Chương 1

Chủ nhật thông thường là một ngày đẹp nhất cho tất cả mọi người. Vì đó là một ngày cuối tuần lễ với đủ mọi sự dễ thương của nó. Ngày này mọi người đều nghỉ nơi, đi choi, đi dạo, đi ciné, bát phố, hẹn hò... Nhất là cái mục hẹn hò, chỉ hai tiếng ấy thôi cũng đủ gợi lên trong trí thôi nhiều hình ảnh rực rỡ, nhiều sự tưởng tượng xa vời. Ðã nhiều lần tôi được trông thấy một anh con trai hẹn hò với người yêu ngay trước của quán nước, dưới một gốc me to bự nhất trên con đường có rất nhiều lũ me già cổ thụ nối nhau chạy dài, đan ngọn, tạo nên những bóng mát tuyệt vời cho cong đường rộng lớn của thành phố, vốn đã càng ngày càng chật hẹp co ro, như một anh nhạc sĩ bất đắc dĩ kéo đàn hơi khi thời tiết thay đổi, ném một chút giá lạnh từ đâu vào cái nóng âm ỉ miên man bất cần thiên hạ này. Có thể được lắm chứ, khi thôi đã ví thành phố này như một anh bị bệnh suyễn khinh niên, co ro cúm rúm khi trời lạnh? Tại sao không? Khi người ta đã vung vít ví thành phố này với những cái tên kêu rổn rảng, và bằng những hình ảnh huy hoàng nhất như là... hòn ngọc viễn đông, thiên đàng hạnh phúc về đêm, tổ ấm của những đôi uyên ương... thì tôi cũng có thể ví von theo sự nhận xét của mình lắm chứ. Mỗi người có một cái nhìn riêng, một khối óc thẩm mỹ riêng, và tự do suy diễn ý nghi riêng tư thầm kín của mình, miễn những điều đó không làm mất an ninh trật tự công cộng, vi pham điều... mà thôi, hình như chính tôi đã suy diễn hơi nhiều về hai chữ hẹn hò rồi đó. Bây giờ trở lại với anh chàng hẹn hò với người yêu trước cửa quán nước có tôi và lũ bạn đang ngồi nhâm nhi cà phê buổi sáng của một ngày chủ nhật. Phải thú thật rằng, tôi đã theo dõi khá kỹ càng anh chàng hào hoa anh hùng này. Anh ta đã vô tình là một tài tử đóng trọn vẹn cuốn phim tình yêu trước óng kình của tôi. Chàng tài tủ này đóng thật xuất sắc, khiến tôi quên mất ly cà phê sữa đậm đà và lũ bạn đang ngồi đực mặt, chòng mắt hướng cả ra con đường phía trước nhìn ngắm một cách say sưa những màu áo thoáng hiện qua cửa kính của ngôi quán. Chàng tài tử của tôi đi đi lại lại quanh gốc me, tay thọc sâu vào túi quần, tay kia rỉ rả một điếu thuốc và, chắc chàng tài tử cũng đang đọc thơ lầm bầm, hoặc đang cầu hồn niệm chú gọi người yêu mau tới. Chàng tài tử càng sốt ruột bao nhiêu tôi lại càng sung sướng bấy nhiêu. Và khi người ta sốt ruột lên đến cực độ, người ta dễ dàng cáu giận vì một chuyện nhỏ nhoi. Người huỳnh hào hoa này cũng thế, chàng đã gây lộn kịch liệt với một bà già bán vé số, khi bà này chìa vào mũi cahng` một cọc giấy số và mời chàng mua. Bà già bán vé số cũng gân cổ gây lại, hai nguoi8` vừa phát biểu ý tưởng bằng lời nói, vừa phụ diễn bằng những cái múa tay, đúng là một cuốn phim đang đến hòi sôi động. Rất tiếc tôi không nghe được gì cả vì cửa kiếng cảu quán nước đóng kín mít, nhung tôi cũng tán thưởng bằng cái vỗ dét vào đùi và phát ra mấy tiếng cười khoái trá. Tên bạn bên cạnh tỏ ý hỏi, tôi bèn chỉ tay ra ngoài. Trận chiến bây giờ đã kết thúc với phần thắng lợi, dĩ nhiên nghiêng về bà già bán vé số. Chàng tài tử của tôi đỏ mặt tía tai và có lẽ bơ phờ mệt mỏi vì thua trận bất đắc dĩ nên đứng dựa lưng vào gốc me thở những hơi dài đầy khói thuốg uất hận.
