh đình, có cá nướng trui, bò nướng vĩ, thêm cái lẫu lươn um sữa tươi. Tám Địa Ngục đã hết bốn lon bia hộp ngoại mà con Đuông nhâm nhi ly nước cam còn hơn một nửa. Mái tóc túm lại, rối nùi, đã được chải mượt rủ xuống vai, che một bên mặt, lấp ló, quẹt qua quẹt lại trên làn da và bộ ngực như muốn bày trọn bởi chiếc áo hở cổ rộng mà con Đuông thì cứ chồm lên bàn và cúi thấp người xuống. Tám Địa Ngục ngồi trân một chỗ, hồn vía lên mây.
“Ăn đi, anh.”
Con Đuông cầm chén tiếp cho Tám Địa Ngục món lươn um sữa tươi. Hắn cầm lấy cái chén, cầm luôn cả bàn tay con Đuông.
“Đừng tìm hiểu lâu vậy. Anh thành thực mà.”
Con Đuông cười:
“Thôi ông ơi, ông đã nói câu này trên cửa miệng mấy trăm lần rồi, với mấy trăm bà rồi, ông nội?”
Con Đuông vẫn cái giọng cà chớn, bụi đời. Vậy mà Tám Địa Ngục ngó trân trối, như muốn nuốt, cắn, nghiền ngấu đôi môi trề ra, và cái miệng quá có duyên khi nói. Hắn cà lăm luôn:
“Anh...anh thành thật thiệt. Lần này thành...thành...thành thiệt lắm...lắm.”
Con Đuông hơi ớn. Cái giọng nói thì có tình nhưng sao cặp mắt trắng dã và cái mặt lạnh tanh.
“Bữa nay, em về với anh...”
“Về “khách sạn ghế bố” há? Thôi đi, giữa trời giữa đất...”
“Em sợ gì? Ở trên khu Tự Do em cũng ngủ giữa trời đất vậy. Em đừng bày đặt.”
Mới run giọng đó, Tám Địa Ngục đã nặng lời được.
“Phải. Hồi trước như vầy nên bây giờ hổng muốn vầy nữa.”
“Được. Nếu em muốn lâu dài thì anh sẽ lo. Anh sẽ thuê phòng cho em ở...Nhưng em phải chịu thương anh mình mới nói chuyện được. Tính anh sòng phẳng, nghĩa là bánh ít đi bánh qui lại mới vui vẻ đôi bên. Em hiểu mà, luật giang hồ là vậy!”
“Hiểu”.
“Vậy...?”
“Em nói một lần, ghế bố hổng được.”
“Nhà của anh kẹt lắm. Mà anh cũng ít khi về...”
“Về nhà anh làm gì? Để anh giới thiệu xóm Chiếu há? Thôi đi ông.”
Thấy con Đuông cứng rắn quá, Tám Địa cũng phải xuống nước.
“Vậy bữa nay về coi chỗ của anh thôi, rồi mình sẽ thuê phòng sau. Công việc của anh em biết mà, hổng bỏ chốn “khách sạn ngàn sao được”, tịch luôn em ơi”.
“Được, ăn xong rồi mình đi.”
“Hứa nghe.”
“Ừa”.
Tám Địa Ngục có cảm giác hãnh diện khi cặp kè ngồi nhà hàng với con Đuông. Để ý thì biết, mấy cặp mắt ở các bàn đối chiếu đảo ghê quá, chủ ý là đưa qua đưa lại chỗ ngồi của con Đuông.
Coi con bà chòi này cũng không vừa, ưỡn ẹo, liếc mắt, bộ điệu bất kể.
...
Đúng là giang san nào anh hùng nấy. Khu này các quán ăn không có con nít lóc nhóc cầm lon chạy vô chạy ra hay đứng chực bên bàn chờ lượm xương hoặc thức ăn thừa bỏ. Bọn nhóc này chỉ có quyền “hành nghề” khu ngã sáu, ở đó có đủ hàng quán, xạp kiểu bình dân. Dân bụi đời, bọn con nít bu quanh lớp trong lớp ngoài. Xin xỏ, van nài...thọc cả ngón tay vào thức ăn, bàn tay như cả năm không rửa ráy, đố vị khách nào còn dám ăn tiếp.
Từ ngày gặp Tám Địa Ngục, con Đuông mới biết nếm mùi sang trọng. Ngồi trong quán yên tĩnh, không bị phá quấy, còn được phục vụ đàng hoàng, nó mới càng hiểu thấm thía chỉ có đồng tiền mới làm cho con người ta sướng mê đi. Nó không ngờ có sự thay đổi nhanh chóng đến thế. Mới đây thôi, nhìn các cặp sang trọng ngồi trong nhà hàng nó thèm rỏ dãi, nghĩ, biết đến bao giờ mới được ngồi uống ly nước cam sang trọng, khuấy cái muỗm lách cách...vậy mà, khi được ngồi thì đâu có khó khăn gì, tưởng là đợi đến già đầu luôn cũng không mơ tưởng nổi. Đôi lúc nó cũng chạnh lòng nghĩ tới con Quynh và thằng Lai. Giá như nơi chiếc bàn này, không phải Tám Địa ngục mà hai đứa bạn đời của nó...
“Em không vui?”
“Dạ hổng có.”
“Hay chưa no?”
“Em no lắm rồi.”
“Vậy mình đi. Đêm nay anh phải đích thân đứng huy động tụi đàn em vì đã được báo có tới mấy mối hàng....”
Tám đứng dậy trả tiền. Quán cũng đã thưa khách. Con Đuông theo Tám Địa ngục về đoạn đường Phạm Hồng Thái từ Lê Lợi xuống ngã sáu Phù Đổng. Nơi này là chợ xe ngày đêm làm việc hai bốn trên hăm bốn cũng là một trong các “khách sạn ghế bố”. Đàn em của Tám đang ngồi la liệt trên những xe đạp, xe gắn máy. Cũng đã có những “giường bố” thuê được kê ra, các anh chị giang hồ nào chồn chân thì cứ việc nghỉ lưng. Thấy Tám đi về với con Đuông, bọn đàn em xúm lại:
“Tụi em tìm đại ca suốt...”
Tám hất hàm:
“Tìm làm gì. Hễ đến giờ thì tao tới, mọi công chuyện tao đã phân chia thì cứ vậy mà làm. Đã vô “mồi” chưa?”
“Từ tối tới giờ, mấy con chó vàng lạc đàn sủa ồn ào lắm nên tụi tui lặn sợ dàn ra lơ ngơ bị chó đớp trúng giò. Đại ca, giờ mới “lặng” được một tí đó.”
Một tên đàn em coi có “địa vị” và được anh Tám coi thân, ngó con Đuông như xem “giò cẳng” con gà mua cúng thần.
“Anh Tám, tìm đâu ra “kiều nữ dạ lan hương” vậy?”
“Hổng phải chuyện mày nghe thằng Tiết canh vịt...”
“Vậy đàn em phải gọi...”
Hắn còn cố nói thêm.
“Bạn tao. Tụi mày gọi là cô Hương.”
Con Đuông ngẩn người. Tám Đía đã mau lẹ sửa cái tên Đuông quê mùa thành Hương, trại ra cũng xuôi tai lắm.
Thình lình thằng Giàu xuất hiện. Chiếc xe gắn máy vừa chống dựng lên thì nó đã nhìn thấy con Đuông. Nó mau mắn:
“Mày làm gì ở đây vậy Đuông.”
Con Đuông quê quá. Đang được khoác cái tên Hương “quí phái” thì thằng “quỷ lọi” này làm bể mánh hết trơn. Đàn em Tám Địa ngục trố mắt ngó. Con Đuông cau mày. Thằng Giàu thêm:
“Trời ơi, sao mày đẹp thế Đuông. Mày như con tằm mới hóa bướm, tao nhìn không ra đấy nhé.”
Giọng thằng Giàu Bắc Kỳ đặc sệt. Coi nó cũng đã là “ông trời con” trong giới rồi. Áo din, quần bò, tối thui mà nó đội cái mũ lưới sùm sụp, chỉ thiếu cái kính đen là đủ bộ.
“Việc của tao, mày tò mò làm đách gì.”
Thằng Giàu cứ xuýt xoa không rời mắt khỏi người con Đuông được Nó tắc lưỡi, huýt sáo, ra điêu quá tiếc rẻ, khi biết ra thì muộn mất rồi. Tiết canh vịt ôm vai thằng Giàu kéo tuốt ra xa. Nó nhìn thấy đôi mắt của đại ca hắn đang nổi mấy sợi gân đỏ.
“Đại ca. Tụi em lo công việc bửa nay...”
Thằng Giàu cũng vửa bắt gặp đôi mắt có lửa cháy và cái mặt lạnh tanh của Tám Địa Ngục, thấy ớn lạnh xương sống. Nó chợt hiểu ra, lo chuồn cho lẹ. Tám Địa Ngục gằn giọng:
“Còn đứng đó ngó.”
Bọn đàn em còn lại biết phải làm gì khi đại ca nổi đóa, dãn dần. Tám nói thêm:
“Tao dặn đây, từ nay, tụi bây thấy cổ biểu gì là phải lo đàng hoàng, không được hỗn, nghe?”
“Dạ nghe.”
“Biết rõ. Đại ca.”
Choàng tay qua vai con Đuông như chứng tỏ cho đàn em biết từ nay “ván đã đóng thuyền”, Tám Đía nói:
“Anh đưa em lên trển tính toán cho xong, rồi đêm nay xuống đây, anh sẽ biểu tụi nó kê cho em ghế bố đàng hoàng ngủ tạm một đêm. Mai anh đi thuê nhà cho em.”
“Được. Để em đi một mình được rồi.”
Tám Đía đưa con Đuông đi một quảng. Lúc chia tay, con Đuông nói:
“Em còn có chuyện bàn với anh, phải bàn xong em mới hứa được. Giờ em chưa hứa gì hết “chơn” hết” chọi” nghe”.
Tám ngớ ngẩn theo cái vẫy tay chào và dáng đi uỡn ẹo của con Đuông. Hổng biết đã có ai “cắt chỉ” nó chưa? Mà sao tránh được, nó cũng chỉ là một con “bụi” đầu đường xó chợ. Ông trời mới oái oăm làm sao, khi thỉnh thoảng lại “nặn” một con lọ lem.
...
Con Đuông trở về khu bùng binh chợ Bến Thành. Đây mới là lúc “cao điểm” của sinh hoạt. Nó gặp con Liễu đang lau chau tụm bọn với đám gái “bán hoa”. Con Liễu vẫy tay:
“Bữa nay mày về sớm quá vậy. Ê, đứng bọn đi. Nghe nói bữa nay có đại hội gì lớn lắm, mấy ông ở ngoài Hà Nội vô họp đông, thế nào cũng bắt được “khứa cán”. Dzô đi bà”.
Một cô gái mặt mày teo tóp, son phấn lòe loẹt, vừa sịt mũi vừa nói:
“Tụi đó báu gì, chơi quịt hông à. Không đáng gót chân mấy ảnh xích lô, xe ba gác, nghèo mà chơi đẹp.”
Cô nữa thêm:
“Lại hổng chịu mặc áo mưa, mà mấy ổng dơ hết biết, mới ghê. Bữa, bảo một ông mang áo mưa vô, ổng hỏi bộ phải mặc áo đi mưa rồi mới...làm cười muốn “chít” vậy đó.”
Con Đuông gỡ tay con Liễu ra:
“Không đâu. Tao tìm mày để đưa mày cái này này. Ra đây.”
Hai đứa ra riêng một góc. Con Đuông dúi cho con Liễu một ít tiền:
“Bữa nay vậy đủ rồi, đừng “đi” nữa Liễu à. Mày phải thương cái thân mày chớ. Coi mắt mày thâm quầng lại, có bệnh gì không?”
Con Liễu tỉnh queo:
“Bệnh là cái “cẳng” rồi, giấu đi đâu được. Tao thấy rát ráy khó chịu lắm, nhưng cho nó nghỉ “việc” cái miệng này thì cái miệng kia khóc, mày biết hôn.”
“Nói như cức người ta.”
Con Đuông nổi sùng dù biết điều đó là sự thật không chối cãi được. Bởi không cãi được nên nó mới văng tục ra.
“Mày giữ mà tiêu, cái bụng nó đâu có ăn một lần mà no hoài mày, ngày mai nó lại đòi ăn. Mày cất đi, tao hổng lấy của mày.”
“Ê Liễu, tao đâu cho mày. Tao trả nợ mà.”
