Chương 8

Câu chuyện của Viễn và Phố rồi cũng xong. Bắt đầu bằng một bữa cơm gia đình, bằng những cuốn chả giò chiên vàng, béo ngậy, bằng những muỗng nước mắm cay nồng, và bằng chiếc bánh nội trợ ngọt ngào đầu tiên của Phố.Tôi đứng giữa sung sướng nhìn Phố thay đổi, nhìn đứa em gái cười tươi trong hạnh phúc mới cửa người thiếu nữ. Và Viễn, tên bạn thân của tôi, tên bạn lừng khừng, gà chết, tưởng sẽ chẳng bao giờ làm nên được một chuyện ngoạn mục nào trong tình cảm, nhất là đối với con gái, lại ngang nhiên, hùng hồn, cướp mất đứa em gái của tôi. Nó chinh phục được Phố lúc nào? Thật là một chuyện ly kỳ, khó tin, nhưng đã có thật. Và Phố, nhỏ em gái... ba đá nhất của tôi, từ lúc nào đã dễ dàng ngã chết vì tình yêu ấy nhỉ?
- Anh đi bao lâu mới về hả anh Hưởng?
Con nhỏ tới lúc nào mà êm ru, thường ngày nó chạy rầm rầm, chưa tới tôi đã hay biết. Con nhỏ quả đã thay đổi nhiều quá, khiến tôi vẫn còn ngỡ ngàng. Phố đứng nhìn tôi cười, đôi mắt nó long lanh chứa đựng toàn hạnh phúc.
Tôi bỏ nốt một chiếc áo vào va ly, nói:
- Ta cũng chưa biết được.
- Anh đi với anh Cam hả?
- Không, ta đi một mình.
- Nhưng tại sao anh lại đi Long Khánh? Ði chơi người ta phải đi Nha Trang, Vũng Tàu, Ðà Lạt chứ?
Tôi ai oán:
- Ta đi trốn... tình yêu, chứ có phải đi du hí đâu mà về những nơi danh lam thắng cảnh, những nơi đô hội như vậy.
- Chứ anh đi Long Khánh làm gì?
- Làm rẫy.
Phố cười ngất:
- Bộ vó của anh mà làm rẫy. Nhưng thôi, cũng được đi. Coi như anh lao động tập thể dục cho giãn gân cốt. Nhưng rồi lên trên đó anh ở với ai?
- Ở với thằng Trấn. Nhỏ chắc còn nhớ "bố " Trấn chứ nhỉ?
- Bố già Trấn ấy à? Ối trời, cái ông ham lấy vợ sớm, có đứa con gái đầu lòng, vợ bỏ lấy Mỹ. Mãi đến gần đây bà ấy mới về làm thủ tục nhận con rồi đem theo luôn ấy à?
- Trấn nó tự tử một lần, không chết.
- Ðàn ông gì dở ẹc. Anh ấy có xe hơi, có công việc làm hái ra tiền, sợ gì mà phải tự tử. Sợ sống cô đơn chăng?
- Ở đời nó có nhiều việc lạ lắm, khiến mình không thể giải thích nổi. Vừa qua Trấn ta chán đời sao đó bán luôn xe hơi, gom góp tiền bạc lên Long Khánh mua một miếng đất trồng cà phê. Nó viết thư về rủ ta lên trên đó tham quan một chuyến. Ta cũng đang chán nản Sài Gòn, muốn ngao du một bận cho biết đó biết đây.
- Hết hè anh về chứ?
- Chưa biết. Vui ở, buồn về. Ta bây giờ như cánh chuồn chuồn, Phố ơi.
- Dù sao anh cũng phải đi học, năm tới anh ra trường rồi. À, mà còn công việc của anh ở tòa báo thì sao?
- Ối, ba cái chuyện lẻ tẻ đó ăn nhằm gì. Ta cũng chán cái trò gỡ rối tơ lòng cho người khác mà lòng mình rối như tơ, chả biết làm sao gỡ.
