LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Người xưa có nói: "Thơ Quốc Phong mê gái mà không dâm!" Thánh Thán đọc câu này mà lấy làm ngờ: Trời ơi! Lạ chưa! Mê gái với dâm, thì khác nhau có là mấy? Nếu bảo rằng: những bài thơ ấy đều "vì tình mà phát ra, nhưng vì lễ nghĩa mà đứng lại": Vì tình mà phát ra, thế là mê gái; vì lễ nghĩa mà đứng lại, thế là không dâm, thì khi tôi mười tuổi, mới học kinh Thi, các thầy đồ nhà quê đã giảng cho nghe nghĩa ấy rồi! … Nào phải tôi chưa được nghe, hay nghe mà vội quên đâu! Có điều tôi không hiểu là: Mê gái như thế nào thì gọi là mê gái? Mê gái như thế nào thì gọi là dâm? Mê gái lại như thế nào thì gọi là suýt nữa dâm, mà may nhờ có lễ mới không đến nỗi dâm? Mê gái lại như thế nào thì gọi là may nhờ có lễ không đến nỗi dâm, mà cứ việc tha hồ mê gái? Theo ý tôi thì mê gái mà nói rằng tôi không dâm, ấy là kẻ chắc chưa từng mê gái bao giờ! Mê gái mà nói rằng tôi sợ lễ lắm, có dám dâm đâu! Ấy là những kẻ chẳng những không dám dâm, mà còn không dám cả mê gái nữa! Mê gái mà rất sợ lễ, mà còn dám mê gái, chỉ có không dám dâm thôi, thì tôi không biết cái dâm ấy là thứ dâm thế nào? Vả chăng thơ Quốc Phong còn đó, cố nhiên không phải bài nào cũng mê gái; song những bài mê gái thì thường thường cũng có … Dâm như văn Quốc Phong mà còn cho là không dâm thì như thế nào mới gọi là dâm? Dâm như văn Quốc Phong mà còn mong treo gương cho đời sau, bảo thế là không dâm thì còn văn nào không thể treo gương cho đời sau, bảo thế là không dâm? Đó là những điều mà tôi lấy làm ngờ trong khi đọc sách vậy! Theo ý tôi thì người ta chả có ai là không mê gái! Mà người ta mê gái thỉ chả có ai mê gái mà không dâm! Và người ta đã dâm thì chả có ai không lấy nê là mình mê gái cả. Cái đó trong quan hệ đến tính tình, ngoài quan hệ đến phong hoá, thu vào rất nhỏ, nhưng phát ra rất to! Cho nên nhân dịp bàn văn Mái Tây tôi hỏi qua đến chuyện đó. Thực ra thì mê gái với dâm, khác nhau có là bao nhiêu! Những bài có ý dâm ở trong Quốc Phong, không thể kể hết ra đây, tôi chỉ xin trích ra một câu dâm nhất đám … Ấy là câu: "Đem xe mình lại! Vận của tôi đi!" Trời ơi! Sao mà quá làm vậy? Thế mà lại còn có câu quá nữa … Ấy là câu: "mình chẳng nhớ ta, thiếu gì người khác!" Trời ơi! Là giống người mà lại mở mồm ra nói như thế hay sao? Thơ Quốc Phong, nhặt vào đầu đời Chu. Đó là những thơ trong lúc đời đương thịnh. Lại qua tay sửa chữ của đức tiên sư ta là cụ Khổng. Vậy nó lại là bậc thư văn của bậc đại thánh nhân! Vậy mà lời lẽ như thế! Thật là khiến kẻ học giả đời sau không còn biết nghĩ ra thế nào! Xét ra các văn vần từ xưa đến nay, mười phần thì đến bảy phần đều là chuyện ấy của trai gái! Như vậy, há lại không phải chính chuyện ấy là chuyện hay, cho nên trong lòng thấy thích mới đem viết ra văn đó sao? Ai viết văn chả muốn cho văn hay? Thế nhưng bỏ chuyện ấy ra thì văn không thể hay được … Viết văn muốn cho văn hay, nhưng văn hay tất phải mượn chuyện ấy, thế thì chuyện ấy tất là chuyện hay … Vì sao? Vì chuyện hay tất văn phải hay, mà văn hay tất chuyện phải hay vậy … Đến như chuyện ấy thực là chuyện hay mà viết ra văn lại không phải là văn hay thì chuyện ấy chưa chắc đã là chuyện hay … Vì sao? Vì văn không hay tất chuyện không hay, mà chuyện không hay cho nên văn không hay vậy …
Cho hay người ta hơn kém nhau thực không thể lấy lẽ thường mà tính được! Cùng là bàn tay, cùng là cây bút, vậy mà người thì viết được văn hay, người thì không viết được văn hay! … Có những thế mà thôi đâu; đến nỗi cũng cùng là một đôi trai gái, mà có đôi thì làm được chuyện hay, có đôi thì không sao làm được chuyện hay? Nhưng sao biết họ không làm được chuyện hay? Thưa rằng: Cứ đọc văn họ thì biết! Thế nhưng họ thì họ cãi: chuyện tôi cũng chuyện hay đấy chứ! Văn tôi cũng hay đấy chứ! Viết đến đây, Thánh Thán bất giác không sao nhịn được cười! …
Có người cho trong Mái Tây có chương này nhảm nhí nhất!
Đó là lời các cụ đồ trong xóm ba nhà! Kể về chuyện thì từ đời Bàn Cổ đến giờ, có nhà nào không có chuyện ấy? Đến như kể về văn, thì từ đời Bàn Cổ đến giờ, có tay nào là viết nổi văn ấy? Không nhà nào là không có, thì chuyện đó có quái gì là nhảm nhí! Không tay nào là viết nổi, vậy mà văn ấy lại dám bảo có câu nào, chữ nào nhảm nhí hay sao! Không câu nào chữ nào là nhảm nhí, thế thì từ "Hài hoa gang chỉ nửa gang", cho đến "… Hoạ là trong giấc mơ màng gặp nhau?" đó là những lời lẽ gì? - Ấy thì thế … Tôi thì tôi cho rằng: Nếu quả thật nhảm nhí thì chỉ một câu, một chữ là xong chuyện rồi …; quyết không phải viết dài đến như thế! Nay từ câu "hài hoa … đến câu "… mơ màng gặp nhau", lại viết dài đến như thế, cho nên tôi phải thán phục là tuyệt không nhảm nhí chút nào … Chuyện là chuyện hết thảy mọi nhà … Còn văn thì văn của riêng một mình ta … Mượn chuyện của hết thảy mọi nhà để viết nên văn của riêng một mình ta thì bản ý là văn chứ có ở đâu chuyện … Bản ý không ở chuyện, cho nên nhảm nhí cũng không cần kiêng … Bản ý là ở văn, cho nên tôi chả thấy có gì là nhảm nhí cả! Vậy mà các cụ đồ nhà quê còn cứ lèm nhèm chửi mãi là nhảm nhí! Sở dĩ vậy, há chẳng phải chỉ vì văn ấy thì các cụ không hiểu, riêng có chuyện ấy thì các cụ thạo lắm lắm đó sao? Như vậy thì trong đời có lẽ không ai nhảm nhí hơn các cụ nữa! Vậy mà còn dám lèm bèm nữa chi?