Phần 1

(Đây chỉ là những kỹ niệm được kể từ hồi ức khởi đầu từ năm tháng còn đi học, do đo’ bố cục không có đầu đuôi như một câu truyện ngắn. Tất cả những tên trong câu chuyện kể đều là tên thật và đương nhiên họ cũng đang đọc câu chuyện này. Thương mến tặng các bạn cùng niên khóa 62-68 Trường Trung Học Trần Bình Trọng, Ninh Hoà )
Người ta học để trở thành người học giỏi quả là khó khăn nhưng học để trở thành một người học dở lại càng khó khăn hơn. Tôi cắp sách đến trường trong trạng thái đó suốt những năm theo học trường Trung học Trần Bình Trọng. Các môn chính như toán, sinh ngữ,vật lý, hóa học, việt văn tôi chưa hề biết đến hai chữ xuất sắc là gì. Các môn phụ như đi chơi và lười biếng không có trong thời khóa biểu thì tôi lãnh hội rất nhanh. Bởi vì không thể trở thành người học giỏi lại khó khăn hơn để trở thành người học dở cho nên tôi đành phải là người tầm thường. Tầm thường đến nỗi không một ông thầy nào cần phải lưu tâm để ý đến. Còn tệ hại hơn nữa là đám con gái bạn học cùng lớp mặc dù sàng sàng cùng tuổi thảy đều xem tôi như là một thằng bạn thuộc vai vế đàn em. Máu đang chảy luân lưu trong cơ thể của tôi là máu Ninh Hòa. Từ xưa đến nay người Ninh Hòa vẫn duy trì một bản tánh trở thành thói quen đó là thường mặc nhiên chấp nhận những gì xãy ra không cần phản kháng. Nói một cách dễ hiểu đó là sao cũng được. Tôi là dân Ninh Hòa cho nên tôi cũng thế.
Các cô nàng cùng lớp xem tôi như em út thì tôi xem cứ xem lại họ là sư tỉ. Gọi bằng anh càng tốt, gọi bằng mày cũng chẳng sao. Nhưng hình như chẳng có ai gọi tôi bằng anh, hoạ hoằm lắm có một vài sư tỉ gọi bằng tên. Xưng hô như thế cũng là lịch sự. Các sư tỉ gọi tôi bằng mày tao, nhiều khi tôi nghĩ vậy mà hay, khỏi phải lo đắc tội với câu: tiên học lễ hậu học ôm. … Vào lớp thầy dạy mười thì tôi hiểu được một hoặc hai. Đôi lúc tôi ước giá mà phải chi đừng hiểu gì hết thì chắc có lẽ cái đầu biết đâu được nhẹ nhõm và thoải mái hơn chăng? Học tà tà như cởi nguyệt xem hoa vậy mà năm nào tôi cũng dư điểm trung bình để trèo lên lớp. Không biết có phải do bẩm sinh tôi vốn đã thông minh có sẳn? Tôi không rõ lắm. Ngoài mặt tôi lo thủ thân thủ phận để đừng bao giờ trèo cao lên ngang hàng cùng các sư tỉ, còn bên trong cái đầu coi vậy mà không phải vậy. Nó muốn nghĩ sao thì nghĩ, tôi không thèm cấm cản. Mà cái đầu thì hình như lúc nào cũng muốn lộn xộn khác người. Sự lộn xộn đó tôi chỉ cảm thấy rất trừu tượng có thể hình dung nhưng không giải thích được. Tóm lại tôi không có đủ chữ nghĩa để giải thích. Tôi bám theo tuổi thiếu niên lớn lên với cuộc sống thuận xuôi theo sự bấp bênh trôi trên dòng đời. Dòng đời thì chẳng bao giờ êm ả, nó cứ gập ghềnh như miếng gỗ mục kẹt nơi miệng cống giữa cơn mưa không lối thoát, nên sự lộn xộn trong cái đầu hãy mãi còn vướng vất đến mấy chục năm sau.Bây giờ thì tôi không còn trẻ nữa. Ngẫm nghĩ quãng đường dài tôi đã đi qua, thấy đời người ngắn củn. Còn bao điều muốn nói với đời?
