Phần 2: Dao cạo
Phần 2 - 8

 "Việt Nam, xin chào các bạn! Bây giờ là 6 giờ sáng, thứ tư, ngày 11 tháng 3. Các bạn đang nghe đài AFVN, phục vụ quân lực Hoa Kỳ từ miền tây tới khu phi quân sự. Tôi là John Dotson, và tôi cam đoan nhạc các bạn sắp nghe đây sẽ khiến các bạn phải mở mắt và tim các bạn phải rộn ràng -- ban Doors, Joplin, Hendrix, ban Stones -- nhưng trước hết, mời các bạn nghe tin tức mới nhất của các hãng thông tấn Associated mress và United mress International...Thủ đô Phnom menh nước Cao Miên trải qua một đêm yên tĩnh sau cuộc đảo chánh hôm qua do các giới chức quân sự cao cấp..."
Gulliver, nằm dài trên chiếc giường tre rộng của Sally Teacher trong ngôi biệt thự của nàng trên đường Nguyễn Du, đốt điếu thuốc lá đầu tiên trong ngày và lắng nghe tin tức. Khi bản tin chấm dứt, anh nhỏm lên, với tay qua mình Sally còn say ngủ, tắt máy. Không thấy nói có rối loạn dưới miền tây. Lão Đạo Khùng giữ đúng lời hứa.
Hay là anh cho như thế; cũng khó mà biết được. Báo chí Sài Gòn, thường thì hễ đánh hơi thấy chuyện không hay là bu lại như đàn ruồi gặp đám phân, cho đến nay không đả động gì tới vụ Trung. Còn báo chí Mỹ, cứ như anh thấy, không hề hay biết có thể có chuyện như vụ Trung này. Dăm sáu cuộc biểu tình tại một thị xã xa xôi không đủ xáo động Sài Gòn để khiến họ ra khỏi hàng hiên khách sạn Continental hay quán rượu trên nóc khách sạn Caravelle.
Có lúc Gulliver đã tính đến chuyện tiết lộ cho báo chí chi tiết vụ Trung, nhưng lại gạt bỏ ngay ý nghĩ đó. Bọn ký giả tất sẽ phản ứng không ra ngoài thông lệ -- đi ngay gặp các "nguồn tin chính thức" -- và anh e những người như George Cameron và thiếu tá Đỗ sẽ phải lãnh đủ. Thôi thì kệ báo chí.
Hiện giờ họ bù đầu với vụ Cao Miên. Trước đó họ bù đầu với gì gì Gulliver chẳng rõ. Từ khi bị chuyển về chương trình Phụng Hoàng anh như đã ra khỏi cuộc chiến kia, ra khỏi Bộ Phim Vĩ Đại. Cuộc chiến của anh, thế giới của anh, đã thu rút vào một giải đất hẹp, giữa Sứ quán và toà tỉnh của Minh, giữa những con kênh và những thôn xã thù nghịch, chẳng có chiến binh nhưng chỉ có gián điệp với chính khách, lính đánh thuê với nạn nhân. Khi còn là chiến binh, ngay cả khi còn là Anh Hàng Cát nay ẩn mai hiện khắp nơi khắp chốn, anh đã cô đơn lắm rồi, nhưng nếu hồi đó anh như có nhãn quan người cai ngục, thì nay anh có nhãn quan kẻ trong tù.
Anh ngắm Sally thiêm thiếp ngủ. Nàng nằm ngửa, khăn trải giường cuộn lại bên hông, hai tay vòng trên đầu, ngực phập phồng theo hơi thở. Mồ hôi lấm tấm khiến thân mình nàng như sáng bóng lên, và nàng thở những hơi dồn dập, khó nhọc. Những ngày này là thời gian oi nồng nhất trong năm, giao thời giữa mùa nắng với mùa mưa, thời gian những trận giông tố ít khi nào đổ thành những cơn mưa mát mẻ.
Gulliver chẳng để tâm. Bữa nay nữa là ngày thứ bảy họ sống bên nhau, và họ đã sống như một cặp vợ chồng mới cưới. Làm tình, ngoạn cảnh, ăn hiệu, làm tình, ghé toà Đại sứ gọi điện thoại cho Cameron, rồi lại ngoạn cảnh, ăn hiệu, làm tình. Chẳng khác nào một cơn mơ. Có nóng bức đến đâu cũng vẫn là tuần lễ tươi đẹp nhất trong suốt bảy năm trời Gulliver sống tại đất Đông Dương này...tuần lễ tươi đẹp nhất đời anh.
Anh truồi xuống hôn lên ngực nàng. Nàng hé mắt, và anh nói: "Mình đi tắm biển nghe."
"Gì...gì cơ?" Sally ậm ừ.
"Mình đi tắm biển nghe," anh lập lại, không ngừng vuốt ve nàng.
"Mấy...mấy giờ rồi?"
"Sáu giờ, sáng bảnh mắt rồi đấy."
