Chương 3

Cung My vừa nhỏm người dậy định nghe điện thoại thì Khuê Tâm bảo:
− Điện thoại của tao đó!
My nhún vai:
− Vậy thì xin mời.
Tâm hất mặt:
− Vậy biến đi chỗ khác đi!
Mỹ dài giọng:
− Làm gì bí mật dữ vậy?
Khuê Tâm sốt ruột vì tiếng chuông dồn dập nên dậm chân:
− Đừng có tò mò, thăng đi con nhóc!
My khúc khích cười, cô bế dĩa nho ra sân ngồi nhâm nhi ăn từng trái. Dạo này Khuê Tâm rất thường nhận được điện thoại, nhưng không phải của Ngôn. Tâm dấu nhưng My đoán chắc người gọi là anh bà con của Mỹ Hồng. Lần nào gã ta gọi cũng hơn nửa tiếng. Nghe điện xong, Tâm ngồi thừ ra cũng cả giờ. Mỹ rất muốn chọc nhưng chưa dám vì bà chị mình dường như đang có tâm sự.
Nhớn một trái nho bỏ vào mồm, Mỹ ngạc nhiên khi thấy Tâm bước ra ngồi phịch xuống ghế.
Cung Mỹ nheo mắt:
− Ủa! Sao bữa nay nhanh qúa vậy?
Tâm cằn nhằn:
− Của ba chứ không phải của tao.
My buột miệng:
− Dạo này ba với chị đắt điện thoại ghê. Nhưng mà ai gọi ba vậy?
Khuê Tâm cau có:
− Ông nào chả biết, giọng thì cứ như là thanh niên mà cứ xưng chú chú cháu cháu với tao nghe ngọt sớt.
Cung My nhóp nhép:
− Ông nào cũng được, miễn không phải bà thì thôi.
Tâm cười khẩy:
− Cù lần như ba, ngoài mẹ ra còn có bà nào khác chứ!
Cung My chăm chú nhìn Khuê Tâm:
− Nè! sao chị quạu quọ vậy? Hụt một cú điện thoại, có cần phải nổi điên lên không? Thế nào trong ngày nay ảnh cũng sẽ gọi nữa mà.
− Mày biết gì mà nhiều chuyện.
− Chị nghĩ vậy là lầm, em biết nhiều lắm đó!
Mặt Khuê Tâm hơi biến sắc, nhưng giọng vẫn bình thản:
− Đừng giả vờ bắt nọn chị, nhóc con à!
Cung My hỏi tới:
− Ảnh tên gì?
− Ảnh nào?
− Chậc! Anh chàng hôm trước tới nhà mình đó! Giả bộ hoài.
− Anh ta tên Điền. Sao tự nhiên mày lại hỏi ảnh chi vậy?
Cung My hạ giọng:
− Tại em có linh cảm anh ta sắp thế chỗ của anh Ngôn trong tim chị.
Khuê Tâm chớp mắt:
− Có điên mới dính vào hắn.
− Thì chị giả bộ điên một chuyến thử xem.
Tâm khoanh tay ngạo nghễ:
− Anh ta đâu đáng để chị Hai đây làm như vậy.
Cung My lơ lửng:
− Phải hông đó? Em lại thấy chị giống như đang thất tình.
Tâm quắc mắt:
− Liệu hồn đấy quỷ nhỏ.
Khúc khích cười, My bưng dĩa nho trở vào phòng khách, cô đi thật nhẹ để ba không phải phân tâm. My ngạc nhiên khi nghe giọng ba mình thật ngọt ngào:
− Em đừng nghĩ ngợi lung tung, rồi anh sẽ đến thăm em mà.
Quái! Ba đang nói chuyện với ai vậy kìa? Nếu nói là đàn ông sao lại anh anh em em thế kia?
Tò mò, My đứng lại để nghe tiếp, nhưng ông Tuấn đã thấy cô nên xua tay ra hiệu cút đi.
Cung My về phòng mà lòng dấy lên ức tỉ thắc mắc về Khuê Tâm, về ba mình. Hai người đang có bí mật gì riêng thế nhỉ?
Nhún vai dẹp lòng tò mò qua một bên, My thay chiếc áo pull trắng và chiếc quần jean xám tro rồi bước xuống cầu thang. Ba cô không còn nghe điện thoại nữa. Ông đang trầm tư bên điếu thuốc. Thấy Cung My, ông hỏi:
− Đi đâu vậy?
− Dạ con ra tiệm phụ mẹ rồi đi học Anh Văn luôn.
Ông Tuấn hầm hè:
− Tao điện ra tiệm mà không thấy mày thì biết đấy!
Cung My làm thinh dắt chiếc Charly ra đường. Cô đã quen nghe những lời dọa dẫm của ba. Ông rất đa nghi, người nào đã một lần phạm tội rất khó lấy lại lòng tin nơi ông. Chính vì vậy Cung My luôn khổ sở vì lỗi lầm xưa của mình.
Nhưng đó có phải là lỗi của cô không? Ba mẹ đâu dạy cô cách phân biệt người tốt kẻ xấu. Cô làm sao ngờ được người bạn cô đưa về nhà chơi lại tệ như thế. Đã bao nhiêu năm rồi My vẫn cứ bị ám ảnh mãi với những gã con trai tỏ vẻ săn đón mình.
Trong mắt cô, tất cả bọn họ đều đáng nghi ngờ, nhất là hạng mồm mép.
Tự nhiên My lại thoáng nhớ tới Lân. Anh chàng văn hóa sáo rỗng ấy cũng là một dạng mồm mép. Thế còn bao nhiêu dạng mồm mép khác mà cô phải đề phòng? Cái gã đầu đinh xấc xược ấy thì sao nhỉ?
Cung My chợt nhún vai. Cô điên mới nghĩ tới hắn. Điều cô phải làm bây giờ là ghé hiệu sách. Cô cần mua một số quyển tập truyện ngắn, thơ để gửi sang Mỹ cho cậu Đức. Tuần rồi cậu ấy điện về tỏ ý muốn có nhiều sách để đọc. Chị Tâm rất lười ba vụ sách vở, nên đã giao phó trọng trách này cho My. Hôm nay cô sẽ tha hồ lựa chọn với kinh phí một trăm đô cậu Đức đã gởi cho mẹ từ đầu tháng. Với từng ấy tiền, chắc chắn Cung My lời to chứ đâu thể lỗ được.
