Chương 4

Khi Plugiơnhikốp chạy lên được khu trung tâm pháo đài đang cháy thì tiếng súng bắn vẫn tiếp tục nổ, nhưng nhịp điệu đã thưa hơn. Bọn Đức bắt đầu chuyển hoả lực sang tuyến phòng thủ phía ngoài. Đạn lớn vẫn tiếp tục rơi, nhưng không bừa bãi, mà tập trung hơn vào từng ô vuông có tính toán trước, nên Plugiơnhikốp có thời gian để quan sát xung quanh.
Chung quanh đang bốc cháy! Khu doanh trại liên hoàn, những dãy nhà gần nhà thờ và những gara trên bờ sông Mukhavét đều đang rực cháy. Lửa trùm kín đoàn ô tô vận tải đang trên bãi đậu, những chiếc lán, những ngôi nhà tạm, của hàng, nhà kho, nhà chứa rau, tất cả những gì có thể cháy được đều đang cháy và cả những gì không cháy được cũng đang bốc cháy. Giữa tiếng réo rít của lửa, tiếng nấc nghẹn của đạn pháo và tiếng bay rào rào của những mảnh kim loại nóng bỏng, anh trông thấy những người cởi trần đang chạy nhốn nháo.
Tiếng ngựa hý rất gần ở một nơi nào đó trong tàu ngựa, ngay sau lưng anh. Tiếng hí khác thường, man dại đó đã nhận chìm mọi âm thanh khác, kể cả tiếng kêu thất thanh vọng ra từ dãy nhà để xe, có những khung cửa sổ chấn song sắt vững chắc, và nồng nặc mùi xăng dầu cháy; ở đấy có nhiều người đang bị thiêu sống.
Plugiơnhikốp chưa hiểu biết gì về pháo đài. Lúc anh cùng cô gái tới đây thì trời dã khuya lắm rồi. Còn bây giờ, pháo đài đối với anh là cả một khu rền vang tiếng nổ và rừng rực lửa khói. Khó khăn lắm anh mới tìm thấy vòm cổng xây cuốn và quyết định sẽ xông đến trạm kiểm soát, anh dám chắc người lính gác còn nhớ anh và sẽ chỉ cho anh cái nơi cần đến. Anh phải báo cáo có mặt, đó là điều chủ yếu.
Plugiơnhikốp lao về phía cổng, nhảy qua những hố đạn đại bác và những đống gạch vỡ, đưa hai tay lên ôm gáy, vì thật khó chịu khi nghĩ rằng những mảnh trái phá sắc nhọn và nóng bỏng, bất cứ lúc nào cũng có thể phạt vào cái phần mềm oặt và không có gì che chở ấy của anh. Vì vậy, trong khi chạy, tuy chân loạng choạng và trượt vấp, anh vẫn đưa hai tay ôm kín gáy.
Anh không nghe thấy tiếng réo rất căng của một viên đạn pháo đang rơi sau đó. Song, từ phía sau lưng anh, anh cảm thấy một sức mạnh tàn bạo mơ hồ nào đó, đang ào đến. Và, vẫn không bỏ tay ra khỏi gáy, anh lao ập xuống một hố đại bác gần nhất. Trong vài giây ngắn ngủi trước khi đạn nổ, anh như một con cua, nhoài người, cả mình mẩy lẫn chân tay xuống lớp cát khô cứng. Rồi sau đó, anh không nghe thấy mà chỉ cảm thấy tiếng nổ đè anh xuống qua sức ép khủng khiếp trên lưng, đến nỗi làm anh nghẹn thở, chỉ còn biết quằn quại sặc sụa, cố hớp lấy từng ngụm không khí mà không được, giữa cái bóng tối lại đột ngột ập đến sau tiếng nổ. Tiếp đó, một vật gì rất nặng và rất cụ thể, đổ ập xuống lưng anh, làm tiêu tan mọi cố gắng cuối cùng để hít thở chút khí trời vào phổi và cả chút ý thức còn lại của anh.
Nhưng rồi anh tỉnh lại ngay, vì anh còn trẻ và đủ sức lực để khát khao được sống. Anh hồi tỉnh giữa lúc đầu còn nhức buốt với cảm giác đau nhói trong ngực và thấy xung quanh hoàn toàn im ắng. Thoạt tiên, tuy còn mơ mơ màng màng, anh sửng sốt nghĩ rằng đại bác đã ngừng nổ, nhưng sau đó, anh nhận ra tai mình đã điếc đặc, chẳng nghe được gì cả. Điều đó không hoàn toàn làm anh khiếp sợ, anh trườn ra khỏi đống cát đang đè xuống người, ngồi im một lát rồi khạc nhổ máu và những hạt cát đang lào xạo trong mồm rất khó chịu.
- « Tiếng nổ - anh buộc ý thức phải làm việc và suy nghĩ cẩn thận sau khi lần tìm từ ngữ - Chắc quả đạn đã trút xuống khu nhà kho. Anh chuẩn uý và cô gái thọt chân đang ở đấy… »
Nhưng ý nghĩ đang trăn trở nặng nề trong đầu anh, không rõ nét, tựa như anh đang suy nghĩ về một cái gì đó thật xa xôi cả thời gian lẫn không gian: sau đó, anh cố nhớ xem mình đã chạy đi đâu và để làm gì, nhưng đầu óc anh không chịu tuân theo ý muốn của anh nữa. Anh đành ngồi dưới đáy hố đại bác, lảo đảo người một cách đều đều, nhổ phì phì những hạt cát thấm máu ra khỏi mồm, và vẫn không thể hiểu nổi tại sao mình lại ngồi ở đây.
Dưới hố khét lẹt mùi thuốc đạn. Plugiơnhikốp nghĩ một cách mệt mỏi: nếu trèo lên miệng hố thì không khí sẽ trong lành hơn và có thể tỉnh lại nhanh hơn, nhưng anh không thể cử động được, vì hễ động đậy là lại thấy đau nhói. Do vậy, anh tiếp tục hít thở khò khè thứ không khí buồn nôn, ngực cháy bỏng sau mỗi hơi thở. Và, một lần nữa, anh cảm thấy hơn là nghe thấy, một người nào đó đang tụt xuống đáy hố, ngay sau lưng anh. Cổ anh cứng đờ không cựa quậy được, vì vậy, anh phải quay cả người lại.
Một thanh niên mặc áo lót màu xanh thẫm, quần đen và đội mũ chào mào, đang ngồi sau anh, trên đất lún. Mặt đầm đìa máu, cậu ta đưa tay vuốt má, ngạc nhiên nhìn vào tay mình rồi lại vuốt tiếp:
- Bọn Đức đang ở trong câu lạc bộ - anh ta nói
Plugiơnhikốp nhìn đôi môi mấp máy của cậu ta, vừa nghe vừa đoán.
- Bọn Đức?
- Đúng thế - người chiến sĩ trẻ nói, giọng bình thản, hình như mối quan tâm duy nhất của cậu ta là những giọt máu đang rỉ trên má – Chúng bắn trượt tôi, bằng súng tiểu liên.
- Chúng có đông không?
- Ai mà đếm được? Chỉ có một thằng bắn trượt tôi. Tôi bị rách má.
- Đạn bắn phải à?
Họ chuyện trò với nhau một cách bình thản như đang chơi trận giả, và những đứa trẻ ở sân bên cạnh đã bắn trung mục tiêu bằng súng cao su. Plugiơnhikốp cố nhích đến gần để lấy lại cảm giác của tay chân, anh đặt câu hỏi với một ý niệm mông lung và tiếp nhận những câu trả lời với mọi cố gắng do là không thể dám chắc đã nghe thấy được hay đoán hết được mọi điều người chiến sĩ trẻ, má đầy máu này, vừa nói.
- Chúng giết chết Kônđakốp rồi. Đang chạy bên trái tôi, cậu ấy gục ngay tại chỗ và co giật như người động kinh. Cả cậu trực ban người Kiếcghidi hôm qua còn cãi nhau với tôi, cũng bị chúng giết chết ngay từ đầu.
Anh chiến sĩ trẻ còn kể thêm những gì, nhưng đột nhiên Plugiơnhikốp không thích nghe nữa. Bây giờ anh đã nghe được mọi âm thanh - tiếng hí của những con ngựa bị thương trong tàu ngựa, tiếng đạn nổ, tiếng lửa gào réo và tiếng sung văng vẳng ở xa. Phải, anh đã nghe được tất cả, vì thế, anh không thấy lo lắng và muốn nghe gì khác nữa. Anh sắp xếp những điều mà anh chiến sĩ nói với anh và nhận ra điều chủ yếu: bọn Đức đã đột nhập vào pháo đài, như thế có nghĩa là chiến tranh đã thực sự bùng nổ.
- Ruột họ phòi ra ngoài, vẫn còn phập phồng như đang thở. Lạy trời, thật sự là đang thở!
Giọng anh chiến sĩ lắm lời đập vào tiềm thức Plugiơnhikốp trong giây lát. Và lúc này, khi đã làm chủ được mình, anh quyết định chấm dứt câu chuyện. Anh tự giới thiệu tên họ, xưng phiên hiệu trung đoàn được cử đến và hỏi làm cách nào để về trung đoàn.
- Chúng sẽ bắn rụng anh mất – anh chiến sĩ trẻ nói – chúng đang ở trong câu lạc bộ, nguyên là ngôi nhà thờ cổ. Từ đấy chúng có thể bắn và anh bằng tiểu liên. Và cũng từ đấy, chúng có thể trong rõ mọi nơi như trong lòng bàn tay.
- Anh định đi đâu
- Đi lấy đạn. Trên cử Kônđakốp và tôi đến kho vũ khí, nhưng bọn Đức đã bắn chết cậu ấy.
- Ai cử đi?
- Một sĩ quan hoặc một cấp chỉ huy nào đó. Tất cả đều rối tung rối mù lên. Chẳng còn biết đâu là cấp chỉ huy của mình và mình đang ở bên cạnh ai. Chúng tôi đã chạy ngay từ đầu.
- Họ ra lệnh đi đưa đạn ở đâu?
- Nhưng bọn Đức đang ở trong câu lạc bộ, trong câu lạc bộ - anh ta nói chậm rãi, ân cần, tựa như đang giảng giải cho một cậu bé - Mệnh lệnh gì cũng không đến được đấy đâu. Chúng sẽ bắn rụng anh ngay!…
Nhưng Plugiơnhikốp đang nghĩ đến kho vũ khí, nơi anh hy vọng có thể tìm được một khẩu súng tiểu liên, súng máy tự động hoặc tồi nhất cũng là một khẩu súng trường thông thường với đầy đủ đạn dược. Vũ khí thông thường chỉ tạo điều kiện cho anh hành động, không những anh có thể bắn vào bọn địch đang chiếm lĩnh trung tâm pháo đài mà còn có thể tự do tung hoành, anh khao khát phải có được vũ khí sớm chừng nào hay chừng ấy.
