LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Bạn tôi là ông Trác Sơn thường bảo tôi rằng. Núi Khuông Lư thật là một cảnh lạ ở trong đời: Đi sông luôn mấy ngày, thoạt cũng chẳng để ý, bỗng dưng giữa khoảng trời trong sáng, thấy sừng sững một ngọn núi xanh; giữa núi một dòng thác chảy như tấm lụa treo ngược! Lái đò hoảng hốt thưa: Đấy tức là núi Khuông Lư. Nhưng nào đã đến núi Khuông Lư đâu! lại đi hai ngày, dần dần không thấy gì nữa, thì ra lại đến nơi rồi!
Tôi nghe lấy làm thích lắm, muốn sang xem ngay, nhưng rồi gắng chưa sang được. Một là vì nghèo không có tiền ăn đường. Hai là vì sang đấy không có ai là chủ nhân. Ba vốn là tính lười biếng, tạm ngồi rồi đã lại hết một năm! Thế nhưng trong lòng thì có lẽ không một hôm nào là không nghĩ đến, vì thế mà đêm thường chiêm bao … Thường cứ một hôm, hai hôm lại nằm mơ thấy đi dưới sông. Đương lúc thuyền chạy như bay, ngẩng nhìn trời xanh, lại thấy ngọn núi sừng sực lưng trời. Y như lời Trác Sơn. Khi tỉnh dậy, khoan khoái cả người! Về sau có gặp người ở miệt Tây Giang sang, tôi nắm áo hỏi ngay. Nhưng họ nói: làm gì có như thế! Tôi phát bực: Đồ ngốc còn có hiểu gì! Sau lại có người ở miệt Tây Giang sang, tôi lại nắm áo vội hỏi. Họ lại nói:Làm gì có như thế! Tôi phát bực: Lại một thằng ngốc nữa! Rồi đó hễ có người ở miệt Tây Giang sang là tôi đều hỏi cả. Nửa thì họ nói có như thế, nửa thì họ nói không có như thế! Tôi ngờ hỏi lại Trác Sơn. Trác Sơn bật cười mà rằng: Chính mắt tôi cũng chưa trông thấy nữa! Trước kia có nhiều người ở Tây Giang sang, người thì nói như thế, người thì nói không có như thế. Thế nhưng tôi đối với người nói như thế thì tin là thật. Còn những kẻ nói không có như thế thì bỏ đó không đếm xỉa đến. Vì sao vậy? Vì rằng ví phỏng núi Khuông Lư mà thật như thế, thì ta tin lời họ nói là thật, thực đáng lắm. Còn ví phỏng núi Khuông Lư mà chẳng như thế nữa, thì đó là cái lỗi của Trời Đất. Lấy cái thế lực lớn, cái trí tuệ lớn, cái học vấn lớn, cái đùa nghịch lớn của Trời Đất, phỏng có khác gì chẳng bầy ra nổi một cảnh lạ, như thế để làm trò vui cho chúng ta, mà lại hà tiện không chịu làm!
Tôi nghe lại lấy làm thích lắm, trong lòng hớn hở cho mãi đến bây giờ, chẳng những ban đêm thường chiêm bao, mà ban ngày cũng thỉnh thoảng được gặp nữa? Thế nào mà thỉnh thoảng ban ngày cũng được gặp? Ấy, tôi thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Tả Truyện! Tỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Sử Ký, Hán Thư! Mà bây giờ lại thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Mái Tây! Thế nào mà lại được gặp trong khi đọc Mái Tây? Ấy, như ngay đầu chương này, câu thứ nhất viết "Trước chùa trăng đã mọc cao?" Chẳng qua có 6 chữ mà thôi, thế nhưng tôi thì cho thật là "đi sông thoạt không để ý đến" …; thật là "giữa khoảng trời trong sáng, sừng sững một ngọn núi xanh" …; thật là "nhưng nào đã đến núi Khuông Lư" …; thật là "khi đến núi Khuông Lư thì lại không trông thấy" …; một thế lực lớn! Thật là một trí tuệ lớn! Thật là một sức học vấn lớn! Thật là một cách đùa nghịch lớn! Ấy là điều mà bạn Trác Sơn đã dạy tôi. Kiếp này tôi cũng chả cần đến Tây Giang nữa. Kiếp này dù tôi chả bao giờ đến Tây Giang, nhưng núi Khuông Lư thì tôi nhìn đã quen lắm: Nó thật là một cảnh lạ ở trong đời.
Đến đây là lần thứ ba mà cậu Trương được gặp Oanh Oanh. Thế nhưng khi ở vườn hoa thì mới là thoáng trông thấy! Thoáng trông thấy thì chưa thực là trông thấy … Khi ở cách tường thì mới là xa trông thấy! Xa trông thấy! thì cũng chưa thực là trông thấy. Hai lần trông thấy mà đều chưa thật là trông thấy, vậy thì lần này mới là lần cậu Trương được thật trông thấy Oanh Oanh, cho nên tác giả về chỗ đó phải dùng bút cẩn thận lắm. Khi mới thoáng trông thấy thì nào: "đùa cợt mặc ta", "bút hoa mỉm cười", "cảnh Bồng Lai", "con người thần tiên", đều là những lời dùng để tả bậc Thiên nữ vừa hiện ra thoắt đã biến đi. Khi mới xa trông thấy thì nào "bàn chân nhỏ quá", "bước chậm rì rì", "thu mất linh hồn", "càng nhìn càng đẹp", đều là những lời dùng để tả hồn Lý phu nhân, nửa như phải mà nửa như không phải! Đến mãi đây mới thậc là trông thấy, thật là nhìn chán nhìn no cho nên tả nào miệng, nào mặt, nào da, nào người; chẳng khác gì xem cá ở chỗ nước trong, nhận được từng vây, đếm được từng vẩy! Kẻ không hiểu cho tả thực. Họ có biết đâu phàm văn hay xưa nay có phép gì là tả thực đâu! Tả thực thì khác nào như cái ụ đắp bằng đất, dù người quê mùa đi qua, họ cũng không thèm nhìn vậy.
Bỗng dưng mượn chuyện các tiểu, các đạo tràng đều mê mệt vì Oanh Oanh, để tả cái cực đẹp của con người sắc nước. Đó tất là lẽ tất nhiên trong khi viết văn, song hiện nay đương lúc Phật pháp suy đồi, bọn sư mô tội ác đầy đầu, nếu không phải là hạng rắn rết, rùa, giải, thì cũng nên để ý giữ gìn; hạng khuê các trong sạch, chớ nên bén mảng đến cửa Phật. Vì cái thói dâm độc của bọn sư mô gân đây, có những là hương tàn nến tắt mà thôi đâu! Vậy mà bọn rắn rết rùa giải kia, lại đương chắp tay trả lời: A di đà phật! Tội ngiệp! Tội ngiệp! Các cụ đều là bậc chân chính, vào hạng một nghìn hai trăm năm mươi bậc thiện trí thức cả! Vợ tôi, dâu tôi, con gái tôi đương lục hòm, dốc rương, hết lòng bá thí cúng đường! Không phhải chuyện bỡn đâu! Anh đừng nói nhảm rồi sa xuống "ngục cắt lưỡi" đấy! Trời ôi! Sao mà hạng rắn rết rùa giải ngày nay chúng nó lại ngu mà thích để cho người ta lợi dụng như thế! Đáng thương biết là bao nhiêu!