Chương 3

Lần đầu tiến, Kôlia đi tới những vùng xa xôi của đất nước. Trước đây, những chuyến đi cũng chỉ bó hẹp trong thành phố, nơi trường anh đóng. Dù những chuyến đi dã ngoại vài chục giờ liền thú vị bao nhiêu đi nữa cũng không thể sánh với cuộc hành trình trong cái ngày thứ bảy của tháng Sáu nóng nực này. Cuộc đi thật thú vị, quan trọng, đến nỗi Kôlia không thể rời khỏi cửa sổ. Khi đôi chân đã mỏi nhừ và anh vừa ngồi xuống ghế thì bỗng ngay cạnh đấy, có ai đó thốt lên:
- Đàn cò kìa! Các bạn xem, đàn cò trằng kìa!…
Mọi người đổ xô đến cửa sổ, còn Kôlia lần chần nên không trông thấy đàn cò. Anh không lấy làm buồn, vì dù sớm hay muộn, nếu chúng đã xuất hiện ở đây thì thể nào anh cũng sẽ bắt gặp. Rồi anh sẽ viết thư về Mátxcơva, tả rõ hình dáng những con cò trắng này…
Lúc ấy đoàn tàu đã đi qua Nêgôrêlôiê – ga biên giới cũ. Giờ thì nó đang đi trên vùng đất phía Tây Bêlaruxia. Đoàn tàu thường dừng lại ở những ga xép, lúc nào cũng nườm nượp hành khách đủ loại. Những chiếc sơmi trắng hoà lẫn với những chiếc áo choàng dài màu đen, những mũ rơm màu vàng óng chen lẫn giữa những chiếc mũ nồi màu đen, những áo màu đen hoà với những bộ váy màu sáng. Kôlia xuống ga nhưng không dám đi xa đoàn tàu luôn luôn ầm ĩ, huyên náo với đủ loại giọng nói lẫn lộn của các thứ tiếng Nga, Bêlaruxia, Ucraina, Ba Lan, Litva và Do Thái, có trời biết còn những tiếng và thổ ngữ gì khác.
- Đúng là một cái chợ! - một thượng uý đi cùng toa với Kôlia thốt lên, vẻ ngạc nhiên – Kôlia, ở đây có nhiều loại đồng hồ tốt mà giá lại khá rẻ.
Tuy nói vậy nhưng anh chàng thượng uý cũng không dám đi xa. Anh chỉ len lỏi vào đám đông, xem xét, hỏi han, vung tay, sôi nổi giải thích điều gì đó, rồi lại quay về toa ngay.
- Này, người anh em, đây là một nơi nếu người ta không cảnh giác thì mất mạng ngay.
- Có cả bọn gián điệp đấy! – Kôlia phụ hoạ theo
- Có quỷ mà biết được – anh chàng thượng uý hay cười tán đồng và lại len lách vào đám đông – Ai bán đồng hồ nào? Tích tắc, tích tắc…
Bánh mẹ rán Kôlia cùng với anh thượng uý đã ăn hết, và để đáp lại, anh thượng uý thết Kôlia chén thoả thê món xúc xích tự làm ở Ucraina. Nhưng chuyện trò rời rạc, nhạt nhẽo, bởi vì anh chàng thượng uý chỉ mê bàn luận có mỗi một chủ đề:
- Cậu biết không, Kôlia, eo lưng cô ta thon…
Kôlia bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Còn anh chàng thượng uý mắt tuy đã lờ đờ, nhưng vẫn không ngớt lời tâm sự. Thật may cho Kôlia, đến ga Baranôvitsi, anh ta xuống, hét toáng lên khi chia tay:
- Kôlia, nhớ cái khoản đồng hồ! Nó là cần thiết lắm đấy!…
Món xúc xích làm ở nhà cũng biến theo anh chàng thượng uý nọ. Bánh rán hạnh nhân mẹ làm cũng được ăn hết. Đoàn tàu dừng lại ga Baranovitsi khá lâu. Kôlia đã quên chuyện đàn cỏ mà chỉ nghĩ đến bữa ăn trưa. Chờ mãi mới thấy một đoàn tàu hàng dài dằng dặc, nặng nề chạy qua.
- Sang Đức đấy! - một đại uý già nói với Kôlia – Ngày đêm chúng ta cứ phải dồn lúa mì sang cho người Đức. Xin cho biết phải hiểu ra làm sao đây?
- Tôi không rõ – Kôlia đáp, vẻ lơ đãng – chúng ta đã ký hiệp ước với Đức rồi cơ mà.
- Hoàn toàn đúng - vị đại uý già tán thành ngay - Đồng chí trung uý nghĩ rất đúng.
Đoàn tàu của họ chuyển bánh ngay sau đoàn tàu hàng, dần dần chạy nhanh hơn. Thời gian đỗ ở các ga ngắn hơn và nhân viên phục vụ nhắc nhở hành khách không nên ra khỏi toa. Suốt chặng đường dài, Kôlia chỉ nhớ có một tên ga: Giabinca. Sau ga này là Brét.
Nhà ga Brét làm bằng gỗ. Ở đây người còn đông hơn, đến nỗi Kôlia phát hoảng lên. Việc đơn giản nhất là hỏi thăm đường về đơn vị, nhưng vì muốn giữ bí mật, Kôlia chỉ muốn hỏi thăm những người có trách nhiệm hẳn hoi. Vì vậy, anh đã phải xếp hàng đúng một giờ trước cửa văn phòng trực ban của trợ lý bộ tư lệnh thành phố.
- Đồng chí về pháo đài – Sĩ quan trợ lý nói với anh sau khi xem qua giấy công lệnh - Đến phố Kastanôvaia, đồng chi cứ đi thẳng.
Kôlia rời khỏi hàng và tự nhiên thấy đói cồn cào, đáng lẽ phải tìm đến đường Kastanôvaia thì anh lại quyết định đi tìm quán ăn. Nhưng hình như ở đây không có quán ăn như vậy, nên sau một lát do dự, anh đành tìm đến hiệu ăn ở ga. Đúng lúc anh định bước vào thì cánh cửa bật mở, một viên trung uý, vóc người lực lưỡng, đẩy cửa hầm hầm bước ra.
- Cái thằng mất dạy, một mình hắn chiếm cả chiếc bàn. Chả thèm hỏi han ai cả, vì hắn biết mình là người nước ngoài mà!
- Người nào thế?
- Một thằng hiến binh Đức chứ còn ai nữa! Ở đấy có phụ nữ và trẻ em phải ngồi dưới nền nhà, còn một mình hắn cứ đường hoàng nốc bia. Đúng là vô liêm sỉ!
- Đúng là hiến binh thật à? – Kôlia nghi ngờ hỏi – Có thể ngõ qua được không?
Viên trung uý nhún vai, vẻ khó hiểu:
- Thì cứ vào mà ngó. Này, khoan đã, cậu mang vali đi đâu đấy?
Kôlia đặt vali xuống, sửa sang lại quần áo như trước khi vào gặp thiếu tướng và hồi hộp đẩy cửa bước vào.
Anh nhìn thấy ngay tên người Đức. Một tên Đức thật sự, đường hoàng trong bộ quân phục hiến binh, ngực đeo một lá số kim loại nhỏ, đôi ủng cao kỳ lạ tựa như cuốn bằng tôn. Hắn ngả dài người trên ghế và một chân gõ nhịp vẻ dương dương tự đắc. Trên bàn la liệt vỏ chai bia, tên hiến binh này không uống bằng cốc mà lại nốc bằng cái ca nửa lít một đổ ộc vào đấy cả chai. Trên khuôn mặt phì nộn đỏ nhừ của hắn tua tủa hàng ria cứng đẫm ướt bọt bia.
Kôlia đi đi lại lại cạnh hắn tới bốn lần và căng mắt ra nhìn kỹ hắn. Đây đúng là một trường hợp dị thường: một con người từ cái thế giới bên kia, cái thế giới của nước Đức bị Hítle áp bức đang ngồi cách anh có một bước chân. Kôlia rất muốn biết hắn đang nghĩ gì sau khi từ cái nước đế chế phát xít kia bước sang đất nước xã hội chủ nghĩa này. Nhưng trên khuôn mặt của kẻ đại diện cho nhân loại bị áp bức, không hề thấy biểu lộ một vẻ gì ngoài vẻ thoả mãn một cách ngu xuẩn.
- Nhìn kỹ rồi chứ? – viên trung uý đứng ngoài trông hộ vali cho Kôlia hỏi
- Chân gõ nhịp - chả hiểu sao, Kôlia lại thì thầm nói - Ngực lại đeo một lá số hiêu kim loại nhỏ.
- Phát xít mà lại. Này, cậu muốn đi ăn chưa? Nghe nói ở đâu đây có hiệu ăn «Bêlarút ». Chúng mình cùng đi ăn nhé? Tên cậu là gì?
- Kôlia
- Thế ra lại trùng tên à? Nào, hãy gửi vali ở đây rồi ta cùng đi. Nghe nói ở đấy có một nhạc công chơi vĩ cầm cỡ quốc tế cơ đấy. Ông ta chơi bài «Đôi mắt đen » hay như thiên thần…
Ở chỗ gửi hành lý cũng xếp hàng dài., Kôlia đành mang vali theo mình và định sẽ đi thẳng từ hiệu ăn đến pháo đài. Trung uý Nikôlai không biết đường đến pháo đài vì anh đợi chuyển tàu ở ga Brét, nhưng vẫn quả quyết an ủi Kôlia Plugiơnhikốp:
- Thế nào chúng mình cũng gặp người ở pháo đài đến hiệu ăn. Hôm nay thứ bảy mà.
Đi dọc theo chiếc cầu hẹp dành riêng cho người đi bộ, họ vượt qua nhiều đoạn đường ray có tàu đang đỗ và ngay sau đấy đã ở trong khu vực thành phố. Từ cầu có ba con đường toả ra ba ngả, cả hai trung uý đều do dự.
