Chương IV ( A)
IV. CÔNG CỤ GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ

1. Tính chất văn hóa trong hai chương trình giáo dục đông tây
Bàn về triết Đông mà không đề cập vấn đề nghệ thuật tức là không bàn đến một yếu tố cấu tạo của nó mà về phương diện học thuật lại gạt bỏ mất một khía cạnh giàu khả năng biểu thị cách cụ thể nhất, tính chất của một nền triết lý.
Sở dĩ nhiều học giả nhãng bỏ nghệ thuật khi bàn về Nho giáo là vì họ bị chi phối bởi triết học duy niệm vốn y cứ trọn vẹn trên lý trí. Tuy ngày nay duy niệm đang bị công phá ở khắp các nẻo đường, nhưng vì hậu quả nặng nề hơn 20 thế kỷ duy lý còn đè nặng trên đầu óc các triết học gia, nên mới nặng phần đả phá, còn tích cực xây dựng thì hầu như chưa có gì đáng kể. Để hiểu thấu đáo chúng ta cần ôn lại một vài nét của chương trình giáo dục thuộc triết học cổ điển đã ngự trị cõi trời văn hóa Tây Âu tới thế kỷ 18, 19. Chương trình giáo dục Trung cổ Âu Châu được chia làm hai đợt.
Đợt nhất là: Tam niên tiểu học (trivium) gồm ba môn học là 1. Ngữ luật, 2. Khoa hùng biện, và 3. Luận lý.
Đợt nhì: từ niên trung học (quadrivium) gồm bốn môn là 1. Toán học, 2. Hình học, 3. Thiên văn và 4. Nhạc. Sau đó là đại học chuyên về thần học.
Đối chiếu với Đông phương:
Đông phương thực ra không có chương trình cố định mà tuỳ thời có thay đổi ít chút trong vòng ba nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất có thể là: thi, thư, lễ, nhạc, dành cho trí dục (homo sapiens).
Nhóm thứ nhì gồm: xạ, ngự, thư, số (homo faber) dành cho thể dục.
Nhóm thứ ba: cầm, kỳ, thi, họa (homo ludens): du hí.
So sánh hai bên chúng ta thấy liền tính chất duy lý ở chương trình Tây phương cổ điển. Tính chất duy lý biểu thị bằng lời nói nên ba môn đợt đầu toàn hướng vào đó cả: 1. Ngữ luật có ý dạy nói đúng ngữ luật (grammaire), 2. Hùng biện dạy nói cách trau chuốt hùng hồn (rhetorique), 3. Danh lý dạy để nói cho đúng lý sự (ticlique). Sang đợt nhì thì hai khoa toán và hình học dùng để đo và đếm, khoa thiên văn để ngắm nhìn. Còn nghệ thuật (thi, thư…) không có, chỉ có nhạc được giữ là để phụng sự tôn giáo. Ngược lại chương trình Đông phương nghiêng nặng về tình về nghệ thuật, thi, thư, lễ, nhạc, cầm, kỳ, thi, họa hầu hết là nghệ thuật. Chỉ có thi là dùng đến lời nói nhưng không là lời lý sự mà là lời tình tự thường có vũ kèm. Duy có số nhưng mang nhiều yếu tố tượng trưng như sẽ bàn rộng về sau. Còn thư là viết chữ cũng được nâng lên hàng nghệ thuật và có những người lưu danh hậu thế vì chữ đẹp như Vương Hy Chi, Trương Húc. Hai chương trình giáo dục cổ đại trên đây nói lên rõ nhất tính chất lý sự của Tây và tình thâm của Đông.
Nhưng hiện nay triết học đang đổi hướng: một mặt đả phá óc duy lý hẹp hòi, một đàng lại cố gắng đưa vào chương trình tất cả nghệ thuật và đang tranh đấu cho nghệ thuật một địa vị trong triết học, như nói về thi ca, âm nhạc, v.v… Đại biểu lớn nhất của trào lưu này chính là Nietzsche với tác phẩm đầu ta "La naissance de la Tragédie" có thể coi là một biến cố lớn lao trong lịch sử triết học Châu Âu. Nội dung sách đó là một bản át gắt gao óc duy lý của Socrate, đồng thời đặt nổi bật vai trò của bi nhạc kịch trong nền triết cổ đại Hy Lạp trước thời Socrate như đã trình bày trong bài "Truyền Thống" (Triết lý giáo dục).