"Mới sáu giờ! Trời đất! Có để em yên không?" Nàng gạt tay anh ra, oằn oại, rồi lắc đầu bảo: "Em không đi tắm biển bữa nay được đâu. Em chỉ muốn nằm nhà nghỉ."
Gulliver cười: "Mai em nghỉ cũng vẫn được kia mà."
"Trời ơi, nóng thế này mà đi đâu! Với lại, Vũng Tàu cách Sài Gòn cả tiếng rưỡi đồng hồ. Lỡ ở toà Đại sứ họ kêu mình thì sao? Chính ra em đâu có nghỉ phép, em phải vào văn phòng mới đúng."
"Bậy. Chính thức, em trách nhiệm vụ Trung, và chính thức em tạm ngưng chức. Cãi anh vô ích; chính tai anh nghe lệnh đó nhé."
 Đi tắm biển kể cũng thú," nàng do dự. Nhưng rồi lại quả quyết: "Không được. Em linh cảm thế nào họ cũng kêu mình bữa nay."
 Đi nghe em, mình ở ngoài đó chỉ hai tiếng thôi," Gulliver vật nài. "Đằng nào thì cũng trưa là mình về. Đường Vũng Tàu buổi chiều đâu có an ninh."
"Em đã nói không mà," nàng cương quyết. Rồi hai mắt vụt sáng: "Nhưng mình vẫn đi bơi được chứ...mình sẽ ăn trưa ở Cercle Sportif."
"Chịu em, em quả thần tình."
Hai người đi rửa mặt, rồi ra ngoài hàng hiên ăn sáng.
Ngôi biệt thự thời thuộc địa Pháp của Sally trên đường Nguyễn Du, chỉ cách nhà thờ lớn hai quãng đường, lẽ ra dành cho những viên chức cao cấp hơn. Nhưng khi nàng tới xứ này, cơ quan không tìm ra nơi nào trống cho nàng, và vì lý do an ninh không thể để nàng ở chung với các nữ viên chức ngoại giao, họ đành tạm thời cấp cho nàng ngôi biệt thự này. Trên mặt chính thức, ngôi nhà là của người tiền nhiệm của Steelman, người này, cũng trên mặt chính thức, nghỉ phép về tashington chữa bệnh. Nhưng thực ra, như Sally cho anh hay, viên cựu giám đốc phân bộ công tác kia bị khủng hoảng thần kinh trầm trọng chắc chắn sẽ không trở lại. Hiện giờ thì nàng cứ việc sử dụng nhà của y, đồ đạc của y, tủ rượu của y, và hai người hầu của y. Kể ra thì trong một thế giới của đàn ông, là đàn bà cũng có đôi điều lợi.
Chị Ba, người đầu bếp, bưng ra cho họ hai tách cà phê Ban Mê Thuột đen đậm, đu đủ tươi, trứng với thịt mặn. Chị Ba của Sally giống chị Ba dưới Sứ quán như hai chị em sinh đôi. Cũng mập mạp và vui tính, chị lại rất tán thưởng cô chủ của mình cuối cùng đã tìm được một người đàn ông để sống chung.
Gulliver lại băn khoăn: "Cercle Sportif mười giờ mới mở cửa, từ đây đến lúc đó mình làm gì hả em?"
"Gì cũng được, miễn là không phải đi ngoài nắng," Sally đáp.
"Coi nào," Gulliver trầm ngâm. "Mình đi coi các chùa Ấn Quang, Xá Lợi rồi này; sở thú với vườn bách thảo cũng đi rồi; còn nơi nào chưa đi không nhỉ?"
"Thôi, ở nhà ngủ cho rồi."
"Anh tìm ra rồi," anh búng hai ngón tay. "Em tham công tiếc việc phải không? Mình tới mấy quán cà phê ngồi nhé, nghe thiên hạ xì xào, xem có ai đả động tới vụ Trung không. Em tha hồ trổ tài gián điệp."
Sally cười rạng rỡ. "Ngồi hả? Anh vừa nói ngồi phải không? Chịu anh đấy. Anh quả thần tình."
Ăn xong, hai người, tay cầm tay, thả bộ tới nhà hàng Givral ở góc đường đối diện với khách sạn Continental. Cùng với nhà hàng Brodard mấy ngã tư phía dưới, Givral tạo nên cái vẫn được gọi là Radio Catinat, hai cái lò truyền bá tin đồn đại núp bóng quán cà phê trên đường Catinat, tên thời Pháp của đường Tự Do. Sáng cũng như chiều, hai nhà hàng không lúc nào vắng bóng sinh viên, giáo sư, ký giả, công chức, giới truyền thông tin đồn chính trị của Sài Gòn. Họ trao đổi những lời bàn tán, phóng ra những tin đồn đại, âm mưu với nhau chuyện này chuyện kia. Đôi khi người ta cũng có thể nghe lóm được một hai điều hữu ích, một hai điều có thực.
