Akutagawa Ryunosuke từ A đến R

  (Con người, thời đại, tác phẩm)[1]
Văn học Nhật Bản hiện đại đã bắt đầu từ thời Minh Trị (1867-1912). Tuy không ai có thể đem dao kéo cắt một mẩu văn học để dán vào một triều đại nhưng phải công nhận có những biến cố lịch sử làm xáo trộn tư duy của con người (trong một chiều hướng khác, sự thay đổi tư duy cũng ảnh hưởng tới lịch sử). Nhà văn Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) sinh ra vào đời Minh Trị (ngày 1 tháng 3 năm Minh Trị 25, tức 1892) có thể được xem như sản phẩm của thời đại này tuy sự nghiệp văn chương của ông (1912-1927) phần lớn nằm trong đời Thiên hoàng Đại Chính (1912-1926). Cùng với Natsume Soseki và Mori Ogai, ông là một trong ba trụ cột của văn học Nhật Bản hiện đại. Cũng như Kawabata Yasunari và Mishima Yukio, ông lại là một trong ba nhà văn mà ngoại quốc biết tiếng hơn cả. Người đời yêu văn tài của ông đã đành nhưng cũng thương cảm cho nỗi buồn về “sự thất bại của lý trí” toát ra từ tác phẩm cũng như cuộc đời ba mươi sáu năm ngắn ngủi và đầy bi kịch của ông.
Trước hết hãy thử nhìn bối cảnh văn học cuối Meiji, đầu Taisho là lúc ông sinh ra để xác định vị trí trong văn học sử. Bộ môn cần được quan sát là bộ môn tiểu thuyết tuy ông không hề viết truyện dài, cùng lắm là tác phẩm trung biên mà thôi[2].
Dưới thời Minh Trị, có bốn dòng văn học hầu như đối chọi với nhau:
Trước tiên là những nhà văn theo chủ nghĩa tự nhiên (naturalism). Trường phái này chịu ảnh hưởng của tinh thần khoa học tự nhiên và văn học Tây phương của thế kỷ XIX qua những nhà văn như Emile Zola (Pháp), Gerhart Hauptman (Đức), xem việc miêu tả thực tế không che đậy, không lý tưởng hóa mới là văn học chân chính.
Bên cạnh đó, có khuynh hướng duy mỹ (aestheticism) đề cao giá trị của thẩm mỹ và nhục cảm trong nghệ thuật theo tinh thần của Charles Baudelaire (Pháp) hay Oscar Wilde (Anh).
Khuynh hướng bản xứ gọi là cao sang (yoyuha) được đại diện bởi cách viết đặt trọng tâm vào việc làm giàu có kiến thức (refinement) như kiểu Natsume Soseki hay có thái độ bàng quan (nil admirari), chịu phép (resignation) trước những vấn đề xã hội đặt ra như Mori Ogai.
Trong khi đó, trường phái Shirakaba (Bạch Hoa, cây bạch dương), ra đời cuối thời Minh Trị (Minh Trị 43, 1910), tập trung những cây bút xuất thân từ giới thượng lưu, sớm nhìn thấy mâu thuẫn giữa cuộc sống sung túc của giai cấp mình và những bất công xã hội họ chứng kiến, tìm cách xác định bản ngã bằng cách viết và thực hiện những công trình xã hội[3] có tính cách không tưởng (utopianism).
Bước qua thời Đại Chính, phái duy mỹ vẫn tiếp tục và Shirakaba bắt đầu hưng thịnh. Chỉ có văn học tự nhiên chủ nghĩa là bị suy thoái và nhường bước cho trào lưu tự thuật của watakushi shosetsu (còn đọc là shi – shosetsu, tư tiểu thuyết, tức dòng văn học lấy cái tôi làm trung tâm) và dòng văn học theo chủ nghĩa tân hiện thực (neo - realism), dùng khả năng của lý trí để phán đoán một cách lạnh lùng, khách quan những dữ kiện xã hội dù thuộc về hiện tại hay đã lui vào quá khứ. Akutagawa được các nhà phê bình văn học liệt kê vào dòng văn học thứ hai này.
1. Phát triển của bộ môn tiểu thuyết trong giai đoạn cuối Minh Trị đầu Đại Chính
Được in bằng chữ nghiêng là ba khuynh hướng đối lập với dòng văn học chính thời đó (chủ nghĩa tự nhiên) và phong trào tư tiểu thuyết[4].
Thời đại Khuynh hướng/ Tác gia 1 2 3 4
table1
1.1. Akutagawa Ryunosuke và trường phái tân hiện thực
Những nhà văn của trường phái tân hiện thực là người có chung quan điểm sử dụng khả năng suy luận của lý trí để phân tích và chỉnh lý những vẫn đề mà cả hai trường phái duy mỹ và Shirakaba kia đã để vuột mất. Tuy được xem như chung một trường phái tân hiện thực nhưng họ lại đứng ở những vị trí nhiều khi rất xa nhau và dĩ nhiên có tác phong khác nhau.
1.2. Nhóm Trào lưu mới (Shinshicho)[5]
Một nhóm bè bạn quen biết nhau ở Đại học Đế quốc Đông Kinh (tiền thân của Đại học Đông Kinh) cùng chung chí hướng đã tái bản tạp chí Trào lưu mới (Shinshicho, lần thứ 3 năm 1914 và lần thứ 4 năm 1916). Tạp chí đó đã đóng vai trò giới thiệu với văn đàn những tên tuổi mới như Akutagawa Ryunosuke, Kikuchi Kan, Kume Masao, Yamamoto Yuko, Toyoshima Yoshio.
