Phần 2

Lời ước xin của tôi ở thuở lông mép còn chưa biết mọc thật nhỏ nhoi bé bỏng. Tôi còn ước thêm được nắm tay chị Tuyết một lần để thử lắng nghe da thịt của người lớn khiến cho cảm giác của mình cục cựa ra sao? Không biết có phải phật trời hiển linh hay vì niềm ước của tôi bé tí tẹo cũng dễ dàng ban bố, trưa hôm sau vào lớp tôi đã thấy chị Tuyết ngồi sẳn hồi nào nơi bàn học nhìn tôi nhoẽn miệng cười. Má tôi nghèo lại con đông làm gì có tiền mua cặp táp, đi học chồng sách vở phải ôm trên tay. Vừa thấy chị Tuyết một mình, lớp học còn sớm đang vắng vẽ chồng sách vở trên tay cũng hốt hoảng theo nhịp tim thình thịch của tôi thiếu điều rơi xuống đất. Da chị Tuyết trắng. Khi chị cười hai con mắt cũng cười theo. Chị không thoa son (tôi nghĩ thế) nhưng môi chị đỏ vô cùng. Màu môi tương phản với màu da trắng càng tăng thêm phần hết sẫỵ Tôi lùi lũi nhào vô chỗ của mình đút lẹ chồng vở vô học bàn, cái đầu cũng chúi nhủi theo vô giả bộ kiếm một cái gì đó để che phần ngượng ngập. Đối với chị tôi chỉ là thằng nhãi con hà cớ gì phải lúng ta lúng túng giống như đi ăn trộm bị bắt quả tang? Hai gò má xương xẩu của tôi nóng bừng. Trong lúc tôi còn đang lui cui tìm dưới gầm ghế trái tim mình rớt rụng ở chỗ nào thì chị Tuyết đã đứng sát bên tôi. Đứng sát đến nổi tôi có thể ngữi được mùi thơm con gái nhẹ nhàng. Chị không nói lời nào nắm tay tôi và nhét vào một vật gì đó. Nhét xong chị lẳng lặng trở về chỗ ngồi. Tôi hé ra nhìn thì ra đó là tấm ảnh của chị. Lật ra phía sau chị ghi "Tặng Quan. Nhớ chị mãi nhé". Tôi mừng rơn như lượm được vàng. Đúng là sao băng rất linh thiêng. Ngày hôm đó ngồi trong lớp học nhưng tâm trí tôi bỏ đi lang thang ra phía ngoài khung cửa sổ. Tiếc rằng hai con mắt không mọc phía sau ót để tôi được ngắm nhìn chị dễ dàng. Cần cổ tôi hoạt động mệt nghĩ. Hễ có dịp là ngoái qua một cái rẹt. Lớp học có mười dãy bàn mỗi bên năm dãy, thầy Diệm đang giảng bài sùi cả bọt mép trên bục giảng, tay phải cầm cục phấn tay trái thỉnh thoảng kéo cái quần lên bụng (bụng thầy không được nhỏ nên không có vòng eo, vì thế dây nịt không có điểm nào tựa để bám vào). Hai con mắt thầy Diệm đảo qua đảo lại bao trùm cả lớp học nhưng tôi có cảm tưởng thầy đang chỉ chiếu tướng mình mình. Sợ thầy thì có sợ nhưng cần cổ quay lại lén nhìn chị Tuyết thì cứ quay. Bóng nắng chao trên hàng phượng đang xanh lá vào hè bên ngoài khung cửa lớp rọi vào trên mái tóc của chị.... lung linh….. lung linh. Trông chị chập chờn giống như trong cõi liêu traị Tan lớp học tôi ấp a ấp úng chỉ muốn nói lời cám ơn chị đã tặng ảnh. Chỉ có vậy thôi mà không nói được. Khi chị đi ngang chỗ tôi ngồi chị nhoẽn miệng cười dịu dàng hai chuôi mắt cong cong lấp lánh. Ôi hai chuôi mắt giết người không cần phải dùng gươm dao! Chuyện sao băng ứng nghiệm đến đây là đuối sức. Tôi chỉ ước được nắm tay chị Tuyết thì đã được nắm tay đã thế lại còn được kèm thêm tấm ảnh. Giá như tôi biết linh thiêng như vầy thì chắc tôi sẽ ước nhiều hơn ví dụ như được chị vò đầu hay béo má chẳng hạn. Hôm sau chị Tuyết không đến trường và những hôm sau nữa cũng thế. Chị đã bỏ lớp để chuẩn bị đi lấy chồng. Tôi đương nhiên buồn nhưng chẳng dám nói ra. Cái buồn của thời thơ dại không dỡ sống dỡ chết như những cái buồn tôi gặp sau này trên tình trường, nhưng nó cũng đủ ray ráy khó chịu hết một khoảng thời gian. Tôi biết, có thể đồng thời chị tặng ảnh cho tôi chị cũng tặng rất nhiều bạn khác. Tấm ảnh chỉ là một vật thể biểu trưng kỹ niệm. Thế thôi. Dưới mắt chị tôi chỉ là một thằng nhóc con đáng làm em út khờ khạo học cùng một lớp. Tặng ảnh cho tôi hay nhiều bạn khác chỉ là một cách bày tỏ cảm mến của một thời đi học trước phút chia xa. Ý nghĩa chỉ là như thế nhưng chị đâu biết mình vô tình đã khai phá cảm xúc dậy thì của một đứa con trai 16 tuổi. Tôi giữ tấm ảnh của chị bên mình mãi đến sau này cho dù trải qua biết bao nhiêu cuộc tình thành công cũng như thất bại. Chỉ mình tôi biết điều đó, còn chị thì không hề hay biết.