- Tôi không biết hiệu ăn «Bêlarút » nào cả - Người qua đường nói giọng lơ lớ và tỏ vẻ cáu kỉnh.
Kôlia ngần ngại không hỏi thêm nữa, vì vậy Nikôlai đã phải hỏi tiếp:
- Chắc ông biết ở đây có nhà nghệ sĩ chơi vĩ cầm nổi tiếng chứ ạ?
- À, đó là pan (tiếng BaLan, có nghĩa là ông) Xvítxki! - người qua đường đáp lại và mỉm cười – đúng ông ấy, Ruvim Xvitxki là nghệ sĩ vĩ cầm tuyệt vời. Các anh có thể có ý kiến khác, nhưng cũng sẽ đại loại như vậy. Đúng thế đấy. Còn hiệu ăn ấy thì cứ đi thẳng. Ở phố Xtưtxơkêvích.
Phố Xtưtxơkêvích hoà ra là đường Cômxômôn. Những mái nhà nhỏ thấp thoáng ẩn hiện sau các hàng cây xanh rậm.
- Mình tốt nghiệp trường pháo phòng không ở Xumư – Nikôlai tự giới thiệu sau khi Kôlia Plugiơnhikốp đã kể cho anh nghe về mình – Thú vị đấy chứ. Cả hai chúng mình đều mới tốt nghiệp và cả hai lại cùng một tên…
Anh dừng lời đột ngột. Trong bóng đêm yên tĩnh vẳng lại tiếng đàn violon. Cả hai trung uý đều dừng lại
- Nhất đấy! Chúng mình đi đúng đường rồi, Kôlia ạ!
Tiếng đàn violon lọt ra từ những khung cửa sổ rộng mở của toà nhà hai tầng có biển đề: « hiệu ăn Bêlarút ». Hai người cùng lên gác hai, để mũ và hành lý lại phòng gửi đồ chật hẹp rồi bước vào một phòng ăn nhỏ. Quầy giải khát đối diện với lối ra vào, còn ở góc trái gian phòng là một dàn nhạc nhẹ. Nghệ sĩ vĩ cầm, một người có đôi cánh tay dài và cách chớp mắt lạ lùng cũng vừa chấm dứt bản nhạc, căn phòng đầy ắp người vang lên tiếng vỗ tay ầm ĩ, hoan hô ông
- Hình như ở đây không có mấy người Nga – Nikôlai vừa thở vừa nói thêm.
Họ dừng trước cửa ra vào tràn ngập tiếng vỗ tay và tiếng la hét. Từ phía cuối phòng, một người đàn ông mập mạp, mặc áo vét đen, vội chen bước về phía họ:
- Xin chào các ngài sĩ quan. Mời các ngài vào lối này ạ!
Ông ta khéo léo dẫn hai người lách qua dãy bàn chật chội và đám khách ăn chuếnh choáng say. Sau cái lò lát gạch men hoa có một chiếc bàn chưa có người ngồi. Hai viên sĩ quan trẻ ngồi xuống và liếc nhìn, với vẻ hiếu kỳ, cảnh tượng rất xa lạ với họ.
- Sao ông ta lại gọi chúng mình là các ngài sĩ quan nhỉ? – Kôlia bực bội – Đã sĩ quan rồi lại còn ngài, kiểu cách tư sản quá!…
- Cứ cho lão gọi chúng ta là cái bô cũng được, nếu lão muốn. Miễn là lão đừng đẩy chúng ta vào lửa – Trung uý Nikôlai cười – Dân ở đây còn lạc hậu, Kôlia ạ.
Trong khi người mặc áo vét đen vào bê thức ăn. Kôlia lắng nghe và cảm thấy lạ lẫm trước những lời trò chuyện xung quanh, cố tóm tắt từng tý dù chỉ là một câu nói có thể hiểu được.
Nhưng mọi người đều nói một thứ tiếng lạ tai, khiến anh không hiểu gì cả. Anh đang định nói chuyện ấy với người bạn mới thì bất chợt nghe thấy một giọng Nga sau lưng, tuy âm thanh lạ tai, nhưng vẫn là tiếng Nga:
- Tôi xin ông bỏ quá cho, xin ông bỏ quá cho sự kém cỏi của tôi, nhưng quả thật, mặc những chiếc quần như vậy ra phố thì tôi không sao tưởng tượng nổi.
- Nhưng dù sao họ cũng đạt được một trăm năm mươi phần trăm chỉ tiêu với những chiếc quần ấy và giật được cờ danh dự.
Kôlia quay người ra sau và thấy ba người đàn ông đứng tuổi đang ngồi ở bàn bên cạnh. Một người trong bọn họ bắt gặp ánh mắt Kôlia và mỉm cười:
- Chào đồng chí chỉ huy! Chúng tôi đang bàn kế hoạch sản xuất đấy.
- Chào các bác! – Kôlia lúng túng chào lại.
- Đồng chí từ nước Nga đến phải không? – ông ta ân cần hỏi và không đợi câu trả lời, lại tiếp tục câu chuyện: - Giờ thì biết tỏng thế nào là mốt mới rồi. Mốt là nạn dịch, một cơn ác mộng, một trận động đất, có đúng không? Nhưng nói cho cùng thì cũng là lẽ tự nhiên thôi. Nhưng, may một trăm cái quần tệ hại như vậy để thay cho năm mươi cái quần hẳn hoi rồi vì thế giật được cờ danh dự thì, tôi xin lỗi, thấy hèn lắm. Đồng chí có đồng ý thế không, đồng chí sĩ quan trẻ?
- Vâng – Kôlia đáp – vâng, tất nhiên.
- Nhưng đề nghị đồng chí nói cho biết - người đàn ông thứ hai hỏi - Ở chỗ đồng chí vừa đi khỏi, người ta nói gì về bọn Đức?
- Bọn Đức? Chẳng nói gì cả. Nghĩa là tôi muốn nói chúng ta đang sống hoà bình với nước Đức.
- Phải - người ở bàn bên cạnh nói - bọn Đức sẽ đến Varsava, điều đó đã rõ ràng đối với bất cứ người Do Thái nào, trừ những kẻ ngu ngốc thực sự. Nhưng chúng không thể đến được Mátxcơva đâu.
- Tôi cho là không bao giờ!
Những người khách bàn bên lại nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng. Kôlia nghe một cách lịch thiệp, nhưng anh không hiểu và lại quay mặt đi.
- Họ biết tiếng Nga – anh thì thầm.
- Mình là mình thủ sẵn ít vodka – trung uý Nikôlai nói – hãy uống mừng cuộc gặp gỡ của chúng ta chứ, Kôlia?
Kôlia định từ chối, nhưng ngay lúc ấy, anh bỗng nhớ đến một cuộc gặp gỡ khác. Anh kể cho người bạn trung uý mới quen về Valia và Vêra, tất nhiên về Valia nhiều hơn.
- Cậu nghĩ sao, có lẽ cô ấy sẽ đến đây chứ - Nikôlai nói – Nhưng nhớ phải có giấy phép đấy.
- Mình sẽ xin giấy phép
- Tôi tham gia được chứ?
Một trung uý xe tăng cao lớn xuất hiện ngay bên cạnh. Anh bắt tay và tự giới thiệu:
- Anđrây. Tôi đến phòng quân vụ để nhận đợt quân mới thì mắc kẹt. Đành phải đợi đến thứ hai tuần sau…
Anh đang định nói gì nữa, nhưng người nghệ sĩ vĩ cầm tay dài đã nâng đàn lên, cả căn phòng lặng ngắt.
Kôlia không biết con người có đôi tay dài với cả vẻ ngượng ngập và kiểu chớp mắt rất lạ ấy chơi bài gì. Anh không cần biết bản nhạc có hay không, mà chỉ lắng nghe và cảm thấy cổ mình như ngẹn lại. Anh chưa kịp xấu hổ vì đã để nước mắt suýt trào ra, thì bỗng đàn ngừng đột ngột, hệt như lúc nước mắt bắt đầu, vì vậy anh chỉ thở dài và mỉm cười.
- Đồng chí thích bản nhạc này không? - người đàn ông bàn bên cạnh khẽ hỏi.
- Rất thích.
- Ruvim Xvitxki của chúng tôi đấy. Thành phố Brét này chưa bao giờ có và cũng sẽ chẳng bao giờ có người chơi vĩ cầm nào giỏi hơn đâu. Nếu ông ấy chơi đàn trong tiệc cưới thì cô dâu nhất định sẽ hạnh phúc. Còn nếu chơi cho đám tang…
Kôlia chưa kịp biết điều gì xảy ra khi Xvitxki chơi đàn cho đám tang thì những người xung quanh đã vội suỵt miệng. Người đàn ông đang nói vội gật đầu, nghe ngóng rồi thì thào vào tai Kôlia:
- Xin hãy nhớ kỹ tên ông ấy là Ruvim Xvitxki. Ông ấy là một nghệ sĩ tự học, có đôi tay vàng, đôi tai vàng và trái tim vàng…
Kôlia vỗ tay hồi lâu. Thức ăn, đồ uống đã được bưng ra, trung uý Nikôlai rót đầy rượu vào các cốc và hạ thấp giọng:
- Âm nhạc thì cũng hay đấy. Nhưng cậu hãy nghe đây.
Kôlia nhìn anh bạn trung uý xe tăng vừa mới nhập bọn, vẻ dò hỏi.
- Hôm qua các phi công đã được lệnh không được nghỉ phép – Anđrây nói nhỏ - bộ đội biên phòng nói rằng đêm nào họ cũng nghe thấy tiếng động cơ gầm rú bên kia sông Bug. Xe tăng, xe tải kéo moóc.