“Tao chưa đòi thì mày đừng có trả. Mày chưa giàu có đâu, khi cái miệng đó của mày chưa làm việc. Làm ơn cất đi. Tao phải ra với tụi nó rồi còn đứng rãi ra mới có “khứa” được.”
“Mày nghỉ một bữa hổng được sao?”
“Hổng được. Cái miệng này cũng như cái miệng kia, đều phải ăn hết mày ơi.”
Con Đuông lắc đầu. Còn biết nói gì nữa. Nó quay về chỗ cũ, thình lình thấy con Quynh và thằng Lai. Con Quynh vồ lấy nó:
“Mèn ơi. Ông địa ơi. Mày ở đây thiệt. Chu choa, tụi tao kiếm hết hơi.”
Nó ôm chầm lấy con Đuông:
“Mà phải mày hông? Trời đất. Đứa nào chớ đâu phải mày, Quynh. Mày đẹp ác ôn côn đồ chưa. Sao mày đổi lốt nhanh quá vậy mày. Mèn ơi, quần áo, mày lấy đâu ra...mà...”
Con Đuông không biến đi đâu được nữa. Coi thằng Lai sửng như trời trồng nhìn nó. Con Đuông thiệt sao hả trời. Đẹp hơn bất cứ người đẹp nào mà thằng Lai đã thấy đi trên đường Tự Do. Coi cái ngực của nó, như lớn gấp hai gấp ba cái ngực mà nó cứ ngỡ là còn nhu nhú. Cái mông kia, có mới bơm lên không? Ôi cái áo nó mặc, bó thân hình tròn lẳn, bó luôn hai trái bưởi bự ơi là bự. Thằng Lai tá hỏa tam tinh.
“Lai. Mày đâu rồi. Sao câm vậy?”
Con Quynh la ơi ới. Con Đuông ngó thằng Lai cười. Tay chân thằng Lai như vừa mới rụng ra hết. Nó cố hết sức để cười lại, nhưng chắc là không phải nụ cười đâu, mà là cái mếu...Quê quá. Khi quê nó dễ nổi sùng, vậy là mặt mày nó lầm lầm lì lì coi dễ sợ.
“Mày bỏ tụi tao được. Mày tệ quá. Tụi tao nhớ mày, khỏi ăn khỏi ngủ đi...Mày xuống đây làm gì...?”
Nhìn cách ăn mặc của con Đuông, rồi câu hỏi của con Quynh như châm dầu vào lửa. Thằng Lai trợn mắt:
“Đ.M, ngon hả mày.”
Con Đuông đã tính làm lành với hai đứa, nghe câu chửi thề của thằng Lai, nó nổi cơn bướng lên:
“Ngon chớ sao hông ngon, mày. Bộ tức hả?”
“Ê, đừng có trở mặt nghen. Biết tính ông rồi mà, ông nổi điên lên thì...đ.m, ông...”
Nó đưa tay ra, định vồ cái cổ áo rộng toét hoét mà xé toang nó ra. Nhưng bàn tay của nó lung chừng thì rớt xuống. Tự nhiên bụng nó quặn lại, đau y hệt như khi bị táo bón.
Con Đuông hừ một tiếng, lùi lại ngồi nghinh thằng Lai. Con Quynh can thiệp:
“Ê Lai, mày đừng có điên vậy chớ. Bộ mày hổng mất ăn mất ngủ đi tìm nó như thằng khùng sao mầy. Gặp là gây, kỳ cục.”
Nó kéo tay con Đuông:
“Nó khùng thây kệ nó. Đuông à, mày sao rồi, mày ở đây hay đâu? Mày về trển với tụi tao đi. Đừng giận thằng Lai, nó thương mày nên mới khùng tận mạng vậy.”
Thằng Lai làm thinh, nó cũng đã biết cái lỗi nóng nảy của nó. Con Đuông bớt hằn học:
“Đi kiếm tao làm gì. Tao đã biểu đường ai nấy đi. Tụi mình lớn hết rồi, tự lo cho cái thân mình. Tao hổng muốn nghèo hoài.”
“Trời! Mày nói...Ai mà ham nghèo đã chớ. Nhưng mình là bụi đời, lề đường, có đứa nào có cha có mẹ như người ta đâu. Thôi mày ơi, đâu ai cũng hên như mày.”
Trong thâm tâm con Quynh nghĩ là con Đuông đã vô “mánh” gì đó. Thằng Lai thì vẫn giữ cái mặt bất cần:
“Tao biểu mày có trở về trển lại không?”
Con Đuông cười:
“Mày đừng làm cha tao nghe.”
“Không làm cha. Tao làm chồng mày được hông?”
“Chồng cức. Tao lấy mày hồi nào?”
“Không lấy. Tao ngủ với mày nát ra...”
“Ha. Ngủ thì ngủ chớ. Tao cũng ngủ nát ra với thằng khác mà mấy thằng khác đâu phải chồng của tao.”
Chị Tư Ruồi nãy giờ chỏng tai nghe, thấy câu chuyện ngộ quá, chen vô:
“Lạ hén. Vậy trong hai đứa, đứa nào là vợ của nó.”
“Bà câm cái mõm đi....cho cái bấy giờ.”
Thằng Lai hét. Chị Tư Ruồi cười cười cho qua cơn ngượng rồi lại vểnh tai nghe tiếp.
Thấy thằng Lai chửi người ta vô cớ, con Đuông dịu giọng:
“Mày đừng đi tìm tao nữa. Tao nói thiệt. Tao hổng muốn cực hoài, khổ lắm tụi mày biết hông. Từ bữa con Liên nó chết, tao sợ lắm, sợ quá đi chớ, nên tao muốn có tiền, mà làm gái thì nuôi không đủ thân, còn tiền thuốc thang, không thuốc thì chết như con Liên....”
Nó lau nước mắt. Thằng Lai lắc đầu:
“Chuyện gì thì mày cũng bàn với tụi tao, khi không đi lẻ một mình, như vậy mà mày bảo có tình có nghĩa. Nói thì hay lắm, lúc nào cũng ba đứa mình cùng sống, cùng chết. Vậy mà...”
Thằng Lai cũng tủi thân, mủi lòng. Giọng nó khản đặc, mắt nó đỏ lên. Con Quynh:
“Đúng đó Đuông. Tao thề, tao coi mày như em tao. Tao coi lâu rồi. Mày trở lên, ba đứa mình sống vui vẻ lắm mà.”
“Tao hổng thích sống ba đứa.”
“Vậy tao nhường thằng Lai cho mày, từ nay tao ở chung nhưng tao không cho nó làm vầy nữa.”
Nói gì thì nói, con Đuông cũng đã dứt khoát được lối sống cũ rồi. Ba đứa,kéo nhau ra tận chợ cũ, lúc thì tâm tình sướt muớt, lúc thì chửi nhau, cãi nhau ì xèo. Sau hết, con Đuông bỏ về bùng binh, thằng Lai với con Đuông trở về chốn cũ. Con Đuông hứa là sẽ có đêm trở về thăm hai đứa, nhưng chỉ xin là từ nay, hai đứa đừng xía vô đời riêng của nó nữa.
Thằng Lai buồn hiu. Nó nằm ngữa mặt lên trời đêm không nói không rằng trong nhiều tiếng đồng hồ. Con Quynh gợi chuyện, lắc nó, phá nó, nó cũng không nhúc nhích.
“Mày nhớ con Đuông phải không?”
Không thấy thằng Lai trả lời, nó tự trả lời:
“Tao biết mày nhớ. Tao cũng nhớ nó.”
Sự thật thì con Quynh đang nghĩ tới bộ quần áo trên người con Đuông, và nó âm thầm ao ước một ngày nó cũng có quần áo đẹp như vậy. Ý nó có lúc còn muốn bỏ thằng Lai mà đi như con Đuông, nhưng lúc gần sáng, thằng Lai chụp lấy nó, lột trần truồng nó ra thì nó biết là nó khác con Đuông, không bao giờ nó rứt thằng Lai ra được. Cái thằng đúng là khùng, khi không như cỡi ngựa phi trong đêm vậy. Nó cũng biến thành con ngựa cái, cũng phi nước đại, vừa phi vừa hí ầm ĩ.
Mấy tiếng chửi tục tử dưới những đống chiếu vang ra. Con Đuông lấy tay bịt chặt miệng lại. Như muốn chọc cho bà con lối xóm chửi cho vui, thằng Lai hí lớn lên, rồi cười sằng sặc.
“Tao thương mày lắm, Quynh.”
Nó ôm con Quynh, nói như muốn xin lỗi. Vì nó đang nhớ con Đuông. Hình ảnh con Đuông đang làm nó ray rứt, thương nhớ khôn tả. Nó tự hỏi hoài không biết giờ này con Đuông đang làm gì, nằm một mình hay với ai?
Không ai hiểu nó đâu. Hình như chỉ có ngôi sao mai đang chấp chới báo tin ngày sắp đến hiểu nó, nhưng cũng sắp lặn mất trên nền trời bầy nhầy.
...
Anh chàng nhạc sĩ vẫn thất nghiệp, nhưng không thể xa rời được con đường Tự Do.
Hồi con Lê còn sống, đã có “nói khó” với chú Hóa, xin cho anh một việc tạp dịch trong nhà sách ngoại văn. Anh có đi làm một thời gian, đó là lúc con Lê còn trao đổi trả công cho chú Hóa bảo vệ. Công việc của anh là dọn dẹp, lau bụi bặm những quầy sách gần như trống trơn, dù hàng tuần, chính anh phải khiêng phụ hàng trăm thùng sách do Liên Xô viện trợ gọi là sách ngoại văn. Những đống sách không lồ này, chưa bao giờ được xếp lên kệ, tủ sách, mà nó thường được đưa lên xe ba gác chở đi giữa đêm khuya, vào những địa điểm thu mua ve chai, sách báo cũ. Hàng ngàn, vạn cuốn sách dày cộm, hình màu, đó là kho tàng văn hóa trên thế giới, văn học cổ điển, các thời danh hội họa, hiếm hoi đến tay người biết đọc, nếu không biết “đường dây giá chợ đen”.
Khi con Lê chết, chú Hóa bảo vệ không còn được món ăn “thịt sống” nữa, đã đưa người khác vào thay, anh nhạc sĩ lại mòn lưng trên chiếc xe đạp, nhớ con đường Tự Do, phải ngang qua, một ngày đôi ba lần là thường.
Một bữa anh gặp Bảnh. Anh đang ngồi trong quán cóc của thương binh Mão, Bảnh đi ngang qua, thấy, vào.
“Đang có ý tìm chú đây?”
“Chi vậy?”
Bảnh kéo ghế ngồi. Trời mới ban mai mà đã nóng vã mồ hôi. Bảnh mặc áo thun, quần xà lỏn cũn cỡn, lúc ngồi trông rất dị dạng. Hắn rút thuốc lá ba số mời. Nhạc sĩ Bạc rút một điếu. Ít khi được “tổ thuốc” đãi như vậy.
“Dạo này có đi đàn nhà hàng nào không?”
“Không.”
“Sẽ giới thiệu cho. Có nơi này mới được giấy phép, cần một người đánh đàn piano, ông làm được không?”
Không dễ đâu. Hỏi ra đủ thứ thủ tục. Phải có giấy chứng nhận hành nghề, rồi giấy chứng nhận phường khóm, chưa đâu, khó nhất là người bảo lãnh. Đâu phải dân tơ lơ mơ là bảo lãnh được đâu. Nhưng Bảnh nói:
“Biết là chuyện gì cũng xong. Nếu ông nhận làm, mọi thủ tục tôi lo, người bảo lãnh tôi lo...”
“Biết vậy, nhưng tôi không có tiền để lo.”
Nhạc sĩ chán nản nói lui.
“Tôi bảo được. Tôi ứng hết. Miễn là lúc vô”thử” ông rán đàn cho ngọt...Vô được rồi về sau tính.”
“Tôi muốn biết tính ra sao?”
“Chia ba lương.”
Đừng mừng vội. Bảnh cho biết Bạc chỉ còn được một phần lương. Hai phần kia, theo Bạc, người bảo lãnh một, còn một, phải chia nhiều cấp lắm, hắn chỉ ké bao thuốc lá thôi.
“Còn nữa. Chơi nhạc vàng tưới.”
Chỉ có từ chết tới bị thương. Chẳng phải đã một lần vì “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” đó sao. Nghe sướng tai ai nhưng tù mọt gông mình chịu. Thấy Bạc ngần ngừ, Bảnh tiếp:
“Đã nói cánh này lớn lắm. Có tàn lọng che, mà nếu có gì không tới hạng tép riu như chú đâu mà lo. Được đi. Gật đầu một cái là xong.”
