CHƯƠNG 9.

Lóng này chị Bảy cà tong khá giả thấy rõ. Trên tay có chiếc nhẫn nhận hột xoàn, nghe chị khoe là trên 2 ly một tí. Mua rẻ thôi, vì cái hột này nhỏ, bị cắt đít, lại có chút trấu. Nhưng thây kệ, có hột xoàn đeo cho bằng người ta là được rồi. mấy chị em bụi đời nhìn ngón tay chị Bảy Cà tong, thèm lắm, biết bao giờ mới có mà đeo. Có chị trề dài môi ra: “Có cái đách ý, ở đó mà hột xoàn, mấy cái hột chớp chớp mà dóc tổ.” Hột xoài thì có. Chị Bảy để ngoài tai hết, bị không có thì ghen. Chị Bảy cứ khoe:
“Con Lê nó mua cho tui, ôi con đó ba hồi bất hiếu, ba hồi có hiếu, biết lúc nào nó trong, nó đục...”
Nội cái miệng chị đi khoe cũng biết là cuộc đời con Lê đang lên hương rồi...Thì cũng nhờ cặp bồ với phó công an phường, làm ăn được chút đỉnh. Chút đỉnh thôi, con vợ “ông phó” ghen vàng trời, bắc kỳ xứ Hà Đông chớ giỡn sao. Sư tử, cọp beo gì gì đi nữa, vô tới đây rồi cũng không qua được con gái Nam đâu nghen. Con Lê ở nhà ăn nói cộc cằn chớ khi vô chuyện là ngọt xớt à. Nhiều khi nó cũng quá, ông phó cũng điên đầu, sợ bề trên “quở”, nổi trận lôi đình lên, con Lê hay lắm, chỉ mươi lăm phút, lâu lắm nửa tiếng đồng hồ sau “ông phó” lại mềm như bún. Chỉ có chị Bảy cà tong thấy con gái “chằng ăn” quá, ngán, Lê cong cớn bắt chước giọng Bắc kỳ:
“Ối giời ơi, thằng đàn ông nào cũng đội một con đàn bà trên đầu để nó sai bảo hành hạ, má lo làm gì cho ốm người...hổng biết nữa...”
Chị Bảy cà tong thì đâu còn chỗ nào dư để ốm nữa, nghe đứa con gái nói, cũng chỉ biết lắc đầu, vừa ngán vừa phục. Con Lê dạo này trúng vài mối bao lớn, không phải “đi nghề” nhiều nên người ngợm thon thả, phây phây ra. Cũng phải nhắc chừng, mắc cái chứng gì mà con Lê với thằng Long Tân Định hay xì xào, có tán tỉnh nhau không mà cười rúc rích hoài. Có một dạo, con Lê ghét thằng Long Tân Định như đào đất đổ đi.
“Mày lại “đi thân” với thằng cà chớn đó nữa sao đây?”
Chị Bảy cà tong cảnh cáo.
“Hê, bộ má ghen sao há? Còn lâu tui mới chịu được cái mùi xà lách trộn dầu dấm thiu của nó. Má đừng lo...”
“Ông cố tổ mày, miệng mày đĩ chó quá nghen.”
Con Lê cười rũ. Cứ mỗi lần chọc cho bà già chửi là nó thấy khoái, không biết tại sao. Rồi để cho bà già tiếp tục chửi, nó thản nhiên lôi đồ nghề ra, tô son, điểm phấn. Cầm cái gương con gọn trong lòng bàn tay,nó soi kỷ khuôn mặt, miết lằn chì đen lên viền mắt, tô lông mày, thoa son, tất cả mọi việc, con Lê làm tỉ mỉ và mất thì giờ. Chị Bảy cà tong ngồi một bên, sốt ruột:
“Tao hổng hiểu sao mày cứ tô đi tô lại, đánh phấn rồi chùi lui chùi tới, ba thứ đó tao làm cái rẹt là xong.”
“Bởi mới thấy mặt má nổi mốc nổi meo trông ớn luôn. Má roẹt roẹt nửa phút xong phải hôn.”
“Ừa, tao chỉ cần vậy, chớ mất thì giờ như mày tao không kiên nhẫn.”
“Biết. Má chỉ kiên nhẫn có một chuyện đó...”
“Ông cố nội mày, đừng móc họng nghe mầy...cái tật hay móc của mày...không chừa được...”
Ném ống son vào cái hộp, con Lê lại lôi cây bút chì tô đi tô lại vành mắt. Nó làm cho đã nư, muốn chọc tức mà! Chị Bảy cà tong nguýt mắt, đứng dậy, te te bỏ đi lại một gốc cây trước mặt, một chị đàn bà bỏ thỏng hai cái vú mướp, đứa bé ốm nhom bế trên tay nhay hoài, thả cái này, bắt cái kia, coi mòi không được nhiêu sữa.
“Đêm qua nó đói, khóc cả đêm có ngủ cái dách gì đâu...”
Chị Bảy biết tỏng con mẹ này, có nằm ôm con cho con bú ban đêm đâu, hết lật chiếu thằng này tới chun vào chăn thằng kia. Cái tật đêm nào cũng “ăn no” mới ngủ được mà người như con mắm mòi, coi thảm quá. Vậy mà cứ cười nhe răng:
“Ờ tui bị cái bệnh...kỳ cục gì đâu, hễ đêm nào hông “ăn” là nằm chong mắt tới sáng, nghe gà gáy, đếm sao...”
Sao với giăng gì, hễ mà rảnh một bữa là đứa nhỏ lãnh đủ, nghe con khóc, giận ai hổng biết, uýnh đứa nhỏ muốn sặc máu, có bữa còn bóp cổ, hàng xóm không can là đứa nhỏ chết mất đất từ khuya rồi. Có diều con mẹ này biết nhiều chuyện lắm, sinh hoạt ban đêm trong xóm bụi đời con mụ rành hết biết. Lúc chị đang kể chuyện tên bảo vệ sau rạp hát nửa đêm đi tìm con Quê đòi “trả nợ” cho được trong lúc con nhỏ đang sốt lăn quay mà thằng chả vẫn không tha, thì con Lê đã diện xong, đỏng dảnh đứng dậy. Chị Bảy hỏi với:
“Mầy đi đâu vậy mầy.”
“Đi “rượng”,má ơi.”
“Con mẹ mày, đồ mất dạy chưa..”
“Đồ cũng mất rồi má.”
“Tổ cha mày, con đĩ mẹ mày...đồ...thúi hoắc.”
Con Lê cười, tung cái ví lên, quay lưng một vòng, cúi rạp người chào chị Bảy cà tong. Thế là cả hai mẹ con cùng cười sặc lên.
“Con đĩ ngựa...vía...”
Chị đưa cái tay lên, bỗng nhìn thấy cái nhẫn hột xoàn, chị lại hạ tay xuống, lắc đầu. Chịu con nhỏ thôi. Thua nó cho được việc. Không biết có mối nào ngon mà nó dám hứa sẽ đổi cho chị hột lớn hơn, cỡ trên ba ly. Chị vẫn còn hậm hực với mấy con đĩ chó mạt rệp xung quanh, từ ngày chị có chiếc nhẫn, không ngớt nói ra nói vào, có đức ngu ngốc, cả đời biết hột soàn là cái đách gì, đưa mõm dơ vô, nói hột chiếu hay hột sa-phia là cùng, cái mặt chị mà nhìn thấy hột xoàn có mà trời sập...Để coi, thật hay không, hỏi cô Tâm là biết liền, cổ đeo hột xoàn đầy mười ngón tay đó thôi.
Con Lê từ vườn cây đi xuống đường phố. Nắng muốn tắt ngang. Trời có gió, mát dịu. Ngang qua Givral, liếc vô, nó thấy Long Tân Định đang ngồi chờ. Hôm nay đổi địa điểm, vì Bô-đa có nhiều khuôn mặt quen, và giờ này đã đầy nhóc dân ngồi “nghía”. Nó bước vô quán.
“Đợi có lâu không?”
“Cũng mới có hai chai. Bà ngồi đi...”
Thằng cô hồn này khó thương thiệt. Con Lê đã nghe nó dám gọi má nó là em ngọt xớt, mà gọi nó là bà thì có tréo cẳng ngỗng không chớ. Nhưng thây kệ, làm ăn là làm ăn, mỗi chuyện mỗi khác. Nó ngồi xuống, vẫy tay gọi một ly nước cam vắt
“Bà này ham ăn ham uống đồ bổ không à, bữa nào tui đưa bà đi chỗ này, có món bổ âm..”
“Dẹp đi. Tui hổng thích nói chuyện cà rỡn à nghen. Vô chuyện đi, tui hổng rảnh.”
“Được. Thì chuyện như tui đã bàn với bà. “Xong việc “chai hia”. Đẹp trai chưa.”
“Rồi giờ làm sao?”
“Muốn được vô đó, bà phải chịu khó chiều con Nết. Biết mấy bà rồi, nhưng giang sơn nào anh hùng nấy. Mấy thằng “cán” lớn nó hổng tin ai hết ngoài người của nó. Con Nết thường đưa mối mới tới...”
“Chắc gì họ đã chịu tui, tui đâu có mới mẻ gì, cũ mèm à...”
“Cũ vậy mà ăn tiền. Mấy con mới chỉ được cái cắt chỉ, chớ ngu bỏ mẹ, chưa nói, cái gì lúc đầu cũng khó khăn phiền phức vì nó chưa thông...”
“Thôi đủ rồi ông. Làm như ông giỏi lắm. Ông thì chỉ thích ngoáy mấy cái lọ mỡ tổ chảng thôi, ai mà không biết...”
“Ấy, nhiều thứ đồ cổ tốt lắm nghen, không so sánh vậy.”
“Không rảnh tán đía nữa nghe, hong tui đi về đây.”
Ly nước cam vừa được bê ra. Long Tân Định đẩy ly nước trước mặt con Lê:
“Nóng quá, uống một ngụm cho mát rồi vô đề liền...”
Con Lê uống một hơi gần cạn láng.
“Xong. Rồi sao nữa...”
“Người ta chỉ thuê bà làm sao lọt vô được chỗ đó, làm sao thì làm, miễn là cho thằng nhỏ đi tàu bay, tàu lặn, lắp ráp sao cho đứt hơi, hết thở...xong lĩnh tiền...”
“Bộ chuyện chỉ có vậy, sao có người dư tiền thuê làm chuyện cho người ta “sướng”.
