Phần 2: Dao cạo
Phần 2 - 7

Bùi Đình đọc kinh trước bàn thờ đơn sơ của ông, chỉ là một cái bàn gỗ phủ khăn đỏ mang bốn đại tự: Bửu sơn Kỳ Hương. Ông hồi tưởng ngọn núi tôn quý trên dải Thất Sơn, tỉnh An Giang, hồi tưởng Con Người sinh trưởng nơi ấy, Huỳnh Phú Sổ. Phật Sống. Kỳ Hương. Tưởng như mới hôm qua đây thôi, họ cùng nhau từ xã này qua thôn khác, chỉ trong một ngày thu phục hàng trăm tín đồ, có khi hàng ngàn. Người Trời và ông sãi -- khi ấy chỉ là một bóng mờ -- đôi lúc mách lời giúp ý cho bậc huynh trưởng. "Bây giờ là đệ tử cần giúp ý," ông buột miệng, "xin chỉ dạy đệ tử phải làm thế nào."
Khóa lễ đầu ngày này là để nguyện cầu đức Phật. Khóa lễ sau sẽ là nguyện cầu cho triều đại của đấng Minh Quân. Sau nữa sẽ là nguyện cầu tổ tiên, rồi nguyện cầu cho các tín đồ. Bùi Đình vẫn quen hành lễ tại thánh địa Hòa Hảo ở xã Tân Châu, gần thị xã Long Xuyên, nhưng hôm nay đây ông quỳ gối trong phòng một bà góa, căn phòng Nguyễn Khắc Trung từng an giấc khi sống cũng như khi chết.
Hành lễ trong phòng này không làm ông trái ý, nhưng ông vẫn áy náy không yên. Ông không sao tập trung tâm trí hướng về đức Phật, không sao gác bỏ những chuyện thế tục. Ông thốt lên như muốn tạ lỗi: "Biết bao nhiêu chuyện quan trọng mà thì giờ chẳng còn bao nhiêu! Tiếp tục các cuộc biểu tình, như ý Nguyễn lộc, hay là thỏa hiệp với chính quyền tỉnh ngay bữa nay, trước khi tình hình không còn kiểm soát được nữa, như ngày hôm qua? Và thoả hiệp thì thoả hiệp như thế nào? " Ánh lửa mấy ngọn nến lập lòe, khói nhang cuồn cuộn bốc cao, nhưng Phật tổ chẳng hề trả lời.
Đã hơn ba mươi năm dấn thân hoạt động cho giáo phái, Bùi Đình chẳng phải là một con người thần bí mộng tưởng, như Huỳnh Phú Sổ khi xưa. Ông là một con người thực tiễn, ông tồn tại được là nhờ biết tiên liệu ý đồ mọi kẻ thù. Ông thừa biết hai sứ giả của đại tá Minh sẽ nói với ông những gì chút nữa đây. Họ sẽ vừa phỉnh phờ vừa dọa nạt. Họ sẽ nhắc nhở với ông ý niệm trung thành với quốc gia, dù dư hiểu ý niệm ấy hoàn toàn xa lạ với ông, rồi sẽ dọa dùng binh lực nếu ông không chịu nhượng bộ. Cuối cùng họ sẽ hứa hẹn với ông đôi điều nhỏ nhặt để ông không phải mất mặt. Nhưng không đời nào Sài Gòn sẽ chịu bãi bỏ Phụng Hoàng tại tỉnh này.
Ông cũng dư biết con đường của ông và các đồng đạo là một con đường gian lao, đi sai một bước cũng đủ đưa tới thảm họa. Hòa Hảo có thể tiếp tục gây áp lực, hy vọng chính quyền nhượng bộ nhiều hơn, nhưng Nết quả cũng rất có thể trái ngược. Dù có bị chính phủ và báo chí Mỹ chỉ trích kịch liệt đi nữa, tổng thống Thiệu có thể thừa cơ mượn cớ tái lập trật tự tung quân đội dẹp tan Hòa Hảo. Hòa Hảo mạnh đấy, nhưng chưa đủ mạnh để kháng cự được với binh lực của chính phủ. Còn dọa đi theo Việt cộng cũng bằng thừa, chẳng ai tin được sau số phận những người cộng sản đã dành cho giáo chủ của họ.
Nhưng như vậy làm sao chứng tỏ cho tín đồ rằng lãnh tụ của họ là những con người quyền lực chứ không phải những ông già móm mém, những con cọp giấy? Đảng đã đánh nước bài liều khi quyết định khai thác vụ thảm sát Trung. Nhiều người đã bỏ mình. Cấp lãnh đạo phải kết thúc làm sao để biện minh được những tổn thất này?
Bùi Đình quay lại nhìn cái giường nơi Trung đã được khâm liệm, thầm hứa: "Tôi thề giải oan cho anh, rửa thù cho anh."
Cùng lúc đó, một ý tưởng chớm nở trong đầu ông. Ông ngẫm nghĩ, cười nụ, tay vân vê hàng ria mép thưa. Thế rồi Nguyễn Lộc thò đầu qua cửa, gọi: "Bọn Mỹ tới rồi."
Có khoảng mười hai người trong phòng khách nhà bà góa Trung, và Sally nhận ra nhiều khuôn mặt từng dự tiệc với nàng tại nhà bác sĩ Loan. Kể cả bác sĩ Loan, vị thượng nghị sĩ, và ông sãi già cầm đầu giáo phái trong tỉnh. Và, tất nhiên, Bùi Đình, người nàng vừa gặp hôm qua.
Nàng được giới thiệu với Nguyễn Lộc; y không nhớ cũng đã gặp nàng hôm qua. Đầu y quấn băng to tướng, nhưng y có vẻ coi như đó là một tấm huân chương.
Sau cùng Bùi Đình đưa nàng tới giới thiệu với bà chủ nhà. Nhìn gần bữa nay, Sally nghĩ, khuôn mặt trái xoan của Nguyễn Thị Mai vẫn diễm lệ không kém gì khi nhìn xa từ trong đám tang hôm qua.
"Bà Mai," Đình nói, "đây là cô Teacher, đại diện chính phủ Hoa Kỳ."
Nguyễn Thị Mai mỉm cười rụt rè. "Tôi rất hân hạnh được biết cô. Xin thứ lỗi tôi nói tiếng Anh quá tệ."
Ông sãi cũng cười, bảo: "Con nói tiếng Anh không tệ đâu, nhưng cô Teacher biết nói tiếng Việt đấy."
"Vậy hả?" Mai tươi nét mặt. "Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp cô. Xin mời cô ngồi. Cô dùng trà, bánh với chúng tôi nhé."
Bùi Đình mời Sally và Gulliver ngồi trên tràng kỷ có để những chiếc gối vuông. Hơn mười chiếc ghế gỗ đã được kê thành hình bán nguyệt đối diện với họ, và Bùi Đình ngồi xuống chiếc ghế chính giữa. Những người khác ngồi xuống theo, hai bên ông sãi. Họ lặng thinh, chỉ mỉm cười và gật đầu với Sally và Gulliver.
Một lúc sau, Mai từ trong bếp đi ra, dẫn đầu một toán các bà bưng những khay khảm sà cừ với những tách trà nóng cùng bánh ngọt. Họ đến mời từng người, theo nghi thức rõ rệt: đầu tiên là Sally, rồi Gulliver, rồi Bùi Đình, rồi vị khách lãnh tụ sinh viên Nguyễn Lộc, rồi đến ông sãi cả, sau cùng là các ông sãi khác và các đại biểu của đảng Hòa Hảo. Xong xuôi đâu đấy, toán phụ nữ trở vào trong bếp; riêng Mai tới tràng kỷ, ngồi xuống bên Sally, hai tay chắp lại trên lòng. Trong phòng chỉ còn họ hai người là phái nữ.
Chủ và khách ăn bánh, uống trà, chiếc khay đặt trên lòng, cười với nhau. Chỗ ngồi sắp xếp như thế khiến cuộc họp mặt mang một vẻ trịnh trọng nặng nề, mà nửa tiếng đồng hồ những câu xã giao nhạt nhẽo, đứt quãng, không làm tan biến được. Ai nấy đều như trút gánh nặng khi Bùi Đình đặt chiếc khay của mình xuống sàn, vào đề: "Đại úy Gulliver, vậy là đại úy tới đây với tư cách đại diện cho chính quyền tỉnh phải không?"
Sally chưa kịp nói gì, Gulliver đã đáp: "Đúng thế."
"Vậy xin mời đại úy trình bày cho," ông sãi nói.
