3- Giá Trị Triết Lý Trang Tử

Sách "Trang Tử" có đoạn tả về tâm lý con người rừng: "Nhân tâm bài hạ nhi tiến thượng, thượng hạ tù sát... kỳ nhiệt tiêu hỏa, kỳ hàn nghĩ băng". Hai chữ "Nhân tâm" đây là nói về tâm trạng con người đang mê muội, bị đắm chìm bởi hiện tượng nhân quả, để cho ngoại cảnh chi phối lòng mình. "Bài hạ nhi tiến thượng" là tả về tâm trạng con người, phản ảnh mạnh mẽ, khi bị kích thích bởi hiện tượng ngoại giới, chẳng hạn như người ta phấn khởi, hớn hở khi thành công hay được tiếng tốt, đó là "tiến thượng"; ngược lại gặp lúc thất bại hay bị chê bai thì buồn bã, chán nản, đó là "bài hạ": Hiện tượng tâm trạng khi lên khi xuống như vậy đều do ngoại cảnh dẫn tới, nói cách khác, là người ta luôn luôn bị ngoại vật rằng buộc, thậm chí còn sát hại nữa là khác, cho nên bảo là "thượng hạ tù sát". Nghĩa là khi lòng người bị kìm kẹp trong khung cảnh phản ứng bởi những kích thích bên ngoài, thì không thể hoàn toàn tự chủ được, đắc chí thì vui tươi phấn khởi, "kỳ nhiệt tiêu hỏa" (nóng hổi như lửa đỏ) thất ý thì buồn nản vô cùng, "kỳ hàn nghĩ băng" (lạnh ngất tựa nước đá). Trang Tử nhận thấy tâm trạng con người lúc thăng lúc trầm, khi nóng khi lạnh một cách vô định như vậy, thật là điều đáng thương hại. Cho nên người cố gắng tìm một lối thoát cho người đời, bàng cách cứu vớt nhân tâm ra khỏi hiểm cảnh "thượng hạ tù sát", quy về với cảnh giới "Chân nhân" hư tĩnh, thanh đạm, tịch mạc, vô vi. Qua sự phân tách trên đây cho ta thấy rõ hơn, giá trị triết lý Trang Tử Ơ vào chữ "Tâm". Tâm đây, hiểu theo nghĩa của Trang Tử là nội tâm con người, là chủ thể của sinh mạng. Với nhà Nho, Tâm là nguồn gốc đạo đức, giá trị xã hội; với Trang Tử, Tâm là trạng thái hoạt động tâm lý rất phức tạp của con người, tức là hiện tượng Nhân quả do tình cảm, tư duy và cả ảo tưởng tạo nên. Nếu tâm hồn của người nào đó bị đắm chìm trong bể khổ nhân quả, thì Trang Tử coi như "Cận tử chi tâm" (Thứ tâm đã gần chết đi rồi), bởi vì nó khiến cho người ta, lúc nào cũng phập phồng lo âu, ngày đêm tư lự. Rút cuộc là lao tâm tổn thần, làm mỏi mòn sinh mạng của con người. Kịp lúc ngoảnh đầu nhìn lại, thì thấy tất cả đều trống không, chẳng hiểu mình đã đến từ đâu và sẽ đi về đâu. Cho nên Trang Tử cố gắng tìm cách giải thoát tâm hôn con người ra khỏi cương tỏa Nhân quả đó, ai nấy trở lại với bản ngã, chân ngã một cách tự do tự chủ, tội gì mà cứ phải đóng kịch đời, thành ra con người hai mặt, thậm chí muôn mặt, từ hạng chính khách cho đến kẻ phàm phu tục tử.
Giá trị triết lý Trang Tử ở vào ý nghĩa tồn tại của con người. Vậy con người ta tồn tại có ý nghĩa gì? Như đã trình bầy ở phần trước, mục tiêu cuối cùng của Trang Tử là mở ra một khung cảnh mới mẻ cho nhân sinh, vậy khung cảnh đó như thế nào? Hiểu được nội dung khung cảnh đó, là hiểu được ý nghĩa tồn tại của con người theo triết lý Trang Tử. Sách "Trang Tử có mô tả nhiều khía cạnh trong tân cảnh giới nhân sinh đó như sau (dịch nôm):
- Sống như bậc Thần... mà ngao du ngoài bốn biển.
- Là bậc Thánh, chẳng phải lo việc phàm tục... ngao du ngoài cõi trần ai.
- Tinh thần thông đạt bốn phương, chẳng nơi nào không tới được.
- Trời đất sống chung với ta, vạn vật cùng ta là một.
- Tinh thần giao cảm vãng lai với trời đất, nhưng không coi thường vạn vật.
- Cá quên mọi thứ nhờ có sông ngòi, người quên mọi việc nhờ có đạo thuật (thuật tu tiên)