“Bà cũng “sướng” vậy. Đã sướng còn được tiền.”
“Sướng cái đầu ông. Bộ mỗi lần ông đi với bọn bê-đê để lấy tiền ông cũng sướng chắc...”
“Thì cũng đại khái...”
“Ha, mất nhiều thì giờ quá. Giờ tui làm gì...”
“Đã thân với con Nết đến cỡ nào rồi....”
“Sáng nay mới gặp nó, nó cho biết tối thứ sáu sẽ dẫn tui đi giới thiệu, mà được hay không còn tùy, chưa hứa chắc. Nghe nói phải đi thử, thì có thằng làm trước, coi đồ nghề, tay nghề có đủ làm vừa lòng ông lớn không. Mà keo thử trước này không có thù lao nghe, đôi khi còn qua hai ba giám khảo...cũng nhừ người lắm chớ đâu phải dễ ăn...”
“Bà mà nhừ, người ta không nhừ thì thôi. Làm đi, xong vụ này bà đi Vũng Tàu nghỉ mát, sau đó tha hồ dai sức để vật voi...”
“Hừ...”
“Bao giờ thì đi thử?”
“Bao giờ nữa, tối nay nè...”
“Bộ xuống dưới...?”
“Còn lâu. Con Nết nói thằng bồ ruột nó là cán lớn, giới thiệu người ta mới tin. Còn thử thì tối nay, tại phòng con Nết. Tụi nó cho mượn...”.
“Bà chịu khó thôi. Việc nào cũng vô tiền, mà việc này vô nhiều, con quen biết, thế lực...”
“Tui mà biết mất công như vầy thì còn khuya tui mới nhận. Tiền nhiều thì xài xể nhiều, dễ gì ăn người ta...”
“Bởi có chuyện nọ mới xọ sang chuyện kia. Bộ bà hổng nghe thiên hạ người ta đang đồn rần rần một chuyện?”
“Ai nghe gì đâu. Nói coi...”
“Chuyện còn hơn ngày ba mươi tháng tư mà bà hổng biết ất giáp gì hết, lạ không? Người ta đang đồn là mấy ông tù cải tạo sẽ được Mỹ bốc thẳng từ trong trại đi luôn. Mấy bà vợ sĩ quan, tù chính trị đang hy vọng...Lợi dụng chuyện này, tụi mình hợp tác kiêm khẳm nghe..”
“Tưởng dễ ăn sao? Hồ sơ từ phía Mỹ đưa qua, xơ múi gì được.”
Sao không? Ăn luôn trái chớ xơ múi là đồ bỏ. Bà còn thắm thiết với thằng phó phường không? Nữa đây, xuống dưới quen biết anh Hai, miễn là ra vô được mấy nơi đó là thiên hạ tin như điên....”
“Thôi, chuyện chưa tới bàn làm gì. Ông nghe, chỉ giỏi lợi dụng, sao lâu nay vác cái mặt phách chó ngó lên trời thấy ghét.”.
Long Tân Định cười hề hề. Trong trường hợp này thì chịu khó cho con quỷ cái này nó càm ràm, miễn xong việc thì thôi. Đại ca lớn đã nhận “xấp” của người ta đặt cọc rồi. Long Tân Định biết, nó không làm cũng không được. Lúc con Lê đi, nó còn ngồi nán một mình uống thêm hai chai bia nữa.
Con Lê đi bộ ra chợ cũ. Chiều nào cũng vậy, nó thích đi nghía hai dãy sạp bán toàn máy hát, video, hàng tàu, mới tinh. Thôi thì nhạc vặn oang oang, có cả nhạc vàng nghe rất chịu tai. Chiều chiều, mấy anh công an phường còn bắt cái băng ghế ra ngồi trước cửa để nghe một cách say đắm mới là lạ. Ở đây cũng có một tên chủ sạp móc ngoặt với tàu biển, làm ăn “tới” lắm. Tên này cũng chịu đi lại với con Lê mấy lần rồi, nên hễ thấy nó đi qua là mặt mày thằng cha thộn trân, thấy tội nghiệp lắm.
Đi một vòng rồi ghé vô hàng bánh canh trên đường ra chợ Cũ. cái bà béo bán bánh canh ở đây nhất xứ, đố ai địch nổi. Nội nhìn cái tay cầm muôi của bà gạt gạt lớp mỡ vàng óng trên nồi nước lèo, lừa lừa mấy cái móng giò, vớt mấy miếng chân giò lên,hơi lâu lắc chọn lựa là cũng đủ cho người chờ háu ăn, rệu nước miếng. Thời buổi thịt heo hiếm như vàng, nhà nước kiểm soát, muốn mua cũng phải móc ngoặt dặn dò trước, rồi lấy lén lấy lút, mà bà Béo cứ cái nồi đầy móng giò, chân giò, đuôi heo, nấu vừa tới, ăn mềm mà dòn rụm khoái khẩu làm sao...
Cứ cà rà như vậy, ăn uống xong, lúc con Lê leo lên khu chung cư con Nết ở thì trời cũng chạng vạng tối. Con Lê gõ cửa, chỉ có mình con Nết mở, đon đã kéo con Lê vô.
“Ủa, có một mình bà...”
“Ừa, hắn đi rồi. Bữa nay trực. Này, tao giao chìa khóa cho mày, xong mày muốn nằm nghỉ đợi tao thì nằm, còn không, muốn đi đâu thì đi...”
“Bộ chưa ai tới”chấm thi” sao?”
“Rồi. Bữa nay hai giám khảo một lúc, bà làm sao thì làm cho đậu. Đậu một cái là cuối tuần tui dẫn bà xuống dưới. Ôi, nhà mê lắm nghe bà, giường Hồng Kông, trang bị hiện đại lắm nghen bà....”
Con Lê nhìn quanh. Vắng ngắt có ai đâu. Như hiểu ra, con Nết ghé tai bạn:
“Mấy ổng đang tắm và đợi mày ở trỏng. Tao đi thì mày vô tắm chung với mấy ổng rồi mày....mày biết mà. Mấy ổng này là thứ giám khảo kỳ cựu, có thể mày hơi mệt, nhưng không sao, nước nôi, trái cây có trong tủ lạnh...Tao đi đây. Rồi, mày khóa cửa lại...”
Con Lê đứng ngẩn ra giữa phòng một lúc. Nó đã nghe ra có tiếng nước xả trong buồng tắm.Nó đặt cái ví lên kệ tủ cạnh giường, rồi cắn môi, thở ra. Thây kệ, đã lọt vào hang hùm rồi, trước sau gì cũng bị sư tử, cọp beo xé xác. Nó từ từ cởi bỏ quần áo, mở cửa phòng tắm.
Chao ơi, cái vòi bông xen đang vọt xuống hàng trăm tia nước trắng tinh lần đầu tiên trong đời nó nhìn thấy. Ở phường, lén lút với tên phó, cũng chỉ một tấm ghế bố cũ hôi rình, và buồng tắm là một vòi nước rỉ, không hơn cái vòi nước đen sì, cũ mèm ở công viên bao nhiêu. Nó nhìn cái phòng tắm hiện đại với sự thèm thuồng điếng người, rồi mới nhìn tới hai khuôn mặt với bốn con mắt hau háu nhìn nó.
Đúng là hai anh giám khảo. Trong đời, nó chưa gặp người đàn ông nào tướng tá dị hợm như hai anh “cán” giám khảo này. Một tên thì cao nhồng, ốm nhom, xương sườn lồi lên như bộ xương cách trí. Một tên mập, thấp, tấm lưng như chiếc bàn vuông, một mắt, răng vẩu. Hai anh đang tắm chung một vòi nước, như cảnh thiên thiên. Con Lê biết là không phải gặp “kỳ phùng địch thủ nữa”, mà cuộc so tài này, từ chết tới bị thương là cái chắc.
“Hi hi... vô đây em, vô đây tắm chung với mấy anh...”
Cả bốn bàn tay dài ngắn vồ tới. Con Lê bị ném vào bồn nước, và cuộc mổ xẻ bắt đầu. Nó được sát xà phòng đầy người. Nó được tắm táp, kỳ cọ, lau khô như một đứa trẻ con trước khi đưa lên bàn thay tả. Con Lê không được quấn cái tả nào hết, cho tới lúc hai vị giám khảo bế nó ra phòng ngoài đấu tiếp hiệp hai, thì coi như nó đã được vào chung kết.
Nó cảm thấy món tiền “chai hia” với Long Tân Định coi như đã được nửa đường đi. Cả ba ngủ một giấc ngắn, sau đó con Lê pha cà phê, gọt trái cây. tên mập lùn chưa hết bịn rịn với nó, còn kéo nó ngồi lên lòng gỡ gạc, tên kia đâu có chịu nhường, vậy là con Lê như cái bánh một anh cắn một miếng...May thay, có tiếng gõ nhẹ vào cửa rồi tiếng khóa mở lách cách, con Nết về. Con Lê chưa gài kịp mấy khuy áo, và tên cán bộ lùn mập còn tham lam, chưa chịu rút tay về.
“Giờ này mà tung hoành chưa xong nữa sao? Người ta đi ngủ hết trơn rồi mấy ông bà ơi.”
“Em buồn ngủ chưa? hai anh ở lại ngủ được không?”
Tên cao, gầy chớt nhã.
“Ha, được thôi, nhưng nằm dưới chân giường, vì thằng chồng em hôm nay đi trực tới nửa khuya cũng mò về thôi, trôi xuống sông ráng chịu...”
Đùa bỡn một chút, con Nết đi vô đề:
“Thấy sao, đủ điểm đậu không? Con này nổi tiếng hạ nhiều địch thủ chì rồi...”
“Biết...”
“Được?”
“Chỉ sợ anh Hai Thạnh tắt thở thôi....Hi hi...”
“Con Lê, mày nghe chưa. Vậy là mày hên rồi. Mấy anh tính bữa nào cho nó xuống dưới anh Hai? Thứ Sáu, thứ Bảy?”
“Coi như xong rồi, còn thứ Sáu hay thứ Bảy phải hỏi anh Hai thiệt rảnh ngày nào, không vướng công tác.”
“Vậy bữa nào thì anh cho em biết để em báo cho con Lê, nó cũng phải đi tân trang lại một chút xíu cho anh Hai hả lòng.Lê, mày về được rồi, lát tao xuống nói chuyện với mày.”
