Chương XV
Xây, Nhà, Ở

1. Kiến-dựng Hoàng-Cực.
Bình luận về nền văn-minh hiện-đại Bernard Shaw cho đó là căn bệnh phát sinh do sự dùng cật-liệu mục nát để kiến-tạo xã-hội.
La civilisation est une maladie produite par la pratique de bâtir des sociétés avec des matériaux pourris.
Sở dĩ có sự đổ vỡ tan hoang vì người ta không hiểu và áp dụng được câu "Kiến-dụng hoàng-cực"°°
"Kiến-thiết phải dùng hoàng-cực", và chỉ nên dùng hoàng cực làm tiêu chuẩn. Đó là ý câu nói trong Hồng-Phạm: "duy-hoàng tắc cực", cái đạo con người chỉ nên tìm trong sự làm việc cho tới chỗ cùng cực dựa trên thẩm cung lòng mình. Phải, muốn kiến-thiết bất kỳ là đạo làm người, văn-hóa, tinh-thần, quốc-gia, chính-trị v.v… nếu không đào sâu xuống tận hoàng-cực mà lấy vật-liệu, thì rồi cũng là làm việc vô ích. Vì nói theo cung Hồng-Phạm thì chỉ có vào vòng trong, vào tận Hoàng-cực mới tìm ra những vật-liệu kiên-cố "des matériaux si solides" (như W.Durant nói về nho-giáo) Vì chỉ sự trung-tâm vô-hình đó mới có kho minh-triết phong-phú. Đấy mới là kho uy-linh huyền-diệu luôn luôn nổ lên, tung tóe ra sức mạnh làm thành muôn vật mà Kinh Dịch gọi là "sinh sinh chi vị dịch". Dùng hai tiếng sinh sinh để chỉ sinh liên tiếp, liên tục sinh: và vạn-hữu sở dĩ trường-tồn được chẳng qua là do nguồn sinh sinh khởi phát tự trung-tâm Hư-linh Huyền-diệu đó tiếp-tế nhiên-liệu căn-cơ, nếu không thì sẽ sụp đổ, tuy dầu những người kiến-thiết văn hóa có đầy thành tâm thiện-chí đi tìm "nền móng bất khả di chuyển" (funddamentum inconcussum nói như Descartes, Kant, Hegel, Marx … ) mặc lòng, nên văn-minh duy-lý của họ đang nghiêng ngả và bị lay tận gốc rễ để rồi chắc chắn sẽ theo gót bao nền văn-minh lý-trí trước kia đã chui vào mồ: La-Mã, Hi-Lạp, Ai-Cập, Babylon, Chaldée, Mésopotamie… Ngược lại trong số gần ba mươi nền văn-minh các sử-gia lên sổ được thì đến nay còn lại có vài ba, trong đó có nền văn-hóa của Viễn-Đông. Khi khảo-cứu thấu triệt để tìm ra thứ xi-măng nào có sức nối kết bền bỉ nọ thì ta nhận ra đó là thứ xi-măng của hãng "Nhân Bản tâm-linh". Chính tâm-linh mới là chất-liệu bền vững cho đời sống xã-hội cũng như cá-nhân.
Phải đến một tuổi nào đó khi chúng ta đã sống đủ để nhận thức được rằng trên đời này không có cái chi hoàn toàn tuyệt đối cả: cái dở cũng như cái hay thường mung-lung khó phân-định giới mốc, nên bao nhiêu xây đắp kiên-cố đều sụp đổ… Cuối cùng chúng ta nhận ra chỉ có cái nội Tâm là đáng chú-ý, đáng y-cứ như cái tiêu-chuẩn và lúc đó chỉ còn có nó mới có thể ban cho ta an-lạc và tiếp nhiên liệu cho ta hăng say vui sống: gây cho ta những phút thần-tiên, sảng khoái, khiến cho ta như sờ thấy chân-lý ẩn trong câu "Hoàng cực chi phu ngôn, thị di thị huấn"!Vu Đế kỳ huấn". Hồng-Phạm IV, 14 °° những lời phô bày quả diễn lý lẽ về đạo chí trung chính là đạo thường, là lời dạy trung thực, lời dạy từ Thượng-Đế tuyên dương ra". Đó là ý lời "Duy hoàng tác cực" chỉ có đi vào tới chí Trung mới đạt được Cực. Hoàng là vàng là màu của Trung cung, chỉ có Trung mới đạt được Dung, chỉ có trở lại với nội-tâm mới tìm ra tiêu chuẩn vững chắc.
Đây là một chân lý căn-cơ nhắc nhở trước những đổ vỡ tan hoang đang diễn ra khắp nơi nơi. Bao nhiêu giá-trị cũ đang bị lay chuyển. Đột nhiên con người nhận ra sự xa lạ giữa mình với vũ-trụ, với tha-nhân, với Thượng Đế và bi đát hơn nữa là với chính mình: je suis étranger au monde, à Dieu, aux hommes et à moi-même! Và lý do xa lạ đó là vì tất cả nền văn-minh hiện đại đã được kiến-tạo bằng những vật-liệu nông cạn vòng ngoài, cục hạn, không thấy mối đại-đồng, mà chỉ toàn thấy tiểu-dị-đa-tạp, làm sao không cảm thấy xa lạ hoang vắng?
Để thoát nạn đó cần phải trở lại với căn-cơ của Thời-Không nội tâm lòng mình, đi vào cho đến lúc cảm nghiệm được câu "ngô tâm tiện thị vũ trụ" thì sẽ đủ khả năng khai quật lên những nhiên-liệu tâm-linh để xây nền văn-minh mới, xây ngôi nhà văn-hóa giúp con người đạt nhân tính thái thất.
2. Thái Thất
Triết-học lý-niệm khác triết Nho ở chỗ hầu không nói đến "nhà". Đấy cũng là quan-niệm què quặt về chữ thời. Vì Nhà trong Triết chỉ nhân tính, mà quan niệm thời đã bị không-gian-hóa còn đâu là nhân tính vì nhân tính là tương dịch không Thời bao gồm cả ngang cả dọc. Với quan-niệm hàng ngang thì cho dù có cộng hết các mặt phẳng trên vũ hoàn lại không trông làm nên được nhà là cái gì từ bản-chất đòi phải có yếu-tố dọc, yếu tố đi lên, dựng đứng vertical: Hiện tượng luận nói rằng: "nhà được mường tượng ra như cái gì đứng thẳng. Chính sự đứng thẳng đó làm cho cái nhà khác biệt, nó kêu gọi chúng ta ý-thức đến chiều dọc tức là sự thâu dồn lại, chữ "nhà" thúc đẩy chúng ta phải nhận-thức được sự qui hướng vào nội tâm.