Sally và Gulliver gọi cà phê với bánh croissant, và lóng tai nghe. Không có ai đả động gì tới vụ Trung cả, mọi người đều bàn tán về chuyện Cao Miên. Phần lớn cho rằng vụ này là do CIA dật dây. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Từ khi Diệm bị lật đổ năm 1963 -- vụ đảo chánh CIA quả có dính vào khá đậm -- hễ có chuyện gì ở bất cứ đâu đâu dân Sài Gòn cũng đều cho là do bàn tay CIA hết.
Hai người ngồi đó một tiếng đồng hồ rồi rời sang nhà hàng Brodard. Những lời bàn tán cũng y hệt. Họ uống thêm một bình cà phê nữa, lại ngồi đó một giờ, rồi trực chỉ Cercle Sportif.
Hội quán thể thao của người Pháp có từ thời thuộc địa, chiếm hàng mẫu đất trên đường Hồng Thập Tự, phía sau dinh tổng thống. Vào giờ này hội quán đã đông lắm rồi. Vẫn những khuôn mặt quen thuộc, thế nhưng hôm nay họ khác hẳn. Mấy ông già người Pháp mất hẳn cái vẻ trầm ngâm lặng lờ của kẻ say thuốc phiện chưa tỉnh; những tay phú thương người Hoa vẫn uống trà nhưng chẳng hề thương lượng áp-phe; đám công chức và sĩ quan người Việt thôi trao đổi với nhau những mánh khóe gửi lậu ngoại tệ ra ngoại quốc; và đám thanh niên nam nữ Việt Nam con nhà giàu, trong những bộ áo tắm hở hang, hết còn tranhluận phù phiếm về Sartre(Jean-Paul Sartre, triết gia, nhà tiểu thuyết và nhà soạn kịch người Pháp (1905-1980)), về creud(Sigmund creud, người Áo, đã lập ra thuyết phân tâm học (1856-1939).), về những bậc thày phương tây khác của họ... Cũng như ở Radio Catinat, ai ai cũng bàn tán về tình hình Cao Miên.
Gulliver và Sally thay đồ, xuống hồ bơi lội, rồi lên ngồi uống rượu. Họ đang tính gọi bữa ăn trưa thì một người hầu bàn lại bên họ. "Cô Ti-Che phải không ạ? Có điện thoại cho cô."
Sally đi vào, và khi trở ra, nàng đã ăn bận hẳn hoi. "Toà Đại sứ gọi," nàng bảo. "Steelman muốn gặp chúng mình. Em đã nói thế nào họ cũng gọi mình bữa nay mà."
Gulliver làu nhàu: "Thế là cuộc vui chắc mãn rồi." Anh thay đồ và họ trở lại biệt thự của Sally, lấy chiếc minto của nàng đi tới toà Đại sứ. Hai người lên thẳng văn phòng Steelman trên lầu năm.
Khác với lần họp trước, viên giám đốc Thomas Scott không có mặt. Cả tyatt Howe cũng như Hoàng Đức cũng không. Ngược lại, có mặt Tom Patton, trưởng nhiệm sở Cần Thơ, và George Cameron.
"Lâu rồi không gặp anh đấy, George," Gulliver vui cười. Cameron chỉ lặng lẽ gật đầu, vẻ dè dặt và bứt rứt.
Steelman, ngược lại, tỏ ra hoan hỷ khác thường. Một bức bản đồ Phnom-menh trải rộng trên bàn y, cùng một cuốn sổ úp sấp. Y cười rộng miệng với Sally: "Tin tức từ Nompers đều tốt đẹp hết đó, phải không cô?" Steelman bắt chước bọn Ăng-lê gọi bỉ thử thủ đô xứ Cao Miên là Nompers. Cũng như gọi Sài Gòn là Saggers, Hồng-Kông là Honkers, Bangkok là Bankers, Singapore là Sinkers. Thêm một lý do để hiểu vì sao đế quốc Anh tiêu tùng, Gulliver nghĩ.
"Ô, tôi, tôi không chắc thế," Sally đáp, tư lự. "Tôi vẫn chịu ông già Snooky hơn."
Steelman khịt mũi. "Ông hoàng Sihanouk khiến ta bực nhiều lắm rồi," Y nói, giọng dứt khoát. "Giờ thì ta rảnh nợ với ngài."
Gulliver liếc nhìn bức bản đồ đầy những dấu khoanh tròn bằng bút đỏ và những ghi chú. Anh tự hỏi hay là Radio Catinat có lý khi cho vụ này là do bàn tay CIA. Nếu đúng thì cũng chẳng phải lần đầu. Steelman nhìn ra tia mắt anh, và thong thả đưa tay cuốn bức bản đồ lại. Y lăn ghế tới bên tủ, nhét cả bản đồ với cuốn sổ vào, rồi bấm khóa.
Trở lại sau bàn giấy, y đằng hắng: "Ta bắt đầu nhé..." Y ngưng bặt, nhìn Sally, nghĩ ngợi một lúc rồi bảo: "Tôi nghĩ có lẽ cô nên rời phòng này thì hơn, cô Sally à."
Sally ngạc nhiên. "Tôi hả? Đi ra à? Tại sao chứ?"
"Tôi chỉ nghĩ là như thế tốt hơn."