- Kho vũ khí ở đâu?
- Kônđakốp biết chỗ - anh chiến sĩ trả lời miễn cưỡng.
Má anh ta không chảy máu nữa, vết thương rõ ràng đã se miệng nhưng anh ta vẫn xoa những ngón tay bẩn thỉu bào vết xước khá sâu.
- Ồ, đồ chết giẫm! – Plugiơnhikốp nổi giận thật sự - Thế cái kho ấy ở phía nào? Bên phải hay bên trái? Ở đâu? Nếu có bọn Đức trong pháo đài thì chúng sẽ chạm trán với chúng ta, hiểu chưa? Tôi sẽ có thể làm gì bọn Đức với khẩu súng lục này?
Câu nói cuối cùng hiển nhiên làm anh lính trẻ vỡ lẽ. Anh ta không động tay vào vết thương nữa mà quay nhìn trung uý Plugiơnhikốp với ánh mắt băn khoăn và hốt hoảng.
- Hình như bên trái. Lúc chúng tôi chạy thì nó ở bên phải. À, không, Kônđakốp chạy bên trái tôi. Đợt tý, tôi thử xem cậu ta nằm ở đâu.
Anh ta thu người lại và lết nhanh lên miệng hố. Lên đến nơi, anh ta nhìn quanh, vẻ nghiêm trang hẳn. Anh ta bỏ mũ chào mào ra và thận trọng ngẩng cái đầu trọc lóc lên quan sát.
- Kônđakốp nằm kia kìa! – anh ta cất giọng buồn bã, không quay lại - Cậu ấy không giãy giụa nữa. Thế là hết. Chúng tôi cũng đã đến sát khu vực nhà kho, tôi thấy rõ nó. Hình như nó chưa bị bắn phá.
Không muốn bò lên trước mặt anh lính trẻ, Plugiơnhikốp leo lên được thành dốc, nằm cạnh người lính và nhìn lên. Gần đấy có một xác người mặc áo va rơi, quần bó ống, nhưng không có ủng và mũ. Mái tóc đen của anh ta nổi bật trên nền cát trắng. Lần đầu tiên, Plugiơnhikốp trông thấy người chết. Tính hiếu kỳ mãnh liệt bắt anh cứ phải nhìn kỹ. Anh lặng người đi giây lát.
- Kônđakốp ơi, thế là hết – anh lính trẻ thờ dài - Cậu ta ưa kẹo lắm. Mà keo xỉn nữa, đừng hòng xin được ở cậu ta một mẩu bánh mì.
- Thôi đi. Kho vũ khí ở chỗ nào? – Plugiơnhikốp hỏi, vất vả lắm anh mới rời mắt khỏi xác Kônđakốp, một anh chàng khi trước đã là một anh chàng keo xỉn và thích kẹo.
- Hình như ở chỗ cái gò kia kìa. Anh thấy không? Có điều cửa kho đâu, tôi không biết.
Cách kho vũ khí không xa là một toà nhà đồ sộ nằm khuất sau những lùm cây và bụi rậm đã bị đạn trái phá phạt gẫy. Plugiơnhikốp đoán đấy là câu lạc bộ. Theo lời anh chiến sĩ kể thì nó đã bị bọn Đức chiếm. Từ đấy có tiếng tiểu liên bắn ra từng loạt ngắn, nhưng nhắm vào hướng nào thì anh không biết.
- Chúng đang quét vào toà Điện Trắng đấy – anh lính trẻ nói – Nhìn phía tay trái kia kìa, phòng làm việc của các kỹ sư đấy.
Plugiơnhikốp nhìn. Có nhiều người đang nằm sau bức tường thấp vây quanh toà nhà đã bị đạn pháo bắn sạt. Anh nhìn thấy rõ những loạt súng của họ bất chợt loé lên.
- Khi tôi hạ lệnh thì chúng ta chạy đến chỗ … - Plugiơnhikốp nghẹn ngào rồi nói tiếp - đến chõ Kônđakốp. Đến đấy, chúng ta nằm xuống, nếu bọn Đức không kịp bắn. Hiểu chưa? Chú ý! Chuẩn bị. Tiến!
Plugiơnhikốp không còn lưng, đứng thẳng người mà chạy, không chỉ bởi vì đầu óc anh vẫn quay cuồng, mà còn vì anh không muốn chàng lính trẻ hoảng hồn mặc chiếc áo may ô màu xanh kia thấy anh như một thằng hèn. Anh chạy một mạch đến chỗ người chết, nhưng không dừng lại. Bất chấp cả mệnh lệnh của chính mình, anh chạy thẳng đến kho vũ khí. Đến nơi, anh đột nhiên cảm thấy sợ hãi, chúng có thể giết chết anh trong lúc này. Nhưng, nghe anh lính trẻ thở hổn hển sau lưng, Plugiơnhikốp hết sợ, mà lại còn nhe răng cười với anh chàng đầu trọc ấy nữa:
- Anh làm gì mà thở dữ thế?
Anh lính không nói gì, chỉ nhe răng cười lại, hai nụ cười giống nhau ngư hai giọt nước.
Họ đi quanh gò đất ba lần, nhưng không tìm thấy gì dù chỉ là một ngóc ngách giống lối ra vào. Mọi vật chung quanh đều bị cày xới và cháy sém. Có lẽ lối vào đã bị vùi lấp, hoặc anh lính trẻ lạc lối, và có thể Kônđakốp cũng đã nhầm đường. Điều duy nhất Plugiơnhikốp hiểu rõ là anh vẫn chỉ có khẩu súng lục, sau khi anh đi nhanh sang một hố đạn xa hơn và tiện lợi hơn trên nền đất trơ trụi cạnh nhà thờ. Anh nhìn dọc bức tường thấp xung quanh Điện Trắng, nhìn những ánh lửa loé lên rời rạc sau bức tường ấy. Đồng đội của anh đang ở đấy, anh khao khát được chiến đấu bên cạnh họ.
- Chúng ta sẽ chạy đến chỗ quân ta – anh nói và không nhìn quanh – Khi nào tôi đếm đên ba là chạy. Sẵn sàng chưa?
- Sẵn sàng – anh lính trẻ thều thào - Ngộ nhỡ họ cho vài phát vào trán thì sao, họ đang bắn về phía ta đấy.
- Họ sẽ không bắn đâu – Plugiơnhikốp đáp, giọng do dự - Chúng ta là Hồng quân, người của họ cơ mà
Anh nhắc đến hai tiếng « Hồng quân » vì hồi nhỏ, khi chơi trận giả, anh thích đóng giả Tsapaev, nhưng những đứa trẻ khác không bầu anh làm Tsapaev, cho nên anh đành phải tự bằng lòng với vai Dikharev, chỉ huy kỵ binh.
Theo mệnh lệnh của anh, cả hai lại chạy, họ nhảy qua các hố đạn và những xác chết, không ngã và cũng không dừng lại. Họ chạy thẳng lưng giữa ánh lửa loé giật, và Plugiơnhikốp cứ phải luôn hét lên: « Người mình đây! » - nhưng ở đấy tiếng súng vẫn nổ liên hồi, nhiều lần Plugiơnhikốp nghe thấy cả tiếng đạn bay chiu chíu trên đầu. Lần này họ cũng may mắn lao đến được chỗ bức tường và nhào người qua đấy. Họ kiệt sức, thở dốc và nằm xoài trên mặt đất, bên cạnh đồng chí của mình, không còn sợ nguy hiểm gì nữa. Một thượng uý nóng tính mặc áo va rơi có cài khuy cẩn thận nhưng lấm lem giận dữ quát họ:
- Chạy - nằm - chạy, rõ chưa? Chạy - nằm - chạy!
Ngay sau khi lấy lại được hơi sức, Plugiơnhikốp muốn báo cáo nhưng người thượng uý không cần nghe mà chỉ hạ lệnh cho họ chuyển sang sườn bên trái của tuyến phòng thủ thưa mỏng để quan sát phía cổng Têrétxpôn, ông tin bọn Đức đã chọc qua chỗ ấy. Sau những lời thông báo tình hình một cách tóm tắt và ngắn gọn nhất, ông ta không trả lời bất cứ câu hỏi nào của Plugiơnhikốp, mà chỉ khinh khỉnh nói thêm:
- Hãy lấy súng trường ở chỗ đồng chí trung sĩ và hãy quan sát thật kỹ cái cổng ấy. Chúng ta phải giữ đến khi quân ta tới.
Thượng uý hy vọng cầm cự cho đến lúc quân ta nào tới và họ sẽ xuất hiện từ hướng nào, Plugiơnhikốp không gặng hỏi. Bản thân Plugiơnhikốp cũng tin rằng quân ta sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, sau đó mọi chuyện đều được giải quyết ổn thoả. Lúc này, phải cố giữ và đập lại hoả lực của kẻ thù, chỉ thế thôi.
Khi sang tuyến trái, Plugiơnhikốp không tìm thấy trung sĩ nào cả. Một góc toà nhà đang dần dần bốc cháy, những cái lưỡi lửa lười nhác, chập chờn thè ra khỏi quầng
khói. Sau tường là những người đàn ông cởi trần đang nằm và có hai anh lính biên phòng mang một khẩu súng máy do Đêgơtiarép chế tạo.
- Sao không dập đám cháy đi? – Plugiơnhikốp giận dữ hỏi.
Không ai trả lời anh cả, mọi người đang tập trung quan sát cái cổng có tháp nước cao. Cảm thấy câu hỏi của mình lạc lõng, Plugiơnhikốp liền hỏi những xạ thủ súng máy xem đồng chí trung sĩ đang ở đâu.
- Kia kìa! - Một người chỉ huy hất đầu, đáp cụt ngủn.
Một người đàn ông thâm thấp đang nằm úp mặt dưới đất, hai chân đi ủng dang rộng, đầu gối trên báng súng. Người ấy hơi lắc lư một cách cứng nhắc khi Plugiơnhikốp chạm tay vào vai anh ta.
- Đồng chí trung sĩ.
- Đồng chí ấy hy sinh rồi – anh lính biên phòng nói.
