Karenosho
Cánh đồng khô
Lời người dịch

     ánh đồng khô (ra đời năm tháng 9 năm 1918) là một trong ba tác phẩm mà Akutagawa đã viết với bối cảnh thời Edo (1603 - 1867). Hai tác phẩm kia là Một ngày trong đời Oishi Kuranosuke (Aru hi no Oishi Kuranosuke, 1917) nói về thủ lãnh của 47 người samurai trung thành, trả thù cho chủ, và Hứng sáng tác (Gesakuzanmai, 1917) liên quan đến quan điểm viết văn của tiểu thuyết gia Takizawa Bakin (1767-1848).
Thi hào Matsuo Basho (Tùng Vĩ, Ba Tiêu, 1644 -1694), nhân vật chánh của Cánh đồng khô, có công đưa thơ haiku từ một trò tiêu khiển lên hàng nghệ thuật. Ông rất nhiều học trò, trong đó mười đệ tử nổi bật hơn cả được gọi là Tiêu môn thập triết (Shomon jittetsu). Một số sẽ lần lượt xuất hiện trong truyện.
Để đi tìm hứng thơ và phong cách sáng tác mới, thi hào Basho đã lên đường hành hương và từ đó đi mãi không ngừng. Ông thuộc vào loại nhà thơ “thèm đi” như Lý Bạch, Đỗ Phủ của Trung Quốc, Saikyo và Sogi của Nhật Bản. Sau chuyến đi Đông Bắc (1689) để lại giai tác Đường mòn miền Oku (Oku no hosomichi), ông về sống ở Edo rồi năm 1694, trong chuyến đi thăm cố hương Iga - Ueno, ốm và mất ở Osaka lúc mới 51 tuổi. Với tâm sự vĩnh viễn làm người lữ khách, ông viết bài thơ từ giã cuộc đời gửi đến đám môn nhân vây quanh giường bệnh và có nhắc đến “cánh đồng khô”, thiên nhiên cằn cỗi hoang sơ mà hồn ông luôn vương vấn.
Trong tác phẩm này, vinh quang, kính phục, tôn thờbỗng một ngày đã tiêu tan thành tro bụi trước bàn tay của định mệnh. Cảnh chờ chết của Basho tượng trưng cho giây phút một thần tượng sụp đổ. Vị tôn sư mất hết uy lực, nằm bẹp trên giường bệnh và sắp sửa trở về với cát bụi để trả lại tự do cho đám đệ tử cũng có thể là hình ảnh văn hào Natsume Soseki (1867 -1916), người hướng dẫn tinh thần tôn kính mà Akutagawa và các bạn văn khác vừa mới đưa ma, hay chính bản thân tác giả, nhà nghệ thuật cô đơn, “thấy người nằm đó biết sau thế nào?”

*

Tôn sư gọi Joso[1] và Kyorai[2] đến và bảo: Tối hôm qua, trong khi trằn trọc không ngủ được, tứ thơ chợt đến và ta đã nhờ Donshu[3] ghi lại. Các trò hãy ngâm thử xem:
Lữ thứ thân nằm bệnh,
Hồn lang thang đồng khô.