Nghĩ tới khoản lời ấy, cô tủm tỉm cười, những buồn bực vì lời hăm dọa của ba như tan biến mất.
Gởi xe xong, My lang thang một chút ngoài phố Sài Gòn rồi vào hiệu sách. Vừa đưa tay định lấy cuốn "Truyện ngắn chọn lọc" Cung My bỗng có cảm giác bị nhìn, cô quay ngoắt lại và bắt gặp một đôi mắt vừa sắc vừa lạnh đang sỗ sàng ném vào cô cái nhìn soi mói.
Cung My nóng người, cô làu bàu:
− Đúng là trái đất tròn.
Bảo nhấn mạnh:
− Phải nói trái đất vừa tròn vừa nhỏ nên tôi mới được gặp lại chị, nhưng gặp lại trong tiệm sách cũng hay hơn là gặp lại ở ngoài chợ cá.
Cung My đốp lại:
− Phải chi gặp anh ở ngoài chợ cá, tôi nhất định xem anh mua cá ra sao.
Cầm quyển thơ "Tứ Tuyệt Cho Nàng" lên Bảo thản nhiên nói:
− Cũng như mua sách thôi, chớ có gì lạ đâu. Tôi không những mua cho mình, mà còn biết chọn hộ người khác nữa.
Giọng Bảo bỗng trầm xuống:
− Chị Cung My định mua sách gì vậy? Nếu chị mua nhiều, tôi tình nguyện đi theo để cầm giúp.
Cung My khinh khỉnh:
− Cám ơn lòng tốt đáng ngờ của anh.
Cung My bước dọc thèo hàng kệ, Bảo bước theo. Cảm giác có người rề rà một bên làm My khó chịu. Cô đứng lại và nói:
− Xin lỗi! Anh làm tôi ngại đến mức không chọn sách được.
Bảo nói:
− Biết làm sao hơn khi tiệm này hẹp lại đông khách. Tôi nghĩ chị không nên đeo ba lô sau lưng như thế, coi chừng một lát không còn tiền trả sách đó! Ở chỗ đông người, phải để ý chứ!
Cung My xốc ba lô lên, trừng mắt nghinh Bảo, rồi bỏ qua kệ sách khác. Những lời Lân kể về Bảo bỗng vang lên mồn một trong đầu cô. Nếu đúng là con gái rất ngưỡng mộ Bảo, và anh ta dễ dàng chiếm được cảm tình của họ thì đối với My, Bảo chả là cái gì cả. Anh ta đừng bày đặt quan tâm nhằm tạo ấn tượng với cô vô ích.
Chen chúc đi vòng hết tiệm, Cung My cũng chọn được mười đầu sách. Cô hy vọng cậu Đức sẽ hài lòng với những cuốn sách này. Đặt chồng sách ở quầy tính tiền, Cung My kéo ba lô xuống lục lội và tái mặt khi nhìn thấy vết rọc dài tàn nhẫn ngang qua cái ba lô xinh xắn đáng yêu của mình.
− Cái ví không còn nữa.
Cô ú ớ kêu lên: "Móc túi!" Rồi mếu máo như con nít.
Đám hiếu kỳ bu quanh, kẻ bàn ra, người góp lời làm cho Cung My càng rối thêm khi nghĩ tới ba mớ giấy tờ trong ví.
Eo ơi! Mất tiền đã đành, nhưng làm lại chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, bằng lái xe, giấy chủ quyền xe thì không phải là chuyện đơn giản.
Cung My thất thểu vạch đám đông bước ra đúng lúc Bảo đang bẻ tay một thằng bé ăn mặc như học sinh và dẫn ngược nó vào tiệm.
Thảy cái ví bé xíu của My lên quầy tính tiền, Bảo hất hàm:
− Chị xem trong ví coi có thiếu gì không?
Sững sờ hết mấy giây, My líu ríu làm theo lệnh của Bảo, cô mừng rỡ:
− Không có mất gì hết.
Đám đông phẫn nộ:
− Đem giao nó cho công an đi.
− Người trong lịch sự thế mà rạch giỏ.
Thằng nhóc không ngớt năn nỉ khiến Cung My mủi lòng, cô nhỏ nhẹ:
− Anh tha cho nó được không?
Bảo buôn tay đưa bé ra:
− Tùy ý chị.
Không đợi Cung My lên tiếng, thằng bé lủi mất.
Nhìn cái ba lô rách, My rầu rỉ than:
− Thế nào về nhà cũng bị ba dũa.
Bảo châm chọc:
− Đó là bài học cần thiết cho những người đã được cảnh cáo, nhưng vì tự cao và bướng bỉnh nên cố tình quên đi.
My phản ứng:
− Cám ơn những gì anh đã làm cho tôi, những điều đó không có nghĩa lời anh vừa nói hoàn toàn đúng.
Đợi nhân viên nhà sách tính tiền xong Cung My lại nói tiếp:
− Tôi không nghĩ một thằng bé như thế lại ăn cắp, chớ không phải đó là lời cảnh báo của anh. Dù sao tôi cũng thành thật cám ơn. Chào!
Mắt Bảo nheo nheo:
− Hẹn sớm gặp lại nhé chị ấy!
Cung My làm thinh bước đi, ra tới bãi xe, cô gặp lại Bảo. Anh ta đang chễm chệ trên chiếc mô tô 250 phân khối. Nhìn vẻ ngạo nghễ của Bảo và vẻ đồ sộ của chiếc xe, My buột miệng:
− Thì ra con quái vật này đã đụng ba tôi.
Bảo lắc đầu:
− Ông bác đụng vào nó thì đúng hơn.
Cung My vừa dắt chiếc Charly vừa nói:
− Ba tôi là người cẩn thận, lại đi xe đạp thì làm sao đụng vào nó được! Tôi tưởng hôm rày chị đã hỏi bác ấy xem phải quấy thuộc về ai rồi chứ!
