Chương 62
PHÁP PHỰT ĐÈN XANH, BÌNH XUYÊN ĐÁNH LỚN
THÁI HOÀNG MINH PHẢN, QUÂN NÙNG CHIẾM CHÁNH HƯNG

 Sáu Hoàng, bí danh của đồng chí Cao Đăng Chiếm – theo sát các mâu thuẫn và xung đột giữa bọn Mỹ-Diệm và các giáo phái. Một trong những cán bộ đắc lực của ông là Năm Yên. Tháng 7-54, Năm Yên từ Ủy ban Liên hiệp Đình chiến miền Tây nb được phân công về lực lượng an ninh Sài Gòn-Chợ Lớn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Sáu Hoàng. Phụ trách ban địch tình, Năm Yên xuất hiện trên đường phố với nhiều bộ mặt: hớt tóc, thợ sơn, gác dan, dân áp-phe, xí thẩu, má chính (mại bản) lái xe Huê Kỳ…
Sau khi phân tích tình hình Năm Yên bàn với Sáu Hoàng phải nắm Bình Xuyên để phá rối Ngô Đình Diệm, phá rối ngay từ đầu. Nhân vật Bình Xuyên Năm Yên nắm là Bảy Môn. Chọn Bảy Môn vì nhiều lý do: thứ nhất, Bảy Môn là tay đánh giặc giỏi, không phải là “lính kiểng” như Thái Hoàng Minh. Thứ hai, Bảy Môn trước đây từng ở Khu, theo Bảy Viễn về thành vì sợ chính ủy Nguyễn Đức Huy nghi là người của Bảy Viễn cài lại sau khi về thành.
Để bắt liên lạc với trung tá Bảy Môn, Năm Yên phải nhờ trung gian của thầu khoán Nhuận ở gần chợ Bà Chiểu. Trong một lần gặp nhau với Bảy Môn tại nhà ông Nhuận, Năm Yên bị cảnh sát Gia Định bao vây nhưng nhờ vỏ bọc bên ngoài cứng – anh đóng vai xì thẩu lái xe Nash bóng lộn – nên đường hoàng ra khỏi vòng vây. Qua Bảy Môn, Năm Yên nắm được nội bộ Bình Xuyên, cấp tốc phân công đồng chí Ba Chậm đưa một đại đội của ta gia nhập Bình Xuyên làm nóng cốt để “trường kỳ mai phục” đợi thời cơ. Đại đội của Ba Chậm nằm trong tiểu đoàn 3của Bảy Môn sẽ là ngòi pháo nổ đầu tiên khoét sâu mẫu thuẫn nhà Ngô và các giáo phái mà Bình Xuyên lúc đó là mũi nhọn.
Nước cờ đã bố trí, Sáu Hoàng, Năm Yên, Ba Chậm và đại đội nòng cốt tỉnh táo chờ giờ G…
Diệm và Collins (Cô-lin) tâm tính giống nhau ở quan liêu mệnh lệnh nên hai người không ưa nhau. Cũng thời là tướng Mỹ, nhưng Lăn-xđên được Diệm xem như bạn, còn Cô-lin thì Diệm không muốn thấy mặt. Cô-lin có thói quen “lên lớp” và ra lệnh. Mà người khoái lên lớp và ra lệnh nhất trần gian lại là Diệm. Cho nên Diệm thường chế nhạo Cô-lin với đám thân tín, diễn lại màn Cô-lin quơ tay múa chân điểm mặt. Máu quan lại thích chỉ huy chứ không chịu ai sai khiến mình. Diệm có máu quan lại từ nhỏ. Diệm không ngán Cô-lin chút nào vì tin tưởng nơi các quan thầy đỡ đầu cho hắn ở Mỹ. Đó là hai anh em Dulles (Đa-lét anh (Foster) là ngoại trưởng. Đa-lét em (Allen) là giám đốc cơ quan tình báo, là Rô-bét-sơn (Walter Robertson), thứ trưởng ngoại giao phụ trách khối Viễn Đông và Young (Kenneth Young), giám đốc khối Đông Nam Á của Bộ ngoại giao kiêm chỉ huy trưởng lực lượng xung kích tại Việt Nam. Dựa hơi đám thế lực ở chính quốc, Diệm coi thường sứ giả của tổng thống Ai-xen-hao (Eisenhower), bác bỏ mọi mệnh lệnh của Cô-lin và làm theo ý mình.
