Dịch giả: Vương Quỳnh Ngân
Chương XI
Cuộc bại binh lần đầu

Từ đài Cô Tô nhìn xuống giáo trường, quân đội nhà Ngô vẫn cường tráng và có qui củ như trước.
Các cô gái Việt trên đài Cô Tô dĩ nhiên có phần thất vọng. Ai nấy tin rằng, cứ Ngũ Tử Tư chết đi thì binh Ngô sẽ tan rã. Nào ngờ, Ngũ Tử Tư chết đã hai năm mà binh lực nhà Ngô vẫn hùng mạnh như trước.
Di Quang thất vọng ê chề. Trong những đêm hôm vắng lặng, hoặc lúc Tây Thi ngủ trưa, Di Quang thường cùng chúng bạn tâm tình:
- Binh Hội Kê chưa phát động là họ đã láo khoét. Trước đây họ nói: “Ngày nay Ngũ Tử Tư chết, ngày mai binh Việt đến Cô Tô”.
Triền Ba biện gii:
- Có lẽ vì một biến chuyển quan trọng nào đó. Di Quang nhớ không, năm rồi quân vương cho người sang Ngô hỏi mượn lương thực. Lương thực không đủ thì làm sao đánh giặc cho được?
- Vì thế mà Ngô vương thêm phần quyết tâm tiến lên mặt Bắc. Sau cái chết của Ngũ Tử Tư, nhà vua định bỏ kế hoạch chinh phạt. Nhưng vì có người Hội Kê đến mượn lương mà nhà vua phát binh đánh Tề.
Các cô cùng thở dài:
- Đợi đến mình già chắc?
- Mười hai hay mười ba năm rồi nhỉ?
Thời gian ở Ngô quá lâu làm cho các cô gái Việt gần như không còn nhớ rõ nữa. Mỗi lần họp mặt than thở, chẳng mấy chốc là các cô nói đến Tây Thi.
- Thật là một con người kỳ cục!
- Tây Thi đã đến mức nguy hiểm rồi đó!
- Không hiểu chị ấy có mưu đồ gì trong cái chết của Ngũ Tử Tư, chứ theo mình thấy thì chị ấy rất thuơng tâm. Hình như không phải chị ấy chủ mưu giết Ngũ Tử Tư.
- Phùng đại phu nói Tây Thi là một nữ gián điệp tuyệt vời, nhưng tôi không tin.
- Có thể là Phùng đại phu nói mỉa đó!
- Không. Đại phu nói thật và tôi biết rõ ý người. Theo người, Tây Thi làm việc rất cẩn thận khiến ai cũng hiểu là chị ấy thật sự yêu Ngô vương và được Ngô vương yêu lại.
Các cô tha hồ bàn luận, không biết chắc đâu là đâu. Nỗi buồn phiền trong các cô ngày một gia tăng vì cả năm rồi, Phùng Đồng không cho các cô một chỉ thị nào cả.
Phần Ngô vương thì đã khởi binh phạt Tề chưa thấy trở về. Một mình trên Cô Tô đài, cuộc sống của Tây Thi rất đỗi bình yên nếu trông vào dáng vẻ bên ngoài. Nhưng ở tận đáy lòng nàng, mối khổ sầu đã đóng thành khối.
Thời gian dằng dặc càng lúc càng làm cho nàng cảm thấy cuộc đời rỗng tuếch. Sứ mạng nhận lãnh của quốc gia, thành thật nhìn nhận, nàng không có cố gắng thi hành. Về phương diện tình yêu, nàng cũng đã phụ tình. Nàng thường mong muốn trọn vẹn đôi đàng nhưng đây là một mối mâu thuẫn không có cách nào thống nhất.
Sáng nay, trên bình đài, Tây Thi đang tập múa kiếm, bỗng có tin báo thái tử Hữu một mình bước lên đài.
Lâu lắm rồi, Tây Thi và thái tử Hữu rất ít khi qua lại. Dưới mắt người Ngô, thái tử Hữu thuộc phe Ngũ Tử Tư. Tử Tư không ưa Tây Thi thì thái tử cũng bất mãn nàng. Vì vậy, ngay lúc vua cha ở nhà, thái tử cũng rất ít khi bước lên đài Cô Tô vì không muốn gặp Tây Thi.
Thế nên, khi nghe thị vệ báo có thái tử đến, Tây Thi rất ngạc nhiên. Nàng vội trao kiếm cho thị nữ, đoạn vào trong thay đổi y phục. Nàng thầm nghĩ, thái tử đến ắt có tin từ mặt trận. Và nếu vì tin mặt trận thì tin ấy hẳn quan trọng phi thường.
Tây Thi vội vàng trở ra tiếp người khách hiếm. Thái tử nghiêm trang hành lễ với nàng:
- Tây Thi phu nhân!
- Kìa! Thái tử, có phải có tin từ mặt trận không?
- Phụ vương sai tôi về vấn an phu nhân.
Nhìn thần sắc sợ hãi của Tây Thi, thái tử Hữu trở giọng nhẹ nhàng:
- Có lẽ phụ vương còn mất thêm một thời gian nữa ở mặt trận...
Tây Thi mẫn cảm, xanh mặt. Nàng có phần lo đo, khó khăn lắm mới nén được tiếng thở dài, hỏi giọng âu lo:
- Thái tử, có phải quân mình thất lợi...
- Bẩm phi, nhưng không lấy gì làm nghiêm trọng. (Thái tử vẫn giữ giọng hòa hoãn). Phụ vương không báo thẳng cho phu nhân biết vì sợ phu nhân sốt ruột. Phụ vương sai tôi về nói rõ tình thế: chúng ta chỉ thất bại nhỏ mà thôi.
Tây Thi cúi đầu, từ từ ngồi xuống.
- Thái tử! Tình trạng của đại vương như thế nào? Đã năm hôm rồi, thiếp chưa nhận được tin tức.
- Phụ vương rất bình yên.
Bấy giờ, Tây Thi mới mời thái tử ngồi.
Im lặng một lúc.
Đôi bên đều có bao lời muốn nói nhưng đều nhận thấy sự xa lạ giữa nhau nên chưa tiện nói ra. Vì vậy. Tây Thi truyền cho thị nữ dâng rượu.
- Tây Thi phu nhân!... Phụ vương hối hận về việc giết Ngũ tướng công...
Tây Thi giật nẩy, nhìn thái tử, nghĩ rằng thái tử sẽ dùng điểm ấy vào đề trách nàng. Nàng hỏi lại:
- Tướng phụ chết đi, phải chăng đã ảnh hưởng đến lần tác chiến này?
- Bẩm phi. Binh Tề không sợ chúng ta, về mặt khí thế, chúng ta không lấn át họ. (Thái tử thở dài tiếp). Tây Thi phu nhân! Phụ vương có viết ra đây niềm hối hận đã không nghe lời phu nhân để bảo toàn tướng phụ.
Tây Thi buồn bã lắc đầu, ngăn thái tử:
- Thôi đi!...
- Phụ vương còn nói, vì tướng phụ chết mà phu nhân bệnh một thời gian. Phụ vương bảo tôi thay người nhận lỗi với phu nhân...
- Thái tử! Thiếp không muốn nghe nhắc chuyện cũ.
- Bẩm phi. (Thái tử cao giọng). Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng tướng phụ chết là vì phu nhân! Xin tha thứ cho ý nghĩ thấp kém của tôi.
Tây Thi có phần xốn xang:
- Thái tử, bỏ qua chuyện cũ đi! Trước kia, đại vương luôn luôn đối tốt với tướng phụ...
Tiếng nói của Tây Thi nhỏ rứt.
