Hồi 14
Đêm khuya vào u cốc

Văn Thiếu Côn thấy hết ngõ chối từ và cũng chẳng biết làm sao hơn cứ theo lối ấy phóng lên. Một tay nắm lấy tay phải Chu Diệp Thanh, chàng vận khí đỡ nàng cùng vọt thẳng lên cao nhẹ nhàng như làn khói.
Đỉnh núi cao ngoài trăm trượng. Vách đá tuy dựng đứng, thẳng tắp, nhưng thỉnh thoảng cũng có người mô nhỏ chìa ra ngoài để làm điểm tựa. So với giếng sâu nơi núi hổ báo mà chàng đã phóng qua còn dễ hơn nhiều lắm.
Cho nên chàng dắt Chu Diệp Thanh cùng lên không tý nào vất vả. Sau vài lần tạm dừng bước xả hơi không bao lâu cả hai đã đến tận đỉnh núi.
Đứng trên nhìn xuống, mọi vật đều trông thấy rõ ràng.
Thì ra ngọn núi này tuy không cao lắm nhưng nhờ địa thế thuận tiện, án ngự cả một vùng bao la bát ngát.
Cảnh vật bốn bề thu gọn vào tầm con mắt.
Lúc này tuy đêm còn khuya nhưng năng lực thị thính của Văn Thiếu Côn có thể gọi là thiên hạ vô song nên có thể nhìn rõ hàng mấy dặm. Từ hang đá, cành cây, mọi vật đều thấy rõ như ban ngày.
Phía sau ngọn núi là một hang sâu thăm thẳm, trong hang thấp thoáng mây mù cuồn cuộn, cây cối um tùm. Để ý nhìn kỹ thấy một đám mờ mờ đen đen che lấp một rạng cây vĩ đại lẫn khuất thấp thoáng qua một màn mây dày như ảo ảnh.
Vừa để chân lên đỉnh núi, khí hậu trở nên ấm áp, hình như trời đã sang xuân.
Hơi gió trong hang lộng ra có phảng phất mùi cỏ hoa thơm dịu.
Bao nhiêu tình hình trông thấy quả đúng y như những lời đồn đại từ lâu.
Đối với Văn Thiếu Côn, chàng đã từng nghe Niệp Sáp hòa thượng thuật lại tỷ mỷ những gì nơi hang Vô Nhân cốc, nửa ngờ nửa tin. Bây giờ chính mình đã đến trước cảnh thật tự mắt mình nhìn thấy quả nhiên lời kể cùng sự thật rất đúng chứ không sai.
Chàng bàng hoàng suy nghĩ, không ngờ tạo hóa khá an bài một nơi như thế ấy.
Tiếp tục vận dụng nhãn quang nhìn vào trong hang thấy vách đá dựng đứng chọc trời. Cửa hang rộng chừng một trượng. Từ cửa hang đi vào phía trong một đoạn, sừng sững một khối đá vuông vĩ đại. Trên khối đá có khắc ba chữ lớn:
“Âm Dương Giới”.
Ngoài cửa hang lố nhố đầu người đông vô kể. Quả nhiên trên một trăm người đang tập trung nơi đây từ lúc nào rồi.
Nhìn họ thấy đủ hạng, có cả tăng, ni, đạo, tục, ai nấy cũng quá cỡ trung niên, từ năm mươi tuổi trở lên.
Trong lúc đang mãi quan sát thình lình nghe một tiếng sấm rền văng vẳng nổi lên từ phía ấy.
Tiếng sấm tuy nhẹ nhưng âm ba vang lồng lộng, như đập mạnh vào cân não của bao nhiêu người, khiến họ trở nên phập phồng lo sợ.
Văn Thiếu Côn nghe tiếng sấm cũng ngẩn người suy nghĩ chẳng hiểu sao.
Ngẩn đầu nhìn lên trời cao. Trong đêmkhuya khoảng trời quang đảng sao sáng, nhấp nháy, không gợn chút mây mờ. Trời đang ở giữa thu, thế tại sao lại có sấm rền lạ thật.
Văn Thiếu Côn tin rằng đó là tiếng sấm thật. Nếu ngoài tiếng sấm ra, trên đời này không còn có tiếng âm vang rên rỉ và kéo dài oàng oàng như thế được.
Bao nhiêu điều mắt thấy tai nghe đã gieo thêm sự hoài nghi lo sợ vào lòng mọi người.
Chu Diệp Thanh đứng cạnh chàng, nãy giờ thản nhiên dòm xuống không nói gì hết.