Nhà chị Tuyết quay mặt ra đường Trần Quí Cáp, nhà ngoại tôi quay mặt ra đường Võ Tánh. Phía sau hai nhà được ngăn cách bởi một bức tường cao bằng tôi để làm ranh giới. Hai tay tôi chỉ cần bám bờ thành nhón chân là cái đầu có thể ló lên nhìn qua nhà chị. Chị Tuyết không còn đi học. Riêng lòng tôi thì cũng đã bắt đầu biết nhớ. Mỗi khi học về thế nào tôi cũng lên nhà ngoại chờ mọi người không ai để ý chạy ngay ra phía sau nhìn qua bờ thành. Bên kia bờ thành là thềm giếng trong sân nhà chị. Chị thường ra giếng xách nước còn tôi tha hồ mà nhìn lén. Một hôm chị Tuyết ngồi giặt đồ, cái đầu tôi ló cao hơn. Chị mặc một cái áo trắng sát cánh có lấm tấm điểm những chùm hoa đỏ. Hai cánh tay tròn lẵng mịn màng theo thao tác vò đồ dịu dàng giống như đang tập tụi tôi múa. Thượng đế thật tinh xảo chỉ cần một miếng xương sườn khô cứng không giống ai của một người đàn ông có thể nhào nặn ra một sinh thể đàn bà toàn bích đến độ không thể chê vào đâu được. Tôi còn đang mơ màng nhìn ngắm chị đắm say thì một giọng nói không mấy êm tai vang lên:
- Ê cậu kia nhìn cái gì?
Hết hồn giật mình nhìn lại thì ra má chị Tuyết đang đứng thù lù tự hồi nào. Lần này thì rõ ràng bị bắt quả tang hết đường chối cải.Tôi thụt xuống định hát bài chuồn đẹp thì chị Tuyết đã ngước nhìn lên. Thấy tôi chị ngạc nhiên nhưng mĩm cười thật tươi:
- Ủa Quan đó hả
Nụ cười của chị đúng là một sức mạnh. Thay vì thụt xuống, cái đầu tóc húi cua của tôi ló cao hơn. Nụ cười dễ chết người như vậy sợ gì không nhìn? Chết là cùng chứ gì
- Nó là bạn con đó má
Tiếng NÓ của chị để ám chỉ tôi thiệt đúng là một phũ phàng của sự thất bại. Nhưng cũng nhờ tiếng Nó được cầu chứng tại tòa xác định vị thế quan hê.giữa chị và tôị Má chị không nói thêm lời nào lẳng lặng bỏ đi. Sau này lớn lên tôi hiểu thêm một điều có những mục tiêu khi chiếm được chưa hẳn đã gọi là thành công và cũng có những mục tiêu không chiếm được chưa hẳn gọi là thất bại. Yêu nhiều thì đương nhiên thất bại cũng nhiều đó là lẽ thường tình trong thiên hạ. Nếu không muốn thất bại ít thì yêu ít ít lại hay chắc ăn nhất là đừng có yêu. Khi bước vào tuổi thanh niên đi trấn thủ tiền đồn Buôn Hô đèo heo hút gió, những ngày chờ địch đánh không biết làm gì tôi thường thả bộ xuống làng tấp vào mấy quán cà phê lụp sụp gặp ai yêu đó. Yêu rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu thành thử bước tình trường của tôi gặp quá nhiều thất bại. Suy cho cùng thất bại vì muốn người ta nhưng người ta không muốn cũng có cái thú riêng đặc biệt cho nên tôi không hề than thở. Đôi khi tình yêu giống như làm một bài luận văn. Không ai có thể làm một bài luận văn hay mà không làm nháp trước. Tình yêu cũng thế, yêu nháp trước để rút tiả kinh nghiệm chuẩn bị một tình yêu thiệt sau này.
