Dich giả: Đào Minh Hiệp
Phần 2

Ngày hôm sau tôi đến văn phòng của Hamđi. Tôi đã do dự mãi trước khi quyết định đến đây. Thực ra Hamđi cũng chưa hứa hẹn cụ thể gì cả. Câu nói: " Ngày mai đến chúng ta sẽ nghĩ ra cách thoát ", có thể chỉ là một câu nói xã giao và hoàn toàn chẳng có điều gì ràng buộc. Những lời hứa trịch thượng như vậy tôi đã nghe mãi. Cuối cùng tôi quyết định cứ đến. Không phải tôi đã bị cám dỗ bằng niềm hy vọng sẽ tìm được việc, mà là một sự ham muốn kỳ quặc, muốn uống tới giọt cuối cùng ly rượu nhục nhã đã đưa tôi đến đó. " Nếu như chiều hôm qua mi đã nhẫn nhục ngồi nghe bài thuyết giáo của Hamđi cho phép hắn ta đóng vai người bảo trợ thì bây giờ còn e ngại gì nữa mà không kéo lê cái vận rủi của mi cho tới cùng… ". Tôi tự nhủ thầm.
Người ta yêu cầu tôi ngồi chờ ở phòng đợi một lát. Nhưng khi bước vào căn phòng làm việc của Hamđi, tôi cảm thấy hình như trên môi tôi lại xuất hiện cái nụ cười đần độn như hôm qua và điều ấy làm cho tôi khó chịu.
Hamđi vừa lật lật những tờ giấy trên bàn vừa trao đổi với những người giúp việc ra vào liên tục. Bằng một cái gật đầu anh ta ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế rồi lại tiếp tục vùi đầu vào công việc của mình. Tôi lặng lẽ ngồi xuống, đắn đo không biết có nên chìa tay ra hay không. Bây giờ trông tôi giống như một kẻ đi cầu cạnh, và do đó cách cư xử như vậy thật là phù hợp. Chiều hôm qua khi bị Hamđi kéo lên xe tôi còn là một người bạn học cũ, nhưng chỉ sau 12 giờ đồng hồ giữa chúng tôi đã có một khoảng cách không sao vượt qua được. Quan hệ giữa con người thường được hình thành một cách giả tạo, kỳ quặc đến nực cười và hoàn toàn xa lạ với tình người chân thật.
Từ chiều hôm qua cho đến lúc này hình như chúng tôi không hề có điều gì thay đổi, song một vài chi tiết nhỏ nhặt tưởng như không có gì đáng kể mà chúng tôi vừa biết thêm về nhau đã tách mỗi người ra một phía. Và điều đáng ngạc nhiên hơn cả là chúng tôi chấp nhận sự thay đổi ấy như là một lẽ đương nhiên. Tôi cảm thấy bực mình. Nguyên nhân của nỗi bực tức ấy không phải tại tôi cũng chẳng phải vì Hamđi mà chính là vì tôi đang có mặt ở đây.
Cuối cùng chỉ còn lại hai người trong phòng. Lúc này Hamđi mới để ý đến tôi.
- Tôi đã tìm được việc cho anh. - Hamđi chớp chớp mắt đầy ý nghĩa, đoạn giải thích thêm. - Tôi đã nghĩ ra một chức vụ dành riêng cho anh. Công việc của anh là theo dõi giấy tờ luân chuyển trong các nhà băng, đặc biệt là trong nhà băng của chúng ta. Anh có trách nhiệm liên hệ với những công ty và những nhà băng khác. Còn lúc rãnh rỗi thì cứ việc ngồi chơi, nếu muốn có thể làm thơ nữa. Tôi đã làm việc với người quản lý. Mọi thủ tục giấy tờ sẽ làm nhanh thôi. Thời gian đầu anh sẽ nhận khoảng bốn mươi đến năm mươi lia một tháng, sau này tất nhiên sẽ tăng thêm. Vậy đấy, bắt tay vào việc đi thôi. Chúc anh thành công.