Vào tuần thứ ba tháng ba năm 1955, các giáo phái đòi Diệm cải tổ chính phủ, mở rộng dân chủ. Cô-lin nghe theo tướng Ê-ly khuyên Diệm nên nhân nhượng. Nhưng Diệm nghe theo Nhu và tướng Lăn-xđên bác bỏ yêu sách này. Lập tức các bộ trưởng Cao Đài và Hòa Hảo từ chức. Hai giáo phái này cùng với Bình Xuyên xuyên lập lực lượng võ trang Mặt trận Quốc gia Toàn lực, ra tuyên ngôn chống chính phủ Ngô Đình Diệm.
Lúc này đài phát thanh của Trịnh Khánh Vàng gia tăng chửi Diệm hết cỡ. Dòng họ Ngô Đình được moi ra từ đời cao tằng cố tổ, riêng Diệm thì bị vạch mặt là tên vô liêm sỉ, hết làm bồi Tây đến ôm chân Nhật, nay lại làm chó săn cho Mỹ…
Cuộc xung đột lên đến cao điểm. Không chửi nhau trên làn sóng điện mà choảng nhau thật sự. Đêm 29/3 Bình Xuyên bất ngờ tấn công trước. Moọc chê nã vào dinh Gia Long là nơi anh em nhà Ngo đang chiếm ngự.
Cuộc pháo chiến đang diễn ra ác liệt thì tướng Ê-ly và Bộ tư lệnh Pháp đứng ra hòa giải. Chủ trương của Pháp là muốn dằn mặt Diệm chứ chưa muốn một trận sống chết. Vài ngày sau Oa-sinh-tơn gọi tướng Cô-lin về để báo cáo tình hình. Cô-lin quyết tâm nhân dịp này về Mỹ đòi thay Diệm.
Nhưng thời cuộc đi trước các toan tính của Cô-lin; Chưa đầy bốn tuần sau, trong khi ở Mỹ Cô-lin đang vận động thay thế con bài Ngô Đình Diệm, thì tại Sài Gòn, chiều 28/4, cuộc giao tranh lại bùng nổ. Lần thứ hai, Bình Xuyên và quân của Diệm choảng nhau trên đường phố. Và là giải pháp thỏa hiệm của tướng Cô-lin bất thành.
Cuối cùng pháp bật đèn xanh cho Bình Xuyên đánh lớn. Bình Xuyên cấp tốc họp toàn bộ ban tham mưu lại bàn kế hoạch tấn công. Tất cả điều nhất trí “cho Diệm một bài học”. Duy có Thái Hoàng Minh có vẻ thận trọng quá đáng. Hồ Hữu Tường tin tưởng Bình Xuyên sẽ thắng vì trong trận “nắn gân” tối 23/9, binh sĩ Diệm phản ứng yếu ớt và có một số đào ngũ. Tinh thần anh em Bình Xuyên đang hăng. Trịnh Khánh Vàng cấp tốc dời đài phát thanh xuống một xà lan đưa ra Rừng Sác hoạt động, để đề phòng trường hợp địch lấn qua vùng Chánh Hưng.
Riêng Bảy Môn thì hănh hái hơn hết. Đây là lúc anh thi thố tài năng chỉ huy tác chiến mà lâu nay anh bị bọn Thái Hoàng Minh và Tư Hiểu chèn ép. Còn Năm Chảng thì ấm ức chưa liên lạc được với đại diện Việt Minh.
Thực sự chiến đấu chỉ có các tay từng cầm quân đánh Pháp trước đây, nên ngay từ đầu, Bảy Viễn giao cho Mười Lực, Bảy Môn, Năm Chảng; còn Thái Hoàng Minh và Tư Hiểu thì bị xem như là lính kiểng. Trên danh nghĩa, Bảy Môn chỉ là tiểu trưởng một trong sáu tiểu đòan của Bình Xuyên, anh nắm tiểu đoàn 3, nhưng trên thực tế chính anh là tổng chỉ huy. Bọn Thái Hoàng Minh nắm bốn tiểu đoàn án binh bất động. Bảy Môn chỉ huy luôn cả ba tiểu đoàn bạn – Dù, Cao Đài, Hòa Hảo – anh bố trí lực lượng từ cầu Nhị Thiên Đường đến cầu Chữ Y và cầu Tân Thuận. Con đường Phạm Thế Hiển dọc kinh Tẻ biến thành tuyến phòng thủ đầy lính tráng và súng đạn đằng đằng sát khí. Các cầu nối liền nội thành ra vùng Chánh Hưng như cầu Nhị Thiên Đường, Cầu Chà Và, cầu Chữ Y, cầu Tân Thuận đều được Bảy Môn cho đặt mìn, chỉ chờ lệnh tràn qua là châm điện cho nổ.