Theo nhà thơ Vũ Hữu Định thành phố Pleiku chỉ cần đi năm ba phút đã trở về chốn cũ thì Ninh Hòa của tôi chỉ cần năm ba giây mà thôi. Con đường chính của thị trấn là đường Trần Quí Cáp dài đến mức có thể đo bằng gang taỵ Thị trấn bé tí tẹo như thế vậy mà tôi chưa hề gặp lại chị Tuyết sau khi chị nghĩ học. Dường như chị biến mất khỏi thế gian nàỵ Tuổi niên thiếu của tôi bất chợt trôi qua hồi nào tôi không hề hay biết. Theo thời gian tôi không còn nghĩ đến chị nữa. Tôi trổ giò và bờ thành ranh giới của nhà ngoại tôi và nhà chị Tuyết không còn cao, tuy thế tôi cũng đã hết thói quen nhìn qua nhà chị. Mấy chục năm trôi qua ngồi viết lại hồi ức này hiện tại tôi biết chi Tuyết giờ này đang sinh sống nơi đâu. Tháng 8 năm 2004 vừa rồi tôi có bay lên San Jose để dự đại hội liên trường Võ Tánh, Nữ trung học Nha Trang tôi gặp anh Tùy nhưng không dám hỏi. Nghe nói hai người đã ly dị nhau từ lâu.
Trở lại chuyện hậu văn nghệ của những năm thời trung học. Trong kỳ thi môn âm nhạc của năm đệ ngũ thầy Nguyễn Kế Thế bắt cả lớp mỗi đứa hát một bài tự chọn còn thầy thì ngồi rung đùi trên bàn giáo sư cho điểm. Thi cử kiểu này dãy bàn bên nữ sinh kể như trúng tủ. Sư tỉ nào hát dở nhất cũng bằng người hay nhất bên đám con trai. Lệnh thầy đâu dám cãi. Đến phiên tôi trả bài tôi quyết định chọn bản " Ngày trở về " của Phạm Duy để biểu diễn với hy vọng bản nhạc quá hay có thể vớt vát phần nào cái thằng quá dở. Bản nhạc đầy cảm động khi trình bày lòng tôi cũng rưng rưng đầy xúc cảm vậy mà khi hát xong cả lớp như bị ai thọt lét không dám cười. Thầy Thế cho điểm an ủi 8/20 kể như sém điểm trung bình. Tôi ngồi xuống sau khi liếc một vòng bắt gặp quả tang nhiều sư tỉ đang bụm miệng. Các sư tỉ không cười vì sợ thầy chứ chẳng nễ nang gì tôị Tôi mắc cở muốn độn thổ. Tôi định giơ tay xin phép thầy đi cầu để có cớ chuồn ra ngoài thì bất ngờ Trần Cang xuống một câu vọng cổ trong bài Thầy Tử Lô.. Lần này thì cả lớp nhịn hết nổị Tiếng cười bị dồn nén nãy giờ vỡ bùng lên như ong vỡ tổ. Tôi hát đã vô cùng tệ lậu không ngờ có thằng hát tệ lậu hơn. Trần Cang hát dỡ đến mức tôi quên cả đau bụng. Bởi hát dỡ quá nên tiếng hát của Trần Cang trở thành bất hủ được lưu danh muôn thuở trong đám bạn cùng lớp sau nàỵ Sau này khi tôi biết thưởng thức và thẩm định chút ít về thơ thì tôi đâm ra phục vô cùng tác giả làm ra bài thơ con cóc. Với tôi bài thơ con cóc là một bài thơ bất hủ, là một bài thơ hay nhất. Hay ở chỗ trước và sau này sẽ không ai có thể sáng tác một bài thơ dở hơn kể cả những người không biết làm thơ. Bài thơ con cóc vì thế là một bài thơ nổi tiếng. Trần Cang hát vọng cổ cũng vậy sẽ không ai có thể hát được như Trần Cang kể cả tiền bối Sáu Lầu (người phát minh ra điệu vọng cổ hoài lang) nếu có sống lại cũng giỡ nón chào thua.
Đầu năm 1993 từ Pleiku tôi về Ninh Hòa để bổ túc hồ sơ chuẩn bị xuất cảnh sang Mỹ. Má tôi trở bệnh già nằm hiu hắt trên giường. Nắng chiều vàng vọt chui vào kẽ cửa, cảnh nhà buồn đứt ruột. Má yếu sức quá rồi, tôi biết chuyến đi này sẽ không còn hy vọng gì nhìn thấy lại má tôi lần nữa. Má tôi cũng thế ráng gượng nhìn thằng con lần cuốị Tôi đang ngồi lắng nghe má thều thào nhắn nhủ thì Trần Cang ghé lại nhà thăm. Qua ánh mắt bạn, tôi hiểu bạn hiểu rằng cho dù bất cứ phải trả giá nào tôi cũng phải ra đi, rời xa đất nước, cái nơi muốn làm người phải biết khom lưng nàỵ. Mười hai năm trôi qua kể từ hôm đó tôi chưa một lần trở lại. Mộ má tôi giờ đây cỏ cũng đã xanh um. Các bạn cũng như tôi, ai cũng hiểu rằng lịch sử đổi thay, mỗi một người khi lớn lên tự chọn cho mình một hướng đi riêng nhưng tình bạn, tình người sẽ không bao giờ thay đổi.
