Phạm Văn Thiều dịch
Phần 6

Ông vừa mới nói về những hằng số đã được hiệu chỉnh cực kỳ chính xác để cho một loại trí tuệ hay ý thức nào đó có thể xuất hiện bên trong Vũ trụ. Một điều khá nổi bật là sự tương tác của những hằng số đó với nhau. Có một sự liên đới giữa các định luật vật lý theo cách như có sự liên đới giữa các hạt cơ bản; chúng gắn bó với nhau. Ví dụ như hạt quark chẳng hạn, nó sinh ra các hạt phức tạp hơn. Trong quan niệm của ông về con người đối với Vũ trụ, ông có cảm thấy sự liên đới đó không?
Chắc chắn là có. Vũ trụ học hiện đại đã sáp nhập trở lại con người vào Vũ trụ. Con người cảm thấy mình gắn kết với thế giới, vì biết rằng chính Vũ trụ đã sinh mình. Xuất phát từ một chân không chứa đầy năng lượng, trong suốt 15 tỷ năm, Vũ trụ đã leo từng bậc một trên hình chóp của độ phức tạp để lần lượt tạo ra các quark, proton, và electron, các nguyên tử và phân tử, các ngôi sao và thiên hà, các hành tinh và con người. Quan niệm tuyệt vọng của thế kỷ XIX về con người xa lạ và lạc lõng trong Vũ trụ đã tiến hóa rất nhiều.
Sự xuất hiện của ý thức theo ông có phải là sự nhảy bậc kiểu như Big Bang, tức là sự thay đổi triệt để so với những cái có trước đó (mặc dù trước Big Bang là một khái niệm không xác định) hoặc nữa như sự xuất hiện của sự sống, khi mà có một loại súp tiền sinh học với những thành phần hóa học rất tinh tế? Liệu có một yếu tố khác triệt để xuất phát từ thời điểm ý thức xuất hiện hay không?
Tôi không phải là nhà sinh học, do đó tôi chỉ có thể nói với ông quan điểm của cá nhân tôi, được soi sáng bởi những bài giảng của tôi về đề tài này.
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh sự khó khăn trong việc xác định chính xác thời điểm mà ý thức xuất hiện trong quá trình tiến hóa theo Darwin. Trong các loài động vật, trí khôn dường như có sự tương quan với tỷ số khối lượng của bộ não với khối lượng cơ thể. Tỷ số này đối với các động vật có vú (mà chúng ta xuất xứ từ đó) cao hơn nhiều so với loài cá và bò sát. Ví dụ, một con khủng long có thể nặng tới 10.000kg nhưng chỉ có bộ não nặng 50g, trong khi đó bộ não người có thể lớn hơn tới 10 lần, tức là nặng 500g, nhưng cơ thể chỉ nặng 70kg. Mà con người thông minh hơn khủng long là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng sự phân biệt như thế không còn thật rõ ràng nữa khi nói về loài linh trưởng như tinh tinh chẳng hạn hay cá heo là những động vật có tỷ số não/cơ thể rất gần với con người. Liệu con đười ươi hay con cá voi có ý thức không? Phải chăng quả thật có sự chuyển biến đột ngột giữa động vật và con người? Chắc chắn là không phải như vậy. Những nghiên cứu chứng tỏ rằng tinh tinh hay cá heo biết giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ thô sơ. Người ta có thể dạy cho tinh tinh ngôn ngữ ký hiệu, điều này chứng tỏ rằng loài vật này có khả năng trừu tượng nhất định. Chúng cũng biết biểu lộ tình cảm hoàn toàn như con người như yêu, vui, buồn hay thương hại. Tất nhiên, người ta không thấy chúng đang xây dựng các nhà thờ, viết tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình hay sáng tác các bản giao hưởng, nhưng một con khỉ hay con tinh tinh liệu có hiểu được vẻ đẹp của Vũ trụ theo cách của nó không? Người ta đã từng thấy những bầy tinh tinh đứng lặng ngẩn ngơ trước cảnh hoàng hôn. Tôi e rằng sẽ là quá vị nhân khi dành cho chúng ta là người duy nhất được hưởng đặc ân có ý thức.
Bắt đầu từ thời điểm nào ông có thể nói: “Tôi chắc chắn đó là con người”?
Theo tôi, con người là một sinh vật có ý thức về bản thân mình và môi trường xung quanh, có khả năng tìm hiểu Vũ trụ và biết đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại và tương lai của nó.
Vậy thì, theo ông, những bức tranh ở hang Lascaux có phải là một bằng chứng về tính người chưa?
Hoàn toàn phải. Nghệ thuật là một cách để vượt lên khỏi sự tồn tại thuần túy động vật. Con người ở hang Lascaux đã có vỏ não phát triển, cho phép họ có những hoạt động không chỉ đơn thuần có tính chất mưu sinh hay để thỏa mãn những bản năng sơ đẳng nhất tương xứng với bộ não của loài bò sát. Họ thậm chí đã có ý thức về sự thiêng liêng. Chính ý thức về sự tồn tại của cái siêu việt ấy, theo tôi, là một trong những đặc tính sâu xa nhất của con người.
