Nguyễn Khánh Long dịch
Trận Valmy của các dân tộc thuộc địa
Alain Ruscio

[1]
Cách đây năm mươi năm, ngày 20 tháng 7 tại Genève, các nhà đàm phán Pháp và Việt kí kết hiệp định đình chiến, được cộng đồng thế giới bảo đảm: Hoa Kì, Anh, Liên Xô, và nhất là Trung Hoa Nhân dân “ghi nhận”. Trước đó vài tuần, ngày 7 tháng 5, 1954, những người phòng vệ cuối cùng trại Điện Biên Phủ, mỏi mòn, kiệt lực vì một trận chiến liên tục năm mươi lăm ngày, đã phải ngậm ngùi nhìn nhận sự ưu việt của địch thủ. Thế ra cái bọn «Việt» từng bị khinh khi bao nhiêu kia đã thắng được một trong những đạo quân chính yếu của phương Tây, được đồng minh hùng mạnh Mĩ yểm trợ.
Bây giờ người ta khó tưởng tượng được tiếng dội hồi đó của biến cố này trong thế giới thuộc địa: thực dân đã thua, một đạo quân chính quy bị đánh bại. Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Algérie, Benyoucef Ben Khedda, hồi tưởng: “Ngày 7 tháng 5, 1954, quân đội của Hồ Chí Minh giáng cho đoàn quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam thảm hoạ nhục nhã Điện Biên Phủ. Chiến bại này của nước Pháp đã tác động như một ngòi nổ dữ dội cho tất cả những ai nghĩ rằng sự lựa chọn nổi dậy trong ngắn hạn từ nay là phương thuốc độc nhất, là sách lược duy nhất khả hữu (...) Hành động trực tiếp vượt lên tất cả các suy xét khác và trở thành ưu tiên số một.[2] Hơn ba tháng sau ngày kí kết hiệp định Genève, cuộc nổi dậy Algérie bùng nổ, ngày 1 tháng 11, 1954.
Trước Điện Biên Phủ, vượt xa ngoài xứ Algérie, cuộc tranh đấu lãnh đạo bởi Việt Minh, tổ chức chính trị-quân sự do Hồ Chí Minh tạo lập, đã có ảnh hưởng rất lớn đến những người quốc gia các xứ thuộc địa, và cả một số phần tử trong dân chúng cùng khổ. Và ngay từ buổi đầu.
Ngày 6 tháng 3, 1946, các đại biểu Pháp (Jean Sainteny) và Việt Nam (Hồ Chí Minh) kí tại Hà Nội một hiệp định. Paris công nhận nước ”Cộng hoà Việt Nam” là một “quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân lực, tài chính riêng, trong Liên hiệp Pháp”. Ý niệm độc lập bị cẩn thận gạt ra. Tuy nhiên, ai cũng cho rằng Pháp sắp thành công trong việc lập được những quan hệ mới với các thuộc địa của mình.
Từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 3, 1946, khi Quốc hội lập hiến [Pháp] phân tích tình hình hải ngoại, nhiều đại biểu nhắc đến tỉ dụ Đông Dương: Lamine Gueye (Tây Phi thuộc Pháp [3] ), Raymond Vergès (Réunion)... Đặc biệt, các đại biểu thuộc Phong trào dân chủ cách tân Madagascar [Mouvement démocratique de rénovation malgache] đệ trình lên văn phòng Quốc hội một dự luật lập lại nguyên văn các công thức của hiệp định 6 tháng 3: Pháp công nhận Madagascar là một “quốc gia tự do, có chính phủ riêng”, vân vân... Đa số từ chối cứu xét yêu cầu này.
Nhưng sự lan truyền sẽ không dừng lại, và Việt Nam trở thành khuôn mẫu cho rất nhiều dân thuộc địa. Vì lẽ đàm phán tiếp diễn giữa Pháp và người quốc gia Việt Nam. Người ta mong mỏi một hiệp định dựa trên thiện chí của “nước Pháp mới”. Cho nên Hồ Chí Minh tới Paris để thương lượng một quy chế dứt khoát cho nước mình. Ông sẽ phải trắng tay trở về.