Sự tập trung vào hàng dọc được bảo tồn do lưỡng-cực là kho hầm-gác-lương, nó mở vào hai chiều hướng rất sâu xa và khác biệt: những tư-tưởng minh bạch thì ở nóc thượng-lương nơi mà người ta thích thú nhìn ra được bộ sườn vững chãi, như được tham dự vào cơ-cấu bền chặt của hệ-thống cột xà. Còn dưới hầm thì ngoài những lương thực được tích chứa, trước hết nó là một hữu-thể âm u, ăn thông với những năng lực nằm ngầm ở dưới, tức là tiềm-thức". Mấy dòng trưng lại trên đây gíup chúng ta nhìn nhận ra căn-do tại sao triết-học lý-niệm không nói đến nhà, chính vì không thể nói tới, bởi nhà có "gốc rễ vũ-trụ" thì phải có trục gọi là "tí ngọ" (thủy hỏa): phải hội được cả hầm chứa tức chiều sâu của tiềm thức và cái dọc tâm-linh là hai chiều-kích vắng bóng trong triết cổ-điển. Thiếu những yếu-tố đó (thuộc Hoàng cực) làm sao nói được về nhà, và giả có nói thì làm sao nói được cách trung-thực.
Sự kiện không nói về nhà có những hậu quả sau đây:
Trước hết vì không nói đến nhà, nên không có nền móng đích đáng cho gia-đình (xã-hội dựa trên cá-nhân chứ không trên vợ chồng âm-dương); bởi thế trước đây nổi lên trào lưu ghét bỏ gia đình mà chúng ta được nghe chẳng hạn trong câu nói của André Gide: "Oh famille! je vous haðs". Hỡi gia-đình ta ghét ngươi (Tự-lực văn-đoàn chịu ảnh hưởng này đến đâu? Đó có thể là một đề tài).
Thứ đến tiếp vào sự ghét bỏ là chối tuột gia-đình vào câu "vô gia-đình" đứng đầu trong thuyết "tam vô" của người mác-sít là phát-nguyên tự triết-học lý-niệm vốn không có nền tảng gia-đình..
Sau cùng cứ kể chung ra thì con người thời nay cảm thấy một trạng-huống bất an và tiếng la bi thảm của con người hiện-đại là không có nhà. Đó là một tâm-trạng thường xuất hiện mỗi khi có cuộc khủng hoảng tinh-thần như thời chiến-quốc Khổng-tử nói về tình trạng đó rằng ôi con người không bằng con chim huỳnh điểu sao? Chim biết chỗ đậu, còn con người không tìm ra chỗ an trị sao?"ư chỉ, trikỷ sớ chỉ, khả dĩ nhân nhi bất như điểu hồ" Đại học 3 °° Con chim có tổ con người không có chỗ.
Vì những lý do trên nên ta thấy triết-học hiện đại nhất là nơi Heidegger năng nói đến nhà (Heimat) về bi trạng con người khong nhà (Đức ngữ kêu là heimatlosigkeirt). Vì thế chúng ta được hoan hỉ biết bao khi trở lại nền cổ học nhận thấy tiền-nhân đã đề cập đến nhà rất nhiều và một cách khúc chiết qui-mô đến độ gọi là Thái thất: nhà trên hết các nhà.
Bachelard viết rằng: "nhà là một trong những khả năng thâu hóa mạnh mẽ": "une des plus grandes puissances d'intégration" thì huống chi là thái thất nó là một sức sâu hóa trên hết đến nỗi che được cả Đất, Trời. Người không chịu để cho vật lâm cảnh màn trời chiếu đất: heimatlosigkeirt.
Paul eluard viết: (Póetique de l'espace p.5).
"Quand les cimes de notre ciel se rejoignent ma maison aura un toit": "Kkhi hai cực của Trời Đất giao nhau (Thời không đúc kết) thì nhà tôi sẽ có mái". Có mái thì nhà hết dột, tức hết mâu thuẫn kình chống và trở nên nơi an toàn cho tứ hải đồng cư.
Nhà như thế mới bảo toàn được cả thân tâm, để người ở không bị đánh mất gốc "vong thân, vong bản".
Vậy chúng ta xin phép được vào thăm nhà. Nhưng nhà này không tiếng không hơi: vô thanh vô xú, xem không thấy, lắng không nghe, không thể giới thiệu từng căn.
Thái thất không có ngăn phòng. Thấy trên giấy có phòng và đặt tên thì đó chỉ là phương tiện biểu-tượng cụ-thể phải làm thế, không lẽ viết tất cả mọi chữ vào một lô, và mọi hình vào một chỗ, có khác gì viết ra rồi xoá đi nên đành phải vẽ rời ra từng ô: bó buộc phải không-gian-hoá spatialiser. Nhưng chớ bao giờ quên đây là nhà vượt không gian, nhà lý tưởng chỉ bản tính đồng nhiên của con người tạm gọi là nhà Minh đường, chứa "minh đức" mà người vào đại học phải làm cho "sáng" ra.

*

Hình trên cho ta thấy nhà chia năm căn, nói lên đường đi của ngũ hành, là hình "thập-tự nhai" là đường đi "của mặt trời" nên cũng gọi là thiên đạo gồm bốn hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây.
1._ Căn bắc hành thuỷ cũng là đêm gói muôn vật vào cái màn âm u gọi là Huyền Đường.
2._ Căn Nam hành hoả sáng soi gọi là Minh-Đường.
3._ Căn Đông hành mộc màu xanh nên gọi là Than Dương.
4._ Căn tây hành kim phân cắt rõ rệt nên gọi là Tổng Chương.
5._ Căn giữa là cột trụ của thời không, của vũ-trụ, nơi hội-thông của Đất-Trời-Người nên gọi là Thái thất.
Như vậy Thái Thất chỉ người đã thực hiện được nhân tính lý-tưởng, không còn chi ngăn cách dù là cái chết của xác thân, nên tuy chết mà tinh anh vẫn còn hiện diện, nên Thái-Thất cũng là Thái-Miếu, là nơi thờ Tổ Tiên, nơi thờ Văn-tổ: nơi biểu thị sự vượt không-thời-gian, để cho các thế-hệ thông-giao trong mối tình linh-diệu. "Nhập ư thất" như vậy cũng có nghĩa như là tận kỳ tính, mà tận kỳ tính là "tri thiên, tri địa tri nhơn cập vật giả". Là vì Tam-Tài nhưng qui lại Nhất-Thể. Cảm thông được tức là thấy được chốn hội-thông của "tam gia tương kiến": ba nhà xem thấy nhau có ý chỉ tam tài quán thông, hoặc nói như Kinh Dịch là "thiên địa chi tâm" cái tâm của thiên địa, cái ý-thức rộng như vũ trụ: conscience cosmique. Tất cả đều đập theo một nhịp, nhịp của một âm một dương, một ra một vào, một động một tĩnh. Hễ khi nào tâm mình nhịp được với cái tiết điệu Thái-hoà đó thì nó sẽ cảm-thông với vạn vật, sẽ "cùng lý, tận tính dĩ chí ư mạnh". (Thuyết quái 1). Câu ấy có ba chữ lý, tính, mệnh cùng với ba đợt nhà Minh-Đường giúp ta suy tư về ba trạng thức của con người trên quá-trình tiến-hoá được biểu thị trong đồ biểu nhà Minh-Đường vì thế ta thử khai triển ở đây.