Im lặng thêm một lúc, thái tử Hữu mới thận trọng nói:
- Tây Thi phu nhân! Tôi muốn trưng dụng binh Bình Vọng đưa đi tiếp viện. Tôi biết, phụ vương không thắng trận này thì không chịu quay về.
Nghe nói đến “binh Bình Vọng”, Tây Thi không rét mà run. Lúc sống, Ngũ Tử Tư đã huấn luyện riêng số tân binh này để đề phòng nước Việt! Ngô vương từng muốn điều động cánh quân này nhưng Ngũ Tử Tư từ chối. Giờ thái tử Hữu lại cũng muốn rút cánh quân này khiến Tây Thi khó xử vô cùng.
- Tây Thi phu nhân! Mong được phu nhân cho ý kiến.
- Thái tử! Từ trước đến nay, thiếp không hề tham gia chính sự. Hơn nữa, thiếp là người Việt, đối với vấn đề này không nên nói gì. Nghe đâu tướng phụ lập đội quân ấy là để ngăn ngừa Việt vương sinh tâm.
- Phu nhân! Tình hình trước mắt khá nghiêm trọng. Nếu phụ vưng bại binh ở Trung Nguyên thì nghiệp bá của chúng ta đứt rồi... Huống chi, xây xong nghiệp bá thì nước Việt sẽ vĩnh viễn phát run, không dám làm ngụy. Chớ nếu rủi ra phụ vương thất bại ở Trung Nguyên thì Tấn, Tề, Sở có thể liên hiệp với Việt mà tấn công ta.
Thái Tử lo lắng nói tiếp:
- Tuy biết tân quân Bình Vọng không thể tùy tiện điều động nhưng với tình hình trước mắt, chúng ta không thể không dồn lực lượng vào Trung Nguyên.
- Thế thì xin tự thái tử quyết định lấy!
Tây Thi mỉm cười hiền hòa để che giấu nỗi băn khoăn trong nàng:
- Đối với quốc chính, thiếp không thể tỏ bày ý kiến.
- Phải rồi... (Thái tử Hữu trầm ngâm một thoáng đoạn tiếp). Tôi muốn nhờ thái tể Bá Hi dẫn đạo quân ấy lên mặt Bắc.
Đối với Bá Hi, Tây Thi luôn mất cảm tình tuy Bá Hi có lợi cho nước Việt. Nhưng trước sau như một, nàng vẫn xem Bá Hi không được chút nào. Thế nên, nàng phản đối, song là phản đối thật khéo:
- Thiếp thường nghe đại vương nói, Bá Hi sở trường về chính trị chớ không chuyên quân sự. Thái tử phái Bá Hi đi, biết đại vương có phản cảm gì không?
- Vậy để tôi phái Lâu Đông Trường Nhơn Ngu dẫn quân đi. Tự tôi sẽ đến trấn giữ Bình Vọng.
Lâu Đông Trường Nhơn Ngu là một dũng sĩ nổi danh của Ngô quốc. Năm xưa, tiếng tăm của người rất hiển hách trên chiến trường. Trong trận Hội Kê, Lâu Đông Trường Nhơn Ngu góp công nhiều nhất nhưng gần đây, Người già cả, bệnh hoạn, thối ngũ. Tây Thi rất biết Người, và cũng rất tin Người. Thế nên, lúc thái tử Hữu nhắc đến Lâu Đông Trường Nhơn Ngu thì Tây Thi mỉm cười, im lặng một thoáng mới nói giọng khẩn khoản:
- Thái tử! Thiếp có thể đi theo trong quân không?
- Tự nhiên có thể. Nhưng phụ vương mong phu nhân ở lại Cô Tô hơn!
- Thiếp sẽ tùy tình hình mà quyết định. Nếu có thể được, thiếp sẽ theo lên mặt Bắc với đại vương. Bằng không, thiếp sẽ ở Ngô cung chờ nghênh đón đại vương.
Cuộc bàn bạc đến đây là chấm dứt. Và lần thứ nhất, tân quân Bình Vọng bị điều động. Cũng lần thứ nhất Tây Thi đi theo quân đội chinh Bắc.
Lâu Đông Trường Nhơn Ngu nay đã già rồi. Người đứng trên chiến xa kéo quân lên mặt Bắc, tuy cũng ưỡn ngực uy nghi song đầu người trắng xóa khiến ba quân có cảm giác về chiều. Tây Thi vì thế mà buồn. Nàng thầm lo số tân binh này vì mất Ngũ Tử Tư mà mất tinh thần chiến đấu. Nàng cũng thầm lo vị lão tướng không đương nổi trọng trách lúc quyết chiến.
Ngoài thành Cô Tô, thái tể Bá Hi suất lãnh cung viên đến đưa tiễn. Bấy giờ, thái tử Hữu đã cẩn thận sang Bình Vọng trấn nhiệm nên không dự cuộc tiễn đưa. Nhận xong tiệc rượu của Bá Hi, Lâu Đông Trường Nhơn Ngu truyền lệnh bày đội ngũ cho Tây Thi và Bá Hi duyệt qua lần chót.
Bấy giờ, gia thần của Bá Hi là Phùng Đồng tự đến đánh xe cho Tây Thi.
Chiến xa đi từ hướng Tây vào trung ương. Phùng Đồng đưa cao roi ngựa, bảo các vệ sĩ xuống xe đem vật dụng đến cho Lâu Đông Trường Nhơn Ngu. Trên xe bấy giờ chỉ còn lại Tây Thi và Phùng Đồng.
Phùng Đồng nói giọng reo vui:
- Tây Thi! Thời giờ của chúng ta càng lúc càng gần. Rồi đây, Ngô quốc nhất định sẽ chiến thắng ở Trung Nguyên. Sau khi họ thắng là đến chuyện của chúng ta.
Tây Thi liếc qua Phùng Đồng không nói gì. Phùng Đồng tiếp:
- Cô nương đã vì Tổ quốc lập được đại công... Vấn đề điều động tân quân Bình Vọng đối với chúng ta thật hết sức quan trọng. Mong ở phương Bắc, cô nương cố gắng khuyến khích Ngô vương tranh bá với Tấn. Ngô - Tấn chống nhau là lúc chúng ta vào Cô Tô!
Lòng Tây Thi quặn thắt. Chuyện điều động tân quân Bình Vọng đã ghi khắc trên vai nàng. Đối với nước Việt, nàng lập được đại công. Nhưng đối với Ngô quốc thì nàng không sao tránh khỏi làm bia cho ngàn năm mắng chửi. Ôi, mà nào nàng có chủ tâm làm nên chuyện ấy cho cam!
- Tây Thi! Quân vương đã vì cô nương mà hãnh diện, Phạm đại phu cũng phái người đến nhờ tôi vấn an cô nương và báo rằng: Ngày giờ cả hai gặp lại gần rồi!
Phùng Đồng nhìn thấy lính mỗi lúc mỗi đến gần, nói thêm:
- Nhưng, lúc cô nương từ phương Bắc về thì quân ta đã vào thành Cô Tô.
Tây Thi chưa kịp trả lời thì vệ sĩ bảo vệ xe đã trở lại.
Phùng Đồng nói nhỏ lời bảo Tây Thi thận trọng đoạn giục xe vào trung tâm. Bấy giờ, tiếng trống vang rền, quân Ngô xuất phát.
Tình trạng giao chiến với Tề thật là thảm não!