Nhưng con người nhỏ thó lạ lùng ấy, rất ư dè dặt, rất ư khiêm nhường, lại đã gây được một uy tín vô cùng lớn lao trong mắt những người quốc gia các thuộc địa khác. Nếu như những hoạt động trong quá khứ của ông, khi ông còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, trước kia không mấy ai biết tới, thì vào mùa hè năm 1946 này, mọi chuyện đã đảo ngược. Ai ai cũng rõ ông đã thành lập Liên hiệp các thuộc địa [Union intercoloniale], xuất bản tờ báo Người cùng khổ [Le Paria] trong những năm 1920, hoạt động cách mạng chuyên nghiệp trong Quốc tế cộng sản vào những năm 1930; và danh tiếng nhà ái quốc không ai mua chuộc được của ông đã vượt rất xa biên giới nước ông.
Tuy tương đối còn trẻ (56 tuổi), ông được rất nhiều dân các xứ thuộc địa xem như “anh cả”. Jacques Rabemanajara, nhà lãnh đạo Phong trào dân chủ cách tân Madagascar, khi gặp ông, phải thán phục sự kết hợp giữa sự kiên quyết về mục đích tối hậu (độc lập) và tính linh động về hình thức - chấp nhận Liên hiệp Pháp [4]. Tuy nhiên, cuối tháng 11, 1946, chiến tranh khởi sự.
Cái tên Hồ Chí Minh vang dội tại trường đua Vel d’Hiv’, Paris, ngày 5 tháng 6, 1947. Các “đại biểu hải ngoại” họp mít-tinh tại đây với đề tài “Liên hiệp Pháp lâm nguy”. Bởi vì ngoài cuộc tranh chấp Pháp-Việt, bấy giờ lại thêm vụ đàn áp tại Madagascar. Lên tiếng trong cuộc mít-tinh này là những người sẽ có những số phận khác nhau: tổng thống tương lai xứ Côte-d’Ivoire Félix Houphouët-Boigny nhân danh Tập hợp Dân chủ Châu Phi [Rassemblement démocratique africain] (bấy giờ liên kết với nhóm cộng sản tại Quốc hội), nhà thơ Aimé Césaire nhân danh đảng Cộng sản Pháp, chủ tịch tương lai Quốc hội Sénégal Lamine Gueye nhân danh đảng Xã hội Pháp, một người Algérie được giới thiệu là “Ông Hoàng” [Chérif] đại diện cho Tuyên ngôn Algérie [Manifeste algérien] của Ferhat Abbas... [5]
Rất nhiều chứng từ xác nhận điều ấy: dân các xứ thuộc địa bấy giờ hướng về các chiến khu Việt Minh, đã dám thách thức cường quốc giám hộ. Việt Minh sẽ kháng cự nổi hay không trước sức mạnh vượt rất xa của đoàn quân viễn chinh Pháp? Đấy cũng là mối quan tâm của của các sinh viên gốc các xứ thuộc địa có mặt tại chính quốc.