2. Điểm khởi hành của Akutagawa Ryunosuke (1892-1927)
Ông là con gia đình Niihara, được đặt tên Ryu (Long có nghĩa là con rồng vì sinh ngày thìn, tháng thìn, năm thìn) ở khu Irifune, nhượng địa cho người ngoại quốc ở Tokyo. Ông là con trưởng của Niihara Toshizo[6]. Bố ông có xưởng chế sữa bò ở ngoại ô Tokyo có nhiều khách hàng ngoại quốc, sau làm ăn thất bại v.v… nhưng gốc gác này không dính dáng gì tới văn nghiệp ông bao nhiêu. Ra đời mới có bảy tháng thì bà mẹ đẻ phát bệnh tâm thần nên phải đem về phía họ hàng bên mẹ (Akutagawa) làm dưỡng tử. Cha nuôi là Akutagawa Michiaki. Họ Akutagawa xưa kia đời đời vốn giữ chức hầu lễ trà đạo trong phủ chúa, đến thế hệ Michiaki vẫn vòn giữ được nếp văn nhân (bunjin) tao nhã, biết vẽ và làm thơ. Đó là điểm khởi hành của Akutagawa nhà văn.
Ông có khiếu văn chương từ hồi tiểu học, thích sử và muốn trở thành nhà nghiên cứu sử. Học rất giỏi, đến nỗi vào ban văn trường Ikko được miễn thi. Lúc bé đã ham đọc Tây du ký, Thủy hử, Bát khuyển truyện (Hakkenden, một tiểu thuyết kiếm hiệp của Bakin thời Edo) cũng như tác phẩm của Kyoka, Katai, Rohan, Ichiyo và Ogai là những nhà văn hàng đầu thời ấy. Ông cũng thích các tác giả ngoại quốc, đặc biệt kịch Henrik Ibsen (Na Uy), thơ William Butler Yeats (Ái Nhĩ Lan) và văn Anatole France (Pháp).
Tác phẩm đầu tiên của ông là Tuổi già (Ronen - 1914) tuy có thuyết cho là tùy bút Nước dòng sông Cái (Okawa no Mizu -1912). Vào thời điểm đó, ông còn viết kịch Tuổi xuân và cái chết (Seinen to Shi), một nhan đề định mệnh!
Cô Yoshida Yayoi, mối tính đầu của ông (1914-1915), là con gái một người quen với gia đình. Ông định cầu hôn nhưng họ lại ngăn. Sự kiện này làm ông chán ngán cái xấu xa, ích kỷ của người đời và ôm lấy ý nghĩ bi quan “sinh ra làm người đã là khổ rồi”. Đó cũng là cơ sở triết lý của Cổng Rashomon (Rashomon, 1915), tác phẩm nổi tiếng của ông.
Ông là nhà văn tiêu biểu của phái Shinshicho. Trong lần tái bản lần thứ 5 của tạp chí, số ra mắt (tháng 2 - 1916) ông đã cho đăng truyện ngắn Cái mũi (Hana) và được văn hào Natsume Soseki nhiệt liệt tán thưởng như sau:
“Truyện của ông viết thực hay. Điền đạm, không đùa cợt, cứ kể tự nhiên mà làm cho người ta thấy buồn cười một cách nhẹ nhàng. Hơn nữa chất liệu dùng trong truyện lại rất mới mẻ. Văn từ gọn gàng, trình bày đầy đủ những điểm cần thiết. Tôi phục lắm. Cứ tiếp tục viết thêm độ hai ba mươi tác phẩm như vậy thì ông sẽ trở thành một nhân tài hiếm có của văn đàn cho xem.”
3. Thử điểm qua các tác phẩm nổi tiếng của ông:
Truyện Cái mũi nói trên lấy cảm hứng từ Truyện bây giờ đã xưa (Konjaku Monogatari). Trong giai đoạn đầu tiên, khi sáng tác, ông hay mượn đề tài từ Konjaku hay Truyện xưa do quan Uji Dainagon góp nhặt (Uji Shui Monogatari), hai tác phẩm của thời trung cổ Nhật Bản. Chẳng hạn các truyện ngắn Cổng Rashomon (Rashomon, 1915), Cháo khoai (Imogayu, 1916), Địa ngục trước mắt (Jigokuhen, 1918)…
Phạm vi đề tài và không gian của Akutagawa dần dần nới rộng. Hứng sáng tác (Gesaku Zammai, 1917), Cánh đồng khô (Karenosho, 1918); lấy bối cảnh thời Edo, Cái chết của một con chiên (Hyokyonin no shi, 1918), Truyện thánh Christopher (Kirishitohoro-shoninden, 1919) viết về thời ngoại quốc đến truyền giáo; Tiệc khiêu vũ (Butokai, 1920), Mấy hình nộm (Hina, 1923) nói về sự tiếp thu văn mình Âu Tây thời Minh Trị. Ngoài ra còn có Sợi tơ nhện (Kumo no Ito), Cậu bé Đỗ Tử Xuân (Toshishun, 1920) mượn đề tài Ấn Độ và Trung Quốc đời Đường.
Yếm thế và ý thức và tội lỗi đã đưa ông đến với lòng tin tôn giáo. Sợi tơ nhện (Kumo no Ito), Chúa Ki Tô ở Nam Kinh (Nankin no Kito), Cái chết của một con chiên, Truyện thánh Christopher đều nằm trên một quỹ đạo. Trước khi chết không bao lâu ông còn viết Người Tây phương (Soku Seiho no Hito) và tục biên của nó, Người Tây phương tục biên (Soku Seiho no Hito), lại viết về chúa Ki Tô. Đó không phải là điều ngẫu nhiên. Trong các tác phẩm sau này, không còn đâu cái mỉa mai của Cổng Rashomon. Ông đã tìm về lòng tin tôn giáo. Bên cạnh những tác phẩm kết án về sự ích kỷ của con người như Một vụ án mạng thời mới mở mang (Kaika no Sátujin), Lòng đã trót yêu (Kesa to Morito), Bốn bề bờ bụi (Yabu no naka), may thay, ông đã để lại những truyện ngắn nhẹ nhàng và cảm động như Chiếc xe goòng (Torokko), Cậu bé Đỗ Tử Xuân, Tu tiên (Sennin), thường thường là những bài viết cho thiếu niên, độc giả của tạp chí Con chim đỏ (Akai Tori)[7].