Hamđi vẫn ngồi nguyên trên ghế chìa tay ra. Tôi vội vàng nắm lấy tay anh và ấp úng một câu cảm ơn. Hamđi có vẻ rất hài lòng. Về bản chất có thể anh ta là người không đến nỗi tồi, nhưng cũng cần phải hiểu rằng việc nhận tôi vào làm có thể cũng là vì lợi ích của công việc. Khi bước ra hành lang tôi đã đứng do dự một lát. Có nên đến ngồi vào chiếc bàn làm việc của người ta đã chỉ định cho mình hay là bỏ đi. Đầu vẫn cúi xuống, tôi hỏi thăm một nhân viên đi ngang qua xem phòng làm việc của người phiên dịch Raip-êphenđi ở đâu. Người đó giơ tay chỉ rồi vội vã bỏ đi. Tôi đứng lại một mình. Tại sao tôi lại không quyết định bỏ đi? Tôi sợ mất nguồn thu nhập bốn mươi lia một tháng chăng, hay là tôi không muốn làm mất lòng Hamđi? Không! Đúng hơn cả có lẽ là vì tôi sợ hãi. Chẳng phải mấy tháng nay tôi đã lang thang không có việc làm đó sao? Tôi sẽ còn phải lang thang như vậy bao lâu nữa, ai mà biết được. Bỏ đi - tất nhiên là cũng được. Nhưng đi đâu? Biết gõ vào cánh cửa nào nữa? Tôi chẳng còn sức lực và lòng quyết tâm để làm lại tất cả từ đầu.
Cuối cùng tôi tìm thấy phòng làm việc của mình. Raip-êphenđi đang ngồi ở đó, cắm cúi trên chồng giấy. Tôi lập tức nhận ngay ra ông ta khi nhớ lại lời của Hamđi: " Chúng tôi đã sắp xếp anh làm việc trong phòng của Raip-êphenđi. Đó là một người dễ chịu, lặng hơn nước, thấp hơn cỏ ". Việc Hamđi gọi ông là " êphenđi " (1) chứ không gọi là " bây " như hiện nay thường gọi làm cho tôi phải chú ý. Tôi hình dung đó là một người gầy gò, tóc bạc, râu ria không cạo và đeo kính.
- Ông là Raip-êphenđi? - Tôi hỏi.
Người đàn ông ngước mắt lên nhìn tôi. Sau đó bằng giọng nói dè dặt - có thể gọi là sợ sệt - ông trả lời:
- Vâng, tôi. Còn ông có lẽ là người cộng tác mới của công ty. Người ta đã kê sẵn cho ông một chiếc bàn kia. Xin mời!
Tôi ngồi sau chiếc bàn loang lổ vết mực và những đường kẻ ngang dọc, kín đáo quan sát người đồng nghiệp, hy vọng sẽ xác lập được những ấn tượng đầu tiên - cho dù có thể là không chính xác - về con người sẽ cùng ngồi với mình trong một căn phòng. Raip-êphenđi vẫn cắm cúi làm việc như không nhận thấy sự chú ý của tôi.
Tôi ngồi như vậy cho đến trưa, không hề rời mắt khỏi người đồng nghiệp của mình. Ông ta đã bắt đầu hói, dưới những sợi tóc cắt ngắn lưa thưa có thể nhìn thấy lớp da đầu nhợt nhạt. Những vết nhăn hằn rõ dưới dáy tai. Những ngón tay dài, gầy guộc kẹp chiếc bút máy miệt mài đưa đi đưa lại trên giấy. Hình như Raip-êphenđi đang dịch văn bản gì đó. Đôi khi, những lúc không tìm thấy những từ thích hợp ông ngước mắt lên và bắt gặp cái nhìn của tôi, ông mỉm một nụ cười ngượng ngập. Trong những khoảnh khắc như vậy nụ cười của ông trông thật chất phác, hiền hậu. Hàng ria hung hung tỉa ngắn càng làm tăng thêm ấn tượng ấy.
Đến giờ ăn trưa, Raip-êphenđi kéo ngăn bàn ra và lấy từ đó một khoanh bánh mì, cà mèn thức ăn rồi trải ra trước mặt một tờ giấy. Tôi chúc ông ngon miệng và bước ra khỏi phòng.
Nhiều ngày qua, chúng tôi ngồi đối diện với nhau như vậy nhưng hầu như không trò chuyện gì. Cả tôi lẫn ông ta không ai muốn bắt đầu trước. Tôi đã làm quen với nhiều nhân viên khác và sau giờ làm việc vẫn thường cùng họ vào tiệm cà phê chơi bài. Qua một số người, tôi biết thêm vài nét về Raip-êphenđi. Ông là một trong những nhân viên lớn tuổi nhất của công ty. Trước khi công ty được thành lập, Raip-êphenđi đã làm việc tại một nhà băng mà hiện nay công ty vẫn còn quan hệ. Ông từ đâu đến và vào khoảng thời gian nào ông vào làm việc cho nhà băng đó thì không ai nhớ. Trên vai ông gánh nặng gia đình tương đối lớn, trong khi thu nhập thì không đủ cho mọi khoản chi tiêu. Trước câu hỏi của tôi tại sao một công ty lớn và giàu có như thế này lại không tăng lương cho người phục vụ lâu năm nhất của mình, thì mọi người mỉm cười trả lời:
- Những thằng ngốc thì phải làm việc nặng! Trước khi tăng lương cần phải kiểm tra lại xem ông ta có nắm vững ngoại ngữ hay không đã.