Câu hỏi trước đã dẫn tôi tới câu hỏi này: theo ông, cái ác và sự khổ đau có nảy sinh từ ngay thời điểm xuất hiện con người, khác với động vật không có những suy tư về bản thân mình cũng như về môi trường xung quanh?
Tôi nghĩ rằng chỉ với sự xuất hiện của ý thức con người mới có khái niệm về cái thiện và cái ác. Nếu người ta không ý thức được về những hành động của mình, không chịu trách nhiệm về chúng, nếu những khái niệm “thiện” và “ác” chẳng có ý nghĩa gì, thì làm sao có thể nói về chúng?
Ông có một quan niệm mang nặng màu sắc kinh thánh về con người. Bởi vì thực tế đây là một quan niệm có hơi hướng về tội tổ tông? Có một câu rất cổ trong sách Sáng thế: “Người đừng có ăn cây tri thức về cái thiện và cái ác”.
Đúng hơn là quan niệm của tôi mang tính trực giác, bởi vì tôi là người theo đạo Phật, mà đạo Phật thì không nói một cách rạch ròi về sự sáng thế hay điểm khởi đầu của thế giới. Cũng không có huyền thoại về Adam và Eva trong đó Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của mình và cũng chẳng có câu chuyện cây tri thức về cái thiện và cái ác.
Tôi hiểu. Nhưng chúng ta hãy đi ngược lại thời gian xa hơn nữa, tới thời sự sống xuất hiện. Người ta đã tiến hành thí nghiệm cho phóng điện qua hỗn hợp của amôniắc và mêtan. Và kết quả là đã tái tạo được các axit amin. Nhưng tất nhiên còn xa mới tới được ADN. Vậy ông có nghĩ rằng có một bước nhảy vọt về chất đối với việc xuất hiện sự sống hay không?
Đây là một câu hỏi rất cơ bản. Làm thế nào xuất phát từ các nguyên tử và phân tử vô sinh lại có thể xuất hiện sự sống và ý thức? Sinh học hiện đại còn xa mới có thể trả lời được câu hỏi đó.
Nhưng nếu ông đi theo trực giác của cá nhân mình, thì một cách tự nhiên ông sẽ đi tới giải pháp nào, giải pháp về tính liên tục hay nhảy vọt?
Về mặt triết học, tôi thích giải pháp nhảy vọt hơn. Tôi thích nghĩ rằng có một sự nhảy vọt lượng tử trong quá trình tiến hóa theo Darwin, quá trình đã dẫn tới xuất hiện trí tuệ. Tôi không thích hình dung rằng vật chất thuần túy có thể làm nảy sinh ý thức, rằng các mạng nơtron khi có độ phức tạp vượt qua một ngưỡng nào đấy, trong quá trình tiến hóa liên tục sẽ phát ra tia lửa của ý thức.
Qua điểm về sự tiến hóa không liên tục, mà có bước nhảy vọt, chính cũng là quan điểm của sinh học hiện đại. Ý tưởng về sự tiến hóa liên tục theo từng bước nhỏ, từng cấp độ không thể cảm nhận được - một ý tưởng gan ruột của Darwin - đã được các nhà sinh học xuất sắc như Stephen Gould và Niles Eldredge đem ra xem xét lại từ những năm 1970. Dựa trên cổ sinh vật học, hai nhà khoa học trên đã chứng minh được rằng nếu sự tiến hóa là liên tục, thì người ta đã phải tìm thấy nhiều hóa thạch hơn, do có những dạng trung gian giữa các nhóm lớn động vật. Darwin đã chối bỏ luận chứng này với lý do rằng những kho lưu trữ địa chất là rất không đầy đủ, rằng người ta đâu đã đào bới hết mọi xó xỉnh của hành tinh và không phải mọi loại cổ sinh đều được bảo quản dưới dạng hóa thạch. Nhưng theo Gould và Edredge, nếu còn thiếu nhiều mắt xích như vậy thì có nghĩa là chúng không tồn tại! Sự tiến hóa theo Darwin diễn ra theo những bước nhảy lượng tử! Tôi thì thích hình dung rằng chính sự sống đã xuất hiện với một bước nhảy vọt như thế.
Vậy nghĩa là ông không nghĩ rằng hóa học có thể chuyển tiếp tiếp sang sinh học một cách liên tục. Ông có cho rằng giữa hai lĩnh vực đó thực sự có một bức tường ngăn cách không?
Tiếng nói cuối cùng về vấn đề này thuộc về các nhà sinh học nơtron. Chính họ sẽ chứng minh cho chúng ta thấy một cách khoa học: liệu vật chất, sau khi có độ phức tạp vượt quá một ngưỡng nào đấy, có thể hay không thể tạo ra ý thức.