Bao phen chinh chiến, đây là lần thứ nhất, Ngô vương Phù Sai bứt rứt, đứng ngồi không yên. Không phải thua lớn nhưng sau ba lần tấn công, quân Ngô đều bị quân Tề anh dũng đánh lui cả ba. Binh xa Ngô quốc tổn thất hơn trăm, bên Tề cũng thiệt mất ngần ấy. Thế nên, tuy quân Ngô tấn công không thủng, quân Tề cũng không đủ lực lượng phản công. Trận chiến nhì nhằng, cứ thế kéo dài.
Ngô vương mệt mỏi lắm rồi, ngài biết rằng trận chiến này phải thắng chứ không thể để bại. Nếu bại, hùng đồ tranh bá ở Trung Nguyên sẽ trở thành không. Và nước Ngô sẽ vì đó mà bị giáp công. Bao vây Ngô đầu tiên sẽ là Sở và Việt. Hai nước này chỉ vì quân Ngô quá mạnh mà ngần ngại, chưa hành động đó thôi. Nếu Ngô bại trận ở Tề thì họ sẽ không còn sợ gì nữa. Nước Ngô sẽ lâm vào nguy hiểm.
Thế nên, Ngô vương chỉnh đốn đội ngũ, cố giữ nguyên tình trạng, mong lấy việc không lui binh uy hiếp cho người Tề đầu hàng.
Chỉ cần Tề đầu hàng, Ngô sẽ rút quân liền. Ngô vương cho rằng Tề có thể đầu hàng. Vì trong quá khứ, đã bao phen Tề làm như vậy. Đầu hàng tượng trưng cũng được, cứ Tề lên tiếng đầu hàng thì Ngô rút quân, có gì là không hay đâu!
Ngô vương chờ đợi, đồng thời lén phái người liên lạc với Trần Hằng đang chấp chính nước Tề để giục Trần Hằng cầu hòa.
Nhưng Trần Hằng không cầu hòa. Tuy không đủ sức phản công, Trần Hằng đã nhìn thấy Ngô vương có ý định muốn rút lui. Thế nên, người cũng có cách tính toán riêng. Cứ quân Ngô mỏi mệt rút lui thì trong sách sử sẽ có tên Trần Hằng đẩy lui quân Ngô, hiển vinh biết mấy!
Vì những lẽ trên, đôi bên Ngô, Tề đều cố gắng cầm cự.
Quân Ngô đã được dày công huấn luyện, tuy sau ba lần tấn công không thắng, song dưới sự đôn đốc của nhà vua, tinh thần chiến đấu không sút. Duy có thời gian làm cho nhụt nhuệ khí đi. Thậm chí có binh sĩ hỏi nhau: “Chừng nào chúng ta có thể kéo về?”. Nhớ quê là một thứ tình cảm bất lợi trong quân.
Mỗi đêm, Ngô vương đều đích thân đi tuần tra. Có thể nói, chính sự nhọc nhằn của nhà vua làm cho binh sĩ còn tinh thần chiến đấu. Bất luận ngày đêm, Phù Sai đều có mặt giải quyết quân vụ. Mỗi ngày, nhà vua ngủ không quá ba giờ.
Đêm nay, nhà vua được tin có quân tiếp viện từ Giang Nam qua sông rồi theo đường thủy tiến lên mặt Bắc, vài ngày nữa là có thể tham chiến. Nhà vua không cho công khai tin ấy, định sẽ xuất kỳ bất ý tấn công một trận mà xoay trở cục diện.
Nhưng đồng thời nhà vua cũng có mối lo âu. Nếu lời tiên đoán của Ngũ Tử Tư trở thành sự thật, nếu Lâu Đông Trường Nhơn Ngu điều động tân quân Bình Vọng đi rồi, quân Việt thừa thế kéo rốc qua thì tình thế không sao tưởng tượng! Hơn nữa, nhà vua cũng có phần băn khoăn đối với Tây Thi. Nếu nàng nhìn thấy nhà vua bại trận thì thật không còn mặt mũi nào cho nhà vua hết!
Tây Thi, từ bao giờ vẫn xem nhà vua chồng nàng là anh hùng vĩ đại nhất. Nhà vua không muốn bị mất mặt trước người yêu. Ngô vương thầm nghĩ: Nhất định Tây Thi đã nghe được tin ta thất lợi ở chiến trường! Nhất định nàng vì ta mà lo âu... Nàng là người đàn bà quan tâm đến ta nhất! Nhất định ngày đêm nàng gọi tên ta... Nhất định ta phi thắng trận để cho nàng thấy...
Bồi hồi trước trận tiền, bao nhiêu ý nghĩ đổ xô vào Ngô vương. Tiếng trống điểm canh lại như thúc giục khiến tinh thần Ngô vương căng thẳng ghê gớm! Nhà vua bỗng nắm chặt tay, lẩm bẩm:
- Ta không thể thất bại!
Từ thoáng đã có tiếng yếu ớt vọng về:
- Ta không thể thất bại!
Tiếng vọng làm cho Ngô vương ngạc nhiên, chú mục nhìn quanh. Do đó, nhà vua bắt gặp một binh sĩ đi tới, khom mình nói:
- Đại vương có thể về nghỉ.
Nhà vua như một dã lang gio tai nghe động tĩnh từ xa đến gần. Đột nhiên, nhà vua đưa cao tay mặt hỏi:
- Bây giờ, quân địch ngủ cả phải không?
- Tâu vâng, đại vương!
- Thế thì bây giờ chúng ta tấn công.
Ngô vương nói như chỉ để nói với mình, đoạn khoa bước vào phòng đặt kế hoạch tấn công đêm. Ngài nghĩ: Bây giờ xua quân tấn công thì có thể bắt buộc Trần Hằng cầu hòa... Theo tưởng tượng thì dường như nhà vua mặc áo giáp, cầm mâu xông vào quân địch. Nhưng thời gian lặng lẽ trôi qua, kế hoạch tấn công ban đêm lần lần bị xóa bỏ. Không phải nhà vua không có hùng đồ mà là nhà vua bị mất niềm tin, sợ rằng rủi ra thất bại, cuộc diện bây giờ sẽ không giữ được. Nhà vua nằm trên giường thở dài.
Tiếng trống điểm canh lại vang lên lần nữa... Tiếng trống canh tư...
Gió đêm vi vu. Kế có tiếng sừng báo hiệu. Ngô vương biết đó là còi hiệu đổi phiên canh. Chiến trường qua được một đêm yên tĩnh.
Viện binh Ngô quốc đã đến chiến trường.
Tây Thi nhìn thấy nhà vua sạm nét phong trần tại chiến trường. Thần sắc của nhà vua khiến nàng âm thầm kinh mạng. Cách nhau năm tháng, Ngô vương dường như già hơn năm tuổi. Tóc râu không cắt, gió táp, nắng ăn khiến Ngô vương vừa đen vừa cằn. Bề ngoài nhà vua vẫn còn giữ vẻ tráng kiện nhưng từ đôi mi không sao giấu được nét ưu sầu.
- Tây Thi, nàng đến thật đúng lúc. Trẫm sẽ thắng trận cho nàng xem.
Nhà vua vừa nói vừa cười nhưng cười không được tự nhiên lắm. Tây Thi cố giữ điềm tĩnh, tươi vui nhẹ nhàng như lúc ở Cô Tô đài:
- Thiếp đến là để đón Quân vương ca khúc khải hoàn!
- Người Tề vì việc trẫm giết Ngũ Tử Tư mà có phần không sợ chúng ta. Họ cho rằng quân ta không có Ngũ Tử Tư thì không thể thắng. Có lý nào như vậy. (Ngô vương thẳng thắn trình bày chiến cuộc). Họ liều mạng cầm cự chờ ta rút lui! Họ thật hồ đồ, quân vương nước Ngô chưa bao giờ bại trận rút lui.