- Chuyện vui đấy – Nikôlai nâng cốc – Chúc mừng cuộc gặp gỡ của chúng ta!
Họ cùng uống, Kôlia bắt đầu ăn vội vã. Vừa nhai, anh vừa nói:
- Có thể chúng khiêu khích chăng?
- Cách đây một tháng, một ông giám mục từ bên kia sang đây – Anđrây tiếp tục thì thầm – Ông ta nói, bọn Đức đang chuẩn bị chiến tranh.
- Nhưng hãng thông tấn « TASS » của chúng ta đã chính thức tuyên bố…
- Thôi đi, Kôlia – Nikôlai mỉm cười – hãng thông tấn « TASS » ở tận Mátxcơva, còn đây là Brét.
Thức ăn được tiếp thêm và họ mải ăn uống, thôi không nói đến chuyện bọn Đức, đến hãng thông tấn « TASS », đến chuyện biên giới và ông giám mục, người mà Kôlia không tin, vì ông giám mục chỉ là người phục vụ cho tôn giáo.
Người chơi vĩ cầm lại tiếp tục biểu diễn. Kôlia ngừng ăn, lắng nghe và vỗ tay nhiệt liệt. Những người khác cũng lắng nghe, nhưng tiếp tục bàn tán rì rầm về những tin đồn đại, về những tiếng ồn ào là trong đêm và về những vụ máy bay Đức thường xuyên vị phạm bầu trời biên giới.
- Thế nhưng không được bắn chúng: có lệnh như vậy. Cho nên chúng ta phải cắn răng im lặng.
- Ông ta chơi mới tuyệt làm sao! – Kôlia thốt lên thán phục
- Đúng, ông ta chơi trình độ lắm… Có cái gì đó đang chín dần, các cậu ạ. Nhưng là gì? Vẫn là một câu hỏi.
- Không sao, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời – Nikôlai mỉm cười và nâng cốc lên – Nào, các đồng chí trung uý, hãy chúc mừng cho mọi câu hỏi đều có lời giải đáp!…
Trời đã tối, đèn trong phòng ăn bật sáng. Dòng điện thay đổi luôn, ánh đèn lập loè yếu ớt, bóng người chập chờn trên tường. Ba chàng trung uý ăn hết các món đã gọi và Nikôlai tính tiền với người phục vụ mặc áo vét đen:
- Các cậu, xin phép được đãi các cậu lần này.
- Cậu đến pháo đài hả? – Anđrây hỏi – Mình không can cậu, nhưng đường thì xa mà trời lại tối. Tốt nhất cậu hãy đi với mình tới phòng quân vụ. Cậu sẽ ngủ tạm đêm nay tại đấy.
- Đến đấy làm gì? – Trung uý Nikôlai hỏi vặn – Chúng mình cùng ra ga với nhau!
- Không ổn. Mình phải có mặt tại đơn vị trong đêm nay.
- Cậu gàn quá, trung uý ạ - Anđrây thở dài – Đi lang thang suốt đêm trong thành phố với cái vali trong tay…
- Mình có súng ngắn – Kôlia đáp
Lẽ ra họ có thể thuyết phục được Kôlia: anh đã có vẻ xiêu xiêu mặc dù có vũ khí. Lẽ ra họ có thể thuyết phục được anh, và chỉ một lát sau, anh sẽ ngủ đêm hoặc ở nhà ga, hoặc ở phòng quân vụ, nhưng ngay lúc ấy, người đàn ông bên cạnh đã bước đến:
- Xin lỗi các đồng chí sĩ quan Hồng quân, đồng chí trẻ này rất mê Ruvim Xvitxki của chúng tôi. Hiện giờ Ruvim đang ăn tối, nhưng tôi đã nói chuyện với ông ấy, và ông ấy muốn biểu diễn một bài đặc biệt dành riêng cho đồng chí đấy, đồng chí chỉ huy trẻ tuổi ạ…
Do vậy mà Kôlia chưa đi đâu cả. Anh ở nguyên tại chỗ, đợi nghệ sĩ vĩ cầm biểu diễn riêng cho anh nghe. Hai trung uý kia rời hiệu ăn, vì họ phải thu xếp chỗ ngủ tối. Họ siết chặt tay Kôlia, mỉm cười chia tay với anh, bước ra cửa rồi biến vào bóng đêm: Anđrây đến phòng quân vụ ở phố Đgiécgenxki, còn Nikôlai thì ra ga Brét đang đông nghịt người. Họ đi trong đêm, một đêm ngắn nhất trong năm và có thể còn là một đêm đáng ghi nhớ trong đời họ.
Hiệu ăn bắt đầu vắng người, đêm lặng gió và bóng tối tràn qua cửa sổ vào nhà. Thành phố Brét với những dãy nhà một tầng chìm dần vào giấc ngủ. Những đường phố thẳng tắp như kẻ chỉ vắng lặng dần, ánh đèn tràn qua cửa sổ ra ngoài, nhưng bị chắn lại trước những bụi hoa tử đinh hương, thỉnh thoảng mới có một cỗ xe lăn bánh trên mặt đường lát đá dội lại tiếng vang. Thành phố yên tĩnh chìm dần trong một đêm tĩnh mịch – tĩnh mịch và ngắn nhất trong năm.
Kôlia thấy hơi choáng váng, nhưng cảm giác ây không làm anh khó chịu. Cảnh vật xung quanh anh thật huyền diệu – những âm thanh dìu dịu trong hiệu ăn, bóng đêm ấm áp tràn qua cửa sổ, vẻ bí ẩn ngoài đường phố - và sự chờ đợi người chơi vĩ cầm có vẻ vụng về sắp chơi tặng riêng anh – trung uý Plugiơnhikốp - một bài đặc biêt. Nhưng có một điều rắc rối làm phức tạp sự chờ đợi này, khiến Kôlia khó xử: anh có nên trả tiền cho người chơi nhạc không? Sau khi suy tính kỹ lưỡng, anh quyết định: có thể là bất nhã nếu trả tiền cho một cử chỉ tốt bụng như vậy.
- Xin chào đồng chí chỉ huy!
Người chơi vĩ cầm lặng lẽ bước đến, làm Kôlia giật mình lẩm bẩm điều gì và cảm thấy lúng túng.
- Ixắc nói đồng chí từ bên Nga tới và rất thích tiếng đàn của tôi.
Cái vĩ và cây đàn ông cầm trong tay, và ánh mắt ông giần giật một cách khác thường. Khi nhìn gần, Kôlia mới biết mắt trái ông phủ một lớp màng trắng.
- Tôi hiểu rõ sở thích của các sĩ quan Nga – ông nâng cây đàn lên, kẹp chặt dưới cằm và đưa vĩ lên.
Tiếng đàn vang lên rền rĩ và mọi người trở lại im lặng, họ sợ sự thiếu thận trọng của mình sẽ cản trở những âm thanh dồn dập của người nghệ sĩ dáng vụng về và có một mắt bị nhài quạt kia. Kôlia im lặng ngắm nhìn những ngón tay gày guộc, run rẩy, lướt trên dây đàn, và một lần nữa, anh suýt khóc, nhưng không khóc được vì Xvitxki không chấp nhận những giọt nước mắt. Vì thế, Kôlia chỉ thở dài nhè nhẹ và mỉm cười.
Xvitxki chơi bài « Đôi mắt đen » rồi « Cặp mắt huyền » và hai giai điệu nhẹ khác Kôlia chưa được nghe bao giờ. Bài cuối, âm điệu thật rộn ràng và trang trọng.
- Của Menđenxơn đấy. Đồng chí là một thính giả sành âm nhạc – Xvitxki nói – Xin cảm ơn
- Tôi không đủ lời để…
- Không dám. Đồng chí đến pháo đài phải không?
- Vâng – Kôlia ngập ngừng rồi thú nhận - Phố Kastanôvaia…
- Đồng chí phải kiếm một chiếc xe ngựa – Xvitxki mỉm cười - Nếu đồng chí muốn, tôi có thể tiễn đồng chí. Cháu gái tôi cũng sắp vào pháo đài.
Xvitxki sắp đàn vào hộp, còn Kôlia đi lấy vali ở phòng gửi mũ áo vắng tanh, rồi cả hai cùng đi ra. Đường phố không một bóng người.
- Mời đồng chí rẽ tay trái - Đến góc phố, Xvitxki nhắc – Cháu gái tôi, con Mira làm cấp dưỡng cho nhà ăn của cấp chỉ huy đã một năm nay. Nó giỏi lắm, giỏi thực sự. Nó sẽ là một bà nội trợ tuyệt vời, cháu Mira của chúng tôi ấy mà!…
Những ngọn đèn thưa thớt, ánh đèn trong các cửa sổ và vầng sáng rực rỡ ở nhà ga bất chợt đều phụt tắt. Thành phố chìm trong bóng tối
- Thật chán quá – Xvitxki bảo - Mấy giờ rồi? Ít ra cũng mười hai giờ đêm rồi, phải không đồng chí?
- Có lẽ sự cố chăng?
