Chương 9

Với ý nghĩ đó, bà thiếp đi, trong giấc ngủ chập chờn bà hôn lên mái tóc đen lánh của Mira, mái tóc đã bao đêm nay gối lên cánh tay bà. Sáng ra, bà ngồi dậy, không đợi ăn bữa sáng, lách qua cửa hầm dẫn ra đường ngách.
Tại đây, một bó đuốc đang cháy, trung uý Plugiơnhikốp đang rửa mặt, - may sao lúc này vẫn có đủ nước dùng – Mira đang dội nước cho anh. Cô giội từng giọt nhưng không vào đúng chỗ anh yêu cầu: Plugiơnhikốp phát cáu lên còn Mira mỉm cười khúc khích, vẻ khoái chí.
- Thím đi đâu đấy, thím Khơrixchia?
- Ra chỗ cửa hầm – bà vội đáp – Thím muốn hít thở chút khí trời trong lành.
- Có cần cháu đi với thím không? – Mira hỏi.
- Thôi, đừng bận tâm. Cháu hãy giúp trung uý giội nước đi.
- Cô ấy ngốc ngếch như trẻ con ấy thím ạ. – Plugiơnhikốp bực bội nói theo.
Mira và trung uý lại cười, còn bà Khơrixchia thì dựa người vào tường, thận trọng lê đôi chân sưng tấy, dò từng bước chậm chạp về phía cửa hầm. Dù sao bà vẫn đủ sức tự đi được và cảm thấy vui mừng về điều đó.
«Có lẽ chưa nên đi hôm nay. Có lẽ nên chờ một vài ngày để được sống thêm chút nữa»
Bà Khơrixchia đã ở ngay bên miệng hầm, nhưng người nghe thấy tiếng ồn ào trên mặt đất trước tiên không phải là bà mà là trung uý Plugiơnhikốp. Thấy những âm thanh lạ, anh liền bật dậy. Tuy chưa xác định rõ chuyện gì, nhưng anh đã đẩy Mira vào cửa ngách:
- Nhanh lên!
Mira chui ngay vào hầm, cô không hỏi gì và cũng không chần chừ. Cô đã quen phục tùng anh. Đang chăm chú lắng nghe những âm thanh lạ tai, Plugiơnhikốp chỉ còn kịp kêu lên:
- Thím Khơrixchia, quay lại!
Một tiếng nổ trầm đục dội qua cửa hầm và một luồng hơi nóng rất mạnh ép vào ngực Plugiơnhikốp. Anh quỵ ngã, nghẹt thở, hổn hển hớp từng hớp không khí, vẻ đau đớn, nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo sờ soạng tìm cửa hầm và chui vào. Ngọn lửa bùng lên loá mắt, cả một luồng lửa lọt vào hầm và trong nháy mắt chiếu sáng những chiếc vòm, những con chuột đang lẩn trốn, nền hầm đầy cát bụi và thân hình bà Khơrixchia bất động. Nháy mắt sau vang lên tiếng kêu thất thanh đầy hãi hùng của bà Khơrixchia, bị lửa quấn lấy mình bà chạy dọc hầm. Mùi thịt người cháy khét lẹt bốc lên, thế mà thím Khơrixchia vẫn chạy thét và vẫn kêu cứu. Thân thể đã cháy hẳn trong ngọn lửa nóng cả ngàn độ mà thím vẫn cứ chạy. Bà bỗng đổ nhào xuống như tan ra, tất cả đều im lặng, chỉ có những hạt gạch nhỏ bị nung chảy rơi tý tách từ trần xuống như máu vậy.
Mùi cháy khét bay cả vào phía cuối hầm. Xtêphan Mátvâyêvích lấy gạch bít lỗ hổng lại, ông lèn cả cái áo bông vào mà vẫn chưa hết mùi khét. Mùi thịt người cháy vẫn xông vào lờm lợm.
Sau khi đã khóc hết nước mắt, Mira lặng lẽ thu mình ngồi trong góc hầm. Thỉnh thoảng cô rùng mình rồi đứng dậy tha thẩn tránh xa hai người đàn ông. Giờ đây, cô nhìn họ như những người xa lạ, tựa như họ ở bên kia hàng cột chắn vô hình. Hàng cột chắn ấy có lẽ đã có từ trước, nhưng vì dạo đó giữa cô và họ có một gạch nối là bà Khơrixchia mà cô quen gọi bằng thím. Chính thím Khơrixchia đã sưởi ấm cho cô bao đêm qua và cho cô ăn uống bên bàn. Chính thím Khơrixchia đã dỗ dành cô đừng sợ bất cứ thứ gì, ngay cả những con chuột. Ban đêm thím đuổi đàn chuột đi để Mira được ngủ ngon lành. Sáng ra, thím giúp cô mặc váy áo, buộc lại nịt chân giả cho cô, cùng rửa mặt, chải tóc với cô, trang điểm cho cô. Thím Khơrixchia đã đuổi thẳng thừng cánh đàn ông ra chỗ khác mỗi khi cần thiết và Mira đã sống thoải mái nhờ tấm lòng ưu ái ấy của thím.
Bây giờ thím ấy đã hy sinh. Mira chỉ còn sống trơ trọi một mình. Lần đầu tiên cô ý thức được hàng cột chắn vô hình ngăn cách cô với hai người đàn ông. Giờ đây, cô trở nên bơ vơ, và cái cảm giác trơ trọi đáng sợ về cảnh bơ vơ ấy như đang đè nặng lên đôi vai mảnh dẻ của cô.
- Chúng phát hiện ra chúng ta – Xtêphan Mátvâyêvích thở dài - Mặc dù chúng ta ẩn nấp và tránh chúng như thế đấy.
- Do lỗi của tôi! – Plugiơnhikốp chồm dậy và lồng lộn bước quanh hầm - Tại tôi. Tại tôi! Hôm qua tôi đã…
Anh im bặt vì suýt nưa xô phải Mira. Mira không nhìn thấy anh, cô đang chìm đắm trong những suy nghĩ riêng và đối với cô, giờ đây chẳng có gì, trừ những ý nghĩ quay cuồng trong đầu. Nhưng đối với Plugiơnhikốp, cô vẫn tồn tại nhờ lòng biết ơn của cô hôm qua, nhờ tiếng gọi «Kôlia!…» đã làm anh phải dừng lại ở ngay tại chỗ xác bà Khơrixchia cháy thành than đang nằm kia. Đối với anh, bí mật của hai người, những lời thì thào của Mira và hơi thở rộn ràng của cô phả vào má anh, đều vẫn đang tồn tại. Vì vậy, anh không dám thú nhận việc thả tên Đức ra để hôm nay hắn dẫn bọn lính phun lửa đến. Sự thú nhận cũng không thể sửa chữa được sai lầm nữa.
- Trung uý, tại sao lại là lỗi của cậu?
Cho đến giờ Xtêphan Mátvâyêvích rất ít khi nói chuyện với Plugiơnhikốp theo cách xưng hô thân tình do có sự khác nhau về tuổi tác và cương vị cấp bậc. Anh ý thức rõ ràng Plugiơnhikốp là người chỉ huy và thường xưng hô với anh đúng như điều lệnh. Nhưng lúc này không có điều lệnh và quy định nào cả mà chỉ có hai người trẻ tuổi và một người đàn ông đứng tuổi với một bên chân bị thương đang thối rữa.
- Tại sao lại là lỗi của cậu?
- Tôi đến đây và sau đó chuyện rắc rối xảy ra. Thím Khơrixchia hy sinh, Vônkốp thì mất tích, rồi cả… đồ chó đểu kia nữa. Tất cả là do tôi. Trước khi tôi đến, các đồng chí đều sống yên lành ở đây.
- Cả những con chuột cũng sống yên lành như vậy. Chúng sinh sôi nảy nở trong sự yên tĩnh ở đây. Anh tự buộc tội mình thế là không đúng đâu, trung uý ạ. Bản thân tôi chẳng hạn, biết ơn anh. Nếu không có anh thì có lẽ chả bao giờ tôi giết được một tên Đức. Thế mà tôi hình như đã giết được một tên đấy. Đã giết được một tên, có phải không? Ở cổng Khôlmxki ấy phải không nào?
Thực ra chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích không giết được tên Đức nào ở cổng Khôlmxki cả, anh đã bắn một băng dài, nhưng đạn đều lên trời. Nhưng anh lại rất muốn tin vào điều ấy, nên Plugiơnhikốp phải xác nhận:
- Theo tôi, hình như là hai tên.
- Tôi không dám nói hai tên, nhưng chắc chắn một thằng đã ngã gục. Chắc chắn như thế. Tôi xin cảm ơn anh, trung uý ạ. Thế tức là tôi cũng diệt bọn Đức. Thế tức là ở đây, tôi không phải là kẻ vô ích…
Ngày hôm ấy họ không ra khỏi hầm. Không phải vì họ sợ bọn Đức – chúng không dám liều mạng chui xuống hầm – mà chính là họ không muốn trông thấy những gì bọn lính phun lửa để lại.
- Ngày mai chúng ta sẽ lên - chuẩn uý nói – Ngày mai tôi vẫn còn đủ sức. Ôi, Khơrixchia, nếu bác chậm một lát, đừng ra cửa hầm vội… Có phải bọn Đức lọt vào pháo đài qua lối cửa Têretxpôn phải không?
- Phải, đúng thế. Nhưng đồng chí hỏi làm gì?
- Chỉ hỏi vậy thôi. Để quan sát xem.
Xtêphan Mátvâyêvích im lặng giây lát, khẽ liếc nhìn Mira. Sau đó, anh đến cạnh, cầm tay cô rồi dắt đến tấm ghế băng:
- Ngồi xuống đây!
Mira ngoan ngoãn ngồi xuống. Suốt ngày nay, cô chỉ nghĩ đến thím Khơrixchia và tình cảnh bơ vơ của mình, cô cảm thấy mệt mỏi vì những ý nghĩ ấy.
- Đêm nay cháu sẽ ngủ bên chú.
Mira sửng sốt nhổm ngay dậy:
- Sao lại thế ạ?
- Đừng sợ, cháu gái ạ - Xtêphan Mátvâyêvích mỉm cười khắc khổ - chú già rồi, già và ốm yếu nữa, ban đêm chú chẳng ngủ được mấy, vì thế chú có thể đuổi chuột cho cháu như bác Khơrixchia ấy.
Mira cúi đầu xuống và quay lại tỳ trán lên vai Xtêphan Mátvâyêvích. Người chuẩn uý già quàng tay ôm lấy cô gái và hạ thấp giọng:
- Chúng ta cần nói với nhau trong lúc trung uý ngủ. Chẳng bao lâu nữa cháu sẽ phải sống một mình với đồng chí ấy. Đừng cãi, bác hiểu rõ điều bác nói.
Đêm đó lại càng có những giọt nước mắt khác rơi trên tấm áo bông cũ kỹ dùng làm gối. Chuẩn uý nói rất nhiều, Mira khóc thút thít rồi ngủ thiếp đi vì kiệt sức. Gần sáng, Xtêphan Mátvâyêvích cũng thiếp đi, cánh tay ôm lấy đôi vai gầy gò đầy tin cậy của Mira.
Xtêphan Mátvâyêvích ngủ không lâu. Giấc ngủ ngắn ngủi làm anh đỡ mệt. Anh tỉnh ngủ hẳn, đầu óc rất minh mẫn và lặng lẽ suy tính kỹ lưỡng con đường hôm nay ông sẽ chọn. Anh đã quyết định dứt khoát và quyết định của anh là hoàn toàn tự giác, có cơ sở vững chắc, không chút do dự và ngờ vực. Anh chỉ còn phác hoạ chi tiết nữa thôi. Rồi sau đó, không muốn làm Mira thức giấc, ông thận trọng ngồi dậy, nhặt những quả lựu đạn buộc thành bó.
- Đồng chí định phá cái gì đấy? – Plugiơnhicốp hỏi khi thấy Xtêphan Mátvâyêvích đang bận rộn cài mấy quả lựu đạn.
- Tôi sẽ tìm được chỗ để dùng – Xtêphan Mátvâyêvích liếc nhìn cô gái đang ngủ và hạ thấp giọng: - Nikôlai, hãy đối xử tốt với cô ấy.
Plugiơnhicốp khẽ rùng mình. Anh trùm chiếc áo khoác lên người và ngáp.
- Tôi không hiểu.
- Hãy đối xử tốt với cô ấy - chuẩn uý nghiêm khắc nhắc lại – Cô ấy còn trẻ dại, lại ốm yếu nữa, đó là điểu anh phải hiểu. Chớ để cô ấy ở lại một mình. Nếu anh quyết định vượt vòng vây thì trước hết phải nghĩ đến cô ấy. Anh phải ra khỏi pháo đài cùng với cô ấy, nếu không cô ấy sẽ chết mất.
- Nhưng còn đồng chí thì sao?
- Chân tôi đã nhiễm trùng, Nikôlai ạ. Tôi phải đi bây giờ. Phải lên mặt đất khi tôi còn sức đi được, khi bàn chân còn bước được. Nếu chết thì chết không vô ích.
- Xtêphan Mátvâyêvích…
- Tất cả chỉ có thế, đồng chí trung uý. Chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích đã kết thúc cuộc chiến tranh của mình. Mệnh lệnh của đồng chí giờ đây không còn tác dụng đối với tôi nữa. Bây giờ chỉ có mệnh lệnh của tôi là có hiệu lực với chính tôi. Và đây là mệnh lệnh cuối cùng của tôi: hãy bảo vệ cô gái và cả bản thân đồng chí. Đồng chí phải sống. Phải quyết sống để trút căm thù vào bọn Đức. Làm việc đó cho cả chúng tôi!.
Ông đứng dậy, để bó lựu đạn ở dưới áo chỗ ngực và lặc lè lê bên chân sưng tấy như đi ủng ra cửa hầm. Plugiơnhicốp vội nói gì đó, van nài gì đó, nhưng chuẩn uý không chịu nghe gì hết. Mọi vấn đề đã được nói cả rồi. Anh nậy những hòn gạch bít miệng hầm ra.
- Cậu nói là chúng đã lọt vào pháo đài qua cổng Têretxpon phải không? Thôi, tạm biệt con trai yêu! Hãy cố mà sống!
Và anh biến khỏi cửa hầm. Mùi khét lẹt phả qua cửa xông vào hầm.
- Chào anh.
Mira chợt thức giấc, cô nhổm dậy trong tấm áo khoác, Plugiơnhicốp đứng lặng lẽ bên cạnh cửa hầm.
- Mùi gì thế nhỉ? …
Nhìn thấy cửa hầm để ngỏ, Mira liền im lặng. Plugiơnhicốp đột ngột chốp ngay lấy tiểu liên:
- Tôi phải ra ngoài bây giờ. Cô không được ra nơi cửa này nhé!
- Kôlia!
Tiếng gọi nghe xa lạ và đầy thất vọng. Plugiơnhicốp đứng dừng lại:
- Chuẩn uý đi rồi, lấy lựu đạn và ra đi. Tôi phải đuổi theo giữ đồng chí ấy lại.
- Chúng ta cùng đi – Mira vội vàng loay hoay trong góc hầm - Nhất định phải đi cùng nhau.
- Cô đi thế nào được? – Plugiơnhicốp quát lên.
- Em biết em què quặt – Mira đáp nhẹ nhàng – Khi ra đời, em đã bị thế này rồi, biết làm sao được. Vả lại, em rất sợ phải ở lại một mình. Em sợ lắm. Em không ở đây một mình được. Anh không cho, em đành phải ra một mình vậy.
- Thì cùng đi.
Anh thắp đuốc lên, cả hai người cùng bò ra khỏi hầm. Mùi khẳm lặm làm cho họ hầu như ngạt thở. Những con chuột đang chạy quẩn quanh bên đống xương cháy sém. Đó là tất cả những gì còn lại của thím Khơrixchia.