Sáng nay vào trang Trần Bình Trọng trên web side Ninh Hòa dot com, nhìn lại tấm hình bốn cô nàng cùng lớp Hoa, Thức, Nết, San múa bài Trăng Mường Luông. Hình chụp vào mùa hè cuối năm đệ ngũ 2 năm 1965. Nhìn bốn cô nàng láng mướt, hồi ức bỗng như giống một cái DVD cũ vừa được phủi sạch bụi bỏ vào máy, những hình ảnh xưa lần lượt hiện lên đầy đủ. Từ hồi ức tôi gặp lại một thằng bạn đã chết trong chiến tranh, đó là Lê Minh Sanh. Thoáng chốc mà đã 40 năm trôi qua, biết bao nhiêu thay đổi của cuộc sống, biết bao nổi trôi của dòng lịch sử tấm hình vẫn còn nguyên vẹn tinh khôi. Kỹ niệm giống như cái bánh tráng nướng đặt để trên bất cứ mặt phẳng nào cũng chông chênh nghiêng quẹo. Nó khiến cho người ta lão đão bồng bềnh như uống rượu. Kỹ niệm cũng giống như ly rượu đế. Nếu uống vô mà cảm thấy ngon thì uống bao nhiêu cũng được. Nếu uống vô thấy đắng thì uống một hớp cũng dã thấy nhiều. Kỹ niệm với Lê Minh Sanh như ly rượu đắng nuốt chưa trôi qua cuống họng nước mắt đã muốn chực trào. Nhớ đến Sanh đồng thời những khuôn mặt thân quen của lứa bạn bè năm đệ ngũ 2 lần lượt kéo nhau qua đi diễu hành qua ký ức. Lần cuối cùng tôi gặp Sanh là cuối năm 1969. Lúc đó tôi đang là khóa sinh dự bị sĩ quan đang học giai đoạn đầu tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung, còn Sanh đã là trung sĩ. Tôi tìm đến Sanh trong một căn nhà nhỏ ở đường Trương Minh Giảng Phú Nhuận theo địa chỉ ngoài bì lá thư của nó gửi vào quân trường. Cái thằng bạn nổi tiếng lí lắc nghịch ngợm bán trời không mời thiên lôi của những năm đệ ngũ mới đó vài năm sau đã trở thành không còn vô tư lự. Tôi chỉ có 12 giờ phép ngày chủ nhật. Tranh thủ đi về thời gian còn lại chẳng bao nhiêu. Gặp Sanh thì nó đang bị bệnh trốn từ quân y viện ra nên không có đủ thời gian để cùng tấp vào một quán cà phê đèn mờ nào đó để cùng hồi tưởng lại những ngày còn đi hoc. Khuôn mặt thằng bạn hốc hác xanh lè, lưng vai cắt lể bầm tím đen thui. Trông nó giống như vừa sốt rét dậy. Tôi hỏi:
- Trúng bùa của con ma nữ nào nó hút hết tinh khí phải không?
Nó cười méo xẹo:
- Hình như tao bị thương hàn cấp tính
Rồi đưa cặp mắt lờ đờ nhìn vào bộ đồ treilli tân binh màu xanh cứt ngựa còn mới tinh của tôi đang mặc trên người:
- Mày mặc đồ lính trông giống như con cò ma đang mặc áo tơi
Tôi ngồi với nó, hỏi nó có bồ chưa, nó lắc đầu. Nó hỏi ngược lại tôi như tôi đã hỏi, gặp đang lúc thất tình vì bị Phan đá giò lái, tôi cũng lắc đầu theo. Cả hai đứa cố gắng gượng cười để che dấu cái cảm giác bâng khuâng khó tả đang chứa trong lòng. Tụi tôi đã và đang là hai người lính không còn là hai đứa học trò cùng lớp năm xưa. Nó ráng lết theo tôi ra hàng mì hoành thánh đầu con hẽm kêu mỗi đứa một tô hai vắt, một chai xá xị và một điếu capstan. Buổi trưa nắng Sài Gòn không nóng lắm vì đang vào tháng chạp nhưng mồ hôi vẫn rịn dọc theo đường chân tóc trên trán. Nhìn cái đầu ngắn củn với hai mụn tàn nhang chình ình trên màng tan phía phải của nó tôi nói:
- Thầy Nguyễn Khoa Thanh gọi đùa cái đầu mày là đầu đum, tao không biết đum là gì, giờ tao biết là cái gì rồi?
