2. Chủ Thuyết Đạo Học

Tư tưởng của Lão Tử được biểu lộ qua cuốn Đạo Đức Kinh, vỏn vẹn chỉ có năm ngàn chữ, thế mà đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Trung Hoa. Những trước tác chuyên giải nghĩa cho Đạo Đức Kinh, đến nay đã có trên 600 cuốn. Ở nước ngoài, chỉ riêng bản dịch Đạo Đức Kinh bằng tiếng Anh cũng đã nhiều đến 44 bản. Tựu trung, Đạo là ý niệm cơ bản nhất và quan trọng nhất trong cuốn Đạo Đức Kinh. Do đó, người ta gọi học thuyết của Lão Tử là Đạo học.
Nguyên chữ "Đạo" đã chứa rất nhiều hàm nghĩa, riêng trong chương 11 của cuốn "Trung Quốc triết học nguyên luận" của Giáo sư Đường Quân Nghị, cũng đã quy nạp đến những sáu điểm chính:
1/- Đạo thể hư vô.
2/- Đạo thể siêu hình.
3/- Đạo của hình tượng.
4/- Đạo' của đồng đức.
5/- Đạo trong việc tu luyện đức tính và nếp sống.
6/- Đạo trong trạng thái sự vật cụ thể và cảnh giới tâm linh, nhân cách của con người.
Nhưng ngay câu mở đầu của Đạo Đức kình lại viết rằng: "Đạo khả đạo, phi trường đạo". (Đạo mà có thể cắt nghĩa được, thì chẳng là Đạo vĩnh thường). Vậy Đạo của Lão Tử như thế nào? Chúng ta có thể tìm hiểu Đạo đó qua tư tưởng và hành vi của Lão Tử. Bởi chán ghét thế cuộc nhiễu nhương, nhân sự chỉ đua đòi lợi lộc, Lão Tử chủ trương chính trị "vô vi”, mặc cho mọi việc thuận theo quy luật tự nhiên. Người cho rằng, sở dĩ thần dân khó trị là bởi cấp lãnh đạo "Hữu vi" (cố làm cái gì đó), nếu họ "vô vi" (chẳng làm gì cả), là dân "tự hóa" (tự giải quyết hết mọi sự việc) Lão Tử giải thích thêm rằng, khi ta hiếu tĩnh là dân tự chánh; ta vô sự là dân tự phú. Thậm chí còn chủ trương "Tuyệt Thánh khí tri" (Đoạn tuyệt với Thánh Hiền, loại bỏ trí thức) và "Tuyệt Nhân khí nghĩa" (Đoạn -tuyệt với cái gọi là Nhân, loại bỏ những gì gọi là Nghĩa) nữa, cứ để cho tất cả trở về với bản tánh chất phác, chân thật thôi. Xem lại lời đối thoại trên, giữa Lão Tử với Khổng Tử, chúng ta thấy tư tưởng và phong cách của Lão Tử khác hẳn với nhà Nho học, bởi tư tưởng đó có khuynh hướng "phản nhân văn", thiên về triết lý siêu hình, nên Lão Tử được coi là một triết gia rất lý trí và bình thản.
Nguyên lý siêu hình của Lão Tử, là ở câu mở đầu của Đạo Đức kinh như đã trích lục trên đây. Lão Tử cho ràng "Thường đạo" mới đúng với cái tính chất của Đạo mà Người định nói, đó là Đạo định thường, không thay đổi. Lão Tử giải thích Đạo đó là: "Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất ta kỳ đanh, tự chi viết Đạo". Nghĩa là: có cái gì đó hỗn hợp thành hình, được sinh ra trước khi có trời đất. Nó tĩnh và thưa, biệt lập mà chẳng thay đổi, vận chuyển không ngừng, có thể nói đó là cái gốc của thiên hạ. Ta chẳng rõ tên, đặt đó là Đạo. Có nhiều học giả giải thích rằng, câu "tiên thiên địa sinh" là nói lên thời gian tồn tại của Đạo, đã có trước khi trời đất thành hình; "độc lập nhi bất cải" là nói lên tính cách biệt lập của Đạo, trong trạng thái vừa tĩnh vừa thưa; "chu hành nhi bất đãi" là nói lên tính cách phổ biến khắp nơi trong không gian của Đạo; riêng chữ "Mẫu” tức là cội”nguồn. Dù nói Đạo tuy chẳng là sự vật cụ thể hữu hình, nhưng trong tất cả mọi sự vật cụ thể đều có Đạo, bởi Đạo là căn nguyên của thiên địa Vạn vật.
