Chương V
Quá Trình Sa đọa từ thời tính tới hữu thể học

1. Liên hệ giữa Hữu Thể với Thời Tính
Siêu hình triết cổ điển là Hữu thể học nên toàn thể triết học cổ điển đều xây trên quan niệm Hữu thể. Nhưng không may đó lại là quan niệm thọt mất một chân. Chân vô thể và chính sự thọt ấy làm cho con người mất ý thức về thời tính. Vì thời tính là gì nếu không là sự biến dịch căn để tự Vô tới Hữu. Cái mà kinh dịch kêu là Cơ, tức cái động vi tế của thời tính khai mở quá trình thời gian hóa của nó. Cái động vi tế ấy, cái Cơ ấy cũng được gọi là "sinh sinh" trong câu nói "sinh sinh chi vị dịch". Nếu xem thường, người ta chỉ chú ý tới hai chữ sinh sinh mà không ngờ rằng phải có diệt ở giữa thì mới có sinh sinh. Nếu không thì chỉ là cái sinh thù lù ở đợt hiện tượng im lìm không còn biến dịch nên không còn thời gian. Vì thế minh triết mới nói thêm "thần cô phương nhi dịch vô thể". Có vô thể mới có dịch. Có dịch mới có thời tính. Thiếu thời tính thì cũng mất luôn thời gian, đã mất thời gian thì muôn vật trở nên im lìm cô đọng. Hai mươi lăm thế kỷ văn hóa Tây Âu mà căm thù với biến động thì chính là vì đã quên mất thời gian, tức cũng là 25 thế kỷ quan niệm Hữu thể như một hiện diện thường hằng, tức thứ hiện diện thiếu người biến dịch giữa hiện và ẩn. Vậy mà quan niệm đích thực về Hữu thể lại bao hàm vô thể, hiện diện bao hàm ẩn diện. Tức là có sự biến dịch căn để từ ẩn tới hiện, tự Vô tới Hữu. Chính sự biến dịch ấy làm nên thời tính. Đó là mối liên hệ giữa Hữu thể và thời gian và khi hiểu Hữu trường tồn là đánh mất thời gian. Và vì thế nay muốn khôi phục lại quan niệm trung thực về Hữu thể nên Heidegger mới viết quyển "Hữu thể và thời gian " = sein und zeit.
Theo Heidegger đó mới là quan niệm chính truyền của Hy Lạp. Trước kia Hữu thể được quan niệm như là nguồn năng lực luôn luôn nảy sinh trai trẻ nên ví được với lửa luôn luôn trào vọt. Đó là một thứ Hữu thể khai mở sự vật trong ẩn dấu gọi là Phusis và được Richardson dịch là emergent abiding power phần nào giống như giá sắc của Việt thời = vừa gieo ra mà cũng lại gặt vào, nên bao hàm thời tính vì có khai lộ - mà cũng có hàm tàng, nên có dịch. Hữu thể uyên nguyên như vậy cũng chính là vì Tính vì Tính cũng bao hàm cả tiềm thể và hiện thể cả Thiên cả Mệnh tức là chính thời tính lưu linh vậy. Thế nhưng sau này Phusis đốc ra Physique để chỉ vật lý hiện hình, đánh mất phần ẩn thể lưu linh, cũng như Logos chính là nguyên ngôn là lý nhất quán thâu suốt tâm linh đến lý trí, đã đọa lạc ra logique là lý của danh, của tướng, của tượng, hiện tượng mất trọn vẹn phần tiềm năng u linh.
Sự mất mát này bắt nguồn từ Platon đã hiểu Hữu thể như là ý niệm (Eidos) với cái hữu trường tồn làm toàn bằng có, vậy là đã đánh mất phần vô. Như thế là biến dịch và vô thể bị loại ra khỏi tư tưởng. Đó có thể coi là hậu quả đầu tiên.
2. Tổ quốc của hồn ma
Hậu quả thứ hai là do việc ông tôn ý niệm lên làm những yếu tính vĩnh cửu và bất biến (rút khỏi Thời gian) và cho chúng làm nên lý giới (le monde des idées). Vậy mà chỉ có lý giới mới thực còn trần giới biến dịch là bóng hình. Nhớ lại huyền thoại về cái hang (Republique VI) ví trần giới như những hình bóng chiếu giãi trên tường, còn sự thực chính là lý giới hay là thế giới của những ý niệm im lìm, trong đó có một ý niệm tối cao gọi là Sự thiện tự thân. Sự thiện tự thân này ví như mặt trời chiếu ánh dương xuống các ý niệm, rồi các ý niệm giải tỏa ra làm thành trần giới.
