Chương 7

Hạnh San vừa gọt vỏ củ cà rốt, vừa nhăn nhó nói:
- Anh Thái vừa đưa chị đi xem căn nhà khá đẹp, nhưng mắc quá.
Hạnh Lâm thờ ơ hỏi:
- Anh lại định mở thêm công ty, dịch vụ gì à?
San ngập ngừng:
- Thái định mua cho chị em mình.
Đang nằm trên giường với quyển vở Hạnh Lâm hỏi lại:
- Mua nhà cho chị em mình? Chị có đùa không?
San xụ mặt:
- Chị nói thật chứ đùa gì. Ảnh không muốn tụi mình ở gầm cầu thang nữa.
Lâm nhún vai:
- Ảnh không muốn chị ở gầm cầu thang thì đúng hơn.
Hạnh San lộ vẻ bất bình:
- Nhưng chẳng lẽ ý muốn đó là xấu? Ai cũng thích người mình yêu được sung sướng hết.
Hạnh Lâm phân bua:
- Em có nói gì đâu. Tuy nhiên, em thích ở gầm cầu thang hơn. Nó tối tăm, chật hẹp thật, nhưng đó là khoảng trời của em.
San bỉu môi:
- Dưới hốc cầu thang làm gì có khoảng trời. Em chỉ giỏi tưởng tượng. Chị thì quá chán cái khoảng trời chật hẹp ấy rồi. Chị ao ước có một chỗ ở ra vẻ một căn nhà hơn. Và Thái đã đáp ứng được khát khao đó.
Hạnh Lâm hạ giọng:
- Thế ông ta có nói tới chuyện cưới xin chưa mà lo xây tổ chim câu rồi?
San chớp mắt:
- Tụi chị dự định cuối năm, lúc đó chị cũng vừa tốt nghiệp, đủ sức để phụ anh kinh doanh. Tháng sau ba mẹ Thái về sẽ tính toán cụ thể hơn về đám cưới.
Lâm vờ dỗi:
- Hai người đã tính tới đó, nhưng em và Lập chả hay biết gì.
Hạnh San chống càm:
- Tất cả mọi dự tính, chị cứ thấy thế nào ấy, nên chưa nói với tụi em.
Hạnh Lâm tò mò:
- Chị không nói gì về ông ta với Thái sao?
Khẽ lắc đầu, San hạ giọng:
- Không. Và anh đinh ninh ba đã chết lâu lắm rồi.
Lâm ngập ngừng rồi nói một hơi:
- Nhưng Phú biết ông ta, lẽ nào ông ấy im lặng khi biết Thái tiến tới với chị.
Hạnh San sửng sốt:
- Tại sao Phú lại biết chứ?
Hạnh Lâm cười khẩy:
- Chính ổng nói với Phú và đó cũng là lý do để Phú trở mặt với em vì anh rất ghét ông ấy.
Hạnh San sửng sờ:
- Sao bây giờ em mới cho chị biết?
Lâm cười buồn:
- Em đâu muốn chị bận tâm.
- Nhưng tại sao Phú ghét ba?
- Em không biết.
Hạnh San tự trả lời:
- Chắc ông làm chuyện gì đó ảnh hưởng đến Phú.
Lâm nhếch môi:
- Thì ông có đời nào làm chuyện tốt.
Hạnh San lo lắng nhìn Lâm:
- Chắc chị phải nói thật với Thái thôi.
Hạnh Lâm chua chát:
- Biết đâu chừng anh ta lại phản ứng y như Phú. Chị sẽ mất người chồng lý tưởng, mất ngôi nhà trong mơ.
San hoang mang:
- Chị phải làm sao đây?
Lâm trả lời:
- Em không biết. Nhưng em cho rằng trong tình yêu và tình vợ chồng, thành thật là yếu tố quan trọng để có hạnh phúc. Chị không thể dấu Thái suốt đời được.
Hạnh San thở dài:
- Biết khuyên chị như vậy, sao trước kia em lại không nói thật với Phú?
Hạnh Lâm nhỏ nhẹ:
- Trường hợp em và Phú khác chị và Thái rất xa. Em không hề tự nguyện đến với ảnh, tại sao em phải móc ruột móc gan ra cho ai thấy? Với lại, em luôn luôn nghĩ ba mình đã chết rồi, nên nhưng khi đứng mặt ông, em đều nhủ lòng... Ông là người dưng, Phú muốn có trách em chẳng qua anh ta muốn rủ bỏ một gánh nặng.
Môi nhếch lên đầy cay đắng, Hạnh Lâm nói tiếp:
- Phú là con ngựa bất kham trên tình trường. Em không đủ khả năng giữ chân anh ấy dù chỉ một thời gian ngắn.
Hạnh San tư lự:
- Lắm lúc chị nghĩ, nếu đứa bé không chết, liệu Phú có cưới em không? Trực giác cho chị thấy Phú sẽ tiến tới...
Có thể, vì đó là giọt máu của anh ta mà. Nhưng rồi sau đây, chắc ngựa lại quên đường cũ. Em lại như mẹ ngày xưa, phải ôm con thơ thức chờ chồng đi chơi tận gần sáng mới về. Rồi sau đó bị phụ rẫy và chết vì lao tâm lao lực...
Hạnh San kêu lên:
- Trời ơi! Em vẽ cho mình những hình ảnh đen tối ấy tự bao giờ vậy? Dường như em bị số phận của mẹ ám ảnh nặng quá mất rồi.
Lâm lắc đầu:
- Không phải. Em nhắc tới mẹ để an ủi mình hãy vui lên vì bị Phú lẫn tránh ấy chứ.
San chép miệng:
- Chị thật không hiểu nổi em.
Bước xuống giường, Lâm nói:
- Em tới shop đây.
San dặn dò:
- Nhớ cẩn thận. Dạo này hay có nạn "chê tiền" lắm. Khi nhận tiền, thối tiền phải nhớ chú ý.
Lâm tự tin:
- Em lúc nào cũng đề phòng. Chị không phải lo.
Đến shop, Hạnh Lâm vừa ngồi xuống quầy đã thấy ông Phát lù lù bước vào, người nồng nặc mùi rượu.
Hạnh Lâm tái mặt quay đi, nhưng ông Phát đã tới trước mặt cô:
- Con khỏe hẳn chưa Lâm?
Lầm lì cúi mặt xếp lại những cây son, lọ nước hoa đắt tiền trong tủ kính, Hạnh Lâm làm thinh.Ông Phát cười khan:
- Con hận ba lắm phải không? Đúng. Ba không xứng đáng để các con gọi tiếng ba. Ha! Nhưng đâu sao ba cũng là ba các con. Để nhớ xem, Hạnh San năm nay hai mươi bốn tuổi, con hai mươi hai, thằng Lập hai mươi mốt. Ba có những ba đứa con vừa đẹp, vừa ngoan, lại siêng năng chăm học. Vậy mà ba phải dấu không dám nhận chúng là con, vì sợ mụ vợ quái ác sẽ hại chúng. Ha! Xem ra cuộc đời ba đúng là một bi kịch.
Hạnh Lâm nhỏ nhẹ, nhưng hết sức lạnh lùng:
- Xin lỗi. Ông cần mua gì? Nếu không, mời ông ra ngoài để chúng tôi buôn bán.
Ông Phát vuốt mặt:
- Ba chỉ ghé thăm con thôi, chớ có thiếu gì đâu mà mua. Thằng Phú có tốt với con như thằng Thái tốt với Hạnh San không? Còn thằng Lập nữa, nó có quen ai chưa?
