Chương 8

Bọn Đức lại xuất hiện trong pháo đài khá đông, có đến hơn một trung đội đang tiến qua cổng Teretspol. Thoạt đầu, chúng đi thành hàng ngũ, nhưng sau tản ra ngay và lùng sục vào khu vực kế cận khu doang trại liên hoàn. Một lát sau, từ đấy vang lên tiếng lựu đạn nổ và tiếng phừng phực của súng phun lửa. Nhưng Plugiơnhikốp chưa kịp mừng vị chúng tìm anh không đúng chỗ thì ngay lúc đó, một cánh quân khác đã tiến qua cổng. Chung đi tản thành vòng vây rồi xông thẳng vào khu doanh trại đổ nát của trung đoang 333. Từ đấy lại vang lên nhiều tiếng nổ và tiếng xè xè của súng phun lửa.
Sớm muộn cánh quân này cũng sẽ mò đến chỗ họ ẩn nấp. Cần phải rút ngay - nhưng họ không rút về chỗ khe nứt ăn thông với căn hầm trú ẩn của họ được, khu vực ấy sẽ bị kẻ thù phát hiện. Muốn rút, họ phải lùi sâu hơn vào khu doanh trại đổ nát sau nhà thờ.
Plugiơnhikốp giải thích tỉ mỉ hướng rút như thế nào và rút đến đâu. Vônkốp ngoan ngoãn im lặng, không hỏi gì thêm, thậm chí cũng không gật đầu nữa. Điều đó làm Plugiơnhikốp bực mình, nhưng anh không muốn mất thì giờ vào những câu hỏi vô ích. Vônkốp không có vũ khí (Plugiơnhikốp đã vứt khẩu súng của cậu ta lúc trên đỉnh tháp), nên cậu ta cảm thấy bứt rứt và lo sợ. Để khích lệ cậu ta, Plugiơnhikốp nháy mắt, lại còn mỉm cười nữa, nhưng cả nụ cười lẫn cái nháy mắt gượng gạo ấy đều làm cho ngay cả những người dũng cảm hơn Vônkốp cũng phải hoảng sợ.
- Được rồi, chúng ta sẽ kiếm cho cậu một khẩu súng – Plugiơnhikốp buồn rầu lẩm bẩm, nụ cười trên môi tắt ngấm - Tiến sang hố đạn bên cạnh!
Họ chạy những đoạn ngắn, lao qua khoảng trống và nấp vào một đống gạch vỡ. Ở đây rất an toàn, họ có thể dừng lại thở lấy sức và quan sát xung quanh.
- Chúng không thể tìm thấy chúng ta ở đây, đừng lo.
Plugiơnhikốp định mỉm cười, nhưng Vônkốp vẫn không nói năng gì cả. Tính tình cậu ta vốn thầm lặng nên Plugiơnhikốp không lấy làm lạ. Nhưng không hiểu sao, đột niên, anh nhớ đến Xannhikốp và thở dài.
Ở nơi nào đó bên kia các đống gạch đổ, có tiếng ồn ào, tiếng người nói và tiếng chân nhốn nháo vang vọng từ phía trước mặt là nơi không có lính Đức, chứ không phải từ phía sau lưng là nơi các toán lính Đức đang lùng sục. Qua giọng nói, rõ ràng ở đấy có nhiều người, họ không phải trốn tránh ẩn nấp, do đó nhất định họ không thể là quân mình. Chắc chắn phải là một toán lính Đức khác đang kéo tới. Plugiơnhikốp chăm chú lắng nghe, cố xác định hướng đi của đám người này. Nhưng không thấy ai xuất hiện, còn những tiếng nói ồn ào, hỗn độn không nghe rõ ấy vẫn tiếp tục, không xa hơn mà cũng không tiến gần về phía họ.
- Hãy ngồi yên ở đây – Plugiơnhikốp nói - Đừng đi đâu cả, chừng nào tôi chưa về.
Vônkốp vẫn không nói gì, chỉ giương đôi mắt dại đờ, căng thẳng nhìn anh.
- Đợi mình ở đây nhé! – Plugiơnhikốp nhắc lại khi bắt gặp cái nhìn của Vônkốp.
Anh thận trọng bò qua khu nhà đổ. Anh trườn qua đống gạch vỡ, không làm rơi một viên nào, rồi lách qua khu vực trống trải, lúc lại nằm im, căng thẳng lắng nghe. Anh đang tiến về phía có những tiếng ồn ào kỳ lạ lúc này rõ hơn và anh đã đoán ra ai đang ở phía bên kia khu nhà đổ. Anh đoán nhưng chưa dám tin vào sự phỏng đoán của mình.
Mấy mét cuối cùng, anh bò rất thận trọng, khuỷu tay đặt nhẹ trên những hòn gạch vỡ, trên những mảng vữa cháy đen để tìm nơi ẩn nấp và chuyển khẩu tiểu liên vào thế sẵn sàng chiến đấu rồi nhìn ra ngoài.