Nhà Minh-Đường có ba tầng là Huyền-Đường, Thái-Thất, Minh-Đường. Đó là khung tiên thiên đễ biểu-thị quan-niệm nhân bản ba từng là:
Cá nhân ở Huyền-Đường °°
Nhân sĩ ở Thái Thất °°
Thánh nhân ở Minh Đường °°
Với đợt có ba đợt tâm-thức đi kèm theo mà chúng ta lần lượt tìm hiểu.
1. Bước đầu tiên là Huyền-Đường. Huyền-Đường đây theo nghĩa là đen tối, vì còn bị nhiều che lấp của cá-nhơn nên nghĩa vụ ở chặng này là phải vượt ra khỏi những cái nhỏ bé là những bước đầu tiên mở rộng tâm-thức để chiếu tỏa yêu thương ra chung quanh mình. Đây là đợt còn dày đặc cá-biệt-tính tức là tư-duy tư-dục (vòng tròn bị chia ra 64 độ) nên còn lờ mờ đen đặc, muốn trút bỏ dần cần phải trút bỏ dần á-biệt-tính. Cơ-cấu xã-hội cũng giúp vào đó phần nào thí dụ như đợt đầu tiên là lập gia-đình, con người ra khỏi cá-nhân riêng rẽ để mang lấy trách nhiệm của một tập thể đầu tiên là gia-đình. Ta có thể nhận thấy sự ngăn cách giữa hai cá nhân lúc này đã là vợ chồng. Trước hết là thuộc xác thân: "cả hai nên một xương một thịt", với những sự thân mật "cấm ngoại thuỷ không ai được biết"… người yêu nhau như tan hoà vào một chủ-thể: như những kiểu nói hồn-nhiên đột-khởi: ai, mình, nhà tôi, không có đường phân ranh rõ rệt. Ai nào? Mình nào? Đừng có hỏi. Đấy là chủ-thể lờ mờ rất dễ biến mất trong nhiều câu. Thí-dụ chàng hỏi: canh ngọt quá ai nấu vậy? Nàng thưa: nấu đấy… Những câu kiểu đó không chủ-từ mà dễ hiểu hơn có chủ-từ (subjet) vì chủ-từ đã dồn lại khá sâu hết còn gì che lấp. Đôi khi có thể đi lên nữa cho đến một độ người nghĩ gì người kia hiểu được như một số vợ chồng cùng tu luyện một phương-pháp. Tuy số này hiện nay còn họa hiếm, nhưng chúng ta có thể thấy lờ-mờ khả-năng trong những hiện tượng thần-thông cách cảm: mẹ nhớ con quá, thì con ở xa hàng vạn cây số có thể thấy rạo rực băn khoăn có khi nấc… Mẹ thầy Tăng tử cắn ngón tay ở tại nước Sở mà thầy Tăng đang ở nước Lỗ động tâm. Khổng Tử có cái thành của trò Sâm tinh cảm vạn lý. Tâm lý hiện nay gọi là "empathie" tức sự cảm thông với người khác. Communication affective avec autrui như mẹ hiểu con cần gì. Đó là những dấu bên ngoài còn kèm theo cảm xúc như rạo rực để chỉ một trạng-thái tinh-lọc hơn mà con người sẽ cảm thấy khi lên đến Thái Thất.
2. Thái-Thất là tầng của Nhân-giả, con người vượt qua những công-hội nhỏ bé như gia đình, làng mạc để đi đến quốc-gia và quốc-tế. Cho được thế thì tâm-thức cần đạt tới nền tảng của nhân-tính (nên nói tận tính) là cái nền nhân bản chung cho hết mọi người.
Trạng-thái thứ hai này được biểu thị trong hình Phục-Hi-Nữ-Oa quấn lấy đuôi nhau. Đuôi là chỗ cùng cực của sự vật mà theo Trang-Tử thì là Đạo. "Đạo vật chí cực"°°: Đạo là chỗ chí cực của sự vật, tức là đợt Minh-triết, vì Minh-triết là cách vật: đi đến cái cùng cực của sự vật. Khi lý đã cùng thì tất tận tính hay là đạt trạng-thái thứ hai là hiểu được bản-tính, đồng nhiên của con người muôn thuở, con người Đại Ngã tâm linh.
Đấy chính là lý-tưởng mà các nhà chính-trị thấm nhuần đạo-lý theo đuổi nhằm biến người trong nước nên như một nhà, và bao dung khắp nhân-loại trong mối tình huynh-đệ phổ-biến. Lễ-Vận nói: Thánh nhơn họp thiên hạ thành một nhà, hợp Trung Quốc thành một người". Đó không phải là do ý vậy. Ắt phải biết cái tình, hiểu tinh tường cái nghĩa, biết rõ ràng cái lợi, đạt đến được sự lo, sau đó mới hành động được". °°
Thánh nhân nại dĩ thiênhạ vi nhất gia, dĩ Trung quốc vi nhất nhơn giả, phi ý chi dã. Tất tri kỳ tình, tỷ ư kỳ nghĩa, minh ư kỳ lợi, đạt ư kỳ hoạn, nhiên hậu năng vi chi". Đó là một trong những tang chứng của một cố gắng trên đường tiến-hoá, đi từ cá-biệt tư riêng cho tới thế-giới đại-đồng, để rồi cuối cùng, cảm thông được cả thiên địa vạn vật là nhất thể. Tuy nhiên muốn có trung-thực tính thì không thể bên ngoài đòi một thể trạng cân xứng. Não trạng cần mở dần để có thể bao dung trước hết là đồng-bào rồi đến nhân-loại được biểu thị trong tầng hai bằng Thái-Miếu, nơi tâm-hồn gặp gỡ ông Bàn-Cổ tức là tính bản-nhiên con người uyên-nguyên. Với những tâm-thức đang tiến về đợt này thì câu "tứ hải giai huynh đệ" có một nội-dung thâm thiết. Nó gây cho tâm-hồn cùng rung nhịp với Đại ngã tâm-linh. Cho nên thánh nhân thường hiểu được ngôn-ngữ khác nhau, không phải là qua âm thanh bên ngoài nhưng từ tiếng nói nét mặt mà có thể hiểu được trình-độ tâm-trạng của người nghe không những hiểu mà còn cảm thấy hứng-khởi hăng say yêu đời. Được như thế là do nguồn sống của bậc thánh-nhân truyền sinh lực sang cho.