Mặt khác, Lão Tử dùng Đạo để giải thích về nguyên lý của vũ trụ rằng: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Nghĩa là đầu tiên do Đạo hóa ra "Nhất" (Một), rồi "Nhị" (Hai), "Tam" (Ba). Vậy Nhất có nghĩa là gì? và Nhị, Tam được giải nghĩa ra sao? Xưa nay có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có người cho rằng, "Nhất, Nhị, Tam" đó, gần như đồng nghĩa với quy luật "Chánh, phản, hợp" trong Biện chứng pháp của Hégel (1770 - 1831), bởi chương 40 của Đạo Đức kinh viết rằng: "Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu (có), hữu sinh ư vô (không)". Vậy Nhất là Không, Nhị là Có, Tam là tổng hợp lại có với không, để nói lên quá trình sinh thành của vũ trụ. Lối giải thích như vậy, có đúng với sự thật hay không, là vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học. Riêng với nhà triết học, nhất là nhà triết học thời cổ, họ chẳng màng xét tới mà chỉ nghĩ rằng, phải có một lối giải thích nào cho trật tự vạn tượng bao la trong vũ trụ, cùng với quá trình sinh thành của vạn vật Trách nhiệm của triết gia chỉ thế thôi, đó là vũ trụ quan của Lão Tử, tuy quá đơn giản, nhưng rất khách quan và "vô lình", gần gũi với tinh thần khoa học, trái với vũ trụ quan "hữu hình", mà đời sau được đa số người Trung Quốc chấp nhận, theo quan điểm Nho học. Nếu chúng ta có hỏi thêm, tại sao Một có thể sinh ra Hai, và Hai sinh ra Ba, thì Lão Tử bảo rằng: "Phản giả Đạo chi động". (Sức tương phản, là nguyên động lực của Đạo) và rằng: "Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô". (vạn vật trong thiên hạ được sinh ra từ chỗ Có. mà Có thì lại sinh ra từ chỗ không). Theo lời giải thích đó thì cần phải có thành phần tương phản. làm cho Đạo có được "nguyên động lực để tác khởi. Sỡ dĩ bảo "Có” sinh ra từ chỗ “Không” là bởi "Có" với “Không” vốn dĩ tương phản với nhau.
Nói chung, tư tưởng của Lão Từ gồm có những đặc điểm sau đây:
1/- Chống xã hội đương thời. Theo nhận xét của các nhà xã hội học, thời Xuân Thu Chiến quốc là lúc Trung Quốc bước vào giai đoạn xã hội biến thiên trọng đại. Khi một con người cảm thấy khó thích ứng với cuộc diện thay đổi trọng đại đó, họ sẽ phản ứng ra sao? Phương thức của nhà Nho, đứng đầu là Khổng Tử, gồm cả Mạnh Tử sau này, thì một mặt mong muốn trở lại với quy phạm hành vi nguyên thủy, như duy trì quy tắc lôn pháp dưới chế độ phong kiến nhà Chu; đồng thời mặt khác,sáng tạo nấc thang giá trị mới. Mong được xã hội công nhận, như cổ súy, đề cao đức tính Nhân Ái luân lý Trung Hiếu. Còn phương thức của Đạo gia, đứng đầu là Lão Tử, gồm cả Trang Tử sau này, thì bài bác, chống phá trật tự xã hội hiện hữu bằng hành vi tích cực, hoặc tự đặt mình ra ngoài vòng xã hội đó, bằng hành vi tiêu cực, như đi ẩn náu, mai danh lánh nạn chẳng hạn. Xuyên qua lời nói và trước tác (như Đạo Đức Kinh), người ta thấy Lão Tử luôn luôn giữ thái độ đả kích tập tục và chế độ xã hội đương thời, khiến cho tư tưởng và hành vi của Người, nhất nhất đều trái ngược với tình trạng thực tế trong lúc đó. Lúc đó là thời đại hiếu chiến, nước nào cũng lo tăng cường binh bị thì Lão Tử bảo rằng: “Giai binh giả bất tường chi khí”. (Quân lực mạnh, là thứ chẳng lành), và rằng: "Dĩ Đạo tá nhân chủ giả, bất dĩ binh cưỡng thiên hạ". (Kẻ biết dùng Đạo mà phò chúa, thì chẳng lấy chiến tranh làm phương tiện, để cưỡng bức thiên hạ). Đang lúc phần tử trí thức đua nhau chu du liệt quốc, ai nấy cố gắng thuyết phục vua chúa các nước chấp nhận ý kiến của mình, mong có thể làm được cái gì đó, thì Lão Tử lớn tiếng cảnh cáo họ rằng: "Thủ thiên hạ thường dĩ vô sự, kịp kỳ hữu sự, bất túc dĩ thủ thiên hạ". (Được thiên hạ thường là chẳng gây nên chuyện, nếu đã gây nên chuyện, thì không đủ tư cách để được thiên hạ). Đó là lý tưởng chính trị trong thuyết "Vô vi" của Lão Tử.