Bĩu môi, Cung My ngang ngạnh:
− Ai phải, ai quấy công an giao thông đã xử rồi, tôi còn hỏi làm gì. Nếu anh nghĩ là mình đúng sao không phản ứng với công an, để bây giờ ấm ức.
Bảo thản nhiên:
− Kính lão đắc thọ! Tôi có ấm ức gì đâu. Nhưng chị nói ngang khó nghe quá!
Cung My làm thinh, lòng dẫy lên một chút tò mò khi nhớ tới thái độ rộng lượng của ba mình hôm đụng xe. Cung My dò dẫm:
− Anh biết ba tôi trước khi xảy ra tai nạn, đúng không?
Bảo cao giọng:
− Do đâu chị lại nghĩ thế?
Cung My thản nhiên nói:
− Ba tôi là người rất khó tánh, nếu không đã từng gặp gỡ quen biết, ông ấy đâu dễ dàng bỏ qua cho các anh đâu.
− Thì ra là vậy. Nhưng thật sự tôi chưa bao giờ trò chuyện với bác trai cả.
− Nhưng hai người đã từng gặp nhau?
Cười cười thật dễ ghét, Bảo nói:
− Không phải chúng ta đã từng than rằng trái đất này vừa tròn vừa nhỏ đó sao? Thành phố này 4, 5 triệu dân tôi quen hết ráo đấy!
Cung My liếc Bảo một cái bén ngọt:
− Xí! Đúng là dân kho đạn, hèn chi nổ hết biết!
Bảo bật cười vì cách nói của My, nhưng anh vẫn nói tiếp:
− Thật đấy! Chị là người cuối cùng ở Sài Gòn tôi vừa mới được quen.
− Nhưng tôi không muốn quen anh, xin anh đừng theo tôi nữa. Khó coi lắm!
Bảo nhún nhặn phân trần:
− Chị đúng là chủ quan khi nghĩ tôi kề kề theo. Chẳng qua chúng ta cùng đường, nếu lẳng lặng bỏ đi trước, tôi thấy không đành lòng.
Cung My mỉa mai:
− Anh lịch sự làm tôi phải ngạc nhiên. Tiếc rằng tôi không thích nghe tán. Anh nhầm đối tượng rồi!
Bảo tỉnh như ruồi:
− Tôi cũng rất ghét tán, do đó không thể nhầm đối tượng được.
Cung My chợp mắt. Hừ! Hắn ta đúng là lẻo lự. Chỉ có chiêu im lặng mới trị được hạng siêu mồm mép này. Đôi co qua lại, hắn sẽ tưởng mình thích.
Mím môi phớt lờ, My chăm chú điều khiển xe, thái độ của cô làm Bảo buồn cười khi nghĩ là tất cả con gái đều giống nhau. Anh đã quen với những cảnh vờ vĩnh nghiêm trang thế này. Nếu Bảo chịu khó kiên nhẫn, con nai tơ có bề ngoài chua ngoa, đanh đá, nhưng hết sức ngờ nghệch này cũng rơi vào bẫy của anh thôi.
Trò chơi sẽ hết sức thú vị nếu chuyển sang kiểu mèo vờn chuột. Anh đã quen vai mèo mun có bộ mặt hiền từ, nhưng với bộ vuốt sắc bén không tha chú chuột bạch ngây thơ, nghờ nghệch cả tin nào.
Bảo đột ngột đổi giọng:
− Nếu vì tai nạn không ai muốn xảy ra ấy mà Cung My vẫn căm tôi mãi thì không công bằng đâu. Chúng ta có thể là bạn tốt của nhau mà.
Cung My hơi khựng lại vì những lời của Bảo. Đúng là cô có phần quá khích khi đối đáp với anh. Nhưng tại sao vậy? Có phải lỗi lầm thửo xưa ám ảnh cô quá sâu, nên đối với một người như Bảo, tự nhiên Cung My có những phản ứng khắc khe hơn so với những gã con trai khác nhằm tự vệ chăng. Cô không rõ cô nữa, My chỉ linh cảm rằng nếu không đối xử với Bảo như thế, cô sẽ khó sống yên ổn. Lắc đầu cương quyết, Cung My nói:
− Tôi chỉ có thể xem anh như người quen là hết mức. Còn bạn tốt hả? Hông dám đâu, vì tôi đã có bạn rất tốt rồi.
Bảo chép miệng:
− Thật tiếc! Nhưng tiếc cho ai ấy quá kiêu căng kia. Tới ngã tư rồi, chúng ta không cùng đường nữa. Chào ấy nhé!
Nhìn Bảo rú ga vọt xe đi, Cung My vừa tức vừa xốn xang. Hết Lân trách cô độc ác, giờ tới Bảo chê cô kiêu căng. Thật ra độc ác hay kiêu căng cũng chỉ là lớp vỏ của cô trước bọn mày râu. Con tim cô luôn khao khát một tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn của lứa đôi. Nhưng có ai hiểu được tâm tư của My không.
Buồn bã với nỗi niềm thiếu người chia sẻ My tăng ga, chiếc Charly với vòng bánh nhỏ cũng cố vọt lên nhưng đâu thể nào nhanh đến mức có thể bỏ lại những nỗi niềm chất chứa trong lòng cô.
Cung My chợt não lòng với ý nghĩ: "Mình đã cố tình làm cho bọn con trai ghét." Nhớ tới đôi mắt sắc lạnh của Bảo, những lời văn hóa sáo rỗng của Lân, My thở dài:
− Nhưng thôi! Nghĩ tới họ làm gì, tự mình đã muốn thế cơ mà.
Cung My giật mình vì giọng nói gay gắt của ông Tuấn, nghe sao chát chúa hơn thường ngày. Chạy vội vào phòng làm việc của ông, My nói:
− Ba gọi con?
Mắt không rời tờ báo, ông Tuấn cộc lốc:
− Pha ly trà sâm khác.
− Dạ!
My vừa quay đi, ông Tuấn lại bảo:
− Đem cả hộp bánh đậu xanh vào.
Cung My lại "dạ" rồi xuống bếp. Lấy gói trà sâm cho vào tách, chế nước sôi, My đậy nắp lại, để lên khay rồi đặt hộp bánh đậu xanh Rồng Vàng kế bên. Rất cẩn thận cô mang tới để trên bàn cho ông.
