Quyển Sách Quý

Trong số quan lại ở phủ Chúa có rất nhiều hoạn quan tham lam, nịnh hót. Chúa tin dùng chúng vì chúng giỏi gièm pha, tâng bốc. Có tên hoạn quan cấp trên ghét Quỳnh lắm, hễ có dịp là hắn rình mò Quỳnh rồi tâu xấu với chúa, xúi chúa làm tội Quỳnh. Quỳnh biết điều đó nhưng làm ngơ, xem hắn như cỏ rác.
Một hôm, Quỳnh quắp nách một quyển sách rất đẹp, đi lơn tơn qua các hành lang, mặt vẻ nghiêm trọng rồi lại giấu giấu, giếm giếm… Tên hoạn quan kia đang rình mò Quỳnh, thấy vậy sinh nghi, bèn chạy theo níu áo đòi mượn sách xem. Hai bên giằng co một hồi thì tên quan giật được. Hắn lật từng trang, chỉ thấy toàn giấy trắng, đến trang cuối cùng có chữ, nhưng hắn cố căng mắt ra đọc cũng chả hiểu gì cả. Túng quá, hắn bảo Quỳnh đọc xem là gì, Quỳnh lại ra vẻ quan trọng bảo:
- Ðọc ở đây thật không tiện, nếu ông muốn nghe, xin mời đến nhà cho kín đáo. Về nhà, Quỳnh liền đọc cho tên quan kia nghe những đIều ghi trong trang sách ấy, đó là "Chúa vị thần viết, vi cốt tứ dịch. Thị thần quị nhi tấu viết, thần phùng chỉ phát." Xong, Quỳnh lại diễn Nôm cho tên quan kia nghe, nghĩa câu đó là: "Chúa hỏi thần rằng làm xương cho sáo. Thị thần quì mà tâu rằng tôi may ngón tóc." Nghe xong, quan hoạn cứ ngớ người ra chẳng hiểu mô tê gì cả, lại gãi đầu gãi tai nhờ Quỳnh giải thích. Quỳnh làm bộ ngó trước ngó sau rồi nói khẽ:
- Ông nghe thì không sao, nhưng nếu Chúa mà biết thì cầm chắc cái chết!
Tên hoạn quan thề rối rít:
- Không sao, chỉ có mình tôi biết thôi mà. Nếu có điều hệ trọng, ai lại đi tâu với chúa…
Quỳnh mỉm cười, giải thích:
- Nghĩa của nó là như thế này: Chúa hỏi thần rằng làm sao cho sướng? Thị thần quì mà tâu rằng tôi móc ngón tay! (Thị thần tức là hoạn quan )
Tên kia nghe xong, mặt đỏ tía tai, phùng mang trợn má lên hét:
- Thế ra lâu nay nhà ngươi tàng trữ sách chế giễu Chúa, lại còn thoá mạ những bầy tôi trung thành của Chúa. Hay lắm, rồi ngươi sẽ biết tay ta!
Ðợi hắn đi khỏi, Quỳnh liền tháo bỏ cuốn sách, lấy trang giấy vừa rồi đem đốt, thay vào đó là một trang giấy mới rồi hí hoáy viết vào một câu khác.
Quả nhiên sáng hôm sau, Quỳnh được lệnh vào chầu Chúa. Vừa thấy Quỳnh, Chúa hỏi ngay:
- Nghe nói khanh có quyển sách lạ, ta muốn xem!
- Tâu, quyển sách ấy của thần thật không có gì là lạ cả vì nó ghi những điều nhảm nhí bậy bạ. Xin Chúa đừng xem!
Nghe Quỳnh nói, Chúa lại càng chắc rằng điều mà tên hoạn quan ton hót với mình là đúng bèn phán:
- Nhà ngươi viết những gì trong sách mà không dám cho ta xem. Nếu không có gì phạm thượng thì cứ lấy đưa ta xem!
Quỳnh cứ một mực tâu là sách chẳng đáng xem, Chúa lại càng ngờ hơn, sau cùng thì sai lính áp giải Quỳnh về tận nhà lấy sách đem vào cho Chúa xem. Khi có sách,vua giở mãi đến trang cuối mới thấy một câu: Ngã tư thế sự. Tư viết tả tô chấn tân thịnh nền giai khống xái châu.
Theo lệnh chúa, Quỳnh xướng đọc và diễn nghĩa từng đoạn như thế này: "Ngã tư thế sự," là ta nghĩ về dự thế, "Tư viết," là nghĩ rằng, "tả,tô, chấn," là mình phải tả, tô điểm thêm, làm cho hưng chấn thêm, " tân thịnh nền " là đẹp vô cùng, "Xái châu," là châu báu cũng không sánh kịp.
Nghe xong Chúa cười phào nhẹ nhõm: đúng là chẳng có gì đáng nghe cả, chỉ là một câu lằng nhằng về ý tứ, nhưng Chúa lại cho rằng Quỳnh có ý khen tặng ngài là bậc anh minh, bèn thưởng mười nén bạc cho Quỳnh!
Thấy không làm gì được Quỳnh, chiều hôm ấy, tên hoạn quan mò tới nhà Quỳnh, vỗ về:
- Trạng đừng trách tôi đã ton hót với Chúa nhé. Vì nếu không thế thì sao Chúa biết đến sách quý của trạng và được thưởng hậu thế!
Quỳnh chẳng nói chẳng rằng, mở tủ lấy quyển sách kia ra để trên bàn và nói:
- Ai lại trách ông làm gì. Có điều ông không biết rằng chính cái câu tôi viết trong sách không phải để đọc cho Chúa nghe mà để dành riêng cho ông đấy!
Trong khi tên hoạn quan còn ngơ ngác chưa hiểu ất giáp gì thì Quỳnh đã chỉ vào sách, đọc:
- "Ngã tư thế sự," là tao nghĩ cái trò đời, "tư viết," là nghĩ rằng, "tả tô chấn," là tổ cha hắn, "tân thịnh nền," là tên lịnh thần, "giai khống,là "không dái" "xái châu," là xấu chơi! Cả câu đọc lái sẽ la..., ông đã thông chưa nào?
Tên hoạn quan nghe xong thì giận bầm gan tím ruột, cay đắng cõi lòng nhưng cứng họng không thốt ra được lời nào, lẳng lặng rút lui.