Từ cái nhìn căn bản đó ông đưa ra một tiêu chuẩn "là chân lý những gì đúng với lý giới". Đưa ra tiêu chuẩn chân lý như trên Platon đã phạm hai lỗi trầm trọng: một là chối giá trị trần giới khi bắt trần giới lệ thuộc trọn vẹn vào lý giới, hai là vì lý giới chỉ có một chiều, chiều có thiếu vô, nên thiếu biến Dịch giữa Hữu Vô. Thế là biến triết học thành một thế giới trừu tượng xa xôi, bắt con người phải đổ dồn chú ý vào những cái im lìm đâu đâu xa tắp tít, nên gọi là tổ quốc của hồn ma phách quế cũng rất trúng.
3. Những phạm trù bịt mắt bắt chim
Aristote đã có lý khi phê bình Platon là đặt triết trên trời, và vì thế ông đã cố công kéo triết xuống trần gian. Muốn làm được như thế Aristote đã đổi yếu tính của Platon thành bản thể và ông cho nằm ngay trong sự vật như là mô thể (forme) của sự vật. Nhờ đó không cần đến lý giới cũng giải nghĩa được sự vật trần giới. Trần giới đã có giá trị tự nội nhờ những mô thể nhập thể. Thế nhưng cuối cùng "bản thể" của Aristote cũng giống như ý niệm của Platon cũng im lìm vĩnh cửu và hạ giá những gì biến dịch mà ông gọi là tuỳ thể (accident). Cũng gọi là thuộc tính (prédicament). Vì ông quan niệm sự vật theo thể thái của ngữ luật: một câu nói bao giờ cũng có chủ từ (sujet) và thuộc từ (prédicat). Bản chất của thuộc từ là lệ thuộc vào chủ từ, nên chỉ là thuộc tính. Thuộc tính như vậy chỉ là tuỳ phụ (accident) phải sống bám vào bản thể. Chỉ có bản thể mới đứng được một mình, không cần có tùy thể làm thành cái phạm trù (catégories) rất thời danh (xem bài phạm trù ở quyển những dị biệt… ). Trong bảng Phạm trù đó bản thể là ý niệm tổng quát như yếu tính (eidos) của Platon cũng bất biến vĩnh cửu như ý niệm chỉ khác ở chỗ nó là cá thể, hay là bản thể biệt lập (substantia) theo nguyên nghĩa là nằm dưới các tuỳ thể biến động. Như vậy thì bản thể của Aristote vẫn như ý niệm của Platon, nghĩa là Arisote còn trầm trọng hơn cũng là quên mất chữ Thời. Sự sai lầm của Aristote còn trầm trọng hơn ở chỗ lấy sự phán quyết của lý rí làm tòa án chân lý (locus veritalis) để quyết định đặc tính của vật thể và hữu thể: chân lý là sự trùng hợp giữa sự vật với lý trí. Như vậy tư tưởng không còn là tư tưởng phát xuất từ một trực giác tâm linh, nhưng phát xuất tự suy luận rề rà của lý trí theo những qui luật của danh lý. Thế là danh lý (logique) thay thế cho nguyên ngôn (Logos), chân lý không còn là sự ẩn hiện nữa mà chỉ còn là "sự phù hợp giữa vật thể và lý trí". Tức là phù hợp với cái nhìn của lý trí. Vì thế đó là Siêu thị tổ với phép luận của ông tức là giản lược vũ trụ vào khả-thị-tính.
4. Lai rai siêu thị
Lối nhìn Hữu thể bằng khả thị tính này (sichtbar: visibleness) được tiếp nối trong thời trung cổ với sự phân biệt ra yếu tính (essential) và tồn hữu (existentia), yếu tính thuộc lý giới bất biến, còn tồn hữu thuộc trần giới biến đổi. Để một vật có thể hiện hữu thì yếu tính của nó phải được hiện thực bằng tồn hữu. Vậy mà điều đó chỉ có nơi đệ nhất căn nguyên (tương đương với sự thiện tự thân của Platon) cũng gọi là Thượng Đế. Chỉ yếu tính của Thượng Đế mới đồng nhất với tồn hữu hay tồn hữu chính là yếu tính của Ngài vì yếu tính đó chính là tác động hiện hữu (actus existendi). Còn nơi các vật thụ tạo thì tồn hữu phân biệt được với yếu tính, nên chúng không thiết yếu có và chỉ có sự hữu tham dự (esse participatum) vào hữu thể của đệ nhất căn nguyên. Theo Heidegger đó vẫn là tiếp nối quan niệm Platon về trần giới như một ảo tưởng phải tìm giá trị nơi đệ nhất căn nguyên. Chỉ có căn nguyên đệ nhất mới có giá trị tuyệt đối vì yếu tính của Ngài là tác động tồn hữu không còn sót chi ở tiềm thể (in potentia) không còn gì là vô thể nên là một actus purus, actus purissimus bất biến vĩnh cửu. Như vậy cũng là tẩy hết sạch bóng dáng của biến dịch, là tiêu diệt trọn vẹn những gì uyển chuyển đôi chút còn sót lại trong quan niệm Phusis Energia của Aristote. Ở đây chỉ còn hoạt động thuần túy, thiếu hẳn phần tiềm thể, nên đó cũng là tiếp nối quan niệm Hữu thể như là vật thể (Etre như là étant) mặc dầu là vật thể tối hậu ens summum, cũng vẫn là vật thể. Vật thể là sự hữu hiện hình lên cho giác quan và lý trí, đã xa khỏi sự đong đưa giữa có và không căn để, mà chỉ còn là cái hữu thường hằng: có là có, chẳng thể không và tự đấy phải theo trọn vẹn qui chế của nguyên lý đồng nhất và công ti của nó (ba nguyên lý tuỳ thuộc) tức là đánh mất ý niệm hữu thể hiểu như tính thể u linh phổ biến, ẩn ẩn hiện hiện đầy biến dịch sinh hóa.