- Thật kỳ lạ! – Xvitxki nhắc lại - Đồng chí biết không, từ ngày miền Đông tới đây, tức là người Xôviết các đồng chí ấy. Đúng vậy, từ ngày họ tới đây, chúng tôi đã thoát khỏi cảnh tối tăm. Thoát khỏi tối tăm và cả thất nghiệp nữa. Lạ nhất là không còn người thất nghiệp trong thành phố chúng tôi nữa, thật mà! Dân chúng bắt đầu tổ chức những đám cưới rất lớn và tự nhiên ai cũng cần đến Ruvim Xvitxki!…
- Ông cất tiếng cười êm dịu - Thật vinh dự khi có nhiều công việc dành cho các nhạc công, tất nhiên trừ trường hợp họ phải biểu diễn trong đám tang. Chúng tôi sẽ có nhiều nhạc công, vì hiện giờ, người ta đang mở các lớp dạy nhạc và trường trung cấp âm nhạc ở Brét. Làm như thế là đúng, rất đúng. Người ta bảo dân Do Thái chúng tôi yêu nhạc. Vâng, dân tộc chúng tôi là như vậy. Chúng tôi cũng sẽ cần đến âm nhạc nếu hàng thế kỷ nay lúc nào chúng tôi cũng chỉ nghe thấy tiếng giày ủng nhà binh đang ở phố nào, nếu chúng tôi nghe thấy tiếng kêu cứu của con gái nhà mình ở một ngõ gần đấy. Không, không, tôi không muốn khơi dậy cơn thịnh nộ của Thượng đế. Chúng tôi rất may mắn, đúng thế, và cuối cùng, những ngày tươi đẹp đã đến, người Do Thái có thể ngẩng cao đầu như những con người thật sự. Và kỳ diệu biết bao khi chúng tôi cảm thấy mình là con người. Nhưng người Do Thái vẫn chưa ánh lên những nụ cười, thật đáng sợ. Thật đáng sợ khi những đứa bé ra đời với những đôi mắt buồn thảm. Đồng chí nhớ tôi đã biểu diễn cho đồng chí nghe bản nhạc của Menđênxơn chứ? Ông ta đã nói về điều đó, nói về những cặp mắt buồn thảm của những đứa trẻ. Điều đó không thể diễn đạt bằng lời, chỉ có cây đàn violon mới nói lên được.
Đèn trên đường lại vụt sáng ở nhà ga lại bừng lên và các cửa sổ lại thấp thoáng ánh đèn.
- Đúng là có sự cố! – Kôlia nói – Và họ chữa được rồi.
- Kìa, pan Gludơnhiắc! Chào pan Gludơnhiắc! Dạo này thế nào, kiếm được khá chứ?
- Kiếm chác được gì ở cái thành phố Brét này, hở pan Xvitxki? Mọi người trong thành phố đều nghĩ đến chuyện rèn luyện sức khoẻ và thích cuốc bộ…
Hai người và Kôlia dừng lại trước một xe ngựa. Trong xe đã có người ngồi, những ngọn đèn đường ở hơi xa hắt ánh sáng mờ mờ, Kôlia không nhìn rõ mặt người đó.
- Mira cháu gái tối. Cậu giới thiệu với cháu, đây là đồng chí sĩ quan chỉ huy.
Khuôn mặt mờ tối hơi cử động một cách lúng túng. Kôlia vội vàng tự giới thiệu:
- Tôi là trung uý Nikôlai Plugiơnhikốp.
- Đồng chí trung uý lần đầu tiến đến thành phố chúng ta. Cháu phải là bà chủ ân cần và hãy hướng dẫn đồng chí ấy đến nơi đến chốn.
- Tôi sẽ hướng dẫn chu đáo! - Người xà ích nói – Đêm nay đẹp trời, chúng tôi chẳng có gì vội. Chúc bác ngủ ngon, ông Xvitxki!
- May mắn nhé, ông Gludơnhiắc! – Xvitxki đưa bàn tay dài bắt chặt tay Kôlia: - chúng ta tạm chia tay, đồng chí trung uý, nhất định chúng ta sẽ còn gặp lại nhau chứ nhỉ?
- Nhất định, đồng chí Xvitxki ạ! Xin cảm ơn đồng chí!
- Không dám. Mira, cháu yêu quí, ngày mai ghé vào cậu một lát nhé!
- Vâng ạ - một giọng nói bẽn lẽn và lúng túng khẽ thốt lên
Người xà ích đưa vali lên xe và trèo vào ghế xà ích. Kôlia cúi đầu chào Xvitxki một lần nữa và đặt chân lên bậc lên. Bóng cố gái nhích vào góc xe. Cỗ xe ngựa chuyển bánh và lắc lư trên những phiến đá vuông lát đường. Kôlia muỗn vẫy tay tạm biệt ông già kéo đàn, nhưng chỗ ngồi quá thấp, thành xe lại cao và đường chân trời lại bị tấm lưng to của người xà ích che khuất.
- Chúng ta đi đâu? – cô gái ngồi trong góc, bỗng cất tiếng hỏi nhỏ.
- Cậu chả yêu cầu cô hướng dẫn ông khách của chúng ta đi thăm thành phố đấy thôi? - người xà ích nói, không quay đầu lại - Ở cái thành phố Brét này, cô có thể cho người ta xem những gì? Pháo đài chăng? Nhưng đấy lại chính là nơi ông khách của chúng ta đến. Sông đào chăng? Ông ấy sẽ thấy nó vào ngày mai khi trời sáng. Ngoài ra, ở cái thành phố Brét này, còn cái gì để mà xem nữa?
- Hình như đây là một thành phố cổ? – Kôlia hỏi, cố giữ giọng thật tự nhiên.
- Nếu tính theo số dân Do Thái thì nó chỉ thua thành phố Giêrudalem thôi (trong góc xe bật lên tiếng cười). Cô Mira đang vui nên thích cười. Nhưng khi vui thì không hiểu sao tôi lại thôi khóc. Có lẽ người ta không chia loài người thành người Nga, người Do Thái, người Ba Lan, người Đức mà chỉ chia thành ba loại người: loại rất vui tính, loại vui tính và loại không vui tính lắm. Ông có hiểu được ý này không, ông sĩ quan?
Kôlia định bảo: thứ nhất, anh không phải là ông, thứ hai, anh cũng chẳng phải là sĩ quan, anh chỉ là một chỉ huy Hồng quân, nhưng anh chưa kịp nói gì thì chiếc xe đã dừng lại.
- Khi không có gì đáng xem, thì biết cho người ta xem cái gì ư? - người xà ích hỏi lại và bước xuống xe - Người ta chọn một cái cột nào đó, mời khách xem và nói cột đó là di tích nổi tiếng. Cô cũng cho ông khách của chúng ta xem một cái cột và bảo thế, Mira ạ!
- Hừ… - một tiếng thở dài từ góc xe bật ra - Cháu ấy ư? Bác Mikhaxi, bác chỉ giúp cho anh ấy đi, được không?
- Bác còn phải làm việc khác! – Bác xà ích bước về phía đầu ngựa – Này, chú mình, cố làm đêm nay rồi mai ta nghỉ luôn thể…
Cô gái đứng dậy và ngượng ngùng bước ra chỗ bậc lên xuống. Chiếc xe tròng trành, nhưng Kôlia đã kịp cầm lấy tay cô Mira và đỡ cô xuống.
- Cảm ơn anh – Mira cúi đầu cảm ơn rồi nói tiếp – Chúng ta đi thôi.
Kôlia bước theo mặc dù anh chẳng hiểu đi đâu. Ngã tư đường vắng ngắt. Để đề phòng bất trắc, anh đặt tay lên bao súng và nhìn cô gái. Với dáng đi hơi khập khiễng, cô gái bước về phía bức tướng chạy dọc vỉa hè.
- Chính chỗ này đây – cô gái nói.
Kôlia theo cô bước đến. Cạnh tường có một cột đá thâm thấp.
- Cái gì thế này?
- Tôi cũng không được rõ – Cô gái trả lời bẽn lẽn, giọng lơ lớ - Trên cột đá có viết điều gì đó về vùng ngoại vi pháo đài. Nhưng trời tối quá.
- Vâng, tối quá!
Để giấu vẻ bối rối, họ nhìn chăm chăm vào cái cột đá chẳng có gì khác thường ấy. Kôlia sờ lên mặt cột rồi nói với vẻ cảm phục:
- Lâu đời lắm rồi.
Họ lại im lặng, cả hai cùng thở phải khi người xà ích cất tiếng gọi:
- Thôi, đủ rồi, ông sĩ quan, xin mời lên xe!
Cô gái hơi khập khiễng quay trở lại xe. Kôlia đi theo sau cô, nhưng đến chỗ bậc lên xuống, anh cũng kịp đỡ cô gái lên xe. Người xà ích đã ngồi sẵn ghế trước.
- Bây giờ đến pháo đài phải không, ông chủ?
- Tôi không phải là ông chủ gì cả! – Kôlia giận dữ thốt lên và gieo người xuống tấm đệm xe đã trũng xuống – Hãy gọi tôi là đồng chí, hiểu chưa? Đồng chí trung uý, chứ không phải ông chủ nào cả, hiểu chưa?
- Không phải ông chủ à? - người xà ích giật dây cương và tặc lưỡi. Con ngựa đủng đỉnh nện vó trên đường lát đá - Nếu ông ngồi phía sau và bất cứ lúc nào cũng có thể vỗ vào lưng tôi thì ông là ông chủ. Còn tôi, tôi ngồi sau con ngựa, đối với nó, tôi cũng là ông chủ, bởi vì tôi có thể quất roi lên lưng nó. Cả thế giới này đều được sắp xếp như vậy, ông chủ này ngồi sau lưng ông chủ kia…
Lúc này, chiếc xe cứ nhảy chồm chồm vì đang lăn bánh trên những hòn đá lớn hơn, họ chẳng còn tranh luận được. Kôlia cứ bị nẩy tung trên chiếc đệm xe đã võng xuống, cố lấy chân kẹp chặt vali và vất vả giữ cho mình không bật khỏi chỗ ngồi.
- Phố Kastanôvaia – cô gái nói, cô cũng bị xóc rất dữ - Sắp tới rồi!
Sau chỗ đi qua đường sắt, đường phố đã rộng hơn, nhà cửa thưa dần và không có đèn đóm gì cả. Đêm mờ mờ sáng, do vậy con ngựa đi dễ dàng trên đoạn đường quen thuộc.
Kôlia nóng lòng chờ đợi một công trình tương tự như điện Kremli. Nhưng kho người xà ích cho ngựa dừng lại thì chỉ có một cái gì không có hình thù gì cả hiện ra ở trước mặt họ.