Gulliver gật đầu. "Thưa quý vị, các thỉnh cầu của quý vị, hay quý vị muốn gọi là các khuyến cáo cũng được, đã được chuyển về Sài Gòn. Trên Sài Gòn đã cứu xét và bác bỏ cả. Sẽ không có thay đổi nào hết trong chương trình Phụng Hoàng, tại tỉnh này hay tại bất cứ tỉnh nào khác. Nếu các cuộc biểu tình không chấm Gứt, quân đội sẽ được lệnh dẹp hết. Cho tới nay tổng thống Thiệu vẫn giữ thái độ kiên nhẫn và hiểu biết chỉ là vì tổng thống rất tôn trọng giáo phái Hòa Hảo; nhưng các cuộc biểu tình chỉ làm lợi cho cộng sản tuyên truyền, nên tổng thống khó lòng có thể tiếp tục giữ thái độ đó." Gulliver ngưng lời, khoanh hai tay trước ngực, như không còn gì để nói nữa.
Sally nhìn anh kinh ngạc. Anh đã nói đều đều, thản nhiên, với một giọng lịch sự nhưng cứng rắn. Nàng thầm phục anh đã trình bày một cách nhà nghề như thế, một lập trường chính bản thân anh chống đối.
Bùi Đình không chút bối rối, chỉ nhếch mép cười nhạt. "Đại úy đã nói rất thẳng thắn. Nhưng phải chăng Sài Gòn trông đợi chúng tôi bỏ qua hết, trông đợi chúng tôi chịu chôn vùi sự thực, chôn vùi công lý cùng với người anh em Nguyễn Khắc Trung của chúng tôi?"
"Sài Gòn trông đợi quý vị làm tròn nghĩa vụ công dân của quý vị và duy trì trật tự," Gulliver đáp.
Mặt đỏ bừng, Nguyễn Lộc đứng phắt dậy, nhưng lại ngồi xuống ngay khi mắt gặp phải cái nhìn nghiêm khắc của ông sãi già. Bùi Đình quay lại với Gulliver, hừ một tiếng, rồi hỏi: "Thế đại úy không mang lại gì hầu thoa dịu vết thương cho chúng tôi ư? Không gì hết ư?"
"Tất nhiên là có chứ," Gulliver đáp. "Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất thông cảm những khó khăn tài chánh của gia đình người quá cố, nên đồng ý sẽ giúp bà Mai và các cháu nhỏ số tiền là một triệu đồng."
Nhiều tiếng xì xào nổi lên. Một triệu đồng là một số tiền lớn, gần bằng mười ngàn mỹ kim theo hối suất chính thức.
"Thứ nữa," Gulliver tiếp, "tòa tỉnh trưởng đồng ý sẽ tức khắc thông báo cho Hòa Hảo mỗi khi có tín đồ Hòa Hảo bị câu lưu vì lý do nào đó. Tất nhiên không phải là thông báo trước, nhưng chậm lắm cũng trong vòng hai mươi bốn giờ sau."
Gulliver chưa nói xong, Bùi Đình đã lắc đầu: "Có thế thôi sao!"
Sally chen vào: "Tôi xin lỗi, nhưng ngoài ra còn hai điểm nữa tôi chỉ mới nắm chắc được sáng nay đây thôi," nàng liếc nhìn Gulliver. "Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi số tiền trợ cấp vẫn dành cho đảng Dân Xã hiện nay...và thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, người phải chịu trách nhiệm những chuyện đáng tiếc đã xảy ra hôm qua, sẽ bị cách chức tư lệnh Cảnh sát Dã chiến tỉnh này."
Tiếng xì xào lại nổi lên trong phòng, và Sally tiếp: "Hơn thế nữa, tôi được phép thông báo với quý vị là viên tân tư lệnh Cảnh sát Dã chiến sẽ là một sĩ quan cao cấp bên tỉnh An Giang, một sĩ quan tín đồ Hòa Hảo." Tiếng xì xào sôi nổi hơn, và Sally nhận ra một hai người mỉm cười. Nàng lại liếc nhìn Gulliver. Anh không cười, nhưng ngó sững nàng.
Bùi Đình cũng ngó nàng đăm đăm, mặt lộ vẻ suy tư. Ông vân vê chòm râu một lúc rồi mới nói: "À, giờ thì quý vị khiến chúng tôi phải cân nhắc rồi đó. Có điều tôi nghĩ chúng tôi phải bàn riêng với nhau." Ông khoác tay tạ lỗi: "Tôi rất ân hận nhà này quá nhỏ, không có phòng khác để quý vị ngồi chờ. Quý vị vui lòng chờ bên ngoài vài phút được không?"
 Được chứ," Sally đáp, mỉm cười tin tưởng. Nàng đứng dậy, bước ra cửa. Gulliver, vẫn còn chút nào ngơ ngác, một phút sau mới đứng lên. Anh gật đầu với mọi người và theo nàng ra bên ngoài. Lại bên nàng, anh hỏi : "Sao cô, cô được những tin ấy hồi nào vậy?"
"Như tôi nói đó, mới sáng nay thôi. Hoàng với tôi điện về Sài Gòn và được chấp thuận. Chúng tôi nghĩ những đề nghị mới này sẽ đảo ngược tình thế nếu ông sãi từ chối những nhượng bộ đầu của ta."
"Cô không nghĩ cần cho tôi biết trước hay sao?"
"Tôi không thể nói gì trước mặt anh tài xế."
"Gã tài xế là người Nùng," anh thờ ơ nói. "Người Nùng đâu biết ngôn ngữ nào đâu."
Nàng cắn môi, rồi mỉm cười với anh: "Anh giận tôi đấy hả?"
Một lúc, rồi anh cũng cười và nói: "Ít thôi. Nói thực ra, tôi như cất được gánh nặng khi biết cô làm việc từ sáng sớm. Lúc ăn sáng không thấy cô, tôi đã tưởng có lẽ cô muốn tránh mặt tôi."
"Có lẽ thế đấy," nàng nói, quay nhìn nơi khác.
"Ô," anh thôi cười. "Tại sao vậy?"
Nàng nhún vai. "Đây là một lúc vô cùng quan hệ cho sự nghiệp của tôi, Jake à. Tôi không thể dính vào một chuyện tình lúc này được."
"Cô không nghĩ là đã quá trễ sao?" anh bình tĩnh hỏi. "Chuyện chúng ta đâu phải chỉ là chuyện một đêm, Sally à. Tôi đã đủ từng trải để hiểu những gì khác biệt."
 Đêm qua là đêm qua, còn hôm nay là hôm nay."
"Chà, sâu sắc quá nhỉ!"
Sally nín thinh một lúc, rồi hỏi: "Thế cô đào thì sao?"
Gulliver mở lớn mắt: "Như ấy hả? Cô muốn nói gì?"
"Anh có yêu cô ấy không?"
"Sao cô lại hỏi như thế?"
"Cô ấy yêu anh."
"Cái gì khiến cô nghĩ như vậy?"
"Thôi mà," Sally nói. "Tôi đã thấy cô ấy nhìn anh như thế nào, cô ấy vuốt ve anh như thế nào khi tưởng không có ai nhìn. Rõ như ban ngày. Bộ anh muốn tôi tin giữa anh với cô ấy không có gì sao?"
Gulliver, thực sự ngẩn ngơ vì nhận xét của Sally, lại băn khoăn không biết nàng nói Như yêu anh có đúng hay không, không trả lời.
Với Sally, anh yên lặng tức là đã trả lời. Nàng nói: "Tôi thì tôi nghĩ thế đó."
"Không phải đâu," cuối cùng anh nói. "Cô lầm rồi. Giữa Như và tôi không phải như thế đâu. Không...không phải như thế đâu."
"Thế thì giữa anh với tôi cũng chẳng khác," Sally nói. "Chuyện đêm qua là kết quả một ngày thật dài và thật lạ lùng. Còn thì chúng ta cũng đâu đã hiểu gì nhau."
Gulliver chậm chạp lắc đầu. "Cô lầm đó, Sally à. Tôi hiểu cô cũng như tôi hiểu bất cứ người đàn bà nào, như tôi hiểu bất cứ người nào."
Sally không rời mắt nhìn anh, và hiểu anh nói thực. "Đây quả là một trong những điều đáng buồn nhất tôi từng được nghe," nàng nói.
Anh nhún vai ngó ra đường, lúng túng vì không quen tâm sự với ai bao giờ. Cánh cửa sau lưng họ mở ra, và người con lớn của Nguyễn Khắc Trung thò đầu ra nói: "Xin mời quý vị vô."
Gulliver hiểu ngay có chuyện không hay khi anh ngó mặt Nguyễn Lộc: con người cuồng tín ấy đang mỉm cười.
Cái nhìn sâu thẳm trên khuôn mặt Bùi Đình, cũng như những lời giáo đầu của ông sãi già, xác nhận điều anh linh cảm. Khi ai nấy đã yên vị, ông sãi già chắp hai tay lại và nói: "Tôi mong nhị vị hiểu cho tôi rất đau buồn phải nói những gì tôi sắp nói đây."
Gulliver và Sally nhìn nhau thật nhanh, nhưng cả hai đều lặng thinh.