Lẽ dĩ nhiên tôi cũng thắc mắc và sốt ruột như chàng. Và tôi cũng đang tưởng tượng ra người yêu bé nhỏ của chàng sắp tới, đó là một người con gái dễ thương, có răng khểnh, tóc dài đen óng ả như một dòng suối, đôi mắt nhung êm, dáng đi ngập ngừng trong màu áo tím, áo trắng, áo vàng hay áo xanh? Nhưng tại sao nàng lại bắt chàng đợi mãi thế? Hôm nay nàng bận đi chợ nấu cơm thế cho mẹ phải đi khui hụi. Hay nàng đau bụng nhức đầu bất tình lình nên không tới được? Tôi nhìn bóng nắng đã lên cao bên ngoài đâm ra ái ngại. Ðồng hồ của tên bạn cho tôi biết chàng đã đợi người yêu hơn một tiếng rưỡi rồi. Chúa ơi, một tiếng rưỡi đã trôi qua như một ngàn năm trăm thế kỷ đối với người đang mong đợi. Khi nào người tình đến? Chàng tài tử của tơi đi quanh gốc me, đi dài theo lề đường đếm lá rụng chưa có nhat chổi nào của người phu quét. Chàng trở alị, đứng nhìn xem những cuốn sách treo tòn ten của một bà già bán sách. Và roi6` chàng ghé lại hàng thuốc là trước cửa quán mua một bao thuốc là khác để... dự trữ lương khô cầm hơi trong khi chờ đợi. Nhừng rồi trời xanh cũng có mắt không nỡ đầy đoạ người kiên nhẫn thêm nữa. Người yêu của chàng đã đến. Nàng vừa bước xuống xe xích lô và mỉm cười với chàng từ lúc còn ở bên kia đường. Dĩ nhiên, cuốn phim tình yêu chấm dứt nơi đây khi chàng giả đò hờn giận chút chút, rồi cũng rui vẻ nắm tay ngàn dung dăng dung dẻ lượn qua trước cửa quán rồi mất hut bỏ lại cho tôi và đám bạn những cái chắc lưỡi, hít hà khen lấy khen để người yêu của chàng quả thật là dễ thương xinh đẹp và dĩ nhiên... cũng khá hấp dẫn, với chiếc áo dài màu vàng tương rói xẻ eo thật cao, ngắn ngủn phất phơ bay trên hai ống quần xì gà rộng ít nhất là năm mươi phân. Nhưng tôi vẫn không ngớt hình dung và không ngớt tưởng tượng tiếp cuốn phim khạc Bây giờ chàng và nàng đi đâu? Có cãi nhau dọc đường hay đã giảng hoà xí xoá xong rồi. Chàng dắt nàng đi ăn kem, bún ốc, bò bía, bánh cuốn, bò viên, uống nước mía hay đã vào trong một rạp chiếu bóng. Và đó là những hình ảnh tươi đẹp của một ngày chủ nhật. Ðó là hình ảnh của những cuộc hẹn hò làm tôi tha hồ thắc mắc, hồi hộp lao vun vút theo trí tưởng tượng phong phú của mình. Bởi một lý do rất giản dị là cho tới ngày này, tháng này, năm này từng tuổi này trên đầu, tôi vẫn chưa có một cuộc hẹn hò nào trong đời để mà giải toả hết những ước muốn, những thắc mắc tưởng tượng khiếp đảm kia.
0o0o0
- Anh Hưởng.
Nhỏ em gái chợt bán tới như một mũi tên. Nó vừa keu tên tôi ầm ĩ, vừa cười, vừa nhảy nhảy trước của sổ phòng, như một con choi choi.
tôi nổi cáu nạt cái rầm:
- Nhỏ trở thành con choi choi từ hồi nào vậy?
Nhỏ em nghiêng đầu, giả vờ ngây thơ:
- Hử? Anh vừa nói gì em nghe chưa kịp?
Tôi lừ mắt:
- Ta bảo mi thành con choi choi từ hồi nào vậy? Nói rõ thế mà không chịu nghe.
- Con choi choi là con gì anh? Nó có... dễ thương không?
- Dễ thương nhất con giao chỉ.
- Nó là con giáp thứ mấy trong mười hai con giáp hả anh?
Tôi đề cao cảnh giác ngay trước những câu hỏi giả vờ ngây thơ, nhưng lại là một cái bẫy khổng lồ giương ra cho tôi nhảy vào của con nhỏ em lẻo mép này. Tôi lảng chuyện:
- Mi kêu la ầm ĩ như vậy có chuyện gì?
- Tưởng đâu anh còn ngủ.
Chúa ơi, quả là một sự vu khống trắng trợn. Bởi vì trong gia đình tôi vốn được tiến glà thức khuya dậy sớm. Một cây gạo bài chứ bộ. Ðêm nào cũng thế, hai giờ khuya tôi mới rời mấy quyển sách dày cộm. Sáng năm giờ tôi đã thức, theo với tiếng mõ gõ đều và lời tụng kinh đậm đà dịu dàng của một bà già phía sau nha `.