Cũng phải gật đầu. Thất nghiệp lâu rồi, vợ cằn nhằn chịu không nổi. Mà không cằn nhằn cũng không xong, nuôi mấy miệng ngồi không ăn, từ lớn tới nhỏ, cái vai chị vợ nghiêng qua một bên, trông càng còm cõi, có thân có thể mà mặt mũi tóc tai như hồn ma, cực quá, đâu có đè ai ra mà cắn, ngoài ông chồng.
“Vậy coi như xong. Chú yên trí chờ, xong, tôi gọi.”
Lóng này Bảnh chạy mánh ráo riết. Thói đời chưa được hưởng phong lưu phú quí thì thôi, sống đạm bạc thế nào cũng được, mà nếm rồi thì cái lưỡi nó cứ lạt nhách, bao nhiêu đồ nêm cũng không vừa miệng. Người nhà ngoài Bắc tăng cường ngày mỗi đông. Con em gái chưa chồng được điều vào, hôm đầu tiên gặp bà chị dâu, tưởng bở, ôm hôn rối rít:
“Bu viết thư nào cũng kể về chị, khen chị, giờ em mới gặp chị.”
Nịnh sai, bà chị dâu ầm ừ mà mặt một đống. Cô em chồng vẫn chưa nhận ra, ngắm nghía chiếc quần bò của bà chị, thiệt thà khen:
“Ngoài nom chị béo tốt hơn trong hình anh Bảnh gửi ra. Sao chị mặc quần chật ních thế!”
Chưa hết, mấy ngày sau rồi mà cứ còn ngớ ngẩn:
“Trong Nam nom ai cũng béo tốt. Chị đánh môi bằng gì thế, cho em thử chút nhé!”
Vậy là cô tự ý chạy vào phòng chị dâu, lấy son phấn trét tô tùm lum. Lâu lờn mặt, còn lấy quần bò của chị dâu diện tỉnh bơ. Vì vậy mà chỉ sau một tuần là có chuyện.
“Này cô, không được tự tiện vào phòng của chúng tôi. Tôi cảnh cáo cô.”
Vẫn thấy “nàng” diện chiếc quần bò và cái áo sơ mi kiểu mới, bà chị dâu hết chịu nổi:
“Tôi đã bảo cô, sao cứ lấy áo của tôi mà diện thế?”
“Thấy chị vứt nghênh ngang tưởng bỏ đi. Toàn đồ cũ, báu lắm đấy.”
“Này, đừng có làm tàng. Ở ngoài, cái quần đen vá đụp mặc một năm chưa thay giặt. Ối giời ôi, kiết xác ra, có mà che mớ lông lá còn phước đức. Ờ, đồ cũ, trả lại đây.”
Bà Bạch Ngọc giận run lên. Mới hôm nào, được đón ở ga xe lửa về, trông như vừa vớt dưới bùn lên, áo quần, mặc mũi nhăn nhúm giống nhau. Hỏi tên tuổi thì làm ra phường quí tộc, tên là Sang để có thằng em kế tiếp tên Giàu. Mấy mẹ con nói chuyện cứ như thánh như tướng. Ăn món gì cũng chê: “Sao nó không giống như ngoài mình”. Còn quần áo thì: “Trong này ăn mặc không nghiêm túc, nom nó hở hang thế nào ấy.” Ăn thịt gà, bỉu môi: “Thịt gà bở ơi là bở”. Đến con chó cũng bị chê: “Con chó trong Nam sủa không gắt như ngoài ta.” Chỉ có “bộ đồ vía” ngoài ta thì không thấy diện, mà đem giấu kỷ dưới đáy rương hay dục vào thùng rác cũng nên.
Bà Bạch Ngọc còn điên hơn khi Bảnh đem anh nhạc sĩ về nhà. Bà mới tậu được cho hai cô con gái chiếc đàn dương cầm, mua bằng giá đổ đi của một gia đình có chồng đi học tập. Bảnh nói là đem anh về luyện lại “ngón nghề” để đi dự tuyển ở nhà hàng mới. Lúc đầu bà không chịu nhưng sau nghe nói anh nhạc sĩ này sẽ dạy miễn phí cho hai tiểu thư, thấy lợi cũng phải ham. Trong lúc chờ đợi được dự thí nhà hàng, nhạc sĩ Bạc dạy đàn cho cô gái nhớn tên Lựu. Phải nói trong đời đi dạy đàn, anh chưa gặp đứa nào ngu như con bé này. Thật đúng là “đem đàn di gảy trai trâu”. Học được tuần lễ thứ ba thì cô tiểu thư tìm cách trốn học, khi thì nhức đầu quá, khi thì có vẻ tự làm đứt ngón tay để quấn băng, hết gõ được đàn.
Tưởng là nghề dạy gõ đàn cho tiểu thư chấm dứt. Dù vậy, anh cũng kiên nhẫn đến. Buổi xế chiều, không thấy Bảnh, cũng không thấy bà chủ nhà. Hỏi cô tiểu thư, người làm bảo còn đang ngủ. Anh chàng nhạc sĩ ngồi trên ghế đàn chờ, anh mân mê mấy nốt nhạc.
“Mời thầy sơi nước.”
Một giọng Bắc lạ hoắc. Anh nhìn. Chú ý đầu tiên là đôi mắt cô gái, lần đầu tiên anh biết cặp mắt lá răm như thế nào. Tròng mắt đen nháy, đuôi mắt dài, hơi xếch, coi có vẻ không hiền dịu. Ngoài đôi mắt ra, khuôn mặt coi như hỏng. Gò má cao, mũi gảy, da đen đúa. Nhìn hai bàn tay, móng tay cùn, đầy ghét, như dính vào đã chồng chất bao ngày tháng rồi. Một nhan sắc quê mùa, kệch cợm và khó coi trong bộ đồ mốt, quần bò, áo thun sát nách, thêm cái đầu tóc mới phi dê cao nghệu như cái ổ chim làm tổ trên đầu. Anh ơ hờ:
“Cám ơn”.
“Nghe “lói” anh đờn hay lắm. Em rất thích âm “dạc”. Anh đờn một bản cho em nghe với được không anh?”
Bạc nói chuyện khác:
“Ông Bảnh không có nhà?”
“Ôi giời, mấy ông tướng bà thánh nhà “lày” đi biệt tối ngày. Ông đi đàng ông, bà đi đàng bà, có giời biết.”
Cô lò dò dứng sát sau lưng anh.
“Chỉ có mình em thôi. Vô đây như con “đòi” giữ nhà cho anh chị ấy, buồn buồn là...”
“Vậy sao? Cô em bà chủ?”
“Không phải. Em là em gái của anh Bảnh, cái bà chị dâu ấy chẳng hợp với em “rì” hết. Ngoài em “lói” chị em dâu như bầu nước lã, “lói” đâu có sai”.
Bạc chỉ biết ừ hử cho qua chuyện. Cô liêng thoắng:
“Ờ ngoài quê em hay ca lắm. Tối nào có họp thanh niên thanh nữ là em ca. Em thuộc nhiều bài lắm, mà em thích nhất là “tiếng chày trên sóc băm bô”. Thanh niên ngoài ấy “mê” giọng ca của em kinh hoàng luôn.”
Bạc bật cười. Cô gái này cũng thích nói chữ nghĩa như ông anh Bảnh. Rồi cũng tự cô nói tiếp:
“Em hát anh nghe nhé, nhé? Em hát sai anh sữa giùm. Không sao đâu, bữa nay bà chị dâu đi vắng, bà ấy về tới nhà là người ta đi ngủ hết rồi, anh đừng sợ...Gì? Con nhỏ, nó không ngủ ngáy “rì đâu. Nó nhờ em nói dối với anh, nó lòn cửa sau đi với mấy thằng mất dạy rồi. Nói anh nghe để bụng, con nhỏ hư lắm, nó đang phải hơi “giai”....”
Bạc đứng dậy:
“Vậy để bữa khác tôi tới.”
Cô gái bạo dạn cản, đưa tay ấn anh ngồi xuống:
“Đừng mà. Anh dạy em hát đi, mấy khi mà nhà vắng vẻ như vậy hả anh. Nào, anh đàn đi, em hát...”
Cô hát bài “tiếng chày trên sóc băm bo”. Giọng của cô gái tốt quá, tuy hơi ngọng và phát âm sai bét, nhưng nếu có người huấn luyện thì cũng sẽ trở thành ca sĩ được. Anh chàng nhạc sĩ tự nhiên nổi máu anh hùng, muốn cứu vớt gái bơ vơ...
“Em có giọng tốt lắm.”
Cô gái trơ trẽn:
“Vâng. Con trai làng em hễ nom thấy mặt em là yêu cầu hát. Có bữa em hát tới sáng đêm, nói ra buồn cười, vì giọng hát của em mà bọn con trai làng này đánh nhau với làng kia, tét cả đầu ra đấy...”
“Em hát lại đi. Anh sẽ sửa cho em khi em phát âm sai...”
Vậy là suốt buổi chiều hôm đó, anh chàng nhạc sĩ bỏ mấy tiếng đồng hồ huấn luyện cho cô Sang hát. Họ quên cả khát nước. Cô Sang chưa bao giờ có những giờ hạnh phúc như thế. Chỉ có điều anh chàng nhạc sĩ này nhát như thỏ. Bọn con trai ở ngoài, giữ riệt được cô ở lại hát là thế nào cũng sinh chuyện. Ở nhà quê, không điện, nhà thắp đèn dầu, mỗi lần có một anh đưa cô nàng về là có một màn sau đống rơm hoặc ở bờ đê...Coi như ăn quà vụng, chùi mõm cái là hết, nhưng từ ngày vô Nam, cô không còn đưa đón, không được “đóng phim tình” bên đống rơm rạ, đưới bờ đê, bụi cỏ, bờ mương làm cô nhớ da diết. Hôm nay, có anh nhạc sĩ này, nhà lại vắng vẻ. Nhạc sĩ thường đa tình mà. Cô thường nghe người ta kể vậy, tự nhiên cô động lòng muốn “đóng phim tình”. Vì vậy mà cô tập hoài, càng tập càng sai, đến nổi anh chàng nhạc sĩ ngao ngán:
“Em không chú tâm thì không thể nào hát được...”
Cô gái tì cả đôi ngực vào lưng chàng nhạc sĩ. Nhạc sĩ Bạc, cũng chỉ là một người đàn ông, trong căn nhà vắng vẻ, với sự kề cận cũng động lòng, nhưng cố gắng kiềm chế.
“Em thích anh lâu rồi. Hôm nào anh đến dạy đàn cho cái con tiểu quỷ kia, em cũng núp bên trong nhìn anh...mà không biết chán.”
“Còn bạn trai em đâu?”
Cô nàng cười hưng hức:
“Bạn giai? Ối giời. Ở ngoài em cả đống đấy. Trước đây, còn đánh nhau, con giai làng em đi bộ đội hết, làng vắng như “nà” chùa bà đanh, con giai khó kiếm lắm. Nhờ giời, hết chiến tranh, bộ đội về đông nên bọn con gái làng em “nhộn” lắm. Em cũng có mấy anh coi được mắt lắm, nhưng...”rì” thì “rì”, vô đây, giai trong này đúng “như vàng như ngọc”, em mê chết...”
Cô nàng ôm chặt cổ anh:
“Như anh “lày”.”
“Anh có vợ rồi.”
“Ối giời, có vợ thì càng “giỏi” chứ có “nàm” sao...Em là cái “rì” nhỉ...à, con giai ngoài đó khen em “nà”...”nà”...tường túc bất chi...”rì” nhỉ? À, chi lao...hi hi...Anh coi chân em...”
Cô đứng dạng hai chân ra rồi thình lình ngã xập vào người anh. Khó tưởng ổi, cô con gái gầy gò ốm yếu như vậy, mà sau khi đâm xập vào người anh rồi thì như dính cứng, cổ nhắc anh lên, và cứ như thế kéo cả hai thân thể ra phía sau.
Bếp không có chị Mùi, phòng bà Muội cũng đóng cửa, cô kéo anh tới bể chức nước, ấn anh ngồi xuống. Anh chàng nhạc sĩ thở hổn hển vì sợ, còn Sang cũng thở hổn hển, gấp rútù. Gái phải hơi giai như thài lài phải cức mà.