Nhưng sau đó, tôi có nhiều dịp để tin chắc rằng Raip-êphenđi nắm rất vững tiếng Đức. Những bản dịch của ông rất tuyệt, cả về mặt văn phong lẫn sự chính xác. Ví dụ ông có thể dịch một cách dễ dàng một văn bản nói về việc vận chuyển quá cảnh những mặt hàng bằng gỗ tần bì hay gỗ bá hương qua hải cảng Nam Tư, hoặc là bản hướng dẫn sử dụng một loại máy đặc biệt dùng để khoan lỗ tà-vẹt hay là bản hợp đồng phức tạp mà giám đốc chỉ cần ký vào là gửi đi ngay được.
Những lúc không có việc Raip-êphenđi thường kéo ngăn bàn ra - trong đó có một cuốn sách - và cắm cúi đọc. Một lần tôi vô ý hỏi:
- Bác đọc gì thế, Raip-bây?
Ông đỏ mặt như bị bắt quả tang đang làm một việc đáng chê trách, rồi lắp bắp:
- À… một cuốn tiểu thuyết Đức.
Và ông vội vàng đóng ngăn bàn lại rồi tiếp tục vùi đầu vào mớ giấy tờ.
Mặc dù vậy hầu như trong toàn công ty không một người nào cho rằng ông nắm vững ngoại ngữ. Không ai, trong lúc nói chuyện nghe thấy ông chêm vào một câu tiếng nước ngoài hoặc khoe khoang về kiến thức của mình, cũng như không có ai nhìn thấy ông cầm trên tay hay bỏ trong túi một tờ báo hay một cuốn tạp chí nước ngoài. Raip-êphenđi hoàn toàn không giống một chút nào với những tay công tử bột luôn miệng khoe khoang: " Tôi biết ngoại ngữ, tôi đã từng ở ngoại quốc! ".
Có thể chính vì ông không bao giờ có ý định đòi tăng lương hoặc tìm một công việc khác thích hợp hơn mà do đó mọi người càng nghi ngờ về trình độ hiểu biết của ông.
Raip-êphenđi bao giờ cũng đi làm đúng giờ, ăn trưa tại phòng làm việc, và buổi chiều, sau khi mua một vài thứ lặt vặt ông đi ngay về nhà. Có vài lần tôi mời ông vào quán cà phê nhưng ông liền từ chối:
- Tôi không thể đi được! Mọi người ở nhà đang chờ.
Lúc ấy tôi đã cho rằng có lẽ đây là một ông bố rất hạnh phúc đang vội vã về nhà để vui thú với đàn con của mình. Sau này tôi mới biết mình đã lầm, nhưng điều ấy ta sẽ nói sau. Lòng tốt và tính cần cù của Raip-êphenđi đã không giúp cho ông tránh khỏi những chuyện khó chịu trong công việc. Chỉ cần nhìn thấy dù là một lỗi rất nhỏ trong bản dịch là Hamđi lập tức gọi ngay ông lên sạc cho một trận. Đôi khi anh ta còn xộc cả vào phòng chúng tôi quát mắng ông già thậm tệ. Nói chung cũng chẳng có gì khó hiểu cả khi người bạn học cũ của tôi luôn luôn tỏ ra lịch thiệp với cấp dưới, ngay cả với những người ít tuổi hơn nhưng phải có người đỡ đầu, lại không e ngại gì trong cách cư xử với Raip-êphenđi, quát tháo ông thậm tệ mỗi khi ông chậm trễ công việc. Không có một tình cảm nào mạnh hơn sự mê say quyền lực đối với kẻ khác. Có điều cần phải biết bộc lộ ra vào lúc nào và trước mặt ai.
