Chương sáu

     ơn mưa giữa đêm kéo dài cho tới năm giờ sáng vẫn còn ném những giọt lạnh buốt. Thức cố giữ Khuyên ở nhà nhưng không làm sao giữ nổi. Khuyên cương quyết đưa Thức ra bến xe.
- Em sẽ chờ anh lên xe rồi mới yên tâm vào trường.
- Em thật cứng đầu.
- Em như thế đấy. Không phải anh nói, mà chính mẹ đã từng nói như vậy.
- Thôi, lên đường đi cô bé.
Khuyên mặc áo mưa, Thức cũng trùm một cái áo mưa to, hai người cố ý không từ giã anh chị Nhàn nên đi rón rén xuống cầu thang. Khuyên dẫn xe ra tới đường mới đạp máy. Thức ngồi phía sau, vai đeo chiếc ba lô căng phồng mà Khuyên đã vội vàng nhét vào đấy lỉnh kỉnh đủ thứ sách vở.
- Ra bến xe đi miền Trung, Khuyên nhé.
- Dạ.
Chiếc xe Honda lao đi giữa màn mưa. Con đường vắng vẻ hình như người ta ngại ra đường sớm trong mưa lạnh biốt như thế này.
Thức nói lớn:
- Em lạnh không?
- Không.
- Chạy chậm thôi.
- Em chạy nhanh quen rồi, không chạy chậm được đâu. - Khuyên cười lớn.
- Thôi cô bé ơi đừng có khùng. Thà chết chứ không muốn bị thương lần thứ hai nữa đâu.
- Em giống như con nhỏ mát dây phải không Thức?
- Ừa, mát dây thật.
- Anh sợ... em không?
- Mắc gì phải sợ cô bé. - Thức cười.
- Không sợ thì thôi.
Khuyên cười dòn, tiêp tục lao xe về hướng xa lộ. Tới bến xe Thức chen vào mua vé trong lúc Khuyên ngồi đợi ở quán cà phê gần đấy. Cô nhất quyết không chịu về. Khoảng nửa giờ sau Thức mới cầm được chiếc vé trong tay và trở lại quán cà phê tìm Khuyên.
- Gớm, chen bở hơi tai mới mua được chiếc vé.
Thức vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh Khuvên. Cơn mưa vẫn còn rả rích và không biết bao giờ mới tạnh. Trời hửng sáng, nhưng mưa làm bầu trời mờ đục, không khí giá lạnh tràn đầy trong ngôi quán không có vách. Thức gọi cho Khuyên ly cà phê sữa và cho mình ly cà phê đen. Anh rít thuốc nói:
- Mười lăm phút nữa xe khởi hành.
- Mười lăm phút nữa mình xa nhau một chặng đường dài thăm thẳm rồi.
- Em ráng học nghe.
- Em sẽ học thật giỏi cho anh coi. Mỗi tuần em biên cho anh một lá thư, không cần anh trả lời. Được không?
Thức cười:
- Như vậy thì được.
- Anh chỉ giỏi cái tài ăn gian. Ra trường em sẽ xin về quê anh làm cô giáo.
- Thời gian còn dài, em cứ suy nghĩ đi.
- Em suy nghĩ có một lần thôi.
- Lại bướng nữa rồi cô bé.
- Và chuyện này em không cần phải hỏi ý kiến của anh. Em quyết định một mình.
- Ngon quá ta. - Thức nhìn Khuyên chớp mắt cảm động.
- Còn anh?
- Mọi chuyện còn ở phía trước.
- Như vậy là anh đã thua em. Đúng không nào?
- Đúng vậy.
Một vài chiếc xe đi chuyến sớm đã rời bến. Tiếng còi rúc vang trong mưa mang một âm điệu buồn buồn.
Khuyên đan bàn tay vào nhau vì lạnh, cô ngó Thức hỏi:
- Anh không còn gì để nói với em nữa sao?
- Không.
- Anh sẽ biên thư cho em chứ?
- Dĩ nhiên - Thức cười - nhưng em không bắt buộc kia mà.
- Dĩ nhiên là em không bắt buộc đâu. Em ghét bắt buộc người khác lắm. Với anh cũng vậy.
- Cho anh gởi lời chào hai cô bạn của em nhé.