Để bù đắp lại hai tên hát dỡ ẹt là tôi và Trần Cang, sư tỉ Trương Thị Thức có một giọng ca cong vút hay nhất trường. Trong những chương trình thâu thanh dành cho trường Trần Bình Trọng, thầy Nguyễn Kế Thế chọn Thức đại diện. Hồi đó làm gì có computer hay ti vi như bây giờ. Radio là phương tiện truyền thông hiện đại phổ cập tin tức mỗi ngày, cho nên số lượng khán thính giả nghe radio hầu như chiếm 100% dân số. Tiếng hát của Thức được phát qua đài phát thanh Nha Trang cho dù khiêm nhường nằm nép mình trong chương trình sinh hoạt phạm vi trường học cũng đủ làm mấy thằng bạn cùng lớp nỡ mũi lâỵ Mỗi khi nghe Thức hát lòng nhủ thầm con cái nhà ai khéo sinh khéo đẻ có giọng hát ngọt ngào làm mềm nhủn hồn người ta.
Sư tỉ Thức có hai gò má phúng phính lúc nào cũng ưng ửng đỏ giống như hai trái đào đang chín tới, nhìn là muốn... cắn. Hôm cắm trại tôi dược phân công chở sư tỉ Thức xuống nhà chị Phạm Thị Dư để vác tre. Sư tỉ ngồi sau ỷ lại gọi tôi bằng mày cho nên hai tay bám chặt hai bên hông làm tôi như bị điện giật. Mới 15,16 mà trông tròn trịa ngon lành như thiếu nữ đang xuân. Không biết ăn gì mà mau lớn vậy. Tôi nói:
-Tui nghi cái điệu này chắc bà có chồng sớm quá
- Thằng quỉ nói tầm bậy
Nói tầm bậy mà trúng tầm bạ. Hết năm đệ tứ sư tỉ Thức bị đại ca Phạm Ninh rinh đi mất tuốt. Đám cưới của sư tỉ Thức tôi không được mời vì đang còn là trẻ em dưới tuổi vị thành niên.
Tháng 1/70 tôi được đưa ra Đồng Đế để học giai đoạn hai khóa 6/69 sĩ quan trừ bị. Một buổi chủ nhật từ quân trường được 8 giờ phép ra Nha trang chơi. Khi chiếc xe lam chở đám sinh viên sĩ quan đến Xóm Bóng thì bị cấm cầu. Thế là tôi đành phải nhãy xuống Tháp Bà đi quanh quẩn. Bất ngờ gặp lại Thức cũng bị kẹt cầu như tôi, tay dắt hai đứa con. Bạn bè cũ gặp lại nhau đã là một chuyện vui. Lại còn vui hơn nữa khi bên cạnh Thức kèm theo một cô nàng lạ hoắc nhưng lại đẹp lạnh lùng. Thức giới thiệu đó là Đỗ bạn của Thức nhà ở trước Trường Đức Linh. Từ nhỏ đến lớn tôi sống quanh quẫn quanh cái thị trấn bé nhỏ này thiên hạ bước ra khỏi nhà là đụng mặt nhau bôm bốp vậy mà Đỗ tôi mới thấy lần đầu. Cô nàng có dáng dong dõng cao thân hình thanh thoát. Lúc này tôi đã là một thanh niên 20 tuổi từng trải qua một cuộc thất tình cho nên cũng học được vài ngón cua đào. Gặp Đỗ tôi sáp tới ngay. Đỗ đúng là mẫu người em gái hậu phương mà đám sinh viên sĩ quan phòng không chiếc bóng như tôi mơ ước được làm quen. Sư tỉ Thức như đi guốc vô bụng bạn mình giả đò dắt hai đứa con đi mua nước uống. Thế là tám giờ phép ngày hôm đó tôi và Đỗ quen nhau.
Quen với Đỗ, tôi đã lý do để viện cớ mò về Ninh Hòa mỗi ngày chủ nhật. Sự quan hệ giữa một nam một nữ không máu mủ bà con trước hay sau gì thế nào cũng sanh ra chuyện. Gặp Đỗ nói chuyện với Đỗ, dù con tim tôi không ào ạt rung chuyễn như thuở chớm dậy thì, nhưng lòng vô cùng êm ả. Chở Đỗ đi chơi quanh quẫn thị trấn trên chiếc Yamaha trong những giờ phép hiếm hoi, cảnh vật chung quanh cũng trở nên sinh động. Đoạn đường nhựa từ cổng xe lửa lên Dục Mỹ êm ru hơn. Cầu Bến Gành nước cũng dịu dàng hơn. Mỗi lúc tăng ga cho xe lướt nhanh, tôi có thể nghe tiếng bánh xe xào xạc như tiếng nhạc êm ái ma sát trên mặt đường. Những lúc như thế Đỗ thường ngã đầu trên lưng tôi, mặc gió thổi tóc bay ngược về phía sau. Một lần Đỗ rũ tôi lên đập bảy xã. Tôi không biết đập Bảy Xã ở đâu.