Raip-êphenđi hay ốm đau và những lúc đó ông không đến làm việc. Thường là ông bị cảm. Theo như ông nói mấy năm trước ông bị một trận viêm phổi nặng và từ đó ông đã phải chú ý đến sức khỏe của mình hơn. Chỉ cần bị sổ mũi nhẹ là ông đã không dám bước chân ra đường, còn nếu như bắt buộc phải đi thì ông thường mặc một chiếc áo len dày - Trong những trường hợp như thế ông không dám mở cửa sổ. Sau giờ làm việc, ông quấn khăn quàng kín đến tai, mặc chiếc áo bành tô đã cũ bằng dạ rất dày, cổ áo dựng lên. Chỉ sau khi đã trang phục chu đáo như vậy ông mới dám bước chân ra đường. Nhưng ngay cả những lúc ốm đau ông cũng không trốn tránh công việc. Tất cả những văn bản cần phải dịch gấp đều được người chạy giấy mang tới nhà ông và chờ ông dịch xong mang ngay về công ty. Qua cách cư xử của mình, giám đốc công ty và Hamđi như muốn nói với Raip-êphenđi: " Mặc dù ông bệnh tật thế đấy, nhưng chúng tôi cũng không thải hồi ông đâu ". Chưa hài lòng với những ám chỉ xa xôi đó có lúc họ đã không ngại ngùng nói thẳng với ông điều ấy và mỗi lần ông trở lại làm việc họ đều hỏi móc ông bằng một giọng cay độc:
- Ông cảm thấy trong người thế nào? Đã khỏi hẳn rồi chứ?
Thật ra mà nói Raip-êphenđi cũng đã bắt đầu làm tôi khó chịu. Tôi ít khi ngồi trong phòng. Ngay từ sáng sớm tôi đã phải xách cặp đầy ấp giấy tờ chạy khắp các nhà băng, các công sở và những người đặt hàng. Mãi đến gần trưa tôi mới đảo về phòng một lát để ngồi viết báo cáo cho giám đốc và người giúp việc của ông ta. Nhưng ngay cả trong những giờ phút hiếm hoi ấy tôi vẫn cảm thấy nặng nề khi nhìn thấy thân hình bất động như hóa đá của Raip-êphenđi đang cắm cúi trên bản dịch hoặc mê mải với cuốn tiểu thuyết mà không khi nào thấy ông lấy ra khỏi ngăn kéo. " Thật là một người ngớ ngẩn, vô vị - Tôi nghĩ - Nếu như người ta có điều gì trong lòng cần nói thì chắc chắn người ta sẽ sẵn sàng giải bày điều đó. Làm sao lại có thể thờ ơ, im lặng với tất cả những gì đang xảy ra quanh mình? Sự sống như thế chỉ có ở loài thảo mộc chứ không thể có ở con người! Buổi sáng đến công sở vào một giờ nhất định, dịch dọt cái gì đó, đọc lén lút một cuốn tiểu thuyết. Buổi chiều rẽ vào cửa hàng mua một vài thứ rồi đi ngay về nhà. Chỉ có một sự biến đổi duy nhất trong dòng ngày tháng đơn điệu ấy đó là bệnh tật ". Qua những câu chuyện của đồng nghiệp, tôi biết Raip-êphenđi luôn luôn là một người như vậy. Không khi nào và không ai dù chỉ một lần nhìn thấy Raip-êphenđi nổi nóng hoặc vui mừng. Trước những lời trách móc hoặc kết tội dù là bất công đến đâu của những người cấp trên, Raip-êphenđi đều lắng nghe với một thái độ kính cẩn, dửng dưng. Khi đưa những bản dịch của mình cho những người thư ký và nhận lại chúng sau khi đã đánh máy xong bao giờ ông cũng mỉm cười ngây ngô, không biểu lộ điều gì.
Có lần chờ mãi không thấy bản dịch - các cô thư ký đánh máy thường đánh tài liệu Raip-êphenđi đưa sau cùng - Hamđi đã xộc vào phòng chúng tôi và nói như té tát vào mặt ông bạn đồng nghiệp cùng phòng của tôi:
- Ông hãy cho biết xem còn phải chờ bao lâu nữa? Tôi đã nói phải làm gấp lên thế mà cho đến bây giờ vẫn chưa chịu dịch xong tờ công văn của cái công ty Hunggari!
- Thưa ông, tôi đã dịch xong rồi - Raip-êphenđi nhổm dậy ấp úng - Lỗi tại các cô đánh máy làm chậm. Họ nói rằng có việc khác quan trọng hơn.
- Tôi đã bảo với ông đó là việc quan trọng nhất cơ mà!
