Hồi 7
Truyền tuyệt nghệ

Chiêu thức của Nhuế Vĩ chưa thành hình, Thiên Ma nhanh như chớp tiến lên, Địa Ma và Nhân Ma đồng thời gian từ hai bên tả hữu ập vào.
Ba thanh kiếm xương rít gió, rút vào trung tâm điểm, liên thủ phối hợp thành Tuyệt Trận Tam Tài.
Nhuế Vĩ ở trong cái thế chẳng đặng đừng, dù thọ thương cũng chẳng thu tay về được, đành phát xuất chiêu thứ nhất do Giản Thiệu Vũ truyền cho. Chiêu “Kinh Trào Bạt Ngạn”.
Hắn vừa chớp nhanh, hai thanh kiếm xương của Địa Ma và Nhân Ma rơi xuống khoảng không. Chỉ còn thanh kiếm của Thiên Ma từ phía hậu đâm tới.
Thân pháp của Địa Nhân nhị ma cực kỳ nhanh, đánh hụt rồi, lấp tức biến thế, hoành kiếm tiếp tục tấn công, giữ mãi thế liên thủ của tay ba.
Ba nhát kiếm tợ hồ xuất phát đồng thời, Nhuế Vĩ chưa quay mình tròn vòng, đã đánh ra hơn mười chưởng, kiếm đâm vào mình hắn rõ ràng, song chưởng kình của hắn lại chạm vào chuôi kiếm, chưởng nối tiếp chưởng, chưởng sau lại mạnh hơn chưởng trước, trong chớp mắt, mỗi đuôi kiếm bị chưởng chạm năm lần.
Thành thử mũi kiếm lệch đích luôn luôn, và cuối cùng thì Tam ma cơ hồ không còn cầm vững kiếm nữa.
Tam ma cả kinh thất sắc, thầm nghĩ:
- “Trong thiên hạ làm gì có thứ chưởng pháp lạ kỳ như vậy, chỉ trong thoáng mắt, xuất phát quá nhiều chiêu”.
Chúng không còn dám khinh thường đối tượng nữa. Chúng dốc toàn lực nghinh chiến, vây kín Nhuế Vĩ. Chúng bay nhảy quanh hắn, theo đúng qui tắc thế Tam Tài, vung kiếm tới tấp.
Nhuế Vĩ không cần nhận định phương hướng của các nhát kiếm, cứ tung chưởng ào ào, như sóng cuốn tràn bờ.
Tam ma chỉ thấy chưởng ảnh trùng trùng, không còn thấy Nhuế Vĩ đâu nữa cho nên dù có trận pháp lợi hại cũng không làm sao công kích. Chẳng những thế, chúng lại còn bị chưởng phong áp đảo, luôn luôn thoái hậu.
Thiên Ma nhận ra tình thế bất lợi rồi, vội hét lớn:
- Cửu Nghi phối hợp với Tam Tài, giữ vững sanh cơ!
Cửu Đại Xà Tướng lập tức do Tam Tài Trận xuyên vào, vây luôn Giản Hoài Quyên và Hạ Thi. Tuy nhiên không ai hướng về hai nàng phát thế công cả.
Cả hai bình tĩnh nhìn Nhuế Vĩ một đánh với ba, mường tượng tin tưởng rằng Nhuế Vĩ phá vỡ trận thế của địch không khó khăn lắm.
“Cửu Nghi Trận” cùng “Tam Tài Trận” dung hợp làm một, dĩ nhiên là phải có biến hóa phi thường và cực diện càng gay cấn hơn cho Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ còn bị việc xa xưa ám ảnh nên có phần nào kinh khiếp, nhưng hắn phó sanh mạng cho số phần, tiếp tục đánh chiêu thứ ba, chiêu “Hải Lãng Bài Không”, đánh ra bốn phía.
Chiêu này cực kỳ lợi hại, cả hai trận thế Cửu Nghi và Tam Tài trùng trùng tiến vào vẫn bị áp đảo như thường.