Lâm chua cay:
- Có con gái nào thèm quen với một đứa giữ xe sống chui rúc dưới gầm cầu như nó. Ông ác lắm. Nếu hồi bỏ đi, ông còn chút lương tri, đừng ăn cắp mấy cây vàng mẹ dành dụm thì mẹ con tôi đã có nhà ở, chớ đâu khốn khổ thế nầy.
Mắt toé lên tia căm hận, Lâm mím môi:
- Khổ nhất là mẹ. Khi chết không có được một nơi đàng hoàng để đặt quan tài. Tôi đã thề sẽ không tha thứ cho ông, ông hiểu không?
Ông Phát khổ sở:
- Ba hiểu chứ. Ba không mong được tha thứ mà chỉ muốn lo cho các con.
Hạnh Lâm cười nhạt:
- Lúc mẹ bệnh nặng, tôi nhờ người ta dẫn đi tìm để nhờ ông bố thí ít tiền, lo thuốc thang cho mẹ, nhưng ông lại tránh mặt.
Ông Phát sửng sốt:
- Ba không hề biết chuyện đó.
- Tôi nghe tiếng ông rành rành, ông đừng chối. Phải chi lúc đó ông nhân đạo một chút, có lẽ mẹ đã không chết tức tưởi như vậy.
Ông Phát than thở:
- Ba không biết thật mà.
Lâm gằn từng tiếng:
- Biết hay không, mẹ tôi cũng chết rồi. Bọn tôi tự xem mình mồ côi cha lẫn mẹ, bởi vậy ông không phải lo cho chúng tôi.
Giọng hơi nghẹn lại, ông Phát nói:
- Ba biết nên hôm nay ba tới đây đưa lại tụi con số vàng ngày xưa ba đã lấy cắp của mẹ. Vàng này để dành mua nhà, giờ con lấy tu sửa mồ cho mẹ rồi tìm chỗ mà ở, đừng chui rúc trong gầm cầu thang nữa.
Vừa nói ông vừa đặt lên mặt kính một gói nhỏ. Hạnh Lâm đẩy ra xa.
- Cái ông phải trả là mạng sống của mẹ, là nỗi khổ cực bao nhiêu năm nay của chị em tôi kìa.
Ông Phát nài nỉ:
- Con cứ mỉa mai, mắng nhiếc đi, nhưng đừng từ chối số vàng này. Tụi con có nhà ở, mẹ con chết mới yên tâm nơi suối vàng.
Ông Phát đẩy cái gói vàng tới sát Lâm, cô lại đẩy ra. Ông liền cầm tay Lâm, và đặt túi vàng vào đấy. Giọng ông xúc động:
- Đừng từ chối con à. Ba chỉ trả lại những gì của mẹ thôi mà.
Hạnh Lâm chưa kịp rút tay lại, cửa đã xích mở, Phú lừng khừng bước vào. Nhìn tay cha con Lâm, mặt anh sa sầm xuống, nhưng ngay sau đó Phú mỉm cười lịch sự:
- Vui quá hả? Tôi có thể tham gia được không?
Ông Phát ngượng ngùng rút tay lại. Phú nhìn ông lạnh nhạt:
− Ông vẫn còn phong độ lắm. Nhưng thú thật tôi chướng mắt quá.
Cúi gầm mặt, ông Phát bỏ đi một nước. Phú quay sang nhìn Hạnh Lâm rồi lặng lẽ quay ra. Cái nhìn của anh khiến cô đau thắt ở ngực. Cô chạy theo gọi to.
Phú đứng lại, hất hàm:
− Cô muốn gì?
Hạnh Lâm nuốt nước bọt:
− Tại sao anh ghét ông ta dữ vậy?
Phú cười nhạt:
− Câu hỏi quá thừa.
Dứt lời, Phú lại lầm lũi bước. Hạnh Lâm trở vào shop, cô mân mê gói vàng trong tay, lòng rối tung. Không biết trong đây là bao nhiêu vàng, nhưng nếu để đủ mua một căn nhà thì chắc không thể nào là một hai cây. Với chị em Lâm, số vàng này là một gia tài, là một giấc mơ không dám mơ khi chưa ai rời ghế nhà trường để làm ra tiền bằng công đèn sách mười mấy năm. Thế sao cầm nó trong tay, Hạnh Lâm thấy chua chát nhiều hơn là mừng. Giá như ngày ấy, ông ta đừng vô lương tâm đến mức đánh cắp vàng của mẹ để theo người dàn bà khác qua tận Campuchia thì có lẽ cuộc đời của chị em cô đâu khốn khổ như thế này.
Càng nghĩ, Lâm càng hận cha mình. Hừ! Vâng chị em cô phải lấy vì đó là của mẹ, nhưng tình cha con thì không bao giờ. Với Lâm, ba mình đã chết lâu lắm rồi.
Phú ngồi lặng lẽ nhìn mưa qua ô cửa kính. Năm nay mưa đến sớm, quán xá sớm vắng vẻ và lòng anh thường trống trải hơn. Trước đây, mải mê lao vào chuyện kiếm cho thật nhiều tiền, Phú chẳng bao giờ có thời gian thừa để ngồi nhìn mưa về nhớ nhung lảng đảng về một người như vậy. Thế nhưng, mọi cái đã khác đi khi anh gặp Hạnh Lâm và yêu cô. Tiếc rằng, tình yêu ấy không đẹp như anh tưởng. Phú cố tình quên, khổ sao cô gái ấy vẫn hiển hiện trong tim anh, Lâm như một vết thương không lành, mà chỉ cần chạm nhẹ tay, toàn thân anh đã nhức nhối khôn nguôi. Thái đẩy nhẹ cửa, bước vào, tóc ướt nước. Anh bước đến kế bên Phú, vỗ nhẹ vào vai anh, Thái cười cười:
− Sao giống thất tình vậy?
Phú cười khinh khỉnh:
− Thất tình à? Còn khuya. Tao đang nghĩ cách kiếm thêm nhiều tiền đây.
Thái nheo nheo mắt:
− Tiền mày đâu có thiếu. Lo tìm mối đầu tư cho tình thì hay hơn. Cở tuổi này phải nghĩ tới chuyện vợ con, không thì lâm vào cảnh cha già con muộn đấy.
Phú hất hàm:
− Nói người khác, nhưng mầy thì sao?
Thái thở ra khoan khoái:
− Đợi Hạnh San thi tốt nghiệp xong, chúng tao sẽ cưới.
Nhìn Phú, Thái hỏi:
− Tao không hiểu sao mầy và Hạnh Lâm đã từng mặn nồng như thế mà bây giờ cứ như hai người xa lạ.
Phú nhếch môi:
− Hạnh San không nói gì với mày sao?
− Không. Cô ấy chỉ bảo rằng số của Hạnh Lâm vừa cực vì gia đình, vừa lận đận trong tình duyên, khi con bé vừa hiểu được mình yêu ai thì người đàn ông đó lại quay lưng.
− Thế sao cô ta không nói lý do vì đâu họ lại quay đi?
Thái ngập ngừng:
− Tao muốn hỏi lắm chứ, nhưng thấy để hỏi mày thì đúng hơn.
Phú thản nhiên:
− Cũng chả có gì phải giải thích, Hạnh Lâm đâu phải người đầu tiên của tao, quay đi khi đã chán chường.
Thái đanh mặt lại:
− Nhưng Lâm đâu phải hạng đàn bà để mày đùa chơi rồi bỏ. Mày phải có trách nhiệm với con nhỏ chớ.