Theo ông, là con người tức là phải có trách nhiệm. Vậy ông quan niệm thế nào về trách nhiệm của nhà khoa học trong xã hội nói chung và đặc biệt trong thời gian chiến tranh?
Tôi nghĩ rằng nhà khoa học không thể còn thờ ơ với những hậu quả của những nghiên cứu của mình đối với xã hội. Anh ta không thể tự nhủ: “Mình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Chuyện gì xảy ra sau đó không phải là việc của mình”. Nhà khoa học phải chịu trách nhiệm khi công bố một số kết quả, nhất là nếu các nhà quân sự và chính trị sử dụng những thành quả nghiên cứu của anh ta để tiến hành chiến tranh. Anh ta phải đối thoại với các nhà quân sự và chính trị để ngăn cản họ sử dụng những phát minh của mình cho những mục đích giết người hoặc phi đạo đức.
Vấn đề trách nhiệm của nhà khoa học đối với xã hội xuất hiện lần đầu tiên và cũng đầy bi kịch là vào thời gian Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, khi Albert Einstein dưới áp lực của nhà vật lý người Mỹ gốc Hungary Léo Szilard, đã viết một bức thư cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt yêu cầu ông ta cho chế tạo bom nguyên tử. Cộng đồng khoa học lúc đó nghĩ rằng Hitler đã có đủ phương tiện để chế tạo nó và nếu ta không nhanh tay, thì với một vũ khí như thế có thể có nguy cơ y sẽ trở thành bá chủ thế giới. Roosevelt đã đồng ý và các nhà vật lý xuất sắc nhất của các nước đồng minh đã tụ tập về Los Alamos ở sa mạc New Mehico để chế tạo bom A dưới sự lãnh đạo của nhà vật lý người Mỹ Robert Oppenheimer. Vụ thử đầu tiên được tiến hành vào một buổi sáng tháng 7 năm 1945 ở Nevada và khi nhìn thấy khối lửa khổng lồ bốc lên, Oppenheimer hiểu ngay rằng thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Hai câu thơ của bài thơ tiếng Hindu, Bhagavad-Gita, chợt thoáng qua đầu ông:
“Tôi là thần chết
Tôi trở thành kẻ tàn phá thế gian này”
một linh tính, thật không may, đã tỏ ra quá đúng khi mấy tuần sau hai quả bom nguyên tử đã được ném xuống hai thành phố Nhật Bản Hiroshima và Nagasaki. Nhà vật lý đã biết tội lỗi của mình và từ đó ông không còn thờ ơ được nữa. Và vào những năm 1950, Oppenheimer đã từ chối tham gia chế tạo bom khinh khí (bom H), một loại bom còn mạnh hơn nữa (bom này lấy năng lượng từ sự tổng hợp hiđrô, trong khi đó bom A lấy năng lượng từ sự phân hạch hạt nhân urani).
Nước Mỹ khi đó đang nổi lên cao trào của chủ nghĩa McCarthy, một cơn hoang tưởng chống cộng gay gắt. Nhà vật lý người Mỹ gốc Hung Edward Teller, cha đẻ bom H của mỹ, đã câu kết với thượng nghĩ sĩ McCarthy buộc tội Oppenheimer là cộng sản. Oppenheimer không bao giờ hòa giải với lời buộc tội không đúng đó và sự nghiệp khoa học của ông đã bị tổn hại nghiêm trọng. Tôi luôn rất có cảm tình với những quan điểm của ông, một nhân vật đầy bi kịch của lịch sử những mối quan hệ giữa các nhà khoa học và các nhà chính trị. Còn về Edward Teller (khi tôi gặp ông ta tôi luôn nhớ tới nhân vật Dr.Folamaur của Kubrick), vào năm 1973, ông ta lại nổi lên trong chương trình phòng thủ chiến lược của Mỹ có tên là “Chiến tranh giữa các vì sao”. Chính ông ta đã là cố vấn khoa học của Tổng thống Reagan về dự án này.
Ông có phản ứng như thế nào khi nghe Tổng thống Reagan nói về chiến tranh giữa các vì sao? Bom H có thể là lĩnh vực khoa học khác, nhưng chiến tranh giữa các vì sao thì chính là lĩnh vực của ông mà!
“Chiến tranh giữa các vì sao” là một cái tên rất sai lầm do các phương tiện thông tin đại chúng sáng tác ra. Chương trình mà Reagan nghĩ tới không có dính líu gì tới thiên văn học cả. Đó là ý tưởng xây dựng một cái “ô” hạt nhân bảo vệ nước Mỹ trước cuộc tấn công chớp nhoáng của Liên Xô bằng các tên lửa hạt nhân. Chiếc ô này tạo bởi các laser cực mạnh đặt trên mặt đất hoặc trên các trạm không gian, chúng có nhiệm vụ phá tan những tên lửa xô viết trước khi chúng bay tới đích. Trên quan điểm kỹ thuật, tôi không bao giờ tin rằng có thể xây dựng được một vành đai như vậy. Và đó cũng là ý kiến của các chuyên gia: nó đòi hỏi một trình độ tin học và công suất của các laser mà kỹ thuật còn lâu mới đáp ứng được. Sau nữa, cứ giả thử là chúng ta có đủ kỹ thuật đi nữa, thì làm thế nào có thể thử nghiệm một hệ thống như vậy.