- Anh yên tâm, dù anh hông nói em cũng sẽ bịa ra mà nói như vậy, nếu không hai nhỏ ấy sẽ trách em suốt đời.
Một hồi còi rúc lên như giục giã hành khách quay trở về xe. Thức nhìn đồng hồ và hốt hoảng nói với Khuyên:
- Thôi, anh phải đi rồi, em về đi, cứ để anh ra xe một mình.
Thức đứng lên và đi vội về phía chiếc xe đang rúc còi gọi khách. Khuyên trả tiền cà phê cho bà chủ quán, nhưng cô ngồi thừ trong ghế chứ không tiễn Thức ở ngoài xe. Khuyên nhìn qua màn mưa mờ đục, thấy chiếc xe từ từ rời khỏi bến. Chiếc xe sơn hai màu xanh trắng, màu sơn đã cũ, nhòe nhạt trong màn mưa và lướt đi. Khuyên thoáng thấy gương mặt Thức lộ ra ở cửa xe. Gương mặt Thức cũng nhòa đi trong mưa.
Khi Khuyên rời quán cà phê trời đã sáng hẳn. Một mình dong xe trên con đường quay về. Khuyên cố không khóc, nhưng rồi nước mắt vẫn trào ra. Bây giờ Khuyên lại có một mình. Sáng hôm nay vào lớp em sẽ nhớ anh lắm đây. Thức ơi, dù ngăn sông cách biển, bao nhiéu rừng, bao nhiêu núi, em sẽ đợi anh về. Anh hãy tin điều dó đi, Thức ạ.

 

Khuyên vừa cho xe chạy vào sân, Nguyệt từ trong rhà chạy ra hét tướng lên:
- Trời ơi, tưởng đâu nhỏ mất tích rồi chứ. Nếu sáng nay nhỏ không tới, thế nào cùng có mục nhắn tin tìm trẻ lạc cho coi.
- Mình bận công việc, nhưng cũng chưa trễ giờ học mà. - Khuyên vừa thở vừa trả lời.
- Công việc gi ngay lúc sáng sớm vậy ta?
- Bí mật.
- Bật mí cho Nguyệt biết chút xíu được không?
- Không.
Nguyệt cười:
- Làm bộ thế thôi chứ Nguyệt cũng biết Khuyên bận việc gì rồi.
- Biết rồi còn hỏi làm gì?
- Hỏi coi Khuyên có thành thật với bạn bè không vậy mà. Hóa ra trên đời này cũng còn nhiều kẻ nói dối quá. Bạn bè thân thiết mà nỡ nói dối nhau chi nhỏ.
Khuyên nhìn Nguyệt cười trừ. Đúng là con nhỏ đoán mò để bắt nọn Khuyên, cho Khuyên vào bẫy và phải khai hết “bí mật” mà Khuyên cố giấu. Nhưng đời nào Khuyên mắc lừa được.
- Thôi, đi học Nguyệt ơi.
- Khuyên siêng học từ hồi nào vậy. - Nguyệt mát mẻ.
- Hồi sáng nay.
Khuyên đáp tỉnh bơ làm Nguyệt cụt hứng. Nguyệt chỉ còn biết ném cho Khuyên một cái nhìn sắc như dao. Con nhỏ là chúa hay giận bá láp, nhưng nghĩ cho cùng bọn con gái của Khuyên đều giống nhau cả thôi, chính Khuyên cũng có những cơn giận bất tử làm bạn bè ngạc nhiên, nhưng không hiểu chuyên gì. Cho nên, mãi khi Nguyệt ôm chiếc cặp từ trong nhà đi ra, leo lên yên xe ngồi, Khuyên cũng giữ một vẻ im lặng.
- Mình chở Nguyệt nhé.
- Xì.
- Sao lại xì. - Khuyên cười.
- Dễ ghét.
Cùng với câu nói, Nguyệt nhéo vào hông Khuyên một cái đau điếng làm Khuyên phải ưỡn người chịu trận.
- Chạy đi, bộ muốn làm con cuốn chiếu sao cong người lên như vậy nhỏ.
- Bộ Nguyệt thích hành hạ người khác lắm hả?
- Ừa.
- Xì.
