CHƯƠNG IV - TAN MỘNG

Một cảnh: Quán trọ
CẬU TRƯƠNG - (cùng Hề ra) Từ Bồ Đông ra đi đến đây đã ba mươi dặm! Trước mặt là quán Thảo Kiều. Ta nay vào trọ một đêm, ngày mai đi sớm.
Con ngựa này sao lại cứ không chịu đi thế này!
Đau lòng trông lại cảnh xưa:
Trời chiều mây bạc rừng thưa lá vàng,
Gió mau đàn nhạn bay ngang.
Người buồn ngựa cũng ngại đường chẳng đi.
Vết sầu chồng chất đầm đìa,
Vỗ đầu thử hỏi đêm gì đêm nay?
Đêm qua đệm thuý hương bay,
Nhích mình kề má luồn tay gối đầu,
Dưới đèn tỉ mỉ nhìn nhau,
Càng nhìn càng thấy mọi mầu mọi tươi,
Tóc mây lược ngọc ngang cài,
Rõ vành trăng mới chân trời mọc lên!
Này đã đến rồi đây. Chủ quán đâu? Chủ quán!
CHỦ QUÁN - (ra) Quán Thảo Kiều nhà cháu, bẩm quan! lịch sự có tiếng. Xin mời quan vào nghỉ phòng đầu.
CẬU TRƯƠNG - Hề đâu! Tháo yên cương cho ngựa. Thắp đèn đây. Ta không cần cơm cháo chi hết. Chỉ cần nằm nghỉ thôi.
HỀ - Con cũng mệt quá. Cần phải nằm nghỉ. (Trải nệm lên giường. Đi ngủ trước)
CẬU TRƯƠNG - Đêm nay thì ma ngủ nào mà ám ảnh được mắt mình!
Lạ nhà tựa gối ngồi chong,
Bốn bề nghe rộn tiếng trùng nỉ non.
Giục cho lòng khách thêm buồn,
Phập phồng động giấy gió lùa qua song.
Bao giờ cho đỡ lạnh lùng?
Chăn đơn lại mới nằm không một mình.
(Nằm ngủ … Trằn trọc ngủ không được … Lại nằm ngủ … Ngủ say … Chiêm bao … Tự hỏi mình):
Rõ ràng là tiểu thư. Trời ơi! Tôi ở đâu thế này? Tôi thử đứng dậy nghe coi. (Lắng nghe)
Tiếng hát trong màn:
Qua mấy quãng đồng không mông quạnh,
Trái tim non đập mạnh liên hồi.
Thở không ra tưởng đứt hơi.
Mau mau theo đuổi hoạ thời kịp chăng.
CẬU TRƯƠNG - Rõ ràng là tiếng tiểu thư. Không biết đuổi theo ai? Để tôi nghe thử lại coi.
Tiếng hát trong màn:
Trông dặm liễu bạn vừa lên ngựa,
Lòng này đà chết nửa vì ai!
Như ngây như dại cả người,
Những là khóc đứng, khóc ngồi không xong.
Kể từ lúc vầng hồng sắp lặn,
Tủi thân càng thêm giận cho thân!
Xác ve gầy hẳn mấy phần,
Lệ sầu ướt đẫm mấy lần áo thay.
Cơ cực ấy thân này đã trải …
CẬU TRƯƠNG - Phải đó em! Thế nhưng em ở đâu đấy? (Lại nghe)
Tiếng hát trong màn:
Mối nhân duyên vừa mới bắt đầu,
Công danh làm dở dang nhau,
Gán cho ôm lấy mối sầu biệt ly!
Lối viện sách oanh đi cú lại.
Nỗi nhớ thương vừa mới dãn dần!
Đường trường gió giục mây vần,
Lưới sầu lại vướng biết lần sao ra?
CẬU TRƯƠNG - Lòng em thế nào thì lòng tôi cũng thế! Chua xót biết là bao nhiêu! (thở dài, lại lắng nghe)
Tiếng hát trong màn:
Làn sóng biếc bao la sương bạc,
Lớp khói xanh lác đác lá vàng!
Càng nhìn phong cảnh càng thương.
Cao cao, thấp thấp, bước đường quanh quanh!
Trận gió thổi năm canh hiu hắt,
Tiếng dế kêu bốn mặt âm thầm!
Canh khuya thân thiếp dãi dầm!
Quê người biết bạn ăn nằm nơi nao?