Ông Tuấn nói mà không hề nhìn cô:
− Đóng cửa lại và làm ơn đừng ồn ào để cho tao làm việc.
− Vâng ạ!
Cung My lặng lẽ bước tới salon và ngồi phịch xuống. Với cô, bao giờ ba cũng nói trổng và xưng tao. Từ bé đến ngần này tuổi, My đã quen nghe như thế, nhưng chả hiểu sao hôm nay cô lại thấy rất buồn. Rõ ràng với riêng My, ba lúc nào cũng lạnh lùng, xa cách. Cô làm việc tốt thì không khi nào được khen, nhưng chỉ cần sai phạm một chút là đã bị lên lớp ngay.
Ông là người ít nói, do đó khi rầy cũng không tràn giang đại hải, nhưng lời nào thì đau lời đó. Trong hai chị em, Cung My bị rầy nhiều nhất. Mãi rồi cô luôn mang mặc cảm mình vụng về, vô tích sự. Khi có mặt ông Tuấn, My luôn thu vào lớp vỏ vô hình đến mức thụ động. Trái lại khi vắng ba, Cung My hoạt bát, nhanh nhẹn, nghịch ngợm, chua ngoa, đanh đá không thua bất kỳ một cô gái nào.
Cô vô tư, ngốch nghếch cách mấy, My cũng nhận ra là ba không thương mình bằng thương chị Khuê Tâm. Để lý giải vấn đề này, My thường dùng khoa bói toán. Giống như các bà già xưa, có bô lô, ba la rằng tuổi cô và tuổi của ba không hạp. Cách giải thích vô căn cứ này chỉ là cách tự an ủi mình và My xem đó như là chân lý để dễ sống, dễ chịu đựng hơn.
Ngồi chưa được 5 phút, mẹ cô đã về tới, giọng bà hôm nay cũng cộc lốc:
− Ổng đâu?
My lo lắng khi thấy mặt mẹ nặng trịch:
− Dạ ba đang ở trong phòng làm việc.
Cười nhạt, bà Linh gằn từng tiếng:
− Hừ! Siêng dữ!
Vừa nói bà vừa te te đi vào phòng ông Tuấn. Cung My le lưỡi than thầm:
− Chết rồi! Lại xảy ra chiến tranh.
Khuê Tâm đứng trên cầu thang ló đầu xuống hỏi:
− Chuyện gì vậy?
Cung My vừa nhún vai vừa lắc đầu:
− Em không biết. Nhưng coi chừng, đạn pháo bay trúng mình thì khổ.
Tâm nhăn nhó:
− Rầu ghê! Mẹ chỉ ngưng đấu khẩu với ba được 2 hôm rồi đâu lại vào đấy. Gây làm gì khi người thua cuộc là mình cơ chứ!
Cung My ngao ngán chống tay dưới cằm. Cô không biết hôm nay mẹ khai pháo vì lý do gì đây.
Nhưng để giải đáp thắc mắc của cô, bà Linh chợt gào lên:
− Ông nói đi chứ? Tại sao? Tại sao ông đi trên đường đó để bị xe tông?
Nhổm dậy khỏi ghế vì câu hỏi khác thường của mẹ, Cung My trợn mắt nhìn Khuê Tâm vừa lúc cô bước xuống bậc cuối cùng của cầu thang. Hai chị em im lặng rình nghe câu trả lời của ba.
Giọng ông Tuấn khô khan:
− Bà đừng kiếm chuyện nữa, tôi muốn được yên.
− Muốn được yên thì trả lời câu hỏi của tôi đi.
My nghe ba mình cười khẩy:
− Bà đã biết rồi, tôi còn trả lời gì nữa đây?
Bà Linh lấp bấp rồi ré lên:
− Nghĩa là ông... ông... ôi trời đất ơi! Thật là khốn nạn!
− Bà không cần phải rộng mồm thế đâu. Lâu nay tôi vẫn trốn trách nhiệm làm chồng, làm cha. Tự bản thân, tôi thấy mình không có lỗi gì với gia đình hết.
− Ông còn dám nói thế với tôi à?
− Tôi không hề muốn. Tại bà ép đó thôi! Đã là vợ chồng, không có tình cũng có nghĩa. Hai mươi mấy năm nay tôi đã trọn nghĩa với bà. Bà không có quyền đòi hỏi cao hơn một khi bà đã từng cãi lời chồng.
Giọng bà Linh tức tưởi:
− Ông lại nhắc tới Cung My để làm tình làm tội tôi à? Đây đâu phải là nguyên nhân, khi ông đã thay đổi từ trước đó rồi.
Ông Tuấn nói nhỏ nhưng chị em My vẫn nghe rõ mồn một:
− Không phải sao? Thừa biết là tôi không muốn có nó, nhưng bà đâu chịu bỏ. Tôi luôn thấy nhục mỗi khi nghĩ nhớ nó mà anh Đức mới gởi tiền về.
Bà Linh ngắt ngang lời ông:
− Im đi! Đừng kéo con bé vào chuyện này. Nó vô tội! Hừ! Tôi không bỏ qua chuyện này đâu.
Giọng ông Tuấn thách thức:
− Nếu bà muốn thì cứ quậy. Trong nhà mà xảy ra chuyện, nhớ đừng bao giờ trách tôi.
− Ông thách tôi nên mới hăm dọa như vậy.
Cung My lùng bùng lỗ tai vì những lời vừa nghe. Lần này có cái gì đó bất thường. Nhất là những lời nói về cô. Vậy nghĩa là sao chứ?
Nhìn Khuê Tâm, My hỏi nhỏ:
− Chị hiểu gì không?
Tâm lắc đầu khiến My càng hoang mang dữ dội. Hai chị em hồi hộp khi nghe ông Tuấn nói:
− Bà muốn nghĩ sao về tôi cũng được. Bà muốn trong nhà yên ổn hay rối tung lên thì tùy.
− Ông đừng thách, lần này tôi không nhịn nữa đâu. Bất quá bỏ nhau là cùng!
Cung My hốt hoảng nhìn mẹ lao ra khỏi phòng ba như cơn lốc. Thấy My và Tâm trố mắt ngó mình, bà cao giọng:
− Con Tâm đi với mẹ.