Có những người đang làm việc trong khu sân pháo đài. Họ đang kéo những cái xác rữa nát xuống hố rồi lấp đá sỏi và cát lên. Họ không nhìn, không thu nhặt giấy tờ và càng không tháo các phù hiệu cũng như huy chương ra. Họ làm việc uể oải, vẻ lờ đờ và mệt mỏi. Plugiơnhikốp đã thừa biết họ là tù binh trước khi trông thấy những tên lính gác. Anh đã thầm đoán ngay từ khi đang tiến đến, nhưng thâm tâm không muốn tin vào điều dự đoán này vì anh sợ phải nhìn thấy người mình, những người Xô viết trong bộ quân phục thân yêu, chỉ cách anh ba bốn bước. Đúng, họ là những người Xô viết, nhưng họ đã và không là những chiến hữu của anh nữa, họ đã xa rời anh, xa rời người trung uý Hồng quân đang tại ngũ bởi vì họ được gọi bằng cái tên thật đáng nguyền rủa «TÙ BINH».
Anh kín đáo theo dõi họ rất lâu, nhìn họ làm việc thờ ơ và lười nhác như những người máy. Anh ngắm bộ dạng họ - lưng còng xuống, chân lê từng bước, dường như họ già đi ba lần tuổi. Anh thấy những cặp mắt thẫn thờ nhìn về phía trước vô định, không cần biết, không cần hiểu xem đang ở đâu, đang làm gì. Anh quan sát và thấy bọn lính gác Đức cũng có vẻ lười nhác. Chúng chỉ có một nhóm ít ỏi gồm mấy tên mà không hiểu sao tù binh không nổi dậy chống lại chúng, hoặc tìm cách trốn thoát để trở về với tự do. Anh không tìm được lời giải đáp, thậm chí anh còn nghĩ có lẽ bọn Đức đã tiêm cho họ thứ thuốc gì đó để biến họ từ những chiến sĩ tích cực hôm qua thành những kẻ tay sai đần độn như hiện nay để không nghĩ gì đến tự do và vũ khí nữa. Điều suy đoán ấy trong chừng mực nào đó đã dung hoà được phần nào cảnh tượng anh đang quan sát ở đây với niềm kiêu hãnh và tự hào của một còn người Xôviết chân chính.
Tự giải thích cho mình như vậy về những con người tiêu cực và lạ lùng kia, Plugiơnhikốp đã có một cái nhìn khác hẳn đối với họ. Anh thấy thương hại và cảm thông với họ như thương hại những kẻ ốm nặng. Chợt nghĩ đến Xannhikốp, anh đưa mắt tìm kiếm anh ta trong đám người đang làm việc, nhưng không thấy và anh rất vui mừng vì điều này. Anh không biết Xannhikốp còn sống hay đã hy sinh, nhưng anh ta không có ở đây, như vậy là chúng không biến anh ta thành một kẻ tay sai đần độn được. Nhưng một dáng dấp quen thuộc – cao to, châm chạp và lầm lì bỗng đập vào mắt anh và Plugiơnhikốp cố lục tìm trong ký ức, cố nhớ xem người đó là ai.
Như muốn trêu chọc anh, người tù binh cao lớn ấy tiến dần đến, chỉ cách anh có hai bước chân. Anh ta vung chiếc xẻng to bản xúc đầy gạch vỡ hất đi. Anh ta đi sát và vung vẩy chiếc xẻng bên mang tai Plugiơnhikốp, nhưng vẫn không quay đầu lại…
Plugiơnhikốp đã nhớ ra anh ta là ai. Anh vụt nghĩ đến trận đánh phòng ngự trong nhà thờ, nhớ cái đêm phải rút khỏi đấy và tên người lính kia. Anh ta vốn là quân dự bị, người địa phương và lấy làm tiếc vì đã tình nguyện nhập ngũ vào tháng 5 chứ không phải vào tháng 10. Theo như Xannhikốp khẳng định thì anh ta chết ngay trong trận đánh đêm ấy. Anh nhớ rõ tất cả và chờ cho người chiến sĩ ấy lại xuất hiện trước chỗ nấp, anh liền gọi:
- Prigiơnhiúc!
Anh ta giật mình, tấm lưng to bè lại còng xuống thấp hơn. Anh ta lặng đi trong nỗi khiếp sợ và nhẫn nhục.
- Prigiơnhiúc, tôi đây, trung uý Plugiơnhikốp đây mà! Anh còn nhớ trận đánh trong nhà thờ chứ?
Người tù binh không quay đầu lại, không tỏ dấu hiệu gì là đã nghe thấy tiếng gọi của người chỉ huy cũ. Anh ta cúi sát hơn xuống chiếc xẻng, phơi tấm lưng to bè trong tấm áo rách bươm, bẩn thỉu. Tấm lưng khom khom ấy biểu hiện rõ sự chờ đợi căng thẳng, nhẫn nhục và chết lặng. Plugiơnhikốp chợt nhận ra Prigiơnhiúc đang hãi hùng đón nhận viên đạn, và tấm lưng to phẳng của anh ta cúi xuống một cách ngoan ngoãn như thế kia vì suốt thời gian dài nó quen chờ đón những viên đạn nổ bất cứ khoảnh khắc nào.
- Cậu có thấy Xannhikốp đâu không? Xannhikốp có ở trong số tù binh không? Trả lời đi, không có ai ở đây đâu mà sợ
- Cậu ấy đang nằm bệnh viện.
- Bệnh viện nào?
- Bệnh viện của trại.
- Bị ốm hay sao?
Prigiơnhiúc không đáp.
- Cậu ấy có sao không? Tại sao lại nằm viện?