Plugiơnhikốp giật tay lại và nhìn quanh, vẻ tuyệt vọng, nhưng lúc này còn ai chú ý đến anh. Miễn cưỡng đặt tay lên xác người chết, anh kéo nòng súng ra, nhưng những ngón tay cứng đờ, giữ khẩu súng rất chặt. Plugiơnhikốp lại kéo, mái đầu tròn và đen nhánh dưới đất giật mạnh và dụng vào thước ngắm.
- Lại có mấy người đang chạy - người nào đó nói - Đấy là các cậu ở đại đội tám tư.
- Các cậu lính quân nhạc đấy - một người thứ hai nói – Các cậu ở ngay trên cổng thành…
Một tràng súng ngắn gọn, khô khốc từ câu lạc bộ bắn ra, Plugiơnhikốp không biết chúng nhằm vào đâu, nhưng cũng nằm phục xuống đất, cạnh xác người trung sĩ, và vẫn cố kéo khẩu súng ra khỏi những ngón tay cứng đờ của người chết. Cái xác bị kéo nhích về phía anh, nhưng một lát sau, những ngón tay cứng đờ bỗng buông lỏng ra. Plugiơnhikốp chộp lấy súng và bò nhanh ra cuối góc tường, không dám nhìn lại.
Một nhóm chiến sĩ lao vụt qua khu vực gần cổng Têrétxpôn, mỗi người vác một kèn đồng bóng loáng, thỉnh thoảng loé lên trong nắng sớm. Bọn Đức bắn dè sẻn và những nhạc binh liền nằm rạp xuống rồi lại vùng lên và lao đi. Ngựa hí và giậm chân trong tàu, Plugiơnhikốp giương mắt nhìn chúng. Đến lúc anh quay mặt về phía cổng thì nhóm nhạc binh đã biến đi đâu mất, mang theo cả ánh mặt trời phản chiếu loang loáng vui mắt.
- Kia lại là mấy người ở đại đội tám tư nữa! – anh lính biên phòng, xạ thủ số một của khẩu súng máy reo lên - Họ chạy về phía chúng ta phải không?
Những chiến sĩ Hồng quân chạy ra khỏi khu doanh trại bằng cách chạy - nằm - chạy từng đoạn ngắn. Họ không phải là những nhạc binh hoảng loạn mà là những chiến sĩ có vũ khí, bọn Đức dồn ngay hoả lực về phía họ.
Tiếng súng đại liên đột ngột nổ ran: các chiến sĩ biên phòng bắn những loạt đạn ngắn về phía nhà thời để yểm hộ cho đồng chí của mình.
- Bắn! – Plugiơnhikốp hô to
Khẩu lệnh ấy dành riêng cho anh vì anh đang cần một mệnh lệnh. Nhưng khi hô xong, anh vẫn chưa bắn được vì súng của người trung sĩ hết đạn, Plugiơnhikốp hối hả lên cơ bẩm liên hồi nhưng vô hiệu.
- Đạn! Đạn ở đâu?
- Hỏi dưới hầm! - Một trung sĩ mình trần, đầu quấn băng bảo – Các cậu ấy vừa vác hòm đạn từ dưới ấy lên đấy.
Màn khói nồng nặc, nặng nề đang dần dần lùa vào hầm. Plugiơnhikốp ho sặc sụa và giơ tay chùi nước mắt, anh cảm thấy mình đang chạy xuống những bậc thang dốc và nứt, bước qua những người bị thương anh chỉ thấy mờ mờ qua làn khói bụi đặc quánh.
- Đạn đâu? – anh hỏi.
- Có còn nữa đâu – trong bóng tối mờ mờ lại có tiếng phụ nữ trả lời - Ở trên ấy thế nào?
Plugiơnhikốp rất muốn biết giọng nói ấy là của ai, nhưng dù đã căng mắt ra nhìn, anh vẫn không nhận biết được gì cả.
- Từ phía doanh trại đang chạy lại đây – Plugiơnhikốp đáp – hình như họ ở đại đội tám tư ấy. Có thấy đồng chí thượng uý đâu không?
- Đồng chí, đi lại đây. Cẩn thận, có người nằm trên sàn nhà đấy.
Thượng uý đang nằm cạnh tường, chiếc áo va rơi rách toạc đến tận thắt lưng. Dưới lớp băng sơ sài ngực anh thoi thóp thở và mỗi lần thở, bọt màu hồng đùn ra trên môi trắng nhợt, Plugiơnhikốp quỳ xuống bên cạnh:
- Đồng chí thượng uý! Đồng chí …
- Đồng chí ấy không nghe được nữa đâu - vẫn cái giọng phụ nữ ban nãy - Liệu người chúng ta trong thành phố có đến tiếp ứng không? Anh có nghe thấy gì không?
- Họ sẽ đến – Plugiơnhikốp đứng dậy đáp - Nhất định họ phải đến – Anh lại nhìn quanh, cố tìm một hình bóng mờ mờ nào đó, rồi nói thêm, giọng rất nhỏ: - Bên trên đang cháy. Tốt nhất là nên ra khỏi đây.
- Đi đâu? Thương binh đây này.
- Ở lại đây nguy hiểm lắm.
Người phụ nữ lặng thinh. U uất không chỉ bởi không đạn, mà còn bởi cái chết của người chỉ huy, Plugiơnhikốp lên khỏi căn nhà hầm đặc khói. Không còn có thể đứng dưới vòm cửa bởi vì cái trần bắt đầu cháy. Bên cửa anh trung sĩ lúc này vẫn ngồi nguyên trên bực thềm như cũ, thư thả quấn thuốc lá như ở nhà vậy.
- Phải đưa những người bị thương ra khỏi nhà hầm – Plugiơnhikốp nói - Lửa sẽ chặn lối ra. Ở dưới ấy còn có cả một phụ nữ.
- Đúng rồi – anh trung sĩ bình tĩnh tán thành – Nhưng đưa họ đi đâu? Xunh quanh chỗ nào cũng bốc cháy.
- Tôi không rõ. Nhưng cứ phải đưa họ đến một nơi nào đó.
- Đừng đứng ở đấy – anh trung sĩ đột ngột ngắt lời - Thượng uý bị trúng đạn ngay tại nơi đồng chí đứng đấy.
Plugiơnhikốp vội vã ra đi. Tiếng súng đã ngừng, và người ta đã nghe được tiếng trò chuyện văng vẳng. Plugiơnhikốp sực nhớ đến đạn, định quay về chỗ anh trung sĩ để hỏi, nhưng lại thay đổi ý định và trở lại chỗ cũ, tay vẫn cầm khẩu súng rỗng không đạn.
Các chiến sĩ đang tụ tập trong một góc, quanh đồng chí phó chính trị viên, tóc đen nhánh. Ông đang nói gay gắt và kiên quyết, mọi người đang nghe giọng nói giận dữ của ông với niềm tin rõ rệt.
- … theo mệnh lệnh của tôi. Không được dừng lại, không đựơc lơ đãng, chỉ có tiến lên! Xông vào câu lạc bộ, tiêu diệt bọn lính tiểu liên ở đấy. Rõ nhiệm vụ chưa?
- Rõ! – các chiến sĩ hô to với tính khẩn trương quen thuộc của họ
- Nhưng chúng ta sẽ tiêu diệt bằng cách gì? - một chiến sĩ đứng tuổi mặc áo may ô xanh, rõ ràng là quân dự bị, hỏi giọng cau có – Súng không lưỡi lê, mà đến một khẩu súng, tôi cũng không có.
- Bằng răng, răng của đồng chí! – phó chính trị viên cáu kỉnh đáp - Gạch kia kìa, cầm theo, nhưng sao lại hỏi những câu ngớ ngẩn như thế? Điều quan trọng là tất cả chúng ta cùng đồng loạt xông lên và hô vang: « xung phong! ». Đừng nằm im, hãy xông thẳng đến câu lạc bộ!
- Như trong phim ấy - một chiến sĩ trẻ măng, đầu tròn xoe nói.
Mọi người cười vang, Plugiơnhikốp cũng cười theo. Họ cười không phải vì câu pha trò của anh chiến sĩ trẻ mà vị họ đã được khích lệ và đang háo hức xông lên. Họ hiểu rõ nhiệm vụ phải làm và đã tìm được một người chịu nhận việc khó khăn nhất cho mình là: chịu trách nhiệm quyết định toàn bộ vấn đề.
- Những ai không có súng thì hãy cầm xẻng, cầm đá, cầm gậy, nghĩa là bất cứ thứ gì có thể đập vỡ sọ bọn phát xít.
- Chúng có mũ sắt đấy nhé! – anh chiến sĩ đầu tròn xoe lại nói toáng lên, anh là cây pha trò trong đại đội.
- Thì hãy đập mạnh tay hơn! – Phó chính trị viên mỉm cười – hãy đập thật mạnh như ông chủ nhà đập một tên kẻ cướp ấy. Cho năm phút để tìm vũ khí. Sau đó tất cả tiến công! Ai tụt lại sau coi như đào ngũ… - Phó chính trị viên bỗng im lặng khi phát hiện ra Plugiơnhikốp, ông liền hỏi - Đồng chí trung uý, ở trung đoàn nào thế?
- Tôi chưa được phiên chế. Đây, giấy công lệnh của tôi…
- Giấy tờ thì sau hãy hay. Chính uỷ trung đoàn ra lệnh cho tôi trực tiếp chỉ huy cuộc tiến công này.
- Vâng, tất nhiên – Plugiơnhikốp vội đồng ý – Tôi sẵn sàng phục vụ mệnh lệnh của đồng chí…
- Hãy chiếm lấy các cửa sổ - phó chính trị viên nói sau giây lát nghĩ ngợi - Mười người dưới quyền chỉ huy của đồng chí trung uý.
Mười người tách khỏi đám: hai chiến sĩ biên phòng, anh quân nhân dự bị cau có, cậu chàng cây pha trò của đại đội, anh trung sĩ đầu băng bó, anh lính trẻ mặc áo lót và quần cộc, má bị rách toạc, và những ai nữa Plugiơnhikốp không kịp nhìn kỹ từng người. Họ lặng lẽ xếp hàng trước mặt anh và đợ lệnh, nhưng anh chưa biết phải ra lệnh thế nào cho họ. Anh chiến sĩ biên phòng đứng tuổi đã kiếm được khẩu súng máy đang vác trên vai như vác một cây gậy. Nòng súng còn nóng bỏng, và anh lính biên phòng cứ liên tục đưa ngón tay lần đi như bấm nốt ống sáo. Anh trung sĩ đang hút thuốc và người quân nhân dự bị nhìn anh với vẻ thèm thuồng, anh ta thầm thì nói:
- Giữ đầu mẩu cho tôi nhé, đồng chí trung sĩ! Chỉ cần một hơi thôi, được chứ?