- Là cái gì?
- Là cái đầu mày
Nó cười:
- Khoảng ngày lý lắc đó thật vui chắc không còn bao giờ tìm lại được.
Xế chiều tôi phải trở lại Quang Trung. Trước khi leo lên xe lam tôi nói:
- Mày mau hết bệnh tuần sau tao ra sẽ rủ mày xuống Gò vấp thăm chị em ta, có mấy em đã lắm
-Chơi bời coi chừng có ngày lãnh đạn nghe con
- Đừng lo, trong đại đội tao có một anh chàng nguyên là bác sĩ bày tụi tao một phương đứt điểm rất hay khỏi phải lo chuyện đau lậu
- Phương thuốc gì?
- Anh chàng đó bày cứ chơi bời thả ga, khi nào bị lãnh thẹo thì chơi nguyên một vĩ théonephicol 12 viên là xong ngay
- Mày thử chưa?
- Chưa, nhưng mấy thằng thử rồi, tụi nó nói hiệu nghiệm lắm
Tuần sau tình hình ở ngoài Sài Gòn lộn xộn, mấy nhà sư đang biểu tình trước dinh Độc Lập tôi bị cấm trại. Tuần sau nữa thì Sanh đã trở ra đơn vị, 12 giờ phép không gặp nó. Xa nhà xa cửa không biết làm gì chỉ biết lủi thủi một mình xuống Hốc Môn thăm chị em ta để học làm người lớn với cõi hồn mông lung trống vắng vô cùng.
Sau ba tháng giai đoạn một tại Quang Trung, khóa 6/69 sĩ quan trừ bị chia làm hai, một nửa về Thủ Đức, một nửa ra Đồng Đế. Tôi nằm trong số một nửa ra Đồng Đế và bặt tin tức của Sanh. Mãi đến gần cuối năm 1971 trong một lần về phép từ Ban Mê Thuột, họp mặt bạn cùng lớp tại nhà Phạm Thị Hoa tại Ninh Hòa thì tôi mới biết Lê Minh Sanh đã chết ngoài trận cùng một lúc với tin Huỳnh Phước Thạnh. Như vậy trong lớp tôi học chưa đầy hai năm sau ngày lăn vào cuộc chiến đã có hai đứa vĩnh viễn ra đi.
Buồn cũng thế không buồn cũng thế
Con tim tôi vẫn đập dẫu ngập ngừng
Kể như tôi đã mắc nợ Sanh một lời rũ đi chơi bời không còn cơ hội thực hiện.
Số bạn cùng lớp còn lại không ham đánh nhau nên tìm nhiều đường để được hoãn dịch cầm chừng bằng cách xin vào trường sư phạm Qui Nhơn hay lý do gia cảnh. Tin tức về chiến sự trên báo chí thì không gì vui. Ngày nào cũng có người chết không nơi này thì nơi nọ nên chẳng mấy ai ham. Tôi khác họ. Tôi không ưa nghề thày giáo bởi tôi tự biết bản tánh của mình là con ngựa bất kham khó mà dạy dổ được ai. Tôi thuộc vào nhóm thiểu số thích mặc đồ lính trên người. Làm người lính không thân không thế trong chiến tranh giống như đang chơi trò đánh bạc. Tôi chấp nhận chơi trò đánh bạc số mệnh, bởi vì nếu không đánh bạc thì làm sao biết được mình may mắn? Cũng như không chịu đi chơi bời thì làm sao biết được mình còn sức khoẻ? Sợ thiên hạ chữi cho là điên, cái miệng tôi câm như hến vì xét ra không cần phải có lý do để mà giải thích.Hồn ai nấy giữ, số mạng phó mặc cho trời.