Xuống nói chuyện vối Lê? Buồn cười quá. Muốn hẹn hò với anh Hai Nuôi chớ gì nữa. Con này ngựa vía thì thôi, thằng cán bộ mà đi trực là nó vù nhanh như chớp. Thì vậy, không có anh Nuôi, còn lâu con Nết mới nói với thằng chồng nó giới thiệu Lê cho mấy ông lớn. Để cho thằng “kép” phó phường biết tay, con này đi kiếm không kiếm thứ dữ hơn thì thôi...Ghét cái ghen dai như đĩa chịu không thấu, đồ ngu, ghen nhiều vô, về với con vợ “xồ xề” càng nhiều thì bà càng mừng, càng rảnh, càng tiền vô. Tưởng con này ham lắm sao?
Khi con Lê xuống tới phố đã vắng tanh. Lúc này mà được ngã cái lưng xuống chiếu ngủ một giấc, đã hết biết. Về nhà thôi. Nhà, nghe mỉa mai mà tủi trong lòng quá, chỉ là một miếng đất sau bụi cây, che tạm miếng bạt, nếu không có mấy cái bụi cây bông giấy che thì bốn phía trống lốc.
Về tới, nó trãi chiếc chiếu của nó ra. Thằng anh Hai Nuôi cũng đã nằm trên một chiếc chiếu cạnh đó, ở trần, mặc có cái quần xà lỏn.
“Hôm nay rảnh quá vậy?”
“Ừa, bữa nay tao không có hứng nhậu. Cái con chết tiệc hổng biết mấy hôm nay xách đít đi đâu...”
“Con Nết phải hôn? Bữa nay nè, thằng chồng nó trực, nó tới ngay tức thì cho coi...”
Con Lê nói đâu có sai. Lúc nó vừa lim dim thì nghe tiếng con Nết:
“Anh Nuôi, em nè...”
“Vô đi...”
“Ngủ chưa...”
“Ngủ cái con khỉ. Nằm xuống đi...”
“Nhớ muốn chết...”
“Ê, làm gì dữ dằn vậy...coi con Lê nó nằm kia...ái cha, kỳ quá...”
“Con Lê nó hết mở mắt nổi làm sao nhìn thấy gì. Đưa đây...hi hi..., bài tốt quá nè, đánh không? Thiệp hả, không được...không...”
“Đ.M tụi bây...”
Con Lê chửi thề, đưa tay kiếm tờ báo, nó quay lưng, đắp tờ báo lên mặt. Thân thể nó mỏi nhừ, tay chân cất lên không nổi nữa. Nó cần giấc ngủ để lấy lại sức.
Vậy mà trước khi chìm sâu vào giấc ngủ, con Lê còn nghe giọng má nó, chị Bảy cà tong:
“Tụi bây hổng nể nang ai hết trơn há, tao tưởng động đất động đai gì đây, té ra...”
Con Nết im thin thít, nhưng thằng Hai Nuôi nổi sùng:
“Bà làm ơn bước qua mấy bước được không? Đâu có gì lạ mà lần nào bà cũng dòm, không sợ đui con mắt sao...”
“D.M mày, đồ mắc dịch...”
Trong mơ, con Lê thấy nó đang đứng dưới một vòi nước, tắm táp, kỳ cọ.
Đến lúc hai cặp cuối cùng xuống lầu ra về, bà Ngọc Hoa cũng đã buồn ngủ rã người. Dù vậy cũng phải chờ, vì Bảnh lên trước để thu dọn chiến trường. Cái phòng lúc này, không thua gì hiện trường sau một cuộc đấu võ...Bà còn nhờm gớm nhiều thứ, nên buộc Bảnh, sau giờ cao điểm, giường chiếu phải thay “ra” mới, chăn gối riêng, lúc đó bà mới yên giấc ngủ được.
Bà Muội vẫn còn thức, đi ra đi vô, tiếp tay cho cái quán nhỏ sau hẻm của Bao, quán này khuất lấp, làm ăn bạo dạn hơn, có lúc tới ba bốn giờ sáng chưa vãn khách. Tuy nhiên, so với quán Bạch Ngọc, loại này bình dân, làm nhiều mà không kiếm được bao nhiêu. Không so sánh được. Nhưng không phải vậy mà bà Ngọc Hoa không chướng mắt đâu. Càng ngày mấy mẹ con họ càng làm ăn ráo riết, càng hỗn và coi thường bà.
Lúc đầu, bà mẹ chồng Bắc quê này còn phụ với chị Mùi lo cơm nước, săn sóc hai đứa cháu “ghẻ”, nhưng dần dần, đúng là được đằng đầu lấn đằng đuôi, bà hẳn hòi đóng vai “bà nội” của xấp trẻ trong nhà. Bà nội cũng sai cháu nội những chuyện lặt vặt, mếch lòng bà Ngọc Hoa quá. Những đồ dùng trong nhà đôi khi thành của chung của hai quán. Thiếu ít đồ dùng, ly tách, bà Muội cũng cứ “tự nhiên” đem ra sau cho Bao mượn dùng đỡ. Bia lon ngoại dùng xong còn lon không, giấy báo, tập vở, chai lọ, bà muội thu gom lại hết, tuần tuần tiếp xúc, cân, đo với mấy chị ve chai ngay trước mặt nhà, xong tiền bỏ vào túi rủng rỉnh, mặt mày tươi rói.
Bà Ngọc Hoa cằn nhằn, gây lộn với Bảnh, dọa bỏ nhau cũng có. Ngón nghề của Bảnh dùng lần nào cũng hiệu nghiệm là dỗ dành, hứa hẹn và vuốt ve...xong rồi thôi. Mọi việc rồi cũng thường đi, quen dần, nên mọi “áp lực” của bà Ngọc Hoa hết linh. Mà mẹ chồng, nàng dâu càng ngày càng “lục đục”. Chuyện mới xẩy ra từ hai tuần trước, lúc chị Mùi kho nồi thịt đậy không kỷ bị con mèo hàng xóm sơi sạch nhẵn, bà Ngọc Hoa bực qua, không dằn lòng được, hét toáng lên:
“Làm ăn cẩu thả. Nhà này toàn người đui mù hết, khổ thân tôi, nuôi một bọn mù.”
Vậy là bà Muội nhảy đong đỏng:
“Này chị kia, chị không được nói xỏ nói xiên. Chị bảo tôi đui đấy hẳn.”
Bà Ngọc Hoa nổi nóng:
“Thế thì cả nồi thịt để cho mèo nó xơi mà nhà đầy người không ai ngó ngàng, vậy là sáng mắt cả đấy à...”
“Tôi đã nhịn nhiều rồi...con giun xéo lắm cũng quằn...Tôi làm việc trong nhà này còn hơn người ăn người ở, có lúc nào rảnh tay không đã chứ.”
“Mẹ làm gì mà như người ăn người ở. Mẹ cũng quần lụa áo là, làm gì đụng tới móng tay. Có làm thì cũng làm cho chú ấy, cho đầy cái túi của mẹ. Mẹ tham đủ thứ...”
“Ôi giời ơi. Chị chửi tôi đấy phải không? Anh Bảnh ra mà coi vợ anh nó chửi mẹ anh, anh ra mà nghe dùm...Ôi giời ơi, con dâu đời này....”
“Hết chịu nổi rồi! Giờ bà muốn làm gì tui nào? Kêu thằng Bảnh ra đây đi, nó làm gì tôi? Đúng là bà già “ó đâm”.
Bà Muội là khóc, xổ tung cả tóc tai ra. Bảnh chạy tới, Bao chạy vào. Hai anh em đứng nhìn nhau.
“Anh có biết dạy vợ không? Nó chửi mẹ mà anh còn đứng ngó...Đồ hèn!”
Bảnh dậm chưng:
“Hai người có im đi không? Tôi vì các người mà các người chỉ biết làm khổ tôi. Bộ mẹ con rồi giết nhau chăng?”
“Anh Cả coi, chị ấy chửi cả bu...Chị ấy còn coi ai ra gì!”
Bà Muội bù lu bù loa. Mặt bà Ngọc Hoa đanh lại:
“Quá lắm rồi. Tới đâu thì tới...”
“Ôi giời ơi, thứ dâu con mất nết, thứ này đem mà câu sấu...”
“Bà già dịch...đồ vô ơn. Cút ra khỏi nhà đi. Đi, đi ngay...”
Bà Ngọc Hoa xông tới. Lúc đó ai đẩy chân bà không biết nữa. Bà đưa tay xỉ xói, bà mẹ chồng cũng xỉa xói trả lại, và không biết ai xô ai trước, cả hai cùng xông vào xáp lá cà một lúc. Rõ ràng là bà Ngọc Hoa đã lùi lại, rụt tay về mà không hiểu sao bà Muội bỗng té ngã xuống đất, còn như cố tình đập đầu vào tường trước khi nằm quay đơ. Bao la lên:
“Giết người. Giết người bà con làng nước ơi. làng nước ơi là làng nước ơi...làng...ơ...làng...Mày dám đánh bu tao hả, mày dám...”
Bao xông tới. Bà Ngọc Hoa lúc đó đã lên cơn điên rồi. Bà nhảy xổ vào Bao, miệng chửi tay cào...Bảnh phải can thiệp thôi. Xô em ra, kéo vợ không được, anh nện cho bà vợ một cái tát, xô dúi bà xuống góc nhà, anh đỡ mẹ đứng dậy...
“Bu có sao không bu...”
Bà Ngọc Hoa tê tái, nhìn ra sự thật rồi. Đau đớn, hờn giận, phẩn uất, hơn một tuần lễ tính lui tính tới chuyện thôi nhau. Bảnh cười gằn, giở giọng tàn ác:
“Nhắm bỏ được hãy nói. Mày dám không? Tao không cho mày bỏ...Hối hận hả? Mày hối hận muộn rồi!”
Bạo lực có, dỗ dành có. Lì ra có. Cuối cùng đâu cũng đã vào đấy. Bà Ngọc Hoa biết chọn con đường nào nữa, hết đành đứng ỳ trong ngõ cụt.
Có lẽ vì còn ấm ức chuyện đã xảy ra, bà Muội hai ba lần đi ra đi vô không thèm ngó mặt con dâu. Cuộc chiến tranh lạnh này không biết đến bao giờ mới dứt. Bà Muội cũng nhiều ngón đòn lắm, không hiểu bà đã làm cách nào mà con Lựu bênh bà chằm chặp. Gần đây thôi, con bé hết chống đối với “chú Bảnh” mà còn có vẻ thân mật, trìu mến. Bà Ngọc Hoa đang để ý con bé, nó đi chơi đêm về khuya, một vài lần bà Ngọc Hoa bắt được thì Bảnh lại đứng về phe nó.
