Hồi 7
Viễn lự thâm cơ

Khi hai con thuyền kè mạn vào nhau, thì từ bên con thuyền đinh, ba tiễn thủ ban nãy, cùng gã thuyền trưởng, tay cầm trường kiếm tung mình qua con thuyền Nhất-Liễu. Bốn người này đều mặc quần đen, áo đạo sĩ giống nhau, nhưng mang bốn mầu khác nhau: Trắng, đen, xanh, hồng. Gã thuyền trưởng mặc áo trắng.
Lão Nhất-Liễu rút trung bọc ra một chiếc tù và rồi thổi lên tu tu. Lập tức trong các khoang thuyền của lão xuất hiện hai đội võ sĩ đồng phục, một tay cầm mộc che thân, một tay cầm đao, mau chóng dàn ra trên sàn thuyền.
Đối với Thủ-Huy, Xương-Long, lão Nhất-Liễu tỏ ra lễ phép, lịch sự bao nhiêu thì đối với đám người trên thuyền đinh, lão tỏ ra hách dịch bấy nhiêu. Lão quát:
- Các người là ai? Tại sao con thuyền lớn như thế kia mà lại không có bảng tên?
Gã đạo sĩ mặc áo trắng cười nhạt:
- Hừ! Thuyền ta có bảng tên hay không, cũng không đến cái bản mặt như mi hỏi đến.
Một người đứng trên đài chỉ huy, thân thể hùng vĩ. Tuổi y tuy lớn, nhưng mặt đẹp, cằm vuông, tư thái phong lưu. Thực là một mỹ nam tử, trông gã như cây ngọc trước gió.
Gã chỉ vào mặt viên lái thuyền với Thủ-Huy:
- Này lão già Nhất-Liễu kia, ai thì lão có thể ra oai được, chứ đối với ta thì mi đừng hòng. Ta truyền lệnh cho mi phải đem nộp hai tên này để ta trừng phạt, bằng không thì ta sẽ làm thịt hết bọn mi.
Thủ-Huy bàn với Nhất-Liễu:
- Tiền bối, dường như bọn này chủ tâm gây với ta từ trước thì phải, chứ không hoàn toàn do việc lái thuyền đâu. Vì lão thuyền trưởng biết tên tiền bối. Mình phải có cách nào để khỏi đổ máu thì hay hơn.
Từ trong khoang thuyền đinh, một trung niên nam tử, trong y phục đạo sĩ khoan thai bước ra. Đạo sĩ thản nhiên nhìn hai bên tranh cãi, giống như người ngoài cuộc vậy.
Nhất-Liễu nói với Thủ-Huy:
- Đúng như thiếu hiệp bàn. Lão sẽ có cách đối phó.
Lão bước ra đứng đối diện với đám người thuyền đinh:
- Tại hạ là Thập-bát Nhất-Liễu xin được biết cao danh quý tính của chư vị?
- Ta là ta!
Gã đạo sĩ áo trắng chỉ mặt Nhất-Liễu: Cái bản mặt như mi, không đủ tư cách hỏi tên ta. Nếu mi muốn dễ dàng xưng hô, thì cứ gọi ta làø Ngọc-hoàng Đại-đế cũng được.
Nói vừa dứt thì y xẹt tới, vung tay chụp thằng Cu, rồi tung mình trở lại. Thân pháp, thủ pháp của y nhanh không thể tưởng tượng được. Nhất-Liễu quát lên:
- Để người lại!
Rồi ra chiêu Ưng-trảo chụp đối thủ. Đạo sĩ áo trắng trầm người xuống tránh, vung tay trái đẩy về sau một chưởng. Nhất-Liễu vội biến trảo thanh chưởng đỡ. Bùng một tiếng, người Nhất-Liễu lảo đảo bật lui lại sau ba bước. Lão ọe một tiếng, rồi nhổ ra một búng máu. Đạo sĩ áo trắng cười nhạt:
- Ta mới vận có ba thành công lực.
Nhất-Liễu biết đối thủ nói thực, lão vẫy tay một cái, hai đội võ sĩ đồng phục cùng múa đao tấn công gã thuyền trưởng thuyền đinh. Lập tức gã áo trắng cùng ba võ sĩ áo đen, xanh, hồng vung kiếm nhảy ra cản lại. Tuy chỉ có bốn người, một người phải đấu với năm, nhưng đội võ sĩ áo đen vẫn có vẻ thắng thế. Thoáng một cái, hai mươi võ sĩ của Nhất-Liễu bị đánh bay xuống sông, bơi lóp ngóp, nhưng không có người nào bị giết cả.
Thủ-Huy nhận ra bọn võ sĩ thuyền định xử dụng võ công Hoa-sơn bên Trung-nguyên.
Đạo sĩ áo trắng tung mình đến bên Xương-Long, rồi phát chiêu Long-trảo chụp vương. Nhất-Liễu, Thủ-Huy quát lên:
- Ngừng tay!
Cả hai người cùng phát chưởng tấn công y, để y phải thu tay về tự cứu mình. Nhưng gã vận công chịu chưởng của Thủ-Huy, còn tay trái gạt chưởng của Nhất-Liễu. Bình, bình hai tiếng. Nhất-Liễu bật tung lại sau, lưng lão đụng vào cánh cửa buồng lái đến rầm một tiếng. Còn Thủ-Huy thì cảm thấy trời long đất lở.
Đạo sĩ áo trắng để tay lên đầu Xương-Long rồi cười nhạt:
- Hà! Hà, Hiển-Trung vương. Không ngờ hôm nay người lại lọt vào tay ta. Phàm thức thời mới là tuấn kiệt. Vương gia mau ra lệnh cho gã đô đốc Nhất-Liễu với đám quân tôm tép của y ngoan ngoãn đầu hàng. Bằng không ta nhả kình lực thì đầu vương gia sẽ vỡ liền.
Sợ Xương-Long bướng bỉnh, thì uổng mạng vô ích, Thủ-Huy lên tiếng:
- Đại ca! Đừng chết đuối trong lỗ chân trâu. Chúng ta chưa biết họ là ai, thì hãy tạm tùng quyền. Khổng-tử còn phải chiụ đói ở nước Trần mà.
Quả Long-Xưởng định bướng thực, nhưng nghe lời Thủ-Huy, vương vội nói với Nhất-Liễu:
- Nhất-Liễu tiên sinh! Thì ra tiên sinh là đô đốc Lý Thần, chỉ huy hạm đội Âu-Cơ đấy. Tiên sinh nói dối ta từ sớm tới giờ. Kể ra gan đô đốc cũng lớn thực.
- Điện hạ minh giám, thần đã xưng tên với điện hạ rồi mà.
Long-Xưởng tỉnh ngộ, nghĩ thầm:
- Ừ nhỉ! Hắn chẳng xưng là Thập bát tử nô đó sao? Thập bát tử là chữ Lý. Nô là thần tử. Thì ra lão đã xưng là thần tử họ Lý nhà mình.
Long-Xưởng tuyên chỉ:
- Đô đốc hãy lệnh cho tùy tòng không được vọng động.
Thủ-Huy kinh ngạc hỏi Xương-Long:
- Đại ca! Cái gì là Hiển-Trung vương? Đại ca là thân vương đó sao?
Gã mặt đẹp cười nhạt:
- Này chú bé nhà quê kia ơi! Chú đã kết huynh đệ với thái-tử Lý Long-Xưởng, tước phong Hiển-Trung vương, con trai đầu lòng của vua Giao-chỉ mà chú không biết. Hôm nay y lọt vào tay ta, nhưng ta không giết y đâu. Có điều ta phải giữ y làm món hàng. Nếu chú biết điều thì ngoan ngoãn đi theo hầu hạ y, ta sẽ dành cho chú chút ít lợi lộc. Còn như chú cứ dở mấy chiêu võ mèo cào của chú ra, thì ta sẽ giết y, chứ không giết chú đâu.