(Trích Nhật Ký Hanaya[4], 1811)
Đó là buổi trưa mười hai tháng Mười năm Genroku thứ bảy[5]. Từ lúc sáng dậy mở mắt ra, dân buôn bán ở Osaka đã lo lắng theo dõi bầu trời ửng một màu đỏ ối đằng xa sau mấy lớp nhà lợp ngói, dò xem có mưa rào như hôm qua nữa không. May quá, trên mây chòm liễu lá xào xạc, chưa thấy những đợt mưa dày như khói mù. Hôm đó chỉ là một ngày mùa đông tẻ nhạt, dầu có mây giăng nhưng trời hãy còn đủ sáng. Ngay cả nước của dòng sông len giữa xóm nhà dân xếp thành hàng cũng biếng chảy, hôm nay nó bơ thờ, mất đi vẻ óng mượt của mọi ngày. Có cảm tưởng mấy cọng lá hành rác rưởi trôi nổi trên dòng cũng không thấy mang màu xanh lạnh mắt thường nhật. Thêm vào đó, khách bộ hành trên bờ, từ kẻ bịt khăn trùm đầu đến người xỏ dép da, ai cũng như đã quên những cơn gió đông đang quét qua cái cõi trần ai này mà lơ đãng bước đi. Màu sắc của các rèm cửa hiệu, âm thanh ngựa xe qua lại, tiếng đàn samisen ở một rạp diễn tuồng múa rối từ xa vọng về… ngay cả bụi bặm đường phố bám trên những cái nắm bằng đồng hình trái châu đặt trên thành cầu, tất cả đều như bất động để giữ y nguyên cái bình lặng cho ngày mùa đông…
Lúc ấy, ở gian buồng nhà trong của Hanaya Nizaemon xóm Midomae Minamikyutaro, kẻ được người đời tôn sùng như bậc đại tôn sư của thơ haikai[6], thi hào Matsuo Tosei, am chủ am Basho[7], đang được chư đệ tử đến từ khắp nơi canh giấc bên giường bệnh. Thi hào gần đến chặng cuối của cuộc đời năm mốt năm làm người, thân thể ông như “đốm lửa đang nguội dần dưới lớp tro tàn”[8] và sắp lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó có lẽ gần giữa giờ Thân… trong căn phòng rộng thênh nhờ những bức vách ngăn di động được đã được tháo ra, một thỏi hương tỏa lên làn khói mỏng nhẹ trên đầu nằm của người đến giờ lâm chung. Lớp giấy còn mới dán lên cánh cửa kéo nhìn ra vườn được đóng kín ngăn cái lạnh mùa đông ngoài trời, lại để riêng chỗ đó một cái bóng sẫm mà màu sắc lạnh lẽo như ngâm vào da thịt. Basho yên lặng nằm, đầu hướng về cánh cửa kéo, bên cạnh ông trước tiên có Mokusetsu[9], người thầy thuốc, một tay đang luồn xuống dưới tấm chăn, cau mày lo lắng bắt nhịp mạch đã rời rạc của con bệnh. Co ro đằng sau Mokusetsu là người nãy giờ vẫn rì rầm niệm Phật không dứt, chắc không ai khác hơn Jirobe, người lão bộc[10] từ thời ở Iga, đã theo chân tôn sư trên bước du hành. Bên cạnh Mokusetsu là Shinshi Kikaku[11], người mà ai cũng nhận ra dễ dàng vì to béo đồ sộ, thân hình núc nác làm chật ních tấm áo thụng tay vuông vức Kikaku cũng như Kyorai với đôi vai lực lưỡng và dáng dấp uy nghi trong chiếc áo nhuộm in hoa văn nhô kiểu Kenpo, đều đăm đăm ngắm sắc diện vị tôn sư của họ. Đằng sau lưng Kikaku là Joso, tướng như ông thầy cúng, chuỗi bồ đề trên cổ tay, dáng điệu nghiêm trang. Otokuni[12] chiếm chỗ bên cạnh, mũi thút thít liên hồi như thể không ngăn chặn được nỗi buồn thương đang trào dâng. Còn người tướng nhỏ thó giống thầy tăng trong chiếc áo bạc màu mà ống tay đầy chỗ vá víu đang chòng chọc nhìn cảnh đó và chìa cằm ra đằng trước với vẻ khó chịu là Izenbo[13]. Ông ta ngồi đối diện thầy thuốc Mokusetsu, một hàng với Shiko[14], người có nước da tái thâm, tính cứng cỏi. Ngoài ra là một vài đệ tử đang im phăng phắc, thiếu điều nín thở. Bọn họ ngồi cả bên mặt bên trái quanh giường bệnh, tỏ niềm tiếc thương vô hạn vì sắp phải vĩnh viễn chia tay sư phụ. Trong đám chỉ có mỗi một người là phủ phục trên mặt chiếu ở góc buồng và khóc như ri. Chắc là Masahide[15] chứ chẳng ai! Thế nhưng tiếng khóc của ông ta như bị cái yên lặng đến lạnh lẽo của căn phòng dìm xuống nên không thể vang lên để khuấy động được làn hương đang tỏa nhẹ trên đầu nằm của người bệnh.