Những tác phẩm vừa kể đã xác định vị trí nhà văn khuynh hướng vị nghệ thuật của ông nhưng đột nhiên, năm Đại Chính thứ 9 (1920), nhân viết Mùa thu (Aki), ông thoát ly lập trường “nghệ thuật vị nghệ thuật” và, sau giai đoạn tiểu thuyết gọi là Yasukichi – mono (truyện với nhân vật chính tên là Yasukichi, có lẽ là chính tác giả), bắt đầu bước vào lãnh vực tiểu thuyết tự thuật với Thời trẻ của chàng Shinsuke chùa Daidoji (Daidoji Shinsuke no hansei, 1925). Cuối đời, người ta cho rằng một phần vì dao động trước những biến cố xã hội dưới sức ép của cao trào văn học vô sản, một phần sức khỏe suy sụp do thần kinh suy nhược (có dính líu đến bệnh điên của người mẹ), ông mang một nỗi bất an thường trực. Phải chăng vì thế mà ông đã miêu tả trạng thái tinh thần của chính mình trong Ảo ảnh cuộc đời (Shinkiro, 1927) và Xã hội thủy quái Kappa (Kappa, 1927) và sau đó, tự kết liễu đời mình bằng độc dược.
Cái chết của Akutagawa được xem như tượng trưng cho số phận trí thức, đã gây nhiều xúc động cho người đương thời. Ông để lại di cảo Trong guồng máy (Hagurama), Đời một chú ngốc (Aru aho no issho). Một tác phẩm ông viết khoảng năm 1923-1925 và được in ra sau khi ông mất (tháng 12/1927) nhan đề Lời phát biểu của một người hèn kém (Shuju no kotoba) có những nhận định như sau:
- Đời người:
Đời người giống như cái hộp diêm. Đừng có dại mà dùng nó vào chuyện lớn. Dùng vào chuyện lớn là nguy hiểm.
Đời ngưòi giống như quyển sách thiếu nhiều trang. Khó thể gọi nó là quyển được. Nhưng nó lại là một quyển đấy.
- Tự do:
Tự do giống như không khí trên đỉnh núi cao. Kẻ yếu không thể nào chịu nổi cả hai thứ đó.
Tự do chủ nghĩa. Tự do luyến ái. Tự do mậu dịch. Đáng tiếc là trong cái cốc nào chứa tự do cũng có pha thật nhiều nước. Nói chung toàn nước đọng.
Hãy thử điểm qua các tác phẩm nổi tiếng của ông. Cái mũi là đoản thiên mượn ý truyện nói về cái mũi dài quá khổ của một nhà sư, chép trong tác phẩm trung cổ Truyện xưa do quan Uji Dainagon góp nhặt (Uji Shuui Monogatari). Sư Zenchi (Thiền Trí) chùa Ike-no-O (Đuôi Ao) của Akutagawa khổ sở vì muốn làm cho mũi ngắn lại giống như con người ta khổ sở vì quá chú ý về mình trong khi những kẻ sống chung quanh lại vô tình có ác ý. Cổng Rashomon lấy cảm hứng từ truyện cổ trong Truyện bây giờ đã xưa qua câu truyện một tên trộm khám phá đống xác người chất bỏ trên lầu cổng Cổng Rashomon. Triết lý của nó nằm ở chỗ con người vì muốn sống còn nên phải nhúng tay vào điều ác và chỉ khi nào làm một điều ác khác mói ngăn chặn được điều ác trước. Nhân sinh quan của một con người lúc đó mới hai mươi tư tuổi như Akutagawa quả là quá đậm màu sắc yếm thế. Trong đoạn kết của Rashomon, tên người ở sau khi trách mụ già đã làm điều ác là nhổ tóc xác chết kết thành búi tóc giả đem đi bán, lại lột quần áo mụ:
“- Vậy ta có lột quần áo mụ, mụ cũng đừng có hận. Không lột mụ, ta cũng thành ma đói.
Tên người ở nhanh nhẹn lột hết quần áo mụ già. Thế rồi giữa khi mụ còn đang đeo cứng vào chân, hắn hung bạo đá phốc mụ ta lên trên đống xác chết. Từ chỗ hắn đứng đến cầu thang chỉ cách có năm bước. Tên người ở ôm lấy mớ áo quần màu nâu vỏ dà, lật đật xuống thang rồi mất hút vào bóng tối.”
Trong Xã hội thủy quái Kappa, Akutagawa thác ngụ thế thái nhân tình của thời đại ông vào xã hội của loài thủy quái. Tác phẩm phản ánh nỗi buồn và sự chán ghét cuộc sống của ông. Trong guồng máy là một thế giới mà nhân vật chính nhìn thấy qua huyễn ảnh, còn “địa ngục hơn cả địa ngục”. Nó đánh dấu những ngày tháng cuối cùng ông sống trong thác loạn thần kinh, có những câu khiến độc giả phải rùng mình:
“Đó là một kinh nghiệm mà cả đời tôi chưa hề biết. Tôi hết sức cầm bút để viết tiếp nữa rồi. Tôi không thể sống mà chịu đau khổ như thế này mãi. Có ai đó chịu đợi tôi ngủ mà bóp cổ giùm cho tôi chết đi không?”
Về sự “thất bại của lý trí”, chính Akutagawa đã nhận định như thế này trong Aru aho no isho (Đời một chú ngốc):
“Hắn giương đôi cánh nhân tạo ra, tung tăng bay lượn trong bầu trời. Cùng một lúc bao nhiêu niềm vui nỗi buồn của đời người chan hòa ánh sáng của lý trí đang hạ thấp xuống dưới tầm mắt hắn. Hắn tung những câu nói mỉa mai và nụ cười chế nhạo trên các phố phường đang thu nhỏ lại, bay vút lên vòm cao không thoáng gợn về hướng mặt trời, dường như quên bẵng chuyện người Hy Lạp[8] ngày xưa, vào lúc đó, cũng mang đôi cánh nhân tạo bị mặt trời thiêu cháy và rơi vùn vụt xuống biển mà chết.”