Bỗng y ngây người ra, chau mày tỏ vẻ đắn đo suy nghĩ, rồi nói một mình:
- Chiêu Vân- hoành Tần-lĩnh sao lại trầm trọng như vậy nhỉ? Rõ ràng chiêu số thì là chiêu số Hoa-sơn, nhưng sao nội công lại không hoàn toàn giống nội công Hoa-sơn?
Y quay lại hỏi Thủ-Huy:
- Này chú bé, phải chăng sư phụ chú là người của phái Hoa-sơn bên Trung-nguyên? Cao danh quý tính của chú là gì? Sư thừa là ai?
Thủ-Huy nghĩ rất nhanh:
- Từ gã thuyền trưởng cho đến bọn võ sĩ đều dùng võ công Hoa-sơn bên Trung-quốc. Tiếng nói của y lại lơ lớ, thì có lẽ chúng là khách thương người Hoa đây. Y tưởng ta là người phái Hoa-sơn, thì ta cứ nhận bừa, để y lầm lẫn chơi cho bõ ghét.
Nghĩ vậy nó trả lời:
- Hoa-sơn thì đã sao. Tôi họ Trần tên Thủ-Huy. Tôi không có sư phụ. Tôi học võ với ông nội tôi.
Đám thủ hạ của Nhất-Liễu đã được vớt lên thuyền.
Từ đầu đến cuối, đạo sĩ không nói, không rằng, bây giờ y mới lên tiếng:
- Phải chăng chú em là đồ tử đồ tôn của Hoa-sơn tứ đại thần kiếm?
Thủ-Huy biết Hoa-sơn tứ đại thần kiếm là bốn cao thủ bậc nhất của Trung-nguyên gần trăm năm trước. Vào thời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên là đời vua Tống Thần-tông. Bấy giờ vua Thần-tông nhà Tống dùng Tân-pháp của Vương An-Thạch, làm cho Trung-nguyên trở thành hùng mạnh, quốc sản dư thừa. Nhà vua có ý đánh chiếm ba nước hùng mạnh xung quanh. Bắc là Liêu, Tây là Hạ, Nam là Đại-Việt. Vì Liêu ép Tống cắt đất, cống vàng lụa. Hạ thì bất không chịu xưng thần, đem quân phạm cạnh. Đại-Việt thì nhiều lần xuất quân vượt biên ép Tống. Đúng ra nhà vua đợi cho Tân-pháp thi hành trên mười lăm năm, rồi mới ra binh. Nhưng trong chín năm thi hành, Tân-pháp bị các Nho-thần, danh sĩ chống đối quá. Vương An-Thạch bàn với nhà vua đem quân đánh chiếm Đại-Việt, để dằên mặt cái mầm chống đối nội bộ. Cuộc chuẩn bị cực kỳ tinh vi, trong đó có việc nhà vua khuất thân thỉnh tất cả các đại tôn sư võ lâm Trung-quốc theo giúp ; rồi cử Quách Quỳ làm chánh tướng, Triệu Tiết làm phó tướng, đem 40 vạn chính binh, 60 vạn bảo binh, dân phu đánh Đại-Việt. Các danh môn đều cử những đại cao thủ theo trong quân. Phái Thiếu-lâm gửi Thập đại thần tăng, phái Trường-bạch cử Trường-bạch song hùng, phái Liêu-Đông cử Liêu-Đông tam ma, phái Hoa-sơn cử Tứ đại thần kiếm. Nhưng các cao thủ đều bị võ lâm Đại-Việt đánh bại. Liêu-Đông tam ma bị giết. Thập đại thần tăng bị hai Bồ-tát Minh-Không, Đạo-Hạnh, tiên nương Bảo-Hòa bắt sống ở Như-nguyệt. Trường-bạch song hùng bị phò mã Thân Thiệu-Thái với công chúa Bình-Dương bắt ở Yên-dũng. Hoa-sơn tứ đại thần kiếm bị Mộc-tồn, Viên-Chiếu hòa thượng cầm tù ở Kháo-túc. Sau chiến tranh, duy Thập đại thần tăng được tha về. Còn Hoa-sơn tứ đại thần kiếm với Trường-bạch song hùng bị Kinh-Nam vương cầm tù cả đời ở Thiên-trường (Xin đọc Nam-quốc sơn hà của Yên-tử cư sĩ do Đại-Nam Hoa-kỳ xuất bản).
Tuy biết vậy nhưng Thủ-Huy vẫn làm bộ như không biết:
- Đạo sư lẩm cẩm rồi. Tại sao là người phái Hoa-sơn lại cứ phải là đồ tử đồ tôn của Hoa-sơn tứ đại thần kiếm?
Đạo sĩ càng tỏ ra khách khí:
- Nếu đúng chú là đệ tử phái Hoa-sơn, thì chú có biết chiêu này không?
Nói rồi y rút kiếm đánh liền hai chiêu Độc-tích Hoa-sơn, Thương-tùng nghênh khách. Thủ-Huy mỉm cười, nó nghĩ thầm:
- Đây là bài kiếm trấn môn của phái Hoa-sơn. Đối với ai thì nó huyền ảo, chứ đối với ta thì không có gì là lạ cả. Ừ, sao chiêu thức y đánh ra lại chỉ biến hóa có hai bậc, trong khi thực sự biến đến bốn bậc? Đã vậïy, ta đánh hai chiêu tiếp hai chiêu Độc tích Hoa-sơn với Thương tùng nghênh khách với đầy đủ biến hóa cho lão điên đầu chơi.
Nó cung tay hướng tên thủ hạ mặc áo trắng của đạo sĩ:
- Xin đại huynh cho mượn kiếm?
Gã áo trắng đưa mắt nhìn đạo sĩ như hỏi ý kiến. Đạo-sĩ gật đầu. Gã trao kiếm cho Thủ-Huy.
Thủ-Huy rút kiếm đánh hai chiêu Sơn đầu tùy phong và chiêu Lạc-nhạn thu phân, hai chiêu biến thành bốn, tức biến hóa bậc hai, rồi miệng đọc quyết:
Khí trầm đơn điền,
Tâm hư bất động,
Tự Tốn chuyển Càn.
Tự Càn hựu Khảm.
(Khí về đơn điền,
Lòng để trống không,
Từ Tốn sang Càn,
Từ Càn về Khảm)
Trong khi kiếm biến từ bốn thành mười sáu, mười sáu thành hai trăm năm mươi sáu, tức biến hóa bậc ba, bậc bốn; đoạn nó thu kiếm đứng nhìn đạo sĩ, như muốn hỏi xem đạo sĩ có biết hai chiêu đó không?
Mặt vị đạo sĩ nhợt nhạt, trông thực nghiêm trọng, tay y vung kiếm đánh lại hai chiêu Sơn đầu tùy phong và Lạc nhạn thu phân, nhưng chỉ biến thành mười sáu chứ không biến thêm được nữa.
Y hỏi lại Thủ-Huy:
- Tiểu công tử! Tiểu công tử có thể diễn lại hai chiêu vừa rồi cho bần đạo xem một lần nữa không?
Thấy đạo sĩ đổi cách xưng hô, từ gọi nó là chú em đổi sang tiểu công tử ; Thủ-Huy đưa kiếm lên, từ từ diễn lại hai chiêu trên. Miệng giảng giải:
- Trời ơi! Đạo trưởng đứng im mà vận khí thì sao kiếm chiêu có lực mà biến hóa được? Trong khi phát chiêu, thì chân phải đổi phương vị chứ!