Lúc Bảnh dọn dẹp xong, gọi “em ơi, lên ngủ”, bà mới đủng đỉnh lên cầu thang. Bà không nhìn thấy đằng sau lưng bà mẹ chồng dài môi, mắt nguýt có đuôi theo bà. Lên lầu, bà yên tâm thấy con Lựu đã ngủ ngon lành. Bà lắc đầu, con bé đoảng vậy thì thôi, ngủ kéo áo banh cả phần bụng, tay chân soãi dài, không có chút ý tứ nào.
Vào phòng, bà nằm xuống giường, kéo tấm chăn mỏng đắp ngang bụng. Như trước đây, chỉ đợi bà nằm xuống là Bảnh đã lăn tới ôm chặt bà, tỏ tình thương mến khắng khít. Tình như cũng đã phai dần rồi đây. Bảnh nằm ngữa, hai tay đặt lên ngực, không hề nhúc nhích. Chờ một lúc, bà nổi cáu:
“Làm sao vậy, có đau ốm gì không?”
Bà quay lại, ôm lấy Bảnh.
“Không đau ốm gì đâu. Nhưng anh hơi mệt...”
“Làm gì mà mệt, mọi chuyện mấy đứa làm hết, anh chỉ đứng nói đía cái miệng...”
“Ừa, mấy lúc này anh bị đau sống lưng....”
Bà nuốt một cục “ức” đang dồn lên chẹn cứng họng. Nước mắt ứa ra. Bà cố nén tiếng thổn thức. Đã gặp thằng “lưu manh” số một rồi. Đúng như lời hắn nói: Hối hận cũng đã muộn. Người chồng bị bà đá văng ra đường, nay đã có hạnh phúc mới, an vui. Lau nước mắt, bà xích lại, lay lay vai Bảnh:
“Anh khoan ngủ, tôi muốn hỏi anh một chuyện.”
“Chuyện gì, em ơi. Không thấy anh đang mệt sao?”
“Mệt cũng phải trả lời cho nó rõ ràng. Có phải anh thay đổi rồi không? Từ trước tới giờ anh chỉ lợi dụng tôi?”
“Em đừng nghĩ quẩn. Anh không thay đổi gì hết.”
“Nhìn thái độ anh tôi biết là anh đã chán tôi...”
“Trời ơi, em biết mấy giờ sáng rồi không? Em cũng cần phải ngủ chứ. Sao em nói dai quá vậy?”
Bà Ngọc Hoa nghẹn cả lời:
“Tôi nói cho mà biết, phản con này không được đâu...”
“Anh phản em làm gì anh?”
Nghiến răng, bà chồm người lên:
“Phản thử coi. Tôi giết chết. Đi ở tù tôi chịu. Anh thách tôi phải không...”
Cái giường như muốn sụm trước sự vùng vẫy của bà Ngọc Hoa. Giữ chặt được hai tay bà, nằm đè lên cho bà Ngọc Hoa yên thế, Bảnh cười:
“Anh chỉ đùa thôi, em làm gì dữ vậy. Anh thử em đó...”
Rồi Bảnh thở ra, dài thườn thượt.
“Em à, anh buồn lắm. Cứ thấy mẹ và em mâu thuẩn nhau, anh muốn chết quách đi cho xong...Xưa nay anh chưa hề làm buồn lòng mẹ anh...”
Ngậm. Nuốt nữa. Chỉ vì làm phiền lòng con mẹ già. Còn tôi? Bà Ngọc Hoa muốn hét lên cho hả cơn giận. Nhưng Bảnh đã ôm chặt bà, ghé miệng bên tai bà:
“Em phải giữ sức khỏe, ngủ đi.”
Vẫn giọng lưỡi ngọt ngào, nhưng vẫn là cho phải chuyện. Bà Ngọc Hoa hiểu Bảnh hơn ai hết mà. Bàn tay Bảnh vẫn vuốt ve:
“Em à. Mình ngủ nhé.”
“Đồ đểu...sao mà đểu...”
Giọng bà tắt đi. Bảnh đã đưa môi bịt chặt miệng bà. Chỉ có vậy mà bà đã rũ người ra, hai cánh tay bà từ từ đưa lên, ôm chặt vai Bảnh. Khi hai đôi môi rời nhau, bà Ngọc Hoa nói như mếu:
“Anh làm khổ tôi quá. Tôi khổ quá...”
“Khuya lắm, mai còn nhiều việc. Em ngủ đi...ngủ đi mà...cưng...”
Bảnh ôm chặt bà Ngọc Hoa. Bàn tay Bảnh luồng vào trong áo. Bà chờ đợi. Nhưng bàn tay cứ nằm im một chỗ, như thói quen. Và Bảnh ngủ. Bảnh ngáy.
Không thể nào dỗ giấc ngủ được cũng như không thể nào ngăn giòng lệ tủi hờn trào ra. Bà Ngọc Hoa còn biết giận ai hơn là giận mình, oán mình. Thức lâu mới biết đêm dài...Cơn đau khổ dằn vặt không chịu nổi, bà cố tình thức Bảnh dậy, nhưng hắn chỉ ú ớ...
“Anh mệt quá, để yên cho anh ngủ...”
Vậy cho tới lúc trời sáng bạch.
Một đêm, hai đêm, rồi tuần lễ, tuần lễ nữa, Bảnh vẫn bề ngoài âu yếm, thương yêu bà Ngọc Hoa. Đêm đến cũng ôm ấp, vỗ về, nhưng chuyện vợ chồng thường nhật không tới. Chiến tranh lạnh âm ỉ giữa hai người, càng ngày càng đóng băng. Bảnh đã rất khôn khéo không để bùng dù một que diêm quẹt nào hơ nóng chảy. Những đêm thức trắng hờn giận, tủi sầu rồi cũng qua được, bà Ngọc Hoa đã có lại giấc ngủ. Để coi Bảnh nhịn được bao lâu cho biết? Bà nghĩ là Bảnh sẽ không chịu được lâu, vì con thú vật trong lòng Bảnh bất trắc lắm. Miễn là đừng để Bảnh có cớ nóng giận bỏ ra khỏi nhà là có chuyện. Một bọn bê đê lúc nào cũng canh Bảnh, hễ Bảnh rảnh tay là bắt hồn bắt xác, còn tặng thưởng thêm tiền. Lâu nay bà đã cố gắng bù vào khoảng trống mê tiền của Bảnh khá đầy đủ nên Bảnh cũng không ham đi lại với bọn bê-đê nữa. Cho tới một hôm....
Cũng tại nồi cháo gà nấu lỏng bỏng mà bà ăn quá muộn, nên khoảng hai ba giờ sáng, bà thức tỉnh vì cảm thấy bụng dưới đau căng. Bà nhẹ nhàng ngồi dậy, rón rén vào toa-lét. Xong xuôi, nhẹ nhõm,đi ra, bà mới có thì giờ nhìn chiếc giường ngủ. Dưới ngọn đèn ngủ tỏa một màu xanh dịu nhợt nhạt, tấm chăn dồn đống mà không có người nằm. Đang đêm Bảnh đi đâu? Chị Mùi chăng? Cái con mụ ở này cũng chằn ăn trăn quấn lắm chớ không vừa gì. Nhiều lần bà Ngọc Hoa đã bắt gặp những cái háy nguýt dành cho Bảnh rất đĩ. Không phải bà không để tâm, cũng có lần hoạnh họe Bảnh:
“Này, anh làm gì thì làm, cũng nể mặt tui. Anh dê con ở nữa thì chả ra thể thống gì đâu!”
Bảnh dẫy nẩy như đĩa phải vôi:
“Ối giời. Em nói gì thế? Em hạ nhục anh đấy phỏng? Có giời làm chứng...sao em có thể hạ giá anh tệ đến thế?”
Thấy Bảnh sừng sộ, bà cũng đã bán tin bán nghi:
“Thì em phòng vậy thôi. Biết đâu ma ăn cổ giờ nào. Có phòng có hơn.”
Lòng bà tím lịm. Còn nghi ngờ gì nữa. Dưới nhà, chỉ có bà già và con ở. Không sai vào đâu. Bà định tông cửa đi xuống, nhưng lại muốn bắt tại trận cho hết chối cãi. Đồng ý Bảnh thì chưa tìm ra dấu hiệu gì, nhưng chị người làm thì quá lắm. Chị nói năng với Bảnh rất bời xời, nhiều khi tớ không ra tớ, chủ không ra chủ. Bà Ngọc Hoa tức lắm, nhưng một người làm việc giỏi như chị Mùi dễ gì kiếm người thay thế? Dù sao thì cũng phải làm cho ra ngô ra khoai.
Bà Ngọc Hoa ra khỏi phòng, phong phanh chiếc áo ngủ. Đầu óc quay cuồng bao nhiêu câu hỏi mà câu trả lời không ra. Nếu như bắt gặp Bảnh đang cùng chị ở thì mình phải làm sao? Xông vào, cào cấu, đánh đá. Ôi, nhục lắm. Quay lưng. Khổ hận làm sao sống nổi. Cũng phải đến nơi cái đã.
Qua phần sân lộ thiên, gió lùa lồng lộng làm ngực bà lạnh buốt. Cũng may, khoảng sân cũng chỉ qua mấy bước chân. Bà đẩy cửa phòng lớn đằng trước. Gian phòng này vừa làm một phòng khách trên lầu, còn kéo một tấm màn che cho con nhỏ một phòng để ngủ, nhưng con bé không bao giờ chịu kéo tấm màn. Nhiều buổi tối đi lên lầu, thấy con nhỏ nằm ngủ áo quần cẩu thả trông rất phiền mắt. Hôm nay, con bé ý tứ kéo màn tấm màn ngang qua hết, che phòng kín bưng. Có vậy chớ. Nói hoài riết cũng nhàm rồi.
Nhưng lạ chưa, giờ này nó làm gì mà chưa ngủ. Có tiếng lục đục bên trong. Tò mò, bà rón rén đến gần, đưa tay hé một bên màn nhìn vô. Lúc đầu, tối thui. Nhưng rồi, ánh trăng bên ngoài chiếu qua phần cửa sổ đóng không hết, mắt bà đã lờ mờ thấy...Bà run lên. Có phải ảo ảnh không? Mình mơ hay tỉnh? Tin được không?
