Vụ Kiện William Joiner Center: Ai có quyền viết lịch sử một cộng đồng?
Trương Vũ

Bài viết này trích từ một tiểu luận của tác giả về nguy cơ tự xóa bỏ những giá trị mang theo từ miền Nam của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ (CÐVNHK). Ðặc biệt, giá trị của ý thức tự do. Trong tiểu luận, tác giả phân tích những phản ứng của cộng đồng qua các biến cố nổi bật nhất trong vòng 5 năm trở lại đây như vụ Trần Văn Trường, vụ áp đảo và chụp mũ văn nghệ sĩ, vụ kiện Trung Tâm William Joiner (WJC) của viện đại học Massachusetts, v.v. Tiểu luận đang trong giai đoạn hoàn tất. Vì tính cách nóng hổi của vụ kiện WJC—đang được vận động rầm rộ, lôi kéo rất nhiều tổ chức, đoàn thể, báo chí, và nhân sự trong cộng đồng vào cuộc—tác giả cho đăng tải phần liên hệ đến vụ kiện này. Những vấn đề được đặt ra trong cộng đồng liên quan đến vụ kiện đã vượt ra ngoài những tranh cãi trong phòng xử án, đã chạm đến những hiểu biết căn bản trong đời sống trí thức và lòng tự trọng của rất nhiều thành viên trong cộng đồng. Không kể đến những thông tin lẽ ra mọi người trong cộng đồng đã phải được cung cấp trong suốt hơn ba năm qua, trong vận động biến một vụ kiện cá nhân thành một vụ kiện của cả cộng đồng. Toàn phần của tiểu luận sẽ được đăng tải một ngày gần đây.

Trương Vũ

Cuối năm 1999, Trung tâm William Joiner (WJC) của viện đại học Massachusetts (UMass) được tổ chức Rockefeller chấp thuận tài trợ một đề án của Trung tâm nhằm nghiên cứu những nỗ lực xây dựng và tái xây dựng diện mạo cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Chương trình kéo dài 3 năm. Ngân khoản tài trợ của Rockefeller, tổng cộng 250 ngàn đô la, được dùng để cấp học bổng cho các nghiên cứu viên cùng các chi phí liên hệ. Nghiên cứu viên được tuyển chọn theo một thủ tục do WJC ấn định, dựa theo đơn xin, đề tài nghiên cứu, và khả năng, kinh nghiệm của ứng viên. Ðại để cũng giống như thủ tục cấp phát học bổng nghiên cứu ở các đại học khác trên nước Mỹ. Hội Ðồng Thường Trực Chương Trình (HDTT) có ba người Mỹ gốc Việt: ông Hiệp Chu, sáng lập viên hội VietAID (tổ chức đã gây quỹ 5.1 triệu đô la để xây dựng thành công Trung Tâm Cộng Ðồng Việt Nam ở Boston), cô Nguyễn Thị Trinh, một người hoạt động cộng đồng của CAPAY (một tổ chức nhằm đào tạo tầng lớp lãnh đạo tương lai của các học sinh Mỹ gốc Á Châu), và ông Nguyễn Bá Chung, giảng viên trường UMass. Giáo sư và học giả tham dự HDTT đều không lãnh lương.
Niên khóa đầu tiên, 2000- 2001, có 4 ứng viên được chọn, trong đó có 2 người thuộc thành phần trong nước là các giáo sư Hoàng Ngọc Hiến (HNH) và Nguyễn Huệ Chi (NHC). Theo sự giải thích của WJC, sự thiếu vắng các tuyển viên ở hải ngoại là do điều kiện thường trú ở đại học buộc tuyển viên phải sống ở Boston trong thời gian nhận học bổng. Hầu hết các nhà văn, học giả ở hải ngoại đều đang có công ăn việc làm, không ai muốn bỏ công việc của họ. Nhất là, học bổng Rockefeller không nhiều và không ai được hưởng học bổng toàn phần. Kể từ niên khóa kế tiếp, điều kiện thường trú được miễn trừ, nhất là đối với ứng viên thuộc cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Từ đó, số tuyển viên từ cộng đồng tăng lên gấp bội. Về điều kiện tuyển chọn, WJC khẳng định một nguyên tắc của họ là không dựa vào khuynh hướng chính trị của ứng viên. Sau 3 năm, có tất cả 25 nghiên cứu viên tham dự chương trình, trong số đó có 4 người Việt Nam đến từ trong nước (ngoài các ông HNH, NCH là hai đạo diễn Trần Văn Thủy và Ðỗ Minh Tuấn). So với các chương trình học bổng Rockefeller khác, chương trình của WJC có số tham dự đông nhất, vượt gấp hai gấp ba số lượng trung bình. Một sự kiện cần ghi nhận là trong suốt 3 năm của chương trình, học bổng cao nhất mà một tuyển viên đến từ Việt Nam được cấp phát là 12 ngàn đô la bao gồm cả ăn ở.
Sự lựa chọn hai học giả đến từ trong nước cho niên khóa đầu đã gây phản ứng mạnh từ một số thành viên và tổ chức cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ. Kết quả là một vụ kiện còn kéo dài đến ngày hôm nay, có khả năng lôi kéo cả cộng đồng vào cuộc. Người khởi tố đầu tiên là ông Nguyễn Hữu Luyện, ở Boston. Bị đơn là UMass. Yểm trợ cho nguyên đơn có Ủy Ban Vận Ðộng Yểm Trợ Vụ Án William Joiner Center (UBVÐ). Ðến đầu năm 2001, UBVÐ đã quyên góp được trên 100 ngàn đô la để sử dụng cho vụ kiện. Không biết số tiền quyên góp cho đến nay là bao nhiêu.
