Chương 22
BỘ ĐỘI BÌNH XUYÊN VÔ CỚ GIẾT NGƯỜI
BỘ ĐỘI GIANG HỒ CẦN CÓ CHÍNH TRỊ VIÊN

Sau vụ thảm sát Cité Hérault, Bảy Trân thấy được cái nguy hiểm của việc sử dụng du đãng trong công tác cách mạng. Không nói chuyện giết người cướp của, nội chuyện bắn súng rầm rầm làm kinh động cả xóm làng cũng là bậy rồi. Ông chỉ thị cho các chủ tịch UBND xã phải nghiêm trị những người vô cớ nổ súng.
Bây giờ ông Bảy Nhơn, anh ông Tám Mạnh được bầu chủ tịch xã Chánh Hưng. Mặc dầu đã cảnh giác cao về tánh vô chính phủ của anh em du đãng, Bảy Trân cũng đã để xảy ra một vụ đáng tiếc nữa.
Đang làm việc trong văn phòng xã Bình Đăng, nghe tiếng huyên náo khác thường, ông nhìn ra thì thấy dân quân áp giải một người Pháp. Người Pháp bị trói hai tay, chân đi cà nhắc vì đi chân không, chỉ còn đôi vớ rách. Lập tức ông cùng Ba Bang chạy ra hỏi:
- Tại sao bắt người này?
Đám dân quân ngơ ngác trước câu hỏi đó. Một người nói:
- Nó là Tây, mình phải bắt.
Bảy Trân hỏi người Pháp:
- Ông là ai? Đi đâu mà bị bắt?
Người Pháp tươi tỉnh khi nghe Bảy Trân hỏi tiếng Pháp:
- Tôi là bác sĩ. Có người rước tôi đi chữa bệnh. Tôi lái xe nhà cùng người đó qua đây. Chưa tới nơi thì bị lính của ông bắt. Xe tôi bỏ ngoài đường cái. Họ trói tôi lại, không cho đi giày.
Bảy Trân đang xem giấy tờ bác sĩ Pháp thì một đám đông du đãng kéo tới, mang theo đủ loại võ khí. Một người lên đạn khẩu Mút, bộ tướng hầm hừ. Bảy Trân khoát tay:
- Các anh lui ra. Tôi đang xem giấy tờ của người này.
Trước đám đông hung hăng, người Pháp lo âu, nói với Bảy Trân:
- Xin ông giải về thành phố. Ở đó người ta biết tôi.
- Bảy Trân trả giấy tờ lại, ôn tồn bảo:
- Bác sĩ yên tâm. Tôi sẽ cho người đưa bác sĩ lên Ủy ban thành phố.
Nhưng đám đông kéo lại bao vây người Pháp:
- Bắt được Tây là phải giết! Không đưa đi đâu hết!
Bảy Trân và Ba Bang bước tới choàng vai người Pháp, nói:
- Anh em không được làm ẩu. Đây là bác sĩ, vì lòng nhân đạo mà chữa bệnh xa...
Ông nói chưa dứt thì người cầm khẩu súng Mút đã chĩa súng dưới cánh tay ông, dí vô lưng người Pháp bóp cò. Một tiếng “đùng” chát chúa. Bác sĩ Pháp ngã lăn ra chết.
- Tôi đã bảo không được bắn, sao anh dám cãi lệnh? Ông lật sổ tay ghi tên họ kẻ giết người, đồng thời chỉ thị cho khiêng nạn nhân trở ra xe đưa về tận nhà.
Ngay đêm đó, Bảy Trân đến gặp Trần Văn Giàu báo cáo tình trạng vô chính phủ trong bộ đội mà nòng cốt là du đãng.
Ông nói:
- Dùng Bình Xuyên như dao hai lưỡi. Không khéo có ngày nó thọc huyết mình đó. Tao ớn quá rồi. Mày cho tao từ chức Ủy trưởng Mặt trận số 4.
Sáu Giàu lắc đầu:
- Mới đụng một vụ đã co đầu rút cổ sao?
