Sennin
Tu tiên
Lời người dịch

     kutagawa viết ba tác phẩm lấy cùng tên là Sennin. Tiếng Nhật Sennin là danh tự, dịch sát thì phải dịch là Ông tiên hay Tiên ông, tuy nhiên người dịch xin để dành cái tựa Ông tiên cho câu chuyện Sennin thứ hai với nội dung viết cho người lớn về một ông tiên chán cõi tiên, giáng trần, và xin dịch thoát truyện Sennin này thành Tu tiên. Đây là truyện một người sống dưới trần tìm đường tu tiên.

*

Thưa quý bạn
Hiện nay tôi đang ở Osaka, xin để tôi kể hầu quý bạn một câu chuyện truyền tụng ở đây.
Ngày xưa, có một gã ra tỉnh Osaka làm việc. Không ai biết tên thật của gã là gì, chỉ biết gã đến đây làm bếp, nên người ta gọi gã là Gonsuke[1].
Thiên hạ kể rằng khi Gonsuke vén bức rèm bước vào trong cửa tiệm chuyên môi giới công ăn việc làm, thì gã nhờ ngay người coi tiệm, đang ngồi ngậm ống điếu, tìm giúp công việc bằng một câu như thế này:
- Dạ thưa bác, tui muốn tu tiên, xin bác làm ơn giới thiệu giùm chỗ nào để tui vô làm rồi ở tu luôn trong đó.
Người coi tiệm chưng hửng, không biết trả lời sao cho phải, đành nín thinh.
- Bác ơi, bác không nghe tui nói sao bác? Tui muốn thành tiên, bác làm ơn giới thiệu giùm chỗ nào để tui vô làm rồi ở đó tu luôn.
- Thật tội nghiệp cho cậu, nhưng…
Người coi tiệm lại bập bập hút ống điếu, rồi nói tiếp.
- Tiệm tui xưa nay chưa nhận giới thiệu cho ai đi tu tiên cả, cậu cảm phiền đi kiếm chỗ khác.
Nghe bảo vậy, Gonsuke tỏ ngay vẻ bất bình, hắn lết hai đầu gối quần lót nhuộm xanh sặc sỡ, xích lại gần chỗ người coi tiệm, nói lý sự:
- Nè, nè bác nói vậy đâu được. Rèm trước tiệm, bác quảng cáo gì ngoài đó… hở? Rõ ràng trên đó có đề mấy chữ: Tiệm môi giới VẠN, có đúng không nào? Đã là VẠN thì có nghĩa là vạn sự, việc gì cũng giới thiệu. Hay là, bác tính viết điều dối trá trên bức rèm hay sao?
Lời gã nói, nghe như đinh đóng cột. Gonsuke nổi giận có cái lý của gã.
- Không không, bức rèm tiệm tôi không có đề điều gì dối trá đâu, nếu cậu muốn tìm cho được chỗ để đi tu, thì ngày mai cứ trở lại đây, để hôm nay tôi hỏi dợm trước mấy chỗ, xem có được không đã.
Người coi tiệm nhận lời Gonsuke như vậy, vì muốn tránh chuyện lôi thôi ngay lúc ấy. Thật ra chàng ta làm gì mà biết cách tìm được chỗ để tu tiên. Cho nên, sau khi xua được Gonsuke ra khỏi tiệm, chàng ta liền lật đật sang nhà ông thầy thuốc gần đấy, thuật lại đầu đuôi câu chuyện của Gonsuke, rồi lo lắng hỏi:
- Thưa thầy câu chuyện đầu đuôi như thế, thầy có biết muốn thành tiên thì đi đâu tu mau thành nhất không thầy?
Cơ sự thế này thì ngay cả ông thầy thuốc cũng bí. Ông ta chỉ biết lơ đãng khoanh tay, xoay mặt ngó ra ngoài vườn, ngắm cây tùng. Nhưng mụ vợ của ông thầy thuốc nghe xong thì xía miệng vô ngay. Mụ vợ xảo quyệt này, thiên hạ giễu cợt gán cho cái tên “mụ cáo già”.
- Chuyện ấy à, cứ dắt nó lại đây cho tui. Ở với tui hai ba năm thì tui dạy thành tiên liền hà.