Nàng giận dữ: "Tôi không đồng ý! Thế này là thế nào? Tôi có phụ trách vụ này hay không, có thế thôi."
 Đương nhiên là có rồi, nhưng mà..."
"Không nhưng gì hết, Bennett! Các người cứ việc giải nhiệm tôi, tôi sẽ nộp đơn từ chức tức khắc."
Steelman do dự, rồi nhún vai. "Thôi cũng được. Tùy cô." Y với tay bấm nút. "Cô Eva, cô gọi cho tôi trung sĩ merinowski nhé. Tôi cũng cần cả cô nữa."
Cô thư ký bước vào, cùng một viên hạ sĩ quan thủy quân lục chiến lực lưỡng. Steelman nói: "Xin quý vị vui lòng đứng dậy cả nhé. Tôi bắt buộc phải yêu cầu quý vị cho soát trong người. Trung sĩ bắt đầu đi. Cô Eva soát người cô Teacher dùm tôi."
Mọi người ngập ngừng đứng lên. Cameron ngẩn ngơ hỏi: "Ô, mà anh muốn tìm gì vậy, Bennett?"
"Máy thâu âm," Steelman trả lời.
Xong xuôi đâu đấy, Steelman bảo: "Cám ơn trung sĩ, cám ơn cô Eva." Y đợi cho hai người ra khỏi rồi mới nói: "Trước khi tiếp tục, tôi xin nhắc quý vị rằng hết những gì quý vị nghe được trong phòng này đều là bí mật cả. Nếu có khi nào quý vị lập lại, dù chỉ một điều nào đó, dù với bất cứ một ai, quý vị sẽ bị trừng phạt. Trừng phạt nặng nề."
Steelman để mọi người thấm lời mình, rồi đưa mắt nhìn Cameron, nhìn Gulliver, rồi trở lại nhìn Cameron. Sau một lúc trịnh trọng, y mới nói: "Làm đi!"
Cameron và Gulliver nhìn nhau thật nhanh. "Làm gì kia, Bennett?" Cameron hỏi.
"Yêu cầu của Hòa Hảo."
Ai nấy đều đờ người, ngoại trừ Patton đã được biết trước, vẻ mặt hổ thẹn.
"Anh muốn nói...giết họ?" Giọng Cameron khản đặc. "Bích với Đặng, với...S-Swain?"
Steelman ngả lưng ra sau, gác cả hai chân lên bàn. Y cong môi, chụm mười đầu ngón tay lại, ngửa mặt lên trần nhà, nói, giọng ân hận: "Đó sẽ là một tai nạn bi thảm. Đúng ra, hai tai nạn bi thảm. Người ta sẽ tìm ra đại úy Bích chết vì xyanuya trong văn phòng tại bộ chỉ huy Cảnh sát Đặc biệt. Chỉ có thể kết luận là một vụ tự tử. Không biết được nguyên nhân...ai biết được trong những trường hợp như thế, phải không? Nhưng còn cái chết thảm thương của đại úy Đặng và trung úy Swain thì sẽ không có gì là bí mật cả. Họ bị giết vì cộng quân phục kích trong một chuyến công tác với đội thám báo tỉnh. Những rủi ro như thế là chuyện thường."
Hai bàn tay Cameron run bần bật. "Bennett, ta không thể làm thế được," giọng anh khản đặc. "Như thế là không...không phải."
"Tôi biết như thế là không phải, George à," Steelman bình tĩnh đáp. "Nhưng cần thiết."
"Vì sao?...Vì sao lại cần thiết?" Cameron hỏi.
Steelman lắc đầu: "Thôi mà, George. Anh dư biết vì sao, như bất kỳ ai."
Y giải thích với Sally và Gulliver: "Minh và bộ hạ của ông ta đã tìm đủ cách thuyết phục Hòa Hảo từ bỏ yêu cầu của chúng...nhưng không ăn thua gì. Đã thế lão già Đình không thôi tăng áp lực. Cho đến nay chưa có thêm cuộc biểu tình nào, nhưng lão đã chuẩn bị đâu đấy cả rồi. Tin tức cho ta hay nội mấy ngày qua đã có thêm từ năm tới mười ngàn tín đồ Hòa Hảo xâm nhập thị xã."
Steelman quay lại với Cameron. "Nếu ta không đáp ứng yêu cầu của chúng, cả tỉnh này sẽ nổ tung, George à, và tổng thống Thiệu không thế nào để xảy ra một tình hình như vậy. Anh cứ tưởng tượng Cronkite(talter Cronkite, ký giả nổi tiếng cuả truyền hình Mỹ) quay phim lính của Thiệu đánh dẹp thường dân chiếu trên các đài truyền hình khắp nước Mỹ! Lại đúng vào thời gian khó khăn này nữa: chính phủ đang trình lên Quốc Hội mấy dự luật viện trợ quan trọng cho Việt Nam."
"Vậy thì đem ba người ấy ra toà, để mặc cho pháp luật quyết định số phận họ," Sally bấy giờ mới lên tiếng, nét mặt cực kỳ căng thẳng.