Phố bụm miệng cười khúc khích:
- Em tưởng những người như anh chẳng bao giờ có tơ lòng đâu mà rối.
- Nhỏ nói ruột ta bằng nylon chắc?
- Cũng gần giống như vậy.
- Nhỏ đừng cười trên sự đau khổ của người khác. Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
- Thôi, chúc anh lên vùng đất đỏ tìm thấy được niềm vui. Có gì hãy biên thư về nói cho em nghe với.
- Ta chúc nhỏ ở nhà gặp may mắn và nhất là tìm được niềm vui. Ði chơi ít thôi, dù sao cũng phải lo học. Coi chừng tình yêu như một làn khói trắng, che mất tầm mắt của nhỏ và dẫn nhỏ đi lạc đường đấy.
- Anh yên tâm đi, năm nay anh coi, em sẽ đậu cao. Tình yêu sẽ chắp cho em đôi cánh để bay bổng, chứ không phải để cho em hạ cánh đâu.
- Ðược vậy ta mừng.
- Chiều nay em có hẹn với anh Viễn. Anh đi một mình ra bến xe nhé, em không đưa anh đi được đâu. Tuy nhiên, cứ để mở cửa phòng, em bảo đảm khi anh về mọi đồ vật vẫn y nguyên, căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ.
Phố cười, con nhỏ quay ra và chuẩn bị cho cuôc. hẹn hò. Tôi đã sắp xếp chong đồ đạc vào chiếc va ly. Chút nữa chỉ là một chuyến đi nghỉ hè, nhưng sao tôi cũng ngậm ngùi quá thể. Tôi châm thuốc hút và nhìn quanh căn phòng. Mọi thứ đồ vật ẩn hiện trong mắt tôi bằng một cảm giác khác lạ không giống như ngày thường. Nó vừa mơ hồ mà cũng vừa thực tế. Tôi bâng khuâng nghĩ tới đoạn đường mình sẽ phải đi qua. Cuôc. hành trình không dài lắm, Sài Gòn cách Long Khánh chẳng bao xa, nhưng tôi chưa hình dung được cuộc sống ở nơi đó ra sao. Một vài lần đi Ðà Lạt, xe có chạy qua đó nhưng tôi chỉ nhìn thấy được cây cối, đất đồi, và không khí khác một chút với Sài Gòn. Vậy thôi. Nhhưng bây giờ tôi lại sắp đặt chân tới đó. Tôi liên tưởng sẽ gặp Trấn thong dong trong vườn cà phê. Hưởng ơi mày có khùng không khi quyết định tới chỗ xa lạ đó. Tôi mỉm cười trước câu hỏi đặt ra cho mình. Và tôi lắc đầu mỉm cười. Quả thật tôi cũng không thể hiểu nỗi mình như thế nào. Tôi chỉ thấy cần thiết phải đi xa thành phố này một ít lâu.
Mọi việc chuẩn bị xong, tôi bỗng nảy ra ý định viết cho Kiều Mơ một bức thư. Tôi ngần ngại một lúc rồi ngồi vào bàn biết.
Kiều Mơ thân mến,
Người bạn nhỏ của tôi ạ, bây giờ tôi đang sửa soạn lên đường rời bỏ thành phố. Trước khi đi, tôi chưa hề có ý nghĩ viết thư cho em để trả lời bức thư hôm nọ em viết gởi cho tôi. Tánh tôi từ xưa nay vẫn thế, rất lười viết thư. Nhưng bất ngờ làm sao, khi chuẩn bị lên đường rôi lại nảy ra ý định viết thư cho em. Và thế là lần đầu tiên tôi bỏ được tính lười biếng. Một việc cũng đầy thú vị và phiền hà.