Descartes cũng nối tiếp y nguyên đường lối đó chỉ khác ở chỗ tìm ra chủ tri để mong giải thoát khỏi Kitô giáo. Nếu gọi đó là công thì là một công chưa chắc đã đạt1, nhưng cái chắc là đã phạm tội khai nguyên ra lối suy tư bằng biểu tượng. Biểu tượng là cái ảnh hình của vật thể được bóc ra từ sự vật và được đối lập với chủ tri, nên cũng gọi là đối tượng. Khi nói đối tượng là hiểu ngầm ý hướng muốn đặt nổi chủ tri đã bị sự vật nuốt trôi trong triết cổ điển, nay cần phải giải thoát nó ra khỏi đối tượng. Tuy nhiên đó cũng là làm hẹp lại quan niệm trí thức xưa kia. Vì biểu tượng của một vật thể bị giản lược vào chiều kích khả tri bằng lý trí nên trở thành hạn hẹp cũng như chủ tri (sujet hay là res cogitans) cũng trở nên hạn hẹp vì biệt lập với đối tượng, mà không còn là chủ thể hay đúng hơn là tính thể viên dung nữa. Như vậy là đẩy nhị nguyên thuyết đến cùng: bên chủ tri bên đối tượng, cắt đứt trọn vẹn chút ít liên hệ còn sót lại trong những lối hiểu của Trung cổ và tự đấy thì chỉ còn trí nghiệm hết trọn vẹn kinh nghiệm với sự tham dự của toàn thân tâm: ý, tình, chí. Nói khác là không còn chỗ cho tâm tưởng phát xuất từ những trực giác u linh nữa. Như vậy là mở ra giai đoạn triết học mới gọi là duy chủ tri tính, tức cũng là nối tiếp quan niệm hữu thể như là vật thể.
5. Cái nhảy hụt của Kant
Qua Leibniz và Kant vật thể tính vẫn được coi là đối tượng tính. Nhưng Kant đã có công trả lại thời gian cho chủ tri: ông đã biết truy nhận thời gian trên không gian, như vậy là đã vượt qua lý trí (chỉ biết có không gian) bằng một cơ năng khác là "trí tưởng tượng tiên nghiệm" (imagination transcendentale) mà Heidegger gán cho vai trò có phần giống với tâm linh vì nó là gốc của cảm tính mà cảm tính cũng là thời tính. Vì thời tính không nhìn được bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm, bằng tình, nên thời gian vắn dài tùy thuộc vào tâm trạng vui buồn. Khi vui thì tim đập chậm, thời gian dài ra. Chính vì mối liên hệ này mà Heidegger cho trí tưởng tượng tiên nghiệm là căn để của thời tính, hay là chủ thể chính là trí tưởng tượng tiêm ngiệm mà Tại thể (Dassein) là thời tính. Chủ tri cho con người là không gian còn Tại thể thì phải khai triển chủ thể tính của chủ tri tới cùng cực, tức là tới mức độ đồng hóa nó với trí tưởng tượng tiên nghiệm, và đó là khai triển ra Thời tính căn nguyên (xem Căn nguyên tư tưởng L.t. Nghiêm 395). Vì thế nếu biết khai triển trí tưởng tượng tiên nghiệm thì có thể phá vỡ ngã chủ tri duy lý để khai quang ra Thời tính cũng như hiểu được là Tại thể có liên hệ căn bản với thời gian căn nguyên.
Da: sẽ là tại đó (không gian).