- Đồng chí chỉ huy, đồng chí chỉ huy, xin đừng giết tôi – Prigiơnhiúc đột nhiên van xin và liếc trộm qua vai – Xin đồng chí đừng giết tôi, đồng chí chỉ huy, hãy nhân danh chúa tha tội chết cho tôi. Nếu chịu khó làm việc, chúng tôi sẽ được thả, bọn Đức sẽ cho chúng tôi về, cho chúng tôi về quê, chúng đã hứa cho chúng tôi về…
- Được rồi, đừng lảm nhảm nữa – Plugiơnhikốp giận dữ ngắt lời – Làm cho chúng để cầu mong được thả về, giống nhau cả thôi. Dầu sao thì anh cũng không phải là con người. Nhưng, Prigiơnhiúc, có một việc tôi buộc anh phải làm. Hoặc anh làm, hoặc tôi sẽ bắn anh ngay tại đây, cho anh xuống địa ngục.
- Xin đừng giết tôi… - Giọng anh ta nấc lên, nhưng Plugiơnhikốp không còn cảm thấy thương hại con ngườinày nữa.
- Anh có làm hay không? Tôi hỏi lại, có hay không? Nói ngay! Tôi không đùa đâu.
- Nhưng tôi có thể làm được gì? Tôi là tù binh.
- Đưa khẩu súng lục này cho Xannhikốp. Đưa cho cậu ấy và bảo cậu ấy xin đến làm việc ở pháo đài. Rõ chưa?
Prigiơnhiúc lặng thinh.
- Nếu anh không đưa cho cậu ấy thì liệu hồn. Tôi sẽ tìm đến tận chỗ anh đấy, Prigiơnhiúc ạ. Đây, cầm lấy!
Plugiơnhikốp co tay vứt khẩu súng lục vào đúng cái xẻng của Prigiơnhiúc. Đúng vào lúc khẩu súng rơi xuống xẻng, Prigiơnhiúc bỗng nhảy vụt sang một bên, vừa chạy vừa kêu:
- Có người! Có người ở đây, các ông lính Đức ơi! Ông trung uý! Ông trung uý Liên Xô!
Sự việc xảy ra bất ngờ đến nỗi Plugiơnhikốp lặng đi mất mấy giây. Khi anh trấn tĩnh lại, Prigiơnhiúc đã chạy biến khỏi tầm bắn của anh và anh nghe thấy tiếng giày đinh của đội lính gác đang lao xao chạy về phía mình cùng lúc với phát pháo hiệu vọt lên không trung.
Không thể chạy về chỗ anh chàng Vônkốp nhát gan không có súng và đang ẩn nấp được nữa, Plugiơnhikốp quyết định băng sang phía khác. Anh không có ý định bắn trả để thoát thân lúc này, vì bọn Đức đông quá, chỉ muốn đánh lạc hướng cuộc lùng đuổi, anh muốn nhào xuống một cái hầm và ở đấy cho đến tối. Tối đến anh sẽ tìm Vônkốp và trở về hầm trú ẩn.
Anh đã dễ dàng chạy thoát, bọn Đức bắn qua quýt vào hầm tối và nói chung chúng không muốn mạo hiểm lùng đuổi trong khu nhà đổ. Chúng vừa chạy vừa bắn theo Plugiơnhikốp vừa la hét, rồi bắn thêm một phát pháo hiệu nữa, nhưng Plugiơnhikốp đã ở trong nơi ẩn nấp an toàn nhìn theo quả pháo hiệu.
Bây giờ anh có đủ thời gian để suy nghĩ. Nhưng ở đây, giữa căn hầm tối tăm này, anh không thể nghĩ gì về Phêđôrotruc đã bị anh bắn chết hoặc nghĩ đến anh chàng Vônkôp đang hoang mang, hay về Prigiơnhiúc nhu nhược và nhát gan đến mức phản bội. Không phải anh không muốn nghĩ đến họ, nhưng lúc này, đầu óc anh đang quay cuồng với những ý nghĩ quan trọng hơn nhiều – anh nghĩ về bọn Đức.
Hôm nay anh lại không nhận ra được chúng. Không nhận ra những tên lính Đức trẻ khoẻ, ngông nghênh đến xấc xược, chiến đấu điên khùng, lùng sục dai dẳng và rất ngoan cố khi đánh giáp lá cà. Không, những tên Đức mà anh đã phải vật lộn trước đây mấy hôm sẽ chẳng bao giờ chịu để anh chạy thoát sau tiếng kêu thất thanh của Prigiơnhiúc. Những tên Đức ấy sẽ chẳng chịu đứng phơi mình trên bờ sông quang đãng, chờ anh lính Hồng quân giơ tay bước về phía chúng. Chúng cũng chẳng bao giờ cười hềnh hệch khi nghi tiếng súng hiệu đầu tiên, và chắc chắn chúng cũng sẽ không để cho Vônkôp và anh chạy thoát sau khi bắn chết kẻ đầu hàng.
Bọn lính Đức ấy và bọn lính Đức này… - Tuy chưa hiểu biết gì, nhưng anh vẫn nhận ra sự khác nhau giữa những tên Đức đã tiến công pháo đài với bọn Đức hôm nay. Rất có thể bọn Đức thiện chiến kia đã rút khỏi pháo đài và thay thể chúng là một bọn lính có kiểu cách và lối tác chiến khác hẳn. Chúng không muốn giành thế chủ động, không muốn mạo hiểm và rất chán ghét những căn hầm tối mò, lởm chởm gạch đá.