2/- Phản kinh nghiệm, phản ta thức. Lão Tử viết: "Tuyệt học vô tư'. (Có bỏ học mới hết ưu phiền); "Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn". (Càng có học cho lắm, càng có hại cho việc tu Đạo); "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri". (Người có học vấn chẳng bao giờ nói, kẻ hay nói mới là người không hiểu biết), Sở dĩ phải phản kinh nghiệm, phản trí thức, theo Lão Tử có hai lý do: Một là kinh nghiệm và trí thức khiến cho người ta hay lo âu, cho nên bảo "Tuyệt học vô tư'; hai là, kinh nghiệm và trí thức gây trở ngại cho việc tu Đạo, bởi lẽ hiểu biết nhiều chừng nào, thì càng thúc đẩy lòng ham muốn, đòi hỏi của người ta, đồng thời cũng dễ làm cho người ta nảy sinh cảm giác bất mãn với hiện tại, cho nên đã báo "Học nhiên hậu tri bất túc” (Câu này có nghĩa là: Học mà biết cho nhiều, rồi mới thấy đời người hãy còn thiếu lắm thứ quá. Lâu nay người ta thường hiểu ìâm là: Càng học càng thấy sự hiểu biết của mình hãy còn non kém). Bởi Lão Tử nhận định ràng, việc tu Đạo cần phải tĩnh mịch, đạm bạc, đẹp hết lòng ham muốn đi mới được. Nghĩa là Đạo của Lão Tử chẳng có liên hệ gì tới trí thức và kinh nghiệm cả, mà là thứ công phu thủ tĩnh, quả dục, đặng có thể đạt tới cảnh giới thanh tịnh, vô vi. Trở lại câu "Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri". Cần phải hiểu ý nghĩa chữ "Tri" này là thứ tri trực giác, chẳng học mà tự mình ngộ ra chân lý của trời đất. Sở dĩ sau hai triều nhà Hán, Nho, Đạo và Thích, tam giáo có thể kết hợp nhau được, là thông nhau ở chỗ thanh tĩnh quả dục.
3/- Chất phác quy chân. Đây là đời sống lý tưởng của Lão Tử và tất cả những ai, là người tu Đạo chân chính. Bối cảnh dựng lên lý tưởng này có hai mặt: Về mặt chính trị, là thái độ ghét bỏ hành động bạo lực và đời sống xa xỉ, tâm tư dối trá của tầng lớp quyền thế trong xã hội đương thời; về mặt cá nhân đã gọi là "Ẩn quân tử", thì chất phác quy chân (Đời sống đơn giản bình dị, trở về với chân thật, với thiên nhiên), mới thật là đúng với cảnh sống mà Lão Tử hằng mơ ước.
4/- Công thành phất cư. Đây là nguyên tắc ở đời mà Lão Tử đem ra dạy đời. Đời bao giờ cũng khuyến khích người ta, gắng sức làm để được hưởng thành quả tốt đẹp, do công lao của mình tạo nên. Nhưng Lão Tử cho rằng, mọi thành quả đó, rất có thể đưa lại tai họa cho con người. Lão Tử bảo: "Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thi vi nguyên đức". (Sống mà không giữ của, làm mà chẳng ỷ công, dù lớn cũng không đứng làm chủ tể, đó mới là cái đức nguyên vẹn) và rằng: "Công toại thân thoái, thiên chi đạo". (Khi đã đạt tới thành quả rồi thì rút lui ngay, là đúng với lẽ trời) và "Vi giả bại chi, chấp giả thất chi". (Kẻ ham làm sẽ gặp thất bại, kẻ ôm giữ sẽ bị mất mát). Vê điểm này Phạm Lãi làm được, Văn Chủng làm không được. Cả hai đều là công thần của Việt Vương Câu Tiễn, lịch sử đã chứng minh ai họa ai phước.
5/- Họa phước vô môn. Tránh họa cầu phước, là lẽ thường tình của con người, nhưng Lão Tử cho rằng, cái lẽ đó không chắc chắn. Bởi trong quá trình đời người, đâu là họa đâu là phước, thật khó nói lắm. Lão Tử bảo rằng, họa ư, lắm khi phước nhờ đó mà có; phước ư, biết đâu đó là căn nguyên của họa. Cho nên đã có chuyện "Tái ông thất mã, yên tri phi phúc".
6/- Dĩ nhu khắc cương. Lão Tử tin rằng "Nhu nhược thắng cương cường", và giải thích rằng: "Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng". (Dưới bầu trời này, còn thứ gì yếu mềm hơn nước, thế mà kẻ mạnh phá được thành trì kiên cố, cũng chẳng thể thắng nổi nước). Thuyết "Nhu khắc cương", hẳn là một trong những đặc điểm của triết lý Lão Tử.
Tư tưởng của Lão Tử rất thích hợp với những ai, là kẻ ưa sống gần gũi thiên nhiên,lại có phần tương thông với đức tính khiêm nhường, dung thứ, nhẫn nại của nhà Nho. Do đó, người theo Đạo học thích sống vào nơi thâm sơn cùng cốc, tĩnh tịch, xa lánh bụi trần tự tay kiếm ăn, tự mình chữa bệnh, người đời gọi đó là "Tu Tiên", mang sắc thái huyền bí như một tôn giáo, cho nên thường gọi là "Đạo giáo".