Trước đó một lúc, sau khi vừa nói dăm câu di chúc không rõ ràng vì cái giọng ho đàm khàn khàn, Basho hai mắt vẫn khép hờ mà hình như đã đi vào tình trạng hôn mê. Khuôn mặt của nhà thơ, sót lại chút dấu vết của bệnh đậu, thật gầy guộc. Ngoài hai gò má xương xẩu hãy còn nhô lên chứ tất cả màu hồng của sự sống đã biến mất trên cặp môi bọc quanh bằng những chuỗi nếp nhăn. Nhưng đau lòng nhất là cái nhìn của ông, đôi mắt chỉ còn loe lóe chút ánh sáng mơ hồ như đang bám víu vào vật gì ở mãi xa như khung trời mùa đông bên kia những mái nhà, lạnh lẽo và trải rộng đến vô cùng:
Lữ thứ thân nằm bệnh,
Hồn lang thang đồng khô”.
Có lẽ trong phút giây này, trong cái nhìn không dò hỏi được đó, đã hiện ra hình ảnh cánh đồng khô mênh mông trong ánh chiều tàn, sắp chìm vào bóng tối một đêm không trăng, trôi nổi bồng bềnh trong mộng - đúng là cái hình ảnh chính Basho đã cho ghi lại ba bôn hôm trước trong vần thơ từ giã cõi đời.
- Đem nước tới!
Rốt cuộc Mokusetsu mói lên tiếng nhờ Jirobe đang ngồi lẳng lặng phía sau. Người lão bộc đã soạn sẵn bát nước với cái que bằng lông gà để chấm, thận trọng đẩy hai thức ấy về bên gối chủ nhân, rồi như thể chợt nhớ ra, lại nhanh nhanh tiếp tục niệm Phật. Trong lòng con người chất phác, sinh trưởng giữa rừng núi như Jirobe, một niềm tin đã bám rễ. Ông cho rằng dù Basho hay là ai chăng nữa cũng phải nương tựa vào sự từ bi của Phật A Di Đà mới có thể thác sinh về bờ bên kia để đến cõi Tịnh Độ.
Còn Mokusetsu, khi xin miếng nước, chỉ trong một sát na thôi ông đã tự hỏi lòng mình, với tư cách là người thầy thuốc, ông đã làm hết cách để cứu con bệnh chưa. Nghi vấn đó ông đã từng đặt cho mình nhiều lần. Nhưng lúc này, ông ta lấy lại được ngay sự bình tĩnh trong tâm hồn và quay về phía Kikaku đang ngồi bên cạnh, không nói không rằng mà chỉ ra hiệu. Trong lòng tất cả những người vây quanh giường bệnh của Basho lúc ấy chợt có một sự căng thẳng như đoán biết giờ phút cuối cùng sắp điểm. Đồng thời họ cũng cảm thấy một thứ thư giãn nếu không bảo là nhẹ nhõm. Nói cách khác, họ biết cái gì phải đến đã đến và cảm giác được yên thân này sẽ không ai đoạt lại được. Tình cảm này chính ra hết sức tinh tế đến nỗi những người trong cuộc không thể khẳng định mình đã ý thức được lúc đó. Cho nên ngay cả Kikaku, kẻ thực tế nhất trong bọn, cũng không khỏi sửng sốt khi ánh mắt ông ta và của Mokusetsu chợt giao nhau và trong đôi mắt của hai người, họ đã lo âu khi đọc được cùng một thứ tình cảm. Kikaku bèn lảng qua một bên để tránh tia nhìn, cầm que lông gà lên như không có việc gì:
- Cho tôi được làm người đầu tiên…
Ông ta quay sang Kyorai xin phép. Sau khi nhúng que lông gà vào trong bát nước, ông lết bằng hai đầu gối mập mạp tới gần và nhìn soi mói vào mặt ông thầy. Thực ra, mới đây thôi, ông còn tưởng tượng rằng cái ngày không được thấy mặt thầy trên đời chắc mình sẽ đau xót biết chừng nào. Thế mà bây giờ, khi nhúng que vào bát nước cúng cho người sắp chết, tình cảm đích thực của ông chỉ là sự dửng dưng và lạnh lùng. Nó tương phản với những chi tiết mà ông tưởng tượng gần như là dàn cảnh trước đây. Chẳng những thế điều Kikaku không thể đoán trước được là hình dung tiều tụy da bọc xương của tôn sư trước phút lâm chung làm ông