Ngô vương hít một hơi dài nói luôn:
- Tây Thi! Mấy lúc này, trẫm rất mệt...
- Tân quân Bình Vọng đến rồi, thiếp tin chắc chỉ đánh một trận là quân Tề tan rã.
- Tây Thi! (Nhà vua bỗng đầy vẻ sợ sệt, âu lo). Trẫm hỏi khanh...
Đợi một lúc, Tây Thi mới hỏi:
- Quân vương muốn hỏi gì?
- Việt quốc có thể nhân lúc ta rời Cô Tô mà tấn công không?
- Phù Sai!
Tây Thi thấy thẹn, trầm ngâm một thoáng mới lấy lại thản nhiên đáp:
- Nếu quân Việt đánh đến Cô Tô, thiếp sẽ thắt cổ trước mặt quân vương...
- Kìa, Tây Thi, trẫm không nghi ngờ lòng khanh. Trẫm chỉ muốn hỏi cho rõ tình hình... Quân Việt đánh vào Cô Tô có liên quan gì tới khanh đâu! Tuy là người Việt, khanh đã là quân phu nhân của nước Ngô! Trẫm hỏi khanh vì khanh và trẫm là một. Tây Thi, đừng quá nghi ngờ...
- Phù Sai! (Tây Thi tựa người vào nhà vua, thủ thỉ). Thiếp không có cách nào nói về vấn đề của nước Việt. Thái tử đóng quân ở Bình Vọng, thiếp tin rằng, tạm thời không có vấn đề gì. Nếu có, thái tử cũng có thể đối phó được.
Đó là cách nói như không nhưng Tây Thi đã phải cố gắng lắm mới nói được. Nàng cảm thấy, cứ có vấn đề liên quan giữa Ngô và Việt thì nàng nói gì cũng không tiện.
Ngô vương đặt một tay lên vai nàng.
- Trẫm mong thay đổi được cuộc diện.
Ngô vương từ từ quay lại, truyền cho thị vệ đi triệu Lâu Đông Trường Nhơn Ngu. Sau đó, nhà vua bước ra luôn, có Tây Thi bên cạnh.
Chẳng bao lâu, Lâu Đông Trường Nhơn Ngu đến. Tóc người trắng xóa, đầu cao hơn người khác một đầu. Đội Hiền Lương bày ra hai bên, Ngô vương nhìn Trường Nhơn Ngu với cảm giác xúc động. Bởi tuy lão thối ngũ đã bảy năm rồi, mọi người vẫn nhớ chuyện ngày xưa của lão...
Ngày xưa, Ngũ Tử Tư đã bảo lão:
“Ngươi rời khỏi chiến đoàn đi!”.
Trường Nhơn Ngu hỏi lại “Tại sao?”, thì Ngũ Tử Tư đáp: “Ta không thể để cho một danh tướng chết giữa chiến trường...”.
Bây giờ, Trường Nhơn Ngu có mặt tại sa trường, chứng tỏ cuộc thế đã đến mức nghiêm trọng lắm!
- Ngu! (Ngô vương nhìn thấy đầu lão trắng xóa cũng có phần cảm thán gọi nhỏ. Ngừng lại một lúc Ngô vương mới hỏi). Khanh thấy tình hình thế nào?
Thái độ Trường Nhơn Ngu rất nghiêm túc:
- Chúng ta có thể thắng trận!
- Khanh và tân quân Bình Vọng thật quen thuộc nhau không?
- Thần có thể chỉ huy như ý.
- Được rồi, vậy trẫm và khanh cùng xuất phát.
Ngô vương nắm chặt đầu tay gọi:
- Vương Tôn Hùng!
Vương Tôn Hùng nai nịt gọn gàng, bước tới mấy bước, đứng nghiêm trước mặt Ngô vương. Nhà vua phân công:
- Khanh phụ trách trung quân, dùng cờ hiệu của ta, thử tấn công địch trước có tính cách đánh nhứ. Đợi khi hai cánh khác khởi tấn công, khanh mới thật sự tấn công. (Ngô vương quay bảo Phó Nghi là người chỉ huy đội Hiền Lương). Khanh chuẩn bị binh xa, phụ trách cánh mặt.
Ngô vương đích thân chỉ huy hai trăm chiến xa và ba ngàn bộ binh từ bên mặt công thẳng vào đội ngũ kiên cố của quân Tề. Ngô vương phái tám tên lực sĩ chia nhau ở lại trên bốn chiến xa kiên cố để bảo vệ Tây Thi phía sau. Trước khi chia tay, nhà vua đặc biệt dìu Tây Thi lên xe, đồng thời gọi tên đánh xe đến dặn nhỏ:
- Nếu mặt trận phía trước bất lợi, ngươi phải đưa xe gấp rút trở về, đừng để Tây Thi phu nhân lâm cảnh nguy hiểm! Lại nữa...
Ngô vương muốn nói: “Nếu ta gặp điều bất trắc...”, song rồi Ngô vương bỏ lửng, không nói. Dặn dò một tên đánh xe về chuyện hậu sự thật không tương xứng với thân phận nhà vua.
Bốn chiến xa bảo vệ Tây Thi ở khu trung tâm. Tây Thi đứng trên xe, vẫy tay chào vị vua nước Ngô lâm trận.
Binh xa rầm rộ kéo đi lốc bụi mịt mù.
Cờ hiệu vang vang, tiếng trống như sấm. Một chiếc xe chở thầy đồng bóng phất cờ dũng sĩ...
Từ cánh trái, Lâu Đông Trường Nhơn Ngu hướng dẫn ba mươi loại xe xung phong đi trước, theo sau có hai trăm kỵ binh. Sau nữa, còn có một trăm hai mươi xe và một ngàn bộ binh. Tất cả là phân nửa số quân Bình Vọng từ xa đến. Số tân binh còn lại thì dành để ngăn giữ mặt sau và tiếp ứng cho trung ương.
Chiến trận bắt đầu, đầy khu nguyên dã toàn tiếng giết chóc.
Tây Thi đứng yên trên xe, chờ nghe báo cáo. Kỵ binh cứ mang lệnh truyền từ sa trường đi đi lại lại.
Tin đầu tiên Tây Thi nhận được đúng như dự liệu của Ngô vương:
- Báo cáo với phu nhân, đại phu Vương Tôn Hùng cho hay, Ngô vương đã xông vào trận địch.
Tây Thi nghĩ thầm: Phù Sai còn can đảm hơn Trường Nhơn Ngu! Đồng thời, nàng cũng thầm lo cho sự an toàn của Ngô vương.
- Phu nhân! Trường Nhơn Ngu đã tấn công rồi. Tân quân Bình Vọng của chúng ta thật dũng cảm.
Tin ấy làm cho Tây Thi mỉm cười. Nhưng kế tiếp là những tin báo làm cho nàng rầu: binh Tề đã phản công. Họ gọi tên Ngũ Tử Tư để làm cho quân Ngô rối loạn.
Tây Thi lại nghĩ: Thế này thì quân Ngô sẽ mất tinh thần!
Kế tin báo, một cánh quân Tề từ trung lộ xuất hiện cắt đứt người ngựa cánh phi của Ngô vương. Một giờ sau lại có tin báo:
- Phu nhân! Đại phu Vương Tôn Hùng đã tấn công vào trung lộ tiếp ứng cho đại vương.
Nghe thế, Tây Thi vẫn không có cách nào giữ được điềm tĩnh. Máu huyết trong nàng như mỗi lúc một chạy nhanh thêm khiến nàng nghe tim đau nhói... Nàng nhắm mắt, ngửa mặt van vái với trời xanh:
- Trời ơi! Xin đừng để thiếp trở bệnh nơi này!