- Vậy là chúng ta phải chiếm lĩnh các cửa sổ - Plugiơnhikốp nói - của sổ có kính không?
- Vỡ tất cả rồi – anh trung sĩ nói và quay sang anh quân nhân dự bị đang chìa đầu mẩu thuốc là ra – Tên cậu là gì?
- Prigiơnhiúc – anh ta trả lời và hít một hơi dài.
- Ôi, giá mà có một quả lựu đạn nhỉ! – anh chiến sĩ biên phòng ngăm đen thở dài.
- Hãy tự vũ trang cho mình bằng bất cứ thứ gì kiếm được. Nhưng phải nhanh lên nhé. – Plugiơnhikốp nói.
Toán chiến sĩ tản ra, trừ hai chiến sĩ biên phòng. Anh chiến sĩ đứng tuổi đã có khẩu súng máy, còn anh chiến sĩ trẻ thì đã nhặt được thanh kiếm kỵ binh cũ ở nơi nào đó.
- Thật không ngờ - anh lính trung niên cười chua chát – Hôm nay Lêna đã hẹn đợi mình vào lúc bảy giờ tối. Cậu có hình dung ra thế nào không?
- Lêna không bốc hơi mất đâu - người thứ hai nói - Cậu sẽ còn được hôn thoả thích
- Nhưng bao giờ chứ?
Các chiến sĩ lần lượt trở lại, người thì vác xẻng công binh, người trang bị thanh sắt nhổ ở hàng rao. Khẩu súng trường Plugiơnhikốp lấy của người chiến sĩ đã hy sinh cũng không có lưỡi lê, nhưng vì đã có súng lục, anh trao nó lại cho anh lính trẻ bị thương ở má.
- Không cần – anh lính trẻ nói và cho xem chiếc xẻng công binh – Tôi đã mài sắc rồi. Chưa biết chừng tôi sẽ kiếm được một khẩu tiểu liên cũng nên.
- Quần thì không có mà vẫn ước có súng máy - người chiến sĩ biên phòng đứng tuổi nói – Cố mà giữ lấy cái đầu thì cậu sẽ đạt được nguyện vọng.
Prigiơnhiúc nhận khẩu súng, xoay trong tay như xoay cây gậy, miệng làu bàu:
- Được đấy!
- Chúng ta chia nhau các cửa sổ như thế nào đây? – anh chiến sĩ biên phòng giữ súng máy hỏi - Cửa sổ đầu tiên là của tôi…
- Sẵn sàng chưa? – Phó chính trị viên hỏi to – Khi các đồng chí chúng ta nổ súng, tôi sẽ phát lệnh.
Mấy phút nặng nề nữa trôi qua dài như mấy giờ, Plugiơnhikốp đứng trong góc ngôi nhà đang cháy, ho vì khói. Tay nhớp nháp, anh chuyển khẩu súng lục từ tay này sang tay kia và lau vào áo. Anh chiến sĩ biên phòng giữ súng máy thở phì phò, hổn hển, hắt hơi nóng bỏng vào sau vai anh.
- Này, họ còn chần chừ gì nữa?
- Im lặng, - Plugiơnhikốp nói - Một cuộc tiến công bình thường…
Nhưng đây lại là một cuộc tiến công thực sự, anh cảm thấy lúng túng vì những lời khoe khoang như trẻ con. Nhưng không ai có thì giờ để ý đến anh chàng trung uý trẻ lạ lẫm cũng như cách nói năng của anh ta. Những âm thanh duy nhất là tiếng thở dốc, tiếng kim loại chói tai, tiếng lửa cháy phần phật phía sau tường gạch cùng tiếng súng liên hồi dọc tuyến ngoài khu doanh trại liên hoàn. Và trong cái nền âm thanh chung ấy, có những âm thanh trầm đục của cuộc chiến đấu từ ngoài thành phố Brét vọng về. Plugiơnhikốp lắng nghe với hy vọng; quân ta đang ở đấy, họ đang đẩy lùi quân Đức và có thể sớm kéo về đây để cứu viện.
Sốt ruột trước tiếng súng dồn dập đập vào tai mình, dù chưa chuẩn bị đầy đủ, Plugiơnhikốp cũng nhảy vọt ra khỏi góc nhà một cách vô ý thức, nhưng anh lính biên phòng đã nắm lấy vai anh ấn xuống vì chưa có lệnh. Plugiơnhikốp nhìn quanh: những chớp lửa loang loáng loé lên trong các cửa sổ ở khu doanh trại, những lưỡi lửa bắn trả lại vọt từ khu nhà thờ ra, rồi tiếng thét của phó chính trị viên đập vào tai anh:
- Tiến lên! Vì Tổ quốc, hãy tiến lên!…
- Tiến lên! – Plugiơnhikốp hô theo và chạy về phía bức tường.
Anh chạy không nhìn xuống đất, lấy hết hơi, hô: «Ura!». Anh hét không trường tiếng, nhưng đã kịp hít không khí vào đầy phổi và lại hét một hơi thật dài: «Ura!». Đạn bay chiu chíu trên đầu, làm tung bụi xung quanh chân anh và phạt nốt những cành cây còn lại. Nhưng anh là một trong những người đầu tiên tiến được đến chỗ bức tường nhà thờ, anh tựa cả người vào tường vì trong các ô cửa sổ súng vẫn bắn ra xối xả. Nơi nào đó có tiếng ngựa hí, có tiếng rung liên tục và tiếng súng máy nổ rền trong không khí.
- Cửa sổ! – anh lính biên phòng hô vang - Phải giữ gìn cửa sổ! …
Đẩy Plugiơnhikốp ra, anh ta quăng người qua bệ cửa sổ và kêu thất thanh như một đứa trẻ rồi gục xuống, ngực đè lên bậu cửa. Plugiơnhikốp bắn hai phát vào bóng đen lấp loáng trong nhà thờ, sau đó anh kéo cái xác ướt đầm đìa và hơi run lẩy bẩy của anh lính biên phòng ra, lật ngửa lên và ngồi phịch xuống nền gạch. Một viên đạn rít qua trán làm cháy sém mái tóc anh, anh lại bắn tiếp và bò về phía tường. Một trong số những người đi cùng anh vượt qua xác anh chiến sĩ biên phòng, và cũng bị quỵ xuống cạnh anh. Có người nào đó đập ủng vào đầu anh đau nhói, nhưng anh vẫn chồm lên và tỳ được lưng vào tường.
Sau những chớp lửa bên ngoài, trong nhà thờ như tối sẫm lại. Giữa bóng tối mù mịt, nồng nặc vôi vữa, các chiến sĩ chiến đấu bằng tay không: tiếng nghiến răng, tiếng nguyền rủa, tiếng nện uỳnh uỵch vào những tấm lưng bị đánh gục, tiếng bóp cổ ằng ặc, những con mắt bị lồi ra, những cái mồm rách toạc, những vết dao găm đâm, những phát xỉa bằng xẻng công binh, những cú đánh bằng gạch và báng súng. Người thì kêu thét, kẻ thì rên la, nguyền rủa, cảnh tượng hỗn loạn, không sao phân biệt nổi. Plugiơnhikốp chỉ thấy những cái mõm há hốc với những hàm răng trắng nhởn và chỉ nghe thây những tiếng hú man rợ kéo dài.
Tất cả cảnh tượng đó vụt qua trước mắt anh như một bức ảnh chụp chớp nhoáng. Sau đó, anh bị giật ra khỏi tường và văng vào một hố sâu, nơi những chớp lửa hình nan quạt của một khẩu súng nhả đạn vừa tắt. Anh quyết định không bắn từ xa vì sợ trúng vào đồng đội đang như những cái bóng lúc hiện ra, lúc biến mất trước những chớp lửa. Đẩy người nào đó sang bên – có lẽ là đồng đội của anh – anh bắn vào một khuôn mặt hoảng hốt gần ngay cạnh, rồi trượt chân ngã xuống đống người đang lăn lộn trên nền nhà, khẩu súng lục của anh đập vào một cái đầu trọc lốc đang giật giật, ngắc ngoải và lịm hẳn. Sau đó, anh bị một đòn choáng váng vào đầu và ngã soài về phía trước, mặt gục vào cái gáy nhẵn nhụi tanh ngòm của tên lính Đức vừa bị anh đánh vỡ toác đầu.
Tỉnh lại, anh không thấy khẩu súng lục nữa, nhưng không sao đứng dậy được, anh đành phải bò lồm cồm đến chỗ bức tường, mặt vấy đầy máu của tên Đức nào đó. Anh không sao ngẩng đầu lên được, đầu anh cứ nghẹo hẳn sang một bên, anh chỉ mong không bị ngất với ý nghĩ mơ hồ mình sẽ bị giẫm bẹp. Anh vừa bò đến được bức tường thì có ai túm ủng và kéo anh về đằng sau, dưới chân những người lính đang thở khò khè một cách đau đớn. Anh quằn quại và trông thấy mặt một tên Đức đầy máu, những chiếc răng nhọn nhô ra giữa quai hàm vỡ toác, nước bọt lầy nhầy máu, cãi lưỡi thè ra sưng phồng và phát ra những tiếng hét the thé. Tên lính Đức nhe răng lôi anh lại gần hơn với một ý định rõ ràng là mù quáng. Plugiơnhikốp bỗng thoáng nhận ra cái chết, mồ hôi anh vã ra. Anh vẫn la hét trong khi tên Đức tiếp tục kéo anh một cách chậm chạp, kiên nhẫn như trong một cơn ác mộng. Và đúng là ác mộng, Plugiơnhikốp không còn sức lực, anh chỉ cảm thấy nỗi ghê sợ u ám, ê trề, làm mất cả tính tự chủ của anh.
Có người nào đó ngã đè lên anh và bò lồm cồm trên người anh từ đầu xuống chân, hai gối trườn về phía tên Đức, hai chân để trần đạp lên cằm anh. Đó là anh chiến sĩ chỉ mặc quần áo cộc. Plugiơnhikốp cảm thấy tên Đức buông chân anh ra và người chiến sĩ bé nhỏ kia cứ nhún nhảy một cách kỳ quặc trên bụng anh. Anh bị đau nhói, nhưng không còn thấy sợ hãi nữa. Plugiơnhikốp trườn ra khỏi người đè và thấy anh chiến sĩ nhỏ nhắn bị thương ở má đang vừa quỳ vừa giáng chiếc xẻng công binh vào gáy tên Đức. Chiếc xẻng trong tay anh ta cứ ngập sâu mãi vào tên lính Đức, hắn giẫy giụa, rên rỉ trên nền nhà.