Trở lại chuyện tấm hình của bốn sư tỉ hiện diện trong tấm hình trên trang web Ninh Hòa. Mấy chục năm sau còn sống nhăn, nhiều lúc tôi ước gì thời gian quay ngược lại. Còn biết bao nhiêu điều tôi chưa dám nói ra. Nếu quay ngược lại được với thời gian và với kinh nghiệm dày dạn như hôm nay chắc có lẽ những gì ấm ức sẽ không còn tồn tại trong tâm não bởi vì giờ đây tôi đã dư thừa can đảm. Nhưng sẽ nói ra điều gì? Cho ai? Trời biết. Tôi biết. Nhưng chắc chắn là không cho một trong bốn sư tỉ Hoa, Thức, San, Nết kia đâu. Sở dỉ tôi nhắc đến tấm hình là tại vì đáng lý ra tấm hình không chỉ chụp võn vẹn bốn cô, thay vào đó có thêm bốn cậu chàng đứng cầm cuốc phía sau. Bốn cậu chàng đó là: tôi, Gần, Nhớ và Sanh. Sanh thì đã chết. Gần vào võ bị Đà Lạt, sau ngày mất nước mang cấp bậc thiếu úy ở tù không bao ngày nên không đủ tiêu chuẩn đi Mỹ. Khoảng năm 1986, sau khi ra trại tôi buôn trầm gặp nó đang làm thợ mộc cho một xí nghiệp tại làng Phú Thọ. Nghe tôi tán dóc những trò ma giáo luồn lách trong một xã hội mà buôn bán kiếm ăn cũng là cái tội, nó phục lăn. Tội nghiệp Gần đâu biết là tôi đang mượn đầu heo nấu cháo, đói và túng thiếu phải lăn chai như một sự phản xạ của sinh tồn. Cũng như nó học hành là để mong sau này ra giúp đời chứ đâu mong làm một anh chàng thợ mộc sống tăm tối nơi góc tối của quê nhà. Còn Nhớ là hải quân trung úy. Thập niên 80 phong trào vượt biên ào ào với tài năng có sẳn của một sĩ quan hải quân được huấn luyện bài bản từ quân trường, nó dư sức lái tàu lên thấu tận trời. Biết bao nhiêu chủ ghe mời mọc, nhưng nặng nợ với mẹ và một đám em không nỡ bỏ đi một mình. Nhớ không có số xuất ngoại, nó tâm sự với tôi về những chuyến đi bị vuột vào giờ chót làm tôi muốn ứa gan. Tôi hăng máu xúi nó đi cho bằng được, bởi vì chỉ có một lối thoát ra khỏi một đất nước dẫy đầy u ám, con người mới có thể ngóc đầu dậy để đối mặt với đời. Nó thiếu sự dứt khoát. Những ngày buồn bã tôi thường đạp xe lên thăm cơ ngơi của nó trên vùng kinh tế mới Đá Bàn. Một căn nhà tranh xiêu vẹo nằm bơ vơ giữa đám bắp còi cọt. Buổi trưa thỉnh thoảng nghe con chim lạc bầy kêu khản họng trên hàng lau dại. Tôi ăn nói phang ngang bửa củi ít khi chịu đắp bờ con, nhưng hồn thì mềm nhũn. Giữa trời đất quạnh hiu của vùng kinh tế mới, nhìn lại thằng bạn đầy tài năng của mình cuốc rẫy trồng khoai lòng tôi muốn khóc. Chẳng lẽ thế hệ chúng tôi đã rơi vào tuyệt vọng. Trước mặt là đường cùng hy vọng ở khúc quanh, tôi vẫn từng tự trấn an mình như thế. Tôi thèm có tài năng như nó để còn can đảm khi quyết định xẻ biển ra đi tìm tự dọ Mấy đứa em gái của Nhớ đứa nào cũng ngoan ngoãn hiền lành thật thà chất phát. Nhìn nó gồng gánh một đám em còn khờ dại như thế tôi thấm hiểu phần nào tại sao nó cứ lèng èng thiếu dứt khoát. Tôi đâu ngờ vài năm sau trong lúc rơi vào tận cùng tuyệt lộ thì tôi lại được ra đi theo diện H.O, còn nó thì kể như vĩnh viễn kẹt cứng.