Bùi Đình tiếp: "Những gì quý vị hứa hẹn với chúng tôi quả có thể hàn gắn những vết thương mấy tuần vừa qua. Nếu chỉ là tôi mà thôi, nếu chỉ là chúng tôi trong phòng này mà thôi, thì không có gì phải nói thêm nữa. Nhưng dân chúng vô cùng căm hận. Họ đã cho chúng tôi hay, bằng lời nói và bằng hành động, là họ đòi hỏi hơn thế. Chính phủ phải có một biện pháp đánh mạnh vào tâm não người ta mới xoa dịu họ được." Ông sãi ngưng lời, và Sally thận trọng hỏi: "Biện pháp như thế nào?"
Đình cười buồn. "Trước hết, tôi xin thưa là quý vị có thể tin cậy ở chúng tôi. Chúng tôi hiểu vị thế của chính phủ. Chúng tôi nhận rằng chính phủ không thể bãi bỏ chương trình Phụng Hoàng, dù Phụng Hoàng đã phạm biết bao lỗi lầm, dù bao nhiêu tội ác đã xảy ra nhân danh Phụng Hoàng. Cho nên, chúng tôi rút lại yêu cầu này."
Gulliver không một chút hân hoan thắng thế, một chút an lòng cũng không: ông sãi già chưa giở hết ngón của mình. "Biện pháp như thế nào?" anh lập lại câu hỏi ngờ vực của Sally.
"Khoan đã, đại úy. Xin để tôi nói hết."
"Tôi xin lỗi; cụ cứ nói tiếp đi."
"Chúng tôi cũng hiểu không phải dễ cho quý vị đưa những kẻ có tội ra toà. Một phiên toà công khai sẽ có nghĩa chính Phụng Hoàng cũng là bị cáo. Cả thế giới sẽ có cơ hội hiểu rõ Phụng Hoàng và sẽ dễ dàng kết luận là, khi tìm cách thoát khỏi tay con quái vật cộng sản độc ác, chế độ dân chủ nhỏ bé của chúng ta cũng đã đẻ ra một con quái vật ghê gớm chẳng kém."
"Biện pháp như thế nào, thưa cụ?"
Đình thở dài. "Giờ đây chúng tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất, nhưng đó là một yêu cầu tối hậu, không phải để điều đình." Ngưng một lúc, ông sãi tiếp: "Những kẻ đã gây ra cái chết của Nguyễn Khắc Trung, kể cả viên sĩ quan Mỹ, phải bị xử tử đền tội."
Cả căn phòng như xáo động, và phía Hòa Hảo ai nấy đều ra dấu biểu đồng tình.
Gulliver không tin ở tai mình. "Cụ nói sao?"
Sally bối rối: "Nhưng...chính cụ vừa nói cụ hiểu vì sao không thể có một phiên toà kia mà!"
Ông sãi day day một ngón tay. "Tôi không hề nói phải có một phiên toà. Chúng tôi hiểu rằng trong trường hợp này, công lý chỉ có thể thi hành bên ngoài hệ thống bình thường."
"Xử tử không cần một phiên toà? Nhưng như thế là sát nhân," Sally nói.
"Không!" Nguyễn Lộc hét. "Đó là công lý! Hành vi của chúng đối với Nguyễn Khắc Trung, đó mới là sát nhân!"
Bùi Đình nói: "Một mạng đổi một mạng. Thế là công bằng rồi."
"Tiếc là tôi không mang bàn tính theo, nhưng dường như đúng hơn đó là ba mạng đổi một," Gulliver mai mỉa. "Công lý là thế chăng? Hay là trả thù thì đúng hơn?"
lần đầu tiên ông sãi tỏ dấu xúc động. "Ông dám nói mấy mạng sao?" giọng ông giận dữ, và một ngón tay run run điểm mặt Gulliver. "Thế bảy người chết hôm qua thì sao? Tám mạng đấy chứ! Tôi chỉ đòi đổi có ba."
"Cụ đòi hỏi quá nhiều, cụ ạ," Gulliver điềm đạm nói.
"Tùy ông nghĩ, nhưng ý tôi đã quyết."
Sally lên tiếng: "Thưa cụ, tôi van cụ hãy nghĩ lại."
Ông sãi buồn bã lắc đầu. "Tôi rất tiếc, cô ạ. Phải như thế!"
Sally quay qua Nguyễn Thị Mai cầu cứu: "Bà Mai, xin bà nói với cụ ấy. Nơi này chỉ có bà là kẻ chịu thiệt thòi. Xin bà nói với cụ ấy là đó đâu phải là cách đền tội."
Mai, đến giờ chưa hề lên tiếng, lắc đầu và nhỏ nhẹ đáp: "Tôi rất tiếc, nhưng đây là việc để đàn ông quyết định. Việc này vượt quá cái chết của chồng tôi, vượt quá mạng sống của một người. Phải để các vị lãnh đạo của chúng tôi quyết định."
Bùi Đình mỉm cười với bà góa, gật đầu tán thưởng. "Để chứng tỏ chúng tôi hiểu chuyện này rất khó, lại dính líu đến thể diện chính phủ," ông nói với Sally, "chúng tôi sẽ không đòi họ phải bị công khai xử tử. Nếu quý vị muốn, đó sẽ là một tai nạn thảm khốc chẳng hạn."
"Nhưng nếu thế thì có ích gì cho quý vị?" Sally hỏi. "Như thế đâu phải là, như lời cụ, một biện pháp đánh mạnh vào tâm não người dân?"
"Ô, phải chứ," Gulliver đáp thay ông sãi, giọng chua chát. "Không công khai mà sẽ là công khai. Tín đồ Hòa Hảo sẽ được cho hay trước, và sẽ thấy mọi chuyện xảy ra đúng hệt. Họ sẽ biết rằng vị sãi của họ quả là người đầy uy thế, đã đòi được mạng sống của một đại úy Cảnh sát Đặc biệt, một đại úy thám báo, và một trung úy quân lực Hoa Kỳ. Và cụ Bùi Đình đây sẽ là lãnh tụ duy nhất của giáo phái Hòa Hảo thống nhất. Vị sãi đã khiến được Sài Gòn quỳ gối, đã buộc Phụng Hoàng ăn thịt chính con đẻ của mình."
Bùi Đình quay qua Sally, cố mỉm cười, lắc đầu. "Đại úy Gulliver rõ rệt rối trí rồi đấy, tôi xin nói tiếp với cô thôi vậy," ông bảo. "Điều chúng tôi yêu cầu phải được thi hành trong thời gian hai tuần lễ. Phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chứng tỏ thiện chí bằng cách không để một cuộc biểu tình nào diễn ra trong thời gian ấy. Hai tuần tới đây, đại tá Minh sẽ lại làm chủ thị xã."
"Cụ...cụ nên nhớ cụ đang nói về ba mạng người," Sally nói.
"Cứ coi những thủ đoạn của họ đối với người anh em của chúng tôi, tôi có thể biện bạch rằng ba kẻ ấy không phải là những con người nữa." Đình ân cần đáp, mình hơi cúi tới trước, nhìn thẳng vào mắt Sally. "Nhưng tôi không đến nỗi tàn ác và cơ hội chủ nghĩa như đại úy Gulliver muốn nói đâu. Nếu các cuộc biểu tình tiếp diễn, và nếu quân đội được sử dụng để đàn áp, sẽ còn nhiều người khác chết, đúng thế không cô?
kể cả đàn bà, con nít. Mạng sống ba kẻ bất nhân kia có đáng thế không cô?"
"Tôi..."
Gulliver chen vào: "Ta còn chưa thể kết luận ba kẻ ấy có tội gì không."
 Đại úy chắc chắn đã kết luận như thế," Bùi Đình đáp ngay.
Gulliver làm mặt tỉnh: "Làm sao cụ biết được tôi nghĩ gì."
"Chính đại úy đã cho tôi hay đấy chứ," ông sãi đáp, thò tay vào trong áo lấy ra bản báo cáo điều tra của Gulliver và tấm thẻ Nguyễn Văn Trung của Cảnh sát Đặc biệt.
Gulliver biến sắc, ấp úng: "Cụ...cụ lấy những cái này ở đâu?"
"Một người bạn mới. Một người bạn tốt."
"Ai?" Gulliver hỏi gặng.
"Quỳnh Như," Bùi Đình mỉm cười, đắc thắng.
Gulliver nhìn sững ông sãi một lúc lâu. Rồi anh vỗ trán, như để cho đầu óc tỉnh táo. Ngực anh nhói đau, như bị ai đá vào.
"Cô ấy lấy được ở đâu?" anh nho nhỏ hỏi.
"Chuyện đó thì tôi không biết. Có lẽ đại úy nên hỏi thẳng cô ấy. Tôi được biết đại úy thân cận với cô ấy lắm."
"Tôi không dám chắc như thế," Gulliver thốt, giọng trống vắng, như thể với chính mình hơn là với Đình.