Cuộc chiến đấu đã kết thúc, những tiếng rên rỉ, la hét, nguyền rủa đã dịu xuống. Bọn Đức không kháng cự nổi đã phải rút khỏi nhà thờ, còn những thằng không rút được thì đang nằm hấp hối trên nền gạch đầy máu.
- Trung uý, đồng chí còn sống chứ? Tôi đã kết liễu hắn bằng cái xẻng này, chẳng khác gì trước đây tôi giết con bê con ở quê vậy.!
Plugiơnhikốp ngồi dựa lưng vào tường, cố trấn tĩnh lại. Đầu anh quay cuồng, cơn buồn nôn luôn dồn lên cổ, anh cố nuốt xuống, nhưng vì không có gì trong cổ, nên từng cơn co thắt cứ chẹn chặt lấy cổ họng anh. Anh hiểu rõ cuộc chiến đấu đã chấm dứt nhưng anh vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí không hề bị sây sát, song anh không cảm thấy gì hết ngoài sự buồn nôn, nỗi rùng rợn và mệt mỏi. Anh chiến sĩ nhỏ nhắn vẫn nói liến láu, lời lẽ lộn xộn, ngắc ngứ:
- Tôi đã cắt tiết hắn như cắt tiết một con bê con. Ở chỗ cổ này này…
- Súng lục! – Plugiơnhikốp thốt lên. Anh không chịu được cơn kích động quá đáng của người chiến sĩ này – súng lục của tôi đâu?…
- Chúng ta sẽ tìm! Không thằng nào làm gì được tôi. Chả là tôi nhanh như cắt mà. Đồng chí biết đấy, tôi…
- Khẩu súng lục của tôi – Plugiơnhikốp khăng khăng nhắc lại – nó đứng tên tôi, là vũ khí riêng của tôi.
- Tôi thu được một khẩu súng tiểu liên. Cậu chiến sĩ biên phòng bảo: tôi không có quần mà mặc. Thế mà bây giờ cậu ấy đã bị giết, còn tôi, tôi được khẩu súng tiểu liên.
- Trung uý đâu nhỉ? – Có tiếng hỏi to sau ngôi nhà thờ ngập bụi - Đồng chí ấy còn sống chứ? Có ai nhìn thấy không?
- Tôi còn sống! – Plugiơnhikốp đứng dậy. Vừa đi được một bước thì anh đã ngồi thụp xuống – Ôi, đau đầu quá! Nhưng chỉ một lát thôi!
Anh quờ quạng tìm vật gì để chống và đụng ngay phải một khẩu súng tiểu liên Đức. Anh nhấc lên và ráng sức rút băng đạn ra. Một viện đạn đục xỉn rơi xuống. Anh khoá chốt an toàn rồi chống súng đứng dậy, lê đi từng bước một.
Đồng chí phó chính trị viên có mái tóc đen đang đi về phía anh. Áo quân phục của ông không còn nữa. Chiếc áo sơ mi trắng dính máu được quấn phía trên tấm băng mới.
- Đồng chí có đau lắm không? – Plugiơnhikốp
- Tên Đức đâm vào lưng tôi. Đồng chí bị thương hả?
- Tôi đoán bị báng súng đánh vào đầu hoặc hắn định bóp cổ tôi. Tôi không nhớ gì hết!
- Hãy uống cái này đi! – phó chính trị viên giơ bi đông ra - Cậu nào đó trong số chiến sĩ trẻ tước được của tên Đức bị chết đấy.
Những ngón tay lóng ngóng của Plugiơnhikốp vặn nút bi đông rồi anh tu. Mùi hăng nồng chạy xộc lên cổ, anh trả lại bi đông.
- Rượu Vodka!
- Lính tráng hay đấy chứ! – phó chính trị viên vừa nói vừa đeo chiếc bi đông vào thắt lưng – Tôi sẽ cho chính uỷ trung đoàn xem. Nhưng tôi sẽ báo cáo như thế nào về đồng chí nhỉ?
Plugiơnhikốp đưa giấy công lệnh ra. Phó chính trị viên xem xét rồi trả lại.
- Đồng chí sẽ phải ở lại đây. Chính uỷ bảo khu nhà thờ nà là cái chìa khoá đối với tuyến phòng thủ của khu thành cổ. Tôi sẽ gửi đến cho đồng chí một khẩu súng đại liên.
- Và nước uống nữa. Đề nghị tiếp cho ít nước uống.
- Nước thì tôi không dám hứa. Nước rất cần cho súng máy mà chúng ta lại không ra được bờ sông – phó chính trị viên nhìn quanh và trông thấy anh chiến sĩ bị rách má - đồng chí chiến sĩ thu nhặt tất cả bi đông và đưa cho trung uý.
- Rõ!
- Này, khoan đã. Nhưng phải ăn mặc cho tươm tất. Mặc quần đùi mà chiến đấu là không hợp đâu.
- Rõ!
Anh ta chạy vụt đi như một tia chớp để thi hành mệnh lệnh, anh ta còn dồi dào sinh lực. Phó chính trị viên nói với Plugiơnhikốp:
- Cần tiết kiệm nước. Hạ lệnh cho mọi người phải đội mũ sắt vào, bất cứ loại nào, của ta hay của Đức cũng được.
- Rất tốt. Đề phòng mảnh đạn
- Gạch đổ dữ lắm – phó chính trị viên mỉm cười - Thế nhé, chúc may mắn, đồng chí trung uý. Chúng tôi sẽ cho chuyển thương binh đi.
Phó chính trị viên bắt tay rồi quay đi, Plugiơnhikốp lại ngồi thụp xuống, mọi vật quay cuồng trước mắt anh: ngôi nhà thờ, phó chính trị viên với vết đâm trên lưng và những xác chết trên nền nhà. Anh lảo đảo nhắm mắt lại, nghiêng người dựa lưng vào tường và bất chợt nhìn thấy rất rõ khuôn mặt tên Đức ở phía trước, hàm răng bị gẫy nhe ra, dòng nước bọt lầy nhầy máu ứa từ cái cằm vỡ toác.
- Khủng khiếp thật!
Với sự cố gắng phi thường, Plugiơnhikốp bắt mình phải ngồi dậy và mở mắt ra. Mọi vật vẫn lềnh bềnh chao đảo trước mặt anh, nhưng qua cảm giác mơ hồ, anh vẫn nhận biết được khuôn mặt thân thuộc của người chiến sĩ đang đi về phía mình, mang theo mấy bi đông kêu loảng xoảng.
Anh chợt nghĩ: « Dẫu sao mình cũng dũng cảm như mọi người. Mình đã tấn công thực sự và hình như mình đã giết được một tên Đức. Cũng có chuyện để viết cho Valia… »
- Hình như hai bi đông có nước. - Cậu chiến sĩ chìa mấy chiếc bi đông ra.
Plugiơnhikốp thong thả tu một hơi dài, lòng thấy khoan khoái sau mỗi ngụm nước. Anh nhớ lời dặn của phó chính trị viên phải biết tiết kiệm nước, nhưng không tài nào nhấc được chiếc bi đông ra khỏi miệng và khi anh nhấc được nó ra thì nước đã gần cạn.
- Cậu đã cứu tôi hai lần. Cậu tên là gì nhỉ?
- Xannhikốp. Cả làng tôi đều có họ Xannhikốp
Lúc này Xannhikốp đã mặc áo quân phục và quần ống tuýp, chân đi ủng Đức ngắn cổ. Những thứ đó đều rộng quá khổ, trông thung thình như cái bao tải, song cậu ta không bận tâm về điều đó.
- Những thứ này không phải từ nhà kho ra đâu.
- của người chết phải không? – Plugiơnhikốp hỏi, vẻ ghê tởm.
- Chả có gì đáng xấu hổ cả.
Đầu óc Plugiơnhikốp đã hơi tỉnh táo, anh chỉ còn cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi đáng sợ. Anh đứng dậy và hơi ghê ghê khi thấy áo mình bê bết máu, cổ áo thì rách tan. Anh vuốt cho nó phẳng lại, xốc lại dây lưng, khoác khẩu tiểu liên chiến lợi phẩm lên trước ngực và đi ra phía cửa.
Một tốp chiến sĩ đang chụm đầu bàn tán về trận đánh. Anh lính dự bị lầm lì và cậu chiến sĩ vui tính đầu tròn lông lốc đều bị thương nhẹ, người trung si áo loang lổ vết máu đã khô, ngồi trên đống gạch vỡ vừa hút thuốc vừa cười khắc khổ, không tham gia vào câu chuyện.
- Đồng chí cũng bị nếm đòn à, đồng chí trung uý?
- Trong chiến đấu bao giờ chả thế - Plugiơnhikốp đáp nghiêm chỉnh.
- chiến đấu là để giành thắng lợi - người trung sĩ mỉm cười chua chát – chính kẻ nào chạy loăng quăng lại hay ăn đạn. Tớ đã dự cuộc chiến tranh Phần Lan nên tớ hiểu rõ. Khi đánh giáp lá cà thì không nên chạy lung tung. Khi tiếp cận cậu phải chọn ngay mục tiêu cho mình, tức là cái đích mà mình cần; tất nhiên là phải đọ sức được. Sau đó, phải xông thẳng đến chỗ hắn và không được nhìn đi đâu nữa. Lúc ấy sẽ có ít đạn nhằm trúng cậu hơn.
- Nói mép! – Plugiơnhikốp cáu kỉnh. Lúc này trông anh chàng trung sĩ sao giống cái anh chuẩn uý ở trường huấn luyện thế, có khi còn khoác lác hơn. Anh cảm thấy không ưa anh ta - Phải thu thập vũ khí nhanh lên…
- Đã thu xong – anh trung sĩ nhếch cười - đồng chí nghỉ ngơi lâu quá đấy.
- Máy bay, máy bay! – anh chiến sĩ đầu tròn kêu to - Phải đến hai chục chiếc chở bom!
- Ẩn nấp ngay, các cậu! – anh trung sĩ hét toáng lên, và cẩn thận dập tắt điếu thuốc lá - bọn chó đẻ lại gây sự rồi đấy!
- Một người ở lại quan sát! – Plugiơnhikốp vừa hét vừa tìm chỗ ẩn nấp – Chúng có thể lại bắt đầu đấy.