Rút ra kết luận ấy, Plugiơnhikốp không những cảm thấy vui thích mà còn có phần táo bạo hơn. Để kiểm tra lại ý nghĩ này, Plugiơnhikốp có ý làm một việc mà trước đây anh chưa dám tiến hành bao giờ: anh bước thẳng ra cửa, vươn người dậy không cần tránh né và cố dận ủng thật mạnh.
Cứ thế anh bước ra khỏi hầm ngầm một cách đàng hoàng duy có khẩu tiểu liên là vẫn để ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Không có tên Đức nào ở cửa hầm cả, và điều này càng xác minh phỏng đoán của anh là đúng và làm cho tình thế của họ sẽ dễ dàng hơn. Bây giờ anh phải suy nghĩ thêm để trao đổi với chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích, lựa chọn một chiến thuật kháng cự mới, một chiến thuật mới cho cuộc chiến riêng của họ chống lại cái nước Đức phát xít ở đây.
Nghĩ vậy, Plugiơnhikốp tránh xa chỗ đám tù binh đang làm việc - từ sau khu nhà đổ vẫn âm vang lên những tiếng rì rào – anh tìm đến chỗ Vônkốp đang nấp. Vì đã biết rõ nơi này, nên anh có thể định hướng một cách chính xác giữa những khu nhà đổ nát và đi thẳng đến ụ chướng ngại bừa bộn gạch ngói, nơi Vônkốp đang ẩn nấp. Anh nhớ rõ cái ụ gạch này, nhưng Vônkốp không còn ở đấy nữa.
Không tin ở mắt mình, Plugiơnhikốp lần mò xung quanh từng mảng tường, bò qua những đống gạch đổ, nhìn vào từng ngóc ngách và nhiều lúc còn liều lĩnh cất tiếng gọi chiến sĩ có đôi mắt lạ lùng gần như không chớp ấy, nhưng vẫn không tìm thấy anh ta đâu cả. Vônkốp đã mất tích một cách khó hiểu và bí hiểm, không để lại một dấu vết gì, dù chỉ là một miếng áo rách, một giọt máu, một tiếng kêu hay một tiếng thở dài…
- Vậy là anh đã khử Phêđôrotruc – Xtêphan Mátvâyêvích nói - Rất tiếc cho cậu Vônkốp. Cậu ta sẽ bị lạc, đồng chí trung uý ạ, cậu ta nhút nhát từ hồi bé.
Họ còn nhắc đến anh chàng Vaxili Vônkốp lầm lì, nhút nhát vài ba lần nữa, nhưng Phêđôrotruc thì không được nhắc đến, như thể hắn ta chưa hề sống trên đời, chưa từng ngồi ăn ở cái bàn này và chưa từng ngủ tại góc bên cạnh kia. Chỉ riêng Mira là đã hỏi Plugiơnhikốp khi chỉ có hai người với nhau:
- Chính anh bắn hả?…
Cô buộc lòng phải thốt ra câu hỏi như thế. Câu hỏi ấy xa lạ, không có trong ngôn ngữ gia đình cô, nơi chỉ nói đến con cái, đến bánh mì, đến công việc và sự mệt nhọc, đến cái đun, đến khoai tây và đến bệnh tật thường hay xảy ra.
- Anh bắn anh ấy hả?
Plugiơnhikốp gật đầu. Anh hiểu Mira hỏi như thế là thương anh chứ không phải thương Phêđôrotrúc. Cô bị ám ảnh bởi những điều đã xảy ra như một gánh nặng đối với anh, tuy bản thân anh không cảm thấy đấy là một gánh nặng, mà chỉ cảm thấy mệt mỏi.
- Lạy Chúa! – Mira thở dài – con chiên của người điên cả rồi!
Giọng cô bình thản và như giọng một người phụ nữ từng trải. Và cũng với cái vẻ già dặn mới mẻ ấy, cô lẳng lặng ôm lấy đầu anh, hôn anh ba lần, một lần lên trán và hai lần lên mắt.
- Em nguyện chia sẻ với anh mọi đau buồn, chia sẻ với anh mọi mệt mỏi và bất hạnh.
Mẹ cô cũng thường nói như vậy mỗi khi đứa con nào đó của bà đau ốm. Bà đông con và những đứa con thường xuyên bị đói, còn bà thì chẳng bao giờ nghĩ đến nỗi đau đớn hoặc ốm đau của mình. Đối với bà, nỗi đau và bệnh tật của các con cũng là quá đủ rồi. Bà thường dạy các con gái không được nghĩ đến nỗi bất hạnh của mình trước tiên. Bà cũng dạy Mira như thế, tuy luôn luôn kèm theo một tiếng thở dài:
- Con sẽ phải suốt đời chăm nom con cái của người khác, con sẽ không có con, con gái của mẹ ạ.
Ngay từ hồi bé, Mira thường vẫn nghĩ cô sẽ có bổn phận trông nom con cái của những chị may mắn hơn cô. Cô đã quen với ý nghĩ đó và không cảm thấy buồn khổ về hoàn cảnh đặc biệt của mình - một hoàn cảnh có thể suốt đời không ai chú ý tới – nhưng cô cũng bằng lòng với ưu thế của cô là có sẽ hoàn toàn được tự do.