Chi tiết liên quan đến vụ kiện khá nhiều và phức tạp. Ðể biết rõ, xin liên lạc thẳng với UBVÐ và WJC để được cung cấp các tài liệu liên hệ, bằng cả tiếng Anh hoặc tiếng Việt, cách tốt nhất vẫn là có tài liệu từ hai nguồn khác nhau. [1] Tôi chỉ xin ghi lại đây những diễn biến cần thiết cho bài viết này:
Tháng 4 năm 2000, ông Nguyễn Hữu Luyện khởi tố WJC/UMass trước Tòa Sơ Thẩm (TST) tiểu bang Massachusetts (MA) về sự kỳ thị tuổi tác và tuyển người (trường hợp các ông HNH và NHC). Theo đơn khởi tố, số bồi thường cho nguyên đơn nếu thắng kiện sẽ tương đương với một học bổng toàn phần (35 ngàn đô la). Vụ kiện bị bác bỏ ở TST (vì lý do thủ tục) và sau đó bị phủ quyết ở Hội Ðồng Bài Trừ Kỳ Thị (vì không đủ nguyên cớ).
Tháng 10 năm 2001, ông Luyện và 11 người khác đệ trình đơn kiện tại Tòa Thượng Thẩm (TTT) về kỳ thị tuyển người bao gồm sự kỳ thị về tuổi tác, chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, cùng với vấn đề vi phạm luật của tiểu bang MA, chương 264, về việc cấm thuê mướn đảng viên đảng Cộng Sản.
Tháng 12 năm 2002, số người đứng tên chung với ông Luyện giảm xuống còn 9 người.
Ðầu năm 2003, Luật sư phía ông Luyện yêu cầu TTT cho phép nguyên đơn kiện với tư cách tập thể (Class Action suit). Giữa tháng 5. 2003 trong phiên họp trước tòa, chánh án TTT Janet Sanders bác đơn này, chỉ cho phép kiện với tư cách cá nhân vì không hội đủ những điều kiện luật định.
Ngày 18 tháng 5 năm 2003, trong một cuộc họp báo tại vùng thủ đô Hoa Thạnh Ðốn, ông Luyện tuyên bố rằng UMass đề nghị bồi thường 250 ngàn đô la cùng một bức thư xin lỗi để hủy bỏ vụ kiện nhưng ông Luyện bác bỏ đề nghị đó. Trường UMass và luật sư của ông Luyện đều phủ nhận nguồn tin này. [2]
Ngày 21 tháng 5 năm 2003, TTT Suffolk chính thức công bố văn bản phán quyết (written order), không những bác bỏ thỉnh cầu xác định tư cách tập thể, mà còn xác nhận là vụ kiện thiếu cơ sở pháp lý (“of dubious merit”).
Trên mặt pháp lý, đây chỉ còn là vụ kiện giữa cá nhân ông Luyện và UMass. [3]
Hiện nay, vụ kiện vẫn còn đang tiếp tục, chưa có quyết định tối hậu của bà Chánh án Janet Sanders. Ðại Học UMASS, tuy nhiên, mới đây đã yêu cầu TTT quyết định hai điều: (1) bác bỏ toàn bộ vụ kiện vì (a) không có cơ sở pháp lý và (b) chỉ có ông NHL là hội đủ điều kiện tố tụng, 9 người còn lại không có tư cách pháp lý vì đã không đi qua Ủy Ban Bài Trừ Kỳ Thị; (2) Không cho phép luật sư phía ông Luyện phỏng vấn phía Ðại Học UMASS nữa. Bà Chánh án Sanders đã đồng ý với yêu cầu (2) và sẽ ra quyết định về yêu cầu (1) trong thời gian sắp tới.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chắc mọi người cũng chỉ mong vụ kiện được xét xử một cách công bằng và sớm kết thúc. Trên thực tế, vụ kiện có thể kéo dài thêm nhiều năm nếu có sự chống án. Trong một buổi gặp gỡ báo chí tại vùng Hoa Thạnh Ðốn ngày 6 tháng 6 năm 2004, ông Luyện kêu gọi chuyển vụ kiện thành vụ kiện của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới, kêu gọi yểm trợ tinh thần và tài chánh để đẩy vụ kiện đến thành công. Thật ra, ý định biến vụ kiện thành vụ kiện của cả cộng đồng đã thường xuyên được nói tới, ngay từ những ngày đầu tiên. Chẳng hạn, trong một bản tóm lược vụ án do ông Luyện viết từ năm 2001, [4] có những câu như: “Chúng tôi có 3 triệu người tỵ nạn cộng sản, không một ai trong chúng tôi lại có thể ngồi yên để cho bọn cộng sản mượn tay một trường đại học lớn, mượn danh nghĩa một Foundation để dùng công trình nghiên cứu có tầm cỡ quốc tế này để làm nhục chúng tôi. Chúng tôi không thể để con cháu chúng tôi nhìn hình ảnh của cha ông chúng qua những nét bút của bọn Việt cộng. Ba triệu người tỵ nạn cộng sản, mỗi người chỉ bỏ ra $1 là chúng tôi có thừa tiền để đưa vụ kiện này tới bất cứ nơi nào, bất cứ cấp nào...” Chính vì ý định đó của ông tôi viết phần này.
Ðối với tôi, tranh đấu cho một niềm tin về chính trị, tôn giáo, xã hội, dân tộc, hay bất cứ niềm tin nào là quyền lựa chọn của mỗi người. Phát biểu điều mình tin là quyền của cá nhân đó. Nhưng tự động phát biểu cho người khác, hay đi xa hơn, áp đặt điều mình tin hay ý muốn của mình lên một tập thể 3 triệu người, đòi hỏi rất nhiều cẩn trọng. Ðặc biệt, khi những phát biểu như vậy được dùng cho một vụ kiện, phát xuất từ một đơn khởi tố cá nhân. Trong trường hợp này, sự khởi tố đó cuối cùng nhằm đạt được điều gì? Hãy đọc những điều kiện ông Luyện nêu ra và ông nhấn mạnh là “bất di bất dịch” trong trường hợp UMass muốn giải quyết vấn đề bên ngoài tòa án [5]:
  1. Hủy bỏ hoàn toàn những gì đã viết bởi những người đã thuê mướn bất hợp pháp.
  2. Song song với giám đốc chương trình của WJC, phải đặt một đồng giám đốc (co-director) là người của CĐ (cộng đồng—chú thích của TV) (...)