- Chúng ta đã đến nơi, thưa ông sĩ quan.
Trong lúc cô gái xuống xe, Kôlia lúng túng nhét tờ năm rúp vào tay người đánh xe.
- Chắc ông phải giàu có lắm, thưa ông sĩ quan. Có lẽ ông có nhiều tài sản hoặc in được tiền trong bếp nhà ông?
- Sao ông lại nói vậy?
- Ban ngày, một cuốc xe đến đây cũng chỉ được bốn mươi kô pếch. Nhưng ban đêm, và đối với ông, tôi chỉ xin tròn một rúp thôi. Ông hãy cho tôi xin từng ấy và xin chào ông.
Mira đã đi được mấy bước và đang đứng chờ Kôlia trả tiền. Kôlia vụng về nhét tờ năm rúp vào ví và moi tìm mãi tờ một rúp, vừa tìm anh vừa lẩm bẩm:
- Vâng, vâng. Tôi xin lỗi, có ngay đây.
Cuối cùng, anh tìm được tờ một rúp. Kôlia cảm ơn người đánh xe lần nữa rồi xách va li, bước về phía cô gái.
- Bây giờ chúng ta đi đâu?
- Đến trạm kiểm soát – cô chỉ vào một cái chòi canh bên cạnh đường - Phải xuất trình giấy tờ ở đấy.
- Chả lẽ đây là pháo đài ư?
- Vâng. Chúng ta sẽ đi ngang chiếc cầu bắc qua con kênh đào bao quanh rồi vào cửa Bắc.
- Pháo đài! – Kôlia khẽ cười - Thế mà tôi cứ ngóng trông những bức tường và những ngọn tháp. Thế mà, cái pháo đài Brét chỉ như thế này thôi…
Kôlia bị giữ lại ở trạm kiểm soát. Người lính gác không muốn cho anh vào chỉ với giấy công lệnh. Anh ta cho cô gái vào, bởi vậy, Kôlia buộc lòng phải năn nỉ:
- Đồng chí mời trung sĩ đốc gác ra đây
- Trung sĩ đang ngủ, thưa đồng chí trung uý.
- Tôi nói, hãy mời đốc gác ra đây!
Cuối cùng, viên trung sĩ ngái ngủ xuất hiện. Anh ta xem xét giấy tờ của Kôlia một lúc lâu và ngáp sái cả quai hàm.
- Đồng chí đến muộn quá, đồng chí trung uý ạ
- Tôi bận công việc – Kôlia nói mập mờ
- Đồng chí phải đi qua đảo đấy…
- Tôi sẽ dẫn đồng chí đi – cô gái nói.
- « tôi » là ai đấy? – Anh trung sĩ bấm đèn pin về phía cô gái, cốt nhìn cho rõ mặt – A, Mira đấy à? Đi làm nhiệm vụ phải không?
- Vâng.
- Thôi được, cô là người mình. Cô dẫn đồng chí ấy đến thẳng doanh trại của trung đoàn ba trăm ba mươi ba nhé. Ở đấy có chỗ dàng cho cán bộ công tác đấy.
- Tôi muốn về ngay trung đoàn của tôi – Kôlia long trọng đề nghị
- Sáng mai hẵng hay – Anh trung sĩ lại ngáp - Buổi sáng thích hợp hơn buổi tối.
Sau khi đi qua một cái cổng có mái vòm dài và thấp, họ đã vào khu pháo đài, sang bên kia vòng phòng thủ thứ nhất bao gồm mấy con mương và những bức tường dốc đứng mọc đầy bụi cây lúp xúp. Chung quanh yên tĩnh, trừ một tiếng nổ vu vơ trầm đục và có sức âm vang từ lòng đất vọng lên cùng với tiếng thờ phì phì thanh thản của những con ngựa. Giữa bóng tối lờ mờ, nổi lên hình bóng của những chiếc xe ngựa, xe ba gác, những chiếc lều và những bao cỏ khô. Phía bên tay phải, bóng những nòng pháo vươn thẳng lên trời.
- Im lặng quá! – Kôlia thì thầm – Không gặp một ai cả.
- Chỉ ban đêm mới thế này thôi – cô gái nói nhỏ nhẹ và hình như mỉm cười – Lúc này, hầu như mọi người đều ở trong doanh trại. Anh có thấy chỗ sang sáng kia không? Khu nhà ban chỉ huy đó. Họ hứa sẽ dành cho tôi một buồng ở đấy, nếu không, tôi phải đi rất xa mới về được thành phố.
Cô gái bước khập khiễng nhưng cố giữ cho chân thật nhẹ nhàng và không bị tụt lại phía sau. Mải mê trước khung cảnh mờ ảo của khu pháo đài đang chìm trong giấc ngủ. Kôlia bước rất nhanh, cô gái phải vất vả và thở dốc mới đuổi kịp được. Anh ngượng ngùng, anh bắt đầu hỏi, giọng trịnh trọng:
- Vấn đề nhà ở đây thế nào? Các sĩ quan có được ở phòng riêng không? Cô biết chứ?
- Nhiều người thuê phòng riêng.
- Có khó khăn lắm không?
- Không – cô gái liếc nhìn Kôlia – Anh có gia đình rồi à?
- Chưa, chưa – Kôlia đứng lại – Cô biết đấy, để thuận tiện cho công tác thôi.
- Tôi có thể tìm thuê giúp anh một gian phòng ở thành phố
- Cám ơn cô. Tất nhiên không có gì phải vội
Cô gái đột ngột đứng lại và vít một cành cây:
- Cây tử đinh hương, tuy đã hết mùa hoa, nhưng vẫn phảng phất mùi thơm
Kôlia đặt vali xuống và ngoan ngoãn áp mặt vào những cành lá bụi bậm. Tuy không ngửi thấy mùi gì cả, những anh vẫn nói, với vẻ xã giao:
- Ở đây nhiều cây xanh nhỉ?
- Vâng, rất nhiều. Tử đinh hương, nhà, cây keo…
Hình như cô gái không có vẻ vội vã. Kôlia hiểu vì bước khá vất vả nên cô đã thấm mệt và muốn nghỉ chân giây lát.
Cảnh vật vắng lặng, êm dịu và không khí ấm áp làm đầu óc anh ngây ngất. Anh sung sướng sực nhớ lúc này anh không có gì phải vội vì tên anh chưa có trong danh sách biên chế.
- Ở Mátxcơva anh có nghe nói gì về chiến tranh không? – cô gái hỏi, giọng trầm hẳn xuống.
- Chiến tranh? Chiến tranh nào nhỉ?
- Mọi người ở đây đều bảo nó sắp nổ ra. Nổ ra bất cứ lúc nào - giọng cô gái rất nghiêm trang - Người ta đang đổ xô đi mua muối, mua diêm và mọi đồ ăn thức dùng khác. Các quầy hàng gần như trống rỗng. Và những người ở bên ấy, tôi muốn nói những người từ phía Tây chạy trốn bọn Đức sang đây, cũng nói rằng năm một nghìn chín trăm ba chín, tình hình cũng giống thế này.
- Cô nói sao cơ? Thế nào là giống thế này?
- Muối và diêm đều biến mất.
- Nhảm nhí! – Kôlia càu nhàu - Muối thì có liên quan gì đến chiến tranh? Cô giải thích đi?
- Tôi không rõ. Có điều không có muối thì nấu xúp bằng gì?
- Xúp - giọng Kôlia đầy khinh bỉ - Mặc xác bọn Đức tích trữ muối cho những nồi xúp của chúng. Nhưng chúng ta…chúng ta sẽ đánh bại kẻ thù ngay trên lãnh thổ chúng nó.
- Nhưng kẻ thù có biết điều đó không?
- Rồi chúng sẽ phải biết! – Kôlia không thích giọng mỉa mai của cô gái: anh cảm thấy con người ở dây có gì đáng khả nghỉ - Cô có muốn tôi nói để cô biết như vậy là thế nào không? Là giọng điệu khiêu khích đấy!
- Trời ơi! – cô thở dài – Anh muốn nói thế nào tuỳ anh, miễn là chiến tranh đừng xảy ra.
- Đừng sợ. Trước hết, chúng ta đã ký với người Đức hiệp ước không xâm lược. Thứ hai, tôi nghĩ cô đánh giá thấp sức mạnh của chúng ta. Cô biết chúng ta có vũ khí gì chứ? Tất nhiên tôi không thể vi phạm bí mật quân sự, song, hình như cô được giao những công việc bí mật…
- Được giao việc nấu xúp
- Không sao – Kôlia nói một cách chắc chắn – Cái chính là cô được phép ra vào doanh trại. Và chắc hẳn cô đã trông thấy xe tăng của chúng ta…
- Nhưng ở đây chẳng có chiếc xe tăng nào cả. Chỉ có mấy cái xe bọc thép. Tất cả chỉ có thế.
- Cô nói với tôi như vậy để làm gì? – Kôlia cau mày – cô chưa biết rõ về tôi mà đã dám tiết lộ những bí mật về sự có mặt của...
- Thế nhưng cả thành phố đều biết rõ đấy.
- Chết thật!
- Cả bọn Đức cũng biết.
- Tại sao cô nghĩ rằng chúng nó cũng biết?
- Sao à?.. – cô gái xua tay – Hình như anh tưởng người ta ngủ cả đấy. Thôi được, anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Nhưng đến lúc anh chợt hiểu ra: những kẻ ở bên kia không ngu ngốc chút nào thì tốt hơn hết, anh hãy dốc hết tiền lưng ra mà mua diêm.
- Này, cô có biết...
Kôlia không muốn tiếp tục câu chuyện nguy hiểm này. Anh lơ đãng nhìn quanh, cố ngáp rồi hỏi chiếu lệ:
- Ngôi nhà nhỏ ấy là nhà gì đấy?