- Vâng, ông có dặn và tôi cũng đã nói với họ…
- Nói, nói cái gì? - Hamđi ngắt lời ông - Thay vì biện bạch loanh quanh ông nên thực hiện mệnh lệnh của tôi một cách nghiêm chỉnh! - Nói đến đây Hamđi bỏ ra, đập mạnh cửa phòng.
Raip-êphenđi chạy vội đến phòng đánh máy năn nỉ họ làm nhanh hơn.
Trong suốt thời gian của tấn bi kịch đáng hổ thẹn ấy, Hamđi không hề nhìn về phía tôi. Sau đó một lát Raip-êphenđi trở về phòng, ngồi xuống ghế của mình và lại cắm cúi vào đống giấy tờ như cũ. Nét mặt vẫn thản nhiên một vẻ kín đáo của ông làm cho tôi phải khó chịu. Raip-êphenđi cầm cây bút chì trước mặt vạch vạch lên tờ giấy. Tôi thấy hình như ông không viết mà vẽ cái gì đó. Mọi cử động của ông vẫn bình thản, không vội vã hấp tấp như ta vẫn thường thấy ở những người nóng tính. Tôi nhận thấy nơi khóe miệng ông, dưới bộ râu màu hung hung, phảng phất một nụ cười tự tin. Chiếc bút chì vẫn đưa đi, đưa lại trên tờ giấy một cách cương quyết. Thỉnh thoảng mắt ông nheo lại và khi đó qua nụ cười trông có vẻ rất hài lòng với mình. Cuối cùng ông đặt bút chì sang một bên, cầm tờ giấy lên ngắm nhìn tác phẩm của mình. Không rời mắt khỏi Raip-êphenđi, tôi ngạc nhiên vì nét mặt đặc biệt của ông. Tôi có cảm giác như Raip-êphenđi đang thương hại một người nào đó. Tôi cựa quậy trên ghế và cố ghìm đầu óc tò mò của mình lại. Bỗng nhiên ông vụt đứng dậy và chạy sang phòng đánh máy. Lập tức chỉ một bước nhảy tôi đã đứng ngay bên cạnh bàn của ông và vồ lấy tờ giấy. Vừa liếc nhìn vào đó tôi đã sững người lại. Trên mẫu giấy nhỏ bằng bàn tay là khuôn mặt của Hamđi. Chỉ vài nét của bàn tay điêu luyện, với sự chính xác kỳ lạ, toàn bộ bản chất của Hamđi được phơi bày rõ rệt. Cũng có thể một số người khác cho rằng bức tranh không giống lắm và nếu quan sát thật kỹ có thể nghi ngờ không biết đó có phải là Hamđi hay không. Nhưng nếu người nào nhìn thấy anh ta trong giây phút ấy khi anh ta xộc vào phòng, quát tháo ầm ĩ thì không thể không nhận ra. Một khuôn mặt méo mó vì giận dữ, gần như là một hình vuông, miệng ngoác ra, cặp mắt sắc nhọn như mũi khoan, mũi to, nặng nề với hai cánh mũi mở rộng - Tất cả những đường nét ấy làm cho mặt anh ta có một vẻ man rợ đặc biệt. Đó chính là Hamđi hay đúng hơn đó chính là bản chất của tâm hồn anh ta. Tuy nhiên điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là cho đến nay, sau bao tháng làm việc mà tôi vẫn không hiểu rõ được bản chất của Hamđi. Thái độ của tôi đối với Hamđi thường là khinh miệt, tuy đôi lúc tôi vẫn tỏ ra độ lượng với những tật xấu của anh ta. Những hiểu biết trước kia của tôi về Hamđi và trường hợp xảy ra hôm nay hoàn toàn không có gì giống nhau cả. Tôi như bước vào một ngõ cụt. Thế mà chỉ bằng một vài nét thôi, Raip-êphenđi đã phơi bày được bộ mặt thật của Hamđi, còn tôi trong suốt một thời gian dài dù rất cố gắng cũng không thể nào nhận ra được. Khuôn mặt anh ta có những nét man rợ thô lỗ, nhưng đồng thời nó lại gây cho người ta một sự thương hại. Với những nét sắc sảo đặc biệt, bức biếm họa đã cho thấy sự kết hợp kỳ lạ giữa tính kiêu ngạo và sự nghèo nàn, què quặt của tâm hồn. Lần đầu tiên sau mười năm quen biết bây giờ tôi mới thực sự hiểu được người bạn học của mình.