- Đừng nhìn vào đấy – Plugiơnhicốp bảo – Khi trở về tôi sẽ mai táng thím ấy.
Những viên gạch ở cửa hầm bị lửa đốt cháy đen. Plugiơnhicốp chui qua lỗ hổng, quan sát xung quanh rồi kéo Mira lên. Cô trèo khó khăn và vụng về, chân luôn trượt khỏi những viên gạch cháy và dễ vỡ. Plugiơnhicốp kéo thẳng cô lên miệng hầm và dắt cô ngồi ngay vào góc cửa, nghiêm khắc dặn:
- Hãy ngồi lại ở đây.
Anh quay lại quan sát lần nữa. Mặt trời chưa mọc và khả năng chạm trán với bọn Đức không lớn lắm, nhưng anh vẫn không dám mạo hiểm.
- Ra đi!
Mira do dự. Plugiơnhicốp nhìn quanh có ý giục cô. Bất chợt, anh bắt gặp một khuôn mặt xanh mướt, hốc hác với đôi mắt rất to đang lo sợ và hoảng hốt nhìn anh. Suýt nữa anh kếu thốt lên. Lần đầu tiên anh trông thấy cô ở ngoài trời giữa ban ngày.
- Hoá ra cô thế này đây!
Mira nhìn xuống, trèo ra ngoài, ngồi trên mấy viên gạch và thận trọng kéo mép váy trùm kín đầu gối. Cô ngước nhìn anh, bởi vì đây cũng là lần đầu tiên cô được nhìn rõ anh, không phải qua ánh lửa bùi nhùi đầy khói và chỉ liếc trộm qua hàng mi dài rủ xuống như một bức màn.
Nếu là trong những ngày hoà bình và có những cô gái khác ở bên cạnh, có lẽ Plugiơnhicốp sẽ không để ý đến cô. Nhìn chung, cô không có những nét đáng chú ý trừ đôi mắt to hơi buồn và hai hàng lông mày dài, nhưng hiện giờ ở đây không còn người nào đẹp hơn cô.
- Hoá ra cô thế này đây!
- Vâng. Thế nào cơ? – cô bực bội nói - Đừng nhìn tôi như thế. Đừng, nếu không tôi chui vào hầm bây giờ.
- Thôi được – anh mỉm cười – tôi không nhìn cô nữa, nhưng cô vẫn phải nghe tôi.
Anh đi thẳng đến chân một bức tường đổ và nhìn quanh. Trong khu sân nhấp nhô đầy hố đạn, không thấy bóng dáng chuẩn uý hoặc bọn Đức đâu cả.
- Cô vào đây.
Mira bước lại gần, chân luôn vấp vào gạch. Plugiơnhicốp ôm vai cô và uốn đầu cô.
- Nấp cho kín. Cô trông thấy cái cổng có tháp kín chứ? Cổng Têretxpon đấy.
- Có, em có biết.
- Đồng chí ấy có hỏi tôi về cái cổng ấy…
Mira không nói gì nữa. Cô nhìn quanh, cố tìm kiếm những nét thân thuộc trong khu pháo đài, nhưng không nhận ra. Nhà ban chỉ huy bị đổ nát. Bộ khung nhà thờ hiện lên màu thẫm, chỉ còn lại những thân cây dẻ trước đây mọc um tùm. Không một bóng người, không một bóng dáng của sự sống còn sót lại trên khu đất tan hoang này.
- Khủng khiếp quá! – Mira thở dài - Thế mà ở dưới đất em cứ nghĩ dầu sao ở trên này vẫn còn có người sống.
- Còn chứ - anh nói – Chúng ta không phải là người duy nhất may mắn. Chắc chắn vẫn có người sống ở một chỗ nào đó, nếu không, làm gì có tiếng súng mà chúng ta nghe thấy. Tôi sẽ đi tìm, quanh đây có lẽ vẫn còn người.
- Tìm họ đi – Mira khẽ khẩn khoản – Anh hãy đi tìm họ đi.
- Nằm im, bọn Đức đấy! – Anh giật giọng nói – Hãy bình tĩnh. Nhớ đừng nhìn ra ngoài đấy.
Từ cổng Têretxpon, một tốp ba tên Đức đi tuần hiện ra. Chúng đứng lại trước vòm cửa đen ngòm rồi thủng thẳng đi dọc theo khu doanh trại để sang cổng Khôlmxki. Từ xa có tiếng hát văng vẳng. Một thứ giọng ồm ồm như giọng của năm mươi người đang gào toáng lên chứ không phải đang hát. Tiếng hát to dần và Plugiơnhicốp nghe thấy tiếng chân bước, anh liền nhận ra một tốp lính Đức đang vừa đi vừa hát dưới vòm cổng Têretxpon
- Xtêphan Mátvâyêvích ở đâu nhỉ? – Mira có vẻ băn khoăn cất tiếng hỏi.
Plugiơnhicốp lặng thinh. Tốp đi đầu của toán lính Đức xuất hiện giữa cổng. Chúng đi theo hàng ba và hát vang. Ngay lúc ấy, anh thoáng thấy một bóng đen lao từ trên đỉnh tháp bị trái phá bắn sạt, và rơi đúng vào đội hình bọn Đức. Và cũng ngay trong khoảnh khắc đó, tiếng nổ vang của hai chùm lựu đạn phá tan cảnh yên tĩnh ban mai.
- Xtêphan Mátvâyêvích đấy! – Plugiơnhicốp reo lên - Đồng chí ấy đấy, Mira ạ! Chính đồng chí ấy rồi!…
… Suốt ngày hôm ấy họ im lặng ngồi dưới hầm. Không chỉ im lặng, họ còn tránh gặp nhau chừng nào có thể tránh được. Nếu một người đến gần bàn thì người kia vờ đi vào góc tường và góc xa hơn. Thậm chí, họ không nhìn nhau và rất sợ vô tình đụng phải nhau trong bóng tối.
Sau cái chết của chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích, Mira nhất quyết từ chối không chịu trở lại hầm. Cô rên rỉ và khóc thổn thức. Sau khi chạy tán loạn và hoảng sợ vì những tiếng nổ bất ngờ, bọn Đức lại càn quét khu vực đổ nát, chúng quăng lựu đạn và xả súng phun lửa xuống các đường hầm. Chúng sục sạo mọi nơi, mọi hướng, bất cứ lúc nào chúng cũng có thể gặp hai người. Vậy mà Mira vẫn khóc, vẫn nằm lăn trên những hòn gạch vỡ. Plugiơnhicốp không sao dỗ cô im lặng được. Nhiều lúc, anh tưởng nghe thấy tiếng quát tháo của bọn Đức, cùng tiếng giày đinh và tiếng vũ khí va nhau lách cách. Cuối cùng, anh đành phải bế thốc Mira lên và đưa cô vào hốc tường.
- Bỏ tôi ra… - Đột nhiên cô thôi không giãy giụa nữa - Bỏ tôi xuống. Anh có nghe thấy không?
- Không.
Cô rất nhẹ, nhưng cái cơ thể mềm ấm ấy làm cho tim anh đập rộn rã. Mặt cô áp sát vào mặt anh, anh trông rõ những giọt nước mắt trên má cô, nghe rõ hơi thở của cô. Sợ ép có vào mình, anh phải bế cô, cố đưa tay về phía trước. Cô nhìn thẳng vào mặt anh, trong ánh mắt đen láy và sâu thẳm ấy, ánh lên vẻ sợ hãi kinh hoàng mà anh không hiểu nổi.
- Em van anh, hãy đặt em xuống – cô dịu dàng khẩn khoản một lần nữa – Em van anh đặt em xuống.
Vào sát hốc tương, Plugiơnhicốp đặt Mira xuống. Anh nhìn quanh lần cuối cùng và khi nghe rất rõ tiếng chân đang đến gần, anh khẽ thì thầm:
- Lăn xuống đi!
Mira hơi chần chừ, Plugiơnhicốp nhớ ngay đến cái nịt thân của cô và hiểu rằng cô không thể nhảy xuống được, nên đã ngăn cô lại:
- Để tôi xuống trước.
- Không, không – Cô hốt hoảng thốt lên.
- Đừng sợ. Còn kịp.
Trườn người qua lỗ hổng, anh nhảy xuống nền hầm và gọi cô:
- Lăn vào đi! Nhanh lên!
Mira vấp phải những hòn gạch dễ bong lở, nhưng Plugiơnhicốp đã đỡ được cô và ôm chặt lấy cô trong khoảnh khắc. Cô im lặng và ngoan ngoãn áp mặt vào vai anh, nhưng sau đó cô đẩy anh ra và vội lê bước dọc theo ngách hầm. Anh đứng ở trước cửa hầm một lúc, nhưng không nghe thấy gì ở bên trên ngoài nhịp tim đập mạnh. Vào trong hầm, anh không biết nói gì. Anh rất muốn nói chuyện và ngạc nhiên trước sự im lặng của mình. Anh nhắm mắt lại, lúc nào cũng cảm thấy Mira đang ở ngay bên cạnh, và giờ đây anh còn cảm thấy trên đời này, ngoài họ ra, không còn ai khác.
Ở trong anh đang có những tình cảm trái ngược - một mặt là sự xót thương trước cái chết của thím Khơrixchia và Xtêphan Mátvâyêvích, một mặt là niềm hạnh phúc thầm lặng có bên cạnh một cô gái ốm yếu và bơ vơ; một mặt là lòng căm thù bọn Đức, một mặt là tấm thân ấm áp, ngỡ ngàng của cô gái; một mặt là ý chí ngoan cường tiêu diệt kẻ thù, một mặt là ý thức lo lắng trước trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người khác - tất cả những cái ấy sôi động trong anh một cách hài hoà như một tổng thể thống nhất. Chưa bao giờ anh cảm thấy mình mạnh khoẻ và can đảm như lúc này. Chỉ có một việc duy nhất anh không thể làm được là vươn tay ra chạm vào người cô gái. Anh rất muốn làm như vậy, nhưng không sao làm được.
- Anh ăn nhé! – Mira cất giọng dịu dàng.
Hình như trên kia, mặt trời đã lặn. Họ im lặng suốt ngày và cũng nhịn đói cả ngày. Cuối cùng, Mira đã kiếm được thức ăn và đặt lên bàn, rồi chính cô là người đầu tiên phá tan im lặng. Nhưng họ vẫn ngồi ăn riêng mỗi người một góc bàn.
- Cô ngủ đi. Tôi không ngủ đâu.
- Em cũng thế - cô đáp rất nhanh.
- Sao vậy?
- Vì không ngủ được.
- Sợ chuột phải không? Đừng lo, tôi sẽ đuổi chuột cho cô.
- Anh định đêm nào cũng thức à? – Mira lại thở dài – Anh đừng quá lo lắng cho em, em quen rồi.
- Ngày mai tôi sẽ tìm đường và sẽ đưa cô vào thành phố.
- Còn anh?
- Tôi sẽ trở lại đây. Ở đây có súng đạn, tha hồ mà đánh.
- Đánh – cô lại thở dài - Một mình anh đánh nhau với chúng? Liệu anh có thể làm gì được chúng?
- Sẽ chiến thắng.
Anh bỗng buột miệng, không hề nghĩ ngợi, chính anh cũng ngạc nhiên là đã nói như vậy. Nhưng anh vẫn cứng cỏi nhắc lại:
- Sẽ chiến thắng. Nếu có ý chí, dù chỉ còn một mình cũng không ai chinh phục nổi. Có thể giết được anh ta, nhưng như thế không có nghĩa là đã chinh phục được anh ta. Bọn phát xít không phải là con người, vì vậy tôi phải thắng chúng!
- Anh nhầm rồi! – Cô bỗng cười gượng gạo rồi im bặt một cách sợ hãi. Hình như tiếng cười không thích hợp với căn hầm âm u và đầy khói này.
- Không thể thắng được con người. Đó là chân lý – Plugiơnhicốp chậm rãi nhắc lại - Chả lẽ chúng nó đã thắng Xtêphan Mátvâyêvích? Chả lẽ Vôlôđia Đênhisich nữa? Hay là ông y sĩ ở hầm: cô có nhớ tôi đã nói về ông ta không? Không, chúng chỉ giết được họ thôi. Chỉ cướp được cuộc sống của họ thôi, hiểu chứ? Chúng chỉ làm được có thế.
- Chừng ấy cũng đủ rồi.
- Không, tôi không muốn nói thế. Thí dụ như Prigiơnhiúc, bọn Đức quả thực đã giết chết hắn dù hắn vẫn sống. Còn một người chân chính thì không ai có thể chiến thắng được, dù đã giết được anh ta. Con người chân chính cao hơn và vĩ đại hơn cái chết, cô ạ.
Plugiơnhicốp dừng lời, Mira cũng im lặng và chợt hiểu rằng không phải anh nói với cô mà là nói với chính anh, do vậy cô cảm thấy tự hào vì anh, tự hào nhưng vẫn lo sợ, vì trước mắt anh chỉ có một con đường thoát duy nhất – đó là cái chết. Anh đã tự thuyết phục mình, anh cũng đã tự phán xét mình một cách xúc động và thành khẩn, Mira đã khuất phục được anh bằng một mệnh lệnh chính cô cũng không hiểu nổi, cô đứng dậy, bước đến cạnh và ôm lấy vai anh. Cô muốn ở cạnh anh lúc này, cô muốn chia sẻ số phận của anh, muốn gắn bó với anh, và qua bản năng, cô cảm thấy sự gắn bó ấy đòi hỏi sự chung đụng.
Nhưng bỗng nhiên Plugiơnhicốp đẩy cô ra, anh đứng dậy, bước về cuối bàn. Anh nói, giọng khác hẳn:
- Mai tôi đi tìm đường và ngày kia cô sẽ đi khỏi đây.
Mira tuy nghe rõ, nhưng cô không chấp thuận. Tâm trí cô như đảo lộn hết, cử chỉ của anh một lần nữa như nhắc cho cô biết cô chỉ là một cô gái qùe quặt, và anh chẳng bao giờ, chẳng khi nào quên được điều ấy. Một lần nữa cái cảm giác hãi hùng của sự cô đơn lại trỗi dậy, làm cô ngã quỵ trên ghế, hai tay bưng lấy mặt và khóc nức nở như con trẻ.
- Cô làm sao thế? – Plugiơnhicốp ngạc nhiên kêu lên - Tại sao cô khóc?
- Mặc kệ tôi – cô nấc lên, nghẹn ngào - Mặc kệ tôi, anh muốn đi đâu thì đi. Nhưng xin nhớ rằng tôi không cần anh thương hại. Không, không đâu!
Ngập ngừng bước đến bên cô, anh lặng đi giây lát rồi vụng về xoa đầu cô như thể cô còn bé bỏng lắm.
- Đừng đụng vào tôi! – Cô chồm dậy, hất tay anh ra – Tôi có mặt ở đây không phải do lỗi của tôi, tôi sống sót không phải do lỗi của tôi, tôi què quặt không phải do lỗi của tôi. Tôi không có tội tình gì cả, và anh đừng thương hại tôi.
Đẩy anh ra, cô đi về chỗ nằm trong góc hầm và gieo mình xuống giường. Plugiơnhicốp đứng lặng đi một lúc, anh lắng nghe cô nức nở, rồi lấy cái áo bông của chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích đắp lên vai cô. Cô hất áo xuống, anh lại đắp lên, cô lại hất xuống và anh lại đắp lên lần nữa. Lần này Mira không hất áo xuống mà chỉ nấc lên một cách đáng thương rồi thu mình lại, nằm bất động. Plugiơnhicốp mỉm cười bước đến bên bàn, ngồi xuống. Anh lắng nghe tiếng thở nhẹ của cô gái đã được ấm áp hơn. Anh mở xắc-cốt, lấy ra tấm sơ đồ pháo đài anh đã nhờ Xtêphan Mátvâyêvích vẽ hộ, rồi bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ để trinh sát ngày mai. Sau đó, anh không biết mình đã gục xuống bàn ngủ từ lúc nào.