  3. Hiện nay Ủy Ban Thường Trực (Standing Committee) của chương trình gồm có 7 người. Chúng ta cần có 3 người của CĐ, 3 người của WJC và người thứ bảy do hai bên bầu ra (...)
  4. Thay đổi phương pháp thực hiện chương trình (...)
Khi đọc điều kiện đầu tôi có cảm giác như đang sống trong một nước độc tài. Tôi phải giả thử WJC sắp thua tơi tả nên chấp nhận điều kiện “bất di bất dịch” này và tuyên bố hủy bỏ những công trình đã “thuê mướn bất hợp pháp”. Nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi làm sao ông Luyện có thể ngăn chận vô số những ông bạn hàn lâm của trường UMass, và kể cả trường UMass, đem các tài liệu đó vào giảng dạy trong đại học Mỹ. Sau một vụ kiện như vậy, những tài liệu này, dù chất lượng thật sự như thế nào, cũng có nhiều khả năng trở thành “sách quý” và có nhiều điều kiện để được quảng cáo, kích động người đọc hơn. Ðó là không nói đến phản ứng của giới đại học và trí thức Mỹ thường có khuynh hướng coi trọng quyền tự do phát biểu và rất coi nhẹ những áp lực chính trị dù là của chính phủ họ.
Ðiều kiện thứ hai và ba, nếu được chấp nhận, sẽ mang lại cho cộng đồng Việt Nam một thế lực chưa từng thấy trong đại học Mỹ. Cộng đồng Do Thái đóng góp chất xám và tiền bạc vào hệ thống đại học ở Mỹ như thế nào chắc mọi người đều biết, nhưng tôi không tin họ có cái quyền đó hoặc có những đòi hỏi như vậy vào những chương trình của đại học. Ngoại trừ, có thể, những công trình hoàn toàn do cộng đồng Do Thái tài trợ. Có thể thôi, cá nhân tôi chưa hề nghe biết một sự việc lạ lùng như vậy ở đại học Mỹ. Trong trường hợp của WJC, phần tài trợ là của tổ chức tư nhân Rockefeller. Cộng đồng Việt Nam chưa góp một đồng nào vào bất cứ một chương trình nghiên cứu nào của đại học cả dù là để nghiên cứu về chính cộng đồng mình. Chỉ có quyên tiền để đi kiện thôi.
Ðiều kiện cuối cùng liên quan đến phương pháp nghiên cứu. Tôi rất mừng ông Luyện đã không buộc UMass bổ nhiệm một số thành viên do cộng đồng Việt Nam chỉ định vào các chức vụ giáo sư hướng dẫn luận văn hay hướng dẫn nghiên cứu. Tuy nhiên, điều kiện ông đưa ra về phương pháp nghiên cứu buộc UMass phải tuân theo chỉ dưới điều kiện này một mức thôi.
Những đòi hỏi trên đây chẳng những hoang tưởng, chúng hầu như chẳng có liên hệ gì với nội dung của đơn khởi tố. Nếu có một người Việt nào từ cộng đồng nạp đơn xin học bổng mà bị bác vì người đó chống Cộng, hay vì một sự kỳ thị nào đó, thì sự khởi tố đó hợp lý. Tuy nhiên, đó vẫn là một trường hợp cá nhân. Ngoại trừ, tất cả những người Việt từ phía cộng đồng đều bị kỳ thị giống như vậy. Trong 3 năm qua, có bao nhiêu trường hợp bị bác đơn và người trong cuộc lên tiếng là bị kỳ thị? Cho đến nay, không nghe nói một trường hợp nào. Ông Luyện cho rằng UMass có chính sách kỳ thị đối với cộng đồng, phạm luật Tiểu bang vì thuê mướn cán bộ Cộng Sản, và gây thiệt hại cho cá nhân ông vì lẽ ra ông đã được học bổng đó. Nhưng ông đã không nạp đơn dự tuyển. Không nạp trong năm đầu vì cho là một tháng không đủ cho ông chuẩn bị. Nhưng ông cũng không có ý định nộp đơn cho hai năm sau. Ông đi kiện. Có thể những gì ông nêu ra đều đúng. Trong trường họp đó, tôi tin tòa án sẽ xử rất công bằng cho ông. Hãy tin như vậy vào lúc này, và không nên nói rằng nếu ông thua thì chúng ta sẽ đi cho đến cùng. Chỉ nên nói là nếu có bất công trong vụ xử, ông Luyện sẽ chống án; và, mỗi người trong cộng đồng sẽ tùy vào thẩm định riêng về tính bất công của tòa án, yểm trợ việc chống án của ông. Nhưng, trong bất cứ trường hợp nào, đây vẫn không phải là vụ kiện giữa cộng đồng Việt Nam hải ngoại với trường UMass. Tôi không đồng ý với những vận động có tính mập mờ như vậy.
Từ những ngày đầu của vụ kiện cho đến nay, biết bao nhiêu vấn đề được nêu ra trên báo chí, trong những họp báo, lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Những vấn đề đó, trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến nội dung ý thức tự do của bài viết này. Tôi xin được lần lượt trình bày, dưới dạng câu hỏi, cùng nhận định riêng của mình.
Ai có quyền viết về cộng đồng Việt Nam hải ngoại?