Xa hữu nhận ra sắc mặt của phu nhân nước Ngô mỗi lúc một xanh tái!
Chẳng bao lâu có thêm tin báo:
- Đội cảm tử Bao Thị nước Tề đã xông vào đội ngũ trung ương của quân Ngô.
Thế là chiến trận đã thành hỗn loạn. Quân Ngô tuy có chiếm ưu thế song hơn chẳng bao nhiêu. Bất cứ một vài thay đổi nào cũng có thể làm mất đi ưu thế ấy.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Từ tuyến đầu có một số thuơng binh được đưa về.
Nhìn máu me bê bết đường đi, tim Tây Thi lại quặn thắt...
Thứ đến, có một chiếc xe từ tiền phương chạy bay về, trên xe có một tướng đứng tựa cột cờ, rõ ràng đã bị thuơng. Tây Thi nhìn rõ xe của đội Hiền Lương nên ra lệnh cho xe nàng lướt tới.
Người thọ thuơng là chỉ huy trưởng Phó Nghi, bị thuơng ở tay phải và vai phải. Lúc nhìn thấy Tây Thi, Phó Nghi cố gượng nói giọng reo vui:
- Tây Thi phu nhân! Chúng ta thắng rồi! Đại vương thần dũng đã công phá trại địch.
Trận chiến ác liệt đã thâu được kết quả sơ bộ.
Tây Thi chờ đợi, nhìn thuơng binh, xe hư lần lượt rút về. Trong giây phút ấy, nàng chợt nhận ra tim nàng trầm trầm như mặt trời lặn, tụt xuống, tụt xuống... Trước kia, nàng hy vọng Ngô vương sẽ là chúa tể anh hùng trong thiên hạ. Nhưng sau khi tận mắt nhìn cảnh chiến trường, hùng tâm của nàng lập tức vỡ vụn, tan đi.
Anh hùng là tắm máu đồng loại thế này!
Anh hùng là phải giết biết bao nhiêu người mới được công nhận! Và biết bao người chưa được xưng tụng anh hùng đã bị giết rồi!
Chẳng bao lâu sau, có một cánh quân trở về. Thắng trận đó nhưng trông họ không có hào tính chút nào! Họ cúi gầm, tỏ vẻ mệt mỏi không chịu được.
Ngày đã hết rồi, hoàng hôn đến.
Chiến địa sáng choang với không biết bao nhiêu ánh lửa. Tuy rất mệt mỏi, Tây Thi không muốn trở lại cung trướng mà còn chờ đợi Ngô vương.
Tin tiền phương dội về cho hay, toàn bộ binh Tề đã bại thối. Ngài vẫn bình yên. Đồng thời, Ngô vương khuyên nàng hãy nghỉ ngơi. Bấy giờ Tây Thi mới thở phào, vào trướng. Trong giây phút ấy, nguyện vọng duy nhất của nàng là: Từ rày về sau, đừng bao giờ có chiến tranh nữa!
Về đêm, hoạt động chiến trường vẫn chưa ngừng nghỉ. ở tiền phương, Ngô vương xuất lĩnh đại quân truy Nam rượt Bắc, mưu định tạo nên nhuệ khí cho tân quân Bình Vọng công phá thủ phủ Lâm Truy của Tề. Nhưng ở hậu phương, chung quanh nơi Tây Thi nghỉ có đến hàng trăm hàng ngàn tiếng rên đau...
Trăng sao trên trời, gió đêm phe phẩy.
Sáng ngày thứ hai chẳng bao lâu, Ngô vương và Trường Nhơn Ngu trở lại. Đại phu Vương Tôn Hùng lãnh nhiệm vụ truy kích đại binh Tề.
Tuy thắng lợi đó nhưng sự thâu hoạch thật nghèo nàn! Hơn nữa, lúc Ngô vương truy kích bại quân thì bị hậu quân Tề ngăn cản, phải nhờ cánh quân của Trường Nhơn Ngu đánh đuổi. Hơn nữa, chủ lực hậu phòng của Tề không bị tổn thất. Theo Ngô vương định thì có đến bốn trăm xe Tề vẫn còn nguyên! Vì thế, Ngô vương rút đội chủ lực về, để Vương Tôn Hùng với ba trăm xe và ba ngàn người lấy công làm thủ mà trông chừng Tề binh.
Sau một ngày đêm quyết chiến ác liệt, Ngô vương cường tráng cũng tỏ ra thảm não khôn cùng. Lúc Tây Thi cởi áo giáp cho Ngài, nàng nhận ra y phục toàn đẫm ướt.
- Quân vương, để thiếp lau...
- Không đâu, tự trẫm lau lấy được.
Tuy mệt mỏi, nhà vua vẫn không muốn cho Tây Thi phục dịch mình. Ngài vỗ nhẹ cánh tay nàng, nhưng Tây Thi dịu dàng nói:
- Để thiếp vì quân vương một lần.
Tây Thi dùng nước nóng tắm cho nhà vua, sau đó lại giúp ngài gội đầu, chải tóc.
Ngô vương cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, thơ thới. Ngã mình trên nệm, nhà vua cao giọng nói:
- Tây Thi! Trận đánh thật quyết liệt, thiếu chút nữa chúng ta đại bại.
Tây Thi vừa xoa bóp cho nhà vua vừa đáp:
- Thiếp biết... Thiếp cũng nhìn thấy nữa.
- Xoa bóp thế này dễ chịu quá! Tây Thi, nếu nàng không mệt thì làm lại đôi lần.
Tây Thi mỉm cười:
- Thiếp không cảm thấy mệt gì.
- Ơ... (Chập sau, Ngô vương thở dài nói thêm) Quân Tề như điên ấy, cứ liều chết, chết bao nhiêu lại tiến lên bấy nhiêu!
- Thiếp nghe nói, quân vương còn dũng cảm hơn cả Trường Nhơn Ngu.
- Lão ấy già rồi... nhưng đánh giặc rất giỏi. Có thể nói đây là trận lão đánh hay nhất. (Không vui vẻ gì, Ngô vương lại thở dài) Trận này, chúng ta cũng bị tổn thất nặng nề. Hư ít nhất cũng trăm năm chục xe và vừa chết vừa bị thuơng có đến trên hai ngàn rưỡi!
Tây Thi âm thầm giật nẩy song không để lộ ra.
- Trẫm nghĩ là quân Tề sẽ chạy thẳng về Lâm Truy, không ngờ họ bày thêm trận ở giữa đường. Tây Thi, trận ấy làm trẫm mệt ngất!
Tây Thi mỉm cười, chuyển đề:
- Còn bây giờ?
- Bây giờ rất dễ chịu!
Ngô vương nhắm mắt, chẳng bao lâu ngủ vùi. Tây Thi cũng nằm xuống, ngủ bên cạnh.
Tề xin hòa rồi! Lúc Ngô vương ngủ say, Trần Hằng phái người đến Vương Tôn Hùng xin hòa. Nhưng lúc Ngô vương thức giấc thì tin nhận được đầu tiên là tin Trường Nhơn Ngu thổ huyết.
Ngày đêm lăn xả vào cuộc chiến ác liệt đã làm mất hết nguyên khí tàn tạ của vị lão tướng nước Ngô. Chiến trận kết thúc, bao nhiêu tinh lực tập trung căng thẳng được xã ra thì vị lão tướng ấy không còn giữ mình được nữa.
Đối với Ngô vương, tin ấy như tin sét đánh! Ngài vội choàng áo đi vào doanh trại viếng thăm.