- Trạm quân y. Nếu thấy đã hết mệt thì anh...
- Tôi à? - bực bội làm Kôlia phát nóng người lên.
- Tôi thấy anh tha cái vali có vẻ vất vả quá.
- Vậy, cô có biết – Kôlia cáu kỉnh, nhấc bổng cái vali lên – Ta đi đâu đây?
- Anh hãy lấy sẵn giấy tờ ra, còn một trạm kiểm soát nữa ở đầu cầu.
Họ lặng lẽ cất bước. Các bụi cây bắt đầu rậm rạp hơn. Đường vôi trắng, kẻ ở mép vỉa hè lát gạch, hiện rõ trong đêm. Không khí thoáng mát hẳn, Kôlia đoán họ đang đi về phía bờ sông, nhưng điều phỏng đoán ấy chỉ thoáng qua vì đầu óc anh đang bận rộn với những ý nghĩ khác.
Anh không có cảm tình với cái cô gái thọt chân này vì cô có vẻ thông thạo tin tức. Cô ta tinh thông, không ngớ ngẩn, nói năng rất sắc sảo, chuyện đó không đáng ngại. Có điều, sự hiểu biết của cô ta về những chiếc xe bọc thép trong pháo đài, về sự di chuyển của các đơn vị trong doanh trại, và cả về chuyện diêm muối nữa, chắc đâu đã là do tình cờ. Càng nghĩ, anh càng ngờ vực cuộc gặp gỡ giữa anh với cô ta. Và, cả cuộc hành trình hôm nay của họ qua thành phố, cũng như câu chuyện phiếm dài dòng giữa họ với nhau, tất cả những chuyện ấy cũng không phải là tình cờ nốt. Anh nhớ lại cảnh tương tự ở hiệu ăn, nhớ lại cuộc nói chuyện lạ lùng về những cái quần ở bàn bên cạnh, cùng chuyện Xvitxki kéo tặng riêng anh bản nhạc, anh choáng váng nhận ra rằng họ đã theo dõi anh, hoàn toàn muốn tách anh ra khỏi hai trung uý nọ. Họ tách anh ra, ru ngủ tinh thần cảnh giác của anh bằng những câu chuyện, bằng tiếng đàn violon, rồi đẩy cô gái này cho anh, và bây giờ... Bây giờ anh đi theo cô ta như một chú cừu ngoan ngoãn mà không biết là đi đâu. Chung quanh chỉ có sự vắng lặng, tối om, cây cối rậm rạp, nếu đây không phải là pháo đài Brét thì sao? Vả lại, anh không thấy một bức tường hoặc một ngọn tháp nào cả.
Suy ra từ điều phát hiện này, vai Kôlia giật giật, cái dây da kêu sột soạt, và cái âm thanh nhè nhẹ chỉ riêng anh nghe thấy ấy, làm anh yên tâm đôi chút. Nhưng, để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, anh chuyển cái vali sang tay trái, thận trọng đưa tay phải lên bao súng.
« Được, cứ để xem họ dắt mũi mình đến đâu – anh nghĩ một cách cay đắng - nếu cần mình sẽ đổi cuộc đời mình với một giá cao hơn, đành phải thế... »
- Đứng lại! Xuất trình giấy phép!
« Bắt đầu rồi đấy... » - Kôlia thoáng nghĩ và chậm chạp đặt vali xuống.
- Chào anh, tôi đây mà! Mira đây. Tôi dẫn trung uý về đây. Anh ấy vừa đến. Trạm gác ngoài cổng không gọi dây nói cho anh à?
- Yêu cầu đồng chí trung uý cho xem giấy.
Một luồng sáng yếu ớt chiếu vào Kôlia. Anh đưa tay trái lên che mắt và khom người trong khi tay phải đặt nhanh lên bao súng...
- Nằm xuống!... – trong trạm gác có tiếng quát! - Nằm xuống, nếu không tôi bắn! Đốc canh, theo tôi! Báo động!...
Người lính trong trạm gác hô hoán, huýt còi và lên cơ bẩm lách cách. Có tiếng chân của người nào đó chạy trên mặt cầu, còn Kôlia cũng vội nằm xuống, mũi chạm đất, đũng như quy định.
- Anh ấy là người của ta – Mira hoảng lên - Người của ta đấy mà!
- Anh ta định rút súng, đồng chí trung sĩ. Tôi hỏi anh ta và anh ta đặt tay lên bao súng!
- Rọi đèn về phía này! - Một làn sáng di động trên người Kôlia, anh đang nằm sấp, bụng gián sát đất. Người mới đến ra lệnh: - Đứng dậy! Nộp vũ khí.
- Tôi là người mình đây mà! – Kôlia vừa đứng dậy vừa quát lên – Tôi là trung uý, anh hiểu chưa? Tôi đến nhận công tác. Giấy tờ và công lệnh đây.
- Nếu là người mình, sao lại đặt tay lên bao súng
- Tôi gãi! – Kôlia quát lên – Tôi ngứa, tôi định gãi, có vậy thôi! Thế mà anh ta lại quát lên: « Nằm xuống!»
- Nhưng đồng chí ấy hành động đúng điều lệnh, đồng chí trung uý ạ. – Anh trung sĩ nói và xem giấy tờ của Kôlia.
- Tuần trước, một lính gác bị đâm ở cạnh nghĩa trang. Chuyện đại loại như vậy ở đây thường xảy ra.
- Tôi biết – Kôlia cất giọng bực bội – Nhưng sao lại hô hấp tấp như vậy? Tôi không được gãi sao?
Mira là người đầu tiên vừa đập tay vừa cười và chùi vội nước mắt. Tiếp theo đó là tiếng cười ầm trầm trầm của trung sĩ, rồi đến tiếng cười nấc nghẹn của anh lính gác, cả Kôlia cũng cười vì câu chuyện thực nực cười và ngớ ngẩn.
- Tôi định gãi! Đúng, tôi ngứa mà!...
Đôi giảy ủng bóng lộn, cái quần dài và cả cái áo chun là phẳng lỳ của anh, tất cả đều bê bết bụi đất. Bụi đất còn bám cả lên mũ, lên gò má anh, vì anh đã áp sát mặt xuống đất.
- Không ăn thua đâu! – Mira nói to khi thấy Kôlia đã hơi bình tĩnh và đang lấy tay phủi bụi - Chỉ tổ làm cho bụi dính bết lại. Phải chải cơ.
- Tìm đâu ra bàn chải vào lúc nửa đêm này?
- Tôi sẽ kiếm cho anh! – Mira vui vẻ hứa – Thôi, chúng tôi đi được chứ.
- Mời cô đi! - Rồi anh trung sĩ đáp – Mira, cô nói đúng đấy, hãy chải áo cho anh ta một chút nếu không thì các chàng trai trong trại cười chết mất thôi.
- Tôi sẽ giúp anh ấy – Mira hứa – Tối nay, họ chiếu phim gì hở anh?
- Chiếu cho lính biên phòng là phim « Đêm cuối cùng », chiếu cho trung đoàn là phim « Valery Tsơcalốp ».
- Một bộ phim rất hay đấy. – anh lính gác nói thêm –Trong phim, Tsơcalốp bay luồn qua dưới cầu.
- Rất tiếc tôi lại không được xem. Thôi nhé, chúc các anh đứng gác may mắn.
Kôkia xách vali lên, gật đầu chào anh lính gác vui tính rồi theo cô gái lên cầu.
- Sông gì đây nhỉ? Bug phải không?
- Không, sông Mukhavét.
- A... à...
Họ đi qua cầu, đi qua ba vòm cổng cuốn rồi rẽ sang phải, đi dọc theo khu nhà hai tầng.
- Kia là khu doanh trại xây liên hoàn – Mira giới thiệu.
Từ những khoang cửa sổ mở toang vọng ra tiếng ngáy đều đều của hàng trăm người. Đèn trực đêm sáng loá sau những bức tường dày, Kôlia trông thấy những chiếc giường hai tầng, các chiến sĩ đang ngủ, những bộ quần áo được gấp gọn gàng và những đôi giày da cục mịch xếp thành một hàng thẳng như kẻ chỉ.
« Trung đội mình cũng ở quanh đây – anh thầm nghĩ – Và sắp tới mình cũng sẽ được đi trực đêm kiểm tra ở đây...?
Đây đó, bên những ngọn đèn chiếu sáng, nổi bật lên những giá súng xếp gọn, hoặc mái tóc cắt cao của một trung uý trẻ măng ngồi trực ban đến tảng sáng, đang chăm chú chúi đầu trên chương bốn, một chương rất khó, của cuốn « Lược sử Đảng cộng sản Liên Xô »
Kôlia thầm nghĩ: « Rồi đây mình cũng sẽ ngồi như thế để chuẩn bị bài giảng hoặc viết thư... »
- Đây là trung đoàn nào? – anh hỏi
- Trời ơi, tôi dẫn anh đi đâu thế này? – cô gái cười dịu dàng – Quay lại thôi! Đồng chí trung uý, theo tôi, đi đều bước!
Kôlia hơi chần chừ, không dám chắc cô gái nói thật hay đùa:
- Để làm gì?
- Trước hết chúng tôi phải chải áo anh đã chứ.
Sau câu chuyện nực cười ở trạm kiểm soát cạnh đầu cầu, cô gái đã mất hết vẻ e thẹn và, trên thực tế, cô đang ra lệnh cho Kôlia, nhưng anh không để ý đến điều đó. Nếu có chuyện nực cười thì tại sao lại không cười được nhỉ?
- Nhưng cô định chải áo ở đâu?
- Cứ theo tôi, đồng chí trung uý!