Trong bọn Cửu Đại Xà Tướng, đã có sáu người trúng chưởng! Tuy nhiên công lực của Nhuế Vĩ có hạn, thành ra oai lực không được phát huy đúng mức, đối phương trúng chưởng, chỉ nghe đau nhói vậy thôi, chứ không hề thọ thương.
Tam ma thấy thế, không còn sợ hãi như trước. Không còn sợ thì chúng không cần đề phòng, buông lung tính khí hợp lực tấn công tới tấp.
Nhuế Vĩ tuy đánh trúng đối phương mãi,song không xoay chuyển được cục diện, thành ra cuộc chiến phải kéo dài. Trong tình thế này, bên ít phải bị bên đông đánh bại là cái chắc. Cho nên, địch không ngán hắn, càng lúc càng thắt chặt vòng vây hẹp dần dần, mường tượng đối phương chực dịp nhập nội.
Vòng vây hẹp, Nhuế Vĩ cảm thấy lúng túng hơn trước, do đó chưởng pháp kém linh động, giảm lợi hại nhiều.
Tình thế càng lúc càng trở nên nguy kịch cho hắn.
Giản Hoài Huyên kinh hãi, thừa hiểu võ công của đại ca rất cao, hôm nay không chỉ đánh đi đánh lại quanh quẩn có ba chiêu thôi, mà lại phát xuất những chiêu lợi hại hơn! Chưởng quá lợi hại, nên bọn chúng cũng sững sờ luôn, quên mất tấn công tiếp.
Nhân Ma Kha Khinh Nông lẩm nhẩm:
- Đại ca! Hắn không... không phải là Nhuế Vĩ đâu!
Cả ba biết rõ, Nhuế Vĩ không thể có võ công cao cường như vậy. Chúng không còn dám nghi ngờ người trước mặt là Giản công tử giả hiệu.
Giản Hoài Huyên thoạt đầu thấy Tam ma tiết lộ chân tướng của Nhuế Vĩ, có nghi ngờ phần nào. Bây giờ, Nhuế Vĩ xuất phát quái chiêu, Tam ma không nhận ra song nàng lại nhận ra. Bởi nhận ra, nàng càng nghi ngờ hơn. Tâm pháp về luyện tập quái chiêu đó, hoàn toàn khác biệt với tâm pháp võ học của Thiên Trì phủ.
Chiêu thức có bất đồng, điều đó chẳng đáng lưu ý, nhưng trong một môn phái, tâm pháp không hề biến đổi. Do đó nàng nhận ra ngay Nhuế Vĩ không phải là người trong Thiên Trì phủ.
Nhuế Vĩ không phải là chân chánh đại ca của nàng sao? Giả như hắn không là đại ca của nàng, thì người đại ca chân chánh hiện ở đâu?
Lúc đó, tiếng vũ khí chạm nhau, tiếng la hét kêu rú từ trong nội phủ vọng ra, chứng tỏ bên trong đang có cuộc quyết đấu. Rồi lửa bốc lên đỏ rực trong lớp khói tỏa mịt không gian.
Tam ma không dám dần dà nữa, sợ công phá Thiên Trì phủ không thành, Bảo chủ sẽ bắt tội. Cả ba đồng hét lên một tiếng lớn, phát động mạnh trận thế, quyết hạ Nhuế Vĩ cho kỳ được.
Cửu Đại Xà Tướng cũng hướng về Nhuế Vĩ hiệp công, còn thì giờ đâu mà tấn công Giản Hoài Quyên và Hạ Thi?
Giản Hoài Quyên thừa dịp đó, dẫn Hạ Thi cùng vọt ra ngoài vòng vây.
Nhìn vào trận thế, thấy Nhuế Vĩ một mình đánh với mười hai người, Hạ Thi không yên tâm, thốt:
- Tiểu thơ! Chúng ta trở vào, giúp sức công tử!
Giản Hoài Huyên khẽ lắc đầu. Nàng hiểu, Nhuế Vĩ không thể bại trong trận, dù có bại cũng phải qua một thời gian lâu. Nàng chỉ lo ngại về tình hình trong phủ mà thôi. Nàng bảo:
- Chúng ta nên vào nội phủ là phải hơn.