Tôi không khỏi nhớ lại câu chuyện đã qua. Một dịp tình cờ nào đó đã đưa tôi tới gặp em và chúng ta quen nhau thật nhanh chóng. Em đến với tôi thật kỳ lạ mà cũng thật bình thường. Em vừa là một cô bé con, đồng thời cũng vữa là một người bạn lớn. Giống như em đã gọi tôi là "người bạn lớn" của em vậy. Một ít kỷ niệm đã khiến khi ra đi, dù muốn dù không tôi cũng phải nhớ về em. Và chắc chắn một điều, em cũng sẽ nhớ về tôi chứ làm sao mà không được?
Thế thì, tôi mong rằng, dù như bức thư em đã viết cho tôi. Bằng cách nói nào đi nữa, giữa tôi và em cũng có một khoảng cách nối bằng không gian và thời gian. Người ta từng đi qua rất nhiều cây cầu trong đời mình, mỗi bước chân đều vang vọng buồn vui. Ở đây chúng ta không có cầu, nhưng chân vẫn bước vào một thứ vang vọng nào khác, ở đó, mỗi vang vọng, mỗi âm vang đều hóa ra sâu thẳm.
Tôi vẫn nhớ một buổi tối bên bờ sông. Nhớ vườn cây ở Lái Thiêu, nhớ hồ tắm ở Thủ Ðức. Nhớ nhiều nữa... Em đã rất có lý khi quyết định không gặp tôi nữa, con người ta vốn sợ ngã. Em còn bé quá lại càng phải sợ ngã. Chứ còn tôi, chẳng sợ ngã bao giờ.
Trước mặt tôi và em cả một mùa hè dài ngoẵng đang mở ra. Tôi không biết trong mùa hè này em làm gì. Em sẽ tiếp tục có những chuyến du ngoạn với bạn bè trong vườn cây Lái Thiêu, cùng với Ngũ Long công chúa trượt Patin trên sàn xi măng dễ ngã, hay lặn ngụp trong hồ tắm. Dù sao tôi vẫn mong cho em học giỏi, và thật ra người ta có muốn tránh mặt nhau cũng không được đâu. Một lúc nào đó tôi sẽ gặp lại em. Có điều lúc ấy... Biết nói với em thế nào nhỉ?
Người bạn lớn của em.
Tôi!
Mới đầu tôi tính dằn bức thư trên bàn, viết cho Phố mấy chữ nhờ chuyển bức thư của tôi tới Kiều Mơ, nhưng quả là ngu, nhỏ em tôi đã bao giờ biết đến Kiều Mơ đâu mà nhờ? Thế là tôi xếp bức thư bỏ vào túi áo, trên đường ra bến xe, tôi đã ghé vào bưu điện bỏ bức thư rồi đi thẳng ra bến xe.
Tôi lên Trấn vào một buổi trưa, sau cơn mưa to. Ðường vào nhà Trấn toàn đất đỏ, tôi xách va ly đi bộ, vừa đi vừa hỏi thăm. May sao cũng có vài người biết được Trấn nên cuối cùng tới được nhà Trấn sau khi đã bỏ lại một đoạn đường dài mà nhìn lại tôi đã chết khiếp. Quần áo tôi toàn một màu đất đỏ, nhưng không khí phải nói là dễ chịu vô cùng. Xung quanh tôi rặt một màu xanh cây lá và mùi hương hoa tỏa ngát trong không gian đầy tiếng ong bay tìm mật.
- Trời ơi, ngọn gió nào đưa mày tới đây? - Trấn từ trong nhà chạy bổ ra reo lên.
- Ngọn gió nào nữa, ngọn gió buồn tàn thu đưa tao tới đâỵ Gớm, ở một nơi thơ mộng dữ mà đường đi thật khó khăn.
Trấn nhe răng cười:
- Khó khăn như nói lời yêu em vậy. Thôi, đừng có than thở nữa "má ơi". Ðến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ cây xanh mới về.
- Mày ở có một mình? - Tôi nhìn quanh căn nhà bày biện rất sơ sài của Trấn và hỏi.
- Chứ mày tưởng tao đang ở với một cô gái... người dân Cheóreo nào sao?
