Chương I (A)
I. KHỞI BẤT NHĨ TƯ THẤT THỊ VIỄN NHI

1. Nhìn tổng quát
Đường Lệ chi Hoa, thiên kỳ phản nhi.
Khởi bất nhĩ tư? Thất thị viễn nhi!
Tử viết: vị chi tư dã?
Phù hà viễn chi hữu?
唐 棣 之 華, 偏 其 反 而.
豈 不 爾 思? 室 是 遠 而!
子 曰: 未 之 思 也?
夫 何 遠 之 有? (L.IX.29)
Đây là một trong những câu rất dễ bị đọc trượt qua, vì coi như không có gì. Nhưng chính cái bề ngoài "như không có gì đó" lại hàm chứa một nội dung rất phong phú, vì cái "ý tại ngôn ngoại!" Đấy mới là chỗ rắc rối trêu ngươi. Sao lại cứ "vô ngôn ẩn ngữ"? Thưa, vì Đạo là cái chi rất vi tế kín nhiệm không thể dùng lời nói thẳng ra được. Cần phải cảm nghiệm, thể nghiệm có nên nói hết ra người nghe tưởng là liền hiểu mà kỳ thực chưa liền hiểu tức mới hiểu bằng lý trí mà chưa cảm nghiệm bằng tâm tình và thể nghiệm bằng siêu thức. Vì thế các bậc thầy hay dùng lối nói úp mở để nhử mồi, để thúc đẩy môn đệ lên đường nghĩa là người học Đạo phải đưa vào sự chăm chú trìu mến vì "ai có tai mới hiểu được".
Nhưng ai chẳng có tai?
"Vúc vách cũng còn có tai", huống chi người. Ngày xưa một dạo người có "tám tai" nhưng cũng không vì thế mà lưu lại tiếng khôn hơn.
Vậy thì tai đây phải hiểu là Tâm tai, hay "nhĩ nhuận" tức là "nhĩ nhập tâm" mới có thể "thính ư vô thanh". Tai đó mới nghe lọt những điều "duy tinh duy nhất" vượt khả năng tai mắt thường, và môn Đạo cần khởi đầu tự chỗ tế vi đó. Nếu không sẽ lạc xa nhà rồi nỏ mồm kêu: "nhà xa quá ta", thất thị viên nhi! Nhưng thực ra có xa chi đâu. "Phù! Hà viễn chi hữu". Không xa nhưng phải biết đường "nhập ư thất". Có bao nhiêu đường? Triết học Tây Âu đi đường lý luận, biện chứng, triết lý Ấn Độ thiên mạnh về lối phủ nhận và mặc niệm. Triết Nho đi Đường lệ chi hoa mà ta gọi là Tâm tư và sẽ là đề tài suy luận trong niên khóa này.
Chương đầu chúng ta dành để nhìn qua các lối luận lý, biện chứng, tân luận lý của triết học Tây Âu.
Điều đáng ngạc nhiên hơn hết là triết học Tây Âu phong phú hơn hết vì các khoa danh lý, luận lý đến độ làm cho các đàn anh chúng ta (Hồ Thích là đại diện) phải mang nặng mặc cảm tự ti, thế mà hiện nay chúng ta mở quyển "Thế nào là suy tư" của Heidegger lại đọc thấy câu này: "Điều đáng cho chúng ta suy tư hơn hết là chúng ta chưa có suy tư" (W.D.22). Và Heidegger đưa ra lý do là tại con người chưa biết "ở đời". Vì "ở đời" là phải ở sao cho hợp với nét căn bổn của tiềm thể: mais habiter serait le trait fondamental de l'Etre en conformité duquel les mortels sont. (V.A 192). Nhưng đấy là điều con người thời đại không làm nổi, không làm nổi vì quan niệm về vũ trụ nhân sinh đã bị khập khiễng ngay từ trong căn bản. "Không phải ở chỗ này hay chỗ kia, nhưng người thời đại đi cà nhắc từ trong yếu tính, một cách kỳ cục và đã từ lâu lắm.
Những tổ chức trong phạm vi xã hội, việc tái võ trang tinh thần, bụi rắc mắt của những hoạt động văn hóa, tất cả những thứ đó không sao đạt tới căn cơ. Mặc dầu đầy thiện chí, đầy cố gắng không ngừng nghỉ, tất cả những hoạt động trên chỉ là chi cành, vá víu từng ngày". (W.D.108).
