CHƯƠNG 1.

Không ai đi theo bà ta nữa à? Đám con nít phá phách, hỗn xược, quái ác, làm cái đuôi dài cứ rụng dần từng khúc. Cuối cùng, bà ta chỉ một mình.
Người đàn bà này quê quán ở đâu? Không biết. Xuất hiện bao lâu trên con đường này, cũng không nhớ nữa. Hình như bà mới trở dậy sau một giấc ngủ ở bãi cỏ, dưới chân tượng Đức Mẹ ở nhà thờ Đức Bà. Nằm chèo queo, trần truồng, hồn nhiên, thơ dại như một đứa trẻ nít. Ngủ màn trời, chiếu đất, tắm rửa ở máy nước công viên, ăn uống có người nuôi. Quán ăn, quán cà phê dọc con đường Tự Do mọc lên như nấm. Chỉ cần dừng lại trước một tiệm ăn nào đó, hay xe bánh mì. Chỉ đứng yên lặng chờ, rồi có... Để được bình yên như vậy, bà ta cũng có một kỳ khổ ải...
Chuyện gì mà vui như Tết vậy? Ôi thôi, con nít đông như kiến, rồi người lớn cũng chạy theo. Cả mấy hàng gính lề đường, bà Mập xe bánh mì góc Givral, bà Ốm bán bánh mì vừa bánh cuốn góc Đồng Khởi- Lê Thánh Tôn, bỏ cả xe mà chạy. Họ chạy tuốt lên phía nhà thờ, kẻ trước người sau, tấp nập như đi lĩnh gạo. Chen chúc, xô đẩy nhau, thấy được cảnh gì? Chị ta, đã trần truồng phần trên và đang trút bỏ phần dưới. “Hoan hô. Nhiệt liệt. Khẩn trương.” Bọn con nít vỗ tay, la hét rầm trời. Chị đàn bà như không để ý gì hết, vừa được hoàn toàn trống trãi chị cười vu vơ, như hoan nghênh sự thoải mái của mình. Vậy là có một đám rước từ đầu đường kéo xuống. Chị ta đi trước, đám đông đi sau, la lối, cổ võ. Ngang qua nhà hát lớn thành phố, đụng phải một đám biểu tình mừng ngày sinh nhật Bác vừa tới nơi. Đám biểu tình này gồm nam phụ lão ấu mà phụ nữ thì đông. Nhi đồng đi trước sắp hàng hai, rồi tới phụ nữ sắp hàng tư, vừa đi vừa uốn éo điệu múa, vung tay, đưa chân, oằn người theo điệu hát: Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng.. Tiếp theo là một đám nhi đồng khác, đeo trống, tay cầm dùi, đánh tùng tùng phụ họa rất ăn nhịp, chứng tỏ có tập dượt nhiều thời giờ. Phụ lão người hô nhiệt, người hô liệt loạn xạ ngầu. Các cụ đâu còn hơi nhiều để hô nên nó loạng choạng là vậy. Hôm đó chị đàn bà cởi truồng bị công an còng tay dẫn đi lần đầu, rồi tiếp theo, mấy chục lần không đếm được, chị bị bắt ở phường cũng có, lên quận cũng có. Đánh đập, dọa nạt, bầm người, tím thây. Ăn nhằm gì nữa vì chị mất trí nhớ. Buộc chị phải mặc quần áo mới được đi ăn xin. Chị mặc vào rồi lại cởi ra. Riết công an cũng thấy chán không bắt, mà người lớn con nít gì cũng cho là thường rồi, không hào hứng coi nữa...Họa hoằn cảnh chị đi giữa đường tồng ngồng có đập vào mắt một số người ngọai quốc đi trên đường. Người ngoại quốc không có thói đứng lại xem nhìn. Nhan sắc chị cũng chẳng còn mà hình dáng chị thì quá tơi tả dị dạng, chẳng còn chút hấp dẫn nào để buộc chị tội khiêu dâm ngọai cảnh, nên bây giờ chị cũng như con đường Tự Do, coi thong dong quá.