Hơi thở trầm trầm, nhìn thấy nhà vua, Trường Nhơn Ngu cố nhếch nụ cười thê thảm nói:
- Đại vương! Đáng kể là thần không chết tại chiến trường. Năm xưa, Tướng phụ bảo: “Một vị tướng thành danh không thể để địch nhân đánh chết! Vì như thế sẽ làm mất uy phong của mình và tăng dũng khí cho địch!” May mà thần đã đứng vững trên chiến xa quay về!
- Ngu! (Ngô vương cầm tay vị tướng già) Trẫm muốn cho thầy thuốc đưa khanh về Cô Tô, để khanh ở trên Cô Tô đài trị bệnh.
- Cm tạ hậu ý của đại vương nhưng thần đã sức cùng lực kiệt. Theo thần nghĩ thì thần không thể sống đến ngày mai. (Ngừng lại một lúc, vị tướng già nghiêng đầu gọi). Bị Ly! Đem trường mâu của ta ra đây để hiến lại đại vương.
Bị Ly là một thanh niên lùn thấp, vạm vỡ, tóc tai bù xù. Nhưng phía trước trán có dấu kéo cắt ngắn, chừa một ít tóc phủ trán. Đó là kiểu cắt tóc dành cho người bị hành phạt.
Ngô vương lạ sao Trường Nhơn Ngu lại dùng một người bị hình phạt ở bên mình, nên hỏi:
- Người ấy là ai?
- Bị Ly là một dũng sĩ, phạm tội lúc tướng phụ mất. Lúc thần từ Cô Tô đi thì thái tể đem giao Bị Ly cho thần làm một xa hữu.
- à, Bị Ly đã lập được công... (Ngô vương liếc qua Bị Ly) Trẫm xá tội cho!
- Bị Ly đã lập được đại công... (Tiếng nói của vị tướng già nhỏ rứt) Hôm qua, Bị Ly đã dùng trường mâu vít lật ba xe Tề và đâm chết năm tên... Bị Ly là một dũng sĩ...
Bị Ly cầm mâu đứng yên, không một phản ứng.
Nhìn trường mâu của vị tướng già, Ngô vương cảm khái khôn cùng. Hơi thở của vị tướng bạc đầu càng lúc càng yếu ớt.
Cảm thấy sinh mạng của vị tướng già sắp chấm dứt, Ngô vương ứa nước mắt nói:
- Ngu! Khanh cần trẫm làm điều gì cho khanh không?
- Tâu không. (Trường Nhơn Ngu phều phào) Kể là thần đã thêm một lần thắng trận!
Nhắm mắt dưỡng thần một lúc, vị tướng già lại mở mắt nói:
- Đại vương! Thần mong được chôn cất ở Cô Tô.
- Trẫm hứa với khanh.
Ngô vương thuơng cảm nhận lời. Vị tướng già mỉm cười, vặn mình rồi chết.
- Ngu!
Ngô vương gọi một tiếng lần cuối rồi cúi gầm đứng lặng. Mãi đến khi các vu sư vào, nhà vua mới chậm rãi bước ra.
Bị Ly bước theo Ngô vương ra ngoài, hai tay dâng trường mâu. Ngô vương nhận lấy, vung lên, nhìn chữ khắc trên cán mâu. Thì ra là binh khí do Ngũ Tử Tư chế tạo. Một hàng chữ ấy làm cho nhà vua bứt rứt trầm ngâm rồi buột miệng hỏi:
- Bị Ly, ngươi có chuyên dùng mâu không?
Bị Ly rống giọng ồ ồ đáp:
- Tâu Đại vương, thần có thể dùng.
- Trẫm ban cho ngươi đó!
Bị Ly nhanh nhẹn đưa tay phải nhận mâu nhưng không nói cám ơn. Ngô vương vừa đi vừa hỏi:
- Trước kia, ngươi phạm tội gì?
- Phạm tội... (Bị Ly nói thẳng) Thần đến ven sông tìm vớt thây tướng phụ và khiêu võ trong rừng cây nên bị thái tể trừng phạt.
- Ngươi là gia nô của Ngũ tướng?
- Thần là đồ tể ở Bình Vọng được tướng phụ thâu dụng dưới cờ vì có sức khỏe.
- Ngươi theo trẫm đến đội Hiền Lương.
Bị Ly vẫn không nói cám ơn, chỉ đi cách khoảng với Ngô vương.
Bấy giờ, Vương Tôn Hùng mới cho người đến báo tin Tề xin cầu hòa. Ngô vương muốn hỏi thêm Bị Ly đôi câu nhưng tin ấy làm cho nhà vua xúc động vội vã quay về nói lại với Tây Thi.
Nàng nhảy dựng, ôm chầm cánh tay nhà vua, hứng khởi nói:
- Quân vương, chúng ta có thể về rồi. Mong rằng từ đây vĩnh viễn không có chiến tranh.
Ngô vương choàng ngang lưng nàng:
- Khanh muốn thế à?
- Vâng, thiếp muốn cùng quân vương trở lại Cô Tô.
- Trẫm nghĩ, bây giờ thì có thể...
Ngô vương kéo dài âm điệu, ngừng lại một lúc mới nói tiếp:
- Trước ngày hôm qua thì thật khó nói. Trẫm không dám loan tin Tấn đã phát binh, chuẩn bị đánh với ta. Nhưng sau trận chiến hôm qua, thì trẫm đoán chừng họ không dám nữa.
Tây Thi ôm mặt nhà vua, cười vang như trẻ thơ.
Vào hai tháng trước, Tấn đã động viên năm trăm chiến xa, chờ đợi thời cơ để phối hợp với Tề. Nhưng sợ uy dõng của quân Ngô nên Tấn không ra quân trước mà chỉ đồn trú ở biên cảnh chờ thôi. Nếu Ngô thất bại thì Tấn sẽ thừa cơ tiến tới.
Ngày hôm sau, Ngô vương tiếp kiến sứ thần Tề quốc tên Bao Bí chính thức sang cầu hòa, đồng thời định ngày hội minh uống máu ăn thề. Thời hạn mười ngày sau rất vừa ý Ngô vương. Ngài muốn tranh thủ thời gian để chỉnh đốn đội ngũ hầu che giấu tổn thất trong trận đánh Tề.
Nhưng sau khi tiếp kiến sứ Tề quay về, Ngô vương đã nhận được tin cấp báo của thái Tử Hữu khiến nhà vua giật nẩy.
Quân Việt đã tấn công rồi.
Nhìn thư cấp báo trong túi vải, đôi mày Ngô vương nhăn tít. Nhưng chớp mắt sau, nhà vua lại nhếch mép cười, vẫy tay cho người đem tin theo vào trong hỏi:
- Ngươi biết nội dung thư báo của thái tử không?
- Tâu biết. Hạ thần là tiểu thần của thái tử. Thái tử còn dặn dò hạ thần phải trình rõ tình hình với đại vương.
Ngô vương gật đầu, ra lệnh cho thị vệ và các tiểu thần bên trong thối lui rồi mới hỏi:
- Binh Việt khởi sự tấn công thế nào? Tại sao quân ta lại bại?
- Muôn tâu, thoạt đầu tù nhân nước Việt trốn sang biên cảnh nước ta có đến bảy tám chục người. Quân Việt theo bắt mà không báo cho bên ta biết. Bọn hạ thần đi tuần bắt gặp nên hai bên choảng nhau. Quân Việt bị quân ta giết hết mười người, số còn lại chạy trốn.
- Đó chỉ là việc tầm thường ở biên giới, sao có thể gây nên can qua được?