- Anh tha lỗi cho em – sáng hôm sau, Mira nói với anh.
- Về việc gì chứ?
- về tất cả. Về việc em đã khóc và nói năng ngu ngốc. Em sẽ không làm như thế nữa.
- Nhất định rồi – anh mỉm cười - Chắc chắn cô sẽ làm được vì cô còn trẻ con lắm.
Vẻ dịu dàng trong giọng nói của anh gợi lên trong cô tình cảm ấm áp, và cũng gợi lên trong cô vẻ dịu dàng tương ứng. Cô chìa tay ra định nắm lấy tay anh, định vuốt ve anh, trái tim cô đang đau thắt lại trước vẻ dịu dàng trung hậu nhưng không ràng buộc gì ai cả. Song, cô đã kịp dừng tay lại và quay đi, còn anh, anh cũng quay đi và khẽ chau mày. Nhưng, sau khi anh bỏ đi, cô lại nghẹn ngào thương anh, và thương cả mình nữa, cái vẻ dịu dàng và lòng thương xót ấy lại dày vò cô.
Bọn Đức hoạt động khẩn trương hơn thường lệ. Có lẽ chúng run sợ trước tiếng nổ hôm quá, hoặc đang chuẩn bị một hoạt động gì đó. Những đống đổ nát gần cổng Têrétxpôn được dọn quang, những đội tuần tra mạnh được rải ra khắp nơi, không thấy bóng dáng và cũng không nghe thấy tiếng ồn ào của tù binh mà anh đã nhìn quen mắt đâu cả. Có sự kiện gì đó đang xảy ra ở cổng ba vòm, anh nghe thấy cả tiếng máy đang chạy ầm ỳ. Plugiơnhicốp quyết định mở một con đường đến khu tây bắc pháo đài để quan sát xem liệu họ có thể vượt qua sông Mukhavét và lọt qua được tuyến phòng thủ vòng ngoài hay không.
Anh không có quyền liều lĩnh, vì vậy anh hành động hết sức thận trọng, cố tránh những khoảng đất trống trải. Có lúc anh phải bò sát đất mặc dù không có dấu hiệu nào về sự có mặt của đội tuần tra. Hôm nay anh không muốn dùng đến súng và không muốn phải chạy tháo thân, anh chỉ mong tìm được một khe hở nào đó có thể luồn qua để ra khỏi pháo đài, tìm đến một nhà dân gần nhất và gửa cô gái ở lại với họ.
Plugiơnhicốp nhận thấy chuẩn uý Xtêphan Mátvâyêvích hoàn toàn có lý khi bảo anh phải đưa Mira đi bằng bất cứ giá nào. Anh hiểu điều đó hoàng toàn phụ thuộc vào anh, nhưng trong thâm tâm, anh lại sơ phải ở lại một mình giữa khu pháo đài hoang tàn này. Tất nhiên anh có thể cùng thoát ra với Mira, rồi kiếm lấy một bộ thường phục, tìm đường vào rừng, nơi ấy chắc chắn sẽ có các chiến sĩ và những sĩ quan Hồng quân cũng bị lạc đơn vị. Và làm thế không có nghĩa là anh đào ngũ hoặc phản bội lại mệnh lệnh. Anh chưa được phiên chế vào đơn vị, anh còn tự do, song chính điều đó đã buộc anh phải đi đến một quyết định độc lập có lợi nhất xét theo quan điểm quân sự. Đứng về phương diện quân sự, quyết định thông minh nhất lúc này là ở lại pháo đài, nơi có đủ đạn dược, thực phẩm và hầm chiến đấu. Ở đây anh có thể chiến đấu chứ không chạy loanh quanh trong một khu rừng chưa hề biết đến.
Cuối cùng, anh tới được chỗ hầm ngầm và tiếp tục lên lách để ra được khúc sông Mukhavét. Tại đây, bọn Đức và máy ủi của chúng đang làm việc ầm ĩ ở cổng ba vòm không thấy được anh. Anh hy vọng sẽ ra được sát mặt sông và có thể vượt sang bờ bên kia. Nhưng trước hết anh phải luồn qua những đường hầm bất tận chỉ có ánh sáng lọt qua lỗ đạn và lỗ hổng.
- Đứng lại!
Plugiơnhicốp đứng sững lại. Tiếng quát bất ngờ đến nỗi anh không sao nhận được đấy là tiếng Nga. Anh chưa kịp hoàn hồn thì một mũi súng tiểu liên đã chĩa vào ngực.
- Bỏ súng xuống!
- Ồ, các anh… Plugiơnhicốp nghẹn ngào vì hồi hộp – anh em ơi, cánh mình cả đây mà! Ôi, anh bạn thân mến ơi!…
- Có thể là chúng tôi thân mến với anh, nhưng anh là ai?
- Là lính, anh em ạ. Tôi là trung uý Plugiơnhicốp…
Họ chặn anh lại giữa lối rẽ trong đường hầm tối đặc sau khi anh đã đi qua một ngách hầm tương đối sáng, anh không nhìn thấy ai người một bóng người trước mặt. Phía sau anh cũng có người, nhưng anh không trông rõ, mà chỉ cảm thấy.
- Anh bao anh là trung uý à? Được rồi, mời anh ra chỗ sáng, trung uý.
- Vâng, tôi ra, tôi ra đây! – Plugiơnhicốp reo mừng – Các anh ở đây có mấy người?
- Rồi ta sẽ biết.
Họ là hai người, râu tóc bò xù phủ lấp cả trán, áo xống rách tơi tả. Họ xưng tên.
- Trung sĩ Nêbôgatốp
- Binh nhất Klimbốp.
- Kế hoạch của anh thế nào, trung uý? - Nêbôgatốp hỏi sau khi đã làm quen - Kế hoạch của chúng tôi là tìm đường vào rừng Bêlôvedơxcaia. Đáng lẽ chúng tôi đi từ lâu, nhưng không có đạn. Tôi đã đánh lừa anh khi chặn anh lại.
- Nhưng đã có tôi đứng phòng phía sau. Tôi xoay được một con dao găm của bọn Đức - Klimbốp cười dữ tợn.
Thắt lưng của anh ta lủng lẳng một con dao găm Đức khá dài đút trong cái bao da đen.
- Chúng ta sẽ cùng ra – Quá vui trước cuộc gặp gỡ bất ngờ, Plugiơnhicốp quên hẳn quyết định của mình là chiến đấu đến cùng tại pháo đài. - đạn thì vô khối, thiếu gì thì thiếu, chứ đạn không thiếu. Lại còn cả thức ăn và đồ hộp nữa…
- Đồ hộp à? – binh nhất Klimbốp hỏi lại vẻ hoài nghi. - Đồng chí sống xa hoa quá đấy, trung uý ạ.
- Dẫn chúng tôi đến chỗ để đồ hộp – trung sĩ Nêbôgatốp cười mỉa – Tôi không nhớ lần cuối cùng tôi ăn là vào hồi nào. Chúng tôi chỉ nhấm nháp những gì kiếm được như những con chuột chẳng hạn.
Plugiơnhicốp dẫn hai người về hầm mình bằng con đường ngắn nhất. Anh chỉ cho họ biết một kẽ hở ít người biết đến. Anh kể cho họ nghe cuộc tiến công bằng súng phun lửa và cái chết của bà Khơrixchia. Song anh không nói gì về tên Đức đã dẫn đường cho bọn lính phun lửa đến đây,vì nhắc đến tên tù binh được anh thả ra ấy, sẽ không ích gì đối với hai người lính đen nhẻm, hốc hác đến kinh khủng vì đói ăn và mệt mỏi này
- Mira! - từ ngoài ngách hầm anh đã gọi – Mira, chúng tôi đây, đừng sợ.
- Mira nào thế! – trung sĩ Nêbôgatốp hỏi lại vẻ sửng sốt.
Anh ta là người bước vào hầm đầu tiên, Khi Plugiơnhicốp và binh nhất Klimbốp chưa vào kịp, anh ta đã ngạc nhiên thốt lên:
- Mira, chính cô đấy ư? Tôi không tin ở mắt mình nữa!
- Nêbôgatốp!… - cô hổn hển đáp lại – Tôlia Nêbôgatốp, anh còn sống ư?
- Chết như một con cá ấy, Mira ạ! – anh ta cười - bị phun khói, ướp muối và khô quắt đi!
Vì mừng quá, Mira dọn ra bàn tất cả những gì cô giữ được, Plugiơnhicốp muốn ngăn không cho họ ăn nhiều nhưng trung sĩ Nêbôgatốp bảo đảm rằng họ thừa hiểu phải cho phép mình ăn đến mức nào. Nêbôgatốp sôi nổi hẳn lên và thích nói đùa, trêu trọc Mira, còn anh chàng binh nhất Klimbốp chỉ im lặng nhìn cô với vẻ nghi ngờ và theo như Plugiơnhicốp thầm nghĩ thì còn thiếu thiện cảm nữa.
- Trung uý ạ, anh sa vào chĩnh gạo đấy! Chẳng khác gì con bò lạc vào rừng Bêlôvedơxcaia.
Plugiơnhicốp không ưng câu nói đùa đó. Binh nhất vẫn im lặng chờ đến lúc Mira rời khỏi bàn mới cất giọng bực bội hỏi:
- Cô ta thế nào? Cũng đi với chúng ta chứ?
- Tất nhiên! - giọng Plugiơnhicốp đầy vẻ thách thức – Cô ấy là một cô gái tốt, dũng cảm, không sợ bất cứ thứ gì, trừ chuột.
Nhưng Klimbốp không có ý định nói đùa. Anh ta liếc mắt trao đổi với Nêbôgatốp. Khi viên trung sĩ lim dim mắt nhìn xuống thì Plugiơnhicốp hiểu rằng đối với hai người này, quyền lãnh đạo không phụ thuộc vào quân hàm.
- Cô ấy bị thọt chân
- Vâng, thì có sao? Thọt thì không được như người khác à?…
Anh ngừng bặt. Giấu chuyện Mira bị thọt chẳng có nghĩa lý gì, nhưng dù cô ấy có lành lặn đi chăng nữa, chưa hẳn anh chàng binh nhất khinh khỉnh kia đã chịu chấp nhận cho cô đi theo: Plugiơnhicốp nhận ra ngay điều đó.
- Tôi dự định đưa cô ấy đến một nhà dân gần nhất!…
- Đến chỗ viên đạn gần nhất thì có! - Klimbốp cắt lời một cách lỗ mãng và tàn nhẫn. Làm gì có nhà dân, chỉ có bọn Đức thôi. Chúng ta phải tránh xa dân. Không được chạy thẳng vào nhà dân với những bộ quân phục như thế này.
- Nói năng kỳ cục thế! Chúng ta không thể để cô ấy lại đây, phải không?
- Cứ để cô ấy tự trốn một mình. Nhưng phải đi sau chúng ta, nếu không cô ấy sẽ tố giác chúng ta ngay từ câu thẩm vấn đầu tiên. Thế nào, trung sĩ, sao anh không nói gì cả?
- Chúng ta không thể mang cô ấy đi được - Nêbôgatốp miễn cưỡng trả lời.
- Còn bỏ rời thì được à? Có thể như thế được không? Tôi hỏi anh đấy, trung sĩ Nêbôgatốp ạ. Có thể bỏ rơi cô ấy được không?
Ở trong hầm vòm, tiếng nói vang đi rất xa. Mira đã nghe rõ từng chữ một. Hơn nữa giờ đây, họ không kiềm chế được mình, họ đã quên cô, dường như không phải họ đang quyết định số phận của cô mà là đang quyết định điều gì đó quan trọng hơn nhiều. Đối với Mira cũng vậy, điều hệ trọng lúc này không phải là những gì sẽ xảy đến với cô, mặc dù tim cô đang lạnh giá trước ý nghĩ kinh hoàng: họ sẽ bỏ cô lại và ra đi. Song dù vậy, điều quan trọng nhất vẫn là nghe xem Plugiơnhicốp trả lời ra sao trước những ý kiến của hai người kia. Thu mình trong bóng tối góc hầm xa nhất, nơi những con chuột từ lâu đã quen không biết sợ cả người lẫn tiếng động, Mira chỉ lắng nghe Plugiơnhicốp, chỉ nuốt lấy từng lời của anh, sự phản bội mà họ đang ép anh phải chấp nhận còn đáng sợ hơn nhiều so với số phận của riêng cô.
- Nào, anh hãy thử hỏi mình xem, chúng ta sẽ mang cái gánh nặng này đi đâu? - Nêbôgatốp cất giọng khản đặc – Bên kia tường toàn là động ruộng, chúng ta sẽ bò sát đất suốt hai kilômét. Cô ấy bò làm sao được?
- Bò bằng bên chân thọt! – Binh nhất Klimbốp nói chen vào
- Các anh nói gì vậy? – Plugiơnhicốp vặn lại, khó khăn lắm anh mới kìm được cơn phẫn nộ - Các anh chỉ biết lo cho cái mạng các anh thôi, chỉ thế thôi! Chỉ biết lo cho cái xác của các anh! Còn tính mạng của cô ấy thì sao? Các anh không nghĩ đến cô ấy à?
- Đây không phải là chuyện suy nghĩ…
- Không, chúng ta phải suy nghĩ! Chúng ta có nghĩa vụ phải suy nghĩ!
- Anh chẳng bao giờ đến được nhà dân đâu – trung sĩ Nêbôgatốp nói - Chẳng đời nào đến được, anh hiểu chưa? Chúng ta thử xem. Chỗ nào cũng có bọn Đức đi tuần và canh gác suốt ngày đêm. Chúng lập một hàng rào cảnh vệ quanh pháo đài. Chúng vẫn săn lùng chúng ta, vậy mà anh còn bảo suy nghĩ.
- Chúng ta là Hồng quân! – Plugiơnhicốp khẽ nói – Chúng ta là Hồng quân, các anh hiểu không?
- Hồng quân?… - Klimbốp bật cười, vẻ ác độc – Sao trung uý không bê cả Đoàn thanh niên C-S vào nhân thể?
- Tôi không quên đâu! – Plugiơnhicốp gầm lên – đây là thẻ đoàn của tôi, nó nằm trong trái tim tôi! Tôi chỉ rời bỏ nó khi tôi trút hơi thở cuối cùng, hiểu chứ?
- Không còn Hồng quân nào hết! - Klimbốp gào lên, một ngọn lửa yếu ớt của cây đèn dầu lay động chập chờn trên mặt bàn – Không còn Hồng quân, không còn Đoàn thanh niên C-S! Không còn gì hết!
- Im ngay!
Căn hầm lặng hẳn xuống. Nêbôgatốp cười khẩy:
- Anh chỉ huy chúng tôi chắc?
- Không phải tôi chỉ huy, mà là tôi hạ lệnh cho các anh! – Plugiơnhicốp đáp, cố kìm lòng lại - Ở đây tôi là người có quân hàm cao nhất. Tôi hạ lệnh cho anh phải đi trinh sát, tìm đường vào thành phố và mang cô gái đến đấy. Sau đó các anh hãy nghĩ đến tính mạng của cá nhân các anh.
- Anh nói thế đấy hẳn? - Nêbôgatốp vặn lại, anh ta vẫn mỉm cười – Nhưng nếu chúng tôi không phục tùng thi anh nghĩ sao? Anh báo cáo cấp trên chắc? Anh sẽ lập biên bản chắc?
- Khoan, Tôlia! - Klimbốp ngắt lời - Chỉ có kẻ đần độn mới cãi nhau. Chúng ta đang cần nhau.
- Chúng tôi không cãi nhau…
- Vấn đề trước mắt là đưa được Mira vào thành phố. Mọi vấn đề khác sẽ được giải quyết sau.