Nàng vừa cất chân, bỗng từ bên trong phủ, một người mặc y phục đen, mặt bao kín, thân vóc cao, chạy như bay ra ngoài. Hán tử đó ra đến nơi, là xông vào trận liền. Rồi y vung quyền, phóng cước, tấn công Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ đang chiếm ưu thế, bị hán tử áo đen bao mặt tấn công bất ngờ, vội nghinh đón, chỉ qua mấy chiêu, hắn không chi trì nổi.
Còn Tam ma, Cửu Đại Xà Tướng thoạt đầu thấy người từ trong phủ chạy ra, đinh ninh là y tiếp trợ cho Nhuế Vĩ, ngờ đâu y lại tiếp trợ chúng.
Chúng không cần biết người đó là ai, song cần gì biệt, miễn không đối lập với chúng là được rồi. Lập tức, chúng xuất thủ hiệp công, làm cho Nhuế Vĩ thêm lúng túng.
Giản Hoài Huyên nhìn thân pháp của hán tử bí mật, quên mất việc trở vào phủ. Khi thấy y xuất phát toàn chiêu độc, dồn Nhuế Vĩ vào tử địa, nàng buột miệng kêu lên:
- Đại ca! Nhẹ tay một chút.
Nhuế Vĩ lấy làm lạ tự hỏi:
- “Ai là đại ca của nàng? Ta đang lâm nguy, thì làm gì có việc nương tay lưu tình? Chẳng lẽ lại là hán tử này?”
Đang lúc hoang mang, hắn bị hán tử đánh trúng ngực, mạnh như quả đồng chùy đánh trúng vào. Hắn phun ra một búng máu, thần trí mê man, chỉ kịp kêu mấy tiếng:
- Mạng ta đứt rồi!
Hắn ngã xuống, hôn mê luôn.
Khi tỉnh lại, nhìn chung quanh, bóng tối phủ dầy, hắn chẳng trông thấy gì cả.
Bấc giác hắn lẩm bẩm.
- Nhuế Vĩ này chết rồi sao?
Một giọng lạnh vang bên tai hắn:
- Ngươi còn sống đấy à?
Nhuế Vĩ giật mình ngồi lên:
- Các hạ là ai?
Người đó trầm giọng:
- Ngươi không nhận ra âm thinh lão phu sao?
Nhuế Vĩ kinh hãi kêu lớn:
- Du lão tiền bối! Tiền bối làm sao đến đây được?
Người đó hỏi lại:
- Tại sao lão phu không đến được?
Nhuế Vĩ thở ra:
- Lão tiền bối chết trong trường hợp nào đó?
Lão nhân vừa cười, vừa mắng:
- Nói nhảm! Du Bách Long còn sống nhăn đây, nào đã chết đâu?
Nhuế Vĩ bật mồi lửa. Quả là hắn còn sống, mà Du Bách Long cũng sống luôn. Hắn cứ tưởng nơi đây là cõi âm! Cả hai đều chết rồi, và hồn gặp hồn nơi chín suối. Vì hắn kêu lên, hắn bị kích động, nên thương thế chấn động, hắn hơi mệt trở lại. Tuy nhiên hắn mừng vô cùng, tạm quên cái đau, thốt:
- Thế là cả hai chưa chết.
Đoạn hắn nằm xuống, đảo mắt nhìn quanh, nhận ra nơi đây là một gian nhà đá, hắn đang nằm trên một cổ quan tài, cũng bằng đá. Hắn lại kêu lên:
- Có phải là ngôi nhà mồ của họ Giản chăng?
Hắn thầm nghĩ:
- “Làm sao lão nhân biết ta bị nạn mà vào Thiên Trì phủ giải cứu? Còn người bao mặt, vận áo đen là ai? Hiện tại cảnh huống trong Thiên Trì phủ như thế nào?”
Du Bách Long cất tiếng:
- Đừng nghĩ ngợi viễn vông, hãy chú ý!
Bỗng, lão đưa tay điểm vào các huyệt đạo trên mình hắn! Khí nóng từ tay lão, xuyên qua huyệt đạo, chuyền vào người hắn!