Tình trạng bi đát xui nên do sự quên mất chữ Phản, không biết theo Hoa đường lệ "thiên kỳ phản nhi" hóa trở thành lưu liên.
Tùng lưu há nhi vong phản vị chi lưu
Tùng lưu thướng nhi vong phản vị chi liên
從 流 下 而 忘 反 謂 之 流,
從 流 上 而 忘 反 謂 之 連 (Mạnh Ib.4)
Theo dòng đi xuống quên trở lại gọi là lưu
Theo dòng đi lên quên trở lại gọi là liên.
Cả hai đều là vong bản quên gốc của mình, trở thành "du đãng" không nơi cư ngụ (heitmatlosigkeit không nhà). Nói khác đi thiếu nhà là tại vong thân, mà vong thân là tại thiếu suy tư.
Một điều kinh hoàng được Heidegger phát giác là con người chưa có suy tư: hay có suy tư nhưng một cách kỳ cục. L'homme a pensé mais d'une manière étrange. (V.A 155)
"Con người đã làm quá nhiều mà suy tư quá ít, mãi từ bao thế kỷ đã như vậy". Heidegger (W.D. 22)
"Vũ trụ trở nên hoang tàn vì chẳng có một ai suy nghĩ trong tâm can". (Kinh thánh)
Tử viết: "vị chi tư dã", chưa có suy tư, bởi suy tư chân thực phải là quy tư tức tưởng niệm Lời Vô Ngôn đầy tính các viên dung quán nhất. Cái tư đó còn thiếu. L'homme a trop agi et trop peu pensé depuis des siècles. W.D.22.
La frèquentation de la Philosophie peut nous donner l'illusion tenace que nous pensons, puisque après tout sans relache nous philosophons.
Ai cũng tưởng rằng hễ học triết lý là suy tư, đấy là một lối huyễn hoặc kinh niên. Và do lẽ đó hiện nay một khuynh hướng hạ bệ khoa danh lý đang được nhóm khởi lên bên triết Tây hiện đại. Nói đang nhóm khởi nghĩa ở là mấy tay anh chị tiền phong. Còn trong các trường ốc, hàn lâm, thi cử thì danh lý vẫn chễm chệ ngồi ghế danh dự. Nhưng đó chỉ là việc tất nhiên: "tiên chiếm giả đắc". Còn truyện danh lý có mang lại ơn ích chi cho triết lý chăng hay còn gây nên trở ngại là truyện cần phải xét. Heidegger viết "khi lời Vô Ngôn phải uốn mình trở thành một khí cụ, thì đó là lúc danh lý ra đời khiến cho triết học gia chạy theo sự vật mà quên mình, theo những "sự thực hiển nhiên của tai mắt mà quên mất nhân tình". Heidegger kể lại lời Kant rằng: "từ Arisstote, danh lý đã không thể lùi lại một bước và đến nay nó cũng không thể tiến thêm bước nào, và như thế xem chiều nó đã bị bế mạc và xong hẳn". Và ông thêm "thực ra không phải xem ra như thế, mà chính là như thế rồi. Và mặc dù những cố gắng của Kant, của Hégel nhưng xét về yếu tính và uyên nguyên thì đã không tiến thêm được, dù một bước. Nên bước duy nhất còn lại có thể làm được là hạ bệ nó xuống, hạ từ nền móng".
L'unique pas encore possible consiste à la détrôner et cela à partir de son fondement même. (F.211).
Ong viết tiếp "cứ sự lịch sử tư tưởng Tây Âu không khởi đầu suy tư điều đáng suy tư, nhưng lại để nó trong quên lãng. Như thế là tư tưởng Tây Âu đã khởi đầu bằng một sự biếng trễ, nếu không phải chính là một sự sa đọa".
En fait l'histoire de la pensée Occidentale ne commence pas par ceci qu'elle pense ce que donne le plus à penser, mais par ce ci qu'elle le laisse dans l'oubli. La pensée Occidentale commence donc par une négligence, sinon même par une défaillance. W.D.154
Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào xem khoa luận lý đã sa đọa từ đâu.
2. Tại sao Achille không đuổi kịp rùa?
Bởi vì trước hết Achille phải tới chỗ mà rùa vừa bỏ đi, nên bao giờ rùa cũng chạy trước một quãng.
