Chương 12
MƯỜI TRÍ CHÉM VÈ TRONG HÃNG NHẬT
HAI VĨNH SẮM XE THỔ MỘ DUNG THÂN

Hai Vĩnh đã thỏa nguyện: anh vừa sắm một cỗ xe thổ mộ. Đây là loại xe lá liễu chở được sáu hành khách. Anh rất hài lòng về con ngựa hồng mới nài được của một tay nuôi ngựa đua ở Hóc Môn.
Con ngựa này chủ rất cưng vì bộ vó oai phong lẫm liệt, sắc lông đỏ sậm. Chủ đặt tên nó là Xích Thố, nhưng suốt mấy mùa liền, nó toàn chạy sau hứng bụi nên chủ gạt ra cho kéo xe cá- loại xe song mã thường dùng chở cá từ bến sông đến các chợ. Từ ngày về với Hai Vĩnh, con Xích Thố nghiễm nhiên chiếm chức vô địch trên truyến đường chợ Long Kiểng về bến đò. Bà con thích đi xe Hai Vĩnh vì Xích Thố chạy nhanh, kéo khỏe, mà cũng vì chủ xe là tay anh chị hào hoa, tóc để “bôm bê” kiểu Nguyễn An Ninh, đầu đội hững hờ nón Phờ-lết-sê màu ma-rông cho tiệp với màu bụi đỏ đường đất.
Từ anh chị trở thành anh đánh xe ngựa, Hai Vĩnh có cảm tưởng như mình “xuống chưn”. Nhưng giữa lúc làng lính Tây tà bắt bớ tất cả những kẻ gọi là phần tử nguy hiểm, anh cần phải có một bình phong. Giới anh chị bị Pháp xếp hạng nguy hiểm thứ ba, sau Cộng sản đứng đầu và các đảng phái chính trị đứng số hai. Với Hai Vĩnh, đánh xe ngựa là một cách “giả dại qua ải”. Nhưng càng đi sâu vô nghề, anh càng mến, càng gắn bó với nó. Nhờ lên xuống như con thoi mà anh thuộc lòng từng khúc đường, từng xóm nhà, từng chiếc cầu. Trên quãng đường dài 8 cây số có đến 8 chiếc cầu, đổ đồng mỗi cây số một chiếc. Trước nhất là cầu Gạch, kế là cầu Đồn, rồi cầu Tám Long, rồi cầu Rạch Đỉa- Đây là ranh xã Tân Quy- rồi đến cầu Miễu, cầu chị Hai Viễn, cầu Hai Cự và sau cùng là cầu Long Kiểng.
Yêu mến con đường, anh yêu mến luôn phong cảnh hai bên đường. Cảnh đẹp hai bên luôn luôn đổi mới, khi thì xanh biếc mượt mà những thửa mạ non, lúc ngả nghiêng đùa cợt với gió như một biển lúa, lúc vàng mơ óng ánh đong đưa những gié lúa. Lúc này là lúc vui nhất vì những đàn cu đồng đủ loại kéo về đây gáy vang báo hiệu xuân sang.
Đánh xe thổ mộ còn có những thú khác nữa, như thú ngồi quán nước uống một “hắc quảy” chờ khách. Quán nước ở bến đò là “đài phát thanh” hoạt động suốt ngày. Chỉ cần vô đó một lúc là biết hết tất cả tin tức thời sự thế giới, trong nước và ngay cả chuyện trong làng trong tổng. Lâu ngày thành thói quen không thể thiếu được. Ngày nào không tới quán, anh thấy bứt rứt khó chịu. Một hôm Hai Vĩnh gặp Năm Chảng trong quán. Năm Chảng kêu “thầy Hai” rồi ngoắt lia.
- Thầy bà gì mà đi đánh xe ngựa hả cậu Năm? Kêu tôi là thằng Hai cho rồi- Hai Vĩnh nửa đùa nửa thật.