- Ðừng đùa dai nhỏ.
- Thật đó. Em đâu có đùa. Biết tại sao không? Vì sáng nay là chủ nhật. Một ngày chủ nhật dễ thương để nghĩ ngơi vui đùa. Dù là con mọt sách như anh cũng phải có trường hợp ngoại lệ trong ngày hôm nay chứ.
- Bỏ. Nói chuyện khác đi.
- Chuyện gì nhỉ?
- Chuyện mi réo tên ta nãy giờ đó.
- À. Quên ta. Tại vì anh làm em cụt hứng nên quên luôn. Sáng nay anh có bận gì không?
- Ta có lúc nào rảnh đâu.
- Xời ơi.
Tôi cười, hất hàm ra lệnh:
- Cửa mở sẵn. Vào đi, nói chuyện sau.
- Em đứng ngoài này.
- Kệ mi. Nhưng tốp cái trò nhảy nhót loi choi ấy đi. Ðâu phải mới đi học mót được vài ba vũ điệu rồi bị ám. Nói chuyện với ta phải nghiêm trang đàng hoàng, không ta đánh à.
Nhỏ em lườm tôi một cái dài, cười nheo nheo mắt:
- Xời ơi, ngon lành chưa. Anh đùa hay... giỡn.
- Không đùa cũng không giỡn, ta nói thật.
- Bao nhiêu phần trăm?
Tôi nhoài người thò cánh tay khá dài của tôi ra cửa sổ định cốc lên đầu con nhỏ một cái thiệt đau, nhưng nó khôn quá, đã vội nhảy ra xa tránh né. Tôi lỡ trớn, trán chạm mạnh vào thành cửa sổ đánh cộp một tiếng đau điếng. Một tay xoa trán, tay kia tôi chuyển thành nắm đấm hà hơi rồi doạ:
- Khá lắm. Mi coi chừng ta. Có ngày...
- Còn khuya anh mới cốc được nhỏ này. Cha mẹ sinh em ra đâu phải để cái đầu cho anh muốn cốc lúc nào thì cốc.
- Mi vào đây.
- Không.
- Ta không đánh đâu. Ðừng sợ.
- Xí. Ai sợ anh đánh.
- Cớ sao không chịu vào nói chuyện. Ai đời một người đứng trong song cửa, một người đứng ngoài bao lơn.
- Thôi em không có báo đâu mà đăng truyện dài buổi sáng chủ nhật của anh.
A, vô ý nên bị con nhỏ em kê một cái tủ đứng vào họng, nghẹn cứng. Tôi đành cười.
Nhỏ em vừa đu đu người với thành lan can vừa phê bình:
- Phòng anh dơ dễ sợ. Bước vào đã phải quay lại trở ra vì mùi hôi. Nào là khói thuốc, nào là rác, nào là quần áo ủ cả tháng không chịu giặt, nào l à...
- Thôi nghe. Phòng của mi sạch dữ.
- Không sạch sao anh cứ lẻn vào nằm chình ình trên nệm phẳng phiu của người ta, còn vặn nhạc nghe lai rai, hút thuốc phì phà, cà phê nhâm nhi. Khói thuốc làm hôi cả gối em, tàn thuốc rơi vãi trên nệm, cà phê nhểu tùm lum.
Tôi thua nó một keo nữa. Sáng ra đường gặp gái quả là xui, nhưng ở trong nhà gặp gái còn xui hơn nữa. Tôi đành nhịn.
- Ờ, chuyện đó cũng có thật. Nhưng đôi khi thôi. Mai mốt ta cho tiền bỏ tiệm giặt.
- Thôi đi. Anh nói láo không sợ vẹo mũi, Trời hành Chúa phạt gì hết. Tháng trước anh mượn em năm trăm nữa là tổng cộng bao nhiêu rồi. Em đâu phải... Tín Nghĩa ngân hàng.
Ba ván không gỡ. Quả thật tôi đã chuyển bại... thành xụi rồi. Thật là một ngày chủ nhật xui xẻo. Chả phải là chủ nhật uyên ương hay chủ nhật tươi hồng gì hết. Tôi im.
Nhưng nhỏ em đâu tha. Nó hỏi:
- Bao giờ trả tiền nợ báo tin cho em mừng coi?
- Ờ, thủng thỉnh ta trả.
- Tết Ma Rốc chắc?
- Thành thật.
- Ðiệp khúc.
- Chúa ơi, không lẽ ta mất lòng tin tưởng nhở đến thế lận sao?
- Không biết. Tất cả là năm ngàn chẳn chòi. Tuần tới trả cho em, đặng em mua vải may áo dài.