Như thế là triết học hiện đại Âu Tây đang đi sát lại gần triết lý Đông phương, và chính nhờ đó mà chúng ta có thể nhận ra giá trị của nền Đạo học Truyền Thống. Chúng ta thấy tiên tổ đã có một ý niệm khá đầy đủ về việc huấn luyện con người cả đến thể dục cũng được chú trọng (xạ, ngự). Do đó mà cho thấy tính chất thời đại của cái học cổ xưa tuy là cổ nhưng lại đáp ứng được nguyện vọng của con người toàn diện, thành ra khi trở lại khám phá cái cổ của tiền nhân ta có được cái thú vị tìm ra những yếu tố dân tộc để cải tiến chương trình giáo dục, đem lại cho nó tính chất nhân bản toàn diện hơn hẳn chương trình ngoại lai quá duy lý đã được áp dụng. Đó là chuyện dài chúng tôi sẽ trở lại một dịp khác. Ở đây xin tiếp tục bàn về nghệ thuật theo khía cạnh triết lý. Để dễ tiến hành chúng ta sẽ nêu ra ít cứ điểm hầu hướng dẫn sự khảo sát suy tư.
2. Hai lối xếp hạng với hai quan điểm
Điều đáng chú ý trước hết là tìm ra cái lý do sâu xa tại đâu nghệ thuật lại trở nên quan trọng đối với triết Đông? Chúng ta đã có lần nhận định rằng tinh tuý triết đông không nằm trong những danh từ lộ liễu, những phạm trù minh bạch có mốc giới đo đếm được, nhưng nó ẩn náu đằng sau danh từ như cái gì uyên náo âm u, như cái gì vượt lên trên hình tượng và rất vi tế nên lời nói không sao miêu tả hết được, do đó gọi là "hình nhi thượng" hay là "vô ngôn" hoặc "ẩn ngữ" hay là "Tâm đạo…" Nếu triết được quan niệm cách siêu vượt như vậy thì bộ môn nào càng giàu sức gợi ý càng là những dụng cụ tốt cho triết. Thế mà nghệ thuật có sức khêu gợi cảm xúc phong phú hơn danh từ lý luận, vì đó mà nghệ thuật nắm phần chủ chốt trong chương trình triết Đông.
Điều đáng chú ý thứ hai là điều đó được biểu lộ qua bậc thang giá trị nghệ thuật Đông Tây khác nhau. Nếu Đông phương đặt lên hàng đầu những nghệ thuật giàu sức khêu gợi thì Tây phương coi trọng những nghệ thuật nào giàu tính ích dụng và tạo hình (plastique). Do đó có thứ tự quan trọng sau đây: với Tây Âu thì kiến trúc, điêu khắc, hội họa. Kiến trúc đứng đầu vì giàu chất ích dụng nhất rồi đến điêu khắc giàu tính chất tạo hình, sau đến hội họa tuy là hình sắc nhưng còn có hai chiều (điêu khắc ba chiều vì là khối lượng). Đông phương theo chiều hướng ngược lại: càng xa ích dụng và trứ hình càng được đưa lên cao, do đó mà có thứ tự Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Cầm là nhạc có mang nhiều chất gợi cảm hơn cả, đi sâu vào tâm hồn nhất vì vô hình nhất nên đặt lên đầu, sau đến Kỳ thuộc du hí, giàu chất vô cầu (gratuité) giải thoát nên đặt thứ hai, sau đó đến thi và họa cả hai còn lệ thuộc âm thanh màu sắc, nhưng lệ thuộc âm thanh nhẹ hơn màu sắc. Muốn vẽ cần có giấy mực bút là những cái vật chất; còn thơ có thể xuất khẩu ngâm liền, nó có tính chất độc lập không bị lệ thuộc vào ngoại vật. Do đó mà Thi đặt trước Họa. Theo dòng tư tưởng này thì kiến trúc (và điêu khắc đi kèm) bị lệ thuộc vào vật chất và ích dụng nặng nhất nên Đông phương không chú trọng, và hầu như không ai lưu danh vì kiến trúc hay điêu khắc, đang khi nhạc cầm, thi họa thì tràn ngập. Có lẽ Tây Âu đang đi gần lại Đông phương trong quan điểm này. Goethe cho kiến trúc cứng như nước đông; còn Schopenhauer khen âm nhạc sống động như dòng nước suối reo. Nhưng đây mới là một hai trường hợp lẻ tẻ. Trong khi xét đoán vẫn phải theo lối xếp đặt lâu đời và ta nói được rằng chỉ một sự xếp đặt thứ tự trên đã nói lên khá rõ rệt quan niệm khác nhau về triết lý. Một đằng triết học lấy sự vật làm đối tượng nên đặt kiến trúc lên hàng đầu; một đàng triết lý nhân sinh quý trọng những cái giúp cho thành nhân mặc dù có thể coi như vô ích về thành công như cầm, kỳ, thi, họa. Đấy là những quan điểm khác nhau cần được chú trọng. Nếu không sẽ phê phán trật hết, thí dụ câu nói của Fenellosa trong "L'art en Chine et au Japon" viết đại khái: Nho giáo không giúp vào việc phát triển nghệ thuật như đạo giáo. Viết câu đó là theo quan điểm Tây Âu coi trọng Họa hơn Thi, Nhạc, rồi thấy Nho giáo chú trọng Nhạc và Thi ít nói Họa nên cho là đóng góp không đáng kể.