Steelman vẫn lắc đầu. "Cũng không được. Như thế lại còn tệ hơn nhiều. Này cô, Phụng Hoàng là một loài chim chỉ xuất hiện đêm khuya, phải không? Nào ai thấy nó bay lượn ban ngày?"
"Thế ra từ trước đến giờ Jake nói đúng cả," Sally nói. "Ba kẻ kia có tội. Còn Trung vô tội."
Steelman nhún vai. "Tôi không biết, thực thế đó, Sally. Mà nói thẳng ra, tới giờ phút này tôi chẳng cần biết nữa. Chuyện đó không còn quan trọng gì."
Nàng cay đắng: "Có lẽ chẳng có gì quan trọng với ông cả."
Steelman rút hai chân xuống và đập tay lên bàn một tiếng chát, khiến Sally giật bắn mình. "Chớ nói giọng đó với tôi!" y hét lên, cả khuôn mặt nhăn nhúm vì giận dữ. "Sao cô dám nói với tôi như thế? Bộ cô tưởng tôi thích như thế lắm hả? Mấy người đó là nhân viên của công ty, là nhân viên của tôi. Họ lâm vào cảnh này vì họ là nhân viên trung thành của công ty, thi hành nhiệm vụ cho công ty; và bây giờ tôi phải hy sinh họ vì tôi là nhân viên trung thành của công ty, thi hành nhiệm vụ cho công ty. Công ty hành động như thế cho chính phủ của ta đó, cô Teacher. Chúng ta là quản gia của chính phủ. Ta quét dọn rác rưởi. Ta sửa nhà cầu nghẹt. Ta làm những việc nhơ nhớp để cho toà Nhà Trắng lúc nào cũng trắng, để cho Quốc Hội ngủ ngon ban đêm. Cô có thấy trong phòng này một ai của bộ Ngoại giao không? Một ai của phủ Tổng thống không? Cô có thấy ngay cả ông giám đốc của ta không? Không! Vì bây giờ là thời điểm của những việc hạ tiện...thời điểm của Dao Cạo. Ô, tôi quên, cô đâu biết Dao Cạo là ai. Tôi đấy, khi tới thời điểm của những việc hạ tiện. Cô cứ hỏi Gulliver, hắn biết cả đấy. Phải, phải, Anh Hàng Cát biết mà. Và khi tới thời điểm của những việc Hạ tiện, thì bao giờ cũng thế: chúng tôi trông cậy nơi anh đó, Dao Cạo...chúng tôi biết anh sẽ làm những gì phải làm, Dao Cạo...anh lãnh vụ đó nghe, Dao Cạo. Dao Cạo lãnh vụ đó đây. Dao Cạo đang làm những gì phải làm đây."
Từ cửa miệng Steelman, quả là những lời lẽ khó ngờ. Y dường như không còn hơi sức nào nữa. Y chống cả hai khuỷu tay lên bàn, ôm mặt...hiện thân của khắc khoải.
Gulliver, tới giờ vẫn nín thinh, không mảy may xúc động. Anh liên tưởng đến một hình ảnh tương tự, hình ảnh tổng thống Johnson trong văn phòng tại toà Nhà Trắng, hai tay ôm đầu, tuyệt vọng vì Việt Nam. Nếu chính mắt Gulliver nhìn trộm được cảnh ấy qua cửa sổ thì có lẽ anh đã tin. Nhưng LBJ(Lyndon Baines Johnson) không phải là người quên mất rằng trong phòng có mặt một nhà nhiếp ảnh. Bennett Sreelman cũng vậy. Anh không đoán chắc được y đóng kịch như thế nhắm vào ai. Có lẽ là Sally. Cũng có thể y mong tự thuyết phục được chính mình. "Ông tính mọi việc thế nào?" anh hỏi.
Steelman chậm chạp ngẩng đầu lên, mỉm cười hàm ân Gulliver trở lại với công việc. "Với ba người, ta sẽ không nói hết, và dĩ nhiên với mỗi người ta sẽ nói một khác, về tối hậu thư của Hòa Hảo. Bích thì không cần cho biết gì cả. Y sẽ bị thanh toán đầu tiên, do tay Đặng. Ta sẽ bảo Đặng là phải hy sinh Bích để trấn an Hòa Hảo. Đặng phải dàn cảnh sao cho thành một vụ tự tử. Cũng như thế, ta sẽ bảo Swain là phải hy sinh Đặng vì Hòa Hảo, và có cả anh tham dự vào kế hoạch này. Cameron sẽ ra lệnh cho ba người các anh vào rừng đón một cán bộ cộng sản cao cấp về hồi chánh. Khi tới địa điểm thuận lợi, Swain sẽ thanh toán Đặng. Rồi anh, đại úy Gulliver, anh sẽ thanh toán Swain."
lặng thinh một lúc lâu Gulliver mới nói: "Thế ra là một vụ Nguyễn Tú Vương thứ hai."
Nghe cái tên, Steelman chớp mắt rồi thận trọng nói: "Phần nào giống phương pháp của thuộc viên đại tá Sculler, đúng đấy."