Tôi thấy có bổn phận đả kích chiếc áo dài thuần túy Việt Nam để làm quảng cáo không công cho các kiểu áo Tây, Tàu, Mỹ, Anh loạn cào cào:
- Nhỏ chơi thể thao, người nẩy nở có da thịt mặc Tây đẹp hơn, áo dài là của mấy đứa con gái khô mắm.
Nhỏ em trợn mắt:
- Sao bữa anh khen nhỏ Phúc bạn em mặc áo dài đẹp "hết sẩy", nhỏ Phúc cũng gầy vậy?
Tôi choáng váng:
- Ờ... nhỏ Phúc không gầy lắm. Nhỏ ấy thuộc loại khô cá thiều chứ không phải khô mắm đâu.
- Nói đi nói lại gì cũng anh hết. Con trai sao nhiều tài quá. Anh cãi hay thế sao hồi đó không học Luật đi, theo Sư Phạm làm gì?
- Ê, đừng đụng chạm đến nghề nghiệp nhỏ. Ta kiện ra toà án Lao Ðộng à.
- Xời.
Nhỏ em hỉnh mũi thật dễ ghét. Nhưng tôi, tôi cũng không cần thưa kiện nó làm gì mất công. Tôi chỉ nên lo tìm cách khất nợ là thượng sách.
Tôi vê cằm, vẻ tư lự khi mấy ngón tay đụng phải vài sợi râu cứng vừa mọc:
- Tuần tới là bao nhiêu nhỉ?
- Ðầu tháng.
- A, đầu tháng. May thì ta còn tiền để trả nhỏ.
- Không còn chuyện may rủi nữa. Anh phải trả. Mấy nhỏ bạn em nó mua vải hết rồi. Chỉ có em là còn chờ anh trả tiền để mua mà thôi.
- Ta hứa mà. Nhỏ cự nự quá xá.
- Sở anh làm phát lương vào ngày mấy?
- Trời đất. Hỏi làm chi vậy?
- Ðể em tới cửa chờ anh ngày đó cho chắc ăn.
- Ta lãnh lương âm thầm lắm. Không ai biết được đâu. Ta lãnh lương bằng máy IBM. Chỉ có máy mới biết ngày nào ta lãnh lương thôi. Chính ta cũng không thể biết được.
Tưởng đem máy IBM ra doạ được nhỏ em. Không ngờ, nó làm dữ:
- Không máy móc gì hết. Tuần tới là phải trả em. Không em mách mẹ... rồi em loan báo tùm lum với mấy nhỏ bạn là anh mượn tiền em không chịu trả.
Chúa ơi, con nhỏ vừa có sáng kiến đòi nợ thật là rùng rợn. Trường hợp mách mẹ cũng còn dễ chịu, đỡ được, chứ loan báo với những đứa bạn kinh khiếp của nó thì quả thật là hết thuốc chữa. Dù có là tay hảo hớn tới đâu tôi cũng đành chịu thua trước lũ bạn của nó. Cứ tưởng tượng ra vài hậu quả sơ sơ thôi khiến tôi cũng đủ lạnh tóc gáy.
Tôi đành xuống nước:
- Thôi mà nhỏ. Nợ hay mòn, con hay lớn. Chuyện đâu còn có đó. Ta hứa trả là ta trả. Yên chí đi. Hôm nay ta rảnh rỗi. Nhỏ muốn nhờ ta chở đi đâu cứ nói. Ta vui lòng làm tài xế không công. Miễn nhỏ bao ta chầu bánh cuốn Thanh Trì là được.
- Bánh cuốn Thanh Trì với thật nhiều chả và vài giọt cà cuống nữa. Chao ôi, nghe mà sang trọng chưa.
Tôi cười thật ngon miệng:
- Gu ta đó.
- Khuya. Bạn ơi.
- Ít ra thì cũng được một tô phở với tách cà phê chứ nhỏ.
- Không có gì hết.
Tôi cố vớt vát:
- Bún bò cũng ngon ra phết, giá lại bình dân, cam đoan ta chỉ ăn một tô thôi. Sau đó tha hồ chở nhỏ đi ngao du sơn thủy.
Nhỏ em cười cười:
- Báo tin buồn với anh, hôm nay em hết tiền.
Tôi nghe như có ai vừa chơi ác, khoét vào bao tử tôi một nhát dao sâu hoắm. Tôi thở nhẹ vì đuối sức:
- Gì mà ai bi thống thiết quá vậy nhỏ.
- Thiệt mà. Hôm qua còn ít tiền em mua cái gương hết rồi. Hoàn toàn.
- Hôm qua cũng tình cờ ta xem được quyển sổ trương mục tiết kiệm của nhỏ, ta thấy còn những mười ngàn lận.
Con nhỏ nhảy hoảng lên:
- Ha. Anh kéo ngăn tủ em ra lục lạo hả. Có thấy miếng giấy người ta ghi dằn trên bàn không?