Ông sãi buông khẽ tiếng thở dài thông cảm, rồi trở lại vấn đề: "Nhị vị đã biết các điều kiện của chúng tôi." Khi thấy Gulliver sẽ không, hoặc không thể, nói gì nữa, Sally lên tiếng: "Hai chúng tôi đều không có thẩm quyền trả lời cụ. Chúng tôi phải tham khảo cấp trên của chúng tôi. Quý vị phải để cho chúng tôi có thì giờ."
"Hẳn rồi, hẳn rồi," Bùi Đình giọng vẫn ân cần. "Quý vị cũng không cần thông báo cho chúng tôi quyết định của quý vị. Thực ra, như thế lại tốt hơn: không ai có thể nói đã nghe thấy chúng tôi yêu cầu, cũng không ai có thể nói đã nghe thấy quý vị chấp thuận. Quý vị đáp ứng bằng hành động là đủ rồi. Vả lại, chúng tôi sẽ biết ngay sẽ có ổn định hay sẽ có thêm đổ máu -- vào đúng 12 giờ đêm hai tuần nữa kể từ ngày hôm nay." Gulliver đứng phắt dậy, chìa tay nói với Sally bằng tiếng Anh: "Ta đi thôi."
"Phải đấy," Sally đáp, giọng cương quyết, vịn tay Gulliver đứng lên. Họ rảo bước đi ra, quên cả cúi mình chào theo lối người phương đông, quên cả ngỏ lời cảm tạ bà chủ nhà đã tiếp đãi họ.
Khác với lúc ra đi, lần trở về này họ cùng ngồi ghế sau xe. Một lần nàng đưa tay nắm tay anh, nhưng họ cũng không hề nói chuyện nhiều hơn. Anh không trả lời khi nàng nói: "Jake, tôi rất tiếc về chuyện Quỳnh Như." Và nàng không trả lời khi anh hỏi: "Cô còn nghĩ ông ta là một ông già kỳ diệu nữa không?"
Con sông Sài Gòn lấp loáng dưới nắng ban trưa, sóng nước nhấp nhô tựa những viên kim cương rơi rớt. 1ắng chói như nổ trên mặt nước và trên mái tôn những túp nhà lụp xụp bên bờ. Những chiếc ghe mỏng manh dập dềnh nghiêng ngả mỗi lần một tàu chở hàng hay một tàu dầu ngược dòng lên cảng Sài Gòn hay xuôi dòng ra hướng biển. Trẻ con đều lùa trâu nấp dưới bóng mát những tàu lá chuối. Từ trên không nhìn xuống, đó quả là một thế giới êm đềm, không gì đe dọa, và cũng không đe dọa ai.
Ảo tưởng thanh bình thôn dã ấy mau chóng tan biến khi chiếc Beech chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất, bay qua những luồng bụi khói ngất trời, trên những khu nhà ổ chuột, những trại tị nạn, những đồn binh, bay theo hình chữ chi để tránh những viên đạn từ bờ ruộng bắn lên, và cuối cùng hạ cánh giữa những trực thăng võ trang nằm gọn trong các bức tường bao cát, giữa những chiếc c-4 Phantom gắn đầy hỏa tiễn túc trực trên phi đạo.
Ba người hành khách -- Gulliver, Sally Teacher, và Hoàng Đức -- đã đáp chuyến bay như ba kẻ xa lạ, ngồi cách xa nhau, không nhìn đến nhau. Bầu không khí cũng không khác khi máy bay ngưng bánh. Gulliver là người cuối cùng bước ra, và không có ai chờ đón anh.
Dinh Độc Lập đã cho một chiếc Mercedes đen bóng tới đón Hoàng tại cửa văn phòng Air America, và y không buồn chào họ trước khi ra lệnh cho người tài xế lên đường. Bennett Steelman đã phái viên chức trực của công ty đến với một chiếc cord minto; gã này xếp hành lý của Sally vào thùng xe, rồi mau mắn lại mở cửa xe cho nàng, bỏ mặc chiếc túi của Gulliver nằm chơ vơ trên phi đạo.
Khẽ thở dài, Gulliver nhắc chiếc túi lên vai và đã toan thảy vào xe, nhưng gã kia đã đóng sập thùng xe lại và nói, giọng tạ lỗi: "Ô, tôi rất tiếc, tôi chỉ có phép đưa cô Teacher về thôi. Lệnh của ông Steelman. Ông bảo đại úy phải có mặt tại tòa Đại sứ vào lúc bốn giờ chiều." Chiếc minto rồ máy, xa dần, và Sally ngoái lại nhìn anh qua cửa kính sau xe. Gulliver cảm giác mình chơ vơ hơn bao giờ giữa cái phi trường trên thế giới không đâu huyên náo bằng.
Anh đi nhờ xe viên phi công ra ga hành khách, rồi gọi một chiếc taxi sơn hai màu xanh, vàng. Anh bảo người tài xế: "Cho tôi về khách sạn Duc."
Chiếc taxi vượt khỏi cổng chính, chạy qua tấm bảng với những hàng chữ bao giờ cũng khiến Gulliver mỉm cười -- "ĐỜI ĐỜI GHI ƠN HY SINH CAO QUÝ CỦA CÁC CHIẾN SĨ ĐỒNG MINH" -- và chìm vào trong dòng xe cộ như mắc cửi trên con lộ dẫn về thành phố. Xe chạy qua những cửa hàng đồng một kiểu, những quán rượu, những nhà xâm mình, những nhà tắm hơi. Nhìn các cô gái giang hồ vừa ăn vừa ríu rít chuyện trò bên mấy chiếc xe bán mì -- còn lâu mới tới giờ đông khách -- Gulliver không thể không nghĩ tới đàn bà. Hai người đàn bà. Sally và Như.
Anh đã không sao gặp được Sally một mình từ lúc họ ở Sênh Tiền trở về. Vừa xuống xe nàng đã hối hả triệu tập bộ ba Minh, Sloane, Cameron, tường thuật với họ cuộc gặp gỡ với phe Hòa Hảo, rồi giam mình trong phòng viễn thông dùng máy liên lạc với Steelman. Gulliver không biết nàng đã nói thế nào, nhưng kết quả là Steelman mất hết bình tĩnh và ra lệnh cho nàng cùng Gulliver trở về Sài Gòn.
Anh đã cố gặp nàng một lần chót trước khi đi ngủ, tới gõ cửa phòng nàng vài phút trước nửa đêm. Nhưng hoặc là nàng đã ngủ mất, hoặc là, điều anh ngờ đúng hơn, nàng giả bộ không nghe.
Anh cũng đã chẳng may mắn gì hơn với Như. Trong lúc Sally bận rộn lo phận sự, anh đã lẳng lặng bỏ đi, tìm cách kiểm chứng sự gian dối của Như. Nàng không có nhà. Anh ba lần trở lại con hẻm rồi đành bỏ cuộc, không tìm được giải đáp cho hai câu hỏi: Tại sao nàng hành động như thế? Nàng lấy được bản báo cáo của anh ở đâu?
Anh vừa đau khổ vừa kinh ngạc Như đã...gì nhỉ? Phản bội anh ư? Anh có tư cách gì cho là mình bị phản bội sau chuyện anh với Sally Teacher? Và nghĩ mình kinh ngạc, anh có tự dối lòng không? Dù đã chiếm được thân xác nàng, có lẽ cả một chỗ trong tim nàng nữa, Gulliver chưa từng tự tin hiểu được nàng. Anh đã được thấy nàng thủ cả chục vai trò khác nhau trên cái sân khấu riêng của nàng tại cuối con hẻm, từ vai bà hiền mẫu đến vai ả giang hồ dày dạn, và anh chẳng hề phân biệt được đâu là Quỳnh Như ngoài đời, đâu là Quỳnh Như cô đào hát. Với anh, những lúc đó cũng như bây giờ, nàng vẫn luôn luôn là một vòng tròn trong một vòng tròn, một bánh xe trong một bánh xe...Tất Cả và Không Gì Hết.
Đã tám tháng nay anh mới trở lại Sài Gòn, cái thành phố anh chẳng hề lưu luyến. Họ đã vào tới trung tâm thành phố, khu Sài Gòn thuộc địa, và Gulliver thấy Hòn ngọc Viễn đông càng già lại càng tệ, sau khi đã bị chiến tranh cướp mất tuổi thanh xuân. Đường phố vẫn, như bao giờ, dày đặc những xe du lịch, xe vận tải, xe đạp, xích lô, xe gắn máy, chở nặng ngoài sức tưởng tượng và bóp còi inh ỏi. Những luồng khói bụi -- đã làm chết ngạt các hàng cây me -- trùm lên tất cả, và các tòa công thự -- từng một thời tráng lệ -- trông thật gớm ghiếc giữa những lớp bao cát và hàng rào kẽm gai.