Trong lúc ấy, thím Khơrixchia đang vừa đi quanh hầm vừa kiểm lại số bánh khô bị chuột ăn. Thím khẽ lẩm bẩm:
- Mất hai người rồi. Mất hai người rồi.
Những ngày gần đây, bà bắt đầu cảm thấy đi đừng khó khăn hơn. Trong hầm quá lạnh, đã không có ánh nắng lại thiếu cả không khí trong lành, thoáng đãng. Hai chân bị sưng lên, bà trở nên uể oải, ngủ không ngon giấc và khó thở hơn. Bà cảm thấy sức khoẻ giảm sút hẳn và biết chắc mỗi ngày cơ thể mình một tồi tệ hơn nên đã ngấm ngầm quyết định ra đi. Ban đêm bà khóc, không phải khóc vì buồn tủi cho bản thân mà vì thương Mira sắp phải lủi thủi một mình. Cô sẽ thiếu bàn tay vỗ về của tình mẫu tử và không có bạn nữ để tâm tình.
Bản thân bà đã từng trải phải sống đơn độc. Ba đứa con bà chết ngay từ nhỏ, chồng bà bỏ nhà ra đi kiếm ăn rồi mất tăm luôn, ngôi nhà phải bán để trả nợ và bà phải đến phục vụ ở Brét để khỏi lo chết đói. Bà đã kiếm được công việc quét dọn và cố sống qua ngày đoạn tháng cho đến khi Hồng quân kéo đến. Những chiến sĩ Hồng quân vui tính, tốt bụng và rộng lượng, lần đầu tiên trong đời đã cho bà công ăn việc làm thường xuyên, chăm nom bà đầy đủ, mang đến cho bà những người bạn và cho bà một căn phòng.
- Họ là những người lính của thượng đế - thím Khơrixchia đã nói kính cẩn như vậy tại cái chợ Brét vắng vẻ - Hãy cầu nguyện cho họ, các ông các bà ạ!
Từ lâu bà đã thôi cầu nguyện, không phải vì không tin, mà vì oán giận. Bà căm giận sự bất công đã cướp mất của bà người chồng và những đứa con, bà không muốn trông chờ ở thượng đế nữa. Thậm chí, lúc này là lúc đang khổ đau mà bà vẫn gắng gượng, không cho phép mình được thua cuộc mặc dù bà muốn nguyện cầu cho Hồng quân, nguyện cầu cho anh trung uý trẻ và cho cô gái bị chúa Do Thái của cô ta đối xử tàn tệ. Bà mải mê với ý nghĩ của mình, mải mê với cuộc đấu tranh ngấm ngầm và chờ đợi cái kết cục đang đến gần. Bà đã làm tất cả những gì có thể làm được nhờ cái thói quen lao động và ngăn nắp hàng bao năm nay, và không để ý lắng nghe những lời bàn tán xung quanh.
- Đồng chí cho rằng bọn Đức khác đã đến đây ư?
Không khí lạnh giá làm cho vết thương ở chân chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích nhức buốt. Một bên chân anh sưng tấy và nhói đau, nhưng anh không hề kêu ca và không muốn cho ai biết. Anh tin tưởng vào sức chịu đựng của mình, vả lại xương anh không bị gãy, da anh lại lành, nên vết thương sẽ chóng lên da non.
- Tại sao chúng không rượt theo tôi? – Plugiơnhikốp phân vân tự hỏi - Trước đây chúng luôn đuổi theo, nhưng lần này chúng để tôi thoát. Tại sao?
- Chúng có thể không đổi hết bọn Đức ở đây đi - Chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích đáp lại sau khi suy nghĩ giây lát – Có thể chúng được lệnh không cần mạo hiểm xông vào các hầm.
- Cũng có thể - Plugiơnhikốp thở dài – nhưng nhất định tôi phải tìm hiểu xem. Phải hiểu rõ chúng hơn.
Sau khi nghỉ ngơi lại sức, anh lại lên tìm Vônkốp bị mất tích một cách bí hiểm. Anh lại bò, lại ho sặc sụa vì bụi bậm, vì mùi hôi thối của xác chết, lại khẽ gọi và nghe ngóng. Vẫn không có tiếng trả lời.
Cuộc chạm trán với bọn Đức xảy ra bất ngờ. Có hai tên Đức từ sau góc tường đột nhiên xuất hiện, vừa đi vừa trò chuyện thật bình thản. Hai khẩu súng các bin lủng lằng sau vai và cứ cho rằng chúng cầm súng ở tay đi nữa thì Plugiơnhikốp vẫn kịp bắn trước. Anh đã tự rèn luyện để có được những phản xạ chớp nhoáng, và chỉ sự rèn luyện ấy cho đến nay vẫn cứu anh.
Một sự ngẫu nhiên tình cờ đã cứu sống tên thứ hai, sự ngẫu nhiên đó trước đây phải trả giá bằng cuộc đời của Plugiơnhikốp. Anh quật một băng ngắn và khẩu súng bị tắc nghẹn. Khi tên lính đi trước ngã xuống đống gạch, Plugiơnhikốp đang nghiến răng kéo cơ bẩm thì tên thứ hai lúc đó có thể dễ dàng bắn trả lại anh hoặc chạy thoát, nhưng trái lại, hắn quỳ xuống và ngoan ngoãn chờ trong khi anh vội vàng lấy viên đạn hóc ra.