- Cấm lục soạn trong lúc đi vắng.
- Ðúng. Sao anh còn dám lục soạn?
- Nhưng nhỏ có đi vắng đâu? Nhỏ ở nhà mà. Lúc đó nhỏ đang tắm.
- Em không có mặt trong phòng là đi vắng rồi.
- Không có ở nhà mới đi vắng.
- Tức ghê.
- Rút ra hai ngàn đi chơi, ăn bún bò thì hết tức.
- Tiền em để dành chứ bộ. Nhưng dù có muốn rút cũng không được. Hôm nay chủ nhật.
- Ờ há.
Như vậy là xong, chương trình coi như kết thúc. Tôi nín im để nghe bao tử cuả mình xuống đường phản đối. Người tôi tự nhiên nhẹ tênh, hụt hẫng như không còn miếng thịt nào. Chúa ơi, nếu ngài sáng tác ra được truyện dài Kinh Thánh, Tân Ước, Cựu Ước mà người đời cho là những tác phẩm tuyệt vời. Con, ở trong trường hợp này cũng sáng tác ra nhiều câu na ná như Kinh Thánh, và cũng thuộc vào loại bất hủ, đại khái như: có nhiều người chỉ mơ ước ăn được một tô bún bò buổi sáng, con hãy cố gắng giúp họ. Hoặc: khi con no đủ trong suốt tuần lễ, hãy nghĩ tới những người không tiền ăn sáng trong ngày chủ nhật. Hay là: Con hãy đại diện Chúa cho người đói, khổ, mọi điều ước trở thành sự thật, kể cả điều ước có được một tô bún bò.
- Sao anh cú rũ như con cò vậy?
- Tại anh chưa ăn sáng.
- Hôm nay mẹ có để dành riêng cho anh mấy miếng bánh mì trét bơ nướng ở dưới nhà.
Tôi lật đật hỏi:
- Có phết tí đường cát. Còn sữa, hay cà phê gì không?
- Còn sữa, nhưng hết cà phê rồi. Chiều nay ba mới mua về.
Như một người sắp chết đuối thấy được cái phao ở đằng xa từ từ trôi lại. Tôi ném quyển sách đánh rầm một tiếng, mặc cho nó lăn trên bàn rồi rơi vào kẹt tường. Tôi vừa chạy vừa la:
- Lát nhỏ đi đâu hãy tính. Bây giờ ta đi lo bổn phận bao tử trước. Tạm biệt và hẹn gặp.
Tiếng cười ròn rã như một miếng bánh tráng được đập vỡ trong lòng bàn tay rồi xúc với gỏi lươn của nhỏ em vang từ phía sau. Tôi chạy một mạch xuống phòng ăn. Quả nhiên trên bàn đã đặt sẵn một dĩa bánh mì nướng vàng lườm. Tôi hối hả tìm hộp sữa bò. Tôi cẩn thận lấy một cái ly cối cho chắc ăn, rồi nghiêng hộp sữa đổ vào, định khuấy một ly đầy. Nhưng nhỏ em đã la lên từ phía sau:
- Ê, ít thôi, hết sữa. Ba uống cà phê thì bị la à.
- Hết mẹ mua hộp khác. Lo gì.
- Lúc này phải tiết kiệm. Bữa trước ba đã loan báo thế rồi.
- Mai... rồi hãy tiết kiệm. Hôm nay ta đói thật.
- Anh uống gì tới một ly sữa bự vậy?
- Ờ. Ta cảm thấy cần một số lượng như thế.
Nhỏ em cười bỏ vào túi áo tôi hộp kem đánh răng và cái bàn chải. Nó xỏ ngọt lịm:
- Nhưng hãy nhớ kỹ là anh đã quên súc miệng đánh răng khi ngủ dậy.
Tôi tê tái cả người vì bỗng nhớ ra rằng mình mãi chúi đầu vào quyển sách mà quên khuấy chuyện đánh răng súc miệng. Nhìn những giọt sữa trắng đục đang chảy ngon lành xuống đáy ly, nâng tổng số lượng sữa lên cao dần mà tôi như thấy được cả gương mặt đờ đẫn u ám của mình trong ấy. Rồi từ một khối óc tưởng tượng siêu việt, tôi còn trông thấy được cả đứa bé Nhật Bản mập phính hai gò má đỏ rừ tung chăn ngồi dậy ụt ịt đi vào phòng rửa mặt, lấy bàn chải trét kem đánh răng một cách say sưa trong đoạn phim quảng cáo kem đánh răng vẫn thường chiếu trên màn ảnh, trong các rạp chiếu bóng.
Nhỏ em biến mất khỏi cửa phòng ăn với một câu dễ sùng:
- Anh uống sữa nhiều thế mà sao vẫn không mập được chút nào. Mai mốt em nói với mẹ đổi sữa bò lấy sữa SMA cho anh nhé.