Sau đây là đôi lời ông phát biểu trong thư tuyệt mệnh gửi cho Kume Masao, người bạn thân và cũng là văn hữu trong nhóm Trào lưu mới.
“Tôi chưa thấy ai viết ra một cách không che đậy về tâm lý của một người tự sát. Lý do có thể là người sắp tự sát còn chút lòng tự trọng hoặc bản thân họ thấy tâm lý người ở trong cảnh ngộ của mình không có gì hấp dẫn để mà tìm hiểu. Tuy vậy, trong lá thư cuối cùng tôi gửi cho cậu đây, tôi muốn thuật lại thật rõ ràng tâm lý ấy, nhưng nếu bảo tôi không đặc biệt cho cậu biết động cơ nào đã đẩy tôi đến chỗ tự sát thì cũng được. Régnier[9] trong một truyện ngắn của ông có lần miêu tả người tự sát. Anh chàng vai chính trong truyện này cũng chẳng biết lý do tại sao anh ta muốn kết liễu đời mình. Chắc khi cậu giở trang ba mục tin vặt của mấy tờ báo cũng nhận ra được là có biết bao nhiêu động cơ có thể thúc đẩy người ta đến chỗ tự sát, nào là cuộc sống khó khăn, bệnh hoạn dày vò hay đau khổ tinh thần. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi tất cả những thứ đó chỉ là một phần của động cơ. Cùng lắm nó chỉ là những cái mốc đánh dấu những chặng đường đưa đến động cơ ấy mà thôi. Có lẽ người tự sát, giống như Régnier đã miêu tả, không biết lý do gì đưa anh ta đến chỗ chết. Nó cũng giống như hành vi của ta vẫn thường xuất phát từ nhiều động cơ phức tạp. Riêng trường hợp của tôi thì chỉ là nỗi lo âu mơ hồ. Làm như có một sự lo lắng bàng bạc về tương lai. Cậu có thể không tin lời tôi nói vì không ai chung quanh đã sống hoàn cảnh tương tự của tôi suốt mười năm qua. Vì thế dù cậu có coi lời của tôi đây như tiếng hát tan vào cơn gió thoảng, tôi sẽ chẳng trách cậu đâu.”
(Trích dịch Thư gửi một người bạn cũ - Aru kyuyu e okuru shuki)
Trong đêm 23 tháng 7 năm 1927, ông đã bình tĩnh uống một lần hai loại thuốc ngủ chí mạng dù vợ đã biết trước và canh phòng kỹ lưỡng. Thuốc ở đâu ra, ông viết cho biết có một người đàn bà nào đó mang đến. Thế thôi! Miyamoto Kenji bảo ông tượng trưng cho “sự thất trận của văn chương tiểu tư sản (petit bourgeois)”. Kobayashi Hideo, ngược lại ca ngợi mỹ học của ông và đổ cho định mệnh éo le[10].
4. Ảnh hưởng của văn học ngoại quốc đối với Akutagawa
Không riêng chi trường hợp của các nhà văn thời Minh Trị (lúc Nhật Bản mới tìm đến với Tây phương), kiến thức Âu Mỹ của một nhà văn đời Đại Chính (1912 - 1926) như Akutagawa cũng bắt nguồn từ sách dịch. Kato Shuichi[11] cho biết Akutagawa đã dẫn ra trong tác phẩm của mình hết Stringberg, Nietzche, Tourguenev, Tolstoi, Gogol, Dostoevski, Flaubert đến Baudelaire… từ những bài viết của họ được dịch qua tiếng Anh (ông tốt nghiệp đại học khoa Anh).
Cách miêu tả của ông cũng có màu sắc ấn tượng. Cách tả con chồn trong Cháo khoai giống như cách Prosper Merimée (1803 - 1870) tả con chó trong Colomba. Cái mũi có lấy ý của tác phẩm cổ điển Truyện bây giờ đã xưa của Nhật nhưng chủ đề “hình dạng cái mũi đánh mất và tìm lại được” vốn mượn truyện cùng tên (1835) của Nicolai V. Gogol (1809 - 1852), nhà văn châm biếm người Nga. Để viết Xã hội thủy quái Kappa, ông phải hiểu biết về cả Jonathan Swift lẫn Samuel Butler. Kiến thức của Akutagawa trải rộng từ Shakespeare cho đến các nhà soạn kịch Ái Nhĩ Lan, các thi nhân Pháp từ Francois Villon đến Paul Valéry. Nhân vật trong truyện của ông nêu cả tên Pierre Loti tức sĩ quan hải quân Pháp Julien Viaud (trong Tiệc khiêu vũ) lẫn Whilhem Liebknetchtf[12], triết gia khuynh hướng xã hội Đức (trong Sơn trang Gengaku - Gengaku Sanbo). Tuy ông không tiếp xúc trực tiếp với Âu Mỹ qua kinh nghiệm bản thân như Ogai (từng sống ở Đức), Soseki (Anh) hay Kafu (Pháp và Mỹ) nhưng kiến thức của ông không vì thế mà kém phần phong phú. Nó đã pha trộn với cổ điển Trung Hoa mà ông nằm lòng, cũng như văn chương thời Edo (nhà thơ Basho, nhà tiểu thuyết Bakin…) ông thường dùng làm đề tài.