Đạo sĩ, gã mặt đẹp, cùng đám tùy tùng mở to mắt ra quan sát, tay múa kiếm theo Thủ-Huy, chân đổi phương vị. Sau khi diễn xong biến hóa của hai chiêu Sơn đầu tùy phong, Lạc nhạn thu phân, nó thu kiếm lại mỉm cười liếc nhìn: Trên sàn thuyền ngoài đạo sĩ thủ lĩnh, gã mặt đẹp, còn có ba trung niên đaọ sĩ, ba trung niên đạo cô.
Đạo sĩ thủ lĩnh hỏi:
- Chỉ mấy chiêu đó thôi, chưa thể coi như thiếu hiệp là người phái Hoa-sơn. Xin thiếu hiệp biểu diễn thêm ít chiêu nữa.
Thấy đạo sĩ đổi cách xưng hô, y đang gọi nó là chú em, chuyển sang tiểu công tử, rồi bây giờ là thiếu hiệp, giọng nói càng tỏ vẻ khách khí, Thủ-Huy cũng dùng lời lẽ ôn tồn:
- Cái đó thì không khó!
Trong khi nó nghĩ thầm:
- Bọn này là người phái Hoa-sơn, nhưng dường như chúng không học được bài kiếm trấn môn. Vậy ta biểu diễn hết bài này cho chúng lé mắt chơi. Ta không đọc kiếm quyết thì làm sao chúng học được?
Nói rồi tay nó bắt kiếm quyết, chân bước theo phương vị Tiên-thiên bát quái, kiếm quay tròn, ánh sáng lấp lánh như sao sa. Từ đạo sĩ, gã thuyền trưởng cho tới bọn võ sĩ đều ngây người ra mà nhìn.
Sau khi đánh hết 72 lộ Hoa-sơn kiếm, Thủ-Huy ngừng laiï, bái tổ, rồi tra kiếm vào vỏ đến cách một tiếng.
Nó giảng:
- Bài kiếm trấn môn của bản phái có bẩy mươi hai lộ. Căn bản biến hóa là Thái-cực sinh Lưỡng-nghi tức Aâm, Dương, đó là biến hóa bậc một. Vì vậy 72 lộ thành 144 chiêu.
Đạo-sĩ nhìn gã mặt đẹp gật đầu liên tiếp. Thủ-Huy lại nói tiếp:
- Khi tay ra các lộ biến hóa thành Lưỡng-nghi, thì chân phải chuyển từ Càn là thuần dương sang Khôn là thuần âm. Bằng không thì chân khí tuyệt, chân khí tuyệt thì kiếm chiêu trở thành chậm chạp. Chậm chạp thì không còn là Hoa-sơn thần kiếm nữa.
Đạo sĩ hỏi:
- Rồi sao?
- Thì Lưỡng-nghi sinh Tứ-tượng. Dương biến thành Thái-dương, Thiếu-dương. Aâm biến thành Thái-âm, Thiếu-âm. Như vậy 144 chiêu thành 288 chiêu. Cuối cùng Tứ-tượng sinh Bát-quái thành 576 chiêu. Bát quái biến hóa với tám quẻ Càn, Khảm, Cấn, Trấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, vô cùng, thành 4.608 chiêu. Trong phép biến hóa thì có khi tam hư thất thực, thành 13.824, có khi thất hư tam thực...số chiêu thành 32.256. Cộng chung có 46.080. Nhưng cái khó khăn là làm thế nào đang hư lại biến ra thực? Làm thế nào để nối các chiêu lại với nhau?
Đạo-sĩ run run hỏi:
- Thiếu hiệp! Thì ra thiếu hiệp là truyền nhân của phái Hoa-sơn. Xin thiếu hiệp đọc cho bần đạo nghe bài quyết biến hóa với bài kiếm trấn môn này. Nguyện không bao giờ quên.
Thủ-Huy thấy trêu bọn Hoa-sơn như vậy cũng đủ rồi, nó đáp:
- Dĩ nhiên là được. Rõ ràng đạo sư với chư vị đây cùng là người đồng môn với tiểu bối. Đã đồng môn sao lại ỷ lớn hiếp nhỏ? Sao lại làm khó dễ nhau?
- Tại sao thiếu hiệp biết ta là người phái Hoa-sơn?
- Có gì mà không hiểu.
Thủ-Huy chỉ vào đạo sĩ: Phái Hoa-sơn đặt tổng đường trên Hoa-nhạc. Hoa-nhạc là một trong Ngũ-nhạc. Cho nên đời nào cũng có năm người vai vế tối cao mang tên Ngũ-nhạc. Người chưởng môn là Trung-nhạc Tung-sơn, luôn luôn mặc áo vàng. Đạo-sư chính là chưởng môn phái này.
Nó chỉ vào bốn đạo sĩ áo trắng, đen, xanh, hồng:
- Đạo-sư với bốn vị này hiện diện tại đây, thì ra phái Hoa-sơn kéo hết Ngũ-nhạc, tinh hoa sang Đại-Việt, ắt có mưu đồ lớn chứ không bình thường đâu. Vị mặc áo trắng chắc là Tây-nhạc Hoa-sơn. Vị mặc áo đen là Bắc-nhạc Hằng-sơn. Vị mặc áo xanh là Đông-nhạc Thái-sơn. Còn vị mặc áo hồng kia chắc là Nam-nhạc Hành-sơn.
Không thấy đạo sĩ áo vàng nói gì, biết rằng mình đoán đúng. Nó chỉ vào ba đạo sĩ trung niên:
- Trong dãy Hoa-sơn có ba ngọn cao nhất là ba ngọn trống, mang tên Liên-hoa, Tiên-nhân, Lạc-nhạn, gọi chung là Hoa-nhạc tam-phong. Cho nên ba người có vai vế cao mang tên này. Chắc là ba vị.
Nó chỉ vào ba đạo cô:
- Ngoài ra, dãy Hoa-sơn còn có ba ngọn nhỏ hơn, là Vân-đài, Công-chúa, Mao-nữ, gọi chung là Hoa-nhạc tam nương, hay ba ngọn mái. Ba vị đây chắc mang tên này. Vị mặc áo tím tên là Vân-Đài, vị mặc áo trắng tên là Công-Chúa, vị mặc áo xanh tên là Mao-Nữ.
Nghe Thủ-Huy nói, Long-Xưởng chợt để ý đến đạo cô Vân-Đài. Bà này đứng ở phía sau mấy đạo sĩ. Mặt bà ta hơi xạm đen, da dăn deo, nhưng da cổ, bàn tay thì trắng ngần, mịn như mỡ. Nhất là cái lưng ong tuyệt đẹp. Nhìn chung dáng dấp của bà, rất quen thuộc, rất thân ái, mà trong nhất thời Long-Xưởng không nhớ đã gặp bà ta ở đâu?
Đạo-sĩ áo vàng đưa mắt nhìn gã mặt đẹp, rồi đánh trống lảng:
- Thôi thì cứ coi bọn bần đạo là người phái Hoa-sơn, tức cùng môn hộ với thiếu hiệp đi.
- Bây giờ đạo sư đã nhận là người phái Hoa-sơn rồi phải không? Đã cùng môn hộ sao các vị lại ỷ lớn hiếp nhỏ. Như vậy coi có được không?
- Thì ngôn ngữ Việt chả có câu đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ đó sao?
- Thôi cũng được. Nhưng xin đạo sư cho tiểu bối biết cao danh quý tính đã!
- Bần đạo họ Ngô, tên Giới, đạo hiệu là Trung-nhạc Tung-sơn.
Nhất-Liễu cũng như đám tùy tùng của lão cùng bật lên tiếng ủa đầy vẻ thán phục. Thủ-Huy cung tay vái:
- Thì ra đạo sư nguyên là một trong Trường-giang ngũ hùng đấy, hèn chi tư thái khác phàm.