Chị bước chậm rãi. Thích đi thì đi, thích dừng lại thì dừng. Ở ngã tư Đồng Khởi Lê Thánh Tôn chị đứng lại nghỉ chân. Nhà hàng ăn, mấy giờ rồi mà có cô con gái tóc xù bông kéo đàn violon thánh thót, còn có cái ông nhạc sĩ thấp thấp như đang nằm bò trên cái đàn bự. Bà Ốm bán bánh mì nhìn trời kéo mây thở dài, sửa miếng vải bạt che.
“Đi đi, cho người ta bán hàng. Nhìn gì.”
Đi thì đi, chị bước xuống nữa. Tiệm thuốc tây quốc doanh người ta sắp hàng dài quá. Chị dừng lại, nhón chân ngó vô. Mấy cái đầu quay lại nhìn chị nên chị phải cười xã giao một cái. Vậy là lịch sự rồi, chị nhìn qua bên kia đường, tiệm cà phê, tiệm thêu đều mở cửa. Có cái thằng cha tre trẻ hay đứng trước cửa chống nạnh tay ngó lui ngó tới. Nó có đứng đó không? Có kìa. Chị đưa tay vẫy chào, chào bằng tay rồi dạng chân ra chào nữa, lối chào này tụi con nít trước thích lắm, bây giờ sao không thấy chúng thích nữa. Cái thằng đàn ông mặt đang vui tươi sao xụ xuống như con cú, quay ngoắt trở vào. Hôm nay đứng xa chị không nghe cái giọng Bắc kỳ đặc của nó: “Con mẹ điên, cút ngay. Kêu công an còng giờ.” Ai điên vậy? Chị hỏi hoài, ai cũng cười. Chỉ có thằng Bò, cái thằng cứ đeo sát mặt đất đó, nói: “Bà điên chớ ai điên nữa. Vậy mà cũng không biết. Ngu.” Ngu. Mấy tiếng này hình như hồi trước chị có biết, bây giờ thì chị không biết nữa.
“Biết ca không?” Cái bà đèm đẹp ở một trong mấy hàng thêu hay hỏi chị. Chị nói: “Biết.” Chị ca. Bà hàng thêu xua tay: “Thôi, làm ơn tốp lại đi. Khiếp quá.” Vậy là không hay? Chị hỏi thằng Bò. Nằm dưới đất ngó lên, nó cười: “Ghê quá bà ơi, bà hổng biết ca.” Từ đó chị tịt luôn, nhất định, cho tiền cũng không mở miệng.
Xuống nữa, chắc gặp thằng Bò. Chị đi thẳng, hai tay đong đưa đánh đường xa. Nước ở đâu vậy? Chị ngó lên. Ông trời buồn đái, đái bậy làm chị ướt. Chị quay ngược trở lại.
Mấy đứa bụi đời thường đố nhau: Đố trán cao hay trời cao? Đứa nào cũng mau mắn trả lời: trời cao. Rồi tắc lưỡi: Thua, quên hoài. Trán cao chớ. Mình thấy trời mà không thấy trán mình, phải soi gương mới thấy.
Thằng Bò thì trái lại, trán cũng cao mà trời cũng cao. Chẳng bao giờ nó thấy được khoảng trời xanh, bởi người ta đi bằng hai chân, mặt nhìn thẳng phía trước mà nó thì hai tay phải làm hai chân trước, như con chó, con mèo đi bằng bốn chân. Mấy đứa bụi đời còn mạt sát nó, thua cả con chó con mèo, chó mèo hai mắt vẫn thấy đằng trước, còn nó thì bò, mà mắt chỉ thấy mặt đất.
Hôm nay cũng vậy, trời mưa, bọn trẻ bụi đời lười đi chôm chĩa. Đói một bữa không chết được, với chúng, đói là sự thường tình, nên vui vẻ tụ năm tụm mười, tìm thằng Bò phá chơi. Khỏi sợ ai đi. Mấy chú công an đến giờ này no rồi, gặp cũng vui vẻ cả.
Không phải tìm lâu, ngay góc hiên khách sạn Cửu Long, thằng Bò đang nằm co quắp, mắt hiêng hiếng ngó ra phía bờ sông đang trắng xóa màn mưa đục. Phía cửa vào tiệm ăn, chị bán thuốc lá mắt buồn ngủ díp lại mà miệng ca ư ử điệu nhạc cải lương. Quán ăn này thì ngày mưa nắng gì mà hễ có ghi bảng hôm nay bán bia bốc thì không còn cái ghế nào trống. Bữa nay cái bảng ghi có bia bốc lật mặt lại rồi, quán sói đầu, lưa thưa vài ba trự có vẻ ngồi núp mưa hơn là hăng hái ăn nhậu.