Phú long mắt lên:
− Tao đã quá tốt với cô ấy. Lương tâm tao thanh thản khi quay đi. Điều đó chắc chắn Hạnh Lâm biết, thậm chí cô nàng còn cười và cho tao là một gã ngốc nữa là khác. Với đàn ông, điều sĩ nhục nhất là bị người đàn bà mình yêu lừa gạt. Do vậy, chả đời nào tao tha thứ cho cô ta.
Thái ngỡ ngàng:
− Mày... mày... nói vậy nghĩa là sao?
− Đứa bé trong bụng Lâm không phải tác giả là tao. Đã có người đứng ra nhận đó là máu mủ của mình, vậy mà Hạnh Lâm...
Thái ngắt ngang:
− Thằng Long phải không? Sao mày không nghĩ nó cố tình chia cắt mầy và Lâm?
Phú lắc đầu:
− Không phải Long. Nó cũng là một thằng ngốc như tao thôi.
− Vậy thì đó là ai?
Phú bật cười chua chát:
− Không phải là thằng mà là ông. Một ông đứng tuổi ra vẻ một ông bố hơn.
Thái sửng sốt:
− Thật sao?
Thái bồn chồn tự hỏi:
− Hạnh San biết không nhỉ?
Phú nhún vai:
− Đó là chuyện của chị em cô ta. Tính Hạnh San khác hẳn Hạnh Lâm, mầy không phải lo về cô vợ tương lai.
Thái nhíu mày:
− Nhưng sự thật có đúng vậy không?
Phú cười nửa miệng:
− Nếu bịa chuyện là tao tự bôi tro trét trấu vào mặt mình.
Thái hơi chồm tới trước:
− Mầy đã tìm hiểu tại sao chưa?
Phú hơi khựng lại, rồi đáp gọn lỏn:
− Tiền. Chỉ vì tiền thôi. Khi nghèo quá, người ta dễ sa ngã. Nhưng giá như Lâm thành thật, tao sẽ sẵn sàng bỏ qua tất cả, đằng này cô ta lại đóng kịch một cách xuất sắc. Suýt chút nữa tao đã nuôi con thiên hạ rồi. Nếu là mầy, mầy sẽ làm sao?
Thái im lặng. Một lát sau, anh mới nói:
− Tao vẫn thấy những điều mày nói khó tin. Theo tao, Hạnh Lâm yêu mày thật, dạo này con bé buồn lắm. Chuyện xảy ra với Lâm, chắc là một chuyện ngoài ý muốn.
Phú cố chấp:
− Nếu vậy Lâm cũng phải nói thật với tao và không nên tiếp tục quan hệ với người đàn ông đó.
Thái hỏi gặng:
− Mầy gặp hai người sao?
Phú dài giọng:
− Chuyện thường mà. Ông ta vào tận shop Song Hạnh nữa kìa.
Giọng Thái băn khoăn:
− Tao biết ông ta không?
− Ờ, thế mày đã từng gặp. Ông tên Phát.
Thái kêu lên:
− Cũng là chủ một nhà hàng. Đúng không?
Phú kể lể:
− Sau khi chú tao mất, bà thím đã bước thêm bước nữa với người đàn ông này. Ông ta mau chóng tóm thâu mọi thứ. May cho tao, nên nhà hàng nầy mới còn. Nhưng họ tệ đến mức dọn sạch hết mọi thứ bên trong.
Thái ngỡ ngàng:
− Có chuyện đó nữa sao?
Phú gật đầu:
− Lúc đó mày đã xuất ngọai nên đâu biết được tình hình của tao. Đang học năm thứ hai đại học, tao phải bỏ vì không ai nuôi để quản lý một nhà hàng chỉ còn cái vỏ.
Thái ái ngại:
− Rồi mầy làm sao?
− Tao phải thế chấp chủ quyền nhà để vay vốn ngân hàng và tiếp tục với công việc bao nhiêu năm của mình. Có điều lần nầy tao đã là chủ. Vất vả làm tao mới trụ được và đứng vững như hôm nay. Bởi vậy, trong mắt tao, Phát là một kẻ thù không đội trời chung.
Thái gật gù:
− Vừa là đối thủ, vừa là tình dịch. Kể cũng đau thật. Nhưng mày vẫn có thể chơi lão một vố cho tan nhà nát cửa mà.
− Ra đòn kiểu đó thì quá tồi. Tao không muốn.
− Vì sợ hại tới Hạnh Lâm chứ gì?
Phú cười khẩy, thay cho câu trả lời. Thái chợt trầm giọng:
− Trong tình yêu, điều quan trọng nhất là biết tha thứ và tin tưởng nhau. Mầy không thể tha thứ cho Lâm thì ít ra cũng nên nghe cô ấy giải bày chứ. Cố chấp quá càng đau khổ.
Phú nhăn mặt:
− Ai bảo với mầy tao đau khổ?
Thái cười:
− Cần gì phải có người bảo. Nhưng mầy phủ nhận thì thôi. Riêng tao vẫn tin Hạnh Lâm có nỗi khổ riêng nào đó. Rồi tao sẽ tìm hiểu hộ mày.
Phú khoát tay:
− Không cần đâu.
Thái trầm giọng:
− Mầy chưa hiểu chị em Hạnh Lâm bằng tao. Họ có những nỗi niềm riêng không phải với ai họ cũng nói.
− Như vấn đề gì?
− Gia đình chị em Hạnh Lâm rất hận bố mình, vì trước đây ông ta bỏ mẹ con họ để theo một người đàn bà khác qua tận Campuchia. Khi đó ông ta đã lấy hết số vàng mẹ Lâm dành dụm để mua nhà...
Phú thoáng ngỡ ngàng:
− Chớ không phải họ mồ côi cả cha lẫn mẹ sao?
− Đối với chị em Lâm thì ông ta đã chết, nhưng mới đây San nói tao mới biết không phải vậy.
Thái thở dài:
− Chị em Lâm khao khát có một chỗ đàng hoàng một tí. Chắc vì ước muốn này thôi thúc nên Lâm mới can tâm làm thế để đạt được điều chị em cô cần. Vừa rồi San cũng khoe với tao, chị em cô ấy sắp mua nhà mới. Tao không tiện hỏi ở đâu họ có tiền, nhưng bây giờ tao đoán ra rồi.
Phú nhìn Thái trân trối:
− Mày muốn nói là tiền của Hạnh Lâm à?
Thái im lặng thay câu trả lời. Vỗ vai Phú, anh bùi ngùi:
− Dầu như thế nào, Hạnh Lâm vẫn đáng quý, vì con bé biết sống cho người khác. Điểm này Hạnh San và Lập thua Lâm xa. Nếu mầy bỏ Lâm, mầy sẽ ân hận suốt đời.
Phú diễu cợt:
− Mày đâu cần lăng xê em vợ đến thế.
Thái có vẻ giận:
− Mầy tệ hơn tao nghĩ nhiều quá.
Vừa nói, anh vừa bực bội đứng dậy. Trời vẫn mưa, nhưng Thái vẫn bỏ ra cửa. Phú chạy theo giữ anh lại:
− Giận tao à?
Nhìn đồng hồ, Thái thản nhiên:
− Tao hết hứng nói chuyện rồi. Với lại, tao phải đi dón Hạnh San. Tối nay nàng đi sinh nhật bạn nên chỉ mình Hạnh Lâm ngoài quầy không ai chuyện trò, cũng chả ai đưa đón.