Ngô Giới kinh ngạc vô cùng, vì muôn ngàn lần y không thể tưởng tượng được rằng, một đứa trẻ ở xứ Nam-man này mà lại có thể biết tiếng tăm của y. Y hỏi lại:
- Tiểu công tử biết gì về Trường-giang ngũ hùng?
Thủ-Huy cũng đổi cách xưng hô:
- Dĩ nhiên là tiểu bối biết, lại biết rất nhiều, rất kỹ nữa. Này Ngô đạo sư, nếu như tiểu bối nói ra được hết hành trạng của Trường-giang ngũ hùng, thì đạo sư không được làm khó dễ đại ca của tiểu bối nữa. Đạo sư nghĩ sao?
Đoán chắc Thủ-Huy không thể biết thêm gì về Trường-giang ngũ hùng, Ngô Giới gật đầu:
- Được, bần đạo xin hứa.
Thủ-Huy mỉm cười:
- Trường-giang ngũ hùng gồm năm người là Ngô Giới, Ngô Lân, Hàn Thế-Trung, Nhạc Phi và Trương Tuấn.
Ngô Giới kinh ngạc đến ngây người ra. Y hỏi:
- Thiếu-hiệp biết gì về ta nào? Thiếu-hiệp hãy nói nghe thử!
- Đạo sư tự là Tấn-Khanh, quê ở Lũng-can. Thủa nhỏ cực thông minh, bất cứ sách nào, chỉ liếc qua là đã hiểu được đại lược. Đạo sư cùng em là Ngô Lân được Thiên-Hư đạo sư chưởng môn phái Hoa-sơn thu làm đệ tử. Năm mười chín tuổi, cùng em trai, đã nổi tiếng văn chương quán thế, võ công vô địch, lầu thông Lục-thao tam lược, Tôn Ngô binh pháp. Lúc đầu, hai anh em bỏ tiền nhà cùng em tổ chức đội hương binh. Khi hai vua Huy-tông, Khâm-tông của Tống triều bị Kim bắt đem về Bắc, thì con Huy-tông là Triệu Cấu vượt Trường-giang, chạy xuống Nam lập lại triều Tống ; thường gọi là triều Nam Tống. Nhưng sĩ dân, võ lâm thiên hạ khổ vì các vua triều Tống hôn ám, quan lại tham nhũng, nên không ai theo Cấu. Do vậy, y bị tướng Kim là Ngột -Truật đuổi cho chạy bán mạng, vô sở bất chí.
Ghi chú của thuật giả:
Đoạn này tôi thuật theo Tống-sử, quyển 366, trang 11 399, Lưu Kỳ, Ngô Giới, Ngô Lân liệt truyện.
Thủ-Huy biết rằng Ngô là danh tướng của triều Nam Tống, nên nó gọi tên tục của Thiệu-Hưng hoàng đế Tống ra, để cho y tức giận. Thế mà y với thủ hạ không hề phản ứng.
Nó tiếp:
- Sau dân Tống nghe tin, Kim đem hai vua làm trò giải trí như: Đeo lục lạc trên người, bắt ngồi trên vỉ sắt, rồi đốt lửa dưới vỉ; trong khi hai vua bị nóng quá nhảy lên choi choi, thì chúa tôi Kim ngồi uống ượu ăn thịt, cười khoái trá.
Thủ-Huy nói đến đây, thì Ngô Giới cùng với đám tùy tùng nghiến răng ken két, tỏ ra phẫn hận cùng cực.
Thủ-Huy tiếp:
- Tin này đưa đưa về Trung-nguyên, khiến anh hùng, sĩ dân Tống cực kỳ phẫn uất. Nhân đó đạo sư với em là Ngô Lân phất cờ cần vương. Niên hiệu Thiên-thuận thứ tư (Tân Hợi, 1131) hai vị đánh bại Kim Ngột-Truật một trận, đuổi y chạy dài đến hơn trăm dặm.
Ngô Giới cười:
- Thiếu hiệp ơi! Thiếu hiệp nhớ sai rồi. Năm đó là niên hiệu Thiệu-hưng nguyên niên, chứ đâu phải Thiên-thuận thứ tư?
Long-Xưởng cãi dùm Thủ-Huy:
- Tiểu đệ của cô gia nói đúng. Năm đó là niên hiệu Thiên-thuận thứ tư, đời vua Thần-tông bản triều, bên Trung-nguyên là niên hiệu Thiệu-hưng nguyên niên.
Ngô Giới là thứ anh hùng hào sảng, y gật đầu:
- Được! Thiếu-hiệp nói đúng. Thiếu-hiệp tiếp đi.
- Niên hiệu Thiên-chương Bảo-tượng thứ nhì, đời vua Thần-tông bản triều (Giáp Dần, 1134), hai vị hợp quân với Hàn Thế-Trung, Trương Tuấn, Nhạc Phi, phá quân Kim năm trận, oai rúng Trung-nguyên. Nhờ vậy anh hùng sĩ dân thiên hạ mới quy phục triều Nam Tống. Từ đấy năm vị được võ lâm Trung-nguyên đặt cho mỹ danh là Trường-giang ngũ hùng hay ngũ kiệt. Thưa đạo sư có đúng thế không?
Ngô Giới gật đầu:
- Tất cả những gì thiếu hiệp nói đều đúng hết. Nhưng bần đạo có một thắc mắc là: Những kiến thức của thiếu hiệp về Trung-nguyên, do ai truyền cho?
Thủ-Huy cười:
- Trời ơi! Đạo sư lại không biết gì về anh em tiểu bối rồi. Từ nãy đến giờ tiểu bối đã bầy tỏ kiến thức về đạo sư. Như vậy có nghĩa là những điều đó, hầu hết người Việt đều biết.
Ngô Giới càng tỏ ra khách khí, không dám coi thường hai đứa trẻ này nữa. Y cung tay:
- Thiếu hiệp, nếu thiếu hiệp nói ra được chức tước của bần đạo, thì bần đạo mới phục.
Thủ-Huy nghĩ thầm:
- Bọn này quyết không phải là khách thương, cũng không thể là trộm cướp. Chúng được cầm đầu bởi một đại hào kiệt Trung-quốc, thì có lể chúng là sứ đoàn của Tống đây. Y là sứ thần, nên thường có giọng trịch thượng, mục hạ vô nhân. Ta phải dọa cho chúng sợ con cháu thánh Gióng mới được.
Nghĩ vậy, nó chắp tay vái Ngô:
- Đạo sư ơi! Điều này dễ quá. Niên hiệu Thiệu-minh thứ nhì (Kỷ Mùi, 1131), đời vua Thần-tông bên Đại-Việt...
Thấy bọn người bên thuyền đinh ngơ ngơ ngác ngác, nó làm bộ không thèm biết đến niên hiệu của Tống, coi như Tống không phải là chính thống, mà Kim mới là chính thống; nhân tiện đề cao Long-Xưởng, nó hỏi:
- Đại ca! Năm ấy bên Trung-nguyên là niên hiệu gì của Kim đại đế nhỉ? Đại ca có nhớ không?
Hiểu ý Thủ-Huy, Long-Xưởng nghĩ rất nhanh:
- Phụ hoàng ta đang nhận sắc phong của Tống. Tương lai ta cũng phải nhận sắc phong của chúng, mà bọn này là sứ đoàn, ta không thể làm nhục toàn thể nước Tống.
Nghĩ vậy Long-Xưởng đáp:
- Năm đó là niên hiệu Thiệu-hưng thứ chín.