Hôm nay tôi thua đậm. Nhỏ em thật là một kẻ chiến thắng. Nó quyết hạ tôi sát ván, nốc ao nằm sàn và không ngóc đầu dậy nổi. Tôi chỉ còn một cách an ủi là nói theo người xưa: thôi, thua keo này ta bày keo khác. Và tôi lặng lẽ đi vào phòng rửa mặt.
o0o
Ðang nhai bánh mì rau ráu, nhỏ em lại dẫn xác vào nữa. Nó ngồi ngay chiếc ghế đối diện với tôi, cười:
- Ðánh răng rồi ăn ngon chứ?
Tôi nuốt ực miếng bánh, tợp một ngụm sữa. Ngon tuyệt và trong khi được thống thoái vì cái sự ăn ngon, ta không dại gì tức giận để phương hại đến nền an ninh của bao tử. Thế nên, như một người thoát tục, tôi cười rất hiền hòa cởi mở:
- Ờ, có đôi khi ta đãng trí như thế. Cám ơn nhỏ đã nhắc nhở?.
- Không biết cái phim quảng cáo kem đánh răng có cần tài tử mới để đóng thế vai thằng nhỏ Nhật Bản không nhỉ?
- Thôi nhỏ. Hôm nay mi hạ ta đo ván.
Nhỏ em khóai chí cười tươi rói. Nụ cười bây giờ mới thật sự là nụ cười cởi mở, dẹp tan mọi oán hờn chất chứa. Nó nhìn tôi một lúc rồi bất ngờ nói:
- Lúc nãy em kêu anh vì hai lý do. Thứ nhất, anh có người bạn nào đó đến tìm, đang chờ ngoài cổng. Thứ hai chiều nay bốn giờ anh chở em tới nhà nhỏ bạn ăn sinh nhật. Nó mời cả anh nữa. Diện một chút. Vì đây là bữa sinh nhật lớn, có rất đông bọn con gái.
Chúa ơi, con nhỏ này kiếp trước chắc là một loại rắn độc. Bạn tôi tới tìm mà nó cho đứng ngoài cổng ngắm cảnh hơn cả tiếng đồng hồ rồi mới chịu nói. Tôi định đấm cho con nhỏ một phát cho đỡ tức nhưng sực nhớ lại lý do thứ hai của nó quả thật hấp dẫn. Nên vừa định nổi khùng tôi đành hoà dịu ngay:
- Sao nhỏ không đợi chiều rồi hãy nói luôn. Thằng bạn của ta còn chờ ngoài cổng không?
- Ðã bảo còn mà. Mới có hơn tiếng, chứ đứng đợi đào cả hai tiếng có sao đâu.
Nhỏ em tôi quả thật là hết thuốc chữa. Tôi không hiểu nổi ông Lê Trạch Lựu cảm hứng từ một nhỏ em gái nào mà sáng tác ra bài hát bất hủ "Em tôi" hết sức dễ thương, chứ quả thật nhỏ em tôi chỉ được tặng cho một cây đàn thuộc loại đại hồ cầm cho nát người mới hết được tức giận.
Tôi vừa đứng lên vừa hỏi:
- Diện rồi. Ðồng ý, ta diện cũng có nét lắm chứ bộn. Nhưng điều quan trọng là có nhiều bánh không?
- Xời, chưa chi đã lo ăn. Nhà nó giàu tiệc phải lớn, và tiệc lớn dĩ nhiên là phải có rất nhiều bánh. Nhiều qua nữa là khác.
- Như vậy là quả có hấp dẫn thật. Xong rồi. Chiều bốn giờ ta đưa nhỏ đi. Bây giờ nhỏ phải chịu khó biến đi cho ta tiếp bạn ta một chút. Có nhỏ nó khớp.
Nhỏ em cười:
- Khớp từ khuya rồi anh ơi. Nhưng mà bạn của anh lạ hoắc à. Một ông Babilắc thì đúng hơn. Em chưa gặp lần nào.
Tôi ngạc nhiên đi thẳng ra sân. Qua vòm cổng đầy hoa giấy đỏ hồng buông rủ xuống, quả thật có một người lính với bộ đồng phục quân trường màu xanh cỏ úa đang đứng lóng ngóng nhìn vào.
Tôi kêu ở một tiếng và mừng rỡ gọi:
- Trời ơi Viễn, tao cứ tưởng thằng nào chứ. Mới được về phép hả?
Viễn vẫy tay cười. Tôi chạy ra mở cổng. Viễn bước vào, nó thật khác lạ, thảo nào em tôi nhìn không ra. Bây giờ trông Viễn chững chạc hẳn ra trong bộ đồ nhà binh. Măt. Viễn đen bóng, tóc cắt cụt ngủn. Nó đấm vào vai tôi:
- Bạn khoẻ nhỉ, ở nhà ăn no ngủ kỹ bắt anh em chờ cả tiếng mới chịu cho vào.