- Họ đang kéo súng đại liên! - người chiến sĩ ban nãy lại hét - Lại đây…
- Mũ sắt! – Plugiơnhikốp nhắc thêm - đội mũ sắt vào! …
Tiếng rú rít của loạt bom đầu tiên nhận chìm câu nói cuối cùng của anh. Những tiếng nổ đanh rất gần làm vôi vữa trên trần nhà rơi mù mịt và, một làn hơi nóng cuốn bụi dưới nền nhà lên. Plugiơnhikốp chộp ngay lây cái mũ sắt vừa trông thấy và lao về phía chân tường, nằm sát xuống. Các chiến sĩ khác đều chạy sâu vào phía trong nhà thờ, trừ Xannhikốp choáng váng mất vài giây là nấp vào một hốc tường chật hẹp cạnh Plugiơnhikốp và cố sống cố chết ấn cái mũ sắt Đức quá nhỏ xuống đầu. Mọi vật chung quanh lại chao đảo, nghiêng ngả.
- Vào nơi ẩn nấp ngay! – Plugiơnhikốp quát anh trung sĩ vẫn nằm ngoài cửa – Tìm chỗ ẩn nấp… Có nghe thấy không? Vào nơi ẩn nấp.
Một luồng hơi sặc sụa phả vào mồm. Plugiơnhikốp ho rũ rượi và chùi lớp bụi phủ kín lên mặt, những giọt nước mắt bất ngờ trào ra. Nền nhà thờ rung chuyển và những bức tường dày như quằn quại vì tiếng nổ mạnh
- Đồng chí trung sĩ, vào chỗ ẩn nấp!
- Khẩu súng đại liên! – anh trung sĩ hét lên như điên dại - Họ vứt khẩu súng đại liên lại. Trời ơi, những thằng ngu! …
Anh khom người chạy vụt ra dưới trận mưa bom điên cuồng. Plugiơnhikốp định gọi, nhưng một luồng hơi nóng đặc sệt lại làm anh tắc thở. Trong cơn ho sặc sụa, anh lo lắng nhìn ra bên ngoài.
Anh trung sĩ đang lom khom chạy qua màn bụi và làn mưa đạn. Anh nằm úp mặt xuống một hố trái phá, mất hút một lát rồi lại hiện ra và chạy tiếp. Plugiơnhikốp thấy anh ta với được khẩu đại liên để lỏng chỏng và kéo xuống hố bom gần đấy, nhưng ngay lúc ấy, một quả bom khác lại nổ ngay bên cạnh. Plugiơnhikốp vội ép sát người xuống và khi mảng bom không còn rơi nữa, anh lại nhìn ra ngoài, nhưng không thể phân biệt được gì qua làn khói bụi dày đặc.
- Chúng ném trúng anh ấy rồi! - Xannhikốp la lên. Plugiơnhikốp đoán được câu nói hơn là nghe thấy – Chúng ném đúng vào anh ấy, may ra chỉ còn lại mấy cái khuy áo!…
Một chùm bom rú rít trên đầu rồi nổ vang, những bức tường vững chãi lại chao đảo. Plugiơnhikốp bị hất ngã nhoài trên nền nhà, anh quằn quại và hai tay ôm chặt lấy tai. Tiếng rú rít và tiếng nổ ầm ầm đè xuống vai anh như một sức nặng thực sự, Xannhikốp run rẩy bên cạnh anh.
Sau đó là những phút im lặng, chỉ có tiếng rung rung tan dần bên tai. Động cơ của những chiếc máy bay ném bom đang bay lượn nghe rất nặng, nhưng không có tiếng bom nổ, không còn tiếng rú rít rợn người của những quả bom rơi. Plugiơnhikốp hất mũ sắt xuống sát mắt và thận trong nhìn ra phía ngoài.
Vầng mặt trời đỏ rực rọi qua quần khói bụi. Plugiơnhikốp không còn nhìn thấy gì hết, kể cả bóng dáng của những ngôi nhà gần nhất. Xannhikốp lánh ra đứng ngay bên cạnh anh.
- Chúng phá tung tất cả rồi phải không? Chả lẽ lại thế?
- Chúng không thể phá tung tất cả được – Plugiơnhikốp lắc đầu, cố xua đuổi tiếng o o ra khỏi tai - Trận ném bom kéo dài bao lâu, anh có biết không?
- Lâu đấy - Xannhikốp đáp - Một trận bom thường rất lâu. Kìa, trung sĩ kia kìa!
Qua bức màn khói bụi dày đặc, anh trung sĩ hiện ra với khẩu đại liên. Sau anh ta lại còn một chiến sĩ nữa vác hộp đạn chạy theo.
- Còn nguyên vẹn chứ? – Plugiơnhikốp hỏi khi anh trung sĩ vào đến nhà thờ và thở hổn hển.
- Chúng tôi không ai việc gì. Nhưng có một cậu ngớ ngẩn bị bom. Đó là lỗi của cậu ta, ai lại chạy qua làn mưa bom bao giờ… - anh trung sĩ nói.
- Cậu ấy là một xạ thủ giỏi – anh chiến sĩ vác hộp đạn thở phào.
- Đồng chí trung uý – có tiếng gọi khẽ phía sau - Ở đây có dân!
Mấy chiến sĩ, trong đó có ba phụ nữ, bước về phía anh. Cô gái trẻ mặc độc chiếc xu chiêng trăng nhem nhuốc bụi gạch làm Plugiơnhikốp phải vội nhìn đi chỗ khác và cau mày.
- Các chị là ai và từ đâu đến?
- Chúng tôi ở tại đây - người phụ nữ nhiều tuổi nhất vội đáp – Chúng tôi ẩn nấp từ lúc bọn Đức bắt đầu nổ súng.
- Họ báo trong hầm có lính Đức – anh lính biên phòng ngăm ngăm đen đã từng là xạ thủ súng máy số hai, nói - Họ thấy chúng chạy qua. Ta phải kiểm tra xem sao chứ?
- Đúng đấy! – Plugiơnhikốp đồng ý và quay nhìn anh trung sĩ đang quỳ bên cạnh khẩu đại liên vừa mang về.
- Đồng chí phải đi thôi – trung sĩ nói, nhưng không quay mặt lại – Tôi phải lau súng.
- Đúng rồi – Plugiơnhikốp hơi do dự và nói không dứt khoát – Anh ở lại đây thay tôi.
- Tốt nhất là đừng thò mũi vào xó tối – anh trung sĩ khuyên ngăn - Hãy quẳng mấy quả lựu đạn xuống
- Sáu đồng chí đi với tôi. Mang theo lựu đạn! – Plugiơnhikốp hạ lệnh và nhặt quả lựu đạn có chuôi dài khác lạ.
Toán người lẳng lặng nhặt lựu đạn từ đống lựu đạn dưới chân tường. Plugiơnhikốp lại liếc nhìn người con gái mặc xu chiêng nhem nhuốc, nhưng anh lại lập tức nhìn đi chỗ khác ngay:
- Mặc thêm cái gì vào. Đây có gió lùa đấy.
Mấy người phụ nữ có vẻ sợ nhưng không nói gì. Anh chiến sĩ vui tính đầu tròn liền gợi ý:
- Có cái khăn đỏ trên bàn đấy, cho cô ây mặc tạm được chứ?
Không cần đợi lệnh, anh ta chạy đi lấy khăn.
- Dẫn họ xuống hầm – Plugiơnhikốp bảo anh lính biên phòng.
Bậc lên xuống đã tối lại hẹp và dốc. Plugiơnhikốp bước hụt mấy lần và phải vịn vào vai anh lính biên phòng đi phía trước. Anh ta giẫy ra một cách khó chịu, nhưng không nói gì.
Mỗi bước sâu xuống hầm, tiếng máy bay và tiếng súng nổ phía cổng Têrétxpôn sau cuộc ném bom mỗi nhỏ hơn. Và những tiếng động trên mặt đất nghe càng nhỏ, thì tiếng chân họ nghe càng vang to giữa không khí yên tĩnh.
- Chúng ta làm ồn quá - Xannhikốp nói khẽ - Có thể chúng sẽ bắn vào chỗ có tiếng động đấy…
- Đây chính là chỗ ở của cánh phụ nữ - anh chiến sĩ biên phòng đứng lại – Tôi không xuống nữa đâu.
- Im lặng – Plugiơnhikốp bảo – chúng ta lắng nghe xem thế nào.
Họ nín thở. Có tiếng súng rất xa, nhưng không có gì đáng sợ nữa, vì chúng giống hệt tiếng súng trong phim. Mắt họ quen dần với bóng tối, hình thù chiếc vòm hầm hiện ra cùng với dãy hành lang há miệng đen ngòm và những lỗ thông hơi mờ tối.
- Có bao nhiêu ngách tất cả? – Plugiơnhikốp khẽ hỏi.
- Hình như ba ngách.
- Đồng chí đi thẳng về phía trước. Hai đồng chí khác rẽ về ngách bên trái, tôi sang ngách bên phải. Một đồng chí ở lại cạnh lối vào này. Xannhikốp, theo tôi!
Hai người lên lỏi một lúc lâu dọc theo ngách hầm vòm cung bất tận, họ dừng lại để nghe ngóng, nhưng không nghe thấy gì hết ngoài tiếng thở hổn hển của chính họ.
- Không biết dưới này có chuột không nhỉ? – Plugiơnhikốp hỏi như tình cờ để anh chiến sĩ đi theo không đoán được anh sợ chuột.
- Chắc có nhiều lắm - Xannhikốp khẽ đáp – Tôi rất sợ cái kiểu tối tối như thế này, đồng chí trung uý ạ.
Plugiơnhikốp cũng cảm thấy rờn rợn, nhưng anh không dám thú nhận, dù chỉ thú nhận với chính mình. Đó là nỗi sợ hãi vu vơ chứ không phải là nỗi sợ chạm trán đột ngột với kẻ thù có tài ẩn náu, hoặc sợ một phát súng bất ngờ từ bóng tối bắn ra. Không, đây là nỗi sợ bản năng như sợ chuột, sợ nhện, hay sợ xương người lăn lóc dưới chân. Anh cảm thấy cái bóng tối anh đang đi qua căng như dây cung, và, sau khi đi sâu một đoạn vào phía trong, anh thờ dài nặng nề và quyết định:
- Họ tưởng tượng ra đấy mà. Chúng ta quay lại thôi.