Bảy Trân nhăn nhó:
- Đây phải lần đầu? Mà nhiều vô số kể. Đây là vụ giết người tao thấy tận mắt, còn rất nhiều vụ “tiền trảm hậu tấu”, như bên cầu Rạch Đỉa, tụi nó cho biết bao nhiêu người “mò tôm”. Rồi vụ đánh Nhà đèn Chợ Quán. Bố trí đâu đó xong rồi, tới giờ nổ súng, kẻ đánh, người rút, lọt chọt chẳng ra gì hết. Một số lợi dụng súng trong tay đi ăn cướp. Đúng là ngựa quen đường cũ!
- Làm cách mạng đâu phải là lái xe hơi trên đường tráng nhựa!- Trần Văn Giàu vỗ vai Bảy Trân. Suy nghĩ một lúc Giàu nói tiếp: - Được rồi! Tao sẽ phái một số cán bộ Tổng công đoàn tới các nhóm bộ đội giữ chức chánh trị viên. Vai trò của họ là giúp Bộ chỉ huy nắm chắc binh lính, tránh những chuyên độc tài quân phiệt như bên Bình Đăng của mày. Còn riêng về mày thì tao cho một cố vấn quốc tế…
- Ai vậy? Bảy Trân nửa tin nửa ngờ.
- Mày có biệt Periê (Perrier) không? Periê là đảng viên Cộng sản Pháp, được quốc tế cộng sản cử phụ trách Viễn Đông, trụ sở tại Thượng Hải. Ông bị bọn phản cách mạng Tàu bắt giao cho Pháp tại Đông Dương, Pháp nhốt ông tại Khám Lớn Sài Gòn. Cách mạng Tháng Tám mở toang cửa khám, Periê thoát cũi sổ lồng, hiện đang ở với tao. Tao chưa biết giao ông ta cho ai thì mày tới. Periê sẽ làm cố vấn cho mày. Về quân sự ông ta không chuyên, nhưng về chính trị thì ông ta là thầy tụi mình.
Trở về Bình Đăng, Bảy Trân dẫn theo một người Pháp trung niên, cao lớn, râu rậm. Periê rất mến người bạn mới. Lý do thứ nhất là Bảy Trân nói tiếng Pháp như người Pháp. Thứ hai Bảy Trân cởi mở, vui tính, chân thật. Periê rất chịu tính chân thật của người miền Nam. Ông hoạt động bí mật ở miền Nam khá lâu nên hiểu vì sao dân miền Nam chân thật và buộc kẻ khác cũng phải chân thật với mình. Đó là nhờ họ sống sát thiên nhiên. Mà thiên nhiên là chân thật như nước ròng nước lớn, như mùa mưa mùa nắng, đâu đó đều có quy luật. Đất đai phì nhiêu, trên cơm dưới cá, họ sống sung túc, hào phóng và hiếu khách. Từ đó, Periê bám sát Bảy Trân như hình với bóng, ăn chung, ngủ chung, làm chung.
Một số cán bộ của Tổng công đoàn được tăng cường về các bộ đội Bình Xuyên.
Nguyễn Văn Tư, tự Tư Ca-rê về bộ đội Bảy Viễn, Từ Văn Ri về bộ đội Ba Dương, Nguyễn Xuân Thanh về bộ đội Hai Vĩnh, Lê Hiền về bộ đội Tư Hoạnh.
Vai trò chính trị viên trong các bộ đội Bình Xuyên rất nặng nề và nguy hiểm. Thời bình không ai dám phát súng cho ăn cướp. Nhưng gặp thời loạn, phải chọn giữa cái hại nhỏ với cái hại lớn. Đánh giặc xâm lăng là nhiệm vụ cấp bách như cứu hỏa. Nạn ăn cướp sẽ trừ sau. Bộ đội Bình Xuyên đánh giặc cũng có mà “đi hát” cũng có. Hình thức “đi hát” lúc đó là sung công tài sản thiên hạ, bắt cóc những tay “có máu mặt” cho chuộc lấy tiền gọi là “để nuôi quân”. Vì vậy, chánh trị viên được các tay anh chị xem là chướng ngại nếu không nói là kẻ thù địch, chỉ chờ dịp là thủ tiêu.