Tôi cáu sườn:
- Khỉ. Tại con nhỏ em nó mới vừa chịu há miệng cho biết là có mày chờ ngoài này. Nó lại còn bảo ông nào lạ hoắc.
- Trời đất, mới nói?
- Cố nhiên.
- Nãy giờ cả tiếng đồng hồ mới chịu nói?
- Con nhỏ kiếp trước là rắn độc mà. Nó mát nặng. Mày cũng biết rồi từ khi chưa đi bộ đội.
Viễn cười cười:
- Ngày xưa rồi nhỉ.
- Xưa khỉ gì. Mày mới đi có mấy tháng.
- Bạn không hiểu thời gian là nước sao. Nó tàn phá ghê gớm.
- Chúa ơi, mày say nắng hả Viễn?
Viễn khoát tay tôi cười xòa. Hai đứa lững thững đi vào nhà. Tiếng giày của Viễn nện mạnh trên nền gạch hoa trước thềm, làm con mèo của Phố đang say sưa với mộng đẹp trong bóng nắng ấm đầu ngày vội vàng tỉnh thức. Con mèo cong người, vươn mình khoan khoái rồi ngước đôi mắt màu xanh biếc nhìn Viễn.
Tôi cười:
- Mày lạ, con mèo cũng không nhận ra. Ngày trước mày tới nó hay nhảy vào lòng mày.
Viễn đưa tay ra định bắt lấy, con mèo sợ hãi nhảy mấy cái rồi biến vào nhà với một tràng tiếng kêu meo meo vọng lại. Trong nhà có tiếng Phố gọi rối rít:
- Cam Thảo ơi, cưng thức dậy rồi hả, vào đây, vào đây.
Tôi vẫn chưa hết cáu sườn:
- Miệng lưỡi như rắn độc.
Viễn cười:
- Phố không nhớ tao à?
- Cái chắc, nếu nhớ nó đã không bỏ mày đứng ngoài cổng cả giờ để ngắm cảnh.
- Lạ nhỉ.
- Khỉ gió. Lạ gì. Mày đen như cột nhà cháy nó nhận không ra là phải.
Hai đứa vào phòng khách. Viễn ngồi một ghế, tôi một ghế. Viễn rút thuốc nhìn quanh căn phòng rộng như tìm vẻ quen thuộc ngày xưa. Trong đôi mắt nó tôi hiểu như vậy. Tôi cười cười, cái thằng lạ. Mới đi bộ đội có mấy tháng, chưa ra trường, nó đã có vẻ như một nhà hiền triết. Cái nhìn ẩn chứa xa xăm.
Tôi thúc Viễn:
- Ðể tao cho con nhỏ Phố một mẻ ngạc nhiên chơi. Mày im nhé.
Tôi quay vào gọi lớn:
- Phố ơi, rót anh một tách nước.
Một lúc, Phố bưng ra hai tách nước. Ðợi Phố đặt nước xuống bàn xong. Tôi nói:
- Ông "lính" này có chuyện muốn nhờ Phố, hãy tiếp chuyện với ông một lúc.
Tôi làm như thật, đứng dậy biến vào trong. Một thoáng sau, Phố chạy vào đấm thùm thụp lên lưng tôi la ầm ĩ.
- Ðáng tội anh, phá người ta. Tức ghê.
Con nhỏ ngượng thật, mặt mày đỏ bừng. Tôi cười hỏi:
- Vậy mà bảo ông nào lạ hoắc.
- Lạ thật chứ bộ. Ai mà nhận ra.
Tôi trở ra cùng với Phố. Con nhỏ bẽn lẽn ngó Viễn:
- Tại anh Viễn không nói. Cho đứng ngoài đó mỏi chân luôn.
- Chưa kịp nói cô bé đã quay vào.
- Mà anh Viễn lạ thật đấy chứ.
Viễn vuốt mái tóc cụt ngủn:
- Có lẽ tại tóc cắt ngắn ngủn?
- Gương mặt nữa. Ðen và lạ hẳn ra.
- Vậy mà còn phê bình người ta là lính Babilắc.
Phố cong môi:
- Bộ không phải sao?
- Người ta phong trần sương gió đầy hai vai rồi cô bé ơi.
- Anh Viễn có cần em pha cho một ly sữa bự như anh Hưởng không?
Nhắc tới sữa tôi mới nhớ bữa ăn sáng bị bỏ dở. Tôi ngó Viễn:
- Bạn ăn sáng chưa?