Đây là điểm thứ ba cần được mổ xẻ vì nó giúp khá nhiều vào việc tìm hiểu nghệ thuật. Lời phán đoán của Fenellosa là lời thông thường của hầu hết học giả. Dầu thế vẫn hời hợt vì căn cứ trên quan điểm Tây phương đề cao hội họa trên thi nhạc. Vì Nho giáo chú ý thi nhạc nhiều nên bị cho là cản trở hội họa. Có thật Nho học cản bước hội họa chăng? Sở dĩ người ta tin như thế vì cứ sự Hội họa Trung Hoa đã phát triển mạnh dưới ảnh hưởng gián tiếp của Lão Trang. Nói gián tiếp và cứ sự là có ý nói do hậu quả của chủ trương thanh đàm và phong lưu đem lại nhiều thì giờ hơn nên hội họa được phát triển tới tuyệt độ cao; đang lúc Nho giáo chủ trương xử thế nhập cuộc ít thì giờ dành cho hội họa, nên coi là cản trở.
Trên kia tôi gạch chữ cứ sự, là có ý dành quyền bàn tới điểm cứ lý. Về phương diện này Lão Trang có những nguyên tắc không lợi cho hội họa bị coi là hữu vi, giả tạo, lợi xảo v.v… những câu như:
Ngũ sắc linh nhân mục manh (năm màu làm mù mắt). Ngũ âm linh nhân nhĩ lung (ngũ âm làm điếc tai), 五 音 令 人 耳 嚨. Hai câu này có lợi cho Họa và Nhạc chăng?
Câu "tuyệt xảo khí lợi, dứt khéo bỏ lợi" của Lão, và câu "hay bưng mắt người vẽ bịt tai người chơi nhạc bẻ ngón tay tinh xảo" của Trang Tử giúp cho sự phát triển của Họa, Nhạc chỗ nào?
(Xem Trang Tử chương X Khư Khiếp)
Nói là chống lại Văn minh, Văn học, Nghệ thuật thì đúng hơn nghĩa là một chủ trương chống đối Nho giáo cổ vỏ học thuật. Vì thế ngành Hội họa khởi đầu do ảnh hưởng Nho giáo và chuyên vẽ nhơn hình, nên thời cựu truyền hội họa đã gọi là "lối vẽ Khổng Mạnh" có tính cách xã hội chân dung hậu quả của thể chế thờ tổ tiên. Những họa sĩ đại biểu giai đoạn này là: Tào Bất Hưng, Vệ Hiệp, Lục Thâm Vi, và Cố Khải Chi…
Có thể mở ngoặc đơn để thêm ngay rằng lối vẽ sơn thuỷ do Vương Duy thiết lập thế kỷ VIII cũng sẽ căn cứ trên sáu nguyên tắc của giai đoạn nhơn hình này. Sáu nguyên tắc này của Tạ Hách nhằm cấp cho hình vẽ một đời sống huyền bí siêu việt, một sinh khí, một luồng sống.