"Thế thì lần này lính Mũ Xanh sẽ không giết người dùm ông đâu, Dao Cạo," Gulliver bình thản đáp. "Nhất là lính Mũ Xanh này. Ông lo mà kiếm người khác."
Steelman chắc lưỡi. "Coi! Hay là anh không thích tôi phân phối như vậy? Chẳng sao. Ta đổi thứ tự nhé. Đặng sẽ thủ tiêu Swain và anh sẽ thủ tiêu Đặng. Như thế anh vừa lòng chứ?"
Gulliver không trả lời, y lại nói: "Đúng thế chứ gì? Quả tôi sơ suất không nghĩ kỹ. Chắc là anh muốn tự tay xử lý Đặng."
"Vì sao ông nói vậy?"
"Vì hắn ngủ với cô Như, cô bồ Việt cộng của anh, chứ còn sao nữa. Anh muốn rửa nhục chứ gì. Mấy anh mọc sừng nào không thế."
Không một ai lên tiếng. Ai nấy đều dán mắt nhìn Gulliver. Gulliver nhìn Steelman, nhưng gương mặt anh hoàn toàn xa vắng.
"Kìa, sao bồ không nói gì hết vậy?" Steelman hỏi. "Hay là bồ không ngờ chiến hữu của bồ lại lăng nhăng với nàng Như? Hay là bồ không ngờ cô ả lại là Việt cộng?"
Gulliver vẫn không lộ một phản ứng nào. Steelman cau mày, vẻ thất vọng. "Sự thực cả đấy," y nói. "Chúng tôi thâu băng được hai người, hết sức mùi mẫn."
Vẫn không có đáp ứng. Steelman, nhất định khiêu khích anh, lại tiếp: "Cô ả là Việt cộng cũng không có gì là nghi vấn nữa. Người láng giềng -- bồ nhớ xừ Thọ thợ may chứ? -- là tổ trưởng tổ đấu tranh địa phương đấy. Y báo cáo với cô Như. Nhưng y cũng báo cáo cả với tôi nữa. Về đại úy Đặng, chúng tôi chưa có bằng chứng hoàn toàn chắc chắn, nhưng chúng tôi rất nghi ngờ y cũng là Việt cộng. Bây giờ, hay ít ra hai ngày nữa, thì chuyện này cũng chẳng còn đáng kể, phải thế không? Nếu quả y là Việt cộng, thì ta thí một mà được hai rồi."
Gulliver không lớn tiếng phản đối hay chối cãi gì hết. Không phải vì anh kinh động đến nỗi không nói nên lời, nhưng chính vì anh không kinh động chút nào. Nghe Steelman nói về Như và Đặng, anh hiểu ngay những lời buộc tội đó đúng cả. Nếu có điều khiến anh ngạc nhiên, đó là anh chẳng một chút ngạc nhiên. Cũng chẳng một chút tủi nhục. Anh chỉ cảm thấy mình như trống rỗng, như là không còn thiết đến gì nữa.
"Tôi cóc cần," anh nói. "Tôi sẽ không giết người cho ông, có thế thôi."
Steelman cười nụ. "Điều này tôi cũng đã tiên liệu rồi." Y thò tay vào ngăn kéo, lấy ra hai xấp giấy thảy lên bàn. Xấp thứ nhất là đơn xin từ nhiệm chưa đề ngày tháng, với đầy đủ tên tuổi, số quân, đơn vị của đại úy Gulliver đã đánh máy sẳn, xấp kia là cáo trạng của tòa án quân sự khép đại úy Gulliver vào tội bất phục tùng một mệnh lệnh trực tiếp trong thời chiến và ghi nhận bị cáo đã đọc và hiểu rõ cáo trạng. "Anh làm ơn ký dùm tôi một trong hai giấy này," Bennett Steelman vui vẻ nói.
Gulliver thiếu chút nữa cười vang. Lại vẫn trò ngày trước ở Nha Trang. Anh đã hiểu chỉ là chuyện bịp. Có lẽ anh đã hiểu ngay từ dạo đó. Đưa anh ra toà họ làm sao tránh phơi bày những bí mật nhơ nhớp của họ. Không, họ sẽ dùng những cách khác, sẽ khiến anh không thế nào tiếp tục binh nghiệp của anh. Họ sẽ liên tục giao phó cho anh những nhiệm vụ không thể chu toàn để anh lãnh đủ những báo cáo bất lực, để tên anh lọt khỏi các danh sách thăng cấp; hoặc có khi họ thanh toán cho nhanh, dựng lên một chuyện xấu xa với đủ bằng chứng CIA ngụy tạo để hô hoán buộc anh có "hạnh kiểm không xứng đáng".
Gulliver nhìn đăm đăm khuôn mặt tươi tỉnh tự mãn của Steelman, rồi móc túi áo lấy bút và lật trang cuối tờ đơn từ nhiệm. Anh điền ngày tháng, ký tên. "Rồi đó," anh nói, thảy trả lại xấp giấy.
