Chương 30

2 - CÁC CUỘC NỔI DẬY CỦA NGƯỜI CAO MIÊN Ở NAM KỲ HẠ
Ba nhân vật chủ chốt trong những cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ hạ là Ong Bướm (A-Xoa), nhà sư Pù-Kâmbô và Phra-Keo-Pha. Pù-Kâmbô và Phra-Keo-Pha được chính quyền Pháp nuôi dưỡng và cho tá túc ở Sài Gòn với điều kiện là người nầy không được gây xáo động nước Cao Miên đang ở dưới quyền đô hộ của Pháp.
Trong những tháng đầu năm 1866, tình hình nước Cao Miên (Cambodge) yên ổn. Ở Sài Gòn, Phra-Keo-Pha và-Pù-Kâmbô tạm thời chịu ép mình chưa khích động người Miên gây rối. Kể từ khi vua Cao Miên Nặc Ong Đôn qua đời và Nororodom lên kế vị thì có khoảng 2,000 người Miên trong một vùng lãnh thổ ở về phía Bắc tỉnh Tây Ninh theo về phe với Pù-Kâmbô chống lại Norodom nhưng bề ngoài nhóm nầy vẫn sống một cách hòa bình trong vòng kiểm soát và che chở của chính quyền Pháp. Người Pháp chỉ biết rõ sự tình khi Pù-Kâmbô bỏ Sài Gòn ẩn trốn lên vùng phía Bắc. Người Pháp truy lùng thì mới biết được rằng nhà sư nầy đang cầm đầu một nhóm nhỏ vài người Miên đi biểu dương khắp nơi để rao truyền rằng họ sẽ dùng vũ lực để đòi lại ngôi vua nước Cao Miên. Người Pháp cho rằng Pù-Kâmbô với vài ba người như thế thì không thể làm được việc gì. Nhưng rồi bỗng nhiên thấy xuất hiện một khối người thật đông gồm có người Miên, người Chàm, người An Nam được trang bị vũ khí, có cả sự hiện diện của A-Xoa và người Pháp cho rằng phong trào nổi dậy nầy được triều đình Huế ngầm yểm trợ.
Sáng ngày 7 tháng 6 dl năm 1866, khoảng 2,000 người vũ trang, với cờ trắng phấp phới tiến về hướng thành đồn Tây Ninh. Viên đại uý thanh tra bản xứ là Larclause muốn dùng phương cách dàn xếp và hiểu dụ cho nên đích thân ra khỏi thành đồn mang theo 20 binh sĩ đến gặp họ nhưng bị họ bao vây và bắn chết. Sĩ quan hộ tống Larclause là trung úy Lesage cũng bị giết cùng với 9 binh thuộc quyền; 11 binh sĩ sống sót rút lui vào thành đồn Tây Ninh trong khi một sĩ quan Pháp là đại úy Pinaud mang một tiểu đội 20 binh lính cố gắng ngăn chận nhóm nổi dậy nhưng không cự địch nổi với số đông nên phải rút lui vào thành đồn cố thủ và đánh điện khẩn cấp về Sài Gòn xin cứu viện.
Đường dây điện thoại liên lạc bị nhóm nổi dậy cắt đứt vào buổi chiều hôm đó.