- Cảm ơn đại ca. Năm đó Tống với Kim nghị hòa, triều đình nghị công trong việc trung hưng, thì hai vị họ Ngô đứng đầu. Đạo-sư được phong Đặc-tiến, Khai-phủ nghị đồng tam tư, lĩnh Tứ-xuyên tuyên vũ sứ. Nhưng năm đó, cha con Nhạc Phi bị bắt giam ở chùa Đại-lý vì cái tội tụ họp quần hào Trung-nguyên cắt máu ăn thề; định đánh thốc lên Bắc đem hai vua Huy-tông, Khâm-tông về. Mà...hỡi ơi, Ngô đạo sư cũng có dự vào vụ này.
Nó cười lớn:
- Về tài dùng binh thì đạo sư cũng như Trường-giang ngũ kiệt khó ai sánh bằng. Nhưng về kiến thức, cũng như minh mẫn thì bình thường thôi. Rất may mà đầu đạo sư không bị chặt ; thây không bị đem phơi nắng, phơi mưa cho ruồi bâu, cho quạ rỉa. Vợ, con gái, nàng hầu chưa bị đem làm trò giải trí cho binh lính.
Mặt Ngô Giới tái đi:
- Thì ra tiểu thiếu hiệp là người minh mẫn đấy. Ta, Ngô Giới xin rửa tai nghe điều mà huynh đệ bảo ta u mê.
Thủ-Huy chọc cho Ngô Giới nổi giận, nó thích lắm, miệng cười khúc khích:
- Có gì đâu mà đạo sư phải giận. Tôi xin vì đạo sư mà nói: Cái gã Triệu Cấu kia, tài không hơn cha là vua Huy-Tông, đức không hơn anh là vua Khâm-Tông. Chỉ vì cha, anh bị Kim bắt đi, sĩ dân thiên hạ nhân cái nhục mất nước phò tá y, mà y được lên làm vua. Nay Trường-giang ngũ kiệt định đánh thốc lên Bắc đem hai vua cha, anh về, thì cái gã Triệu Cấu kia sẽ còn ngồi trên ngai vàng được không? Dĩ nhiên là không. Vì vậy y phải theo lời Tần Cối mà nghị hòa. Nghị hòa xong, yên phía ngoài rồi, y mới củng cố ngai vàng. Trước hết y bắt giam cha con Nhạc Phi, để những kẻ nào còn muốn bàn chuyện đem hai vua về coi đó làm cái gương.
Nó quay lại nhìn Ngô Giới, thấy mặt y tái xanh, nó hỏi:
- Có đúng thế không?
Thấy Ngô Giới im lặng, nó tiếp:
- Vì vậy đạo sư vội giả chết ở Tiên-nhân quan, lên ẩn ở núi Hoa-sơn, đi tu lấy đạo hiệu là Trung-nhạc Tung-sơn tửû; dù tuổi mới có bốn mươi bẩy. Hai năm sau Nhạc Phi bị gã Triệu Cấu tức Thiệu-Hưng giết ở chùa Đại-lý. Hai tướng có công không kém Phi là con Phi tên Vân, cùng với danh tướng Trương Mẫn bị đem chém ở chợ; tài sản bị tịch thu. Vợ, tôi tớ bị đem cho binh lính giải trí lúc xa nhà... Mấy người đó chết thực đáng kiếp, đáng tội. Đó là cái tội ngu trung. Thấy hoàn cảnh Nhạc Phi, đạo sư rét quá, vội tiêu dao mây nước. Gã vua Thiệu-Hưng biết đạo sư giả chết, nhưng cũng vờ than khóc, rồi ban cho ba mươi vạn đồng tiền, truy phong tước Thái-sư.
Nhất-Liễu hỏi Ngô Giới:
- Này Ngô Tuyên-vũ sứ, thì ra người sang Đại-Việt ta với mưu đồ tư riêng, chứ không phải là sứ thần của Thiệu-Hưng hoàng đế phải không? Người đã nhập cảnh bất hợp pháp, lại còn vô phép với Thái-tử nữa. Người to gan thực.
Ngô Giới móc trong túi ra tấm thẻ bài:
- Này Lý đô đốc, người hãy đọc đi.
Nhất-Liễu chỉ liếc qua, ông cũng biết đó là thẻ bài của cung Cảm-Thánh. Tuy nhiên ông vẫn cầm lên đọc: Ngô Giới, Thiên-sứ. Bất cứ văn võ bách quan, thấy Thiên-sứ đều phải kính trọng. Kẻ nào làm trái với lệnh bài này, sẽ bị xử tử toàn gia.
Ngô Giới chỉ gã mặt đẹp giới thiệu:
- Bần đạo xin giới thiệu với các vị đây là sư đệ của bần đạo. Y họ Lưu tên Kỳ.
Long-Xưởng nghĩ thầm:
- Thì ra Ngô Giới là chánh sứ, tên Lưu Kỳ là phó sứ. Theo cung từ của Đỗ Anh-Hào, thì tên Lưu Kỳ này chính là tình nhân của thái-hậu đây. Y với thái-hậu đang chuẩn bị phế phụ hoàng ta xuống, rồi tôn y lên làm vua đây.
Nghĩ vậy vương ung dung:
- À, thì ra Phiêu-kỵ thượng tướng quân, Hoài-Nam hầu, lĩnh Giang-hoài tiết độ sứ Lưu Kỳ, tự là Tín-Thúc đấy? Cô gia nghe nói, trong trận đánh khủng khiếp với Kim Ngôt-Truật, người bị bại, rồi mửa ra máu mà chết. Thiệu-Hưng đế truy phong cho người tới Khai-phủ nghị đồng tam tư, thụy là Vũ Mục, lại ban cho gia đình 300 lượng bạc, gấm 300 tấm, để phủ tuất. Sao người vẫn sống nhăn?
Chỉ một câu nói của Long-Xưởng: Nêu ra tên tự, chức, tước, chức tước truy phong, tên thụy, số vàng, số gấm phủ tuất của Lưu Kỳ; không sai một ly, làm cho y phát rét.
Long Xưởng nhìn Lưu, rồi gật đầu:
- Khắp Trung-nguyên đều đồn rằng người là một đệ nhất mỹ nam tử của Nam Tống. Lòng dạ người lại trung chính, có tài cầm quân, võ công cao siêu không biết đâu mà lường. Nhưng chỉ vì người nói năng thô lỗ cộc cằn, lại ỷ vào công trạng mà nghịch với Hàn Thế-Trung, nên hoạn lộ người đầy chông gai. Chắc vì vậy, mà người cũng như Ngô Tuyên-vũ sứ đây giả chết. Đúng không?
- Đúng thì đúng, có sao đâu.
Thủ-Huy thấy Nhất-Liễu tần ngần, nó biết rằng ông này không làm gì hơn được, bởi cái lệnh bài kia. Nó vội cứu ông:
- Này Ngô đạo sư. Tiểu bối đã nói rõ hành trạng của đạo sư rồi. Vậy đạo sư không được làm khó dễ đại ca của tiểu bối nữa nghe.
Ngô Giới nhìn Nhất-Liễu:
- Được! Ta bần đạo xin hứa.
Thủ-Huy được thể nó tiếp:
- Nghĩ tình cảnh đạo sư với em đạo sư là Ngô Lân của đạo sư, thực đáng thương. Bởi hai vị được anh hùng Trung-nguyên tặng cho mỹ danh là Hoa-sơn thần kiếm. Nhưng hai vị chỉ có hư danh, mà không có thực.
- Thiếu hiệp! Ta lấy lễ mà xưng hô với thiếu hiệp, ha cớ thiếu hiệp lại nhục mạ ta?
- Tiểu bối đâu dám. Này đạo sư! Tiểu bối xin nhắc lại: Hai vị tuy được tôn là Hoa-sơn thần kiếm. Nhưng chỉ có hư danh mà thôi. Vì từ thời vua Thần-tông triều Tống đến giờ, Hoa-sơn tứ đại thần kỹ đã bị mai một. Phái Hoa-sơn không còn được coi là Thái-sơn Bắc-đẩu võ lâm Trung-nguyên nữa.