Trạng-thức này xa biết bao với những hạng bị tù túng trong tư kiến, tư dục mà nho-giáo kêu là "Ma mộc bất nhân" trơ cứng như gỗ bất nhân; nhẫn tâm xây hạnh-phúc trên đau khổ của đồng bào mà lòng trơ trơ khô cạn co quắp trong cái kén tiểu-ngã.
Là người đó còn quá bị ngăn che do những ý nghĩ nhỏ nhen nên thiếu sự thông-cảm huynh-đệ, mà Kitô giáo kêu là communion des saints và ngày nay hay chỉ thị bằng những chữ koinonia: Communion fraternelle, và chắc chắn đó sẽ là một đức được chú trọng nhất trong những thế-hệ đang tới. Dầu sao thì đó cũng là quá-trình tiến-triển của tâm-thức nhân-loại mà chúng ta cần phải đẩy mạnh đà tiến.
Triết-lý nhân-sinh khác triết-học lý-niệm ở chỗ trọng tâm tình, coi tâm tình như những bậc trước thềm nhà giúp cho con người nương theo đó để bước lên đặng "nhập ư thất". Vì thế nên có những phương-thức gọi là tâm-thuật, tức là những đường lối đưa đến cái Tâm, đại đồng cái thiên địa chi tâm. Đường lối đó là những tâm tình thông-cảm hoặc thấp hơn nữa là những xúc cảm có tính chất cộng thông, đều được nuôi dưỡng ấp ủ. Mạnh Tử gọi là "trắc ẩn, nhân chi đoan dã": lòng cảm xúc động tình thương xót chính là đầu mối dẫn tới cái Tâm bao la. Vì không phải cái biết trí-thức trừu tượng có thể biến đổi tâm-trạng con người nhưng chính là sự biết đi kèm với những tình tứ nóng hổi mới chuyển hoá được tâm trạng mà sự biến-chuyển tâm-trạng là cốt yếu của triết-Đông là nền triết đi từ tâm trạng này đến tâm trạng khác (d'état en état et non de la pensée en pensée như trong triết-Tây): chứ không từ ý-niệm này đến ý niệm khác vì đó chỉ là ý hệ một sự chạy trên cùng một chỗ. Vì vậy mà cần chú ý đến mối-tình đầu, phải bảo toàn chăm sóc, kẻo sau này mất rung cảm.
Có những kẻ lần đầu thấy máu người hay là máu con vật chảy ra thì lòng xốn xang bứt rứt, đó là những tiếng lương-tri phát-xuất từ mối tình huynh đệ ẩn sâu trong lòng và lẽ ra phải được nuôi dưỡng (gọi là tồn âm dưỡng tính), nhưng nếu không chịu giữ gìn hoặc vì nghề nghiệp chẳng hạn làm công-an qua mấy lần tra tấn tù nhân nên không giữ được tâm-thuật thì lòng đâm ra dạn dũa và cuối cùng trở thành "ma mộc": không còn biết cảm thương. Mà mối tình cảm thương đã tê-liệt, thì những lý lẽ về đại-đồng có còn gây rung cảm nổi chăng. Bà mẹ Mạnh Tử phải rời nhà xa chợ để tránh cho con không thấy súc vật bị giết tỏ ra là một nhà giáo dục có tâm lý sâu xa vậy. Đái Chấn tỏ ra trung-thành với Truyền-Thống khi viết: "Lý dã giả tình chi bất sảng thất da. Vị hữu tình bất đắc nhi lý đắc giả dã. Vị hữu tình bất đắc nhi lý đắc giả dã" °° (Thục V.408). "Lý là tình không sai lầm, chưa từng có tình không đạt mà lại đạt lý vậy"… Bởi đó nên triết nhân-sinh mới đặt quan trọng vào tình nhiều hơn vào lý. Và tìm cách hàm dưỡng những tình cao-thượng không bám lấy lý chỉ được coi như sự quan sát ở vòng ngoài, còn dính liền với màu sắc đa-tạp, nhưng cố-gắng đôn-hậu tình trong hầu: "tinh nghĩa nhập thần" tức đạt trạng-thức mà Vương-dương-Minh gọi là "chiêu minh linh giác xứ", là nơi "chúng vật chi biểu lý tinh thô vô bất đáo, nhi ngô tâm chi toàn thể đại dụng vô bất minh hỹ. Thử vị vật cách" (Đ.H.5): khắp hết vạn vật ngoại nội, tinh thô không còn chi thấu triệt, mà cái tâm ta lúc đó dùng ra muôn sự vật đều được minh bạch cả. Đó gọi là "cách vật" cũng chính là bước vào đợt thứ ba biểu-thị bằng Minh Đường, cũng chính là đạt tới Đại-ngã "Le moi cosmique" tức cái Ngã vô-biên-cương, bao hàm muôn loài, tất cả chúng vật đều là huynh đệ như Saint François gọi "em heo chị bò" hoặc như phật Tổ gọi tất cả chúng sinh hay như Christ lý-tưởng trong tư-tưởng của Teilhard de Chardin; vì mọi biên-cương phân ranh biệt giới như bị xoá bỏ hết. Với người trần tục thì mới có liên-hệ: nó và tôi "moi et cela". Vào chuyến Huyền-Đường thì ra: Tôi và nhĩ (Je-tu) lên tới Thái-Miếu thì cả hai đúc lại một là chúng ta: "Lạy cha chúng tôi". "Không còn là tôi như là chúng tôi", là nous, là nhân-sinh tứ hải. Cuối cùng vào đến Minh-Đường thì chỉ còn là một luồng sống mênh mông không cục hạn phân ranh ngăn cách nữa, nhưng chỉ còn là dòng sống đại-đồng lưu thông khắp hết, nên Mạnh-tử gọi là thiên dân: citoyen de l'univers. Đấy là lúc mà kinh dịch gọi là "Thánh nhơn dữ thiên địa hợp kỳ đức" (quẻ kiền).
"Thánh nhơn cùng với trời đất dự vào một luồng sinh lực, một tính thể mà theo Hệ từ nói": "nó bao quát khắp cuộc biến hoá của thiên địa mà không sai quá, kết tinh vào muôn vật đặc thù mà không sót mảy may, biết thấu suốt cả đường lối vận hành ngày đêm sáng tối. Do tính chất phổ-biến dường ấy nên nói thần không có phương, mà dịch không có hình để nhất-định: "phạm vi thiên địa chi hoá nhi bất quá, khúc thành vạn vật nhi bất di, thông hồ trú dạ chi đạo nhi tri. Cố thần vô phương, nhi dịch vô thể" (H.T.4)

*

Đại để đó là mấy nét nói lên bề thế cao sâu và rộng dài của ba tầng Thái-Thất hợp cho quan- niệm nhân bản ba tầng. Nhà mà dung thông được cả Đất, Trời, Người, sáng tối, quỷ thần thì quả là rộng xiết bao, hợp lý chừng nào. Khiến người ở hết bị cảnh cô-đơn trống-trải. Quả đáng tên là Thái-Thất vậy.
