LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Bọn ngốc gần đây viết vở hát, theo lệ tất viết bốn chục hồi! Tôi thật không hiểu sao lại không ít hơn, không nhiều hơn, cứ phải viết đủ bốn chục hồi! …
Ông lão Nam Hoa (Trang Tử) có nói rằng: "Con chim bằng, khi bay sang bể Nam, dứt tầng mây, sát trời nam, cách đất chín muôn dặm … Khi đó nó trông xuống đất, cũng như người dưới đất trông lên trời: Cái xanh xanh kia chính là mầu của trời chăng? Hay là tại xa thẳm không cùng mà coi ra vậy! …" Các bậc ông hoàng, bà chúa, sinh ở hậu cung, mình vàng vóc ngọc, nào có biết đâu dưới mái nhà tranh kia, bọn học trò nghèo đói, tại sao lại suốt đêm ngày, ra rả, nhung nhúc, luôn miệng kêu hoài? … Ông Gia Cát Trung Vũ (Khổng Minh) một mình gánh vác việc thiên hạ, cầm trăm vạn quân, binh mã, lương thảo, khí giới, sổ sách, thiên văn, địa lý, khách khứa, án từ, không việc gì là không phải nghĩ đến, thì nào có biết đâu một anh chàng nhà quê khất khưởng, áo đơn, khăn xéo, đi bộ vào hầu, chắp tay thưa chuyện, là trong lòng muốn bày tỏ hay van xin chuyện gì? … Đức Thập trụ Bồ Tát, hiểu biết hết cả tính Phật, phép Phật, thì nào có biết đâu hết thảy bọn chúng sinh ở trong bể sống chết, ra rồi lại vào, vào rồi lại ra, dù có nghìn đức Phật Thế Tôn giáng sinh xuống đời, đi tu đắc đạo, thuyết pháp, độ sinh, xong đó vào cõi Niết Bàn, kể đã lâu lắm, lâu lắm, mà chúng sing thôi vẫn ra vào trong bể sinh tử như xưa. Như thế thì sung sướng nỗi gì! Thực ra thì các ông hoàng bà, chúa không biết bọn học trò nghèo, cũng như bọn học trò nghèo không biết ông hoàng, bà chúa … Cụ Gia Cát Trung Vũ không biết anh chàng nhà quê, cũng như anh chàng nhà quê không biết Cụ Gia Cát Trung Vũ … Đức Thập trụ Bồ Tát không biết lũ chúng sinh chìm đắm, cũng như chúng sinh chìm đắm không biết Đức Thập trụ Bồ Tát! … Cho nên nói rằng: "ấy cũng thế đấy thôi!" mà ngay đến Đức Khổng cũng nói rằng: "Đạo khác nhau, không vì nhau mưu tính". Ở ngoài chằm, con trâu, con ngựa có "tơ" gì đến nhau? Thế nhưng tôi thực không ngờ trong văn chương cũng có chuyện như thế! Hôm qua đọc Mái Tây, nhân nghĩ kỹ đến những vở hát của bọn ngốc, không nhiều hơn, không ít hơn, cứ phải viết bốn mươi hồi, thì tôi thực không biết phép tắc nào mà cứ phải như thế? Đến như văn Mái Tây, làm sao lại gồm có mười sáu chương, thì tôi có thể nói được vậy: Phàm văn chương có chỗ "nẩy"; có chỗ "quét" … Nẩy như nẩy lá, nẩy hoa … Quét như quét hoa quét lá … Thế nào là nẩy? Thế nào là quét? Thế nào là nẩy như nẩy lá nẩy hoa? Thế nào là quét như quét hoa quét lá? Thử coi nhất thiết các cõi đời, trong khoảng hư không, vốn không có chuyện, vậy mà nay bỗng dưng có chuyện … Khác nào trời xuân vốn không có lá và hoa nay bỗng dưng có lá, có hoa … Thế là nẩy. Sau đó người đời vì cớ nghĩ càn, vì cớ lăn lộn, gây ra bao nhiêu chuyện … Thế nhưng những chuyện ấy bỗng dưng lại không có nữa, khác nào xuân tàn hoa rụng thì quét hoa; thu sang lá rụng thì quét