- Tôi không hiểu. Anh làm sao thế? Mất trí hay bị chấn thương đấy?
- Im đi, Tôlia! - Klimbốp vươn người qua bàn – Anh muốn gì ở cô gái què quặt ấy, trung uý? Giá cô ta ngon lành đôi chút thì tôi còn hiểu - một chút tình thương cũng đúng thôi. Nhưng đằng này cô ta lại tàn tật…
Khuôn mặt xồm xoàm ghé sát bên tai, Plugiơnhicốp choáng váng đấm cho hắn một quả. Klimbốp ngã về phía sau, hắn sờ tay vào cán dao găm. Plugiơnhicốp chộp ngay lấy khẩu súng tiểu liên.
- Đặt tay lên bàn!
Klimbốp thẫn thờ bỏ cán dao và đặt cả hai tay lên bàn to gân guốc ra trước mặt. Plugiơnhicốp biết súng của họ không có đạn, nhưng họ có hai mà anh chỉ có một mình.
- Đồ vô lại! - Klimbốp chửi và thở hổn hển - Đồ rác rưởi! Rúc đầu ở đây với một con trẻ ranh… Đợi hết chiến tranh chắc.
- Từng đứa một, ra khỏi đường hầm ngay tức khắc! – Plugiơnhicốp nghiêm khắc ra lệnh – Tôi cảnh cáo các anh: tôi không biết đùa đâu. Súng tôi đang đầy đạn.
Anh chĩa mũi súng về phía cửa hầm đã bít kín và siết cò. Tiếng súng đanh giòn nổ vang cả hầm, Nêbôgatốp và Klimbốp vội đứng dậy.
- Chúng tôi không thể đi ra nếu không có vũ khí - Nêbôgatốp hổn hển.
- Hãy cầm lấy súng của các anh.
Họ lặng lẽ nhặt hai khẩu súng không đạn. Klimbốp đi ra cửa hầm trước, chần chừ định nói gì nhưng lại thôi, chỉ lặng lẽ trèo ra ngoài.
- Lối lên nằm bên tay trái, ngay đầu đường ngách – Plugiơnhicốp dặn trung sĩ Nêbôgatốp.
Anh ta lặng lẽ gật đầu, nhưng cứ đứng trước cửa ngách, chưa chịu lách ra.
- Anh còn đợi gì nữa? Chúng ta không còn gì để nói với nhau đâu.
- Anh hứa cho chúng tôi ít đạn, trung uý ạ. Anh hãy đưa cho chúng tôi và chúng tôi sẽ vượt vòng vây đêm nay.
Plugiơnhicốp không nói gì.
- Trung uý, hãy thương chúng tôi - Nêbôgatốp cầu khẩn – Không có đạn, chúng tôi chịu chết.
Plugiơnhicốp quay vào chỗ tối, đá một hộp đạn cho Nêbôgatốp. Hộp đạn sắt sát mạnh lên nền gạch.
- Cảm ơn! - Nebôgatốp nhấc hộp đạn lên – Chúng tôi sẽ đi ngay đêm nay. Tôi xin hứa với anh như vậy. Nhưng dầu sao anh cũng là một thằng ngốc, trung uý ạ.
Anh ta biến mất sau cửa hầm.
Như một cái máy, Plugiơnhicốp đóng chốt an toàn và đặt súng vào chỗ cũ, cạnh miệng hầm, rồi trở lại bàn và gieo mình xuống ghế dài. Anh không chờ đợi Klimbốp và Nêbôgatốp quay trở lại sau khi đã nạp đạn vào ổ súng, nhưng lòng anh cảm thấy chán nản và nặng nề. Niềm vui của anh trước cuộc gặp gỡ bất ngờ này thật mới mẻ và lớn lao biết chừng nào, nhưng bây giờ nó đã làm anh thất vọng, cái kết thúc đột ngột này hình như làm anh kiệt sức, tựa như hai con người ấy đã cướp đi một phần niềm tin của anh, sự mất mát này làm lòng anh đau nhói. Cơn phẫn nộ của anh đã qua, chỉ để lại cho anh sự trống trải ngột ngạt và nỗi đau vò xé trong tim.
Hơi thở rộn ràng và đột ngột buộc anh ngẩng đầu lên: Mira đã đứng sát ngay bên cạnh.
- Chúng đi rồi – anh thở dài – tôi cho chúng đạn. Chúng nó muốn phá vây trong đêm nay.
- Em không quỳ được - giọng cô run run và vang lên bất ngờ - Tại cái chân giả của em. Nhưng nếu bỏ nó ra thì em sẽ quỳ được. Em sẽ….
Cô nghẹn ngào im lặng. Cô đứng nguyên, hai tay run rẩy ôm lấy ngực, răng cắn vào đôi môi lập bập, và những giọt nước mắt trào xuống má. Anh đưa tay ra lau nước mắt cho cô, nhưng cô lại nắm chặt lấy tay anh và điên cuồng hôn tới tấp lên bàn tay ấy. Anh hoảng hốt giật tay ra, nhưng cô nắm chặt hơn trong hai bàn tay mình và ghì nó vào ngực, giống như lần trước trong đường hầm cô đã ghì như vậy, nhưng lần ấy tay anh đang cầm súng.
- Ôi, em sợ. Em sợ quá!
- Sợ anh đi với chúng phải không?
- Không, điều đó chưa phải là đáng sợ, em sợ nghe anh nói, sợ anh không nói những lời như đã nói với họ.
- Nói thế nào?
- Không nói như người em thầm yêu. Anh đừng hỏi gì nữa! Đừng nói gì hết! Em biết, em là người thế nào, đừng nghĩ em có thể quên được điều đó. Trong đời em, từ lâu, mọi người, kể cả trẻ con lẫn người lớn, đều thương hại em! Mà khi người ta đã thương hại thì có nghĩa là họ chỉ thương miệng thương môi thôi, anh hiểu chưa? Còn anh, vì em mà anh đã ở lại đây, vì em mà anh đã đuổi họ đi, anh không bỏ rơi em, không bỏ em, quẳng em cho bọn Đức như mấy người kia đề nghị! Em nghe thấy hết, em nghe rõ từng lời anh nói!
Ghì chặt tay anh vào ngực, cô vừa nói vừa nức nở, vừa run bần bật như người sốt rét. Mọi đức tính của cô: tính nhút nhát thận trọng thường ngày cùng sự thẹn thùng bẽn lẽn, đều như sụp đổ hết ra. Lòng biết ơn chân thành và nồng nhiệt của cô như một lò than hồng có thể nung chảy mọi xích xiềng, trong cô tràn ngập tình yêu thương đầy ngọt ngào, làm cho cô quên đi tất cả, cô nóng lòng muốn trình bày, muốn thổ lộ mọi điều với anh mà không mong chờ, không hy vọng được đền bù gì cả.
- Trong đời em, chưa bao giờ em dám mơ tưởng đến tình yêu! Suốt từ lúc em là một cô gái bé bỏng cho đến nay, tất cả mọi người đều chỉ khẳng định với em một điều duy nhất: em què quặt, em sẽ bất hạnh, em sẽ không được như những cô gái khác. Thậm chí cả mẹ em cũng bảo thế, vì mẹ em thương em, muốn em quen với ý nghĩ đó để em đừng nghĩ ngợi, để em đỡ đau lòng. Rồi sau đó, em quen thật, quen thực sự, vì vậy, chưa bao giờ em có bạn gái mà chỉ có bạn trai thôi. Bọn bạn gái luôn nói đến tình yêu và những lời dự định, còn em, em có gì để dự định và mơ ước? Vâng, có thể là em đang nói năng ngu ngốc, thậm chí còn rồ dại nữa, nhưng em biết anh hiểu em, phải không anh? Tình thực em không thể im lặng, em sợ. Nếu em dừng lời, anh sẽ nói, anh sẽ bảo em là cô bé ngốc nghếch, lúc này không phải là lúc để yêu đương. Nhưng tình thế như thế này đâu phải là lỗi của chúng ta. Kôlia, chúng ta không có lỗi gì cả phải không? Em rất sợ phải im lặng, nhưng bây giờ em lại không đủ sức nói thêm nữa. Em không đủ sức và em sợ. Em sợ phải đứng một mình trong bóng tối câm lặng, em sợ cả những điều anh sắp nói…
Plugiơnhicốp ôm lấy cô gái, trìu mến hôn nhẹ lên đôi môi sưng phồng của cô và cảm thấy môi cô có máu.
- Lúc họ cố bắt anh ra đi, em phải cắn chặt môi để khỏi bật thét lên.
- Em có đau không?
- Trước đây chưa ai hôn em bao giờ. Trên kia là chiến tranh. Nhưng ở dưới này, em đang sống hạnh phúc, niềm hạnh phúc tràn trề đến nỗi em cảm thấy ngực em như sắp nổ - Mira áp sát vào ngực anh và nói vừa đủ nghe như một hơi thở thoảng qua – Anh đừng ngồi suốt đêm bên bàn nữa. Hãy nằm xuống và ngủ đi anh. Em sẽ ngồi bên cạnh và đuổi chuột cho anh. Em sẽ ngồi suốt đêm này sang đêm khác, ngồi suốt đời, ngồi suốt những năm còn lại. Kôlia, mà chúng ta còn được sống…
…Nói mãi mà vẫn không hết chuyên. Họ nằm bên nhau dưới chiếc áo khoác và chiếc áo bông, sưởi ấm cho nhau, hai trái tim cùng đập chung một nhịp, lúc mãnh liệt, lúc mệt mỏi.
- Em gái anh có giống anh không?
- Không giống lắm. Nó giống mẹ anh, còn anh giống bố anh.
- Chắc bố anh đẹp lắm. Điều đó rất quan trọng anh ạ.
- Tại sao?
- Đứa cháu trai may mắn bao giờ cũng vẫn giống ông nội.
- Còn cháu gái may mắn thì sao?
- Cũng thế. Hãy nói thật với em và phải nói rất thực cơ.
- Anh thề
- Anh thề sẽ nói thật và nói rất thật, phải không?
Cô im lặng và sau đó kéo áo đắp cho anh.
- Khi gặp em, liệu mẹ anh có thất vọng không?
Câu hỏi ngập ngừng, bẽn lẽn ấy như báo cho anh biết câu trả lời của anh sẽ quan trọng dường nào. Anh ôm chặt cô hơn.
- Mẹ anh nhất định sẽ rất mến em, em thân yêu ạ. Rất mến em.
- Anh đã thề là anh nói thật đấy nhé!
- Anh nói đúng như thế! Mẹ anh và em Vêra của anh, cả hai sẽ đều quý em.
- Có lẽ ở Mátxcơva người ta sẽ làm cho em một cái chân giả hẳn hôi thay cho cái nẹp xấu xí này và em sẽ tập khiêu vũ.
- Về Mátxcơva, anh sẽ dẫn em đến một ông bác sĩ thật giỏi, giỏi vào loại nhất và có lẽ…
- Không, không có lẽ gì cả. Chỉ có cái chân giả thôi.
- Chúng ta sẽ mua cái tốt nhất để không ai đoán được em bị hỏng chân.
- Anh gầy quá! – Cô vuốt nhẹ lên đôi má hốc hác của anh – Anh ạ, chúng ta sẽ không về ngay Mátxcơva mà sẽ dừng lại Brét một thời gian. Mẹ em sẽ bồi dưỡng cho anh khá lên đôi chút. Em sẽ cho anh ăn cà rốt.
- Sao lại cà rốt, anh có phải là thỏ đâu?
- Cà rốt có lợi cho sức khoẻ của anh. Mẹ bảo trong cà rốt có chất sắt. Sau khi anh khá lên đôi chút, chúng ta sẽ đi Mátxcơva. Em sẽ tham quan Hồng trường này, điện Kremli này, và cả lăng Lênin nữa.
- Đường xe điện ngầm nữa chứ.
- Phải rồi, cả đương xe điẹn ngầm nữa. Rồi chúng ta sẽ đến nhà hát. Em chưa xem một nhà hát thực sự nào. Cũng đã có một đoàn văn công từ Minsk về đây, nhưng khác chứ, vì họ không diễn trong nhà hát của họ. Anh hiểu ý em chứ?
- Tất nhiên. Chúng ta sẽ tham quan tất cả Mátxcơva, ở đấy cái gì cũng có. Sau đó, chúng ta sẽ đi xa.
- Về Brét ư?
- Đi bất cứ nơi nào cấp trên cử anh đi. Em quên chồng em là sĩ quan Hồng quân rồi à?
- Chồng… - Cô cười khúc khích, và vui sướng - Cứ như em đang nằm mê ấy. Hãy vòng tay qua người em. Chồng của em ơi, hãy ôm chặt em đi!
Một lần nữa trên đời này không có chiến tranh, chỉ có hai còn người, hai con người trên trái đất: một đàn ông, một đàn bà.
- Em đã trông thấy cò bao giờ chưa?
- Cò à? Cò nào nhỉ?
- Người ta bảo chúng có màu trắng rất đẹp.
- Em không rõ. Ở thành phố không có con cò nào, mà em thì chửa ở nơi nào khác ngoài thành phố. Nhưng anh hỏi làm gì vậy?
- Anh không biết. Anh chợt nhớ ra thôi.
- Anh không thấy lạnh chứ?
- Không. Còn em?
- Không, không. Anh biết tại sao em hỏi thế không? Vào đêm cuối cùng, bác Xtêphan Mátvâyêvích bảo em là anh rất lạnh.
- Sao, lạnh à?
- Lạnh vì chiến tranh, lạnh vì đau khổ và máu. Bác ấy bảo nam giới các anh vẫn có cái máu lạnh, lạnh trong chiến tranh và lạnh cả trong lòng, anh hiểu không? Bác ấy bảo máu các anh nhiễm lạnh và chỉ có phụ nữ mới làm cho nó ấm lại được. Nhưng em không biết em là phụ nữ, em cũng có thể sưởi ấm cho ai… Em có làm cho anh ấm chút nào không, dù chỉ tý chút thôi?
- Anh đang lo bị nung chảy đây.
- Anh lại cười em rồi.
- Không, thật đấy. Anh sợ bị nung chảy bên cạnh em, mà bọn Đức thì đang hoành hoành ngay trên kia, ngay trong pháo đài của chúng ta - của em và của anh. Chúng đang dự tính điều gì, em biết đấy. Chúng vừa dọn quang khu cổng Têrétxpôn. Anh định lần ra xem sao đây.
- Kôlia! Đừng, anh. Chỉ cho em một ngày thôi, một ngày không phải lo nghĩ gì về anh.
- Không được đâu, Mira ạ. Thế nào anh cũng phải đi. Nếu không, chúng tưởng đã thực sự làm chủ được pháo đài.
- Như vậy là giờ đây em lại phải phấp phỏng chờ đợi từng giây, thầm lo, thầm đoán xem có phải anh trở về không…
- Anh sẽ về. Anh chỉ đi ra ngoài một lát thôi. Người chồng nào lại không đi làm việc, đúng không nào? Vậy anh cũng thế.
Chưa kịp lách lên mặt đất, Plugiơnhicốp đã nghe thấy tiếng máy nổ và cảm thấy mặt đất rung chuyển: mấy chiếc máy kéo đang kéo những khẩu pháo lớn về phía cổng Têretxpon. Gặp phải bọn lính Đức quá đông đang hoạt động xung quanh, lúc đầu, Plugiơnhicốp đành phải quay lại không dám liều lĩnh. Nhưng bọn Đức đang bận túi bụi với công việc của chúng, có vẻ chẳng chú ý gì đến xung quanh nên anh lại quyết định lần đến các đống đổ nát xa hơn. Ở đó có thể gặp những tên đi tuần riêng lẻ, còn đông hơn thì anh không dám đối đầu.