3. Triết lý xuyên qua sáu nguyên tắc hội họa.
Vì sáu nguyên lý này mang theo tính chất triết lý rõ rệt nên được học giả Đông Tây năng bàn tới. (Học giả Tây phương bàn kỹ nhất là ông Petrucci. Có thể xem phỏng dịch của ông Trương Cam Vinh trong văn hóa nguyệt san số 81, 82 Mai Juin 1963)
Tạ Hách là một họa sĩ, đồng thời cũng là một nhà sưu tập và bình luận có tiếng ở thời Nam Bắc triều (197-502). Sáu nguyên tắc được ông quy định trong quyển "Cổ họa phẩm lục" như sau:
1. Khí vận sinh động
2. Cốt pháp dụng bút
3. Ứng vật tả hình
4. Tuỳ loại phó thái
5. Kinh doanh vị trí
6. Truyền mô di tả.
1) Nguyên tắc đầu tiên biểu thị cái dịch lý của âm dương, của triết lý nhân sinh mênh mông luôn luôn biến động như tinh thần, như làn sóng mênh mông, mà họa sĩ cần phải cảm thông được với cái tiết diệu nhịp nhàng của nó, tìm ra mối liên hệ giữa khí vận và sự vận hành của vật được vẽ. Nó là đỉnh cao nhất. Nếu triết lý phải tận cùng bằng siêu thức thì hội họa phải biểu lộ được khí vận huyền vi. Sao cho cái vô biên biểu lộ được xuyên qua những nét vẽ hữu hạn. Đấy là sứ mạng của nghệ thuật. Nói về Tào Bất Vi vẽ rồng xong bay ra khỏi tấm lụa… là ngụ ý hiện thực được nguyên lý này.
2) Nguyên tắc thứ hai: "cốt pháp dụng bút" là tìm ra cái đặc tính căn bản diễn đạt bằng mấy nét chấm phá của bút lông, chứ không cốt sao lại dáng vóc vật lý bên ngoài, nhưng cốt biểu thị được phần chính yếu tiềm tàng bên trong, vì thế cần phải nhìn cây trúc 10 năm, rồi quên hẳn đi thì mới vẽ ra được cái cốt của cây trúc, phải có cảm thức vô biên mới biểu lộ ra được cái vô biên. Do đó họa sĩ phải gạt bỏ những chi tiết tầm thường trực tiếp để tiến sâu vào thực tại uyên thâm, nắm lấy cái hồn phổ biến của sự vật. Vì vậy mà lối Mê (mờ ảo) thường vượt lối Chu (đầy đủ). Lối biểu tượng vượt lối cá biệt tỷ mỷ. Đó cũng là theo nguyên tắc triết Đông lướt nhẹ trên dị biệt nhấn mạnh trên Đồng nhiên.
3) Ưng vật tả hình sao cho cá vật cân xứng hòa nhịp với toàn thể. Nguyên lý này cấp cho họa phẩm Viễn Đông một nét tổng hợp kỳ tài riêng biệt. Xem một bức tượng Hy Lạp (Appolon thí dụ) ta có cảm tưởng đứng trước một cái đẹp trọn hảo cân đối và hợp lý dễ hiểu không có chi là ngoại lý âm u cả.
Ngược lại khi ngắm một bức họa Trung Hoa ta thấy có cái gì mờ ảo siêu việt như để ăn thông với đất trời, để gây nên cái hòa điệu thuộc tam tài (vũ trụ) chứ không phải là cái hòa điệu nội tại như ở bức tượng Appolon. Ở Trung Hoa đề tài phải liên hệ với khu vực bao quanh phải hòa nhịp với toàn thể. Điều này được thể hiện rõ nhất ở kiến trúc, phải tuỳ phong cảnh mà tạo hình cho kiến trúc, chứ không trừu tượng như bên Tây Âu trước.
4) Tuỳ loại phó thái. Nguyên lý trước nói về hình. Nguyên lý thứ tư này nói về màu sắc.
Thái là sắc thái có tính chất tế vi hơn săc mầu. Hình phải giúp vào việc biểu thị Đạo thị sắc, thái cũng phải giúp vào việc nói lên mối liên hệ với Đạo như thế (màu nhẹ, mờ ảo không sặc sỡ rỡ ràng để dễ vươn lên miền đạo: do đó ưa thuỷ mục. Vì nhìn trùm cảnh vật không thấy màu sắc mà chỉ còn màu mờ mờ.