Ảnh hưởng của văn chương ngoại quốc đến một nhà văn Nhật Bản bằng cách nhiều khi phức tạp hơn ta tưởng. Bốn bề bờ bụi (1925) của Akutagawa, đã trở thành sườn của cuốn phim Rashomon bất hủ của đạo diễn Kurosawa Akira. Ta đã chỉ biết nó bắt nguồn từ Truyện bây giờ đã xưa (quyển 29, truyện 23, kể truyện một cặp vợ chồng nhà quan gặp cướp núi, sau khi bị cướp làm nhục trước mặt chồng, vợ lại nảy ra ý muốn giết chồng) là một tác phẩm cổ điển do tác giả vô danh viết ra vào tiền bán thế kỷ XIX, chỉ có mục đích khuyên người đời nên cẩn thận khi liên hệ với kẻ khác (vì nguời chồng muốn đổi cây cung của mình để lấy thanh kiếm của tên cướp nên bị nó lừa). Thế nhưng, có chứng cứ khác cho ta thấy khi viết truyện này Akutagawa cũng đã mượn nguồn cảm hứng từ văn học phương Tây.
Yasuda Yasuo (theo Tomita Hitoshiy[13]) đã dẫn ra hai tác phẩm Âu Mỹ có thể liên quan đến nó: vở kịch thơ Chiếc nhẫn và quyển sách của Browning (1812 -1889) và Phục thù của Henry de Régnier[14] mà Mori Ogai đã cho đăng trong Chư quốc vật ngữ (Shokoku Monogatari), Truyện các nước. Ông đã so sánh và phân tích từng điểm giống nhau giữa hai truyện đó với Bốn bề bờ bụi. Ngoài ra, vẫn theo Tomita, Yoshida Seiichi lập ra mối liên hệ giữa Con đường trăng sáng (The Moonlight Road) trong tập truyện Sao xảy ra được nhỉ (Can such thing be?) của nhà văn Mỹ Ambroise Pierce. Trong truyện của Pierce, nhân một vụ án mạng, ba người trong cuộc đã trình bày sự việc liên quan tới họ và cuối cùng, người vợ là kẻ bị giết đã mượn lời đồng cốt để trình bày sự thật về phía mình. Thế nhưng theo Tomita Hitoshi (sđd, tr. 66) thì Yabu no naka gần với Người con gái của bá tước Ponthieu, một tác phẩm của Pháp thế kỷ XIII hơn là truyện của Pierce. Tác phẩm của Pháp kể truyện con gái của bá tước Ponthieu, vì không con nên cùng chồng là Thibaut đi hành hương ở Santiago bên Tây Ban Nha để cầu tự, giữa đường gặp cướp. Thibaut dũng cảm chống cự nhưng rốt cục bị trói, chứng kiến cảnh cướp làm nhục vợ trước mắt. Khi cướp đi rồi, Thibaut nhờ vợ cởi trói hộ nhưng ngạc nhiên thay, lúc đó, vợ lại dùng thanh kiếm tên cướp bỏ lại định chém chết chồng. Thibaut khéo léo tránh và nhờ đó, dây trói trái lại được cắt đứt. Thibaut thoát hiểm, lôi vợ xuống núi và gửi vào tu viện làm ni, một mình về nước. Bá tước biết chuyện, nhục nhã quá nên tìm đến nơi, đóng con gái vào thùng rồi quăng xuống biển.
Có một sự tình cờ lạ lùng là Akutagawa đã viết tiểu luận tốt nghiệp đại học với nhan đề Nghiên cứu về William Morris[15]. Thêm một sự trùng hợp nữa là câu chuyện dịch qua tiếng Anh của Người con gái của bá tước Ponthieu đã được in trong toàn tập của Morris. Vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác thực xem Akutagawa đã đọc nó trong đó hay không nhưng chi tiết “vợ muốn giết chồng” của truyện Pháp này trùng hợp với ý chính thấy trong chuyện kể của Truyện bây giờ đã xưa.
5. Hoài nghi và trí thức
Donald Keene[16] cũng như nhiều nhà bình luận thường nhấn mạnh về ảnh hưởng bệnh tật của bà mẹ ruột đối với tâm tính Akutagawa. Một người mẹ mặt xám xịt như thây ma, có thể suốt ngày ngồi không nói không rằng, lâu lâu lại lấy ống điếu cốc đầu thằng bé con, chả bù với bà mẹ nuôi dịu dàng mà ông rất yêu quý. Cổng Rashomon được ông coi như một trong những tác phẩm “lạc quan” nhất của mình mà đã đậm màu sắc chán đời. Rashomon là cái cổng thành bề thế (nhưng sau lưng không có cái thành nào) giống như cái bản mặt (men) của vũ sĩ đạo oai nghiêm nhưng trong đó chất chứa nhiều tàn ác và giả dối đã làm cho Akutagawa hoài nghi về giá trị của văn hóa nói riêng và con người nói chung. Trong Cổng Rashomon, ngoài mươi dòng đầu ông mượn ở Truyện bây giờ đã xưa, cảnh thành phố Kyoto trung cổ được ông phác họa theo Phương trượng ký (Hojoki) của Kamo no Chomei[17]. Truyện thẩm tra hiện tại bằng cách sử dụng tư liệu quá khứ là một nét đặc biệt của văn chương “truyện cũ viết lại” (cố sự tân biên)[18] của ông.
Sự hoài nghi, bi quan trong văn ông thường được kèm theo cái tàn khốc trong lối miêu tả như khi ông viết về Kyoto của thế kỷ XII khi bị thiên tai tàn phá (trong Cổng Rashomon hay Bọn đạo tặc (Chuto) chẳng hạn), hay Nagasaki thế kỷ XVI chung quanh những cảnh cực hình thời cấm đạo.
Ông đã tìm thấy trong vũ sĩ đạo, khuôn vàng thước ngọc của người Nhật Bản có cái gì giả tạo vì đầy kịch tính. Người mẹ xé nát chiếc mùi soa (trong Chiếc mùi soa) để ghìm không cho sự đau khổ lộ ra người ngoài biết, rốt cục cũng chỉ làm theo một phương pháp diễn xuất có cái tên là… văn hóa vì nó đi ngược lại sự chân thành tự phát, vốn là bản tính đích thực của con người[19].