Một tàu quân tăng viện do trung tá Marchaise từ vùng Sài Gòn được gởi tới trong khi một đại úy thanh tra bản xứ ở Trảng Bàng tên là Fremiel mang 40 binh sĩ đến để tăng cường việc cố thủ đồn thành Tây Ninh. Khi vừa đến nơi, trung tá Marchaise liền mở ngay cuộc hành quân truy kích quanh vùng thành bót Tây Ninh nhưng không có kết quả. Ngày 14 tháng 6 dl năm 1866, Marchaise lại xuất quân 150 người cùng với hai khẩu trong pháọ. Vào xế chiều, quân của Marchaise đụng trận với nhóm nổi dậy ở vùng rạch Vịnh lầy lội. Marchaise và 13 binh sĩ thuộc quyền bị giết trong lúc xung trận. Nhờ có hai khẩu trọng pháo đại úy Fournier mới có thể rút quân chạy lui về thành bót Tây Ninh không kịp khiêng về xác của Marchaise. Ba ngày sau, quân Pháp quay lại chiến trường thì không còn có thể nhận diện được các binh sĩ tử trận cho nên một số tử thi phải chôn tập thể vào các giếng nước bỏ hoang còn một số khác thì chôn chung trong một thùng bằng gỗ. Đầu của Marchaise nằm dưới một gốc cây nhưng xác thân thì không tìm thấy. Như vậy, kể từ ngày 7 tháng 6 dl đến 14 tháng 6 dl năm 1866, quân viễn chinh Pháp đã bị mất đến 3 sĩ quan chỉ huy là Larclause, Lesage và Marchaise. Họ được chôn cất tại một nghĩa địa ở Tây Ninh. Sau nầy hài cốt của Larclause và Lesiege được đưa về Pháp chôn cất lại. Vào tháng 6 năm 1905, một đoàn công tác Pháp do thanh tra bản xứ tỉnh Tây Ninh tên là Pech cùng với một sĩ quan bộ binh Collin cầm đầu đến vùng giao tranh cũ đào xới và tìm thấy một thùng gỗ 3 mét chiều dài và 1 mét 50 chiều ngang nhiều bộ xương người lẫn lộn với giày vớ nhà binh và được mang đi chôn chung nơi nghĩa địa Tây Ninh vào ngày 16 tháng 6 dl năm 1906, trên ngôi mộ tập thể nầy có dựng một cột bia ghi nhớ những binh sĩ viễn chinh Pháp tử trận trong 2 ngày 7 và 14 tháng 6 dl năm 1866.
Sau biến cố nổi dậy nầy, quân binh của Pháp trấn đóng tại thành đồn Tây Ninh được tăng lên đến 500 người dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Alleyron. Đồn bót Trảng Bàng cũ được tăng viện tàu chiến trên vùng sông Vàm Cỏ Đông.
Sài Gòn được quân Pháp tăng cường phòng thủ cẩn mật. Do đó dân quân kháng chiến đã nhắm vào các vùng lân cận để đánh phá đồn bót của Pháp ở các vùng Thuận Kiều, chợ Hốc Môn, Trảng Bàng. Các mật khu kháng chiến đặt ở vùng Cầu An Hạ, một vùng đầm lầy nằm giữa Trảng Bàng và vùng sông Vàm Cỏ Đông. Do đó la Grandière đã cho mở nhiều cuộc hành quân càn quét các vùng nầy. Ngày 27 tháng 6 dl 500 lính Pháp và 100 lính tập bản xứ, 50 thủy bộ binh mở cuộc hành quân bao vây vùng Cầu An Hạ truy kích kháng chiến rút chạy về hướng Bắc nơi có nhóm nổi dậy Pù-Kâmbô hoạt động. Một nhóm kháng chiến khác rút chạy về hướng Nam.
Tháng 7 dl năm 1866, quân Pháp càn quét truy kích, nhóm nổi dậy người Miên trốn chạy bỏ lại nhiều xác chết. Tiếp tục hành quân truy kích, quân pháp đánh bật nhóm nổi dậy ra khỏi mật khu Ba Vang, đồng thời bắt được 112 dân quân kháng chiến quanh vùng Tây Ninh.
Tất cả những cuộc nổi dậy vừa kể trên, người Pháp quy trách nhiệm cho quan binh của triều đình Huế, không những nhắm mắt làm ngơ mà còn ám trợ cho họ đánh phá các đồn bót của Pháp. Người Pháp phản kháng, triều đình Huế phải ra lệnh loại trừ A- Xoa để xoa dịu mối căng thẳng nhưng Pháp vẫn không hài lòng và cho rằng phía triều đình chỉ loại trừ dùm cho Pù-Kâmbô một đối thủ tranh ngôi vua nước Cao Miên.
Trong khi vua Norodom chỉ biết ngồi làm vua vô quyền thì những người Miên nổi dậy đánh phá ngay trên nước Cao Miên (Cambodge). Norodom phải cầu cứu với chính quyền bảo hộ Pháp. Người Pháp phải đối đầu, đánh dẹp liên tục những cuộc đánh phá của nhóm người Miên nổi dậy do Pù-Kâmbô cầm đầu tại vùng Oudong - Pnom Penh nhưng chỉ đẩy lui được nhóm nầy chạy ngược về phía Nam và ngay trong nội tình triều đình của Norodom cũng có phe muốn theo về với Phra-Keo-Pha để hạ bệ Norodom.