Thời đó, người cộng sản có ảnh hưởng rất lớn trong các giới này. Tại các xứ thuộc địa, kiểm duyệt và đàn áp không cho phép người ta công khai biểu lộ tình đoàn kết. Một số văn bản của Tập hợp Dân chủ Châu Phi tại châu Phi da đen hay của đảng Cộng sản Pháp tại Algérie minh bạch nói đến cuộc tranh đấu của nhân dân Việt nam. [6]
Năm 1949, nhà văn Maurice Genevoix đi khắp châu Phi. “Bất cứ nơi nào tôi đến, ông viết, dù là Tunisie, Algérie, Maroc, Sénégal, Soudan, Guinée, Côte-d’Ivoire hay Niger, đâu đâu cũng rõ ràng người ta đều tin chắc rằng tầm quan trọng của các biến chuyển tại Đông Dương mang tính cách quyết định. Về điểm này, yên lặng lại còn hùng hồn hơn là nói ra lời.[7]
Tại Bắc Phi, tiếng dội cũng không kém. Đầu năm 1949, một bộ trưởng của Hồ Chí Minh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, viết thư cho Abd El-Krim [8], đang tị nạn tại Le Caire, yêu cầu ông tung ra lời kêu gọi các binh lính gốc Maghreb [9] có mặt tại Đông Dương. Nhà lãnh tụ cuộc chiến Rif [10] đáp ứng ngay: “Chiến thắng của thực dân, dẫu ở đầu kia thế giới, cũng là chiến bại cho chúng ta và là thất bại cho chính nghĩa của chúng ta. Tại bất cứ nơi nào trên thế giới, chiến thắng của tự do cũng (...) báo hiệu độc lập của chúng ta đã gần kề.[11]
Năm sau, đảng cộng sản Maroc, do Việt Minh bắt liên lạc qua đảng cộng sản Pháp, phái sang giúp Hồ Chí Minh một thành viên Trung ương đảng, Mohamed Ben Aomar Lahrach [12]. Ông này, người Maghreb gọi là “tướng Maarouf” và người Việt Nam kêu là “Anh Ma”, sẽ đảm nhận thường xuyên một chức vụ quan trọng, không ngừng kêu gọi các đồng bào của mình trong đoàn quân viễn chinh đào ngũ hay thực hiện công tác giáo dục chủ nghĩa Marx cho các tù binh hay hàng binh gốc Bắc Phi [13].
Các thất bại liên tiếp của quân đội Pháp tại Đông Dương càng tăng gia ý thức đoàn kết giữa các dân tộc thuộc địa. Tỉ như, chính công nhân bốc dỡ tại các hải cảng Algérie (Oran, Alger), chứ không phải tại chính quốc, đã là những người đầu tiên khước từ việc đưa lên tàu các chiến cụ gửi sang Đông Dương. Các nhà lãnh đạo Pháp phân tích cứ liệu này. Đáp lại sự đoàn kết của dân thuộc địa là sự đoàn kết của thực dân. Trong tác phẩm đã dẫn, Maurice Genevoix kết luận: “Khi sợi dây sâu chuỗi đứt, hết viên ngọc này đến viên ngọc kia đều rơi rụng: vấn đề của đế quốc chỉ là một.”
Với những kẻ ủng hộ nỗ lực chiến tranh, thêm vào nguyên tắc chống cộng là ý chí củng cố Liên hiệp Pháp. Họ tin chắc chiến thắng sẽ lan truyền: biểu dương sức mạnh ở Đông Dương để khỏi phải dùng đến sức mạnh ở nơi khác... Cho nên Georges Bidault, người nhiều lần nắm chức bộ trưởng ngoại giao, không ngớt quả quyết rằng Liên hiệp Pháp là “một khối”: hễ đầu hàng ở một vùng tất sẽ khiến sụp đổ toàn bộ cơ cấu [14]. Nhớ tiếc Đảng thuộc địa [15] ngày trước, những phần tử bảo thủ nhất rêu rao rằng duy “phương pháp mạnh” mới bịt miệng được cái đám “quốc gia-giả hình bản xứ”.
Ngược lại, một phần giới chính trị Pháp nghĩ rằng Đông Dương coi như mất rồi và lo sợ tình thế lan truyền. Pierre Mendès-France ngay từ mùa thu năm 1950 quả quyết: Cuộc chiến hỏng rồi. Nước Pháp không còn đủ lực lượng cần thiết để đối đầu khắp nơi. François Mitterrand cũng đã viết: cuộc chiến tiến hành bên châu Á đe doạ nghiêm trọng “triển vọng bên châu Phi của ta, triển vọng giá trị duy nhất [16] ”. Thà cắt bỏ bộ phận châu Á trước khi hoại thư ăn khắp cơ thể. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên khi cũng chính nhóm Mendès-Mitterrand giải quyết vụ Đông Dương rồi cứ bám lấy Algérie.