Lần trước anh đi chếch về phía trái vì muốn quan sát bờ sông Mukhavét. Nhưng bây giờ anh không còn ý định chia tay với Mira – trái lại, ý nghĩ đó giờ đây lại là một sự đáng sợ đối với anh – do đó, lần này anh đi vòng sang phải đển tiếng ra phía công ba vòm. Ở đấy lúc nào cũng có thể gặp bọn Đức đi lẻ và chính ở đấy anh có thể tỏ cho bọn chúng biết, ai là người làm chủ pháo đài này.
Anh đi rất thận trọng, thận trọng hơn cả hôm anh sa vào mũi súng của Nêbôgatốp. Anh không sợ trạm chán với bọn Đức trong đường hầm, nhưng chắc chắn chúng đang ở phía trên, chúng có thể nghe thấy bước chân anh hoặc nhìn thấy anh qua vô số lỗ thủng. Vì thế, anh lao qua những khoảng trống, cẩn thận nghe ngóng rất lâu trong những góc tối.
Đang nấp trong một hốc tối nhất, anh nghe thấy tiếng chân. Có người nào đó đang đi thẳng đến chỗ anh. Tiếng chân chậm chạp lê từng bước một như tiếng chân của người già cả, không còn sức. Bước nhẹ hơn để khỏi gây ra tiếng động, Plugiơnhicốp khẽ mở chốt an toàn, căng thẳng chờ đợi vì kẻ dô nghênh ngang đi qua những đoạn hầm được chiếu sáng nhờ nhờ qua những vết đạn lỗ chỗ. Sau đó là tiếng thở dài và giọng nói buồn rầu rất gần:
- Rét, rét. Rét quá.
Plugiơnhicốp định bước ra khỏi chỗ nấp, cái giọng thì thào đó rõ ràng là tiếng Nga, không có gì đáng ngờ nữa. Nhưng anh chưa kịp hành động thì đã nghe thấy một giọng hát lè nhè rầu rĩ, lời bài hát ngô nghê và vô nghĩa như bài hát của trẻ con:
Con ngựa Vaxca màu nâu,
Con Surơca màu xám,
Con Vanca đống trắng,
Con Xenca màu hồng…
Plugiơnhicốp lặng người đi. Có cái gì đó rất bi đát, đầy khiếp đảm và vô vọng trong giọng hát ấy. Nhưng người hát cứ nhắc đi nhắc lại mãi một điệp khúc:
Con ngựa Vaxca màu nâu,
Con Surơca màu xám,
Con Vanca đốm trắng,
Con Xenca màu hồng….
Anh nghe thấy tiếng gạch rơi và tiếng thở nặng nề, hổn hển. Người vừa hát đi hết góc đường vòng, nhô ra chỗ có ánh sáng. Mặc dầu mái tóc của anh ta trùm kín mặt và đỏ quạch những bụi gạch, nhưng Plugiơnhicốp vẫn nhận ra ngay. Anh nhào ra và kêu lên:
- Vônkốp! Vaxili Vônkốp phải không?
Vônkốp im bặt và dừng lại ngay trước mặt anh, người lắc lư, đôi mắt ngây dại và mất trí thẫn thờ nhìn Plugiơnhicốp
- Vônkốp! Lại đây! Mình đây mà! Plugiơnhicốp, trung uý Plugiơnhicốp đây mà!
Con Surơca màu xám…
- Vaxili, mình đây! Mình đây mà!
Con ngựa Vaxca màu nâu…
- Tỉnh lại! Tỉnh lại đi, Vônkốp! – Plugiơnhicốp túm lấy ngực áo, Vônkốp giật giật – Mình đây! Trung uý Plugiơnhicốp, chỉ huy của cậu đây!
Vẻ tinh khôn vụt loé trong đôi mắt mất trí của Vônkốp. Cậu ta đến gian hầm này bằng cách nào? Cậu ta sống bằng gì và ngủ ở đâu? Cậu ta làm cách nào để khỏi chạm trán với bọn Đức? Những câu hỏi ấy lướt nhanh trong đầu óc Plugiơnhicốp, nhưng anh lại hỏi sang chuyện khác:
- Sao hôm ấy cậu lại bỏ đi, Vônkốp?
Hỏi xong, anh im bặt, bởi lẽ câu trả lời không cần thiết nữa. Vẻ sợ hãi điên dại không cắt nghĩa được trong ánh mắt Vônkốp đã nói lên tất cả. Cậu ta bỏ đi vì khiếp đảm. Và lúc này, sự khiếp đảm gần như bản năng, không có giới hạn và không chinh phục nổi ấy được biểu hiện ở trung uý Plugiơnhicốp.
- Vaxili, hãy yên tâm! Vaxili…
Vônkốp bỗng xô mạnh Plugiơnhicốp ra, rồi hổn hển và rên rỉ trong nỗi sợ hãi, cậu ta lách nhanh qua lỗ hổng, chạy ra chỗ bờ sông Mukhavét đầy ánh nắng. Plugiơnhicốp ngã, lưng đập vào tường, khi anh đứng dậy được thì Vônkốp đã mất hút. Anh ta đã lên được bên trên mặt đất chan hoà ánh nắng và khoáng đạt. Anh ta đã quên hẳn Plugiơnhicốp và lại lảm nhảm những lời ca duy nhất còn lại trong trí nhớ man dại của mình:
Con ngựa Vaxca màu nâu,
Con Surơca màu xám…
Plugiơnhicốp vội lao vào lỗ hổng, tuy không nghe thấy gì nhưng với bản năng nhạy bén của mình, anh cảm thấy có tiếng giày lạ. Anh vừa áp sát người vào tường thì đã có tiếng giày đinh lạo xạo trên đầu anh.
Con Surơca màu xám…
- Halt! Zuruck! (Đứng lại!)
Con Vanca đốm trắng…
Tiếng súng dội lên, nhưng tiếng thét thơ ngây đầy bi thảm của Vônkốp còn chói tai hơn tiếng súng. Plugiơnhicốp lao lên đống gạch vỡ, anh nhìn qua lỗ thủng ra ngoài và thấy ba bóng người đang cúi nhìn Vônkốp ngã sóng soài, nhưng vẫn còn sống và đang rên rỉ. Anh siết chặt tay cò.
Không kịp nhìn lại xem mình đã bắn chết mấy tên – anh nghĩ rằng anh đã bắn trúng! – nhưng không còn thời gian nữa. Anh chạy qua dãy hầm ngầm, nhảy qua cửa sổ phía trong và bò sang khu đổ nát bên cạnh. Ở nơi nào đó rất gần, có tiếng chân bọn Đức chạy hỗn loạn, có tiếng súng máy trong đường hầm và có vài tiếng nổ. Nhưng một lần nữa, Plugiơnhicốp lại chạy thoát và mất hút trong khu nhà đổ. Sau khi nghỉ chân giây lát dưới một hố đạn trái phá khá sâu, anh bò tắt qua một khoảng đất trống và chui vào hầm của mình.
Anh không muốn kể cho Mira nghe cuộc gặp gỡ giữa anh với Vônkốp – cô buồn khổ như vậy là đủ rồi. Anh đứng bên miệng hầm lâu hơn mọi bận, vừa nghe ngóng bên trên, vừa đợi cho hồi sức để không thở dốc như lúc chạy ra khỏi chỗ Vônkốp. Anh nhớ rõ tia sáng cuối cùng le lói trong trí khôn và sự hoảng loạn điên dại loé lên trong mắt Vônkốp và hiểu rằng Vônkốp rất sợ anh, sợ chính trung uý Plugiơnhicốp chứ không phải ai khác, nhưng anh không cảm thấy mình có lỗi gì. Anh chỉ thấy thương chàng trai đã bỏ mạng vô ích như thế. Chiến tranh đã làm anh sáng mắt trước cái lô gích của nó.
Đã bình tĩnh trở lại, Plugiơnhicốp lặng lẽ đi dọc theo ngách hầm, chính xác tìm ra đường đi của mình trong bóng tối dày đặc. Sờ tay tìm cửa, anh lặng lẽ trèo qua rồi dừng lại. Từ trong căn hầm mờ tối trước mặt, một giọng hát con gái vọng ra:
Đôi mắt diệu kỳ
Chinh phục lòng em
Đó là sức sống, đó là yêu thương
Đó là nghị lực, ngọn lửa cháy bừng
Đối với anh, tiếng hát đau buồn bị cắt đứt một cách bi thảm anh vừa được nghe trong đường hầm lúc nãy với tiếng hát dịu dàng, ngọt ngào của giọng con gái lúc này có sự trái ngược rõ ràng. Tim anh thắt lại và anh phải cố kìm lòng để khỏi phải rên lên vì đau xót.
Em dù phải lao xuống biển
Em dù phải trèo lên non
Em sẽ dành cho anh tất cả
Miễn là được anh yêu em…
Chỉ có người thật hạnh phúc mới hát được như vậy. Con người đó thật hạnh phúc. Chính sự khám phá này làm tim anh đau quặn. Chiến tranh đã làm bộc lộ tất cả những gì thầm kín nhất trong con người, kể cả tình yêu đầu tiên của họ.
Anh rón rén chui vào hầm và dựa sát người vào tường, tay ghì chặt súng, không để gây ra tiếng động, sợ làm cho tiếng hát ngừng bặt. Anh lắng nghe, cố kìm chế tiếng thở khò khè vì không khí ngột ngạt thuốc súng và ngực tức chỉ chực bật ra thành tiếng ho. Anh khát khao điều gì đó chính anh không hiểu nổi. Sau đó, anh nhận ra mình muốn khóc, nhưng anh lại mỉm cười. Anh không còn nước mắt nữa.
Không hiểu sao anh lại để súng chạm vào vật gì đó, và Mira im bặt. Anh bước đến cạnh bàn, Mira lao tới với tất cả vẻ ngây thơ mềm yếu, chân thật, nhiệt thành và niềm tin cậy của mình.
- Em sẽ cho anh ăn ngay đây – Cô đi qua khoảng trời tối tới bên cái giá gỗ - Anh ạ, lũ chuột kinh tởm này đã ăn hết bánh mì, khó lòng còn sót lại miếng nào nguyên vẹn.
- Em học bái hát vừa rồi ở đâu vậy?
- Bác Ruvim Xvítxki dạy em đấy. Bác ấy được thưởng một cái máy hát và cả đĩa hát hôm mồng một tháng năm. Bác ấy là người chơi vĩ cầm rất tuyệt… - Mira cười – Nhưng em kể với anh chuyện ấy làm gì nhỉ? Anh đã biết bác ấy rồi còn gì.
- Anh biết thật à?
- Tất nhiên anh biết – Mira đã mang thức ăn ra và đặt xuống bàn. Đấy là thói quen cô rất coi trọng - Nếu không có bác ấy, có lẽ chẳng bao giờ chúng ta gặp nhau. Chẳng bao giờ, anh tưởng tượng xem, thật kinh khủng, thật kỳ lạ, đôi khi hạnh phúc bắt nguồn từ trong những điều vụn vặt. Nếu không có bản nhạc anh thích tối hôm đó…
- Nếu hôm ấy anh không muốn kiếm cái gì ăn chứ - Anh cười vang.
- Hoặc nếu hôm ấy anh đi chuyến tàu khác.
- Đúng, hôm ấy anh đã chuyển sang chuyến tàu khác – Plugiơnhicốp nói sau một lát im lặng và nhớ lại cái ngày gàn như xa xôi vô tận ấy, cái ngày đã mở đầu con đường dẫn anh tới căn hầm tối tăm này – Em có biết tại sao anh lại đổi tàu không?
- Tại sao vậy? – Cô ngồi lên, trước mặt anh, tỳ cằm vào bàn tay lắng nghe.
- Anh đã yêu em say đắm, trọn vẹn ba mươi sáu giờ.
Anh kể cho Mira nghe về Valia, về những giấc mơ trắng, khi anh đang rất khát nước. Mira lắng nghe và thở dài.
- Cô Valia có lẽ là cô gái rất tốt.
- Sao em lại quả quyết như vậy
- Vì cô ấy rất yêu anh – Mira nói, thầm đoán rằng nhận định như vậy là hoàn toàn đúng – Nhưng này, ngày mai em biết lấy gì cho anh ăn đây? Khi không có hạt anh túc trong nhà thì không có nghĩa là đói. Nhưng nếu không có bánh mì thì đói thật đấy.
- Bánh mì à? – Plugiơnhicốp giở bản đồ của chuẩn uý ra – Em còn nhớ lò bánh mì ở chỗ nào không?
- Ở bên kia sông Mukhavét. Còn đây là nhà ăn và nhà kho chính – Mira chỉ khu doanh trại liên hoàn nằm dọc theo bờ sông Mukhavét – Em vẫn đến đấy với thím Khơrixchia.
- Vậy là cậu ấy lấy thức ăn ở đấy – Plugiơnhicốp trầm ngâm.
- Ai hở anh?
Plugiơnhicốp đang nghĩ đến Vônkốp, người anh đã gặp ở gần khu nhà ăn và nhà kho Mira vừa chỉ. Nhưng anh không muốn nhắc đến Vônkốp nên đã nói khác đi.
- Anh chợt nhớ đến trung sĩ Nêbôgatốp.
Mira không hỏi thêm gì nữa.
Cuộc sống được tạo nên bởi những niềm vui nho nhỏ. Một lần, thím Khơrixchia còn sống, anh tình cờ tìm thấy một cái mũ calô có gài kim và sợi chỉ đen rất dài ở vành mũ, suốt ngày hôm ấy, hai người phụ nữ rất vui mừng vì sợi chỉ đen đó. Sau lần ấy, Plugiơnhicốp bắt đầu mang về bất cứ thứ gì anh nhặt được - một cái lược, một cái khuy áo, một sợi dây hay một cái cà mèn móp. Anh thích tìm kiếm những thứ lặt vặt nhưng có ích ấy, và bây giờ anh sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm đi tìm bánh mì.
Tuy nhiên, suốt mấy ngày sau, loay hoay mãi, anh vẫn không làm gì được vì bọn Đức trong pháo đài rất đông. Chúng kéo những cỗ súng lớn của quân ta bị chúng chiếm đoạt và dẹp quanh cạnh cổng Têretxpôn, đi tuần tiễu khắp các ngả đường, càn quét những khu nhà đổ nát, ném lựu đạn và bắn súng phun lửa vào bất cứ căn hầm tối nào đáng ngờ. Một hôm quan sát từ xa, Plugiơnhicốp trông thấy chúng giải ba người đàn ông tay không, quân phục rách rưới, râu ria tua tủa ra khỏi khu nhà đổ trong khu vực phía đông pháo đài, nơi anh không biết và chưa đến lần nào. Họ là người Xô viết, người của ta, và Plugiơnhicốp cảm thấy vô cùng đau đớn với nỗi ân hận sâu sắc vì chưa lần nào đặt chân đến khu vực đó.
- Không bánh mì nào hết – Mira nghiêm cấm khi cô biết sau một thời gian yên tĩnh ngắn ngủi, bọn Đức càn quét các khu vực đổ nát – Chúng ta sẽ thu xếp được.
- Chúng ta sẽ phải thu xếp. Nhưng đằng nào anh cũng phải lên xem sao đã. Chúng có thể làm gì được?
- Nhưng anh phải hứa với em là sẽ hết sức cẩn thận cơ.
- Anh xin hứa.
- Không, anh phải thề cơ – Cô nói giọng bực bội – Anh thề bằng cả cuộc đời anh. Anh thề đi.
- Được rồi. Anh xin thề.
- Không, anh nói như em vừa rồi ấy.
- Anh thề bằng cả cuộc đời anh – Anh ngoan ngoãn nhắc lại, hôn cô, rồi xách súng đi ra.
Hôm ấy bọn Đức nháo nhác. Chúng rải quân ra các ngả đường, chỗ nào cũng có lính tuần tra và một lực lượng lớn đã tập trung quanh cổng Têretxpôn. Plugiơnhicốp không đi được đến đâu, anh muốn quay về, nhưng đến phút cuối cùng, anh quyết định lẩn vào khu nhà thờ. Nếu như lọt vào nhà thờ, anh có thể trèo lên cao để xem bọn Đức đang định làm trò gì.