Niên khóa 64-65, tôi học đệ ngũ, thầy hiệu trưởng Nguyễn Kế Thế phụ trách dạy môn toán. Phương pháp dạy của thầy đúng là một tuyệt chiêu, tăm tối cỡ như tôi vẫn có thể hiểu được dễ dàng. Tuy thế tôi vẫn không thể nào là một học sinh giỏi để còn có lý do được thầy lưu tâm đến. Một lần duy nhất tôi bị thầy gọi ra trụ cờ để đánh cho hai hèo cảnh cáo trước toàn trường. Vê tội gì lâu quá tôi không nhớ, chỉ nhớ đó là một buổi sáng thứ hai, vì thứ hai thì toàn thể nam sinh mặc quần trắng áo trắng. Thầy chỉ đánh tượng trưng không đủ gãi ngứa và tôi chưa có đủ tự ái để mà mắc cở. Chuyện cũng bình thường theo thời gian chìm vào quên lảng. Mãi cho đến năm 1980 từ trại Ạ30 tôi được chuyển về nhốt tại Ty Công an Phú Khánh tại Nha Trang nhân một buổi trưa mùa hạ đám tù của tôi được đi vác xi măng tôi tình cờ biê’t được tin tư’c của thầỵ Trưa hôm đó sau khi chất xi măng xong chiếc xe ì ạch chạy đến Vĩnh Xương thì bị chết máy. Xe ngừng lại bên lề nghĩa trang. Trong khi chờ xe sửa đám tù được phép vào nghĩa trang ngồi nghĩ. Tôi ngồi trên một nấm mộ. Nhìn hình người chết, tôi bỗng hốt hoảng vì đó là thầy. Lòng tôi bồi hồi xúc động. Thầy là nắm xương khô nằm trong huyệt mộ, thằng học trò cũng là nắm xương khô gói trong bộ đồ rách rưới của một tù nhân. Cả hai cùng đã chết. Tôi không thắp được cho thầy một nén nhang để gọi là tỏ lòng tôn sư trọng đạọ Nỗi buồn tôi dấu kín không da’m biểu lộ ra ngoài ne’t mặt vì người công an theo quản chế đang đảo mắt chăm chú nhìn. Tôi sợ bị làm kiểm điểm vì tội ủy mị. Sau ngày ra tù, tôi tìm lại nghĩa trang, đứng thật lâu trước mộ thầy duy nhất chỉ có một lần. Một lần cho mãi đến bây giờ. Tôi là đứa vô tâm.