Hắn biết, lão nhân chữa trị thương thế cho hắn, nên vận khí tiếp trợ lão, để kình đạo nóng của lão chuyển nhanh hơn khắp thân thể hắn.
Một lúc sau, Du Bách Long buông tay, lau mồ hôi, cười thốt:
- Nội công của ngươi khá lắm!
Nhuế Vĩ cảm kích vô cùng, đáp:
- Từ nhỏ, vãn bối từng được tiên phụ truyền cho tâm pháp luyện nội công.
Du Bách Long hỏi:
- Lệnh tôn tên là...
Nhuế Vĩ chận lời:
- Tiên phụ là Nhuế...
Thốt đến đó, hắn nghe mệt.
Du Bách Long bảo:
- Ngủ đi! Đừng nói gì nữa.
Nhuế Vĩ ngủ liền. Hắn ngủ đúng một ngày một đêm, khi thức dậy, nghe tinh thần sung vượng mười phần.
Nhìn qua phía tả, hắn thấy có một vật sáng, chiếu dài dài. Hắn nhẩy xuống, rời quan tài, đi lần về phía tia sáng xuyên qua rọi vào.
Con đường rất hẹp, hắn len lỏi theo con đường đó, đi quanh co một lúc, đến trước một vọng cửa đá, cao độ ba vóc người. Hắn đẩy cánh cửa, bước qua phía bên kia, trông lên trên, thấy có mấy chữ: “Giản Thị Nhất Mạch Gia Tộc Chi Mộ”!
Hắn ra cửa, nhìn quanh, mới biết đây là trung tâm điểm của phần mộ nhà họ Giản. Lão nhân đang ngồi trước mộ. Hắn đi dần về phía lão, thấp giọng hỏi:
- Tiền bối mạnh?
Du Bách Long đứng lên, cười hỏi lại:
- Còn ngươi? Thân thể trở lại bình thường rồi chứ?
Nhuế Vĩ cảm thấy lão nhân già hơn trước nhiều. Mới cách mặt nhau mấy hôm, sao lão biến đổi nhanh chóng thế? Vẻ cằn cỗi quá rõ rệt, như mấy ngày qua là mấy năm qua, lão già đi hơn mấy năm, da mặt của lão nhăn nheo, không còn một chỗ nhỏ nào để cho những nét nhăn khác kế tiếp hiển hiện.
Tại sao? Nhuế Vĩ sững sờ trước sự biến đổi của lão nhân quên đáp câu hỏi.
Lão nhân vặn lưng, thở dài:
- Quả thật vô dụng. Vì chữa trị thương thế cho ngươi, lão phu mệt mỏi vô cùng, ngơi nghỉ hơn một ngày rồi mà chưa lấy lại sức!
Nhuế Vĩ thức ngộ lý do khiến lão già đi nhanh chóng. Hắn càng cảm kích lão hơn. Lệ xúc động quanh tròng, hắn thốt:
- Vãn bối đáng chết! Vãn bối làm cho tiền bối tiêu hao khí lực quá nhiều...
Lão nhân cười, thốt chậm:
- Lão phu sớm biết là mình vô dụng, sớm muộn gì cũng trở thành vô dụng.
Ngươi không có gì đáng trách, đừng áy náy làm chi!
Tuy mệt, lão nhân có thái độ rất tự nhiên, điều này làm cho hắn thêm kính phục lão.
Lão nhân tiếp:
- Bữa trước, lão phu thấy trong Thiên Trì phủ lửa bốc ngất trời, đồng thời nghe tiếng hét, tiếng rú, tiếng vũ khí chạm nhau... Lão phu quyết tâm không đặt chân tới đó, nhưng phát hiện sự tình như vậy, lão phu không thể lờ đi, lập tức lão phu rời khu rừng này đến đó xem, ngầm giúp sức bọn người trong phủ thu thập biến cố. Ngờ đâu...
Mặt lão vốn trắng, chợt biến xanh dờn, thân mình run.
Hiển nhiên, nhắc lại chuyện đã qua, lão căm hận phi thường.
Song Nhuế Vĩ không hiểu, cứ cho là lão chưa khôi phục nguyên trạng, nên cơ thể bị kích động rồi biến sắc.