5) Kinh doanh vị trí. Nguyên tắc này nói rõ chất nhân chủ phải đứng đầu không được để nét bút tùng phục vị trí, nhưng giữ chủ lực để tự "kinh doanh" chứ không bị suy phục. Phải bảo đảm cho nét bút một đời sống riêng biệt có ý nghĩa hẳn hoi theo tâm cảm hơn vật hình (perspective subjective et non géométrique). Tức theo viễn thị tâm linh cũng gọi là viễn thị không khí, tức đứng từ trên cao, từ đỉnh núi nhìn xuống ngược với viễn thị bình song theo lối cố định bắt hình tượng tòng phục đường chạy trốn hình học thuộc trắc địa (point de fuite géométrique kiểu hội họa Tây Âu). Nghĩa là yếu tố tâm bao giờ cũng nổi vượt trên yếu tố vật, do đó mà không chịu tôn trọng đường trốn hình học khiến bức họa Đông phương có sự di động chứ không tĩnh chỉ như bức họa Tây Âu cổ điển. "Le manque de perspective géométrique assure à la peinture Orientale une mobilité essentielle qui n'existe pas dans la nôtre òu la représentation du mouvement reste toujours statique." (Peinture Chinoise de Cohn p.12)
6) Truyền mô di tả. Người tập vẽ phải sao đi chép lại những bức danh họa truyền đời để cho được nhuần thấm tinh thần truyền thống, trước khi vẽ một mình.
Vài nhận xét:
1) Những nguyên lý này nặng chất triết lý vì yếu tố nhân chủ (kinh doanh vị trí, truyền mô di tả…) bao trùm không những ở nguyên lý 1, 2 thuộc đạo lý nhưng tiêm nhiễm luôn cả những nguyên lý 5, 6 thuộc "kỹ thuật".
2) Đàng khác yếu tố khí vận sinh động, hồn thiêng đặt lên trên những nguyên lý thuộc kỹ thuật vật lý: tức là đặt Đạo lên trên kỹ thuật.
3) Sự sống được chú ý như trong lối vẽ thảo trùng (vẽ sâu và cỏ). Trùng tuy lệ thuộc cây cỏ nhưng không phải là vật trang trí đậu vào bừa bãi nhưng là có nơi riêng xứng hợp đã được quan sát để tìm ra lối sống riêng của mỗi giống.
Tương Ngạn Viễn (bình luận gia thế kỷ 9) viết: "muốn vẽ giống sự thật thì phải quan sát hình tượng. Nhưng hình tượng phải có khí cốt (khí vận, cốt pháp). Khí cốt và hình là do chủ định mà có nghĩa là không theo thị giác, nhưng theo cảm giác linh diệu của tâm hồn và được diễn tả bằng bút pháp thanh thoát CỐT PHÁP DỤNG BÚT. Ma và người là những vật mà phần tinh thần phải được tả thật khéo, nếu không có phản hưởng của khí vận thì dù có phô bày những hình dáng đẹp đẽ cũng vô ích. Nếu nét bút không già dẫu có tô đi điểm lại cũng uổng công. Những tranh như vậy không thể gọi là kỳ diệu được.
Những tranh của Ngô Đạo Tử có thể nói đã thể hiện đầy đủ cả 6 nguyên lý trên y như là có vị thần nào đã dẫn đưa tay ông. Ông sáng tác đến độ tuyệt mỹ và phản hưởng của khí vận đã ở trong ông như một sức hào hứng mãnh liệt đến nỗi không thể tự kìm trên mặt lụa.
Về "truyền mô di tả" thuộc kỹ thuật nên là nguyên tắc kém quan trọng nhất thì những họa sĩ thời nay đã khá thành công trong việc tả hình thể bề ngoài và đã lấy được ít nhiều vẻ giống, nhưng họ không thể tả được phản hưởng của khí vận. Những tranh của họ có thể khá rực rỡ vì màu mè nhưng phần bút pháp thật chẳng đáng kể, sao có thể gọi là tác phẩm của họa sĩ được. Có thể căn cứ vào thứ tự 6 nguyên lý của Tạ Hách mà nhận định sự sa sút trong Hội Họa.
Trước hết là hai nguyên tắc 1, 2 thuộc tinh thần (Sinh Đạo vận hành và bút pháp) mất trước nhất, kế tới hai nguyên tắc 3, 4 về hình thể và màu sắc mất sau: tỷ mỷ thêm và dùng màu nhiều. Cuối cùng hai nguyên tắc 5, 6 vị trí và bắt chước thuộc kỹ thuật thì giữ được khá.
Đó chỉ là kỹ thuật chuyên môn, tuy là phương tiện thiết yếu, nhưng không phải cùng đích. Lộc Sái nói: "không phương pháp (kỹ thuật) là không tốt, nhưng bao giờ cũng theo phương pháp lại không tốt. Nghệ sĩ không nên để mình bị kiềm tỏa trong vòng chuyên môn, nhưng cần biết siêu thoát biến hóa. Đó là vấn đề Đạo nghệ vậy.