Thật không may, Reagan và Teller lại tin là có thể làm được. Từ khi Bush được bầu vào Nhà Trắng và sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, người ta đã bớt nói nhiều về “chiến tranh giữa các vì sao”.
Nếu được đề nghị cộng tác trong một chương trình thực sự rất chuyên môn nhưng có liên quan với dự án kiểu của Reagan, thì phản ứng của ông sẽ như thế nào?
Tôi sẽ từ chối. Cái làm cho tôi sung sướng trong vật lý thiên văn, như tôi đã nói với ông, đó là nghiên cứu cơ bản, là tìm kiếm kiến thức vì kiến thức. Nhưng làm việc cho một dự án mà tôi biết rằng nó có liên quan với việc chế tạo những sản phẩm sẽ được dùng cho chiến tranh và giết người, thì tôi sẽ không bao giờ chấp nhận.
Một điều luôn luôn khó khăn đối với nhà khoa học là khó biết trước công việc nghiên cứu của mình có những hậu quả tàn phá hay không.
Đúng, thật không may như vậy. Khi Einstein chứng minh được sự tương đương của vật chất và năng lượng trong thuyết tương đối hẹp của mình, ông đâu có ngờ rằng nó sẽ dẫn tới bom nguyên tử.
Thế ông ủng hộ quan điểm cho rằng nhà khoa học phải cân nhắc kỹ trước khi bắt đầu nghiên cứu hay phải nghiên cứu bằng mọi cách rồi mới suy xét về nó sau? Nói cách khác ông ủng họ sự kiểm soát trước hay sau?
Tôi nghĩ rằng áp đặt những ràng buộc đối với nghiên cứu khoa học hay bất cứ hình thức sáng tạo nào khác là một điều không bao giờ là tốt cả. Chẳng hạn ở Liên Xô trước kia đã từng có vụ Trofim Lysenko. Mặc dù không hề có bằng chứng thực nghiệm nào, nhưng vào năm 1932, ông ta đã tuyên bố mang tính áp đặt rằng các gen không tồn tại. Do được Staline ủng hộ, nên mọi ý kiến phản đối đều bị vùi dập. Thực tế, khi làm điều đó Lysenko đã làm chậm sự tiến bộ của sinh học và di truyền học của Liên Xô hàng chục năm.
Khoa học tự bản thân nó không mang giá trị. Chỉ có những ứng dụng được làm từ nó mới là tốt hay xấu mà thôi. Tri thức vị tri thức là điều luôn luôn cần phải khuyến khích. Trí tưởng tượng luôn phải được giải phóng, nếu không nó sẽ úa tàn. Nếu chỉ do những những nguy hiểm tiềm tàng của khoa học mà cấm nghiên cứu, thì ta có nguy cơ sẽ bỏ qua vô số lợi ích mà nó mang lại. Nói chung, người ta không bao giờ có thể nói trước được hậu quả của nghiên cứu này hay khác. Khi phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn, Newton hoàn toàn không thể hình dung được rằng, một ngày nào đó, nó lại cho phép con người bay trên các máy bay hoặc trên các con tàu Vũ trụ. Maxwell chắc sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng các định luật điện từ của ông lại là cơ sở của nhiều dụng cụ làm nên tiện nghi cho cuộc sống hiện nay của chúng ta: đèn điện, điện thoại, TV, hoặc các dàn âm thanh stereo. Sadi Carnot, khi nghiên cứu nhiệt động học, chắc còn lâu mới hình dung được rằng nó sẽ dẫn tới một trong những sáng chế quan trọng nhất của thế giới hiện đại, đó là xe hơi. Do vậy, hoàn toàn không nên kiểm soát trước sự nghiên cứu khoa học, bởi vì người ta không thể biết trước nó sẽ dẫn tới đâu.
Nhưng sự kiểm soát sau đó là rất cần thiết. Ngay từ khi nhà khoa học nhận thấy một ứng dụng tiềm tàng nguy hiểm cho nhân loại, anh ta phải nhận lấy trách nhiệm, xuống đường cảnh báo cho dư luận và trực tiếp đối thoại với các nhà chính trị và quân sự.
Tất nhiên. Nhưng trong một số lĩnh vực khoa học như sinh học, chẳng hạn, thì có thể có những ứng dụng tức thì. Ví dụ, trong thao tác các gen, ông có thể biết trước rất rõ rằng những nghiên cứu có thể có những hậu quả đối với loài người. Và khi đó buộc phải có những kiểm soát trước chứ không phải sau.