Hắn hấp tấp hỏi:
- Tiền bối làm sao thế? Tại sao vậy hở tiền bối?
Hắn bật khóc.
Lão nhân dần dần bình tĩnh trở lại. Lão nhìn Nhuế Vĩ, từ từ tiếp:
- Ngươi là một tiểu tử rất tốt! Còn hắn... hắn quả thật là một kẻ bại hoại!
Nhuế Vĩ lấy làm lạ hỏi:
- Hắn là ai?
Lão nhân thở dài, tiếp:
- Hắn là ai, cần gì ngươi phải biết! Chỉ biết là nếu lão phu không đến kịp thời cứu ngươi, thì ngươi mất mạng rồi! Nếu lão phu đến chậm, chắc là suốt đời mang niền hận uất lẫn hổ thẹn...
Nhuế Vĩ vẫn lo lắng cho Thiên Trì phủ, hỏi:
- Rồi sau đó ra sao? Vãn bối bị người bao mặt áo đen đánh bất tỉnh, nên không còn biết gì cả.
Lão nhân đáp:
- Tuy Hắc bảo có chuẩn bị mà đến, nội ngoại hiệp công, nhân số lại nhiều, song Thiên Trì phủ đâu phải là vùng đất hoang, còn lâu lắm chúng mới là đối thủ của gia đình họ Giản.
Nhuế Vĩ lộ vẽ mừng:
- Thật vậy hở tiền bối?
Lão nhân gật đầu:
- Lão phu nói dối với ngươi làm chi! Trong Thiên Trì phủ, chỉ có vài ngôi nhà bị thiêu hủy, mà bọn Hắc bảo thì bị đánh tơi bời, chạy vắt chân lên cổ!
Chúng định cướp những quyển bí lục võ công, nhưng lại không biết những quyển đó được tàng trữ nơi nào.
Nhuế Vĩ nhớ đến Lưu Dục Chi, muốn biết nàng có được an toàn hay không bèn hỏi:
- Nàng...
Chợt nhận thấy hơi kỳ, hắn trở giọng:
- Các nàng trong phủ có sao không?
Lão nhân đáp:
- Cứu người rồi, lão phu thấy bọn Hắc bảo bị đối phương áp đảo, có lùi chứ không có tiến, lão phu vội bỏ đi liền nên chẳng biết người trong phủ có ai thọ thương hay không?
Nhuế Vĩ càng lo lắng, vội cất tiếng:
- Tiền bối cho vãn bối trở về đó xem sao!
Lão nhân ngăn chặn:
- Đừng đi! Từ nay ngươi không cần trở lại đó nữa.
Nhuế Vĩ không an lòng, thốt:
- Nhưng ân công muốn cho vãn bối...
Lão nhân thở dài:
- Hà tất ngươi còn đóng vai công tử giả nữa mà làm gì?
Nhuế Vĩ chính sắc mặt:
- Vãn bối phải trung thành với lời ủy thác, không thể không...
Lão nhân nổi giận, hét lên ầm ầm.
Nhuế Vĩ liền an ủi lão:
- Tiền bối không nên nổi giận. Vãn bối nói vậy chứ không đi đâu!
Lão nhân hết giận liền, từ từ thốt:
- Lão phu không nên cáu kỉnh với ngươi như thế mới phải! Thực tại thì ngươi không cần thủ tín với thứ người bất nghĩa nữa. Phải biết, trên giang hồ có trăm ngàn biến hóa, nếu ngươi mà không tùy cơ ứng biến, thì hỏng cả kiếp đời của ngươi đó! Lòng ngươi rất tốt, vì chỗ tốt đó mà ngươi phải nghi nhớ lấy điều ta vừa nói.
Nhuế Vĩ sợ lão giận trở lại, nên chỉ vâng vâng, chứ không dám chen lời tranh biện.
Lão nhân trầm tư một chút, mường tượng lấy một quyết định hẳn hòi, cất cao giọng bảo:
- Ngươi cứ ở lại đây!
Nhuế Vĩ trố mắt:
- Vãn bối ở lại đây? Để làm gì?
