THEO KHÁNG CHIẾN
Chương 27
BỘ ĐỘI GÒ CÔNG GIA NHẬP BÌNH XUYÊN
BẢY VIỄN TOAN TÍNH THAY THẾ BA DƯƠNG

Hai Lung và Ba Trứ đem bộ đội Gò Công cùng hai chi đội của Ba Dương vượt biển tới Vàm Láng, ngược sông Soài Rạp về đóng tại Lý Nhơn để từ đó trở về chiến đấu trong tỉnh Gò Công.
Lý Nhơn là xã nằm trong Rừng Sác, địa thế hiểm trở, là yết hầu của thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn, dùng làm bàn đạp để bám lấy tỉnh nhà rất thuận lợi. Khi quyết định về Lý Nhơn. Hai Lung hăng hái đưa cả vợ con theo. Anh muốn con cái lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhơn kiệt” từng in dấu chân Trương Định.
Ba Trứ có hơi ngại khi liên kết với bộ đội Bình Xuyên, vì từ lâu anh đã nghe danh những tay lục lâm thảo khấu này. Tuy không hẳn là trí thức, nhưng Ba Trứ thấy giữa mình với các tay anh chị này có một khoảng cách khó san bằng. Anh Tâm sự với Hai Lung vì anh xem như anh cả. Hai Lung mỉm cười bảo:
- Trong lịch sử mình chưa thấy thời nào đẹp cho bằng thời đại chúng ta. Tất cả các tầng lớp đều một lòng một dạ đánh Tây giành độc lập. Bạn có thấy bác sĩ, luật sư bỏ hết nhà cao cửa rộng, từ biệt cuộc sống gấm hoa để chen vai thích cánh với dân quê dốt nát? Thế thì tại sao bạn lại không thể xáp lại gần anh em Bình Xuyên? Theo mình, số giang hồ chỉ là một chấm nhỏ không thấm vào đâu so với phần đông là anh em lao động thành thị và ngoại ô.
Một đoàn ghe cửa đồng loạt giương buồm tách bến Bình Đại. Suốt đời có lẽ Hai Lung và Ba Trứ không thể quên được chuyến vượt biển từ Bình Đại về núi Eo Ông, Bà Rịa. Bà con Bình Đại bịn rịn không nỡ chia tay. Hai đơn vị của Hai Lung và Ba Trứ được củng cố lại, chỉ giữ một đại đội, còn hai đại đội thì giải ngũ nhập vào dân quân địa phương. Đại đội ra đi chia làm ba trung, mỗi trung đi một ghe cửa loại lớn. Đồng bào mang tặng đủ thứ, gạo, mắm, tôm khô, chuối, dừa… Đoàn ghe hướng theo ánh đèn pha của Vũng Tàu mà đi. Dự định đi một đêm là tới miền Đông. Nhưng trời sáng hẳn mà vẫn còn lênh đênh trên mặt biển. Hai chiếc máy bay săn giặc đến, ba chiếc ghe cửa vội vàng hạ buồm, tấp vô cồn. Hết máy bay mới tiếp tục. Mất hai ngày hai đêm mới tới Eo Ông. Cuộc sống ở rừng miền Đông vô cùng vất vả với bộ đội Gò Công. Nhưng với quyết tâm cao, họ vượt qua mọi gian lao
Ba Trứ rất hài lòng về cơ ngơi mới xây dựng ở Eo Ông, núi ông Trịnh, giữa Long Thành và Bà Rịa, dọc con lộ 15 Sài Gòn- Vũng Tàu. Vùng này chuối rừng nhiều vô kể. Ba Trứ cùng anh em trong đơn vị đốn chuối, tách bẹ, lợp trại, xinh xắn như những gian hàng chợ Tết. Nhưng niềm vui của Ba Trứ như phù du sớm nở tối tàn vì qua ngày sau, dưới nắng hè gay gắt, bẹ chuối teo lại nhăn nhúm và mưa đổ ụp xuống thì trong nhà cũng như ngoài sân. Nhưng vấn đề gạo mới là chuyện sống chết. Muốn mua gạo, phải băng qua con lộ 15. Hồi đầu kháng chiến, ta đã đào hầm đắp mô, nhưng địch bắt dân hai bên đường sửa chữa để xe nồi đồng đi tuần tiễu. Qua lộ 15 phải bố trí tác chiến hẳn hoi. Quân đội Anh- Ấn từ Bà Rịa đi càn, ta chặn đánh bắt được ba đứa. Ba Trứ cho anh Tấn, sinh viên Sài Gòn biết tiếng Anh, tuyên truyền giải thích nửa tiếng rồi thả.