Nghe đối đáp giữa Ngô Giới với Thủ-Huy, những gì mà Thái-sư Lưu Khánh-Đàm giảng về các biến cố ở Trung-nguyên, những gì Khu-mật viện trình lên, cũng như bản cung khai của Đỗ Anh-Hào, hiện lên trong ký ức Long-Xưởng. Vương tự nhủ thầm:
- Cái tên Ngô Giới này là một hào kiệt, nhân thế nước nước loạn ly, dân chúng bị ngoại xâm tàn sát, mà khởi binh. Muốn khởi binh, thì phải có chính nghĩa để quy tụ anh hùng. Cái chính nghĩa lớn nhất bấy giờ, là việc hai vua Huy-tông, Khâm-tông bị bắt đem về Bắc làm nhục. Nhưng, khi thành công, thì người hưởng là Triệu Cấu, tức Thiệu-Hưng... vì lo sợ cha, anh trở về, sẽ bị mất ngôi, nên không muốn tiến quân nữa. Cấu bàn với Tể tướng Tần Cối sao giữ được ngôi vua. Cối bàn chuyện nghị hòa, chia đất với Kim. Dĩ nhiên, giữa lúc thế quân Tống như chẻ tre, mà nghị hòa thì các tướng phản đối. Cấu bèn giết người cầm quân giỏi nhất là Nhạc Phi, để dằn mặt các tướng khác. Vì vậy Ngô Giới phải cáo bệnh, rồi giả chết để an thân... Nhưng sao y lại được thái-hậu cấp thẻ bài là sứ của Tống? Sao y lại thành đạo sĩ? Không biết có phải y là người cầm đầu sứ đoàn trước đây cùng sang với Mao Khiêm, tiềm ẩn; mục đích gây cho Đại-Việt có nội chiến, rồi Tống đem quân sang chiếm hay không? Y tuy là chánh sứ, nhưng lại bị phó sứ Lưu Kỳ lấn áp, vì Kỳ ỷ là tình nhân của thái-hậu? Y với thái-hậu, đang chuẩn bị phế phụ hoàng ta xuống, rồi lên làm vua, trong khi Ngô Giới lại không đồng ý? Ta phải dò cho ra mới được. Tên Ngô Giới tuy có hành vi bất thiện với ta, nhưng đối với Trung-quốc, y là một thứ anh hùng. Người như thế ta phải thu phục lấy nhân tâm, rồi kết thân, hơn là gây hấn. Còn tên Lưu Kỳ, ta phải tìm cách giết y đi, để không còn là mối lo nữa.
Mặt Ngô Giới tái xanh, y hừ một tiếng:
- Thiếu-hiệp căn cứ vào đâu mà nói những lời huyền hoặc như vậy?
Thủ-Huy càng dọa già, nó nói với Long-Xưởng:
- Đại ca! Có đúng không? Chuyện này đến đứa con nít như tiểu đệ mà còn biết, thì dĩ nhiên võ lâm thiên hạ đều biết. Thế mà Ngô đạo sư lại còn cố dấu diếm.
Thủ-Huy tưởng mình nói đùa với Long-Xưởng để chọc giận Ngô Giới, nó nào ngờ những uẩn khúc này Long-Xưởng cũng biết.
Long-Xưởng trả lời:
- Này Ngô Tuyên-vũ sứ!
Một lần nữa Ngô Giới kinh hãi, vì Long-Xưởng lại gọi y bằng chức tước cuối cùng của y tại triều Tống. Y lắng tai nghe:
- Cô gia thử nói xem có đúng không nghe.... Kể từ khi tổ Trần Đoàn của quý phái giúp Tống Thái-tổ chiếm được Trung-nguyên, thì phái Hoa-sơn trở thành nơi phát tích ra Tống triều. Phái Hoa-sơn thời này nổi tiếng nhờ pho nội công dương cương áp đảo cả Dịch-cân kinh của Thiếu-lâm, Thái-cực công của Võ-đang. Lại có pho chưởng biến hóa ảo diệu nữa, mà được thiên hạ tôn là Thiên-hạ nhị đại thần kỹ. Nhưng quý phái vẫn phải nhường phái Côn-luân về kiếm pháp. Đến thời vua Tống Nhân-tông, nhờ Hoa-sơn tứ lão chế ra pho kiếm pháp lấy mau thắng chậm, lấy động chế tĩnh, khiến kiếm pháp Hoa-sơn vượt xa kiếm pháp Côn-luân. Vào thời này học trò Đông-sơn lão nhân là Địch Thanh trở thành võ trạng. Thế là Hoa-sơn có Thiên-hạ tam đại thần kỹ.
Long-Xưởng ngừng lại hỏi Ngô Giới:
- Có đúng thế không.
_!!!
- Khi Nùng Trí Cao khởi binh. Hoa-sơn tam lão Tây, Nam, Bắc đều bị võ lâm Đại-Việt giết. Đông-sơn lão nhân uất ức, vì bị công chúa Bình-Dương dùng Mê-linh kiếm pháp đả bại trong đại hội Lộc-hà, vì ba sư đệ Nam, Bắc, Tây lão nhân bị chết. Lão nhân gác kiếm quy ẩn, tìm phương pháp khắc chế Long-biên kiếm pháp của Đại-Việt, tuy không thành nhưng cũng chế ra pho kiếm khí, biến hóa thần diệu, võ lâm Trung-nguyên đều phải cúi đầu bái phục. Từ đấy Hoa-sơn có Thiên hạ tứ đại thần kỹ.
Thấy Long-Xưởng nói vanh vách nhưng uẩn khúc của phái Hoa-sơn, Thủ-Huy kinh ngạc không ít. Nó hỏi Ngô Giới:
- Đại ca của tôi nói có đúng không?
- Đúng thì đã sao?
Long-Xưởng tự nhủ:
- Tên Ngô Giới đúng là người cầm đầu sứ đoàn Tống, đi theo tên Mao Khiêm rồi. Còn cái tên Lưu Kỳ ắt là phó sứ. Ta phải nói huỵch toẹt âm mưu của chúng ra, cho chúng bở vía.
Nghĩ vậy vương làm bộ nói với Thủ-Huy, nhưng thực ra để dọa Ngô Giới:
- Này nhị đệ. Đến đời vua Tống Thần-tông, Hoa-sơn lại nổi danh với Hoa-sơn tứ đại thần kiếm. Bốn vị theo Quách Qùy, Triệu Tiết mang quân sang đánh Đại-Việt. Trong trận Như-nguyệt, bốn vị bị Mộc-tồn, Viên-Chiếu bồ tát bắt sống. May sao, công chúa Huệ-Nhu nghĩ tình đồng Môn, nhờ Kinh-Nam vương xin lĩnh bốn vị, rồi đem về an trí ở Thiên-trường, đợi hết chiến tranh, sẽ trả cho Tống triều. Nhưng khi hết chiến tranh, bốn vị vẫn bị lưu lại cho đến chết. Đó là nói cho có vẻ mỹ tự, chứ thực sự ra bốn vị ấy bị giam lỏng ở Thiên-trường. Vì vậy, Thiên-hạ tứ đại thần kỹ bị mai một. Phái Hoa-sơn từ đấy chỉ còn hư danh.
Long-Xưởng nhìn lên bầu trời trong xanh, thái độ như một ông vua con, coi thường Ngô Giới:
- Vì bốn thần kỹ bị mất, mà Tuyên-vũ sứ cùng các cao thủ Hoa-sơn mới nghĩ đến làm sao phục hồi lại ngôi vị Thái-sơn Bắc-đẩu cho phái mình. Các vị bèn gửi người sang Đại-Việt, yết kiến đại hiệp Trần Tự-Kinh, xin nghĩ tình công chúa Huệ-Nhu, mà cho sao chép bốn cuốn phổ của bốn thần kỹ. Nhưng cô gia dám quyết rằng đại hiệp Tự-Kinh sẽ từ chối.