Bức tranh đã buộc tôi phải nhìn nhận Raip-êphenđi khác đi. Bây giờ tôi đã bắt đầu hiểu rõ hơn về sự bình thản sắt đá, về tính rụt rè khó hiểu và đôi khi là vẻ sợ hãi gì đó của ông ta đối với mọi người xung quanh. Có thể nào một người có khả năng nhìn thấu bản chất của những người khác với con mắt sâu sắc như thế lại có thể dễ dàng xúc động vì những chuyện vặt vãnh. Chính vì những va chạm thường xuyên với những điều nhỏ nhen, hèn hạ nên buộc ông phải giữ một thái độ thản nhiên lạnh lùng như thế. Chúng ta thường đau khổ, bực mình, phẫn nộ chỉ vì chúng ta gặp những chuyện bất ngờ. Không có gì có thể phá vỡ sự cân bằng của con người khi người đó đã sẵn sàng chờ đợi mọi chuyện có thể xảy ra và biết trước hậu quả của nó.
Raip-êphenđi lại một lần nữa làm cho tôi thêm tò mò. Điều mà trước đây tôi đã hình dung về ông ta rõ như ban ngày thì nay đã làm cho tôi nghi ngờ. Tính nghệ thuật của bức kí họa không thể cho phép tôi nghĩ rằng đó chỉ là một tài năng nghiệp dư mà thôi. Bức biếm họa ấy chỉ có thể do một người có quan sát tinh tế, khả năng diễn đạt sâu sắc và một kinh nghiệm phong phú mới có thể vẽ nổi.
Cánh cửa bỗng bật ra và Raip-êphenđi bước vào phòng, tay cầm bản dịch vừa được đánh máy xong. Vì bất thình lình bị bắt gặp, tôi ấp úng xin lỗi bằng lời khen:
- Bức vẽ thật là tuyệt!
Tôi nghĩ là ông sẽ bối rối hoặc có thể lo sợ khi thấy người khác biết được bí mật của mình. Song không xảy ra điều gì cả. Ông cầm lấy bức kí họa trên tay tôi thản nhiên mỉm một nụ cười tư lự rồi nói:
- Lâu lắm rồi. Ngày xưa tôi có học vẽ. Bây giờ, những lúc ngứa tay, không có việc gì làm cũng nguệch ngoạc tí chơi. Anh thấy đấy chỉ là trò nhảm nhí.
Ông vò tờ giấy và ném vào sọt rác.
- Mấy cô thư ký cấp tốc đánh cho mới xong đây - Ông lẩm bẩm - chắc là có nhiều lỗi nhưng chẳng có thời gian đâu mà đọc lại. Tôi phải mang ngay cho ngài Hamđi. Không ông ấy lại càng nổi xung thêm mà vẫn cứ cho mình là đúng.
Nhìn theo Raip-êphenđi bước ra cửa tôi cứ nhắc đi nhắc lại: " Vẫn cứ cho mình là đúng, vẫn cứ cho mình là đúng… ".
Sau việc này tôi bắt đầu để ý đến mọi hành động, dù nhỏ nhất của Raip-êphenđi. Tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để bắt chuyện và tìm hiểu thêm về cuộc đời của ông. Raip-êphenđi làm như không để ý đến sự tò mò của tôi. Ông vẫn tỏ ra nhã nhặn và xa lánh mọi người như trước kia. Giữa chúng tôi đã bắt đầu hình thành một mối quan hệ thân thiện hơn. Mặc dù vậy đối với tôi, tâm hồn ông vẫn còn là một điều bí ẩn. Sau khi làm quen với gia đình của Raip-êphenđi, biết ông còn là một người chủ nuôi và quản lý gia đình, tôi lại càng chú ý đến ông. Nhưng mỗi bước tôi xích lại gần ông hơn thì những điều khó hiểu lại càng xuất hiện nhiều hơn.
Lần đầu tôi đến được nhà Raip-êphenđi là nhờ cơ hội ông bị ốm. Khi biết Hamđi muốn sai người chạy giấy mang đến cho ông dịch một văn bản khẩn cấp gì đó, tôi liền đề nghị đi thay:
- Để tôi mang đi cho, nhân tiện thăm ông ấy luôn thể.
- Cũng được. Tôi không phản đối… Anh thử tìm hiểu xem ông ta ở nhà ra sao. Không hiểu sao lần này ông ta ốm lâu thế.