Trong thời gian trú quân tại núi Eo Ông, Hai Lung và Ba Trứ củng cố Chi đội 3 trong Liên chi Bình Xuyên. Sau khi anh Ba Dương tử trận, anh Năm Hà được đưa lên làm chỉ huy trưởng. Chi đội 2 do Năm Chảng nắm sau khi Từ Văn Ri tử trận. Hai Soái làm chi đội phó, Nguyễn Lộc chính trị viên. Chi đội 3 do Mười Lực nắm, Hai Lung chi đội phó, Ba Hậu chính trị viên, Chi đội 3 có 3 đại đội, Bảy Môn nắm đại đội 1. Ba Trứ nắm đại đội 2 và Tư Huỳnh nắm đại đội 3. Ba đại đội trưởng này mỗi người một vẻ. Bảy Môn là dân anh chị Thủ Thiêm, ngang với Mười Lực, nên lúc nào cũng xử sự như một Mạnh Thường Quân, Ba Trứ là “công nhân quý tộc” được đào tạo từ nhà trường Pháp. Tuy là “công nhân áo trắng”, anh sống gần gũi đội viên vì đa số là dân lao động thành thị. Tư Huỳnh là dân giang hồ, chịu anh hưởng của “Từ Hải chết đứng chớ không chết quỳ”, khi lâm trận, đứng thẳng người mà chỉ huy. Tư Huỳnh chỉ phục có một người và người đó là Bảy Viễn. Tư Huỳnh đã có lần thích huyết ăn thề kết nghĩa anh em với Bảy Viễn. Lễ thích huyết đó là kỷ niệm sống mãi với anh.
Trong ba đại đội này, nổi bật nhất là đại đội 2 của Ba Trứ. Nổi bật ở Ban chỉ huy. Ba người đều là công nhân. Đại đội phó là Nguyễn Huỳnh Ngân, công nhân ngành mộc ở Gò Công. Chính trị viên là Huỳnh Văn Được, cùng tốt nghiệp trường Bá nghệ như Ba Trứ và Hai Lung. Vì cùng chung một thành phần giai cấp, một trình độ văn hóa nên Ban chỉ huy đại đội 2 sát cánh với nhau và gần chi đội phó Hai Lung hơn là Mười Lực. Trong khi đó, hai đại đội kia, nhất là đại đội của Bảy Môn gần Mười Lực hơn Hai Lung. Vấn đề tình cảm rất quan trọng. Vì nhóm Hai Lung, Ba Trứ không phải là Bình Xuyên và lúc nào họ cũng nặng tình quê hương là Gò Công. Nguyện vọng của họ là đóng ở Lý Nhơn dọc sông Soài Rạp để được nghe hơi hớm của tỉnh nhà ở bên kia bờ sông. Nguyện vọng ấy vài tháng sau đã được mãn nguyện. Sau thời gian rèn cán chỉnh quân, Chi đội 3 “xuống núi”; đại đội 1 và 3 đóng ở Phước An, còn đại đội 2 của Ba Trứ đóng tại Lý Nhơn. Công tác đáng nhớ của Ba Trứ là liên lạc với Ba Son, đưa thợ rành nghề ra khu. Nhờ có anh Ngô ở hãng FACI mang máy móc ra Lý Nhơn mà đại đội Ba Trứ có công binh xưởng sửa chữa súng và sản xuất lựu đạn. Bình công xưởng này được dựng lên ở các gò núi đất mà một số bô lão quả quyết ngày xưa có lúc Trương Định đã đóng quân ở đó trước khi hy sinh tại Đám Lá Tối Trời bên Gò Công. Gần một trăm năm sau, mảnh đất Lý Nhơn vẫn còn là căn cứ của con cháu Trương Định: tiểu đoàn 5, bộ đội chủ lực của Gò Công cũng đóng ở Lý Nhơn. Nơi đây có lúa gạo tôm cá, than củi, bộ đội có thể tự túc, bồi dưỡng giữa hai trận chiến đấu.