Trong sinh học, thì đúng như vậy. Những ý kiến nêu ở trên của tôi thực ra có liên quan nhiều tới các khoa học vật lý hơn là sinh học. Sự tiến bộ rực rỡ của sinh học hiện đại đã đặt ra nhiều vấn đề đạo đức nghiêm trọng. Vào cuối thế kỷ này, các nhà di truyền học hy vọng sẽ giải mã được bộ gen của con người, tức là 50.000 mảnh vô cùng nhỏ của các nhiễm sắc thể - cơ sở của tính di truyền (và thực tế họ đã làm được - ND). Các nhà nghiên cứu đã nhận dạng được các gen gây ra một số bệnh di truyền, đã biết xác định những gia đình có nguy cơ bị mắc các bệnh đó và đã biết “vá víu” các gen, theo cách nói của Fracois Jacob, để sửa chữa một số khuyết tật.
Thậm chí người ta có thể sửa đổi các gen để chọn giới tính, tầm vóc, màu mắt hoặc màu tóc của bào thai. Sự “vá víu” gen này có nguy cơ sai trệch và trong tay của bọn xấu có thể làm xuất hiện trở lại luận đề ưu sinh của bọn quốc xã: thứ bậc của các chủng tộc, giữ gìn những chủng tộc thượng đẳng và loại bỏ những chủng tộc thấp kém. Mới đây, huyền thoại về chủng tộc thượng đẳng lại tái xuất hiện với “những đứa bé Nobel” nổi tiếng: những người đàn bà có chỉ số thông minh đặc biệt được cho thụ tinh với tinh trùng của những người được giải thưởng Nobel cất giữ trong một “ngân hàng”. Hy vọng là sẽ cho ra đời những đứa trẻ hoàn hảo nhất nhờ những nhà bác học già nua đã được giải thưởng cao nhất. Hy vọng này dựa trên luận điểm cho rằng trí thông minh có tính di truyền, điều mà cho tới nay chưa có cơ sở khoa học nào. Loại luận điểm này có mục đích chống lại một thực tế là: không thể giải quyết ngã ngũ có lợi cho di truyền hay môi trường, vì hai yếu tố này liên tục can thiệp lẫn nhau.
Đúng là trong trường hợp “vá víu” gen, tôi ủng hộ quan điểm kiểm soát trước. Nếu như tôi là nhà sinh học, chắc chắn tôi sẽ đặt ra cho mình những câu hỏi nghiêm túc trước khi bắt tay vào những nghiên cứu thuộc loại đó.
Ông có nghĩ rằng hiện tượng điều chỉnh, trước hoặc sau, này đối với nghiên cứu cần phải được làm bởi một ủy ban các nhà khoa học thuần túy hay bởi một áp lực đối với chính phủ bởi dư luận đã được thông tin tốt?
Lý tưởng nhất là sự điều chỉnh sau sự nghiên cứu được thực hiện cả bởi các nhà khoa học lẫn công chúng được thông tin tốt gây áp lực đối với chính phủ. Sự thành lập một ủy ban đạo đức bao gồm các nhà khoa học lớn của tất cả các nước, đại diện cho tất cả các quan điểm, kể cả những người có uy tín lớn về đạo đức cũng như các nhà thần học và triết học, nếu cần.
Nhưng công chúng cũng cần hiện diện để làm đối trọng với nhà khoa học. Sự xuất hiện những khái niệm khoa học và công nghệ ngày càng phức tạp và khó nắm bắt tạo nên một nguy cơ đáng lo ngại: đó là sự thống trị của một đẳng cấp gồm một số ít người hiểu biết và do đó mà nắm quyền lực. Ví dụ, nếu những nhà sinh học giải mã được bộ gen người, thì họ sẽ nắm trong tay một quyền lực quá mức mà không hề có đối trọng.
Nhưng để có tiếng nói, công chúng phải được thông tin tốt, nếu không họ sẽ bị các phương tiện thông tin đại chúng hoặc những kẻ mị dân dẻo mỏ dắt mũi theo những mục tiêu chính trị hoặc chiến tranh. Chính vì thế tôi cho rằng một trong những nhiệm vụ thiêng liêng của nhà khoa học là thông tin cho công chúng và phổ biến những phát minh của mình. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng công chúng có nhu cầu rất lớn được thông tin: sau khi cuốn Giai điệu bí ẩn của tôi ra đời, tôi rất cảm động nhận được rất nhiều thư từ của độc giả đánh giá cao sự nỗ lực phổ biến khoa học của tôi.
Và sự thông tin là hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ, tôi thấy rằng các nhà khoa học đã rất thành công trong việc làm cho công chúng trở nên nhạy cảm với những hiểm họa môi trường mà hành tinh chúng ta đang bị đe dọa, trong việc thông tin về hiệu ứng nhà kính gây bởi sự ô nhiễm làm cho Trái Đất nóng lên và có nguy cơ gây ra những tai họa sinh thái. Tôi thiết nghĩ rằng trong cuộc sống hàng ngày con người đang có ý thức hơn về chuyện ô nhiễm và tiêu xài hoang phí năng lượng. Tình cảm đó của công chúng tạo ra áp lực đối với các chính phủ, được thể hiện bởi việc tổ chức các hội thảo quốc tế để thử loại bỏ các chất gây ô nhiễm trên quy mô toàn cầu.