- Thiệt hả bà? Thế này thì tôi hỏi đúng chỗ quá. Vậy xin nhờ hai ông bà đấy nhá. Xưa nay tôi vẫn nghĩ không biết chừng cái nghề bốc thuốc nó có dính líu với các ông tiên.
Người coi tiệm chẳng hiểu ất giáp gì, nhưng cũng kính cẩn gập mình chào đi chào lại mấy lần, rồi ra về, bụng mừng khôn xiết.
Ông thầy thuốc mặt mày ngượng nghịu, tiễn khách xong thì xoay sang mụ vợ, càu nhàu:
- Nè bà, sao bà nói năng gì tầm bậy như thế? Lỡ cái tên nhà quê kia, đến đây ở cả mấy năm liền mà không được dạy thuật tiên, thế nào nó cũng bất bình, lúc ấy bà tính sao đây?
Nhưng mụ vợ không những không chịu lỗi, ngược lại còn hếch mũi cười, bô bô nói lấn át chồng:
- Này, im cái mồm ông đi, chớ cái tướng của ông, thẳng như ruột ngựa, thì kiếm đâu cho ra miếng cơm trong cái thời buổi cực khổ này.
Ngày hôm sau, đúng như đã hẹn, người coi tiệm dắt tên nhà quê Gonsuke đến nhà ông thầy thuốc. Gonsuke cũng khôn, gã nghĩ được hôm nay là ngày ra mắt, nên gã đóng cả bộ áo khoác có in hoa văn dòng họ của gã. Nhưng rốt cuộc trông gã cũng không khác gì hơn một tên nhà quê quèn. Ăn mặc trịnh trọng như thế chỉ làm ông thầy thuốc cứ nhìn chòng chọc vào mặt gã, như ngắm nghía một con hươu xạ từ bên xứ Thiên Trúc mới đem sang, rồi ông ta thắc mắc hỏi:
- Người ta bảo mi muốn thành tiên, mi nói thử xem, từ đâu mà mi nảy ra cái ước vọng đó?
Gonsuke trả lời:
- Dạ thiệt ra cũng không có lý do gì đặc biệt, nhưng khi thấy thành quách Osaka thì tui nghĩ, ngay cả cái ngài Taikosama[2]. Người đạt quyền cao tước trọng đến như thế, tới lúc cũng chết. Thế thì trên cái thế gian này, dù có đạt được vinh hoa phú quý cho đến mấy, tui nghĩ chẳng qua đó cũng chỉ là chuyện bèo bọt.
Mụ vợ xảo quyệt của ông thầy thuốc không do dự nói xen ngay vào:
- Thế thì miễn là được thành tiên, chuyện gì mi cũng chịu làm phải không?
- Dạ vâng, miễn là thành tiên được, thì chuyện gì tôi cũng xin làm.
- Thôi được, từ hôm nay trở đi, mi vô đây ở giúp việc cho ta trong vòng hai mươi năm. Mãn hạn, ta sẽ truyền phép tiên cho.
- Dạ thiệt không? Nếu được như vậy thì tui muôn vàn đội ơn Bà.
- Bù lại trong hai mươi năm đó, ta không trả cho mi một xu nào đâu đấy.
- Dạ vâng, dạ vâng, tui xin chịu.
Từ đấy, Gonsuke vào ở hầu hạ hai vợ chồng ông thầy thuốc ròng rã hai mươi năm trường. Nào là gánh nước, bửa củi, nấu cơm, lau chùi quét dọn nhà cửa. Thêm vào đó, khi nào ông thầy thuốc ra phố đi chẩn bệnh, Gonsuke vác cả hòm thuốc theo hầu ông ta… Thế mà gã không hề hé môi xin lấy một xu. Một kẻ hầu hạ quý giá như gã, tìm khắp nước Nhật này chắc cũng không kiếm đâu ra được. Nhưng rồi cũng tròn hai mươi năm. Cũng như hôm mới đến đây, Gonsuke lại thắng bộ áo khoác có in hoa văn dòng họ gã, cung kính đến trước mặt ông bà chủ, lạy tạ ơn chủ nhân đã cho phép gã hầu hạ chu đáo suốt hai mươi năm trời.