Anh kiên nhẫn bò rất chậm chạp và thận trọng, nằm ẩn sau trong từng hố đạn đại bác. Anh bò như chưa bao giờ bò như vậy một lúc lâu, mình trườn trên mặt đất, tay và đầu gối tỳ sát trên những hòn gạch vỡ. Quanh đâu đấy, bọn Đức vẫn ồn ào đi lại, anh nghe thấy tiếng chúng nói, nghe thấy tiếng giày của chúng và cả tiếng vũ khí chạm vào nhau nữa. Anh liều lĩnh khẽ ngẩng đầu lên nhìn để xác định phương hướng, thậm chí khi đến được nhà thờ, anh vẫn không chạy mà chỉ bò thận trọng vào một hốc tường gần nhất, người lạnh cứng.
Mùi xác chết chưa được chôn cất khẳm lặm, toả trong nhà thờ. Bóp chặt mũi, anh cố nhịn thở và kìm cơn nôn mửa cứ chực tung ra. Anh nhìn quanh. Mắt đã quen với ánh sáng tù mù – trên thực tế, anh có thể nhìn rõ trong bóng tối hơn là ngoài sáng. Anh xem xét các khẩu đại liên bị hỏng nằm ngay cạnh lối vào và bảy cái xác nằm xung quanh đấy. Hầu hết đều đeo phù hiệu lính biên phòng màu xanh lá cây. Rõ ràng họ đã bắn đến viên đạn cuối cùng, vì xung quanh họ chẳng có gì ngoài những băng đạn không và hòm đạn rỗng còn cả dây chằng. Khẩu đại liên vẫn đặt ngay chỗ anh đứng lần trước, nhưng cái lỗ thủng trên tường lúc này rộng hơn.
Anh nhận ra ngay những thứ đó và không để mất thời giờ, anh tiếp tục đi sâu vào. Mùi xác chết làm anh lợm giọng, cứ chực nôn oẹ, và thỉnh thoảng anh có cảm giác mình sắp bị ngất. Anh bước đến một bậc cầu thang hẹp, đổ nát rồi bắt đầu trèo lên. Ở chân thang gác có hai cái xác đã rữa. Anh bước qua rồi trèo lên cao hơn cho đến gần nóc.
Cứ như vậy, anh lên dến sân thượng, ở đây có gió trong lành, anh có thể hít thở không khí trong sạch và nghỉ ngơi chốc lát. Sau đó, anh bám vào gờ tường, lần sang khoang cửa sổ bị đổ. Từ đây, anh nhìn thấy toàn cảnh khu phía nam pháo đài và cổng Têretxpôn.
May sao anh chưa kịp rời khỏi chỗ nấp thì có tiếng chân vọng từ chỗ cái giếng đen ngòm phía dưới lên. Anh lặng đi và ép chặt người vào tường. Tư thế của anh rất bất lợi, không thể nằm hoặc ẩn nấp vào đâu được. Nếu bọn Đức ngẩng lên – rõ ràng đây là một đội tuần tra - để trèo lên cầu thang, chúng sẽ nhìn thấy anh ngay ở đầu chỗ ngoặt, và thấy anh đang ở vào một vị trí không thể nổ súng được.
Tiếng nói vang vọng ở phía dưới, không sao phân biệt rõ là tiếng gì, và Plugiơnhicốp cũng không có ý định nghe xem bọn Đức nói gì. Anh đứng im, nín thở và lặng đi trong tư thế bất lợi, cố nghe ngóng nhưng không sao đoán chắc được tiếng chân đang đến gần hay vẫn còn ở cửa ra vào. Tiếng người nói vẫn còn, và một đốm lửa toé lên, sau đó mùi giẻ cháy toả lên cầu thang. Thoạt đầu, Plugiơnhicốp không rõ bọn Đức đốt giẻ làm gì, nhưng anh thở phào nhẹ nhõm khi hiểu ra: bọn Đức đốt giẻ để xua tan mùi hôi thối. Như vậy thì chúng sẽ chẳng dại gì vào sâu hơn phia trong, vì ở đấy mùi hôi thối còn nồng nặc, kinh tởm hơn. Tiếng chân im bặt, chỉ còn lại tiếng xì xồ. Rõ ràng vì một lý do nào đó, bọn Đức đã quyết định dừng lại ở lối ra vào để canh giữ cái nhà thờ đầy xác chết và trống rỗng tan hoang này. Plugiơnhicốp thở từng hơi thận trọng và trông chừng chúng.
Cái gờ tường rất hẹp và đầy vôi vữa, nhưng anh không có sự lựa chọn nào nữa. Anh không thể ở trên đỉnh cầu thang này mãi được, những tên Đức ngoan cố và lọc lõi sớm muộn cũng phát hiện ra anh. Nấp trong khoang cửa sổ kia, anh có thể ẩn mình được và sẽ mạo hiểm quan sát xem có chuyện gì ở phía dưới.
Trèo qua được cái gờ tường chật hẹp phải mất nhiều phút giây căng thẳng. Anh bấm ngón tay vào từng kẽ nứt, từng gờ gạch, người dán chặt vào tường, giữ thăng bằng trên cái miệng giếng sâu thẳm ấy. Đôi lần, vôi vữa dưới chân anh rơi rào rào, và anh lại phải nín thở, nép mình chết lặng, nhưng tiếng nói chuyện ở dưới vẫn oang oang. Cuối cùng, anh bám vào được khung cửa sổ nép mình thật kín, và đến lúc ấy, anh mới thận trọng ngó ra ngoài.
Anh trông thấy những mái nhà rách nát của khu doanh trại liên hoàn và dải bờ bên kia sông Bug cùng những toà nhà đổ nằm phía bờ bên ấy. Anh trông thấy con đường chạy từ chiếc cầu nằm cạnh cổng Têretxpôn, ở cổng đó và khoảng đất nằm trước cổng có nhiều súng lớn. Một số lớn quân Đức được rải dọc con đường, và bên này khoảng đất, có những khẩu súng xếp thành từng dãy. Nhưng ở trên đường thì lính đứng xếp hàng cả hai bên, tạo thành một hành lang dài, trên khoảng đất trống thì chúng bố trí theo hình vuông, và ở giữa hình vuông đó, thấp thoáng những bóng người có lẽ là bọn sĩ quan. Cuộc diễu binh trọng thể này không giống buổi lễ gắn huân chương chữ thập của bọn Đức đã bị anh và chuẩn uý phá tan dạo nào. Lần này đội ngũ đông hơn, nhiều nghi thức hơn, có vẻ nghiêm trang hơn, Plugiơnhicốp không sao đoán được bọn Đức bày trò này làm gì.
Từ đâu đó vang lên tiếng kèn, anh không thấy rõ dàn nhạc đứng ở đâu, nhưng anh đoán có lẽ đây là một bài hành khúc. Giữa lúc ấy có hai nhân vật xuất hiện trên đường và đi giữa hai hàng rào lính. Một tên mặc áo đi mưa đen còn tên cao to và mập mạp hơn ăn mặc kỳ quặc, nửa thường phục, nửa quân phục. Theo sau hai tên này là một số tên khác, Plugiơnhicốp khẳng định chúng là bọn tướng lĩnh hoặc sĩ quan cao cấp. Hai tên đi đầu trống không có vẻ là tướng, nhưng cuộc diễu hành cũng như tiếng quân nhạc trọng thể đều chứng tỏ bọn Đức đang đón tiếp nhân vật quan trọng nào đấy đến pháo đài của anh.
Trời ơi! Giá lúc này có một khẩu súng trường - thậm chí không phải loại súng có kính ngắm – mà chỉ là một khẩu súng trường bình thường thôi. Anh là một xạ thủ giỏi, cho dù không bắn trúng một trong những tên tướng lĩnh quan trọng do cự ly quá xa thì anh cũng làm cho chúng hoảng sợ, phá vỡ cuộc duyệt binh và những nghi thức của chúng để một lần nữa nhắc cho chúng biết rằng pháo đài này không phải là của chúng mà là của anh, nó không đầu hàng và vẫn đang chiến đấu. Nhưng anh không có súng trường, mà dùng súng tiểu liên thì không có hiệu quả trước một cự ly như thế này. Vì vậy, anh tự xỉ vả mình thiếu con mắt nhìn xa, anh đấm tay vào gạch và tiếp tục quan sát.
Những nhân vật đang tiến về phía trước khuất sau cái tháp đổ nát trên cổng Têretxpôn rồi lại xuất hiện phía trong pháo đài, giữa những khối hình vuông của bọn lính đang đứng nghiêm như tượng. Tiếng nhạc ngừng bặt và một viên sĩ quan bước lên, đập gót chân và báo cáo với hai nhân vật cao cấp vừa bước tới. Plugiơnhicốp không nghe được hắn nói gì, nhưng anh nhìn thấy những cánh tay giơ lên chào theo kiểu phát xít. Hai tên khách tiếp nhận báo cáo, đi duyệt hành quân, rồi đi dọc theo dãy pháo, chăm chú nhìn từng khẩu một trong khi tên sĩ quan vừa báo cáo, giới thiệu một cách kính trọng.
Plugiơnhicốp không biết và sẽ chẳng bao giờ biết tên tướng nào đã đến pháo đài vào cái ngày cuối mùa hạ năm bốn mốt ấy. Nếu biết, hẳn anh đã bắn cả một băng đạn dài vào buổi lễ duyệt binh của bọn Đức. Anh không biết tên Đức anh đang thấy lúc này ở một cự ly khá xa chính là tên đã trực tiếp hạ lệnh nổ loạt súng đầu tiên vào pháo đài lúc 3 giờ 15 phút theo giờ địa phương ngày 22 tháng 6. Anh không biết anh đang nhìn thấy Adolf Hitler, quốc trưởng nước Đức quốc xã và tên thủ lĩnh phát xít Ý Benito Mussolini ngay trước mắt mình.
Plugiơnhicốp thu dọn gạch ngói suốt mấy ngày liền. Mỗi viên gạch đều phải nâng lên nhẹ nhàng và khi đặt xuống càng phải gượng nhẹ hơn. Anh làm thế không hẳn chỉ vì lo gây sự chú ý của bọn lính tuần tra – sau lễ duyệt binh hôm ấy, số quân Đức trong pháo đài đã giảm đi rất nhiều – mà còn lo tiếng động cản trở anh, làm anh không nghe được tiếng giày, tiếng trò chuyện và tiếng vũ khí va lách cách. Trong khi làm việc, anh vẫn phải hết sức lắng nghe và sau khi nậy được viên gạch lên, anh giữ nó trong tay, nghe ngóng một lúc rồi mới đặt xuống. Anh đã bới được nhiều đống đổ nát, nhưng vẫn không tìm được gì ngoài những xác chết và những vũ khí bị hư hỏng, gãy nát. Anh không tìm thấy dấu vết nào của nhà kho hoặc nhà ăn, trong khi đó, thức ăn, bánh bít cốt của anh và Mira đã hết từ lâu, chỉ còn lại một chút đường kính và Mira khó khăn lắm mới nuốt nổi những miếng thịt hộp. Vì lẽ đó, hằng ngày anh phải lầm lũi, kiên trì bới từng viên gạch đáng nguyền rủa này.
Mùa thu đến sớm với những cơn mưa dai dẳng. Đó là những trận mưa phùn nhè nhẹ nhưng buốt thấu xương. Cứ đến tối là chiếc áo bông của anh lại ướt sũng, nhưng không có chỗ nào để hong khô cả. Anh đã kiếm thêm được bốn cái áo, Mira luôn chăm sóc, nhắc nhở anh thay áo, nhưng càng ngày cái ẩm ướt trong hầm cứ tăng lên và bây giờ anh phải lau súng hai lần trong một ngày.
Tuy nhiên, số quân Đức đã giảm đi rõ ràng. Chúng vẫn tiếp tục đi tuần trong khu pháo đài lúc ban ngày, còn tại những khu đổ nát, hầu như đã thành lệ, chúng không ngó ngàng gì tới và khi có hai tên phá lệ này thì chúng đã không thể kể với ai về điều đó vì Plugiơnhicốp đã khử chúng bằng một phát súng xuyên táo. Ngay sau đó, anh phải lủi chạy thật nhanh vì bọn Đức đổ xô lại để lùng sục vào những khu nhà đổ, nhưng anh đã nấp sâu dưới đường hầm chờ đến tối mới quay về chỗ Mira.
- Đừng bắn, anh! – Mira vừa thì thào van nài, vừa âu yếm xoa vuốt anh đang lả đi vì mệt và đói – Giá anh biết em lo sợ cho anh như thế nào. Em lo lắm!
Rồi một hôm, có những người dân xuất hiện trong pháo đài. Họ đi theo từng tốp, thậm chí mang theo cả ngựa. Họ dọn dẹp những đống gạch đổ nát, mang xác chết và chuyển gạch đi. Plugiơnhicốp quan sát họ dọn dẹp khu nhà thờ và chuyển xác bảy chiến sĩ biên phòng còn lại lên xe ngựa. Anh có ý định thử bắt liên lạc với những người này, nhưng lúc nào bọn Đức cũng kè kè bên cạnh để giám sát họ. Ngắm nhìn họ, anh xác định họ là những nông trang viên các làng bên cạnh bị lùa đến đây. Nhưng một hôm, anh phát hiện một tốp đông phụ nữ ở bên kia toà Điện Trắng, nơi anh đã dự trận chiến đấu đầu tiên. Tốp phụ nữ này cũng có lính gác. Họ đang nậy những viên gạch lành và chất đống bên lề đường. Gần tối, có xe vận tải tới, họ xếp gạch vào xe rồi những chiếc xe chạy đi, còn những người phụ nữ xếp theo hàng và bọn lính gác xua họ về cổng lớn. Sáng hôm sau, họ lại bị lùa đến và lại dọn gạch. Anh quan sát họ suốt một ngày và chỉ phát hiện được một điều: họ có nửa giờ nghỉ ăn trưa. Nhưng anh không có cách nào để gọi được hoặc ra ám hiệu cho họ, mặc dù đã chờ đợi suốt ngày để có được dịp may làm việc đó. Mira rất hồi hộp khi được anh kể cho biết về tốp phụ nữ này.
- Có lẽ họ từ trong thành phố tới! Trời, giá báo được cho mẹ biết em còn sống!
Nhưng anh không thể bảo gì cho những người đàn ông hoặc đàn bà. Cuối cùng, anh từ bỏ ý định vô ích ấy. Trước hết cẩn phải đi tìm bánh mì đã.
Anh ngồi dưới một cái hố sâu do anh đào và xung quanh chất đầy những gạch. Lúc này tốc độ làm việc của anh chậm hẳn, không những vì phải nghe ngóng mà còn phải thường xuyên chú ý nhìn lên miệng hố để tránh những bất trắc không may. Lúc này anh thấy ớn lạnh, mệt mỏi và khó thở, lúc lúc tim anh lại đập rộn lên, nhanh đến nỗi như muốn phá cả lồng ngực. Những lúc ấy, anh phải dừng tay, nhẫn nại nằm đợi cho đến khi tim đập bình thường trở lại.
Qua những miếng gạch vỡ, anh trông thấy vật gì tròn tròn giống như những cái hộp. Anh vội vàng đào bới đến nơi, nhưng hầu hết đều bẹp dúm. Một thứ bột trắng mịn vãi ra ngoài hộp. Anh cẩn thận vét một nắm, đưa lên mũi ngửi. Anh giật mình: một hương thơm man mát làm anh bỗng nhớ đến mẹ.
- Phấn thơm! – Mira mỉm cười khi anh mang về cho cô một hộp còn nguyên lành – Có thật trên cõi đời này còn những phụ nữ đánh phấn, bôi son và uốn tóc không nhỉ? Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, em xoa phấn lên mũi!