- Muôn tâu, tuần binh Việt chạy về thì sang ngày hôm sau có chiến xa và đại đội binh mã tràn tới. Quân tuần của ta bị đánh tan rã. Thái tử nhận được tin ấy liền cho người đi chất vấn, một mặt hạ lệnh chuẩn bị đối phó ở Dư Hàng. Nhưng quân Việt thừa cơ công thẳng vào Dư Hàng, Hiệp Thạch, tiến gần Đồng Hưng... Theo tin bắt được thì quân Việt do Gia Kê Dĩnh thống lĩnh.
- à...
Ngô vương sậm mặt xem kỹ tờ mật báo của thái tử Hữu, chặp sau lại hỏi:
- Lúc ngươi đi đây, Thái tử đã phát binh chưa?
- Thưa chưa.
- Thái tử nhát gan rồi!
Ngô vương cho báo sứ ra ngoài nghỉ, đoạn gọi Cáo Tư vào bảo:
- Ngươi gọi Bị Ly đi giết báo sứ từ Cô Tô đến. Nhớ dặn Bị Ly không cho báo sứ nói một câu nào, cũng đừng để báo sứ nói lọt phong thanh gì.
Mục đích Ngô vương làm thế là để giấu nhẹm tin quân Việt tấn công. Bị Ly hoàn thành nhiệm vụ rất dễ dàng song vẫn để cho Cáo Tư phục lệnh.
Ngô vương trở vào phòng riêng, buồn bã nói với Tây Thi:
- Quân Việt đã xâm phạm biên giới chúng ta!
Từ tận đáy lòng Tây Thi đã có sự run lên vì câu nói này. Ngô vương bắt gặp mặt nàng trắng như tờ giấy thì rất lấy làm hối hận. Ngài yêu nàng, thuơng hại nàng, không muốn cho nàng bị kinh mạng. Thế nên, nhà vua lập tức nở nụ cười, hỏi giọng như nói chi:
- Khanh đoán thử xem tin ấy là thật hay gi?
Biết rõ là thật, Tây Thi vẫn lấp lửng đáp:
- Chưa bao giờ quân vương dối gạt thiếp.
- Nhưng vừa rồi là trẫm nói chơi đó. Ha ha... (Ngô vương cười cởi mở nói thêm) Câu Tiễn muốn đưa binh trợ giúp trẫm đánh Tề nên có hiểu lầm ở biên cảnh.
Cách giải thích nghe xuôi khiến Tây Thi nửa tin nửa ngờ song không hỏi thêm.
- Trẫm muốn làm khanh giật mình chơi... (Ngô vương cả cười, ôm choàng nàng một lúc đoạn đặt xuống) Trẫm còn có việc...
Ngô vương vừa nói vừa đi vào phòng làm việc riêng, dùng dao bén khắc chữ lên phiến trúc trả lời thư thái tử Hữu: Nếu Câu Tiễn đích thân cầm binh thì thái tử hãy giữ chặt Bình Vọng. Bằng chỉ có Gia Kê Dĩnh thì thái tử nên lập tức cho đội chủ lực tấn công ngay.
Viết xong, tự tay Ngô vương cho vào bao da, phong lại, cho người đem đi. Nhưng càng lúc nhà vua càng bối rối, càng nôn nóng. Mười ngày sau có cuộc ước hẹn với Tề nên Ngô vương không thể kéo quân về liền. Huống chi đoàn quân viễn chinh chưa được nghỉ ngơi, không thể tác chiến nữa. Vì thế, nhà vua lại rầu rĩ.
Ba ngày sau lại có tin: Đồng cỏ phía Tây Hiệp Thạch đã bị quân Việt chiếm cứ. Nhưng thái tử Hữu tỏ ra bình tĩnh hơn cho rằng tự mình có thể giải quyết vấn đề này, mong vua cha không phải nặng lòng lo.
Dầu vậy, Ngô vương cũng chẳng yên tâm. Ngài lại viết thư cho Bá Hi, ra lệnh trợ giúp thái tử. Trong thư, Ngài chỉ trích Bá Hi, buộc phi giải thích nguồn cội lý do Việt binh xâm phạm. Bởi vì Bá Hi từng bảo đảm Câu Tiễn không sinh lòng phản trắc.
Tuy không biết rõ tình hình Việt lấn Ngô, nhưng từ thần sắc của Ngô vương, Tây Thi đoán biết đôi phần. Nàng biết, việc Việt lấn Ngô không phải gì, đúng như năm xưa Ngũ Tử Tư đã cảnh cáo. Song nàng không dám hỏi Ngô vương về vấn đề này.
Vận số Ngô vương hình như rất tốt. Hôm nhà vua cùng Trần Hằng hội minh kết hòa thì tin từ quốc nội đưa sang rất lạc quan: thái tử Hữu đã chỉ huy quân Bình Vọng đánh ở Đồng Hưng, đánh tan một cánh quân Việt.
Tin ấy làm cho Ngô vương yên tâm phần nào. Sang ngày thứ hai của cuộc hội minh, Ngô vương còn tổ chức hội yến, mời vua tôi Tề đến xem quân thế Ngô. Sang ngày thứ ba, Ngô vương mới suất lãnh ba trăm xe đi trước, để Vương Tôn Hùng ở lại đoạn hậu.
Tình hình đã hòa dịu nhưng Ngô vương vẫn còn phiền muộn...
Trên đường về nước, nhà vua luôn giữ trầm mặc, đồng thời rất hận Câu Tiễn theo quan điểm của mình. Nhà vua nghĩ, nếu không có Câu Tiễn tấn công phía sau thì quân Ngô đã lấn Tề, lấn Lỗ, bắt buộc Tấn phi hội minh(1). Và nếu được thế thì nước Ngô ở phưng Nam đã trở thành bá chủ Trung Nguyên.
Lúc đại quân qua Trường Giang thì những tin tức liên quan đến việc Việt xâm phạm quân Ngô không còn giấu giếm được nữa. Tây Thi cũng biết rõ cả, liền sai tiểu thần Cáo Tư vời Ngô vương đến trách:
- Tại sao quân vương lại đi giấu thiếp?
- Tây Thi! Trẫm sợ khanh biết rồi buồn. Hơn nữa, tình hình cũng không lấy gì làm nghiêm trọng.
Mắt ửng đỏ, nước mắt Tây Thi chạy ra không có cách nào ngăn được:
- Quân vương!... Thiếp đối với quân vương có chỗ khiếm khuyết... Thiếp ái ngại mình là người Việt... Cũng rất ái ngại quốc gia Việt không cùng Ngô chung sống hòa bình...
- Rồi chuyện sẽ qua mau. Câu Tiễn muốn thăm dò lực lượng phòng vệ hậu phương của ta nhưng trẫm tin rằng Câu Tiễn sẽ biết khó mà rút lui.
Ngô vương và Tây Thi kéo quân về đến Ngô cung ở Cú Khúc.
Bá Hi dâng biểu chương đến, báo rằng quân Việt đã rút lui. Việt vương Câu Tiễn lại còn gửi thư tạ tội. Sau đó, cũng có tin báo của thái tử Hữu: Quân Việt,bị đánh bại, Gia Kê Dĩnh rút khỏi Dư Hàng, đại phu nước Việt là Văn Chủng đã sai sứ đến Bình Vọng nhận lấy trách nhiệm. Sau bản báo cáo, thái tử Hữu còn kèm lời nhận xét Việt binh: Khả năng chiến đấu không quá như lời đồn. Duy có quân sĩ dũng cảm, hành động cơ trí và bắn tên rất chính xác.