cảm thấy ghê tởm, khinh ghét mãnh liệt đến độ thiếu điều quay mặt không nhìn. Bảo rằng mãnh liệt thôi thì vẫn chưa hết ý. Nó còn là một thứ ghê tởm tựa hồ phản ứng sinh lý của cơ thể muốn cưỡng lại sự lan tràn của một chất độc mình không chịu nổi và không rõ hình thù. Lúc này, phải chăng ông ta đã biểu lộ ra tất cả sự khinh ghét đối với mọi vẻ xấu xí trên đời tình cờ quy tụ lại trên thân xác bệnh hoạn của vị tôn sư? Hoặc giả trước mắt cái con người yêu “cuộc sống”, thích hưởng lạc như Kikaku, thực thể của “cái chết” bày ra giống những lời thiên nhiên đang hăm dọa, điều mà ông nguyền rủa hơn bất cứ cái gì khác. Dù sao, khi nhìn khuôn mặt chờ chết của thầy mình, Kikaku chỉ thấy ghê tởm không tả xiết. Ông ta đưa phớt que lông gà chấm ướt vành môi mỏng khô tím của Basho mà không có chút buồn thương, rồi thối lui với vẻ sượng sùng. Khi đang lùi ra sau, trong một thoáng, ông cảm thấy lòng gợn lên một tình cảm tựa hồ sự trách móc đối với bản thân nhưng cái ghê tởm cảm thấy lúc nãy còn mạnh mẽ hơn và lấn át được đôi chút suy nghĩ có tính cách đạo đức ấy.
Sau Kikaku, đến phiên Kyorai, người không còn giữ được bình tĩnh từ lúc Mokusetsu ra hiệu, cầm que lông gà. Tiếng đời đồn ông là kẻ khiêm cung quả không sai vì Kyorai có hơi cúi đầu thi lễ mọi người xong mới lê về đầu nằm của thầy. Nhưng vừa khi nhìn thấy khuôn mặt bị bệnh hoạn tàn phá của vị tôn sư thơ haikai, trong lòng ông ta bỗng chen lẫn hai thứ tình cảm: thỏa mãn và hối hận. Chừng như có mắc mớ gì nhau mà hai tình cảm đó cấu kết tựa bóng với hình và từ mấy bữa nay đã làm xáo trộn tâm trí của một người thận trọng như Kyorai. Ông ta chẳng đã tức tốc từ Fushimi lấy thuyền về ngay khi vừa nghe tin thầy lâm bệnh nặng, ông ta chẳng đã nề hà đêm hôm khuya khoắt đến đập cửa nhà Hanaya này, và từ dạo ấy chầu chực bên giường thầy không chút trễ biếng là gì! Không những thế ông hết cậy Shido[16] phụ giúp mình lo mọi việc, hết gửi người đến đền Sumiyoshi cầu thần cho thầy chóng lành, lại còn bàn bạc với Hanaya Nizaemon sắm sanh bao vật dụng cần thiết. Hầu hết mọi công việc đều do một tay ông sốt sắng lo. Phải nhìn nhận sự thật là mỗi mình ông chủ động và không hề mượn ai cảm ơn. Tuy nhiên trong khi lo cho thầy đến quên ăn quên ngủ, trong đáy lòng ông cũng không phải không nhen nhúm một sự mãn nguyện về mình. Vì sự mãn nguyện ấy không cảm nhận được rõ ràng, nó chỉ kích thích cho Kyorai vui trong công việc chứ hầu như chẳng quấy nhiễu ông trong lúc đi đứng nằm ngồi. Nếu không phải thế thì tại sao một đêm trong khi canh giấc con bệnh bên cạnh ngọn đèn dầu và mải mê nói chuyện trên trời dưới biển với Shiko, nhân bàn đến ý nghĩa chữ hiếu, ông đã tránh né việc trình bày cách ăn ở thế nào cho phải đạo và không kể lể dài dòng về ý định hầu hạ thầy như hầu hạ cha mẹ của mình. Có điều trong khi ông ta đang hợm hĩnh thì trên gương mặt của anh chàng Shiko đa nghi kia thoáng hiện một nụ cười chế nhạo: nụ cười ấy bất chợt phá mất sự yên ổn trong tâm hồn mà ông đã giữ được đến giờ. Nguyên nhân làm ông mất yên ổn là việc lần đầu tiên ông khám phá ra mình có mãn nguyện thật. Thêm nữa, càng ý thức rõ ràng về sự mãn nguyện đó, Kyorai càng cảm thấy đôi lúc khó chấp nhận sự bần tiện của chính bản thân.