- Ở đấy còn vô khối, đủ cho em xoa cả trán lẫn má.
- Còn vô khối à? – Cô chau mày cố nhớ lại – Khoan đã, khoan đã. Trong nhà ăn có một gian buồng. Đúng rồi, em vẫn nhớ. Như vậy là nhà kho phải nằm ở một chỗ nào sát đấy. Ngay gần đấy là nhà kho.
Anh cặm cụi đào bới chỗ ấy, đôi lúc quên cả nguy hiểm. Anh vừa đào vừa thở, vừa thở vừa bới cho đến lúc những ngón tay bầm tím. Anh vứt những mảnh bát, mảnh chai sang một bên. Và cuối cùng, dưới những hòn gạch, ngón tay anh đụng phải mặt bao tải to sợi.
Anh vật lộn cho đến tận khuya để lôi cái bao tải lên. Hai lần gạch đổ xuống làm anh mất công toi, nhưng cả hai lần, lồng lộn trong tuyệt vọng, anh lại bới được đến nơi bằng cách xếp gọn từng viên gạch một. Cuối cùng, anh lôi được nó lên một cách nguyên lành, nút buộc còn rất chắc. Anh lấy dao con cắt đứt dây, thọc tay vào bao và sờ thấy những thỏi bánh mì khô vuông và dầy.
Trời phủ đầy những đám mây rất thấp và dưới hố tối om. Anh lấy thỏi bánh ra và đưa lên sát mặt. Không nhìn thấy gì cả nhưng anh lại ngửi thấy mùi bánh mì khô thơm tho,ngon lành. Anh hít ngửi không biết chán, người anh run lên lúc nào không biết, run vì quá mừng vui chứ không phải vì rét. Anh liếm thỏi bánh, lưỡi anh chạm phải chỗ trơn ướt và mặn mặn, anh lại liếm lần nữa, người đờ dại và sau mới nhận ra thỏi bánh đã ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mắt xa lạ đến nỗi anh không cảm thấy.
Suốt ngày hôm sau, anh và Mira ngồi nhai bánh, có lẽ đây là một ngày vui sướng nhất trong đời họ. Plugiơnhicốp cảm thấy hạnh phúc vì chính anh đã mang niềm vui ấy đến cho Mira. Gần đây anh thường hay bắt gặp cô hay khóc thầm. Khi gặp anh, cô hay mỉm cười và cô đùa vui, nhưng anh đã thấy có điều gì đó xảy ra ở cô. Mira chẳng bao giờ phàn nàn, cô thường im lặng, thậm chí còn tươi tỉnh nữa. Nhưng cứ đêm đến, chờ lúc anh ngủ say, cô vừa vuốt ve anh vừa thổn thức, vừa yêu thương, vừa tuyệt vọng. Đôi khi, Plugiơnhicốp cũng thấy cô khổ sở che giấu cơn nôn oẹ và anh cho rằng do chỉ có một món ăn đơn điệu nên mới gây ra hiện tượng ấy. Anh muốn tìm kiếm cho cô một món gì khác ngoài bánh mì khô và đồ hộp, nhưng lại không biết tìm ở đâu và tìm món gì.
- Chúng ta giả vờ anh là một tên phù thuỷ nhé!
- Nhưng anh là phù thuỷ thật – cô nói – Anh đã làm cho em hạnh phúc, nếu không là phù thuỷ thì ai làm được vậy?
- Được rồi, anh đang là phù thuỷ và anh cho em một điều ước. Em thích gì nào? Hãy ước điều ước khó nhất đi.
- Một con cá măng nhồi thịt và một quả dưa chuột muối thật to.
Một ý nghĩ điên khùng xâm chiếm lòng anh. Anh không nói gì với Mira, nhưng sáng hôm sau, anh mang bốn thỏi bánh và ra đi sớm hơn mọi ngày, lúc này trời còn tối.
- Hôm nay đừng đi anh ạ! – Mira van nài – Anh ơi, đừng đi.
- Hết ngày chủ nhật rồi mà – Anh nói vui.
- Đừng, anh – Mira nhắc lại, giọng lo âu đến lạ lùng - Ở lại với em. Em ít được nhìn thấy anh quá.
- Dù anh ở lại dưới này em cũng có nhìn thấy mặt anh đâu.
Những ngày này, để tiết kiệm mỡ, họ chỉ dùng một bấc đèn. Bóng tối dầy đặc bọc kín lấy họ từ mọi phía, suốt một thời gian dài họ toàn dò dẫm.
- Anh không trông thấy em thì càng hay – Mira thở dài – Trông em bây giờ khủng khiếp lắm.
- Em xinh đẹp nhất – anh âu yếm hôn cô rồi đi ra.
Khi anh lên khỏi hầm thì trời vừa vặn sáng. Anh đứng lại nghe ngóng, nhưng không nghe thấy gì ngoài tiếng mưa rơi đều đều. Anh thận trọng đi về phía Điện Trắng. Anh vượt qua đường một cách an toàn và trèo qua những đống gạch vỡ để chui xuống đường ngầm.
Hình như đây là chỗ để thương binh trong những giờ đầu của cuộc chiến tranh. Chính ở chỗ này, đồng chí thượng uý đã qua đời – anh nhớ có lúc nào đó chính anh cũng không muốn tin thượng uý đã hy sinh. Những xác chết đã được đưa ra khỏi đường ngầm, nhưng mùi tử khí vẫn phảng phất trong không khí hầu như có thể sờ thấy được giữa bóng tối. Plugiơnhicốp di chuyển rất cẩn thận dường như sợ vấp phải xác người đã nằm lại đây trong những giờ đầu của chiến tranh. Anh tìm một lỗ châu mai để quan sát, nhưng bên ngoài không nhìn thấy được. Nhiều vết vá xám xịt chỉ rõ những chỗ thích hợp nấp vào đấy, súng đặt bên cạnh và chuẩn bị chờ đến cùng.
Có điều lạ là anh vỗn dĩ không được kiên nhẫn và hay xốc nổi, nhưng bây giờ mối nguy hiểm thường xuyên đã dạy anh phải chờ đợi và nằm im như một con vật bất động. Anh nhớ cách đây khá lâu, từ trước chiến tranh, anh đã phải chờ để ông giám đốc trường huấn luyện tiếp anh. Anh nhớ đến tính xốc nổi trẻ trung, nhớ đôi ủng bóng lộn, đến cái áo chẽn lưng mềm mại và sạch sẽ, mặc vào rất dễ chịu của mình. “Một năm nữa chúng tôi sẽ gọi đồng chí về trường huấn luyện …”. Một năm! Những ngày vô tận đã qua đi kể từ ngày ấy và không biết bao giờ mới hết năm… Sự bất tận hoá ra ngắn hơn ngày tháng trên cuốn lịch, vì sự bất tận có thể cảm thấy còn ngày tháng thì phải sống qua mới biết được.
Anh nghĩ đến mẹ và Vêra. Anh biết bọn Đức đã tiến sâu vào nước Nga, nhưng không bao giờ, dù chỉ là giây phút, anh nghĩ rằng chúng có thể chiếm được Mátxcơva. Chúng có thể chọc thủng Minsk, thậm chí chúng có thể đánh đến Smolensk, nhưng ý nghĩ về sự xuất hiện của chúng ở Mátxcơva thì thật là ngu xuẩn. Anh phác hoạ ra cảnh tượng trong khi tiếp tục chiến đấu ngoan cường: Hồng quân đang nghiền nát sư đoàn phát xít. Anh đảm bảo chắc chắn Hồng quân sẽ nghiền nát quân Đức và tiến công. Rồi một ngày nào đó trong mùa xuân, Hồng quân sẽ trở lại đây, trở lại pháo đài Brét này. Từ giờ đến mùa xuân là cả một khoảng thời gian bất tận, nhưng anh quyết sống cho đến ngày đó. Phải sống để gặp lại quân mình và báo cáo pháo đài đã không đầu hàng. Sau đó, anh gửi Mira về Mátxcơva cho mẹ anh. Còn anh, anh cùng với Hồng quân tiếp tục tiến về phía tây, tiến vào nước Đức.
Cuối cùng, anh nghe thấy tiếng chân, không phải là tiếng ủng đều đặn của nhà binh, mà là tiếng chân lộn xộn không đều của thường dân. Anh nhìn ra ngoài. Toán phụ nữ từ từ xuất hiện trước Điện Trắng. Ba tên lính gác đi phía trước, bốn tên khác đi phía sau, và ở mỗi bên hàng người chập chững, lộn xộn ấy còn ba tên nữa. Chỉ có bọn đi trước và đi sau có súng tiểu liên, còn bọn đi hai bên mang súng trường. Khi còn ở xa, những khẩu súng trường này trông dài lạ nhưng khi chúng đến gần anh, anh thấy đó là những khẩu súng của Hồng quân có lưỡi lê bốn cạnh. Qua đó, anh nhận ra không phải chỉ có bọn lính Đức lác toán phụ nữ này mà còn những kẻ đến với quân Đức như kiểu Phêđôrôtruc.
Có tiếng hô và hàng người đứng lại. Bọn lính gác tản ra các vị trí, toán phụ nữ tiếp tục tiến đến khu nhà đổ, đi thẳng về phía anh, vì vậy anh phải rút sâu vào chỗ tối. Họ trò chuyện rì rầm và nghỉ ngơi trước khi bắt tay vào việc. Một vài người ngồi, một vài người buộc lại giầy, số khác thì sửa lại khăn trùm đầu. Họ ở rất gần, Plugiơnhicốp nhìn thấy tất cả những giọt nước mưa chảy trên áo bông và áo choàng của họ. Mặt họ ẩn kín dưới những tấm khăn trùm đầu kéo sụp xuống tận mắt. Anh nghe thấy tiếng họ, nhưng không phân biệt được họ già hay trẻ và họ là ai. Tất cả những khuôn mặt đều phờ phạc, buồn rầu. Ngoài tiếng Nga ra, anh còn nghe thấy tiếng Bêlôruxia và một vài thứ tiếng khác anh không hiểu, có lẽ là tiếng Ba Lan hay tiếng Do Thái. Giờ đây anh có thể gọi họ, thậm chí có thể nói chuyện với họ, vì không có bọn lính gác đứng cạnh đây. Song hôm nay, anh không muốn liều lĩnh. Anh hoãn việc này đến hôm sau, khi đã thăm thú căn hầm cẩn thận và tìm được lối rút an toàn.
Tia sáng lọt qua lỗ quan sát của anh đột nhiên biến mất. Thoạt đầu anh không hiểu đầu đuôi ra sao bèn lùi sâu vào góc tối hơn. Nhưng sau đó cái lỗ lại sáng mờ mờ, nhưng hình thù của nó khác hẳn. Anh nhìn sát vào lỗ và thấy một gói nhỏ ở đấy, một cái gói bình thường bằng khăn trùm đầu buộc túm bốn góc: một phụ nữ nào đó trong toán đã để nó trên gờ cửa sổ hầm ngầm để tránh những cơn mưa thu nặng hạt.
Ngay sau khi toán phụ nữ bắt tay làm việc, anh thận trọng với lấy bọc vải. Anh giở khăn bọc ngoài ra, rồi giở đến miếng vải trắng sạch sẽ bên trong và cười thầm sung sướng: chưa bao giờ trong đời anh gặp may như thế này. Quả thực là chưa bao giờ: sáu củ khoai tây luộc, một củ hành và một nhúm muối bọc trong gói phơi ra trước mắt anh.
Anh sung sướng và biết ơn những thân hình ủ rũ, lom khom của những người đàn bà kia, người họ ướt súng vì phải phơi mình dưới làn mưa thu dai dẳng. Một người nào đó trong bọn họ, rõ ràng không biết gì cả, đã cho anh món quá quý giá nhất. Ngẫm nghĩ giây lát, anh đặt ba cái bánh mì khô vào khăn, gói vuông vắn như cũ và đặt vào hốc. Anh đút miếng vải trắng gói mấy củ khoai tây và củ hành vào áo và đi sang một dãy ngầm xa nhất. Anh cứ ngồi như vậy đến tận đêm, vừa gặm bánh vừa hình dung xem Mira sẽ mừng như thế nào.
- Anh đúng là phù thuỷ thật ư?
Anh kể cho Mira nghe về những hầm ngầm của Điện Trắng, về toán phụ nữ và cái bọc vải. Mira vừa nghe vừa ăn khoai, nhưng cô không ăn với vẻ sung sướng như anh mong muốn. Đôi lúc hình như có điều gì đó ngăn niềm vui của cô lại, hình như cô đang lo lắng vì những ý nghĩ dai dẳng nào đó.
- Hình như em không được vui?
- Không. Sao lại thế? Cám ơn anh! Phần của anh đây, ăn đi anh!
- Của em tất cả đấy, đừng cãi nữa! Anh ăn gì chả được, còn em thì lại đang ốm, anh thấy rõ lắm.
- Anh chàng ngốc ơi – Mira thở dài, giọng đau xót rất khó hiểu - Trời ơi, anh vẫn ngây thơ quá đi thôi!
Cô nép sát vào anh, úp mặt vào ngực anh và oà khóc. Nước mắt cô chảy xuống mấy củ khoai chưa ăn.
- Có chuyện gì vậy em, Mira? Trời, có chuyến gì xảy ra với em vậy?
Mira ngước mặt lên và chăm chăm nhìn anh rất lâu. Ánh sáng tù mù chiếu lên mặt cô. Anh nhìn vào đôi mắt to u buồn đầy những giọt nước mắt long lanh trước ánh đèn yếu ớt.
- Mira…
- Chúng ta sắp phải xa nhau – cô thì thào một cách gượng gạo – Anh thân yêu! Người chồng thân yêu của em! Người yêu duy nhất của em! Chúng ta sắp phải xa nhau.
- Xa nhau? – anh hoàn toàn bối rối, chẳng hiểu gì cả - Nhưng vì sao mới được chứ? Tại sao vậy? Nói đi em! Em ốm à? Đừng khóc thế. Nói đi!
- Chúng ta sắp có con.
- Có con? Sao? Con nào?
Tin đó đổ sập xuống người anh như một bức tường, khi anh chưa hiểu ra hoặc nhận thấy gì cả nhưng anh bỗng thấy sợ hãi, sự cô độc, sự sợ hãi làm người ta tê dại, mất cả lý trí.
- Anh biết đấy, em là một phụ nữ bình thường - giọng Mira vừa chua xót vừa pha vẻ tự hào xa lạ - Em là một phụ nữ bình thường, cái điều bình thường ấy sẽ phải xảy ra và giờ đây phải xảy ra. Có lẽ là do hạnh phúc, thậm chí còn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời em, nhưng đòi hỏi chúng ta phải trả giá.
- Không đi đâu cả - giọng anh khản đặc và tuyệt vọng – Dù xảy ra điều gì, em cũng đừng đi.
Anh không biết mình đang nói gì, đấy là tiếng nói tuyệt vọng. Mira uể oải lắc đầu:
- Em phải đi thôi anh à!
- Anh hiểu. Anh hiểu. Thôi được!
Anh có cảm giác đã xa cô và đang đắm chìm trong nỗi cô đơn. Cô xích lại gần anh hơn, ép sát người vào anh, sờ soạng, xoa vuốt, hôn lên đôi gò má hốc hác và xồm xoàm của anh, còn anh, anh vẫn ngồi im như pho tượng đá.
Họ ngồi rất lâu như vậy, Mira không giải thích và cũng không thuyết phục. Cô biết rồi đây, cũng như cô, anh sẽ phải quen với ý nghĩ đó. Nhưng Plugiơnhicốp lại muốn hét lên, muốn lao ra khỏi hầm và xả cả một băng đạn đầy ắp vào bọn Đức rồi hy sinh, bởi lẽ nỗi đau đớn anh phải chịu đựng còn tồi tệ, đáng sợ hơn cái chết. Nhưng anh vẫn kiên nhẫn ngồi chờ nỗi đau ấy qua đi, vì anh biết mọi cái đều sẽ qua đi. Anh đã biết cách chịu đựng tất cả, anh cũng có thể chịu đựng được những điều không chịu đựng nổi.