Khi tiếng sấm vừa tan, nàng quay sang bảo Văn Thiếu Côn:
- Văn công tử, đã có người vào nộp mạng vừa rồi đấy.
Văn Thiếu Côn đứng ngay trên đỉnh núi, cách cửa hang trên dưới hai trăm trượng với nhãn quang sắc bén của chàng không có một việc gì là không trông thấy rõ rệt.
Tiếng sấm vừa rền, quần hùng xôn xao nhốn nháo hình như có một điều gì khác thường mới xảy ra bên trong.
Chàng nhin kỹ ở hàng đầu có bảy người, là bảy đạo sĩ, lưng đeo trường kiếm, người nào cũng ăn mặc giống nhau, quần áo xốc xếch hình như vừa trải qua một hành trình khá dài và vất vả.
Họ đứng một chập rồi thình lình đồng tuốt kiếm lăm le nơi tay. Cả bảy người dè dặt từng bước một, tiến dần vào hang theo hàng chữ nhất.
Cứ theo những động tác của bảy đạo sĩ rõ ràng là những nhân vật có võ công quán chúng. Thân hình họ tiến tới nhẹ nhàng bao nhiêu cao thủ bước lục đục kéo theo sau khi gần đến cửa hang cùng dừng lại.
Chàng đang chăm chú nhìn theo bỗng Chu Diệp Thanh khẽ nói:
- Bọn Mang Sơn thất kiếm đây rồi!
Bảy đạo sĩ này là Mang Sơn thất kiếm, cũng từ từ tiến tới không ngừng. Họ thủng thỉnh bước vào hang tới cạnh tảng đá có khắc ba chữ “Âm Dương Giới”, lằn ranh của cõi sống và cõi chết.
Theo tin đồn thì năm mươi năm xưa. Vưu Bá Đạt, lãnh tụ Vô Cực phái đã bỏ mạng lúc đặt chân qua lằn ranh này.
Văn Thiếu Côn nhớ lại lời kể của Niệp Sáp hòa thượng về câu chuyện năm mươi năm qua, mồ hôi toát ra ướt áo.
Khi đến gần ranh giới của tử thần, tự nhiên cả bọn Mang Sơn thất kiếm cùng dừng chân đứng lại phía sau tảng đá.
Sau đó một người trong bọn hăng hái xông lên. Cả sáu người khác cùng rập theo tung mình xông tới trước, vượt qua tảng đá đi vào phía trong.
Bảy bóng người vừa lướt qua khỏi, bỗng một loạt sấm nổ rền vang, một luồng kình phong từ trong lòng hang bốc ra, mây bay mù mịt rừng núi như loạn cuồng.
Tiếng nổ vang ầm lần theo tiếng gió ầm ì như sóng tràn thác lũ.
Cả bọn Mang Sơn thất kiếm vừa tung mình nhảy tới đã lẫn vào đám mây mù cuồn cuộn, không trông thấy hình dạng nữa.
Hàng trăm người trố mắt nhìn theo, khiếp đảm.
Lẫn theo tiếng vang rền, hàng loạt tiếng hú văng vẳng đập vào tai mọi người.
Quả là những tiếng rú thất thanh, thảm thiết của những kẻ chết bất đắc kỳ tử.
Văn Thiếu Côn hồi hộp không ít. Chàng thấy Chu Diệp Thanh cũng ngồi đờ người, chú ý theo dõi những gì đang xảy ra trong đám mây, gió loạn cuồng, không nói gì hết.
Văn Thiếu Côn than lớn:
- Ôi...
Chu Diệp Thanh ngạc nhiên hỏi:
- Làm sao biết được?
Giọng nói có vẻ sửng sốt hoài nghi. Thật vậy, dưới mắt hai người, một vùng mây mù trùng trùng che kín. Dẫu nhãn lực tình thâm đến đâu, chàng cũng không thể nhìn xuyên qua bên kia để thấy rõ những gì đã xảy ra. Như thế vẫn chưa có hiện tượng gì chứng minh là bảy đạo sĩ to gan kia đã chết hay còn sống sau lằn ranh giới Âm Dương.
Sự thật Văn Thiếu Côn cũng nào có thấy gì. Nhưng vì chàng đã nghe Niệp Sáp hòa thượng thuật lại chuyện ngày xưa với những nét huyền bí của hang này do đó chàng có linh cảm của sự nguy hiểm đang xảy ra rồi buột miệng nói như thế mà thôi.