- Ở đây mà ở một mình... buồn chết.
- Tao sợ đàn bà như sợ cơm nếp nát. Ðừng có xúi dại mà hại nhau bạn ơi.
Tôi đặt chiếc valy xuống đất cười cười. Trấn ngắm tôi một hồi rồi la lên:
- Mày dơ dễ sợ, đi đường mà làm như đi bắt cá. Thôi tắm một cái cho khỏe, tao dọn cơm ăn. Sau đó tha hồ tâm sự. Tao nghĩ sau bao ngày xa cách sẽ có khối chuyện để tâm sự. Ðúng không?
- Ðúng cái mốc xì. Tao chẳng có chuyện gì để tâm sự với mày cả. Có điều tao thấy mày bây giờ tiếp tục yêu đời, ham sống và chán lấy vợ là tao vui rồi. Chứ hôm nào nhìn thấy mày chết hụt trong nhà thuơng, tao nản quá chừng.
- Thôi đừng nhắc lại chuyện xưa nữa, ra giếng sau nhà mà tắm đi cha.
Trấn bẽn lẽn, rồi giục tôi.
- Coi vậy chớ không sao, ngâm chừng một ngày, giặt hết một ký xà bông bột thì ra. Ðất ở đây tốt khỏi chê mày ơi, cây tao trồng... một tuần lễ là có trái.
- Thôi đừng có ba xạo.
Tôi xách chiếc thùng con bước ra sau nhà tìm cái giếng. Tay Trấn cũng thơ mộng ra phết, xung quanh nhà chỗ nào trồng được thứ hoa gì anh ta đều trồng tuốt. Cho nên khắp nơi chỗ nào cũng thấy hoa và mũi hít toàn một mùi hương dễ chịu. Ở đây chẳng mấy chốc mà tôi sẽ thành... thánh. Cái giếng rất sâu, có đến năm thước là ít, đứng trên thành giếng bằng xi măng xây cao ngang ngực tôi thòng cái thùng con có cột dây xuống để múc nước mà cứ ngỡ sợi dây sẽ rơi mất tăm. Sau lưng tôi là một giàn mướp đang ra hoa chứ chưa có trái: Những cái hoa mướp to, vàng chói, run rẩy trong cơn gió và chập chỡn trên những cánh hoa là mấy chú ong bầu to bằng ngón tay cái, đen như hòn than đang tìm hút mật.
Tôi cũng kéo được những thùng nước lên xối vào người. Nước ở đây quả thật là mát. Tôi kỳ cọ cho sạch bụi đường. Trong khi đó Trấn đang xào nấu gì trong nhà mà mùi thức ăn bốc lên sực nức cả không gian làm tôi thấy đói bụng cồn cào.
- Mày đang nướng khô rồng hay sao mà thơm thế?
Tôi cười hỏi Trấn.
- Khô rồng thì hơi quá đáng, nhưng ở đây mà muốn ăn khô gì cũng có. Cái mùi mày đang nghe là mùi của khô dông đấy.
- Khô dông là khô gì?
- Một chút mày ăn sẽ biết. Bảo đảm khô rồng cũng không ngon bằng.
- Tao chưa thấy con dông bao giờ.
- Mày cứ ở dưới thành phố tối ngày mắt cứ dán lên màn ảnh xem vidéo lậu chiếu phim ma quái thì còn nhìn thấy gì trên cõi đời này nữa.
- Thôi mày ơi đừng có xuyên tạc. Phim hay bây giờ chiếu lền khên ở mấy rạp lớn, không có thì giờ đi xem, hơi đâu lén coi vidéo lậu cho bị múm.
- Mày thấy nước giếng ở đây thế nào?
- Mát lắm.
- Ngọt nữa, mày thử uống một thùng coi.
Tôi cười khan:
- Tao có tự tử đâu mà mày bắt tao uống tới một thùng nước.