Mặt trời đã lặn được một lúc, nhưng trời vẫn còn sáng. Vì lý do nào đó mà hai tên Đức còn lảng vảng ở khu sân đầy xác chết và lổn nhồn hố đạn của pháo đài. Chúng không kịp rút và giờ đây một thằng đã thôi giãy giụa, còn thằng thứ hai thì đang lặng lẽ cúi đầu, quỳ trước mặt Plugiơnhikốp, hắn câm lặng.
Plugiơnhikốp cũng lặng thinh. Anh hiểu anh không thể bắn một kẻ địch đang quỳ trước mặt mình, nhưng một ý nghĩ nào đó không cho anh quay lại hay chạy biến vào giữa những đống gạch đổ nát. Đầu óc anh đang quay cuồng một câu hỏi cũng không kém da diết như câu hỏi về người đồng đội đã mất tích: tại sao bọn Đức ở đây lại có thể thay đổi như tên lính đang ngoan ngoãn quỳ sụp xuống như vậy? Cuộc chiến đấu của anh chưa kết thúc, bởi vậy, anh phải tìm hiểu mọi khía cạnh của kẻ thù. Và câu trả lời - một câu trả lời không chút giả tạo, không chút phỏng đoán và rất rõ ràng, rất thực! – câu trả lời ấy đang quỳ trước mặt anh và đang chờ chết.
- Komm! (Đi đi) – Anh quát và hất súng ra hiệu chỉ đường.
Trên lối đi, tên Đức nói gì đó và nhìn quanh, nhưng Plugiơnhikốp không còn bụng dạ nào nhớ lại những từ tiếng Đức nữa. Anh dẫn tên tù binh về hầm bằng con đường ngắn nhất và nơm nớp chờ tiếng súng bắn đuổi theo. Tên Đức đi lặc lè phía trước, đầu rụt xuống vai, vẻ sợ sệt
Cứ như vậy, họ đi qua một cái sân, hướng về phía hầm ngầm và tên Đức bước vào gian hầm mờ tối trước tiên. Hắn đứng dừng lại và đột ngột im lặtn khi trông thấy người chuẩn uý râu ria tua tủa và hai người đàn bà đang ở cạnh chiếc bàn dài bằng gỗ. Cả ba người cũng im lặng ngạc nhiên dán mắt vào tên Đức già đang co rúm người lại vì sợ.
- Vớ được một cái lưỡi đây – Plugiơnhikốp lên tiếng và kiêu hãnh nhìn Mira một cách thơ ngây - đồng chí Xtêphan Mátvâyêvích, bây giờ chúng ta sẽ tìm lời giải đáp cho mọi dự đoán của chúng ta.
Tên lính Đức lại phun ra hàng tràng những lời lẽ thống thiết, giọng gần như khóc. Hắn lẩy bẩy chìa hai tay ra trước mặt chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích và Plugiơnhikốp.
- Tôi không hiểu gì cả - Plugiơnhikốp nói - Hắn nói nhanh quá.
- Hắn là công nhân - chuẩn uý giải thích - Hắn chìa tay cho chúng ta xem đấy.
- Langsam, - Plugiơnhikốp nói – Bitte, Langsam (nói chậm lại).
Anh moi óc cố nhớ lại vài câu tiếng Đức nhưng chỉ có những từ ngữ rời rạc hiện lên trong óc. Tên Đức vội gật đầu, nói vài câu rất chậm và rành rọt, rồi sau lại lắp bắp trong tiếng thổn thức.
- Hắn sợ - thím Khơrixchia thở dài - Hắn run lẩy bẩy thế kia mà.
- Hắn bảo hắn không phải là lính chiến đấu – Mira đột ngột lên tiếng - Hắn là lính cảnh vệ.
- Cô biết tiếng Đức à? – Xtêphan Mátvâyêvích ngạc nhiên.
- Cháu biết ít thôi.
- Hắn bảo hắn không phải là lính, như vậy là hắn muốn nói gì? – Plugiơnhikốp cau mày - Hắn đang làm gì trong pháo đài của chúng ta.
- Nicht Soldat! – Tên Đức kêu – Nicht soldat. Nicht wehrmacht!. ( Tôi không phải là lính chiến đấu)
- Lạ nhỉ - chuẩn uý bối rối – Hay hắn gác anh em tù binh chúng ta.
Mira dịch câu hỏi ra tiếng Đức. Tên Đức lắng nghe và gật đầu tuôn ra một tràng dài ngay sau khi Mira dứt lời.
- Anh em tù binh do những tên khác gác, - Mira dịch lại có vẻ không được dứt khoát lắm - Bọn này gác cửa ra vào pháo đài. Hắn thuộc đội tuần tiễu. Hắn là người Đức chính cống. Bọn bắn phá pháo đài là những tên lính Áo thuộc sư đoàn 45, đồng hương của Hitle. Còn hắn là công nhân, bị động viên hồi tháng tư…
- Tôi đã bảo hắn là công nhân! - chuẩn uý tỏ vẻ hài lòng.
- Nếu là công nhân, là người vô sản thì tại sao hắn chống lại chúng ta? – Plugiơnhikốp hỏi vặn rồi khoát tay – Thôi được, đừng hỏi như vậy. Hãy hỏi hắn có đơn vị chiến đấu nào trong pháo đài hay không, hay chúng đã rút cả rồi?