Mấy ngày liền cứ như thế nên hôm nay bên gối thầy, lúc phải châm giọt nước lên môi để tiễn người sắp ra đi, quả thấy tội nghiệp nhưng không ai ngạc nhiên tí nào nếu thấy con người lúc nào cũng tuân thủ đạo đức một cách chặt chẽ nhưng thần kinh vô cùng nhạy cảm ấy trở thành luống cuống trước mâu thuẫn nội tâm. Kyorai cầm que lông gà đưa lên mà cảm thấy thân thể cứng nhắc. Khi cái que thấm nước lướt trên môi Basho.
Rồi ra xương trắng vệ đường
Gió mưa lạnh buốt, buồn vương hành trình[18]
Chính tôn sư bốn năm ngày trước đây còn lặp đi lặp lại như một lời cảm ơn bọn mình: “Xưa nay vẫn tưởng phải trải cỏ làm giường, lấy đất làm gối mà nằm chết, nay ta được có được giường êm nệm đẹp để ra đi trong toại nguyện như thế này thì có niềm vui nào bằng”.
Nhưng nói cho cùng, có gì khác nhau rõ rệt giữa “cánh đồng khô” và cái phòng phía sau nhà trọ Hanaya này đâu. Thật ra, trước đây ba bốn hôm, ngay kẻ đang chấm nước lên môi thầy là ông ta đây chỉ có mối lo sao chưa thấy tôn sư viết bài thơ từ giã cuộc đời[19]. Thế rồi hôm qua ông này lại nảy ra cái ý gom góp những hokku[20] của thầy để làm thành thi tập một khi tôn sư quá vãng. Cuối cùng đến hôm nay, từ nãy đền giờ, ông chỉ chăm chú quan sát những diễn biến trên khuôn mặt người thầy mà giờ nhắm mắt mỗi lúc gần kề. Nếu mạnh miệng thêm tí nữa thì ta có thể ngờ rằng đằng sau cái nhìn kiểu như dò xét kia, có cái dự tính mình sẽ là người đặt bút viết ít nhất một đoạn văn mô tả về giây phút cuối của thầy. Như thế mới biết trong khi đang chầu chực bên giường bệnh, cái điều đang chi phối tâm trí của Shiko chỉ là tiếng tăm của môn phái, lợi lộc của đám đệ tử cũng như tính toán hơn thiệt của riêng mình, tóm lại toàn là những điều chẳng dính dáng gì đến ông thầy đang nằm đợi chết. Do đó, đúng y như tôn sư đã khéo tiên tri trong những bài thơ thường làm trước đây, kết cục là khi chết đi người sẽ bị bỏ rơi để trở thành một trận mưa dông lang thang trên cánh đồng khô mênh mông của cuộc đời. Tất cả lũ đệ tử có ai khóc thương cho thầy đâu, họ chỉ khóc cho bọn họ từ đây không còn thầy bên cạnh nữa. Họ không than thở cho người lãnh đạo tinh thần kiệt sức chết giữa cánh đồng khô, họ chỉ thở than cho chính họ mất đi ông thầy giữa khi chiều xuống. Nhưng đem đạo đức ra phê phán bọn họ nào có thay đổi được gì! Bạc bẽo chẳng phải là bản chất của con người đó sao?… Shiko vừa châm nước lên môi thầy, một mình chìm đắm trong một niềm cảm khái đượm màu sắc yếm thế mà ông tự cho rằng khả năng trầm tư được thế này là cái bằng chứng hơn người của mình. Chấm xong, ông để lại que lông gà chỗ bát nước, nhìn quanh một vòng với ánh mắt khinh thị những người đệ tử khác còn đang nghẹn ngào, xong thủng thỉnh quay về chỗ cũ. Cái lạnh lùng trong hành động của Shiko đã đập vào mắt của con người tốt bụng là Kyorai ngay từ giây phút đầu tiên. Trong lòng Kyorai, sự lo âu ban nãy lại trở về. Riêng Kikaku có vẻ như cười khinh khỉnh, ý như khó chịu trước cái cố tật lúc nào cũng muốn ta đây hơn người của Tokabo.