Thế nhưng ông đã xây dựng đạo đức dựa trên cái gì? Cái gì cho phép ông nói: nghiên cứu này là tốt còn nghiên cứu kia là xấu? Và xét cho cùng điều đó có liên quan với đức tin của ông, với thế giới quan của ông không?
Tôi áp dụng nguyên lý phổ quát có trong tất cả các tôn giáo: không làm điều xấu cho đồng loại. Đối với tôi, một nghiên cứu là tốt nếu như nó tôn trọng con người và là xấu nếu nó làm phương hại tới phẩm giá hoặc gây tổn hại cho hạnh phúc của con người.
Ví dụ rõ ràng nhất về những nghiên cứu xấu xa, đó là việc chế tạo vũ khí giết người. Tôi rất sửng sốt khi biết rằng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, một ủy ban có tên là “Division Jason” được thành lập do sáng kiến của Lầu Năm Góc, gồm những nhà khoa học lớn của nước Mỹ, trong đó có nhiều người được giải thưởng Nobel, có nhiệm vụ chuyên lo về chiến tranh điện tử ở Việt Nam. Ví dụ, Murray Gell-Mann, người được giải thưởng Nobel vì đã phát minh ra các hạt quark-hạt cơ bản cấu tạo nên vật chất, cũng tham gia trong cái ủy ban đó. Thật là đau khổ khi nghĩ rằng mỗi tháng những bộ óc cỡ ấy lại gặp nhau một lần để bàn bạc xem làm thế nào để chế tạo được những quả bom hiệu quả hơn, giết được nhiều người hơn. Tất nhiên, ở đây cũng còn có động cơ về hệ tư tưởng nữa. Nhiều nhà vật lý gốc châu Âu đã mang nặng tư tưởng chống cộng. Việt Nam vào thời điểm đó được hình dung là mối hiểm họa cộng sản có nguy cơ xâm chiếm toàn bộ vùng Đông Nam á. Đây là học thuyết đôminô đã từng nổi tiếng một thời: Nếu Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì tất cả các nước láng giềng khác cũng sẽ như vậy giống như các quân bài sụp đổ hàng loạt. Cần phải chặn đứng sự bá quyền đó bằng mọi giá mà vì mục đích đó người ta phát minh ra những vũ khí giết người hiệu quả nhất có thể được.
Về cá nhân mình, tôi không bao giờ tham gia vào những nghiên cứu như vậy. Nhưng vào thời chiến, sự phân biệt giữa cái thiện và cái ác không phải bao giờ cũng rạch ròi minh bạch. Ví dụ, các nhà khoa học làm việc ở Los Alamos trong sa mạc New Mehico đều biết rằng họ đang xây dựng một vũ khí có sức mạnh giết người chưa từng có trong lịch sử trước đó. Tuy nhiên, họ vẫn làm. Tôi cho rằng vì họ tin rằng nếu để cho Hitler chế tạo được quả bom đó trước họ, thì y sẽ chiếm toàn thế giới, sẽ xây dựng các trại tập trung ở khắp nơi và sẽ loại bỏ tất cả những ai. Do Thái cũng như những người khác, gây trở ngại cho hắn, để tạo ra một chủng tộc siêu đẳng mà y mơ ước. Đó còn là một cái ác lớn hơn.
Đây là một cuộc chạy đua! Một cuộc chạy đua, thật không may, tới cái ác ít hơn?
Đúng thế. Mặc dù tôi thấy rằng việc chế tạo vũ khí giết người là đáng phê phán về mặt đạo đức và không thể biện hộ được, nhưng tôi cũng thấy rằng chơi chính sách rúc đầu vào cát của con đà điểu, để mặc cho Hitler muốn làm gì thì làm, cũng không phải là điều thật thông minh.
Đúng, tôi biết chứ, người ta có thể phải mềm dẻo hơn nhất là trong tình huống quá đặc biệt là chiến tranh. Thực tế, người ta bị đưa đẩy phải chấp nhận những quan điểm mà vào thời bình người ta không bao giờ chấp nhận. Nhưng trong một tình huống bình thường, như ở thời điểm này chẳng hạn, tiêu chuẩn để ông lựa chọn giữa cái nên làm và cái không nên làm là gì? Ông có nghiên cứu để làm tối ưu hóa phúc lợi của con người hay không?
Tiêu chuẩn của tôi là: “tôn trọng cá nhân bằng mọi giá”.
Sau tất cả những điều ông vừa nói, thì nhà khoa học không thể cứ ngồi trong tháp ngà của mình?