Khách sạn Duc, nửa đường giữa toà Đại sứ Hoa Kỳ và Dinh Độc Lập, cũng nằm giữa tầng tầng rào kẽm gai, với những người lính Nùng gác cổng lạnh lùng. Chẳng một khách sạn bình thường nào lại lựa chọn khung cảnh và nhân viên như thế, nhưng khách sạn Duc chẳng phải là một khách sạn bình thường. Đó là một cư xá của CIA, dành cho điệp viên từ xa ghé về, cho nhân viên mới chờ được cấp nhà riêng. Gulliver ký tên vào sổ, giao chiếc túi cho một anh bồi già, rồi tìm đến quầy rượu.
Dù có những cô chiêu đãi xinh xắn người Việt mặc áo dài, quán rượu vẫn hoàn toàn là Mỹ, tối tăm, lạnh lẽo và ồn ào. Khi mắt đã quen rồi, Gulliver nhận ra những tiếng cười như lệnh vỡ từ đâu tới -- một bàn trong góc, chen chúc những bợm mới giờ này đã say mèm.
Gulliver nhìn kỹ và nhận ra trong đám một khuôn mặt quen biết, Shipley, một viên cố vấn an ninh Vùng II Chiến thuật kiếm chác thêm bằng cách khai thác cả chục ổ điếm trên Pleiku. Shipley cũng đã nhìn thấy anh, nhưng rồi y làm ngơ, không mời anh nhập bọn. Gulliver không tức giận và cũng chẳng ngạc nhiên: anh đã từng đập Shipley một trận nhừ tử.
Hai năm trước, Shipley yêu cầu phái lên Pleiku một chuyên viên để trừ khử một cán bộ Việt cộng cao cấp. Viên tỉnh trưởng chấp thuận và mọi chuyện đều tỏ ra hợp lệ. Dao Cạo chuẩn y và cử đi nhân viên cừ khôi nhất của mình, Anh Hàng Cát. Với Anh Hàng Cát thì đó cũng chỉ là một nhiệm vụ phải thi hành rồi cho chìm vào quên lãng, cho đến khi, ba tháng sau, Gulliver gặp trung sĩ nhất Jaynes -- phụ tá của anh hồi anh hoạt động với các toán dân vệ CIDG -- kéo anh đi nhậu.
Thời gian đó Gulliver buồn nản vô cùng; khi nhận ra tiếng Jaynes qua điện thoại, anh mừng quá, và bất chấp lệnh Steelman cấm anh giao thiệp với các bạn bè cũ trong Lực lượng Đặc biệt, anh đưa Jaynes tới ổ thuốc phiện ưa chuộng của anh. Hai người hàn huyên bên bàn đèn, cho đến lúc Jaynes nói: "Tụi nó bảo đại úy hồi này làm việc cho bọn ma quỷ, phải không? Đừng giấu tôi làm chi; cả tôi, bảy tháng rồi tôi cũng dự vào một toán SOG trên miệt Pleiku. Mà đại úy tới Pleiku lần nào chưa?"
"Một vài lần, nhưng tới rồi lại đi ngay."
"Phải chi đại úy gặp tôi thì thế nào tôi cũng đưa đại úy lại mấy ổ của thằng cha Shipley. Đáng tiền lắm. Hắn có một ổ toàn các em mọi không à. Tôi vẫn nhớ là đại úy khoái mấy em này lắm," Jaynes cười ròn rã.
"Của Shipley?"
 Ưà. Nghề tay trái của hắn mà. Hồi ở oashington hắn là cớm nên hắn rành lắm."
"Ông Vann có biết không?" Gulliver hỏi -- John Paul Vann là cố vấn trưởng Vùng II Chiến thuật. "Ổng mà lại để có những chuyện như thế trong đất của ổng sao?"
Jaynes nhún vai. "Chắc không đâu. Nhưng nhất định ổng không biết gì hết một chuyện mới thực khốn nạn của Shipley."
"Chuyện làm sao?"
"À...thì...giết người."
Gulliver cảm thấy tim mình rộn lên. "Giết người?"
Jaynes gật đầu. "Cách đây chừng hơn hai tháng, Shipley gửi về một báo cáo tình báo, khuyến cáo thanh toán một tên cán bộ Việt cộng nào đó. Chuyện ba xạo thế mà bọn ma quỷ ở Sài Gòn cũng tin. Chúng phái người lên...thế rồi beng."
"Chuyện ba xạo? Chuyện làm sao?"
Mặt Jaynes dài ra, kết quả của hai mươi năm cứ phải giảng giải những chuyện thực hiển nhiên cho các vị sĩ quan. "Thì Shipley hoàn toàn dựng đứng lên chứ còn sao nữa. Gã kia đâu phải cộng sản, tư bản gộc là đằng khác, một sếp sòng ở Phòng thương mại kia đấy. Đời gã tàn lúc gã nhảy ra mở  ổ điếm cạnh tranh với Shipley."
Gulliver giọng thình lình nhỏ hẳn lại: "Jaynes, anh biết chắc chuyện đúng như thế phải không?"
"Chứ sao. Chính tôi nghe thấy hắn vừa kể vừa cười với mấy mụ nha đầu của hắn. Còn lâu mới có kẻ mở được thêm ổ điếm ở Pleiku. Shipley nhất định một mình một chợ mà."
Gulliver cay cú cả đêm ấy, cảm thấy mình nhơ nhớp hơn bao giờ. Bị sử dụng đi giết những con mồi chính đáng, những kẻ địch thực sự, cũng đã là quá rồi, nhưng thế này thì đến ngay Anh Hàng Cát cũng không thể chấp nhận được. Sáng hôm sau, mặt trời mới mọc anh đã có mặt tại bãi đáp trực thăng. Đáp xuống Pleiku, anh thẳng tới trụ sở cố vấn tỉnh, tìm ra Shipley đang một mình trong nhà tắm. Anh đập hắn bể cả mũi miệng, lọi cả hai tay hai chân, rồi trở về Nha Trang kịp bữa ăn trưa. Đập Shipley đấy mà anh tưởng như mình đập Dao Cạo.
Bây giờ thì anh ngồi một ghế tận cuối quầy rượu, thật xa bàn bọn kia, tuy anh vẫn thấy họ trong tấm kiếng. Shipley thì thào gì đó với đồng bọn, hình như hắn nói "Anh Hàng Cát đấy." Những tiếng cười đùa vụt tắt, và mọi khuôn mặt đều quay về phía anh. Nuốt ực ngụm bia, anh bước nhanh ra cửa, e mình không dằn được cơn nóng giận và sẽ lại đập Shipley một trận nhừ tử như lần trước.
Về phòng mình, anh tắt máy điều hòa không khí, mở tung cửa sổ, và trút hành lý ra giường. Anh gọi bồi mang lên bánh mì kẹp với một chai 33. Thanh toán bữa ăn trong nháy mắt, anh đi tắm rồi ngả lưng trên giường, cố tìm giấc ngủ. Nhưng suốt hai giờ sau đó anh không sao chợp mắt, tâm trí tràn đầy hình ảnh Sally Teacher.
Khi đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi, anh trở dậy, thắng bộ y phục đàng hoàng nhất của mình -- chiếc quần duy nhất của anh không phải là quần jeans -- rồi xuống đón chuyến xe buýt của CIA tới toà Đại sứ.
Toà Đại sứ Hoa Kỳ chiếm trọn một khu trên đại lộ Thống Nhất, một dinh cơ đồ sộ màu trắng, biểu tượng cho sự can thiệp ồ ạt của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Toà nhà gồm sáu tầng lầu, cách xa mặt đường, bao quanh là tường cao ba thước; một thành lũy bằng đá trắng, toàn bề mặt là một tấm khiên chống phi đạn bằng bê tông, với hàng dãy cửa sổ đồng thời là những lỗ châu mai treo màn nhựa không bể. Toà nhà trông lạc lõng trơ trọi giữa các kiến trúc thời thuộc địa Pháp chung quanh.
Gulliver toan thẳng bước tới thang máy, nhưng một người lính thủy quân lục chiến trẻ măng chặn anh lại: "Xin ông cho tôi xem giấy tờ đã."
Hồi bị biệt phái hoạt động với bọn ma quỷ, Gulliver có được phát một tấm thẻ nhân viên bộ ngoại giao, nhưng anh không chịu mang bao giờ. Anh đành móc ra tấm thẻ MACV ngày trước của anh.
"Tôi rất tiếc, thưa đại úy, nhưng thẻ này quá hạn rồi," người lính trẻ nói. "Đại úy muốn gặp ai?"
"Steelman. Lầu năm."
"Xin đại úy chờ đây." Gã lính trẻ dò sổ điện thoại của tòa Đại sứ, quay số văn phòng Steelman, và được cô thư ký xác nhận giờ hẹn của Gulliver. Gã quay qua bảo: "Sẽ có người xuống đón đại úy."