Bên cạnh lối cầu thang đi xuống, anh chiến sĩ đầu trọc báo cáo rằng một tốp đã lên sau khi không tìm thấy gì, nhưng anh chiến sĩ biên phòng chưa quay về.
- Hãy bảo cho họ ra đi.
Càng bước lên cao, Plugiơnhikốp càng nghe thấy rõ tiếng bom hơn. Mấy phụ nữ đang đứng cạnh lối ra vào. Máy bay lại ném bom.
Plugiơnhikốp đợi cho đến lúc trận bom chấm dứt. Tới khi yên hẳn, mấy người từ dưới hầm ngầm đi lên.
- Có một ngách đường hầm bên dưới chỗ chúng ta đứng – anh chiến sĩ biên phòng báo cáo - Tối như bưng. Kinh khủng quá!
- Có thấy tên Đức nào không?
- Tôi đã bảo là rất tối. Tôi quẳng một quả lựu đạn xuống, nhưng không có ai la hét gì cả.
- Các bà chị thần hồn nát thần tính nên tưởng tượng ra đấy mà – anh chiến sĩ đầu trọc nói.
Khẩu đại liên đặt cạnh lối vào bất chợt nhả đạn, Plugiơnhikốp chạy lao lên trước.
Anh trung sĩ cởi trần đang bắn và một chiến sĩ khác nằm bên cạnh đang nâng băng đạn lên. Đạn bắn vỡ tung đống gạch, bụi bay mù mịt trước nòng súng, tấm lá chắn rung lên bần bật, Plugiơnhikốp nằm phịch xuống và bò đến chỗ khẩu đại liên:
- bọn Đức à?
- Cửa sổ! - người trung sĩ giận dữ gào lên – Hãy bám chặt các cửa sổ! …
Plugiơnhikốp chạy trở lại. Các chiến sĩ đã trở về vị trí trước cửa sổ. Anh đứng trước cửa sổ mà trước đây anh nhảy qua qua khung cửa sổ vào trong nhà thờ. Xác người chiến sĩ biên phòng vẫn nằm vắt ngang ngưỡng cửa, đầu anh ta thúc vào bụng Plugiơnhikốp khi anh ghé nhìn ra ngoài.
Những người mặc áo màu xanh lá cây hơi xám đang lao về phía nhà thờ, súng tiểu liên lăm lăm trong tay, tỳ sát vào bụng, chúng vừa chạy vừa bắn xối xả. Plugiơnhikốp vội mở chốt an toàn và quạt một loạt dài, khẩu súng nảy bần bật trên tay anh như một con vật sống, đạn lao lên không trung.
« Trệch cao rồi – anh tự nhủ - phải bắn loạt ngắn hơn. Loạt ngắn hơn. »
Anh tiếp tục nhả đạn, nhưng những người kia vẫn tiếp tục lao tới, và anh có cảm giác hình như chúng vẫn đang lao về phía anh. Đạn cắm vào lô cốt gạch và xác anh chiến sĩ biên phòng, làm máu anh ta phụt cả lên mặt anh, nhưng anh không còn thì giờ để lau, mãi đến khi nép vào bức tường để thay băng đạn, anh mới vuốt vội khuôn mặt vấy máu.
Lát sau, chung quanh bỗng lặng ngắt không còn tên Đức nào chạy nữa. Nhưng anh chưa kịp trấn tĩnh để quan sát, chưa kịp hỏi xem tình hình ngoài cổng vòm ra sao và có còn đạn nữa không thì bầu trời lại rú rít và tiếng bom nấc nghẹn lại cuốn lên từng cột khói và bụi đen ngòm.
Cả ngày hôm đó trôi qua như vậy. Trong lúc bom rơi, Plugiơnhikốp nấp nguyên tại chỗ. Không thể chạy đi đâu được, anh đành nằm cạnh vòm cửa sổ và cứ sau mỗi tiếng bom nổ, đầu người lính biên phòng lại lắc lư trên người anh. Khi trận ném bom chấm dứt, anh lại nhổm dậy và bắn vào những bóng người đang chạy về phía mình. Anh đã trơ lỳ, không còn cảm giác sợ hãi, mất hết mọi ý thức về thời gian. Tai anh ù đặc, cổ họng anh khô rát và tanh lợm, hai bàn tay tê cứng của anh nắm chặt khẩu tiểu liên Đức.
Và mãi khi tối hẳn, cảnh vật mới thật sự yên tĩnh. Bọn Đức trút đợt bom cuối cùng, những chiếc «Gioong-ke» lượng tròn trên những đống vôi gạch đang bốc cháy, không còn thấy tên Đức nào chạy về phía nhà thờ nữa. Những cái bóng người mặc áo xanh lá cây xám nằm sóng sượt trên mặt sân bị cày xới ngổn ngang. Có hai tên Đức còn ngọ nguậy đang lết qua đám bụi, nhưng Plugiơnhikốp cũng không thèm bắn nữa. Chúng đã bị thương và lương tâm người lính không cho phép anh nổ súng. Anh nhìn chúng bò lết với những cánh tay bỏ thõng bên người, và ngạc nhiên sao mình không một chút thương hại, cả một chút hiếu kỳ, ngoài trạng thái ngây ngất hoàn toàn mệt mỏi và chán chường.
Anh chỉ có một ước muốn là được ngả mình ngay trên nền nhà và nhắm mắt lại, dù chỉ giây phút. Nhưng anh không cho phép mình được quyền hưởng, dù chỉ một phút ngắn ngủi ấy, anh phải nắm xem bao nhiêu đồng chí còn sống và nghĩ xem lấy đạn ở đâu. Anh ấn chốt an toàn và lảo đảo đi ra cửa.
- Anh còn sống à? – anh trung sĩ đang ngồi cạnh tường, hai chân duỗi thẳng, ngẩng lên hỏi – Hay lắm. Nhưng hết đạn rồi.
- Chúng ta còn bao nhiêu người? – Plugiơnhikốp nặng nề gieo người xuống cạnh anh trung sĩ.
- Năm nguyên lành, hai bị thương. Hình như một bị vào ngực.
- Còn đồng chí biên phòng?
- Nghe nói cậu ấy đi chôn cậu bạn nào đấy.
Dần dần các chiến sĩ tụ tập đông đủ, người nào cũng im lặng, mặt đen nhẻm và mắt lõm sâu. Xannhikốp với lấy cái bi đông
- Mình khát cháy cả cổ.
- Thôi đi – anh trung sĩ ngăn - nước để dành cho súng đấy.
- Nhưng hết đạn rồi còn đâu.
- Chúng ta sẽ tìm đạn.
Xannhikốp ngồi xuống cạnh Plugiơnhikốp và thè lưỡi liếm đôi môi khô nẻ.
- Tôi thử lần ra sông Bug xem sao nhé?
- Không ra được đâu – anh trung sĩ bảo - Bọn Đức đã chiếm được cổng Têrétxpôn rồi.
Anh chiến sĩ biên phòng bước đến, lặng lẽ ngồi xuống cạnh tường và cầm mẩu thuốc lá hút dở của anh trung sĩ đưa cho.
- Chôn xong chưa?
- Xong rồi – anh ta thở dài, đáp - Rồi chẳng ai biết nấm mồ của tôi sẽ nằm ở đâu – y hệt như trong bài hát.
Mọi người im lặng. Sự im lặng thật nặng nề. Plugiơnhikốp nghĩ đến đạn dược, nước uống và cách liên lạc với cấp trên trong phái đài, dù đấy chỉ là những ý nghĩ anh lặng lẽ phác thào ra trong óc, anh chợt nói ra điều khác hẳn:
- Sao người chúng ta đến muộn thế nhỉ?
- Ai cơ? – anh chiến sĩ biên phòng hỏi lại.
- Còn ai nữa, quân ta ấy mà. Ở đây phải có quân ta chứ?
Không ai trả lời anh cả. Mãi lát sau anh trung sĩ mới nói:
- Có thể đêm nay họ sẽ đánh thọc vào đây, hoặc chậm lắm là đến sáng mai là cùng.
Mọi người im lặng chấp nhận ý kiến đó và cho rằng đến sáng sớm thế nào các đơn vị bộ đội cũng sẽ đánh thọc vào đây. Dẫu sao buổi sáng cũng là ranh giới của thời gian, ranh giới giữa ngày và đêm, và đó cũng là thời điểm hoàn toàn có thể chấp nhận được và có thể kiễn nhẫn đợi được.
- Đạn … - Plugiơnhikốp buộc lòng phải thốt lên – Chúng ta kiếm đạn ở đâu? Có ai biết nhà kho ở đâu không?
- Tôi biết trong doanh trại có đạn – anh trung sĩ nói – Dù sao ta cũng phải đến đó bằng được. Nghe nói ở trung đoàn tám tư có đồng chí chính uỷ.
- Hãy xin chỉ thị của đồng chí ấy – Plugiơnhikốp nói, vẻ đầy hy vọng - Tất nhiên cả về vấn đề đạn dược nữa.
- Chứ sao – anh trung sĩ đứng dậy một cách nặng nhọc – Prigiơnhiúc, đi với mình!
Một tiếng nổ nấc nghẹn, tiếp theo một tràng súng tiểu liên dậy lên từ một nơi nào đó. Anh trung sĩ và anh lính trù bị biến vào giữa màn bụi mù mịt.
- Chúng ta phải kiếm bằng được nước - Xannhikốp thở dài và liếm môi một cách tuyệt vọng – Tôi thử ra bờ sông Bug hoặc sông Mukhavét xem sao, đồng chí trung uý nhé!
- Có xa không?
- Nếu theo đường thẳng thì gần thôi – anh lính biên phòng cười bí hiểm – Nhưng đi theo đường thẳng thì bây giờ không thể nào đi nổi. Mà chúng ta thì lại rất cần nước.
- Được, cứ đi xem sao – Plugiơnhikốp chợt nghĩ thầm: - Mình chả chỉ huy gì cả, mọi vấn đề đều do anh chàng trung sĩ, hoặc anh chiến sĩ biên phòng da ngăm quyết định, nhưng anh vẫn bình tĩnh, vì bực tức hay cáu giận đều có nghĩa là làm hao mòn thêm sức lực anh vốn không còn mấy nữa – Nhưng phải hết sức thận trọng đấy.
- Tuân lệnh! - Xannhikốp sôi nổi hẳn lên – tôi có thể uống nước của bọn Đức rồi dùng bi đông của chúng lấy nước cho quân ta được không?
- Nếu cậu không lấy được thì sao – anh lính đầu trọc hay đùa, bị thương nhẹ ở cánh tay hỏi lại.