Ai cũng có quyền viết về cộng đồng Việt Nam hải ngoại hay bất cứ cộng đồng nào, hay viết về đảng Cộng Sản Việt Nam, hay về bất cứ thứ gì. Ở nước Mỹ ai cũng có quyền xuất bản tác phẩm của mình. Ở trong đại học Mỹ, giáo sư nào cũng có quyền lựa chọn bất cứ tác phẩm nào để dùng làm tài liệu giảng dạy. Ông ta chỉ chịu trách nhiệm với hội đồng khoa và trường đại học về sự lựa chọn đó. Ở trong nước, GS Trần Trọng Ðăng Ðàn đã viết một cuốn sách về người Việt ở nước ngoài. [6] Ai ở hải ngoại cấm ông được? Cũng như, ai cấm không cho Việt kiều về mua cuốn sách đó đem sang? Cũng vậy, ai cấm được những học giả người Mỹ đọc cuốn sách đó rồi đem vào giảng dạy trong đại học? Thực tế: Ngày hôm nay, cuốn sách đó có khả năng cung cấp một nụ cười thoải mái nơi người đọc ở hải ngoại, dù Việt hay Mỹ, về sự ngây ngô “như thiệt” của một ông giáo sư đại học Việt Nam. Những người đọc trong nước, nếu có chút ít hiểu biết về hải ngoại hay đã tiếp xúc nhiều với Việt kiều về thăm nhà, chắc cũng có được nụ cười đó. Tôi cũng có được những giây phút “thư thái” khi đọc mấy cuốn sách của ông Lê Lựu viết về nước Mỹ, nhất là cái chỗ ông khoe tờ Washington Post đề nghị mướn ông làm editor cho họ. Cũng vui thôi. Nếu có thể xóa đi làm lại, tôi tin có nhiều người sẽ viết khác với trước nhiều lắm. Nhưng, trò chơi chữ nghĩa, coi vậy mà rất nguy hiểm, một khi đã thoát ra khỏi mình, in trên giấy rồi, làm sao xóa đi được? Tốt nhất là đừng nên viết sai sự thật.
Có phải UMass/WJC thuê mướn Việt Cộng viết lại lịch sử cộng đồng Việt Nam hải ngoại, hay nhục mạ cộng đồng?
Thứ nhất, không ai xem chuyện cấp học bổng là thuê mướn. Thứ hai, khi nêu lên vấn đề “viết lại lịch sử cộng đồng”, tôi có cảm giác như cộng đồng đang có một bộ lịch sử của cộng đồng, như bộ Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim, rồi WJC thuê mấy ông Việt Cộng đến sửa lại, nhằm nhục mạ cộng đồng. Về chuyện này, tôi xin trích mấy lời trong bức thư của TS Kevin Bowen, giám đốc điều hành của WJC, trong thơ gởi cộng đồng [7]:
(...) Tôi biết rằng những sự đả kích sẽ tiếp tục. Gần đây tôi còn đọc là chúng tôi đã thuê hai "cán bộ cộng sản cao cấp" từ Việt Nam sang để điều khiển chương trình, một chương trình "nghiên cứu về đời sống của Người Việt di tản". Vâng, nếu thế thì đáng sợ thật! Nhưng sự thực là hai học giả này sẽ ở đây 6 tháng, hoàn toàn độc lập, sẽ chẵng "điều khiển" bất cứ ai, và không hề nghiên cứu về đời sống người di tản mà về những tác phẩm của các nhà văn và học giả hải ngoại, tiếp tục công trình mà họ đã làm, và đã được văn giới hải ngoại tán thưởng. Vâng, trong quá khứ, Trung tâm Joiner đã làm việc với các văn sĩ và học giả từ Việt Nam, và sẽ còn tiếp tục vì đó là bản chất của những việc mà Trung tâm làm. Ðó là một phần của sứ mạng chúng tôi; vì công tác của một đại học, nhất là một cơ sở nghiên cứu, là nỗ lực tiếp cận sự thật bằng cách nghiên cứu nhiều tiếng nói và nhiều nguồn gốc. (...)
Chúng ta biết rằng đại học Mỹ đã cấp phát, và sẽ còn cấp phát, rất nhiều học bổng cho các học giả, nhà khoa học, sinh viên,... thuộc CÐVNHK để làm các công trình nghiên cứu. Nếu phẫn nộ về chuyện UMass cấp học bổng cho các học giả từ Việt Nam sang nghiên cứu về cộng đồng Việt Nam, thì chúng ta nghĩ sao về chuyện cấp học bổng cho các học giả từ cộng đồng Việt Nam hải ngoại về nghiên cứu tại Việt Nam, về những vấn đề của Việt Nam? Cái đó có gây phẫn nộ cho chính quyền Việt Nam không? Trong thực tế đã có rất nhiều người làm như vậy, dưới dạng grant, sabbatical leave, hay fellowship nói chung. Các giáo sư Trương Bửu Lâm, Lương Văn Hy, Kim Ninh, Nguyễn Võ Thu Hương, Trần Ngọc Angie, Lê Thị Huệ, v.v. và rất nhiều giáo sư, học giả khác nữa, đã được các đại học tài trợ về nghiên cứu tại Việt Nam. Có những đề tài nghiên cứu rất nhạy cảm, như “chính sách văn hóa của cộng sản”, “nạn mãi dâm tại Việt Nam”, v.v. Nhà văn/giáo sư Lê Thị Huệ trong thời gian làm nghiên cứu đã theo học một số lớp về văn hóa tại đại học Tổng Hợp Hà Nội. Công trình nghiên cứu của bà được trình bày trong một cuốn sách đã xuất bản, nhan đề Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Ðầu Thế Kỷ 21. [8] Thử đọc vài đề mục: “5. Bệnh cuồng tin”, “6. Văn hóa Xin, Văn hóa Lạy, Văn hóa Bác”, “12. Văn hóa Thủ, Văn hóa Phá, Văn hóa Chửi”, v.v. Thử đọc vài câu: “Từ 1975 cho đến nay, chính quyền Việt Nam không đẻ ra được một chính sách nào để giúp dân Việt Nam thăng tiến nhanh lẹ cùng thế giới. Hai mươi lăm năm không phải là một thời gian ngắn... Tiếc thay những người đàn ông lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra bất tài trong việc lãnh đạo quốc gia này.” (trang 168); hay “Trong cái vụ phê bình văn hóa vọng ngoại tôi không phải là người lẻ loi. Ðã có rất nhiều nhà văn nhà báo đã lên tiếng về hiện tượng sính đồ ngoại này. Tôi vẫn thường xuyên theo dõi thông tin sách vở báo chí Việt Nam và biết đã có sự phản ảnh này. Có thể nói đội ngũ những nhà văn nhà báo Việt Nam tương đối giữ được đôi mắt sáng suốt và sự biểu lộ chân thật nhất về những cảnh đời của xã hội Việt Nam” (trang 197); v.v. Tôi không biết người trong nước có xem đây là âm mưu của các đại học Mỹ nhằm đưa “bọn trốn chạy tổ quốc” về viết lại lịch sử, hay nhục mạ xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Những tuyển viên đến từ Việt Nam đã viết gì về cộng đồng Việt Nam hải ngoại?