CẬU TRƯƠNG - Tôi ở đây! Vào đây em ơi! (chợt tỉnh) Trời ơi! Đây là đâu thế này? (nhìn quanh). À phải! Đây là quán Thảo Kiều! (gọi Hề. Hề ngủ say. Không đáp. Lại nằm ngủ. Trằn trọc ngủ không được … Ngồi dậy nhìn quanh ngẫm nghĩ) không biết bây giờ là mấy giờ rồi?
Phải mưa chiều vùi lấp tiếng trùng?
Hay gió mai đang thổi trăng trong xế tàn?
Buồng khuya nín thở nhịn than!
Đêm dài dằng dặc kéo tràn như năm!
Phải chi quá chén rượu tăm,
Tỉnh ra chẳng biết mình nằm nơi nao!
(Lại ngủ, lại chiêm bao)
OANH OANH - (gõ cửa) Mở cửa, mở cửa!
CẬU TRƯƠNG - Ai gõ cửa đấy! Quái! Tiếng con gái! Mình chớ có mở!
Phải người thì nói phân minh!
Phải ma thì biến cho nhanh kẻo mà!
OANH OANH - Em đây mà! Mở cửa mau!
CẬU TRƯƠNG - (mở cửa đón nàng vào)
Nắm áo là nhìn kỹ thì ra,
Phải ai đâu. Lại chính là cô em! Cô em!
OANH OANH - Em nghĩ anh đi rồi, em có sống làm sao được! Cho nên theo đến đây để cùng đi với anh!
CẬU TRƯƠNG - Thế thì quý hoá quá! Mấy người nghĩ được như em!
Có công lặn lội, theo tìm,
Đường xa sao chẳng mặc thêm áo dầy?
Hài thêu, sương ướt bùn lầy,
Bàn chân đi vội chắc chầy da non!
Nào khi lòng rượi rượi buồn,
Quên ăn, biếng ngủ, mất giòn, kém xinh.
Hoa rơi ai kẻ thương tình?
Mình sầu, có kẻ thương mình là ta.
Vừa gần sao đã vội xa,
Nghĩ lòng ai khỏi xót xa bồn chồn?
Chăn đơn, gối chiếc, lầu son,
Loan đôi gió rẽ trăng tròn mây che.
Đời người khổ nhất biệt ly!
Thương nhau nghìn dặm ra đi một mình …
Gan rầu ruột héo sao đành!
Thà rằng dứt đứt ân tình còn hơn.
Phen này trăng khuyết hoa tàn,
Sợ khi trâm gẫy, bình tan nửa đường.
Giầu sang em cũng chẳng màng!
Anh hào em cũng coi thường như không!
Cùng em tôi đã quyết lòng!
Sống chung một gối chết chung một mồ!
(Quân giặc ra, cậu Trương hoảng hốt)
QUÂN GIẶC - Vừa thấy một đứa con gái qua đò, không biết nó đi đâu rồi. Bật hồng mau! Nó chạy vào trong quán này! Đem nộp ra đây! Đem nộp ra đây.
CẬU TRƯƠNG - Làm thế nào bây giờ. Em hãy lánh vào phía sau. Mặc tôi với chúng. (Oanh Oanh vào)
Chùa Phổ Cứu bốn bề vây kín.
Thật đem gươm mà chẹn cổ ta
Trời sinh những giống gian tà …
QUÂN GIẶC - Hắn là con gái nhà nào, mà anh dám chứa chấp?
CẬU TRƯƠNG:
Em chớ nói, hãy lánh ra đàng ấy!
Đỗ tướng quân chúng mày biết đấy!
Tiếng anh hùng lừng lẫy ai tầy!
Kìa đương phi ngựa bạch lại đây,
Chốc sẽ thấy rừng thây xương máu!
(Quân giặc sợ hãi kéo nhau chạy. Cậu Trương ôm lấy Hề)
Em! Hú vía nhỉ?
HỀ - Thưa cậu sao ạ?
CẬU TRƯƠNG - (tỉnh giấc bẽn lẽn) Trời ơi! Thì ra một giấc chiêm bao lớn! Hãy mở cửa ra coi nào! Chỉ thấy sương mù đầy đất, mây mỏng ngang trời, trăng bàng bạc chưa tàn, sao mai mới mọc …
Cành cao chưa động đàn chim sẻ!
Gối chiếc khôn tròn giấc mộng loan!
Xanh rờn liễu phủ ngang tường!
Vắng tanh cửa đóng đêm sương mịt mùng!
Rì rào lá rụng rừng phong!
Lờ mờ vầng nguyệt dòm song lưng trời!
Bóng tre: rồng ngược rắn xuôi!
Khách tiên giấc quế hồn mai mơ màng!
Tiếng trùng rền rĩ kêu thương.