Để tóm lại mà nói thì tính tự dưới trở lên ta có trước hết.
1. Căn Huyền-Đường là chăng đầu tiên trút bỏ những tư ý tư lợi của tiểu-ngã cá nhơn, bậc mà Khổng-Tử gọi là "thăng đường" khi nói về Tử Lộ mới thăng đường mà chưa nhập ư thất. Đó là độ nhằm xoá bỏ sự xa cách giữa người với người.
2. Đợt nhì là "nhập ư thất" gọi là Thái thất chỉ sự mở rộng tâm-thức để dung thông tất cả loài người bằng một mối tình nhân-ái chân-thực, không môt phân cách nào. Vào tới đây thì không còn óc khai-thác bóc lột của tâm-trạng chiếm-đoạt: Avoir là tâm não thường của người ở ngoài nhà, nhưng đi vào Être của tâm trạng nhân-giả.
3. Đợt ba là Minh-Đường của thần-hoá của cách vật trí tri, xem thiên địa vạn vật là Nhất-Thể với Nội-tâm đại-ngã, hay là "thiên địa chi tâm" tức là ý-thức vũ-trụ: conscience cosmique. Đó là đợt của Thánh nhân, Thần-nhân, Chí nhân. Từ đây vạn vật hết còn li cách, nhưng tất cả đều hỗ tương thẩm thấu, hợp với căn Tổng chương có nghĩa là biết thấu vạn-vật (trí tri tại cách vật). Đó là hậu quả của căn đông hánh mộc, màu xanh nên gọi là Thanh Dương, chỉ sự thanh- lọc, tinh-luyện tâm hồn là điều kiện thiết-yếu để đạt chốn hội-thông Trời-Đất-Người để cảm thấy rõ ràng "Vũ-trụ tiện thị ngô tâm" và "vũ-trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự, Kỷ phận nội sự vãi vũ trụ nội sự"°°
Việc trong vũ-trụ tức là việc phận mình, mà việc trong phận mình cũng là việc trong vũ-trụ, không thấy phân-biệt, và chính trong bầu khí này mới hiểu được những câu "học dĩ tế thiên nhơn" hay như lời Trương Tái sau đây:
Vị thiên địa lập tâm °°
Vị sinh dân lập mệnh °°
Vị vãng thánh kế tuyệt học °°
Vị vạn thế khai thái bình °°
(Cận tự lộc thập quí): vì thiên hạ mà lập tâm. Vì dân sinh mà quyết cải-thiện đời sống xã-hội.Vì tiên thánh mà quyết nối cái học xưa bị đứt quãng. Vì vạn-vật mà khai mở ra căn để cho cuộc thái-bình". Cái dự-phóng đó thật là bao trùm khắp vũ-trụ, nó là tâm-trạng những người cư-ngụ trong thái-thất.
Đó là vài ý-tưởng nhằm khai-triển cái lược-đồ đã nêu trên kia: cùng lý ở Huyền-Đường, tận tính con người ở Thái-Thất. Khi vào cùng cực thì "dĩ chí ư mệnh" ở Minh-Đường, đạt chí-trung nên có thể chí-hoà: hoà trời, đất, người vào trong nhất-thể.
Đó là đại-ý:Tam Tài Nhất-Thể" một chân-lý phổ-biến của Truyền-thống nhân-bản tâm-linh mà xưa kia đã cùng xuất-hiện trong nhiều tôn-giáo: ba Ngôi trong Ki-tô-giáo, Trimurti trong Ấn-giáo, tam thân trong Phật-giáo, và biểu-tượng cách đồ sộ ở đền Đế-Thiên bằng những tượng khổng lồ "Ba mặt một đầu", để cụ-thể-hoá "Tam vị Nhất-thể", nhưng không đâu giữ được vị trí cho người bằng ở Tam tài vậy.
3. Ở đời
"Quand Holderlin parle "habiter" (vohnen), il a en vue le trait fondamental de la condition humaine". Khi nói "Ở Đời" thì Holderlin nhắm tới cái nét căn-bản của thân phận con người."
Heidegger
Ở đời bao hàm ở với, ở đâu, ở cách nào.
Ở đời vì thế trở nên một nghệ thuật đòi lắm công phu. Thi sĩ Holderlin nói: "Con người mà giầu không nghiệp thí chính vì ở đời như một thi sĩ". Riche en mérites, c'est poétiquement pourtant. Que l'homme habite sur cette terre".
Ai chả muốn giầu danh nghiệp, nhưng ở đời như thi sĩ là ở làm sao thưa thi bá Tiên-Thiền".
Đáp "Đội trời, đạp đất ở đời"
Ủa! Hỏi cụ ở đời sao lại có kiểu thơ mộng trời đất chi đây?
A! hiểu ra rồi: cũng cái kiểu của Khổng Tử chứ gì? Khi "Nhan Uyên vấn "Vi Nhân", thì Tử viết: khắc kỷ, phục lễ vi nhân. L. n XII. 1: °°
Con người đâu phải chỉ có cái thân bé nhỏ này, nhưng còn một chiều kích mênh mông như "thiên địa chi đức", mà đó là điều con người hay quên đi. Vì thế mà cần phải "chinh phục lại mình: cần phải khắc kỷ" nghĩa là trước hết phải nhận thức ra mình là "thiên địa chi đức", rồi sau phải cố gắng để thâu hoá về cho mình cái đức đó để cái tiểu ngã nhường chỗ cho Đại-ngã. Thiếu việc khắc-kỷ đó là giam mình trong lao tù chật hẹp, thì còn đâu nữa mà "ở đời" cách thanh thoát như thi nhân. Muốn ở như thi nhân thì trước hết phải phá hàng rào tiểu ngã, cái đó các cụ xưa người thì gọi là khắc-kỷ, người thì gọi là đạp đất. Khắc-kỷ là chinh phục lại cái kỷ chân thực của mình đã bị sự vật cướp đoạt đi và thay vào đó là cái kỷ giả tạo, cái "ích kỷ hại nhân" thế mà mình không hay biết, lại cứ dương dương tự đắc ra phết ta đây là kỷ là người, mà thực chỉ là cái ngợm. Cần nhận thức ra việc tráo "vút chân rùa đó" để chinh phục lại cái kỷ gọi là "khắc kỷ". Như thế khắc kỷ cũng chính là tận kỳ tính. Tận kỳ tính khác hẳn với việc khuấy động trên bề mặt của "con vật biết suy lý". Cho mãi tới thế-kỷ này mới nhận ra con người không chỉ có thế, mà còn có cả tiềm-thức ăn sâu vào "lòng đất" và thân xác cũng chính là Người …
Từ đó mới mọc lên những sách viết về xác thân, và "thần học của các thực-tại trần-thế" (théologie des réalités terrestres de Gustave Thills. Desclée de Brower 1949). Nhờ đó ta mới hiểu rõ "Đạp đất" ra sao, nó cũng cùng một dòng tư tưởng như "an thổ đôn hồ nhân" vậy. Phải mất từng vài ba ngàn năm mới lại hiểu ra chỗ thâm thuý của người xưa. Chả trách Hồng Phạm nói: "là sẽ giúp cho biết ở chỗ của mình! Tương hiệp quyết cư" °° (Hồng phạm tiết 3).