Trước khi chương trình bắt đầu, những vấn đề “viết lại lịch sử” hay “nhục mạ” dù có được dùng với bất cứ luận cứ nào đều mang tính giả định. Sau ba năm, vấn đề đã tương đối rõ ràng mặc dầu vẫn còn một số tuyển viên chưa nộp kết quả nghiên cứu hoàn chỉnh. Thử lấy trường hợp ông HNH làm ví dụ, ông đã viết gì? Tôi có đọc được tiểu luận của ông, viết cho đề án, nhan đề Ðọc Văn Học Việt Nam Hải Ngoại. Thật tình, tôi hơi ngạc nhiên. Tiểu luận này thiếu cái sắc bén và cô đọng thường thấy nơi HNH, như trong bài Về Một Ðặc Ðiểm Của Văn Học Nghệ Thuật Ở Ta Trong Giai Ðoạn Vừa Qua, [9] một bài viết đã tạo cho ông một vóc dáng trong giới làm văn học Việt Nam sau 1975, nhưng đồng thời bắt ông trả một giá không nhỏ ở ngoài đời. Cũng không sánh được với bài Những Chiếc Lá Bay Qua Ðại Dương, [10] ông viết cách đây 8 năm, về đời sống của người Việt ở Mỹ. Trong tiểu luận viết cho WJC, ông đưa ra một cách nhìn đầy triết lý về cái “hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng” để đọc văn học Việt Nam hải ngoại, dựa trên một quan niệm về cái đẹp của Trần Ðức Thảo vào những ngày cuối đời của triết gia này, “...cái đẹp trong sự hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh.” Một cách nhìn khá đặc biệt. Rất tiếc, ông không đi tới cùng. Nhưng, phải công bình với ông, ông không viết lại lịch sử cũng như không hề nhục mạ cộng đồng. Ông Luyện có nêu ra hai điểm để chỉ trích ông. [11] Về điểm đầu, ông Luyện viết:
(...) Ðây là cách Hiến mô tả thế hệ trẻ hải ngoại:
“Trong bài thơ Nguyễn Bính của Nguyễn Bá Chung [giám đốc chương trình nghiên cứu], hai câu thơ: “Nửa đời mới biết công danh hão/Giày cỏ, gươm cùn đến trắng tay”, có thể hiểu với ý nghĩa thời sự, là tác giả mượn thân phận của nhà thơ giang hồ họ Nguyễn để cảm khái tâm trạng vỡ mộng của mình và những chàng trai cùng thế hệ hiện đương long đong nơi đất khách quê người.”
Nếu tuổi trẻ hải ngoại mà như vậy thì lấy đâu ra tiền mà mỗi năm gởi về nước tới 2 hay 3 tỷ đô la để nuôi đảng, nuôi cả đám chuyên nghiệp khống chế tư tưởng của quần chúng để đảng tự do đàn áp như Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. (...)
Cần ghi nhận khi nói “những chàng trai cùng thế hệ” là cùng thế hệ với tác giả, không có nghĩa là “thế hệ trẻ.” Mặt khác, ông Hiến chỉ nhận định về một bài thơ nhưng không ngầm mô tả thế hệ trẻ hải ngoại. Ðiều cần phải nói là ông Luyện đã trích thiếu những câu kế tiếp: “Có thể điểm xuất phát là tâm trạng tức cảnh này. Nhưng qua sự sáng tạo nghệ thuật, nó mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Hình như ở thời nào và ở bất cứ vĩ tuyến nào cũng có những kẻ làm trai “gắng hời” “chút công danh” để rồi “nửa đời” mới tỉnh ra điều này.” Không lý ông cũng nhắm mô tả “thế hệ trẻ ở trong nước.” Ðiều ông muốn nói khác nhiều lắm. Thử nhìn lại trong chúng ta, những người hiện ở tuổi trung niên trở lên, khi sang Mỹ còn rất trẻ, và ít nhiều đều mang theo một hoài bão làm cái gì đó cho dân tộc, cho đất nước, hay tạo một sự nghiệp, một “công danh”. Có bao nhiêu người trong chúng ta cho rằng mình đã đạt được hoài bão đó? Có bao nhiêu người trong chúng ta không từng có cảm giác vỡ mộng? Kiếm ra tiền, gởi về cho bà con, bạn bè, đâu có nghĩa là không vỡ giấc mộng của mình? Thôi thì, cứ cho là ông Hiến nói sai đi, chẳng có ai vỡ mộng cả. Nhưng đó có phải là ông nhục mạ cộng đồng?