Phú đành để Thái đi. Ngồi một mình trong quán, chẳng có mấy người khách, anh vừa buồn, vừa chán vì nhớ Hạnh Lâm. Những gì mới nghe được từ Thái càng làm anh nhớ cô hơn. Suy ra cho cùng, Phú chẳng hiểu nhiều về hoàn cảnh của Lâm, nên dầu yêu cô, anh vẫn không thông cảm cho cô. Cứ loanh quanh lẩn quẩn giữa các dãy bàn mãi cũng chán, Phú phóng xe đi dưới mưa. Tới trước shop Song Hạnh, anh không vào mà ngồi trong xe đốt thuốc. Phải bắt đầu như thế nào với Lâm đây? Phú chợt lúng túng. Anh bị dằn vặt bởi tình yêu và lòng ghen tương ích kỷ. Tha thứ hay không? Phú lần lựa không quyết định nổi. Hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, rồi ngượng ngùng khi nhớ trước đây đã hứa với Lâm không... thuốc lá, rượu chè nữa. Lời hứa ấy anh dễ dàng bỏ qua khi giận Lâm. Anh dễ dãi với bản thân nhưng khe khắt với người mình yêu đến mức không màng nghe cô phân trần giải thích. Nhất định đêm nay, Phú và Lâm phải nói hết những điều chất chứa trong lòng mới được.
Xuống xe, Phú dầm mưa đi tới shop. Đẩy cửa bước vào, anh bất ngờ khi thấy ngoài Hạnh Lâm ra còn có cả Long. Mặt Lâm tái đi còn mặt Long thì hầm hầm khi anh đến gần. Cả ba bỗng rơi vào yên lặng, một sự yên lặng nặng nề đến khó chịu vô cùng. Cuối cùng, Lâm lên tiếng:
− Thưa ông, cần mua gì?
Phú mím môi:
− Anh cần nói chuyện với em.
Hạnh Lâm nhỏ nhẹ, nhưng lạnh như băng:
− Ông cứ nói đi. Tôi xin nghe.
Phú nhìn cô da diết:
− Anh chỉ nói riêng với em thôi.
Lâm quay mặt đi:
− Ngoài chuyện mua bán ra, tôi không muốn nghe chuyện gì cả. Mong ông hiểu cho.
Nãy giờ im lặng nhìn Phú bằng cái nhìn căm ghét, Long chợt lên tiếng:
− Anh không nên làm phiền Lâm nữa. Cô ấy đã nhìn ra bộ mặt thật của anh rồi.
Phú nóng nảy:
− Im đi. Chuyện của chúng tôi không liên quan tới cậu.
Giọng Hạnh Lâm khàn đặc:
− Có đấy. Giữa chúng tôi bây giờ là một. Tôi đã hiểu ai là người đàn ông tốt với tôi rồi.
Phú sững sờ. Anh chợt hụt hẫng ghê gớm. Bản lãnh của một gã lỏi đời, từng trải phút chốc biến mất. Anh đứng chết trân nhìn Lâm nép người vào Long với vẻ tin cậy. Phú giận dữ quay đi. Anh chui vào xe, gục đầu trên vô lăng, lòng đau như bị ai xé. Nhưng anh đâu thể bỏ qua dễ dàng như vậy. Rồ ga, Phú chạy về chung cư và tiếp tục hút thuốc lá trong xe để chờ Lâm về. Có lẽ một lát anh phải chứng kiến cảnh cô âu yếm ngồi sau lưng Long, dịu dàng vòng tay ôm, tình tứ úp mặt vào lưng thằng nhãi ấy. Cũng chẳng sao, anh đang muốn thử sức chịu đựng của mình trước những cảnh ấy đấy. Mưa vẫn lâm thâm rơi, không lớn, nhưng vẫn đủ sức làm lạnh run những người phải đội mưa mà đi. Phú rít thuốc đỏ trên môi, anh vẫn lạnh hơn những người đang co ro ngoài kia. Trán Phú chợt nhíu lại khi thấy một dáng nhỏ đang còng lưng đạp xe về một mình trong đêm mưa vừa lạnh, vừa vắng chớ không phải về với Long như anh tưởng. Tông mạnh cửa xe, Phú băng băng chạy về phía cô đúng lúc Lâm đứng trước lề chung cư để vào cầu thang. Phú giữ tay cầm xe lại, đôi mắt tối sầm vì hối hận đã nghĩ sai về Lâm. Giọng hơi nghẹn một chút, Phú thì thào:
− Hạnh Lâm!
Dù bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của Phú, Lâm vẫn mím môi đẩy đầu xe tới trước:
− Xin lỗi. Ông cho tôi vào nhà.
Buông xe ra, Phú lì lợm giữ chặt đôi vai mảnh dẻ của Lâm, buộc cô phải ngước lên nhìn anh. Ánh mắt lấp lạnh buốt của Phú khiến Lâm chùn chân. Một tiếng nức nở tắt nghẹn trong họng Lâm. Cô như đổ gục khi Phú kéo mình vào lòng.
− Lâm ơi!
Anh lại khẻ gọi tên cô, khẻ tới mức Lâm tưởng như cô đang mơ. Mưa vẫn đều hạt, Phú vuốt những sợi tóc ướt trên vầng trán mịn màng trắng như men sứ của Lâm rồi nài nỉ:
− Đừng giận anh nha Lâm.
Lâm lắc đầu và vùng ra:
− Hương Thảo đâu mà ông đến đây? Tôi không phải là trò tiêu khiển của ông. Hãy để cho tôi được yên.
Phú thoáng ngỡ ngàng khi Lâm nhắc đến Hương Thảo bằng giọng khá gay gắt. Với Phú, cô gái này chỉ để đùa vui, để trêu tức Lâm. Anh đã quên khuấy cô nàng, không ngờ Hạnh Lâm vẫn nhớ. Điều đó chứng tỏ Lâm yêu anh nên ghen. Giọng chùng xuống, Phú nói:
− Hương Thảo không liên quan gì tới chúng ta hết.
Hạnh Lâm vuốt gương mặt dầm nước mưa:
- Vậy thì ai liên quan? Ông Phát phải không? Ông không chấp nhận ông ta, sao còn tìm gặp tôi làm chi? Dẫu tôi cũng rất thù ông Phát, nhưng giữa chúng tôi vẫn còn tồn tại một ràng buộc thiêng liêng. Ông không vượt qua sự căm ghét của mình để chấp nhận sự ràng buộc nầy thì giữa chúng ta đã chấm dứt rồi.
Gạt mạnh tay Phú khỏi vai mình, Lâm dắt xe đạp đi, cô khuất sau hốc cầu thang rồi mà Phú vẫn đứng trơ trơ dưới mưa.
Lâm vừa khẳng định tình cảm giữa cô và ông Phát, đã vậy cô còn bảo anh phải vượt qua bản thân để chấp nhận tình cảm này nếu yêu cô.
Phú cười gằn. Có gã đàn ông nào chấp nhận như thế không? Anh quay gót trở về chỗ đậu xe và phóng đi. Ngòai trời mưa vẫn rơi.
oOo
Lập rụt rè ngồi xuống kế bên Phú. Thái độ của cậu khiến anh buồn cười.
Vỗ mạnh vai Lập, Phú nói:
− Làm gì mà căng thẳng thế? Anh đã ủng hộ, cậu không phải lo.
Hoàng Điệp tủm tỉm:
− Ngày thường anh quậy lắm mà.
Lập hiền lành cãi:
− Anh có quậy gì đâu.
Bà Hà nói vào:
− Có quậy cỡ nào cũng không bằng anh Phú nhà nầy. Làm đàn ông hiền quá cũng dở. Nghe Điệp kể hoàn cảnh của cháu, bác thấy thương. Mấy chị em đùm bọc nhau để sống đã là khó, đằng này lại còn học tới đại học nữa. Bọn trẻ bây giờ không phải ai cũng có ý chí thế đâu.
