LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Vì sao con Hồng lại dạy Quân Thuỵ câu chuyện gẩy đàn? Thánh Thán ngậm ngùi mà than rằng: Từ đây mà đi, tôi mới biết lễ là cái có thể ngăn đón được người đời vậy! Kìa như Quân Thuỵ là tay tài tử nhất đời! Lại như Song Văn cũng là bậc giai nhân nhất đời!
Lấy tay tài tử nhất đời bắt gặp bậc giai nhân nhất đời, thì thế tất cũng không nề nghĩa chết, muôn chết, cố cầu cho họp nhau! Mà dẫu bậc giai nhân nhất đời nữa, thoáng nghe có tay tài tử nhất đời, thế tất cũng không nề nghìn chết, muôn chết, mà cố cho họp nhau! Sao vậy? Vì tài tử là giống rất quý ở đời, mà giai nhân cũng là giống rất quý ở đời … Trời sinh ra ở đây một giống quý, trời cũng biết khó lòng mà kiếm cho đủ đôi … Tự nhiên một ngày kia mà hai giống gặp nhau, hai giống thương nhau, hai giống tìm nhau, hai giống họp nhau, thì khi đó trời cũng sướng lắm! Sướng sao sướng vậy! Vì được một việc mà ra được cả hai việc: đem giống rất quý này sánh đôi với giống rất quý kia, tức là đem giống rất quý kia sánh đôi với giống rất quý này … Có lẽ nào trời lại cho thế là không phải, lại ép uổng đem một viên ngọc sánh đôi với một hòn đá; rồi lại lấy một viên đá cho sánh đôi với một viên ngọc, mà lại lấy làm sướng hay sao! Thế nhưng tôi thường lấy làm nghĩ: Tài tử có tấm tình thế tất phải đến, thì giai nhân cũng có tấm tình thế tất phải đến. Thế nhưng tấm tình thế tất phải đến ấy, ở tài tử chỉ có thể cất giấu ở trong lòng tài tử, mà ở giai nhân chỉ có thể cất giấu ở trong lòng giai nhân. Dù cực chẳng đã, lâu mãi! lâu mãi! Muôn một xảy ra chuyện không may, vì tấm tình thế tất phải đến ấy, mà tài tử đến sắp chết, thì tài tử cũng đành chịu chết! Mà giai nhân đến sắp chết, thì giai nhân cũng đành chịu chết! Chứ tài tử cũng không có cách gì để tỏ tình được với giai nhân; mà giai nhân cũng không có cách gì để tỏ tình được với tài tử. Vì sao? Vì các đấng vua đời xưa đã đặt ra lễ, thì muôn đời cũng không bỏ đi được! Lễ dạy rằng: "Lời nói ở ngoài không dám để lọt vào trong cửa buồng; lời nói ở trong không dám để lọt ra ngoài cửa buồng". Hai câu ấy như có quỷ thần xét soi, học từ lúc bé, mà cho đến lúc chết cũng không dám phạm! Tài tử yêu giai nhân thì yêu thật, song tài tử còn yêu các vua đời xưa hơn. Có thế tài tử mới được là tài tử! Giai nhân thì yêu tài tử thật, song giai nhân còn sợ lễ hơn. Có thể giai nhân mới được là giai nhân! Cho nên trai lớn tất phải có vợ, gái lớn tất phải có chồng, đó là chuyện rất thường xưa nay, tưởng không cần gì phải dấu diếm cả. Vậy mà tuy là tài tử giai nhân, cũng cần phải cha mẹ bằng lòng, mối lái nói trước; lê, táo, giò, nem, thành tâm đưa đến; họ hàng làng xóm, rượu cỗ khuyên mời … Không thế thì cha, mẹ, mọi người trước đã coi khinh; mà con hiếu, cháu hiền về sau còn lấy làm xấu hổ mãi mãi! Sao vậy? Chỉ ghét về tội trái lễ đó thôi! Cho nên tài tử như Quân Thuỵ, giai nhân như Oanh Oanh, thật hai con người rất quý ở trong trời đất vào khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường! Tài tử yêu giai nhân như Quân Thuỵ với Oanh Oanh, giai nhân yêu tài tử như Oanh Oanh với Quân Thuỵ, thì thật không nề nghìn chết, muôn chết, mà suýt suýt nữa cả đôi đều muốn dồn cả hai cái chết làm một … Thế thì trước khi chưa có những chuyện quân giặc vây chùa, bà lớn hứa gả thì: Quân Thuỵ yêu Oanh Oanh thật, song vẫn không biết nàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Oanh Oanh yêu Quân Thuỵ thật, song cũng vẫn không biết chàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Quân Thuỵ đã không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Oanh