Khuyên rú ga, vô số thật mạnh, chiếc xe chồm lên lao ra cổng, giữa lúc “Lão” Kính đang xớn xác ôm mấy ổ bánh mì từ ngoài đi vô, suýt chút nữa Khuyên đụng vào chú té nhào. “Lão” Kính tức quá la lên:
- Con gái mà chạy xe ẩu tả quá trời.
Mặc tình cho “Lão” Kính cự nự, Khuyên cho xe chạy thẳng ra đường kèm theo giọng cười dòn tan, khoái trá.
- Buổi sáng thành phố đẹp quá.
- Đẹp nỗi gì, đường đông nghẹt xe cộ, chay xe phải lạng lách tùm lum mới tới trường kịp giờ học.
- Ai nói chuyện xe cộ. - Nguyệt nhăn mặt.
- Chứ nói chuyện gì?
- Chuyện thời tiết.
Ừ nhỉ, đúng là thời tiết buổi sáng hôm nay đã thay đổi mà Khuyên nào có hay. Bây giờ Khuyên mới nhìn thấy một khoảng không lãng đãng như có môt lớp sương mù mỏng. Cây lá ướt đẫm nước sau cơn mưa. Gió lạnh se se da thịt và làm cho những chú chim én ngại ngùng cứ đứng trên các ô cửa cao nhìn ra trời rét chứ không dám bay lượn, gọi nhau líu ríu như những buổi sáng thường ngày.
- Có bao giờ Khuyên nghĩ tới thời gian không? - Nguyệt bỗng hỏi bất ngờ.
- Nghĩ tới thời gian làm gì?
- Để biết mình tới tuổi nào.
- Lẩn thẩn rồi nhỏ ơi.
- Ừa, đôi khi Nguyệt lại có những giây phút lẩn thẩn như vậy đấy Khuyên ạ.
Tuy trách Nguyệt, nhưng hơn ai hết Khuyên hiểu tâm trạng của bạn mình. Những cô gái ở tuổi Khuyên cái tuổi mới lớn với nhiều tâm trạng phức tạp, tình cảm diễn biến như mùa màng, thời tiết, đôi khi có những khoảnh khắc rối rắm, suy nghĩ lẩn thẩn chợt buồn, chợt vui, buồn cười lắm. Nhưng nếu bắt buộc phải giải thích rõ ràng về những phút giây cháy bỏng ấy thì thật khó mà trả lời. Và như vậy mới đúng là... con gái chứ.
Khuyên cười khanh khách hỏi Nguyệt:
- Bộ Nguyệt sợ... già hả?
- Xì, còn sống cả trăm năm nữa ai lo chi chuyện đó.
- Chứ sao than thở?
- Tại hôm nay thời tiết ảm đạm quá, làm mình buồn thế nào.
- Khuyên cũng buồn muốn chết đây, nhưng không thẫn thờ đâu. Chịu đựng rồi sẽ quen. Khuyên đang tập chịu đựng nhiều thứ. Bởi vì Khuyên chỉ có một mình.
- Lại nhớ mẹ rồi...
- Không, nhớ mẹ ít thôi, nhớ người khác nhiều hơn. Đặc biệt trong sáng hôm nay.
- Sao thế nhỏ?
- Thức đi rồi, anh ấy trở lại đơn vị rồi.
- Lúc nào?
- Trong cơn mưa sáng sớm. Khuyên đã đi ra bến xe đưa anh ấy nên làm Nguyệt sốt ruột, máng mỏ.
- Sao kỳ lạ vậy, tưởng Thức còn ở lại lâu lâu, không ngờ đi sớm quá vậy?
- Ông ấy kêu nhớ bạn bè, nhớ đồng đội ở đơn vị.
- Khuyên không cản ông ấy.
- Không thèm.
Nguyệt cười xòa:
- Thôi đi cô nương ơi, đừng có nói lẫy. Người đi một nửa hồn tôi chết, phải không?
- Còn lâu.
- Ít ra thì cũng thẫn thờ...
- Không đúng lắm. Chỉ hơi buồn một chút thôi.
- Thức đi có nhắn lại gì không?
- Chẳng có một lời.
- Dễ ghét.
Khuyên biết Nguyệt đang dài môi, chắc là định “xỉ vả” Thức một trận. Nhưng cổng trường đã hiện ra với bóng dáng quen thuộc của màu vôi tường cũ kỹ, chỉ có những cây điệp tây bỗng rực rỡ hơn thường ngày, với sắc hoa vàng quý phái, long lanh trong một khoảng không gian mờ đục.