- Chưa. Vừa bước xuống xe là tới đây ngay. Chỉ đứng đợi bạn sơ sơ mất có tiếng đồng hồ thôi.
Tôi cười:
- Vào ăn sáng với ta đi, có vài miếng bánh mì hẩm hiu thôi. Lát nữa muốn ăn sang sẽ có người đài thọ.
Tôi nhìn Phố, con nhỏ ném trả lại tôi hai đuôi mắt thậ tdài.
- Anh Viễn đừng nghe lời phát ngôn viên này nhé. Ông ấy chuyên loan tin thất thiệt.
Viễn nheo mắt:
- Yên chí, "lính" có nhiều tiền đây. Ai đi ăn cái gì đây cũng sẵn sàng.
Tôi thoi Viễn:
- Hào hoa dữ. Tao đang mơ ước một tô bún bò đây mà dụ khị nhỏ Phố từ sáng giờ chưa xong.
- Vậy chút nữa ta đi ăn bún bò.
- Mày đi chơi được cả ngày chứ?
- Coi như gần một ngày.
- Tốt, từ đây tới bốn giờ tao dành cho mày.
- Viễn ngồi xuống ăn bánh mì với tôi.
Phố cười, nheo mắt:
- Nhà hết cà phê rồi. Bây giờ hỏi thật, anh Viễn có cần một ly sữa như anh Hưởng không?
Viễn cười:
- Nếu Phố sẵn lòng.
Phố đi pha sữa. Nhưng Viễn đã la trước.
- Một ly nhỏ thôi, ly bự như ông Hưởng là tôi thành... trẻ em ngay đó.
Phố nói:
- Anh Viễn đi bộ đội mập ra. Anh Hưởng uống sữa nhiều như em bé mà vẫn còn còm nhom.
- Mập tốn vải lắm. Thời bây giờ vải vóc mắc mỏ.
- Bạn em chê anh Hưởng qua cầu gió bay đấy.
- Bạn của mi khiếp đảm nhất Giao Chỉ.
- Anh dám noí thế hả?
Tôi cười nuốt gọn miếng bánh mì. Chả dại mà gây gổ với con nhỏ này nữa, nhất là trong sáng hôm nay, cả ngày nay. Tôi đang mơ một buổi chiều huy hoàng với những cánh hoa hồng, với những ánh nến, và màu sắc rực rỡ của chiếc bánh sinh nhật to khoẻ ngự trị trên bàn tiệc. Sau đó là một lô những bánh ngọt mặn khác, và có thể, cả thịt gà quay nữa. Chúa ơi, từ một tô bún bò mơ ước tới hằng hà sa số bánh và thịt rượu, nước ngọt và trái cây thơm ngon béo bổ quả thật là một chuyện đi xa trong tương lai. Cứ tưởng tượng ra thôi tôi cũng muốn vỡ tung bao tử.
Có lẽ còn tức giận tôi nên con nhỏ chêm cho một câu:
- Uống nhiều, ăn nhiều. Anh Hưởng vẫn không chịu lên cân.
Tôi tằng hắng:
- Thôi nhỏ.
Phố mang ly sữa tới đặt trước mặt Viễn. Ðồng hồ treo tường thong thả gõ chín tiếng.
Viễn hỏi:
- Hai bác đi vắng hả bạn?
- Vắng rồi. Chắc ông bà đưa nhau đi ciné.
Phố lườm:
- Anh xuyên tạc. Bố mẹ đi ăn tiệc ở nhà bác Lê đó.
- Ai biết, nhỏ không chịu nói.
- Vậy làm sao đi chơi nhỉ?
Tôi cười:
- Có gì trở ngại đâu. Nhỏ Phố lãnh nhiệm vụ giữ nhà. Hai ta "bai".
Viễn cười:
- Sẽ mang về cho Phố hai cốc kem ngon nhất.
Tôi thay đồ trong vòng hai phút. Xong dắt xe ra sân. Viễn ngồi phía sau giục giả:
- Nhanh lên bạn, thời giờ ta có ít, rất ít. Ta muốn nhìn thành phố sau mấy tháng nằm vùi trong quân trường. Nó có thay đổi như ta không.
Tôi cười cười. Phố một tay ôm con Cam Thảo, tay kia đẩy rộng cánh cửa sắt. Viễn vẫn nhắc:
- Sẽ mang về cho cô bé hai cốc kem.
Phố cười. Nụ cười con nhỏ khó mà đóan nổi. Trái lại hôm nay, một ngày chủ nhật, tôi hiểu rõ là một ngày vui đối với tôi vì có Viễn, một tên bạn cũ về bất ngờ. Tiền hung hậu kiết. Tôi mỉm cười. Và dĩ nhiên, Viễn cũng không tài nào hiểu nổi khi tôi chạy xe như bay giữa đường phố đông đảo của một ngày chủ nhật.