LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

"… Phật nói: Hết thảy chúng sinh ở trong bể khổ, vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn … Duy Nhiên Thế Tôn hỏi: Thế nào vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn? Phật nói: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta giảng cho nghe:
"Cõi đời vốn là một bể không lớn thường tự hoà hợp, không phép gặp mặt; thường tự vắng lặng, không phép ly biệt; không có ta, nó không phải không kể … nhất thiết đều đủ, không thể kể được … Nhưng mà chúng sinh, vì cớ vô minh, chẳng giữ tính mình … Tự nhiên nghiệp chướng, như sức gió thổi, xui cho nghĩ càn, chăm chú tỷ mỷ. Bắt đầu từ chỗ không ta trong sạch, suy xằng tính bậy, bảo đây là ta … Đã có ta rồi, ngoài ra chúng nó không phải là ta, tự nhiên không thể không gọi là người. Vì thế lần lượt, bao nhiêu những kẻ không phải là ta, mà gọi là người, cũng đều suy tính, và đều tự bảo: Đây chính là ta. Đã đều tự bảo đây chính là ta, thì đối với ta, tự nhiên chúng nó đều cho là ta không phải với chúng nó … Không phải chúng nó, thì tất chúng nó không thể lại gọi ta là người… Bọn chúng sinh ấy cùng sinh một nước, hoặc một bộ lạc, có khi một nhà … Đối với lẫn nhau, sinh lòng mến yêu. Vì cớ mến yêu, sinh ra không biết. Khăng khít lâu ngày, gây nên ân nghĩa. Ân nghĩa sâu nặng, bầy ra lời nói. Hoặc khui tựa vai. Hoặc khi kề đùi. Hoặc khi giắt tay. Hoặc khi ôm ấp. Nhẹ lời khẽ tiếng, chỉ bể thề non, rằng tôi ở đời, chỉ yêu một người… Mà một người ấy, tức là mình đó! Tôi thực không yêu một người nào khác … Và lại nói rằng: Nay tôi với mình, tức là một người, không có phân biệt … Và lại nói rằng: mình không phải mình! Tôi không phải tôi! Mình mới là tôi! Tôi mới là mình! Khi đã nói ra những lời như thế, đôi tình yêu mến như đôi nai khát, chạy vào đống lửa! Không thích lời can của người ngoài cuộc. Cũng không để cho những người ngoài cuộc được biết chuyện mình … Ở ngay trong nhà, xây một lầu cao … Sửa sang, trang sức, cho rất xinh đẹp. Giữa đặt giường êm, hai đầu bầy gối … Ống tiêu, ống địch, đàn, sáo, tỳ bà, các thứ âm nhạc, bầy ra không thiếu … Rồi đó hai người, ngồi ở trong lầu, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm, nhất thiết những việc người đời thường làm, thì hai người ấy cũng đều làm cả … Bốn mặt lầu ấy đều xây tường cao. Thang, bậc ở dưới lầu, cất bỏ không để. Không để cho ai có thể nom dòm. Cũng không để cho ai được lên tiếng gọi … Hạng chúng sinh ấy chìm ở trong bể, lăn lộn nghĩ càn … Vì nhân nghĩ càn, làm chuyện lăn lộn … Vì duyên lăn lộn, lại sinh nghĩ càn. Nghĩ càn! Nghĩ càn! Lăn lộn! Lăn lộn! Hạng chúng sinh ấy, sa vào trong đó, kể từ một kiếp, cho đến hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, rồi hàng nghìn kiếp. Như kẻ say rượu, mờ mịt mê man … Bệnh ấy ít thuốc có chữa sao nổi! …"
"Thế Tôn đương ngồi, liền đứng ngay dậy, sụt sùi khóc mếu, lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, sao độ được họ? Phật dậy: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:
"Hạng chúng sinh ấy, không thể độ thoát! Dù đức Như Lai, đại từ, đại bi, nhiều cách thuyết pháp, rất là khôn khéo, cũng không làm sao độ thoát được chúng! Huống chi kém ngài: Bọn tu đà hằng, bọn ty đà xá, bọn tích chi phất, có làm thế nào mà độ chúng thoát?"
Thế Tôn khi ấy lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, như lời Phật dậy, thì chúng không bao giờ được độ thoát sao? Phật rằng: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:
"Hạng chúng sinh ấy, độ sao được thoát! Ví phỏng kiếp trước, có dầy phúc đức, thì hoạ may ra, có độ thoát chăng! Nhưng là chúng nó, lại tự độ lấy. Chứ không phải ai có thể độ được! Thế nào lại bảo: đáng không độ thoát, bỗng được độ thoát? Mà lại là chúng tự độ thoát; chứ người ngoài không thể độ được? Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe! Hạng chúng sinh ấy, đương lúc lăn lộn, phúc đức kiếp trước, bỗng dưng tới nơi … Thì chúng nó sẽ cùng nhau ly biệt … Hoặc vì việc quan, mà sinh ly biệt! Hoặc vì lệnh vua, mà sinh ly biệt! Hoặc vì giặc giã gay chuyện binh đao, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ thù tìm phương hãm hại, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ mạnh ra tay bắt hiếp, mà sinh ly biệt! Hoặc tự chán ghét, mà sinh ly biệt! Hoặc nghe dèm pha, mà sinh ly biệt! Có khi hoặc vì nghiệp báo đã hết, kẻ chết, người sống ly biệt mãi mãi! Nhà ngươi để ý: ly biệt là trí thức rất hay cho bọn chúng sinh nghĩ càn lăn lộn. Ấy là thuốc hay chữa bệnh mê đắm. Ấy là dao sắc cắt dây ái ân. Ấy là đường phẳng, dọn sạch chông gai. Ấy là lệnh xá tha tội trói buộc. Nhà ngươi để ý: Hết thảy chúng sinh, rất khổ ly biệt. Rất khó ly biệt. Rất trọng ly biệt. Rất giận ly biệt! … Nhưng vì nhờ sức phúc đức kiếp trước, cho nên tất phải có lúc ly biệt. Một khi ly biệt, ly biệt hết thảy! Thẩn thơ ngồi rồi, như mơ chợt tỉnh. Trong lòng nhẹ nhõm, chẳng cũng sướng sao. Nhà ngươi để ý: Ví phỏng chúng nó từ ngay kiếp trước không có phúc đức thì đến kiếp này, không ly biệt nổi. Đã không ly biệt, tất lăn lộn mãi. Lăn lộn mãi sinh chán ghét nhau … vv"
Trở lên là trích trong bản nhại lại kinh "Phật hoá Tôn-đà-la-nạn-đà nhập đạo" thuộc bộ Đại Tạng. Cứ đó mà suy thì chương "Tiệc khóc" của Mái Tây há chẳng phải là tác giả phát bồ đề tâm, nhỏ lệ nhỏ máu mà viết đó sao. Nếu lại bình phẩm bằng câu: "văn vui khó hay, văn buồn dễ viết" của Hàn Xương Lê, thì thật là rất phụ tấm lòng muốn cứu vớt người đời của cổ nhân vậy.