- Như ông bà chủ đã có hứa rành rành, vậy hôm nay xin ông bà chủ truyền cho tiên thuật, trường sinh bất tử… Bị hắn thúc hối, ông thầy thuốc cứng miệng. Bắt người ta hầu hạ đủ điều, hai chục năm trời không trả một xu, bây giờ không lẽ lại mở miệng nói không biết phép tiên; ông thầy thuốc buộc lòng nói:
- Tiên thuật thì chỉ có vợ ta mới biết, mi cứ xin vợ ta dạy đi.
Ông thầy thuốc nói thế rồi quay mặt làm ngơ. Nhưng mụ vợ vẫn điềm nhiên, mụ nói một mạch:
- Ờ thì để ta dạy phép tiên cho. Nhưng dù có thấy khó đến đâu, mi cũng phải làm y như lời ta bảo đấy nhé. Nếu không thì không những mi chẳng thành tiên được, mà mi còn phải làm không công cho ta thêm hai mươi năm nữa đấy nhé, bằng không ta sẽ phạt tội chết, mi có chịu không?
- Dạ vâng, chuyện dù khó đến đâu, tôi cũng xin làm.
Gonsuke khấp khởi mừng, thấp thỏm đợi mụ vợ dạy phép tiên.
- Được rồi, đây này mi hãy ra trèo lên cây tùng ở ngoài vườn kia.
Mụ vợ liền ra lệnh như vậy. Số là chuyện phép tiên thì mụ có biết quái gì, mụ chỉ cốt bày chuyện thật khó để Gonsuke không cách nào làm được, rồi nhân đó bắt gã làm công không thêm hai mươi năm nữa. Nhưng Gonsuke sau khi nghe điều mụ dạy, liền ra ngoài vườn, trèo ngay lên cây tùng.
- Leo lên cao hơn nữa, cao hơn nữa.
Mụ vợ ra ngoài hiên đứng, ngước nhìn Gonsuke đang trèo lên cây tùng. Gonsuke bây giờ đã ở tít trên ngọn đại thụ, chiếc áo khoác của gã đang căng gió.
- Bây giờ mi hãy thả tay mặt ra nào.
Gonsuke tay trái vịn chặt vào một cành to của cây tùng, chậm rãi thả tay mặt ra.
- Mi thả luôn tay trái cho ta xem nào.
- Ối, ối, thả luôn tay trái thì tên nhà quê té ngay đó bà. Dưới này toàn là đá, té xuống đây thì chết toi mạng nó.
Ông thầy thuốc cầm lòng không nổi, vội ra ngoài đầu nhà, mặt mày lo lắng.
- Này chưa tới phiên ông phải ra tay đâu, ông để mặc tui.
- Nào hãy thả tay trái ra, nào.
Không đợi mụ vợ nói hết câu, Gonsuke thả phắt luôn tay trái. Gã đang leo cây thế mà thả hết cả hai tay, tất nhiên gã phải té. Trong khoảnh khắc, Gonsuke, cả người gã lẫn chiếc áo khoác, lìa khỏi ngọn cây tùng. Lìa khỏi ngọn cây, nhưng không rớt. Một điều kỳ diệu đang xảy ra giữa ban ngày, thân gã đứng nguyên giữa không trung như một con hình nhân tuồng múa rối.
- Cho ta tạ ơn, nhờ bà mà nay ta đã thành tiên.
Gonsuke trịnh trọng nghiêng mình chào, rồi thong thả đạp trời xanh, lên tầng mây cao, biến mất.
Còn hai vợ chồng ông thầy thuốc, sau này ra thế nào? Không ai biết. Chỉ biết cây tùng thân to bốn người ôm không xuể ấy, nghe người ta nói, vẫn còn sống rất lâu về sau. Người ta đồn rằng hình như có một người tên là Yodoya Tatsugoro đã cho người đem bứng cây đại thụ ấy về trồng trong vườn của mình, để vào mỗi tiết đông ngồi ngắm cảnh tuyết phủ cành tùng.
(1922)
Ðinh Văn Phước dịch

Chú thích:

(1) Gonsuke, tên gọi chung những người giúp việc làm bếp dưới thời đại Edo (Mạc phủ Tokugawa). Nhật Bản có thành ngữ “thật thà như Gonsuke”.
(2) Taikosama, một cách gọi tôn kính Tướng Quân Toyotomi Hideyoshi (thế kỷ XVI), lãnh chúa thống nhất Nhật Bản.