Sau khi Ba Dương tử trận, Pháp đánh mạnh vào Rừng Sác, Năm Hà hợp các gia tướng đề nghị đánh một trận lấy uy thế. Mười Lực nắm Chi đội 3 mạnh nhất, hiệp cùng Chi đội 2 của Năm Chảng, bàn kế hoạch đánh tàu trên sông Lòng Tàu. Mười Lực làm chỉ huy trưởng, Năm Chảng chỉ huy phó. Địa điểm được chọn là Thiềng Liềng ngã sông dập dìu tàu biển từ Vũng Tàu vô Sài Gòn. Kế hoạch tác chiến phạm một sơ sót lớn: đánh xong rút quân vào lúc nước cạn. Máy bay săn giặc lên bắn kinh hồn. Dù vậy, ta vẫn cướp được tàu chở quân làm lễ truy điệu Dương Văn Dương tại Đèn Xanh, Cần Giờ.
Ba Dương tử trận ngày 16-1-1946, vài tuần sau Liên chi 2- 3 tổ chức lễ truy điệu cố khu bộ phó Dương Văn Dương tại Phước An. Anh Năm Hà viết thư mời Bảy Viễn tới dự. Trong lễ này, anh em Bình Xuyên phấn khởi được nghe đọc quyết định của Trung ương truy phong đồng chí Dương Văn Dương thiếu tướng, đồng thời cải danh con kinh Lagrange chạy từ kinh 12 tới gẫy Cờ Đen là kinh Dương Văn Dương.
Anh em Bình Xuyên cũng lên tinh thần khi anh Năm Hà đọc thư của Hồ Chủ tịch chia buồn cùng gia đình đồng chí Dương Văn Dương đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Nam bộ.
Ba Dương tử trận đánh thức tham vọng trong lòng Bảy Viễn. Giấc mơ sơn trại chủ mà hắn đã tiết lộ với Mười Trí trong chuyến vượt ngục Côn Đảo bằng xuồng ba lá có cơ thực hiện. Ba Dương chết rồi, Năm Hà lên thay là một chuyện tạm bợ. Bởi Năm Hà không phải là tay anh chị có vai vế. Tư Hoạnh đã công khai tuyên bố không phục Năm Hà. Người có thể thay thế Ba Dương là ông Tám Mạnh, nhưng ông Tám đã già, không có hoạt động gì nổi tiếng. Hai Vĩnh tuy được việc nhưng vẫn phải dựa vào uy thế của ông già vợ. Cho nên người nắm Bình Xuyên phải là Bảy Viễn. Trong ngày đầu kháng chiến, bộ đội Bảy Viễn đã chiến đấu nhiều trận chống càn nổi tiếng như ở Phú Thọ, Gò Cát, Hiệp Hòa và Bàu Cò Láng Le. Trận nào cũng rút chạy; nhưng Bảy Viễn muốn chứng tỏ mình là tướng trước ba quân, anh rút lui sau cùng. Nhờ tác phong anh chị đó mà tạo được tiếng vang trong bộ đội xuất thân từ giới giang hồ. Riêng cá nhân Bảy Viễn được đề cao, nhưng Chi đội 9 thì không hãnh diện chút nào, nhất là trận Cầu Xáng, Hiệp Hòa. Chi đội 9 thiệt hại nặng, phải chôn súng mà chạy xuống bưng “chém vè”. Sau trận này, Bảy Viễn giao cho Tám Tâm công tác “thu dọn chiến trường”, tìm lại vũ khí chôn giấu. Vùng này nhằm lãnh địa đóng quân của Mười Trí. Gặp
Tám Tâm, Mười Trí chửi nhắn:
- Bộ đội Bảy Viễn đánh giặc như con c! Đồ sọc dưa!