Hoặc nói theo lý luận chia đôi (dichotomie) là nếu thời gian chia được ra vô cùng thời điểm thì không thể có sự di động, vì vật động thí dụ mũi tên trước khi tới đích điểm phải bay qua đoạn giữa, và trước khi qua được đoạn giữa thì phải trải qua đoạn giữa của đoạn giữa, và cứ thế cho tới vô cùng tận. Cho nên tên bắn ra vẫn nằm bất động (Aristote Physica VI.9). Đại để đó là vài mẫu thời danh của khoa lý chứng mà triết gia ZÉNON (sinh tại Elée Hy Lạp vào lối năm 4 tr.dl) đưa ra để chứng minh rằng dù có chủ trương vạn vật là đa tạp và thời gian có được chia cắt ra vô cùng tận thì cũng vẫn không thể có sự di động (mouvement) và sự biệt cách (discontinu), nên cũng vẫn là nhất bất động và liên tục (continu) y như chủ trương của Parménide mà Zénon bênh vực để chống lại chủ trương biến động của Héraclite. Tuy những luận cứ Zénon đưa ra có tính cách ngụy tạo hầu như hữu ý, nhưng sẽ được các triết gia trải qua 25 thế kỷ đều phải chú tâm phân tích. Aristote xưng tụng Zénon đã có công đặt nền móng cho khoa luận lý, Platon cho đó là những "trò chơi nghiêm nghị": des jeux sérieux (Parménide 128 A.D), Bergson cho là nền tảng khoa siêu hình về xê dịch và biến động (la Pensée et le mouvant p.177). Xem thế đủ biết những lý luận đó đã bao trùm bầu trởi triết Tây, ai đã học triết cũng từng nghe qua, để rồi bị dắt vào mê hồn trận không thấy lối thoát. Do đó chúng ta thử đưa lên bàn mổ xẻ hầu tìm hiểu cái thực chất của nền luận lý trong triết học Tây phương.
Nền triết học này đã bận tâm từ lâu lắm về vấn đề biệt cách hay liên tục của thời gian, nói kiểu khác vạn vật là nhất (liên tục) hay là đa (biệt cách).
Chúng ta hãy xem lại vài trang sử của phái Pythagore (570-597 tr.dl) làm thí dụ. Phái này chủ trương vũ trụ có tính chất biệt cách và được mô tả bằng những số chẵn, vì số chẵn vốn đi với những ý niệm biệt cách. Do đó số chẵn được áp dụng cho mọi khoa học, đặc biệt là toán học và âm nhạc, và tất cả các người trong môn phái ấy đều cho là sự thực duy nhất. Nhưng sau có người phát giác ra những số lẻ và không thể không coi chúng là những tương quan của hai số chẵn, chẳng hạn đường chéo của hình vuông mỗi bề 3 phân thí dụ, không phải là số chẵn 4 hay 5. nhưng là số lẻ 4242, thế mà số lẻ số chẵn vẫn hòa hợp nhau vì đường thẳng nào cũng có thể coi là đường chéo của một hình vuông, nên những số lẻ có thể coi như những trung gian để trám vào quãng cách biệt từ số chẵn này đến số chẵn nọ. Như thế thì vũ trụ có tính cách liên tục (continu) chứ không phải biệt cách (discontinu), nhất chứ không đa (un et non multiple).
Thế là toàn thể cơ sở Pythagore bị rung chuyển. Một người trong môn phái là Hippason còn vác đàn thất huyền đi hát rong để nói lên cho mọi người hay tính chất liên tục của vạn vật tức rao truyền cho mọi người biết sự sai lầm của môn phái mình. Để bảo toàn học thuyết, anh em tu hội Pythagore phải thủ tiêu Hippason và phao tin là hắn đã bị quỷ bắt.
Tuy khai trừ được Hippason nhưng không khai trừ được khó khăn đã được Hippason nhận thức ra. Đến sau có người đưa ra định nghĩa điểm toán là phi khối lượng, cho nên trong bất cứ đoạn thẳng nào cũng có thể đặt vào đó vô số điểm nhờ đó vẫn bảo tồn được tính chất biệt cách của môn phái. Nhưng với lối giải đáp này thì ý niệm biệt cách (đa tạp) tuy có đựơc duy trì nhưng đã trờ nên mờ nhạt. Và có thể nói là trường phái Pythagore với chủ trương biệt cách đã tắt thở trước những lý luận đuổi rùa và tên bay của Zénon. Nhất là từ khi Aristote (384-322 tr.dl) đưa ra thuyết liên tục mà lại có biến động thì thuyết biệt cách của Pythagore không còn đất đứng.