Con Lê không một mảnh quần áo, và người đang nằm lên trên là...Bảnh.
“Chú ơi...”
“Im. Đừng la.”
Bà Ngọc Hoa cũng không la. Bà đổ vật xuống. Bất tỉnh.
Chuyện bà chủ quán Bạch Ngọc, tên là Ngọc Hoa, tự nhiên cạo tróc lóc cái đầu đồn rùm beng suốt con đường Tự Do. Một buổi sáng, đi ra đường bà trùm chiếc khăn bưng kín cái đầu. Cô Nga, bán đồ thêu ở cách mấy căn trông thấy trước. Còn không tin ở mắt mình, cô chạy ù vô, gọi người bán chung cửa tiệm:
“Ê, bà Vinh, ra đây coi, có phải tui hoa mắt không đây?”
Đến lúc bà Vinh chạy ra nhìn theo, rồi cả dọc con đường Tự Do nhìn thấy, xác định thì không có ai hoa mắt hết. Bà Chi, chủ tiệm uốn tóc là người rõ chuyện đầu tiên.
“Bã cạo đầu thiệt đó.”
“Sao vậy?”
“Ừa, thì buồn đời, cạo đầu được không?”
“Hơ, ai mà không có lúc buồn đời, nếu ai buồn đời cũng cạo đầu thì đàn bà con gái trọc lóc hết trơn rồi, đâu còn ai có tóc nữa. Nói chuyện khó nghe.”
Một bà, tóc đang quấn uốn ngồi chờ, nói chen.
Bà Chi cười cười, đổ thuốc gội đầu lên tóc con Lê, tay thoăn thoắt gãi gãi, cào cào, vừa ghé tai nó:
“Biết sao hôn. Nói cho nghe nhưng nhớ để bụng, không kể lại với ai, mày hứa đi...Ờ, con mẻ bắc kỳ này cạo đầu, còn ăn chay nữa...”
“Phải không đó bà, hay bà thấy người ta cạo đầu, hổng qua gội đầu nữa, buồn...”
“Buồn cái cức tao. Tao làm nghề này từ hồi mày chưa đẻ, nói cho mà biết. Tao chấp nếu có mốt mới đàn bà con gái cạo đầu trọc lóc tao hổng thất nghiệp đâu nghen. Hễ có mốt đó thì tao đổi qua tiệm gọt đầu, được không?”
“Phải. Phải, bà giỏi rồi. Bà còn làm cả nghề cạo lông gì nữa chớ cạo đầu...”
“Lạc đề hết trơn, đang nói chuyện cái đầu bà Ngọc Hoa, đi trớt lớt hết, vô duyên....”
“Thì cũng tại bà, nói đi...”
“Ờ hén. Bữa trước khi cạo đầu bã qua đây gội xấy hẳn hoi, rồi bã còn nói lâu lắm tui mới trở lại gội đầu, đôi khi đi biệt luôn. Mình tưởng bã chán cảnh no đủ đú đởn từ ngày vô Nam, về Bắc cắn hột muối làm hai chớ, ai dè bà chưa nói đã khóc hu hu...”
“Gì nữa đây, bộ thằng Bảnh nó bỏ bã sao?”
“Còn lâu, bã muốn bỏ mà không bỏ được...”
“Chuyện gì mà kỳ, muốn bỏ là bỏ cái rụp đường ai nấy đi. Sao bã bỏ ông chồng cái một mà đến phiên thằng ở lại không bỏ được?”
“Bởi chuyện đời hổng biết sao mà nói...chồng đẹp trai, có chức, như vậy mà đi theo thằng ở mặt mày du côn du kề thày chạy luôn có nghịch không đã chớ.”
Con Lê thở ra, lắc đầu. Thiệt cũng chỉ còn biết lắc cái đầu chớ nói sao nữa. Nghịch quá đi chớ. Bởi, con người ta hổng biết lúc nào khôn lúc nào dại. Hồi đó, kiểu thứ con ông bà, vác cái mặt lên hổng thèm nhìn ai thẳng mặt hết. Chửi chồng, đánh con, như mắng mèo chửi chó. Ông chồng đeo cái lon, lái xe đi ra đường chớ ở nhà, còn thua mấy cái lon sữa bò nữa...Cũng là một đổi đời tiếp tục đó chớ. Từ ngày bỏ chồng, lấy trai...tơ, coi mòi xuống quá.
“Rồi sao?” Con Lê sốt ruột.
“Ờ, tội nghiệp bã lắm. Khi biết thì chuyện đã lỡ rồi, ván đã đóng thuyền....”
“Xì...cải lương. Cái gì đóng thuyền. Bộ bà hổng nghe tụi nó ca: “Đừng lo ván đóng thuyền rồi. Gỡ ra đóng lại mấy hồi em ơi!” đó sao. Bà đó ông trời bả còn không sợ...”
“Bởi, không ai nói hay được. Bã không sợ trời sợ đất, mà bây giờ đi sợ thằng Bảnh mới là chuyện đáng nói. Bà biết không,đứa con gái đầu...cái con gì đó...”
“Con Lựu. Biết. Biết con này. Ôi giời, nó là con nít ranh...”
Bàn tay bà Chi vẫn thoăn thoắt trên đầu con Lê, cúi đầu xuống, ghé vô tai con Lê rì rầm. Con Lê giật mình, trợn mắt:
“Thiệt không đó bà. Hay chỉ nghe người ta nói lại?”
“Chính bã nói...Bã khóc hết nước mắt...”
“Làm sao tin vô. Mèn đét ơi, chuyện gì mà động trời động đất rứa? Hổng còn đạo đức...cách (cái) mạng gì hết trơn trọi. Ha, có chuyện vậy sao?”
“Ngồi yên người ta “xấy” cho bên này một chút. Đó, đẹp rồi, thấy chưa?”
“Thấy. Đ.M. Chuyện có thật không bà ơi... Mà bã nói là chuyện có thật kể như chắc mẻm. Ha, vậy bi giờ cái đầu trọc lóc rồi?”
“Ừa...”
“Còn thằng chả”.
“Thì vẫn thấy vậy. Vẫn anh anh em em...vẫn cà rem nước dừa...”
“Nhưng bã ăn chay...”
“Thì chỉ ăn chay thôi còn mọi thứ khác đâu có chay...”
“Biết. Thằng Bảnh có kể với mấy con bụi đời, bà đó nhịn một bữa là lồng lộn thấu trời xanh... Ha, còn con nhỏ?”
“Thì vẫn cháu cháu chú chú. Có lúc con nhỏ còn kêu “Bố” tỉnh bơ mới “chiến” chớ.”
“Thày chạy luôn rồi....”
“Thôi mày ngồi yên tao làm cho xong. Hê, bữa nay là ngày gì mà khi không mày làm đẹp dữ thần vậy?”
“Ngày gì đâu bà ơi. Bi giờ thì ngày nào cũng ngày của các thần cô hồn các đảng...viên. Ừ bữa nay tui vô một chút “mánh”.
“Thấy mày làm đầu làm đít là tao biết vô mánh gì rồi. Vô mánh kiểu mày coi bộ đừ dữ hén?”
“Còn hơn là để không bà ơi. Tuy nó khỏe mà “nghèo”.
Con Lê ra khỏi tiệm gội đầu. Bây giờ còn vấn đề tắm táp nữa đây. Ở công viên, đêm khuya nó ra vòi nước công cộng tắm. Việc tắm giặt ở máy nước công cộng cũng đã đóng thuế cho bảo vệ công viên rồi. Nhưng lúc này giữa ban ngày ban mặt, đứng tắm ở vòi nước, dù có mặc áo quần đàng hoàng cũng có thể bất thình lình công an khu vực xuất hiện, tốn tiền phạt còn đau hơn hoạn. Thôi thì đành theo lời chĩ dẫn của con Quê đi tìm bà Muội. lát nữa, phải thơm tho để đi gặp anh Hai, lần này còn hơn đi thi tuyển hoa hậu hay xin việc làm nữa.
Bà Muội nghe nói, đặt liền giá cả. Con Lê chịu giá nhưng hơi ngán bà Ngọc Hoa. bà Muội xua tay nói không lo, giấc này bà Ngọc Hoa đang tụng kinh, tịnh khẩu. Vậy là con Lê yên dạ, vô cửa sau. Trút hết áo quần, đứng dưới vòi hoa sen, rồi thấy bóng mình lồ lộ trong tấm kính chiếu. Con Lê thở dài áo não. Nó nhớ tới hai cái gói giấy nhỏ đàn em của anh Hai đưa, bảo bỏ vô cà phê cho anh Hai uống một và nó uống một. Con Lê lạ gì thứ thuốc thiên lôi hà bá này. Anh Hai sẽ như con voi và nó từ chết tới bị thương...nó đã từng gặp một đôi lần, dân chơi có thuốc, sau đó, cả tuần lễ hồn nó chưa trở lại xác.
Nửa giờ sau nó đã sạch sẽ trong bộ đồ lụa thêu màu hồng, ngồi vắt vẻo trên xe xích lô, đi đến điểm hẹn. Nắng chiều mong manh, sắp tắt.
Ngôi biệt thự cổng đóng then gài, nằm ở mặt tiền một con đường ngắn, toàn nhà cửa sang trọng. Trước đây là khu nhà giàu của các tay tổ“tư sản” Sài gòn cũ. Nay chắc chắn là được tiếp thu cũng bởi tay tổ “tư sản mới”. Con Lê đã được dặn dò phải xuống xe ở đầu đường, đi bộ tới. Chỗ của các “ông lớn” phải bảo mật đàng hoàng.
Đứng trước cánh cửa sắt sừng sửng, lạnh lùng. Một hình vẽ đầu con chó bẹc-giê nhe răng như sẳn sàng chồm tới ngoạm ngon lành thịt người, con Lê chột dạ quá. Thở mấy hơi dài lấy hết can đảm, nó bấm chuông.
Không biết có con chó chồm ra không? Nhỡ nó đớp một miếng thì đi đời. Nghĩ vậy, cả người con Lê phát run như lên cơn sốt rét. Nó phải hồi hộp đợi chờ lâu lắm. Năm hay muời phút. Không, có thể hơn nữa. Hay người ta gạt mình, cho hẹn lèo phá chơi. Dù vậy, nó cũng không dám đưa tay lên bấm chuông lần thứ hai.
