LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Đức Mạn Thù Thất Lợi bồ tát hay bàn về những cái rất nhỏ. Hồi xưa Thánh Thán được nghe, lấy làm thích lắm … Kìa như thế giới Sa bà, lớn đến nỗi không thể đo lường được, vậy mà duyên cớ lại bắt đầu từ cái rất nhỏ! Cho đến hết thảy các món có ở trong thế giới Sa Bà, duyên cớ nó cũng nhất nhất bắt đầu từ cái rất nhỏ cả! Câu chuyện đó to lắm, không thể đem ra chỗ này mà bàn được. Nay chỉ mượn lấy câu "rất nhỏ" của bồ tát, để xét đến ý niệm của người viết văn. Kìa như giữa thu xế chiều, trời đất trong suốt, mây nhẹ lăn tăn, nhỏ như cánh hoa, đó thực là cảnh rất đẹp ở trong đời. Vịt trời hàng đàn bay ngang không, người thuyền chài tung lưới bắt được. Xem lông bụng nó, phớt mầu mực loãng, lăn tăn cũng như mây trên trời, nhỏ như vân xuyến. Đó lại là cái rất đẹp ở trong đời … Hoa các loài cỏ cây, từ trong đài tràng, nở ra thành cánh. Nếu ta tỉ mỷ nhìn kỹ cánh của nó thì từ cuống lên đầu màu không nhất định. Đó cũng là rất đẹp ở trong đời … Ngọn đèn nhìn từ dưới lên trên: Chỗ gần bấc mầu hơi biêng biếc; lên chút nữa, mầu hơi trăng trắng; lại lên chút nữa, mầu hơi tia tía; lại len chút nữa thì mầu đỏ nhợt, rồi mới đến khói đen tuôn lên như bọt nhỏ. Đó cũng là cái rất đẹp ở trong đời … Lòng … người đời bây giờ, dọc cao, ngang rộng, không biết là bao nhiêu dặm! Mông mông, mênh mênh, trâu ngựa cũng nhìn không rõ! Ví phỏng có ai nói cho nghe những chuyện ấy, thì có lẽ họ đã phanh ngực cả cười, cho rằng: người ta sinh ra ở trong đời, quý nhất là dư mặc, thừa ăn! Rỗi hơi đâu mà để bụng dạ vào những chuyện như thế! Họ không biết để bụng dạ vào những chuyện như thế, nào có phải là phí hoài đâu! Mây thu lăn tăn nhỏ như vân xuyến. Xuyến vì chỗ có, chỗ không chen nhau mà thành vân, song trong chỗ lăn tăn kia; thì có những là chỗ có chỗ không chen nhau mà thôi! Ta từ dưới này trông lên, cách mây không biết mấy trăm nghìn dặm, thì thấy cái lăn tăn kia, cách nhau không đầy một tấc. Thế nhưng nếu đến tận nơi mây mà đo, thì thực chưa biết là mấy tầm mấy trượng nữa. Nay ta thử nghĩ, nếu cách nhau hàng mấy tầm, mấy trượng, mà chỉ là chỗ có chỗ không chen nhau, thì ta từ dưới trông lên, quyết là không đẹp được đến thế. Nay từ dưới trông lên mà đẹp đến như thế, thì tất là giữa khoảng cái lăn tăn này với cái lăn tăn khác, tất có vô số tầng lớp, như liền với nhau, như theo với nhau. Cái gọi là rất nhỏ, chính ở chỗ đó, không thể không xét được. Cái lăn tăn của mây trên trời, cách nhau hàng tầm hàng trượng, cho nên khoảng giữa có nhiều tầng lớp. Cái đó cũng chưa đáng kể. Đến như cái lăn tăn ở lông bụng con vịt trời, cách nhau rất hẹp hòi, chỉ bằng độ hạt gạo hay hạt thóc! Nay thử xem nó sở dĩ đẹp như vân xuyến, có phải chỉ là vì chỗ có chỗ không chen nhau mà thôi sao? Nếy thật chỉ là vì chỗ có chỗ không chen nhau, thì ta thử lấy ngọn bút nhỏ, thấm chút mực lại vẽ từng nét một coi nào? Cớ sao đứa trẻ lên bảy cũng khúc khích cười là chẳng giống chút nào cả! Tiếc thay không có ai là Ly Châu để nhìn cho kỹ, nhận cho rõ đó thôi! Nếu nhìn kỹ nhận rõ ra, thì trong đó cũng có vô số tầng lớp, như liền với nhau; từ cái nọ lăn tăn đến cái kia, thật cũng chẳng khác gì cách nhau hàng trượng. Cái gọi là cái