Khuê Tâm liếm môi:
− Nhưng đi đâu mới được? Đã xảy ra chuyện gì, mẹ bình tĩnh lại đã!
Bà Linh ngồi phịch xuống ghế, gương mặt lơ láo thất thần khác hẳn những lần gây gỗ trước đây của bà làm Cung My thấy lo. Nhất là những lời không đầu không đuôi mà mẹ và ba vừa đề cập đến cô vừa rồi. Những lời ấy có nghĩa gì cơ chứ? Đầu My lại ong óng vang lên những thắc mắc.
Cô rụt rè nhìn mẹ:
− Con đâu có làm gì. Sao ba lại có vẻ giận con vậy?
Bà Linh gượng gạo:
− Để ý làm chi những lời của ổng.
Khuê Tâm buột miệng:
− Nhưng sao ba lại nói thế? Thật sự tụi con không hiểu. Mẹ nghi ngờ cái gì mà hỏi ba chuyện đụng xe hôm trước?
Bà Linh làm thinh rồi bất ngờ đứng dậy bảo:
− Con Tâm đi công chuyện với mẹ, còn My đi chơi đâu thì đi. Để ổng ở nhà một mình cho ổng biết thân.
Cung My lắc đầu:
− Con ở nhà xem ba có sai gì không.
Bà Linh nhíu mày rồi ngập ngừng như muốn nói điều gì đó, nhưng lại thôi.
Khuê Tâm nhỏ nhẹ:
− Mẹ chờ con thay quần áo đã.
Còn lại 2 mẹ con, My lại hỏi:
− Sao ba thấy nhục vì con hả mẹ?
Bà Linh xua tay:
− Ôi! Ổng giận cá chém thớt. Giận mẹ rồi nói quàng qua con. Hơi đâu mà nghe!
− Không phải đâu! Ba nói là...là....
Bà Linh gạt ngang:
− Rót cho mẹ ly nước!
− Dạ!
My đứng dậy với một bụng ấm ức. Rõ ràng mẹ sai cô rót nước để cô không hỏi tiếp được. Nhưng thế nào cô cũng tìm hiểu cho ra lẽ. Mẹ không chịu giải thích cho thỏa đáng thì My sẽ hỏi ba, ông không thể chối những lời mình đã nói.
Cung My chợt thở dài. Nhắm cô đủ can đảm để hỏi ba hay không, hay vừa vào phòng ông nạt một cái là đã lui ra rồi?
Đưa ly nước cho mẹ, Cung My dò dẫm:
− Mẹ đi đâu vậy?
− Đi khui hụi.
Nhìn mẹ, My biết là bà nói dối vì hôm nay không phải là ngày khui hụi, nếu phải, bà cũng không còn tâm trí đâu để đến đó.
Mẹ cô không được ăn học nhiều, nhưng lại giỏi kinh doanh mua bán, mọi việc trong ngoài đều do bà quán xuyến, ba My chẳng phải lo gì cả. Ngày hai buổi ông đến làm thủ thư trong một thư viện khá bề thế ở thành phố. Chính nghề nghiệp này đã biến ông thành một con mọt sách. Ông đọc nhiều nên kiến thức rất rộng, nhưng lại thiếu bản lảnh để lăn lộn kiếm sống như mẹ.
Dù không nói ra, nhưng ông khá tự phụ với cái vốn tinh thần của mình. Sự khập khểnh về trình độ khiến cha mẹ My không hòa hợp được với nhau, mỗi chút mỗi tranh cãi. Thường thì mẹ cô nhịn, có chuyện bà nhịn đúng, nhưng rất nhiều khi bà nhịn một cách vô lý với mục đích yên nhà yên cửa.
Ba có ý thức rất rõ vấn đề này nên luôn trịch thượng với vợ con. Những lời ông nói vừa rồi chứng tỏ như thế. Mẹ bảo chị Tâm chở đi công chuyện là một cách nhượng bộ. Rồi đâu cũng sẽ vào đấy. Khổ nổi lần này tâm hồn My còn đọng lại một mối hoài nghi về bản thân mình.
Chờ Khuê Tâm chở mẹ đi khuất, Cung My đóng cổng lại rồi lẩm nhẩm trong miệng:
− Nên. Không nên. Nên. Không nên.
Nếu My hỏi ba thắc mắc của mình sợ chuyện mình vừa lắng xuống sẽ nổi giông nổi gió lên tiếp, chị em cô sẽ điếc lỗ tai bên phải, ù lỗ tai bên trái, cả hai lỗ tai đều bị tra tấn. Ráng chịu ấm ức một chút, nhưng trong ngoài êm cũng nên.
Ngang phòng ba, Cung My đi thật nhẹ, nhưng dường như ông biết nên nói vọng ra:
− Vào đây!
My vội bước vào, lòng nom nóp không hiểu ba muốn nói gì với mình.
Ông Tuấn chỉ cái ghế:
− Ngồi xuống đi!
My răm rắp tuân lời, cô khổ sở vì cái nhìn xa lạ của ông Tuấn, dù từ bé đến giờ ông vẫn nhìn cô như thế.
Ông hất hàm:
− Nãy giờ có nghe tao và mẹ mày nói chuyện không?
− Dạ có!
− Không thắc mắc gì sao?
Cung My liếm môi:
− Con không hiểu sao ba lại nói như thế. Chả lẽ tới bây giờ ba vẫn chưa tha thứ lỗi lầm con đã gây ra năm con học lớp 10, trong khi bao năm nay con đã cố gắng chững chạc hơn, khôn ngoan hơn trong vấn đề giao tiếp bạn bè.
Ông Tuấn khó khăn:
− Những cố gắng ấy chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả.
My tức tưởi kêu lên:
− Tại sao vậy?
Mặt ông Tuấn tràn đầy sự khinh bỉ:
− Vì bản thân mày đã là một tội lỗi. Tao không hề muốn mày. Tới bây giờ vẫn thế. Hai mươi mấy năm nay tao đã cố gắng chịu đựng mày và không than vãn. Thế nhưng bà ấy lại muốn kiếm chuyện. Hừ! Để thử xem bả sẽ quậy như thế nào.
