Hũ vàng của ai?

Một người kia có mua của người láng giềng một miếng đất. Bữa đó nhằm ngày chót của “thời hoàng kim” và đến sáng hôm sau, sẽ chuyển qua “thời hắc ám”.
Mua miếng đất xong, anh bèn đào đất ngay để dựng cột nhà, thì lại đào trúng một hũ vàng. Anh bèn lật đật chạy qua nhà người láng giềng, chủ cũ miếng đất, cho hay:
- Tôi vừa đào trên miếng đất mà tôi mua của anh, tôi gặp một hũ vàng. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng, vậy xin trả hũ vàng lại anh!
Người kia nói:
- Tôi mừng giùm cho anh đó. Khi tôi bán cho anh miếng đất là tôi đã bán tất cả những gì có trên mảnh đất ấy. Vậy hũ vàng đó là của anh, tôi không có quyền nhận nó.
Hai bên cứ nhường nhau mãi đến khi trời sắp tối mà chẳng ai chịu nhận hũ vàng. Hai bên đều nghĩ rằng cũng nên để qua ngày hôm sau cho đôi bên suy nghĩ lại chín chắn rồi hẵng hay. Đêm đó, đâu dè lại là lúc chuyển sang “thời hắc ám”: ngọn gió vật chất và tư lợi thổi tràn khắp mặt đất, tâm hồn đạo đức của hai bên đều bị ảnh hưởng hắc ám mà không hay.
Sáng đến hai người lại gặp nhau như lời hẹn hôm qua.
Người mua đất liền nói:
- Tôi đã suy xét kỹ lại, thì quả lời nói của anh ngày hôm qua thật xác đáng. Tôi đã mua đất anh thì tất nhiên những gì có trong đất là của tôi.
Người láng giềng nói:
- Không phải vậy. Hôm nay tôi đã xét kỹ lại, thì lời nói của anh hôm qua là đúng. Anh không thể nào mua món đồ mà chính anh không cố ý mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua hũ vàng. Anh trả lại cho tôi, rất đúng.
Hai người cãi nhau, không ai chịu nhường cho ai hũ vàng cả. Họ trở thành thù địch, lôi nhau ra tòa, dùng đủ biện pháp và thủ tục để thắng kiện cho kỳ được, bên nào cũng chắc chắn là mình giữ phần phải, và đều vì công lý mà tranh đấu.
Cuối cùng vụ việc cũng phải đưa đến vị quan để phân xử. Quan phán:
- Hũ vàng thuộc tài sản quốc gia, vậy thu hồi sung công quỹ. Ai có công đào bới, phát hiện sẽ được Nhà nước khen thưởng. Các ngươi về làm đơn xin khen thưởng, đem nộp để quan xét.
Hai người trở về viết đơn đem nộp quan rồi ngồi chờ từ năm này qua năm khác mà không thấy quan gọi. Năm năm sau họ lại cùng nhau phát hiện một hũ vàng khác, ở chỗ ranh giới chung của hai mảnh vườn nhưng không thấy họ kiện lên quan nữa. Trời đất đã chuyển “thời hắc ám” thành “thời khôn ra”.
Lời bàn:
Lúc hai người nhường nhịn nhau thì ai cũng tìm ra cái lý để nhường nhịn. Lúc giành nhau hũ vàng thì ai cũng tìm ra cái lý để giành nhau. Thế mới biết cái lý để tranh luận là vô cùng, chưa biết cái lý nào là cái lý đáng được chấp nhận. Do vậy, con người cần sử dụng pháp luật để áp đặt một cái lý duy nhất cho hai cái lý trên. Nhưng than ôi! Còn có cái lý thứ ba là cái lý sung công mà hai kẻ kia chưa biết. Khi biết thì họ “khôn ra” không còn dám nhờ đến pháp luật nữa.