Có tiếng chân bước lạo sạo bên trong. Cũng lâu lắc lắm mới tới gần cửa. Rồi một cái lỗ trên tấm cửa sắt được kéo ra. Nó chỉ thấy hai con mắt.
“Tới rồi hả?”
Con Lê “dạ” một tiếng thiệt nhỏ.
“Ai bảo cô tới đây?”
“Dạ ban “giám khảo” chấm con...”
Con Lê đã được dặn trả lời vậy.
Cánh cửa nặng nề chỉ hé ra cho vừa đủ chỗ con Lê lách vào rồi đóng cái rầm. Tiếng chốt cửa kêu cái két. Ổ khóa kêu cái tách. Đâu có gì mà sợ dữ vậy. Bất quá cũng như những lần tới mấy cơ quan theo phiếu “đặt hàng ” của mấy ông cán trực ban. Nó ngước mắt lên nhìn. Cặp mắt lồi trên khuôn mặt bự tổ chảng đang nhìn nó một cách hung dữ. Rồi cái miệng rộng xách lên:
“Vô đi”.
Nó lủi thủi đi theo người đàn ông thấp, đen, mập, trông đàng sau, cắt tay cắt chân đi là một tấm thớt vuông vức. Không thấy bóng một con chó nào hết trơn. Cũng không nghe tiếng chó gầm gừ. Xích lại rồi chắc. Con Lê vẫn không thấy ăn chắc chút nào. Chân nó có lúc khựng ríu lại. Bụng nó đau lâm râm. Khỉ quá, đúng lúc này mà nó ọc ra là không có cái gì nút lại được. Tính ngày thì cũng sắp tới kỳ, nó cẩn thận ăn vô mấy trái chuối chát như người ta bày, mọi lần hiệu nghiệm lắm. Có lẽ sợ quá nó đau bụng chăng? Giám khảo có nhắc chừng: “Anh Hai không vừa ý là không có được thưởng gì đâu nghe...”. Nó nhìn vô căn nhà. Ớn da da luôn. Cái nhà đồ sộ bao quanh một khu vườn xinh đẹp, rộng mênh mông chưa từng thấy. Nó càng teo.
Cũng tự tay người đàn ông mở của căn nhà. Gia nhân, người hầu đâu hết rồi. Nghe nói mấy ông này có bảo vệ gác trong gác ngoài, rồi chó dữ cả đàn, sao nhà này êm re! Vừa bước chân vào là nó lia vội đôi giày cao gót. Một màu thảm đỏ, đặt chân lên như đứng trên tấm nhung. Ui choa, bàn ghế, đồ dùng gì trong nhà cũng sáng bóng soi mặt được. Các cửa đều được may màn màu đỏ thẩm như huyết dụ. Đối với nó, chắc cung vua cũng không thể hơn. Nhìn lên tường, một tấm ảnh hình bác Hồ phóng lớn. Một bên, thấp xuống chừng vài tấc, một tấm ảnh khác, chừng còn thiếu niên, mặt mày hom hem, đen thùi. Phía dưới chạy một băng dài với giòng chữ: “Tổ quốc ghi ơn.” Coi, thanh thế cách mạng cỡ”bự”.
“Ngồi xuống đó đi.”
Người đàn ông nói như ra lệnh. Lúc này nó mới có dịp nhìn rõ ông ta. Mặt to chèn bẹt, mũi nở mà sần sùi, đôi môi dày, thâm tím như hai miếng thịt trâu dính vào nhau. Còn đôi mắt lồi như muốn vượt ra ngoài khuôn mặt. Con Lê đã qua nhiều tay khách nhưng chưa có người đàn ông nào tướng xấu mà dị dạng như người đàn ông này.
“Biết uống rượu không?”
“Dạ...”
“Biết hay không cũng phải uống.”
Con Lê ngồi thỏm lỏm giữa chiếc ghế sa lông, nó không dám dựa ra đằng sau.
“Đâu. Cái gói gì tụi nó đưa đâu?”
Con Lê mở ví lấy gói giấy nhỏ đặt lên bàn. Người đàn ông rót rượu vào hai cái ly, tự mở gói, đổ chất bột trắng vào cả hai ly. Đẩy một ly về phía con Lê:
“Uống đi”.
Ông ta cũng làm một hơi ly kia hết nhẵn.
Rõ ràng cả ngày trời nắng chang chang, tự nhiên ông trời “xù” ai mà gầm gầm gừ gừ rồi sét xẹt ngang xẹt dọc. Người đàn ông tới gần con Lê, tự tay lột hết áo quần nó ra.
“Có bịnh gì không?”
“Dạ không.”
“Có đi khám da liễu hằng tháng không?”
“Dạ, con không có làm nghề mà...bị con nghèo nên lâu lâu mới...”
“Được. Đưa đây coi.”
Dưới ngọn đèn né ông sáng rỡ như ban ngày, “ông cán bộ” xăm xoi như bác sĩ khám bệnh.
“Sao nhão thế này. Đã đẻ chưa?”
“Dạ con...”
“Xưng em”
“Dạ em còn con gái...”
“Hừ...”
Con Lê co người lại. Nó nói còn con gái là nói hớ rồi. Sửa lại không được nữa.
“Đi tắm đi”.
“Dạ em tắm rồi, vừa tắm xong.”
“Đi tắm nữa. Trong này.”
Con Lê đi theo tay chỉ của người đàn ông. Con Lê vào tới thì hắn cũng vào theo.
“Tắm cho anh trước.”
Nó phải tắm táp cho người đàn ông. Sao da ông ta sần sùi, nham nháp, đưa tay chà xát xà phòng, nó rợn cả người.
“Kỳ đây này.”
Toàn ông ta ra lệnh. Con Lê tuân theo như một thuộc cấp nhận lệnh sếp. Rồi đến lượt con Lê được tắm táp, nhưng kỳ thực là nó đang thụ hình. Đi khách nhiều, nó chưa gặp người đàn ông nào thô bạo như ông ta. Hình như cơn giông ngoài trời gầm thét dữ dội bên ngoài thúc đẩy ông ta vật vã con mồi một cách tàn nhẫn, dã man hơn. “Không làm cho anh Hai vui...không được gì hết, đừng nói tới tiền thưởng”. Con Lê nhủ mình chịu đựng thêm một tí, một tí nữa...
“Tốt. Tốt lắm.”
Máu trong người con Lê như đang dồn hết lên họng và nó muốn nôn thốc ra. Chưa bao giờ nó chịu đựng cảnh đau xé da rách thịt như thế này. Nước mắt đặc trong cổ họng phải nuốt xuống. Lật ngửa, lật nghiêng, lôi lên, đẩy xuống, bấm béo, ông ta như xem xét một con cá còn tươi hay đã ươn sình.
Sau cùng, ông ta bế nó liệng vào một căn phòng gắn máy lạnh. Con Lê được nằm trên giường Hồng kông. Chút êm ái làm nó tỉnh táo lại. Nhưng không bao lâu, người đàn ông cầm cả hai rượu đổ lên người nó và nó biến thành một chai rượu cho ông ta tu đến giọt cuối cùng. Mắt nó hoa lên, và một cơn sốt làm nó xây xẩm. Đèn đuốc trong phòng tắt ngúm hết sao mà mắt nó tối sầm lại.
Nó như rơi vào một vực sâu, rơi xuống mãi, xuống mãi rồi hai tay nó biến thành đôi cánh, và nó như con bướm, có thể bay lượn dưới hố sâu. Rồi một sức đẩy nào dưới lòng hố hất tung nó lên mặt đất. Nhờ có đôi cánh, nó bay qua một khu rừng, rồi lượn trên một ngọn đồi. Toàn hoa là hoa, muôn màu sặc sỡ. Ở trong rừng hoa chen lẫn những chiếc nấm đủ màu, đỏ tím xanh vàng. Nó cảm thấy đói bụng. Ăn thôi. Nó ngắt một cây nấm lên ăn. Một cây nấm nữa., một cây nấm nữa....Người nó bỗng nóng ran, phồng lên, ngứa ngáy. Đúng là phải thứ nấm độc rồi. Nó nhìn thấy má nó, chị Bảy cà tong, đưa ngón tay có đeo cái nhẫn hột xoàn bé tí lên, soi, ngắm. Rồi chị mắng nó: “Đồ tham ăn, mày chết đáng đời mày rồi.” Bà mẹ bất nhân, thấy con chết không cứu, còn chửi, còn cười. Coi, tự nhiên có cái cây trên tay bà. Bà làm gì vậy? Đánh à. Cứ vậy mà phang xuống chắc cái đầu Lê bể đôi. Đôi cánh nó rủ xuống và nó nằm trên đất, giang tay giang chân chờ chết...Mấy chiếc nấm trong bụng nó đã biến thành một con dao nhọn và đâm ngược ra, cả người nó tuôn máu xối xả....trong giây phút thập tử nhất sinh đó, mắt nó hé mở như người ta nói là phút hồi dương trước khi chết...
Người đàn ông đang nằm quay cu đơ bên cạnh nó. Thì ra nó không chết. Nó thở một hơi dài và trái tim đập loạn xạ một lát mừng quíu quít và mệt mê tơi. Nó muốn ngủ thẳng cẳng một giấc nhưng nhớ ra, người nó bầy nhầy nhơ nhớp, nằm yên một lát lấy sức, nó ra phòng khách lượm mớ quần áo đem vô phòng tắm.
Như vậy là “Anh” Hai Thạnh bằng lòng hết ý rồi. Tắm táp sạch sẽ xong mình sẽ ra sa-lông ngồi đợi “Anh Hai” lại sức. Nó hy vọng vào số tiền thưởng sắp có sẽ nhiều. Tưởng là dư sức qua cầu, nhưng lúc nước trên bông sen túa ra, tỉ tê trên da thịt nó thì nó bỗng rùng mình, “hách xì” một hơi, ngực nó lạnh cóng, có cảm giác nặng nề, khó thở như bị một tảng băng đang đè và nó muốn ngã xuống xỉu tại chỗ.
Rồi nó cũng định thần thấy lại mọi vật. Đúng lúc đó nó nghe bên ngoài như có tiếng ú ớ rồi như có tiếng chân đi. Con Lê sợ quá đứng im re trong phòng tắm. Không lẽ “anh Hai” đã bình thường trở lại và đi kiếm nó? Nếu như vậy là đời nó tàn tới nơi, sức nào mà nó còn chịu trận được nữa. Và ông ta có phải là một con voi hay một con quỷ? Sợ quá đi mất. Nó chờ đợi nghe ngóng...