- Trời ơi, hai nhỏ hôm nay đến muộn vậy? - Trầm thấy Khuyên và Nguyệt đi vào vội kêu lên.
- Bộ mắt nhỏ lé hay sao mà không nhìn rõ đồng hồ. Hãy còn sớm chán.
- Nhưng hai nhỏ bắt người ta đợi đã đời rồi mới chịu trình diện. Thôi, gởi xe đi rồi nói chuyện.
- Chuyện gì vậy nhỏ? - Khuyên hỏi.
- Nhiều chuyện lắm. Bí mật.
- Lại bí mật.
Khuyên đưa xe vào bãi gởi trong sân trường. Đúng là con gái - Khuyên nghĩ tới câu nói của Trầm mà buồn cười. Ai đời chơi với nhau mỗi ngày, gặp nhau mỗi ngày, vậy mà chuyện gì cũng làm ra vẻ bí mật.
Trở lại chỗ Trầm và Nguyệt, Khuyên được Trầm thông báo:
- Ở nhà Trầm vừa ủ được một bình rượu nho. Đó là tin sốt dẻo. Bảo đảm lần này ngon hơn lần trước. Nếu không tin bữa nào mời Khuyên và Nguyệt tới nếm thử.
- Ủ rượu nho để làm gì, ông Thức của nhỏ Khuyên vừa giã từ thành phố yêu dấu đi rồi.
Trầm ngạc nhiên, tròn mắt ngơ ngác:
- Đi bao giờ?
- Mới đi sáng nay. Trong cơn mưa lúc bình minh.
- Thôi đi, ta hỏi thật đừng có đùa.
Khuyên gật đầu đáp thay cho Nguyệt:
- Đúng vậy, Nguyệt nó không đùa đâu.
- Vả lại chuyện quan trọng ai mà đùa cho được. - Nguyệt cười giải thích.
- Ừa, Trầm ngạc nhiên lắm đấy. Ông Thức đi quá bất ngờ, âm thầm lặng lẽ không cho bạn bè hay. Bộ Khuyên và Thức... gây lộn hả?
- Không có đâu. - Khuyên cười.
- Vậy thì cớ làm sao ông Thức bỏ đi?
- Tại ông ấy... chập dây chứ sao - Nguyệt háy mắt - Vậy thì cái bình rượu nho chua loét của Trầm bị ế rồi.
- Vô duyên, ta làm rượu nho đâu phải để cho ông Thức uống.
- Chứ để ai uống?
- Mình uống.
- Trời? - Nguyệt kêu lên.
- Chớ còn gì nữa. Bạn bè chơi với nhau, hạt muối cắn đôi, cục đường nuốt hết mà hai nhỏ không nhớ cái gì hết.
Nghe giọng Trầm có vẻ trách móc, Nguyệt nhướng đôi mắt cố tìm hiểu nguyên do của lời trách móc ấy, nhưng quả thực Nguyệt vô tâm không hiểu nổi. Cuối cùng Nguyệt phải dè dặt hỏi.
- Nhớ gì?
- Khuyên có nhớ gì không? - Trầm quay sang hỏi Khuyên - Ta hy vọng nhỏ thông minh, nhớ dai hơn Nguyệt.
Khuyên cười:
- Đầu óc Khuyên lúc này - lãng đãng lắm rồi, không gom lại được đâu, cho nên không nhớ gì hết.
- Cho hay, cuối tuần này là sinh nhật Trầm rồi đó.
- Ủa sao mau vậy ta. - Nguyệt kêu.
- Hông lẽ ta phịa ra một ngày sinh nhật sao. - Trầm cự.
- Sao ta nhớ mới ăn sinh nhật Trầm đây mà bây giờ lại tới nữa rồi.
- Ngày tháng đi mau lắm nhỏ ơi.