Mới đọc ta có thể phát cáu nói:"việc chi mà phải giúp, cất nhà lên mà ở chứ có khó chi đâu mà phải giúp. Nhưng nhìn sâu vào mới nhận ra con người hiện đại toàn một giống tu hú ở nhờ tổ quạ, chứ có phải ở nhà của mình, của chính con người đâu. Thế mà chỗ ở định-tính con người: "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"! Dài hay tròn đều không phải là con người. Vì người là một giống lưỡng-thê: có tròn mà cũng có dài, nay đầu không đội được trời, chân không đạp được đất thì hoá ra loài "đầu không chít mà đít không chằng" một loại trốc gốc đã mất khả năng "giao lạc hồ thiên, giao thực hồ địa" thì còn chi nữa mà gọi là ở đời. Chỉ còn là một "tĩnh vật" ù lì, nằm trải dài sát bụng tim gan vào đất. Nằm đất thì đâu có phải ở đời. Vì vậy mà phải đạp đất, cho thấu đến chỗ thâm sâu "bác hậu khả dĩ phối địa" T.D.26.
Còn trời thì phải đội được cho dính sát vào đầu vào óc như một chiều kích thâm sâu của con người. Trời không đội được là khi coi trời như cái chi xa tắp tít ở đâu, và trời chỉ còn là một tiếng trống rỗng thiếu âm vang sinh-động. Cái thứ trời đó đâu có vừa tầm với của tay nữa mà gọi là trời. Chỉ là đội trời khi trời linh-động được tôi, khi tôi đi thấu vào trời đến chỗ cao sáng phối hiệp với"cao minh phối thiên" T.D 26. Có thế mới gọi được là ở đời. Câu nói của cụ Tiên Điền thật đáng suy nghĩ xiết bao.
Tuy nhiên vì câu nói của Thi hào nên nhiều người chỉ đứng dừng lại ở vòng văn-hoá nghệ-thuật mà không chịu đi sâu, để đào cho ra nội-dung triết-lý. Nếu làm vậy chúng ta sẽ thấy nó hợp với câu của Khổng-Tử "khắc kỷ, phục lễ" mà ta cần xét lại theo một khía cạnh nữa. Khắc-kỷ là gì? Thưa là chinh phục lấy cái tôi. Ai bắt mà chinh phục. Thưa là Đất hiểu theo nghĩa vật chất không gian. Khi con người không biết đạp đất để mình chìm dần xuống thì đất lấn lên làm ngạt thở tâm thức, làm tắt lịm đi những mối tình cao khiết. Khi tình người đã tê-liệt thì người tất trở thành những người máy tiếp xúc với nhau toàn bằng da mỏng da dầy, mà mối tình thâm chân thực đã cạn khô. Có gì hàm-dưỡng tình mà tình chả cạn khô. Khi tình đã cạn khô thì làm sao gây nổi âm vang trong tâm thức. Con người trở thành những cơ-khí tuân theo trọn vẹn biện-chứng duy-vật của ích-dụng, hoàn toàn trong vòng-hiện-tượng, dính sát vào cuộc sống sinh-lý để quên hẳn đi bản-gốc của mình. Như thế gọi là Vong thân. Khi thân đã vong đã mất thì cần được chinh phục trở lại, cần được "khắc kỷ". Muốn khắc kỷ thì làm thế nào? Thưa phải "phục lễ". Phục lễ phải hiểu phục cái Tiết-Điệu căn-cơ sinh, sinh bất tức. Nói Tiết-Điệu căn-cơ là có ý gảy ra ngoài lối hiểu hẹp-hòi khi đồng nhất lễ với phong tục này tập-quán nọ như nhóm hương-nguyện quen làm.Trái lại với triết-lý phải hiểu chữ Lễ theo nghĩa uyên nguyên mà đọc thấy trong dạng tự chữ Lễ kép bởi chữ thị °° chỉ thần Đất hoặc "chỗ thông hội của cả tư bề" như một nghĩa khác của chữ thị. Muốn giữ lễ cho cân xứng trình độ triết-lý thì phải vươn tới đó, tới đợt mà Kinh Dịch gọi là Hội Thông, thì mới hiện-thực đúng câu phục lễ. "Quan kỳ hội thông dĩ hành kỳ điển lễ" H.T VII °°. Phải đạt tới chỗ Tam-Tài thì mới hiện thực được cái Lễ lý-tưởng (điển-lễ) của mình, tức là của Người viết hoa và như vậy tức là "vi nhân" rồi đó.
Bởi chưng "vi nhân" chímh là đạt tới chỗ "tam gia tương kiến", hiểu được máy tạo-hoá huyền-vi có tròn khuyết đầy vơi, nóng lạnh "đắp đổi", để mà "giá" mà "sắc" gieo ra cũng như gặt vào: triển nở cũng như tàng ẩn, như đã được biểu-tượng trong hình hai chữ Vạn Vãn °° hàm tàng trong khung Hồng Phạm. Xem hai chữ đó chúng ta mới hiểu ra "Vi nhân" cũng như "ở đời" cốt cán là thiết lập được mối tương-quan căn-để giữa thời không, giữa trời đất sao cho Người cùng được phần tham dự như một đấng làm Vua, có quyền "dữ thiên địa tham". Xếp đặt cho cả Trời-Đất-Người ổn thoả: được như vậy là "thiên địa vị yên" và "vạn vật tịnh dục nhi bất tương-hại". Trời đất được đặt đúng vị trí thì vạn vật đều cùng nhau chung sống an vui mà không trở lại làm hại nhau. Ngược lại Bắc Nam tương diệt tương sát như nay thì truy căn ra cũng vì thiên địa chưa có vị yên. Và con người chưa biết ở đời. Vì ở-đời là hiện-diện khắp vũ-trụ (habiter c'est être présent au monde) chứ không ngưng đọng ở Trời hay Đất: Duy- vật hay Duy-linh: ở ù lì một bên sẽ dẫn đến tương-oán, tương-thù, tương-khắc, tương-diệt còn đâu là thanh-thoát như thi-sĩ: ở đời như con bướm bay lượn giữa muôn hoa đầy hương sắc, như kiểu "cái thân ngoại vật là tiên trên đời". Đây là một chân-lý nền tảng, cho nên chúng ta lại trở về với nhà Thi-hào của chúng ta để tìm hiểu thấu triệt thêm chân-lý đó. Và chúng ta sẽ đọc thấy thêm rằng: "Ở ăn thì nết cũng hay" "Nói Lời-Ràng-Buộc thì tay cũng già". Thực là rõ ràng, nhưng khi trích ra chúng ta xin được phép đổi đi vài chữ và đặt sau câu hỏi: muốn ở ăn cho hay thì phải làm sao thưa cụ.