Nhịp chầy uể oải nện vang ngoài thành!
Thảm thay là tấm ly tình.
Tiếc thay là giấc mộng lành đêm qua.
Rầy rầy đắm nguyệt say hoa.
Trông vời người ngọc biết là đi đâu.
HỀ - Trời đã gần sáng! Đi sớm lấy độ đường! Con xin dong đóm đi trước!
CẬU TRƯƠNG:
Cành dương tha thướt buông chùng …
Đoái trông thêm bận tấm lòng hôm mai!
Nước khe róc rách chẩy xuôi …
Vẳng nghe còn tưởng tiếng người khóc than!
Chập chờn trăng xế đèn tàn …
Nỗi buồn chất lại tim gan đã đầy!
Sầu xưa đổ lôn hận dầy.
Gỡ càng thêm rối! Gột ngày nào phai?
Trừ đem bút giấy thay lời.
Trăm thương nghìn nhớ ai người biết cho? …

Truyện TÂY SƯƠNG KÝ (MÁI TÂY) LỜI DỊCH GIẢ HỘI CHÂN KÝ TỰA CỦA LÝ TRÁC NGÔ LỜI DẪN TRUYỆN CỦA THÁNH THÁN ĐỀ MỤC CHUNG CHƯƠNG I - GẶP GỠ !!!5511_35.htm!!! Đã xem 123017 lần. --!!tach_noi_dung!!--


LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

--!!tach_noi_dung!!--
"… Phật nói: Hết thảy chúng sinh ở trong bể khổ, vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn … Duy Nhiên Thế Tôn hỏi: Thế nào vì nhân nghĩ càn, gây duyên lăn lộn? Phật nói: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta giảng cho nghe:
"Cõi đời vốn là một bể không lớn thường tự hoà hợp, không phép gặp mặt; thường tự vắng lặng, không phép ly biệt; không có ta, nó không phải không kể … nhất thiết đều đủ, không thể kể được … Nhưng mà chúng sinh, vì cớ vô minh, chẳng giữ tính mình … Tự nhiên nghiệp chướng, như sức gió thổi, xui cho nghĩ càn, chăm chú tỷ mỷ. Bắt đầu từ chỗ không ta trong sạch, suy xằng tính bậy, bảo đây là ta … Đã có ta rồi, ngoài ra chúng nó không phải là ta, tự nhiên không thể không gọi là người. Vì thế lần lượt, bao nhiêu những kẻ không phải là ta, mà gọi là người, cũng đều suy tính, và đều tự bảo: Đây chính là ta. Đã đều tự bảo đây chính là ta, thì đối với ta, tự nhiên chúng nó đều cho là ta không phải với chúng nó … Không phải chúng nó, thì tất chúng nó không thể lại gọi ta là người… Bọn chúng sinh ấy cùng sinh một nước, hoặc một bộ lạc, có khi một nhà … Đối với lẫn nhau, sinh lòng mến yêu. Vì cớ mến yêu, sinh ra không biết. Khăng khít lâu ngày, gây nên ân nghĩa. Ân nghĩa sâu nặng, bầy ra lời nói. Hoặc khui tựa vai. Hoặc khi kề đùi. Hoặc khi giắt tay. Hoặc khi ôm ấp. Nhẹ lời khẽ tiếng, chỉ bể thề non, rằng tôi ở đời, chỉ yêu một người… Mà một người ấy, tức là mình đó! Tôi thực không yêu một người nào khác … Và lại nói rằng: Nay tôi với mình, tức là một người, không có phân biệt … Và lại nói rằng: mình không phải mình! Tôi không phải tôi! Mình mới là tôi! Tôi mới là mình! Khi đã nói ra những lời như thế, đôi tình yêu mến như đôi nai khát, chạy vào đống lửa! Không thích lời can của người ngoài cuộc. Cũng không để cho những người ngoài cuộc được biết chuyện mình … Ở ngay trong nhà, xây một lầu cao … Sửa sang, trang sức, cho rất xinh đẹp. Giữa đặt giường êm, hai đầu bầy gối … Ống tiêu, ống địch, đàn, sáo, tỳ bà, các thứ âm nhạc, bầy ra không thiếu … Rồi đó hai người, ngồi ở trong lầu, lấy đêm làm ngày, lấy ngày làm đêm, nhất thiết những việc người đời thường làm, thì hai người ấy cũng đều làm cả … Bốn mặt lầu ấy đều xây tường cao. Thang, bậc ở dưới lầu, cất bỏ không để. Không để cho ai có thể nom dòm. Cũng không để cho ai được lên tiếng gọi … Hạng chúng sinh ấy chìm ở trong bể, lăn lộn nghĩ càn … Vì nhân nghĩ càn, làm chuyện lăn lộn … Vì duyên lăn lộn, lại sinh nghĩ càn. Nghĩ càn! Nghĩ càn! Lăn lộn! Lăn lộn! Hạng chúng sinh ấy, sa vào trong đó, kể từ một kiếp, cho đến hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, rồi hàng nghìn kiếp. Như kẻ say rượu, mờ mịt mê man … Bệnh ấy ít thuốc có chữa sao nổi! …"
"Thế Tôn đương ngồi, liền đứng ngay dậy, sụt sùi khóc mếu, lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, sao độ được họ? Phật dậy: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:
"Hạng chúng sinh ấy, không thể độ thoát! Dù đức Như Lai, đại từ, đại bi, nhiều cách thuyết pháp, rất là khôn khéo, cũng không làm sao độ thoát được chúng! Huống chi kém ngài: Bọn tu đà hằng, bọn ty đà xá, bọn tích chi phất, có làm thế nào mà độ chúng thoát?"