Cả bọn chín đứa, cầm đầu là thằng Lai Phá, mặt đầy tàn nhang, tóc vàng hoe, quần áo tay chân lấm lem như vừa chui dưới cống lên. Thằng đàn em đi kế nó ăn mặc như Bang chủ cái bang, áo thắt ngang bụng bằng sợi dây thừng, hai chân bơi trong đôi giày rộng thùng thình, tay cầm cái lon bơ bự trống hốc, chưa có khúc xương, chút nước lèo nào. Như vậy, chứng tỏ cậu ta chưa “hành nghề” chui vô chực xương ở một hàng quán. Còn một thằng nữa, hai tay lở loét ghẻ là ghẻ, có con ghẻ đang sưng mọng, có con ghẻ bung nước, chảy tùm lum mà thằng nhỏ cứ quẹt lên mặt lia lịa. Trong băng thằng Lai Phá còn có hai nữ tặc nhí con, đứa nào cũng chìa cái mỏ ra đằng trước, như sẳn sàng chửi lộn. Một đứa mặc cái áo thun đỏ cũ sờn, còn một đứa lượm đâu được cái váy cũn của ai mà nó mặc dài xuống mắt cá chân, thêm cái áo rộng dài tới đầu gối, nên khó mà biết được con bé gầy ốm tới mức nào. Bọn lít nhít đằng sau, quần áo tơi tả dơ dáy, mặt mày đã láo liên còn làm bộ cương thêm cho vênh váo.
“Ê Bò, ai cho mày nằm đây. Đứng dậy ông bảo.”
Thằng Bò rời cái màn mưa trắng đục phía bờ sông, khó nhọc đưa cái đầu qua vị trí khác. Đụng nhóm thằng Lai Phá, mắt nó càng đục hơn. Nó đưa tay lên chùi giòng nước miếng đang nhỏ xuống, mất thăng bằng muốn té nhủi và nó nằm bẹp xuống đất.
“Ông hỏi không trả lời mầy?”
Nó còn biết trả lời sao? Không nằm đây thì nằm đâu. Con đường Tự Do là đất sống của dân trẻ con bụi đời. Cả thành phố, độc nhất con đường này có khách ngoại quốc tới lui, ở trong các khách sạn. Dân có máu mặt cũng vô ra các quán nhậu, nơi chốn ăn chơi toàn khu vực này. Chỉ có khách ngoại quốc mới bố thí cho chúng nó, dù một đồng tiền đô cũng hơn cả xấp giấy bạc của nhà nước đang xài. Ngày đêm gì nó cũng chỉ bò quanh quất từ đầu đường tới cuối đường. Nó đã cố “cắm ” một chỗ vừa đủ nằm trong bãi cỏ công viên, không được, nó bị bật ra ngay.
Thấy thằng Bò lầm lì, không trả lời mà nhìn chăm chăm nó, thằng Lai Phá tức. Nghinh phải không? Trước bọn đàn em, nó phải ra oai. Nó dõng dạc ra lệnh: “Bò, nghe đây. Anh Hai mày bảo mày bò dậy.”
Vẫn đưa mắt nhìn thằng Lai Phá để đề phòng, thằng Bò bò dậy. Hai tay nó chống chưa vững thì thằng Lai Phá đã cho nó một cái đá ngã lăn quay. Thật ra đã quen bị đá đấm, ngã, lăn, thằng Bò không cảm thấy đau đớn chút nào. Ngặt cái, thằng Lai đá mạnh quá, nó lăn ra mé hiên, nhằm vũng nước nên ướt nhẹp.
“Anh Hai mày bảo thì phải nghe lệnh cho nhanh. Bò lại lần nữa coi.”
Không biết bao nhiêu lần nó bị nhóm thằng Lai Phá hành hạ. Nó căm thù lắm, nhưng tàn tật, thế cô, còn biết làm gì hơn.
“Thằng này không chịu nói. Bắt nó nói đi.”