Thấy Ngô Giới im lặng, chứng tỏ lời mình đúng. Long-Xưởng cười mỉa mai:
- Giữa lúc đó thì Mao Khiêm từ Đai-Việt về Tống. Các vị tìm y để hỏi xem y có được học Hoa-sơn tứ đại thần kỹ không? Khi thảo luận với y, các vị mới bật ngửa ra rằng bản lĩnh võ công Hoa-sơn của y được thế tử Vị-Hoàng dạy cho cũng không hơn các vị. Y cũng tiết lộ rằng, trong những ngày bị giam lỏng ở Đại-Việt, Hoa-sơn tứ đại thần kiếm ngày đêm thương nhớ cố hương thường hướng về phương Bắc. Bốn vị ấy làm hai cái đài. Một cái gọi là « Thế lệ đoạn trường » (khóc đén đứt ruột ra). Một cái là « Tiêu hồn lạc phách » (mất hồn, lạc phách). Ngày ngày bốn vị ấy lên đó, ngồi hướng mặt về Bắc, mắt mờ lệ, tưởng nhớ cố quốc, tưởng nhớ quê hương, ân hận vì tuyệt học của Hoa-sơn không truyền lại cho hậu thế được.
Thấy từ Ngô Giới cho tới Lưu Kỳ, tùy tùng đều cúi đầu xuống, như cùng thông cảm mối hận thiên thu của bốn vị tổ Hoa-sơn. Long-Xưởng tiếp:
- Trong những ngày ấy, bốn vị cùng đem Thiên-hạ tứ đại thần kỹ nghiên cứu lại, bổ khuyết những sở hở, thêm vào những kinh nghiệm, những phát minh. Hóa cho nên Thiên-hạ tứ đại thần kỹ trở thành một bộ võ kinh mới, vô địch thiên hạ ; chỉ thua có bộ Vạn-pháp quy nguyên của Đại-Việt mà thôi. Bốn vị đạo sư đặt tên bộ võ kinh mới là Vô song, vô đối Trung-nguyên võ kinh. Gọi tắt là Vô Trung kinh.
Ngô Giới tỏ vẻ khâm phục:
- Kiến thức vương gia thực mênh mông.
- Đa tạ Tuyên-vũ sứ quá khen. Để cô gia tiếp. Bốn đạo sư nghĩ rằng: Một mai mình qua đời rồi, Vô-song vô đối Trung-nguyên võ kinh bị mai một đi, thì thực là thiên cổ trường hận. Bốn vị ấy mới tìm một nơi nào đó dấu bộ võ kinh này, chờ có dịp sẽ chuyển về Trung-thổ. Hay ít ra cũng báo cho đồ tử đồ tôn biết nơi dấu, để sau này tìm kiếm. Bốn vị nghĩ ra một phương pháp, là làm một bài ca khuyết gửi về cho phái Hoa-sơn như sau:
« Vô-trung, vô đối,
Trung-thổ võ kinh.
Nam-phương tuyệt tích,
Bắc phương u minh.
Thùy khả tầm đắc,
Bình Man, Địch, Nhung ».
(Bộ võ kinh của Trung-quốc, không có võ công nào sánh bằng, không có võ công nào địch lại, ai mà tìm được, thì có thể dùng nó chiến thắng các nước Man, Địch, Nhung).
Ghi chú của thuật giả:
Man là các nước phương Nam Trung-quốc, để chỉ Đại-Việt, Đại-lý, Xiêm-la, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua. Nhung là các nước phương Tây Trung-quốc, để chỉ Tây-hạ, Tây-liêu, Thổ-phồn, Thanh-hải, Tây-tạng. Địch là các nước phía Bắc Trung-quốc để chỉ các nước Cao-ly, Kim, Liêu, Mông-cổ v.v.
Thấy mặt Ngô Giới thực khó coi, Long-Xưởng tiếp:
- Nhưng phái Đông-a canh phòng quá kỹ. Bốn vị gần như tuyệt vọng. May đâu, nhân dịp Kinh-Nam vương phi là Trưởng-đại công chúa Huệ-Nhu hoăng, Tống triều cũng như phái Hoa-sơn cử sứ giả sang điếu tang. Trong khi phái Đông-a tang gia bối rối, bốn vị đã mật truyền bài ca khuyết trên cho đại diện phái Hoa-sơn, cùng nói rõ nơi cất võ kinh. Từ đấy, phái Hoa-sơn tìm đủ cách, để sang Đại-Việt tìm bộ Vô-Trung kinh, mà không ai có gan, bởi muốn tìm bộ kinh trên thì phải đột nhập tổng đường phái Đông-a. Mà bắc thang lên trời thì dễ, chứ đột nhập tổng đường phái này thì khó. Có phải thế không?
Mặt Ngô Giới càng tái xanh hơn.
- Tuyệt vọng qúa, hóa liều, Tuyên-vũ sứ nghĩ đến việc đội lốt khách thương sang Đại-Việt, hầu dò dẫm, ăn cắp võ phổ. Tuyên-vũ sứ biết rằng một mình phái Hoa-sơn qua Đại-Việt, không khéo sẽ bỏ thân ở đây mất. Nên Tuyên-vũ sứ đột nhập hoàng cung, mật thú tội khi quân giả chết với vua Tống, rồi tình nguyện làm mật sứ theo Mao Khiêm. Đạo sư tưởng răèng mình hành sự giống như Yên-vương Triệu Nguyên-Nghiễm xưa kia, để lỡ ra khi ăn cắp võ kinh bị lộ, còn nhờ triều đình Đại-Việt can thiệp với phái Đông-a tha mạng cho.
Ghi chú của thuật giả:
Việc Định-vương Triệu Nguyên-Nghiễm cầm đầu một sứ đoàn mật sang Đại-Viêt, xẩy ra vào thời vua Lý Thái-tổ. Xin đọc Anh-hùng Tiêu-sơn, 3 quyển, 910 trang của Yên-tử cư sĩ. Về già Nguyên-Nghiễm được cải phong là Yên-vương.
Bị Long-Xưởng nói toẹt âm mưu ra, Ngô Giới kinh hãi vô cùng. Y chống chế:
- Thái-tử chỉ nghe đồn nhảm. Bần đạo sang Đại-Việt với mật chỉ khác...
Long-Xưởng cau mặt lại, nói gằn từng tiếng:
- Này Ngô Tuyên-vũ sứ, giữa chúng ta đều là người có địa vị cả, việc gì mà phải chối quanh? Nếu như Tuyên-vũ sứ còn giữ được Hoa-sơn tứ đại thần kỹ, thì tại sao vừa rồi Tuyên-vũ sứ thấy nhị đệ của cô gia đánh vài chiêu kiếm Hoa-sơn, mà Tuyên-vũ sứ phải ngây người ra xin y diễn lại để học?