- Đơn vị chiến đấu tiếng Đức nói thế nào nhỉ?
- Ờ, tôi làm sao biết được, cứ hỏi là có lính không cũng được.
Mira dịch ngập ngừng, vừa dịch vừa tìm chữ. Tên Đức lắng nghe, cúi đầu xuống, vẻ chăm chú. Hắn hỏi lại một đôi chỗ không hiểu. Sau đó hắn nói nhanh dần, vừa nói vừa chỉ vào ngực, vừa làm giả tiếng súng máy: «pằng -pằng -pằng!…»
- Trong pháo đài vẫn có lính chiến đấu: bọn công binh, bọn giữ tiểu liên, bọn lính phun lửa. Chúng được gọi đến bất cứ nơi nào phát hiện thấy lính Nga. Đây là mệnh lệnh. Còn hắn, hắn không phải là lính, hắn chỉ làm nhiệm vụ canh gác và chưa bắn ai bao giờ.
Tên Đức lại nói liến láu, vừa nói vừa vung tay. Sau đó hắn đột ngột chỉ vào bà Khơrixchia với vẻ nghiêm nghị rồi đàng hoàng rút ra từ túi áo nhàu nát một túi nhỏ dán bằng săm ô tô. Hắn lấy ra bốn tấm ảnh và đặt xuống bàn.
- Con hắn, - Thím Khơrixchia thốt lên - Hắn muốn bảo chúng ta, đây là con hắn.
- Kinder! – tên Đức kêu lên – Meine Kinder! Drei! (Con trai tôi! Ba đứa!)
Hắn đập tay vào bộ ngực lép kẹp của mình vẻ hãnh diện. Hai tay hắn không run nữa.
Mira và thím Khơrixchia xem mấy tấm ảnh, hỏi hắn những điều gì đó với vẻ ái ngại hiền lành của phụ nữ. Họ hỏi về những đứa trẻ, sức khoẻ của chúng, việc học hành, những bữa ăn trưa, khí hậu và áo quần. Cánh nam giới thì ngồi riêng ra một chỗ, ngẫm nghĩ xem phải làm gì khi cuộc trò chuyện có tính chất hàng xóm láng giềng kia kết thúc. Lát sau, chuẩn uý nói, không nhìn ai cả:
- Đồng chí trung uý, đồng chí phải làm nhiệm vụ này thôi. Chân tôi đau quá. Mà thả hắn ra thì mạo hiểm lắm, hắn biết rõ đường xuống đây.
Plugiơnhikốp gật đầu, lòng nặng trĩu, tim đau nhói. Lần đầu tiên anh ân hận vì không bắn chết một tên Đức sau khi lấy được viên đạn hóc ra. Ý nghĩ về điều sắp xảy ra làm anh tê tái: giờ đây, anh không có đủ cứng rắn để giết người.
- Đồng chí tha lỗi cho tôi - chuẩn uý thanh minh – Chân tôi thế nào, đồng chí biết rồi đấy.
- Tôi hiểu, tôi hiểu! – Plugiơnhikốp vội ngắt lời – băng đạn của tôi bị hóc…
Đột ngột dừng lời, anh đứng bật dậy, chộp lấy súng:
- Komm!
Dù ánh sáng trong hầm mờ mờ nhưng vẫn trông rõ mặt tên lính Đức tái mét hẳn đi. Hắn khom lưng xuống, trông càng thảm hại hơn và bắt đầu cố nhặt mấy tấm ảnh. Tay hắn run lẩy bẩy không chịu nghe theo hắn, nên mấy tấm ảnh lại rơi xuống bàn.
- Vorwarts! (Tiến lên!) – Plugiơnhikốp quát và chĩa súng ra.
Anh cảm thấy trong giây phút sau đó quyết của mình có thể bị giảm sút. Anh không dám nhìn hai bàn tay lẩy bẩy ấy.
- Vorwarts!
Tên Đức quay người đi, hắn đứng trước bàn giây lát rồi chậm chạp bước ra cửa hầm.
- Hắn quên ảnh rồi! – thím Khơrixchia cuống quýt – Khoan đã!
Bả lảo đảo lê đôi chân sưng tấy, đuổi theo tên lính Đức và cũng lập cập nhét mấy tấm ảnh vào áo hắn. Tên Đức xoay người đứng lại, hai mắt dại đờ và mở trừng trừng.
- Komm! – Plugiơnhikốp đẩy người tù binh bằng súng.
Hai người đều hiểu rõ điều gì sắp xảy ra. Tên Đức lê từng bước, hai tay lẩy bẩy mân mê gấu chiếc áo nhàu nát. Lưng hắn bắt đầu đầm đìa mồ hôi, một vệt đen sẫm loang trên lưng áo hắn và mùi mồ hôi phả ra phía sau nồng nặc.
Nhưng Plugiơnhikốp buộc lòng phải thủ tiêu hắn. Anh giải hắn lên trên và sau đó sẽ lạnh lùng lia một loạt đạn vào tấm lưng lòng khòng, đầm đìa mồ hôi, tấm lưng nương tựa của ba đứa trẻ. Tất nhiên tên lính Đức có lẽ không bao giờ muốn đi đánh nhau, tất nhiên hắn cũng không muốn tự dấn thân vào nơi hoang tàn khủng khiếp, nồng nặc khói và mùi hôi thối của xác chết này. Plugiơnhikốp hiểu rõ điều đó, nhưng anh vẫn giải tên Đức đi một cách lạnh lùng.