Họ khuất đằng sau bể nước, nhưng phía trên, một khoảng trống lộ thiên thấy trời và ánh sáng thả dàn tàn chiếu. Thân thể Sang trần truồng, đen điu. Bạc nhìn thấy những đốm ghẻ nơi mông và dọc dài theo ống chân. Anh khiếp hãi quá, phần nghĩ tới người vợ trẻ ở nhà, cặm cụi lo lắng một mái gia đình, tự nhiên lòng anh nguội ngắt. Anh cố gắng xô Sang ra, nhưng cô gái như con đĩa đang làm chủ tình thế, đeo cứng hút máu người. Anh vùng mạnh, cả hai vật lộn nhau, níu kéo nhau, cuối cùng rơi vào bể nước. Nhờ sự lăn rơi, anh tuột ra được, nhưng vẫn bị hai bàn tay của Sang như bạch tuột níu quấn chặt:
“Anh đừng sợ. Có “rì” mà sợ...Ôi giời ơi, mê chết đi chứ “nị”. Con giai trong “lày” kỳ quá, con giai ngoài ấy “tấn công” mạnh lắm, ôi giời, kêu cả giời lên đấy chứ “nị”. Sợ “rì”, “nàm” đi chứ.”
Suýt chút nữa là anh đã bị “hiếp dâm”. Vất vả lắm anh mới tung người ra khỏi bể nước. Cô gái vói theo muốn bắt cho được, nhưng cô còn trong bể nước, anh đã ở ngoài. Thương hai, anh giữ chặt hai tay cô:
“Đừng làm như vậy. Anh không phải là hạng đàn ông em nghĩ đâu.”
Cô gái không được ăn, đạp:
“Bố tiên nhân nhà anh chứ. “Nàm” như báu “nắm” đấy. Của đâu cho không nhà anh. Bà la lên “nà” anh hiếp bà thì tù bỏ mẹ.”
Bạc xanh mặt. Thứ đàn bà lăng loàn này chuyện gì không dám làm. Anh gằn giọng:
“Làm gì cũng có lý chứ. Ai tin cô?”
“Không tin? Thiệt không tin không. Bà la lên hàng xóm tới, mày đang ướt như con chuột, tao có cách, mày coi...”
Như con hổ đói mồi, Sang vùng mình tuột khỏi tay Bạc, rồi nhanh nhẹn leo ra, lăn xả vào anh. Cô còn tự cào cấu vào ngực, vào vai những lằn đỏ, và miệng chỉ chực la lên:
“Bớ làng...”
Chỉ nghe chừng đó, Bạc đã hồn vía lên mây. Anh bịt chặt miệng cô nàng lại, mà muốn bịt miệng cô nàng thì người anh phải sát vào thân thể cô. Anh lại bị cô ôm chặt cứng, giở giọng côn đồ:
“Tiên sư nhà mày, tao cho mà mày chê hả? Có đẹp, có thơm hơn cái bông của con vợ mày không?”
Anh chàng nhạc sĩ tưởng mình đang toát mồ hôi hột, mặc dù cả người anh vừa mới ngâm trong bể nước còn ướt sũng. Anh ú ớ chịu đựng.
“Đồ nhát như “nà” thỏ ấy, đồ bà “nà” đồ thơm đồ tho, người ta “nà” con gái ngọc ngà, cái thứ như mày mà dám chê. Bà cho mày biết tay để nhớ đời “nà” bà đây cũng là thứ có nanh có mỏ, mà mỏ đỏ nanh vàng...”
Mãi anh không rẫy người ra được. Anh xuống nước nằn nì:
“Xin cô tha cho tôi. Cô mặc áo vào không lạnh, cảm giờ.”
Cô nàng tru tréo lên:
“Mày “lói” vậy mà nghe được. Mày cỡi đồ tao ra, mày cắn tao bầm người rồi mày “hết hơi”. Tao bắt mày phải coi tao là đàn bà con gái, tao không phải đồ bỏ. Tao “lói” lại một lần nữa, mày có “nàm” không? Không tao “na nàng” lên. Bớ người ta, bớ “nàng lước”...”
“Trời ơi! Đừng la mà. La vậy làm sao tui “làm” được.”
“Được chứ sao không được. “Nẹ” lên. “Nẹ” lên. Bớ “nàng”...”
Anh hoảng quá, ôm chặt cô ta lại, rồi đưa tay bịt miệng. Sang không vùng vẫy nữa, thuận tay ôm chặt cứng lấy anh, kéo đầu anh ghì xuống. Cả người cô ta rùng rùng như bị động kinh còn Bạc thì có lúc muốn tắt thở.
“Vậy phải ngoan không, em thương. Ối giời ơi, tốt thế “lày”, quí quá. Ối giời, tốt thiệt chứ nị. Cái gì trong Nam cũng tốt, cũng béo to, ối giời!”.
Anh chàng nhạc sĩ trân mình chịu trận. Bàn tay của cô ta đi khắp, rồi vẫn dừng lại một điểm:
“Quí thật chứ nị. Béo béo là...yêu chết đi được. ”Lày”, yêu chết...”
Cô rên rĩ, quằn người xuống, nhe răng. Định cắn chăng, hàm răng gì mà khiếp quá, đứt là đi đời nhà ma luôn. Bao nhiêu sinh lực của anh phát ra một lúc làm Sang té nhũi xuống đất, sấp mặt. Có gảy bung hàm răng vổ ra không? Coi ghê quá, khi cô Sang ngồi dậy, máu me trào ra miệng, mặt mày giận dữ, tóc tai rủ rượi y như một con ma làm Bạc càng hoảng sợ, anh đỡ cô ta:
“Xin lỗi, tôi không cố ý. Cô có làm sao không?”
Sang nhổ ra một đống nước bọt pha lẫn máu. Chắc không gãy chiếc răng nào, chỉ va chạm chảy máu thôi, vì cái miệng đã ngoai lên:
“Tiên sư nhà mày. Con đĩ mẹ mày, mày vũ phu với bà hả? “Lày”,vũ phu...”
Như con chó dại, Sang táp vào bắp chân Bạc, hai hàm răng nghiến lại, còn day day. Đau quá, chịu không thấu, Bạc la lên.
“Mày “na” há, mày “na” cho “nàng lước” tới coi hả. “Na” đi, tao “na” phụ với...Bớ “nàng”, bớ người ta, bà con cô bác, ông to bà nhớn đâu cả rồi...”
Cô la phụ xong, định cắn nữa, Bạc năn nỉ:
“Thua rồi. Xin thua.”
“Đầu hàng rồi phải không? Hi hi, đầu hàng thì dơ hai tay lên, đứng dậy”.
Bạc dơ hai tay lên, đứng dậy.
“Không được nhúc nhích, em bảo sao “nàm” vậy. Trước hết, để em bỏ cái “lày” ra cho khỏi vướng.”
Chiếc quần của Bạc được tụt ra. Mặt anh nóng nhừ, hình như có chút máu nào trong người đã dồn hết lên mặt. Còn Sang, thộn ra một đống.
“Ối giời, ở ngoài...”
Sang dừng lại kịp. Suýt nữa cô đã khai toạc ra hết lần mấy cán lớn được mời về làng cô, có chiêu đãi, cô là một trong số mấy thiếu nữ được đến xã để nấu nướng và bày dọn bữa tiếp tân. Tối đó còn được ở lại trụ sở xã, và được mấy cán bộ tỉnh chiếu cố. Mấy hôm sau, các cô gặp nhau, kể cho nhau nghe và cô nào cũng suýt xoa:” Béo hơn mấy bộ đội về phép, bộ đội ăn ít, gầy nhom, gầy tất...mấy cán bộ tỉnh được hưởng chế dộ khá hơn, coi cũng béo hơn thật.” Nhưng những dịp hi hữu như vậy trong đời đâu dễ gặp...cho đến hôm nay, nhìn tận mắt anh chàng nhạc sĩ, Sang chới với, cuống quíu cả lên....
Đúng lúc khẩn cấp đó thì có tiếng mở khóa nhà ngoài. Lợi dụng lúc Sang giật mình ngoái nhìn ra, Bạc chụp vội quần mặc vào. Cửa mở xong, có tiếng chân, khi nhận ra cái dáng của Bảnh, Sang ôm chầm lấy Bạc, khóc lóc:
“Ối giời ơi, tiên sư bố mày. Mà hại cuộc đời trong trắng của tao...mày tàn nhẫn, tao căm thù mày...”
Mới đực người ra ngắm, khen béo, khen quí đó, cái mặt của Sang đã trở trái, xông vào, nắm kéo, cào cấu Bạc:
“Mày đền cho tao. Mày hại đời tao...hu hu, thế “lày” thì mày giết chết tao đi...”
Bảnh sửng sờ trước cảnh diễn ra trước mắt. Cô em gái trần như nhộng, còn chàng nhạc sĩ quần áo xô lệch, mặt mũi khó coi. Nhưng thấy cô em làm quá, anh nạt:
“Sang, chuyện đâu còn đó. Mày mặc quần áo vô cái đã. Mặc áo quần vô.”
“Không, nó hại đời em rồi. Để em chết đi....”
Cô định đập đầu vô bể nước. Chính Bạc là người đỡ, kéo cô lại:
“Cô Sang, cô làm gì vậy?”
“Mày đừng dụng vô người tao. Mày dơ dáy lắm. Tao căm thù mày, đừng đụng, hơ, đừng...”
Cô khóc lóc, vật vã trong tay Bạc.
“Tui tưởng chú mày là người đàng hoàng, tui đối xử vớichú mày như thế mà...thiệt chó má.”
Bạc lắc đầu:
“Anh Bảnh. Tui hổng làm gì cổ hết. Tui xin thề...”
“Mày đừng già mồm, mày còn chối. Mày cắn tao còn có dấu bầm đây “lày”, mày...hu hu, ôi giời cao đất dày ơi, ối ông Thánh bà Tiên ơi, ối ông thiên lôi ơi, sao ông không đưa cái búa vô mồm thằng phải gió cho nó hộc máu ra, đứt ba khúc ruột,lòi chành cổ họng, bứt mẹ nó cái beo béo kia mà đi gặp ông bà ông vải nhà nó...”
“Im. Đừng chửi nữa có được không? Để yên mới biết phải trái...”
“Còn phải trái, cúc quần nó chưa cài kìa, coi nó còn chút hơi nào nữa không “nà” biết. Ối giời ơi...”
Nhìn anh chàng nhạc sĩ, nhìn con em, rồi nghe cái giọng chửi xiên chửi xỏ cay cú, Bảnh cũng hiểu được một phần sự thật. Anh kéo con em:
“Tao biểu mặc đồ vào, rồi đi tắm rửa thay quần áo.”
“Hu hu, chuyện cớ sự như “lày” mà anh còn...
“Thôi đủ rồi, cô. Cô chẳng vừa đâu. Chỉ giỏi cái miệng la om sòm.”
Bạc hớt:
“Tui thề là tui chưa làm gì cổ mà cổ thì ép tui, may anh về kịp...”
“Ối giời ơi, quân mặt dày mày dạn chưa? Ai ép mày, hở? Mày vu oan giá họa cho bà mày không sợ ông bà vặn cổ mày, cắt lưỡi mày rồi mày câm luôn sao. Ối giời, cái mồm mày, tiên nhân nhà mày...”
“Bảo im. Chưa xảy ra chuyện thì thôi, cô cũng gớm lắm chẳng vừa đâu. Đã xảy ra gì đâu nào...?”
“Sao anh biết là không? Nó đã “nột” em ra, dìm em vô bể nước, còn cắn em, coi đây...”
Bảnh quay mặt:
“Mặc đồ vào.”
“Tiên nhân nó chứ...”
“Mày chửi ai mà trống không vậy, con kia...”
“Tôi chửi ai thì mắc mớ gì đến anh mà anh động lòng....”
Cô vừa trả đũa vừa mặc quần áo vào, khóc tấm tức, rồi xỉa xói Bạc:
“Tao căm thù mày, tao không tha cho mày đâu, quân mặt dày, bất nhân, đồ voi dày ngựa xé, cái mặt mày như...”
Cô gắng nhào lại muốn đánh Bạc. Bảnh thấy em làm quá, không dằn được, kéo lại và cho cô một cái tát.
“Con đĩ. Tao đánh thấy con bà mày. Đi vào. Vào.”
Sang biết là không làm gì hơn được nữa, miếng ăn cũng mất luôn rồi, đành gỡ gạc khóc lóc thêm một chút nữa.
“Cô Sang, tôi xin lỗi cô, tôi đã làm cô buồn. Thiệt tình, tui...tui đã có vợ...tui tui....”
“Đồ đểu giả, khốn nạn...”
Cô ôm mặt chạy vào trong.
Bên ngoài, Bảnh dịu giọng hỏi Bạc:
“Chuyện ra làm sao?”
Bạc kể:
“Tui thiệt không hiểu gì hết. Cổ nhờ tui dạy hát, tui có chỉ cho cổ, rồi sau đó...nhưng tui chưa làm gì cổ hết.”