Steelman biến sắc, hết còn vẻ tự mãn mà gần như hốt hoảng. "Bộ điên hả?" y la lên, giọng nhuốm tuyệt vọng. "Làm anh hùng rơm như thế tiêu tùng cả binh nghiệp mà có thay đổi được gì đâu. Thế nào cũng phải đáp ứng bọn Hòa Hảo."
 Đừng trông ở tôi," Gulliver đáp. Anh quay sang Cameron: "Chắc tôi sẽ cùng về với ông để thu dọn hành lý."
"Không đời nào," Steelman nói ngay. "Anh không được phép tiếp xúc với các nhân viên Sứ quán trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi sẽ thu xếp để chuyến máy bay thư tín sáng mai đem hành lý của anh về khách sạn Duc cho anh."
"Không," Sally lên tiếng. "Ông cho gửi hành lý của đại úy Gulliver về số 84 đường Nguyễn Du. Đại úy hiện ở đằng tôi."
Steelman mím môi, nhìn nàng một cách miệt thị. "Đáng buồn cho cô đó," y buông thõng, lạnh lùng. "Chừng nào về, cô nói cho thư ký của tôi hay cái địa chỉ ấy."
Gulliver đứng dậy. "Tôi sẽ nói. Tôi về ngay bây giờ." Anh bước lại bắt tay Patton và Cameron. Anh đặt tay lên vai Cameron, bảo: "Tạm biệt ông nhé, George. Chớ để lũ khốn hại ông." Liếc nhìn Sally một cách bí ẩn, anh đẩy cửa đi ra, bất chấp mọi quy lệ.
Khi thấy ngôi biệt thự tối đen, Sally nghĩ anh không có nhà. Dầu vậy nàng vẫn gọi tên anh lúc lên mấy bậc hàng hiên. Không có tiếng đáp lại. Nàng toan bật đèn thì từ trong bóng tối một giọng nói vọng ra: "Đừng!" Nàng giật mình quay lại, thở ra một hơi dài rồi hỏi: "Anh làm gì mà ngồi trong tối thế?"
"Cố tưởng tượng mình trở lại là thường dân thì như thế nào."
Sally nhìn ra anh nhờ chút ánh sáng từ ngoài đường lọt vào. Trông anh thật vô cùng xa lạ trong bộ binh phục tác chiến, giày ống lính nhảy dù, mũ nồi. Nàng chưa từng thấy anh mặc binh phục, gần như đã quên mất anh là một quân nhân. Ánh một chai bia lóe sáng khi anh đưa lên miệng.
"Anh say rồi hả?" nàng hỏi.
"Chưa."
Sally ngồi xuống chiếc ghế mây đối diện anh. "Anh à, chắc họ vẫn giữ quyết định," nàng nói, nghĩ anh hẳn muốn biết. "Steelman ra lệnh cho Cameron thay thế anh."
"Thế thì Steelman sẽ gặp bất ngờ nữa," Gulliver bình thản nói. "Cameron sẽ không nhận đâu."
"Ông George trông thật tội nghiệp, nhưng ông ta không nói là sẽ không nhận."
"Ông ta sẽ không nhận."
Nàng đổi chuyện khác. "Bao lâu nữa anh mới...em muốn nói, chừng nào anh sẽ hồi hương?"
Anh bật cười, hơi nghẹn. "Hồi hương," anh nhái lại, cứ như một đứa trẻ phải nếm một món rau mới.
"Mà em cũng chưa biết quê anh ở đâu," Sally cố làm cho bầu không khí nhẹ nhàng hơn. "Quê anh ở đâu, anh?"
"Chắc bất cứ nơi nào không ai nhìn ra anh trong đám đông," anh đáp.
Một lúc yên lặng thật lâu. Đoạn Sally nhỏ nhẹ nói: "Thôi được, Jake. Anh tức tối chuyện gì thì cứ nói đi. Có phải anh đã trông đợi em cũng xin từ nhiệm không?"
Một lúc sau anh mới trả lời: "Bây giờ anh chẳng còn trông đợi một điều gì ở bất cứ một ai nữa."
"Em nói đúng phải không? Anh đã trông đợi em cũng xin từ nhiệm."
"Anh chỉ ngạc nhiên vì những chọn lựa của em, thế thôi. Em đã sẵn sàng từ nhiệm lúc em tưởng chúng không để em phụ trách vụ ấy nữa."
"Vậy là em khiến anh thất vọng chứ gì."
Nàng tưởng như thấy anh nhún vai trong bóng tối.
"Jake, em kinh tởm chuyện ấy, thực thế đó," nàng nói, giọng đối kháng. "Nó tàn nhẫn, nó khiến phát mửa, và em cũng gớm khiếp nó như anh vậy. Em về trễ là vì em đã ở lại cố thuyết phục họ chớ làm như thế. Em đã cố hết sức em."
"Khá khen cho em!"
"Trời đầy anh!"  nàng thốt.
"Phải. Trời...đầy...anh," anh lập lại, từng chữ một, mỏi mệt. "Và trời đầy chúng nó."