Theo Aristote thì vạn vật thành bởi đất, nước, khí, lửa là bốn tố chất khác nhau nên có sự biến động và biệt cách nhưng đồng thời bốn tố chất kia lại nằm trong khí Ether bất biến, nên sự vật cũng có tính chất liên tục (continu). Đó là quan niệm sẽ thống trị triết học Âu Tây cho tới ngày nay mới bắt đầu sụp đổ. Nó sụp đổ vì khí Ether ở cùng một bình diện hiện tượng y như bốn tố chất kia, nên không thể đem lại cho bốn tố chất kia một thể thái mới: sự vật là biệt cách đa tạp thì có đặt nó vào lòng khí Ether, nó cũng vần còn là biệt cách đa tạp, vẫn là những cá thể riêng rẽ mà chưa gì nối kết chúng lại được thực sự, vẫn thiếu tính chất liên tục cơ thể (continu organique). Nói khác người ta tưởng triết học Aristote có lưỡng tính (liên tục và cách biệt) nhưng thực ra chỉ có một tính chất là cá biệt, phân li mà thôi.
Do đấy phương pháp suy tư cũng chỉ có một chiều là lý trí phân tích, thiếu chiều tâm linh tổng hợp vì để đạt tổng hợp thì cần có Tâm. Vậy mà triết của Aristote mới có trí thì chỉ đạt tổng cộng chứ không thể nào đạt tổng hợp là cái đưa thêm ra chiều kích mới cho nên phải kết luận rằng pháp Quy luận theo tam đoạn luận (oyllogisme) chưa đuổi được rùa nghĩa là chưa đạt cái tri chân thực toàn triệt. Bởi vì khi đạt tri chân thực thì Quy trở nên Linh Quy. Mà không cứ gì Quy, nhưng hết thảy vạn vật khi biết được "bản lai diện mục" cũng thấy đều là vật linh nghĩa là thấy nó nằm trong mối liên hệ u linh với cái Toàn thể, nên có hai chiều là: đa và nhất. Triết học chưa thấy Linh quy vì chưa thấu vào vòng trong Tự thể như nhiên (chose-en-soi) mà vẫn còn vướng lại vòng ngoài đối kháng nhị nguyên: chọn một bỏ một, nên chung cục chỉ là một chiều, độc khối. Tính chất một chiều đó và còn được biểu lộ hiển nhiên trong câu châm ngôn "không có gì ở trong lý trí mà trước đã không ở trong các giác quan" (Nihil est in intellectu nisi prius fuerit in sensu). Câu trên cho ta thấy giác quan tương đồng với lý trí: cả hai ở cùng một bình diện: intellectu = sensu. Đó là lý do vì sao triết lý cổ điển bất lực trong sự vượt qua tầm giác quan tai mắt để đi đến ẩn tượng hay là sự vật tự thân, cả không ngờ đến rằng có nữa. Mãi cho tới Kant mới khám phá ra ngoài hiện tượng còn có sự vật tự thân (noumen).
Nếu ta phân biệt giữa sự thật (le vrai) và sự thực (le réel) thì phải nói triết học cổ điển chỉ biết có sự thật do lý trí kiến tạo bằng dữ kiện giác quan, mà không biết sự thực tự thân: sự thực này khác hẳn với sự thật do trí óc mình bày bịa ra rồi bắt nó phải tương hợp với sự thật như thế được định nghĩa là "sự tương hợp giữa lý trí và sự vật": adoequatio rei et intellectus. Ngày nay người ta gọi là chân lý đối vật (vérité-object) nghĩa là do lý trí tạo ra mà không là Thực thể Chân như, nó có sao thì mở phơi ra như vậy, không bị bóp méo do những ý niệm, những phạm trù của lý trí.