Người xuống đón không ai khác hơn là viên chức trực, cái gã ma quỷ trẻ đã bỏ rơi anh tại phi trường. Gã tươi cười chìa tay chào anh, nhưng anh làm ngơ, rảo bước lại thang máy. Gã theo chân anh, bấm nút lên lầu sáu chứ không phải lầu năm, và trịnh trọng giải thích: "Đại úy sẽ trình diện tại văn phòng ông Scott."
Sau thủ tục kiểm soát với lính gác của lầu sáu, Gulliver được dẫn đi qua phòng hội đồng ù ù tiếng các lò thiêu trên mái vọng xuống, đến gặp hai cô thư ký hai bên cửa văn phòng viên giám đốc, lạnh lùng như hai sư tử đá ngoài cửa một thư viện. Một cô, cô xấu nhất, mở cửa cho anh vào.
Gulliver hiểu ngay Sally đã phúc trình tin dữ về Hòa Hảo. Không khí trong phòng thật nặng nề. Anh có cảm tưởng mình lạc bước vào một rạp hát giữa lúc trên sân khấu đang diễn cảnh nhân vật chính thọ tử.
Người đầu tiên anh nhận ra chính là người anh mong gặp. Sally ngồi ở tràng kỷ, bộ y phục mùa hè để lộ đôi chân dài xinh đẹp, vẫn thung dung, yêu kiều giữa bầu không khí khẩn trương. Hoàng Đức cũng có đấy, đứng tựa bên cửa sổ, sắc mặt thảm đạm ngó lung ngoài trời. Và dĩ nhiên là có mặt Steelman, ngồi bên Sally với vẫn cái dáng ngồi mềm oặt cố hữu.
Ngoài ra là hai người hoàn toàn xa lạ với Gulliver. Một người cao lớn, tóc bạch kim, mặc một bộ đồ hàng mỏng; người kia thấp bé, đầu hói, mặc đồ hàng dày. Người thấp bé ngồi sau một bàn giấy lớn bằng gỗ sồi, trước mặt duy nhất có một hồ sơ bìa nâu.
Vẫn ngồi yên tại chỗ, Steelman nói: "A, Gulliver đây rồi. Tôi chắc anh chưa biết ông phụ tá đại sứ tyatt Howe, và ông Tom Scott, giám đốc của ta. Thưa quý ông, đây là đại úy Gulliver."
Howe miễn cưỡng bắt tay Gulliver, rõ rệt phân vân vì chưa gặp một mẫu người như anh bao giờ. Scott vẫn ngồi tại ghế, khiến Gulliver phải nhoài người qua bàn giấy vĩ đại của ông ta.
Khi anh ngồi xuống rồi, viên giám đốc gật đầu về phía Steelman, bảo: "Anh chủ trì đi, Bennett."
Steelman ngồi thẳng lại, mỉm nụ cười nhạt nhẽo: "Xin cám ơn ông." Không ai, nhất là Scott, dám chắc lời xã giao ấy có chút ngụ ý mỉa mai nào hay không.
Steelman ngưng một lúc rồi mới nói tiếp, giọng nghiêm trọng: "Tôi tin rằng tất cả chúng ta đây đều không lạ gì nguồn gốc vấn đề này. Mặt khác, cô Teacher đã cho chúng ta hay kết quả cuộc họp hôm qua giữa cô và đại úy Gulliver với bên Hòa Hảo. Điều chúng tôi muốn chiều nay, đó là nghe thuật lại cuộc họp thật chi tiết, ngọn ngành." Rồi quay qua Sally: "Cô cứ nói đi, cô Sally. Tôi chắc chắn đại úy Gulliver sẽ ngắt lời cô ngay nếu cô bỏ sót dầu chỉ một điều cỏn con nào."
Sally thuật lại từ buổi họp kế hoạch tại Sứ quán tới cuộc gặp mặt với các lãnh tụ Hòa Hảo. Nàng nói một mạch, chỉ một lần ngó lại sổ tay, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Gulliver nhận ra nàng chỉ tránh nhắc đến hai điều: xung đột giữa anh với đại tá Minh, và do đâu Hòa Hảo nắm được báo cáo của anh.
Khi Sally dứt lời, cả căn phòng chìm trong yên lặng nặng nề. Hoàng vẫn không thôi ngó mông  ngoài trời. Howe và Scott nhìn nhau. Steelman quay sang Gulliver, hỏi: "Thế nào, bồ, cô Teacher có quên gì không?"
"Cô Teacher có trí nhớ thật phi thường."
"Hay lắm." Steelman nhìn khắp phòng một lượt: "Quý vị có ai cần đặt câu hỏi với cô Teacher trước khi tôi bắt đầu không?"
"Không, nhưng tôi có câu này muốn hỏi đại úy Gulliver," Scott nói. "Tại sao, ừ, tại sao kia chứ, anh lại viết cái báo cáo bị mất trộm kia, cái báo cáo lập luận gã Trung ấy vô tội? Và tại sao một tài liệu như thế mà anh lại giữ trong tủ hồ sơ của anh?"
"Tôi viết báo cáo ấy vì tôi tin đó là sự thực," Gulliver bình tĩnh đáp. "Còn thì thủ tục vẫn quy định phải lưu một bản sao tất cả mọi văn kiện gửi về đây."
"Về đây? Nói xàm. Chúng tôi chưa nhận được báo cáo đó bao giờ..." Và như mỗi khi lúng túng, viên giám đốc lại quay qua Steelman: "Tôi muốn nói, ta có nhận được không nhỉ, Bennett?"
Steelman gật đầu. "Thưa ông, có. Đúng tôi có nhận được báo cáo ấy của đại úy Gulliver."
"Vậy hả? Thế tại sao tôi không hay?" Scott hỏi. Câu hỏi chỉ biểu lộ tò mò, chứ không phải yêu cầu giải thích. "Báo cáo ấy gửi về nhưng không được thượng cấp tán đồng, lại trái nghịch với báo cáo chính thức của cố vấn tỉnh mà không dựa trên bằng chứng hiển nhiên nào," Steelman nhún vai trả lời. "Tôi nghĩ nó không đáng làm mất thì giờ quý báu của ông."
"À ra thế. Phải rồi. Cám ơn anh nhé," Scott lúng búng nói. "Anh tiếp tục đi."
Steelman nhìn Gulliver thật lâu, rồi trầm giọng hỏi: "Đại úy, vì sao Hòa Hảo lại có được tài liệu mật giữ trong tủ của đại úy?"
Gulliver bắt gặp Sally liếc nhìn anh thật nhanh, vẻ ân hận. Anh khẽ nhún vai muốn bảo nàng không thể làm gì hơn, rồi lên tiếng: "Tôi được cho hay họ nắm được tài liệu đó nhờ một phụ nữ địa phương. Một cô đào hát."
"Thế vì sao tài liệu đó lại vào tay cô ta?"
"Tôi không biết."
"À. Anh có, à, quen biết người đàn bà ấy không, đại úy?"
"Có."
"Cô ta tên gì?"
"Quỳnh Như."
"Anh quen với cô ta như thế nào?"
"Chúng tôi là bạn...là bạn tốt."
"À ra thế."
Steelman lại ngưng lời, nhưng lần này ai nấy đều xôn xao. Gulliver nhìn Sally và thấy nàng cắn môi lo lắng cho anh.
Steelman không rời mắt nhìn anh, bĩu cặp môi mỏng và đưa tay gạt món tóc phủ xuống mắt. Hồi lâu y mới lại lên tiếng: "Anh có trao tài liệu cho cô ta không?"
Gulliver quắc mắt nhìn y: "Không."
Căn phòng lại rơi vào yên lặng, cho đến lúc viên giám đốc đằng hắng, hỏi: "Đại úy, hay là lão Bùi Đình bịp ta đấy?"
Gulliver nhún vai. "Cũng có thể, nhưng tôi không nghĩ thế. Lão đâu phải tay vừa, và, theo tôi, lại cuồng tín nữa, một kẻ sẵn sàng chịu riêng mình thua thiệt."
Scott nhìn Sally, và nàng gật đầu tỏ dấu đồng ý. "Tôi cho là đại úy Gulliver có lý. Tôi...chúng tôi linh cảm tất cả chuyện trả nợ máu này là do Bùi Đình, chứ chẳng phải là ý nguyện của dân chúng như ông ta muốn ta tin."
Scott gật đầu. "Chúng tôi cũng ngờ thế. Thôi, cám ơn cô Teacher nhé." Rồi quay qua Steelman: "Bennett, anh còn cần hỏi gì cô Teacher hay đại úy Gulliver nữa không?"
"Thưa có," Steelman đáp. "Tôi nghĩ ta phải đào sâu hơn nghi vấn vì sao một bản báo cáo của đại úy Gulliver lại lọt vào tay cô đào hát kia."
"Vậy anh tiếp tục đi."
Stelman nhếch mép: "Xin cám ơn ông," rồi quay qua Gulliver. "Đại úy giữ tài liệu ở đâu?"