Shiko vừa xong thì đến lượt Izenbo. Người khẳng khiu, ông phải trườn ra, tay áo tu hành nhuộm đen lết trên mặt chiếu. Khi ấy thì thần chết như đã đến sát Basho rồi. Sắc mặt tôn sư nhợt nhạt hơn lúc nãy, trên làn môi đẫm nước, hơi thở lắm lúc như quên bẵng, không thấy phát ra. Mới tưởng thế thì bất đồ như chợt nhớ trở lại, cổ họng ông co thắt mạnh rồi một làn hơi nhẹ thoảng. Trong cổ họng có tiếng đờm kéo hai ba lần, nhưng rõ ràng đường hô hấp dường như yếu dần. Lúc đó Izenbo, người đang đặt que lông gà cho đúng chỗ trên môi thầy, bất chợt cảm thấy hoảng sợ - một tình cảm không liên quan đến nỗi buồn từ biệt - ập vào tâm hồn ông ta. Đó là nỗi sợ hãi phi lý khi ông nghĩ rằng hết lượt thầy, mình sẽ là người chết trước tiên. Cho dù nỗi lo sợ đến không lý do nhưng một khi đã xâm chiếm ông rồi thì làm ông tê liệt không cách nào chịu đựng hay chống cự được. Số là đối với cái chết, Izenbo có một sự khiếp sợ đến bệnh hoạn. Tự ngày xưa ông đã từng trải qua cái cảnh, ngay cả khi đang rong chơi vui vẻ, cứ mỗi lần nghĩ đến cái chết của mình là sợ hãi đến toàn thân mướt mồ hôi. Do đó, khi nghe nói đến cái chết của ai, ông cũng mừng rơn vì họ không phải là mình. Đồng thời ngược lại ông lo lắng đặt câu hỏi nếu đó là trường hợp của mình thì biết tính sao đây? Dĩ nhiên ngay cả trường hợp Basho cũng không được Izenbo xem như ngoại lệ. Lúc đầu, khi cái chết của thầy hãy còn chưa đến kế bên - một ngày mùa đông tạnh ráo, trời hãy còn sáng sủa, những tia nắng chiếu lên cánh cửa phết giấy và hương thơm dịu dàng của hoa thủy tiên mà bà Sonojo[21] tặng còn tỏa ngát trong phòng, lúc tất cả đệ tử tụ tập bên giường còn ngâm những bài thơ để giúp thầy khuây khỏa - thì tâm trạng của Izenbo hãy còn khác cái tâm trạng hiện nay như ánh sáng đối với bóng tối. Tâm trạng cũ đã lần hồi nhường chỗ cho tâm trạng mới và khi hồi chung cuộc gần kề - làm sao quên được hôm có trận mưa rào đầu mùa ấy - nhìn thấy thầy mình không còn ăn nổi miếng lê, thứ quả ngày thường người vẫn thích, Mokusetsu đã lắc đầu lo lắng, vâng, kể từ giờ phút đó, cái yên trí lần lần đã bị nỗi lo âu gặm nhấm và biến nó thành một thứ khủng hoảng tinh thần khi ý nghĩ “hết phiên thầy là đến phiên mày đấy” như một cái màng mỏng lạnh lẽo cứ lan dần ra làm buốt thấu tim. Vì vậy, khi ngồi cạnh đầu nằm để chấm nước lên môi thầy một cách cẩn thận thì Izenbo cảm thấy nỗi khiếp hãi ấy bao vây đến độ không dám nhìn thẳng vào mặt người đang hấp hối. Không, có một giây ông đã có thể nhìn thẳng mặt tôn sư đấy nhưng cũng vào lúc đó, tai ông bỗng nghe tiếng thở thì thào vì ghẽn đờm trong cổ họng Basho. Nó làm mọi can đảm của ông co rụt lại. Câu nói “Thầy chết rồi tính ra chắc là lượt mày đấy” cứ lặp đi lặp lại trong lỗ tai ông như một lời dự ngôn khi Izenbo đang rúm ró lết cái thân hình gầy yếu về chỗ ngồi. Ông ta chẳng thèm dòm ai chung quanh mà cứ ngước mắt ngó lên. Gương mặt đã không mấy cảm tình lại làm cho khó thương thêm.