- Mang những bi đông không đi. Đổ vodka đi!
- Đừng đổ hết – anh chiến sĩ biên phòng bảo - Giữ lại một ít để rửa vết thương. Chú ý đừng để bi đông va vào nhau.
- Không đâu - Xannhikốp khẳng định và đeo những chiếc bi đông vào thắt lưng – Tôi đi nhé! Tôi khát qúa rồi!
Và anh biến đi, lúc lúc lại nhô lên trên các hố bom. Đây đó, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng nổ rời rạc. Bọn Đức bắn cầm chừng.
- Chắc bọn Đức đang ăn tối – anh chiến sĩ đầu trọc lại nói đùa – Hôm qua chúng ta xem phim ở chỗ kia kìa. Kỳ lạ thật.
Không rõ cậu ta nói đến cuốn phim đã xem tại nhà thờ hay nói về chuyện bọn Đức đang ngồi ăn bữa tối. Nhưng ý nghĩ ấy đến như một vết đâm đau nhói, vì ngày hôm qua đã trôi qua và ngày mai, chiến tranh chắc lại bắt đầu. Plugiơnhikốp cũng cảm thấy vết đâm ấy, nhưng anh cố xua đuổi và buộc mình phải đứng dậy.
- Có lẽ chúng ta phải chuyển những cái xác vào góc kia thôi.
- Ta còn phải theo dõi bọn Đức chứ - anh chiến sĩ biên phòng nói - Thế nào, đồng chí trung uý!
Plugiơnhikốp thừa hiểu anh không được rời khỏi khu nhà thờ, nhưng tính hiếu kỳ trẻ thơ lại trỗi dậy trong anh. Anh muốn đến tận chỗ những tên địch đã lao vào tầm đạn của anh và muốn xem tận mắt những kẻ đang nằm giữa đám bụi rậm kia. Nhìn thật rõ, nhớ thật kỹ để sau này kể lại cho mẹ, cho Valia và Vêra nghe.
- Chúng ta cùng đi.
Anh lắp đạn vào súng rồi theo anh chiến sĩ biên phòng toài ra sân sau, trống ngực anh đập thình thình.
Bụi vẫn chưa lắng xuống hẳn, phả vào mắt làm anh khó nhìn rõ phía trước mặt. Những hạt bụi nhỏ li ti như tàn tro bám vào mắt, vào mũi, Plugiơnhikốp cứ phải khịt mũi, chớp mắt lia lịa và luôn đưa tay chùi mắt.
- Đừng lấy súng – anh chiến sĩ biên phòng khẽ nói - chỉ lấy ổ đạn và lựu đạn thôi.
Có khá nhiều xác chết. Thoạt đầu, Plugiơnhikốp cố không chạm vào mà chỉ sờ vào dây thắt lưng, nhưng rồi anh cũng quen dần và không thấy sợ nữa. Anh nhét đầy ổ đạn vào trong tấm áo ngực, còn túi áo thì đựng toàn lựu đạn. Đã đến lúc phải quay về, nhưng sự mải mê cứ đẩy anh sang chỗ cái xác khác, tựa như chính tại nơi này, anh có thể tìm thấy một cái gì vô cùng cần thiết và tối ư quan trọng. Anh đã quen không buồn nôn khi ngửi thấy mùi thuốc nổ, và mùi máu của bọn Đức bám vào người, thứ máu đã đổ phứa trên mảnh đất bị cày xới suốt ngày hôm nay.
- Một thằng sĩ quan – anh lính biên phòng thì thào chỉ vừa đủ nghe – có lấy giấy tờ của hắn không?
- Lấy chứ …
Sát cạnh đấy, thoáng vẳng lại tiếng rên rỉ đầy đau đớn. Tiếng rên im bặt rồi lại vẳng lên và kéo dài. Plugiơnhikốp im bặt, thu mình quan sát xung quanh.
- Anh đi đâu?
- Có người bị thương.
Anh trườn lên phía trước và ngay lúc ấy, một tia chớp loá mắt loé lên rồi một viên đạn choang vào mũ sắt của anh. Plugiơnhikốp ngã sấp người xuống đất và dụi mắt một cách tuyệt vọng – anh chắc mắt mình đã hỏng vì không nhìn thấy gì nữa.
- A, thằng chó đẻ!
Anh chiến sĩ biêng phòng đẩy Plugiơnhikốp ra và tụt xuống hố bom. Tiếp đó là tiếng phang uỳnh uỵch rất nặng rợn cả da thịt và tiếng kêu thất thanh đập vào màng nhĩ.
- Đừng làm thế! – Plugiơnhikốp quát, anh cố giương đôi mắt ướt đẫm lên.
Một khuôn mặt cau có, nhễ nhại mồ hôi, xuất hiện mờ mờ trước mắt anh.
- Đừng à?… Nó giết đồng đội của tôi mà bảo đừng à? Nó bắn anh mà tôi lại đừng à? Anh là đồ con nít, chính bọn phát xít nện chúng ta suốt ngày mà chúng ta đừng động đến chúng ư…
Anh ta bước đến trước Plugiơnhikốp và dừng lại thở hổn hển.
- Tôi đã giết chết hắn. Anh không bị thương chứ?
- Đạn bắn nẩy mũ sắt ra và làm tai tôi điếc đặc
- Anh có đi được không?
- đầu vẫn còn choang choáng. Mắt nổ đom đóm.
Có tiếng nổ rất gần. Họ nằm rạp xuống đất, đất cục đập vào vai họ.
- Chúng bắn vào chỗ có tiếng người hay sao nhỉ?
Một quả đạn nữa lại lao tới, họ nằm rạp xuống, sau đó họ chồm dậy chạy về phía nhà thờ. Anh chiến sĩ biên phòng chạy trước. Khó lòng lắm Plugiơnhikốp mới nhìn thấy tấm lưng to bè của anh ta thấp thoáng trước đôi mắt đầm đìa và cay sè của mình.
Anh trung sĩ đã quay về. Họ xúm lại bên Prigiơnhiúc. Họ khuân về được bốn hòm đạn và bắt đầu lắp đạn vào băng. Đêm hôm đó có lệnh thu thập vũ khí, tổ chức việc liên lạc và đưa tất cả phụ nữ, trẻ con xuống hầm sâu.
- Số phụ nữ của chúng ta đã chạy về khu doanh trại của trung đoàn 333 rồi – anh trung sĩ nói.
Plugiơnhikốp định nói đến số đàn bà và trẻ con, nhưng anh kìm lại. Anh chỉ hỏi:
- Còn lệnh cụ thể cho chúng ta là gì?
- Nhiệm vụ của chúng ta là chốt giữ khu nhà thờ này. Trên hứa sau giờ điểm danh sẽ thêm người cho chúng ta.
- Có tin tức gì về thành phố không? – anh chiến sĩ đầu trọc hỏi - Sẽ có quân ứng viện chứ?
- Cứ đợi đấy – anh trung sĩ trả lời cộc lốc, nước đôi.
Qua cách nói của anh ta, Plugiơnhikốp hiểu rằng chính uỷ trung đoàn tám tư không mong đợi gì vào sự chi viện. Đầu gối anh cứng lại, bụng anh đau dội lên, anh ngồi bết ngay tại chỗ, cạnh anh trung sĩ.
- Cầm miếng bánh mà nhai – Anh trung sĩ lấy ra một miếng bánh – ăn một miếng bánh sẽ đỡ đấy, đồng chí trung uý ạ.
Plugiơnhikốp không muốn ăn, nhưng anh vẫn cầm lấy miếng bánh, nhai như một cái máy. Bữa ăn gần nhất của anh là ở hiệu ăn… Không, ngay trước lúc chiến đấu, anh đã uống trà với cô gái thọt chân trong một nhà kho nào đó. Cả khu nhà kho ấy với hai phụ nữ, một cô gái và mấy người đàn ông đều bị chôn vùi ngay từ loạt đạn đầu tiên. Chỗ ấy cũng chỉ quanh quẩn đâu đây thôi, không xa nhà thờ lắm đâu. Còn anh, anh đã may mắn chạy thoát được. Anh đã may mắn…
Xannhikốp đeo một chùm bi đông về, trông như cây thông ngày tết.
- Mình đã uống thoả thích! Các cậu uống đi.
- Ưu tiên cho súng đã – anh trung sĩ nói.
Rất thận trọng và không để phí một giọt, anh ta tưới nước vào áo súng và bảo Plugiơnhikốp cấm không cho ai uống nước quá nhiều. Plugiơnhikốp chấp nhận với vẻ hờ hững. Anh trung sĩ cho mỗi người ba ngụm rồi thận trọng kéo bi đông ra.
- Chúng bắn ghê gớm ở ngoài kia, khủng khiếp quá! - Xannhikốp có vẻ hơi thoả mãn – Chúng bắn một quả rốc két đến oàng một cái và giết được một số lính ta. Nhiều lắm!
Sau trận chiến đấu giáp lá cà và chuyến đi lấy nước thắng lợi, cậu ta đã hết sợ. Cậu ta sôi nổi, thậm chí còn vui nhộn nữa, cái vẻ sôi nổi ấy làm Plugiơnhikốp khó chịu.
- Anh hãy đến các đơn vị bạn, báo cho họ biết chúng ta đang bảo vệ khu nhà thờ - Anh nói – Chưa chừng họ còn cho chúng ta đạn nữa đấy.
- Cả lựu đạn nữa – anh chiến sĩ biên phòng nói - Lựu đạn của bọn Đức tồi lắm.
- Tất nhiên cả lựu đạn nữa.
Một giờ sau, có thêm mười người đến. Plugiơnhikốp định chỉ thị cho họ, bố trí họ ở chỗ cửa sổ, phổ biến hiệu lệnh cho họ, nhưng mắt anh vẫn đầm đìa nước, anh cảm thấy kiệt sức nên phải đề nghị anh chiến sĩ biên phòng đảm đang công việc đó. Vừa nằm được một phút thì anh ngủ lim đi như ngất xỉu.
Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh đã chấm dứt. Nằm co quắp trên nền nhà thờ bẩn thỉu, anh không hề biết và cũng không thể biết trước mặt anh còn bao nhiêu ngày như hôm nay nữa. Cả những chiến sĩ đang nằm ngủ bên anh, hoặc đang canh giữ cạnh lối ra vào, cũng không biết và không thể biết họ còn phải đeo đuổi bao nhiêu ngày nữa. Họ đều có một cuộc sống như nhau, nhưng cái chết của từng người lại khác nhau.