Phú nháy mắt trêu:
− Được điểm mười rồi. Khỏe nha.
Bà Hà tiếp tục nói:
− Từ nay rảnh cháu cứ tới nhà chơi. Bác không khó khăn trong chuyện bạn bè của Hoàng Điệp. Nhưng bác luôn bảo nó phải chọn bạn. Quen ai phải đưa về cho bác biết, nếu thấy không được, bác cấm là Điệp chả dám cãi lời đâu.
Lập ngoan ngoãn nghe bà Hà giao đầu. Muốn cưới được vợ phải chịu cực, chịu khó. Nghe thế này, cũng không cực lắm.
Bà Hà hạ Giọng:
− Hoàng Điệp hay nhắc chị Lâm của cháu lắm. Tháng sau giỗ của bác trai, bác mời cả ba chị em cháu tới ăn giỗ. Nhớ không được từ chối đó.
Lập lễ phép gật đầu. Nhìn cậu ta, Phú lại chạnh lòng khi nghĩ tới Hạnh Lâm. Nếu như bà Hà biết ông Phát dan díu với cô thì chuyện gì sẽ xảy ra nhi? Bà thím anh tuy rất mực si mê ông Phát, nhưng bà cũng rất quyền hành độc đoán và ghen thì cũng kinh khủng.
Hoàng Điệp kể có lần ghen ông Phát với một cô nữ tiếp viên, bà Hà đã cầm dao rượt ông chạy vòng vòng trong nhà. Ông Phát sợ đến mức phải quỳ xuống thề thốt đủ điều.
Giọng Hoàng Điệp khó chịu:
− Giờ này mà vẫn không thấy dượng về...
Bà Hà vội nói:
− Mẹ Vừa nhờ ổng chút chuyện, chắc cũng sắp về tới rồi.
Quay sang Phú, bà hỏi:
− Nghe nói dạo nầy ổng hay ghé nhà hàng Sao Đêm lắm phải không?
Phú vội lắc đầu:
− Dạ, không. Nhà hàng của thím thuộc loại có đẳng cấp, ông ta ghé nhà hàng cháu làm chi?
Bà Hà nhếch môi:
− Làm chi chỉ đàn ông với nhau mới biết.
Giọng Phú đanh lại:
− Không có lý do gì cháu bao che cho hạng người đó cả.
Hoàng Điệp bấu tay Phú:
− Cho em xin mà. Bữa nay em đang vui, anh để em vui cho trọn đi.
Phú im lặng. Ngòai cổng có tiếng chuông. Bà Hà nói:
− Chắc ổng về đó.
Hoàng Điệp đứng dậy ra mở cửa. Lập tò mò chờ người mà Diệp từng bảo là mẹ cô si mê, xem ông ta phong độ đến cỡ nào.
Sự háo hức của Lập tắt ngấm khi anh nhận ra ông Phát. Những biến chuyển trên gương mặt Lập không lọt khỏi ánh mắt sắc sảo của Phú. Anh thấy cả sự bối rối cùng cực của cả ông Phát.
Ông ta cười, nhưng miệng méo xệch khi nghe Hoàng Điệp giới thiệu Lập. Ông Phát chìa tay ra, nhưng Lập quay đi giọng chua chát:
− Sao lại là ông? Thật không ngờ.
Điệp ngơ ngác:
− Ủa! Anh quen dượng em hả?
Lập cười đau đớn:
− Quen. Rất quen nữa là khác.
Nhìn bà Hà, Lập nói:
− Xin lỗi. Cháu không thể ở lại dùng cơm với gia đình bác được.
Dứt lời, Lập đâm đầu chạy bỏ ra đường trước tiếng gọi thất thanh của Điệp.
Quay sang nhìn Phú, Điệp thảng thốt:
− Chuyện gì vậy anh?
Phú chưa trả lời, Hoàng Điệp đã hỏi ông Phát:
− Sao anh Lập lại bỏ đi hả dượng? Bộ hai người từng xích mích à?
Ông Phát ấp úng:
− Làm gì... làm gì có.
− Nhưng anh Lập bảo là rất quen dượng mà.
Ông Phát liếm môi:
− Thằng ấy giữ xe gần siêu thị. Ai là khách thì nó quen.
Phú cười khẩy trước cách chối quanh của ông Phát. Lập còn biết xấu hổ vậy mà Lâm lại bảo anh phải chấp nhận việc của cô và lão già đáng tuổi cha chú ấy.
Anh đứng dậy, trấn an Điệp:
− Để Lập cho anh. Không sao đâu. Cậu ta bị sốc chút chút khi gặp dượng đấy mà.
Ra tới đường, Phú không thấy Lập đâu. Thằng nhóc nhanh gớm. Phú chạy xe lòng vòng để tìm, nhưng không thấy. Anh quay về bãi xe, và nghe một người bạn của Lập bảo Lập vừa về rủ đi nhậu, nhưng vì bận trông xe, nên chẳng đứa nào chịu đi. Cậu ta chỉ cho Phú cái quán cóc gần đó.
Anh tìm ra Lập chẳng khó khăn gì. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu nhỏ kế cái bàn con con xiêu vẹo, Phú bắt đầu bằng một câu hỏi nhỏ nhẹ:
− Chuyện gì? Cứ nói cho anh nghe, em sẽ thấy nhẹ người.
Lập lầm lì ực cạn một ly rượu đế mà mặt không hề đổi sắc.
Nhìn chai nửa lít trên bàn, Phú giật phắt cái ly:
− Anh uống với cậu.
Lập gắt ngang:
− Anh đừng giả vờ nữa. Tại sao anh biết tất cả mà để tôi phải rơi vào cảnh ngộ khốn nạn như vừa rồi?
Phú bối rối:
− Tôi không cho rằng chuyện ông ta và Hạnh Lâm có liên quan đến em.
− Không liên quan? Anh nghĩ lạ vậy? Chẳng lẽ tôi không phải là con ổng?
Phú sửng sốt. Anh ấp úng:
− Em nói sao? Ông Phát là... là ba của chị em em à?
Lập long mắt lên:
− Ổng là người cha đốn mạt nhất, tồi tệ nhất. Trên đời này chị em tôi không căm thù ai bằng ổng. Vậy mà anh không hề thông cảm với chị Lâm. Anh ruồng rẩy vì chỉ vô phúc có một ông cha như thế. Đúng là ích kỷ, nhỏ nhen.
Ngừng lại để thở, Lập nói tiếp:
− Anh thừa hiểu tôi không chịu nổi cú sốc vừa rồi mà anh vẫn cho xảy ra và điềm nhiên ngồi xem tôi rơi từ trên cao xuống địa ngục. Anh thật độc ác.
Phú bàng hoàng vì những gì vừa nghe. Thì ra anh đã hiểu lầm Hạnh Lâm. Anh đã nghĩ sai hoàn toàn về con người cô. Điều đó cũng có nghĩa là anh đã sỉ nhục, đã xúc phạm cô nặng nề. Tại sao anh lại mù quáng đến thế nhỉ?
Khổ sở nhìn Lập, Phú phân bua:
− Anh không biết ông Phát là ba em. Thật đó.
Ngừng một chút, Phú ân hận tuôn một hơi:
− Anh thật tồi tệ khi nghĩ rằng Hạnh Lâm là nhân tình của ông ta. Anh cho rằng đứa bé trong bụng Lâm là của ông Phát. Bởi vậy anh mới đối xử với Lâm không ra gì.
Lập bóp chặt cái ly:
− Tại sao anh lại nghĩ oái oăm như vậy?