Cung My lặng người vì những lời ông Tuấn nói. Đúng là giận cá chém thớt, nhưng My có tội tình gì để phải làm thớt cho cái lưỡi dao bén ngót của ông băm xuống không thương tiếc chứ!
Ông Tuấn mím môi:
− Bây giờ thì cút ra và nhớ rằng bắt đầu từ lúc này, bả quậy một thì tao sẽ quậy mười. Nhớ nói lại với bả như vậy!
Cung My chạy vội ra sân. Đất như chao nghiêng dưới chân cô. Thật sự cô không hiểu gì hết. Đây là lần đầu tiên ba mẹ kéo cô vào cuộc chiến một cách hết sức vô lý.
Nhớ tới những cú điện thoại mà ba vẫn nhận gần đây, Cung My mơ hồ đoán rằng mẹ đang nghi ngờ ba về chuyện gì đó. Lẽ nào ông có người đàn bà khác? My vội xua ngay điều mình vừa nghĩ ra khỏi đầu. Ba cô không phải là mẫu đàn ông thích chuyện trăng hoa, ong bướm. Với bộ dáng công chức cần mẫn, gương mẫu, ngày hai buổi cọc cà cọc cạch trên chiếc xe đòn dông cũ kỹ như chiếc xe thồ thời Điện Biên, đàn bà con gái nào thèm để ý tới ông, chớ nói chi đến chuyện yêu đương mèo mỡ.
Vậy thì tại sao? Việc mẹ gây với ba hôm nay lại có liên quan tới My chứ?
Nhức nhối, nặng nề vì những thắc mắc không giải thích được, My mở cửa đi ra đường. Lang thang trong những con hẽm thông nhau, My dừng lại trước nhà Khánh Ly và cất tiếng gọi. Đáp lại lời cô là một tràng sủa của 3, 4 con chó. Đợi lúc chó im hơi lặng tiếng, Ly mới lò dò đi ra với gương mặt ngái ngủ:
− Trưa nắng vậy mà mày cũng đi chơi à?
My bước sau lưng Ly:
− Ở nhà buồn quá!
− Lại xảy ra chiến tranh chớ gì?
− Sao mày biết?
Ly vươn vai nằm lăn ra salon:
− Dì Linh mới ở nhà tao về. Dì với mẹ tao nói nhiều lắm! Nghe lõm bõm, tao cũng thấy lớn chuyện đó!
Cung My sốt ruột:
− Mày nghe được cái gì?
Khánh Ly uể oải:
− Nhiều cái lắm! Nhưng toàn bộ bí mật quốc phòng, tao chẳng dám tiết lộ.
Cung My nôn nóng:
− Chiến tranh xảy ra rồi, còn bí mật quốc phòng gì nữa. Nói đi mày!
Ly hỏi:
− Thế dì Linh đâu?
− Đi với chị Tâm rồi.
− Nhưng đi đâu?
My chép miệng:
− Mẹ nói đi khui hụi, nhưng tao không tin.
Khánh Ly lẩm bẩm:
− Không lý nào dì Linh đi mà không rủ mẹ tao. Lúc nãy mẹ tao hứa sẽ hợp tác chiến đấu với mẹ mày mà!
Đánh vào vai Ly một cái thật mạnh, My càu nhàu:
− Úp mở hoài, tao bực quá!
Ly nhăn nhó:
− Tao muốn nói lắm, nhưng sợ bị rày. Mày vào mà hỏi mẹ tao ấy!
Liếc Ly một cái gần tét mí mắt, Cung My te te đi vô phòng của bà Hằng.
Đang ngồi đọc báo, thấy cô, bà hỏi ngay:
− Mẹ con đâu?
Cung My lắc đầu. Bà lại hỏi tiếp:
− Ổng bả gây nhau à?
My gật đầu. Bà Hằng buông tờ báo xuống:
− Tao đã dặn phải ráng nhịn mà mẹ mày cũng không nhịn được. Gây như vậy khác nào động thảo kinh xà. Làm sao có thể bắt được tại trận chứ!
Tai My ù lên, cô lắp bắp:
− Bộ... bộ ba con có bà nhỏ hả dì Hằng?
− Ủa! Vậy lúc nãy ba me mày gây nhau vụ gì mà bây giờ hỏi tao?
Cung My ngập ngừng:
− Hai người nói qua nói lại nhiều câu chỉ có hai người hiểu. Nhưng ba lại đề cập tới con. Ba nói là không muốn có con, nhưng mẹ không chịu bỏ.
Bà Hằng chép miệng:
− Hừ! Ba mày thật tệ! Giận vợ rồi bắt quàng qua con. Lấy con để lấp lỗi lầm của mình.
Cung My nghẹn ở ngực:
- Dì Hằng à! Con muốn biết tại sao ba nói như vậy?
− Chậc! Đã bảo ba mày giận cá chém thớt mà!
My rơm rớm nước mắt:
− Không phải đâu! Lúc mẹ đi rồi, ba gọi con vào phòng và bảo rằng: “bản thân mày đã là một tội lỗi. Tao không hề muốn có mày. Tới bây giờ vẫn thế.”
Bà Hằng im lặng nghe My kể hết những lời ông Tuấn nói và lắc đầu:
- Đàn ông gì mà nhỏ mọn!
Cung My rầu rĩ:
− Nếu thật sự ba có bà nhỏ, chắc con khó sống yên ổn quá! Nhưng hồi đó tại sao ba lại muốn mẹ bỏ con chứ? Chắc chắn là dì biết. Đừng dấu con mà dì Hằng. Thật ra con có phải là con của ba không?
Bà Hằng vội nạt ngang:
− Nghĩ bậy không hà. Mày là con của ổng chứ con của ai. Chuyện đã tới đây rồi, tao không muốn dấu làm gì nữa.
Ngẫm nghĩ như để lựa lời, bà Hằng kể:
− Thật ra cách đây hai mươi mấy năm ba mày đã có bồ, chớ đâu phải mới đây. Cũng vì người đàn bà ấy mà ông thân bại danh liệt. Hồi đó ba mày là một giáo sư dạy Triết nổi tiếng ở SG. Ông trẻ tuổi, mồm mép, lịch sự chứ không ủ ê, lầm lì, và ti tiện như bây giờ. Chính vì vậy mà các cô nữ sinh si mê ông cả hàng khối.