Ngoài cái bóng đen của bà mẹ trùm lên suốt cuộc đời, Akutagawa còn nhận ảnh hưởng lớn lao của nhà văn Natsume Soseki, một người ông rất ái mộ. Chúng ta biết Soseki là một nhà trí thức mang một tâm sự u uất, nhất là từ sau những năm tháng du học London trở về. Chính Soseki đã nhận chân được tài năng và khuyến khích ông cứ đeo đuổi nghề văn cho dù lối viết của mình không được sự tán thưởng của độc giả chăng nữa. Tháng 12 năm 1916, khi Soseki mất, ông giữ ấn tượng sâu đậm về nhà văn bậc thầy này. Người ta thấy ảnh hưởng của Soseki với chủ đề “sự ích kỷ của người đời” qua Cánh đồng khô, trong đó, đám đệ tử của thi hào Basho họp lại chung quanh giường bệnh của thầy mà chỉ nghĩ những lợi lộc của chính bản thân họ một mai khi thầy không còn nữa. Keene cũng nhắc cho ta là chủ đề về lòng ích kỷ từng được khai triển bởi nhà văn La Rochefoucauld, theo đó “ngay cả lúc hành động một cách cao thượng, con người cũng vâng theo một động cơ: đó là lòng ích kỷ của họ”. Lòng ích kỷ còn thấy cả trong Sợi tơ nhện (Kumo no ito), 1918, khi tên cướp Kandata dần đã được Đức Phật cứu giúp thoát khỏi cảnh trầm luân hỏa ngục, đã vì lòng ích kỷ mà đánh mất dịp may cuối cùng của chính mình và biết bao người khác.
Thái độ trí thức khô khan, lạnh lùng khi trực diện với nhân vật và sự tình trong truyện ngắn, ông đã học hỏi được ở một người đi trước khác: Mori Ogai. Ít nhất đây cũng là ý kiến của nhà phê bình Nakamura Shin – ichiro, người cho rằng Ogai đã trao cho Akutagawa chìa khóa của sự thành công trong lĩnh vực nghệ thuật khi truyền thụ một cách gián tiếp lối viết tiểu thuyết lịch sử kiểu Tây phương, trong đó, người viết cần giữ một khoảng cách với nhân vật mình tạo ra. Từ đó, Akutagawa chỉ sử dụng lịch sử như một bàn đạp để giải thích nó theo quan điểm của cá nhân ông. Anh chàng Goi (ngũ vị), chức quan hạng bét ở Kyoto thèm ăn cháo khoai phải lặn lội xa xôi, đến khi có cháo rồi thì lại chán không muốn ăn nữa, chẳng phải là một trường hợp cá biệt mà tượng trưng cho tính phổ quát (universality) con người muôn thuở, vào bất cứ thời đại nào.
6. Vay mượn hay sáng tạo?
Nhiều người phê bình Akutagawa quá dụng công (overingenious), chẳng hạn như khi viết Cháo khoai (Imogayu,1916), với bố cục quá rắc rối và có thể đã vay mượn Gogol trong tác phẩm Chiếc áo khoác. Họ còn nêu lên khuyết điểm của ông là thiếu sáng tạo và chỉ chắp nhặt. Ví dụ Sợi tơ nhện là kết hợp hai nguồn: một chi tiết nêu lên trong tuyển tập Lịch sử ma quỷ và quan niệm về ma quỷ xưa nay (History of the devil and the idea of devil from earliest times to the present day) của Paul Carus và một giai thoại trong Anh em nhà Karamazov[20]. Họ còn bảo Cái chết của một con chiên (Hokyojin no shi - 1918) vay mượn Jocelyn của Lamartine, Tội ác của Sylvestre Bonnard (Le Crime de Sylvestre Bonnard) của Anatole France, Phục thù (Vengeance) của Henri de Régnier, bản dịch Ứng khẩu thành thơ (Improvisatoren) của Hans Christian Andersen, Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz, Judith của Friederich Hebbel, v.v… Nếu nói thế thì hơi oan cho Akutagawa vì để viết có mười trang sách, lẽ nào ông phải vận dụng chừng ấy tư liệu. Và các vị kia có mượn của nhau hay không? Akutagawa có biết gì về Quan Âm Thị Kính hay không nữa chứ (vì truyện nói về nỗi oan của sư huynh Lorenzo, thực ra là một người con gái giả trai)! Nhưng điều không thể chối cãi là dựa vào kiến thức bác lãm, ông có khuynh hướng sử dụng sách vở nhiều hơn là trí tưởng tượng. Có nhà phê bình còn tự hỏi phải chăng Akutagawa đã tự sát chỉ vì không tìm ra nguồn cảm hứng nội tại và cứ phải vay mượn từ bên ngoài!
Tuy nhiên, không có sự sáng tạo nào bắt đầu từ con số không. Địa ngục trước mắt (Jigokuhen, 1918) tả bức bình phong vẽ cảnh địa ngục trong đó một mỹ nhân bị thiêu sống trong cỗ xe ngự có thể vay mượn của nhà văn lưu vong Nga D.S. Merezhkovski[21] trong The forerunner, the romance of Leonardo da Vinci theo chủ trương của Shimada Kinji, nhưng chủ đề của Akutagawa không phải là “người đẹp bị chết cháy” mà là “đâu là mục đích tối thượng của người làm nghệ thuật” qua hình ảnh của lão họa sư khùng Yoshihide say mê nghệ thuật đến nỗi quên cả tình phụ tử khi tìm cảm hứng hội họa trước cảnh đứa con gái yêu bị ngọn lửa của bạo quân thiêu chết.