“Ê, mày đâu có câm mày. Đừng bày đặt ngậm hạt thóc chớ.”
“Bắt nó phải bò. Mày bò ba vòng tụi tao tha cho.”
Không biết bao nhiêu lần bị lừa rồi, thằng Bò nghe nói vẫn cứ mừng. Nó chống tay, ngó thằng Lai như muốn hỏi mày có nói thật không, rồi bắt đầu bò. Chưa được nửa vòng, một đứa con gái cưỡi lên lưng nó. Con bé cũng nhẹ thôi, nhưng từ quần áo, mông nó tỏa ra một mùi hôi thối làm nó muốn sặc họng tắt thở luôn. Rồi thằng có hai bàn tay ghẻ đưa tay vào cái miệng há hốc của thằng Bò. Đứa con gái kia chạy đằng sau, đưa tay kéo tụt chiếc quần của thằng Bò ra. Thằng Bò nằm bẹp xuống, co quắp hai chân che dấu làm con bé cưỡi trên lưng nó mất đà, nằm chồm trên người nó. Có vậy thôi mà cả bọn cười muốn bể bụng. Có thằng còn nằm lăn ra đất mà cười.
“Mẹ đứa nào chơi tao vậy?”
Đứa con gái lồm cồm ngồi dậy. Tức ai không biết, thằng Bò lãnh đủ. Tiện chân con bé đá vào bụng thằng Bò, miệng chửi tía lia. Lại thêm cho tụi nhỏ một trận cười nữa.
Chị bán thuốc lá phía trước cửa hàng ăn quốc doanh đang lim dim mắt, bừng tỉnh. Thấy tụi nhỏ chơi ác thằng bé tàn tật, chị động lòng, đứng bật dậy:
“Ê, bọn quỉ sứ, có dang ra không? Chơi gì mà ác đức ác nhơn vậy?”
Thấy tụi nhỏ còn muốn làm trò thêm, chị cáu:
“Biểu đi có đi không?”
Chị cúi xuống lượm chiếc guốc. Cả bọn dồn lại thủ thế. Thằng Lai nhổ toẹt một bãi nước bọt.
“Nhớ nghe bà. Nhiều lần bà xía vô tụi tui rồi nghen bà. Bà muốn gì đây? Cho bà một thằng Liên Xô bự tổ cối giờ.”
“Ranh con. Cút.”
Thấy găng, cả bọn đành bỏ đi. Thằng Lai đưa tay dứ dứ:
“Tụt quần bà luôn giờ.”
“D.M. Không hiền với tụi bay được rồi.”
Chị bán thuốc lá dơ cao chiếc guốc. Cả bọn vừa chạy vừa cười. Cơn mưa tạnh bất chợt, bức tranh đường phố cũng đổi. Xe cộ ở đâu ào ào ra. Từ khách sạn Cửu Long, hai người khách ngoại quốc cũng ra tới đường, vậy là bọn thằng Lai Phá có việc. Chúng bu quanh hai người ngoại quốc, giọng khổ não van vỉ: “Mô-nay...chút chút. Mô-nay...” Chúng đeo riết, lên tới phía trên, ngang qua mấy tiệm đồ chơi, lên gần tới nhà thờ Đức Bà thì hai người ngoại quốc rẽ vào góc đường Nguyễn Du. Họ bước vào một quán ăn nằm trong một ngôi nhà đẹp, có vườn. Quán không tên, nhưng hầu hết khách ngoại quốc đều biết tiếng, đó là quán ăn của bà Luật sư Phước. Còn luật lệ gì nữa, bà luật sư cũng đói meo, nếu không mau mắn bày ra quán bán thức ăn...cái ngã tư đón tiếp khách Quốc Tế.
Ở đây bọn thằng Lai Phá gặp một bọn con gái lớn hơn chúng nó chẳng bao nhiêu, đang đi ngược đường xuống. Mấy con bé son phấn tùm lum, quần áo đã biết hở hang. Thằng Lai Phá kêu lớn:
“Ê Chiến, mày đãi tao một bữa đi rồi tao để yên cho mày đi “vù” với mấy thằng Đông Đức. Dạo này mày lên quá rồi nghe mày.”
“Thôi đi ông, người ta còn mới tinh, chưa có của gì hết trơn. Muốn đãi dễ ẹc. Lúc nào, ông?”