Tay run run đốt thuốc, Phú kể lại cho Lập nghe những cuộc trò chuyện không đầu không đuôi giữa anh và ông Phát cũng như giữa anh và Hạnh Lâm.
Phả ra một hơi khói dài, Phú ray rứt:
− Tự anh đã nhân nỗi đau của Lâm lên gấp đôi, gấp ba. Anh thật tệ vì đã nghi ngờ sự trong trắng của người mình yêu.
Lập thở dài:
− Khi yêu ai cũng mù quáng. Em không trách anh. Nhưng chị Lâm khổ lắm, anh lựa lời mà phân bua, xin lỗi chỉ.
Phú tức tối:
− Anh không ngờ ông Phát dấu mình kỹ thế. Mãi tới bây giờ, thím Hà vẫn tin rằng ông ta chưa vợ con.
Lập nhếch môi:
− Điều đó cũng dễ hiểu, vì có bao giờ vợ con ổng xuất hiện đâu. Nói thật, nếu em không gặp ổng vào bệnh viện thăm chị Lâm, thì hôm nay chưa chắc em nhận ra ba mình.
Phú tò mò:
− Ông Phát bỏ hẳn tụi em sao?
Rót rượu ra ly, Lập nói:
− Chưa bao giờ ổng đi tìm, ngoại trừ lần tìm chị Lâm. Ông hiển nhiên giải thích rằng, ổng không biết chỗ tụi em ở.
Lập cười khẩy và nói tiếp:
− Ổng nói láo.
Phú ngập ngừng:
− Cũng có thể ông ta nói thật.
Lập nhún vai:
− Nếu tìm cũng là để trả lại số vàng trước kia ông ta đã đánh cắp của mẹ cho lương tâm thanh thản, chớ đâu phải để nhận tụi em là con.
− Ông ta đã làm điều đó phải không?
Lập gật đầu:
− Số vàng ấy chị San đang giữ. Rồi tụi em sẽ có một cái nhà, nhưng mẹ em không còn sống để nhìn thấy.
Giọng Lập bỗng trầm xuống:
− Khi ổng bỏ đi, mẹ em trắng tay với ba đứa con chỉ biết ăn học. Có người tốt bụng cho ở nhờ, nhưng được mấy năm khu ấy bị giải tỏa thế là phải ở gầm cầu thang. Mẹ phải dậy sớm nấu xôi đi bán, chiều đi dậy, tối phụ việc trong các quán phở tới khuya rất cực. Vì làm việc quá sức, nên mẹ bị lao phổi rồi mất. Ông ta biết mẹ bệnh, mê mang, hấp hối, nhưng không hề ghé, không hề giúp đỡ dù lúc đó tụi em biết ổng rất giàu.
Nhìn giọt nước mắt phẩn uất chạy dài trên gương mặt Lập, Phú xót xa nhớ tới lời ông Phát lúc nãy... Rõ ràng ông ta quá tệ khi chối bỏ con mình. Ông sợ thím Hà đến mức nói Lập là người giữ xe ở siêu thị cho mình chẳng quen biết gì. Ông ta chỉ sống cho bản thân chứ chẳng cho ai hết.
Rót cho mình ly rượu, Phú uống cạn rồi nói:
− Đừng làm khổ Hoàng Điệp. Mồ côi cha, sống với một bố dượng không ra gì, con bé cũng có sung sướng chi đâu.
Lập chua chát:
− Biết em là con ổng, chắc gì mẹ Điệp chấp nhận cho tụi em tiếp tục quen nhau.
Phú phẩy tay:
− Chuyện đó đã có anh.
Lập cười nhạt:
− Chuyện của anh là với chị Lâm kìa. Chị em không bỏ qua cái tội nghĩ bậy bạ của anh đâu.
Phú lạc quan:
− Hạnh Lâm rất bao dung, rất rộng lượng. Cô ấy sẽ tha thứ cho anh như đã từng tha thứ. Bây giờ anh em mình "chơi" hết chai này nha.
Lập gật đầu. Hai người ngồi với nhau mấy tiếng đồng hồ kể cho nhau nghe về bản thân, về những ngừơi thân của mình. Khi tàn cuộc nhậu cũng đã khuya.
Phú đưa Lập về, anh muốn gặp Lâm ngay lúc nầy vô cùng.
Hai người về tới cầu thang thì đã hơn mười giờ. Lập bất ngờ khi thấy ngoài San và Lâm ra còn có cả Hoàng Điệp.
Cô bé đứng dậy ngay khi anh vào, còn Hạnh Lâm lại leo vội lên giường tầng úp mặt vô vách khi thấy Phú.
Hạnh San rầy la:
− Điệp đợi em mấy tiếng đồng hồ rồi. Có chuyện gì không vừa lòng thì nói, ai lại bỏ đi uống rượu thế.
Phú vổ vai Lập:
− Đưa Hoàng Điệp tới quán cà phê nào đó đi.
Lập lặng lẽ bước trở ra, Điệp lẽo đẽo theo sau với vẻ cam chịu trong thật tội.
Hạnh San thở dài:
− Toàn gặp chuyện bực mình không thôi.
Phú ngần ngừ:
− Tôi có thể gặp Lâm một chút không?
San nhìn lên tầng trên của cái giường:
− Anh thấy đó, Lâm ngủ rồi. Hôm nay Lâm vừa đi học vừa đi làm suốt ngày. Con bé đừ lắm nên cần nghỉ ngơi.
Phú nài nỉ:
− San mắng tôi bất lịch sự cũng được, nhưng làm ơn cho tôi gặp Lâm ngay bây giờ.
San lắc đầu:
− Nói thật, anh đừng buồn. Anh gặp con bé cũng vô ích vì nếu muốn, nó đã không quay mặt vào vách như vậy.
Phú thở dài, anh ra ngoài ngồi trên bậc thang đốt thuốc hết điếu này đến điếu khác.
Hơn một giờ khuya Lập mới về, thấy anh ngồi tư lự với đóm lửa dỡ trên môi. Lập thảng thốt:
− Trời đất! Sao lại ngồi đây?
Rồi cậu ta tự trả lời:
− "Bà Tám" nhà em vẫn còn giận phải không? Em đã bảo bà ấy giận dai hơn giẻ rách mà.
Phà một hơi thuốc, Phú cương quyết:
− Không gặp được Lâm, anh không về.
Lập ngồi xuống kế anh:
− Tim chị em bằng đá đó. Để làm mềm nó, chắc anh còn mệt dài dài.
Phú búng tàn thuốc ra xa:
− Anh không ngại chuyện ấy mà chỉ ngại Lâm không yêu anh thôi.
Hơi ngập ngừng, Phú hỏi:
− Long còn gặp chị em hết?
− Không thấy anh ta ghé đây, nhưng nghe chị San nói Long thường tới shop. Trước kia chị Lâm đã không yêu ảnh, chẳng lẽ sau những chuyện Lan Anh gây ra, chị em lại yêu Long hay sao mà anh lo.
Phú nhếch môi:
− Ai có thể biết được, càng gắp khó khăn trắc trở, tình yêu càng dễ phát sinh. Nếu Hạnh Lâm quay lại với Long, là cũng vì anh, còn trách gì cô ấy chứ?
Lập tủm tỉm:
− Sao lại bi quan vậy?
Phú thở dài:
− Sự thật là thế mà. Còn cậu thì sao?
Lập chép miệng:
− Cũng mịt mù không kém anh. Chẳng biết anh em mình hỗ trợ nhau nổi không. Hoàng Điệp kể nội chiến xảy ra tưng bừng trong nhà vì mẹ cô ấy không tin giữa em và ông ta không có quan hệ gì. Bác gái còn nói em và ổng giống nhau như đúc nữa kìa.