Họ rời khỏi con đường nhỏ và đi dọc theo khu doang trại liên hoàn. Phía tay phải, một mái nhà thờ hiện ra mờ mờ với những ngôi nhà phía sau. Có tiếng người nói chuyện rì rầm ở nơi nào đó, và gần đấy, có tiếng ngựa thở phì phì. Có cả mùi xăng hăng hắc và mùi mồ hôi ngựa. Thế là cuối cùng, Kôlia cũng đã cảm thấy hơi hướng quen thuộc của con nhà lính.
- Chúng ta đang đến nhà ăn phải không? – Kôlia hỏi, cố làm ra vẻ tình cờ khi nhớ ra cô gái là người chuyên nấu xúp.
- Chả lẽ người ta lại để cho những người bẩn như anh bước vào nhà ăn chắc? – cô gái vui vẻ hỏi lại – Không đâu. Trước hết, chúng ta phải đến kho và thím Khơrixchia sẽ đập bụi cho anh đã. Sau đó, có thể thím ấy sẽ cho chúng ta uống trà.
- Còn mong gì hơn nữa, xin cảm ơn – Kôlia nói, vẻ nghiêm chỉnh – Tôi phải báo cáo với sĩ quan trực ban trung đoàn trong hôm nay.
- Thì hôm nay chứ sao, có điều, hôm nay là ngày khác rồi. Ngày thứ bảy đã chấm dứt cách đây hai giờ.
- Cái đó không quan trọng. Điều quan trọng là phải trước lúc trời sáng. Cô hiểu không? Mỗi ngày đều bắt đầu từ buổi sáng.
- Đối với tôi không nhất thiết như vậy. Cẩn thận, bậc đá đấy. Anh cúi thấp người xuống.
Kôlia theo cô gái lần theo xuống bậc thang chật hẹp dẫn xuống nơi nào đó dưới hầm. Xuống đến nền hầm. Mira đẩy cánh cửa nặng nề ra, ngọn đèn hắt ánh sáng yếu ớt lên cầu thang. Kôlia ngạc nhiên ngắm nhìn nóc vòm hầm thấp, những bức tường gạch và bậc đá rắn chắc.
- Hành lang ngầm à?
- Nhà kho – Mira lại mở cánh cửa thứ hai và gọi: - Thím Khơrixchia, chào thím! Cháu dẫn một anh khách về đây này!...
Mira tránh sang một bên cho Kôlia bước vào, nhưng anh hơi lưỡng lự.
- Vào đây à? – Anh do dự hỏi.
- Vào đây, vào đây. Anh sợ gì vậy?
- Việc gì tôi phải sợ. – Kôlia trả lời nghiêm trang
Kôlia bước vào một khoang hầm rộng, tối mù, bị đè nặng dưới vòm trần thấp. Ba ngọn đèn tù mù không sao xua tan được bóng tối dưới hầm, anh chỉ nhìn thấy bức tường gần nhất với những lỗ thông hơi nhỏ hẹp như những lỗ thủng, nằm sát mái vòm. Trong hầm lạnh và khô. Trên nền gạch, đôi chỗ đã vỡ, lại đầy cát bồi.
- Thím Khơrixchia, chúng cháu đây mà! – Mira vừa gọi to vừa khép cửa lại – Chào bác Anna Pêtơrôpna! Chào bác Xtêphan Mátvâyêvích! Chào tất cả mọi người.
Giọng cô âm vang dưới mái hầm, nó không đọng lại, và hình như tan đi.
- Chào các đồng chí! – Kôlia chào.
Khi mắt đã quen với ánh sáng mờ, Kôlia phân biệt rõ hai người đàn bà, một to béo đẫy đà, một gầy hơn và một chuẩn uý để ria mép, đang ngồi xổm trước cái bếp lò bằng sắt.
- A ha, con chim sẻ đồng của chúng ta đã về! - Người chuẩn uý để ria cười vang.
Hai người đàn bà đang ngồi trước một chiếc bàn rộng bày la liệt bao túi, đồ hộp và chè gói. Họ đang nhặt gì trên một tờ giấy, không để ý đến người mới đến. Đáng lẽ phải chú ý đến cấp trên thì chuẩn úy lại phớt lờ, tiếp tục đẩy những miếng gỗ thùng đã gãy vào bếp.Trên bếp, đặt một ấm nước bằng tôn khá to.
- Chào tất cả! – Mira lại chào và ôm chầm lấy vai hai người đàn bà và lần lượt hôn má từng bà một - Mọi việc đều ổn cả chứ? Đã nhận được hết chưa, thím?
- Nhưng tôi dặn cô phải có mặt lúc mấy giờ? – bà to béo hỏi giọng nghiêm nghị - Tôi dặn tám giờ phải về, thế mà cô đi đến gần sáng và chẳng ngủ nghê gì cả.
- Thím Khơrixchia, thím đừng giận. Cháu sẽ tìm ra thời gian để ngủ mà.
- Lại kéo thêm một anh chàng trung uý nữa! - Người đàn bà trẻ hơn tên là Anna Pêtơropna hào hứng đế thêm - Ở trung đoàn nào đấy, đồng chí trung uý?
- Tôi chưa có trong danh sách trung đoàn nào – Kôlia đáp nghiêm chỉnh – Tôi vừa mới đến.
- Thế mà đã lấm lem rồi đấy – cô gái cất giọng hoan hỉ - Ngã rạp xuống đất, mà chẳng hề vấp vào đâu cả chứ.
- Có thể lắm chứ - chuẩn uý nói giọng bình thản
Anh đánh diêm, ngọn lửa reo vù vù trong bếp lò
- Giá có được cái bàn chải nhỉ? – Kôlia thở dài.
- Lấm lem gớm chửa – Thím Khơrixchia làu bàu – Cát bụi nơi chúng tôi đây bám chặt lắm.
- Mira, giúp đồng chí ấy một tay đi! – Anna Pêtơropna mỉm cười - Chắc vì cô nên đồng chí ấy mới ngã trên đất bằng đấy.
Những con người ở đây đều biết nhau từ lâu, nên chuyện trò khá thoải mái, không e dè gì cả, và cũng không sợ anh khách trẻ phật lòng. Kôlia nhận ra ngay điều đó, nhưng là người lạ, nên anh chỉ im lặng một cách bẽn lẽn. Mira đã tìm được bàn chải, cô xấp nước ở chỗ vòi trong tường và nói năng với anh theo kiểu người lớn:
- Lại đây tôi chải cho nào!
- Tôi tự chải lấy – Kôlia vội đáp.
Nhưng cô gái phớt lờ, cô đi ra phía cửa, chân trái hơi khập khiễng, Kôlia đành thở dài bước theo.
- Chà, xử sự thế chứ - chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích nói, vẻ hài lòng – Đúng lắm, con chim sẻ đồng, với đàn ông chỉ là cứ phải như vậy.
Bất chấp sự phản đối của Kôlia, Mira chà xát rất mạnh và ra lệnh: « Giơ tay lên! », « Quay lại », « Đứng im ». Thoạt đầu, Kôlia chực cãi lại, nhưng sau phải từ bỏ ý định ấy vì anh hiểu có chống lại cũng vô ích. Do vậy, anh ngoan ngoãn giơ tay lên, quay người lại, hoặc đứng im, cố nén bực tức. Anh không giận cô lúc này không phải vì cô thích bắt anh lúc thì quay bên này, lúc thì quay bên kia, mà chỉ bực cô làm anh tự ái. Ít ra, anh cũng hơn cô ba tuổi, mà còn là một chỉ huy, nắm trong tay vận mệnh của cả một trung đội. Vậy mà cô gái này lại hành động như thể chính cô là chủ huy của anh, điều đó làm anh rất phật lòng.
- Anh không phải thờ dài! Tôi chỉ chải bụi cho anh, còn anh thì thở dài. Như thế có hại cho anh.
- Có hại thực đấy – anh xác nhận không phải không có ngụ ý – Chà, mới tệ hại làm sao!
Khi họ trở lại nhà kho theo những bậc thang cũng dốc như ban nãy thì trời đã tang tảng sáng. Lúc này, các thứ trên bàn đã được thu dọn lại, trừ bánh mì, đường và những chiếc ca. Mọi người đang ngồi quanh bàn, rì rầm trò chuyện, đợi nước sôi. Trừ hai người đàn bà và anh chuẩn uý có ria mép ở đó cũng có thêm hai người nữa nhập bọn, một anh thượng sĩ vẻ cau có và một anh lính trẻ đầu húi trọc lốc. Trong khi anh lính trẻ ngáp dài thì người thượng sĩ càu nhàu:
- Anh em đi xem phim, còn tôi bị tiểu đoàn trưởng giữ lại và bảo: « Này, Phêđôrôtrúc, có công việc dành cho đồng chí đây ». Việc gì đây? «Tháo các băng đạn ra, Phêđôrôtrúc – ông ấy bảo – tháo hết đạn khỏi tất cả các bao, lau thật sạch bôi mỡ, rồi lắp vào bao ». Chao ôi! Ngần ấy việc, phải cả một đại đội làm liên tục trong ba ngày mới xong, thế mà chỉ có một mình tôi. Tôi bảo hãy cho người giúp việc. Thế là ông ấy cho tôi con gà giò Vaxili Vônkốp, tân binh, đầu trọc lốc này đây. Cậu ta biết làm gì nào? Biết ngủ, có thế thôi, và biết lấy búa gỗ ghè vào ngón tay thế này này. Tôi nói có đúng không, Vônkốp?
Vaxili Vônkốp trả lời bằng một cái ngáp dài, mồm ngoác rộng và thình lình mỉm cười:
- Tôi buồn ngủ quá!
- Buồn ngủ! – Phêđôrôtrúc lại gắt gỏng – Khi nào về nhà với mẹ hãy kêu buồn ngủ. Còn ở với tôi, cậu Vaxili ạ, từ giờ đến sáng, cậu phải tháo hết đạn ra khỏi các bao, hiểu chưa? Bây giờ làm một chầu nước trà, sau đó, lại bắt đầu vào việc. Khơrixchia, hôm nay chị cho chúng tôi nhiều chè hơn nhé.