“Tại tui về không đúng lúc phải không? Gớm, cái con nhỏ cũng “nồng nhiệt” quá ”.
Bạc thật thà:
“Tui đã thề với anh, tui thiệt có lỗi, nhưng tui không thể làm vầy ở trong nhà anh...”
Bảnh vỗ vai Bạc:
“Thôi quên chuyện đó đi. Dù anh có với nó cũng không sao, bọn mình đàn ông mà. Tôi hiểu...”
“Nhưng tôi...”
“Tôi đã nói tôi thông cảm mà. Thôi bỏ đi. Khà khà, cái con nhỏ phải lòng anh gớm lắm rồi. Lần sau anh nên chiều nó, có sao đâu, anh có vợ thì có vợ, tôi có buộc anh cưới nó đâu.”
Bạc lắc đầu:
“Không thể “qua đường ” như vậy được.”
“Không sao. Chuyện vừa rồi tôi sẽ không nói với ai đâu. Chú mày biết mà, vợ tôi, bà biết được bà chỉ nói một tiếng là chú mày rắc rối lắm. Vợ tôi chúa ghét mấy chuyên lộn xộn đó.”
Bạc biết đã rơi tỏm vào cái bẫy gài của Bảnh. Nhưng anh ta cũng biết, càng vùng vẫy thì càng bị siết chặc, trầy trụa và đau thân. Thêm một cái vỗ vai thân ái nữa:
“Sắp tới gặp ban quản lý nhà hàng rồi. Anh đừng lo “rớt”, nhà hàng này quốc doanh, có phần hùn của ông dượng ghẻ bà vợ tôi, người nhà cả.”
Cúi người xuống một chút, Bảnh tiếp:
“Có một điều nhờ cậy anh, con Sang, tuy nó nóng nảy mà tính tình tốt lắm. Giận thì như đào đất đổ đi, nhưng qua cơn rồi thì quên tiệt. Nó có giọng hát khá lắm, anh giúp tôi, huấn luyện cho nó thành ca sĩ. Kệ nó, miễn là nó thành ca sĩ, còn anh muốn làm gì nó thì làm, nó chẳng bắt anh ràng buộc gì đâu. Mình cứ “sòng phẳng” với nhau vậy, nhé.”
Lúc tiễn khách, đóng cửa, Bảnh dặn theo:
“Nhớ nhé. Cứ như bình thường, tuần sau trở lại.”
Bảnh trở vào, gọi em. Con Sang mặt mày đã ráo hoảnh, thay quần áo khác, ngúng ngúng nguẩy nguẩy:
“Kêu người ta có gì nữa đây? Khỉ. Không làm gì, đánh người ta.”
“Bỏ tiếng người ta đi. Hỗn.”
“Nó hiếp em mà anh còn bênh nó “nà” sao?”
“Thôi đi, đừng già mồm nữa. Mày không hiếp nó thì thôi, nó hiếp được mày? Bỏ chuyện đó đi. Tao đã nói rồi, gửi mày cho nó dạy hát. Trong Nam này nghề ca sĩ kiếm lắm tiền, mày biết không?”
“Nhưng em xấu xí thế “lày”...”
“Mày phải tập giọng lại, không nói giọng như thế, quê lắm. Mày đừng sợ, làm ca sĩ rồi, đi sửa lại sắc đẹp cho coi được là “hốt của” rồi. Mày mà làm ca sĩ khối đứa nó mê, lúc đó đuổi đi không hết....”
“Thiệt không anh?”
“Sao không thiệt mày! Mày cứ để đó tao lo cho.”
“Anh tốt quá, nếu chị ấy mà được như một phần của anh....”
Bảnh nhíu mày:
“Mày đừng có già mồm quá, phải biết chìu chị mày một tí cho qua đi, mày biết, bà là nồi cơm của cả nhà mình đó. Còn nữa, đối với thằng Bạc, mày cũng đừng quá lắm.”
“Em làm gì mà quá!”
“Còn không quá nữa. Mấy chuyện đó, từ từ nó đến, mày làm gì mà “khẩn trương” thế.”
“Tại nó thấy em ở nhà một mình, làm ẩu.”
“Nó làm ẩu hay mày làm ẩu? Không nhắc nữa nghe chưa. Cũng đừng nói gì cho chị dâu mày, sinh chuyện lắm. Bà cũng đang nghịch với tao, chỉ chờ có cái mẩy là khẩy ra bằng cái thúng. Cứ để tao lo, mày thích thằng nhạc sĩ đó phải không? Kiến trong miệng chén có bò đi đâu mà sợ, tao nói xong là xong.”
“Anh giỏi thiệt.”
Sang mỉm cười, đuôi mắt lá răm như dài thêm ra.
...
Sau cơn hú hồn, nhạc sĩ Bạc ngồi trên chiếc ghế đá ở công viên, đúng chiếc ghế đá ”giường nhà” của con Quê lúc đêm tối.
Lòng anh như cuộn tơ vò, tuy anh thoát hiểm lần này nhưng hậu quả lan lây qua những ngày tới còn nguy hiểm hơn. Còn có nửa gói thuốc lá “Hoa Mai”, thứ thuốc rẻ tiền, đắng nghét, anh hút hết điều này tới điếu khác. Anh nhìn thấy chị Bảy cà tong từ vòm cây “mái nhà” của chị đi ra, ngang qua anh rồi xuống đường. Tự nhiên anh nhớ tới con Lê, hồi còn sống con Lê tốt với anh quá. Thỉnh thoảng đi uống cà phê hay nhờ anh chở đi công việc bằng xe đạp, chưa bao giờ con Lê có một cử chỉ xuồng xã với anh. Còn nữa, chính nó đã đem thân cho tên Hóa bảo vệ dày vò để đổi cho anh một chỗ làm ở nhà sách ngoại văn...Trong mắt anh, nụ cười của con Lê tươi tắn mà hiền dịu quá, rồi anh lắc đầu, lắc hoài để muốn tống khứ hết những lời nói ngang ngược, lời chửi rủa tục tằn ác hiểm của cô em gái Bảnh đang bám chặt bên trong lỗ tai ra ngoài.
Nghĩ đến Lê, đầu óc anh nhẹ nhàng, bình tỉnh lại. Anh hứa, sẽ có một đêm nào trong tuần lễ này, anh sẽ mua trái cây, đốt một nén nhang cầu nguyện cho con Lê...
Tối hôm đó, anh đạp xe đạp về nhà. Chặng đường xa lắm, tuốt vùng ngoại ô. Đèn dầu leo lét, vợ anh đang dỗ đứa nhỏ, bón cơm cho đứa lớn. Trông chị gầy ốm hắt hiu, lòng anh nhói lên niềm xót xa thương cảm. Anh ôm vợ, ôm rất lâu. Anh đâu làm điều gì lỗi với nàng, ngoài sự nghèo đói, túng thiếu mà anh bắt nàng phải vất vả, nhọc nhằn. Người vợ, không biết chồng nghĩ gì, nhưng chị cảm động và sung sướng lắm. Chị nép đầu vào ngực anh. Anh nhìn lên chiếc bàn con, thấy một tờ giấy.
“Giấy gì vậy em?”
“À, phường mời anh ra về vụ lao động xã hội chủ nghĩa.”
Chị nói thêm:
“Hai năm tiền lao động xã hội....”
“Thôi lần này để anh đi lao động, khỏi đóng tiền.”
Chị dẩy nẫy lên:
“Không được đâu, đi đào mương, thủy lợi, dầm mưa giãi nắng, rồi phải ăn uống tự túc, anh làm không nổi đâu, để đó, em lo.”
Chị cầm tay anh lên:
“Tay này, tội quá, chỉ biết đánh đàn thôi...”
Anh buồn xo:
“Cũng không đánh đàn nữa, hết xài được rồi! Mà em, tiền đâu em lo.”
Chị không trả lời. Trên ngón tay chị còn duy nhất chiếc nhẫn cưới. Anh hiểu.
Hai đứa con đã ngủ. Đêm có trăng. Anh chị kéo hai chiếc ghế đẩu ngồi ở hiên nhà. Anh nói:
“Lâu quá, em không có dịp hát. Bữa nay em hát cho anh nghe coi giọng em còn được không?”
Chị cười:
“Lâu nay em quên hát rồi, cả ngày chỉ hét...hai đứa nhỏ.”
Anh ôm đầu chị:
“Anh thiệt có lỗi với vợ con.”
Chị bịt miệng anh lại:
“Anh không có lỗi. Em còn là may mắn lắm”.
Chị cười, tiếp:
“May thật, anh không đeo bông mai nên chỉ đi học có mười ngày, em không phải đi nuôi. Trông lên không bằng ai, mà trông xuống không ai bằng mình. Mấy chị bạn em đi nuôi chồng cực lắm mà có ông sống, có ông chết...không gia đình nào yên.”
“Ừ, em hát đi...”
“Bài gì? Em quên tiệt hết rồi. Mà hát, anh cũng không có đàn. Thôi, hát đại, “hương xưa” nghe anh...
Chị hát. Giọng đã yếu đi nhiều. Bao năm lao tổn vì chồng vì con, chị chỉ còn một bộ xương và làn da xanh xao bệnh hoạn. Anh ôm chị trong tay. Ánh trăng trong vắt dòm tới chỗ anh chị ngồi. Anh cúi xuống mái tóc. Mùi hương của một thời, một đời đã qua, như còn phảng phất, nồng nàn, dịu ngọt trên mái tóc của chị. Và mặt trăng lặng lẽ chui trốn vào một đám mây, khi thấy chị khóc.
...
Quán Bạch Ngọc bữa nay mở cửa muộn, lý do đơn giản thôi, lâu rồi, ông bà chủ bận bịu việc riêng, mạnh ai nấy lo, hàng quán gần như giao cho cô Sang trách nhiệm.
Mới mấy tháng mà cơm trắng cá tươi đã rửa gần sạch sẽ nước da đen điu. Nhờ thêm vào quần áo, son phấn, trông cô sáng sủa ra nhiều, duy có hai hàm răng, nếu không nhờ một nha sĩ nào miềng hàm lại vài ba năm, thì khó cấm người dân miền Nam mỗi khi nhìn cô, liên tưởng đến những hình vẽ các chú Vẹm trên các báo, tạp chí thời cũ.
Chiều nào cô cũng lượn một vòng đường phố, dí mũi vào các cửa tiệm, ngắm không biết chán những bộ đồ thêu, quần áo ngoại do mấy ông tàu biển mang về mà có. Rồi phải vòng tới hàng hủ tíu hay cháo vịt, ăn một tô bún măng, thêm một dĩa thịt vịt chấm mắm gừng. Xong chùi mồm mép thật sạch sẽ, lén lấy cái gương con vén lại tóc tai, tô thêm lớp son môi đỏ chói, bởi đường trở về nhà phải qua quán Bô-đa, nơi các anh hùng hảo hán, các nghệ sĩ miền Bắc, đạo diễn, tài tử thường ngồi “phơi hàng”.
Cô rất ghét một thằng”ngợm” trên đường này, người ta gọi nó là thằng Bò, đã dơ bẩn lại còn láo lếu. Có bữa, không biết từ đâu nó bò ra, đưa tay ôm lấy chân cô làm cô sợ chết khiếp, mà cái bọn trong quán còn cười ồ. Tiên sư nhà nó chứ! Bà mà chửi thì có mà tắt bếp! Hình như cái bọn bụi đời sống bám trên con đường này thích nghe Sang chửi. Cứ nhìn bộ dạng khi cô chửi nhau mới thấy cô toát ra một sự linh động khó tả. Giọng cao giọng thấp, chỉ thiếu tiếng đàn đệm nữa là được một bản nhạc chửi hay hết chỗ chê, làm sao mà bọn bụi đời không tìm cách để nghe bản nhạc chửi có đầu có đuôi, lên cao xuống thấp chưa có diễn viên nào diễn tả nổi. Cô khoe với chị Mùi người làm trong nhà:
“Ở ngoài đó, ai cũng nể nang tôi. Hễ mà chọc tôi chửi là tôi chửi có “nang” có “nớp”, tôi hát hay nên chửi cũng hay, có hạng đấy nhé. Mình chửi mà người ta thích nghe thì mới nên chửi. chứ “nị” chửi mà người ta quay đi, cười ruồi thì “nàm” con câm cho xong. Có người còn bỏ tiền ra thuê tôi chửi hộ nữa kia.”