Sein: sẽ là Tính thể đong đưa giữa Hữu với Vô uyên nguyên không còn bị trói vào khúc nào: dĩ vãng, hiện tại, tương lai. Vì lúc ấy thời gian căn cứ trên trí tưởng tượng tiên nghiệm không còn như một khoảnh khắc riêng biệt, nhưng như những loạt hiện giờ hợp lại (jetzfolge Căn nguyên 398) tương tự cái mà tôi gọi là hiện tại miên trường. Như vậy mới là chủ thể không bị trói buộc. Thế nhưng Kant đã bị đè nặng bởi truyền thống cũ không dám dùng trí tưởng tượng để phá vòng vây thời gian hầu vươn lên, nên lần tái bản quyển Critique de la Raison Pure, ông đã xóa bỏ trí tưởng tượng và trở về nép mình dưới quyền uy của chủ tri; tự cắt đứt mọi liên hệ giữa mình với những thực tại của vũ trụ.
6. Hiểu lầm, dùng lầm
Đó là sơ lược 25 thế kỷ triết học Tây Âu dưới mắt của Heidegger. Ông đã tóm gọn nền triết học này vào trong hai tiếng là hiểu lầm (misdeutung) và dùng lầm (misbrauch). Hiểu lầm Hữu thể ra vật thể; dùng lầm techné ra technique, logos ra logique, phusis ra physique mà tựu trung là đưa vật thể ra khỏi mối liên hệ với Thời tính biến hóa. Như thế là vô tình đã dẫn con người vào một cuộc sống vô đạo (Đạo tiến hóa) mà vẫn tưởng là có đạo. Chính sự tưởng lầm, hiểu lầm đó đã có thể kéo dài cái đời vô đạo (hoặc nói là đánh mất nết gấp đôi cũng thế) cách ngon lành qua bao thế hệ. Tựu trung triết học đã đánh mất chữ Tương giữa Hữu và Vô và do đó giữa chủ tri và đối tượng, giữa hồn và xác, giữa Thượng đế và con người và giữa muôn vàn cái phân li khác mà ta có thể qui kết vào hai chữ không gian và thời gian hay nói khác chữ Thời đã bị không gian hóa. Không gian trải dài ra trước con mắt, nên thế giới được quan niệm như sự vật phân trương (res extensa). Vậy là "đặc ân" con mắt, cả con mắt xác thể với chiều kích phân trương, đo đếm, lượng thể, cũng như con mắt lý trí cũng dựa trên ý tượng sự vật (image, phantasme). Như thế là chỉ đạt có vòng ngoài. Vậy mà lại dùng nó làm tiêu chuẩn để thiết định chân lý: "chân lý là sự đúng hợp giữa lý trí và sự vật" thì có nghĩa là sự thật chỉ là nhìn đúng, tức là chỉ cần đáp ứng được yêu sách của cái nhìn lý trí thì đã là có chân lý rồi, khỏi cần xét tới chiều kích khác của con người toàn vẹn. Tự đấy mỗi khi nói đúng, nói thật, thì hiểu là đúng với mẫu mực của cái thực tại do lý trí (Platon) đã định sẵn và gọi là yếu tính. Thế là 25 thế kỷ siêu hình chỉ còn là siêu ra khỏi cái hình tích cụ thể của vật giới để đi vào hình ảnh trừu tượng của lý giới của các yếu tính mà vì yếu tính không là cái chi khác hơn là những cái bất biến vĩnh cửu có thể chiêm ngưỡng (bằng con mắt lý trí). Thế là thay vì giải thoát thì siêu hình lại cột chắt khéo léo đến nỗi con người không hay biết vì tưởng đã có siêu hình mà không ai ngờ rằng đó chỉ là một sự ảo tưởng siêu tuyệt (Kant) mất hết khả năng văn hóa tức cải hóa con người để trở thành thanh thoát an nhiên như nhiệm vụ của siêu hình khi nó trung thực.
Quả là một cuộc buông mồi bắt bóng vĩ đại được khai mạc do Platon coi khinh trần giới (doxa) để tôn trọng lý giới, và do Aristote trọng bản thể coi thường tuỳ phụ (thuộc tính). Cả hai đã mở đầu cho một loạt những hình thái khác nhau của nhị nguyên mà nét đặc trưng là coi nhất bên trọng nhất bên khinh, đề cao lý giới coi rẻ trần giới gây nên phản ứng của cộng sản đề cao hạ tầng coi nhẹ thượng tầng. Ấy cũng vì cái trí không tri nên thay vì cách vật thì chỉ cách được có cái hình của vật. Và tự đấy đứng lại trên bờ không sao sang được Sông Tương để tham dự vào bài hát Hàm trì với lối vũ bộ Tam Tài vương lên ngũ lĩnh để uống nước của Việt tỉnh cương.
Thôi xin từ biệt để chúng tôi sang sông:
"Cái cò, cái Hiệc, cái Nông!
"Thôi đừng ngủ nữa để sông không đò".