Trấn bị tôi chọc quê nên nó im re. Nghe lời Trấn tôi đưa cái thùng lên miệng thử uống một ngụm nước. Mới đầu tôi tưởng mình đang uống nước dừa xiêm, đúng, nước ở đây ngọt thật. Ðó là một hạnh phúc cho những người đi làm rẫy, vì nếu gặp một vùng nước mặn quanh năm thì coi như tiêu tùng.
- Khỏe khoắn rồi, bây giờ tao đang đói bụng.
Tôi vừa ngồi xuống mâm cơm Trấn đã bày ra sẵn trên bàn vừa cười vừa nói. Chúa ơi, cái thằng ở nơi heo hút này mà sao tài ba như một bà nội trợ ở sát chợ Bến Thành. Trấn đã làm tôi ngạc nhiên trước một mâm cơm hết sức thịnh soạn. Ðặc biệt có món khô dông bay mùi thơm nức mũi.
Trấn rót một ly rượu óng ánh sắc vàng như mật đẩy cho tôi rồ nói:
- Ở đây không có rượu Tây rượu Tàu, không có bia lên men hay lên cơn. Nhưng thứ rượu mít này mày tha hồ uống. Tao làm được một cái kháp đầy. Rượu mít lây ngày uống cũng chẳng khác gì rượu Tây đâu.
Tôi cầm ly rượu ngửi thấy mùi thơm và nghe được vị ngọt.
- Mày ở có một mình mà cần gì uống rượu?
- Ðôi khi cần phải giải sầu chớ bạn. Có mày lên đây tao thiệt vui. Uống đi, trăm phần trăm.
Tôi nốc cạn ly rượu mít. Phải công nhận Trấn cất rượu thiệt ngon, nhưng đối với tôi như vậy là nặng "đô". Sau ly rượu măt. tôi nóng bừng, nghe mạch máu đập loạn lên và buổi chiều núi rừng Long Khánh trở nên quyến rũ như thiên nhiên Ðà Lạt.
- Mày ăn thử miếng khô dông coi có ngon không. Kẻo lạ noí bạn bè nói láo.
Trấn xé đưa cho tôi một miếng khô dông ướp sả ớt đã nướng chín với ngũ vị hương. Miếng khô vàng lườm, ngon tuyệt cú mèo mà lần đầu tiên tôi mới được nếm.
- Con dông là cái thứ con gì, bộ nó ở trong rừng giống như con.. nai ấy à?
Trấn cười ngất:
- Con dông nó nhỏ xíu giống như con... kỳ nhông vậy Hưởng ơi. To lắm cũng chỉ bằng nửa cườm tay của mày chứ làm sao bằng con nai được, dù rằng nai còn ở trong bụng mẹ cũng vậy.
Rõ ràng tôi bị quê cơ. Hóa ra mình ở thành phố rồi cái gì cũng trở nên khù khờ hết, đến con dông tôi cũng chẳng biết nó ra sao.
- mày làm sao bắt nó?
- Dễ lắm, tao làm một cái bẫy thòng lọng để sẵn trong miệng hang, mỗi sáng chú dông dưới hang bò lên kiếm ăn, chân ngọ nguậy vướng vào thòng lọng là a lê hấp, cổ anh chàng bị cái thòng lọng siết chặt lại. Tuy mạnh, nhưng sau một lúc giãy giụa, anh chàng chỉ còn cách nằm thở dốc chờ mình tới thộp cổ đem về xẻ thịt. Dễ dàng vậy thôi.
- Hình dáng nó ra sao?
- Y hệt như con kỳ nhông sống trong bụi cây, có điều anh chàng này thì làm hang sống dưới đất. Một con thì thăng thiên, một con thì độn thổ. Mày cứ nhớ như vậy là được.
- Nhưng ăn vô có.. câm không đó? Mày có hỏi thăm người ta từng sống ở đây lâu đời chưa, tao sợ câm lắm.
- Bảo đảm, ăn vào khoẻ khoắn, lại bổ đủ thứ, chẳng câm mà trái lại mày sẽ nói như điên.