Do đó, Ngô vương đã trút được tất cả nỗi niềm tâm sự. Nhà vua truyền lệnh cho đại quân nghỉ dưỡng ở Cú Khúc năm ngày, đồng thời mở tiệc khao quân, ăn mừng thắng lợi.
Đêm nay, tại Ngô cung, Ngô vương cùng ba quân tướng sĩ uống đến say khướt. Tiểu thần Cáo Tư cùng hai tên nội thị đỡ dìu Ngô vương lên thềm vào cung, có Tây Thi đứng ở hành lang nghênh đón.
Bấy giờ dũng sĩ Bị Ly đang giữ nội cung bỗng rời cương vị, nâng cao trường mâu đâm thẳng vào hậu tâm Ngô vương.
Tây Thi đứng bên trên, nhìn thấy liền phát tiếng hô hoán.
Nghe biết có chuyện lạ, Cáo Tư nghiêng mình nhìn thấy thế liền hô: “Thích khách!” Bấy giờ, trường mâu lao tới, Cáo Tư chỉ còn có cách dùng thân che chở cho Ngô vương.
Bị Ly sức mạnh vô cùng, đâm qua thân Cáo Tư còn chạm vào làm thuơng tổn đến Ngô vương khiến cho cả hai đồng thời cùng ngã. Ngô vương đang say khướt song không chút do dự rút kiếm chặt đứt trường mâu. Bị Ly vứt mâu, rút lưỡi trủy thủ nhảy xổ tới.
Tây Thi không kể gì thân mình, sà lại ngăn cản. Nhưng Bị Ly đã dùng tay trái đẩy nàng ngã vật ra vừa lúc Ngô vương đứng lên được, thốc trường kiếm đâm tới. Hai tên nội thị vừa hô thích khách, vừa áp vào cứu nhà vua.
Máu chảy dầm dề nhưng tinh lực Ngô vương thật kinh người. Ngài lách tránh được Bị Ly, nhảy xổ tới bên Tây Thi dùng thân mình ngăn che cho nàng khỏi thuơng tổn rồi mới vung kiếm tấn công.
Bị Ly đã quyết tâm liều mạng, dùng tay trái đón hứng mũi kiếm, vung lưỡi trủy thủ trong tay mặt đâm vào yết hầu của Ngô vương.
Nhà vua chưa bao giờ gặp phải một người có lối chống trả như vậy. Kiếm của nhà vua đã chặt đứt hai ngón tay Bị Ly, đồng thời ngài lại bị lưỡi trủy thủ của Bị Ly đâm chĩa vào ngực. Nhà vua chỉ còn có cách vung tay trái ngăn chặn, nên bả vai bị trúng thuơng liền.
Thị vệ xông đến, nhưng Ngô vương đã khống chế được thích khách trước khi thị vệ xuất thủ. Vừa lúc ngã xuống, nhà vua đã dùng kiếm chặt chân Bị Ly khiến thích khách không sao đứng lên được.
Hai ngọn trường mâu của thị vệ chĩa kềm thích khách. Ngô vương nén đau gượng đứng lên, nhổ lưỡi trủy thủ ở bả vai ra, dùng tay đè miệng vết thuơng, nhìn Bị Ly đang co rúm, trầm giọng hỏi:
- Ai sai khiến ngươi? Tề hay Việt?
Trên mặt Bị Ly lại hiện nét đau đớn nhưng chỉ thoáng sau thì gã lại cười đáp:
- Phù Sai, ngươi quên Ngũ Tử Tư...? Ha ha... Ngươi quên Ngũ Tử Tư!
Thì ra Bị Ly vì Ngũ Tử Tư mà rắp tâm báo thù.
Biết nhà vua đã bị trọng thuơng, sợ máu ra nhiều có hại, Tây Thi chen lấn ra trước, khuyên Ngô vương vào nghỉ, để thẩm vấn sau.
Gượng vào được nội thất, Ngô vương ngã quỵ tựa trường kỷ. Sau lưng nhà vua đã bị trường mâu rạch một đường dài hai tấc, vai trúng lưỡi trủy thủ khá sâu, máu ra ướt đẫm y phục.
Lang y và nội thị lo rịt vết thuơng, bốc thuốc, Tây Thi ngưng khóc, đứng bên nhìn Ngô vương. Trọn chuyện vừa rồi làm nàng hết vía!
Được băng bó xong, Ngô vương vẫy tay mặt gọi:
- Tây Thi!
Nàng run rẩy, sụp quỳ, ôm chầm cánh tay nhà vua, nức nở vì kinh hoàng tột độ. Ngô vương gượng cười:
- Không việc gì đâu, ngày mai trẫm sẽ lành ngay.
- Quân vương! Quân vương!...
Tây Thi nghẹn ngào, toàn thân run rẩy. Ngô vương đưa tay vuốt sẽ tóc nàng:
- Không việc gì đâu, Tây Thi!
Vương Tôn Hùng được tin, vào vấn an. Nhà vua nén đau phán bảo:
- Trẫm chỉ bị thuơng ngoài da... Khanh truyền cho mọi người biết ngày mai vẫn duyệt binh như thường.
Phù Sai là một anh hùng. Sẽ là bá chủ Trung Nguyên. Ngài không muốn để cho thần dân nhìn thấy Ngài bị thích khách đâm trọng thuơng.
Đêm ấy, giáp sĩ như rừng giữ chặt bốn bên Ngô cung bảo vệ nhà vua. Qua cơn say, bị đâm chảy máu, chẳng bao lâu nhà vua ngủ vùi. Nhưng Tây Thi thì không ngủ được. Nàng ngồi bên Ngô vương, để Thuộc Lâu bửu kiếm bên chân với ý rằng: Nếu có thích khách tới nữa thì nàng sẽ chống trả. Nàng muốn được như Cáo Tư, dùng thân che chở vua Ngô.
Trong khi ngủ, thỉnh thoảng Ngô vương cất tiếng rên khẽ... Anh hùng hay thường dân, lúc cơ thể mang thuơng tích đều có cách phản ứng như nhau. Nhưng tiếng rên của nhà vua lại làm cho Tây Thi khổ sở vô vàn. Những ý tưởng về anh hùng trong nàng lại một lần nữa bị dao động, bị tiêu diệt... Chỉ vì một tên thích khách mà một vị anh hùng đã ra nông nỗi! Nàng nhớ lúc Ngô vương một tay bịt miệng vết thuơng, trầm giọng hỏi:
- Ai sai khiến ngươi? Tề hay Việt?
Tề hay Việt đều có thể cho thích khách đến! Tây Thi thoắt lạnh lòng, mở to mắt, kêu thét...
Ngô vương choàng tỉnh. Trong mơ hồ, nhà vua nghĩ rằng Tây Thi thân yêu của ngài bị ác mộng. Ngài đưa tay sờ soạng tìm nàng, đồng thời bảo:
- Tây Thi, nàng đừng sợ, trẫm không việc gì đâu!
Bên ngoài có tiếng bước chân của võ sĩ tỏ ra họ đang có mặt.
Từ chỗ kinh hoàng, Tây Thi dần lấy lại bình tĩnh. Nàng ôm kiếm, ngã mình xuống, rúc người tựa ngực Ngô vương sám hối... Sám hối vì những quan niệm quốc gia và ái tình mà nàng không có cách nào tìm được lối thoát trong bao nhiêu mâu thuẫn: Thù hận của quốc gia và tình yêu của con người dằn vặt nàng, dày vò, xung đột mãi không thôi...
(1) Hội minh là họp lại để cam kết giữ thế hòa nhau; có cắt máu, hòa máu, uống máu thề nguyền không gây chiến.