"Trong tủ có khóa ở văn phòng tôi tại Sứ quán."
Steelman gật đầu. "Đại úy có nghĩ là kẻ tiết lộ tin tức các công tác Phụng Hoàng cũng là tác giả chuyện này không?"
Phó đại sứ Howe trừng mắt nhìn viên giám đốc: "Tiết lộ tin tức? Có tiết lộ à? Ông đại sứ đã hay biết gì chưa?"
 Ơ..." Scott nhìn Steelman.
"Thưa ông, chỉ là chuyện nội bộ nhỏ nhặt thôi," Steelman cười rộng miệng trấn an. "Chúng tôi tin sắp giải quyết được rồi."
Howe lầu bầu: "Tất nhiên tôi mong thế."
Steelman thôi cười, trở lại với Gulliver. "Cô đào hát ấy có được phép vào cơ quan không, đại úy?"
"Không, cô ấy chưa đặt chân tới Sứ quán bao giờ."
"Cô ta có quen một ai khác trong cơ quan, ngoài đại úy không?"
Nghe Steelman nói lên câu hỏi này, Gulliver mới nhận ra rằng có lẽ anh đã biết rõ từ trước bằng cách nào Như đã nắm được những tài liệu trong tủ của anh. Chính là Đặng đã giao cho nàng. Ngoài anh ra, nàng chỉ quen có Đặng là người có thể lấy được tài liệu. Anh ngập ngừng, rồi nói dối: "Cứ như tôi biết thì không."
"Cô ta có quen đại úy Đặng không?"
Gulliver cũng không trả lời ngay. Steelman biết thực hay chỉ là đoán mò? Chuyện đó không thành vấn đề nữa, anh quả quyết nghĩ. Anh không hiểu những động cơ nào thúc đẩy Đặng, thúc đẩy Như, nhưng Stelman thì anh biết quá rõ. Anh lập lại: "Cứ như tôi biết thì không."
Steelman nhìn chằm chặp Gulliver một lúc, rồi buông thõng: "Thôi đến đây tạm đủ rồi. Tôi yêu cầu đại úy lưu lại Sài gòn vài ngày, chúng tôi có thể cần đến đại úy. Tôi sẽ gặp lại đại úy. Và cô Sally nữa. Bây giờ cô làm ơn đưa đại úy Gulliver ra nhé."
Gulliver cùng Sally đứng lên và bước ra, không một lời chào. Qua phòng hội đồng Gulliver nghe tiếng một người la hét trong máy viễn thông, cố át tiếng ồn ào từ trên mái, lần này là tiếng một chiếc trực thăng đang đáp xuống.
Hai người không ai nói gì cho đến khi tới bên thang máy. Sally bấm nút điện, rồi lên tiếng: "Jake, tôi rất ân hận ta không tránh được chuyện cô Như."
Gulliver nhún vai: "Dù sao cũng xin cám ơn cô đã tìm cách khỏi nói ra chuyện đó." Anh hất hàm về phía văn phòng Scott: "Họ sẽ đối phó thế nào với các điều kiện của Hòa Hảo?"
"Tôi đâu có hay," Sally đáp. "Họ đâu có cho tôi dự phần quyết định. Tôi cũng bị tạm ngưng chức như anh rồi."
"Nếu quả thế thì ta nên sát cánh với nhau, phải không cô?" anh nhếch miệng cười. "Cô cho phép tôi mời cô đi uống cà phê nhé."
"Ô, tôi...tôi rất tiếc, Jake à, nhưng quả là tôi không có thì giờ. Ông giám đốc muốn tôi viết lại hết những gì tôi nhớ về cuộc họp."
"Tôi hiểu, tôi hiểu." Cửa thang máy mở ra, Gulliver bước vào và nói: "Vậy xin chào cô. Chắc tôi còn có dịp gặp lại cô."
Nàng cũng bước vào theo anh, vẻ tạ lỗi: "Tôi phải đưa anh xuống. Quy lệ là như thế."
"Vậy mà tôi cứ nghĩ là tôi làm việc cho chúng nó đấy. Chúng nghi tôi ăn cắp hay sao?"
Nàng khổ sở so vai, nhắc lại: "Quy lệ là như thế mà anh."
Mấy phút yên lặng nặng nề. Khi thang máy xuống hết, nàng cùng bước ra với anh. Nắm cánh tay anh, nàng bảo: "Tối nay có dạ vũ tại số 47. Anh đến chắc chẳng ai chống đối đâu. Anh cứ bảo họ là tôi mời anh."
Gulliver giả bộ kinh hoàng: "Cô không nói Câu lạc bộ 147 đấy chứ? Cái ổ đó là đầu mối mọi bất công đấy." "Không. Số 47 đường Phan Thanh Giản. Một biệt thự một nhóm viên chức trẻ toà Đại sứ ở chung. Chỗ ấy gần như thành truyền thống rồi, qua tay đã mấy thế hệ những chàng độc thân yêu đời. Có những buổi dạ vũ đã trở thành truyền thuyết. Tối nay họ mướn được ban CBC, ban nhạc rock nổi nhất của Sài Gòn. Chắc phải vui lắm."
Gulliver chẳng thấy gì là vui cả. Dạ vũ, ban nhạc sống, những thứ đó là dành cho đám trẻ, còn anh, anh không tài nào nhớ nổi anh đã bao giờ có một thời trẻ trung. Anh hỏi: "Cô có đến không?"
"Có lẽ tôi sẽ ghé lại một lúc."
Gulliver như đã nghĩ chín. Anh đề nghị: "Hay ta cùng đến?"
Nàng hấp tấp đáp: "Tôi chưa biết lúc nào tôi xong việc ở đây. Anh cứ đi một mình đi."
Gulliver lẳng lặng nhìn nàng, rồi hỏi: "Có ai đến nữa không?"
"Tôi cũng chẳng biết. Chắc vẫn đám viên chức toà Đại sứ như mọi khi."
"Steelman  có đến không?"
"Ô, chắc có. Chính hắn cho tôi hay tin đó."
"À ra thế. Thôi cám ơn cô." Anh quay lưng bước ra. Anh biết mình thô lỗ, nhưng vẫn không khỏi khoái trá. Anh bị gạt ngoài lề mãi rồi, bây giờ phải tới lượt kẻ khác chứ.
Gulliver cũng muốn mình có một buổi tối như ai. Anh trở lại khắp những nơi xưa kia anh từng lai vãng, hy vọng một nơi nào đó sẽ giúp anh quên những gì giờ đây anh không muốn nghĩ đến. Anh không muốn nghĩ đến Đặng. Hay là Như. Anh không muốn nghĩ đến Sally Teacher.
Đầu tiên anh ghé lại quán Con Rồng cuối đại lộ Lê Lợi. Rồi quán Mimi trên đường Nguyễn Huệ. Anh lầm to. Tiếng nhạc huyên náo với mùi ngai ngái của bia, thuốc lá, chỉ gợi cho anh hình ảnh những buổi dạ vũ, hình ảnh Sally giữa một bầy những gã độc thân vui nhộn.
Cuối cùng anh dừng bước tại Câu lạc bộ 147 đường Võ Tánh. Lại càng tệ hơn nữa. Anh nốc một ly bia rồi bỏ ra ngay.
Anh đi ơ thờ dọc theo đường Võ Tánh, cố moi óc tìm một điều gì khác để suy nghĩ. Tới một ngã tư, trông ra bảng tên đường, anh quyết định suy nghĩ về cái tên này.
Đường Võ Tánh...đặt theo tên tướng Võ Tánh...anh hùng dân tộc...thế kỷ XVIII...phò nhà Nguyễn chống triều Tây Sơn...cố thủ hai năm tại Quy Nhơn không hề được quân cứu viện...xin hàng với điều kiện tướng Tây Sơn tha chết cho binh sĩ của mình...mặc đồ trào phục và tập hợp tuỳ tùng quanh một cây cọc cắm giữa thành...cho hay thà chết chứ không để quân thù thấy mặt...rồi tự tay châm ngòi thuốc súng chôn dưới cọc.
Ấy thế là một ý nghĩ vụt đến với Gulliver, không sao xua đuổi được: phải chăng tự tay anh đã châm ngòi thuốc súng phá tan mọi cơ may của anh với Sally khi anh từ khước lời mời của nàng? Có lẽ lời mời, dẫu chỉ gián tiếp, là cách để nàng cho anh hay nàng muốn nối lại sợi dây giữa hai người. Có lẽ nàng cũng tưởng nhớ anh không khác nào anh tưởng nhớ nàng. Có lẽ anh chỉ là một thằng ngu.
Anh vẫn bước đều, lắc đầu như cái máy mỗi khi những cô gái mãi dâm chào mời từ những góc tối bên đường hay từ trên những chiếc Honda đảo qua. Anh do dự không biết nên trở về khách sạn Duc đi ngủ, hay gọi taxi vào Chợ Lớn tìm một ổ hút thuốc phiện. Anh ngẩng đầu khi nghe thấy tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng ly tách chạm nhau. Anh đã tới công trường Lam Sơn, và phía bên kia -- bên kia rạp hát cũ nay là Quốc hội - - khách sạn Continental sáng rực như một con tàu huy hoắc giữa đại dương tối đen.