Nguyễn-Du-tử viết:
"Ở ăn muốn nết phải hay.
Nói Lời-Ràng-Buộc thì tay phải già.
Thật là quý hoá: lời lời châu ngọc. Nhưng thế nào là Lời-Ràng-Buộc và trước hết là ràng buộc cái chi? Thưa là ràng buộc Đất Trời lại với Người cho Tam-tài làm nên Nhất thể, khỏi xa lạ nhau. Hỏi Đất Trời xa cách muôn trùng làm sao mà ràng buộc? Thưa muốn ràng buộc thì tay phải già tay chỉ tác động: chữ thủ trong danh từ triết, chỉ việc làm và việc làm chí cực là phải vào đến Chí °° thuộc đợt tâm linh mới có sức ràng buộc thâu tóm tất cả mọi thực thể mâu thuẫn, trở nên mối liên hệ ràng buộc vạn vật với nhau. Đó cũng là ý nghĩa uyên nguyên của chữ legein (gốc của chữ Logos) có nghĩa là gặt hái thâu thập như nghĩa chữ gia trong Hồng Phạm đi liền theo chữ sắc là gieo ra. Về sau triết lý tây sa đoạ đánh mất phần thâu vào mà chỉ còn có gieo ra nên Logos đoạ lạc ra Logique là khoa luận lý vòng ngoài đánh mất trọn vẹn tính chất ràng buộc, nên không nói lên được Lời ràng buộc nguyên ngôn Logos. Lời khai thị căn cơ mà Hồng phạn gọi là "di luân du tự" le rapport fondamental des choses, mối dây liên-hệ ràng buộc sự-vật mãi từ đợt căn cơ cũng được gọi là cương thường của văn-vật. Muốn hiểu thêm nên xem lại ý nghĩa hai chữ Vạn Vãn ở trên, liền nhận ra Ở đời là ở trong thế giao-liên căn để giữa trời với đất; và
Ở ăn muốn nết được hay
Thì phải biết thiết-lập sự căng thẳng giữa hai đối-cực là thiên địa. Làm người chính là duy trì cho cuộc vận hành đó được sinh-động.
Đấy gọi là Nói Lời-Ràng-Buộc. Có ràng buộc mới có ý-nghĩa, nói khác đi ý nghĩa cuộc đời sự vật chỉ có thể hiểu khi qui-chiếu vào cái toàn thể biến dịch mà ở đây gọi là thiên địa, nếu không thì tất cả là vô-nghĩa, ngoài Lời-Ràng-Buộc đều là phi-lý và con người không nói được Lời-Ràng-Buộc thì trở thành cái chi cô-độc, thiếu nhân-phẩm, nhân-tước và sẽ bị cuốn trôi vào hố u tịch hoang vắng như mảnh sao băng đặc-sịt, tối om, câm lặng, không cònlà môi trường thuận-tiện cho sự vang lên của Lời-Ràng-Buộc, lời khải-thị, lời tự sự của muôn loài gọi là Lời-bộc-lộ chân-như: Đấy là ý-nghĩa nguyên Ngôn. Một khi Nguyên ngôn đã không vang dội trong hồn thì con người biết y-cứ vào đâu để tìm thấy ý-nghĩa sáng soi đặng "gieo ra" khắp vũ-hoàn. Hoá cho nên vũ-hoàn trở thành vô-lý. Lời-Ràng-Buộc không còn âm vang thì còn biết "gặt" vào cái chi mà bỏ cái chi, đành để mặc cho gốc rạ, cỏ hoang cũng tràn ngập để diệt trừ cho tận gốc chút thiên-lý còn sót lại và làm cho tê cóng tình người. Cho nên dầu miệng có hô thông cảm, nhưng cảm còn đâu nữa để mà thông. Nói Lời-Ràng-Buộc thì tay phải già. Nhưng tay già ở đâu? Cả bắc cả nam suốt 20 năm đều "già cái chi mà non cái hột". Cái hột cái nhân đã non thì nói sao nên Lời-Ràng-Buộc mà chỉ còn toàn là bì phu, phân tán, chia ly: Việt-nam chia hai, mỗi miền lại chia ra nhiều đảng phái, mỗi đảng phái lại chia ra ba bốn nhóm nhỏ: thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ quái, bát tặc, biến hoá chi vô cùng, tràn ngập cả vào những nơi lẽ ra là chốn thâm-cung của Lời-Ràng-Buộc, cũng lại trở nên loa truyền những lời li gián, xách động để xua đuổi Lời-Ràng-Buộc của tiên-tổ Bi phù!
4. Một thời gian ở một không gian đời
Tôi muốn chấm hết khoá giảng này bằng thuật-ngữ kỳ-lạ đó: "một thời-gian ở một không-gian-đời" mà tôi coi sẽ là tên của đứa con tinh-thần chúng ta đang muốn tác tạo, nhưng chưa rõ thành phần phối hợp. Hầu hết trí-thức mới có học biết về tây-phương (hoặc có đọc sách Đông-Phương nhưng hiểu qua phạm-trù Tây-phương thì cũng kể như chưa đọc) mà văn-hoá tây-phương xây trên không-gian thời-gian li-biệt, mãi cho tới nay mới khởi đầu nhận ra và Heidegger một triết-gia vào số tiền phong mới đưa ra mẫu người gọi là Tại-thế-thể Être-au-monde: in-der-Welt-Sein, để làm như gạch nối không thời lại một. Thành ngữ đó có thể gọi là Ở đời. Tuy nhiên "Ở đời" bao hàm một nội-dung quá mới mẻ đối với nền văn-hoá duy-lý Tây Âu, thành ra chữ "Ở đời" bị hiểu sai đi hầu hết, và điều đó ngay ở cả những tay hướng đạo như Sartre, Marcel, Merleau Ponty, Ricoeur, Ade Waelhens… hầu hết còn hiểu theo kiểu không-gian ở đời là như ở trong hộp, thuốc trong bao… tức trong không gian và thời gian, như trong cái chứa mà chưa là nối kết, chưa là Lời-ràng-buộc cả ý tình chí. Hiểu như thế thì ở đời chưa trở thành gạch-nối hai yếu-tố không-gian thời-gian lại một. Vậy nếu ta chỉ biết theo tây thì cùng đi vào đường bế-tắc đó: cho nên bó-buộc phải thêm yếu-tố Đông-phương, để hiểu hai chữ "Ở đời" một cách thâm hậu đến "bác hậu phối địa, cao minh phối thiên" °°. Có hiểu "Ở đời" kiểu "đội trời đạp đất" thì mới nối được không thời thành nhất-phiến: một thời-gian ở một không-gian-đời: tâm mình với vũ trụ là một.