Long-Xưởng chỉ vào bốn sư đệ của Ngô Giới:
- Hoa-sơn có tứ đại thần kỹ, nên đời đời chọn lấy năm đệ tử ngộ tính cực cao, để truyền tuyệt nghệ. Năm người đó luôn mang tên của Ngũ-nhạc: Trung-nhạc Tung-sơn, Tây-nhạc Hoa-sơn, Bắc-nhạc Hành-sơn, Đông-nhạc Thái-sơn, Nam-nhạc Hằng-sơn. Vì trong Dịch-lý, thì Trung-ương thuộc mầu vàng, Đông thuộc mầu xanh, Tây thuộc mầu trắng, Nam thuộc màu đỏ, Bắc thuộc mầu đen. Nên cứ nhìn y phục thì biết đạo hiệu, cùng địa vị trong môn phái. Thời vua Tống Nhân-tông quý phái có Hoa-sơn ngũ lão, thời vua Thần-tông có Hoa-sơn ngũ đại thần kiếm, nhưng chỉ có bốn vị sang Đại-Việt rồi bị bắt. Còn một vị sớm vãng du tiên cảnh. Bây giờ, Tuyên-vũ sứ với bốn vị đạo sư đây thuộc vai vế cao nhất của Hoa-sơn. Bởi cô gia thấy bản lĩnh, phong thái của năm đạo sư thực siêu phàm. Năm vị đang cầm vận mệnh quý phái. Thế mà quý phái kéo tất cả vào Đại-Việt, thì cái việc sang đây của đạo sư ắt phải quan trọng lắm.
Nghe Long-Xưởng phân tích sự kiện, mặt Ngô Giới tái xanh. Y chống chế:
- Chưa hẳn thế...
Y quay lại nói với Thủ-Huy:
- Những gì đại ca của thiếu hiệp nói hoàn toàn sai.
Thủ-Huy cười:
- Khổ quá, Ngô đạo sư là người dùng binh giỏi, thì phải biết mình, biết người chứ? Trong khi anh em tiểu bối chỉ là hai đứa trẻ chưa ráo máu đầu, tự biết mình, lại biết rất rõ về đạo sư. Đạo sư không biết gì về anh em tiểu bối thì chớ, mà lại còn giả ngây, giả ngô nữa.
Nó nhắc lại những gì đã nói ban nãy về việc Trường-giang ngũ kiệt bị vua Tống tìm cách hại, để không ai dám nhắc đến việc đem hai vua Huy-Tông, Khâm-Tông từ Kim về rồi hỏi lại:
- Có đúng thế không?
Thấy Ngô Giới im lặng, nó tiếp:
- Ban nãy tiểu bối đã nói rồi, mà đạo sư lại quên, hay cố tình quên. Vậy tiểu bối xin nhắc lại một lần nữa: Vì thấy Nhạc Phi bị bắt, đạo sư vội giả chết ở Tiên-nhân quan, lên ẩn ở núi Hoa-sơn, đi tu lấy đạo hiệu là Trung-nhạc Tung-sơn tử; dù tuổi mới có bốn mươi bẩy. Hai năm sau Nhạc Phi bị gã Triệu Cấu tức Thiệu-Hưng giết ở chùa Đại-lý. Hai tướng có công không kém Phi là con Phi tên Vân, cùng với danh tướng Trương Mẫn bị đem chém ở chợ; tài sản bị tịch thu. Vợ, tôi tớ bị đem cho binh lính giải trí lúc xa nhà... Mấy người đó chết thực đáng kiếp, đáng tội. Đó là cái tội ngu trung. Thấy hoàn cảnh Nhạc Phi, đạo sư rét quá, vội tiêu dao mây nước. Gã vua Thiệu-Hưng biết đạo sư giả chết, nhưng cũng vờ than khóc, rồi ban cho ba mươi vạn đồng tiền, truy phong tước Thái-sư.
Đến đây nó cười:
- Này Ngô đạo sư. Đã hai lần tiểu bối nói rõ hành trạng của đạo sư rồi. Vậy đạo sư không được làm khó dễ đại ca của tiểu bối nữa nghe.
Ngô Giới nhìn Nhất-Liễu:
- Được! Ta bần đạo xin hứa.
Y đổi cách xưng hô:
- Nhưng sự thể đã như thế này, thì ta xin mời Hiển-Trung vương, thiếu hiệp với đô đốc Nhất-Liễu du ngoạn núi Hoa-sơn ít lâu. không biết thiếu hiệp có vui lòng không?
Thủ-Huy cau mặt:
- Ít lâu? Ít lâu là mấy tháng?
- Chóng hay chầy là tùy ở thiếu hiệp.
_???
Ngô Giới chỉ khoang lớn của thuyền đinh:
- Nào mời các vị vào trong khoang thuyền, chúng ta uống chung trà, bàn chuyện đại sự.
Sự không đừng được, Long-Xưởng nói với Thủ-Huy, Nhất-Liễu:
- Nhị đệ! Đô đốc! Chúng ta hãy cùng làm khách của Tuyên-vũ sứ.
Nói rồi vương theo sau Ngô Giới, cử chỉ đường bệ, tư thái ung dung, làm Ngô kinh ngạc không ít, trong lòng viên tướng Tống nhủ thầm:
- Thiếu niên này đởm lược thực phi phàm. Rõ ràng y bị ta uy hiếp, có thể mất mạng, mà vẫn bình tĩnh, ngôn từ ôn hòa. Thực khó mà kiếm được người thứ nhì. Nay mai y lên làm vua Giao-chỉ thì là điều rất nguy hại cho Trung-nguyên.
Phân ngôi chủ khách xong. Ngô Giới mở lời trước thái độ của y tỏ ra hòa nhã:
- Có gì đâu! Đúng như Hiển-trung vương nói. Mục đích chuyến đi của bần đạo là tìm lại Vô-Trung võ kinh. Nhưng nay tìm không được, mà thiếu hiệp lại thuộc lòng bộ này, thì thiếu hiệp là bộ võ phổ sống. Vì vậy, bần đạo mời thiếu hiệp du ngoạn Hoa-sơn, rồi viết lại cho bần đạo, thế thôi.
Thủ-Huy thấy y lại đổi thái độ thì mỉm cười:
- Không lẽ chỉ có vậy sao? Tiểu bối không tin. Này Ngô đạo sư, ít nhất đạo sư có đến hai hay ba mục đích khác nhau trong vụ này.
Ngô Giới tái mặt, y nói với Long-Xưởng:
- Nhị đệ của vương gia thực là xuất chúng. Sau này vương gia lên ngôi rồi, mà đặt y vao chức tể tướng, thì không một gian nhân nào qua mắt đươc y. Này vương gia, bần đạo biết vương gia rời Thăng-long đi Thiên-trường để mời Đông-a ngũ tuyệt tham dự đại hội Lộc-hà. Mà đại hội Lộc-hà chỉ với mục đích chỉnh đốn lại kỷ cương, nêu cao chủ đạo tộc Việt. Nhưng nếu như đại hội thành công, các gia, các phái đồng tâm trợ giúp triều đình, thì ít ra có hai giòng họ ngoại thích bị tru di tam tộc. Vương gia có biết việc đó không?
- Ta quyết nêu cao đức từ bi hỷ xả của đức Thế-tôn, đại nghĩa bốn nghìn năm chủ đạo của tộc Việt, thì sao lại có thể tàn sát ngoại thích nhỉ?
- Vương gia nghĩ thế, sẽ làm thế. Nhưng bọn họ Đỗ của Chiêu-Hiếu thái hậu, họ Lê của Cảm-Thánh thái hậu lại không nghĩ thế.
- Nghĩa là???
- Chúng chỉ nghĩ đến việc cũ là chúng đã tàn sát tông thất quá nhiều. Khi quyền rời khỏi tay Thái-hậu, bấy giờ phụ hoàng hoặc vương gia cầm quyền thì chúng sẽ không còn đất mà chôn. Trước cái thế một mất, một còn, chúng phải ép, phải xin thái-hậu hạ vương gia. Nhưng vương gia là người anh minh, hành sự quang minh lỗi lạc, thái-hậu không thể phế vương gia được. Nay biết tin vương gia âm thầm đi Thiên-trường, thái-hậu sai Nghi-tàm song ma đón đường bắt cóc vương gia giam lại ít ngày. Bấy giờ...
Y mỉm cười nhìn Thủ-Huy:
- Cái gì sẽ xẩy ra, thiếu hiệp có biết không?