- Schnell! Schnell! (Nhanh lên! Nhanh lên!)
Tuy không cần quay đầu lại, anh cũng biết Mira đang lê gót theo anh. Cô đi theo như vậy hẳn là không muốn để một mình anh phải làm cái việc không muốn nhưng bắt buộc phải làm. Anh sẽ làm xong việc đó trên miệng hầm rồi quay trở lại và hai người sẽ gặp nhau tại đây trong bóng tối, anh sẽ không nhìn rõ mắt cô. Cô sẽ chỉ nói với anh điều gì đó, làm cho anh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nào, chui lên đi!…
Tên Đức không làm sao lách qua được miệng hầm. Đôi bàn tay bải hoải của hắn không sao bám vào được những viên gạch nên người cứ tụt xuống và xô cả vào Plugiơnhikốp, hắn khóc nức nở và thở khò khè. Từ người hắn toát ra mùi hôi thối nồng nặc, tuy đã quen với mùi hôi hám mà Plugiơnhikốp vẫn cảm thấy không thể chịu nổi mùi từ một cơ thể vẫn còn sự sống.
- Chui lên đi!…
Plugiơnhikốp đẩy hắn lên. Tên Đức bước được một bước, chân khuỵu lại và ngã quỵ xuống ngay trước mặt. Plugiơnhikốp lấy mũi súng đẩy vào người hắn, tên Đức khẽ ngã nghiêng xuống, rúm người lại và nằm chết lặng tại chỗ.
Đứng trong hầm, Mira nhìn về phía cửa đã phủ đầy bóng tối, sợ hãi chờ tiếng súng nổ. Nhưng cô không nghe tiêng súng nào cả.
Có tiếng lạo xạo, Plugiơnhikốp nhảy vào hầm và cảm thấy Mira đang đứng bên cạnh.
- Hoá ra, tôi không thể bắn một con người, cô hiểu chứ?
Hai bàn tay lạnh giá run rẩy vuốt lên đầu anh và kéo nó gần lại. Anh cảm thấy má Mira đầm đìa nước mắt, áp sát vào má mình.
- Tại sao chúng ta phải làm như thế này? Để làm gì? Chúng ta đã làm gì xấu xa? Chúng ta không có thì giờ để làm bất cứ điều gì xấu xa cả!
Mira nức nở, mặt cô áp sát vào má Plugiơnhikốp. Anh vụng về vuốt nhẹ đôi vai mảnh dẻ của cô.
- Đừng, đừng khóc, cô gái bé bỏng. Sao lại khóc?
- Em sợ. Em sợ anh bắn chết lão lính già – Cô bỗng quàng tay ôm chặt lấy anh và nồng nàn hôn anh tới tấp - Cảm ơn anh. Cảm ơn anh. Xin anh đừng nói với họ, chỉ chúng ta biết với nhau thôi. Điều bí mật riêng của chúng ta mà. Cứ cho rằng anh làm như thế là vì em, được chứ anh?
Anh định bảo đúng là vì cô, nhưng anh đã không nói như vậy, trên thực tế anh không bắn tên Đức này chính là do anh. Dù sao anh cũng muốn giữ cho lương tâm trong sạch, không bị dằn vặt.
- Họ sẽ không hỏi đâu.
Thật vậy, không ai hỏi gì cả, mọi việc vẫn diễn ra êm thấm như những buổi tối trước đó, tuy nhiên, giờ đây quanh bàn có trống trải hơn. Họ vẫn ngủ ở chỗ cũ như trước đây: thím Khơrixchia cùng nằm với Mira, chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích nằm trên ván, còn Plugiơnhikốp vẫn nằm trên ghế băng của mình.
Thím Khơrixchia không sao ngủ được. Bà nằm im, lắng nghe chuẩn uý nói mê, nghe anh trung uý trẻ tuổi nghiến răng ken két đến rợn người, nghe tiếng chuột chạy rình rịch và kêu rúc rích trong bóng tối, nghe tiếng thở nhẹ nhàng và đều đều của Mira. Bà nằm im, tai vẫn lắng nghe và cứ để mặc cho những giọt nước mắt lăn trên gò má mà không sao lau đi được vì tay trái đau nhức không chịu nghe theo ý bà, còn tay phải thì đang gối đầu cho Mira ngủ. Những giọt nước mắt cứ trào ra, lăn xuống má và làm ướt đẫm một mảng chiếc áo bông cũ.
Chân tay và lưng bà đều nhức nhối, song nơi nhức nhối hơn cả lại là trái tim. Bà nghĩ rằng mình phải đến với cái chết sớm hơn – nhưng bà sẽ chết ở ngoài hầm, chết ở trên mặt đất, dưới ánh mặt trời. Phải chết dưới ánh mặt trời vì bà rất muốn được sưởi ấm. Nhưng để được thấy ánh mặt trời bà phải đi ngay khi chưa hoàn toàn kiệt sức và có thể đi một mình không cần sự giúp đỡ của ai. Bởi vậy, bà quyết định ngày mai, nhất định sẽ thử xem mình còn đủ sức hay không và, nếu còn sức, bà sẽ đi ngay khi chưa quá muộn.