Giọng cô cũng đã bớt ngọng nghịu nhiều. Vóc dáng, người ngợm cũng bớt cứng nhắc. Quần áo màu mè không chửi bới nhau chi chít nhiều nữa, nhưng cái đầu uốn quăn nhất định phải cao nghệu kiểu tòa bin-đinh mới được.
Hôm nay, Sang không đi dạo phố, ăn quà nhưng ngủ quên. Từ lúc ba giờ chiều, ở nhà một mình, lén vào phòng anh chị mở phim “con heo” ra coi, sau đó đi tắm táp, chà xát, kỳ cọ mà mãi không hết bần thần. Mở nhạc vàng ra nghe, êm ái quá, ngủ tuốt, đi vào giấc mơ “tình” với anh nhạc sĩ. Nếu không có chị Mùi gọi dậy ăn cơm giấc mơ còn dài, thú vị phải biết. Bị kêu dậy thình lình, thần hồn nát thần tính, Sang uể oải, đờ đẫn không muốn làm ăn gì nữa. Chị Mùi, sau khi giúp Sang bày biện quán, nấu nước sôi là phóng ra hẻm sau tìm người “tâm tình”, khi thấy đoàn “gái” phụ việc và tiếp khách đến đông đủ. Một cô ríu rít:
“Chị Sang hôm nay không được khỏe?”
Sang che tay ngáp:
“Ngủ chiều “nà” mệt. Tao bị bóng nó đè...ghê quá.”
Một cô rúc rích:
“Coi tướng chị thì cái “bóng” nó đè chị cũng cỡ bự, phải hôn?”
Sang thích chí cười tít con mắt:
“Bố khỉ, con khốn nạn chưa”.
Tám cô vây lấy Sang:
“Hôm nay chị Sang có cái áo đẹp quá, “chàng” nào tặng phải không?”
Chẳng có con “chàng hiu” nào, nhưng Sang cũng giả vờ ngượng nghịu.
“Mua đấy.”
“Nhiêu mà rẻ dzậy?”
Cô cười ngặt nghẽo, tiếp:
Không biết phải hôn? Thôi mà, khai ra đi...rồi tụi này kể “chuyện tình” hồi hôm cho nghe.”
Sang cười. Cô biết quá chuyện tình của mấy con “chằng tinh” này. Già “rơ” đến mấy, hễ mà các cô bắt được, nhiều ít cũng bị trấn lột...vì mấy ngón nghề “trây trua” của họ. Giỡn hớt, chuyện vãn một hồi, mấy cô chia nhau ngồi bày hàng. Khách quen đã đến, hai cô vào quầy phục vụ nước uống và rượu. Không có anh chị ở nhà, Sang không dám mở nhạc vàng, chỉ cho mấy cuộn băng nhạc ngoại quốc không lời mà thôi.
Có mấy cô biến mất lên lầu. Một vài vị khách hỏi chỗ đi toa-lét lâu lắm mới trở ra. Một khách quen đang gạ gẫm một cô chưa xong, nổi nóng:
“Địt mẹ, ông chờ lâu lắm rồi.”
Chắc kẹt phòng, Sang chạy lại, nhanh nhẩu:
“Ông anh đừng nóng. Uống ly nữa đi để “bốc”. Ly này em mời. Thứ thiệt đấy, nhãn ngoại đàng hoàng. Tụi tàu biển bán đắt như vàng....”
Sang đẩy cô gái ngồi lên lòng ông ta:
“Bảy làm sao thì làm cho ông anh vui lên...”
Cười:
“Toa-lét còn kẹt chút xíu...”
Cô nhìn ra đường, thấy bóng mấy áo vàng lượn xe gắn máy đi qua, cô ngong ngóng:
“Cái “rì” đây? “Rì” mà mấy ông lượn “rư” bướm thế...?”
Cô tắt máy nhạc, vặn qua đài. Ông anh, bà chị dâu vắng nhà, một mình cô dễ bị công an bắt nạt, cẩn thận vẫn hơn. Mấy người khách nhau nhau phản đối.
“Ê, tắt cái loa đó đi, nghe điếc con ráy lắm.”
“Địt mẹ, quán thế này mà đem cái “đài” ra. Dẹp. Dẹp.”
Bỗng nhiên mọi người im bặt, lắng tai nghe. Tiếng xướng ngôn viên khẩn trương báo tin vị chủ tịch nước vừa ra đi. Có quốc tang, bắt đầu từ giờ phút này, các nơi ăn uống tắt nhạc, đóng cửa, ba ngày treo cờ tang. Bản tin đó cứ phát đi phát lại, nhắc nhở mọi công dân nghiêm trọng thi hành đúng chỉ thị. Một cô gái đưa vào quán một người ngoại quốc, thấy không khí quán như chùa bà Đanh, hỏi:
“Sao hôm nay đèn sáng trưng thế này. Máy hát hỏng hả?”
Bộ mặt Sang buồn buồn đúng điệu:
“Đài vừa loan tin bác Duẫn ra đi. Các nơi ăn chơi ca nhạc phải ngừng.”
Cô gái nhún vai:
“Bác đi thì đi cho lẹ, còn cấm cản đu đưa gì đây? Thôi, không có nhạc, đi xuống kem “Bố Già”, có đèn mờ thú vị hơn.”
Sang liếc mắt theo:
“Con nhỏ “phản động”. Có ngày tù mọt gông chứ “nị náo nếu”.”
Sang tắt đài. Không ai nói gì nữa. Nhưng lạ lùng chưa, con đường Tự Do đang vắng ngắt, bỗng tràn một giòng người. Xe đạp, xe gắn máy rần rần rộ rộ. Người ở đâu đổ ra đường đông thế. Sang nghĩ chắc nghe tin bác mất, dân chúng ra đường để ngóng tin. Thế ra dân trong này cũng “tình cảm” nặng...Ý nghĩ chưa dứt thì một đám đông dựng xe, kéo nhau vào quán, rồi từng tốp cũng ghé vô. Nhưng lạ chưa, không có một nét buồn trên khuôn mặt họ.
“Cho nhạc lên. Sao đèn đuốc sáng trưng này.”
Sang vẫn ngồi trên quầy, dấm dẳng:
“Không có lỗ tai nghe sao, đài vừa loan tin buồn bác Duẫn, mấy người sao vui vẻ thế?”
“Hơ, vui chứ sao không vui. Bà không thấy người ta hồ hỡi ra đường đông nghẹt đó sao. Vẽ!”
“Có rượu không? Nhậu!”
Quán đâu có thể đuổi khách, Sang uể oải:
“Chỉ có bia, được không?”
“Bia cũng tốt. Lúc này chỉ cần có chút để “sương sương”.
“Hu hu, sướng sắc...sướng. Lâu thật lâu mới có được một ngày vui...”
“ĐM. Hát hay quá mà không chịu làm ca sĩ.”
“Tao sợ leo cao quá không có thang trở xuống, té bể đầu,chớt”.
“Mày chết chắc tụi tao thương, còn mấy “ổng”, cầu chết mẹ nó hết đi.”
“Ê, mấy anh kia, có uống thì uống chớ đừng phát ngôn bậy bạ trong hàng quán người ta. Hừ, nói cho mà biết, bụi tre có lỗ tai nghe, trong nhà có ma xó, ngoài đồng âm binh, bàn ghế có khẩu hiệu,đền miếu có đồng cô bóng cậu, cái miệng ăn bẩn “rì” thế!”
Ào ào người kéo vô, hết ghế trống. Sang thấy ham, kêu kê thêm bàn ghế phụ. Đông khách, vui, các cô lăng xăng, cười nói, lượm tiền boa, tiền thưởng “ra duyên” ào ào. Đụng chạm, cà cọ, hôn gió, ngáoy cái mông, dạng cái chân, chưa được chấm mút mà các “hảo hán” đã chi sộp quá. Chỉ một lát, lây lan cái không khí nhộn nhịp, tưng bừng vui, Sang cũng cất luôn cái mặt đưa đám, nói cười ầm ĩ. Cô tính nhẫm ra được cái khoản bỏ túi riêng buổi tối hôm nay...Cô đã chấm cái áo ở ngoại dưới quầy hàng ở đường Tạ Thu Thâu và cái quần kiểu mới túi lớn túi nhỏ, kéo phẹc-ma-tua từ lưng xuống tới ống rất “chiến đấu”. Rồi một buổi mời được anh chàng nhạc sĩ đi ăn nhà hàng, nghe nhạc. Có thể “múa đôi” nữa. Lâu nay, những lúc rổi, cô thường mướn thằng Giàu dạy nhảy. Chỉ mới “múa đôi” với thằng em thôi chứ cô chưa dám ra sàn nhảy với ai. Mấy cô “hầu bàn” trong quán đang hứa cuối tuần này đưa cô đi “múa đôi” ở sàn cho quen, thì xui chưa, ông cụ lăn đùng ra chết. Các nơi vui chơi còn đóng cửa cả tháng chứ không ít.
Mười một giờ qua, mười hai giờ cũng chập kim đồng hồ, rồi nhích tới ngày mới, giòng người vẫn đông vui ngoài đường, trong mỗi hàng quán vẫn chật ních, lớp ra lớp vô không trống chỗ. Còn hơn ngày lễ lớn chứ không vừa. Lễ lớn, chỉ có con nít đổ ra đường, lạng xe, phá làng phá xóm, chứ hôm nay, sao đủ hạng người, mà ai mặt mày cũng hớn hở. Sang nhớ lại hồi còn ở Bắc, dạo bác mất, cô không đóng được kịch buồn, bu cô đã phải riếc mắng cô, rồi lấy ớt chà lên mí mắt để mắt lúc nào mắt cũng đỏ và nước mắt chảy ròng ròng, khổ chết đi được. Chứ mặt mày mà hớn ha hớn hở là “mệt” với mấy chú công an ngay.
Đúng lúc quán đông như thế mà anh chàng nhạc sĩ tấp vô quán. Sang nhanh nhẩu lấy cái ghế cô đang ngồi sau quầy, đưa ra trước quầy, còn cô thì đứng.
“Anh ngồi đi.”
“Anh Bảnh về chưa.? Tôi có chuyện cần gặp anh Bảnh.”
“Anh xui rồi. Anh Bảnh chưa về. Hay anh đợi nhé.”
Có chuyện, Bạc đành chờ. Anh ngồi trên cái ghế ở quầy, được một ly nước cam do Sang pha và mời. Sang đứng tì ngực vào quầy, cổ áo rộng, cô nói như thì thầm:
“Sao anh tránh mặt em, không tới dạy cho mấy đứa nhỏ nữa?”
“Tôi bận!”
“Em xin “nỗi” anh rồi mà. Bữa đó, em thiệt “nông nổi”, nhưng em biết anh rất “rộng nượng”. Bỏ qua cho em một “nần” nghe anh.”
Cô tỉ tê thổ lộ:
“Em “nàm rì” xong, biết bậy “nà” em hối “nắm”. Anh đừng để trong “nòng”
Không biết cô ta thiệt hay giả, Bạc cười:
“Tôi quên chuyện đó rồi, cô đừng nhắc nữa.”
“Vậy khi nào anh “nại” dạy tụi nhỏ đàn?”
“Chưa biết được. Còn tùy công việc.”
“Vậy “nà” anh chưa xong vụ đi “nàm” ở nhà hàng? Sao anh Bảnh em nói là đâu vào đó rồi. Nghe nói cấp trên đã chỉ thị cho giám đốc. Anh yên tâm, anh Bảnh em tài “nắm”.
Mấy cô phục vụ khách lấm lét nhìn, rình rập cử chỉ của hai người. Sang càng làm bộ “gây nghi”, vẻ mặt thẹn thùng, hiền hậu, nói nhỏ như chỉ để lọt vào tai Bạc:
“Nhé. Anh nhé. Anh hứa không để trong “nòng” nữa.”
Bạc ngượng nghịu gật đầu. Anh không thể tìm ra được một chỗ nào để ngồi đợi ngoài cái ghế cao Sang đã nhường cho. Muốn tìm gặp Bảnh không phải dễ, chỉ còn có cách kiên nhẫn ngồi chờ.
Đúng lúc đó bà Ngọc Hoa về. Cỏn Bù Lon chạy xe phía đường Hai Bà Trưng, thả bà Ngọc Hoa xuống bên hông nhà hát thành phố, mặt đường này thường vắng ngắt, tối om, và bà chỉ thả bộ một đoạn đường ngắn.
Từ chập tối, bận hú hí với Cỏn Bù Lon trên căn gác xép, bà Ngọc Hoa chỉ mới biết tin “ông cụ” mãn phần khi Cỏn trên đường chở bà về, nhìn thấy cảnh nhộn nhịp của đường phố. Bà đã khóc vùi sau lưng Cổn Bù Lon, kể lể thảm thiết:
“Đâu có ngờ, một ngày cũng tình nghĩa cha con...Ba ơi, ba bỏ con...ba ơi...”