- Tôi sẽ pha thật nhiều – thím Khơrixchia nói và dốc cả gói chè vào ấm – Cho nó sôi một lát nữa rồi hãy uống. Đồng chí sắp đi đâu đấy, đồng chí trung uý?
- Tôi phải về trung đoàn để báo cáo – Kôlia đáp
- Anh sẽ kịp được thôi – Anna Pêtơropna nói - Nhiệm vụ nó có tự chạy mất đâu mà lo
- Không, không! – Kôlia lắc đầu quầy quậy – Tôi đã đến muộn. Đáng nhẽ phải báo cáo có mặt vào thứ bảy, bây giờ đã là chủ nhật rồi còn gì.
- Bây giờ không phải thứ bảy mà cũng không phải chủ nhật, mà vẫn là trời đêm yên tĩnh – Xtêphan Mátvâyêvích nói – Ban đêm thì trực ban cũng phải ngủ.
- Ngồi vào bàn đi, đồng chí trung uý – Anna Pêtơropna mỉm cười – chúng ta sẽ uống trà và làm quen với nhau. Đồng chí từ đâu về đây thế?
- Từ Mátxcơva ạ - Kôlia do dự giây lát rồi ngồi xuống.
- Từ Mátxcơva? – Phêđôrôtrúc kéo dài giọng, vẻ cảm phục - Ở đấy bây giờ thế nào?
- Ý đồng chí muốn hỏi về gì cơ?
- À, về tình hình chung thôi.
- Tốt đẹp cả - Kôlia trả lời nghiêm chỉnh.
- Nhưng hàng hoá, vật phẩm thì thế nào hả? – Anna Pêtơropna hỏi - Đồng chí trung uý, đồng chí nên nhớ là ở đây không khó khăn gì cả.
- Anh ấy cần gì quan tâm đến hàng hoá? – Mira nói, cô mỉm cười khi ngồi vào bàn – Anh ấy không cần gì những thứ chúng ta cần.
- Ồ, có thể như thế - Xtêphan Mátvâyêvích lắc đầu – Nhưng có được một bộ quần áo đẹp thì cũng thích chứ, vấn đề này quan trọng đấy!
- Tôi không thích mặc thường phục – Kôlia nói – Nhà nước đã cấp đủ các thứ cho tôi.
- Cấp đủ các thứ - bà Khơrixchia thở dài vì lẽ gì đó - Cấp cho anh mọi loại dây da như những con ngựa
Anh chàng Vaxili Vônkốp thích ngủ chuyển từ bếp lò ra bàn. Anh ta ngồi đối diện với Kôlia và nhìn anh chằm chằm, mắt nhấp nháy. Bắt gặp cái nhìn của Vaxili, Kôlia nhìn đi chỗ khác và cau mày. Nhưng anh lính trẻ không thấy khó chịu, vẫn giương mắt nhìn Kôlia từ đầu đến chân như một đứa trẻ.
Buổi bình minh yên ả tràn vào hầm một cách chậm chạp, miễn cưỡng qua những lỗ thông hơi nhỏ hẹp. Ánh sáng tụ lại dưới vòm hầm, dần dần đẩy lùi bóng tối, nhưng bóng tối không chịu lui, mà vẫn ẩn náu trong các xó xỉnh. Những ngọn đèn vàng khè biến mất giữa khoảng ánh sáng lù mù. Người chuẩn uý tắt đèn, nhưng trong hầm vẫn còn tối, nên mấy phụ nữ phản đối:
- Tối quá! Tối quá!
- Phải tiết kiệm điện – Xtêphan Mátvâyêvích càu nhàu nhưng vẫn bật đèn lên.
- Đêm nay tất cả đèn trong thành phố đều tắt hết. – Kôlia nói - chắc có sự cố
- Rất có thể - Chuẩn uý đồng ý một cách nhã nhặn – chúng ta có trạm điện riêng ở đây.
- Tôi lại thích bóng tối – Mira thú nhận – Khi trời tối không có gì đáng sợ nữa.
- Hoàn toàn ngược lại! – Kôlia đáp, nhưng anh chữa lại ngay - Tất nhiên tôi không nói đến cái sợ hãi thực sự. Đấy chính là mọi ý nghĩ thần bí về bóng tối.
Vaxili Vônkốp lại ngáp, vẻ thoả mãn, còn Phêđôrôtrúc vẫn nói với vẻ nhăn nhó, khó chịu:
- Chỉ có bọn ăn trộm mới thích bóng tối thôi. Ăn cướp và ăn cắp, bóng đêm có lợi cho chúng.
- Nhưng có thể còn có lợi cho cái gì khác nữa chứ! – Anna Pêtơropna tủm tỉm cười
- A ha! – Phêđôrôtrúc cũng cười và nguýt Mira một cái thật dài – Đúng quá, chị Anna Pêtơropna ạ, cái gì cũng có thể, chúng mình cũng thích ăn trộm. Có phải chị định nói thế không?
- Chúng ta không trộm cắp – anh chuẩn uý nói – chúng ta chỉ che giấu.
- Cái tốt đẹp không cần gì phải che giấu – Phêđôrôtrúc càu nhàu một cách cố chấp.
- Cũng phải che giấu những gì tốt đẹp trước con mắt của quỷ dữ chứ! – Khơrixchia xẵng giọng, mặt nhìn cái ấm - điều đó là đúng. Nào, trà đã xong rồi, lấy đường đi.
Anna Pêtơropna đưa những miếng đường của mình vào cốc trong khi những người khác bóp vụn nó. Xtêphan Mátvâyêvích xách ấm nước lên và rót vào cốc.
- ăn bánh mì đi! – Khơrixchia mời – hôm nay nướng ngon đấy, để lâu ỉu mất.
- cùi bánh phần cháu đấy nhé! – Mira vội bảo.
Cô với tay lấy miếng cùi bánh và nhìn Kôlia, vẻ đắc thắng. Nhưng Kôlia không chấp nhặt tính trẻ con ấy của cô, anh chỉ mỉm cười, vẻ kẻ cả. Anna Pêtơropna nhìn họ và cũng tủm tỉm cười, nhưng hình như bà cười về một ý nghĩ nào đó của mình. Kôlia không thích như thế.
Anh bực bội nghĩ thầm: « Cứ như mình chạy theo cái cô Mira này, vì thế họ nghĩ vớ nghĩ vẩn... »
- Chị có còn miếng mỡ nào không? – Phêđôrôtrúc hỏi – ăn bánh này thôi thì chẳng có mấy sức lực đâu...
- Tôi sẽ tìm kiếm xem sao. Có thể còn chút ít đấy.
Khơrixchia bước vào căn hầm sâu và tối. Mọi người chờ đợi, chưa động tay vào ca nước, Vaxili Vônkốp cầm cái ca trong tay, ngáp một lần nữa và tỉnh hẳn.
- Cứ uống trà đi, đừng đợi – bà Khơrixchia từ dưới hầm nói vọng lên – Trong lúc tôi tìm...
Một luồng ánh sáng xanh lét và sắc lạnh vụt loé ở bên ngoại lọt qua các lỗ thông hơi. Đèn trên trần đung đưa.
- Sấm chớp hay sao ấy nhỉ? - Anna Pêtơropna tự hỏi.
Có tiếng nổ rất đanh. Đèn phụt tắt. Những bức tường rung mạnh, vôi vữa trên trần nhà rơi lả tả và tiếng rú rít chìm đi trong tiếng nổ ầm ầm của những quả đạn pháo hạng nặng.
Mọi người im bặt. Họ lặng lẽ ngồi cạnh bàn và phủi vôi vữa rơi từ trần nhà xuống đầu. Qua ánh sáng xanh lét tràn vào hầm, mặt họ trông xám ngắt và đanh lại, giống như họ lắng tai nghe ngóng, mặc dù đã điếc đặc trước tiếng gầm rít nặng nề của những quả đạn pháo.
- Kho đạn! – Phêđôrôtrúc kêu to và chồm dậy - Nổ kho đạn mất rồi! Tôi biết cái kho ấy. Tôi còn để một ngọn đèn sáng! Ôi ngọn đèn tai hại...
Một tiếng nổ nữa tiếp theo. Cánh cửa nặng nề đập mạnh, cái bàn bị xô đi chỗ khác, vôi vữa rơi lả tả. Làn khói vàng sặc sụa tràn vào qua lỗ thông hơi.
- Chiến tranh! – Xtêphan Mátvâyêvích hét lên - Chiến tranh! Các đồng chí ơi, chiến tranh!
Kôlia chồm dậy, làm cái ca đổ nhào. Nước trà chảy ướt cả chiếc quần được chải chuốt cẩn thận, nhưng anh mặc kệ.
- Đứng lại! Đồng chí trung uý! - Chuẩn uý túm lấy anh - Đồng chí định đi đâu?
- Mặc tôi! Mặc tôi! – Kôlia quát to và cố giằng ra - Mặc tôi! Mặc tôi! Tôi phải về trung đoàn! Tôi chưa có trong danh sách của trung đoàn, anh hiểu chưa?
Anh đẩy chuẩn uý ra, giật mạnh cánh cửa bị ngập một nửa trong đống gạch vỡ, lách người qua rồi chạy lên những bậc thang nguy hiểm đã rạn vỡ, gạch vữa kêu lạo xạo dưới chân anh.
Cửa ngoài cùng đã bị sức ép đánh bật tung. Kôlia nhìn thấy những vầng lửa màu da cam. Đường hành lang chật hẹp dày đặc khói bụi và nồng nặc mùi thuốc nổ khét lẹt. Căn hầm rung lên bần bật, không khí rên rỉ, rú rít. Lúc ấy là bốn giờ mười lăm phút, giờ Mátxcơva, rạng sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941....