- Sao anh cù lần dữ vậỷ Dân Ninh Hoà mà không biết đập Bảy Xã
- Anh không biết thật mà
- Thôi làm tài xế đi anh hai, Đỗ ngồi sau chỉ đường cho anh
Ngồi sau thò tay ra phía trước chỉ đường, cánh tay trần đương nhiên phải tựa lên bờ vai tôi sát gần tầm mắt. Tôi có thể nhìn thấy hàng lông đen lay láy phủ chùm trên cườm tay trắng muột mà của Đỗ. Tôi cảm nhận được hạnh phúc ở ngay trước mắt. Qua khỏi Đại Cát quẹo trái, đập Bảy Xã gần sịt, sát bên nách thị trấn, cách đường nhựa chừng một cây số. Vậy mà bấy lâu nay tôi cứ mãi mê chìm lặn ở đâu đâu không thấy được thiên nhiên của Ninh Hòa có nhiều nơi vô cùng đẹp đâu thua gì danh lam thắng cảnh. Chỉ cách quốc lộ một khoảng không gian nhỏ bé vậy mà khung cảnh hoàn toàn khác hẳn. Đất nước đang trong thời ly loạn. Mỗi một ngày mỗi một giờ đều nghe súng nổ bất cứ nơi đâu, nhưng nơi đây tôi không nghe tiếng súng. Chừng như chiến tranh dừng lại ở ngoài kia, ranh giới của một con đường. Cảnh vật êm ắng lạ kỳ, tôi có thể nghe được tiếng nước rì rào như thủ thỉ. Chung quanh tôi là một rừng cây bao bọc. Hít một hơi dài để lấy bình tỉnh, tôi biết với khung cảnh hữu tình đồng lõa như vầy dù tôi có đi tu tám kiếp cũng không thể nào thoát khỏi phạm giới. Nhìn dòng nước đang bị chận lại bên này bờ nhấp nha nhấp nhõm chồm lên cứ muốn nhào xuống phía bên kia. Tôi vẩn vơ hỏi Đỗ:
- Đỗ có biết tại sao con nước nó không chịu đứng yên hay không?
- Tại vì nước luôn luôn di động
- Ai không biết nó di động. Bởi nó di động nên người ta mới đắp đập chận nó lại. Nhưng tại sao đã chận đầu nó lại mà nó cứ muốn chồm lên?
- Tại sao?
- Tại vì nó tham lam không muốn dừng lại ở bên này mà nó muốn tiến xa thêm chút nữa xâm lấn về phía bên kia
- Bên kia là chổ nào?
- Chổ này nè
Tôi chỉ ngón tay lên trán Đỗ. Khuôn mặt tôi - lúc đó - chắc nét dê xồm biểu hiện một cách lộ liễu không cần dấu diếm nên Đỗ khẻ thốt:
- Đỗ sợ
Tiếng "sợ" nghe nhẹ như tiếng gió thoảng. Trong hoàn cảnh này dẫu ngu cách mấy tôi cũng ngầm hiểu rằng tiếng "sợ" thốt ra từ đôi môi ướt át kia có nghĩa là " anh tiến tới luôn đi, mau lên, kẻo em đổi ý ". Thế là tôi ôm lấy Đỗ. Đỗ cũng vòng tay khoá chặt vòng lưng tôi.
Không gian chìm trong tiếng thở, tôi có thể nghe những con kiến đang ì ac.h tha mồi đang thì thầm trên cành lá. Ví dụ như lúc đó có một đám Việt Cộng xuất hiện dí súng vô đầu (cũng có thể lắm vì đập Bảy Xã nằm trong vùng mất an ninh) bảo tôi nhả Đỗ ra nếu không thì lãy cò, chắc chắn đến chín mươi phần trăm là tôi không nhả. Bởi vì lúc này không hôn Đỗ thì lương tâm sẽ că‘n rư’t đến muôn đời. Không hôn lúc này có nghĩa là không còn cơ hội để thể hiện lòng can đảm. Tôi hôn Đỗ một nụ hôn dàị. Đỗ nhắm nghiền hai con mắt hưởng ứng (sau này tôi cũng đã trải qua thêm nhiều mối tình, đương nhiên được hôn không phải là ít, thế nhưng tất cả những người con gái được hôn đều nhắm mắt? Tại sao hai con mắt nhắm nghiền mà không chịu mở? Thắc mắc này vẫn chưa có câu trả lời)
Đỗ dùng chiếc thẻ bài tôi đeo trên cổ khắc vào thân cây tên hai đứa dính lẹo vào nhau, lại còn cẩn thận khắc thêm quả tim to bằng hai ngón tay chụm lại đè lên. Tôi hỏi Đỗ sao không vẽ thêm một mũi tên xuyên qua cho đủ bộ. Đỗ nói làm như vậy ác lắm. Vậy mà không hiểu sao mấy tháng sau Đỗ đoạn đành bỏ tôi ôm cầm sang thuyền khác. Cũng may nhờ có thất tình một hai lần nên tôi mới đủ kinh nghiệm để tự mình chống chọi với khổ đau.