Không thấy chàng trả lời, Chu Diệp Thanh khẽ xô vai chàng cười hỏi:
- Làm gì như kẻ mất hồn, người ta hỏi mà không đáp.
Văn Thiếu Côn giật mình đáp:
- Quả nhiên là thần bí, chỉ đoán chừng như thế thôi chứ đâu có gì chắc chắn được. Không biết vì sao người ta chẳng ngại đường xa, nguy biến nô nức kéo về đây để... nộp mạng nhỉ?
Chu Diệp Thanh mỉm cười nói:
- Chẳng qua vì tánh hiếu kỳ và lòng tham lam xúi dục cả. Nơi này huyền bí thiêng liêng ai ai cũng cho là phải che giấu một cái gì lạ lùng quý báu, thế rồi kẻ nói ít người đồn nhiều nên màn bí mật càng ngày càng dày thêm. Càng bí mật càng gây thêm hiếu kỳ, tâm lý ở đời vẫn thế.
Ngừng một chập nàng nói thêm:
- Phần đông các cao thủ võ lâm chỉ muốn tìm được những cái gì bí hiểm phô trương những cái gì lạ lùng mà thiên hạ đang tìm kiếm. Làm được việc ấy là có dịp để nổi tiếng hơn nữa.
Nói đến đây nàng ngập ngừng và nín thinh.
Văn Thiếu Côn hỏi:
- Hơn nữa... rồi sao?
Nàng nói tiếp:
- Hơn nữa bên trong hang này, phía sau lằn ranh giới của tử thần chắc hẳn có ẩn tàng một cái gì vô cùng quý báu hoặc những tài liệu hiếm có về võ công.
Những thứ đó là cái mồi để câu hàng bao nhiêu người đã vì tham lam mà mất mạng.
Văn Thiếu Côn than dài nói:
- Người chết vì tiền, chim chết vì mồi, tuy cũng đáng thương mà cũng đáng chết lắm.
Chu Diệp Thanh hỏi:
- Ngoài ra thiếp có nghe đồn bốn tên gia bộc đã khiên thi thể của lệnh tôn vào trong Vô Nhân cốc, có thật không nhỉ?
Văn Thiếu Côn giật mình kinh ngạc nhìn trừng trừng vào Chu Diệp Thanh hỏi gằn:
- Làm sao nàng biết được? Có thật không?
Nàng đáp:
- Chỉ nghe đồn mà thôi.
Chu Diệp Thanh đã hỏi đúng những tin đồn của thiên hạ, nhưng Văn Thiếu Côn lại cho là một điều không thể có được vì theo ý chàng, thi hài của vợ chồng Văn Tử Ngọc đã bị cháy tiêu trên Hạ Lan sơn trong ngày hôm ấy rồi.
Đối với chàng, dù vợ chồng Văn Tử Ngọc không phải thật là cha mẹ, nhưng với công ơn nuôi dưỡng mười mấy năm qua, tình thâm nghĩa trọng nên những lời nói của nàng đã gây khích động mãnh liệt nơi tâm tư chàng.
Chàng lẩm bẩm nói:
- Bốn tay lão bộc có lẽ là bọn Kim Trung Nhứ rồi. Nhưng ngoài ra cô nương có nghe đồn gì về tiên mẫu của tại hạ không?
Chu Diệp Thanh lắc đầu.
Sự yên lặng bao trùm hai người.
Văn Thiếu Côn trầm ngâm suy nghĩ:
- “Nếu thi hài tiên phụ được khiêng vào Vô Nhân cốc thì giờ này nằm yên phía sau đám mây mờ kia ư. Thế còn bốn tên lão bộc thì sao? Số mạng chúng đã mất hay còn, hiện nay đang ở đâu? Cũng ẩn nấp trong hang hay đi tìm sanh sống nơi phương nào?”
Bao nhiêu ý nghĩ phức tạp rắc rối cứ quay cuồng trong óc, đoán không ra.
Văn Thiếu Côn lại đưa mắt nhìn về phía ấy để suy tư.
Bỗng Chu Diệp Thanh lại nói:
- Lệnh tiên phu có nói người đi tuần sát miền Tây, nhưng sự thật không đúng như thế, và đó chỉ là một lý do để che đậy một việc làm khác.
Văn Thiếu Côn ngạc nhiên nhìn nàng:
- Thật thế không? Sự thật người đã làm gì?
Nàng đáp:
- Sự thật thì người đã vào hang Vô Nhân cốc hơn ba tháng.
