Lời nói đầu

Nói đến pháp luật, ta thường nghĩ ngay đến những cái gì nghiêm túc, hiện thực, liên quan đến việc điều chỉnh các hành vi, cái mối quan hệ của con người trong xã hội bằng các quy phạm pháp luật cụ thể, rõ ràng, dứt khoát, nhằm xác lập một trật tự. Ít ai hình dung rằng pháp luật cũng như bao lĩnh vực khác, có hiện thực và có cả lãng mạn.
So với các lĩnh vực khác thì pháp luật là lĩnh vực chứa nhiều nhân tố triết lý tiềm ẩn của sự lãng mạn hơn. Bởi lẽ, pháp luật là cái hữu hạn, tĩnh tại. Cuộc đời là cái vô hạn và luôn vận động. Đem cái hữu hạn trùm lên cái vô hạn, đem cái tĩnh tại trùm lên cái vận động đã là việc làm lãng mạn rồi. Sự lãng mạn của pháp luật bắt nguồn từ bản chất của chính nó. Dù cố gắng đến đâu thì con người cũng không thể điều chỉnh sự vô hạn của thực tiễn bằng những quy phạm pháp luật chứa trong một số hữu hạn các văn bản. Hơn nữa, thực tiễn biến động hàng ngày hàng giờ, còn các quy phạm pháp luật thì lại đòi hỏi phải ổn định, cho nên chỉ một thoáng là cái vận động thoát ra khỏi cái tĩnh tại, có khi nó thoát đi khá xa. Lúc bấy giờ pháp luật như tấm chăn nhỏ phủ trên mình đứa trẻ khổng lồ nhưng lại phủ ra chỗ trống không. Sự lãng mạn đã sinh ra từ đấy.
Tuy pháp luật không thể phủ kín hiện thực đời sống nhưng nhân loại vẫn phải dùng pháp luật để điều chỉnh và ổn định các quan hệ xã hội vì nhân loại chưa tìm ra cách gì tốt hơn là dùng pháp luật. Lịch sử đã từng xuất hiện thuyết nhân trị và thuyết pháp trị. Thuyết nhân trị của Khổng Tử thì cho rằng: “cai trị không cần tới pháp luật” mà chỉ dựa vào lễ, nhạc để giáo hóa con người tu thân, biết nghĩa vụ của mình mà làm, từ đó xã hội tất yếu sẽ có trật tự. Còn thuyết pháp trị mà tiêu biểu là Hàn Phi Tử thì cho rằng: “Lễ, nhạc không đủ uốn nắn mà phải dùng hình pháp để đưa con người về chính đạo”. Ngày nay, nhân loại đã dung hòa, dùng kết hợp cả hai học thuyết trên: Vừa dùng pháp luật để răn đe, vừa tăng cường giáo dục để con người có tâm làm điều thiện, nhân nghĩa, làm tốt phận sự của mình ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả những nơi mà pháp luật không thể hiện diện để điều chỉnh.
Chúng ta cần hiểu rõ pháp luật và hiểu được sự giới hạn của pháp luật để từ đó sử dụng tốt công cụ pháp luật trong việc xây dựng xã hội mới. Coi thường hoặc thần thánh hóa công cụ pháp luật đều là sai lầm. Lãng mạn pháp luật là sự tập hợp những câu chuyện nằm ngoài pháp luật, có phần hư cấu bay bổng, được viết và biên soạn dựa trên các câu chuyện cổ chứa đựng rất ít hiện thực sẽ phần nào giúp cho bạn đọc hiểu được sự giới hạn của pháp luật và rút ra cho mình những bài học bổ ích. Ít nhất, “Lãng mạn pháp luật” cũng giúp các bạn có những chuyện vui giải trí trong lúc “trà dư tửu hậu”.
Qua mỗi câu chuyện, có nhiều quan điểm khác nhau. Lời bàn của tôi chỉ là một trong vô số quan điểm đó. Tôi mạnh dạn đưa ra quan điểm cá nhân của mình qua mỗi lời bàn sau từng câu chuyện, vì tin rằng bạn đọc sẽ cảm thông được cho tôi trên tinh thần dân chủ: “Tôi không đồng ý với quan điểm của anh nhưng tôi thề rằng bảo vệ đến chết cho anh được cái quyền phát biểu quan điểm ấy” (Jean Jacques Rousseau). Một số câu chuyện tôi để ngỏ lời bàn cho bạn đọc.
Mặc dù hết sức cố gắng nhưng thiếu sót là không tránh khỏi. Tôi mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.
Lương Vĩnh Kim.