Đúng là ngày tháng đi mau thật. Khuyên trả lời giùm cho Trầm mà dường như cũng để xác định lại với mình. Nhớ hôm nào Phái đến nhà báo tin Thức bị thương, Khuyên đã cuống cuồng ra sao. Rồi bữa tiệc vui đón Thức từ bệnh viện về, những cốc rượu nho của Trầm làm mỗi người đỏ mặt, nhìn nhau bằng những đôi mắt long lanh. Rồi hôm nào cùng Thức đi về quê, những ngày êm đềm tha thẩn trong khu vườn nhỏ của Thức với tiếng chim trao trảo ríu ran báo hiệu mùa mãng cầu chín tới. Những buổi trưa ngủ mơ màng trên chiếc võng mắc giữa hai cây dừa tỏa bóng mát, Khuyên đã nghe thấy tiếng sóng của con sông Bến Bạ hòa lẫn vào tiếng gió đồng nội tạo thành một âm thanh mơ hồ vỗ vào lòng Khuyên những cảm giác hạnh phúc, êm đềm... Thế mà bây giờ Thức đã ra đi. Giữa Khuyên và Thức lại có một khoảng cách khác, giữa thời gian và không gian nơi Thức, nơi Khuyên đã có một dặm trường nhớ mong. Ôi, Khuyên muốn kêu lên như con chim lẻ loi trong bụi cây đầy gai như hôm nào Khuyên đã nhìn thấy nó trong khu vườn nhỏ nhà Thức. Con chim lẻ loi mới tội nghiệp làm sao. Bây giờ Khuyên mới giống con chim ấy làm sao.
Ba người vô tình đứng dưới bóng cây điệp tây, Khuyên ngó lên bắt gặp một màu hoa vàng rực rỡ. Hình như Thức cũng rất thích màu hoa này. Và rồi Khuyên như nhói trong lòng khi nhớ lại những con đường đã cùng Thức đi qua trong bóng đêm thấp thoáng ánh đèn, hoa điệp tây đã rắc vàng như xối. Khuyên lặng lẽ thở dài.
- Sao ngày sinh nhật 19 tuổi của ta sắp tới mà nhỏ không chia vui, lại đi thở ngắn than dài não nuột thế hả? - Trầm trách móc.
- Biết làm sao được Trầm ơi, Khuyên đang buồn héo hắt đây.
- Buồn vì Thức không còn ở đây chứ gì? Thôi đi như vậy cho tình cảm thêm đẹp. Ở nhà gặp nhau nhìn nhau hoài cũng ngán.
- Nói như Trầm thì... hết chuyện.
- Xời, phải biết quên chớ. Không lẽ cứ nhớ hoài. Người ta phải biết lúc nào khóc, lúc nào cười mới sống được, chịu đựng được, nhỏ ơi.
- Thì hôm nay cho Khuyên buồn một chút xíu. Ngày mai sẽ vui trở lại. Buồn hoài học sao nổi, phải không Khuyên?
Khuyên gượng cười, đôi mắt long lanh nhìn lên những chùm hoa trên đầu mà không đáp lời Nguyệt.
- Hai nhỏ phải chuẩn bị quà mừng sinh nhật 19 tuổi của Trầm đi thì vừa.
- Biết tặng nhỏ cái gì bây giờ?
Nguyệt cười hỏi.
- Ôi chuyện đó làm sao Trầm nói được.
Cả ba đi vào khoảng hành lang quen thuộc để về lớp của mình. Bây giờ chắc Thức đang ngồi trên xe nhớ Khuyên như Khuyên đang nhớ Thức, phải không? Anh có nhìn qua cửa sổ xe để thấy bầu trời sáng nay như trĩu nước. Có biết rằng Khuyên đang vào lớp học với một nỗi buồn vì thương anh. Vài tiếng đồng nữa anh sẽ tới đơn vị, gặp lại đồng đội thân yêu của mình, sẽ sống những ngày gian khổ nhưng tràn đầy niềm vui. Còn em, vùi đầu vào sách vở, chịu đựng sự lẻ loi trong căn phòng còn vọng lại tiếng cười quen thuộc của anh.
Một hồi chuông dài, vang trên hành lang làm Khuyên giật mình. Chỉ là một hồi chuông báo giờ vào học như thường ngày, nhưng hôm nay làm Khuyên xao xuyến quá đỗi. Khuyên lại quay nhìn những chùm hoa vàng ngoài cây điệp tây. Ôi những chùm hoa như cũng long lanh thương nhớ. 
Từ Kế Tường
(1980 - 1986)

HẾT


Xem Tiếp: ----