Cái tài của Akutagawa là dùng những sự kiện nho nhỏ để nói lên được tính phổ quát ở bản chất con người (dưới cái nhìn bi quan của ông). Ông không tôn trọng sự chính xác của lịch sử, vì sự thực mà ông trưng bày không có tính lịch sử mà chỉ có chất thơ. Chủ đề như “đâu là sự thật? có mấy sự thật? chết rồi có còn giữ thể diện hay không?” thấy trong Bốn bề bờ bụi hay “thiện và ác khác nhau ở chỗ nào?” trong Cổng Rashomon, “dục vọng và thỏa mãn dục vọng” trong Cháo khoai, “đời đáng sống hay không đáng sống” trong Xã hội thủy quái Kappa đều là những chủ đề lớn nói về thân phận con người. Phong cách của Akutagawa nằm ở chỗ đó! Cho dù ông có sáng tạo bằng mô phỏng và lượm lặt chi tiết lặt vặt để tạo dựng một chủ đề nhưng ông quả có thiên tài góp gió làm bão vậy.
7. Những dao động cuối đời và cái chết
Trong những năm tháng cuối cùng, ngòi bút của Akutagawa không còn đem đến cho ông những thành công buổi đầu. Tuy loại tiểu thuyết tự truyện nhuốm màu sắc bệnh tâm thần (neurotic I novel) của ông dành được cho ông một chỗ đứng riêng trên văn đàn nhưng đã thấy xuất hiện Shiga Naoga, một cây bút viết truyện ngắn lỗi lạc khác và những nhà văn vô sản của tạp chí Người gieo giống (Tanemaku Hito). Ông tỏ ra hòa hoãn với cả Shiga lẫn nhóm Người gieo giống. Tuy hãy còn chủ trương nghệ thuật trên hết và giữ bản chất hoài nghi của người theo chủ nghĩa hư vô (nihilism) nhưng ông cũng đã có vài tác phẩm phê bình chủ nghĩa tư bản và đạo đức truyền thống (như trong Kappa) cũng như quan tâm đến cuộc sống khổ cực của nông dân (như trong Ikkai no tsuchi) hay mô tả thế giới đen tối trong một gia đình trưởng giả mà chủ nhân đang nằm đợi chết (Sơn trang Gengaku).
Tuy nhiên lúc đó Akutagawa đã mệt mỏi quá rồi. Trong Xã hội thủy quái Kappa, ông đã mơ tưởng được sống trong một thế giới “phi nhân gian” (nonhuman World). Hình ảnh siêu thực của xứ sở loài thủy quái Kappa tương tự như thế giới loài chim cánh cụt (penguin) trong tác phẩm của Anatole France, một tác giả Akutagawa yêu thích. Nó cũng có thể là nước người tí hon mà Gulliver đã đến thăm hay nơi cô bé Alice lạc đến. Tiếng là “quái” nhưng loài Kappa còn đầy đủ nhân tính hơn cả loài ngưòi: “Dần dần tôi bắt đầu quen với ngôn ngữ của loài Kappa và nhân đó, hiểu được phong tục tập quán của chúng. Trong đó có tập quán lạ là những gì con người chúng ta cho là trang nghiêm thì chúng lấy làm kỳ cục. Ngược lại những gì ta cho là kỳ cục thì chúng lấy làm trang nghiêm. Ví dụ ta bảo “chính nghĩa” hoặc “nhân đạo” là những điều trang trọng thì khi nghe tới đó, bọn Kappa ôm bụng mà cười. Có nghĩa là quan niệm về sự khôi hài giữa ta và chúng hoàn toàn khác nhau. Khi tôi có dịp nói chuyện về hạn chế sinh đẻ với một bác sĩ nhi khoa Kappa tên là Chak thì ông ta mở mồm há hốc rồi cười sặc sụa thiếu điều rơi cả kính gắn trên sống mũi. Dĩ nhiên lúc ấy tôi cáu sườn nên mới cật vấn ông ta xem hạn chế sinh đẻ thì kỳ cục ở chỗ nào. Lúc đó tôi chưa giỏi tiếng Kappa cho lắm, chỉ hiểu câu trả lời của Chak đại loại như thế này:
- Kỳ khôi ở chỗ chỉ giúp cha mẹ khỏe thân mà thôi. Thế là quá quắt chứ sao!
Ngược lại, dưới cái nhìn của loài người chúng ta thì thật không có gì kỳ quái hơn là cảnh tượng sinh nở ở xứ Kappa. Sau đó ít lâu, tôi có dịp đi đến căn nhà nhỏ của Bag để xem cảnh vợ ông ấy lâm bồn. Lúc Kappa sinh nở thì cũng giống như chúng mình vậy, nghĩa là có bác sĩ, bà đỡ đến giúp. Tuy nhiên lúc sanh thì ông bố lại châu mồm vào chỗ kín của bà vợ như người đang nói điện thoại, to giọng: “Thế con có muốn ra đời hay không? Nghĩ cho kỹ rồi trả lời nhé!”. Bag vừa khom gối, hỏi đi hỏi lại nhiều lần như thế. Sau đó thì ông ta lấy thuốc nước sát trùng để trên bàn mà súc miệng. Một chốc, coi bộ đứa bé trong bụng vợ của Bag có vẻ do dự rồi thấy nó lí nhí trả lời:
- Con không muốn ra đời làm gì. Nhất là để mang chứng bệnh tâm thần di truyền từ bé thì khổ lắm! Hơn nữa, giống Kappa sinh ra không biết để làm chi? Bag nghe câu trả lời, bẽn lẽn đưa tay lên gãi đầu. Tức thời bà đỡ đứng chực sẵn bên đã cầm ngay một ống thủy tinh đút vào chỗ kín của bà vợ, như thể chích một thứ thuốcđấy. Chỉ thấy bà ta thở phào một cái như trút đi gánh nặng, đồng thời, cái bụng xìu xuống tựa quả bong bóng vừa thoát hết hơi“.