Cung My nói:
− Con cũng biết là ngày xưa ba là thầy giáo, nhưng tại sao ba lại lấy mẹ trong khi con gái theo ba hàng khối?
Bà Hằng trề môi:
− Không phải dì nói xấu, nhưng ba con đểu lắm! Lại thâm hiểm nữa.
Đang bất ngờ về câu phán xét khá hắc ám của bà Hằng, My lại nghe kể tiếp:
− Hồi xưa ông tứ cố vô thân, dưới quê lên thành phố ăn học. Ông là bạn của cậu Đức, thấy ba mày nghèo nên cậu Đức mới đưa về nhà ngoại ở trọ mà không lấy một đồng xu. Hồi đó tao thấy mặt đã ưa không vô. Chả hiểu sao mẹ mày lại mê mới khổ chứ! Đang học năm cuối đại học, ông ta đã cưới mẹ mày để có một chỗ dựa vững chắc. Lúc đó mẹ mày mới 17 tuổi, đang bán đồ ngoài chợ. Cưới vợ, ra trường dạy ở Thủ Đức nhưng ba mày dấu kỹ lắm. Bởi vậy tụi học trò cứ tưởng thầy còn độc thân không hà! Các cô học sinh mơn mởn như hoa ấy đâu có biết ông thầy lịch lãm, đẹp trai, có giọng giảng bài lôi cuốn lại đã có vợ và con gái rồi. Bọn họ vừa trẻ, đẹp, lại được ăn học, dĩ nhiên phải hơn hẳn người vợ buôn thúng bán bưng. Mẹ mày chỉ biết hy sinh cho chồng, cho thần tượng trên cao chín bệ của mình mà không biết anh ta đã phản bội từ lâu.
Nhìn gương mặt ngờ ngợ của Cung My, bà Hằng nói:
− Từ khi có Khuê Tâm, ba con bắt đầu đi đứng thất thường. Lấy cớ từ Thủ Đức về SG vừa xa vừa mệt, ông xin trường được một phòng trong khu tập thể và hầu như ở lại đó nhiều hơn về nhà. Mẹ con không chịu, thế là hai vợ chồng gây gỗ, ông được nước ở trong trường luôn. Lẽ ra mẹ con bế Khuê Tâm lên trên với chồng, nhưng vì còn lo cho bà ngoại con nên đành phải ở lại SG tiếp tục buôn bán.
Cung My ngập ngừng:
− Chính thời gian này ba con đã sa ngã?
Bà Hằng cười khẩy:
− Hừ! Ổng đã có bồ từ lúc mẹ con mang thai Khuê Tâm, và ổng đã tìm được cớ đi Thủ Đức một mình ở với nhân tình. Thời gian đó đạo đức giáo viên được xếp lên hàng đầu, chỉ cần một sai phạm là sẽ bị kỷ luật và buộc thôi việc ngay. Chính vì vậy mẹ con cắn răng làm thinh, nuốt nghẹn vào bụng để chồng không bị mất việc.
Ngẫm nghĩ một hồi, bà Hắng nói:
− Lúc đó ngoại con buồn lắm nên thường sang than thở với mẹ của dì, dì nghe mà tức. Dù là chị em bạn dì, nhưng dì rất thương Linh, chuyện gì mẹ con cũng to nhỏ với dì, và hầu như bao giờ cũng nghe lời dì hết.
Thở dài, bà Hằng hậm hực đổi tông:
− Tao khuyên nó bỏ thằng chồng bội bạc ấy đi mà nó không chịu. Tao vừa giận vừa thương nhưng chả biết làm sao ngoài việc vái trời cho cái thứ khốn nạn ấy sa cơ thất thế. Tao vái chả bao lâu thì ba mày mất việc thật.
Cung My ngạc nhiên:
− Tại sao vậy dì?
− Sao với trăng gì! Ba mày bị ghép tội dụ dỗ học trò, gia đình người ta thưa, thế là xong. Mất chỗ dạy là cái chắc, biết mẹ mày lụy nên ông làm reo không thèm về nhà, dù lúc ấy đang thất nghiệp. Ông ta buộc mẹ mày phải phá thai đứa con thứ hai vì nghĩ rằng không phải con ông, nhưng mẹ mày không chịu. Hừ! Giờ nhớ lại, tao vẫn còn giận hạng đàn ông nhỏ mọn, ích kỷ ấy. Không ngờ bây giờ ổng còn nhắc lại chuyện cũ. Nếu hồi đó mẹ mày đừng xuống nước năn nỉ, tao nghĩ ba mày chỉ còn cách về quê ở đâu xa lắc để cày thuê cuốc mướn, chớ đâu được làm ông vua con như bây giờ. Gặp được người vợ giỏi giang, tần tảo, con cái ngoan ngoãn dễ dạy dễ bảo như vậy là phước ba đời. Vậy mà ba mày không biết hưởng, bày đặt đèo bồng.
Cung My hỏi tới:
- Dì biết gì về bà mới này của ba con?
Bà Hằng hỉnh mũi:
− Con nhỏ nữ sinh hồi ấy chớ có bà nào khác mà mới! Con nhỏ ấy bị gia đình bắt về ép gả. Bây giờ đã ly dị chồng, không con cái, sống khá giả, sung túc nhưng thiếu tình yêu nên mới xáp lại với ba mày. Cái hạng đàn bà thích phá gia cang người khác ấy chỉ còn cách cho nó một trận giữa chợ để biết thế nào là nhục thôi.
Cung My lo lắng:
− Nếu làm vậy ba con sẽ bỏ nhà đi luôn đó!
- Đi được càng mừng! Cái ngữ ấy mẹ mày còn gì để mà tiếc!
Cung My nói như than:
− Chậc! Không biết mẹ con với chị Tâm đi đâu nữa. Có bao giờ đi đánh ghen không?
Bà Hằng nói:
− Mẹ con đâu có biết mụ đàn bà ấy! Nếu dì không nghe chị em bạn cho biết chuyện của ba mày thì ổng còn giả bộ lừ đừ để qua mặt vợ con nữa.