Trong khi phải vừa tổ chức hành quân bình định kháng chiến quân cùng những cuộc nổi dậy ở Cao Miên cũng như phải xây dựng những nền tảng cơ bản cho chính sách thuộc địa tương lai của người Pháp ở Đông Dương thì dư luận ở bên Pháp vẫn còn tiếp tục chống lại chính sách thuộc địa và chủ trương bành trướng lãnh thổ của đoàn quân viễn chinh Pháp ở Nam Kỳ Hạ khiến Napoléon III phải trù trừ không dứt khoác. Sau khi Rigault de Genouilly thay thế Chasselouplaubat trong chức vụ bộ trưởng Bộ Hải Quân và Thuộc Địa, Napoléon đã phải gởi sĩ quan hải quân hoàng triều là des Varannes sang thanh sát vùng Java và Nam Kỳ Hạ. Sau gần 2 tháng kinh lý Nam Kỳ, des Varannes đã ghi nhận tình hình ở Nam Kỳ Hạ tiến triển rất khả quan cho chính sách thuộc địa của người Pháp khiến cho hoàng đế Napoléon III đã có thái độ dứt khoác đối với những âm mưu lợi dụng thời cơ của triều đình Huế. Napoléon III cho phép La Grandière tiến hành cuộc xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Cùng thời điểm nầy, để chuẩn bị cho việc xâm lăng Bắc Kỳ, sau khi tham khảo ý kiến và được phép của bộ Hải Quân và Thuộc Địa, La Grandière đã thành lập một phái đoàn thám hiểm dòng sông Mê-Kong do thiếu tá hải quân de Lagrée làm trưởng đoàn và trung úy Thanh Tra Bản Xứ Sự Vụ Francis Garnier đoàn phó, Delaporte sĩ quan hải quân tập sự, 2 y sỹ hải quân Joubert và Thorel, de Carné tùy viên của bộ ngoại giaọ Đoàn thám hiểm có 4 người Pháp và 6 lính tập người bản xứ hộ tống cùng với 1 thông dịch viên người Pháp và một thông dịch viên người Cam Bốt. Ngày 5/6/1866 đoàn thám hiểm rời Sài Gòn trên 2 pháo thuyền số 32 và số 27. Trong 2 năm ròng rã, đoàn đã ngược dòng sông Mê-Kong thám hiểm lên đến tận vùng đất tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và và trưởng đoàn de Lagrée đã bị chết vào ngày 12/3/1863 tại Đông Châu Phủ/Trung Quốc vì bệnh viêm gan và được Francis Garnier và đoàn thám hiểm mang xác về Sàigòn ngày 29 tháng 6 năm 1868.
3- PHÁP ĐÁNH CHIẾM 3 TỈNH MIỄN TÂY NAM KỲ
Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867), ngày 14 tháng 2 dl năm 186, la Grandière phái phó thuyền trưởng Monet de la Marek theo tàu chiến Monge ra Huế để đòi nợ bồi thường chiến phí chưa nộp đúng kỳ hạn đồng thời thúc hối triều đình Huế phải giao nhượng ngay 3 tỉnh miền Tây. Triều đình Huế khước từ đòi hỏi của Pháp và chỉ muốn chuộc lại các tỉnh đã bị mất vào tay người Pháp.
Viện Cơ Mật đề nghị cử Phan Thanh Giản vào Sài Gòn để dọ ý người Pháp về yêu cầu chuộc lại các tỉnh đã mất.
Ngày 24 tháng 2 dl năm 1867, Pháp lại mở hội chợ đấu xảo ở Sài Gòn. Trong ngày phát giải thưởng tại hội chợ nầy Phan Thanh Giản đứng cạnh thống soái La Grandière cùng với thủ lãnh nhóm người miên nổi dậy là Pra-Keo-Pha và hai quan thượng thơ của triều đình vua Cao Miên Norodom.
Ở Sài Gòn, La Grandière bí mật lên kế hoạch hành quân tiến chiếm 3 tỉnh miền Tây.