Một lúc sau không thấy động tỉnh gì, con Lê mới rón rén đi ra. Đâu có ai? Bộ thần hồn nát thần tính sao đây? Coi, anh Hai có dậy thật không? Nó đi vô phòng. Trước mắt nó là một màu đỏ thắm. Nó suýt hét lên. Anh hai Thạnh vẫn trong tư thế nằm ngửa, nhưng cả người nhuộm máu me, và đôi mắt lồi mở trừng trừng nhìn về phía nó.
Đưa tay bụm miệng để ngăn tiếng hét, nó chạy ra phòng khách lượm cái ví, xô cửa đâm đầu chạy ra sân. Cánh cửa sắt đã được ai mở hé. Lúc này rõ ràng đã khóa nghiến bên trong mà. Trí nhớ nó lộn xộn lắm. Nó lách người ra ngoài. Cơn mưa lúc này mới ập xuống. Mặc kệ mưa. Nó cứ đâm đầu chạy, trong mưa, trong bóng đêm. Chạy càng mau, càng xa càng tốt. Chạy không ngoái đầu lại.
Mãi tới khuya con Lê mới về tới công viên. Vừa về tới nơi trú ngụ nó đã đụng đầu Hai Nuôi. Nhìn con em ướt tèm nhèm, hắn hất mặt hỏi:
“Bộ mày không biết núp mưa sao để ướt từ đầu tới đít vậy.”
Con Lê làm thinh. Nó chẳng coi thằng anh có ký lô nào lúc này. Trút vội bộ quần áo ướt, đồ lót ướt, nó lau khô người, mặc bộ đồ khô khác. Chỉ kịp nằm xuống đắp cái chăn trùm kín mít đầu, nó bắt đầu rên.
“Đ.M con đĩ chó.”
Hai Nuôi chửi, nhổ nước bọt. Cái con này thiệt thiên lôi đánh không chết. Dù gì nó cũng là con gái, Hai Nuôi tuy là anh vẫn con trai. Thay đồ tồng ngồng trước mắt mà không một chút hổ thẹn, nể nang. Trời sợ mày rồi con Lê. Coi cái mặt tái nhách, đôi mắt không hồn, như mắt cá ươn thế kia là biết nó đi đâu về. Đã cảnh cáo, đừng dính vô bọn có tiền, bọn nhà giàu mới, chúng nó ở trong rừng ra, vẫn là một con thú mà thôi, đâu phải người. Nó đi lại với con Nết nó biết. Nghe con Nết tâm sự thiệt lòng, thương con nhỏ hết biết. Bởi nghèo mà, mấy đứa con gái nghèo đâu có vốn liếng gì ngoài tấm thân. Tuy giận mà nó cũng thương con em, nó tới gần:
“Mày đau há. Đau ra sao?”
Con Lê không trả lời mà vẫn rên khe khẽ.
“Đau sao thì nói. Để tao kêu má về coi cho mày.”
Chị Bảy cà tong về. Chị đội mưa bằng tờ nhật trình. Ném tờ báo xuống, chị đứng chống nạnh ngó con Lê.
“Má à, nó đau lắm đó. Nó rên nãy giờ...”
Chị tới ngồi bên con Lê, luồn cái tay vào trong chăn sờ trán, sờ
người nó.
“Đâu nóng nảy gì đâu...Có phải mày....”
“Má để tui yên.”
Hai Nuôi hỏi:
“Nó đau sao, má?”
“Ha. Nó không sao cả, chỉ đau cái...ha, mày thân làm kiếp chịu nghe Lê.”
“Đ.M, mấy người nói chẳng hiểu cái đách gì hết trơn.”
Nó nghe tiếng tằng hắng. Lại thằng Long Tân Định. Mưa này mà cũng chịu khó tới. Mặt chị Bảy cà tong tươi rói.
“Giỏi. Mưa mày cũng mò tới. Nhậu không mày?”
“Khỏi đi. Không phải lúc nào cũng rảnh để nhậu...”
“Bảnh quá xá vậy Long. Tại bã chớ tao chẳng có có cức gì cho mày nhậu...”
“Con Lê về tới chưa?”
“Nó đi đâu mà về tới, mầy?”
“Thì tao hỏi vậy thôi. Nó về rồi à? Tao hỏi nó một tí việc.”
“Thôi mày ơi, nó đang giận trời giận đất, giận cả con chó con mèo kia kìa...Lê, mày ngủ chưa? Thằng Long kiếm mày kìa...”
Con Lê vẫn bất động.
“Thôi được. Tao hỏi mày một câu thôi. Nó về lâu chưa?”
“Mày hỏi chi vậy? Nó mới về tức thì. Về là nằm lăn ra, trùm chăn rên. Bộ nó bị đánh ghen hả mầy...”
“Không. Bị tao có chuyện muốn hỏi nó. Không sao. Mai tao kiếm nó cũng đặng.”
Thằng Long đi ra thì bị chị Bảy cà tong níu lại:
“Mưa mà mày đi đâu. Ở lại tao có đồ nhậu cho mày...”
“Cám ơn. Hổng rảnh đâu bà ơi...”
Long Tân Định băng băng đi. Nó mất hút vào đêm tối. Hai Nuôi nhìn chị Bảy cà tong hậm hực thay áo. Nó lắc đầu. Chưa đã, cái tật nó là đưa tay lên gãi đầu nữa.
Trong đêm, bỗng có tiếng còi xe hụ, có cả chục chiếc chạy ngoài đường. Lại có vụ gì “quan trọng” đây. Nghe có còi xe cứu thương nữa. Con Lê đang nằm im, bỗng cựa quậy la thét như lên cơn điên. Chị Bảy cà tong ôm lấy nó:
“Gì vậy? Gì mà la mầy?”
Chị nói thêm một câu rất tục tĩu. Hai Nuôi nhăn mặt, đầu lắc và tay gãi tóc. Con Lê đẩy chị ra:
“Nằm mơ thôi mà...Không có gì đâu...”
“Ừ, khi mệt là hay mơ dữ, tao cũng vậy...”
Ở phía ngoài dàn hoa giấy, căn cứ của gia đình chị Bảy cà tong là cái ghế đá. Lúc này con Quê cũng vừa mới lò dò về. Trời mưa, quán vắng khách, Bao đóng cửa sớm. Nhưng cơn mưa còn dai dẳng, nó không thể trãi chăn nằm trên ghế đá. Nhớ chỗ ngủ kín đáo của thằng Bò mỗi khi trời mưa, nó vẫn mặc áo mưa đi kiếm.
Trong một góc tối tăm, phía ngách sau của một nhà hàng, có một đống củi được che bằng mái hiên thấp, phía sau đống củi có một khoảng trống vừa một người nằm. Khi con Quê tới là hai người nằm nên chật lắm, không cựa quậy gì được. May trời mưa, có gió, hơi lạnh, hai đứa nằm co quắp sáp vào nhau.
“Mầy chê tao hôi mà, Quê.”
Thằng Bò nói, văng cả ke nước miếng thúi hoắc vào mặt con Quê.”
“Ừa, mày hôi lắm. Nhưng dù sao cũng còn hơn chịu ướt ngoài mưa. Đau, cảm, chết luôn.”
“Hồi nãy tao có lên kiếm mày mà mày chưa về.”
“Rồi sao?”
“Tao gặp con Lê. Nó ướt như chuột lột, chạy như ma đuổi mà mặt mày coi ghê lắm.”
“Ai biết. Kệ nó. Mày để ý chi vậy?”
“Hơ, tại tao thấy nó ghê quá.”
“Con đó lúc nào không ghê, mầy Có chi là lạ.”
“À há”.
Cái tay thằng Bò vô tình hay cố ý không biết, đụng mạnh làm con Quê ê ẩm.
“Này, mày không được động đậy nghe...”
“Tao lỡ tay, mày.”
“Tao bảo thôi. Lỡ sao làm tới...”
“Tao cứ đụng.”
“Ông nội mày.”
Thằng Bò cười hinh hính.
“Tổ cha mày, Bò.”
“Khi nào mày hết chửi thì thôi...”
“Tao chửi cho tới sáng bét. Ông cố nội mày, Bò. Ý cha. Mày đừng làm tao đau. Mày à nghen. Tao lặt à...”
Hai đứa vật lộn, đấm đá nhau, đùa giỡn túi bụi trong cái ngách bên cạnh đống củi...Lạ chưa. Lâu lắm rồi, con Quê đâu có cảm giác nóng ran dồn tới một điểm. Khi nó làm “nghề” là nó chịu trận, và nó có thể ca cải lương hay nghĩ tới chuyện gì lung tung mà cái xác thịt của nó chỉ chờ cho qua cơn, y như đợi một mũi chích vậy.
Tội nghiệp thằng Bò. Ai dạy nó mà cũng này nọ kia...Rồi thở hồng hộc như con chó. Con Quê nằm ôm nó, nhẹ nhàng vuốt tóc nó, y như một người mẹ với đứa con.
“Ngủ đi, cưng...”
Một lúc sau thằng Bò ngủ há hốc miệng, ke nước miếng chảy rỉ hai bên mép. Con Quê mãi không ngủ được. Nó ngồi dậy. Ánh đèn từ đầu hiên kia rọi tới vàng bệch. Mưa đã dứt từ bao giờ, nhưng nước trên mái còn đọng, giỏ những giọt tí tách trên đống củi. Và từ trong đống củi một con chuột bò ra. Chuột và người giương mắt ngó nhau.
Long Tân Định đã hẹn được với con Lê vào buổi tối ở bờ sông Sài gòn, bên cạnh một xe bán khô cá thiều và mực. Cũng có mấy cái ghế “xếp” dã chiến, và bia lon ướp đá lạnh trong một cái thùng có nước đá và mạt cưa. Ở đây xô bồ lắm, chẳng ai để mắt ai. Mua, trả tiền xong cứ việc xách hai cái ghế “xếp” cầm theo, đến một nơi nào đó, trước mặt sông, mở ra, đặt xuống là ngồi hàn huyên tâm sự.
“Không biết có ai theo không?”
Con Lê không yên tâm, nhìn lui nhìn tới, mắt dáo dác.
“Bà càng quớ càng dễ bị để ý. Bà cứ tự nhiên, cố gắng tự nhiên đi mà...”
“Tui muốn chết luôn đây. Xời ơi, ông hại tui...ông....”