Quả thật cũng đã một tuần nay Raip-êphenđi không đi làm. Tôi hỏi người chạy giấy và được biết Raip-êphenđi sống trong vùng Ítxmétnasa. Hồi đó vào giữa mùa đông. Khi tôi đi thì trời đã bắt đầu tối. Tôi men theo những đường phố nhỏ lên lên, xuống xuống. Mặt đường gồ ghề, lồi lõm. Cuối cùng tôi rẽ vào một ngõ hẽm ở khu ngoại ô nằm phía bên trái đường. Tôi tạt vào một quán cà phê gần đấy hỏi thăm nhà của Raip-êphenđi. Người ta chỉ cho tôi ngôi nhà nhỏ hai tầng quét vôi vàng nằm trơ trọi giữa một công trường đang xây dựng, ngổn ngang đá sỏi. Raip-êphenđi ở tầng dưới. Tôi đến gần, giật chuông. Một cô bé khoảng mười hai tuổi ra mở cửa. Khi biết tôi muốn gặp cha mình, cô bé trề môi ra, nhăn mặt nói:
- Mời ông vào.
Trong nhà Raip-êphenđi sắp đặt không giống như tôi tưởng. Chính giữa phòng khách - Có lẽ cũng dùng làm phòng ăn - Kê chiếc bàn xếp, phía trong góc là tủ buýp phê nặng nề lắp kính sáng choang, chứa đầy những bộ đồ ăn bằng pha lê. Sàn nhà được trải thảm Xivas (2). Từ nhà bếp bay lên mùi thức ăn thơm phức. Cô bé dẫn tôi vào phòng khách. Đồ đạc trong phòng khá đẹp và xem ra đắt tiền. Những ghế bành mềm đều bọc nhung đỏ, những bàn nhỏ bằng gỗ hồ đào, một chiếc rađiô có máy quay đĩa loại lớn chiếm gần nửa chiều ngang căn phòng. Khắp nơi, trên bàn, trên lưng ghế bành đều phủ những tấm vải choàng màu kem có thêu ren rất cầu kỳ. Trên tường có treo mấy tấm ảnh gia đình và một bảng nhỏ có ghi những câu trích từ kinh Koran.
Vài phút sau, cô bé mang cà phê ra cho tôi. Trên khuôn mặt nhỏ nhắn thoáng một nụ cười giễu cợt, khoan dung như có ý muốn nói tôi chẳng phải là một nhân vật quan trọng cho lắm.
- Thưa ông, bố tôi không được khỏe, không ra khỏi giường được, mời ông vào buồng trong gặp bố tôi - Cô bé vừa nói vừa đỡ lấy tách cà phê tôi vừa uống cạn, cặp lông mày nheo lại tỏ ý cho tôi biết rằng tôi không xứng đáng được đón tiếp trang trọng như vậy đâu. Bước vào trong căn phòng nơi Raip-êphenđi đang nằm tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Đồ đạc ở đây sắp đặt hoàn toàn khác hẳn so với những căn phòng khác. Trong phòng kê liền mấy cái giường phủ trắng trông giống như phòng bệnh viện hay ký túc xá. Tôi nhìn thấy ngay Raip-êphenđi đang nằm, trên người đắp tấm đrap màu trắng. Khi vừa bước vào tôi có cảm giác như ông cố mỉm cười. Sau cặp kính trắng đôi mắt ánh lên một cái nhìn thân ái niềm nở. Tôi đưa mắt tìm chỗ ngồi. Trong căn phòng chỉ có hai chiếc ghế nhưng trên đó đã vắt đầy áo quần, tất đàn bà, áo len. Qua cánh cửa hé mở của chiếc tủ quần áo bằng loại gỗ rẻ tiền màu huyết dụ, có thể nhìn thấy trên móc treo đầy những chiếc áo dài, áo vét, còn bên dưới là những gói lớn. Căn phòng lộn xộn kinh khủng. Trên tủ kommốt ngay ở đầu giường, có cái khay bằng kim loại để một đĩa xúp ăn từ bữa trưa còn lại và một bình nước uống không nắp. Ngay cạnh đấy là những lọ con và những tuýp thuốc.
- Anh ngồi xuống đi, ngồi đây này. - Ông chỉ vào giường.
Tôi ngồi xuống. Raip-êphenđi mặc một chiếc áo len phụ nữ cũ kỹ đã rách ở hai khuỷu tay. Ông hơi nhổm dậy, đầu tựa vào thanh giường sắt sơn trắng. Trên thanh giường phía lưng tôi cũng vắt đầy các thứ quần áo.
- Tôi ngủ ở đây với các cháu vì vậy mà lộn xộn thế này đây - Ông nói khi bắt gặp cái nhìn của tôi - Anh thấy đấy, nhà không được rộng, khéo lắm mới nhét hết từng này người.