Bố trí xong xuôi, Bảy Môn yên trí lớn, cho súng cối nả vào dinh Độc Lập và các bót công an cảnh sát của Mai Hữu Xuân là cảnh sát trưởng đã bị Lăn-xđên mua. Bỗng điện thoại dã chiến réo vang. Thái Hoàng Minh hét lớn:
- Ai ra lệnh bắn moọc-chê vô thành phố? Phải Bảy Môn không?
Bảy Môn nhấn mạnh:
- Phải, chính Bảy Môn ra lệnh.
- Sao ẩu vậy? Tôi là trung đoàn trưởng, tôi chưa ra lệnh…
- Anh Bảy đã ra lệnh đánh thì tôi thi hành, còn chờ gì nữa? – Bảy Môn cúp điện thoại luôn.
Vài phút sau, quân đội Diệm phản pháo. Đạn nã qua tổng hành dinh Chánh Hưng như mưa. Các đầu cầu đều có quân Nùng tấn công. Chiến tranh bùng nổ thật sự, ác liệt nhất là các đầu cầu. Lập tức Bảy Môn ra lệnh châm điện phá cầu. Nhưng cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn nguyên. Bảy Môn gọi điện hỏi Thái Hoàng Minh:
- Anh chịu trách nhiệm “sốt-tê” (phá nổ) cầu, sao không thi hành?
Tiếng nói từ bên kia đầu dây khiến Bảy Môn giận điên lên:
- Kể từ giờ phút này Thái Hoàng Minh ly khai Bình Xuyên. Thái Hoàng Minh đứng về phía quốc gia.
Bảy Môn ném điện thoại xuống, không nén được tiếng chửi thề:
- Đ.m thằng phản bội! Rồi sau này mày biết tao!
Tình hình thật nguy kịch. Lính Nùng tràn qua cầu theo sau là một số lính Diệm mua từ quân đội của tướng Hinh. Chỉ huy trưởng chiến dịch Hoàng Diệu – chiến dịch có nhiệm vụ đập tan Bình Xuyên – là trung tá Dương Văn Minh vừa được đặc cách phong đại tá.
Dương Văn Minh quên ở Mỹ Tho, lên Sài Gòn học cùng với cô em bạn dì, hai người yêu nhau nhưng gia đình không chấp nhận mối tình tội lỗi ấy. Cả hai đưa nhau lên Bình Dương tá túc với Năm Tiểng, một người bà con có lòng tốt đối với những kẻ gặp nghịch cảnh. Dương Văn Minh thích thể thao, nhất là bóng đá, gia nhập “Ngôi sao Gia Định” là hội banh kỳ cựu nhất miền Nam, thành lập từ 1906. Vai thủ môn được giao cho Minh một thời gian. Đến khi Pháp mở trường đào tạo sĩ quan để thành lập quân đội Liên hiệp Pháp, Minh tình nguyện đi học sinh sĩ quan. Leo lên đến trung tá thì gặp đình chiến, Minh tưởng con đường binh nghiệp của mình đến đó là tột đỉnh, không ngờ dịp may lại đến. Lăn-xđên đề nghị Minh nhảy sang quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang được gấp rút thành lập. Sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn chưa có, nếu Minh nhận đề nghị thì sẽ được đặc cách “vinh thăng” đại tá. Không bỏ lỡ dịp may, Minh nhận ngay. Vừa gắn lon đại tá lên bâu áo, Minh đã phải cầm quân đánh Bình Xuyên. Cánh quân của Minh thọc thẳng vào tổng hành dinh Chánh Hưng bằng ngã cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y bị mìn phá gãy một nhịp. Minh dự tính Bảy Viễn sẽ giật sập cầu, nhưng Lăn-xđên lạc quan báo tin:
- Yên chí. Địch gài mìn các cầu quan trọng nhưng đã có người của ta bí mật cắt dây điện rồi.
Phải mất bốn ngày giao tranh, chủ yếu bằng súng cối, cánh quân chủ lực của đại tá Minh mới vượt qua các cầu. Lúc tràn qua bên kia cầu thì quân Bình Xuyên đã rút về phía Tân Thuận.