Cuối cùng, anh thở dài và cựa quậy. Mira đang chờ đợi tiếng thở dài ấy, rồi mới cất giọng nhỏ nhẹ và buồn rầu như thể đây là cuộc chia tay vĩnh viễn:
- Anh Kôlia, nếu không vì con, không vì đứa con của chúng ta, em sẽ chẳng bao giờ rời bỏ anh. Em đã nghĩ, dù có làm sao, dù có phải chết trước anh, thì em cũng được chết trong niềm hạnh phúc. Anh là cả cuộc đời em, là mặt trời nhỏ của lòng em, là niềm vui của em. Anh là tất cả, là tất cả những gì em có được. Nhưng dù sao đứa con của chúng ta cũng phải ra đời, anh Kôlia ạ. Nó phải được chào đời, nó không có gì phải xấu hổ trước con người. Nó phải được ra đời một cách đường hoàng, một cách mạnh khoẻ. Nhưng ở đây… Anh ơi, ở đây, em cảm thấy sức khoẻ của nó mòn mỏi đi từng giây phút. Sức khoẻ của nó, chứ không phải của em đâu, Kôlia ạ. Thượng đế đã dành cho mỗi người phụ nữ nềm hạnh phúc nhỏ nhoi và trách nhiệm lớn lao. Em lại là người phụ nữ có hạnh phúc. Hạnh phúc hơn tất cả những người phụ nữ trên đời này. Bời vì chính anh đã tạo cho em niềm hạnh phúc ấy. Chỉ một mình anh cho riêng em niềm hạnh phúc này thôi. Anh trao nó cho em bất chấp chiến tranh, bất chấp tất cả bọn Đức, bất chấp số phận cuả em và bất chấp tất cả mọi thứ trên đời này! Em biết rồi đây anh sẽ phải chịu khó khăn hơn em nhiều, anh sẽ bị bỏ lại một mình, nhưng em sẽ mang theo em một phần tương lai của anh. Em biết bây giờ là giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta phải và nhất định phải vượt qua được, để cho nó, đứa con bé bỏng của chúng ta được sống. Đừng lo nghĩ cho em, em đã nghĩ kỹ cả rồi. Chỉ cần anh đưa em đến với toán phụ nữ kia, họ sẽ mang em đi cùng với họ ra khỏi pháo đài.
- Rồi sau đó thế nào?
- Sau đó đã có mẹ. Anh đừng lo chuyện đó. Mẹ và tất cả gia đình em. Trên trái đất này, không có ai nhiều quan hệ ruột thịt như người Do Thái đâu.
- Toán phụ nữ được áp giải theo từng hàng.
- Thừa ra một người, ai chú ý? Đừng lo, anh thương yêu, mọi sự đều tốt đẹp cả thôi mà! Mọi sự đều sẽ tốt đẹp. Bác Mikhaxi vẫn nói thế, anh còn nhớ bác ấy chứ gì? Bác ấy đã đưa chúng ta tới pháo đài. Chúng ta đã thấy cái cột ấy bên cạnh đường, và lần đầu tiên em đã đụng phải tay anh…
Cô nói, nói rất dài, cô gượng cười trong lúc nước mắt vẫn trào ra không sao kìm được. Những giọt nước mắt rơi xuống tay anh, nhưng anh không khóc được nữa, những giọt nước mắt cuối cùng của anh đã nhỏ xuống thỏi bánh khô. Anh không còn nước mắt để khóc nữa. Lòng anh bừng bừng như đang ngồi trên bếp than hồng.
- Em phải ra đi - giọng anh khàn khàn – em phải về chỗ mẹ, và nuôi nấng đứa con của chúng ta. Nếu anh còn sống sót…
- Kôlia!
- Nếu còn sống sót – anh nhắc lại, giọng chắc nịch – anh sẽ tìm em. Nếu không… Em hãy kể cho con nghe về chúng ta, về tất cả những người đã hy sinh ở dưới những tảng đá này.
- Nó sẽ cầu nguyện trước những tảng đá ấy.
- Không, không cần phải cầu nguyện. Chỉ cần ghi nhớ thôi.
Họ ra khỏi hầm giữa bóng tôi dầy đặc và đến được khu nhà đổ của Điện Trắng một cách an toàn, mặc dù việc đó rất khó khăn đối với Mira. Cô rất yếu, lại không quen đi bộ, đường lại khó đi, không hợp với người có chân giả như cô. Thỉnh thoảng Plugiơnhicốp phải bế cô lên. Anh không cảm thấy khó khăn nặng nhọc gỉ cả, tấm thân yêu quý và nóng hổi của cô sao gầy và nhẹ quá thế. Đến được đường hầm, trong khi dò xét kỹ lối ra vào và chỉ cho cô cái lỗ hổng mà từ đấy anh có thể quan sát cô lần cuối cùng. Rồi tại nơi này, họ cất lời chào tạm biệt và Mira thận trọng chui ra.
Cô mặc chiếc áo lót bông như phần đông những người trong toán phụ nữ, trên đầu cũng quấn khăn, nên chẳng ai để ý. Toán phụ nữ đang cắm cúi làm, cô cũng bắt tay vào công việc.
- Cô tự hành hạ mình làm gì? - Một phụ nữ càu nhàu hỏi - Một chân cô bị tật phải không?
Người thứ hai thở dài cay đắng:
- Trời ơi, chúng nó bắt cả người què. Bọn súc sinh! Đừng có đi loanh quanh, hãy đến xếp gạch ở đây này.
Những đống gạch được xếp cạnh đường, Mira không muốn tới đấy vì sợ phải xa Plugiơnhicốp. Nhưng cô nghĩ, khôn nhất là đừng cãi lại họ và cô mừng thầm vì hình như đám phụ nữ đã nhận cô là người của họ. Cố dấu dáng đi khập khiễng, cô đi xếp những viên gạch thành từng chồng.
Plugiơnhicốp lặng lẽ nhìn theo cô đi ra và bắt đầu làm việc. Nhưng sau đó bóng những người đàn bà khác che lấp mất tầm nhìn của anh. Anh không thấy Mira nữa. Anh đã nhìn thấy cô nhưng cuối cùng anh để mất hẳn cô. Anh không tài nào phân định rõ bóng cô đâu nữa mặc dù vẫn cố dõi mắt tìm kiếm. Anh lo sợ trong nỗi tuyệt vọng: anh sẽ chẳng bao giờ gặp lại cô, anh cũng không ngờ số phận đã giành cho anh cái đặc ân không phải chứng kiến một cảnh tượng vô cùng rùng rợn và hết sức man rợ.
Khi những tên lính gác đến thì trờ về chiều. Trước đó, Mira chỉ nhìn thấy chúng từ xa khi chúng sưởi bên các đống lửa hoặc đứng dựa vào tường. Giờ đây những tên lính vạm vỡ vì vô công rồi nghề ấy đã xuất hiện và đang lăng xăng quát tháo.
- Đứng vào hàng! Nhanh lên! Nhích lên, các mụ này!
Những tên Đức chỉ huy chưa chịu rời khỏi đống lửa, còn bọn lính gác mặc quần áo màu xanh xám và đeo súng trường có cắm lưỡi lê thì đang sốt sắng đốc thúc tập hợp đội ngũ. Chúng chạy lăng xăng quanh đám đàn bà đang chậm chạp đứng vào hàng và ra lệnh bằng tiếng Nga.
- Xếp hàng bốn!
Mira cố chen vào giữa hàng người. Nhưng trong khi xếp hàng bốn, những người đàn bà buộc lòng phải đẩy cô sang bên cạnh, cho đến khi cô tụt lại cuối hàng, phía bên trái. Cô lại cố chen vào giữa một cách tuyệt vọng, nhưng những người đàn bà mệt mỏi càu nhàu với cô rằng cô không thuộc tốp bốn người của họ và lại đẩy cô ra khỏi hàng bốn, nên cô đứng trơ một mình.
- Sao lại xô đẩy thế? – tên lính gác cao lớn bực tức quát to: hắn là tên hung hăng hay quát tháo hơn những tên khác - Xếp hàng bốn! Mấy con mụ này. Đứng sát lại đi!
- Hàng bốn của chúng tôi đây – có tiếng ai càu nhàu – nhưng thừa ra một người kia kìa.
- Sao lại thừa một? Con ấy ở đâu ra? Không thể thừa được. Hãy xếp hàng ngay ngắn lại xem nào!
- Đấy, cô kia…
Trống ngực Mira đập dồn dập và tuyệt vọng. Tên lính gác bước dọc theo hàng đến chỗ cô, cô cố dồn hết sức lực còn lại mỉm cười với hắn.
- Mày ở đâu đến? - hắn ngạc nhiên hỏi và dừng lại trước mặt cô.
- Từ thành phố đến. Ông không nhận ra tôi ư?
- Từ thành phố hở?
- Thôi, thôi, để cho chúng tôi đi! – Mira tuyệt vọng kêu lên và đau lòng trước ý nghĩ: Plugiơnhicốp đang phải chứng kiến cảnh này - Chả lẽ trên đường đi, chúng tôi không trình bày được hay sao?
- Đúng đấy, hãy để cho chúng tôi đi – đám phụ nữ tức tốc kêu lên - Chịu rét mướt suốt ngày ở đây đủ rồi! Tại sao ông bắt bẻ cô ta! Không phải thiếu một mà là thừa một cơ mà!
- Thừa à?… - tên lính gác bần thần nhắc lại - Thừa một phải không? Mày chui từ đâu ra?
- Hắn túm lấy áo cô và lôi sát về phía hắn. Mira cố ghìm chân lại.
- A ha! Con vật hôi thối trong đường ngầm hả? Phải không? Thưa ngài sĩ quan! Đồ chó đẻ! Đồ chuột cống! Mò lên phơi nắng hẳn? Thưa ngài sĩ quan!
- Để cho tôi đi! – Mira lẩm bẩm, cô gần như tắc thở mỗi khi cánh tay hộ pháp của tên lính gác giật áo cô mạnh đến nỗi đầu cô lắc lư lia lịa – Xin ông để cho tôi đi! Xin ông…
- Mày ở đâu ra? Ở đâu?
Đột nhiên hắn buông cô ra và chạy về phía tên lính Đức nhiều tuổi đang đủng đỉnh đi từ đầu hàng xuống. Còn Mira, cô đứng lặng giây lát rồi chạy khập khiễng theo hắn để khuất vào hàng người cho Plugiơnhicốp khỏi trông thấy.
- Nó đây, thưa ngài sĩ quan, thừa ra một mình nó. Nó có lẽ bò dưới đường hầm lên.
Mira không nghe tên lính nói nữa. Cô chỉ nhìn khuôn mặt bé choắt, kinh tởm của tên sĩ quan Đức và thấy khuôn mặt tầm thường, mệt mỏi ấy qua quen thuộc. Cô hãi hùng chấp nhận điều đó với mình và vẫn hy vọng ở phép màu nhiệm nào đó, nhưng không có phép màu nhiệm nào cả, chỉ có tên lính Đức ấy. Nhưng không phải là tên Đức có cái mũi tím bầm vì rét, mà là tên Đức cô đã gặp trước đây ở hầm, tên Đức có đôi tay run rẩy vì sợ hãi khi hắn cố nhặt mấy tấm ảnh của con hắn từ trên bàn lên.
- Jude! – tên Đức quát và chỉ tay vào mặt cô – Jude! Bunker! Jude! Bunker! (- Do Thái! Hầm trú ẩn! -)
- Không thể để cô ấy yên được à? – toán phụ nữ nhao nhao trong khi tên lính gác hết chạy lên đầu hàng lại chạy xuống cuối hàng và giơ lưỡi lê đe doạ họ - Đến giờ về rồi! Chúng tôi đang chết cóng đây này! Hãy để cô ấy yên, cô ấy là người trong đám chúng tôi! Phải, phải! Người của chúng tôi đấy… Không phải…
- Jude! Bunker! Jude! Bunker! – tên Đức tiếp tục quát và lùi lại sau khi Mira bước thẳng đến trước mặt hắn, cô không nhìn ai và cũng không nghe ngóng gì hết. Cô cứ bước đi với ý nghĩ duy nhất là càng cách xa được lỗ quan sát của Plugiơnhicốp chừng nào hay chừng ấy.
Có lẽ toán phụ nữ đã bị giải đi. Không, hình như chưa, có lẽ cô tưởng thế thôi. Tai cô kêu vo vo, và qua tiếng vo vo ấy cô chỉ nghe thấy mấy tiếng kinh khủng: “Jude”, “Bunker”. Tim cô khi thì như ngừng đập và ớn lạnh trước một linh cảm về một điều gì đó rất khủng khiếp sắp xảy ra, khi thì đập rất dữ dội, làm cho cô nghẹt thở. Cô phải hổn hển há mồm đớp từng ngụm không khí, và vẫn bước đến chỗ tên Đức đang lùi lại.
Thậm chí, ngay cả lúc chúng giơ báng súng thúc vào người cô với một sức mạnh man rợ của bọn vũ phu, cô cũng không cảm thấy đau đớn gì cả. Cô chỉ cảm thấy đầu mình bi hất ngửa ra sau bởi một cú giáng mạnh vào sau lưng, và mồm mình có chút gì mằn mặn, sền sệt. Nhưng sau cú đòn ấy, cô vẫn tiếp tục tiến lên, cô chẳng hiểu vì sao mình không nhổ máu ra, và cảm thấy hình như không một sức mạnh nào có thể buộc được cô dừng lại lúc này. Những trận mưa báng súng cứ tiếp tục giáng xuống vai cô tới tấp: cô cúi gập người mỗi lúc một thấp hơn và cố ôm chặt lấy bụng một cách bản năng, không phải vì nghĩ đến cái thai trong bụng mà nghĩ đến người vĩnh viễn ở lại phía sau, cô cố mang hết sức tàn để che chở cho anh. Cuối cùng, khi chúng đánh gục cô, dù đã ngất lịm, nhưng với chút ý thức còn lại, cô vẫn ngoan cường bò lên phía trước và kéo lê cái chân gỗ một cách vụng về.
Cô bò cho đến khi bị lưỡi lê đâm bồi thêm hai nhát. Hai mũi đâm đau nhói là nỗi đau đớn đầu tiên và cũng là cuối cùng cô cảm thấy và chấp nhận với toàn bộ sự mảnh mai của cơ thể còn nóng ấm. Một tia sáng chói chang loé lên trước đôi mắt nhắm nghiền của cô và trong tia sáng tàn nhẫn ấy, cô đột ngột nhận ra: mình sẽ chẳng bao giò có con, có chồng và có cuộc sống của chính mình. Cô muốn thét lên thì từ trong miệng cô tuôn trào một dòng máu đặc, nhầy nhụa.
Dù cô đã mất hết cảm giác, dù đang trôi bồng bềnh trong nỗi hãi hùng dai dẳng và lạnh lùng của phút giây hấp hối, cô vẫn cảm thấy những cú đòn đang rơi như mưa xuống vai, xuống đầu và xuống lưng mình. Nhưng chúng không đánh cô nữa mà đang vất những viên gạch xuống người cô giữa cái hố nông choẹt nằm ngoài bức tường của Điện Trắng để chôn sống cô.
Những đám mây vẫn sà thấp trên đầu suốt những ngày qua, giờ vỡ ra từng mảng. Một mảnh trời đã lặn từ lâu miễn cưỡng chiếu xuống con đường gồ ghề, một góc nhà đổ, một mảnh tường vỡ toác và một hố đạn đại bác đổ trút chằng chịt. Lát sau, ánh sáng lại tắt và những đám mây mùa thu xám xịt lại phủ kín bầu trời….