Văn Thiếu Côn sững sờ chẳng biết nói sao.
Chập sau chàng hỏi:
- Cô nương sống trong dãy Trường Bạch ở xa nơi đây hàng vạn dặm, tại sao lại biết rõ ràng như thế chứ?
Chu Diệp Thanh đáp:
- Chẳng giấu gì công tử, những chuyện này đều là người vấn đề mà hiện nay trong khắp các giới võ lâm đang đồn đãi và bàn tán xôn xao nhất. Hang Vô Nhân cốc tuy chẳng kẻ nào dám vào, nhưng trước hang và khắp các nơi xung quanh dưới chân núi này không biết bao nhiêu người đang ngấm ngầm canh giữ, giám sát ngày đêm.
Đây là lần đầu tiên Văn Thiếu Côn được nghe nói nên chàng không khỏi thắc mắc và chưa dám tin là có thật.
Chàng cau mày nghiến răng hỏi:
- Nếu vậy thì nguyên nhân cái chết của tiên phụ tôi chắc hẳn là...
Chu Diệp Thanh nói ngay:
- Cũng chưa biết được. Chẳng ai có thể dám quả quyết đã bị chết trong hang hay bị người ta ám hại. Chẳng qua cũng chỉ là lời đồn đại, đặt thành nghi vấn. Cũng bởi thế mà năm vị Chưởng môn của năm phái võ lâm đã kéo nhau đến Hạ Lan sơn, vào thiên hạ đệ nhất gia hầu tìm ra sự thật.
Nàng thở dài tiếp:
- Âu cũng là số kiếp.
Nhưng Văn Thiếu Côn vẫn không hết thắc mắc. Chàng tự hỏi:
- “Sau khi Văn Tử Ngọc vào hang Vô Nhân cốc trở về rồi chết ngay, vì sao thiên hạ biết được sớm như vậy? Cái chết ấy tại sao làm xáo trôn võ lâm đến nỗi họ kéo nhau đến đốt phá cả Lăng Vân sơn trang đi?”
Từ bé sinh trưởng nơi Lăng Vân sơn trang chưa bao giờ đặt chân lên chốn giang hồ, kinh nghiệm rất ít, chỉ trong mấy ngày đã trải qua không biết bao nhiêu cảnh bất ngờ quái lạ, cảnh nào cũng thập tử nhất sinh, phải tận lực đối phó. Như thế chàng đâu có dịp nghe ngóng những tin tuưc đã xáo trộn trong chốn giang hồ.
Vì vậy mà những lời do Chu Diệp Thanh vừa kể đối với chàng hoàn toàn mới lạ, suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra được nguyên nhân chính yếu của những thắc mắc này.
Nhìn xuống phía dưới núi khi bảy tay kiếm khách của Mang Sơn vượt Âm Dương giới vào trong qua một hồi lâu không thấy tin tức nào khác nữa.
Ngoài cửa hang quần hùng đứng chen chúc đợi chờ bàn tán xôn xao cả lên.
Bỗng một lời nói vang lên oang oang như tiếng chuông đồng, quả tiếng nói của một người có công lực vô cùng thâm hậu:
- Bảy vị Mang Sơn thất kiếm ra đi mãi không tin tức đưa lại, chẳng lẽ chúng ta ngồi đây chờ đợi vĩnh viễn hay sao?
Một giọng khác tiếp theo:
- Biết đâu họ đã gặp điều bất trắc rồi.
Người nói trước cãi lại:
- Có lẽ họ đã tìm thấy những gì khác thường bí mật, cứ lo tìm xét các nơi chưa kịp ra báo cáo lại cho chúng mình đấy thôi.
Người khác họa theo:
- Ừ, có lẽ đúng đấy. Nếu gặp điều bất trắc thì phải có người trở ra cầu cứu chứ. Như thế chắc hẳn họ đã làm được việc rồi nên quên lời hẹn ước muốn chiếm độc quyền cũng nên. Theo ý tôi thì mọi người chúng ta cùng kéo vào một lượt, gặp may cùng chia, gặp họa cùng chịu, chả lẽ cứ đứng chờ đợi mãi hay sao?
Ý kiến có vẻ hợp tình hợp lý và hợp với ý muốn của đa số nên được sự tán đồng ngay.
Tiếng hoan hô vang ầm như sấm nổ, mọi người nhao nhao cả lên.
Thế rồi hơn một trăm cao thủ võ lâm, binh khí tuốt trần, như đàn kiến ùn ùn kéo nhau vào hang.