(Trích Kappa, đoạn 4)
Nên nhớ Akutagawa viết Xã hội thủy quái Kappa năm 1927 (và có thể trước đó), lúc đó Jean - Paul Sartre (1905 -1980), ông tổ của thuyết hiện sinh thời hậu chiến, người đặt câu hỏi thời danh “sinh ra tôi sao không hỏi ý kiến tôi?” mới có hai mươi hai tuổi.
Akutagawa có phải muốn từ giã cuộc đời này để đi tìm một xứ lạ như thế giới của loài thủy quái Kappa?
Cái chết bằng tự sát của ông có nhiều lý do, từ cảnh ngộ gia đình đến bệnh hoạn, chứ không riêng mỗi lý do tinh thần. Có người còn cho những lý do tinh thần ông nêu ra chỉ là để “làm dáng, điểm trang cho cái chết”. Thế nhưng, văn chương ông tự buổi đầu đã nặng tính hoài nghi yếm thế. Sau khi Akutagawa mất, cả hai cánh tả và hữu đều gán cho ông nhãn hiệu như là người của họ nhưng bản thân ông không bao giờ đặt vấn đề chính trị. Có lẽ trong ông tiềm ẩn nỗi khổ tâm của một nhà nghệ sĩ “nhân bản”, đầy lòng yêu cuộc sống (yêu quá hóa hờn), phải đứng trước một lựa chọn có tính bức bách mà không tìm được lời giải thỏa đáng: nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?
Phụ lục: Phát triển của tiểu thuyết hiện đại sau thời Akutagawa
table2

Chú thích:
(1) Người viết đặc biệt cám ơn các góp ý của Văn Lang Tôn Thất Phương, Phạm Vũ Thịnh và Việt Châu.
(2) Trong văn học Nhật Bản không có nhiều truyện dài theo định nghĩa Tây phương. Các truyện dài của họ như Daibosatsu-toge thường là sự kết hợp những chương tự nó có thể đứng một mình được. Nhiều truyện dài thường bị tác giả bỏ dang dở nửa chừng. Đi xem tuồng No là xem năm màn mà câu chuyện không ăn nhập gì với nhau.
(3) Họ không hành động cụ thể để chống đối bất công xã hội mà chỉ đóng góp vào việc san bằng bất công một cách ôn hòa. Tiêu biểu có Arishima Takeo đem ruộng đất thừa tự phân phát cho dân nghèo hay Mushanokoji Saneatu lập những “làng mới”, trong đó, ai chịu khó làm việc cũng đều có cơm ăn áo mặc. Những làng mới sớm bị phá sản và phải dẹp bỏ sau đó.
(4) Điều này không có nghĩa là các nhà văn khuynh hướng khác (Akutagawa, Shiga…) không sử dụng thủ pháp tự thuật.
(5) Trào lưu mới Shinshicho ra mắt lần đầu năm 1907 như một tạp chí tổng hợp, lần thứ 2 năm 1910 như một tạp chí của những người chung chí hướng, có cả Tanizaki Junichiro. Đến nay tái bản đến 20 lần.
(6) Để giải thích sự yếm thế của Akutagawa, có thuyết cho rằng ông là con tư sinh. Akutagawa thường có cảm tưởng mình bị quỷ thần bách hại như nhân vật Oreste thời cổ Hy Lạp. Ông thích đọc Đứa con của chị Sen, kịch của Strindberg và An-ya Koro (Đi trong bóng tối) của Shiga Naoya, trong đó, nhân vật chính là kết quả của mối tình vô luân giữa bố chồng và nàng dâu.
(7) Akai Tori, tạp chí văn chương dành cho nhi đồng, hai lần ra mắt độc giả, khoảng 1918-1929 và 1931-1936.
(8) Thần thoại Hy Lạp về Icarus trong đó người gắn cánh bay lên mặt trời bị sáp nóng chảy và rơi xuống chết.
(9) Henri de Régnier (1864 -1936), nhà văn Pháp phái tượng trưng sau chuyển qua phái tân cổ điển.
(10) Có lẽ người ta xem động cơ tự sát của văn nhân lúc nào cũng phức tạp hơn người thường. Trường hợp Romain (Pháp), Ernest Hemingway (Mỹ), Dazai, Arishima, Mishima và Kawataba (Nhật) cũng làm tốn nhiều mực.
(11) Kato, Shuuichi, sđd, quyển 3, trang 239.
(12) Cùng với Vladimir Il’ich Lenin và Rosa Luxembourg, hai nhà cách mạng khác hợp thành 3L.
(13) Điểm gặp gỡ giữa Đông và Tây.
(14) Akutagawa đã nhắc đến tên của Régnier trong bức thư tuyệt mệnh gửi cho Kume Massao trước khi tự sát.
(15) William Morris (1834 -1896), thi nhân kiêm nhà nghệ thuật tạo hình, nhà cải cách xã hội người Anh. Cuối đời, theo chủ trương xã hội không tưởng (Utopianism).
(16) Trong Dawn to the West.
(17) Kamo no Chomei (Áp, Trường Minh, 1155? -1216), người thời Kamakura, cất am trong núi. Hojoki là một tác phẩm cổ điển của dòng văn học ẩn sĩ.
(18) Trong dòng văn học này còn có Lỗ Tấn (Lu Xun, 1881 -1936), một tên tuổi vĩ đại khác.
(19) Giáo sư Hasegawa trong “Chiếc mùi soa” thất vọng với vũ sĩ đạo rốt cuộc chỉ còn biết đặt lòng tin vào “cái lồng đèn Gifu bằng giấy phết có vẽ hình mấy cọng cỏ thu”, tượng trưng đơn sơ của tâm hồn Nhật Bản đích thực treo trước hiên nhà.
(20) Xin xem thêm một biên khảo công phu của Đinh Văn Phước về nguồn gốc Sợi tơ nhện.
(21) Người ông nhắc đến trong tùy bút Okawa no miizu (Nước dòng sông Cái) (1912).