Hè năm đó thầy Thế quyết định cho trường tổ chức cắm trại có ngủ qua đêm. Cắm trại qua đêm đương nhiên phải có nhiều tiết mục, và lẽ dĩ nhiên tiết mục văn nghệ thì không thể thiếu trong chương trình. Lớp đệ ngũ 2 của tụi tôi cũng rộn ràng chuẩn bị. Nhân tài văn nghệ về phía nữ thì quá nhiều, còn về phía nam thì khô khan như nắng hạn. Đám sư tỉ cùng lớp tuyển chọn mãi cuối cùng cũng chộp ra được bốn thằng tương đối nhỏ con cho để dễ bề sai khiến. Bản nhạc được chọn cho điệu múa là " Khúc hát ân tình" dưới sự chỉ đạo múa của anh Hiệp được ban văn nghệ rước về từ Xóm Rượu. Anh Hiệp có con mắt lé không hề dấu diếm do đó được tụi tôi gọi một cách âu yếm là anh Hiệp lé. Tướng tá anh nhỏ con khô khốc, nhưng khi múa biểu diễn thì tay chân dẽo nhẹo dịu dàng đầy ướt át. Anh đau khổ không ít vì tay chân cứng queo như khúc củi của bốn thằng tôi. Tôi còn nhớ bài hát đến chỗ điệp khúc:" Ôi tình bắc duyên Nam là duyên... tình duyên muôn đời ta.... đắm.... say " thì bốn thằng phải nắm tay bốn sư tỉ để quay một vòng tròn 360 độ. Quay 360 độ thì có nghĩa là sau khi quay một vòng thì vị thế trở lại y nguyên như ban đầu, tám khuôn mặt đều quay về một hướng đó là... khán giả. Bốn thằng đứng sau chỉ được quyền thấy bốn cái ót của bốn sư tỉ đứng trước. Mắc chứng gì quay hoài quay hủy rốt cuộc bốn cặp, mặt cứ chạm mặt, tay nắm tay giống như tay bắt mặt mừng. Mặt nhìn nhau như sắp sữa nói với nhau những lời không biết nói, chứ không giống đang biểu diễn văn nghệ chút nàọ Chạm mặt nhau gần đến nổi có thể nghe hơi thở của nhau và nhìn thấy những sợi lông tơ thiếu nữ phơn phớt trên gò má của các sư tỉ. Không biết ba thằng kia ra sao chứ cái đầu lộn xộn của tôi ưa nghĩ trật ra bản lề của một thiếu niên 16 tuổi. Cũng may các sư tỉ gọi tụi tôi bằng thằng nên chủ quan không đề phòng. Cái đầu hắc ám tha hồ mà suy nghĩ phạm tội.
Trong suốt sáu năm theo học tại trường Trần Bình Trọng, năm đệ ngũ có lẽ là năm xãy ra nhiều chuyện nhất. Tập hoài tập hũy vẫn không tiến bộ được chút nào, để tránh bể dĩa bất tử trước đám đông, mấy sư tỉ quyết định đuổi bốn thằng tôi ra không cho múa nữa để thay vào vũ khúc Trăng Mường Luông dành riêng cho phái nữ. Vũ khúc đó được chụp hình đàng hoàng và dán lên web side Ninh Hòa dog com cho thế giới cùng chiêm ngưỡng vào 40 năm sau. Nếu giá như mà tôi biết trước điều diệu kỳ sẽ là như thế thì hồi đó cho dù bỏ mạng tôi cũng phải quyết tâm đeo đuổi nghiệp múa may tới cùng để bây giờ còn có lý do góp mặt với đời. Sau khi bị khai trừ khỏi ban múa hát, thì sự nghiệp văn nghệ của tôi đến đây xem như à chấm dứt chẳng còn gì đáng kể. Có đáng kể chăng là chuyện hậu của nó. Trong lớp tôi học có một sư tỉ đẹp não nùng là chị Ngô Thị Tuyết. Chị ngồi dãy bàn thứ tư bên phải còn tôi thì ngồi ngay bàn đầu tiên bên trái. Muốn nhìn được chị thì phải ngoáy cổ quay lại phía sau. Biết mình nhóc con nên tôi lo thủ phận, nhưng hai con mắt phản chủ cứ lấm la lấm lét nhìn ngang liếc dọc hoài. Chị Tuyết ngồi dãy bàn sau lưng tôi thì đương nhiên chị quan sát được tôi rõ ràng, còn tôi muốn nhìn được chị thì phải ngoáy lại một tua. Điều đó thất lợi vì cái cổ trước khi nhúc nhích thì chị đã biết tỏng ý định của mình rồi. Đó là chưa kể rũi ro ông thầy nào đang giảng bài trên bảng nhìn xuống bắt gặp một cái thì kể như lãnh con zero uổng mạng. Lãnh zero là chuyện nhỏ, bạn bè trong lớp chọc quê mới là chuyện lớn. Con nít hĩ mũi chưa sạch đã bày đặt thành tinh.