Oanh, mà Oanh Oanh cũng không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Quân Thuỵ; cái đó hai bên cùng thế cả. Đã vậy thì thật là không hiểu lẫn nhau … Kể hai người yêu lẫn nhau, yêu đến như thế là cùng, vậy mà vẫn không sao hiểu lẫn nhau, như vậy thì hai người có thể chết được lắm chứ! Thế nhưng hai người dù có chết cũng là chết toi, chứ mối tình kia thì vãn không có cách gì để cùng nhau nói ra miệng, cùng lọt vào tai! Ấy là vì theo lễ phải thế, không có thể phạm được! Nghìn sự không may! Muôn sự không may! Mà cái may thật là may lù lù đưa đến. Rồi bỗng không mà quân giặc vây chùa, bỗng không mà bà lớn hứa gả! Theo ý tôi thì trong khi đó Quân Thuỵ có thể không cần tỏ tình với Oanh Oanh mà Oanh Oanh cũng có thể không cần tỏ tình với Quân Thuỵ nữa! Vì sao? Vì bà mẹ đã hứa, mà ba trăm người ở dưới hành lang đã chứng kiến cho rồi! Từ đây mà đi, Oanh Oanh mới thật là Oanh Oanh của Quân Thuỵ! Tấm tình chung của đôi người, dù tự miệng nói ra suốt ngày đêm, cho đến suốt cả tháng, cho đến suốt cả năm, cho đến suốt trăm năm nữa, nào có khó gì! Nào có cần chi phải có một kẻ đứng giữa để đón từ bên đây đưa sang bên kia? Trời thực cũng không ngờ rằng mụ già lại còn xoay kế khác vậy! Từ khi cái kế của mụ già thình lình xoay khác, khi đó chừ Oanh Oanh lại vẫn chưa phải là Oanh Oanh của Quân Thuỵ, mà Quân Thuỵ lại vẫn chưa phải là Quân Thuỵ của Oanh Oanh! Vì thế, mà giữa khoảng hai người, không thể không phiền đến một kẻ ngoài, để đón bên đây, đưa sang bên kia, lại mong được ở bên kia để trả lời bên đây! Tuy rằng ở Oanh Oanh thì dù đến chúng ta đây cũng phải dặn hộ rằng: Đó là chuyện cần phải giữ ý giữ tứ, dù sao thì em cũng không thể đem mà nói rõ với người; thế nhưng ở Quân Thuỵ thì còn có kiêng nể gì mà chẳng viện lý, viện lời, để nói cho ai nấy đều biết? Tục ngữ có câu: "Lòng chẳng phụ ai, mặt không bẽn lẽn!" Ví phòng bà lớn mà chưa hứa, thì Quân Thuỵ dù chết nữa thực cũng không dám, vì rằng còn vướng có lễ! Thế nhưng bà lớn đã hứa, thì Quân Thuỵ dù có không kiêng nể gì, nghiễm nhiên dám mượn một tay sứ giả, đẩy cửa buồng ra mà nói rõ với Oanh Oanh, tôi tưởng cái đó lễ cũng không thể theo mà ăn vạ được nữa! Vì sao? Chỗ đuối ở bên ấy chứ không phải bên này! Thế nhưng ta chỉ không biết người sứ giả đó thì biết trả lời ra làm sao? Bà lớn hứa, chuyện đó tai ta được nghe … Bà lớn lật, chuyện đó tai ta lại được nghe … Chả cần Quân Thuỵ phải nói! Quân Thuỵ dù không nói, song ta há không phải giống người hay sao mà không hậm hực ở trong lòng? Cho nên cái đó thật cũng không cần Quân Thuỵ phải van lơn. Quân Thuỵ dù không van lơn, song ta há không phải giống người hay sao, mà nỡ không ra tay giúp đỡ? Vả chăng nay ta đem lời Quân Thuỵ mà nói với Oanh Oanh, thì chẳng qua cũng như rót nước vào nước mà thôi! Vì sao? Vì tấm lòng uất ức vừa đây, hiện ra nét mặt, ta thì đã xét rõ lắm. Vậy thì đem lời Quân Thuỵ nói với Oanh Oanh cũng chẳng khác gì đem lời của Oanh Oanh nói với Oanh Oanh mà thôi! Thực ra trong đời còn có chuyện gì dễ dàng hơn chuyện ấy nữa! Thế nhưng riêng con Hồng thì cho chuyện ấy thế mà có chỗ cực kỳ khó! Vì sao? Vì rằng: Nhà họ Thôi thì thâm nghiêm kín đáo, vinh một quan Tướng quốc giúp vua trị nước ở triều đình; bà lớn họ Thôi thì đường hoàng bệ vệ, một bà nhất phẩm phu nhân, mà nay lại sắt sói, gớm ghê, một bà mẹ goá lòng băng mặt sắt; con gái bà lớn là Oanh Oanh thì thướt tha yểu điệu, như Trời, như Phật, một cô tiểu thư nghìn vàng, gió xuân còn chửa được thổi, nắng xuân còn chửa được soi … Đến như con Hồng sở dĩ là con Hồng thì chẳng qau dưới gối bà lớn có tiểu thư, bên cạnh tiểu thư có người hầu, mà trong bọn người hầu ấy có một con xinh xinh nho nhỏ, thế thôi! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tầm thường, thì đó là thể của tiểu thư! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tay chân, thì đó là ơn của tiểu thư! Nói về thể của tiểu thư, thì không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm, cái đó chẳng những con Hồng phải thế, mà phàm những người hầu cạnh tiểu thư ai cũng phải thế cả, mà con Hồng không thế cũng không được! Đến như nói về ơn của tiểu thư, thì cái không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến tôn nghiêm, tôi nghĩ cũng chỉ có một mình con Hồng là biết thế mà thôi… Nếu không thế thì sao tấm lòng châu ngọc của tiểu thư, ngày thưởng chẳng chịu để ý đến ai, mà lại riêng đoái thương đến con Hồng? Cứ đó mà suy, thì vâng lời Quân Thuỵ, tuy là sự Hồng không vâng không xong, nhưng thưa với Oanh Oanh thì là sự Hồng không thưa không được! Vì rằng đó là một sự cực kỳ khó nên chẳng những Hồng lấy làm khó, thì Quân Thuỵ khi ấy cũng đã lấy làm khó cho Hồng; chẳng những Thánh Thán lấy làm khó, mà hết thảy các bạn tài tử gấm vóc ở đời hiện nay có lẽ cũng không ai không lấy làm khó cho Hồng! Coi đó đủ biết các vua đời xưa đặt ra lễ, có trong, có ngoài, có cao, có thấp, chẳng những lời nói ở ngoài không dám để lọt lên trên … Ấy nghiêm trọng cẩn thận là thế! Cốt để ngăn ngừa những sự gian tà lếu láo ở đời, không cho nấp bên cạnh, lấn đằng trước, quấy đằng sau, phá phách không biết đến đâu là cùng; dụng ý thật rất sâu xa vậy! Coi đó thì biết con Hồng sở dĩ dạy Quân Thuỵ về chuyện gảy đàn, ý nó nào có phải muốn Quân Thuỵ lấy đàn mà ghẹo Oanh Oanh vì đàn mà cảm Quân Thuỵ! Chẳng qua vì Oanh Oanh đứng vào địa vị tôn nghiêm quá, mình là con hầu, tất không thể nói được. Đã không thể nói được thì vừa rồi nhận lời với Quân Thuỵ, đành bỏ mặc đó hay sao? Như vậy thực chẳng nỡ lòng nào!Vì thế phải giở đến ngón ranh mãnh tinh ma, mà thình lình gửi cả vào cây đàn… Rồi đó một bên thì dạy cho gẩy, một bên thì dứ cho nghe … Dứ cho nghe rồi giả vờ vào … Giả vờ vào rồi đứng rình đấy … Đứng rình đấy rồi khi bắt được chân tình cùng câu nói, liền đâm xổ ra cho không thể nào mà chối được! Ấy thế rồi thong thả dử dần cho cá cắn vào câu! Than ôi! Ví phỏng Oanh Oanh ngồi rú mà không ra, hay ra mà không nghe, hay nghe mà không nói, thì ai còn giở ngón ra được nữa! Vì vậy Thánh Thán đọc Mái Tây lòng còn thao thức mà cảm đến các vua đời xưa! Các cô tiểu thư tôn nghiêm giữ lễ sau này, đối với con hầu thân thiết của mình, phải coi chừng cho cẩn thận mới được.
(Trác Sơn nói: Sau chuyện lật hẹn, trước chuyện gửi thư, sao lại nẩy ra chương Ý đàn này? Có lẽ tấm tình khăng khít của đôi bên, trước còn chưa tả hết ý, nên cần phải nói thêm lần nữa hay sao? Giờ đọc lời phê bình của Thánh Thán mới hiểu ra. Cả đến những câu "chạy đâu ra mà thở chẳng ra hơi … vv " ở cuối chương, cũng đều như mới tắm xong cả! Mắt Thánh Thán thật to bằng cái rổ!)
Tôi xem cách dùng bú của người viết "Mái Tây" thật là lạ tuyệt xưa nay! Chương "mời tiệc" trước, chỉ dùng một vai con Hồng, vậy mà lại là văn tả Quân Thuỵ và Oanh Oanh! Đến chương "ý đàn" này dùng cả Quân Thuỵ và Oanh Oanh, bỏ rớt hẳn con Hồng, thì lại chính là văn tả con Hồng! Mờ mịt bên trời, gửi lời nhắn các bạn tài tử gấm vóc đâu ta: Tôi muốn cùng bạn khêu đèn ngồi chờ, chuốc rượu vui cười, đọc đi! hát đi! giảng đi! bàn đi! gọi đi! lạy đi! Đời không ai hiểu thì đốt đi! khóc đi (Trác Sơn nói: Tôi xin khóc trước!).