Lão nhân hỏi lại:
- Ngươi có muốn học tuyệt nghệ không?
Nhuế Vĩ mang trong mình một mối huyết hải thâm cừu, từ lâu muốn báo cừu song học lực còn kém quá, nên phải ẩn nhẫn chờ thời. Bây giờ lão hỏi vậy, tự nhiên là hắn muốn, mà lại muốn rất nhiều, học thành tài rồi mới mong báo cừu được chứ! Chưa chắc gì đi khắp bốn phương trời tìm minh sư mà gặp, dù gặp rồi chưa chắc người ta thu nhận. Bỗng dưng mà được minh sư truyền dạy, thì phúc hạnh lớn biết bao nhiêu.
Lão nhân tiếp:
- Võ công của lão phu, rất khó học. Mà học rồi còn phải có nghị lực làm hộ lão phu một việc. Ngươi nghĩ sao?
Nhuế Vĩ đáp:
- Vãn bối không hiểu nghị lực của mình như thế nào, nhưng vãn bối nghĩ rằng phàm làm việc chi cũng phải có tâm thành, mà tâm thành là không bỏ dở dang.
Lão nhân tán:
- Chí khí khá đấy! Lão phu sẽ làm hết sức mình, tạo ngươi thành một tay hữu dụng trên đời. Lão phu sẽ truyền hết sở học cho ngươi.
Lão đưa Nhuế Vĩ trở vào nhà mồ.
Đường đi trong khu mộ có nhiều lối rẽ chằng chịt, ở mỗi lối rẽ có cơ quan giết người, cho nên phải cẩn thận mà bước chân, sơ suất một chút là mất mạng ngay. Lão dặn dò Nhuế Vĩ, phải ghi nhớ nằm lòng.
Đi quanh co một lúc, lão nhân dừng chân lại, quay đầu, thốt:
- Gian thạch thất trước mặt kia lớn nhất trong khu mộ địa này. Từ nay ngươi cứ ở trong đó cố công học tập. Chừng nào ta thấy ngươi học khá rồi, ta sẽ cho ngươi đi ra.
Nhuế Vĩ nhìn ra phía trước, chỉ thấy vách đá, chứ không có nhà đá, lòng không khỏi nghi hoặc.
Lão nhân bước tới, sờ ba lượt nơi vách, ba tảng đá từ từ trụt xuống, bày ra một khoảng trống nơi vách. Cả hai bước qua khoảng trống.
Nhuế Vĩ bật mồi lửa lên, lão nhân vụt thổi tắt, đoạn thốt:
- Nơi đây tuy thiếu ánh sáng, nhưng vẫn có không khí lưu thông, ngươi đừng sợ chết ngạt, cứ yên tâm tập luyện. Mọi sự đều do lão phu chiếu liệu, ngươi đừng nghĩ ngợi gì mà tâm thần phải phân vân, học tập khó tiến bộ.
Nhuế Vĩ hỏi:
- Vãn bối có cần dùng lửa chăng?
Lão nhân lắc đầu:
- Không!
Nhuế Vĩ lấy làm lạ. Luyện công trong bóng tối âm u, thì khó lắm chứ chẳng chơi! Tại sao lão nhân không trọn một nơi sáng sủa hơn!
Lão nhân tiếp:
- Người thường, luyện công còn phân biệt ngày đêm, do đó thời thường gián đoạn, tinh tiến chậm. Còn ngươi, ngươi cần đốt giai đoạn để luyện tập, nên không thể phân đêm, phân ngày. Cứ luyện, mệt là nghỉ, hết mệt thì tiếp tục luyện.
Trong thời gian ngắn, thành tựu lớn.
Nhuế Vĩ hỏi:
- Vãn bối không trông thấy tiền bối, thì làm sao tập luyện?
Lão nhân đáp:
- Bất cứ môn công nào, cũng phải lấy nội công làm căn bản tối trọng yếu.
Trước hết, lão phu truyền cho ngươi tâm pháp nội công, rồi sau đó mới dạy võ nghệ. Về tâm pháp nội công, chỉ cần khẩu quyết là đủ.