Thằng Lai Phá cười ngất:
“Tại hạ không dám, cô nương cấy cho vi trùng...”lâu nặng” là tại hạ nát thây chiến trường...”
Bọn nhỏ vỗ tay rầm rầm, cảm phục thằng Lai Phá ăn nói hay như trong phim chưởng...Rồi cũng đến lúc chúng giải tán thôi. Đến giờ làm ăn rồi. Nhưng khu này không được, đừng hòng bước vào sân cái quán này, công an còng cổ ngay. Đành chia nhau tản mạn tứ phía. Bọn con gái đã đi xuống phía dưới, có mấy quán cà phê...Mới đó thôi, chúng còn trong nhóm ăn xin của thằng Lai, vậy mà nay đã đi làm gái. Có cả cái con mới dưới quê lên, nó nói hồi đó mới đẻ đã trúng pháo kích của Việt Cộng, hớt mất một cánh tay. Lúc mới tới, đầy bùn, vậy mà, con bé giờ trắng trẻo quá, còn có cái núm đồng tiền bên má. Ngực nó mới nhú nhú bằng trái cau thôi...nhưng thằng Lai ưa nhìn cái miệng nó nói tục và nụ cười rất đĩ của con bé. Nó tự nhủ, thích vậy thôi chớ các vàng các bạc cũng hết dám đụng vô bà rồi...Chịu thua, thằng Liên Xô bự con vậy mà nó còn dám...Chửi nhau, con bé vênh váo:” Mắc mớ gì mày? Ừa, con lai Liên Xô thì đã sao? Lai Mỹ như mày cũng thê thảm vậy. Tao chấp luôn, miễn có tiền sống là được.” Coi con bé đi còn làm bộ cái đít nhoi nhoi, sau trước vẫn bằng nhau nghe mày. Thằng Lai nhổ toẹt một đống nước bọt. “Cà chớn quá. Gửi đời cho tướng cướp sớm quá mày ơi. Chết là chắc nghe con.”
Còn lại một mình, nó tà tà đi xuống phía cuối đường. Không thấy thằng Bò đâu nữa. Chị bán thuốc lá đang có khách. Giờ chiều mà, cái miếng bìa màu vàng trước cửa lại lật ra: “Hôm nay có bia bốc.” Hèn chi, khách khứa tấp nập quá. Nó tới bên chị bán thuốc:
“Ủng hộ cho một điếu Tam Đảo, Vòm Cỏ gì cũng được, chị Bông?”
“Có cức cho mày. Thằng ranh con.”
“Không cho thì thôi, cấm chửi nghe bà. Vậy thì mua. Nè, thấy tiền ham chưa. Một gói luôn. Ba số. Đổi dùm, thối lại. Ăn vừa vừa thôi đó bà.”
Chị Bông giật đồng đô la trên tay thằng bé thiệt nhanh như sợ ai thấy. Cái thằng trời đánh này mà lúc nào cũng hên. Không hiểu sao cứ thấy cái mặt lai của nó là khách ngoại quốc phải cho nó bằng đô la, mà mấy đứa kia thì khó khăn, mấy ông xua tay, lắc đầu quầy quậy. Bởi vậy nó mới làm vương làm tướng dữ.
Trong lúc đó, thằng Bò đang bò lên phía trên, mặt đường phía bên mặt. Một vài người ngoại quốc đi qua, ngó lui, xì xầm về nó. Một bà tóc vàng hoe chạy lui dúi vào tay nó tờ giấy một đồng đô la. Nó vui mừng quá. Thay vì nói lời cám ơn, nó sủa gâu gâu làm mấy người ngoại quốc cười lớn. Nó không cười được như vậy đâu, có một đồng đô, nó phải tìm cách giữ gìn, bảo vệ nó. Bọn Lai Phá mà biết được, không những mất tiền mà còn bị đòn là cái chắc. Nó nhìn quanh, không có một đứa nào trước và sau nó lúc này. Nó bò qua đường, nhanh như một con sóc...