Phú ngỡ ngàng nhìn sững Lập như chưa bao giờ anh thấy cậu ta. Dưới ánh sáng vàng nhạt của cái đèn hành lang, anh nhận ra đúng là giữa hai người có nhiều nét giống nhau. Vậy mà trước kia, Phú không hề thấy. Lòng ghen tương đố kỵ khiến người ta mất khôn thì phải.
Giọng Lập lại vang lên:
− Bác Hà đuổi ông ấy đi và cấm Điệp giao du với em.
Phú chắc lưỡi:
− Ôi dào! Thím Hà đuổi ổng biết bao nhiêu lần mà kể. Sau đó chính bà lại năn nỉ ổng về. Còn Hoàng Điệp ấy hả. Nó lớn rồi, phải tự quyết định cuộc đời mình chứ.
Lập rầu rĩ:
− Điệp đòi tới ở đây với em. Nhưng anh thấy đó. Em nghèo quá, lại đang đi học, em không đeo bồng cũng không muốn cô ấy khổ. Điệp còn lãng mạn và bồng bột trong tình yêu lắm, cô ấy cứ tưởng đời thật đẹp như trong phim. Em vừa bảo không được, đã giận đòi đi chết.
Phú nói:
− Điệp trẻ con thật. Nhưng con bé rất yêu em. Giàu nghèo đâu phải là khoảng cách không thể vượt qua. Anh cũng là con mồ côi, cũng từ tay trắng vươn lên. Anh tin tụi em sẽ vượt qua tất cả bằng tình yêu và nghị lực của mình.
− Thế còn anh? Anh định ngăn khoảng cách với chị Lâm bằng cách nào đây?
Phú không trả lời, mà lại đốt thuốc. Lập giữ điếu thuốc lại:
− Tối nay ngủ đất với em nghen. Anh chịu khó tuần lễ, nửa tháng gì đó,biết đâu trái tim đá của "bà Tám" mềm lại.
Phú gượng gạo cười trước đề nghị hết sức dễ thương của Lập. Đúng là biết đâu chừng, anh tin rằng trái tim của Hạnh Lâm nồng nàn, dễ xúc động chứ không sắt đá như Lập nói.
oOo
Hạnh Lâm đẩy dĩa xôi mặn còn nóng hổi về phía Lập:
− Em ăn đi. Chị không đói.
Lập tròn xoe mắt rất ư dễ thương:
− Phần đó của chị mà. Xôi ngon đặc biết đúng gu chị thích nữa.
Lâm lườm cậu ta:
− Gu nào? Em giỏi nhiều chuyện thôi.
Liếc xéo chỗ Phú đang ngồi, cô lầm bầm:
− Mới tảng sáng đã bị quỷ ám.
Lập chỏ mồm vào:
− Yêu chớ đâu phải quỷ.
Hạnh Lâm làm thinh, dắt xe đạp ra. Phú bảo:
− Để anh đưa em tới trường.
Lâm thản nhiên:
− Cảm ơn. Ông tới mà đưa đón Hương Thảo. Con bé rất thích ngồi xe du lịch đời mới.
Dứt lời cô dắt xe xuống lề đạp đi. Lập nháy mắt với Phú:
− Chua thật. Nè! Đạp xe của em theo đi. "Bà Tám" chỉ giỏi nói thế chớ trong bụng... yếu lắm rồi. Chỉ cần dùng khổ nhục kế một thời gian nữa là thắng lớn.
Dắt xe ra, Phú cong lưng đạp theo Lâm. Trời còn mờ sương, không khí se lạnh làm anh sảng khoái.
Đến kề bên cô, Phú thì thầm:
− Sáng nào cũng được như vậy thật hạnh phúc.
Hạnh Lâm giật mình, nép sát vào lề. Đến khi nhận ra anh, cô gắt gọng:
− Anh đừng hoài công, vô ích lắm.
Phú mỉm cười:
− Khi yêu không ai tính công hết. Mà nếu có tính anh cũng chẳng hoài công, anh biết chắc em yêu anh.
Lâm cay độc:
− Đó là chuyện trước kia. Nếu tôi chưa yêu anh, thì anh còn hy vông ngày nào đó tôi sẽ yêu. Khổ nổi tôi đã chán rồi. Có lẽ hơn ai hết, anh hiểu thế nào là cảm giác chán một người.
Phú điềm nhiên:
− Em cứ nói cho hả dạ đi. Anh không chán đâu.
Hạnh Lâm mím môi đạp mạnh pe-đan. Chiếc xe cán lên một hòn đá chảo qua một bên làm cô loạng choạng. Lâm thắng lại và kêu trời trong bụng khi thấy dây sên sút ra.
Phú hớn hở như bắt được vàng.
− Để cho anh. Giờ này không có thợ đâu.
Lâm ương ngạnh:
− Tôi làm được.
− Nhưng dơ tay hết.
− Mặc xác tôi.
Phú nói:
− Càng chống đối cự tuyệt, em càng để lộ tình cảm của mình.
Hạnh Lâm ấm ức để Phú loay hoay gắn sên vào đĩa. Nhìn đôi tay lấm lem của Phú, Lâm rút bịch khăn giấy đưa anh kèm theo câu "Cám ơn" lạnh ngắt.
Lúc Phú còn đang chùi tay, cô đã nhanh lên xe phóng vút đi.
Phú vội vàng vọt theo:
− Lâm! Chờ anh với.
Tới ngã tư đèn đỏ, Phú ấm ức dựng xe và ấm ức nhìn Lâm mất hút ở cuối phố.
Quay trở lại gầm cầu thang, anh trả xe cho Lập rồi về nhà. Đêm qua là đêm thứ ba Phú... ăn và ở nhà Hạnh Lâm, để mỗi sáng anh dậy thật sớm chạy mua điểm tâm cho mọi người để nhận những cái nhìn dửng dưng của Lâm.
Lập nói không sai, Hạnh Lâm giận dai kinh khủng.
Ngã lưng lên nệm, anh vươn vai khoan khoái. Những ngày sau đó, cảm giác ray rức ập về khi anh nhớ tới hốc cầu thang ẩm thấp chật chội của chị em Hạnh Lâm.
Cô chui rúc nơi tăm tối đó, anh mới hiểu tại sao chị em Lâm căm ghét ông bố của mình đến thế.
Đang đắm chìm trong suy nghĩ, Phú chợt bừng tĩnh vì tiếng chuông ngoài cổng. Anh uể oải đứng dậy ra mở cổng.
Thất bất ngờ khi người tìm anh vào lúc này lại là Lan Anh.
Phú khó chịu:
− Có chuyện gì? Sao em không điện thoại trước?
Không đợi Phú mời, cô tự nhiên bước vào nhà:
− Điện thoại anh sẽ không nghe em nói hết câu, tìm anh vào những lúc khác chắc chắn sẽ không gặp, nên em chọn sớm như vậy. Đừng giận nha.
Thả người xuống salon, Phú hất hàm.
− Chuyện gì? Vào đây đi.
Lan Anh xịu mặt, rầu rỉ:
− Không phải tới đây than thở, nhưng sau vụ bị Thái đen chơi một vố, em kẹt dữ lắm. Em tới cầu xin anh giúp đỡ...
Thấy Lan Anh ngập ngừng, Phú che miệng:
− Cứ nói tiếp đi.
Lan Anh lấp lửng:
− Em không mượn tiền mượn vốn của anh đâu.
− Vậy em muốn gì?