- Trời.
- Ðừng có kêu trời. Cứ nhâm nhi đi rồi mọi sự sẽ trở nên hưng phấn. Bao nhiêu nỗi sầu đời sẽ tiêu tan ra mây khói. Ở đây tao thường làm bạn với rượu mít và thịt dông, chuyện vợ con đã coi như là hạt bụi.
Trấn lại rót rượu vào ly, tôi với nó cùng uống. Buổi chiều Long Khánh xuống dần và không hiểu sao cơn mưa ngỡ tạnh hẳn lại trút xuống ào ạt. Gió lạnh thốc vào căn nhà trống, Trấn phải đóng cửa lại và đốt ngọn đèn dầu leo lét.
Tôi hỏi một câu ngây ngô:
- Ở đây không có điện sao?
- Mày đúng là dân thành phố về quê. Ở chốn heo hút này làm gì có điện. Ngon xài điện bình ắc quy cũng sang chán, nhưng tao chưa sắm.
- Sao không sắm.
- Chưa có thì giờ. Vả lại mình tao thì cần gì điện với đóm.
- Ðèn dầu leo lét như vầy mày không sợ sao?
- Sợ gì mới được chứ? - Trấn trợn mắt hỏi tôi.
- Sợ cọp.
- Ở đây không có cọp. Nhưng dù có cọp tao lại càng khoái, vi `có việc làm cho tao đỡ buồn.
- Mày làm gì?
- Xỉa răng cọp chứ làm gì.
Hai người phá ra cười. Tiếng cười trong cơn say trở nên sảng khoái lạ ùng. Tôi im lặng ngó Trấn, thằng bạn của tôi đã thay đổi quá nhiều. Sau trận tự tử nó trở nên yêu đời hơn. Và có thể, nó yêu đời hơn cả tôi nữa.
- Ê, bố già. - Tôi hét lên sau khi nốc một ly rượu.
- Gì đấy bạn đời?
- Nếu lỡ tao buồn, tao ở đây luôn được không?
Trấn nhướng mắt:
- Mày thất tình à?
- Ðã bảo không bao giờ có chuyện đó.
- Vậy cớ sao mày chán Sài Gòn?
- Ờ, tại tao buồn, thế thôi.
- Mày muốn ở tới già cũng được. Nhưng mà không khí ở đây không làm cho mày già đâu. Nó làm cho chúng ta trẻ lại nữa là khác.
- Nhưng tao cũng phải có một việc gì để làm chứ. Chẳng lẽ ăn ở không, đi ra đi vô chờ mày như con gái chờ chồng sao?
- Ðiều này có khó gì đâu. Ngày mai mày sẽ tập sự đi bắt dông, hay theo tao đi hái cà phê. Thiếu gì chuyện vui, kể cả việc mày muốn "cua" một cô thôn nữa nào đó, ở đây cũng dễ dàng.
- Thôi cha, đừng có giỡn. Tôi không ham chuyện đó đâu. Chính vì chuyện đó mà tôi đang buồn thúi ruột đây.
- Ha ha... hóa ra mày thất tình, vậy mà cứ chối đây đẩy. Bây giờ thì lòi đuôi rồi nghen con.
Tôi ngượng quá, nhưng không còn đỏ mặt được nữa, vì mặt tôi sau khi uống mấy ly rượu đã đỏ như mặt trời rồi. Tôi chỉ còn biết ngó Trấn, và thầm trách tại sao trong đời này lại có một cô bé khó chịu như... Kiều Mơ.
Một ngày mới của tôi ở vùng đất Long Khánh bắt đầu bằng những tiếng chim hót từ khắp mọi nơi vọng lại. Trời sẽ lạnh, và sương mù lướt thướt trên lá cây. Những vạt nắng đầu ngày óng ả lướt qua màn sương chưa đủ sức làm sáng nền trời, nhưng sống trong khung cảnh thiên nhiên như thế này thật tuyệt vời. Tôi theo Trấn đi thăm bẫy và bắt những con dông.