Cổn Bù Lon miệng thì an ủi nhưng trong bụng chửi thầm. Con mẹ khóc cũng dòn như khi phỡn trên căn gác xép rên la, nên khi thả bà ta xuống lề đường, hắn thở phào, nhẹ nhõm. Món hàng này cũng đã cũ mèn, thù cũng rửa xong, đã muốn quẳng, nhưng thấy còn xài được, chưa đành...Với lại, hắn chưa nắm được phản ứng của người đàn bà này ra sao để trị. Còn chờ thời gian.
Bà Ngọc Hoa tới cửa thì sửng người. Đèn mờ, tiếng nhạc. Đàn ông ngồi đầy quán mà mấy “em” thì tíu ta tíu tít, vui như ngày hội. Không được. Nước mắt đang dàn dụa trên mặt đây, đang tang tóc, mà đâu phải chỉ tang riêng gia đình bà, mà là quốc tang kia mà. Cái bọn trong Nam này láo lếu quá. Bà hùng hổ đi vào, bật đèn sáng choang lên, hét lớn:
“Cái gì đây? Trời ơi, nhạc ầm ĩ thế?”
Sang đáp trống không:
“Không “nẽ” đuổi khách?”
Lau nước mắt, lắc đầu thút thít khóc, thiểu não đi lên cầu thang. Cô em chồng nguýt theo một cái, con mắt lá răm dài ra, đanh đá:
“Về đến “nà” ầm ĩ...Đi hết “lổi” mà cái miệng lách nhách như...”
Cô xuống giọng chỉ đủ nghe:
“Y như cái đít con gà mái dầu, toe ra.”
Tuy vậy cô cũng đưa ta vặn bớt vô-lum nhạc, tắt luôn mấy ngọn đèn nê-ông, đèn vàng lại lờ mờ. Cô cũng rất sợ chườn cái mặt không mấy bắt mắt của mình trước người mình yêu.
Thấy cái mặt mất vui của bà chủ quán, khách cũng lục tục dần dà đứng lên ra về. Bạc cũng nhấp nhỏm.
“Gượm đã “lào”. Làm “rì” mà như con loi choi, anh ngồi đó đi.”
Sang bận bịu tính tiền, thối tiền cho khách. Bảnh xớ rớ.
“Khuya quá, tôi...”
“Hẵng...em còn chuyện “lói” với anh...”
Vung vung nắm tiền một tay, một tay thân mật đập đập lên vai anh.
Ý của Bạc là muốn xoay người tránh, nhưng sao cứ cứng nhắc, chịu trận.
“Anh tệ thì thôi...”
“Tôi bận lắm...”
“Anh bận “rì”? Thất nghiệp thấy chục ông thần mà bảo “nà” bận. Đợi chút, em có “lày” hay “nắm” cơ.”
Bạc lại ngồi xuống. Qua khuya, đường đã bớt tiếng xe cộ. Chỉ còn hai ông khách cuối cùng còn cố cho hết bình trà. Các cô làm phụ cũng thu xếp ra về.
“Chúc chị Sang một tối mê ly nghe.”
Cười rúc rích. Nháy mắt. Đưa tay lén lút làm dấu. Sang cười lỏn lẻn:
“Bậy nào. Người ta nói chuyện đứng đắn.”
Hai người khách cuối cùng cũng kêu tính tiền. Bảnh muốn tháo lui trước khi bị ở một mình với cô gái này. May thay Bảnh về tới.
“Thấy chưa, nghe lời em “nà” có “nợi”, người “rì” mà nóng nảy quá.”
Bảnh dẹp bàn lấy chỗ, xong lấy miếng ván kê bậc cấp đẩy xe lên.
“Chú mày đợi lâu chưa?”
Bảnh hỏi. Sang hớt:
“Anh Bạc chờ không nổi tính về, em giữ anh “nại” đó”.
Cô cười duyên. Có dịp lợi dụng đặt tay lên vai Bạc. Bảnh dựng xe xong, lại bên cạnh Bạc, thân mật:
“Nóng lắm phải không? Có sự cố một tí. Chuyện là, đang ngon trớn thì...chú mày nghe đài chưa. Ông ngoại xấp nhỏ đã theo bác. Vũ trường, nhà hàng đóng cửa cả tháng còn làm ăn gì được. Phải chờ...”
Bạc hỏi:
“Vậy món quà.....”
“A, đưa rồi. Đưa ngay chứ. Trên vui lắm, mọi chuyện sẽ đẹp thôi. Chú mày yên trí về chờ...chuyện các cụ tuổi gần đất xa trời, nào ai muốn. Không biết...”
Bảnh nôn nóng quay sang cô em gái:
“Chị về chưa?”
Sang dấm dẳng:
“Rồi. Cũng mới về đó thôi. Khóc như con dâu khóc mẹ chồng...mẹ ai...mẹ ai....”
Bảnh nạt:
“Mày bỏ cái giọng đó đi. Chị mày đang buồn.”
Bắt tay Bạc như đuổi khách:
“Chú mày về nhé. Chết thật, khuya quá.”
Ngáp:
“Đêm nào cũng thức khuya thế này, sức voi cũng ngã. Yên trí, có gì tin ngay cho chú mày. Mà nè, tuần tới dạy con nhỏ lại nhé, chú nhé.”
Bạc đắng nghét ở cổ họng. Chiếc nhẫn cưới lột nơi ngón tay của vợ, còn mấy khâu vay mượn thêm. Cái ông đầu to chết mọi người mừng, nhưng với anh thì thêm sự xui xẻo.
Sang đưa Bạc ra tận đường, to to nhỏ nhỏ:
“Nhé. Anh nhé. Em nhất định mời anh đi xem kịch, rồi “nà” mình đi ăn nhà hàng. Anh hứa nhé.” -
Món tiền đã móc trong bụng anh em nhà Bảnh. Bạc không dám làm găng, đành nói xuôi:
“Tôi không dám hứa đâu.”
-“Coi như “nà hứa rồi. Em mời kiaz mà.”
“Ai lại thế. Ai lại để đàn bà mời. Cám ơn cô.”
“Ha, “nại” cô. Anh gọi em một tiếng em cho thân được không? Xa “nạ” thế!”
Cô nhìn theo anh chàng nhạc sĩ leo lên xe, đạp đi, lòng nao nức quá. Sẽ có lúc cô ngồi phía đằng sau, ôm eo ếch anh chàng. Mình sẽ ôm thật chặc, ruớn người tới trước để ngực mình áp vào lưng chàng. Ấm áp lắm. Nơi này này. Cô đặt cả hai tay lên ngực, mỉm cười, mặt nghệch ra bên lề đường, nhìn theo cho tới khi khuất bóng chiếc xe đạp và người yêu.
“Con nỡm. Đứng đực mặt ra đó. Vào đóng cửa ngõ đi ngủ.”
Bảnh kêu. Sang lật đật đi vào.
“Cái mặt mày ngu vừa vừa chứ. Mê giai cũng vừa phải, thứ mày giai nó vặt không còn lông lá.”
Bị mắng, cô không buồn mà còn thích thú nữa. Được vặt hết lông lá thì thích chết được...cô còn mong gì hơn!
Bảnh lắc đầu. Vừa giận vừa thương con em.
Bảnh nhẹ nhẹ lên lầu. Con Lựu đã được làm cho một phòng riêng có cửa ngăn, ổ khóa đàng hoàng. Nhưng Bảnh biết, con bé chỉ khóa cửa đối mẹ rồi sau đó lại mở chốt để sẳn...chờ. Bảnh hé cửa nhìn, con nhỏ dạo này đi chơi nhiều, không có sức chờ khuya thường ngủ quên tuốt đi. Bảnh thay quần áo, rón rén vào phòng.
“Giờ này mới vác mặt về.”
“Tôi đi công chuyện.”
“Còn công chuyện nào ngoài cái...đen xì của con đĩ. Ngày nào mày không rúc mặt...là mã ông mã cha mày động, tao làm gì không biết.”
“Vừa thôi nghe. Tôi cũng đâu có tra vấn gì về việc em đi sớm về khuya.”
“Mày đi thì tao cũng đi, tao ngu gì để mốc.”
“Biết rồi. Tôi biết rồi..”.
“Tại mày không đầy đủ bổn phận làm chồng, mày không trách ai.”
“Vâng, tôi không trách ai hết...Tôi lỗi trước, được chưa?”
“Hừ.....”
Bà nấc lên khóc.
“Không nghe đài nói tin ông ngoại xấp nhỏ vừa...sao tới giờ mới vác mặt về?”
“Tôi có nghe.”
Bảnh quay lại ôm lấy bà Ngọc Hoa. Chỉ như ôm một miếng thịt mỡ. Nhưng bỏ sao được, miếng thịt mỡ này là cái đà danh vọng, cái lọng tương lai...của hắn mà.
“Lâu quá, vợ chồng mình....”
“Tôi mệt.”
Bảnh vuốt ve:
“Anh muốn mình bàn việc tang ma ông cụ....”
“Đâu phải chuyện mình lo chứ. Chính phủ người ta lo, gia đình người ta lo, mắc mớ gì đến anh và tôi....”
“Sao không? Anh tính là vợ chồng con cái mình phải ra ngoài, mình phải để tang đàng hoàng. Ngày mai, em nên sang bàn với mợ để mợ đề đạt lên...”
Hắn suy nghĩ một lúc, tiếp:
“Tiền vé máy bay anh lo. Có đây rồi. Mới có mấy mối nạp còn nguyên. Em tính kỷ đi, ra ngoài chỉ để tang thôi nhưng có lợi, lợi lớn lắm....”
Bàn tay hắn mò mẫm, bóp bóp:
“Biết đâu mình còn được chia gia tài. Con nào chả là con. Gia đình người ta thấy mình có hiếu, ra tận nơi, không nhẽ làm ngơ à.”
“Thì ra chỉ tính có lợi.”
“Đâu chỉ vậy không? Mình ra ngoài rồi trở về đây lại, mang tang cho bọn trong này khiếp vía chơi. Ha em. Anh tính vậy hay không?”
Bà làm thinh quay mặt vào tường tiếp tục khóc thút thít.
...
Con Lựu mò mẫm đi trong con đường hẻm nhỏ, lòn qua bên dưới căn gác gỗ chiếm đầu hẻm của vợ chồng chú Bao, nhìn ra đường vắng vẻ, con bé sợ, nép bên cánh cửa nhìn ra...
Không biết mấy giờ sáng rồi. Bên kia đường là công viên đang chìm trong bóng tối. Nó đứng vậy lâu lắm, nửa muốn trở vào nhà, nửa muốn lui vào cuối hẻm gõ cửa nhà thằng Hiếng. Và rồi nó gõ theo ám hiệu.Chờ một lúc, thằng Hiếng đi ra, áo mai dô, quần xà lỏn, mặt ngái ngủ, vừa ngáp vừa hỏi:
“Có chiện gì đây. Tao đang ngủ như chết....Có chuyện gì nói lẹ đi, tao vô ngủ tiếp mày....”
“Không có chuyện kiếm mày làm gì ha!”
“Khỉ. Mai nói có được không? Mày ẩu tả như vậy má tao biết được là bả làm tới nơi. Tao đã nói má tao cấm chơi với mày....”
Con Lựu kéo tay thằng Hiếng.
“Đừng nói chuyện ở đây, má mày biết. Qua công viên đi.”
“Nửa đêm mà qua bên đó mày không sợ tụi bụi đời làm thịt mày à. Thôi, tao hổng đi đâu.”
“Mày làm gì nhát quá vậy. Giờ này thiên lôi còn đi ngủ nữa là. Bên đó giờ này vắng lắm. Ê Hiếng, lâu lắm rồi, mình không...không làm chuyện...hơ, mày nhớ không?”
“Gì?”
“Mày làm bộ nữa, tao biết mày không quên. Mình qua bên đó, người ta ngủ hết rồi.”
“Thôi mày ơi. Má tao nói biết được là cắt luôn. Tao sợ bã muốn chết.”
“Ai biết mà sợ. Mày đi theo tao. Tao có cái này cho mày....A, phải mày muốn thay hai cái bánh xe đạp không. Mai tao tặng mày tiền mày mua, mua lơ chùi xe nữa, mua luôn cái sáng sáng cho chạy vòng bánh xe...mày thích phải không?”