“Phựt” một cú đá trúng vào mặt, móc nó ngã văng xuống đường. Nó lăn một vòng tránh mấy bánh xe đạp và trườn nhanh lên lề. Khó nhọc, nó xổm người, nghinh mặt nhìn lên. Một vòm cây, một mái nhà, một bảng hiệu tiệm cà phê. Nó hiểu ra rồi. “Thằng Bắc Kỳ” mới chớ ai vô đây nữa. Đưa cái đầu xuống, nó nhìn thấy đôi dép da. Nó biết ai là người đi đôi dép da này. Gạo trắng nước trong, đôi bàn chân bắt đầu trắng ra. Giận đến nổi mấy con râu răng trong mồm nó cũng nổi điên, giựt rần rần. Được, miếng thịt này ngon, tao cho cắn một miếng.
Bất thình lình, hai bàn chân lùi lại. Một chiếc dép rơi ra. Tiếng kêu giận dữ:
“Quân ăn cướp. Mày dám cắn hả? Tao vặt không còn một cái răng.”
Thằng Bò đã xỏ tay vào chiếc dép. Tay nó cũng là chân thôi, tại không có giày dép để mang. Thoắt cái, nó đã ra tới giữa đường, lách trong giòng xe cộ, nó thoát hiểm dễ dàng, qua bên kia đường. Biết là sẽ còn ăn đòn thêm nếu còn giữ lì chiếc dép, nó dùng sức của một cánh tay hất chiếc dép văng xuống, lọt giữa giòng xe cộ. Thằng cha sẽ băng qua chắc mình chạy không kịp quá. Thằng cha thì đang la hét rầm trời bên kia, chưa qua được vì một đoàn xe đạp đang thả dốc, có mấy thằng choai choai đang đứng dang tay trên xe biểu diễn. Rồi đoàn xe cũng hết, mà người đuổi cũng đuổi tới nơi, xỏ được lại chiếc dép vào chân, đang bước lên lề đường. Nó yên tâm khi nhìn thấy một đôi giày cao gót đi ngang qua. Cứ nhìn giày dép, kiểu chân bước là nó biết người nào nó đã từng gặp, từng chú ý.”Cô Mai, cô Mai, cứu...” Nó nắm đại gấu quần cô Mai giựt giựt. Cô Mai Bắc suýt rơi cái ví xuống đường vì tay phải kéo giữ ống quần. Đang mặc bộ đồ bộ ở nhà, quần luồn giây thun mà thằng nhỏ kéo muốn tụt xuống.
Thay vì bực thằng Bò, cô Mai Bắc trút lên đầu thằng đàn ông đang hùng hổ sấn tới.
“Ông làm cái gì vậy ông Bảnh?”
Thằng Bò nhổm lên, hé đồng đô la nó vẫn còn nắm chặt trong tay cho cô Mai coi, miệng chu chéo:
“Thằng ăn cướp. Nó tính giựt tiền của con. Cô Mai, giữ dùm con.”
Mai Bắc cúi xuống giựt tờ giấy trong tay thằng bé bỏ vào ví, miệng cười cười.
“Ông tên Bảnh mà chẳng bảnh tí nào. Tiền nó đi xin mà ông đi giựt.”
Trước mặt người đẹp có nụ cười mê hồn, Bảnh cứng họng. Đôi dép thì đã đi trong chân, còn cái máu hách xì xằng, khi không đá thằng nhỏ xuống đường để nó cắn cho một miếng gần đứt thịt. Giờ nó còn có người đẹp bênh thì thua đứt đuôi con nòng nọc rồi. Bảnh đành châm chế:
“Bà mà tin mấy thằng đầu đường xó chợ này hả? Nó bán bà luôn.”
“Thôi ông ơi, đừng bắt nạt con nít. Ông xê ra.”
“Cái bà này, chớ tôi xáp vô hồi nào đâu. Xê ra thì xê ra.”
Hắn nhìn thằng Bò, nạt lấy chút thể diện:
“Đ M, thằng ranh con. Mày mà còn lưu manh nữa ông trói đem ra phường. Muốn ở tù không?”
“Muốn”
Thằng Bò trả lời, chửi thầm trong bụng. Cái thứ chó cậy nhà gà cậy vườn. Hở chút là dọa công an. Tuy vậy, để an toàn, nó bò theo bén gót cô Mai Bắc.