lá … Thế là quét. Như vậu thì trong vở Mái Tây, nẩy ở chỗ nào? Quét ở chỗ nào? Chương đầu tiên "gặp gỡ" đó là chỗ nẩy … Chương cuối cùng "tiệc khóc" đó là chỗ quét … Vì trước khi "gặp gỡ" thì chưa có Mái Tây. Chưa có Mái Tây thì còn là hư không … Sau khi "tiệc khóc" thì không còn Mái Tây. Không còn Mái Tây thì lại vẫn là hư không … Đó là chương pháp lớn nhất vậy. Sau đó vào khoảng giữa thì có chỗ đàng này tới, có chỗ đàng ấy tới … Thế nào là đàng này tới. Như chương "xin trọ" là Quân Thuỵ tới, thế là đàng này tới! Như chương "hoạ vần" là Oanh Oanh tới, thế là đàng ấy tới … Vì trước kia Oanh Oanh ở trong buồng kín, nào có ngờ đâu ngoài tường lại có Quân Thuỵ tới nơi trọ! Mà đêm ấy Quân Thuỵ ở Mái Tây, thực cũng có ngờ đâu trong tường lại có Oanh Oanh tới hoạ vần. Ví phỏng Quân Thuỵ không xin trọ thì là Quân Thuỵ không tới. Oanh Oanh không tới thì cũng không nẩy ra chuyện ấy. Nay Quân Thuỵ đã mến sắc mà tới, Oanh Oanh lại mến tài mà tới, như vậy là hai bên cùng tới. Hai bên cùng tới thì người bể Nam đã không còn ở bể Nam, người bể Bắc không còn ở bể Bắc … Tuy chuyện đó chưa hẳn có, nhưng trong đó đã có hơi nhỏ sẽ qua, tơ mành ngầm buộc, người ta tuy chửa thấy, song sự thế đã không cản được nữa rồi! Rồi sau đó mới có ba bước "dần dà" … Sao gọi là ba bước dần dà? "quấy đám", bước dần dà thứ nhất; "vây chùa", bước dần dà thứ hai; mà như chương "lần sau" là bước dần dà thứ ba! Bước thứ nhất, Oanh Oanh mới biết người Quân Thuỵ. Bước thứ hai, Oanh Oanh mới dính líu tới Quân Thuỵ. Bước thứ ba, Oanh Oanh mới định tình với Quân Thuỵ. Ba bước ấy gọi là ba bước "được". Sao lại gọi là ba bước "được"? Ví không có chuyện "quấy đám", thì Oanh Oanh có biết mặt Quân Thuỵ sao được? Ví không có chuyện "vây chùa", thì Oanh Oanh có dính líu với Quân Thuỵ sao được? Mà không có chuyện "lần sau" này, thì Oanh Oanh có định tình với Quân Thuỵ sao được? Sao vậy? Vì là đám chay, cho nên sẽ ló mặt xuân được! Vì là lễ Phật, cho nên rời xa gót ngọc được! Không có dịp đó, thì tới cũng chưa chắc đã tới, có những không được biết mặt thôi đâu! Tai biến bất kỳ, cho nên mới được chịu ơn che chở; lời mẹ hứa gả, cho nên mới được viện nghĩa xướng tuỳ! Không có dịp đó thì làm thế nào mà có ơn cho được, có nghĩa cho được? Đêm hôm nghe đàn, Oanh Oanh kể lể nỗi lòng, chính con Hồng đã được nghe … Đêm hôm lật thư, Quân Thuỵ sang theo lời hẹn, chính con Hồng lại được thấy … Giờ thì chẳng những được nghe, được thấy, mà còn ai kia sắp chết vì ai, mà đó là chuyện con Hồng tai nghe, mắt thấy rõ ràng, thì Oanh Oanh còn không thương sao được? Còn nề hà sao được? Còn nín nhịn sao được, mà còn không hứa cho sao được? Không có dịp đó thì chẳng những điều con Hồng được thấy, con Hồng sẽ không thấy được, mà đến điều con Hồng được nghe, con Hồng cũng có được nghe đâu! Sau đó thì hai chỗ "gần" và ba chỗ "sểnh". Hai chỗ gần là thế nào? "mời tiệc", một chỗ gần; "lần trước", hai chỗ gần. Gần, nghĩa là suýt