Thích chết đi chứ. Thằng Hiếng ao ước lâu rồi. Má nó chạy gạo chưa đủ, mấy thứ đó còn khuya mới với tới. Ôi cái vòng có chất lân tinh, khi bánh xe quay, vòng sáng quay theo, chiếc xe đạp hiện đại và có giá hẳn. Thằng Hiếng gần xuôi lòng.
“Mai tao với mày ra chợ Cũ mua...Tao nhiều tiền lắm.”
Thằng Hiếng dụi mắt, nuốt nước bọt, vừa muốn vừa không...
“Tao sợ...”
“Mày sợ ai? Sợ tao à? Buồn cười quá. Đi.”
Thằng Hiếng không cưỡng được nữa, ngang qua đầu hẽm, con Lựu thì thào:
“Mày coi chừng đừng đụng đồ đạc mà chú Bao tao nghe được, chết nghe mày.”
Thằng Hiếng gật đầu dù biết con Lựu không nhìn thấy.
Tới công viên, bước chân êm vô thảm cỏ, con Lựu trách:
“Mày dễ ghét quá, tự nhiên mày tránh mặt tao, lâu rồi nghe mày.”
“Không phải, bị má tao đánh...”
“Má mày cũng dễ ghét luôn, dữ như con cọp...”
“Mày đừng động tới má tao chớ, má tao thương tao lắm.”
Con Lựu nhíu mày. Không biết má nó có thương nó không? Khi thì nó thấy thương nó lắm, nhưng cũng nhiều lúc nó cảm thấy má nó chẳng màng gì tới nó. Thây kệ người lớn, không để ý tới càng khỏe thân. Nó mím môi nắm tay thằng Hiếng.
“Tao thích mày thật, tại mày không biết....”
Nó kéo thằng Hiếng khuất sau một bụi cây trâm cắt tròn:
“Mình ngồi xuống đây đi....”
“Ngồi chơi thôi nghe, mày đừng....”
Con Lựu ghì đầu thằng Hiếng, cười hắc hắc trong cổ họng, sợ phát ra tiếng.
“Thì chơi thôi, mày có phải làm gì đâu...”
Nó cắn vào tai thằng Hiếng. Đau, thằng Hiếng nổi sùng:
“Mày làm gì kỳ vậy, tao không chơi à nghe.”
“Suỵt, mày la to bọn bụi đời thức dậy là tao la lên cho coi. Họ bắt mày chớ không bắt tao đâu, vì tao là con gái mà....”
“Vậy thôi tao về....”
Thằng Hiếng vùng đứng dậy. Con Lựu lại ghì nó xuống:
“Bộ mày không thích có chiếc xe đạp láng coóng à? Mai tao mua vỏ lốp mới, mua vòng màu, rồi mua cho mày hộp lơ chùi nữa...”
Thấy thằng Hiếng lặng thinh, con Lựu tiếp:
“Tao biết chỗ bán lơ ngoại nghe mày. Chùi sáng trưng xe chiến lắm. Lơ này đắt tiền mà không dễ gì mua.”
Thằng Hiếng ngồi xuống.
“Rồi, nói gì mày nói đại đi.” “Ừ, tao nói. Ghé tai qua đây, sát một chút, chút nữa....”
Con Lựu ôm ghì lấy nó, đẩy nó nằm xuống cỏ rồi chồm lên. Nhưng thằng Hiếng như không có cảm giác gì. Nó thấy con Lựu ức hiếp nó quá.
“Mày ăn hiếp tao...”
“Ừa, để tao ăn hiếp mày...”
“Mày bỏ tay ra, khỉ, móng tay của mày....”
“Mày ngu lắm. Này, để tao...”
“Tao...ê Lựu, tao hông....”
“Không cũng không được. Tao...”
“Kỳ quá, mày đừng...”
“Mày đừng la...Im. Có phải ngoan không nào, cưng...”
Con Lựu bắt chước “chú dượng ghẻ” Bảnh, dày vò thằng bé. Thằng Hiếng kêu khẽ:
“Mày làm tao đau quá, tao không chịu à nghe...”
“Mày làm gì mà như cái bong bóng xẹp vầy nè, để tao....”
Thằng Hiếng buông xuôi:
“Mày làm sao thì làm, tao không biết à nghe...”
” Được. Để tao. Mày hôn tao đi. Hôn đây nè...”
“Không được. Tao không...”
“Mày nhát quá. Chú với mẹ tao làm lành với nhau rồi, hồi nãy tao chứng kiến đã lắm. Ổng làm vầy nè, rồi bã làm vầy nè...Mày sao vậy. Lúc đầu....”
Con Lựu vừa kể lại vừa hành động. Thằng Hiếng trân mình chịu đựng, vậy mà cuối cùng con Lựu cũng làm được. Một lúc, nó ngồi dậy.
“Mày vui không.”
Thằng Hiếng đáp trống lổng:
“Không”.
“Vậy mà mày không vui? Tao vui lắm.”
“Lựu, mày dễ sợ quá. Tao sợ mày rồi. Tao...”
Nó vỗ về thằng bạn:
“Thấy không, có chút xíu chết chóc gì đâu”.
“Còn hông chết. Mày quá ghê!”
Con Lựu bật cười nho nhỏ:
“Mai tao với mày ra chợ Cũ. Mày dám đi với tao không?”
Nghĩ tới chiếc xe đạp, thằng Hiếng gật đầu, nói:
“Có”
“Mày hết sợ má mày rồi phải không? Tao nói thật, má tao, bà nói gì thì nói, tao coi như “pha”, chị Bảy nói tiếng Quảng là “như nước chảy lá môn”, mày.”
“Má tao chửi khác. Bả nói như vịt nghe sấm.”
“Hi hi, muốn nói gì thì nói, tao chẳng sợ đâu. Má tao với”chú” đêm nào cũng vầy nè, vầy nè...”
Thằng Hiếng gạt tay con Lựu ra:
“Đừng, đừng làm vầy, mày thấy tao...sợ rồi!”
“Mày nhát quá, mới có tí xíu mà coi mày...này, thấy sao?”
“Thôi. Tao không chơi nữa. Tao phải về chớ không má tao biết được là ngày mai hết đi với mày. Ngày mai mày đừng qua kêu tao, mình hẹn nhau sau nhà hát lớn. Mày muốn mấy giờ?”
Con Lựu nén tiếng thở dài rỗng cả ruột gan. Thì thôi. Biết là sao hơn nữa.
“Ba giờ chiều đi. Giờ đó má tao đã xách đít đi rồi.”
“Được. Giờ tao về trước, mày về sau.”
“Về đi.”
Như chỉ chờ có vậy. Thằng Hiếng thoắt cái đã băng ra đến đường, biến vào con hẻm. Con Lựu ngồi dãn chân một lúc. Bỗng nó nghe tiếng rì rầm đâu gần đây. Ngó quanh, tiếng thì thầm, rúc rích phát ra từ đằng sau chiếc ghế đá. Thôi chết rồi, việc làm của nó với thằng Hiếng đã có người thấy. Nó lắng tai.
“Quê à, bụng lớn rồi nghe. Tao mới rờ tay nó đạp một cái giật mình té luôn.”
Giọng con Quê:
“Lóng này nó quậy dữ lắm, có lúc cái bụng tao méo qua một bên...chẳng làm ăn gì được...hứ...”
“Sao mày thở dài hoài vậy?”
“Tao hết tiền. Mà không biết lúc nào sanh. Cũng tại mày hết, không nghe mày, bụng tao xẹp lép lâu rồi, lóng này, mày thấy không? Tụi ngoại quốc qua hà rầm, tụi nó kiếm tiền dễ như rơm rác. Mai mốt sanh, tốn kém lắm chớ chơi đâu...”
“Đừng lo, tao có mà...tao đã hứa lo cho...con tao. Thương quá à ơi, cho tao thơm nó một cái. Một cái thôi...Hơ, đạp đi, đạp thằng cha mày một cái...đạp con má cà chớn mày một cái...con má mày là đồ đĩ thúi, đồ đĩ rạc...”
“Mồ tổ mày, thằng chó ghẻ, dám chửi tao...?”
Tưởng có đám đánh lộn. Không, con Lựu nghe cười rúc rích, dằng co.
“Gần sáng trợt rồi, chó. Mày không ngủ thì để cho con nó ngủ. Ông cố nội mày...phải con mày đâu mà mày mừng....đồ vô duyên.”
“Con tao. Tao cũng đúc đầu đúc đuôi...để tao đúc thêm...”
“Á, không nghe mày. Tao nói không được...quỷ chưa, đồ quỷ, quỷ nà. Bò, mày thiệt...”
Con Lựu nghe tiếng con Quê cười khúc khích, rồi êm rơ. Chắc tụi nó mãi “mùi mẫn” với nhau, không để ý chuyện nó với thằng Hiếng đâu.
Yên trí, nó lần mò ra khỏi công viên trở về. Nó đẩy nhẹ cửa, vào nhà. Ở sát phòng ngoài cô Sang, thằng Giàu kê chiếc ghế bố ngủ. Con Lựu vô tình vấp vào chân ghế làm thằng Giàu tỉnh dậy.
“Ai?”
“Cháu đây, chú.”
“Mày làm gì ở đây vậy?”
“Cháu khát nước nên xuống lấy nước thôi, chú.”
“Hừ, đang đêm mà mày mò mẫm gì vậy?”
Thằng Giàu đứng dậy, con Lựu nhìn bộ ngực trần của thằng Giàu, rồi nhìn xuống nữa. Không ngờ chỉ một thời gian thôi mà “chú” giàu lớn như thổi, coi “đồ đạc” của chú thua gì “chú” Bảnh đâu. Thấy mà ham. Nhưng hôm nay con Lựu không ham nữa, nó gắt:
“Người ta đã nói là đi lấy nước. làm gì mà nhìn dữ vậy, la lên giờ.”
Nó bỉu môi, đi lên cầu thang. Thằng Giàu nhìn theo cái dáng đi của con nhỏ, lắc đầu. Nó cũng đã cố gắng lắm mới không nổi cơn với con nhỏ.
Nằm trong bóng tối, con Lựu không ngủ được. Trong tai nó, những lời lẽ đùa bỡn của con Quê và thằng Bò cứ lùng bùng. Tụi nó nghèo khổ thế mà sao thương nhau quá. Còn nó, từ “chú” Bảnh, tới bọn con trai, đến với nó chỉ với mục đích lợi dụng thân xác và tiền bạc. Nó nghĩ tới thằng Giàu, bằng cách nào thì nó chưa biết, nó phải bắt thằng Giàu về phe với nó trong căn nhà này, nó mới bớt lẽ loi, cô độc...
Chỉ suy nghĩ có vậy mà trời sáng lúc nào không hay. Nó trở dậy sửa soạn đi học. Hôm đó nó không thuộc bài. Mà có hôm nào nó thuộc bài đâu. Trong cặp nó có lá thư mời phụ huynh học sinh tới “làm việc”. Cũng không có gì đáng lo. Phụ huynh, thường là chú xích lô đầu đường, nó chi tiền thuê quần áo cho chú đóng bộ rồi tới trường đóng vai phụ huynh, đã mấy lần trót lọt. Bài vở, lời giảng, đã lọt ra ngoài tai. Nó vẫn vơ nghĩ tới cái hẹn ba giờ chiều với thằng Hiếng.
Buổi trưa về đến nhà thì thấy “chú” và má nó bàn việc mua vé máy bay ra ngoài Bắc dự đám tang ông ngoại. Sao có ông ngoại ở trong Nam rồi có ông ngoại ở ngoài Bắc. Vậy thì nó có tới mấy ông ngoại, mấy bà ngoại? Nó nghe chú nó nói:
“Tiền vé máy bay không phải lo. Tôi có. Tiền cọc mấy vụ còn giữ đây. Thì khâu, em đem ra Lê Thánh Tôn bán lấy tiền đặt vé....”
“Đâu mà nhiều vậy?”
“Mấy vụ góp lại. Có vụ thằng nhạc sĩ Bạc. Cũng may nhờ có cái quốc táng này mà nhà hàng còn hẹn cả thời gian khá lâu...”
“Nhưng anh lấy cọc một lúc mấy người, sau này ai được ai không?”
“Tới lúc đó hẵng hay, chán gì cách....”
“Anh làm vừa phải thôi, làm quá bà già mang tiếng, tới tai ông già là ông “nạo” tui không còn cái cùi, nói cho mà biết....”
Không nạo thì cái “cùi” cũng không còn. Nhưng mặc kệ chuyện của họ. Chỉ cần là con Lựu biết má nó có tiền. Việc hứa với thằng Hiếng coi như đã xong. Nó biết cách “hớt” một ít trong số tiền “chú” nó đưa cho má nó.
Còn việc thằng Giàu, để đó đã.