Tôi ước gì chị Tuyết bỗng nhiên nhỏ xuống một chút và tôi lớn thêm một chút. Ước như thế cũng không biết để làm gì. Nghe đồn những lời ước bất cứ của một ai nếu ước vào một đêm nào có sao băng thì sẽ linh nghiệm vô cùng. Thế là tôi canh me vào những đêm tối trời hy vọng có ánh sao nào dại dột xẹt xuống trần gian. Nhà tôi ở xóm đàng luồng Cây Thị kẹt trong một con hẽm. Ngó ra chỉ thấy mái tranh nhà cô chín Ẩn. Ngó vô thì thấy mái nhà của tôi. Hai mái nhà ở hai bên con đường mà con đường thì quá hẽm. Hai chóp mái vì thế gần như âu yếm ngã tựa vào nhau chỉ chừa một khoảng trống để hứng không khí rất khiêm cung. Dù tôi có nằm ngữa ra giữa đường lõ con mắt nhìn lên thì cũng có thể thấy được bầu trời to bằng lòng bàn taỵ Khoảng trống bé tí tẹo như thế thì làm sao đếm được sao trời mà ký thác lời nguyện ước? Thế là tôi đành phải thả bộ ra thành cầu Dinh. Nơi đây có thể nhìn xuống hướng Hòn Hèo hay nhìn về hướng cầu Sắt, bầu trời thoáng rộng sao chi chít giăng đầy tha hồ mà đếm. Tôi bỏ cả ôn bài vở đêm nào cũng ra cầu Dinh chờ sao rụng. Mùa hè Ninh Hòa nóng oi ả, đám choai choai bên Vĩnh Phú cũng ra đứng đầy cầu. Mục đích của họ khác tôị Họ đứng để hóng mát và chọc gáị Cô nào lỡ dại đạp xe đạp ngang vào giờ cao điểm thì kể như thúi đời cô Lựụ Tiếng huýt gió ỏm tỏi đuổi theo rát mông. Tôi thấy họ chọc gái một cách gan dạ như vậy không hề sợ bị chữi thì thật tình kính phục. Họ đúng là những thiếu niên can đảm anh hùng chứ đâu nhút nhát như tôị
Tôi đợi hoài đợi hũy như thế cho đến một đêm quả nhiên có sao trời rụng thiệt. Giữa vòm trời đang tĩnh lặng đột nhiên một vệt sáng xẹt nhanh. Tôi vội vàng nhắm nghiền mắt và thành khẩn tức thì. Những gì muốn nói đã chuẩn bị sẳn được gửi nhanh vào hư vô. Thực hiện xong lòng tôi liền thơ thới nhẹ nhàng và tràn trề hồi hộp. Đó là lần đầu tiên tôi cầu xin ơn huệ của đấng vô hình. Lớn thêm một chút đọc thêm sách vở cái đầu của tôi cũng được mở mang, tôi hiểu sao băng chỉ là những hạt bụi của thái dương hệ rơi xuống địa cầu bị ma sát với bầu khí quyển của trái đất nên bốc cháy. Do đó cầu nguyện với sao băng chỉ là cầu nguyện với những hạt bụi mà thôi. Biết là vô lý nhưng tôi vẫn không hề suy xiển niềm tin. Nhất là những khi bí lối rơi vào cùng quẫn miệng tôi không ngớt lầm bầm cầu nguyện chỉ trừ những khi nào phẻ re như con bò kéo xe được cơm no ấm cật thì phật trời ít khi được tôi nhớ tới. Những khi bị thúc thủ thất bại bủa vây phật trời liền bị tôi lôi đích danh ra mà réo. Làm như phật trời mắc nợ tôi nhiều lắm đâu từ kiếp trước không bằng.