Năm Chảng nhìn quanh, hạ giọng:
- Tôi biết thầy Hai đánh xe ngựa là để che mắt thiên hạ, cũng như tụi này vô làm hãng Nhật.
- Hãng nào vậy?
- Hãng đóng tàu Nichinăn ở sát cầu Rạch Ong lớn.
- Tụi này là những ai?
- Ôi, đủ mặt binh tôm tướng cá. Đứng đầu là anh Ba Dương, rồi anh Năm Hà, rồi tôi, rồi…
Hai Vĩnh chợt nhớ lời dặn của ông Bảy Trân: “Cần nắm các anh em giang hồ”.
- Hai anh Ba Dương, Năm Hà đều làm cho Nhật?
- Chớ sao? Thời buổi này phải có “chưn đứng” chớ thầy Hai? Ở “Cuki” dễ bị “chớp” lắm đó- Với giọng tâm tình, Năm Chảng nói tiếp- Lúc này Nhật sắp đảo chánh, Cao Đài cũng ngả theo Nhật. Đức kỳ ngoại hầu Cường Để là rể Nhật hoàng…
Những tin đó ngày nào Hai Vĩnh cũng nghe bàn tán. Điều anh muốn biết là hai anh em Ba Dương, Năm Hà làm cho Nhật.
- Ai giới thiệu vậy cậu Năm?
- Có ai giới thiệu gì đâu! Số là hãng đóng tàu cứ bị mất gỗ súc hoài. Mà toàn là gỗ tốt, trị giá bạc ngàn. Có người mách nước, chủ hãng mời anh Ba Dương trông coi bảo vệ hãng. Anh Ba đồng ý, kéo theo anh Năm Hà và tôi cùng một số em út. Anh Ba là sếp, còn anh Năm và tôi là “xuyếc-vây-yăng”! (1)
- Năm Hà có ngon lành như Ba Dương không cậu Năm?- Hai Vĩnh tò mò tìm hiểu về Năm Hà, cũng là một tay anh chị trong vùng.
- Năm Hà là em một cha khác mẹ với anh Ba Dương, Năm Hà không ngon lành bằng anh Ba. Anh Năm không “đi hát” như tụi này mà… chuyên môn làm cái nghề của Thời Thiên. Thầy Hai có biết?
Hai Vĩnh cười:
- Thời Thiên ăn trộm giáp của Từ Nịnh chớ gì! Truyện Thủy Hử tôi thuộc lòng!
Năm Chảng cười:
- Anh Năm là Thời Thiên tái thế đó nghe thầy Hai! Hễ anh Năm mà tính viếng nhà nào thì tường cao cổng kín tới đâu, chó dữ bậc nào, ảnh cũng vô được. Hai anh em Ba Dương, Năm Hà có những nét hay riêng, mỗi người một vẻ. Anh Ba thì nghiêm đến mình phát sợ, đáng mặt sơn trại chủ. Còn anh Năm thì vui vẻ hào hiệp có dáng dấp một Mạnh Thường Quân. Hai anh em này cộng lại chia hai thì ra ông Tám Mạnh của mình. Phải vậy không thầy Hai? À, mà thầy Hai có muốn vô làm hãng Nhật không?
Hai Vĩnh lắc đầu:
- Tôi nghe nói, Nhật cai trị dân Cao Ly- cũng gọi là Triều Tiên- rất khắc nghiệt. Ba nhà chỉ được phép dùng một con dao làm cá. Tôi không thích thay thầy đổi chủ. Cậu Năm có đọc “Cổ học tinh hoa” chưa?
- Chưa! Có chuyện gì hay?
- Có nhiều chuyện hay, nhưng chuyện hay nhất theo tôi là chuyện dân làng trên núi bị nạn cọp tàn sát, mà vẫn không chịu dời đi nơi khác. Hỏi ra, mới biết giữa cọp no và cọp đói, họ chọn cọp no, dễ sống hơn.
Năm Chảng thấm ý, bắt sang chuyện khác.
Chú thích:
(1) Surveilant tức Thầy gác