Nhà cửa ở con đường này sát nách nhau, mà kín bưng như cái hộp. Chỉ có mặt tiền là còn hứng được chút không khí để thở.
Bảnh bực dọc từ sáng sớm. Pha cà phê thì bà chủ chê. Cái con mụ này chưa ngày nào bằng lòng được ly cà phê Bảnh pha. Hôm thì chê nhạt như nước ốc, hôm thì kêu ngọt lợ như chè đậu đen. Vậy mà chưa khó bằng hồi ông chủ vừa mới bị bắt. Nhiều lần, cả ly cà phê hắt vào mặt là là chuyện quá thường. Đâu phải cứ con ông cháu cha là chắc ăn trong xã hội đỏ này. Ông chủ thiếu tá Việt Cọng, đeo lon, quân hàm đầy cầu vai. Chưa thấm gì với bà chủ Ngọc Hoa, không phải một gốc bự mà dây mơ rễ mái ba bốn gốc. Này nhé, nghe nói cha ruột là một anh hùng liệt sĩ Cách Mạng. Ông bố liệt rồi mà bà mẹ chưa liệt nên tấp vào một ông Bự khác, ông này tướng tư lệnh vùng, hét ra lửa.
Hồi bà chủ còn nhỏ, vì con anh hùng liệt sĩ nên được bác Duẫn nhận làm con nuôi. Cách Mạng vô, chiếm ngay một căn phố mặt tiền đường Tự Do. Trong khi các căn khác bày bán lai rai sinh tố, giải khát với bàn ghế xập xệ, thì căn phố này là một tiệm cà phê ca nhạc rất ăn khách. Ông chủ làm ăn lớn nên khách sộp lui tới đông như kiến.
Ông chủ to cao, bà chủ cũng nặng kí, vậy mà chỉ sinh được có hai đứa con gái, mong con trai nối giòng, cả hai lần đều mong hụt. Địa phương được lệnh của tướng vùng, dượng ghẻ của bà chủ, phải che chở cơ sở làm ăn. Cơ sở này sa sút dần từ ngày ông chủ bị bắt, rồi đóng cửa luôn. Nghe đâu, tướng sư lệnh vùng bảy dù lọng ngợp trời mà không che chở được anh con rể “tổ chức” đưa người vượt biên bằng đường bộ lấy cây...vàng lá. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết, ông chủ của Bảnh xui là vậy.
Hồi đầu Bảnh buồn chi lạ, hắn thương ông thầy của hắn, đang lên voi một phút xuống chó sao mà bỉ bạc quá. Hắn mang ơn ông thầy của hắn ngợp mặt mũi. Bộ đội miền Bắc, dù đã thời bình rồi, ai hưởng thì hưởng chớ bộ đội “mèo lại hoàn mèo”. Hắn cũng đã từng vượt biên, vô tù ra khám. Cảnh tù ngục còn khổ cực hơn vì đã bộ đội mà không thấm nhuần đạo đức Cách Mạng. Cũng may gặp ông thầy, thấy hắn trắng trẻo, dẻo mồm dẻo miệng nên thương, bảo lãnh đem về để làm tài xế riêng, phụ việc nhà việc cửa. Về phố thị, chẳng mấy chốc gạo trắng nước trong làm hắn béo tốt, da trắng hồng, cằm lại lún phún hàm râu quai nón.
Lột bỏ bộ đồ bộ đội, quần bò, áo sơ mi ngoại trắng tinh, từ khi ông chủ vắng nhà, có người đã lầm tưởng hắn là ông chủ làm mặt mày hắn càng vênh váo.
“Bảnh. Biểu đây.”
Mồm cái bà Ngọc Hoa này dài quá. Sai bảo suốt ngày. Hắn lầm bầm, bụng nghĩ không vì ơn nghĩa với ông thầy thì còn lâu mới chịu đựng con mụ chủ này. Hắn nghe tiếng bà chủ gọi vọng từ phòng trong. Bước vào, hắn biết bà đang tắm.
“Đưa cái khăn mày.”
“Dạ, có ngay.”
“Biểu đứng ngoài, thò tay đưa vô. Tao đã bảo là lúc nào trong phòng tắm cũng có khăn mới, sao mày không nghe tao nói?”