- Gia đình bác đông lắm à?
- Già trẻ lớn bé đủ cả. Con gái lớn đang học trung học, cô bé hơn thì anh đã nhìn thấy đấy. Ngoài ra còn vợ chồng người em vợ. Họ cũng có hai cháu. Trong nhà còn có hai cậu em trai của vợ nữa. Tất cả từng ấy người đều ở đây cả. Anh biết đấy, ở Ankara kiếm được chỗ ở đâu có dễ dàng, chính vì thế nên chúng tôi không thể nào tách ra được.
Bỗng có chuông reo, sau đó là tiếng người nói ồn ào. Có lẽ là người nào đó trong gia đình vừa về. Lát sau cửa phòng hé mở và một người đàn bà khoảng bốn mươi tuổi, mái tóc xõa trước trán bước vào phòng. Người đàn bà cúi sát vào tai Raip-êphenđi thì thầm điều gì đó. Ông không trả lời, chỉ giơ tay về phía tôi nói:
- Đây là đồng nghiệp của tôi.
Ngừng một lát ông quay về phía vợ nói tiếp:
- Lấy ở túi áo vét ấy!
- Lạy thánh Ala! - người đàn bà thốt lên thấy rằng: không cần phải nói thầm nữa. - Tôi có nói đến tiền đâu. Ai đi ra cửa hàng bây giờ cơ chứ? Ông thì không dậy được rồi...
- Bảo Nuten đi vậy! Cửa hàng gần đây thôi, có vài bước chân chứ mấy.
- Muộn rồi còn gì. Trời vừa lạnh vừa tối. Tôi không muốn để nó ra đường vào giờ này. Mà chắc gì nó đã nghe tôi.
Raip-êphenđi suy nghĩ một lát, sau đó ông ngửng đầu lên làm như đã tìm ra cách giải quyết:
- Không sao đâu, nó sẽ đi thôi. - Ông nói mà không nhìn vợ.
- Chúng tôi sống thế đấy! - Raip-êphenđi quay lại nói với tôi khi chỉ còn lại hai người trong phòng - Mua bánh mì, một việc vặt như thế mà cũng trở thành quan trọng. Tôi chỉ ốm một tí thế là không biết bảo ai đi mua.
- Thế còn mấy cậu em vợ? Họ còn bé lắm hay sao? - Tôi đánh bạo hỏi thẳng ông.
Raip-êphenđi im lặng nhìn tôi. Có cảm tưởng như ông không nghe thấy câu hỏi. Vài phút sau ông mới trả lời.
- Không, họ cũng chẳng còn bé bỏng gì nữa. Cả hai đã đi làm rồi, cũng là công chức như chúng ta. Ông em cột chèo của tôi đã thu xếp cho họ làm ở Bộ Tài chính. Tất nhiên là không phải dễ dàng gì vì cả hai đều không có văn hóa, chưa tốt nghiệp phổ thông mà!...
Nói đến đây ông vội thay đổi chủ đề câu chuyện:
- Hình như anh mang cái gì đến cho tôi dịch phải không?
- Vâng... Người ta dặn sáng mai phải xong. Sáng sớm người chạy giấy sẽ đến lấy.
Ông lặng lẽ cầm những tờ giấy ở tay tôi đặt sang một bên.
- Bác thấy trong người thế nào?
- Cảm ơn anh. Có cái gì đó cứ đau âm ỉ mãi đến nỗi không thể ngồi dậy được.
Raip-êphenđi chăm chú nhìn tôi như muốn hiểu xem có đúng là tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe của ông hay là chỉ hỏi theo phép lịch sự vậy thôi. Tôi rất muốn ông tin vào những tình cảm chân thật của tôi. Nhưng ngay lúc đó trong cặp mắt đang tươi tỉnh của ông lại thoáng hiện lên nụ cười nhạt nhẽo, vô nghĩa.
Tôi buồn rầu đứng dậy.
Bất ngờ ông nhổm người lên, nắm chặt lấy tay tôi:
- Cảm ơn, cảm ơn cậu đã quan tâm. - Ông nói bằng một giọng ấm áp và tôi thấy rõ là ông đã đoán được những ý nghĩ của tôi.
Chú thích:
(1) êphenđi: lối xưng hô kính trọng đối với đàn ông trong ngôn ngữ cổ của Thổ Nhĩ Kỳ ; bây: ngài, cogo ( trong ngôn ngữ hiện đại ).
(2) Xivas: một thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng bằng nghề dệt thảm.