 Đúng thì anh muốn nói trời đầy em, phải không nào? “Chúng nó” là em chứ gì."
"Cả anh nữa. Anh cứ tự nhủ mình không phải bọn chúng nó; anh cứ nghĩ mình khinh chúng nó là đủ, cứ nghĩ mình khinh chúng tức là mình không phải bọn chúng. Anh lầm. Lẽ ra mình phải...bảo chúng đi chỗ khác chơi."
"Em biết công ty làm bậy, nhưng trong hoàn cảnh như thế này..." Sally lắc đầu. "Em ở xứ này chưa lâu bằng anh, nhưng cũng đủ để hiểu chiến tranh khiến người ta dễ làm bậy. Chiến tranh có thể phá đổ một định chế cũng dễ dàng như hủy hoại một cá nhân. Ôi, cứ xem quân đội đấy. Nhưng em từ nhiệm có ích gì? Pháp luật không cho phép những người như chúng ta ra công khai. Ở lại và tìm cách thay đổi tự bên trong có phải hơn không? "
"Xin cám ơn quý vị, Robert McNamara, Clark Clifford, với McGeorge Bundy(Robert McNamara và Clark Clifford, hai bộ trưởng Quốc phòng, McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia cuả tổng thống Johnson)."
"Anh ác lắm. Em đã làm việc cật lực mới tới được vị thế này. Sao em lại phải bỏ cả sự nghiệp chỉ vì một con thú như Steelman? Chính anh là người đầu tiên đã gọi mấy người kia là sát nhân. Có lẽ họ đáng phải chịu số phận như thế."
"Có lẽ," Gulliver bình thản đáp, "nhưng họ phải được ra toà trước đã."
"Bộ em không biết thế sao, Jake? Sao anh lại chê trách em?"
"Anh không chê trách em."
"Có chứ. Và em không hiểu nổi. Anh cao ngạo chê trách người thì phải chê trách Steelman với lão Đạo Khùng, sao lại chê trách em!"
"Anh đâu có sáng thức dậy nằm bên Steelman hay lão Đạo Khùng. Anh đâu có si tình Steelman hay lão Đạo Khùng."
Sally co người lại như bị cái tát. "Ô..." nàng thốt lên, giọng ngạc nhiên và đau thương. "Anh...anh không công bằng chút nào!"
Anh không nói gì, và nàng hỏi: "Anh đã thực yêu em không?"
"Thực."
"Thế bây giờ?"
"Anh vẫn yêu em."
Nàng nhẹ thở ra, lại hỏi: "Nhưng anh không ưa em nữa, phải không?"
"Anh ưa em cũng như anh ưa chính anh vậy."
"Tức là chẳng bao nhiêu."
"Quả thế."
Sally đứng dậy, lại bên cửa sổ. Các cửa sổ của ngôi biệt thự đều không có cửa kính, và chị Ba luôn luôn để mở cho đến khi Sally đi ngủ. Nàng ngửi thấy mùi thơm ngát từ mấy luống hoa dưới vườn, và từ một gốc cây nào đó một con thạch sùng tắc lưỡi gọi nàng.
"Vậy bây giờ anh tính sao?" nàng hỏi, không quay lại.
"Kiếm vé máy bay đi thật xa khỏi nơi này," anh đáp.
"Em hỏi sau đó kia. Anh tính làm gì?"
Nàng không nhìn thấy anh nhún vai. "Anh chưa biết," anh nói. "Chắc người ta sao thì mình vậy."
"Anh có thích một việc gì không?"
"Anh chưa biết. Xưa nay quân đội bảo sao thì anh làm vậy."
"Mà anh tính về đâu?"
"Anh chưa biết. Xưa nay quân đội bảo đi đâu thì anh đi đó."
Giọng anh thật thê lương, và nàng phải cố kềm hai chân không chạy tới ôm lấy anh. "Em ở đây cũng chỉ chừng một năm nữa thôi," nàng nói, vẫn không quay lại. "Chắc em sẽ trở lại oashington. Hay là anh tìm việc làm ở oashington?"
Anh không trả lời. Tiếng con thạch sùng lại vọng đến, như cắt họng, khiến Sally nổi da gà. Nàng quay lại, hai mắt ướt lệ. "Em mệt quá rồi. Em đi ngủ đây. Anh vào với em không?"
"Chút nữa anh vào," anh đáp.
Từ cửa sổ, đứng che ánh sáng, Sally chỉ nhìn thấy huy hiệu Lực lượng Đặc biệt trên mũ anh và cổ áo lót trắng của anh, hoàn toàn không nhìn thấy mặt anh. Khi bước qua đi vào phòng ngủ, nàng lấy ngón tay kéo dọc theo vai anh. Nàng để cửa mở hé, thay quần áo lên giường. Nàng thức rất lâu, lóng tai, nhưng chỉ thỉnh thoảng nghe được tiếng mấy chai bia lách cách trên sàn. Chừng hai giờ sau, khi nàng thiếp đi, anh vẫn còn ngồi đó, bất động.