Ðiểm chỉ trích thứ hai liên quan đến việc trích dẫn một đoạn trong truyện ngắn Tật Nguyền của Nguyễn Ý Thuần, [12] trong đó có một câu nói của nhân vật trong truyện như sau: “Năm năm vật lộn với đủ thứ nghề và lang thang trên những vùng đất xa lạ, tôi đâm ra ngán ngẩm sau khi tiếp xúc với một số cộng đồng tị nạn. Hầu hết đều khoác lên người một thứ gì đó—như lớp quần áo giấy để sống, để khỏi khuất lẩn vào đám đông...” Ông Luyện không nói đến nhận định của HNH, tiếp ngay sau đó, về đoạn trích dẫn này. Tôi xin trích lời ông Hiến: (...) Chốn đô hội nào mà chả có phương diện hội chợ của nó. Hội chợ nào mà chả đông người mặc áo giấy. Ở đâu không biết, ở Hà nội, Sài gòn tôi thấy đám người mặc áo giấy đông nhung nhúc.”
Tuy nhiên, cả bài tiểu luận đâu phải chỉ có hai điểm đó. Sao không thấy những điểm sâu sắc hơn. Chẳng hạn, “Từ ý tưởng của Trần Ðức Thảo tôi liên tưởng đến một quan niệm về nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng mà tôi cảm thấy như có sự gần gũi, sự tương đồng. Anh cảm nhận nhiệm vụ cốt yếu và cuối cùng của người làm phim là nắm bắt cái chất hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng, ‘tìm trúng cái cách đưa người xem vào cảm giác về cái hoàn hảo đó’”.
Trong trường hợp của đạo diễn Trần Văn Thủy, công trình của ông đã được trình bày trong cuốn Nếu Ði Hết Biển (NÐHB) do nhà Thời Văn xuất bản. [13] Cuốn sách gây nhiều phản ứng khác nhau. Có rất nhiều điều tôi không hiểu được. Tôi không hiểu nổi những phản ứng mạnh mẽ về cả một câu nói đầy xót xa như thế này của TVT: “Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không.” (trang 24) Rất nhiều phản ứng đối với những câu trả lời phỏng vấn liên hệ đến cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Cộng đồng chúng ta chắc không tuyệt hảo, thế nào cũng có những mặt tiêu cực phải nói tới trong các bài phỏng vấn. Người đọc có quyền đồng ý hay không, và nếu có tranh cãi về những điều không đồng ý thì cũng là chuyện thường tình. Tôi tôn trọng những ý kiến khác nhau. Tôi chỉ không chấp nhận những mạ lỵ, vu khống, và những thông tin về thời sự hoàn toàn sai sự thật với hậu ý. Những điều sau sẽ được trình bày trong một bài khác vì hoàn toàn ra ngoài phạm vi ý thức tự do của bài này. Cuốn NÐHB sẽ được tái bản trong một ngày rất gần. Cách tốt nhất vẫn là đọc chính cuốn sách đó cùng những bài phản bác, và tự mình đánh giá những đúng sai cho từng nhận định.
Có ai nghĩ gì về sự tham dự của các học giả ở hải ngoại vào chương trình WJC?
Khi chú trọng vào những học giả đến từ Việt Nam và nói lên nỗi phẫn nộ là những người này sẽ bôi nhọ lịch sử cộng đồng, không mấy ai nói đến những học giả khác mà chính những người này mới thật sự là thành phần chiếm đa số tuyệt đối (21/25). Thỉnh thoảng có những mỉa mai dành cho những học giả/nhà văn đến từ phía cộng đồng vì đã hợp tác với UMass/WJC, làm như trường đại học này do Việt Cộng lập nên. Còn những học giả Mỹ thì sao? Có gì bảo đảm là người Mỹ khi viết về cộng đồng sẽ viết nhẹ tay hơn những người đến từ Việt Nam? Cộng đồng Việt Nam chắc có nhiều kinh nghiệm về những phim ảnh, báo chí, sách vở viết về chiến tranh Việt Nam đã nặng tay như thế nào khi trình bày những mặt tiêu cực của người lính và xã hội miền Nam. Nói như vậy không có nghĩa là những học giả Mỹ trong chương trình WJC đã hay sẽ viết một cách thiên lệch. Nói chung, tôi không tin những nghiên cứu ở đại học Mỹ cho phép hoặc khuyến khích tuyển viên thực hiện công trình của mình với một thái độ phản trí thức như vậy. Tuy nhiên những nghiên cứu trong địa hạt nhân văn không thể mang lại sự chính xác như của khoa học, những nhà nghiên cứu có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những nhận thức chủ quan của mình hay của những học giả mà mình kính trọng. Do đó, nếu đã lo ngại về những công trình của 4 người đến từ trong nước thì không thể không lo ngại về kết quả nghiên cứu của những học giả Mỹ. Sự lo ngại này có thể xẩy ra ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào, và hoàn toàn không thể giải quyết bằng một vụ kiện. Ðiều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tham dự của thành phần đông đảo đến từ phía cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Có ai nghĩ gì về các đề tài nghiên cứu của họ cùng chất lượng nghiên cứu. Có ai nghĩ rằng những đóng góp của họ có cân bằng được với những “bôi nhọ” của phía “bên kia”. Trong số này, có ai được xem là đáng được cộng đồng tin cậy hay đánh giá cao về tài năng và chất lượng. Nếu giả thử chẳng có “ma” nào xứng đáng, thì ai khác mới là xứng đáng sao không đề nghị họ nạp đơn dự tuyển. Nếu họ rất xứng đáng mà không được nhận thì họ có thể nạp đơn kiện, và kiện tụng như vậy là hợp lý. Nhưng đến nay đã có trường hợp nào như vậy đâu. Còn tiêu chuẩn để gọi là xứng đáng thì khó nói lắm, và không nên cho rằng về sự đánh giá này thì các tổ chức cộng đồng có khả năng hơn là đại học.