Trấn vừa đi vừa huýt sáo hỏi tôi với vẻ ân cần:
- Ðêm qua mày ngủ ngon không, Hưởng?
- Không ngủ ngon cũng không được.
- Tại sao?
- Tại mấy xị rượu mít của mày và khô thịt dông thơm quá chừng.
- mày ở đây chừng ba tháng tao nuôi, bảo đảm khi về sẽ mập ít nhất 10 ký lô.
- Tao đâu có khoái mập.
- mày ốm nhom, ngó kỳ lắm, y như một thằng xì ke. Rán ăn uống nhiều vô, mập lên vài ký cho nó đẹp trai.
Trấn bỗng bỏ ngang câu chuyện, vội nhảy tới chỗ cái bẫy dông, và chưa bao giờ tôi thấy Trấn nhanh nhẹn và tài nghệ như vậy. Với hai bàn tay ảo diệu như làm xiết. Trấn tóm cổ được một con dông to bằng bắp tay, mình mẩy rằn ri mới nhìn tôi đã phát rét.
Nhìn con dông đã bị Trấn trói gô cổ lại, đang giãy giụa. Tôi hỏiI:
- Nó có cắn không?
- Con gì không cắn? Ăn thua mình chủ động bịt miệng nó lại trước. Tao đã thộp cổ nó như vầy làm sao nó há miệng ra cắn được. Cầm đi Hưởng.
Tôi lùi lại, mặt mày tái mét khi Trấn dúi con dông vào tay tôi. Trấn cười khà khà:
- Ðàn ông gì mà nhát còn hơn đàn bà. Mày phải chụp liền. Ðã bảo nó không còn cắn được nữa đâu.
- Nhưng mình mẩy nó thấy ớn quá.
- Con này mà ăn nhằm gì, rồi hôm nào mày sẽ coi tao bắt rắn.
- Thôi Trấn ơi mày đừng có khùng quá, tao chưa muốn chết vì rắn cắn ở tuổi này đâu. Còn mày muốn tự tử nữa thì thiếu gì cách, chứ việc gì phải đưa đầu cho rắn cắn.
- Ở đây tao không sợ... con gì cả mới sống được. Nhát gan như mày chắc cuốn gói sớm, con ạ.
Tôi bị Trấn nói chạm tự ái, bực quá tôi gớm gớm nhìncon dông đang giãy giụa dưới đất. Tôi bặm môi chụp vào cổ nó, mặc cho nó vẫy vùng, tôi cầm con dông giơ cao lên, khoe với Trấn:
- mày coi nè, tao cũng dám bắt dông như thường.
- Ðược lắm. Hãy cầm tiếp một con nữa.
Và không hiểu Trấn bắt được con dông thứ hai từ bao giờ, nó ném tới trước măt. tôi. Con này coi bộ nhỏ hơn, nhưng dữ tợn. Da của nó lại ánh sắc vàng. Con dông trợn cặp mắt đỏ nhìn tôi, cái bụng thoi thóp thở. Tôi cà lăm hỏi Trấn:
- mày.. cột cổ nó chưa?
- Chưa, nhưng tao búng đầu mạnh lắm. Con dông đó đang chấn thương sọ não. Nó "mát" rồi không sao đâu.
- Trời, nó "mát" làm sao toa dám bắt. Nó cắn một cái thì rồi đời.
- mày thộp cổ nó đi, kẹp chặt vào, bảo đảm nó không cắn được. Lúc đó mày chỉ việc lấy dây cột nó lại. Dễ ợt.
Nhưng luýnh huýnh chụp hụt, con dông chạy mất. Rất may nó không cắn được tôi. Nhìn dông phóng vút vào bụi cây. Trấn cự nự tôi một hồi. Nó nói:
- Mày bắt dông không được thì làm sao "bắt" con gái. Nhiều đứa con gái còn dữ tợn hơn dông.