Cuối khóa, trước khi ra trường, đại đội được điều động đi chiến dịch chiến tranh chính trị tại Ninh Hòa. Trong khi tụi sinh viên sĩ quan dân miền Nam nghe địa danh Ninh Hòa không biết ở đâu có an ninh hay không, đứa nào cũng lo lắng thì tôi khoái chí tử vô cùng. Một tháng chiến dịch tha hồ dợt le. Tôi lọt về Ninh Hòa giống như cá lọt về sông. Các sinh viên sĩ quan cùng khóa theo níu đuôi tên thổ công là tôi, để hầu mong được giới thiệu vài em gái hậu phương làm bầu bạn. Tôi bận theo Đỗ thân mình đối phó chưa xong đâu rãnh rang làm ông mai bà mối.
Ban ngày đại đội chia nhau từng toán nhỏ đi làm công tác tại các xã ấp của quận lỵ, ban đêm về đóng quân ngay tại Trường Trung học Bán công. Từ địa điểm này chỉ cần sãi vài ba bước là có thể băng qua đường đến nhà của Đỗ. Đúng là thiên thời địa lợị Nhà của Đỗ có một khoảng sân trống phía trước được bao bọc chung quanh bởi một hàng rào. Hai đứa bắc ghế ngồi khuất sau hàng rào đó nói chuyện trên trời dưới biển không ăn nhập vào đâu. Chỉ cần nhìn ngắm khuôn mặt dễ thương của Đỗ lòng tôi cũng đủ thấy vô cùng ấm cúng.
Sau một tháng đi chiến dịch tôi trở lại quân trường để chuẩn bị làm lễ mãn khóa. Tháng 7/70 tôi chính thức là một sĩ quan trừ bị của quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc chuẩn úy được gắn trên cổ áo. Tôi có mười ngày phép để về thăm nhà trước khi ra đơn vị mới. Kể từ giờ phút này tôi mới thực sự là một người lính sẳn sàng nhập cuộc. Mừng vui lo âu lẫn lộn, tôi trở về nhà với tâm trạng của một người không còn nhỏ nữa. Nhưng lạ lùng thay, Đỗ đã không đón tôi về như tôi đã từng hy vọng. Tôi không hiểu vì sao? Có lẽ tình cảm cả hai chúng tôi chưa đủ sức để bước vào ranh giới của tình yêu? Tôi buồn bả trả lại Đỗ tấm hình hai đứa chụp chung dưới chân Tháp Bà ngày hai đứa mới quen nhau. Mười ngày phép thay vì là ngắn bỗng nhiên trở thành dài thượt đối với một người không biết làm gì cho thời gian mau chóng trôi qua. Đỗ bỏ tôi đột ngột giống như đã từng đột ngột đến với tôi. Kể như giữa tôi và Đỗ không hề duyên phận. Đôi khi duyên phận giống như một chiếc tắc xi. Khi không cần đến nó thì nó chạy ngờ ngờ trước mặt. Khi cần đến thì cho dù đứng đợi rã cẳng suốt ngày vẫn không thấy bóng dáng một chiếc nào. Tôi là kẻ có lần đứng đợi. Đáng tiếc tôi cũng đã kiên trì chờ nhưng người tài xế chê tôi ở quá xa nên không dừng lại.