Đấy là điều triết học cổ điển đã không nhận ra nên gọi là triết lý một chiều. Một chiều không phải là không có chiều khác là "siêu hình", nhưng vì siêu hình được kiến tạo bằng các chất liệu trứ hình do giác quan thâu thập nên có siêu hình cũng kể là không, còn tệ hai hơn là khác, vì nó ru ngủ tâm thức con người không nghĩ đến đi tìm siêu hình. Đã có rồi thì tìm chi nữa. Đó là điều tai hại gây ra do duy lý. Tác động chính của lý trí trong việc này là trừu tượng. Trừu tượng là tác động của lý trí khi chọn lấy một hai khía cạnh của sự vật được giác quan thâu thập để kiến tạo ra "sự vật". Sự vật được kiến tạo này tất nhiên là sự vật sứt mẻ, bị cắt hoạn, bị cô lập hóa ra khỏi khung cảnh, ra khỏi môi trường tình tự của nó để dễ suy tư. Sự vật như thế tất nhiên là sự vật khách quan ngoại tại mà triết học quen gọi là lý niệm hay đối tượng. Dùng những ý niệm đó mà kiến tạo nên những hệ thống thì hệ thống trở thành cái đối tượng ngáng đường đi đến chủ thể tức là Tính thể hay Thực tại tự thân. Nói khác đi con người mất hết tự do: vì mọi "chân lý" mọi phán đoán phải tương hợp với các định đề của hệ thống tư tưởng. Nghĩa là những ý nghĩ bé nhỏ mình đã suy ra. Và như thế thì dầu Achille có chạy mau đến đâu cũng không đuổi kịp rùa, lỗi không tại Achille, nhưng tại những định đề ràng buộc Achille. Tức là không phải tại người thực sự thiếu khả năng đạt đến tính thể mình, nhưng tại những tiền đề, định đề đã do người tự chọn lấy để trói buộc mình vì coi chúng như những sư thật bất khả di dịch cần phải tuân theo. Và khi tuân theo những định đề ước định đó thì không thể đạt sự thực nội tại là cái vô biên không theo định đề do lý trí con người đặt ra nên có hạn y như lý trí có hạn vậy.
Sự đặt ra hay lựa chọn định đề này rất thong dong mặc dù người ta không còn quyền thong dong để nói ngược lại với những định đề đã chấp nhận, thí dụ đã chọn định đề của hình học mặt phẳng thì nhất định hai đường song song không bao giờ gặp nhau, cái đó bó buộc như thế, không thể nói khác. Nhưng chúng ta lại có thể không nhận những định đề hình học đường thẳng, và có quyền chọn những định đề thí dụ của hình học đường cong, thì lúc ấy hai đường song song có thể gặp nhau ở một nơi nào đó. Như thế là con người có thong dong, nhưng nó ở tại chọn hệ thống định đề nào, còn khi đã chọn một loại định đề rồi thì không còn tự do đi ngược lại với định đề đã chấp nhận. Sự quan trọng là biết chọn loại hình để đã không ngáng bước mà còn giúp giải phóng tâm thức con người. Nhưng sự thong dong thay đổi định đề mãi cho đến nay mới được ít người thông minh hé thấy và đã thi hành trong một số trường hợp lẻ tẻ: như các loại hình học, toán học, tân luận lý, còn tìm cho ra lọai định đề khai phóng con người toàn diện thì chưa.
Sở dĩ con người không nhận ra sự thong dong đổi toàn bộ định đề là tại những cái ơn ích do các định đề đã chọn đưa lại cho, như các công lý của toán học, hình học giúp cho thấy một hai khía cạnh của sự vật rồi mình tưởng rằng đó là tất cả sự thực. Nhưng không phải thế mà đó chỉ là một hai khía cạnh của sự vật mà thôi. Thí dụ công thức E=mc2 đưa tới việc chế tạo bom nguyên tử thì không có nghĩa là nó đúng với sự thực toàn thể, nhưng chỉ là đúng với một số liên hệ của sự vật như làm cho nổ. Nhưng làm cho nguyên tử nổ không là biết nguyên tử trong tự thân của nó, mà chỉ là biết dùng một hai khía cạnh của nó cho một hai điểm ích dụng nhỏ bé nào đó. Các định đề triết học hay công lý (axiomes) của toán, lý, hóa cũng chỉ là kiến tạo ra những phương trình để làm việc, để thiết lập nên một số lý thuyết có quán xuyến mà không cần có tương hợp với thực tại toàn diện. Nhưng đó là những chân lý mới chỉ được khám phá ra trong đầu thế kỷ này, còn dọc dài qua bao lâu trước, mọi định đề, mọi lý thuyết hễ có quán xuyến liền được coi như những sự thật toàn diện, những chân lý bất khả li, và không ai nghĩ đến thay đổi hết. Có thay đổi chăng là chỉ trong vòng cho phép của những định đề đó mà thôi, cho nên hậu quả không thể khác trước, nghĩa là không thể vượt phạm vi nhỏ bé hạn cục của lý trí để đạt tới cái toàn thể viên dung được. Sau đây chúng ta thử bàn qua tới biện chứng pháp của Hegel làm một thí dụ.