− Ngoài siêu thị Lan Anh ra, em chẳng còn miếng đất nào cắm dùi. Em đang cần một cái kho chứa hàng. Anh có thể cho em mượn cái kho phía sau nhà hàng Sao Đêm không? Muốn bao nhiêu em cũng chịu, nhưng xin anh cho em được trả chậm.
Nhìn Lan Anh, Phú cười nhạt:
− Kho đó đâu có trống.
− Nhưng hàng của em không nhiều, không choán chổ của anh đâu.
Lan Anh hạ giọng:
− Dầu gì cũng xin anh nghĩ chút tình xưa...
Phú lạnh lùng:
− Tình nghĩa gì hạng độc ác như cô. Giữa chúng ta chỉ là đùa chơi kiểu bèo dạt mây trôi. Đầu tiên ngủ với nhau, mình đã thỏa thuận như thế, giờ đừng kể lể, tôi không động lòng đâu. Trái lại, tôi càng câm phẫn khi nhớ tới đứa bé. Hừ! Cô đã giết con tôi, tôi không đời nào quên.
Giọng Lan Anh nhẹ như sương:
− Nó không phải con anh. Đừng nhận vơ vào rồi oán trách em.
Phú đứng phắt dậy:
− Ra khỏi đây ngay. Ra ngay!
Nhưng Lan Anh chưa động đậy, Phú lại nghe có tiếng chuông. Anh hậm hực mở cửa.
Hương Thảo cười ngỏn nghẻn:
− Em mang điểm tâm tới cho anh.
Phú cau có:
− Tôi có bảo cô làm chuyện này đâu. Mang về dùm đi.
Nghiêng người nhìn vào phòng khách Hương Thảo trở giọng ghen tương:
− Thì ra anh đuổi em vì bà chằn lửa đó. Em không về đâu.
Vừa nói, Thảo vừa giậm chân đi vào nhà. Mặt khinh khỉnh, Thảo vênh váo.
− Bà chị đã ở đây suốt đêm rồi, giờ cho em mượn anh Phú một tí, chắc không xót chứ?
Phú cố ghìm cơn giận xuống:
− Mời hai người ra ngay.
Lan Anh chậm rãi đứng lên:
− Chuyện gì cũng không nên cạn tàu ráo máng. Hừ! Già néo thì đứt dây. Anh hãy nhớ câu đó.
Hương Thảo nhìn theo những bước chân kênh kiệu của Lan Anh rồi bỉu môi:
− Cho mẹ ta.. de là phải. Vừa già vừa đỏng đảnh chướng mắt.
Phú quát:
− Cô cũng xéo ngay.
Hương Thảo trố mắt:
− Sao lại trút giận vào em?
Phú hạ giọng:
− Em về đi. Anh đang bực bội đấy.
Hương Thảo bước đến xoa lưng anh:
− Em sẽ làm anh hết bực ngay mà.
Phú xua tay:
− Về lo học hành đi. Anh không muốn em thế này...
Thảo cười nhạt:
− Học làm gì nữa hở anh? Hiện giờ em thích kiếm tiền hơn.
Phú cộc cằn:
− Vậy thì đi chỗ khác. Anh không phải ngân hàng đâu.
Hương Thảo gằn:
− Hạnh Lâm có gì hơn em? Nó cũng kiếm tiền kiểu này thôi.
Giọng Phú đanh lại:
− Cấm em động tới Hạnh Lâm. Cổ hơn em nhiều lắm.
Thảo trề môi:
− Lại thần thánh hóa. Anh và Long mê muội như nhau.
Phú hết kiên nhẫn, anh phũ phàng:
− Xéo mau! Không thôi, tôi sẽ ném em ra khỏi đây.
Hương Thảo vừa bước ra cửa, vừa nói vọng vào:
− Rồi có lúc anh sẽ ân hận vì thái độ hôm nay.
Phú vỗ nhẹ vào trán. Mới sáng sớm đã lu bu bực bội vì đám đàn bà. Nhưng tất cả cũng tại anh đã sống quá buông thả, giờ còn trách gì. Chính sự buông thả này cũng là một nguyên do để Hạnh Lâm ngao ngán anh.
Chuông điện thọai reo lên, Phú nhấc ống nghe, giọng Thái vang lên:
− Đi uống cà phê.
− Được. Nhưng ở đâu?
− Mimosa. Tao đang chờ mầy.
Cúp máy, Phú vươn vai làm vài đng tác thể dục rồi phóng xe đi.
Tới quán đã thấy Thái ngồi với tờ báo trên tay. Phú hất hàm:
− Có tin gì lạ à?
− Không. Đọc để giết thời gian vậy mà. Nhưng cũng nhiều cái hay. Làm ăn phải nắm thông tin.
− Nếu tin đã đưa lên báo thì trễ quá rồi.
− Đương nhiên. Nhưng cũng phải đọc để kiểm chứng.
Phú nheo mắt:
− Mày gọi tao ra đây không để nói chuyện bao đồng chứ?
Thái cười:
− Tao định hỏi xem mày và Hạnh Lâm ra sao rồi? Có chút hy vọng nào không?
Phú ngập ngừng:
− Đương nhiên là phải có. Cơn giận của phụ nữ được ví như những cơn bão lớn mà. Nhưng bão cấp mấy rồi cũng phải tàn.
Thái tủm tỉm:
− Chỉ sợ trước khi tàn nó quất sạch mọi thứ ấy chứ.
Phú cũng cười, nhưng không nói gì thêm. Thái bỗng hạ giọng:
− Dạo này mày có gặp Lan Anh không?
Phú ngập ngừng:
− Hầu như không.
Thái nói:
− Sau vụ đất đai, cô ta bệ rạc lắm. Nghe nói suýt phá sản vì thiếu nợ.
Phú gật gù:
− Tao có biết vụ đó. Mày cao lắm.
Thái bình thản:
− Làm ăn với hồ ly không cáo nó sẽ nuốt trọn mình. Con nhỏ đó đúng là dầy mặt. Cách đây vài hôm, nó đến tìm tao, anh anh em em ngọt sớt như chưa xảy ra chuyện gì.
Trán cau lại, Phú hỏi:
− Lan Anh tìm mày chi vậy?
Thái trả lời nhát gừng:
− Mượn đất làm kho chứa hàng.
− Mày đã từ chối?
− Đương nhiên. Ai biết nó chứa hàng gì. Vả lại, bản chất Lan Anh độc ác, tao không muốn làm ăn với hạng người này.
Phú mím môi:
− Cô ta cũng tới tìm tao với mục đích đó. Nhớ tới những chuyện xảy ra với Hạnh Lâm, tao tức đến mức đuổi cô ả thẳng tay.
Thái chậm rãi nói:
− Nghe đồn dạo này Lan Anh buôn bán lậu và cả hàng trắng nữa. Mày phải cẩn thận đấy.
Phú lạnh lùng:
− Tao và cô ta xem như đã xong rồi.
− Vậy thì tốt. Nhưng hãy coi chừng, rắn độc hay trả thù lắm.
− Mày cũng thế. Đâu phải Lan Anh chỉ trả thù mình tao.
Thái bật cười:
− Hận tình đáng sợ hơn.
Phú có vẻ tự tin:
− Nhắm cô ta làm quái gì tao nào?
− Tao không phải Lan Anh, làm sao trả lời mày được. Mà này! Rảnh không? Đi xem nhà với tao.
Phú hóm hỉnh:
− Tậu nhà chuẩn bị cưới vợ à?
Thái trả lời:
− Thì cũng tới lúc rồi.
Phú chép miệng:
− Mày làm tao nôn quá.
Rồi anh đứng dậy bước theo Thái, lòng bâng khuâng không biết chừng nào mình được như anh ta.