Tôi một mình trở lại thăm cây trứng cá sau trường Trần Bình Trọng. Nơi này tôi và Đỗ thường ngồi bên nhau trong những ngày tôi đi chiến dịch. Đang vào hè, sân trường vắng tanh. Cây phượng vỹ lẽ loi đứng bên góc rào hồn nhiên trổ ra từng chùm hoa màu đỏ. Trốn trong nách phía trên cao của hàng trứng cá, những chú ve con thả xuống đất từng tiếng kêu dài. Tôi đứng với bộ đồ lính còn mới toanh chưa nếm mùi chiến trận. Tại nơi này mới hôm nào tôi còn là một cậu học trò với đồng phục quần xanh áo trắng. Cũng chỉ là một người nhưng tôi có cảm tưởng bị tách làm hai. Tôi nhớ bạn bè cùng lớp, những đứa con trai bị dòng chiến tranh cuốn hút tản lạc muôn phương. Những người con gái sợ lỡ xuân thì cũng vội vã theo chồng không còn mấy người ở lại. Những người bạn của một thời đi học lắm trò để kể. Dưới hàng cây trứng cá này Phạm Thị Hoa có lần bị tôi xô té nằm vãnh giò mếu máọ Nguyên nhân xa cũg do khởi nguồn từ điệu múa Khúc hát ân tình năm đệ ngũ. Như đã kể qua, anh Hiệp lé dược chỉ định là vũ sư do đó anh có quyền muốn sao thì tụi tôi phải theo vậỵ Anh chia bốn thằng tôi với bốn sư tỉ thành bốn cặp. Tôi đi cặp với Lương Lệ Bích San. Trong diệu múa có một cảnh bốn sư tỉ Hoa Thức San Nết ngồi bẹp dưới đất trong tay ôm bốn cái nón sàng qua sàng lại giả đò đang sàng gạo. Bốn thằng đứng phía sau cầm bốn cây cuốc giấy giả đò cuốc đất trồng khoai... mì. Các động tác phải nhịp nhàng ăn khớp để tả cảnh đồng quê được mùa. Tôi vốn không phải là nông dân nên thực tập cách thức cầm cuốc quả là khó khăn vụng về. Cuốc trên sân khấu phải làm sao giống như cuốc thiệt đúng là cuốc.... chĩa trần ai. Khi cuốc xuống thì chân trái phải bước lên một nhịp. Khi giơ cuốc lên thì chân trái phải thụt về vị trí cũ. Tay chân phối hợp làm sao cho nhịp nhàng theo tiếng hát của ban hợp ca nữ núp sau cánh gà. Ban hợp ca này gồm có: Trần Thị Thông, Trần Thị Ngọc Liên, Phạm thị Ánh, Võ Thị Xuyến, Diệp Thị Mừng, Nguyễn Thị Huyền Phượng ( không biết còn thiếu ai không), vừa hát vừa phê bình chỉ chõ chê bai tay chân quều quào của bốn thằng. Thỉnh thoảng ỷ thế đàn chị xài xể ra rã. Mà hồi đó cũng ngu, tập múa đổ mồ hôi hột đâu được đồng nào vậy mà ngày nào cũng cắm đầu đi theo họ lẽo đẽo.
Tôi đứng phía sau sư tỉ San, thay vì cuốc thong thả vào khoảng trống, tay chân tôi vụng về cứ nhắm đầu sư tỉ mà bủa xuống. Anh Hiệp lé sửa hoài không được cũng phải lắc đầu thở dàị Tư` chuyện đó sư tỉ Hoa đã mon men muốn chọc. Lại thêm tên tôi là Quan ( không có g), Lương Lệ Bích San ( cũng không có g), hai tên ráp lại thành Quan San. Phạm Thị Hoa ngứa miệng theo cáp đôi ".... ngồi chờ ai chốn quan san... ". Sư tỉ Hoa hát đến hai chữ quan san cố tình cao giọng kéo dài ra lại còn dùng cái lưỡi luyến láy để tăng thêm phần khiêu khích. Lương Lệ Bích San thì chắc chắn là không thèm để ý đến "thằng đó " làm gì. " Thằng đó " thì cũng chắc chắn là không để ý đến sư tỉ San. Nhưng Phạm Thị Hoa hát hoài, nghe thét đâm quê.
Hầm trong bụng đương nhiên không tránh khỏi, nhưng tôi chưa có dịp nói ra. Mét thầy thì không dám. Cho dù có dám cũng cầm chắc huề vốn vì Phạm Thị Hoa học giỏi nổi tiếng, thầy nào cũng cưng. Thấy phe ta yếu thế, phe địch lộng quyền làm tới. Một bữa sư tỉ Hoa ngồi trên bờ cửa sổ lớp học, chân nọ vắt qua chân kia theo kiểu giai nhân vọng nguyệt, chu môi thiệt dài ".... ngồi chờ ai chốn... quan san..., ngồi chờ ai.... chốn....quaaaaaan... saaaan". Hát xong khoái chí khoe răng cười. Mấy sư tỉ khác thấy trật lất cũng hùa cười the. Đúng là đổ dầu vô lửa. Khung cảnh lớp học nhuốm đầy màu nữ thịnh nam suy. Có chút mấy anh lớn con trong lớp như Trần Như Phú, Đặng Hỡ, Nguyễn Tấn Phùng... thì lại phù thịnh chứ không phù suỵ Xét theo tâm lý mấy ảnh hùa theo phái nữ dù sao cũng được điểm hơn là hùa theo phái nam nhất là phái nam không ăn được cái dãi gì như tôi. Không thèm nói lời nào, tôi lẳng lặng đến gần bên Hoa, ẳm gọn sư tỉ trong vòng tay. Hoa chưa kịp ngạc nhiên thì tôi đã quăng ra ngoài cửa sổ. Thế là cái đài bị tắt. Trong lúc sư tỉ Hoa còn bay là đà trong tư thế sẳn sàng rơi xuống, tôi cũng hết hồn mặt cắt không còn giọt máu, lật đật bay theo định chụp lạị Nhưng đã muộn, công lực lại không đủ thâm hậu nên sư tỉ Hoa rớt xuống một nơi, còn tôi rơi về một nẽo. Cũng may Hoa rơi xuống trúng dãy xe đạp đỡ nhẹ phần nào, nếu không thì đất phiá sau sân trường thế nào cũng lún (vì hồi nhỏ thân hình sư tỉ Hoa có phần tròn trịa hơn người). Sư tỉ nằm trên dãy xe đạp chân vãnh lên trời hã họng khóc thét lên. Đám bạn túa ra, chị nàng thấy có người càng khóc to hơn nữa làm tôi teo quá bỏ chạy một lèo ra phiá sau hàng rào vạch kẽm gai đi trốn. Hai giờ kế tiếp là giờ anh văn của thầy Văn Hùng Thận, Hoa là học sinh giỏi sinh ngữ lại nhõng nhẽo một cây, sự việc đến tai thầy thì thế nào tôi cũng lãnh thẹo.