Theo A. Schreiner thì kế hoạch nầy được la Grandière chuẩn bị một cách bí mật từ 3 tháng trước. Tuy nhiên, theo Paulin Vial, nguyên là giám đốc Nha Nội vụ dưới thời la Grandière và cũng là tác giả sách Nos Premères Années au Tonkin thì kế hoạch nầy đã được chẩn bị sắp xếp từ hơn một năm trước đó:
(Paulin Vial; Nos Premières Années du TONKIN; trang 8-9; Voiro-Paris; 1889)
Tạm dịch: Việc sáp nhập 3 tỉnh miền Tây đã được dự liệu thận trọng và chuẩn bị một cách bí mật không có gì gọi là đáng phải ngạc nhiên. Dân chúng cũng thế khi họ biết rằng đó chỉ là một việc làm phúc lợi cho họ. Hơn một năm trước, những viên chức được tuyển dụng để nắm giữ việc hành chánh cai trị trong các tỉnh mới đã được phối trí tập sự làm việc tại các tỉnh miền Đông. Trong 13 quản hạt có khoảng 50 viên chức hạng tập sự nầy. Chưa có một nguồn lợi kinh tế nhỏ nhoi nào ban phát cho ngạch nhân dụng. Những tin tức về tình hình an ninh tình báo thường được giao phó cho những người dân An Nam nhiệt tình.trên nhiều lãnh vực và ở nhiều nơi.
Như vậy trong khi vua Tự Đức vẫn cố tình gây ra những tình trạng bất ổn, rối loạn và nổi dậy trên vùng đất do người Pháp chiếm đóng, thì chúng ta đương nhiên cần phải chuẩn bị một sự giáng trả.ngay trên các phần đất của ông vua đó. Người dân An Nam chín chắn và biết phòng xa hơn so với các ông quan triều đình của họ đã thấy được sẻ cần phải làm cách nào để giải tỏa một tình trạng rắc rối nhỏ nhứt.- Một số lớn dân chúng ở các tỉnh miền Tây đã tỏ dấu hiệu cho chúng ta biết rằng họ sẵn sàng theo về với chúng ta khi chúng ta khởi sự biểu dương lực lượng.
°
Ngày 15 tháng 6 dl năm 1867, La Grandière mật điện lệnh cho các đơn vị tham chiến và các chỉ huy hạm đội tàu chiến: điểm tụ quân ở Mỹ Tho.
Chiều ngày 17, các đơn vị tham chiến bắt đầu di chuyển đến Mỹ Tho.
Ngày 18, lực lượng quan binh Pháp hội quân tại Mỹ Tho là 1,200 người cùng với 8 thanh tra bản xứ và nhiều nhân viên hành chánh sẽ đặt vào những tỉnh huyện ở các nơi sắp chiếm đóng. Ngoài ra còn có 400 lính tập người bản xứ (còn gọi vệ binh, ngày nay gọi là dân vệ hay cảnh sát) do Pháp tuyển chọn trong tỉnh Mỹ Tho cùng tham dự cuộc đánh chiếm nầy. Số tàu chiến tham dự gồm có các pháo thuyền bằng gỗ la Mitraille, le Bourdais, l' Alom-Prah, các pháo thuyền bằng sắt l' Espignole, le Glaive, le Fouconneau, la Halle-barde, l' Arc, tàu tuần sát Biên Hòa và một tàu vận vận tải chạy bằng hơi nước.
Đinh Mão, Tự Đức thứ 20, ngày 18 tháng 5 âl (ngày 19 tháng 6 dl năm 1867), vào lúc một giờ trưa, soái hạm l' Ondine của La Grandière từ cửa biển Soài Rạp (Gò Công) tiến vào sông Tiền hướng về Mỹ Tho. Các chỉ huy trưởng thủy, bộ binh, các hạm trưởng tàu chiến đều lên soái hạm để nghe La Grandière ban phát những chỉ thị hành quân cuối cùng. Binh lính và vệ binh bắt đầu xuống các tàu đỗ bô. Vào nửa đêm thì hạm đội tấn công chở theo binh lính của Pháp tiến đến thành Vĩnh Long.
Buối sá!!!5842_32.htm!!! Đã xem 67961 lần.


Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 7 năm 2005