Otokuni, Masahide, Shido, Mokusetsu… đám môn nhân kẻ trước người sau đến quây quần bên giường bệnh, lần lượt chấm nước cúng lên môi thầy. Trong khi đó, hơi thở của Basho càng lúc càng mỏng manh và cách quãng lâu hơn. Yết hầu cũng thôi di động. Khuôn mặt nhỏ rỗ hoa, dấu vết lên đậu, trông tiều tụy như bọc sáp, đôi mắt đã lạc thần cố bám víu vào một khoảng không gian xa vời, râu bạc trắng như cước bó quanh hàm… đã đông cứng, không còn cảm giác gì của thế giới con người nữa. Tất cả đều như đang mơ về một cõi đời sau đầy ánh sáng yên lành mà người chết sắp sửa bước vào. Chính vừa lúc đó thì Joso, đang ngồi sau lưng Kyorai, cúi đầu xuồng ra dáng trầm tư. Joso, con người cúc cung tận tụy, một khách thiền môn, cảm thấy trong lòng mình từ từ dậy lên một nỗi buồn vô bờ bến xen lẫn với một sự an tâm cũng vô bờ bến khi hơi thở tôn sư yếu dần. Về nỗi buồn thì chẳng cần phải mất thêm thời giờ để giải thích lý do. Thế nhưng tại sao Joso lại cảm thấy sự an tâm lan rộng trong lòng mình như ánh sáng đang xua dần bóng tối. Hơn thế nữa, cứ mỗi khắc qua đi thì những ý nghĩ vẩn vơ dần dần tiêu tán, rồi những giọt nước mắt cũng biến dạng thành nỗi buồn trong sáng không mảy may làm đau đớn con tim. Phải chăng vì trong lòng Joso đang chan chứa niềm vui khi biết linh hồn tôn sư đã thoát ra ngoài vòng sinh diệt để về cõi Niết Bàn siêu sinh tịnh độ? Không đâu ạ, ngay cả Joso cũng không hiểu được vì sao. Nếu thế thì, ôi thôi,… cái thằng ngu ngốc mãi mãi chần chừ không dám tiến lên và cứ tự dối mình là ai vào đây? Tình cảm an tâm trong lòng Joso chẳng qua là niềm vui của một tâm hồn bấy lâu bị cái hình bóng quá to lớn của Basho chèn ép, khuất phục, rốt cục thoát cũi sổ lồng, duỗi được tay chân, đoạt lại tự do và sức mạnh cố hữu của mình. Đó là niềm vui được giải phóng. Choáng ngợp bởi niềm vui và nỗi buồn ấy, Joso tay lần tràng hạt, trong đáy mắt của ông, hình ảnh bọn đệ tử hãy còn khóc thút thít chung quanh đã tan biến đi mất. Với nụ cười nhẹ nhàng thoáng trên bờ môi, ông cung kính cúi đầu thi lễ trước tôn sư vừa trút linh hồn.
Và như thế, bậc đại tôn sư thơ haikai danh quán cổ kim, Matsuo Tosei, am chủ am Basho, đột ngột thở hơi cuối cùng trong niềm “xót thương vô hạn” của bầy đệ tử chung quanh gối người.