rất nhỏ, chính là ở đấy, không thể không xét được! Hoa các loài cỏ cây, từ trong đài, tràng, nẩy ra thành cánh … Thiên hạ cho rằng bấy nhiêu cánh, ấy là một hoa … Có biết đâu hôm qua có lẽ hoa ấy chưa có; lại hôm kia nữa, có lẽ đài cùng tràng cũng chưa có. Ở trong chỗ không đài không tràng không hoa, mà nẩy bật ra đài, nẩy bật ra tràng, lại nẩy bật ra hoa, trong khoảng đó tất có cái rất nhỏ, như người đi thong thả, dần dần tới xa. Vậy thì một cánh hoa tuy là nhỏ, nhưng từ cuống cánh đến đầu cánh, bắt đầu từ đây, tận cùng chỗ kia, tất phải gân chuyển mạch rung, sớm nhạt chiều thẫm, phấn non hương già … Tự ta coi thì một cánh hoa chỉ lớn bằng móng tay! Song tự hoa tính ra thì biết đâu đường lối chẳng xa xôi vượt bờ kia, sang đỗi nọ? Tự ta coi thì từ khi mới nở đến giờ chỉ trong chớp mắt! Song tự hoa tính ra thì biết đâu thọ mạnh chẳng lâu dài chồng đời nọ đến kiếp kia? Đó cũng là cái rất nhỏ không thể không xét được! Ngọn lửa trên bấc đèn coi nhàn nhạt, không biết trong năm màu ở thế gian đó là màu gì? Tôi thường nhìn kỹ từ đầu bấc lên đến hết chỗ khói; từ chỗ biêng biếc đến hết chỗ trăng trắng, nó giáp nhau ra làm sao; lại từ chỗ trăng trắng đến chỗ tia tía, nó giáp nhau ra làm sao; lại từ chỗ tia tía đến chỗ đỏ nhạt, từ chỗ đỏ nhạt đến chỗ khói đen, nó giáp nhau ra làm sao? … Trong chỗ giáp nhau đó tất có những cái rất nhỏ, ban đầu chia ra còn có thể chia được; nhưng lại thong thả mà chia ra nữa, thì khiến ta chẳng có thể chia ra được nào! Đó lại là một điều không thể không xét được! Nếu ta biết suy rộng tấm lòng ấy ra, thì cầm bút mà chép những câu mời chào nhau của người làng, người xóm, tất cũng có văn. Mà chép những tiếng cãi cọ nhau của nàng dâu, mẹ chồng, tất cũng có văn! Mà chép hai người gặp gỡ giữa đường, vái nhau xong đi thẳng, tất cũng có văn. Sao vậy? Trong đó tất có những cái rất nhỏ … Người khác nóng lòng chẳng xét, thì không sao viết được đành chịu gác bút bỏ đấy! Song ta từ dưới cửa bậc đại chí là đức Man Thù Thất Lợi bồ tát, học được phép ấy, thì tuy nhặt nắm cặn bã ở bên đường, ta cũng có thể ép ra được hàng chum nước! Trong đời này lại còn đầu đề nào nhỏ hẹp, đủ trói buộc cánh tay ta không cho nhúc nhắc nữa đâu! Đọc Mái Tây, đến chương "hoạ vần", sau chương "xin trọ", trước chương "quấy đám", bất giác tôi phải cảm mãi đến lời của Bồ Tát, lại xin nguyện các bạn tài tử gấm vóc trong thiên hạ đọc kỹ càng coi! - Trên là chương "xin trọ", phàm điều cậu Trương muốn nói đều đã nói hết! Dưới là chương "quấy đám", phàm điều cậu Trương chưa nói, đến đấy mới có thể nói được! Nay vào giữa khoảng hai chương đó, bỗng đem tả chuyện cách tường hoạ thơ, mà cũng muốn rồi rào tự thành một chương, thì thật là bút vướng mực khan, "nàng dâu khéo, nhưng không gạo nấu sao lên cháo!" Tác giả bỗng dưng nghĩ đến rằng: Đêm ấy Thôi, Trương hoa thơ nhau, thì hai người tất là cùng ở dưới màn sương trong bóng nguyệt. Nhân bịa ra câu chuyện đêm nào cũng thắp hương, rồi do chỗ xem thắp hương mà sinh ra tình, mà bầy ra cảnh, tả nên những ý văn lạ lùng! Kẻ nóng lòng, không biết nỗi khổ tâm ấy, đọc lên chỉ biết đấy lại là ít câu hát hay! Có biết đâu một chữ, một câu, cho đến một tiết, đều là tách bóc ở trong một hạt nếp mà ra cả.