Thế Tôn khi ấy lại thưa Phật rằng: Lạy đức Đại Từ! Hạng chúng sinh ấy, như lời Phật dậy, thì chúng không bao giờ được độ thoát sao? Phật rằng: Được lắm! Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe:
"Hạng chúng sinh ấy, độ sao được thoát! Ví phỏng kiếp trước, có dầy phúc đức, thì hoạ may ra, có độ thoát chăng! Nhưng là chúng nó, lại tự độ lấy. Chứ không phải ai có thể độ được! Thế nào lại bảo: đáng không độ thoát, bỗng được độ thoát? Mà lại là chúng tự độ thoát; chứ người ngoài không thể độ được? Nhà ngươi để ý, ta nói cho nghe! Hạng chúng sinh ấy, đương lúc lăn lộn, phúc đức kiếp trước, bỗng dưng tới nơi … Thì chúng nó sẽ cùng nhau ly biệt … Hoặc vì việc quan, mà sinh ly biệt! Hoặc vì lệnh vua, mà sinh ly biệt! Hoặc vì giặc giã gay chuyện binh đao, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ thù tìm phương hãm hại, mà sinh ly biệt! Hoặc vì kẻ mạnh ra tay bắt hiếp, mà sinh ly biệt! Hoặc tự chán ghét, mà sinh ly biệt! Hoặc nghe dèm pha, mà sinh ly biệt! Có khi hoặc vì nghiệp báo đã hết, kẻ chết, người sống ly biệt mãi mãi! Nhà ngươi để ý: ly biệt là trí thức rất hay cho bọn chúng sinh nghĩ càn lăn lộn. Ấy là thuốc hay chữa bệnh mê đắm. Ấy là dao sắc cắt dây ái ân. Ấy là đường phẳng, dọn sạch chông gai. Ấy là lệnh xá tha tội trói buộc. Nhà ngươi để ý: Hết thảy chúng sinh, rất khổ ly biệt. Rất khó ly biệt. Rất trọng ly biệt. Rất giận ly biệt! … Nhưng vì nhờ sức phúc đức kiếp trước, cho nên tất phải có lúc ly biệt. Một khi ly biệt, ly biệt hết thảy! Thẩn thơ ngồi rồi, như mơ chợt tỉnh. Trong lòng nhẹ nhõm, chẳng cũng sướng sao. Nhà ngươi để ý: Ví phỏng chúng nó từ ngay kiếp trước không có phúc đức thì đến kiếp này, không ly biệt nổi. Đã không ly biệt, tất lăn lộn mãi. Lăn lộn mãi sinh chán ghét nhau … vv"
Trở lên là trích trong bản nhại lại kinh "Phật hoá Tôn-đà-la-nạn-đà nhập đạo" thuộc bộ Đại Tạng. Cứ đó mà suy thì chương "Tiệc khóc" của Mái Tây há chẳng phải là tác giả phát bồ đề tâm, nhỏ lệ nhỏ máu mà viết đó sao. Nếu lại bình phẩm bằng câu: "văn vui khó hay, văn buồn dễ viết" của Hàn Xương Lê, thì thật là rất phụ tấm lòng muốn cứu vớt người đời của cổ nhân vậy.
--!!tach_noi_dung!!--

Lời bình: Kim Thánh Thán
Dịch thuật : Nhượng Tống
Đánh máy: Phong Nguyệt
Nguồn: VNTQ
Được bạn: mickey đưa lên
vào ngày: 15 tháng 6 năm 2005

--!!tach_noi_dung!!--