Không thể chỉ nhìn thấy những gì mình không thích mà quên tất cả những đóng góp khác. Người Mỹ hay người gốc Việt có thể có những đóng góp rất lớn vào chương trình này. Cần phải có một đánh giá trung thực về việc làm của họ. Sự khen chê phải công bình và có nền tảng khoa học, không thể chỉ dựa trên những xúc động và giả thiết. Vì họ chiếm đa số tuyệt đối nên ảnh hưởng của họ mới thật sự quan trọng. Nếu chỉ vì lo sợ “sự bôi nhọ” có thể có từ phía các học giả trong nước rồi tuyên bố với mọi người về ảnh hưởng tai hại của chương trình này, rồi kéo cả cộng đồng vào một cuộc chiến rất giả định, là một hành động rất thiếu nghiêm chỉnh. Ðiều tốt nhứt nên làm là lập nên một ủy ban, gồm những học giả mà UBVÐ cho là giỏi nhất, đọc và đánh giá, có phương pháp khoa học, tất cả công trình của 25 người, và xuất bản kết quả đánh giá đó. WJC đã đồng ý kèm những phản bác của cộng đồng trong chương trình chính thức của họ. Thì đây chính là một trong những tài liệu mà họ phải kèm vào. Nếu làm được, UBVÐ chứng tỏ là ngoài chuyện kiện tụng, mình vẫn có một đóng góp trí thức và tích cực. Dĩ nhiên, trong sinh hoạt trí thức, không có đánh giá nào được xem là có quyền uy tuyệt đối. Ðánh giá của UBVÐ cũng sẽ là mục tiêu cho một hay nhiều đánh giá khác. Tôi cũng đề nghị UBVÐ nên trích một ít từ số tiền quyên góp để tài trợ cho nỗ lực này và trả thù lao cho các học giả tham dự. Không thể chỉ rộng rãi với luật sư nhưng hà tiện với học giả.
Ai có quyền áp đặt sự suy nghĩ của mình lên các thế hệ kế tiếp của cộng đồng?
Tôi cố tưởng tượng cả ba triệu người Việt hải ngoại đều là ba triệu đứa con nít từ ba tuổi trở xuống. Tôi cũng cố tưởng tượng hình ảnh một ông giáo sư trường UMass cầm mấy cuốn sách đã “thuê mướn Việt Cộng viết lại lịch sử cộng đồng” nói với bọn trẻ: “Ðây là lịch sử khốn nạn của các em, nó cho các em biết “sự thật” về cộng đồng của các em, của cha mẹ các em, của nguồn gốc các em.” Rồi, mỗi ngày ông đọc lên cho chúng nghe, và...chúng tin thiệt. Có thể. Tôi nói “có thể” thôi. Những ai đã từng dạy con cháu ở tuổi lên ba ở Mỹ, cứ thử nói với chúng những điều không thật, xem chúng có phản ứng không.
Ngày nay, người Mỹ nói chung, trí thức Mỹ nói riêng, đều dành cho cộng đồng Việt Nam một sự kính trọng đặc biệt. Sự kính trọng đó chúng ta có được là do những giá trị thật của chính mình, không ai ban cho mình được, cũng không ai tự động lấy đi của mình được. Thử nhớ lại thời gian đầu ở Mỹ sau tháng tư 75. Lúc đó, người Mỹ và cả thế giới có thể thương hại người Việt tỵ nạn, nhưng không có bao nhiêu người coi trọng. Ở trong nước thì tràn đầy những tuyên truyền kiểu “đồng bào bị Mỹ cưỡng bức di tản”, và sau này là “những kẻ phản bội tổ quốc”. Nếu đa số thành viên của cộng đồng không chứng tỏ được nhân cách của mình, không chứng tỏ được trình độ văn hoá cao, truyền thống gia đình tốt đẹp, không đổ mồ hôi nước mắt xây dựng lại từ hai bàn tay trắng, không chứng tỏ được rằng cái chết, cá mập, hải tặc không phải là những kẻ thù đáng sợ nhất, và nếu con cái của chúng ta không thành công nhanh chóng trong trường học Mỹ, v.v. thì chắc chắn ngày nay chẳng mấy ai kính trọng mình đâu.
Trên toàn nước Mỹ, có gần bốn ngàn trường đại học được chính thức công nhận (accredited). Con cháu chúng ta đang tràn ngập trong các trường đại học đó và đa số ở những trường đứng hàng đầu. Giới nghiên cứu và giảng dạy gốc Việt cũng có mặt ở hầu hết mọi nơi. Văn học Việt Nam hải ngoại là một dòng văn học có chất lượng và nhân bản. Chính những thành tựu như thế này tạo nên những giá trị thật của cộng đồng. Thế nhưng, không phải ở bất cứ lãnh vực nào chúng ta cũng giành được sự kính trọng. Giới lớn tuổi trong cộng đồng có được kính trọng do sinh hoạt dân chủ, tôn trọng tự do, tôn trọng khác biệt để có thể làm việc chung với nhau cho những công trình lớn và tích cực? Có phải đây là nguyên nhân tạo ra một lằn ranh giữa các tổ chức cộng đồng với những người trẻ lớn lên trong xã hội và học đường Mỹ? Lằn ranh cả với giới trí thức gốc Việt trong đại học. Không nói chi đến giới trí thức Mỹ có cách nhìn về cuộc chiến Việt Nam rất khác, thường bị công kích nặng nề từ phía cộng đồng là phản bội, là không hiểu gì về Cộng Sản. Không ai cản bất cứ tổ chức nào, vận động nào nhằm viết những công trình theo chiều hướng mình muốn. Cũng không ai cản những tài trợ và hợp tác với các đại học lớn để thực hiện những công việc nghiên cứu như vậy. Truyền thống đại học Mỹ cho thấy không trường nào từ chối những tài trợ và hợp tác cho những công trình đặc biệt. Miễn là đừng phạm vào quyền tự trị đại học của họ. Một thực tế khó phủ nhận ở một nước dân chủ và tự do là rất khó tạo một môi trường sinh hoạt lành mạnh nếu chỉ chăm chú vào những mặt mà mình nghĩ là tiêu cực để tấn công.