Cung My buồn buồn:
− Bây giờ biết rồi thì sao? Trông mắt của ba, con có cảm tưởng mẹ không còn là gì cả. Lâu nay hai người cứ lục đục hòai. Tụi con cứ tưởng tại ba mẹ khắc khẩu, không ngờ …
Bà Hằng nghiêm giọng:
− Ba mày là hạng đàn ông nhỏ mọn, tính toán, tham lam. Ổng sẽ không bỏ mẹ mày, cũng như không bỏ con mụ kia.
Cung My bối rối:
− Vậy tụi con phải làm sao?
− Chị em bây cứ lo học hành như thường, chuyện người lớn bây không giải quyết được đâu!
− Con chỉ sợ mẹ buồn rồi nghĩ quẩn. Thà mẹ không biết gì hết, sẽ đỡ khổ hơn.
Bà Hằng lắc đầu:
- Đó là thực tế, nếu không can đảm đối diện với nó, mọi việc sẽ còn tệ hại hơn. Suốt hơn hai mươi mấy năm nay, mẹ con có ngày nào sung sướng đâu. Thà ngã một lần rồi đứng thẳng người lên.
Cung My nhìn bà Hằng trăn trối:
- Dì muốn ba với mẹ con bỏ nhau à?
− Tao đâu có muốn kỳ vậy. Nhưng nếu tao là mẹ bây, tao sẽ bỏ ổng liền.
Thấy My có vẻ hoang mang, bà Hằng hạ giọng:
− Tao nói riêng với mầy như thế để mày biết chuyện mà lựa lời an ủi mẹ, và biết cách đối xử với ba. Khi đã nói mẹ mày quậy một, ổng sẽ quậy mười. Có nghĩa là ổng sẽ đày đọa mày hơn trước đây gấp mười lần đấy!
Cung My trợn mắt:
− Sao lại là con, kỳ vậy?
Bà Hằng im lặng, một lát sau bà mới nhỏ nhẹ:
− Có những chuyện khó giải thích lắm! Ích kỷ, ghen tuông làm người đàn ông trở nên độc ác, ti tiện hơn đàn bà gấp mấy lần! Ba mày là loại đàn ông đó. Hành hạ đứa con nghi không phải là của mình sẽ làm mẹ nó khổ gấp mấy lần.
Cung My phản ứng:
− Nhưng con là con của ba mà!
Bà Hằng liếm môi:
− Chỉ có ba con mới không tin chuyện đấy thôi! Ông cho rằng vì ghen nên mẹ con đã thực hiện câu “Ông ăn chả, bà ăn nem”, và kết quả là con ra đời.
Giọng My lạc hẳn đi:
− Ba nghi ngờ mẹ con với ai hả dì Hằng?
− Ôi! Có nói mày cũng chả biết ai là ai.
− Vậy nghĩa là người đó có thật?
Bà Hằng lắc đầu thật nhanh:
− Làm gì có! Ba mày cố tưởng tượng ra để kiếm chuyện mà!
Cung My làm thinh. Cô có cảm giác bà Hằng còn dấu mình điều gì đó. Tính dì ấy hay nói, nếu My chịu khó gợi ý, thế nào cũng biết thêm nhiều cái khác. Nhưng gợi ý bằng cách nào đây. Lúc My còn vận dụng sự thông minh của mình để moi tin thì bà Hằng bỗng hỏi:
− Hổm rày cậu Đức có gọi điện về không My?
Cô gật đầu:
- Dạ có!
− Từ trước tới giờ ba mày có nói chuyện điện thoại với cậu Đức không?
- Dạ ít lắm! Nếu ông lỡ nhấc máy lên cũng chỉ ừ hứ vài tiếng rồi đưa lại tụi con. Nghe mẹ nói hình như ba với cậu Đức không hạp.
Bà Hằng cao giọng:
- Đúng bóc như vậy chớ còn gì mà hình với như. Hai người đó ghét nhau như mèo với chó, dù ngày xưa hai người là bạn thân. Thì cũng cậu Đức mày dẫn bạn về nhà chớ ai.
Cung My tò mò:
− Vậy tại sao hai người lại ghét nhau?
Hơi uể oải bà Hằng triết lý:
− Ôi! Chuyện đời mà! Bạn chung trường như bóng phù vân, có gì đâu là vĩnh cửu. Tóm lại là cậu Đức đã lầm người nên mẹ con bây phải khổ. Chính vì vậy cậu Đức thường hay gởi tiền về giúp đỡ, như là để bù đắp.
- Dì nói rõ con mới hiểu.
Bà Hằng lắc đầu:
− Thôi! Tao nhiều chuyện để mẹ mày nhằn hà! Muốn biết cứ về hỏi mẹ. Tới giờ tao ra chợ rồi, không nói nữa đâu.
Dứt lời bà te te bỏ ra phòng ngoài, Cung My lẽo đẽo theo sau với một bụng hoang mang, ấm ức. Nếu đem những lời dì Hằng ra phân tích thì rõ ràng hạnh phúc của gia đình cô đang có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn.
Bỗng dưng My thấy rã rời, chưa bao giờ cô có cảm giác lạc lõng, bơ vơ, và lo sợ như bây giờ. Nếu ba cố tình trút hết những cơn giận dỗi vô cớ của ông lên đầu cô, thì chắc My sẽ khó sống yên. Nghĩ tới mẹ, Khuê Tâm, và tới bản thân mình, Cung My rưng rưng …
Cuộc đời thật khó hiểu. Mới cách đây vài tiếng đồng hồ, Cung My còn hãnh diện về gia đình, về cha mẹ. Vậy mà bây giờ cái nhìn của cô về mọi thứ đã thay đổi. Màu hồng trong mắt cô đã chuyển qua sắc tím. Có lẽ bắt đầu từ đây cô sẽ phải suy nghĩ khác trước đây rất nhiều. Như vậy là tốt hay xấu, nên hay không Cung My cũng chẳng cần biết. Cô chỉ cảm nhận rằng mình như vừa đánh mất một vật rất quý mà suôt đời còn lại cô sẽ không bao giờ tìm thấy được.