Thế nhưng những ý kiến này không được nghe theo: do đó mà có thảm hoạ Điện Biên Phủ. Tiếng dội của nó tại các thuộc địa khác của Pháp như thế nào? Tuy không có cuộc thăm dò dư luận đầy đủ nào, một số dấu hiệu cho phép ta nghĩ rằng, nhiều nơi người ta thoả mãn, từ Alger đến Tananarive qua Dakar. Ngày 11 tháng 5, 1954, bốn ngày sau chiến bại, Christian Fouchet, chính khách đệ tử của De Gaulle, tiết lộ rằng nhiều người Pháp tại Maroc nhận được thư nặc danh cảnh báo: “Casablanca sẽ là Điện Biên Phủ thứ hai của các ngươi [17].” Và những người quốc gia Algérie quyết định đốc thúc việc chuẩn bị nổi dậy [18].
Như thế Điện Biên Phủ không phải đã chỉ đi vào Lịch Sử hai nước - với Pháp, như là biểu tượng cho sự ngoan cố lỗi thời dẫn đến một tai hoạ, với Việt Nam, như là biểu tượng cho sự dành lại độc lập quốc gia. Khắp thế giới, trận Điện Biên Phủ đã được đón nhận như một sự đoạn tuyệt, báo hiệu nhiều cuộc tranh đấu khác. Mới vừa tan trong lòng chảo đất “Bắc Kì”, khói súng đã thẩm thấu giải núi Aurès. Và không đầy một năm sau, tiếng dội ấy đã đưa đến cuộc hội nghị tại Bandung [19] của những “kẻ bị đoạ đày trên thế gian” [Les Damnés de la terre] [20].
Năm 1962, nhà lãnh tụ quốc gia Algérie Ferhat Abbas viết: “Điện Biên Phủ không phải đã chỉ là một chiến thắng quân sự. Trận chiến này vẫn là một biểu tượng. Đó là trận Valmy của các dân tộc thuộc địa. Đó là sự khẳng định của con người châu Á và châu Phi đối diện với con người châu Âu. Đó là sự xác nhận nhân quyền trên quy mô thế giới. Tại Điện Biên Phủ, Pháp đã mất đi cách bào chữa duy nhất cho sự hiện diện của mình, tức là quyền của kẻ mạnh [21] .”
Mười hai năm sau, kỉ niệm hai mươi năm trận chiến, Jean Pouget, nguyên sĩ quan trong đoàn quân viễn chinh, cay đắng nhưng sáng suốt, sẽ viết: “Điện Biên Phủ thất thủ đánh dấu sự cáo chung của thời kì thực dân và mở ra kỉ nguyên độc lập của thế giới thứ ba. Ngày nay, tại châu Á, châu Phi hay châu Mĩ, không một cuộc nổi dậy, đối kháng hay khởi nghĩa nào mà không dựa theo chiến thắng của tướng Giáp. Điện Biên Phủ đã trở thành ngày 14 tháng 7 của công cuộc giải thực [22]

[1](chú thích của người dịch) Trận Valmy, ngày 20/9/1792 các tướng Pháp Dumouriez và de Kellermann thắng quân Phổ, chặn đứng cuộc xâm lăng và gây lại lòng tin cho quân Pháp.
[2]<î>Les Origines du 1er novembre 1954 [Những căn nguyên của ngày 1/11/1954], Alger, 1989; trích dẫn bởi Benjamin Stora, «Un passé dépassé? 1954, de Dien Bien Phu aux Aurès» [Vượt qua quá khứ? 1954, từ Điện Biên Phủ tới Aurès], tư liệu đánh máy, hội thảo Hà Nội, tháng 4, 2004.
[3]Lập ra năm 1895, Tây Phi thuộc Pháp [Afrique occidentale française] là một liên bang gồm các lãnh thổ Sénégal, Mauritanie, Soudan, Haute-Volta (nay là Burkina-Faso), Guinée, Niger, Côte-d’Ivoire và Dahomey (nay là Bénin) với thủ đô là Dakar.