được, suýt được nghĩa là vẫn không được. Vẫn không được mà lại bầy ra những chỗ suýt được ấy, đó là phép khởi phục, thay đổi của văn chương. Ba chỗ sểnh là thế nào?:"lật hẹn", một lần sểnh; "lật thơ", hai lần sểnh; "khoả hoa", ba lần sểnh. Có gần thì phải có sểnh. Vì muốn có sểnh cho nên phải có gần. Và cũng vì muốn có gần, cho nên phải có sểnh. Sểnh nghĩa là suýt mất. Suýt mất có nghĩa là vẫn không mất. Vẫn không mất. Vẫn không mất mà lại bày ra những chuyện suýt mất ấy, đó là phép khởi phục, thay đổi của văn chương, đã thế kia thì tất lại phải thế này vậy! Rồi sau đó mới có hai chỗ "không thế không được" …. Thế nào là hai chỗ "không thế không được?". Nghe đàn, không thế không được! Tán thơ, không thế không được! … Nghe đàn, con Hồng không thế không được. Tán thơ, Oanh Oanh không thế không được! … Ví phỏng chuyện nghe đàn không thế thì không thành ra con Hồng … Mà con Hồng không ra con Hồng thì Oanh Oanh cũng không ra Oanh Oanh … Vì sao? Vì ghét rằng như kiểu "Cô bé dệt vải, tựa cửa thở than; bà mẹ hỏi han, có sao nói vậy!" Chương tán thơ không thế không thành ra Oanh Oanh. Mà Oanh Oanh không ra Oanh Oanh thì Quân Thuỵ cũng không ra Quân Thuỵ. Vì sao? Vì ghét rằng như kiểu "Bích Ngọc vốn con nhà xoàng, quay ngay mình lại ôm chàng Lang Da!" Rồi sau đó mới có một chương tả thực … Cả bộ sách, bảy khúc, tám khuỷa, trăm đầu nghìn mối, bao nhiêu là chữ, là câu, đều kết huyệt cả ở chương tả thực ấy, như các sông đổ cả xuống bể khơi; như các tiên chầu cả về cửa trời; như tin thắng trận bốn phương, báo cả về cung Cam Toàn; như dấu hoả phù năm cánh, thu cả về đất Lưu Châu … Không biết ngày, tháng, năm nào phát nguyệt, động tay muốn viết bộ sách này; chỉ biết ngày, tháng, năm ấy, đã được gác bút một cách sung sướng! Ấy tức là chương "đáp thư" ở dưới này vậy! Rồi lại có một chương "Tả không" … Cả một bộ sách lớn, bảy khúc, tám khuỷa, trăm đầu, nghìn mối, bao nhiêu là chữ, là câu, đến đây đều không dùng được việc gì! Chẳng khác gì Hạng Võ đem lửa mà đốt cung A Phòng; Trang, Huệ cãi lý về câu chuyện con cá; thầy lâm Tế giơ tay thụi mạnh, cụ Liêm Thành chèo thuyền đi ngay … Không biết ngày, tháng, năm nào phát nguyệt, động tay muốn viết ra bộ sách này; chỉ biết ngày, tháng, năm ấy, lập tức đem xé tan ra một cách sung sướng! Ấy tức là chương "Tan mộng" ở cuối cùng vậy. Cho nên mười sáu chương Mái Tây, tôi thực có thể hiểu mà nói được. Cho là mười sáu chương cũng được! Cho là trăm, nghìn, vạn, ức chương thu cả vào đấy cũng được. Cho là không có giọt mực nào cũng được. Còn như bọn ngốc ngày nay viết vở hát, không nhiều, không ít, cứ phải viết bốn mươi hồi, thì tôi thật không hiểu họ theo phép tắc nào mà cứ phải như thế? Họ coi Mái Tây "cái xanh xanh đó kia chính là mầu chăng, hay là tại xa thẳm không cùng? …" Mái Tây coi họ cũng "cái xanh xanh đó kia chính là mầu chăng, hay là tại xa thẳm không cùng? … Thì ông lão Nam Hoa đã nói: "Ấy cũng thế đấy mà thôi! …"