Thật ra nếu hiểu được nguyên nghĩa thì hai chữ Vũ-trụ đã đủ. Chữ đó đã có lâu đời trước nhà Hán và nói lên sự đúc kết không thời lại một.
Nhưng vì lâu ngày ý nghĩa đã bị lu mờ đi nên cần lại một thuật-ngữ mới để khua động lại tâm-thức, để chúng ta thấy lại được cái ý-nghĩa sâu xa của nó và chúng ta sẽ nhận ra là nó có đầy đủ khả năng để hứng khởi lên một nền tổng hợp mới giữa Đông-Tây Kim-Cổ. Chính trong viễn tượng đó mà khoá giảng Chữ Thời muốn đặt nền móng cho nền triết lý nhân sinh: nghiã là những nguyên-lý phổ biến, đó là một thiết yếu khi muốn đặt nền móng cho một công cuộc nghiêm túc. Có làm như thế mới trông kiến tạo được một cái chi vững bền, nhưng cái phiền của lối này là rất khó khăn. Tuy nhiên nếu đọc giả chịu nghiền ngẫm nhiều lần lúc ấy ý-nghĩa thâm sâu của cảo-luận này sẽ dần dần hiện lên. Và khi đó chúng ta sẽ thấy rõ chữ "chí trung hoà" với vài câu giải nghĩa lưa thưa "Ngô tâm tiện thị vũ-trụ. Vũ-trụ tiện thị ngô tâm", Hoặc vài câu định nghĩa vũ-trụ "hữu thực nhi vô hồ xứ giả"… hiện lên trong ánh sáng huy hoàng chiếu hào quang rực rỡ vào nhuững khám phá khá phong phú nhưng lẻ tẻ (vì thiếu nhất quán) của các triết-học gia tây Âu, để xâu lại một thời-gian-ở một không-gian-đời, tức là như Heidegger nói (sz 104 … ) một không-gian tinh tuyền (espace pur) chưa chia cắt ra những không gian hạn-hẹp của đồ vật đặc-thù, nhưng hãy còn là một Đại-thông Đại-thời mà ta chỉ cảm thấy phát hiện khi sống cái sống thật sung-mãn, cái sống của Con Người Đại-Ngã theo nhịp đập của "Thiên Địa chi tâm". Ngoài cái sống tâm-linh đó có nói đến hai chữ Đại-Thời Đại-Không cũng chẳng qua là lắp một chuỗi danh từ rỗng. Cho nên điều quan trọng là phải làm phục sinh được cái sống Ở-Đời viết hoa, cái thực tại uyên-nguyên trong tâm-hồn, lúc đó chúng ta sẽ thấy ý-nghĩa thâm-thiết của câu Nguyễn-Công-Trứ: "Trong vũ-trụ đâu chẳng là phận sự": "cũ-trụ nội mạc phi phận sự" °° cũng như câu "Vũ trụ chính là tâm tôi, mà tâm tôi cũng chính là vũ-trụ" của một Đại diện Việt Nho là Lục-cửu-Uyên. Và lúc đó hy vọng chúng ta sẽ hiểu thêm câu "Ở đời" là hiện diện với vũ trụ nghĩa là duy trì mối giao liên thân mật với sự vật bằng cách xoá bỏ quãng-xa, bằng "Cách vật" = tới đến tính-lý vạn-vật bằng hiện diện toàn triệt không những bằng lý-trí mà cả bằng tình cảm lẫn tâm linh. Sự hiện diện thật thâm sâu như vậy cũng chính là biết thấu triệt (trí tri). Cho nên "cách vật tại trí tri" cũng như "trí tri tại cách vật". Biết là hiện diện. Muốn hiện diện với vũ-trụ là muốn hiểu thấu vũ-trụ (cực kỳ chí giả sát hồ thiên địa). Muốn vậy ta phải khởi sự Người (quân tử phi đạo tạo giang hồ phu phụ… ) (xem lại bài khởi đoan ở Nhân Bản) để khi biết được Người thì tất biết Trời biết Đất (tận kỳ tính tất tri thiên, tri địa). Đã tri thiên tri địa thì tức có một thời-gian-ở, tức là có-mặt-với "Être-avec", mitsein, Être-présent au-monde. Không khác chi "cách vật" khi hiểu là vật-hoá: khiến cho vật khách-quan đối tượng như biến đi để cho cái ngã-quan-sát cảm nghiệm trở thành Đại-ngã "huyền đồng" với vũ-trụ kiểu như Mạnh-Tử nói "Người quân tử trên với trời dưới với đất cùng lưu linh trong nguồn sống bát ngát vô biên không phân ranh giới. Phù quân tử thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu VII 14 °°
Đó là cấp bậc cao nhất trong việc học hành tu luyện của nền Đạo học Đông-phương. Người đạt tới đó rồi thì không còn sự giam tù trong nơi này lúc nọ, nhưng "cư chi quảng cư" trong khắp vũ-trụ: coi phận sự trong vũ trụ là phận sự của mình. Ngược lại khi không hiện diện trong vũ-trụ là lúc tự đóng khung vào một thời điểm bé nhỏ thì phận sự cũng bị khuôn hẹp vào cái cá-nhân, cái gia đình nhỏ bé, và có lan ra nữa cũng đến với người một nước, một màu da một tôn giáo là cùng cực. Làm sao gọi được là thời-gian-ở? Vì Ở có nghĩa là không vắng mặt. Đó là hạng présent-absent: xa mặt vì bởi cách lòng. Như thế thời-gian-ở không-gian-đời là lối ở của Con Người được định-nghĩa như "Thiên Địa chi đức, âm dương chi tú khí, quỉ thần chi hội" nghĩa là một con người không còn đóng khuôn vào một sự hiện-diện khách-quan trong một không gian nào mà thôi, vì đó mới là phần vũ của thân xác mà chưa có trụ tâm linh. Đó là không-gian nhỏ hẹp, phân cách, còn xa lắm mới gọi được là không-gian-đời, khi hiểu đời là vũ-trụ là qui hướng về một (l'univers, c'est s'orienter vers un). Và chỉ ở trên thời-gian-ở và không-gian-đời đó mới tìm ra điểm Thái Nhất "Summum Unum" là chỗ qui tụ cho cuộc linh-phối Tây-Đông để sinh hạ một đứa con tinh-thần hiện chưa ai biết khuôn mặt ra sao nhưng có thể dự đoán khi ra chào đời sẽ được đặt trong cái nôi gọi là "Một-thời-gian ở một-không-gian-đời".

Xem Tiếp: ----