“Tui thề. Tui không hề biết việc xẩy ra như vậy. Tui biết thì bà vật tui đi...”
Con Lê lắc đầu. Nó hết tin thề thốt từ khuya rồi. Hể gặp chuyện nó cũng thề bạt mạng vậy.
“Rồi giờ làm sao đây. Họ đang điều tra...Ngày đêm gì tui cũng có cảm tưởng sắp bị bắt.Hễ thấy áo vàng công an là tui muốn vãi đái ra quần...”
“Không ai biết đâu. Mà bà có thấy gì không?”
“Thấy chớ sao không. Lúc đó tui tắm trong buồng tắm. Tui nghe có tiếng chân, rồi tiếng ú ớ như ai kêu gì. Tưởng thằng cha hồi sức lại đi kiếm tui sợ vỡ mật luôn. Tui núp trong buồng tắm lâu lắm. Thấy không động tĩnh gì nữa tui ra. Bởi mới thấy thằng cha...”
“Lúc đó chết chưa?”
“Ông nội tui cũng không biết. Chỉ thấy đôi mắt ổng lồi ra, trợn trừng là tui hết vía rồi và chạy hết biết...Mà giờ nhớ lại tui thấy lạ...”
“Cái gì lạ...”
“Lúc tui vô, thấy ổng khóa cửa rõ ràng. Vậy mà lúc tui chạy ra, ai đã mở khóa...”
“Bà có nhận ra một người nào lúc đó không?”
“Trời ơi, tui muốn đứng tim, còn thấy gì, thấy ai! Mới đây nghe người ta đọc báo nói lại, ổng làm lớn lắm không vừa đâu nghen. Hèn chi ổng ít nói lắm, ổng chỉ làm, mà dữ dằn như con cọp, tui chết điếng. Tui hiểu không ra, ổng làm lớn vậy, tiền nhiều, thiếu gì con gái theo ổng, sao ổng cần mấy thứ như tui...”
Thằng Long cũng nghĩ không ra. Theo nó nghe nói, ông Hai Thạnh này thay đổi “món ăn” hàng ngày. Cao lương mỹ vị cũng có, nếm cơm nhà nghèo cũng có, kể là cơm đường cháo chợ. Ôi biết đâu, người ta có tiền, muốn cái giống gì chẳng được.
Bỗng nhiên con Lê khóc:
“Tui nói trước rồi đó. Nếu bị công an hỏi là tui khai ông ra...”
“Đừng lo, hổng ai hỏi bà đâu. Đây là việc mấy ông lớn tranh chấp thanh toán nhau, việc gì đến bà...”
Con Lê hỉ mũi, đưa tay chùi nước mắt, thút thít:
“Nhưng bữa đó...”
“Quên bữa đó đi. Coi như kkhông hay biết gì hết trơn...”
“Nói nghe hay lắm. Hổng biết. Còn ai trả tiền cho tui chớ. Chưa bao giờ tui “bị” thê thảm như bữa đó đâu nghen. Ông coi, cho tới bữa nay tui như con cò ma...”
“Bị sợ quá mất ngủ nên có chút quầng mắt vậy thôi. Bà mà “nhằm nhò” gì. Coi như xui xẻo, mất một chuyến hàng. Làm ăn có lúc được có lúc thua phải chịu, bà hổng biết chơi luật giang hồ gì hết...”
“Tui không cần biết luật gì hết trơn. Tui chắc anh có lãnh tiền đặt cọc của người ta. Chia đây.”
“Tui thề chưa là chưa. Bây giờ bà muốn biết trắng đen không? Tui với bà đi gặp mấy tên “giám khảo” hỏi coi. Bà đi tìm con Nết đi.”
Con Nết? Thôi đi. Mấy bữa nay mặt mũi nó cũng teo tóp lắm. Thấy con Lê là nó làm như chưa hề quen biết. Nó sợ còn hơn con Lê sợ nữa. Thằng Long Tân Định nói tới đây là coi như dọa cho con Lê cụp vòi lại rồi.
“Bà lo bằng tui không? Nếu tui bị vồ trước tui cũng khai bà ra vậy...”
Mặt con Lê xanh dờn. Long Tân Định an ủi:
“Nói vậy thôi chớ không ai hỏi bà đâu. Không ai nghi “anh Hai” mà lại đi dính dáng tới loại “điếm mạt” như bà, phải hôn. Cứ yên trí về ăn ngủ, đi làm “nghề”. Đừng loạng quạng thằng phường Phó nó biết là đi đoong.”
Long Tân Định rút một mớ tiền vày vò trong túi ra:
“Tặng bà nè. Về uống thuốc. Đây là tiền của tui, thấy bà mất quớt trớt hết, tui bù cho thôi, dù gì cũng “móc tay” làm ăn với nhau...”
“Chắc hổng ai biết hôn. Tui lo quá.”
“Nữa. Chuyện này người ta nghi là các cán lớn thanh toán nhau, còn không, cũng chính trị. Yên tâm đi mà.”
“Chắc vậy?”
“Chắc chớ sao. Thôi dzề tân trang nhan sắc lại đi. Trông tả quá em ơi.”
Con Lê đã yên trí đôi phần. Nó tạt vào hàng miến gà kêu tô cháo, thêm một dĩa gỏi lòng gà nữa là đi đứt món tiền thằng Long đưa. Đánh no một bụng, nó tính về ngủ. Vừa về tới, thằng Hai Nuôi nóng nảy chờ nó.
“Ngoài phường mời mày ra làm việc kìa...”
“Ai mời? Giấy đâu?”
“Giấy má gì. Nãy khu vực ghé qua, nói ngoài phường có chuyện muốn hỏi mày. Mày ra ngay đi.”
Thay cái áo dài tay, nó đi bộ ra phường. Trong lòng không ngớt lo. Cũng có thể ở trên tư xuống điều tra nó. Nhưng khuya khoắc này phường đâu có làm việc chớ. Đôi khi việc khẩn cấp thì sao? Nó vừa đi vừa tính kế trả lời, theo cách Long Tân Định đã bày nó.
Công an trực ban đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Nó hỏi:
“Nghe công an phường nhắn tui ra, có chuyện chi vậy chú?”
“À,bà vô trỏng đi. Ông Phó muốn hỏi bà gì đó.”
Anh ta đứng dậy soạn đồ đạc vỏ vào ngăn kéo. Giọng Phó công an phường từ bên trong vọng ra:
“Chú mày đi một vòng thăm dân cho biết sự tình đi...Nhớ lát về có chút mồi nhắm, anh em lai rai...”
“Rõ”.
Cửa ngoài khép. Cửa trong khép. Ông Phó ôm chầm lấy con Lê:
“Mấy ngày không gặp nhớ quá. Đi đâu vậy?”
Hắn ngắm nghía, sờ nắn:
“Sao ốm nhom ốm nhách thế này. Bịnh hả?”
“Em bịnh”.
Mối lo đến giờ này mới tan. Con Lê thở mạnh.
“Bịnh thì bịnh. Chờ em quá rồi...”
Con Lê bị đè ngồi xuống cái ghế. Chiếc ghế bố hàng ngày không thấy đâu. Nhìn cái bụng mỡ của tên Phó càng ngày càng càng thấy gớm quá. Con Lê cắn môi: “Toàn một lũ chó như nhau...” Mặc kệ trong lòng nguyền rủa, miệng nó vẫn phải gượng cười.
“Em cũng nhớ anh vậy.”
“Em nói điêu gì thế. Mấy ngày anh chờ dài lưng, kẹt quá mới phải nhờ thằng Tiệt nó nhắn...”
“Vậy mà làm em hết hồn, em tưởng...”
“Em tưởng gì? Tại sao hết hồn?”
“Không...có gì.”
Nó cười rúc rích:
“Nghe công an đòi... ai không xanh mặt.”
“Ừ, ở trên quận biểu dẹp mấy tấm bạt căng bê bối trong công viên mà anh bảo đàn em làm ngơ đó thôi...vì em ngoan..”
Con Lê cố tìm cách quay người che dấu mấy vết bầm ác ôn, mà sau khi ra người “thiên cổ”, anh Hai Thạnh còn để lại. Nó muốn nôn thốc tháo khi cái miệng đầy thức ăn và hơi bia của tên phó phường áp vào môi nó.
Phía sau nhà, có tiếng cải vã của mấy tên tội phạm đang bị nhốt tạm giam ở phường. Ông Phó càu nhàu miệng văng tục mà vẫn mãi miết làm công việc của ông. Con Lê khấn trời cho cơn mưa dứt lẹ. Rồi cơn mưa dứt.
“Mặc đồ vô rồi về đi. Hôm nay anh có nhiều công tác lắm.”
Hắn đưa tay nhìn đồng hồ:
“Lẹ lên. Tụi nó sắp về tới nơi. Thấy không, không kịp nữa...”
Có tiếng lao xao trước cửa phường. Con Lê nhìn qua khe hở cửa. Công an tuần tra đang dẫn về một số bán hàng rong, một mớ bàn ghế bày lề đường bị tịch thu đang đổ xuống giữa nhà. Ông Phó đẩy Lê:
“Lẹ lên. Đi cửa sau này...”
Lách qua một cánh cửa hông con Lê luồn ra ngoài không một ai hay biết.
Vẫn như buổi bữa kia, thân mệt, trí mệt mà nó không được một cắc dính túi. Muốn có tiền, hắn phải đi đến cái quán khuất sau con hẽm của Bao, và muốn chài mồi khách, cũng tự nó phải bỏ tiền ra uống cà phê, ngồi ngóng. May ra...nhưng cũng ít khi, vì chậu cây nào cũng đã có bông hoa đó.
Con Quê đang bưng nước cho khách, liếc nó, nói nhỏ:
“Bà mà cũng cần sang đây tìm “khứa” sao?”
Nó tự ái quá.
“Mầy tưởng vậy? Tao chỉ ngồi chờ bạn tao hẹn ở đây thôi.”
“Vậy sao?”
Coi cái mặt con Quê, biết nó chẳng tin khỉ mốc gì.Cơn giận như bơm cái mặt nó thành bong bóng. Con Lê đứng dậy cái rột, xô ghế cái ình, bỏ đi. Con Quê nhìn theo nhăn mũi.
Con Lê thất thểu như một bóng ma. Nó băng qua đường, lên công viên. Thôi thì đi ngủ cho khỏe thân. Một ngày “thiên lôi hà bá”, mất cả chì lẫn chài, hoàn toàn rách việc.