[4]Hiến pháp 1946 đặt danh xưng như thế cho tập hợp gồm nước Cộng hoà Pháp (Pháp chính quốc, các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại) cùng các lãnh thổ và quốc gia liên kết. Xem Jacques Tronchon, L’Insurrection malgache de 1947 (Cuộc nổi dậy tại Madagascar năm 1947), Paris, 1974.
[5]Báo L’Humanité, ngày 6/6/1947.
[6]Xem Au service de l’Afrique noire. Le Rassemblement démocratique africain dans la lutte anti-impérialiste (Phụng sự châu Phi da đen. Tập hợp dân chủ châu Phi trong cuộc tranh đấu chống đế quốc), 1949.
[7]Afrique noire, Afrique blanche [Châu Phi da đen, Châu Phi da trắng], Paris, 1949.
[8]Lãnh tụ phong trào đòi độc lập cho Maroc; trong những năm 1920 cầm đầu cuộc tranh đấu chống Tây Ban Nha và Pháp, bị đày sang đảo Réunion; đến Le Caire trú ngụ năm 1947 và gây dựng tại đây một Ủy ban Giải phóng Maghreb.
[9](chú thích của người dịch) địa danh vùng Tây Bắc châu Phi gồm các xứ Algérie, Maroc, Tunisie.
[10](chú thích của người dịch) Diễn ra tại vùng rặng núi Rif, bắc Maroc, các năm 1925-1926, giữa quân của Abd El-Krim và quân Tây Ban Nha rồi quân Pháp.
[11]Xem Abdelkrim El Khattabi [dit Abd El-Krim] et son rôle dans le Comité de libération du Maghreb (Abd El-Krim và vai trò của ông trong Ủy ban Giải phóng Maghreb), trích dẫn trong Histoire d’Anh Ma (Lịch sử Anh Ma) của Abdallah Saaf, Paris, 1996.
[12]Xem Abdallah Saaf, sách đã dẫn.
[13]Xem Nelcya Delanoë, Poussìères d’Empire (Những hạt bụi đế quốc), Paris, 2002.
[14]Xem Jacques Dalloz, Georges Bidault, biographie politique (Georges Bidault, tiểu sử chính trị), Paris, 1993.
[15](chú thích của người dịch) “Đảng thuộc địa” (Parti colonial), cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, là một nhóm áp lực đúng hơn là một đảng, gồm khoảng 15.000 hội viên thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, hoạt động trong nghị viện, trên báo chí, trong các giới kinh doanh..., nhằm lôi cuốn dư luận và thúc đẩy chính quyền xâm chiếm, lập và giữ các thuộc địa.
[16]Aux frontìères de l’Union franςaise. Indochine, Tunisie, Paris (Nơi biên thuỳ Liên hiệp Pháp. Đông Dương, Tunisie, Paris), Paris, 1953.
[17]Journal officiel (Công báo), Paris, 11/5/1954.
[18]Xem chứng từ của Mohamed Harbi, «L’écho sur les rives de la Méditerranée» (Tiếng dội bên bờ Địa trung hải), tạp chí Carnets du Vietnam, tháng 2, 2004.
[19]Hội nghị đầu tiên, tháng 4, 1955, của các nước phi liên kết: 29 nước tham dự, trong số đó có Indonésie của Sukarno, Trung Quốc của Mao Trạch Đông, Ấn Độ của Nehru, và Algérie, vừa khởi phát chiến tranh giải phóng.
[20](chú thích của người dịch) Lời trong bài «Quốc tế ca» và cũng là tựa đề tác phẩm của Frantz Fanon (1925-1961), lí thuyết gia về cách mạng trong thế giới thứ ba. Bản tiếng Việt thường đuợc biết đến của của Quốc Tế Ca là: «Vùng lên, hỡi các nô lệ của thế gian…»
[21]Paris, 1962.
[22](chú thích của người dịch) 14 tháng 7 là ngày quốc khánh của nước Pháp.
Dịch từ bản tiếng Pháp đăng trên Le Monde Diplomatique tháng 7. 2004
http://www.monde-diplomatique.fr/2004/07/RUSCIO/11315