Đúng như vậy. Nhưng nhà khoa học cũng không nên nhảy sang một thái cực khác. Anh ta không thể dành hết thì giờ cho công chúng đến mức tê liệt, mất khả năng nghiên cứu. Việc theo đuổi tri thức luôn đòi hỏi phải có một khoảng lùi, một sự bình tâm nhất định và một sự sẵn sàng về tinh thần không phù hợp với lĩnh vực quan hệ công chúng. Cũng cần phải biết quay trở về tháp ngà của mình. Đó là một sự cân bằng rất tế nhị.
Ông có đồng ý nên có một loại tuyên thệ kiểu Hippocrte đối với các nhà khoa học không?
Có, tôi không phản đối ý tưởng đó. Đòi hỏi duy nhất đối với một lời thề kiểu như vậy là không quá ràng buộc. Điều này cần có một sự suy xét thích đáng, bởi vì như tôi đã nói, vừa cần phải để cho tự do sáng tạo vừa đồng thời đặt ra một giới hạn cho một số loại nghiên cứu.
Bây giờ tôi muốn đề cập tới những chủ đề thường được nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách của ông: sự hài hòa, sự thống nhất và vẻ đẹp của Vũ trụ. Vậy mỹ học có thể dẫn đường cho những nghiên cứu không? Có một sự trùng hợp giữa vẻ đẹp và chân lý không?
Có một sự hài hòa sâu xa trong Vũ trụ. Các định luật vật lý được phát hiện trong cái xó xỉnh nhỏ bé Trái Đất chúng ta dường như có thể áp dụng trong toàn Vũ trụ. Thiên hà Andromede, cách chúng ta 2 triệu năm ánh sáng hay một thiên hà cách xa tới 10 tỷ năm ánh sáng cũng đều tuân theo cùng những định luật như Ngân Hà chúng ta. Tất cả các thiên hà và các ngôi sao đều cùng được làm từ một loại vật chất (proton và electron) và phát ra cùng một ánh sáng (photon). Người ta cũng có thể tưởng tượng ra một vũ trụ trong đó các định luật và hằng số vật lý thay đổi từ nơi này sang nơi khác, nhưng đó không phải là Vũ trụ của chúng ta.
Lại nữa, đó chính là quan điểm của Aristote. Theo ông, Vũ trụ được chia làm hai: một thế giới không hoàn hảo và thay đổi, gồm Trái Đất và Mặt Trăng, với chuyển động tự nhiên theo phương thẳng đứng và một thế giới vĩnh cửu, không thay đổi, gồm Mặt Trời, các hành tinh khác và các ngôi sao, với chuyển động tự nhiên là chuyển động tròn. Isaac Newton đã vứt bỏ hết các ý tưởng của Aristote bằng cách đưa vào lực hấp dẫn vũ trụ chi phối cả sự rơi của quả táo lẫn chuyển động của các hành tinh. Chính sự thống nhất sâu xa đó của Vũ trụ, một ngày nào đó, sẽ cho phép chúng ta tiếp xúc với nền văn minh ngoài Trái Đất, nếu như chúng tồn tại: những người ngoài Trái Đất biết chính xác cùng một vật lý học như chúng ta và sẽ dùng chính những định luật ấy để gửi đi những tín hiệu của họ. Nếu tất cả mọi thứ đều thay đổi từ nơi này sang nơi khác, thì khoa học sẽ không thể tồn tại và mọi sự truyền thông đều không thể thực hiện được. Do đó các định luật vật lý là phổ quát.
Nhưng còn một điều nữa: dường như trong bản thân vật lý học cũng có sự thống nhất. Theo sự tiến triển của vật lý, người ta phát hiện ra mối liên quan với nhau. James Maxwell đã thống nhất điện với từ ở thế kỷ XIX. Vào năm 1915, Albert Einstein đã chứng tỏ rằng thời gian và không gian liên hệ mật thiết với nhau. Và mới gần đây thôi, Steven Weinberg, Sheldon Glashow và Abdus Salam đã được nhận giải Nobel về vật lý do họ đã chứng tỏ được rằng, ở năng lượng cao, lực điện từ được thống nhất với lực hạt nhân yếu. Với những lý thuyết có tên là Thống Nhất Lớn, các nhà vật lý hy vọng sẽ thống nhất được bốn lực cơ bản của tự nhiên thành một lực duy nhất.
Do vậy, có một sự hài hòa lớn trong Vũ trụ và điều lạ lùng nhất là bộ não của chúng ta lại cảm nhận được sự hài hòa đó. Chính sự hài hòa này đã làm nảy sinh một cảm giác sâu xa về vẻ đẹp. Vũ trụ là đẹp không chỉ bởi vì nó chứa đựng những vật thể lộng lẫy: những cánh bướm rực rỡ sắc màu, những cánh hồng, những buổi hoàng hôn rực lửa, những đám mây lấp lánh ánh sao hay những vạt xoắn ốc của một thiên hà, mà vẻ đẹp còn bởi vì nó đơn giản nữa. Những hiện tượng hết sức khác nhau như sự giãn nở của Vũ trụ, một bông tuyết hay một làn khói thuốc lá đều có thể giải thích bởi bốn lực cơ bản hay có thể bởi một siêu lực duy nhất, nếu một ngày nào đó các lý thuyết Thống Nhất Lớn được hoàn tất.