Tôi phản đối:
- Con gái hiền khô. Mày đừng có xuyên tạc sự thật.
- Ở đời tao chưa gặp đứa con gái nào mà hiền khô như mày nói. Tao đã trải qua kinh nghiệm xương máu vì đã từng bị con gái quay như dế.
- Trấn nói cũng đúng, ít ra là đúng với trường hợp của nó. Tôi nghĩ không nên cãi lại một người đã quá đau khổ vì đàn bà. Do đó tôi nhìn Trấn bằng ánh mắt thông cảm.
Trấn chớp nhanh mắt, nói:
- mày đừng có thương hại tao. Trên đời, không có cái gì nhục bằng ánh mắt thương hại.
Tôi đá một cục đất văng vào bụi cây, nhìn Trấn nói:
- Ðừng nghĩ thế ông bạn đời ơi. Mày dũng cảm lắm Trấn ạ. Nội cái việc mày dám bỏ Sài Gòn lên đây làm lại cuộc đời cũng đủ để tao phục rồi.
Tôi trói cổ con dông lại, cho nó nhập vào một xâu với những chú dông kém may mắn khác đã bị Trấn bẫy được. Trò chơi này cũng khá thú vị, nhưng bắt dông nhiều quá cũng có tội. Do đó tôi bảo Trấn:
- Thôi, bao nhiêu đây cũng đủ rồi. Ít ra món dông phơi khô cũng đủ ăn trong vòng một tuần lễ. Mày bắt nhiều quá không sợ tuyệt giống sao?
- Không bao giờ, hình như cái giống dông nó sinh ra từ đất hay sao ấy. Nhưng thôi, hôm nay như vậy cũng đủ rồi.
Trấn và tôi ngồi nghỉ dưới bóng cây. Hai đứa hút thuốc, Trấn ngửa cổ nhả từng ngụm khói thành những vòng tròn cho bay vào không khí lành mạnh của buổi sớm mai. Tôi cũng rít mấy hơi thuốc, cảm thấy có vị tê trên đầu lưỡi. Dù sao đối với tôi cũng là đầu một ngày mới ở nơi chốn xa lạ này, điếu thuốc nhắc cho tôi nhớ một thoáng kỷ niệm lướt qua, giống như chiếc lá chết rơi trong màn sương.
- Bây giờ tao đâm ra yêu cỏ, yêu cây, yêu thiên nhiên. Nhất quyết tao phải là ông chủ của một mẫu c` phê. Rồi mày sẽ thấy.
- Mày sẽ làm gì với một mẫu cà phê đó?
- Tao sẽ ra công chăm bón, tưới nước, chờ mùa hoa cà phê nở và chờ đợi ngày hái trái. Tao sẽ làm giàu.
- Dĩ nhiên, tao rất muốn thấy mày làm giàu. Và nếu có ngon hãy cưới một con vợ khác để hủ hỉ chốn núi rừng hiu quạnh này.
- Tao không nghĩ tới chuyện ấy đâu. Ðã bảo tao rất sợ phụ nữ. Càng tránh xa họ ra càng tốt bấy nhiêu.
- Tao sợ mày tránh mà vẫn không được. Rồi có ngày mày cũng sa bẫy thôi con ơi.
- Tao đã bẫy được những con dông khôn thần sầu quỷ khóc, chắc chắn tao sẽ chẳng bao giờ sa bẫy đâu.
Tôi và Trấn đứng lên quay trở về. Nắng đã lên cao nhưng không đủ xua tan hơi lạnh của rừng. Tôi xách một xâu dông và thỉnh thoảng nhìn những con vật kỳ lạ ngọ nguậy, tôi nghĩ mình đang nằm mơ. Hoặc tôi là kẻ mộng du, đang đi lang thang giữa rừng núi Long Khánh. Tôi huýt sáo miệng theo một bài hát, tiếng huýt sáo của tôi hòa vào tiếng chim rừng vang thật xa.