Tám Tâm cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này. Anh chú ý từ ngày có hai anh em Lại Văn Sang, Lại Hữu Tài gia nhập, thì chi đội 9 “sọc dưa”, đúng như Mười Trí chửi. Trường hợp hai anh em họ Lại gia nhập Chi đội 9 cũng đáng nghi ngờ. Tám Tâm đang làm thư ký văn phòng chi đội, thì được Bảy Viễn giao công tác thu tiền nuôi quân ở nhiều nơi. Công tác này mất trọn một tuần và khi trở về, anh mất chức thư ký văn phòng. Bảy Viễn giới thiệu Năm Tài:
- Từ nay Năm Tài đảm trách thư ký văn phòng cho tôi. Năm Tài có tú tài, viết công văn tiếng Pháp cũng ngon lành như tiếng Việt. Anh Tám Tâm làm phụ tá cho Năm Tài, chịu không?
Tám Tâm gật:
- Làm công tác việc gì ích quốc lợi dân là tôi vui lòng, không đợi chức trưởng hay phó…
Bắt đầu từ đó, Tám Tâm bí mật dòm ngó hai anh em họå Lại. Thỉnh thoảng anh thấy chúng liên lạc với Mô-rit Thiên. Dường như trước đó Mô-rit Thiên đã làm trung gian cho Bảy Viễn phóng thích Ba Huy sau khi công tử Bạc Liêu “cúng” vào quỹ nuôi quân một số tiền kếch sù cả chục triệu.
Liền đó Bảy Viễn xuống Liên chi 2- 3, kéo theo 11 tay súng và 20 người nữa: - Anh Năm tiếp tế tụi tôi một ít đạn…
Lúc đó Năm Hà giữ kho đạn của Bình Xuyên.
- Được! Anh Bảy cần bao nhiêu, cứ lấy.
Nhưng mục đích của Bảy Viễn không phải xin đạn, mà dọ tình hình, muốn thay Ba Dương, Bảy Viễn ngỏ ý khéo, Năm Hà cũng trả lời khéo:
- Anh Ba Dương được Khu trưởng Nguyễn Bình phong khu bộ phó, muốn thay ảnh phải do Chính phủ…
Bộ tham mưu của Năm Hà lập tức họp bầu anh Năm lên thay chủ tướng để chặn trước tham vọng của Bảy Viễn. Một bức thư được gởi lên Khu trưởng Nguyễn Bình báo cáo về việc bầu cử đó, đồng thời hỏi ý về việc mượn tiền của dân để nuôi quân. Ngày 12-4-1946, Nguyễn Bình viết thư trả lời, nguyên văn như sau:
VNDCCH
Vệ quốc Đoàn
Số 713/KB
TỔNG HÀNH DINH
Ngày 12-4-1946
Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7 nước Việt Nam.
Kính gửi đồng chí Dương Văn Hà, Tư lệnh Vệ quốc đoàn Bình Xuyên. Về việc đồng chí được cử thay đồng chí Dương, tôi rất tán thành. Mong đồng chí đừng phụ lòng mong mỏi ký thác của anh em chiến sĩ Bình Xuyên, của tôi, của đồng chí Dương Văn Dương đã quá cố, nhất là giữ tiếng tăm cho đồng chí Dương là người lỗi lạc, khác hẳn với Đệ Tam, Đệ Tứ sư đoàn phản động và chỉ lôi kéo bè phái. Có được như vậy mới thật là xứng đáng với anh linh đồng chí Dương Văn Dương, người đã hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc. Ngoài ra, tôi không đồng ý việc mượn tiền dân. Bộ đội nên tăng gia sản xuất để dân được nhẹ phần đóng góp.
Mặt khác, tôi không cho phép vợ con theo bộ đội, tránh tình trạng ô hợp như Đệ Tam, Đệ Tứ sư đoàn, HT 29…”
(1)
Chú thích:
(1) HT 29 là bộ đội Hồng Tảo. 29 là 29 tay súng