Vì Vũ trụ là đẹp, nên tất cả lý thuyết mô tả nó tốt nhất cũng phải đẹp. Theo tôi, đúng là có sự trùng hợp giữa cái đẹp và chân lý, không phải ngẫu nhiên mà khi trong lịch sử khoa học có hai lý thuyết cạnh tranh nhau, thì lý thuyết nào đẹp hơn, thẩm mỹ hơn cuối cùng sẽ chiến thắng. Các nhà vật lý vĩ đại nhất như Einstein hay Dirac đều rất nhạy cảm với vẻ đẹp trong lý thuyết của họ. Họ để cho mỹ học dẫn dắt trực giác và sự lựa chọn của mình. Dirac thậm chí còn nói rằng nếu một thí nghiệm trái với một lý thuyết đẹp, thì cái sai là thực nghiệm chứ không phải lý thuyết đó!
Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học của ông, việc truy tìm những kết quả mới có ám ảnh và làm nảy sinh một trạng thái căng thẳng thường xuyên không?
Cuộc sống của một người nghiên cứu không thể tổ được tổ chức giống như một viên chức, bắt đầu làm việc vào 9 giờ sáng, rồi sắp xếp mọi thứ vào ngăn kéo lúc 5 giờ chiều, vứt bỏ mọi thứ công việc ra khỏi đầu óc và ra về. Khi ông đang trăn trở với một vấn đề nghiên cứu nào đó, nó sẽ ám ảnh không để cho ông yên. Thậm chí nếu ông không làm việc một cách có ý thức đi nữa, tiềm thức của ông vẫn tiếp tục tìm kiếm lời giải của bài toán. Nhiều lần tôi chán nản bỏ đi ngủ bởi vì đang đánh vật với một bài toán dường như không thể giải nổi, thế mà sáng hôm sau tôi thức dậy lời giải đã có sẵn trong đầu, mà là một lời giải hiển nhiên và đơn giản tới mức khiến tôi phải tự hỏi mình thế mà làm sao trước đó mình lại không nghĩ ra. Thì ra trong lúc tôi nghỉ ngơi trước khi bí mật được khám phá và tia sáng được vọt ra vào lúc mà tôi ít chờ đợi nhất.
Chuyện đó không chỉ xảy ra với riêng mình tôi. Tôi đã kể cho ông nghe chuyện Lyman Spitzer đã nảy ra ý tưởng về sự tổng hợp hạt nhân với tư cách là nguồn năng lượng cung cấp cho Trái Đất, khi ông đang trượt tuyết ở bang Colorado. Nhà toán học vĩ đại người Pháp Henri Poincaré cũng kể rằng sau khi vật lộn vô ích hai tuần với một bài toán, ông chán nản bèn bỏ đi du lịch. Hoàn toàn bất ngờ, vào lúc vừa đặt chân lên ôtô, thì lời giả bài toán hiện lên rõ ràng đến mức ngạc nhiên, một lời giải dường như vọt ra từ không đâu và chẳng có liên quan gì với những suy nghĩ vài phút trước đó. Tuy nhiên, Poincaré đã xác tín về sự đúng đắn của lời giải tới mức ông vẫn bình thản đi du lịch và chỉ khi quay về ông mới kiểm tra lại. Vai trò hàng đầu của tiềm thức trong phát minh khoa học, đối với tôi, là điều không còn chút nghi ngờ nào.
Còn làm thế nào có thể dung hòa một trạng thái căng thẳng thường trực như vậy với cuộc sống hàng ngày ư? Sự bận tâm thường xuyên tới một bài toán thi thoảng cũng cản trở bạn 100% hiện hữu trong tất cả những hành động của cuộc sống hằng ngày. Điều đó giải thích tại sao công chúng thường hình dung về nhà khoa học như một giáo sự đãng trí, cứ như ở Mặt Trăng rơi xuống. Bởi vì phải sống với bài toán gần như suốt cả ngày, suốt tháng, thậm chí suốt cả năm, nên cuộc sống của nhà nghiên cứu có xu hướng tất yếu phải về phía khổ hạnh, xa rời cuộc sống đời thường. Sự làm việc của anh ta đòi hỏi phải có sự tập trung bên trong rất cao, ít thích hợp với những bữa ăn tối ồn ào trong thành phố hay đi chơi tất cả các buổi tối.
Và tôi nghĩ rằng, để cho cuộc sống gia đình dung hòa được với sự căng thẳng thường trực đó, người vợ hay chồng của nhà nghiên cứu cần phải biết đánh giá một cách sáng suốt đối với lao động khoa học, thậm chí cả khi không hiểu được hết, vì điều đó còn tốt hơn nữa nếu, cuối cùng, người ta có thể chia sẻ được với người khác niềm vui kỳ diệu của phát minh.