Phiá bên kia, ngoài hàng rào kẻm gai sau trường là một thửa ruộng. Tôi chui vào ngồi tum húm trong một lùm tre lắng nghe hào khí tan nhanh theo cơn gió nồm riu riu thổi. Thay vào đó là nỗi âu lo. Tôi giống như đang ngậm phải sợi gân gà, nhã ra không được, nuốt vô sợ kẹt cuống họng. Từ bài học này về sau đã dạy cho tôi một điều đừng nên đánh lộn với đàn bà con gái chỉ rước khổ vào thân. Một nửa tôi muốn đóng mặt dày trở lại lớp, mô.t.nửa muốn sẳn dịp này trốn học luôn cho rồi. Gió nhẹ nhàng liếm nhẹ lên hai con mắt, tôi ngủ gục hồi nào không hay. Thằng Nhớ lôi đầu tôi dậy. Tôi lùi lũi theo nó vạch hàng rào chun lộn ngược trở vô. Cả lớp im lặng như tờ. Sư tỉ Hoa thấy tôi hai con mắt liếc ngang muốn rớt tròng xuống đất, cái môi mím chặt lại thiếu điều muốn xé xác tôi ra ăn thịt tại chổ.Tôi định vòng tay xin lổi nhưng thấy tình hình căng thẳng quá bèn cụp vòi.
Sau khi yên ổn chỗ ngồi, thằng Nhớ thúc cùi chõ hỏi nhỏ:
- Mày dùng mấy thành công lực mà chưởng nó bay lọt ra ngoài cửa sổ hay vậy?
- Chỉ hai phần. Đâu ngờ tướng xí xọn của nó nhẹ sình.
Thằng Nhớ cười khúc khích ra vẽ khoái chí, còn tôi không còn lòng dạ nào để vui men chiến thắng. Thấy nó hớ hênh quá, thương bạn tôi nhắc nhỏ:
- Có cười nhớ che miệng lại, nó mà thấy bẻ không còn một cái răng
- Nói gì thì nói, khi nào tình hình êm thắm mày nhớ coi tay chân nó bị bầm chỗ nào để xức dầu
- Nam nữ thọ thọ bất nhân cổ nhân đã dạy.
- Mày ẳm nó liệng ra cửa sổ da đụng da thịt đụng thịt còn bày đặt thọ thọ bất thân.
- Tại lúc đó giận quá nên quên phứt lời dạy của cổ nhân.
Mỗi lần về phép tôi đều ghé lại thăm Hoa. Hai đứa già đầu vẫn còn nói chuyện xưng mày tao. Nói chuyện với Hoa dùng văn chương bóng bẩy cũng được, phang ngang bửa củi cũng xong. Ra chiêu nào Hoa tiếp chiêu đó không nhăn nhó. Chơi với nhau từ nhỏ, bạn bè biết rõ tánh nhau. Tình bạn đằm thắm thân tình. Tôi thích Hoa ở chổ dễ tin vào những lời tôi nói dốc và biết lắng nghe để an ủi những khi tôi nói thật lòng. Thỉnh thoảng hai đứa nhắc chuyện năm đệ ngũ 2 với cái màn bay ra cửa sổ để rồi cùng nhăn răng ra cười.
Lúc còn chiến tranh bạn bè ít có dịp gặp nhau đã đành. Vậy mà khi hoà bình trở lại cũng chẳng khác gì hơn. Sự gặp nhau càng ngày càng hạn hán. Tôi bị nhốt hầu như không sót trại nào của tỉnh Phú Khánh: từ Lam Sơn Dục Mỹ, Trung tâm cải huấn chợ Đầm Nha Trang, Ty công an, Trại Đông Găng rồi Trại Ạ30 Tuy Hòa. Kẻ chiến thắng tóm thâu hết bầu khí quyển. Tôi thiếu oxy để thở. Ở tù ra với hai bàn tay trắng, Hoa nghĩ tình bạn bè chắt mót mấy chỉ vàng cho tôi mượn làm vốn đi buôn lậu. Những chỉ vàng ít ỏi giống như chén cơm phiến mẫu của Hàn Tín thuở còn hàn vi. Hàn Tín sau này làm nên nghiệp cả còn tôi thì làm thằng bỏ nước ra đi.
Quan Dương

Xem Tiếp: ----