Không bao giờ cánh quân của đại tá Minh quên được giờ phút huy hoàng khi đột nhập vào tổng hành dinh của Bình Xuyên. Trung đội của trung úy Nguyễn Văn Tâm (trùng tên với thủ tướng bù nhìn của Việt Nam năm 52) tiến chiếm vị trí này. Địch rút chạy, trung đội hoàn toàn làm chủ tình hình. Lâu nay nghe đồn Bảy Viễn nuôi cọp, gấu và sấu, binh sĩ đổ nhau đi xem. Một con báo sút chuồng bị trúng đạn pháo nằm giữa sân cờ. Còn một số lính canh giữ văn phòng. Đa số chú ý ngay cặp ngà voi cao khỏi đầu. Trung úy Tâm “xí phần” cặp ngà voi này để tặng thủ tướng Diệm. Một binh sĩ tò mò nhìn lên vách phòng xép. Vách làm bằng ván ép chứ không xây bằng gạch. Tò mò, hắn dùng bán súng đập mạnh. Tấm ván ép vỡ toang, tức thì từ lỗ hổng, những gói giấy cứng như những viên gạch tuông ra như thác. Mắt tên lính sáng rực lên: Bác giấy ghim từng ngàn, bó gọn như những viên gạch. Hắn đã lọt vào kho bạc của Bảy Viễn mà không biết. Đây là nơi các thư ký – toàn là phụ nữ trẻ đẹp của Bảy Viễn đếm tiền thu thuế các sòng bạc và Đại Thế Giới trước khi gởi ngân hàng. Từ khi xung đột với Diệm, Bảy Viễn giữ lại một ít tiền để phát lương cho lính. Bảy Viễn không ngờ tình thế xoay chiều bất lợi và khi rút lui vội vã không kịp chuyển kho bạc theo. Trung đội của trung úy Tâm nhảy múa như Ali Baba lạc vào hang bọn cướp. Mạnh ai nấy hốt, áo va-rơ nhét đầy bạc khiến chúng biến thành những hình thù kỳ dị: người lùn xuống và bụng phình ra, như những thùng tôn-nô dưới hầm rượu. (Về sau trung úy Tâm được vinh thăng đại úy quân trưởng Hóc Môn, và liền sau đó, sắm ngay một xe Huê Kỳ hiệu Cadillac kiểu mới nhất mà Tâm hãnh diện khoe với mọi người: “Le seul et unique Cadillac au Việt Nam” (chiếc Cadillac duy nhất ở Việt Nam).
Tại cầu Tân Thuận, cánh quân của tướng Trịnh Minh Thế có nhiệm vụ vượt cầu đánh qua Nhà Bè. Bốn ngày đầu, mũi nhọn này còn rảnh rỗi vì trung tâm giao tranh là cầu Chữ Y và vùng Chánh Hưng. Đến ngày thứ ta, tất cả tiểu đoàn Bình Xuyên đều kéo về Tân Thuận. Đây là đầu cầu để xuống xà-làn rút ra Rừng Sác. Cầu Tân Thuận trở nên vô cùng quan trọng. Mới về với Diệm, đại tá Trần Minh Thế được vinh thăng thiếu tướng – quyết lập chiến công để xứng với chức tướng. Thế toan liều lĩnh vượt qua cầu Tân Thuận mà không pháo yểm trợ. Mấy lần lên cầu đều bị súng lớn bên kia cầu bắn cản đầu.
Lại thêm các giang đỉnh trên Kinh Tẻ bắn xuyên hông. Mấy ngàn quân kẹt lại bên này cầu.
Lăn-xđên lái chiếc trắc-xông đến quan sát mặt trận. Hắn nhận thấy các viên chức nước Mỹ tòa đại sứ đều dửng dưng trước số phận của Diệm và chế độ Cộng Hòa mới phôi thai. Lăn-xđên động viên họ ra phố quan sát cuộc giao tranh. Nhưng chỉ có mình tướng Ô-Đa-nhen chịu nghe. Ô-Đa-nhen đi xe Pho (Ford) cắm cờ Mỹ đến các đơn vị tác chiến Việt Nam. Lúc đầu hắn còn giữ vẻ khách quan, về sau ló đầu ra cửa xe đưa hai ngón tay cái hét to: “Đánh cho chúng nó chết!” (Give them hell, boys!).