Những người hầu bàn áo trắng di chuyển ngoài hàng hiên, rót rượu cho khách, chặn không cho vào đám hành khất và gái giang hồ, trừ những cô đã có hẹn hoặc đã "mướn" chỗ. Hàng hiên Continental là nơi hẹn hò mỗi tối của giới ngoại kiều ở Sài Gòn. Những tiếng cười nói rộn rã vang dội vào nỗi trống vắng của anh, lôi cuốn anh như tiếng hát nàng nhân ngư thu hút chàng thủy thủ. Gulliver quyết định ghé lại tiêu cho hết đêm nay.
Tới giữa đường thì anh nhìn ra Sally. Nàng ngồi ở một bàn phía ngoài, trông ra đường. Bên nàng là một gã đàn ông, và mặc dầu gã quay lưng lại phía anh, Gulliver nhận ra ngay là ai. Không một ai khác ngồi như gã, một chân gác thõng thượt lên tay ghế.
Gulliver đứng sững lại. Anh ngó trân Steelman nói gì đó với một người hầu bàn, và Sally ơ thờ đưa mắt nhìn quanh. Anh nhận ra nàng biến sắc khi nhìn thấy anh. Một chiếc xích lô máy đảo gấp rút bên anh và phóng ngược đường Tự Do, để lại đám khói xanh mù mịt và tiếng chửi thề của anh tài xế. Rồi tiếng thắng, tiếng kèn của đủ thứ xe khiến anh tỉnh trí. Anh trở gót, hướng về khách sạn Duc.
Về phòng mình, anh nhấc điện thoại kêu một chai mernod, một bình nước cùng nước đá. Vài phút sau có tiếng gõ cửa, nhưng người gõ không phải một anh bồi nào mà là Sally Teacher. Nàng vẫn bận bộ áo mỏng mùa hè, như lúc ở toà Đại sứ.
Hai người ngó sững nhau một hồi lâu, rồi Sally nói: "Anh không mời tôi vào sao?"
Gulliver vẫn đứng chắn giữa cửa, lạnh lùng hỏi: "Cô muốn gì?"
"Tôi tưởng điều đó đã rõ."
Anh lắc đầu. "Thưa cô, chẳng có gì cô nói hay làm mà lại rõ cho tôi cả."
"Thôi, được rồi. Anh đó. Tôi muốn anh."
"Vậy là cô không biết cô muốn gì rồi."
Sally chui dưới tay anh, bước vào phòng. Anh quay lại, vừa toan yêu cầu nàng đi ra thì sau lưng anh một giọng nói ngọt ngào cất lên: "Thưa ông, chắc ông cần hai ly chứ?" Gulliver ngoái cổ và nhận ra một người bồi phòng đã lớn tuổi đứng trước cửa, tay bưng khay.
Đúng đấy, chúng tôi cần thêm một ly nữa," Sally đáp ngay. Gulliver quắc mắt nhìn nàng; anh chưa kịp nói gì, người bồi đã đi xa rồi.
Anh thẫn thờ đóng cửa lại. Nàng ngồi trên giường, ngó anh chăm chăm.
"Thế buổi dạ vũ của cô thì sao?" anh gắng gượng hỏi.
"Tôi không đi nữa."
"Còn anh bồ của cô?"
"Y không phải bồ của tôi. Y đề nghị đưa tôi đi dự dạ vũ, và chúng tôi ghé lại Continental định uống một ly trước khi đi."
"Thế cô đã bảo gì y?"
"Tôi bảo y tôi đổi ý, rồi tôi về đây."
"Tôi cứ tưởng cô không có thì giờ với những chuyện như thế này."
"Tôi đã quyết phải dành thì giờ," nàng bình tĩnh đáp.
"Thế ư? Vì sao cô đổi ý?"
Sally ngập ngừng mỉm cười. "Từ lúc nhìn thấy anh đứng giữa đường, xe cộ vù vù chung quanh. Tôi chợt hiểu tôi không muốn anh bị cán nát. Tôi cũng sợ có thể chẳng bao giờ gặp anh nữa nếu tôi không làm một cái gì đó. Tôi đến đây là vì thế."
"Cô gặp lại tôi hay không thì có quan hệ gì?"
"Jake, đêm ấy anh đã khiến tôi xúc động. Tôi nhận biết tình yêu." Nàng mỉm cười, lắc đầu. "Anh đừng sợ chữ đó. Lòng anh chan chứa tình yêu, chỉ đợi được buông thả. Anh đừng nhìn tôi như thế. Tôi không nói sai đâu."
Gulliver nín lặng, và nàng tiếp: "Tôi tìm ra một cách giải thích trường hợp anh, đại úy Gulliver ạ. Tôi nghĩ anh tin tình yêu không thể có được ở một nơi như thế này, một nơi đầy rẫy tàn bạo và đau khổ."
Gulliver vẫn không nói gì, và nàng hỏi: "Cách giải thích của tôi có hai phần. Anh muốn nghe phần thứ hai không?"
Anh nhún vai. "Ra cô là nhà phân tâm học đấy!"
"Vậy tôi xin tiếp. Tôi nghĩ vì anh hận chính anh, vì anh cho rằng Anh Hàng Cát quá xấu xa, anh tin không ai khác yêu thương anh được. Cho nên anh đè nén tình thương của anh, tự bao lâu rồi khiến anh không còn nhận biết tình thương đó nữa."
Gulliver không nói gì, nhưng gương mặt không giấu được vẻ não nề.
"Tôi không chối tôi đã muốn lánh mặt anh là vì chuyện Anh Hàng Cát," Sally lại nói. "Tôi nghĩ nếu chỉ phân nửa những gì tôi được nghe kể là đúng đi nữa...thì, thì tôi cũng không thể yêu thương một người như thế được."
 Đúng hết cả đấy, Sally à," Gulliver trầm giọng nói. "Tôi đúng là tên ác quỷ ấy."
Sally đứng dậy tới trước mặt anh. Nàng lắc đầu: "Trước kia thì có thế, nhưng bây giờ thì không. Tôi đã thấy thương yêu nơi anh. Với đứa bé anh đã cứu sống, với những người anh đã tìm cách giúp. Và với tôi. Tôi vẫn còn cảm thấy được thương yêu chan chứa nơi anh như thế nào, Jake ạ. Một điều như thế anh đâu có thể giả bộ được."
"Tôi là Anh Hàng Cát, cô nhớ chứ?" anh gay gắt. "Kẻ muôn mặt. Tên sát nhân thay hình đổi lốt ngoại Hạng."
Sally vẫn lắc đầu. "Trái lại, tôi chưa từng gặp ai dễ hiểu như anh. Ngay cả việc anh tự hại anh khi tha thiết muốn tìm sự thực về cái chết của Trung cũng là một biểu lộ thương yêu."
Gulliver thở dài. "Thôi, Sally à, cô đừng làm nhà phân tâm nữa; cô hãy cho tôi hay cô muốn gì nơi tôi."
"Tôi muốn ân ái một lần nữa với anh, y hệt đêm trước," nàng đáp, đưa tay cởi nút áo. "Tôi muốn anh chứng minh tôi nói đúng."
Sally kéo áo khỏi đầu. Nàng quài tay ra sau lưng gỡ áo lót, đoạn cúi xuống trút bỏ quần lót. Nàng không rời mắt nhìn anh, chậm chạp từng động tác, y hệt một vũ nữ thoát y thành thạo.
Nhưng, khoả thân rồi, lòng tự tín gần như nhạo báng của nàng phút giây tan biến, và nàng thình lình e ấp không khác nào một cô dâu còn trinh nguyên. Môi nàng run lên và đôi mắt xanh biếc mờ ướt. Nàng lắc đầu, lảo đảo bước lại bên anh. Nàng choàng tay lên cổ anh, hôn phớt lên môi anh, ép mình vào anh, tựa má lên ngực anh.
"Chứng minh cho em đi, Jake," nàng thì thào.
Gulliver đứng trơ trơ, hai tay buông thõng bên mình, mắt ngó trân trân bức tường đối diện. Nhưng rồi từng giác quan anh đáp ứng lại nàng. Vẳng bên tai anh giọng nói xúc động của nàng. Ướt trên miệng anh vị ngọt thơm đôi môi nàng. Anh cảm thấy tấm thân dài của nàng áp chặt vào anh, và mũi anh nhận biết mùi nước hoa hồng ngát hương. Chậm chạp, như ngoài ý anh, hai tay anh nhấc lên và ôm lấy nàng, lúc đầu dịu nhẹ, nhưng rồi chặt đến nỗi nàng muốn nghẹn thở.