Nhuế Vĩ lại hỏi:
- Chẳng rõ tiền bối muốn truyền tâm pháp nội công như thế nào?
Lão nhân thở dài:
- Nội công tâm pháp này, lão phu chưa hề luyện qua, song lão phu biết hiệu lực của nó hơn cả công dụng của bất cứ tâm pháp nào. Có thể bảo nó vô địch trên đời đó. Nó tên là “Thiên Y thần công”.
Nhuế Vĩ lẩm bẩm:
- “Thiên Y thần công”! Cái tên kỳ quái quá.
Lão nhân thở dài lượt:
- Cái tên tuy kỳ quái, song nó là kỳ công, nó làm cho võ lâm hào kiệt ăn không ngon, ngủ không thẳng giấc. Mà ai ai cũng nuôi ước vọng được truyền, để giành thế đứng trên giang hồ.
Nhuế Vĩ hỏi:
- Tại sao tiền bối không luyện?
Lâu lắm, lão nhân không đáp.
Nhuế Vĩ không trông rõ thần sắc của lão như thế nào, thấy lão nín thinh thì cho rằng lão không muốn nói. Hắn biết đâu, lão đang hồi ức lại một sự việc, việc đó đã gây đau khổ cho lão biết bao nhiêu!
Nhuế Vĩ lại muốn xoay câu chuyện qua đề khác, nhưng lão nhân bỗng thốt:
- Bởi vì từ nhỏ, lão phu đã luyện tâm pháp nội công khác, cho nên không tiện bỏ cũ theo mới.
Nhuế Vĩ cau mày:
- Vãn bối cũng có luyện một tâm pháp, nội công suốt mấy năm qua, bây giờ có thể bỏ đi mà luyện “Thiên Y thần công” chăng?
Lão nhân hỏi:
- Lịnh tôn truyền cho ngươi tâm pháp nội công gì?
Nhuế Vĩ đáp:
- “Quy Tức đại công”.
Lão nhân kêu lên:
- Công phu đó rất khó luyện! Lão phu từng nghe nói đến.
Nhuế Vĩ u buồn tiếp:
- Tiên phụ lâm chung, hối hả truyền khẩu quyết cho vãn bối. Vãn bối luyện mấy năm rồi, chẳng biết có đúng quy tắc hay không!
Lão nhân suy nghĩ một chút:
- Oai lực của “Quy Tức thần công” cực kỳ cao. Người nào luyện thành là có thể liệt vào hàng cao thủ bậc nhất trên giang hồ.
Nhuế Vĩ thở dài:
- Như vậy là vãn bối luyện sai cách rồi! Bởi vãn bối chuyên cần tập luyện suốt mấy năm mà tài nghệ vẫn còn ở mức bình thường! Trong cuộc chiến vừa qua, vãn bối có đánh trúng địch nhân, song không gây thương tổn cho ai cả. Nếu vãn bối luyện thành “Quy Tức thần công”, thì kết quả phải khác hơn!
Lão nhân trấn an hắn:
- Tuy ngươi chưa đạt mức đại thành, song vẫn có công hiệu. Nếu cố gắng luyện thêm một thời gian nữa, thì ngươi sẽ được toại nguyện!
Nhuế Vĩ hỏi:
- Có luyện “Quy Tức thần công” rồi, bây giờ vãn bối luyện sang “Thiên Y thần công”, như vậy có dễ làm hay chăng?
Lão nhân đáp:
- Hai loại tâm pháp thần công đó, đều thuộc huyền môn chánh tông, không tương khắc, có thể đồng thời kiêm luyện. Ngươi có sẵn cơ bản “Quy Tức đại công” rồi, bây giờ luyện thêm “Thiên Y thần công” nữa, kết quả phải là phi thường vậy.
Lão nhân ngưng lời, Nhuế Vĩ cũng không hỏi gì nữa.
Lâu lắm, bỗng lão nhân hỏi:
- Lịnh tôn danh tánh là chi?
Nhuế Vĩ đáp:
- Nhuế Phu Vấn.
Lão Nhân giật mình:
- Quả là y! Ta biết mà.