Ông Nguyễn Hữu Luyện là một cựu sĩ quan Biệt Kích của QLVNCH, từng bị cầm tù 22 năm ở miền Bắc. Sau khi sang định cư ở Mỹ, ông ghi danh và theo học năm đầu đại học vào lúc 62 tuổi. Tốt nghiệp, ông tiếp tục chương trình cao học về Mỹ châu học (American studies) ở UMass. Mọi người phải dành cho ông một sự ngưỡng mộ đặc biệt. Nhiều giáo sư ở trường UMass đã nâng đỡ và khuyến khích ông, nổi bật nhất là các giáo sư Peter Kiang và Judith Smith. Tuy nhiên, những năm dài trong tù, bắt đầu từ hơn 40 năm trước, có thể đã ảnh hưởng mạnh lên cách nhìn của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và về người Mỹ, nhất là những người Mỹ có một cách nhìn hoàn toàn khác ông về sự tham dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến. Tôi tôn trọng cách nhìn của ông. Tôi lại thật sự khó lòng chia sẻ với ông những quan điểm và cách vận động cho vụ kiện trường UMass/WJC. Cách đây vài tuần, ông lại nạp đơn khởi tố lên TTT cho một vụ kiện khác. Lần này, ông kiện GS Judith Smith, chủ nhiệm khoa Mỹ châu học. Một điều rất khó hiểu đối với tôi. Tôi chỉ mong luật pháp sẽ công bằng cho đôi bên. Nhưng dù gì đi nửa, cả hai vụ kiện này đều là những vụ kiện cá nhân. Cho đến nay, không có dấu hiệu gì là tất cả sinh viên gốc Việt bị kỳ thị ở UMass. Tôi tôn trọng cái quyền của ông được kêu gọi và quyền của bất cứ cá nhân nào tự nguyện yểm trợ cho ông tiến hành cả hai vụ kiện đó. Tôi chỉ phản đối, và cực lực phản đối, mọi vận động nhằm biến một hay cả hai thành vụ kiện của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Danh dự của cả cộng đồng không thể được đem ra dùng một cách vô trách nhiệm như vậy.
(Maryland, tháng 7 năm 2004)
© 2004 talawas

[1]Hầu hết bài vở từ phía UBVD được dùng trong bài viết này lấy từ website http://www.quyphaply-vrs-wjc.org/DienTienVuKien.asp. Ðể có được tin tức cập nhật hơn, đề nghị liên lạc với UBVD theo địa chỉ hay số điện thoại ghi trên website. Phần thông tin liên hệ đến đại học UMass/WJC do văn phòng Giám Ðốc Ðiều Hành Quỹ Học Bổng William Joiner Center cung cấp. Hiện thời website của WJC đang được tu bổ, tuy nhiên độc giả có thể liên lạc thẳng với WJC để được cung cấp tài liệu liên quan đến vụ kiện.
[2]Hai tháng sau đó, khi trả lời phỏng vấn trên đài Sống Trên Ðất Mỹ, ông Luyện cho rằng luật sư của ông, James Kean, đã không nói thật với ông và Ls Kean ngỏ ý muốn rút khỏi vụ kiện. Luật sư của phía WJC xác nhận là hoàn toàn không hề có đề nghị này.
[3]Sau đó, ông Luyện thôi không mướn Ls Kean và nhờ một tổ hợp luật sư nổi tiếng đảm trách vụ kiện. Số tiền đã tiêu dùng lên hơn 40 ngàn đô la.
[4]Nguyễn Hữu Luyện, “Tóm Lược Vụ Án WJC/UMASS Boston và Sự Thật của Chương Trình Nghiên Cứu về Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản,” trên website của UBVD (đã dẫn).
[5]Nguyễn Hữu Luyện, “Kính gừi: ông Nguyễn Việt Quang, Chủ Tịch Hội Báo Chí Vùng Hoa Thịnh Ðốn,” trên website của UBVD (đã dẫn).
[6]Trần Trọng Ðăng Ðàn, “Người Việt Nam ở Nước Ngoài” Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1997
[7]Thơ trả lời của TS Kevin Bowen về chương trình Rockefeller tại đại học UMass Boston gởi các tổ chức Cộng đồng Việt Nam tại MA, ngày 12 tháng 9 năm 2000.
[8]Lê Thị Huệ, “Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Ðầu Thế Kỷ 2,” Văn Mới, California, USA, 2001.
[9]Hoàng Ngọc Hiến, “Về Một Ðặc Ðiểm Của Văn Học Nghệ Thuật Ở Ta Trong Giai Ðoạn Vừa Qua” tạp chí Văn Nghệ số 23, Hà Nội, tháng 9 năm 1979.
[10]Hoàng Ngọc Hiến, “Những Chiếc Lá Bay Qua Ðại Dương” tạp chí Hợp Lưu, California, USA.
[11]Nguyễn Hữu Luyện, “Tóm Lược Vụ Án WJC/UMASS Boston và Sự Thật của Chương Trình Nghiên Cứu về Cộng Ðồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản/Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi đã viết gì về người Việt tỵ nạn” trên website của UBVD (đã dẫn).
[12]Ðăng trong tập truyện “Tối Tháng Năm Tại Quán Ăn Ðường Fifth” nhà xuất bản Văn Nghệ, California, USA, 1989.
[13]Trần Văn Thủy, “Nếu Ði Hết Biển...”, Thời Văn, California, USA, 2003.