(1918)
Nguyễn Nam Trân dịch

Chú thích:

(1) Joso (Naito Joso, Nội Đằng, Trượng Thảo, 1662 -1704) là một trong thập triết, thơ ông trong trẻo, thanh đạm. Sau lập am tu thiền.
(2) Kyorai (Hướng Tình, Khứ Lai, 1651 - 1704) là một trong thập triết. Người đôn hậu trung thực, thơ cao nhã, u buồn.
(3) Donshu (Thôn Châu), người chăm sóc Basho bên giường bệnh.
(4) Tập sách ghi chép những ngày tháng cuối cùng ở quán trọ Hanaya. Đời sau cho là một tập sách giả.
(5) Vào niên hiệu Genroku (Nguyên Lộc, 1688 -1704). Tức là năm hôm trước khi Basho mất.
(6) Hình thức nguyên thủy của thơ haiku tức loại thơ Nhật rất ngắn, theo khổ 5/7/5, tất cả 17 âm tiết.
(7) Basho tu thiền nên dựng cái am tên là Cây chuối (Bashô) như biệt hiệu của ông.
(8) Trích văn của chính Basho.
(9) Mokusetsu (Mochizuki Mokusetsu, Vọng Nguyệt, Mộc Tiết), thầy thuốc người Osaka, cũng là học trò Basho.
(10) Người chú giải cho Nhà xuất bản Shincho phán đoán rằng Akutagawa đã lầm. Jirobe không phải là lão bộc mà là con bà Juteini, một người tình của Basho. Có thể chính là con đẻ của ông.
(11) Shinshi Kikaku (Tân Tử, Kỳ Giác), tên thật là Enomoto Kikaku (1661 -1707), người đứng đầu thập triết. Sau khi thầy chết, nổi tiếng ở Edo với thi phong trào lộng.
(12) Otokuni (Kawai Otokuni, Xuyên Tinh Ất Châu, 1657 -1720), cùng với chị là nữ thi nhân Chigetsu (Trí Nguyệt) đều là học trò Basho.
(13) Izenbo (biệt hiệu của Hirose Izen, Quảng Lại, Duy Nhiên,? -1711. E. de Chavanes đọc là Inenbo) đệ tử đã theo Basho trong cuộc du hành cuối cùng và chầu chực bên giường bệnh. Thơ tiêu sái, nhẹ nhàng, sử dụng văn nói và chủ trương bỏ khái niệm mùa trong haikai.
(14) Shiko (Kagami Shiko, Các Vụ Chi Khảo, 1665 - 1723), là một trong thập triết. Thơ bình dị, đại chúng.
(15) Masahide còn đọc là Seishu (Mizuta Seishu, Thủy Điền, Chính Tú, 1658 - 1723) cũng là một môn đệ của Basho. Sau hành nghề thầy thuốc.
(16) Shido tên thật là Emoto Shido, hiệu Fuchiku (Phóng Trúc), buôn dược thảo ở Osaka, một nhân vật quan trọng trong đám môn sinh của Basho.
(18) Ý câu thơ mào đầu viết năm 1684 trong Koshi Ginko (Giáp Tý ngâm hành) về nỗi lo âu phải chết bỏ xương trắng dọc đường trong chuyến lữ hành.
(19) Người Nhật có tập quán làm thơ tuyệt mệnh (từ thế thi) trước khi chết.
(20) Hokku (phát cú) còn gọi là hoku hay ageku là câu thơ mào đầu trong chuỗi haikai renga, kỹ thuật làm thơ liên tục của Nhật, về sau, câu đầu tiên này đứng riêng và thành một câu thơ độc lập gồm 17 âm tiết, sắp xếp theo hình thức 5.7.5. Haiku bây giờ tức là haikai hokku (câu đầu của thơhaikai) vậy.
(21) Shiba Sonojo (Tư Ba, Viên Nữ, 1664 -1726), một nữ đệ tử của Basho, tính cứng cỏi như đàn ông nhưng lời thơ đơn sơ, có phong thái phụ nữ.