Còn cải làm gì nữa. Nói thò tay mà không bảo nhắm mắt nên hắn cũng thấy kịp được thân hình trắng nhễ nhại, nhiều chỗ mỡ thừa của bà chủ. Một luồng nước tạt ra khiến hắn tối tăm mặt mũi. Giọng bà chủ giận dữ:
“Thằng chó đẻ. Lưu manh hả? Cút.”
Tính bà Ngọc Hoa đồng bóng thiệt. Đang vui, nổi cơn tam bành lục tặc là chuyện thường. Mà cũng có khi đang buồn, thấy chuyện vui cũng cười hô hố. Giọng nói như chuông đồng, nứt nhà cong cửa, mà khi đã mở miệng rồi thì hơi dài lắm, nói hoài không chịu nghỉ. Bảnh hiểu tính nết bà chủ rành rọt rồi, nên cười giả lã, rút lui êm.
Hôm nay ngày gì “xúi quẩy”? Một lần vừa chốn nạnh đứng ở cửa nhìn đường xá, gặp con mụ điên cởi truồng, vẫy tay chào là được rồi, còn dạng chân ra nữa nên mới xui tận mạng vậy. Bắp thịt ở chân còn đau giật đây. “Quân ranh con súc sanh, coi chừng có ngày...”Súc sanh thật, lũ con nít bụi đời sắp chủ trì con đường này rồi. Không để yên như vậy được.
Hai cô tiểu thư đang ngồi ăn kẹo ở phòng khách,thấy mặt Bảnh là túm lấy:
“Ê Bảnh, mày lại đây, tao muốn cưỡi mày.”
Bảnh ghét cay ghét đắng hai đấng tiểu thư. Con nít con nôi mà hỗn đách chịu được. Tao làm ba chúng mày bây giờ đấy. Bảnh chửi thầm và thích chí với ý nghĩ vừa thoáng hiện. Không phải không có sơ sở đâu nghe. Các cụ nói “có tình thì rình có ý” mà. Bà chủ Ngọc Hoa tuy tính tình có “mát dây”, nhưng còn coi được quá, cả cái sự sản người và của cải muốn ham rồi. Gần tháng nay, bà chủ gắt gỏng với Bảnh nhiều hơn Bảnh hiểu lắm.
Ông chủ bị dính đã ba tháng rồi, đêm nào Bảnh cũng rình rập nghe bà chủ thở dài lăn trở quá sức. Bảnh ngủ canh gác dưới nhà, nhưng gần tháng nay bà chủ phát giác hình như trong phòng ma. Bà bị ma đè thiệt, có một đêm la hét kêu khóc quá trời luôn. Bảnh chạy lên, bà ôm chầm lấy, cả người còn run bần bật. Sau đó bà chủ ra lệnh Bảnh phải lên lầu ngủ phòng ngoài cho có hơi người nhiều nhiều, ma quỉ bớt lộng hành. Nhưng Bảnh chả thấy bà chủ yên giấc bao giờ, đêm đêm, nghe tiếng bà chủ rên mớ não ruột lắm.
“Cưỡi thì cưỡi. Lên.”
Bảnh bò xuống sàn. Tiểu thư chị nhảy lên trước. Con bé đã mười hai, cũng đã có chút xíu nẩy nở. Nó kẹp chặt hai chân, miệng kêu phải bò nhanh, nhanh. Bảnh càng bò nhanh, hai chân con bé càng quặp chặt, rồi nó bỗng cười phá lên. Sao con giống mẹ đến thế, chỉ được cái miệng. Đúng lúc bà chủ Ngọc Hoa vừa tắm xong đi ra, bà ngó cảnh con gái đang ở trên lưng thằng ở, mà thằng ở mặt quần áo pi-ra-ma rộng, coi cái bộ nó bò, rồi bà nhìn xuống, đụng một cảnh làm bà nhột nhạt, bà hét toáng lên:
“Đào. Xuống ngay. Xuống. Không chơi nữa.”
Con bé tụt uống. Mặt đang hân hoan bỗng tiu nghỉu.
“Ngày thường con vẫn chơi vậy thôi.”
“Từ nay không được chơi vậy nữa. Đào, con lớn rồi.”
“Xì, lớn. Lớ!!!4259_14.htm!!! Đã xem 103900 lần.


CHƯƠNG 13.